Thông tư hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng thuỷ lợi huyện và các đơn vị sản xuất thuộc ngành thuỷ lợi huyện

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải văn bản
Văn bản tiếng việt
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư 5-TT/TCCB

Thông tư hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng thuỷ lợi huyện và các đơn vị sản xuất thuộc ngành thuỷ lợi huyện
Cơ quan ban hành: Bộ Thuỷ lợiSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:5-TT/TCCBNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Nguyễn Cảnh Dinh
Ngày ban hành:29/11/1984Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:Đang cập nhật Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực:

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

tải Thông tư 5-TT/TCCB

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THUỶ LỢI SỐ 5-TT/TCCB NGÀY 29 THÁNG 11 NĂM 1984
HƯỚNG DẪN NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA PHÒNG THUỶ LỢI HUYỆN
VÀ CÁC ĐƠN VỊ SẢN SUẤT THUỘC NGÀNH THUỶ LỢI HUYỆN

 

Thi hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá V), Nghị quyết số 50-HĐBT ngày 17 tháng 5 năm 1983 của Hội Đồng Bộ Trưởng về tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, và Nghị định số 86-HĐBT ngày 6 tháng 8 năm 1983 của Hội đồng Bộ trưởng về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện, Bộ Thuỷ lợi ra thông tư hướng dẫn như sau:

 

I. TRÁCH NHIỆM CỦA CẤP HUYỆN TRONG CÔNG TÁC
THUỶ LỢI

 

Trong phạm vi lãnh thổ của huyện, Uỷ ban Nhân dân huyện có trách nhiệm quản lý và chỉ đạo công tác thuỷ lợi trên các lĩnh vực:

1. Quản lý bảo vệ tài nguyên nước (bao gồm nước trên mặt đất và nước ngầm) không để gây biến đổi về chất và lượng có ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân.

- Tham gia lập quy hoạch thuỷ lợi những vùng có liên quan đến huyện trong quy hoạch lưu vực;

- Tổ chức xây dựng, thực hiện và quản lý quy hoạch thuỷ lợi trên địa bàn huyện gắn với quy hoạch tổng thể về kinh tế, xã hội của huyện, phù hợp với quy hoạch chung của lưu vực;

- Xây dựng kế hoạch thuỷ lợi của huyện và tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch ấy theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; tham gia thực hiện kế hoạch phát triển thuỷ lợi có liên quan đến huyện.

2. Tổ chức xây dựng các công trình thuỷ lợi (kể cả thuỷ điện nhỏ) do huyện đầu tư hoặc tỉnh và huyện cùng đầu tư và những công trình thuỷ lợi do xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch và chế độ hiện hành của Nhà nước.

3. Tổ chức, chỉ đạo công tác quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thuỷ lợi thuộc quyền quản lý của huyện.

Quản lý, bảo vệ phần được phân cấp trong các công trình thuỷ lợi do tỉnh trực tiếp quản lý.

Tổ chức, chỉ đạo thu thuỷ lợi phí theo chỉ tiêu kế hoạch và hợp đồng kinh tế giữa các hộ dùng nước của huyện với xí nghiệp thuỷ nông.

4. Tổ chức chỉ đạo công tác phòng, chống lũ, lụt, bảo vệ, tu bổ đê, kè, cống và các công trình phòng, chống lũ lụt khác, bảo đảm an toàn cho sản xuất, tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước.

 

II. TỔ CHỨC PHÒNG THUỶ LỢI HUYỆN

 

Trong Nghị định số 86-HĐBT ngày 4 tháng 8 năm 1983 quy định: Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện gọi là Phòng và Ban. Phòng và Ban thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống ngành từ trung ương đến cấp huyện.

Các Phòng, Ban thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện có hai chức năng:

1. Giúp Uỷ ban Nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các xã, thị trấn, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp thuộc quyền quản lý của Uỷ ban Nhân dân huyện; chỉ đạo các đơn vị này thực hiện kế hoạch Nhà nước và các mặt công tác khác ở địa phương; thực hiện quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố đóng trên địa bàn huyện theo quy định của Nhà nước.

2. Bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý chuyên môn theo ngành dọc ở địa phương.

Các phòng, Ban chuyên môn của huyện có bốn nhiệm vụ là xây dựng quy hoạch ngành; xây dựng kế hoạch ngành; quản lý, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp thuộc quyền quản lý của Uỷ ban Nhân dân huyện thực hiện kế hoạch Nhà nước, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của Nhà nước; tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ do cấp trên giao cho huyện.

Bộ Thuỷ lợi hướng dẫn về tổ chức và nhiệm vụ của Phòng thuỷ lợi như sau:

1. Nói chung các huyện đều tổ chức Phòng thuỷ lợi trực thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện.

2. Các thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các quận vùng ven nội của thành phố trực thuộc trung ương và một số huyện hải đảo, rẻo cao vùng biên giới tuỳ theo nhiệm vụ công tác thuỷ lợi, nhiều hay ít và sự quan hệ mật thiết với các ngành mà có thể thành lập Phòng thuỷ lợi huyện riêng hoặc ghép thuỷ lợi với nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông... thành Phòng nông nghiệp - thuỷ lợi hoặc Phòng nông - lâm nghiệp - thuỷ lợi, hoặc giao thông - thuỷ lợi...

Phòng thuỷ lợi giúp Uỷ ban Nhân dân huyện thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Xây dựng quy hoạch thuỷ lợi của huyện:

- Căn cứ vào quy hoạch tổng thể về kinh tế, xã hội của huyện, quy hoạch thuỷ lợi của tỉnh và của lưu vực có liên quan đến huyện, xây dựng quy hoạch phát triển ngành thuỷ lợi của huyện (bao gồm quy hoạch phát triển nhiệm vụ thuỷ lợi, phát triển khoa học kỹ thuật, phát triển tổ chức và lực lượng làm thuỷ lợi...).

- Tham gia với Bộ và tỉnh làm quy hoạch thuỷ lợi vùng có liên quan đến huyện.

- Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của Sở Thuỷ lợi, lập quy hoạch cụ thể về phát triển thuỷ lợi của huyện và thường xuyên rà xét, bổ sung quy hoạch đó cho phù hợp với quy hoạch tổng thể của huyện và quy hoạch lưu vực.

- Quản lý thực hiện quy hoạch thuỷ lợi huyện theo phương án được chọn và được duyệt.

- Hướng dẫn các xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp xây dựng và thực hiện quy hoạch thuỷ lợi phù hợp với quy hoạch thuỷ lợi huyện và quy hoạch tổng thể của xã.

2. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch thuỷ lợi của huyện:

- Căn cứ số kiểm tra của kế hoạch Nhà nước giao cho Uỷ ban Nhân dân huyện và sự hướng dẫn của Sở Thuỷ lợi, hướng dẫn các xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các đơn vị sản xuất của ngành xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm. Tổng hợp và cân đối từ bốn nguồn khả năng của huyện, lập thành dự án kế hoạch ngành, trình Uỷ ban Nhân dân huyện và gửi về Sở Thuỷ lợi.

- Quản lý, chỉ đạo các đơn vị sản xuất của ngành thuộc quyền quản lý của Uỷ ban Nhân dân huyện như xí nghiệp thuỷ nông huyện, xí nghiệp xây dựng thuỷ lợi huyện, công trường thuỷ lợi huyện (nếu có), kiểm tra đôn đốc các đơn vị này trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ phục vụ sản xuất, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của Nhà nước.

3. Giúp Uỷ ban Nhân dân huyện quản lý các mặt công tác thuộc lĩnh vực thuỷ lợi:

a) Trong công tác quản lý tài nguyên nước. Hướng dẫn, kiểm tra các xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các cơ quan, đơn vị hoạt động trên địa bàn huyện bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của Nhà nước.

Thực hiện việc điều hoà, phân phối nguồn nước trên địa bàn huyện theo quy hoạch và kế hoạch khai thác nguồn nước.

b) Trong công tác xây dựng cơ bản. Chỉ đạo ứng dụng các bản thiết kế định hình để thiết kế, thi công xây dựng mới hoặc tu bổ, sửa chữa các công trình thuỷ lợi của huyện và của tỉnh phân cấp cho huyện (bao gồm công trình thuỷ nông, đê điều, thuỷ điện nhỏ, công trình cung cấp nguồn nước sinh hoạt và chăn nuôi).

Tổ chức thẩm tra trình Uỷ ban Nhân dân huyện xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật và các bản thiết kế các công trình thuỷ lợi do huyện làm chủ quản đầu tư.

Chỉ đạo xí nghiệp xây dựng thuỷ lợi, công trường thuỷ lợi huyện, các xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất áp dụng quy hoạch, quy trình, quy phạm kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thi công, xây dựng công trình thuỷ lợi. Tổ chức kiểm tra, phát hiện sai sót, uốn nắn kịp thời bảo đảm thi hành nghiêm túc các quy định về quản lý kỹ thuật trong xây dựng công trình thuỷ lợi.

c) Trong công tác thuỷ nông. Chỉ đạo xí nghiệp thuỷ nông huyện, các xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các hộ dùng nước thực hiện quy trình, quy phạm kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác quản lý, khai thác thuỷ nông. Tổ chức kiểm tra, phát hiện sai sót và uốn nắn kịp thời.

Chỉ đạo, kiểm tra việc ký kết và thực hiện các hợp đồng dùng nước giữa các xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất với xí nghiệp thuỷ nông huyện và thực hiện nghĩa vụ nộp thuỷ lợi phí.

Chỉ đạo phong trào nhân dân làm thuỷ lợi, thực hiện các biện pháp chống hạn, chống úng, thau chua, rửa mặn, cải tạo đất bằng biện pháp thuỷ lợi. Theo dõi, tổng kết các điển hình tiên tiến nhằm thúc đẩy phong trào làm thuỷ lợi trong huyện.

d) Trong công tác phòng, chống lũ lụt. Hướng dẫn kiểm tra thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ đê, kè, cống, công trình phòng, chống lũ lụt khác và dòng sông, bờ bãi có liên quan đến phòng, chống lũ lụt.

Xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt gắn với phương án chống úng và tưới, tiêu nước trong huyện. Thường trực ban chỉ huy chống lụt, chống bão của huyện. Làm tham mưu cho huyện trong việc tổ chức, chỉ huy lực lượng phòng, chống lũ lụt ở địa phương.

4. Tổ chức quản lý việc bồi dưỡng, điều động, sử dụng cán bộ, công nhân thuộc ngành thuỷ lợi của huyện. Hướng dẫn xây dựng củng cố đội thuỷ lợi chuyên như đội 202 và đội thuỷ nông của hợp tác xã. Tổ chức bồi dưỡng, rút kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thuỷ lợi xã, hợp tác xã và các lực lượng làm thuỷ lợi ở địa phương.

5. Tổ chức các công tác nhằm giúp Uỷ ban Nhân dân huyện thực hiện quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trong công tác thuỷ lợi đối với các tổ chức sản xuất kinh doanh của Trung ương và của tỉnh đóng trên địa bàn huyện theo quy định của Nhà nước.

6. Giúp đỡ các cơ sở sản xuất, sự nghiệp thuộc ngành thuỷ lợi của tỉnh và của Trung ương đóng tại địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước; theo dõi, kiểm tra các đơn vị nói trên chấp hành chính sách, pháp lệnh theo quy định của Nhà nước trong khuôn khổ nghiệp vụ chuyên ngành.

Biên chế của phòng thuỷ lợi:

Phòng thuỷ lợi có từ 4 đến 7 cán bộ nằm trong khung biên chế quản lý Nhà nước của huyện.

- Những huyện còn đang làm quy hoạch và có khối lượng xây dựng cơ bản nhiều; những huyện chưa đủ điều kiện tổ chức các đơn vị sản xuất như xí nghiệp thuỷ nông, xí nghiệp xây dựng, cần bố trí thêm một số biên chế sự nghiệp trong phòng thuỷ lợi, để làm các việc cụ thể như tiếp tục nghiên cứu quy hoạch thuỷ lợi xã, hợp tác xã, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật, chuẩn bị công trường, chỉ đạo kỹ thuật làm thuỷ lợi nhỏ v.v... Biên chế này do kinh phí sự nghiệp trả.

Với tổng số biên chế quản lý Nhà nước và sự nghiệp trong phòng, cần phân công cán bộ chuyên trách từng nghiệp vụ cụ thể như quy hoạch - kế hoạch, thuỷ nông - đê điều, xây dựng cơ bản, quản lý kinh tế tài chính v.v. ..

- Những huyện mà công tác thuỷ lợi đã chuyển sang giai đoạn quản lý khai thác công trình và phòng chống lũ lụt là chính thì biên chế phòng thuỷ lợi cần thật gọn, chuyển bớt cán bộ tăng cường cho xí nghiệp thuỷ nông và quản lý đê kè.

Trưởng phó phòng thuỷ lợi huyện phải đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, năng lực quản lý, phải tốt nghiệp trung học hoặc đại học về thuỷ lợi; các huyện miền Nam, miền núi trước mắt bố trí theo khả năng thực tế, nhưng cần có kế hoạch đưa đi bồi dưỡng kiến thức về thuỷ lợi, đi học các trường trung học, đại học; đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật hiện có để từng bước thay thế.

Cán bộ chuyên môn của Phòng thuỷ lợi ở những huyện còn thiếu, trước mắt có thể sử dụng một số kỹ thuật sơ cấp, nhưng phải có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo để từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ của phòng là người nắm được tình hình kinh tế thuỷ lợi của địa phương mà về chuyên môn có trình độ kỹ sư và trung cấp. Không nên bố trí cán bộ kỹ thuật chuyên ngành hẹp như thuỷ văn địa chất, trắc đạc có trình độ cao về huyện.

 

 

III. TỔ CHỨC CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT

 

Tuỳ theo nhiệm vụ và khối lượng công tác cụ thể, mà có thể có các tổ chức sau:

1. Công trường thuỷ lợi huyện:

Huyện có công trình được đầu tư xây dựng tương đối lớn thì thành lập công trường để thi công, sử dụng cán bộ Phòng thuỷ lợi làm công tác chuẩn bị; khi khởi công xây dựng, chuyển một số sang làm nòng cốt cho Ban chỉ huy công trường và huy động một số cán bộ của huyện tham gia; khi công trình hoàn thành, bàn giao cho đơn vị quản lý thì giải thể công trường, cán bộ phòng thuỷ lợi và các đơn vị khác biệt phải trả về cơ quan cũ.

Huyện có khối lượng xây dựng mới và sửa chữa hệ thống thuỷ nông hàng năm liên tục thì có thể tổ chức bộ khung chuyên trách công trường gọn, nhẹ. Bộ máy công trường thuỷ lợi huyện hoạt động bằng kinh phí gián tiếp của công trình, được duyệt cụ thể trong dự toán.

2. Xí nghiệp xây dựng:

Tuỳ theo khối lượng xây lắp công trình thuỷ lợi và các công trình xây dựng cơ bản khác của huyện trong các kỳ kế hoạch, nếu cần huyện có thể tổ chức một xí nghiệp xây dựng để thi công tất cả các công trình xây dựng cơ bản của huyện. Những huyện đã thành lập đội công trình hoặc xí nghiệp xây dựng thuỷ lợi riêng nay có thể vẫn duy trì là một đơn vị xây dựng cơ bản chuyên ngành hoặc hợp nhất với các tổ chức xây dựng khác thành xí nghiệp xây dựng chung của huyện.

Xí nghiệp là đơn vị kinh tế cơ sở thuộc quyền quản lý của Uỷ ban Nhân dân huyện, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế. Xí nghiệp nhận thầu xây lắp công trình thuỷ lợi và các công trình xây dựng khác của huyện theo kế hoạch được giao.

Nơi có nhiều lực lượng làm thuỷ lợi của hợp tác xã hoặc của nhân dân được tổ chức vào các hợp tác xã xây dựng, thì có thể sử dụng lực lượng này để thi công phần xây lắp công trình thuỷ lợi theo hợp đồng kinh tế.

3. Xí nghiệp thuỷ nông huyện:

Các huyện có nhiệm vụ trực tiếp quản lý các hệ thống thuỷ nông nằm gọn trong huyện hoặc chủ yếu phục vụ cho huyện thì tổ chức một xí nghiệp thuỷ nông để quản lý tất cả các hệ thống ấy.

Những công trình do Nhà nước đầu tư nằm gọn trong từng xã hoặc chủ yếu phục vụ cho một xã, chưa có điều kiện giao cho xã, hợp tác xã quản lý thì trước mắt xí nghiệp thuỷ nông trực tiếp quản lý, nhưng cần tạo điều kiện để giao cho xã, hợp tác xã quản lý.

Các huyện miền Nam, miền núi và một số huyện khác còn một số máy bơm hoạt động lưu động, một số trạm bơm điện độc lập cũng giao cho xí nghiệp thuỷ nông huyện quản lý.

Xí nghiệp thuỷ nông huyện là đơn vị kinh tế cơ sở thuộc quyền quản lý của Uỷ ban Nhân dân huyện, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế. Xí nghiệp hợp đồng kinh tế về sửa chữa và cung ứng vật tư, thiết bị, phụ tùng với các cơ quan, xí nghiệp liên quan để thực hiện việc tu bổ, sửa chữa công trình, phát huy năng lực phục vụ sản xuất.

Tổ chức và hoạt động của xí nghiệp thuỷ nông thực hiện theo thông tư số 21-TT/TN ngày 26 tháng 11 năm 1977 và thông tư số 1664-TT/TN ngày 9 tháng 9 năm 1983 của Bộ Thuỷ lợi.

4. Tổ chức quản lý xây dựng cơ bản:

Công tác quản lý xây dựng cơ bản công trình thuỷ lợi theo Nghị định số 232-CP ngày 6 tháng 6 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể trong một văn bản riêng. Trước mắt, các công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện áp dụng như sau:

- Giám đốc xí nghiệp thuỷ nông huyện làm chủ đầu tư tu bổ, sửa chữa, hoàn chỉnh công trình cũ. Xí nghiệp có thể tổ chức ban quản lý công trình hoặc cử cán bộ giám sát thi công để giúp giám đốc quản lý việc thực hiện đầu tư.

- Hệ thống thuỷ nông liên huyện do xí nghiệp thuỷ nông tỉnh quản lý thì việc tu bổ, sửa chữa, hoàn chỉnh công trình trong vùng hệ thống do giám đốc xí nghiệp thuỷ nông tỉnh làm chủ đầu tư.

- Việc xây dựng mới và sửa chữa lớn trên địa bàn huyện có vốn đầu tư lớn, kỹ thuật phức tạp do Bộ hoặc tỉnh quyết định chủ đầu tư.

- Các huyện chưa có xí nghiệp thuỷ nông thì Uỷ ban Nhân dân huyện chỉ định chủ đầu tư để quản lý xây dựng công trình mà huyện làm chủ quản đầu tư sau chuyển thành tổ chức quản lý thuỷ nông huyện.

 

IV. CÁC MỐI QUAN HỆ

 

1. Quan hệ giữa phòng thuỷ lợi với các đơn vị sản xuất:

Xí nghiệp thuỷ nông, công trường thuỷ lợi, xí nghiệp xây dựng là những đơn vị sản xuất trực thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện, Uỷ ban Nhân dân huyện thông qua Phòng thuỷ lợi và các phòng, ban chức năng của huyện để quản lý và chỉ đạo toàn diện các đơn vị này. Phòng thuỷ lợi là đầu mối tập trung giúp Uỷ ban Nhân dân huyện quản lý và chỉ đạo thực hiện kế hoạch và các hoạt động của xí nghiệp thuỷ nông, công trường và xí nghiệp xây dựng thuỷ lợi huyện.

Phòng thuỷ lợi tổ chức kiểm tra, đôn đốc các đơn vị sản xuất thực hiện kế hoạch Nhà nước, thực hiện quy trình, quy phạm kỹ thuật, tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật và nắm chắc tình hình hoạt động của các đơn vị này. Qua đó, đề xuất ý kiến giúp Uỷ ban Nhân dân huyện chỉ đạo thực hiện kế hoạch và các mặt công tác khác của từng đơn vị, cụ thể là:

a) Căn cứ số kiểm tra của kế hoạch Nhà nước, Phòng thuỷ lợi hướng dẫn các đơn vị sản xuất xây dựng kế hoạch dài hạn và hàng năm, tổng hợp kế hoạch của các đơn vị đó và kế hoạch làm thuỷ lợi của các xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất thành kế hoạch ngành trình Uỷ ban Nhân dân huyện và gửi về Sở Thuỷ lợi.

b) Sau khi có kế hoạch được duyệt, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện trực tiếp giao kế hoạch cho từng đơn vị, đồng thời thông báo cho Phòng Thuỷ lợi và các phòng, ban có liên quan biết để theo dõi chỉ đạo.

Phòng thuỷ lợi giúp Uỷ ban Nhân dân huyện giải quyết các vấn đề về kỹ thuật và tổ chức sản xuất, kiến nghị lên Uỷ ban Nhân dân huyện để Uỷ ban giao cho các phòng, ban có liên quan giải quyết những vấn đề về nghiệp vụ chuyên ngành như chỉ tiêu kế hoạch lao động, tiền vốn, vật tư v. v...

c) Phòng thuỷ lợi phối hợp với các phòng, ban có liên quan của huyện để thẩm tra, xem xét, trình Uỷ ban Nhân dân huyện quyết định công nhận hoàn thành kế hoạch hàng năm cho các đơn vị.

2. Quan hệ giữa các phòng, ban chuyên môn khác với các đơn vị sản xuất:

Các phòng, ban có liên quan như kế hoạch, tài chính, ngân hàng, lao động, v.v... giúp Uỷ ban Nhân dân huyện quản lý và chỉ đạo xí nghiệp thuỷ nông, công trường, xí nghiệp xây dựng huyện theo lĩnh vực chuyên môn thuộc trách nhiệm quản lý ngành của mình.

Các đơn vị sản xuất quan hệ trực tiếp với từng phòng, ban có liên quan để giải quyết các yêu cầu cụ thể của kế hoạch sản xuất như tiền vốn, vật tư và các điều kiện bảo đảm cho sản xuất của đơn vị theo kế hoạch được giao.

 

V. TỔ CHỨC LÀM THUỶ LỢI Ở Xà, HỢP TÁC Xà

 

Theo Quyết định số 112-HĐBT ngày 15 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng, ở các xã đã có hợp tác xã nông nghiệp thì từng hợp tác xã căn cứ vào quy hoạch sản xuất và khả năng của mình, xây dựng kế hoạch phát triển tiểu thủy nông, hoàn chỉnh công trình trên từng cánh đồng phù hợp với yêu cầu tưới, tiêu, và quản lý, khai thác các công trình đó; thực hiện việc tưới, tiêu nước hợp lý, ổn định để phát huy hiệu quả công trình. Uỷ ban Nhân dân xã tổng hợp kế hoạch thuỷ lợi của các hợp tác xã và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, bảo đảm công tác thuỷ lợi được thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch và các quy định của Nhà nước; đồng thời trực tiếp tổ chức và chỉ đạo công tác phòng, chống lũ lụt.

Nơi chưa có hợp tác xã hoặc có nhưng còn yếu, thì Uỷ ban Nhân dân xã chỉ đạo các thôn, ấp, tập đoàn sản xuất xây dựng kế hoạch thuỷ lợi gắn với kế hoạch phát triển sản xuất, xây dựng phong trào hợp tác hoá, xây dựng nông thôn mới.

Uỷ ban Nhân dân xã phân công một uỷ viên phụ trách thuỷ lợi (cùng với một số nhiệm vụ khác). Căn cứ nhiệm vụ cụ thể ở từng vùng nếu cần thiết Uỷ ban Nhân dân huyện đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định việc bố trí cán bộ chuyên trách thuỷ lợi cho các xã và được hưởng sinh hoạt phí theo Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

Mỗi hợp tác xã có một uỷ viên ban quản trị phụ trách thuỷ lợi để chỉ đạo các đội sản xuất, đội thuỷ nông, điều hành nước tưới, tiêu kết hợp với cải tạo đất và chỉ đạo việc xây dựng, tu bổ quản lý công trình thuỷ lợi trên cánh đồng của hợp tác xã.

Mỗi hợp tác xã tổ chức đội chuyên làm thuỷ lợi để làm nghĩa vụ dân công tập thể của hợp tác xã, và đội thuỷ nông để quản lý công trình và thực hiện việc tưới, tiêu kết hợp với cải tạo đất trên đồng ruộng.

Đội thuỷ lợi tổ chức theo Quyết định số 202-CP ngày 31 tháng 10 năm 1970 của Hội đồng Chính phủ; nơi chưa có hợp tác xã nông nghiệp thì tổ chức theo Thông tư số 5-TT/LB ngày 29 tháng 6 năm 1976 của liên Bộ Thuỷ lợi - Lao động. Đội thuỷ nông của hợp tác xã tổ chức theo Thông tư số 2305-TT/LB ngày 23/11/1983 của liên Bộ Nông nghiệp - Thuỷ lợi.

Thông tư này thay thế phần B nói về tổ chức ngành thuỷ lợi cấp huyện và phần C nói về tổ chức ở cấp xã tại Thông tư số 4-TT/TCCB ngày 21/2/1980 của Bộ Thuỷ lợi.

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ thông tư này và nhiệm vụ phát triển thuỷ lợi của từng vùng, từng huyện để kiện toàn phòng thuỷ lợi góp phần xây dựng và tăng cường cấp huyện gắn với xây dựng cơ sở xã, hợp tác xã.

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi