Quyết định 730/QÐ-BVHTTDL 2025 Triển lãm “Không gian Du lịch, sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 730/QÐ-BVHTTDL
Cơ quan ban hành: | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 730/QÐ-BVHTTDL | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Tạ Quang Đông |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 21/03/2025 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 730/QÐ-BVHTTDL
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH _____________ Số: 730/QĐ-BVHTTDL | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc tổ chức Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng
và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”
_______________
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định số 43/2025/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 4225/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025;
Căn cứ Quyết định số 2268/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 8 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Danh mục và Dự toán kinh phí nhiệm vụ năm 2025 của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Giám đốc Trung tâm Triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Giao Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế và các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” (Kế hoạch kèm theo).
Điều 2. Kinh phí tổ chức từ:
- Nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa thông tin năm 2025 của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam;
- Kinh phí của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế;
- Kinh phí của các đơn vị tham gia và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Giám đốc Trung tâm Triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế và Thủ trưởng các đơn vị tham gia chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Bộ trưởng (để báo cáo); - Thứ trưởng Tạ Quang Đông; - UBND các tỉnh/thành phố tham gia; - Các đơn vị liên quan (để phối hợp); - Lưu: VT, MTNATL, ĐT.35. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Tạ Quang Đông |
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH _____________ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ |
KẾ HOẠCH
Tổ chức Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng
và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” trong khuôn khổ
Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025
(Kèm theo Quyết định số: 730/QĐ-BVHTTDL ngày 21 tháng 3 năm 2025
của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
___________
Căn cứ Quyết định số 4225/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Kế hoạch Tổ chức Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” năm 2025 tại Thành phố Huế như sau:
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” là hoạt động văn hóa, du lịch trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025; kỷ niệm 50 năm giải phóng Thành phố Huế (26/3/1975 - 26/3/2025) và chào mừng Thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh của đất nước và con người Việt Nam được xây dựng theo chiều dài lịch sử dân tộc.
- Các hoạt động tại Triển lãm góp phần tăng cường giao lưu giữa các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch và văn hóa nghệ thuật.
- Triển lãm giới thiệu, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các vùng, miền, động viên, khích lệ tinh thần lao động sáng tạo của các nghệ nhân, là dịp để các nghệ nhân giao lưu, quảng bá về tiềm năng du lịch làng nghề, mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề truyền thống, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.
- Triển lãm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc về nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc được kết tinh và tiếp nối qua nhiều thế hệ, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
2. Yêu cầu
- Các hoạt động triển lãm, chương trình giao lưu nghệ thuật phải đảm bảo chất lượng về nội dung và hình thức theo đúng mục đích và yêu cầu.
- Công tác tổ chức triển lãm đảm bảo an toàn, ý nghĩa, tiết kiệm, đạt hiệu quả.
II. TÊN GỌI, QUY MÔ, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM
1. Tên gọi: Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.
2. Thời gian và địa điểm
- Thời gian: Từ ngày 27/4 đến ngày 02/5/2025.
- Địa điểm: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thành phố Huế.
Số 41A Hùng Vương, quận Thuận Hóa, Thành phố Huế.
3. Quy mô: Với sự tham gia của các tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
III. CƠ QUAN CHỈ ĐẠO VÀ ĐƠN VỊ THỰC HIỆN
1. Cơ quan chỉ đạo
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Ủy ban nhân dân Thành phố Huế.
2. Cơ quan phối hợp
- Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An, Khánh Hòa.
- Hội Di sản văn hóa Việt Nam.
- Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Vụ Kế hoạch, tài chính, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam.
- Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch các tỉnh/thành phố trên cả nước: Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An, Khánh Hòa.
- Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
- Sở Du lịch Thành phố Huế.
- Bảo tàng cổ vật Mũi Né.
- Công ty Cổ phần Hội chợ và Xúc tiến thương mại FTP.
- Các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, họa sĩ, diễn viên, phóng viên.
- Các Công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nghệ nhân, làng nghề truyền thống...
3. Đơn vị thực hiện
- Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam;
- Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế.
IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
PHẦN 1: Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam”
1. Khu triển lãm chung
1.1. Triển lãm ảnh
1.1.1. Chủ đề 1: Du lịch qua các miền di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam
- Triển lãm các tác phẩm ảnh về đất nước con người Việt Nam đã được UNESCO vinh danh: di sản văn hóa thế giới; các di sản thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới; di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu.
- Giới thiệu hình ảnh các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mọi miền cả nước.
1.1.2. Chủ đề 2: Các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay
- Những vùng đất một thời là Kinh đô Việt Nam, nơi khắc sâu dấu ấn lịch sử văn hóa từ ngàn đời, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của đất nước.
- Trưng bày hình ảnh Du lịch, di sản văn hóa các vùng kinh đô Việt Nam: Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thành phố Huế và Hà Nội.
1.1.3. Chủ đề 3: “Di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam”
Trưng bày giới thiệu các di sản văn hóa dân tộc qua các vùng trên đất nước Việt Nam:
- Văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ: Trưng bày áo dài truyền thống, vải thổ cẩm bằng tơ tằm; không gian gia đình người Kinh xưa ngồi quây quần bên mâm cơm trong gian bếp; một số nghề thủ công truyền thống như in tranh dân gian Đông Hồ, nghề điêu khắc, chạm bạc, chạm đồng...
- Văn hóa vùng Thung lũng và Núi cao phía Bắc: nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao đỏ và cuộc sống hàng ngày của người dân tộc Mông, Dao, Tày.
- Văn hóa các dân tộc miền Trung: Trưng bày tổ hợp Nhã nhạc cung đình Huế và một số nhạc cụ dùng trong dàn nhã nhạc; Trưng bày một số nhạc cụ của dân tộc Chăm và tái hiện đám cưới người Chăm.
- Văn hóa vùng Trường Sơn - Tây Nguyên: Tái hiện một số lễ hội vùng Trường Sơn - Tây Nguyên và trưng bày một số sản phẩm đồ đan lát, nhạc cụ của các dân tộc Tây Nguyên.
- Văn hóa vùng Nam Bộ: Trưng bày một số nhạc cụ dùng trong đờn ca tài tử Nam Bộ; tượng phật, bát khất thực, cây bông, lồng bàn đậy lễ vật khi lên chùa và dàn nhạc ngũ âm của dân tộc Khmer.
1.2. Trưng bày và trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng
Trình diễn và trưng bày một số tác phẩm điêu khắc ánh sáng. Trong bộ sưu tập “Trầm tích kinh kỳ”:
- Hương sa: là tác phẩm lấy cảm hứng từ hoa sen xứ Huế. Khi ánh sáng chiếu rọi, hiện lên hình ảnh cô gái Huế đội nón lá với tà áo dài bên dòng sông Hương, thanh lịch, đằm thắm nhưng cũng đầy sức sống.
- Cố đô: Tác phẩm điêu khắc kim loại tái hiện hoa văn cổ cung đình Huế, cổng Ngọ Môn uy nghiêm, mang theo dấu ấn thời gian về một kinh thành xưa, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, nghệ thuật và lịch sử dân tộc.
- Chiếc nón bài thơ: bóng nón lá hiện lên cùng gương mặt nàng thơ xứ Huế dịu dàng, e ấp gợi nhớ đến nét đẹp biểu tượng của mảnh đất kinh kỳ.
1.3. Không gian văn hóa trà Việt
Tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và giao lưu văn hóa trà của các tỉnh: Điện Biên, Hà Giang, Thái Nguyên...
1.4. Không gian Triển lãm “Lụa Việt Nam và Câu chuyện áo dài”
- Tìm hiểu về tơ lụa Việt Nam cùng sự hài hoà và tâm sức của những người con đất Việt đã tạo nên những tấm lụa tinh hoa, đa sắc màu, là sắc thái văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
- Trưng bày và giới thiệu các bộ sưu tập áo dài Việt Nam của các nhà thiết kế, tôn vinh và lan tỏa hình ảnh vẻ đẹp của người phụ nữ với những chiếc áo dài qua từng thời kỳ để nâng tầm áo dài thành một “vật phẩm văn hóa” trong ngoại giao, phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam đến với thế giới.
1.5. Khu trưng bày gốm Việt cổ
Trưng bày các sản phẩm gốm việt.
* Đơn vị thực hiện các nội dung từ mục 1.1 đến mục 1.5: Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Văn hóa, các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng cổ vật Mũi Né, các đơn vị, các nghệ nhân, nghệ sĩ nhiếp ảnh, các nhà sưu tập cổ vật...
2. Khu Triển lãm: Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” các tỉnh/thành phố
2.1. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Hà Giang
- Giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp du lịch thông qua các ấn phẩm, tài liệu, tranh ảnh, tạp chí như ảnh đẹp du lịch Hà Giang: Cao nguyên đá Đồng Văn, Núi Cấm Sơn, Đèo Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng cú...
- Trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm ẩm thực địa phương tiêu biểu của tỉnh Hà Giang thịt lợn gác bếp, mèn mén, xôi ngũ sắc...
- Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống của các nghệ nhân dân tộc tỉnh Hà Giang: nghề dệt lanh, nghề làm khèn, nghề làm bạc...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang.
2.2. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Cao Bằng
- Giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và dịch vụ của địa phương: Khu di tích lịch sử Pác Bó, Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao...
- Trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm ẩm thực địa phương tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng.
- Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống của các nghệ nhân dân tộc tỉnh Cao Bằng: nghề thêu thổ cẩm của người Dao Tiền, nghề đan lát, nghề làm hương.
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng.
2.3. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Tuyên Quang
- Giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và dịch vụ của địa phương: Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Đền Hạ, Khu du lịch sinh thái Na Hang..
- Trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm ẩm thực địa phương tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang.
- Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống của các nghệ nhân dân tộc tỉnh Tuyên Quang: Nghề đan nón, nghề thổ cẩm, Nghề trồng bông, dệt vải...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng.
2.4. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Điện Biên
- Giới thiệu các di sản văn hóa, thiên nhiên, các di tích lịch sử, lễ hội đặc sắc, các danh thắng tiêu biểu của địa phương, những điểm đến được du khách yêu thích; giới thiệu nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của tỉnh Điện Biên: Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đồi A1...
- Giới thiệu các loại hình du lịch: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch cộng đồng văn hóa các dân tộc thuộc tỉnh Điện Biên, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Măng đắng luộc, xôi nếp nương, thịt trâu khô, gà nướng mắc khén...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên.
2.5. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Bắc Kạn
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn: Hồ Ba bể, di tích an toàn khu (ATK) Chợ Đồn, di tích lịch sử Nà Tu...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch.
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Mật ong, mộc nhĩ, nấm hương rừng, măng khô, vải dệt thổ cẩm, gùi đi nương...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn.
2.6. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Thái Nguyên
- Giới thiệu các di tích lịch sử, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu của tỉnh: khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Hồ Núi Cốc...
- Giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực, sản vật của địa phương: Cơm lam, bánh chưng dài, xôi ngũ sắc...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên.
2.7. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Hòa Bình
- Giới thiệu các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu của tỉnh: Di tích đền chúa Thác Bờ, Tượng đài Tây Tiến, Thung lũng Mai Châu...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch.
- Giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, sản vật của địa phương: cơm lam, rượu cần, xôi nếp nương...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình.
2.8. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Vĩnh Phúc
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc: Tháp Bình Sơn, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam; khu danh thắng Tây Thiên, Tam Đảo...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch thể thao Golf...
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Cá thính Lập Thạch, Ngọn su su Tam Đảo, Bò tái kiến đốt…
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.
2.9. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Phú Thọ
- Giới thiệu hình ảnh di sản văn hóa phi vật thể, di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Phú Thọ: Lễ hội Đền Hùng, Hát Xoan Phú Thọ, Lễ hội Trò Trám, Đình Hùng Lô...
- Giới thiệu các loại hình du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái.
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu.
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ.
2.10. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Quảng Ninh
- Giới thiệu hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Quảng Ninh.
