Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải văn bản
Văn bản tiếng việt
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư 7-TT

Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học
Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dụcSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:7-TTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Lương Ngọc Toản
Ngày ban hành:27/02/1986Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:Đang cập nhật Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực:

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 7-TT18 NGÀY 27-2-1986 HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUY CHẾ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP
PHỔ THÔNG TRUNG HỌC

 

Ngày 27 tháng 2 năm 1986, Bộ Giáo dục đã ra Quyết định số 215-QĐ ban hành Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học. Căn cứ vào Điều 31 của Quy chế, Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy chế này như sau:

 

I. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

 

Thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học là sự đánh giá của Nhà nước về kết quả học tập và rèn luyện của học sinh cuối cấp phổ thông trung học theo mục tiêu đào tạo, là sự tiếp tục và hoàn thiện quá trình đánh giá trình độ được đào tạo của học sinh trong cả cấp học.

Do đó, kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học có tính chất thống nhất, khách quan, toàn diện và phải tiến hành một cách nghiêm túc, chu đáo, đúng Quy chế và có tác dụng giáo dục. Người tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp phải có thái độ khách quan, vô tư và có tinh thần trách nhiệm cao. Người dự thi phải có thái độ nghiêm túc, trung thực. Kiên quyết đấu tranh chống những sai lần và biểu hiện tiêu cực như gian dối, móc ngoặc, chạy theo thành tích, dạy nhồi nhét, dạy tủ, học tủ, học vẹt, v.v...

Kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học là sự kết thúc một quá trình đào tạo, người học sinh hoặc sẽ trực tiếp đi vào mặt trận sản xuất, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hoặc sẽ tiếp tục đi học nghề hay vào đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Vì vậy, kết quả kỳ thi và xét tốt nghiệp cũng là một trong những cơ sở để học sinh tự đánh giá mình và để các cơ quan có trách nhiệm tuyển chọn, sử dụng học sinh một cách hợp lý. Đồng thời, kết quả kỳ thi và xét tốt nghiệp còn có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ở các trường phổ thông trung học, thúc đẩy việc cải tiến công tác quản lý giáo dục của các cấp giáo dục nhằm nâng cao dần chất lượng đào tạo người học sinh theo mục tiêu đào tạo của cấp học.

 

II. VỀ TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO KỲ THI
VÀ XÉT TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG TRUNG HỌC

 

1. Như Điều 6, Chương II quy định, tại mỗi trường Phổ thông Trung học các loại thành lập một Hội đồng thi và xét tốt nghiệp chỉ áp dụng cho những trường đã được phép mở theo kế hoạch và đã được Bộ Giáo dục ra quyết định công nhận trước khi mở kỳ thi và xét tốt nghiệp. Mỗi phòng thi phải bảo đảm có 2 giáo viên coi thi và cứ 2 phòng thi phải có 1 giám thị hành lang. Mỗi môn thi phải bảo đảm ít nhất có hai giáo viên để tiến hành chấm thi được khách quan, chính xác. Vì vậy, đối với một số trường phổ thông trung học quy mô quá nhỏ, không đủ số lượng cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, chấn thi thì Sở Giáo dục phải điều động cán bộ, giáo viên từ trường khác đến cùng với nhà trường đảm nhiệm việc coi thi, chấm thi và xét tốt nghiệp theo đúng Quy chế của Bộ đã ban hành.

Trong trường hợp các trường thiếu Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng để làm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng thi Sở Giáo dục được phép điều động Phó hiệu trưởng hoặc thư ký Hội đồng giáo dục thay thế.

Việc quy định đại diện Ban chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của nhà trường (gọi tắt là đại diện đoàn trường) làm thành viên của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp là nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của Đoàn trong việc giáo dục, rèn luyện cũng như việc tổ chức thi và xét tốt nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, đại diện đoàn trường phải là giáo viên chuyên trách hoặc đại diện do Ban chấp hành đoàn cử ra và không phải là học sinh lớp 12.

Trong trường hợp thấy cần thiết các trường Phổ thông Trung học đề nghị Uỷ ban Nhân dân huyện đứng ra tổ chức các Ban bảo vệ và phục vụ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học gồm Phó chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học làm trưởng Ban, đại biểu Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường học, Công an huyện, Phòng Y tế huyện và đại biểu các cơ quan hữu quan khác ở huyện (nếu cần) cùng một số giáo viên trường phổ thông trung học làm uỷ viên. Ban bảo vệ và phục vụ kỳ thi chịu trách nhiệm bảo vệ trật tự vòng ngoài của địa điểm thi (ngoài phạm vi trách nhiệm của giáo viên coi thi) chấm thi, săn sóc sức khoẻ của học sinh và giáo viên trong quá trình thi và xét tốt nghiệp... và phải phục tùng sự điều hành chung của Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp phổ thông trung học, Uỷ ban Nhân dân huyện cần tạo mọi điều kiện để Ban bảo vệ và phục vụ kỳ thi hoạt động được thuận lợi.

2. Về hồ sơ thi và xét tốt nghiệp của học sinh:

a) Tại Điều 11 Chương II, Bộ quy định toàn bộ hồ sơ thi của học sinh phải được nhà trường hoàn thành đầy đủ trước ngày thi 5 ngày dể Hội đồng thi và xét tốt nghiệp kiểm tra lại. Hồ sơ thi bao gồm:

- Bảng ghi tên ghi điểm trong đó có ghi kết quả đánh giá xếp loại cả năm học về các mặt giáo dục đạo đức, văn hoá, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể của học sinh ở lớp cuối cấp ghi đúng như trong học bạ (lập thành 3 bản).

- Học bạ chính có đầy đủ điểm số, lời phê của giáo viên các bộ môn, của giáo viên chủ nhiệm và kết quả xếp loại các mặt giáo dục của các năm học trong cấp phổ thông trung học.

- Bản sao giấy khai sinh.

- Giấy chứng nhận của chính quyền địa phương theo quy định của điểm b điều 18 Quy chế thi và xét tốt nghiệp.

- Giấy chứng nhận thuộc diện chiếu cố để xét tốt nghiệp thêm (đỗ thêm) nếu có.

- Thẻ học sinh do nhà trường cấp (có dán ảnh 3 cm x 4 cm).

- Bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở do Sở Giáo dục cấp (bản chính).

- Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 phổ thông trung học do Sở Giáo dục cấp (bản chính).

b) Các học sinh năm trước đã dự thi nhưng không tốt nghiệp hoặc không đủ điều kiện dự thi và xét tốt nghiệp phải nộp đầy đủ các giấy tờ sau đây:

- Đơn xin dự thi và xét tốt nghiệp do học sinh tự viết.

- Học bạ chính có đầy đủ điểm số, lời phê và kết quả xếp loại các mặt giáo dục của các năm học trong cấp phổ thông trung học do trường cũ cấp.

- Bản sao giấy khai sinh.

- Thẻ học sinh do trường cũ cấp. Nếu chưa có hoặc đánh mất thẻ thì do trường mà học sinh đăng ký dự thi và xét tốt nghiệp cấp (có dán ảnh 3 cm x 4 cm).

- Bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở (bản chính) do Sở Giáo dục cấp.

- Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 phổ thông trung học do Sở Giáo dục cấp.

- Giấy chứng nhận chiếu cố để xét tốt nghiệp thêm (nếu có) đối với diện học sinh cũ.

3. Khi chuẩn bị hồ sơ thi và xét tốt nghiệp cho học sinh, các trường cần chú ý mấy điểm sau:

- Đánh giá nghiêm túc kết quả phấn đấu và rèn luyện của từng học sinh về các mặt giáo dục đạo đức, văn hoá, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể, ghi chính xác kết quả đó vào trong học bạ và bảng ghi tên ghi điểm của học sinh dự thi và xét tốt nghiệp.

- Thẻ học sinh làm theo mẫu của Bộ đã hướng dẫn trong phụ lục tài liệu nghiệp vụ thi. Thẻ này do hiệu trưởng ký và đóng dấu nhà trường xác nhận.

- Giấy chứng nhận thuộc diện chiếu cố phải bảo đảm đầy đủ thủ tục và phải nộp trước ngày nhà trường chuyển giao hồ sơ thi cho Hội đồng thi và xét tốt nghiệp kiểm tra lại. Cụ thể, nếu học sinh:

Là con liệt sĩ (bố hoặc mẹ là liệt sĩ) hoặc bản thân là thương binh về học tiếp tại trường thì phải có giấy chứng nhận do Phòng thương binh xã hội từ cấp huyện (hoặc cấp tương đương) trở lên cấp.

Bản thân đã đi bộ đội và đã phục vụ tại ngũ từ 3 năm trở lên, nay trỏ về tiếp tục học tại trường, phải có giấy chứng nhận do các cấp Huyện đội (hoặc tương đương) trở lên cấp.

Bản thân đã đi thanh niên xung phong và đã phục vụ tại ngũ từ 3 năm trở lên, nay trở về tiếp tục học tại trường, phải có giấy chứng nhận do các cấp từ Huyện đoàn (hoặc tương đương) trở lên cấp.

4. Việc kiểm tra hồ sơ thi và xét tốt nghiệp của học sinh.

Để bảo đảm việc chuẩn bị hồ sơ thi và xét tốt nghiệp cho học sinh được đầy đủ, chính xác và đưa công tác hồ sơ vào nề nếp, Bộ hướng dẫn mấy điểm sau:

- Đầu học kỳ II, nhà trường phải tổ chức kiểm tra sơ bộ các hồ sơ thi và xét tốt nghiệp của học sinh lớp 12, phát hiện các trường hợp hồ sơ thiếu, không hợp lệ hoặc sai sót để bổ sung, sửa chữa. Trước kỳ thi 20 ngày, nhà trường phải kiểm tra lại lần nữa toàn bộ hồ sơ thi của học sinh trước khi Sở Giáo dục tổ chức kiểm tra lại.

- Trước kỳ thi 15 ngày, Sở Giáo dục tổ chức kiểm tra chéo về hồ sơ thi của học sinh giữa các trường trong địa phương. Nếu phát hiện trường hợp nào còn thiếu hồ sơ hoặc hồ sơ không hợp lệ, cần yêu cầu nhà trường bổ khuyết ngay để hoàn chỉnh trước khi chuyển giao toàn bộ hồ sơ thi cho Hội đồng thi và xét tốt nghiệp kiểm tra lại.

- Hội đồng thi và xét tốt nghiệp sẽ tổ chức kiểm tra lần cuối cùng trước ngày thi để xác nhận hoặc không xác nhận tư cách thí sinh của mỗi học sinh. Nếu phát hiện hồ sơ của học sinh nào không đầy đủ và có nghi vấn,

Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phải yêu cầu nhà trường bổ sung và xác minh, song vẫn cho phép những học sinh này dự thi, đồng thời lập biên bản báo cáo lên Sở Giáo dục xem xét giải quyết.

5. Các ban kiểm tra, chỉ đạo thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học của Bộ nói tại Điều 15, Chương II, do Bộ Giáo dục ra quyết định thành lập, gồm có Vụ trưởng hoặc Phó vụ trưởng Vụ các trường phổ thông trung học làm trưởng ban và một số cán bộ, chuyên viên của Vụ các trường Phổ thông Trung học làm uỷ viên.

a) Ban kiểm tra, chỉ đạo thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học của Bộ có nhiệm vụ:

- Kiểm tra, xem xét việc thực hiện Quy chế thi và xét tốt nghiệp của các Sở Giáo dục, các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp và các Ban chỉ đạo, kiểm tra thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học của các địa phương.

- Phát hiện những hiện tượng làm sai hoặc vi phạm Quy chế thi và xét tốt nghiệp đã ban hành và kiến nghị cách giải quyết.

- Thu thập ý kiến của học sinh dự thi, cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi và xét tốt nghiệp, các cơ quan, đoàn thể địa phương, nhân dân, cha mẹ học sinh đối với kỳ thi và xét tốt nghiệp.

- Báo cáo lên Bộ trưởng về tình hình chấp hành Quy chế thi và xét tốt nghiệp của các đơn vị và địa phương được kiểm tra.

b) Ban kiểm tra, chỉ đạo thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học của Bộ có quyền:

- Yêu cầu các Ban chỉ đạo, kiểm tra thi và xét tốt nghiệp của các Sở Giáo dục, các ban lãnh đạo các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp và các cán bộ, giáo viên, công nhân viên làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp, v.v.... báo cáo tình hình công việc đã và đang tiến hành. Trong trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu họp toàn bộ Hội đồng thi và xét tốt nghiệp để nghe phản ánh tình hình về việc chuẩn bị cho kỳ thi và việc chỉ đạo coi thi, chấm thi và xét tốt nghiệp v.v..., hoặc có thể vào kiểm tra các phòng thi sau khi đã báo cho Ban lãnh đạo Hội đồng thi và xét tốt nghiệp biết.

- Xem xét các hồ sơ, sổ sách, các bài thi đã chấm của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, v.v.. yêu cầu Hội đồng chấm lại những bài thi mà Ban kiểm tra, chỉ đạo thi nhận thấy chấm chưa đúng so với bản hướng dẫn chấm và biểu cho điểm của Bộ đã ban hành.

- Nhận xét công việc đã làm của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp; yêu cầu Hội đồng thực hiện đúng Quy chế của Bộ khi thấy có hiện tượng làm sai hoặc vi phạm Quy chế; kiến nghị với Sở Giáo dục và Hội đồng thi và xét tốt nghiệp về những việc cần phải làm để bảo đảm thực hiện đúng đắn và nghiêm túc Quy chế của Bộ đã ban hành.

- Trong trường hợp phát hiện những sai phạm nghiêm trọng về Quy chế thi (như để lộ đề thi và hướng dẫn chấm, biểu cho điểm trước khi thi, thực hiện không đúng lịch thi các môn, gian lận, quay cóp trắng trợn và phổ biến, chấm sai so với hướng dẫn chấm và biểu cho điểm hàng loạt bài, v. v...) thì có thể căn cứ vào việc coi thi, chấm thi đó mà:

Yêu cầu Hội đồng thi và xét tốt nghiệp huỷ bỏ bài thi làm theo đề chính thức và tổ chức thi lại theo đề dự bị.

