THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 1021/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ
KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG, TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2025
-------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh phú Thọ đến năm 2015;
Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 100/TTr-BVHTTDL ngày 22 tháng 6 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên đồ án quy hoạch: Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025.
2. Ranh giới, phạm vi nghiên cứu:
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích là 845ha, nằm trong phạm vi Khu di tích lịch sử Đền Hùng theo Quyết định 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2004 được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp xã Phù Ninh và Tiên Kiên;
- Phía Nam giáp xã Thanh Đình, và Thụy Vân;
- Phía Đông giáp xã Vân Phú, Hy Cương và Phù Ninh;
- Phía Tây giáp xã Tiên Kiên, Chu Hóa và thị trấn Hùng Sơn.
3. Mục tiêu lập quy hoạch
a) Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
b) Tổ chức các hạng mục công trình xây dựng mới để tạo lập các không gian tưởng niệm, tôn vinh các vua Hùng và các bậc tiền nhân thời đại Hùng Vương; đưa Khu di tích lịch sử Đền Hùng thành một điểm du lịch hấp dẫn, thành phần quan trọng nhất của thành phố Việt Trì, thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
c) Xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư và khu vực cảnh quan xung quanh; tổ chức hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và tôn tạo khu di tích.
d) Định hướng kế hoạch tổng thể quản lý và đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Xác định lộ trình và các nhóm giải pháp chính để triển khai các dự án.
đ) Làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai lập và quản lý quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng.
4. Tính chất
a) Là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt, quan trọng của đất nước.
b) Khu du lịch quốc gia với các sản phẩm chủ yếu là du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tín ngưỡng - tâm linh và du lịch sinh thái.
5. Đối tượng nghiên cứu
a) Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Hùng, bao gồm: các công trình di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ và cảnh quan thiên nhiên xung quanh.
b) Các giá trị văn hóa phi vật thể, bao gồm: các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, truyền thuyết dân gian, dân ca...
c) Các yếu tố liên quan về kinh tế - xã hội, dân cư, môi trường, các thể chế và chính sách có liên quan.
d) Thực trạng đầu tư xây dựng tại khu di tích.
6. Nội dung và yêu cầu nghiên cứu
a) Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá
- Đánh giá hiện trạng quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực quy hoạch:
+ Đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2004; những khó khăn, hạn chế trong việc lập và phê duyệt các quy hoạch chi tiết, tiến độ lập các nhóm dự án thành phần;
+ Xác định cấu trúc quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan trên cơ sở kế thừa các nội dung đã thực hiện theo Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2004;
+ Xác định danh mục các công trình, di tích cần nghiên cứu, khảo sát bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hệ thống các di tích;
+ Đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực nghiên cứu, tình trạng giao thông, nguồn nước và cấp nước, nước thải và vệ sinh môi trường, cấp điện và thông tin liên lạc;
+ Đánh giá hiện trạng hệ thống động, thực vật, mối quan hệ giữa cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân tạo.
- Nghiên cứu, khảo sát di tích:
+ Khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích, hoàn thiện hồ sơ hệ thống di tích và hiện trạng quản lý di tích; tập hợp, xác định các tài liệu đã có, đề xuất nhu cầu tài liệu cần bổ sung;
+ Đề xuất nghiên cứu khảo cổ bổ sung trong khu vực di tích.
- Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng các giá trị văn hóa phi vật thể, bao gồm: sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống, truyền thuyết dân gian, dân ca...
- Đánh giá các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, lao động, thực trạng hoạt động du lịch trong khu vực quy hoạch (giai đoạn 2010 - 2015);
- Phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án đầu tư theo Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2004.
- Phân tích đề xuất việc điều chỉnh phạm vi của quy hoạch.
b) Dự báo phát triển và xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khu vực quy hoạch
- Dự báo tăng trưởng kinh tế - xã hội, dân số, lao động.
- Dự báo về nhu cầu du lịch và các dịch vụ kèm theo.
- Các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật của khu vực quy hoạch phù hợp với yêu cầu về bảo tồn, trên cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, pháp luật hiện hành của Nhà nước.
c) Các định hướng phát triển của khu di tích
- Xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di tích, khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực đã xây dựng và khu vực xây dựng mới.
- Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: Phương hướng chung đối với bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch; danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục di tích; nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
- Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.
- Định hướng tổ chức không gian, phân khu chức năng; các hạng mục công trình kiến trúc xây dựng mới, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng; định hướng cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch tổng thể di tích.
d) Dự báo tác động môi trường; đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường trong khu vực quy hoạch tổng thể di tích.
đ) Đề xuất các dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên các dự án thành phần và nguồn vốn đầu tư cho các nhóm dự án giai đoạn đến 2025:
- Các nhóm dự án được giữ nguyên theo Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2004, tiếp tục được nghiên cứu trong quy hoạch, bao gồm: Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ khu di tích; dự án khu Trung tâm lễ hội; dự án bảo vệ, tu bổ, xây dựng khu rừng Quốc gia; dự án hạ tầng kỹ thuật; dự án hỗ trợ phát triển kinh tế vùng ven; dự án Tháp Hùng Vương.
- Các nhóm dự án nghiên cứu để xem xét bổ sung: Dự án xây dựng tượng đài Hùng Vương (đề xuất các phương án để lựa chọn).
e) Đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch:
7. Thành phần hồ sơ
- Thành phần hồ sơ “Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025” thực hiện theo quy định tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định pháp luật khác về xây dựng. Trong đó:
a) Phần bản vẽ, bao gồm:
- Bản đồ vị trí di tích trên nền bản đồ đo đạc địa hình khu vực tỷ lệ 1/5.000;
- Bản đồ mối liên hệ vùng tỷ lệ 1/10.000 - 1/25.000;
- Bản đồ hiện trạng tổng hợp về sử dụng đất, kiến trúc, cảnh quan, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và đánh giá quỹ đất xây dựng trên nền bản đồ đo đạc địa hình khu vực và bản đồ quy hoạch xây dựng khu vực (đã được phê duyệt và còn hiệu lực) tỷ lệ 1/2.000;
- Bản đồ định hướng tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan tỷ lệ 1/2.000;
- Bản đồ xác định các khu vực bảo vệ và cắm mốc giới di tích; bản đồ xác định khu vực cần giải tỏa vi phạm di tích tỷ lệ 1/2.000;
- Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/2.000;
- Bản đồ quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật tỷ lệ 1/2.000.
b) Điều lệ quản lý quy hoạch.
c) Báo cáo thuyết minh tổng hợp; các văn bản thỏa thuận chủ trương, thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch và văn bản khác có liên quan.
d) Dự thảo Tờ trình phê duyệt đồ án quy hoạch.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
2. Cơ quan chủ trì thẩm định và trình duyệt quy hoạch: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Cơ quan quản lý lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ
4. Cơ quan chủ đầu tư: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
5. Thời gian lập quy hoạch: Trong năm 2015.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí liên quan đến công tác lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ: VHTTDL, KHĐT, TC, XD, GTVT, CA, QP, TNMT; - Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ; - Cục DSVH (Bộ VHTTDL); - Hội đồng DSVH quốc gia; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTN, KTTH, V.III; - Lưu: Văn thư, KGVX (3b). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Vũ Đức Đam |