Trả lời:
Về việc cản trở quyền nuôi con
Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Căn cứ quy định trên, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Trường hợp người cha, mẹ lạm dụng việc thăm nom con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, việc chồng cũ của bạn cản trở việc nuôi dưỡng con của bạn bằng cách đón con về nuôi và anh không cho hai mẹ con gặp nhau là vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 82 nêu trên.
Bạn có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án gửi đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự.
Điều 7 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi năm 2014) quy định như sau:
“1. Người được thi hành án có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này;”
Hoặc bạn có thể giải quyết với chồng cũ của bạn về việc này, nếu không giải quyết được, bạn có thể làm đơn khởi kiện ra tòa để yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của chồng cũ bạn.
Về chia tài sản chung sau ly hôn
Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Căn cứ quy định nêu trên, nếu bạn và chồng cũ của bạn không thống nhất được vấn đề phân chia tài sản chung sau khi ly hôn thì bạn có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa án chia tài sản chung của hai vợ chồng.
Xem thêm: Chia tài sản khi ly hôn: Cần biết gì để không bị thiệt?
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Thủ tục khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung sau ly hôn” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!