Yêu cầu Hội đồng thi và xét tốt nghiệp hoãn việc chấm thi để nghiên cứu lại những hướng dẫn chấm và biểu cho điểm hoặc báo cáo và đề nghị với Bộ không công nhận toàn bộ kết quả của Hội đồng.

- Đề nghị Sở Giáo dục cấp giấy khen hoặc thi hành kỷ luật các cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp, những người làm nhiệm vụ phục vụ kỳ thi và những học sinh dự thi.

- Trong quá trình kiểm tra, có thể yêu cầu Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, Sở Giáo dục dành mọi thuận lợi trong việc sử dụng các phương tiện giao thông, thông tin liên lạc (điện thoại, điện báo...) để bảo đảm việc liên hệ kịp thời với Bộ Giáo dục khi cần thiết.

c) Các Sở Giáo dục, các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ những kiến nghị của Ban kiểm tra, chỉ đạo thi của Bộ. Trong trường hợp có sự chưa nhất trí giữa ban kiểm tra, chỉ đạo thi của Bộ với các Hội đồng thi, các Sở Giáo dục thì hai bên phải lập biên bản và báo cáo ngay lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục xét giải quyết. Trong khi chờ đợi ý kiến giải quyết của Bộ, các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, các Sở Giáo dục phải thực hiện nghiêm túc ý kiến của Ban kiểm tra, chỉ đạo thi và xét tốt nghiệp của Bộ.

6. Ban chỉ đạo, kiểm tra thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học của Sở Giáo dục nói tại Điều 14, Chương II, do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập gồm Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở Giáo dục làm Trưởng ban, Trưởng phòng hay Phó trưởng phòng phổ thông trung học và Trưởng ban hay Phó trưởng ban Ban Thanh tra Sở Giáo dục làm phó trưởng ban; một số cán bộ chuyên môn của phòng phổ thông trung học và một số cán bộ của Ban Thanh tra Sở làm uỷ viên. Ngoài ra, nếu xét thấy cần thiết, có thể điều động một số phó hiệu trưởng và giáo viên trường phổ thông trung học có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác coi thi, chấm thi của địa phương làm uỷ viên của Ban.

a) Ban chỉ đạo và kiểm tra thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học của Sở Giáo dục có nhiệm vụ:

- Tổ chức và chỉ đạo, kiểm tra toàn bộ công việc của kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học của địa phương mình (từ khâu chuẩn bị đến khâu coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp, xét duyệt và công bố kết quả thi v. v...) theo đúng những điều đã quy định trong Quy chế thi và xét tốt nghiệp của Bộ, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục về toàn bộ công tác thi cử của địa phương.

- Kiểm tra xem xét việc thực hiện Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học của các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp trong địa phương.

- Phát hiện những hiện tượng làm sai hoặc vi phạm Quy chế thi và kiến nghị cách giải quyết.

- Thu thập ý kiến của học sinh dự thi, các cán bộ, giáo viên làm công tác thi, các cơ quan, đoàn thể địa phương, nhân dân và cha mẹ học sinh đối với kỳ thi.

- Báo cáo với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và Bộ Giáo dục về công tác tiến hành của Ban và tình hình chấp hành Quy chế thi và xét tốt nghiệp của những đơn vị được kiểm tra.

- Kiểm tra và xét duyệt kết quả tốt nghiệp phổ thông trung học của các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp trong địa phương. Việc kiểm tra và xét duyệt kết quả tốt nghiệp phải được tiến hành dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Trưởng ban và phải bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể, chính xác, nhanh gọn theo đúng Quy chế của Bộ Giáo dục đã quy định.

- Trong khi duyệt kết quả thi và xét tốt nghiệp của các trường Phổ thông Trung học, nếu nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về việc làm sai quy chế của một Hội đồng hoặc một phòng thi nào hoặc nếu phát hiện thấy trường nào, phòng thi nào có tỷ lệ đỗ bất thường thì có thể tạm đình việc xét duyệt kết quả thi và xét tốt nghiệp của trường hoặc phòng thi đó, đồng thời báo cáo Sở Giáo dục để đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập Hội đồng chấm lại để chấm lại các bài thi của trường và phòng thi này. Kết quả chấm lại sẽ được dùng để xét tốt nghiệp. Trong trường hợp phát hiện có sự quay cóp hàng loạt thì những bài thi đó sẽ bị huỷ kết quả.

Trong trường hợp thấy cần đề nghị xét tốt nghiệp ngoài những điều quy định của Quy chế thi và xét tốt nghiệp, Sở Giáo dục phải báo cáo với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương để đề nghị Bộ xét giải quyết và chỉ được thực hiện sau khi đã được sự đồng ý của Bộ Giáo dục.

- Trong quá trình chỉ đạo và xét duyệt kết quả tốt nghiệp, các Ban chỉ đạo và kiểm tra thi và xét tốt nghiệp của Sở Giáo dục phải báo cáo kịp thời về Bộ Giáo dục qua từng khâu công tác (chuẩn bị thi, kiểm tra hồ sơ thi, coi thi, chấm thi, xét duyệt kết quả tốt nghiệp, v.v...) qua điện thoại hoặc điện báo.

b) Ban chỉ đạo và kiểm tra thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học của Sở Giáo dục có quyền hạn:

- Yêu cầu Ban lãnh đạo Hội đồng thi và xét tốt nghiệp báo cáo tình hình công việc đã làm và đang làm, xem xét toàn bộ hồ sơ, sổ sách của Hội đồng thi, khi thấy cần thiết có thể vào kiểm tra các phòng thi sau khi đã báo cho Ban lãnh đạo Hội đồng thi biết.

- Yêu cầu Ban lãnh đạo Hội đồng thi và xét tốt nghiệp báo cáo việc chấm thi, xem các bài thi của Hội đồng đã chấm, yêu cầu Hội đồng thi chấm lại các bài thi mà Ban chỉ đạo và kiểm tra thi nhận thấy chấm không đúng với hướng dẫn chấm và biểu cho điểm của Bộ.

- Cử cán bộ của Ban trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra thi ở các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp trong địa phương khi thấy cần thiết.

- Nhận xét công việc đã làm của Hội đồng thi, kiến nghị những việc cần làm để bảo đảm thực hiện đúng đắn Quy chế thi và xét tốt nghiệp của Bộ.

- Trong trường hợp phát hiện những sai phạm nghiêm trọng về Quy chế thi và xét tốt nghiệp của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, cần báo cáo gấp với Sở Giáo dục để Sở báo cáo với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và Bộ Giáo dục xin ý kiến giải quyết.

- Trường hợp nhận được những đơn khiếu nại của dân, Ban chỉ đạo và kiểm tra thi và xét tốt nghiệp có quyền lấy bài thi của học sinh đó để kiểm tra lại và kiến nghị cách giải quyết.

c) Các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học phải thực hiện nghiêm túc các ý kiến của Ban chỉ đạo, kiểm tra thi và xét tốt nghiệp của Sở Giáo dục. Nếu có sự chưa nhất trí giữa Hội đồng với Ban chỉ đạo, kiểm tra thi của Sở thì hai bên phải lập biên bản và báo cáo ngay lên Giám đốc Sở Giáo dục xét giải quyết, nếu cần có thể báo cáo lên Bộ Giáo dục xét giải quyết. Trong khi chờ đợi ý kiến của Sở hoặc của Bộ giáo dục, các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phải thực hiện nghiêm túc ý kiến của Ban chỉ đạo, kiểm tra thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học của Sở Giáo dục.

7. Tổ kiểm tra và giám sát công tác thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học tại các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp nói tại Điều 14, Chương II, do Sở Giáo dục sau khi được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương uỷ nhiệm ra quyết định thành lập, gồm có một Phó hiệu trưởng trường phổ thông trung học làm Tổ trưởng và 2 giáo viên là Tổ trưởng chuyên môn hoặc giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, có phẩm chất đạo đức tốt... Số cán bộ, giáo viên của Tổ kiểm tra, giám sát này sẽ do Sở Giáo dục yêu cầu các trường phổ thông trung học cử lên. Trong trường hợp không đủ số Phó hiệu trưởng để bố trí làm tổ trưởng tổ kiểm tra giám sát thi thì có thể chọn một số ít thư ký Hội đồng giáo dục có năng lực để thay thế.

a) Tổ kiểm tra và giám sát thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ được Sở Giáo dục cử đến các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp để làm công tác kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình coi thi, chấm thi và xét tốt nghiệp.

b) Tổ kiểm tra, giám sát thi và xét tốt nghiệp tại Hội đồng thi có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Giám sát việc thực hiện Quy chế thi và xét tốt nghiệp của Hội đồng thi, phát hiện những hiện tượng làm sai hoặc vi phạm quy chế của cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi xét tốt nghiệp và học sinh dự thi, đồng thời kiến nghị với Hội đồng thi về cách giải quyết để bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi và xét tốt nghiệp và báo cáo kịp thời với Sở Giáo dục. Do đó, các cán bộ của tổ kiểm tra, giám sát kỳ thi này được quyền tham gia các công việc tổ chức coi thi, chấm thi của Hội đồng thi; xem một số bài thi của Hội đồng đã chấm, nếu thấy việc chấm có sai sót chưa đúng với biểu điểm và hướng dẫn chấm của Bộ Giáo dục thì có thể yêu cầu Hội đồng thi chấm lại những bài thi mà tổ kiểm tra, giám sát đã phát hiện.

Trong trường hợp hai bên có sự không nhất trí thì mọi hoạt động của kỳ thi vẫn được tiến hành theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, nhưng hai bên phải báo cáo ngay với Giám đốc Sở Giáo dục về toàn bộ tình hình để xin ý kiến giải quyết.

- Thu thập ý kiến, dư luận của học sinh dự thi, các cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, chấm thi và xét tốt nghiệp, các cơ quan, đoàn thể địa phương, nhân dân và cha mẹ học sinh đối với kỳ thi,

- Báo cáo bằng văn bản lên Sở Giáo dục về công tác tiến hành kiểm tra, giám sát của tổ và tình hình thực hiện Quy chế thi và xét tốt nghiệp của Hội đồng thi trong toàn bộ quá trình tiến hành kỳ thi sau khi kỳ thi kết thúc.

 

III. VỀ ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP

 

1. Các loại trường phổ thông trung học đã được phép mở theo kế hoạch nói trong điểm 1 của Điều 16 (Chương III) là các loại trường đã được Bộ Giáo dục kiểm tra và ra quyết định công nhận trước khi mở kỳ thi.

2. Những học sinh nói trong điểm 2 của Điều 16 (Chương III) là những học sinh đã học hết lớp cuối cấp phổ thông trung học đã dự thi, nhưng không tốt nghiệp hoặc không đủ điều kiện dự thi mà không tiếp tục học lại ở trường cũ. Những học sinh này là đối tượng được dự thi và xét tốt nghiệp gồm 2 loại sau.

a) Nếu là học sinh của năm học trước liền kề với năm mở kỳ thi, gọi là học sinh cũ. Học sinh này được hưởng quyền xét tốt nghiệp thêm (xét lấy đỗ thêm) như học sinh đang học của năm mở kỳ thi.

b) Nếu là học sinh của những năm học trước không liền kề với năm mở kỳ thi, gọi là thí sinh tự do và không được hưởng quyền xét tốt nghiệp thêm.

Ngoài các đối tượng nói trong điểm 1 và điểm 2 của Điều 16 (Chương III) được dự thi, các trường hợp đặc biệt khác, nếu muốn dự thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học nhất thiết phải được Bộ Giáo dục xét và quyết định. Các trường hợp đặc biệt khác đó là:

- Học sinh đang học ở các trường Phổ thông Trung học chưa được Bộ Giáo dục kiểm tra và ra quyết định công nhận.

- Học sinh được vào học các trường Phổ thông Trung học không đúng Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục.

- Học sinh được nhà trường cho lên lớp không đúng quy chế lên lớp, lưu ban của Bộ Giáo dục.

3. Điểm 2 trong Điều 17 (Chương III) quy định số ngày nghỉ học trong năm ở lớp cuối cấp không quá 45 ngày có nghĩa là học sinh nghỉ học quá số ngày học này, dù 1 lần hay nhiều lần cộng lại đều không được dự thi và xét tốt nghiệp. Điều kiện này đòi hỏi học sinh phải cố gắng, chuyên cần học tập. Điểm 3 và điểm 4 trong Điều 17 (Chương III) là những điểm quy định điều kiện dự thi về các mặt đạo đức, văn hoá, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể cho những học sinh đang học lớp cuối cấp của năm mở kỳ thi. Hai điều kiện này có tác dụng thúc đẩy nhà trường phải tích cực chăm lo giáo dục và giảng dạy cho học sinh, đồng thời thúc đẩy học sinh phải không ngừng phấn đấu rèn luyện toàn diện theo mục tiêu đào tạo.

Riêng về mặt văn hoá, hiện nay các trường phổ thông trung học đang thực hiện việc xếp loại văn hoá theo Thông tư số 42-TT của Bộ, gồm 4 loại giỏi, khá, trung bình và còn yếu. Song, trong loại còn yếu lại bao gồm 2 loại: có loại thực chất là còn yếu và nếu cố gắng phấn đấu trong học tập thì có thể vươn lên trình độ trung bình được; có loại thực chất là kém. Vì vậy, trong điều kiện dự thi về mặt văn hoá, chỉ quy định những học sinh nào bị xếp vào loại kém mới không được dự thi và xét tốt nghiệp. Còn loại thực chất là còn yếu vẫn được dự thi và nếu cố gắng vượt bậc trong thời gian ôn tập cuối năm học thì có thể vươn lên đạt được yêu cầu tốt nghiệp trong kỳ thi và xét tốt nghiệp.

4. Mục a, điểm 1 của Điều 18 (Chương III) có quy định cụ thể về độ tuổi những học sinh của các năm học trước đã dự thi nhưng không đạt điều kiện xét tốt nghiệp hoặc những học sinh của các năm học trước không đủ điều kiện dự thi như đã quy định mà không tiếp tục học lại trường cũ, nếu có nguyện vọng dự thi thì không được quá 24 tuổi. Đây là độ tuổi tối đa của một học sinh được phép theo học trong cấp phổ thông trung học, kể cả 1 năm được lưu ban trong cấp học theo quy chế hiện hành của Bộ và 3 năm đi làm nghĩa vụ quân sự.

5. Giấy xác nhận của chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn, v. v...) hoặc cơ quan, đơn vị sản xuất đang quản lý về ý thức chấp hành chính sách, tinh thần tham gia lao động, công tác xã hội và tư cách đạo đức với những học sinh của các năm học trước không tốt nghiệp hoặc không đủ điều kiện dự thi nói tại mục b, điểm 1 của Điều 18 (Chương IV) là:

- Nếu học sinh ở nhà tự học, tự ôn tập và lao động giúp gia đình thì do Uỷ ban Nhân dân xã, phường hoặc thị trấn nơi học sinh cư trú xác nhận.

- Nếu học sinh đã làm việc tại một cơ quan hay một đơn vị sản xuất thì do Thủ trưởng cơ quan hoặc người phụ trách đơn vị sản xuất xác nhận.

6. Để tiện cho việc kiểm tra xác nhận đủ điều kiện dự thi đối với những học sinh năm học trước không đủ điều kiện về mặt văn hoá mà không tiếp tục học lại như trong điểm 2, Điều 18 đã quy định thì những học sinh này chỉ được kiểm tra lại văn hoá tại trường cũ đã học năm trước, hoặc trường mà học sinh đăng ký dự thi lại. Trường cũ hoặc trường khác học sinh xin đăng ký dự thi chỉ kiểm tra những môn do có điểm trung bình cả năm học ở lớp cuối cấp quá thấp mà năm trước không đủ điều kiện dự thi. Học sinh được phép tự chọn môn nào cần kiểm tra lại mà có thuận lợi nhất cho bản thân để đủ điều kiện dự thi.

Việc kiểm tra này sẽ kết hợp cùng với việc kiểm tra học kỳ II đối với học sinh đang học tại trường, các trường không phải tổ chức một buổi kiểm tra riêng. Điểm của môn được kiểm tra sẽ thay thế cho điểm trung bình cả năm của môn học đó của năm học trước (đã ghi trong học bạ) mà xét điều kiện dự thi về mặt văn hoá. Hiệu trưởng phải ký và đóng dấu xác nhận bổ sung điểm thi lại này vào học bạ và xác nhận đủ điều kiện dự thi về mặt văn hoá để làm căn cứ xét cho dự thi trong các năm học sau, nếu học sinh còn phải dự thi lại. Cần ghi rõ: "ngày... tháng... năm 198... đã kiểm tra lại môn... được... điểm. Đủ điều kiện dự thi và xét tốt nghiệp về mặt văn hoá rồi ký tên, đóng dấu xác nhận". Vì vậy, sau khi học sinh đăng ký dự thi lại, các trường phải soát xét kỹ học bạ của học sinh để xác định những môn học nào (do có điểm trung bình cả năm quá thấp, nên đã không đủ điều kiện dự thi) cần phải kiểm tra lại và thông báo cho học sinh đăng ký dự thi biết chậm nhất là 15 ngày trước khi nhà trường tiến hành kiểm tra học kỳ II của năm học.

7. Đối với các học sinh không đủ điều kiện dự thi về mặt bảo vệ và rèn luyện thân thể, nhà trường tổ chức kiểm tra lại một trong các nội dung của chương trình thể dục lớp 12 nếu đạt điểm 5 trở lên thì được dự thi. Cần ghi rõ vào học bạ: "Đã kiểm tra lại về thể dục ngày... đạt điểm.... sau đó Hiệu trưởng ký tên và đóng dấu xác nhận để làm căn cứ xét cho dự thi.

 

IV. VỀ ĐIỀU KIỆN TỐT NGHIỆP VÀ XẾP LOẠI TỐT NGHIỆP

 

1. Bản Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học quy định điều kiện tốt nghiệp (đỗ thẳng) và tốt nghiệp thêm (đỗ thêm), cơ bản là dựa trên nguyên tắc kết hợp sự đánh giá xếp loại cả năm học các mặt giáo dục của nhà trường ở lớp cuối cấp với kết quả điểm các bài thi trong kỳ thi.

Khi vận dụng điều kiện tốt nghiệp đã nói tại Điều 19 và Điều 20 (Chương IV) của Quy chế thi và xét tốt nghiệp, cần chú ý mấy điểm sau:

a) Trong các điều kiện tốt nghiệp, điều kiện nào cũng yêu cầu và tính đến kết quả xếp loại cả năm về các mặt giáo dục ở lớp cuối cấp với điểm bình quân các môn ít nhất phải từ 4,5 điểm trở lên. Hàng năm, căn cứ vào số môn thi, Bộ Giáo dục sẽ hướng dẫn tổng số điểm các môn thi cần có để đạt bình quân 4,5 điểm cho kỳ thi và xét tốt nghiệp.

b) Trong bất cứ trường hợp nào, học sinh có 1 bài thi bị điểm không (Zéro) đều không xét tốt nghiệp và trong bất kỳ trường hợp nào, học sinh có 1 bài thi bị điểm 1 hoặc điểm 2, mặc dầu điểm bình quân các môn thi đạt từ 5 điểm trở lên, đều không được tốt nghiệp thẳng (đỗ thẳng) và chỉ được lấy tốt nghiệp thêm (đỗ thêm). Điều này có tác dụng thúc đẩy học sinh phải chăm chỉ học đều các môn, không quá học lệch về một vài môn nào.

c) Về nguyên tắc, điều kiện xét tốt nghiệp thêm (đỗ thêm) quy định trong Điều 17 của Quy chế thi và xét tốt nghiệp chỉ áp dụng đối với những thí sinh đang theo học lớp cuối cấp ở các loại trường phổ thông trung học trong năm mở kỳ thi tốt nghiệp. Song để chiếu cố tình hình hiện nay có nhiều học sinh có tiêu chuẩn được học lại lớp mà nhà trường không có điều kiện cho các em được học, Bộ cho phép những học sinh cũ và học sinh năm học trước không đủ điều kiện dự thi nay đã được thi tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ được xét tốt nghiệp và xếp loại tốt nghiệp phổ thông trung học như học sinh đang học của năm mở kỳ thi.

Kết quả tốt nghiệp và xếp loại tốt nghiệp nói trên đây được ghi vào danh sách tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp của học sinh để tiện sử dụng khi ra trường.

Đối với những thí sinh tự do (thi tốt nghiệp phổ thông trung học từ lần thứ ba trở đi) đã được phép dự thi nếu có đủ điểm bình quân các môn thi từ 5 điểm trở lên, không có bài thi nào bị điểm dưới 3 sẽ được công nhận tốt nghiệp thẳng (đỗ thẳng) và không xếp loại tốt nghiệp. Trong bảng ghi tên ghi điểm, danh sách trúng tuyển và bằng tốt nghiệp của học sinh đều phải ghi rõ: "Thí sinh tự do, không xếp loại".

- Khi xếp loại học sinh tốt nghiệp theo tiêu chuẩn 4 loại nói tại Điều 22 (Chương IV) của Quy chế thi và xét tốt nghiệp cần chú ý mấy điểm sau:

a) Kết quả xếp loại tốt nghiệp, cần phải ghi đầy đủ và rõ ràng vào cột mục riêng trong bảng ghi tên ghi điểm của học sinh dự thi, trong danh sách học sinh tốt nghiệp, trong học bạ và bằng tốt nghiệp phổ thông trung học của từng học sinh.

b) Đối với những học sinh tốt nghiệp loại giỏi, ngoài danh sách tốt nghiệp chung của toàn Hội đồng, Hội đồng thi và xét tốt nghiệp còn phải lập một danh sách riêng để Sở Giáo dục cấp giấy khen. Danh sách học sinh tốt nghiệp loại giỏi cần ghi đầy đủ các cột mục: Số thứ tự, họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, nam nữ, học sinh của trường..., kết quả xếp loại cả năm học về các mặt giáo dục ở lớp cuối cấp, kết quả điểm từng môn thi, tổng số điểm các bài thi, ghi chú.

- Khi xét những học sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp, cần chú ý mấy điểm sau:

a) Những học sinh được đặc cách tốt nghiệp nói tại Điều 23 (Chương IV) của Quy chế thi và xét tốt nghiệp, đều không được xếp loại tốt nghiệp. Trong bảng ghi tên ghi điểm học sinh dự thi, danh sách học sinh tốt nghiệp, trong học bạ và bằng tốt nghiệp phổ thông trung học của học sinh trong diện này cần ghi rõ: "Đặc cách tốt nghiệp".

b) Đối với những học sinh trong diện đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp, nhà trường cần lập danh sách riêng và mỗi loại kèm theo những chứng từ hợp lệ như sau:

- Học sinh bị ốm trước khi thi, không tham dự được kỳ thi và xét tốt nghiệp, phải có hồ sơ bệnh án, giấy chứng nhận của cơ quan y tế đúng tuyến điều trị, giấy xác nhận của Hiệu trưởng trường mà học sinh đang học về tình trạng ốm đau, và kết quả điểm trung bình cả năm của các bộ môn và kết quả đánh giá, xếp loại cả năm về các mặt giáo dục ở lớp cuối cấp.

- Học sinh bị ốm đau hoặc có sự việc đột suất xảy ra trong lúc đang thi, không thể thi tiếp tục được nữa thì:

Nếu bị ốm đau, phải có hồ sơ bệnh án, giấy chứng nhận của cơ quan y tế điều trị, cụ thể: nếu bị ốm trong lúc đang làm bài thi thì y tế phục vụ kỳ thi xác nhận; nếu bị ốm lúc ở nhà, phải đi bệnh viện cấp cứu, điều trị thì bệnh viện đó cấp giấy chứng nhận.

Nếu có sự việc đột xuất xảy ra trong thời gian đang dự thi như bị tai nạn xe cộ, bão lụt, hoả hoạn hoặc có người thân trong gia đình như bố, mẹ đẻ, anh, chị em ruột bị chết, phải có biên bản xác nhận của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp.

- Học sinh không tham dự được kỳ thi và xét tốt nghiệp do được tuyển nhập ngũ (đi làm nghĩa vụ quân sự), đi thanh niên xung phong, phục vụ quốc phòng, đi vùng kinh tế mới theo chủ trương chung của Nhà nước, phải có đầy đủ điểm trung bình của các bộ môn và kết quả đánh giá xếp loại các mặt giáo dục của học kỳ I (nếu đi vào cuối học kỳ I) hoặc học kỳ II hoặc cả năm học (nếu đi vào cuối học kỳ II) và một trong các giấy tờ sau đây:

- Giấy chứng nhận nhập ngũ do Huyện đội (hoặc cấp tương đương) cấp.

- Giấy chứng nhận đi thanh niên xung phong, phục vụ quốc phòng do Huyện đoàn (hoặc cấp tương đương) cấp.

- Giấy chứng nhận đã đi vùng kinh tế mới theo chủ trương chung của Nhà nước do Uỷ ban Nhân dân huyện, quận hoặc cơ quan tương đương cấp.

- Học sinh học lớp cuối cấp được Bộ Giáo dục hoặc cơ quan Nhà nước cấp Trung ương tuyển chọn trong đội tuyển đi dự các cuộc thi quốc tế (toán, vật lý, ngoại ngữ, v.v...) phải nộp bản sao quyết định tuyển chọn của Bộ Giáo dục hoặc cơ quan Nhà nước cấp Trung ương đã tuyển chọn.

 

V. VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI BÀI THI CỦA HỌC SINH

 

1. Việc tổ chức coi thi, chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học là công việc tiến hành nghiêm túc theo quy định của Bộ Giáo dục, theo sự chỉ đạo chặt chẽ của Sở Giáo dục, có các tổ chức thanh tra giám sát toàn bộ các khâu hoạt động nên về căn bản là bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng, phản ánh đúng kết quả được giáo dục của học sinh.

Vì thế chỉ những học sinh không tốt nghiệp do có sự bất bình thường trong kỳ thi mới được khiếu nại. Cụ thể là:

a) Chỉ các học sinh không được công nhận tốt nghiệp (kể cả đỗ thẳng và đỗ thêm) có điểm bình quân các môn thi từ 4,0 trở lên, không có bài thi nào bị điểm không (Zérô) mới thuộc diện được khiếu nại.

b) Mỗi học sinh chỉ được khiếu nại một bài thi trong toàn bộ các bài đã thi.

c) Điểm bài thi đỗ đạt phải thấp hơn điểm trung bình cả năm học của môn học đó ở cuối cấp từ 3 điểm trở lên (không làm tròn số).

2. Trường phổ thông trung học chịu trách nhiệm thu nhận đơn khiếu nại của học sinh dự thi và nộp về Sở cùng với bài thi cần phải chấm lại ngay sau khi hết hạn nhận đơn.

3. Việc chấm lại bài thi của học sinh khiếu nại sẽ do Hội đồng chấm lại của tỉnh (thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương) đảm nhiệm.

Khi chấm lại cần chú ý mấy điểm sau:

- Bảo đảm bí mật phách của học sinh trong khi chấm lại bài.

- Chỉ điều chỉnh điểm cho những bài thi do giáo viên chấm chênh lệch so với biểu điểm từ 2 điểm trở lên đối với môn văn và 1 điểm trở lên đối với các môn khác.

- Trong trường hợp giáo viên chấm thi cộng sai hoặc sót điểm bài thi của học sinh thì được cộng lại và sửa lại cho chính xác.

 

 

 

 

VI. VỀ VIỆC CẤP BẰNG TỐT NGHIỆP VÀ LƯU TRỮ BẢO QUẢN
HỒ SƠ THIVÀ XÉT TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG TRUNG HỌC

 

Như Điều 25 Chương V đã quy định, Sở Giáo dục phải lập sổ cấp bằng tốt nghiệp phổ thông trung học để theo dõi và lưu trữ việc cấp bằng tốt nghiệp hàng năm cho học sinh được công nhận tốt nghiệp của địa phương mình. Sổ cấp bằng tốt nghiệp phổ thông trung học làm theo mẫu sau:

 

Số TT

Số ghi tên dự thi

Họ và tên thí sinh

Ngày tháng năm sinh

Nơi sinh

Học sinh trường

Xếp loại tốt nghiệp

Cấp bằng số

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

 

Số thứ tự (1) và số ghi tên dự thi (2) là số ghi trong danh sách tốt nghiệp của từng Hội đồng thi và xét tốt nghiệp. Khi lập sổ cấp bằng cần chú ý mấy điểm sau:

- Sổ cấp bằng ghi theo danh sách học sinh được công nhận tốt nghiệp của từng Hội đồng thi và xét tốt nghiệp; danh sách học sinh cũ và thí sinh tự do được ghi riêng. Số của bằng được cấp trong một khoá thi và xét tốt nghiệp được đánh số từ 01 trở đi. Kèm theo số, cần ghi thêm các chữ TNPTTH và năm được cấp bằng: Ví dụ: 01-TNPTTH/1980. Bằng được đánh số liên tục từ danh sách học sinh thuộc Hội đồng thi và xét tốt nghiệp này đến Hội đồng khác của khoá thi và xét tốt nghiệp.

- Số ghi trong bằng tốt nghiệp của học sinh và số ghi trong sổ cấp bằng của Sở Giáo dục phải thống nhất và phải viết kiểu chữ ngay ngắn với một thứ mực lâu phai.

- Bằng tốt nghiệp phổ thông trung học của học sinh phải do Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Giáo dục ký tên và đóng dấu của Sở. Việc ký tên vào bằng tốt nghiệp có thể ký tên bằng tay, nếu số lượng học sinh ít; cũng có thể ký bằng cách đóng dấu chữ ký của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Giáo dục theo quyết định số 728-QĐ ngày 27-6-1981 của Bộ Giáo dục, nếu số lượng học sinh quá nhiều. Trong trường hợp dùng dấu chữ ký, Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở Giáo dục phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc tổ chức quản lý và sử dụng con dấu này, không để xảy ra những sai sót đáng tiếc và tuyệt đối không được sử dụng con dấu này vào các việc khác.

- Sổ cấp bằng phải được đóng dấu giáp lai của Sở Giáo dục và sau mỗi lần ghi vào sổ của mỗi khoá thi và xét tốt nghiệp phải có phần số liệu tổng hợp và chữ ký xác nhận của Giám đốc Sở Giáo dục.

- Sổ cấp bằng phải được giữ gìn, bảo quản cẩn thận vì đây là một loại hồ sơ rất quan trọng, có giá trị lâu dài (có thể 10 hoặc 20 năm sau, mới có người đến yêu cầu tra cứu việc cấp bằng tốt nghiệp của Sở Giáo dục). Vì vậy, Sở Giáo dục cần giao cho cán bộ có tinh thần trách nhiệm, làm việc cẩn thận, chu đáo, phụ trách công việc lập sổ, ghi sổ và bảo quản sổ cấp bằng.

- Chỉ cấp lại bằng tốt nghiệp 1 lần cho những học sinh bị mất bằng trong trường hợp bị thiên tai, hoả hoạn (có xác nhận của chính quyền xã hoặc phường), bị mất cắp (có chứng thực của cơ quan công an), hoặc do cơ quan Nhà nước để thất lạc (có xác nhận của cơ quan), v.v.. Khi cấp lại bằng, Sở Giáo dục cần ghi rõ bằng tốt nghiệp cấp lần thứ hai và ngày, tháng, năm cấp lại. Đối với những trường hợp bị thất lạc bằng mà không có lý do và xác nhận chính đáng, sẽ không cấp lại. Sở Giáo dục chỉ xác nhận đã tốt nghiệp vào trong đơn tự khai mất bằng của học sinh sau khi đã thẩm tra chính xác kết quả tốt nghiệp qua sổ cấp bằng lưu tại Sở.

VII. VỀ KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT TRONG CÔNG TÁC THI
VÀ XÉT TỐT NGHIỆP

 

Để thực hiện tốt việc khen thưởng và thi hành kỷ luật những cán bộ, giáo viên và những người làm công tác phục vụ việc coi thi, chấm thi và xét tốt nghiệp hoặc những học sinh dự thi như đã quy định tại các điều trong chương VI của Quy chế thi và xét tốt nghiệp hiện hành, cần chú ý mấy điểm sau:

1. Về khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên và những người làm công tác phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp:

a) Các cán bộ, giáo viên và những người làm công tác phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp, có tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì được Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp đề nghị Hiệu trưởng tuyên dương trước toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

b) Các cán bộ, giáo viên và những người làm công tác phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thì được Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục cấp giấy khen.

Khi đề nghị khen thưởng, Hội đồng thi và xét tốt nghiệp cần có biên bản cụ thể về thành tích của từng đối tượng.

2. Về thi hành kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên và những người làm công tác phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp:

Các hình thức thi hành kỷ luật nói trong Điều 29, chương VI của Quy chế thi và xét tốt nghiệp là căn cứ vào ý thức của người phạm lỗi, tính chất và tác hại của hành động phạm lỗi mà xử lý. Vì vậy, khi xét kỷ luật một trường hợp nào đó, Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp sẽ căn cứ vào mức độ sai phạm và tác hại của nó, lập biên bản và đề nghị cơ quan quản lý thi hành kỷ luật theo 1 trong 4 loại dưới đây:

a) Bị khiển trách trước toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong phạm vi nhà trường do thiếu tinh thần trách nhiệm, nên đã vi phạm Quy chế thi, song tác hại không lớn như:

- Vắng mặt ở Hội đồng thi và xét tốt nghiệp không có lý do chính đáng.

- Chép sai sót đề thi đã được Chủ tịch Hội đồng phát hiện khi soát lại đề thi và đã sửa lại, tuy có gây tác hại, song không ảnh hưởng lớn đến việc làm bài của học sinh.

- Dung túng hoặc làm ngơ cho học sinh chép bài hoặc nhìn bài của nhau trong khi thi.

b) Bị cảnh cáo nếu vi phạm Quy chế thi tương đối nghiêm trọng như:

- Chữa giấy khai sinh, học bạ, điểm trung bình môn, bảng ghi tên, ghi điểm của học sinh dự thi và xét tốt nghiệp.

- Đánh mất hoặc để thất lạc hồ sơ thi làm cho học sinh không được dự thi và xét tốt nghiệp.

- Chép sai, sót đề thi nhưng không phát hiện bổ khuyết kịp thời, làm cho cả phòng thi phải thi lại theo đề dự bị.

- Cộng sai, sót điểm bài thi làm ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng đến kết quả thi và xét tốt nghiệp của học sinh.

c) Bị hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật và hạ lương, chuyển đi làm việc khác, nếu vi phạm nghiêm trọng Quy chế thi, gây tác hại lớn đến việc tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp như:

- Giải bài thi hoặc đưa bài giải cho thí sinh trong lúc đang thi.

- Do thiếu tinh thần trách nhiệm mà để lộ đề thi, gây tác hại nghiêm trọng cho việc tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp.

- Do thiếu tinh thần trách nhiệm mà để mất nhiều bài thi của học sinh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp.

- Ra đề thi sai kiến thức làm ảnh hưởng đến kết quả thi và xét tốt nghiệp.

đ) Buộc thôi việc hoặc có thể bị truy tố trước pháp luật, nếu vi phạm rất nghiêm trọng Quy chế thi, gây tác hại rất lớn đến việc tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp như:

- Chữa điểm bài thi để học sinh được tốt nghiệp,

- Ăn hối lộ để học sinh được tốt nghiệp,

- Cố tình làm lộ hoặc bán đề thi, hướng dẫn chấm, gây tác hại rất nghiêm trọng đến việc tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp ở một địa phương.

- Có hành động chống phá kỳ thi hoặc hành hung những người làm công tác thi và xét tốt nghiệp, làm mất an ninh, trật tự ở khu vực thi, làm cho kỳ thi và xét tốt nghiệp phải đình hoãn lại, không thể tiến hành được ở địa phương.

Đối với các trường hợp vi phạm khác thì tuỳ theo ý thức của người phạm lỗi, tính chất và tác hại của hành động phạm lỗi mà xử lý theo 1 trong 4 hình thức mà Quy chế đã quy định tại Điều 29.

3. Về thi hành kỷ luật đối với học sinh dự thi và xét tốt nghiệp:

Những học sinh dự thi nếu vi phạm một trong các điểm dưới đây, phải lập biên bản tại chỗ và xử lý kỷ luật theo các hình thức sau:

a) Bị cảnh cáo trước toàn thể học sinh dự thi, hoặc đình chỉ việc thi tiếp các môn còn lại, nếu phạm 1 trong các khuyết điểm tương đối nghiêm trọng như:

- Chép bài của bạn, đã được nhắc nhở đến lần thứ ba mà vẫn tiếp tục vi phạm.

- Chuyền giấy nháp cho bạn chép hoặc gà bài cho bạn đã nhắc nhở đến lần thứ ba mà vẫn tiếp tục vi phạm.

b) Bị huỷ kết quả thi và xét tốt nghiệp, nếu phạm một trong các khuyết điểm nghiêm trọng như:

- Mang tài liệu ngoài quy định vào phòng thi (kể từ lúc đọc đề thi trong phòng thi) dù chưa sử dụng hay đã sử dụng.

- Nhận bài giải sẵn hoặc giấy nháp của người khác trong phòng thi hoặc của người bên ngoài phòng thi đưa vào dù chưa sử dụng hoặc đã sử dụng

- Có bài làm giống nhau do chép bài của bạn hoặc do tự nguyện cho bạn chép bài trong khi làm bài thi, bị giáo viên chấm thi phát hiện và tổ chấm thi của Hội đồng xác nhận.

- Dùng bài làm hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình, bị giáo viên chấm thi phát hiện và tổ chấm thi của Hội đồng xác nhận.

- Cố tình không nộp bài thi khi giáo viên coi thi thu bài.

c) Cấm không cho dự thi và xét tốt nghiệp từ 1 đến 2 năm, nếu vi phạm 1 trong các khuyết điểm rất nghiêm trọng sau:

- Hành hung cán bộ, giáo viên và những người làm nhiệm vụ phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp hoặc hành hung học sinh dự thi, đặc biệt là những kẻ cầm đầu.

- Làm mất trật tự, an ninh khu vực thi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi và xét tốt nghiệp, đặc biệt là những kẻ cầm đầu.

- Huỷ kết quả thi, thu hồi bằng tốt nghiệp, cấm thi là những biện pháp kỷ luật nặng đối với học sinh dự thi, vì vậy phải được tiến hành nghiêm túc thận trọng có chứng cớ rõ ràng, xác đáng. Sau khi Hội đồng thi đã giải tán, nếu cần thi hành kỷ luật học sinh dự thi đến mức nặng như vậy Sở Giáo dục phải báo cáo và được Bộ đồng ý mới được thực hiện.

Đối với những trường lớp vi phạm quy chế thi khác chưa nói tới trong Quy chế cũng như trong Thông tư hướng dẫn này, Hội đồng thi xem xét tính chất mức độ ảnh hưởng và tác hại của hành động phạm lỗi mà xử lý theo một trong bốn hình thức kỷ luật đã nói trong Điều 32.

Các hình thức xử lý kỷ luật đối với học sinh dự thi đều phải công bố trước Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, đồng thời thông báo cho cha mẹ học sinh, cho nhà trường và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của nhà trường biết.

4. Thủ tục tiến hành đề nghị khen thưởng và kỷ luật:

a) Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp xét kết quả và mức độ hoàn thành công tác của từng cán bộ, giáo viên và những người làm công tác phục vụ kỳ thi, xét tinh thần chấp hành nội quy thi và kết quả xếp loại tốt nghiệp trong kỳ thi và xét tốt nghiệp của học sinh để đề nghị Sở Giáo dục cấp giấy khen.

b) Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định trong Quy chế và Thông tư hướng dẫn của Bộ, xét và xử lý kỷ luật đối với những học sinh vi phạm Quy chế thi và xét tốt nghiệp và đề nghị lên Sở Giáo dục xét và xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, giáo viên, những người làm công tác phục vụ thi và những thí sinh đã vi phạm Quy chế thi và xét tốt nghiệp.

c) Đối với những trường hợp được đề nghị cấp trên khen thưởng và những trường hợp bị thi hành kỷ luật hoặc đề nghị cấp trên thi hành kỷ luật đều phải có đầy đủ hồ sơ, biên bản và các tài liệu có liên quan (nếu có).

đ) Người bị thi hành kỷ luật có quyền khiếu nại lên cấp trên (Sở Giáo dục hoặc Bộ Giáo dục) về hình thức kỷ luật của mình trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật. Trong thời gian chờ đợi cấp trên xem xét, giải quyết, người đó vẫn phải thi hành hình thức kỷ luật đã ghi trong quyết định.

Việc tổ chức thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học là một biện pháp giáo dục quan trọng. Nếu làm tốt, bảo đảm việc tổ chức thi và xét tốt nghiệp được nghiêm túc, công bằng, dân chủ, kết quả thi và xét tốt nghiệp được đúng đắn, chính xác, phản ánh đúng được quá trình dạy và học thì tác dụng giáo dục sẽ rất lớn. Nhưng nếu làm ngược lại thì tác hại cũng không nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thái độ học tập của học sinh, ý thức trách nhiệm trong giảng dạy của thầy giáo, gây bất bình trong dư luận xã hội, ảnh hưởng tới uy tín của ngành.

Để làm tốt việc coi thi, chấm thi và xét tốt nghiệp theo Quy chế của Bộ ban hành, các cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thi cần phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ thi. Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ thi và xét tốt nghiệp sẽ do Vụ các trường phổ thông trung học chịu trách nhiệm biên soạn.

Toàn bộ các quy định cụ thể của Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học cũng như của Thông tư hướng dẫn này đều nhằm bảo đảm cho việc thi cử và xét tốt nghiệp được nghiêm túc, chính xác, khoa học, công bằng, dân chủ, đạt kết quả giáo dục cao, thực hiện được những phương hướng, nguyên tắc thi cử trong nhà trường phổ thông mà Hội đồng Chính phủ đã quyết định. Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục, các loại trường phổ thông trung học, các tổ chức làm công tác thi và xét tốt nghiệp cần nắm vững tinh thần cơ bản trên, quán triệt vào trong các hoạt động cụ thể của đơn vị mình, thực hiện đầy đủ và đúng đắn các quy định về thi và xét tốt nghiệp để làm cho công tác thi cử đạt kết quả tốt nhất.

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi