Quyết định 753/QĐ-TTCP 2023 Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2024
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 753/QĐ-TTCP
Cơ quan ban hành: | Thanh tra Chính phủ | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 753/QĐ-TTCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Dương Quốc Huy |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 28/12/2023 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Hành chính, Tư pháp-Hộ tịch |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 753/QĐ-TTCP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THANH TRA CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 753/QĐ-TTCP | Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Kế hoạch rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra và xử lý
văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Thanh tra Chính phủ
___________________
TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 81/2023/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Thanh tra Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG THANH TRA |
THANH TRA CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
KẾ HOẠCH
Kế hoạch rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra và xử lý
văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Thanh tra Chính phủ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 753/QĐ-TTCP
ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Tổng Thanh tra Chính phủ)
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của các văn bản hiện hành để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành; Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xác định và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
- Hệ thống hóa toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do các cơ quan nhà nước ban hành còn hiệu lực đến ngày 31/10/2024.
- Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực và các danh mục văn bản, ban hành Quyết định về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.
2. Yêu cầu
Việc rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, chính xác; nội dung, trình tự, thủ tục phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi, đối tượng rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bao gồm:
- Luật, Nghị quyết của Quốc hội;
- Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước;
- Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
2. Phạm vi, đối tượng kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật
- Kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Thanh tra Chính phủ ban hành và kiểm tra theo thẩm quyền đối với các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
- Qua kiểm tra phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật ban hành không đúng quy định của pháp luật, gồm: sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật; xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng quy định của pháp luật.
III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ
1. Về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
a) Tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ, cụ thể là:
- Thu thập, lập phiếu rà soát, lập Hồ sơ rà soát và tập hợp văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024.
- Xây dựng báo cáo kết quả rà soát; tổ chức các cuộc họp, hội nghị để lấy ý kiến hoàn thiện Hồ sơ rà soát và Báo cáo kết quả rà soát.
b) Lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật theo các tiêu chí:
- Danh mục văn bản đầy đủ;
- Danh mục văn bản còn hiệu lực;
- Danh mục văn bản hết hiệu lực và đã bị bãi bỏ, thay thế;
- Danh mục văn bản còn hiệu lực nhưng có mâu thuẫn, chồng chéo cần sửa đổi, bổ sung;
- Danh mục văn bản ban hành sai thẩm quyền.
2. Về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật
- Kiểm tra toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật do Thanh tra Chính phủ ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nhằm phát hiện để xử lý những nội dung trái pháp luật của các văn bản quy phạm pháp luật hoặc yêu cầu cơ quan đã ban hành văn bản kiểm tra, xử lý.
- Trong trường hợp cần thiết, Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền theo chuyên đề, địa bàn.
3. Về lập và công khai Báo cáo rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật
Dựa trên kết quả rà soát, kiểm tra và xử lý văn bản, Thanh tra Chính phủ tiến hành xây dựng Báo cáo kết quả rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian, tiến độ thực hiện
a) Đối với công tác rà soát, hệ thống hóa:
- Từ tháng 01/2024 đến tháng 10/2024: thực hiện việc tập hợp văn bản quy phạm pháp luật, rà soát và lên danh mục các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Thanh tra Chính phủ ban hành và các cơ quan nhà nước khác ban hành (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành);
- Từ tháng 11/2024 đến tháng 12/2024: xây dựng báo cáo rà soát, hoàn chỉnh các danh mục văn bản; tổ chức các cuộc họp, hội nghị lấy ý kiến về kết quả rà soát; lập Hồ sơ rà soát; hoàn thiện báo cáo trình lãnh đạo Thanh tra Chính phủ;
- Tháng 01/2025: gửi Bộ Tư pháp Báo cáo kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, Báo Thanh tra và Tạp chí Thanh tra; tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.
b) Đối với công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật:
- Từ tháng 01/2024 đến tháng 6/2024: thực hiện việc tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Thanh tra Chính phủ ban hành;
- Tháng 9/2024: phát hành công văn yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do mình ban hành;
- Từ tháng 10/2024 đến tháng 12/2024: thực hiện việc tập hợp văn bản tự kiểm tra của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tiến hành xử lý theo thẩm quyền;
- Từ tháng 01/2025 đến tháng 02/2025: lập hồ sơ kiểm tra văn bản; xây dựng báo cáo kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
2. Phân công nhiệm vụ
- Vụ Pháp chế là đơn vị chủ trì, làm đầu mối thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; lập kế hoạch phân công cụ thể và hướng dẫn các vụ, cục, đơn vị thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa; tổng hợp báo cáo rà soát, hệ thống hóa của các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ để lập phiếu rà soát; xây dựng, hoàn thiện Báo cáo rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Thanh tra Chính phủ.
- Các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ rút ra qua công tác thanh tra tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ tháng 01/2024 đến tháng 12/2024 gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Văn phòng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm kinh phí và các điều kiện khác để triển khai thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
3. Kinh phí thực hiện
Vụ Pháp chế phối hợp với Văn phòng, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp xây dựng dự trù kinh phí phục vụ cho các hoạt động thuộc Kế hoạch này trình Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phê duyệt./.