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch biển, du lịch xanh, du lịch đồng quê...
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Chả mực Hạ Long, Nếp cái hoa vàng Đông Triều, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực ống Cô Tô...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh.
2.11. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Lạng Sơn
- Giới thiệu hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Lạng Sơn.
- Giới thiệu các loại hình du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái, du lịch ẩm thực Lạng Sơn.
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu: Lợn quay, vịt quay...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.
2.12. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” Thành phố Hà Nội
- Giới thiệu hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của thành phố Hà Nội: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc tử Giám, lễ hội chùa Hương, lễ hội Gò đống Đa, Lễ hội đền Gióng Sóc Sơn...
- Giới thiệu các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái...
- Giới thiệu các sản vật đặc trưng: bánh cốm, bánh chả, bánh đậu xanh, kẹo...
* Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Thành phố Hà Nội.
2.13. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Bắc Ninh
- Trưng bày pano giới thiệu 14 điểm du lịch Bắc Ninh, trưng bày pano giới thiệu 04 làng nghề truyền thống Bắc Ninh.
- Trưng bày Triển lãm ảnh đẹp du lịch “Vẻ đẹp Bắc Ninh” và tiểu cảnh không gian làng quan họ (cây đa, giếng nước, mái đình, cầu đá,... phục vụ khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm).
- Trưng bày một số sản phẩm quà tặng lưu niệm du lịch, tranh Đông Hồ, sản phẩm chạm khắc gỗ, các ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp giới thiệu về văn hóa, du lịch Bắc Ninh... Giới thiệu ẩm thực truyền thống, sản vật tiêu biểu của địa phương.
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh.
2.14. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Bắc Giang
- Trưng bày Triển lãm ảnh đẹp du lịch phục vụ khách du lịch tham quan.
- Giới thiệu các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch văn hóa tâm linh...
- Giới thiệu các sản vật đặc trưng: Rượu Làng Vân, Cam Bố Hạ, Mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế..
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang
2.15. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Hưng Yên
- Giới thiệu hình ảnh di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích quốc gia đặc biệt: Văn Miếu - Xích Đằng, Đền Đậu An, Đền Mẫu...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch...
- Giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực địa phương: Long nhãn, hạt sen, tương bần, nghệ Chí Tân...
- Biểu diễn nghệ thuật truyền thống: hát Trống quân, Ca trù, hát chèo..
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên.
2.16. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Ninh Bình
- Giới thiệu hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Ninh Bình: Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, Danh lam Thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và Di tích Danh lam Thắng cảnh Núi Non Nước...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch tâm linh, du lịch xanh, du lịch đồng quê...
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: thịt dê núi, cơm cháy, miến lươn, mắn tép Gia Viễn...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình.
2.17. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Nam Định
- Giới thiệu hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Nam Định: Chùa Đại Bi, Cột cờ, chùa Phổ Minh, Đền Trần...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch tâm linh, du lịch xanh, du lịch đồng quê.
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Nem nắm Giao Thủy, Bánh gai Nam Định, Kẹo Sìu Châu.
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định.
2.18. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Thanh Hoá
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu Xứ Thanh: Thành Nhà Hồ, khu Lam Sơn - Lam Kinh, cầu Hàm Rồng, bãi biển Sầm Sơn, Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần.
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch biển, Du lịch sinh thái cộng đồng, Du lịch tâm linh...
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Nem chua, mực khô, cơm lam, cá biển...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa.
2.19. Không gian “Du lịch di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống” Thành phố Huế
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế: Nhã Nhạc Cung đình Huế, Quần thể di tích cố đô Huế, Hệ thống Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch tôn giáo tín ngưỡng Huế, du lịch chăm sóc sức khỏe...
- Các sản phẩm thủ công truyền thống Huế.
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Bún bò huế, mắm huế, mè xửng...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế.
2.20. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Quảng Nam
- Giới thiệu các giá trị về thiên nhiên, danh lam, thắng cảnh, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh Quảng Nam như: Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, Quần thể tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng, Hồ Phú Ninh, làng quê, làng nghề, nghệ thuật bài chòi và các di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
- Giới thiệu thông tin, hình ảnh, sản phẩm dịch vụ du lịch, du lịch xanh, các gói kích cầu du lịch, sự kiện, lễ hội của tỉnh Quảng Nam năm 2025; Chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch đến Quảng Nam năm 2025...
- Giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh Quảng Nam.
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam.
2.21. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Quảng Ngãi
- Giới thiệu những đặc trưng về Di sản văn hóa, thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như: Khu di tích Khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh,di sản văn hóa Champa với các đền tháp, thành quách, dấu vết văn hoá cổ xưa như thành cổ Châu Sa, Gò Vàng., có di tích lịch sử Ba Tơ, Sơn Mỹ, Ba Gia, Trà Bồng, Vạn Tường; nhiều cảnh đẹp như Thiên Ấn, Niêm Hà, nhiều bãi biển Lý Sơn, Dung Quất, Sa Huỳnh.
- Giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực, sản vật của địa phương: cá bống sông Trà, Quế trà bồng, Kẹo gương…
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi.
2.22. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Phú Yên
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh Phú Yên: danh thắng gành Đá Dĩa, di tích kiến trúc Tháp Nhạn, di tích lịch sử Bến Vũng Rô, Lễ hội cầu ngư...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch biển đảo, văn hóa - lịch sử; du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng...
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Mắt cá ngừ đại dương, Bánh phu thê Phú Yên, Nước mắm Phú Yên...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên.
2.23. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Bình Định
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể,các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh Bình Định: bãi biển Kì Co, Eo Gió, tháp Đôi, tháp Bánh Ít...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: du lịch chuyên đề về văn hóa, ẩm thực, tâm linh, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã.
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Chả ram tôm đất, Bánh ít lá gai, Rượu Bàu đá...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định.
2.24. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Đắk Lắk
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể,các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh Đăk Lăk: Lễ hội Cồng chiêng, Khan (sử thi) của người Ê đê; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M'nông; Ngữ văn dân gian Lời nói vần của người Ê đê...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Cà phê, ca cao, tiêu...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk.
2.25. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Kon Tum
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh: Lễ hội Cồng chiêng, Ngã ba Đông Dương, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Di tích lịch sử và danh thắng Măng Đen...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Cà phê, ca cao, tiêu...
* Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kon Tum.
2.26. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Đồng Tháp
- Giới thiệu các di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, di sản văn hóa, lễ hội của tỉnh Đồng Tháp: vườn Quốc gia Tràm chim, vườn hoa Sa Đéc, khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... và các sản vật tiêu biểu của địa phương.
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp.
2.27. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Hậu Giang
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang.
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch cộng đồng...
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương.
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang.
2.28. Không gian sắc màu “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh An Giang
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh An Giang: Khu di chỉ Óc Eo, Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Hội đua bò Bảy Núi...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa - lịch sử, lễ hội ...
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Bò cạp Bảy Núi, mắm Châu Đốc, đường thốt nốt…
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2.29. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” Thành phố Cần Thơ
- Giới thiệu các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu như: Nghệ thuật Đơn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh, văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ. Những điểm đến được du khách yêu thích; giới thiệu nét đặc sắc về sinh hoạt cộng đồng; quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch bền vững tại địa phương.
- Giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực, sản vật của địa phương…
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Cần Thơ.
2.30. Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Bạc Liêu
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đình An Trạch; Đờn ca tài tử Nam Bộ...
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa - lịch sử, lễ hội ...
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Lẩu mắm, tôm khô, thanh nhãn...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu.
2.31. Không gian sắc màu “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Vĩnh Long
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh: Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, Chùa Tiên Châu…
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa - lịch sử, lễ hội ... - Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Bưởi Năm Roi, bánh tét ba nhân, bánh tráng nem ở xứ cù lao Mây…
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long.
2.32. Không gian sắc màu “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Long An
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu của tỉnh: Lăng Mộ và đền thờ ông Nguyễn Huỳnh Đức, Di tích lịch sử căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa…
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa - lịch sử, lễ hội…
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương.
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An.
2.33. Không gian sắc màu “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” tỉnh Khánh Hòa.
- Giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội các danh thắng tiêu biểu tỉnh Khánh Hòa: Lễ hội Tháp Bà Panogar, Lễ hội Cầu Ngư…
- Giới thiệu các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa - lịch sử, lễ hội…
- Giới thiệu ẩm thực, sản vật tiêu biểu của địa phương: Yến sào, tôm hùm...
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa.
Lưu ý: Các tỉnh đăng ký từ 2 đến 3 gian thiết bị tiêu chuẩn (3m x 3m = 1gian), đơn vị nào có nhu cầu tự dựng liên hệ sớm với ban tổ chức để bố trí mặt bằng. Các đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế maket, trang trí, trưng bày tại không gian của đơn vị mình.
PHẦN 2: Trưng bày “Sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, ẩm thực truyền thống và sản phẩm tiêu dùng”
1. Không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP và ẩm thực truyền thống
- Quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu toàn quốc.
- Giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực với các loại bánh cổ truyền, món ăn đa dạng, đặc sắc, chất lượng.
Dự kiến số lượng: 30 đơn vị
Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp.
2. Khu giới thiệu và bán sản phẩm tiêu dùng
Tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm chất lượng cao, hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của khách tham quan.
Dự kiến số lượng: 30 gian hàng tiêu chuẩn (9m2/gian).
Đơn vị thực hiện: Công ty Cổ phần Hội chợ và Xúc tiến thương mại FTP, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh…
PHẦN 3: Chương trình Giao lưu văn hóa nghệ thuật (có kịch bản tổng thể)
1. Liên hoan nghệ thuật quần chúng trong khuôn khổ Triển lãm “Không gian du lịch, di sản văn hoá, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam"
(Ban Tổ chức sẽ có Thông báo riêng của Liên hoan).
Mỗi đơn vị đăng ký tham gia Liên hoan từ 03 - 05 tiết mục (tổng thời lượng chương trình của mỗi đoàn không quá 25 phút), cụ thể như sau:
- Trình diễn các tiết mục ca, múa, nhạc dân gian và hiện đại.
- Tiết mục trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam; trình diễn áo dài Việt Nam.
- Nội dung: Ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, ca ngợi tình yêu cuộc sống, tình yêu con người trong thời kỳ đất nước đổi mới; Giới thiệu những nét đặc sắc, tiêu biểu về văn hóa, du lịch của địa phương thông qua các tiết mục tham dự Liên hoan.
- Khuyến khích các tiết mục tập thể, được dàn dựng công phu mang hơi thở của cuộc sống trong thời kỳ bước vào kỷ nguyên mới.
2. Các hoạt động Giao lưu văn hóa nghệ thuật khác
Các đoàn đăng ký tham gia các chương trình Giao lưu nghệ thuật với chủ đề "Việt Nam ngày mới" với các hình thức nghệ thuật:
- Các tiết mục ca, múa, nhạc được dàn dựng theo phong cách đương đại.
- Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam; trình diễn thời trang áo dài Việt Nam xưa và nay.
- Trình diễn nghệ thuật đường phố, khiêu vũ thể thao (dành cho cho các lứa tuổi).
3. Chương trình hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm
* Lễ Khai mạc
- Thời gian: 19h30' (ngày 27/4/2025).
- Địa điểm: Sân khấu Trung tâm Văn hóa Điện ảnh thành phố Huế.
- Thành phần: Đại biểu, các đoàn tham gia triển lãm và công chúng.
* Liên hoan nghệ thuật quần chúng trong khuôn khổ "Triển lãm Không gian du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam ".
- Thời gian: Dự kiến Liên hoan trong 02 ngày (ngày 28, 29/4/2025).
* Các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật khác diễn ra vào các ngày trong khuôn khổ triển lãm (ngày 30/4 và 01/5/2025).
* Bế mạc Triển lãm: ngày 02/5/2025.
V. KINH PHÍ TỔ CHỨC:
- Nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa thông tin năm 2025 của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam;
- Kinh phí của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế;
- Kinh phí của các đơn vị tham gia và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
VI. CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần tích cực để triển lãm tổ chức thành công.
- Chủ tịch UBND Thành phố Huế tặng Bằng khen cho Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành phố tham gia.
- Giám đốc Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tặng giấy khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích tham gia triển lãm;
VII. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI
1. Tháng 01 năm 2025
- Xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức triển lãm.
- Gửi văn bản mời các đơn vị tham gia triển lãm.
2. Tháng 02, 03 năm 2025
- Tiếp nhận đăng ký tham gia hoạt động của các đơn vị.
- Hoàn thiện kế hoạch triển lãm, xây dựng nội dung trưng bày, thiết kế tổng thể, ma-két trưng bày triển lãm.
- Các thủ tục pháp lý để tổ chức hoạt động: Quyết định tổ chức, Kế hoạch, Quyết định thành lập Ban Tổ chức.
- Các đơn vị triển khai nội dung theo kế hoạch phân công.
3. Tháng 04 năm 2025
- Ngày 18/04: Trung tâm nhân mặt bằng thi công triển lãm.
- Ngày 22/04: Các đơn vị nhận vị trí, gian hàng để trưng bày triển lãm.
- Ngày 26/04:
+ Tổng duyệt chương trình lễ khai mạc.
+ Họp trưởng đoàn:
- Ngày 27/04 Khai mạc triển lãm.
- Ngày 02/05: Kết thúc triển lãm.
VIII. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1.1. Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam
- Là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế tổ chức Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.
- Xây dựng đề cương, kế hoạch Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.
- Làm việc, mời các địa phương tham gia Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.
- Thực hiện trưng bày chung chủ đề Không gian “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.
- Thiết kế maket tổng thể, thi công trang trí không gian triển lãm, sân khấu; bố trí mặt bằng cho các đơn vị tham gia triển lãm.
- Xây dựng kịch bản tổng thể Lễ Khai mạc, bế mạc, chương trình giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật.
- Thiết kế, in giấy mời khai mạc.
- Công tác tuyên truyền thông tin báo chí tại Trung ương và Hà Nội.
- Vận chuyển trang thiết bị, màn hình Led, hiện vật trưng bày; dựng gian hàng cho các tỉnh, thành phố tham gia triển lãm, các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu.
- Dựng nhà tiền chế (nhà bạt che mưa, nắng) cho các đơn vị tham gia trưng bày triển lãm.
- Lắp đặt màn hình Led, âm thanh, ánh sáng phục vụ các chương trình khai mạc, bế mạc, liên hoan và giao lưu nghệ thuật.
- Đề xuất Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia Triển lãm.
- Giám đốc Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tặng giấy khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích tham gia triển lãm.
- Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường để tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu.
1.2. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm
Tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ ký: văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố mời tham gia Triển lãm; Quyết định tổ chức; Kế hoạch tổ chức Triển lãm “Không gian du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.
1.3. Cục Di sản văn hóa
Góp ý nội dung Triển lãm “Không gian du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.
1.4. Vụ Tổ chức cán bộ
Tham mưu trình Lãnh đạo Bộ tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, tham gia tổ chức thành công Triển lãm “Không gian du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” tại Thành phố Huế trên cơ sở đề nghị của đơn vị trình khen thưởng.
1.5. Vụ Kế hoạch, Tài Chính
Thẩm định dự toán kinh phí và phối hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ những vấn đề liên quan đến tài chính.
1.6. Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam
Phối hợp với Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam trưng bày triển lãm với chủ đề “Hành trình di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam”.
2. Trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
2.1. Ủy ban nhân dân Thành phố Huế:
- Chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế phối hợp với Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.
- Bố trí địa điểm tổ chức Triển lãm, bàn giao mặt bằng trước ngày 18/4 cho Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam thi công dàn dựng.
- Tham mưu thành phần và mời đại biểu trong Thành phố tham dự triển lãm; gửi giấy mời, đón tiếp các đại biểu dự triển lãm.
- Dựng sân khấu, bàn, ghế phục vụ khai mạc, bế mạc triển lãm, chương trình giao lưu nghệ thuật. Bàn và ghế khu vực gian hàng các tỉnh, thành phố tham gia triển lãm.
- Dựng nhà tiền chế (nhà bạt che mưa, nắng), bố trí hệ thống quạt công nghiệp tại khu vực khán giả dự khai mạc, bế mạc và các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật.
- Thiết kế, thi công và xây dựng gian trưng bày của thành phố với chủ đề “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống thành phố Huế”.
- Bố trí MC dẫn chương trình khai mạc, bế mạc triển lãm, chương trình giao lưu nghệ thuật; chuẩn bị các điều kiện phục vụ cắt băng khai mạc triển lãm.
- Phối hợp xây dựng kịch bản chương trình khai mạc, chủ trì chương trình nghệ thuật mang bản sắc của Huế phục vụ lễ khai mạc.
- Cử đoàn nghệ thuật tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng trong khuôn khổ triển lãm (do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức).
- Thực hiện công tác tuyên truyền trực quan (in treo pano, phướn, băng zôn) trên các tuyến phố tại thành phố Huế theo ma két được duyệt và công tác truyền thông trên đài, báo của thành phố; tuyên truyền trên hạ tầng mạng xã hội.
- Đảm bảo công tác an ninh, trật tự, công tác phòng cháy chữa cháy, điện, nước, vệ sinh trong suốt thời gian diễn ra hoạt động.
- Huy động khán giả đến tham quan triển lãm và dự lễ khai mạc, bế mạc và các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật trong suốt thời gian diễn ra triển lãm.
- Bố trí phòng thường trực Ban Tổ chức; Cán bộ trực y tế.
- Liên hệ giới thiệu nơi ăn nghỉ cho các đoàn tham gia triển lãm và giao lưu văn hóa nghệ thuật.
- Bố trí cán bộ hướng dẫn các đoàn địa phương về tham dự Triển lãm đi tham quan một số di tích danh thắng của Huế (miễn phí vé tham quan).
- Bố trí phòng họp trưởng các đơn vị tham gia triển lãm (trước buổi khai mạc).
- Bố trí buổi gặp mặt đại biểu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban tổ chức và đại diện các đoàn tham dự triển lãm.
- Đề xuất UBND thành phố tặng Bằng khen cho Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố tham gia triển lãm.
- Làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Huế tạo điều kiện cho ô tô các đoàn tham gia triển lãm vận chuyển trang thiết bị, vật tư phục vụ triển lãm.
- Cung cấp nguồn điện đến tận vị trí thi công lắp đặt không gian triển lãm, đảm bảo nguồn điện lưới, điện chiếu sáng chung phục vụ toàn bộ khu vực trưng bày triển lãm và khu vực giao lưu văn hóa nghệ thuật; bố trí máy nổ dự phòng phục vụ chương trình khai mạc, bế mạc triển lãm.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An, Khánh Hòa chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Du lịch, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch:
- Tổ chức tham gia triển lãm và chương trình giao lưu nghệ thuật.
- Đảm bảo tạo điều kiện kinh phí về mọi mặt để các đơn vị tham gia triển lãm, giao lưu văn hóa nghệ thuật đạt hiệu quả cao.
- Tổ chức tuyên truyền giới thiệu với nhân dân địa phương về các hoạt động triển lãm trước, trong và sau hoạt động.
3. Trân trọng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và các đơn vị có liên quan
Tổ chức thực hiện Không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP và ẩm thực truyền thống.
4. Công ty Cổ phần Điêu khắc ánh sáng Đại Việt
Trình diễn và trưng bày một số tác phẩm điêu khắc ánh sáng. Trong bộ sưu tập “Trầm tích kinh kỳ”.
5. Công ty Cổ phần Hội chợ và Xúc tiến thương mại FTP
Tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm chất lượng cao, hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của khách tham quan.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hoá, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” tại Thành phố Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Huế, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan quan tâm tạo điều kiện phối hợp chỉ đạo và thực hiện tổ chức tốt sự kiện ý nghĩa này./.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem Văn bản gốc.
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây