BỘ CÔNG AN __________
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________
|
Số: 04/2010/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2010
|
THÔNG TƯ
Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15-9-2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08-9-1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;
Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Thông tư này quy định về nguyên tắc và nội dung thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng lượng Công an nhân dân (sau đây gọi chung là thực hiện dân chủ) và áp dụng đối với tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức Công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân
1. Thực hiện dân chủ nhằm phát huy trí tuệ, sáng tạo của tập thể và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của Công an nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
2. Thực hiện dân chủ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, chiến sĩ; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và Thủ trưởng đơn vị trong các mặt công tác về xây dựng lực lượng Công an nhân dân; ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân
1. Thực hiện dân chủ phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của cấp ủy Đảng đối với các mặt công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân, sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thủ trưởng, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng.
2. Thực hiện dân chủ trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Bộ Công an; bảo đảm công khai, minh bạch trên các mặt công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân; thực hiện đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Phát huy dân chủ nhưng đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm Hiến pháp, pháp luật, các quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an.
Điều 4. Nội dung thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân
Thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trên tất cả các mặt: công tác chính trị tư tưởng; công tác tổ chức cán bộ; công tác chính sách cán bộ; công tác tuyển sinh, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác Đảng, đoàn thể quần chúng; công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; công tác thông tin, tuyên truyền, lịch sử, bảo tàng truyền thống Công an nhân dân.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG NỘI BỘ CÔNG AN CÁC ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG
Điều 5. Trách nhiệm của Thủ trưởng trong lãnh đạo, quản lý đơn vị
1. Việc quản lý, điều hành đơn vị phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể bàn bạc thống nhất, Thủ trưởng đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm trước cấp trên về toàn bộ hoạt động của đơn vị mình.
2. Hàng tháng, quý, 6 tháng, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm duy trì sinh hoạt đơn vị để kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả công tác của đơn vị, chỉ rõ những ưu, khuyết điểm và đề ra các giải pháp nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác trong thời gian tới. Hàng năm, Thủ trưởng đơn vị phải chỉ đạo tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả công tác của đơn vị và hiệu quả công tác của từng cá nhân, nhận xét vào phiếu nhận xét cán bộ của cán bộ, chiến sĩ để lưu vào hồ sơ cán bộ.
3. Khi tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác hàng năm của đơn vị, Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị gồm toàn thể cán bộ, chiến sĩ (nếu đơn vị có số lượng dưới 30 cán bộ, chiến sĩ) hoặc đại biểu các đơn vị cấp dưới và các tổ chức đoàn thể quần chúng (nếu đơn vị có số lượng từ 30 cán bộ, chiến sĩ trở lên). Thủ trưởng đơn vị và cấp phó phải có báo cáo kiểm điểm về công tác lãnh đạo, chỉ huy đơn vị theo phân công và tiếp thu, giải đáp những ý kiến tham gia của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
4. Thủ trưởng đơn vị phải thực hiện đúng các quy định, quy trình, quy chế về công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân; các mặt công tác xây dựng lực lượng phải được bàn bạc thống nhất trong cấp ủy và lãnh đạo đơn vị.
5. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm quản lý cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và phải chịu trách nhiệm liên đới về các hành vi sai phạm, tiêu cực, vi phạm quy trình, quy chế công tác của cán bộ, chiến sĩ thuộc mình trực tiếp quản lý.
Điều 6. Những việc cán bộ, chiến sĩ tham gia ý kiến trước khi Thủ trưởng đơn vị quyết định
1. Những việc cán bộ, chiến sĩ tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua đại biểu để cấp ủy, lãnh đạo đơn vị bàn bạc, thống nhất, Thủ trưởng đơn vị quyết định hoặc đề nghị lên cấp có thẩm quyền quyết định:
a) Chương trình, kế hoạch công tác sáu tháng, năm;
b) Các biện pháp cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân;
c) Xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, chỉ huy;
d) Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;
đ) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị;
e) Các quy chế, quy trình công tác;
g) Tổ chức các phong trào thi đua;
h) Thực hiện chính sách cán bộ;
i) Đánh giá kết quả công tác của đơn vị;
k) Khen thưởng, kỷ luật cán bộ, chiến sĩ;
l) Công tác tuyển sinh, tuyển chọn, công tác hậu cần, tài chính;
m) Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ;
n) Các biện pháp quản lý cán bộ, phòng ngừa sai phạm của cán bộ, chiến sĩ;
o) Công tác lãnh đạo tổ chức, hoạt động phong trào của các đoàn thể quần chúng trong đơn vị.
2. Quy trình lấy ý kiến tham gia
a) Thủ trưởng đơn vị thông báo cho cán bộ, chiến sĩ về dự kiến nội dung giải quyết các vấn đề được quy định tại khoản 1 Điều này và yêu cầu trực tiếp nêu ý kiến với lãnh đạo đơn vị;
b) Tổ chức hội nghị để lấy ý kiến hoặc phát phiếu hỏi ý kiến cán bộ, chiến sĩ. Trên cơ sở đó, Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo bộ phận chức năng nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cán bộ, chiến sĩ và công khai kết quả lấy ý kiến cho cán bộ, chiến sĩ biết (trừ trường hợp có quy định riêng);
c) Trường hợp Thủ trưởng đơn vị có quyết định khác với ý kiến của cán bộ, chiến sĩ tham gia thì Thủ trưởng có trách nhiệm thông báo, giải thích rõ cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững và thống nhất thực hiện.
Điều 7. Những việc cán bộ, chiến sĩ giám sát, kiểm tra
1. Những việc cán bộ, chiến sĩ giám sát, kiểm tra
a) Việc thực hiện chương trình công tác hàng năm của đơn vị;
b) Thực hiện các quy định, quy chế, quy trình công tác chuyên môn của đơn vị;
c) Thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ;
d) Giải quyết các khiếu nại, tố cáo của cán bộ, chiến sĩ đối với Thủ trưởng đơn vị và khiếu nại, tố cáo của nhân dân đối với đơn vị và cá nhân cán bộ, chiến sĩ;
đ) Việc sử dụng các khoản kinh phí mà Bộ Công an hoặc cấp có thẩm quyền giao để phục vụ công tác (trừ các khoản kinh phí có quy định khác).
2. Việc giám sát, kiểm tra đối với những việc nêu trong khoản 1 Điều này được thực hiện thông qua sinh hoạt, kiểm điểm trong đơn vị, hội nghị sơ kết, tổng kết hàng năm hoặc cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đề xuất với cấp ủy, lãnh đạo đơn vị.
Điều 8. Chế độ thông báo công khai
1. Những việc sau đây phải thông báo công khai, kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ biết:
a) Chương trình, kế hoạch công tác hàng tuần, tháng, quý, sáu tháng, một năm của đơn vị;
b) Khen thưởng, kỷ luật, tuyển sinh, tuyển chọn, phân công công tác, điều động, luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chế độ, chính sách, thăng cấp, nâng lương, công tác đào tạo bồi dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ;
c) Kết quả giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong đơn vị;
d) Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, chiến sĩ và của nhân dân đối với đơn vị và cá nhân cán bộ, chiến sĩ;
đ) Kinh phí, ngân sách và các nguồn tài chính khác được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ về công khai tài chính.
2. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm thông báo cho cán bộ, chiến sĩ biết những nội dung được quy định tại khoản 1 Điều này thông qua các hình thức:
a) Thông báo bằng văn bản gửi đến cán bộ, chiến sĩ;
b) Thông báo tại hội nghị đơn vị;
c) Thông báo cho người phụ trách các bộ phận công tác của đơn vị để thông báo lại cho cán bộ, chiến sĩ.
Mục 2. THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA CÔNG AN CÁC ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG
Điều 9. Trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị
1. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm bố trí lịch tiếp, làm việc với Công an các đơn vị, địa phương đến liên hệ công tác. Việc tiếp, làm việc với Công an các đơn vị, địa phương phải đảm bảo hiệu quả, tránh hình thức. Trường hợp vì lý do đột xuất thay đổi lịch làm việc, phải thông báo kịp thời và bố trí lại lịch tiếp, làm việc với các đơn vị, địa phương hoặc ủy quyền cho cấp phó phụ trách lĩnh vực công tác tiếp, làm việc.
2. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo các bộ phận có liên quan chuẩn bị tốt nội dung các buổi tiếp, làm việc với Công an các đơn vị, địa phương. Kết quả làm việc phải được ghi lại và chuyển đến các bộ phận có liên quan để thực hiện. Những việc chưa giải quyết xong, phải thông báo và hẹn thời gian trả lời.
3. Thủ trưởng và cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ quản lý cán bộ, công tác tuyển sinh, tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, thực hiện các chính sách đối với cán bộ... không được lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để gây khó khăn cho Công an các đơn vị, địa phương.
4. Nghiêm cấm lãnh đạo đơn vị tiếp, làm việc với Công an các đơn vị, địa phương tại nhà riêng hoặc ngoài trụ sở đơn vị để giải quyết các công việc có liên quan đến công tác xây dựng lực lượng, trừ trường hợp đột xuất hoặc được lãnh đạo cấp trên một cấp cho phép.
Điều 10. Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong quan hệ công tác với Công an các đơn vị, địa phương
1. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải chấp hành nghiêm túc quy chế, lề lối làm việc, điều lệnh nội vụ, giữ đúng tư thế, tác phong của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về Quy tắc ứng xử của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức trong Công an nhân dân. Nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân lợi dụng chức trách, nhiệm vụ công tác của mình để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Công an các đơn vị, địa phương.
2. Cán bộ, chiến sĩ phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của các văn bản do mình soạn thảo và kết quả giải quyết công việc được giao, phải báo cáo trung thực với Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp về kết quả thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo đơn vị giao.
3. Khi làm việc, cán bộ, chiến sĩ phải mặc trang phục Công an nhân dân, đeo số hiệu theo quy định của điều lệnh Công an nhân dân, chỉ giải quyết công việc tại trụ sở làm việc, không giải quyết công việc tại nhà riêng hoặc ngoài trụ sở, trừ trường hợp được Thủ trưởng đơn vị trực tiếp cho phép.
4. Nghiêm cấm hành vi tặng quà dưới mọi hình thức khi giải quyết các công việc của đơn vị.
Điều 11. Việc tiếp nhận, xử lý công văn, giấy tờ, đơn, thư
1. Công văn, giấy tờ, đơn, thư của Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức và nhân dân gửi đến qua giao liên, bưu điện hoặc cá nhân trực tiếp mang đến đều phải vào sổ văn thư của đơn vị theo quy định.
2. Nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ trực tiếp nhận đơn, thư, giấy tờ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại nhà riêng hoặc ngoài trụ sở cơ quan, đơn vị, trừ trường hợp khẩn cấp sau đó phải báo cáo ngay cho lãnh đạo đơn vị để xử lý.
3. Tất cả các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ tiếp nhận công văn, giấy tờ, đơn thư của Công an các đơn vị, địa phương gửi đến phải chuyển nhanh nhất cho thủ trưởng có trách nhiệm xử lý và giúp thủ trưởng tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải quyết đảm bảo hiệu quả, chất lượng và đúng quy trình, thời hạn quy định.
4. Trường hợp nhận thấy công việc không đúng thẩm quyền giải quyết của mình, cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm phải thông báo, hướng dẫn ngay cho Công an các đơn vị, địa phương hoặc cá nhân liên quan đến liên hệ với đơn vị, địa phương có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền.
5. Cán bộ, chiến sĩ được giao giải quyết công việc theo yêu cầu, đề nghị của Công an các đơn vị, địa phương phải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, báo cáo lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, thông báo kết quả tới các đơn vị liên quan và bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của Bộ Công an.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01-3-2010.
Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng lực lượng của Công an nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 729/1998/QĐ-BCA(V19) ngày 09-11-1998 của Bộ trưởng Bộ Công an hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Điều 13. Trách nhiệm thi hành
1. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền quản lý và tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Vụ Pháp chế có trách nhiệm tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ tổ chức kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện Thông tư này.
3. Hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức sơ kết việc thực hiện Thông tư; định kỳ 5 năm một lần tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện của đơn vị, địa phương mình và báo cáo lãnh đạo Bộ để chỉ đạo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan phản ánh về Bộ Công an (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân và Vụ Pháp chế) để được hướng dẫn, giải đáp./.
|
BỘ TRƯỞNG Đại tướng Lê Hồng Anh
|