Quyết định 2844/QÐ-BVHTTDL 2024 Quy chế hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng trong Liên hoan nghệ thuật
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 2844/QÐ-BVHTTDL
Cơ quan ban hành: | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 2844/QÐ-BVHTTDL | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Trịnh Thị Thủy |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 30/09/2024 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 2844/QÐ-BVHTTDL
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH _________________ Số: 2844/QĐ-BVHTTDL | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _____________________ Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng
trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính
các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024
_________________
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 759/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 3 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội;
Căn cứ Kế hoạch số 3317/KH-BVHTTDL ngày 07 tháng 8 năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024 (Có Quy chế kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố tham gia Liên hoan; các cơ quan, đơn vị, địa phương và tập thể, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Bộ trưởng; - Các Thứ trưởng; - Thành viên BTC Liên hoan; - Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh tham gia Liên hoan; - Lưu: VT, VHDT, NTH.70b. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Trịnh Thị Thủy |
BỘ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH _________________ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _____________________ |
QUY CHẾ
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng trong khuôn khổ
Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái
lần thứ VII, năm 2024
(Kèm theo Quyết định số 2844/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 9 năm 2024
của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
_________________
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Yêu cầu chung đối với Đoàn văn hóa nghệ thuật quần chúng các tỉnh/thành phố tham gia Liên hoan
- Trưởng các đoàn chịu trách nhiệm về con người, ăn ở, đi lại, an toàn cho các thành viên của đoàn mình trước, trong và sau khi Liên hoan kết thúc về địa phương. Nếu có vướng mắc, kịp thời trao đổi và xin ý kiến Thường trực Ban Tổ chức Liên hoan để giải quyết (qua Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
- Các đoàn gửi đăng ký Chương trình tiết mục (bản mềm) về Thường trực Ban Tổ chức qua hòm thư điện tử trước ngày 30/10/2024, Chương trình tiết mục (tờ gấp) cho Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật vào chiều ngày 14/11/2024 và trước khi biểu diễn, giới thiệu các nội dung hoạt động.
- Tuân thủ theo sự sắp xếp của Ban Tổ chức về thời gian, lịch hoạt động biểu diễn, các quy định về ăn ở, đi lại, vệ sinh môi trường; Giữ đúng vị trí được Ban Tổ chức quy định để xem và động viên cổ vũ các đoàn bạn trong các hoạt động của Liên hoan; Phải mặc trang phục dân tộc trong quá trình tham gia tất cả các hoạt động của Liên hoan (Khai mạc, trình diễn các nội dung hoạt động, tổng kết trao giải, bế mạc).
- Nếu có thắc mắc và cần giải đáp những vấn đề liên quan đến kết quả khen thưởng các tiết mục tham gia Liên hoan, Trưởng các đoàn có trách nhiệm trao đổi trực tiếp với Trưởng Ban Tổ chức, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật để xem xét, giải quyết. Không phát ngôn tùy tiện gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến tinh thần chung và không khí của Liên hoan.
Điều 2. Đối tượng, nội dung tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng tại Liên hoan
1. Đối tượng tham gia
Lực lượng tham gia Liên hoan là nghệ nhân, diễn viên quần chúng các dân tộc Tày, Nùng, Thái đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn các tỉnh/thành phố: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng và thành phố Hà Nội, không vi phạm pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội.
2. Nội dung tham gia
Các nội dung chấm giải:
- Không gian Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống của các địa phương;
- Trình diễn nghề truyền thống Dệt thổ cẩm và Chế tác đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái;
- Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống;
- Biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính.
3. Yêu cầu
Các chương trình tham gia Liên hoan phải được chuẩn bị chu đáo, luyện tập dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc văn hóa, làm nổi bật đặc trưng văn hóa truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; Gắn với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”.
4. Hội đồng nghệ thuật chỉ thẩm định, chấm giải các chương trình nội dung đã đăng kí tham gia và được phép của Ban Tổ chức.
Chương II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Không gian Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống của các địa phương
1. Chủ đề
- Chủ đề chung của khu Không gian trưng bày: “Sắc màu văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Thái”.
- Các tỉnh, thành phố tự lựa chọn chủ đề trưng bày theo ý tưởng, kịch bản của từng tỉnh, thành phố, tuy nhiên phải bám sát chủ đề của Ban Tổ chức đã đề ra.
2. Quy cách gian trưng bày
Ban Tổ chức lắp đặt không gian triển lãm với kích thước 18m2/tỉnh (3mx6m).
3. Nội dung trưng bày
- Các tỉnh/thành phố trưng bày các hiện vật, sản phẩm, hình ảnh... về nghệ thuật hát Then, đàn Tính; hình ảnh nghệ nhân tiêu biểu; các loại nhạc cụ, trang phục dùng cho hát Then, đàn Tính ở từng vùng miền; những nét chung và riêng trong hát Then, đàn Tính.
