Thông tư 04/2010/TT-BKHCN hướng dẫn về xử phạt VPHC trong chuyển giao công nghệ

  • Tóm tắt
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư 04/2010/TT-BKHCN

Thông tư 04/2010/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2009/NĐ-CP ngày 21/05/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ
Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:04/2010/TT-BKHCNNgày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Nguyễn Quân
Ngày ban hành:21/06/2010Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Khoa học-Công nghệ, Vi phạm hành chính

TÓM TẮT VĂN BẢN

Xử phạt hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ - Thông tư số 04/2010/TT-BKHCN ngày 21/6/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2009/NĐ-CP ngày 21/5/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Theo đó, hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép chuyển giao công nghệ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép để chuyển giao một hoặc một số công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định 49 trong quá trình thực hiện chuyển giao và hành vi đó có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép; hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân chuyển giao các công nghệ không thuộc danh mục công nghệ cấm chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao nhưng có đăng ký chuyển giao với Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc sở khoa học và công nghệ và được cấp giấy chứng nhận để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước, mà có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định 49 trong quá trình thực hiện chuyển giao và hành vi đó có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy chứng nhận. Việc tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận nói trên phải được ghi trong quyết định xử phạt; trường hợp tước quyền sử dụng có thời hạn thì phải ghi rõ thời hạn trong quyết định, đồng thời trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt, người ra quyết định phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy phép, giấy chứng nhận biết việc tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận thì tổ chức và cá nhân vi phạm không được tiếp tục thực hiện các nội dung trong giấy phép, giấy chứng nhận cho phép. Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng và tổ chức, cá nhân bị xử phạt thực hiện xong quyết định xử phạt thì người quyết định xử phạt giao lại giấy phép, giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đã bị tước giấy phép, giấy chứng nhận. Việc giao lại giấy phép, giấy chứng nhận phải được lập thành biên bản. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2010.

Xem chi tiết Thông tư 04/2010/TT-BKHCN tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-----------------

Số: 04/2010/TT-BKHCN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------------------

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2010

 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 49/2009/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 5 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

 

 

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 49/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ;

Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ như sau:

 

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 49/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ (dưới đây gọi tắt là Nghị định 49)

2. Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

a) Hình thức xử phạt trục xuất

Hình thức xử phạt trục xuất áp dụng theo quy định tại Điều 15 và Điều 31 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

b) Hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép chuyển giao công nghệ (dưới đây gọi tắt là Giấy phép) áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép để chuyển giao một hoặc một số công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định 49 trong quá trình thực hiện chuyển giao và hành vi đó có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép.

Hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (dưới đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) áp dụng đối với tổ chức, cá nhân chuyển giao các công nghệ không thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao nhưng có đăng ký chuyển giao với Bộ KH&CN hoặc Sở KH&CN và được cấp Giấy chứng nhận để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước, mà có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định 49 trong quá trình thực hiện chuyển giao và hành vi đó có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận.

Việc tước quyền sử dụng Giấy phép Giấy chứng nhận phải được ghi trong quyết định xử phạt. Trường hợp tước quyền sử dụng có thời hạn thì phải ghi rõ thời hạn trong quyết định. Đồng thời trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt, người ra quyết định phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận biết việc tước quyền sử dụng Giấy phép, Giấy chứng nhận.

Trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép, Giấy chứng nhận thì tổ chức và cá nhân vi phạm không được tiếp tục thực hiện các nội dung trong Giấy phép, Giấy chứng nhận cho phép.

Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng và tổ chức, cá nhân bị xử phạt thực hiện xong quyết định xử phạt thì người quyết định xử phạt giao lại Giấy phép, Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đã bị tước Giấy phép, Giấy chứng nhận. Việc giao lại Giấy phép, Giấy chứng nhận phải được lập thành biên bản.

c) Biện pháp khắc phục hậu quả

Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều 5 và khoản 4 Điều 7 Nghị định 49 được áp dụng theo thứ tự như sau:

- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất sản phẩm, thiết bị công nghệ liên quan đến hành vi vi phạm.

- Trong trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất sản phẩm, thiết bị công nghệ liên quan đến hành vi vi phạm thì áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy.

Biện pháp buộc khắc phục những hậu quả xấu về sức khỏe quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định 49: là việc buộc tổ chức, cá nhân vi phạm phải tổ chức khám, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho những người bị ảnh hưởng do hành vi vi phạm gây ra.

Quá trình tổ chức khám, chữa bệnh cho người bị ảnh hưởng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Sức khỏe của người bị ảnh hưởng phải có nguyên nhân từ hành vi vi phạm gây ra, tức là có mối quan hệ nhân – quả giữa hành vi vi phạm với sự tổn hại sức khỏe của người bị ảnh hưởng.

- Ảnh hưởng đến đâu, khắc phục đến đó.

Việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên thực hiện theo quy định tại các điều 20, 21, 21a và khoản 2 Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

II. HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Hành vi lợi dụng hoạt động chuyển giao công nghệ làm tổn hại đến lợi ích quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 5 Nghị định 49: là việc tổ chức, cá nhân dựa vào các điều kiện thuận lợi do chính sách, pháp luật khuyến khích phát triển công nghệ của nhà nước tạo ra, để thực hiện việc chuyển giao công nghệ nhằm làm tổn hại lợi ích quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Hành vi chuyển giao các công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm trái đạo đức, không phù hợp với bản sắc, thuần phong mỹ tục của dân tộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 49: là việc tổ chức, cá nhân đã chuyển giao các công nghệ không thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao nhưng sản phẩm của công nghệ đó tạo ra có thể làm sai lệch, ảnh hưởng xấu những chuẩn mực quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, xã hội hoặc những phong tục tốt đẹp, lành mạnh được xã hội ghi nhận và tôn trọng.

Trong quá trình xem xét, xác định yếu tố “trái đạo đức, không phù hợp với bản sắc, thuần phong mỹ tục của dân tộc”, cơ quan có thẩm quyền thanh tra, xử phạt căn cứ vào tình hình thực tế, ý kiến chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở địa phương để kết luận, ban hành quyết định xử phạt và chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình.

3. Hành vi chuyển giao công nghệ gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 49: là việc tổ chức, cá nhân đã chuyển giao các công nghệ mà chính quá trình thực hiện công nghệ đó hoặc các sản phẩm do công nghệ đó tạo ra có thể gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người. Nếu công nghệ chuyển giao đó lại thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao thì xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 49.

4. Hành vi chuyển giao công nghệ để sản xuất các sản phẩm mà pháp luật Việt Nam cấm sản xuất quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 49: là việc tổ chức, cá nhân đã chuyển giao các công nghệ không thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao nhưng sản phẩm do công nghệ đó tạo ra thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh được ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

5. Hành vi chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao và Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao quy định tại Điều 7 Nghị định 49: là việc tổ chức, cá nhân đã chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao hoặc chuyển giao trái phép công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao quy định trong các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

6. Hành vi chuyển giao công nghệ không thuộc quyền sở hữu của mình quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 49: là việc tổ chức, cá nhân đã chuyển giao cho một tổ chức, cá nhân khác một công nghệ nào đó không thuộc quyền sở hữu của mình. Tổ chức, cá nhân chuyển giao có thể biết hoặc không biết công nghệ thuộc sở hữu của ai nhưng vi phạm được xác định nếu thực hiện việc chuyển giao công nghệ đó.

Ví dụ: Viện nghiên cứu A cùng Công ty B được giao thực hiện dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ C do ngân sách nhà nước đầu tư kinh phí. Kết thúc dự án, Nhà nước đã giao quyền chủ sở hữu kết quả nghiên cứu và công nghệ được tạo ra cho Công ty B. Tuy nhiên, Viện nghiên cứu A đã tự ý chuyển giao công nghệ đó cho Công ty D. Như vậy, Viện nghiên cứu A đã vi phạm quy định điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 49.

7. Hành vi chuyển giao công nghệ mà công nghệ đó không thuộc quyền được chuyển giao quyền sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 49: là việc một tổ chức, cá nhân chỉ được quyền sử dụng công nghệ, không được quyền chuyển giao quyền sử dụng nhưng đã tự ý chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó cho một tổ chức, cá nhân khác.

Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng chuyển giao công nghệ làm men bia với công ty B. Trong Hợp đồng có quy định công ty B chỉ được quyền sử dụng công nghệ, không được chuyển giao cho bên thứ ba, theo khoản 3 Điều 13 Luật Chuyển giao công nghệ. Nhưng công ty B đã chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ làm men bia cho công ty C. Như vậy, công ty B đã vi phạm điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 49.

Trường hợp trong Hợp đồng không quy định về nội dung nêu trên thì việc chuyển giao cho bên thứ ba của Công ty B không vi phạm điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 49.

8. Hành vi gian lận, lừa dối trong việc lập hợp đồng chuyển giao công nghệ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 49: là việc tổ chức, cá nhân lập hợp đồng chuyển giao công nghệ có những điều khoản không trung thực nhằm mục đích được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy phép chuyển giao công nghệ.

9. Hành vi không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ khi phổ biến, chuyển giao có tổ chức các công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 49: là việc tổ chức, cá nhân không báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở địa phương trước khi thực hiện chuyển giao một cách có tổ chức công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ở vùng nông thôn, miền núi, hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

10. Hành vi tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ mà không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã xác nhận đăng ký hợp đồng khi hủy bỏ hợp đồng quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 49: là việc tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ để được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước nhưng khi hợp đồng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên hủy, các bên tham gia hợp đồng thống nhất hủy hoặc các nguyên nhân khác dẫn đến hợp đồng bị hủy bỏ, mà trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày hủy bỏ hợp đồng đã không thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Đối tượng bị xử phạt theo quy định này là tổ chức, cá nhân đã thay mặt các bên liên quan để gửi hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

11. Hành vi gian lận, giả mạo để được hưởng hỗ trợ, ưu đãi của chính sách khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 49: là việc tổ chức, cá nhân đã có hành vi không trung thực (sử dụng giấy tờ giả, sửa chữa, tẩy xóa các nội dung …) trong việc lập, kê khai, nộp hồ sơ để các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, cho hưởng hỗ trợ, ưu đãi theo chính sách khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

12. Hành vi gây khó khăn cho hoạt động thanh tra, kiểm tra quy định tại điểm e khoản 2 Điều 14 Nghị định 49: là việc hành vi của tổ chức, cá nhân tạo ra các tình huống làm người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra gặp khó khăn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra hoặc không thể tiếp tục thực thi công vụ của mình.

Ví dụ:

- Đại diện tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra cử người không đủ thẩm quyền hoặc không ủy quyền cho người đủ điều kiện để làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra;

- Đại diện tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra không chấp hành yêu cầu hợp pháp của người có thẩm quyền đang tiến hành thanh tra, kiểm tra.

III. THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định tại các điều 15, 16, 17 và 18 Nghị định 49.

2. Trong trường hợp những người quy định tại các Điều 17 và 18 Nghị định 49 đang thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm hành chính nhưng không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì phải kịp thời lập biên bản và trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, chuyển biên bản đó đến người có thẩm quyền quy định tại các điều 15 và 16 Nghị định 49 để tiến hành xử phạt.

Việc lập biên bản về vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định tại các điều 54, 55, 56 và 57 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải có thông báo bằng văn bản đến Sở Khoa học và Công nghệ nơi đặt trụ sở của tổ chức, cá nhân bị xử phạt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2010.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để phối hợp, giải quyết.

 

 Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VPQH, VP Chủ tịch nước, VPCP;
- UBND và Sở KH&CN các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo VPCP;
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN;
- Lưu: VT, TTra.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Quân

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi