THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ---------- Số: 1070/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ, CÔNG NGHIỆP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
---------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tại Tờ trình số 1826/TTr-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2016 và Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Công văn số 1872/BNV-TCBC ngày 28 tháng 4 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập và quy định vị trí, chức năng của Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế
1. Thành lập Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được thành lập theo Quyết định số 385/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 40/1999/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Ban Quản lý là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
3. Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, có tài khoản, trụ sở làm việc và con dấu hình quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý
Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại:
1. Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.
2. Điều 37 và Điều 38 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và khoản 21 Điều 1 Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP.
3. Điều 11 Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền.
4. Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban Quản lý
1. Lãnh đạo Ban Quản lý:
Ban Quản lý có Trưởng ban và không quá 03 Phó Trưởng ban.
Trưởng ban, các Phó Trưởng ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế bổ nhiệm; việc điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ chính sách khác đối với Trưởng ban, Phó Trưởng ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định theo quy định của pháp luật.
2. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý, gồm: Văn phòng; các phòng chuyên môn, nghiệp vụ; các Văn phòng Đại diện; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
3. Biên chế: Biên chế công chức và số lượng viên chức của Ban Quản lý được tính trong tổng số biên chế công chức và số lượng viên chức của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương để quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Quản lý theo thẩm quyền.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành. Bãi bỏ Quyết định số 385/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Quyết định số 40/1999/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - BQL khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, TCCV (3b).KN | THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc |