Nghị quyết về nhiệm vụ năm 1996 Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá IX
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Nghị quyết
Cơ quan ban hành: | Quốc hội | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | Không số | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Nghị quyết | Người ký: | Nông Đức Mạnh |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 28/10/1995 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Nghị quyết Không số
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
NGHỊ QUYẾT
CỦA QUỐC HỘI
KHOÁ IX, KỲ HỌP THỨ 8
VỀ NHIỆM VỤ NĂM
1996
QUỐC
HỘI
NƯỚC
CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1995 và phương hướng nhiệm vụ năm 1996;
QUYẾT NGHỊ:
Tán thành đánh giá tình hình năm 1995 và
những chủ trương, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 1996 được
nêu trong các báo cáo trên, Quốc hội nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
I- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NĂM 1995
Năm 1995, tình hình kinh tế - xã hội nước
ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được giữ vững;
đời sống của số đông các tầng lớp nhân dân được cải thiện; trật tự, kỷ cương xã
hội có bước tiến bộ; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng.
Với những thành tựu nói trên, lần đầu
tiên, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu chủ yếu của
kế hoạch 5 năm 1991 - 1995. Những thành tựu đó có ý nghĩa rất quan trọng, tạo
tiền đề cho nước ta bước sang một thời kỳ phát triển mới theo hướng công nghiệp
hoá, hiện đại hoá.
Tuy vậy, đất nước ta vẫn còn đứng trước
nhiều khó khăn, thử thách: Lực lượng sản xuất nhỏ bé. Tích luỹ từ nội bộ nền
kinh tế còn ít. Bội chi ngân sách lớn; nguy cơ tái lạm phát cao chưa được loại
trừ. Hiệu quả của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng,
chống buôn lậu còn hạn chế. Các tệ nạn xã hội chưa bị đẩy lùi. Tài nguyên và
môi trường bị huỷ hoại nghiêm trọng.
II- PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHỮNG CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA NĂM 1996
Trên cơ sở định hướng phát triển kế hoạch
5 năm 1996 - 2000, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới nhằm thực hiện mục tiêu
công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tăng thêm tích luỹ từ nội bộ nền kinh
tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn, vững chắc hơn. Giải
quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế
với phát triển văn hoá, xã hội. Cải thiện hơn nữa đời sống của nhân dân. Tăng
cường an ninh, quốc phòng. Củng cố và mở rộng quan hệ đối ngoại.
Những chỉ tiêu chủ yếu của năm 1996 là:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng: 9%
- 10%
- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp
tăng: 4,5% - 4,8%
- Sản lượng lương thực đạt: 28 triệu tấn
- Giá trị sản lượng công nghiệp tăng: 14%
- 14,5%
- Giá trị các ngành dịch vụ tăng: 12% -
13%
- Kim ngạch xuất khẩu tăng: 27% - 28%
- Lạm phát dưới: 14%
- Giảm tỉ lệ sinh: 0,6 phần nghìn
III- CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH
1- Về kinh tế:
a) Công tác kế hoạch: bảo đảm hiệu quả
việc quản lý vĩ mô nền kinh tế, chú trọng các cân đối lớn: thu chi ngân sách,
xuất nhập khẩu, hàng hoá, tiền tệ. Triển khai xây dựng kế hoạch 5 năm
1996-2000. Chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho các dự án đầu tư lớn liên
quan đến các công trình then chốt của kế hoạch 5 năm.
b) Tài chính - tiền tệ: khẩn trương ban
hành Luật ngân sách Nhà nước. Phấn đấu tăng nguồn thu trên cơ sở mở rộng và
nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thực hiện thu đúng, thu đủ, chống thất
thu và lạm thu, chống buôn lậu. Triệt để thực hành tiết kiệm trong xây dựng cơ
bản, sản xuất, tiêu dùng và hoạt động lễ hội để tăng tích luỹ, dồn vốn cho đầu
tư phát triển. Vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước trước hết tập trung cho việc
xây dựng, nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất. Quản lý
chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, đặc biệt là vốn vay nước ngoài.
Phấn đấu giảm bội chi, tiến tới cân bằng thu chi ngân sách. Tiến hành cải cách
bước hai hệ thống các chính sách thuế. Tiếp tục đổi mới hoạt động Ngân hàng.
Cùng với việc bỏ thuế doanh thu đối với hoạt động tín dụng ngân hàng, phải giảm
lãi suất cho vay, đồng thời giảm chi phí dịch vụ và lợi tức của hoạt động tín
dụng ngân hàng. Đẩy nhanh việc hình thành thị trường vốn, bước đầu hình thành thị
trường chứng khoán. Có chính sách thu hút nguồn vốn của nhân dân và của các
thành phần kinh tế để tập trung đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Xúc tiến cổ
phần hoá đối với các doanh nghiệp Nhà nước không cần giữ 100% vốn, khuyến khích
công nhân và nhân dân mua cổ phần. Phát triển rộng mạng lưới tín dụng nhân dân,
ngân hàng phục vụ người nghèo và các loại hình bảo hiểm. Kiềm chế lạm phát, ổn
định giá trị đồng tiền, tránh đột biến giá cả.
c) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Có cơ chế,
chính sách đồng bộ và những hướng dẫn cần thiết để đẩy nhanh việc chuyển dịch
cơ cấu kinh tế. Sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, tiếp tục đầu tư cho việc
phát triển những ngành, những vùng công nghiệp tập trung, những công trình
trọng điểm nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng
thời quan tâm thích đáng đến các vùng kinh tế khác trong cả nước. Thực hiện có
hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Triệt để tận dụng và phát huy tiềm
năng của các loại đất đai, mặt nước để sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hoá.
Phát triển công nghiệp chế biến. Không chuyển đất chuyên canh lúa sang mục đích
khác. Bổ sung các chính sách thoả đáng để bảo đảm vững chắc nhu cầu lương thực
cho cả nước và cho xuất khẩu. Khuyến khích phát triển những ngành nghề trồng
trọt, chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản bằng những nghề mới, giống mới,
kỹ thuật mới có hiệu quả cao.
d) Kinh tế đối ngoại: Đổi mới cơ chế,
chính sách về kinh tế đối ngoại nhất là chính sách xuất nhập khẩu, nhằm bảo đảm
sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu và quản lý chặt chẽ phần nhập siêu.
Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài, đồng
thời nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đầu tư. Tranh thủ và tạo mọi điều
kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại. Phát triển
mạnh ngành du lịch, hàng không, bưu điện và các dịch vụ thu ngoại tệ khác.
2- Về văn hoá - giáo dục:
Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác
giáo dục - đào tạo, văn hoá - thông tin, thể dục - thể thao.
Bảo đảm các điều kiện cho phổ cập giáo dục
tiểu học và xoá nạn mù chữ, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa; lập quỹ giáo
dục theo quy định của Luật phổ cập giáo dục tiểu học; đầu tư thoả đáng để nâng
cao chất lượng dậy và học.
Bảo vệ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc;
khuyến khích sáng tạo nghệ thuật; chú trọng đến hưởng thụ và nâng cao đời sống
văn hoá, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá.
Tăng cường các biện pháp đấu tranh nhằm ngăn chặn, loại trừ văn hoá phẩm độc
hại.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo
vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; ngăn chặn và xử lý kiên quyết đối với hành vi
xâm phạm nhân phẩm và xâm phạm quyền trẻ em. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề
cho thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên lập thân, lập nghiệp.
Phát động sâu rộng phong trào rèn luyện
thân thể, thể dục - thể thao quần chúng đi đôi với bồi dưỡng thể thao thành
tích cao.
3- Về các vấn đề xã hội và y tế:
Thực hiện có hiệu quả các chương trình tạo
việc làm cho người lao động, nhất là chương trình cho vay vốn thông qua các dự
án nhỏ; kết hợp việc cho vay vốn với đẩy mạnh chương trình xoá đói giảm nghèo.
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Bộ luật lao động và các pháp lệnh ưu đãi những
người có công với cách mạng. Đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các
đối tượng chính sách xã hội; giải quyết một bước khó khăn về đời sống của những
người về hưu và người hưởng lương.
Nâng cao hiệu quả các chương trình y tế
quốc gia, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, bà mẹ,
trẻ em; khắc phục tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng. Tiếp tục đầu tư xây dựng 2
trung tâm y tế trình độ cao, nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh, chú trọng đào
tạo cán bộ cho các trạm y tế xã, phường. Thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế.
Tập trung chỉ đạo việc phòng chữa bệnh sốt rét, bệnh phong, bệnh lao và bướu
cổ. Có chính sách bảo đảm cho người nghèo được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y
tế Nhà nước.
Đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông
dân số; bảo đảm kinh phí, các phương tiện, dịch vụ kỹ thuật y tế trong công tác
dân số - kế hoạch hoá gia đình, nhằm giảm tỷ lệ phát triển dân số.
Có những biện pháp tích cực phòng chống
HIV/AIDS. Đẩy mạnh công tác phòng chống các tệ nạn xã hội. Nghiêm trị bọn chủ
chứa, chủ đề, cờ bạc, bọn môi giới mại dâm, bọn tổ chức buôn bán, ổ chứa ma
tuý. Tạo dư luận xã hội rộng rãi lên án và đấu tranh chống các tệ nạn xã hội.
4- Về khoa học, công nghệ và bảo vệ môi
trường:
Nhanh chóng triển khai các chương trình
nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước trong giai đoạn 1996-2000, đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao hơn, hiệu quả hơn.
Tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận
và thực tiễn về công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, hệ thống quản
lý trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng
dụng các công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học,
vật liệu mới, tự động hoá. Đưa nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn, miền núi.
Quan tâm bảo vệ và cải thiện môi trường
của các vùng đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, vùng biển. Chặn đứng nạn phá
hoại rừng. Kiểm tra chặt chẽ, ngăn chặn và giải quyết kịp thời những hành vi
gây ô nhiễm và suy thoái môi trường. Thực hiện đúng mục tiêu phát triển phải đi
đôi với bảo vệ môi trường, môi sinh. Có kế hoạch rà soát lại tất cả các công
trình gây ra ô nhiễm, tác hại đến môi trường và có giải pháp khắc phục.
5- Về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục
làm cho nhân dân hiểu rõ âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực
thù địch trong tình hình mới; củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân,
phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, động viên toàn dân, toàn
quân tích cực củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và thế trận
quốc phòng - an ninh vững chắc nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn
xã hội, bảo đảm môi trường hoà bình ổn định cho sự nghiệp phát triển đất nước;
đồng thời thường xuyên nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chủ động và kịp
thời đập tan mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch.
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã
hội với củng cố quốc phòng - an ninh, từng bước xây dựng công nghiệp quốc
phòng. Tích cực xây dựng và bảo đảm các nhu cầu thiết yếu cho quân đội, công
an, đồng thời kiện toàn và nâng cao chất lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị,
để các lực lượng vũ trang đủ sức làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ chế độ xã
hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ của Tổ quốc.
6- Các vấn đề về dân tộc và miền núi:
Đầu tư cho vùng miền núi và dân tộc với tỷ
trọng cao hơn năm 1995 để phát triển hạ tầng như: giao thông, thuỷ lợi, điện,
thông tin liên lạc; chú trọng đầu tư cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
khuyến nông, khuyến lâm. Tăng cường đầu tư phát triển y tế, giáo dục và chăm
sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc. Hỗ trợ vốn, kỹ thuật, cây trồng thay thế
cho vùng đồng bào xoá bỏ cây thuốc phiện. Chú trọng đầu tư tốt hơn để giải
quyết nguồn nước sạch cho đồng bào vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào Khmer và
đồng bào Chăm.
Dành nguồn vốn thích đáng hơn cho chương
trình xoá đói giảm nghèo. Cải tiến thủ tục xét duyệt và cấp phát vốn cho các
chương trình mục tiêu có liên quan đến việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc,
bảo vệ rừng, phát triển cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi, chú trọng công
tác định canh, định cư và xây dựng vùng kinh tế mới. Đầu tư có hiệu quả cho
vùng các dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Có biện pháp chỉ đạo các ngành,
các địa phương giải quyết vấn đề di dịch cư tự do.
Tích cực đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán
bộ dân tộc thiểu số; coi trọng đầu tư cho các trường dân tộc nội trú. Bổ sung,
hoàn chỉnh chính sách đối với miền núi nhằm khuyến khích nhân dân và cán bộ
tích cực tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội miền núi và dân
tộc.
7- Về đối ngoại:
Tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại
rộng mở. Tăng cường hoạt động đối ngoại trên các địa bàn, trong các tổ chức
quốc tế và khu vực, nhất là khu vực Đông Nam á; đồng thời nâng cao chất lượng
hoạt động đối ngoại trên các mặt chính trị, kinh tế, khoa học, công nghệ và văn
hoá, xã hội. Triển khai thực hiện việc quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại.
Khẩn trương kiện toàn tổ chức và đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại có phẩm chất
chính trị, đạo đức, trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ. Đẩy mạnh công tác thông tin
đối ngoại. Quan tâm bảo hộ quyền lợi chính đáng và tạo điều kiện để người Việt
Nam ở nước ngoài góp phần phát triển quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước và
tham gia xây dựng Tổ quốc.
8- Nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy
Nhà nước:
Đẩy mạnh cải cách hành chính. Hoàn thiện
một bước hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thi hành pháp luật,
đặc biệt là Bộ luật dân sự mới được Quốc hội thông qua. Sắp xếp lại tổ chức bộ
máy, tinh giản biên chế. Bảo đảm sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các
ngành, các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước. Tăng cường hiệu
lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh,
đối ngoại. Sự chỉ đạo của Nhà nước phải kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm,
có sự thống nhất từ trên xuống dưới. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, có các
biện pháp kiên quyết chống tham nhũng, buôn lậu, lãng phí. Củng cố, làm trong
sạch và nâng cao hiệu lực các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bồi dưỡng và đào tạo đôi ngũ công chức.
Tuyển chọn công chức theo đúng tiêu chuẩn và chức danh. Kiên quyết đưa ra khỏi
bộ máy Nhà nước những người kém phẩm chất, yếu năng lực.
Cải tiến lề lối làm việc, xoá bỏ các thủ
tục phiền hà, tạo điều kiện để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ
quan Nhà nước, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Tăng cường mối quan
hệ chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành
viên của Mặt trận và nhân dân.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Quốc hội giao cho Chính phủ, các cơ quan
Nhà nước hữu quan, các ngành, các cấp tổ chức triển khai và định kỳ kiểm điểm
việc thực hiện Nghị quyết này theo chức năng và nhiệm vụ của mình.
Chính phủ cần tổng hợp đầy đủ tình hình
thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1995, những vấn đề lớn nảy
sinh cần bổ sung, điều chỉnh trong quá trình triển khai kế hoạch năm 1996 và kế
hoạch 5 năm 1996-2000 để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của
Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tăng cường giám
sát việc thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội đã quyết
nghị.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
thành viên nêu cao vai trò giám sát các cơ quan Nhà nước, đồng thời tích cực
động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.
*
* *
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả
nước, các tầng lớp nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài hãy nêu cao lòng yêu
nước, phát huy tài năng và sáng tạo, nhiệt tình và nghị lực thực hiện thắng lợi
nhiệm vụ năm 1996 vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995.