- Khuyến khích trưng bày, giới thiệu các thao tác, nguyên liệu, quy trình sản xuất của các nghề thủ công, sản vật, ẩm thực truyền thống, sản phẩm OCOP tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái địa phương.
- Các sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc trưng của từng địa phương có thể bán, cho, tặng.
- Các tỉnh/thành phố được phép áp dụng kỹ thuật máy chiếu, điện tử cho công tác trưng bày. Có thuyết minh hướng dẫn bằng các hình thức diễn xướng, văn nghệ chào mừng thu hút khách tham quan.
- Sản phẩm hàng lưu niệm của địa phương (ý tưởng thiết kế hoặc mẫu sản phẩm hoàn chỉnh, kèm theo phần thuyết trình về đặc điểm hình thức, ý nghĩa, tính năng, mục đích sử dụng, kích cỡ, màu sắc, chất liệu...).
* Ghi chú: Mỗi tỉnh chuẩn bị từ 15 - 20 ảnh nghệ thuật triển lãm trước các gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa của tỉnh. Nội dung thể hiện những hình ảnh đa sắc màu của văn hóa truyền thống, thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
4. Chấm điểm
Hội đồng nghệ thuật chấm điểm độc lập cho từng Không gian trưng bày với thang điểm 10 (áp dụng điểm lẻ = 0,1 điểm) gồm các tiêu chí:
- Nội dung trưng bày độc đáo, phong phú thể hiện tốt ý tưởng, chủ đề: 05 điểm
- Tính thẩm mỹ, khoa học, ấn tượng: 03 điểm
- Thuyết minh rõ ràng, hiệu quả tuyên truyền, quảng bá: 02 điểm
Điều 4. Biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính
1. Hình thức
- Mỗi đoàn tham gia không quá 04 tiết mục:
+ Hát, múa trong Then (Then cổ: khai thác nét đặc trưng của Then cổ của từng địa phương thể hiện qua hát Then, đàn Tính, múa, trang trí...);
+ Then mới: khuyến khích sáng tạo về cả nội dung và nghệ thuật trình diễn, và hòa tấu đàn Tính với các nhạc cụ dân tộc khác.
- Các đoàn diễn, duyệt theo thứ tự bốc thăm.
- Thời lượng chương trình không quá 30 phút/đoàn (bao gồm cả phần giới thiệu). Phần chuẩn bị sân khấu của các Đoàn tham gia Liên hoan: thời gian không quá 05 phút/đoàn.
2. Nội dung
- Các tiết mục biểu diễn phải đúng chủ đề, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái (đảm bảo ít nhất 50% là nội dung nguyên gốc).
- Các tiết mục biểu diễn phải có trang phục, âm nhạc, đạo cụ phù hợp; không hát nhép lời băng đĩa ghi sẵn (kể cả phối bè phần lời ca khúc), hạn chế sử dụng nhạc điện tử.
- Các tập thể, cá nhân sử dụng các ca khúc, kịch bản múa, nhạc của các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã được phổ biến đến công chúng, nếu sử dụng các tác phẩm mới phải được sự đồng ý của tác giả. Đối với các làn điệu dân ca sử dụng tiếng dân tộc phải có bản dịch lời Tiếng Việt gửi về Hội đồng nghệ thuật để tiện theo dõi cho việc chấm điểm (15 bản).
3. Chấm điểm
- Hội đồng nghệ thuật chấm điểm độc lập cho từng tiết mục với thang điểm 10 (áp dụng điểm lẻ cho các giám khảo chấm liên hoan = 0,1 điểm). Dựa trên các tiêu chí:
+ Đúng chủ đề, ý tưởng: 02 điểm
+ Dàn dựng công phu, sáng tạo, chất lượng nghệ thuật, phong cách biểu diễn tốt: 06 điểm
+ Có tính nguyên gốc, phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc: 02 điểm
- Lưu ý: Hội đồng nghệ thuật chấm điểm mỗi tiết mục về các phần: nội dung dàn dựng, tính nguyên gốc, phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
4. Quy định khác
Các đoàn tham dự Liên hoan phải chuẩn bị Tờ Chương trình (Program) gửi đến Ban Tổ chức. Số lượng: 15 tờ ghi rõ tên người biểu diễn, tên tác giả và bản dịch tiếng phổ thông đối với những tiết mục sử dụng ngôn ngữ dân tộc; không được tự ý thay đổi chương trình khi chưa được sự nhất trí của Ban Tổ chức.
Điều 5. Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống
1. Chủ đề
Giới thiệu Ẩm thực truyền thống của 01 dân tộc tiêu biểu ở địa phương.
2. Hình thức
Mỗi đoàn chuẩn bị các món ăn, đồ uống mang đậm nét văn hóa ẩm thực của các dân tộc Tày, Nùng, Thái cho 10 người tại gian Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống, Hội đồng nghệ thuật chấm điểm từ 08 giờ 00 phút ngày 17 tháng 11 năm 2024, theo lịch trình chấm điểm nội dung Trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống của các địa phương tham gia Liên hoan.
3. Nội dung
- Các đoàn thể hiện thao tác, chế biến, trưng bày và giới thiệu các món ẩm thực truyền thống đặc trưng của dân tộc tại địa phương để giới thiệu.
- Khuyến khích trưng bày, giới thiệu nguyên liệu và quy trình chế biến.
- Các tỉnh được phép chuẩn bị trước các món ẩm thực để giới thiệu với du khách. Có thuyết minh hướng dẫn hoặc tạo không khí bằng các hình thức thực tế nhằm thu hút khách tham quan.
4. Chấm điểm
Hội đồng nghệ thuật chấm điểm độc lập với thang điểm 10 (áp dụng điểm lẻ = 0,1 điểm) gồm các tiêu chí:
- Nội dung trưng bày độc đáo, phong phú làm toát lên ý tưởng, chủ đề: 5 điểm;
- Tính thẩm mỹ, nguyên liệu, cách chế biến: 3 điểm;
- Thuyết minh rõ ràng, hiệu quả của các món ẩm thực: 2 điểm.
Điều 6. Trình diễn nghề truyền thống Dệt thổ cẩm và Chế tác đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái
1. Chủ đề
Giới thiệu nghề truyền thống Dệt thổ cẩm và Chế tác đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
2. Hình thức
- Mỗi đoàn tham gia giới thiệu và trình diễn các thao tác cơ bản nghề dệt vải hoặc chế tác đàn Tính của địa phương.
- Thời gian trình diễn: Từ 08 giờ 00 phút ngày 17 tháng 11 năm 2024; Hội đồng nghệ thuật tổ chức thẩm định sản phẩm (Các đoàn có thể chuẩn bị trước một phần của sản phẩm và hoàn thiện sản phẩm trong thời gian quy định).
3. Chấm điểm
- Hội đồng nghệ thuật chấm điểm độc lập cho từng phần trình diễn của các đoàn với thang điểm 10 (áp dụng điểm lẻ = 0,1 điểm) gồm các tiêu chí:
+ Tổng thể sản phẩm thể hiện sự sáng tạo và thẩm mỹ: 02 điểm.
+ Khả năng trình diễn, thao tác của nghệ nhân: 02 điểm.
+ Tính đặc trưng, tiêu biểu của sản phẩm: 02 điểm.
+ Tính ứng dụng: 02 điểm.
+ Thuyết minh, giới thiệu về sản phẩm: 02 điểm.
Điều 7. Quy chế làm việc của Hội đồng nghệ thuật
- Đảm bảo thời gian làm việc theo quy định của Ban Tổ chức; Có mặt tại nơi làm việc từng buổi trước 10 phút. Nếu vắng mặt vì lý do đặc biệt, phải báo cáo Trưởng Ban Tổ chức, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật.
- Chấm và cho điểm đầy đủ các chương trình, tiết mục theo quy định ghi trong phiếu chấm điểm.
- Không tiết lộ điểm chấm, kết quả xếp loại, đánh giá khi chưa có ý kiến của Ban Tổ chức.
- Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật có trách nhiệm nhắc nhở, yêu cầu các thành viên thực hiện nhiệm vụ được phân công. Tổng hợp các ý kiến đề nghị của Hội đồng nghệ thuật với Trưởng Ban Tổ chức và kết quả đánh giá, xếp loại. Xây dựng báo cáo đánh giá về các nội dung, chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Liên hoan trong lễ tổng kết về chuyên môn. Trước khi đánh giá, cần được sự góp ý của các thành viên trong Hội đồng nghệ thuật và thông qua Thường trực Ban Tổ chức.
- Thư ký Hội đồng nghệ thuật có nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ và văn phòng phẩm cho các thành viên Hội đồng nghệ thuật; ghi chép, tổng hợp điểm và bảng tổng hợp danh sách các hình thức khen thưởng; ghi chép biên bản các phiên họp của Hội đồng; phối hợp với các bộ phận liên quan triển khai công tác khen thưởng, phát thưởng.
Chương III. KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 8. Khen thưởng
Theo Quyết định cơ cấu và mức chi thưởng các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong khuôn khổ Liên hoan do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho các tập thể có thành tích tham gia Liên hoan.
- Giấy chứng nhận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Giải A, B, C... cho các tiết mục, nội dung của các đoàn tham gia Liên hoan.
Điều 9. Kỷ luật
Tập thể, cá nhân tham dự các hoạt động nếu vi phạm quy chế, các quy định của Ban Tổ chức, tùy mức độ sẽ phải chịu các hình thức nhắc nhở, khiển trách, không được công nhận kết quả giải thưởng và thông báo về địa phương.
Điều 10. Khiếu nại, góp ý
Các đoàn, cá nhân nếu có khiếu nại góp ý cần giải quyết, trình bày bằng văn bản. Ban Tổ chức chỉ giải quyết các khiếu nại, góp ý khi các khiếu nại và góp ý đó được sự đồng ý, xác nhận của Trưởng các đoàn.
Trên đây là Quy chế hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII năm 2024./.