Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 219-QĐ/TW 2013 chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 219-QĐ/TW
Cơ quan ban hành: | Ban Bí thư | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 219-QĐ/TW | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Lê Hồng Anh |
Ngày ban hành: | 27/12/2013 | Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Cơ cấu tổ chức |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 219-QĐ/TW
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BAN BÍ THƯ Số: 219-QĐ/TW |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2013 |
QUY ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY CƠ QUAN CHUYÊN TRÁCH THAM MƯU, GIÚP VIỆC TỈNH UỶ, THÀNH ỦY
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI;
- Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”;
Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thành uỷ như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1- Quy định này điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ).
2- Cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ trong Quy định gồm: văn phòng, ban tổ chức, cơ quan uỷ ban kiểm tra, ban tuyên giáo, ban dân vận.
Ban nội chính tỉnh uỷ thực hiện theo Quy định số 183-QĐ/TW, ngày 08-4-2013 của Ban Bí thư.
Điều 2. Nguyên tắc tổ chức
1- Bảo đảm tham mưu, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của tỉnh uỷ, không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc.
2- Bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; không nhất thiết cơ quan đảng ở Trung ương có vụ, cục,... nào thì ở tỉnh uỷ cũng có tổ chức tương ứng. Việc lập hoặc không lập tổ chức tương ứng trong từng cơ quan phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, do ban thường vụ tỉnh uỷ xem xét, quyết định.
3-Biên chế tinh gọn; tăng cường kiêm nhiệm một số chức danh; bảo đảm cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm.
Điều 3. Nhiệm vụ chung của cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ
1- Nghiên cứu, đề xuất.
2- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát,
3- Thẩm định, thẩm tra,
4- Phối hợp.
5- Thực hiện một số nhiệm vụ do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ
Điều 4. Văn phòng tỉnh uỷ
1- Chức năng
1.1- Là cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ và thường trực tỉnh uỷ trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động các cơ quan tham mưu, giúp việc; tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, đối ngoại; nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản của đảng bộ; là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh uỷ.
1.2- Trực tiếp quản lý tài sản, tài chính của tỉnh uỷ và các cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của cấp ủy.
2- Nhiệm vụ:
2.1- Nghiên cứu, đề xuất:
a) Chương trình công tác của ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ; giúp ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc.
b) Tham mưu, đề xuất, thực hiện công tác đối ngoại của tỉnh uỷ.
c) Sơ kết, tổng kết công tác văn phòng cấp uỷ.
2.2- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát:
a) Công tác thông tin phục vụ sự lãnh đạo của tỉnh uỷ; chế độ cung cấp thông tin cho cấp uỷ viên và các tổ chức; theo dõi, đôn đốc các tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, các cơ quan liên quan thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
b) Tiếp nhận, phát hành và quản lý các tài liệu, văn bản đến và đi; quản lý, khai thác mạng cơ yếu của tỉnh uỷ. Chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác thông tin, báo cáo phục vụ sự lãnh đạo của cấp uỷ và chế độ lưu trữ bảo mật của Đảng, Nhà nước ở văn phòng cấp uỷ dưới theo quy định.
c) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng, công tác tài chính, tài sản của Đảng ở các tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ và văn phòng cấp uỷ cấp dưới; thực hiện kiểm tra, giám sát về nghiệp vụ tài chính – kế toán ở các đảng bộ và tổ chức trực thuộc tỉnh uỷ.
2.3- Thẩm định, thẩm tra:
a) Đề án, văn bản của các cơ quan, tổ chức trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ về: yêu cầu, phạm vi, quy trình, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản.
b) Nội dung đề án, văn bản thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, đối ngoại trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ (nếu có khả năng hoặc được ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao).
2.4- Phối hợp:
a) Với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tham gia với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương về công tác tư pháp; tham gia ý kiến với cơ quan nhà nước trong việc cụ thể hoá chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
b) Với các cơ quan liên quan xây dựng một số đề án, văn bản, chương trình hành động do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao; biên tập hoặc thẩm định văn bản trước khi ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ ban hành.
c) Với ban tổ chức tỉnh uỷ trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của văn phòng tỉnh uỷ và văn phòng cấp uỷ trực thuộc theo phân cấp.
d) Với các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ để tham mưu giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Trung ương và của tỉnh uỷ về công tác xây dựng đảng; về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; việc thực hiện chủ trương, chế độ, nguyên tắc quản lý tài chính, tài sản của tỉnh uỷ.
đ) Với cơ quan chức năng nhà nước trong việc quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện dự án cho các cơ quan đảng theo đúng quy định của pháp luật.
2.5- Thực hiện một số nhiệm vụ do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao:
a) Là đầu mối giúp thường trực tỉnh uỷ xử lý công việc hằng ngày; tham mưu sắp xếp chương trình công tác của đồng chí bí thư, các phó bí thư và một số hoạt động của các đồng chí uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ theo quy chế làm việc và chương trình công tác; phối hợp, điều hoà hoạt động các cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ.
b) Tiếp nhận và xử lý đơn, thư gửi đến tỉnh uỷ; kiến nghị với thường trực tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ xử lý những đơn, thư có nội dung quan trọng; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết một số đơn thư được thường trực tỉnh uỷ giao. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tiếp công dân.
c) Tổng hợp tình hình tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của tỉnh uỷ và hoạt động của các cấp uỷ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan thuộc tỉnh uỷ. Giúp tỉnh uỷ thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất.
d) Quản lý, tổ chức khai thác tài liệu Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc thẩm quyền thu thập của lưu trữ lịch sử đảng bộ tỉnh, bao gồm tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội; giúp thường trực tỉnh uỷ chỉ đạo và trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương theo quy định của pháp luật về lưu trữ, các quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Văn phòng Trung ương Đảng.
đ) Là đại diện chủ sở hữu tài sản của tỉnh uỷ; trực tiếp quản lý tài chính, tài sản, chỉ tiêu ngân sách đảng. Thực hiện thẩm tra quyết toán tài chính ngân sách đảng của các tổ chức đảng và đảng bộ trực thuộc. Bảo đảm điều kiện vật chất và các trang thiết bị phục vụ hoạt động của tỉnh uỷ; đồng thời bảo đảm tài chính và cơ sở vật chất khác cho các cơ quan trực thuộc tỉnh uỷ theo phân công, phân cấp.
e) Tổ chức quản lý, khai thác, ứng dụng, bảo vệ mạng thông tin diện rộng của đảng bộ; hướng dẫn công nghệ thông tin, nghiệp vụ công tác cơ yếu cho văn phòng cấp uỷ cấp dưới và các cơ quan đảng thuộc tỉnh uỷ.
g) Tham gia tổ chức, phục vụ đại hội đảng bộ tỉnh; hội nghị tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ; các hội nghị do thường trực tỉnh uỷ triệu tập; các cuộc làm việc của bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ.
h) Thực hiện một số nhiệm vụ khác khi được ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao.
3- Tổ chức, bộ máy
3.1- Lãnh đạo văn phòng tỉnh uỷ:
Gồm chánh văn phòng và không quá 3 phó chánh văn phòng. Riêng Văn phòng Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không quá 4 phó chánh văn phòng.
3.2- Các đơn vị trực thuộc:
- Phòng Tổng hợp.
- Phòng Hành chính, tiếp dân.
- Phòng Lưu trữ.
- Phòng Quản trị.
- Phòng Tài chính đảng.
- Phòng Cơ yếu – Công nghệ thông tin.
Ngoài ra, theo tình hình thực tế của địa phương có thể lập thêm phòng (trung tâm) phù hợp, do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quyết định, nhưng tối đa không quá 7 phòng (trung tâm).
Các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Đảng (nếu có) thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật.
4- Biên chế
Biên chế chung của văn phòng tỉnh uỷ từ 45-55 người (không bao gồm thường trực tỉnh uỷ), Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Nghệ An từ 50 – 60 người. Văn phòng Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh từ 60 – 70 người.
Điều 5. Ban Tổ chức
1- Chức năng
1.1- Là cơ quan tham mưu của tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ và thường trực tỉnh uỷ về công tác tổ chức xây dựng đảng gồm: tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của hệ thống chính trị trong tỉnh.
1.2- Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của tỉnh uỷ.
2- Nhiệm vụ
2.1- Nghiên cứu, đề xuất:
a) Tham mưu xây dựng nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về công tác tổ chức xây dựng đảng; cụ thể hoá chủ trương, chính sách, giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ.
b) Xây dựng đề án về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ đảng thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
c) Tham mưu về công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương theo phân cấp quản lý.
d) Sơ kết, tổng kết về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
2.2- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát:
a) Công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, thi hành Điều lệ Đảng đối với các cấp uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức có liên quan trực thuộc tỉnh uỷ theo phân cấp. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát; đồng thời tham mưu cho cấp uỷ thực hiện kiểm tra, giám sát công tác tổ chức xây dựng đảng của các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc.
b) Nghiệp vụ công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức của các tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ.
c) Thực hiện phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
d) Công tác phát triển đảng viên, quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, hồ sơ đảng viên, cơ sở dữ liệu đảng viên, giới thiệu sinh hoạt đảng, xét tặng huy hiệu Đảng, cấp phát thẻ đảng viên, giải quyết khiếu nại, xoá tên đảng viên và vấn đề đảng tịch cho đảng viên trong đảng bộ.
2.3- Thẩm định, thẩm tra:
a) Các đề án, văn bản về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của cấp uỷ cấp dưới, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan trực thuộc tỉnh uỷ trước khi trình thường trực, ban thường vụ và tỉnh uỷ.
b) Tham gia thẩm định đề án, văn bản về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, các sở, ban, ngành và các cơ quan trong tỉnh theo phân cấp.
c) Thẩm định và trình ban thường vụ tỉnh uỷ nhân sự dự kiến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp quản lý.
d) Thẩm tra, xác minh đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có vấn đề về chính trị theo quy định.
2.4- Phối hợp:
a) Với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ.
b) Với sở nội vụ và các sở, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện, thể chế hoá các nghị quyết, quyết định của Đảng về lĩnh vực tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, bảo vệ chính trị nội bộ theo phân công, phân cấp.
c) Chủ trì phối hợp với các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh hướng dẫn xây dựng và kiểm tra thực hiện quy chế làm việc, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện và các đảng uỷ trực thuộc.
d) Chủ trì tham mưu, đề xuất chế độ, chính sách, khen thưởng và kỷ luật theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Là cơ quan thường trực về công tác thi đua, khen thưởng, tuyển dụng, nâng ngạch, xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh uỷ theo phân cấp.
2.5- Thực hiện một số nhiệm vụ do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao:
a) Giúp tỉnh uỷ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ; thẩm định và tham mưu cho ban thường vụ tỉnh uỷ phê duyệt quy hoạch các chức danh cán bộ thuộc diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý; đồng thời tham mưu thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng gắn với quy hoạch đội ngũ cán bộ của đảng bộ theo phân cấp.
b) Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở khối đảng, đoàn thể ở địa phương. Phối hợp với ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ đối với cán bộ diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý.
c) Quản lý hồ sơ cán bộ diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý và cán bộ, đảng viên có vấn đề về chính trị theo quy định của Bộ Chính trị.
d) Tham mưu, giải quyết các vấn đề về đảng tịch; giải quyết hoặc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo các vấn đề về chính trị của cán bộ thuộc diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý.
đ) Được cử cán bộ dự các cuộc họp, hội nghị bàn về công tác xây dựng Đảng thuộc lĩnh vực tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của các sở, ban, ngành, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp uỷ trực thuộc, các cơ quan liên quan.
e) Thực hiện thống kê cơ bản về công tác tổ chức, cán bộ; công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên ở địa phương để báo cáo ban thường vụ tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Trung ương theo định kỳ và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
g) Thực hiện các công việc khác khi được ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao.
3- Tổ chức bộ máy
3.1- Lãnh đạo ban:
Gồm trưởng ban và không quá 4 phó trưởng ban, trong đó có 1 phó trưởng ban kiêm nhiệm là giám đốc sở nội vụ. Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 5 phó trưởng ban.
3.2- Các đơn vị trực thuộc:
- Văn phòng.
- Phòng Tổ chức – cán bộ.
- Phòng Huyện, cơ sở đảng, đảng viên (hoặc phòng tổ chức đảng – đảng viên).
- Phòng bảo vệ chính trị nội bộ.
Ngoài ra, theo tình hình thực tế của địa phương có thể lập phòng chính sách cán bộ, hoặc phòng (trung tâm) đào tạo cán bộ... nhưng không quá 5 phòng (trung tâm); Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không quá 7 phòng, do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quyết định.
4- Biên chế
Biên chế chung của ban tổ chức tỉnh uỷ từ 25 – 35 người. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Nghệ An từ 35-45 người. Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh từ 50-60 người.
Điều 6. Cơ quan uỷ ban kiểm tra
1- Chức năng
1.1- Là cơ quan tham mưu giúp tỉnh uỷ, uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong đảng bộ tỉnh theo quy định của Điều lệ Đảng; thực hiện các nhiệm vụ do tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ giao.
1.2- Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng của tỉnh uỷ.
2- Nhiệm vụ
2.1- Nghiên cứu, đề xuất:
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ trong nhiệm kỳ và hằng năm; chuẩn bị các vụ việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, các đề án về công tác kiểm tra, giám sát của đảng bộ trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ xem xét, quyết định theo thẩm quyền; các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về công tác kiểm tra, giám sát của tỉnh uỷ.
b) Thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên (theo quy định tại Điều 30 và Điều 32, Điều lệ Đảng).
c) Giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ thành lập đoàn kiểm tra giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng; xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của tỉnh uỷ, uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ.
d) Đề xuất ý kiến đóng góp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong đảng bộ.
đ) Sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát.
2.2- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát:
a) Giúp uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp và đảng viên trong đảng bộ tỉnh thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; giúp uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng cho uỷ ban kiểm tra và tổ chức đảng cấp dưới; tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra cấp dưới.
b) Kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra cấp dưới. Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của uỷ ban kiểm tra theo Điều lệ Đảng quy định; quy chế làm việc, chương trình công tác kiểm tra, giám sát hằng năm.
2.3- Thẩm định, thẩm tra:
Thẩm định đề án, văn bản của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh về những nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng khi có yêu cầu.
2.4- Phối hợp:
a) Chủ trì xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm của tỉnh uỷ.
b) Với văn phòng tỉnh uỷ, ban tổ chức tỉnh uỷ và các cơ quan liên quan giúp tỉnh uỷ theo dõi, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của tỉnh uỷ.
c) Với ban tổ chức tỉnh uỷ trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ; tham gia công tác cán bộ theo phân cấp quản lý; tham gia ý kiến về các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức do cơ quan chức năng đề nghị khen thưởng theo phân cấp; hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan uỷ ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra cấp dưới.
2.5- Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ và một số nhiệm vụ khác do tỉnh uỷ, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao:
a) Bố trí, phân công cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ và của cấp uỷ. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác hằng tháng, quý, 6 tháng, 1 năm.
b) Thực hiện thông tin tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; giúp ban thường vụ tỉnh uỷ và uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
c) Kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp uỷ trực thuộc theo các quy định của Đảng.
d) Xây dựng, quản lý sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ theo thẩm quyền.
đ) Giúp uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ duyệt kế hoạch công tác hằng năm của các phòng và văn phòng thuộc cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ.
e) Đảm bảo kinh phí và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác của uỷ ban kiểm tra và cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ.
g) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của uỷ ban kiểm tra và cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ. Thực hiện việc thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất với ban thường vụ tỉnh uỷ, Uỷ ban Kiểm tra tra Trung ương theo quy định.
h) Giúp uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ thực hiện các nhiệm vụ khác khi được tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ giao.
3- Tổ chức bộ máy
3.1- Lãnh đạo cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ:
Gồm chủ nhiệm và không quá 3 phó chủ nhiệm. Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không quá 5 phó chủ nhiệm.
Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ là thủ trưởng cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ; các phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ là phó thủ trưởng cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ.
Số lượng, cơ cấu uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
3.2- Các đơn vị trực thuộc:
- Văn phòng.
- Từ 3 đến 4 phòng nghiệp vụ.
Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không quá 6 phòng nghiệp vụ. Việc lập các phòng nghiệp vụ do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quyết định.
4- Biên chế
Biên chế chung của cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ từ 25-35 người. Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Nghệ An từ 35-45 người. Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh từ 50 - 60 người.
Điều 7. Ban Tuyên giáo
1- Chức năng
1.1- Là cơ quan tham mưu của tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ và thường trực tỉnh uỷ về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.
1.2- Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của tỉnh uỷ.
2- Nhiệm vụ
2.1- Nghiên cứu, đề xuất:
a) Nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận xã hội, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng – văn hoá trong địa bàn tỉnh. Dự báo những diễn biến, xu hướng tư tưởng có thể xảy ra, kịp thời báo cáo, kiến nghị với tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, biện pháp giải quyết.
b) Các đề án, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về công tác tuyên giáo, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.
c) Đánh giá hoạt động, nghiên cứu, đề xuất phương hướng, chính sách, cơ chế, giải pháp trên lĩnh vực tuyên giáo.
d) Tham gia với chính quyền địa phương trong việc vận dụng, thể chế các quy định của cấp trên về các lĩnh vực có liên quan đến công tác tuyên giáo.
c) Sơ kết, tổng kết về công tác tuyên giáo.
2.2- Tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát:
a) Tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng. Kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh về thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của tỉnh uỷ trong lĩnh vực tuyên giáo.
b) Tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị, thông tin thời sự, tuyên truyền chính sách theo các chương trình, kế hoạch triển khai của Trung ương và tỉnh uỷ, Bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho ban tuyên giáo, cấp uỷ cấp dưới, các đảng bộ cơ sở, trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.
c) Tham mưu giúp cấp uỷ chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, xuất bản. Tổ chức mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra nội dung thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà xuất bản do địa phương quản lý.
d) Sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ tỉnh; hướng dẫn sưu tầm biên soạn lịch sử đảng bộ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đảng bộ xã, phường, thị trấn.
đ) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, đất nước.
2.3- Thẩm định, thẩm tra:
Đề án, văn bản của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan đến lĩnh vực tư tưởng – văn hoá, khoa giáo, lịch sử đảng bộ địa phương trước khi trình thường trực tỉnh uỷ, ban thường vụ và tỉnh uỷ.
2.4- Phối hợp:
a) Với các cơ quan hữu quan đề xuất về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ ở địa phương. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh uỷ để quản lý báo chí, xuất bản và xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản; với ban tổ chức tỉnh uỷ đề xuất chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ nhân tài.
b) Với các cơ quan chức năng tham gia công tác xây dựng Đảng đối với các đảng bộ khối tuyên giáo trực thuộc tỉnh uỷ.
c) Với ban tổ chức tỉnh uỷ trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ban tuyên giáo tỉnh uỷ. Tham gia ý kiến về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ trong khối và cán bộ tuyên giáo cấp uỷ trực thuộc theo phân cấp quản lý.
2.5- Thực hiện một số nhiệm vụ do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao:
a) Chỉ đạo định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan văn hoá, văn nghệ, cơ quan thông tin, tuyên truyền ở địa phương, các hội văn học – nghệ thuật, hội nhà báo, đảm bảo hoạt động đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
b) Chỉ đạo nội dung giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
c) Giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng trong đội ngũ trí thức, nhà khoa học và trong sinh viên, học sinh ở địa phương.
d) Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất với ban thường vụ tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Trung ương theo quy định.
đ) Là cơ quan thường trực một số ban chỉ đạo của tỉnh uỷ thuộc lĩnh vực tuyên giáo. Thực hiện các công việc khác do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao.
3- Tổ chức bộ máy
3.1- Lãnh đạo ban:
Gồm trưởng ban và không quá 3 phó trưởng ban. Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 5 phó trưởng ban.
3.2- Các đơn vị trực thuộc:
- Văn phòng.
- Phòng Lý luận chính trị và lịch sử Đảng.
- Phòng Tuyên truyền – báo chí – xuất bản.
- Phòng Văn hoá – Văn nghệ.
- Phòng Khoa giáo.
Ngoài ra, theo tình hình thực tế của địa phương, có thể lập Phòng (Trung tâm) thông tin công tác tuyên giáo, hoặc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Phòng Lý luận chính trị và Phòng Lịch sử Đảng,... nhưng không quá 6 phòng (trung tâm). Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có Phòng Báo chí – Xuất bản, nhưng không quá 7 phòng. Việc lập các phòng (trung tâm) trên do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ quyết định.
4- Biên chế:
Biên chế chung của ban tuyên giáo tỉnh uỷ từ 25-30 người. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Nghệ An từ 35-45 người. Ban Tuyên giáo thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh từ 50-60 người.
Điều 8. Ban Dân vận
1- Chức năng
Là cơ quan tham mưu của tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ và thường trực tỉnh uỷ về công tác dân vận (bao gồm cả công tác dân tộc, tôn giáo).
2- Nhiệm vụ
2.1- Nghiên cứu, đề xuất:
a) Những chủ trương, giải pháp về công tác dân vận của tỉnh uỷ và ban thường vụ tỉnh uỷ. Chủ trì hoặc giam gia chuẩn bị nghị quyết đại hội, các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, chương trình công tác dân vận của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
b) Tham mưu cho tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
c) Theo dõi, tổng hợp tình hình nhân dân (bao gồm cả tình hình dân tộc, tôn giáo, các giai tầng xã hội, các vấn đề bức xúc trong nhân dân) để báo cáo và tham mưu với tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
d) Sơ kết, tổng kết về công tác dân vận.
2.2- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát:
a) Việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng về công tác dân vận.
b) Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhân dân nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng trong nhân dân và phong trào quần chúng để kịp thời báo cáo, tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo tốt công tác dân vận và xử lý những vấn đề mới phát sinh.
c) Hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân vận cho cấp uỷ và cán bộ làm công tác dân vận của các cấp trong đảng bộ tỉnh.
d) Tham gia ý kiến với các cơ quan chính quyền trong việc thể chế hoá nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng về công tác dân vận; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
2.3- Phối hợp:
a) Với ban tổ chức tỉnh uỷ trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ban dân vận tỉnh uỷ. Tham gia ý kiến về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ trong khối và cán bộ dân vận cấp uỷ trực thuộc theo phân cấp quản lý.
b) Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan trong các hoạt động chung về công tác dân vận; công tác nghiên cứu, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin... về công tác dân vận ở địa phương.
c) Với Mặt trận Tổ quốc tỉnh để vận động nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và chức sắc trong tôn giáo.
d) Với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng cấp tỉnh tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
2.4. Thẩm định, thẩm tra:
a) Các đề án, văn bản về công tác dân vận trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
b) Tham gia thẩm định các đề án, dự án thuộc lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh... có liên quan mật thiết đến công tác dân vận; các đề án, dự án có liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân và công tác dân vận của hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân.
2.5- Thực hiện một số nhiệm vụ do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao:
a) Giúp cấp uỷ nắm tình hình và tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng ở địa phương.
b) Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; nắm tình hình và tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo hoạt động công tác dân vận của các cơ quan nhà nước ở địa phương.
c) Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất với ban thường vụ tỉnh uỷ, Ban Dân vận Trung ương theo quy định.
d) Thực hiện những công việc khác do tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ giao.
3- Tổ chức bộ máy
3.1- Lãnh đạo ban:
Gồm trưởng ban và không quá 3 phó trưởng ban. Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 4 phó trưởng ban.
3.2- Các đơn vị trực thuộc:
- Văn phòng.
- Phòng Đoàn thể và các hội.
- Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước.
- Phòng Dân tộc và Tôn giáo.
4- Biên chế:
Biên chế chung của ban dân vận tỉnh uỷ từ 18-21 người. Ban Dân vận Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Nghệ An từ 20-25 người; Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội, Ban Dân vận Thành uỷ Thành phố Hồ Chí minh từ 25-30 người.
Điều 9. Về tiêu chuẩn chức danh và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức
1- Về tiêu chuẩn chức danh
Việc xác định tiêu chuẩn chức danh, vị trí làm việc và cơ cấu ngạch công chức, viên chức trong mỗi cơ quan, đơn vị do các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ xây dựng, ban thường vụ tỉnh uỷ quyết định phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.
2- Về cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức
2.1- Đối với văn phòng tỉnh uỷ: bố trí cán bộ, công chức hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của văn phòng. Trong đó, phải có tối thiểu 60% biên chế trở lên làm công tác tham mưu, tổng hợp.
2.2- Đối với cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ khác: bảo đảm cơ cấu cán bộ, công chức hợp lý để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan. Trong đó, có tối thiểu từ 80% biên chế trở lên làm công tác tham mưu, tổng hợp.
Chương III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 10. Quan hệ với tỉnh uỷ, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ và các cơ quan tham mưu, giúp việc ở Trung ương
1- Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo về mọi mặt của tỉnh uỷ, trực tiếp và thường xuyên là ban thường vụ và thường trực tỉnh uỷ; thực hiện chế độ báo cáo, tham mưu đề xuất các vấn đề thuộc trách nhiệm của lĩnh vực được phân công với ban thường vụ và thường trực tỉnh uỷ.
2- Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ định kỳ báo cáo, thống kê cơ bản về nhiệm vụ công tác với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan tham mưu giúp việc tương ứng của Ban Chấp hành Trung ương theo quy định.
Điều 11. Quan hệ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh
Quan hệ giữa các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh là quan hệ phối hợp.
1- Trong phạm vi lĩnh vực công tác, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của tỉnh uỷ.
2- Phối hợp nghiên cứu hướng dẫn triển khai nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận và kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được tỉnh uỷ giao.
Điều 12. Quan hệ với thường trực hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân tỉnh
Quan hệ giữa các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ với thường trực hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân tỉnh là quan hệ phối hợp.
1- Khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu có gắn với công tác quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ phối hợp với thường trực hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, các cơ quan đảng, nhà nước, tạo điều kiện, hỗ trợ lẫn nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
2- Tại kỳ họp hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân tỉnh bàn chủ trương, quyết định, chính sách, chế độ... có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thì đại diện lãnh đạo cơ quan đó được mời dự, tham gia ý kiến. Những nội dung cần thiết, lãnh đạo cơ quan làm việc trực tiếp với thường trực hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân để phối hợp thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên.
Điều 13. Quan hệ với cấp uỷ và các ban tham mưu, giúp việc của cấp uỷ cấp dưới
1- Quan hệ giữa các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ với cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ là quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng dẫn, góp ý trong việc thực hiện công tác chuyên môn và công tác tổ chức và cán bộ theo phân cấp.
2- Quan hệ giữa các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp uỷ trực thuộc tỉnh uỷ là quan hệ hướng dẫn, kiểm tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công về chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Điều khoản thi hành
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quy định số 222-QĐ/TW, ngày 8-5-2009 của Ban Bí thư khoá X và được thực hiện thống nhất trong toàn Đảng.
Các ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo, xây dựng và ban hành chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thành uỷ để thống nhất thực hiện.
Giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo Ban Bí thư xem xét bổ sung, sửa đổi kịp thời.
|
T/M BAN BÍ THƯ |