NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 148-CP NGÀY 7 THÁNG 4 NĂM 1981
VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TRONG KẾ HOẠCH 5 NĂM 1981-1985
Đồng bằng sông Cửu
Long là đồng bằng rộng lớn nhất nước ta, có những điều kiện đặc biệt về tự
nhiên, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện và phát triển ngư
nghiệp.
Những năm qua, các
tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các ngành ở Trung ương đã cố gắng khắc phục khó
khăn, đẩy mạnh sản xuất lương thực, bước
đầu cải tạo quan hệ sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Song do thiếu sự chỉ
đạo tập trung, chưa có kế hoạch đồng bộ và sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành,
các địa phương, việc điều tra, khảo sát, quy hoạch, cũng như việc xây dựng cơ
sở vật chất và kỹ thuật chưa làm được bao nhiêu; phong trào hợp tác hoá nông
nghiệp còn chậm, tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng còn yếu,
nhất là ở cơ sở, nên chưa phát huy được tiềm
lực to lớn của đồng bằng sông Cửu Long.
Trong kế hoạch 5 năm
tới(1981-1985) quán triệt nghị quyết hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành trung
ương Đảng, Hội đồng Chính phủ quyết định trên mặt trận sản xuất nông nghiệp,
cần tập trung chỉ đạo và đầu tư đúng mức cho việc khai thác tiềm lực to lớn của
đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng thành vùng trọng điểm số 1 về lương thực, thực
phẩm của cả nước.
Để thực hiện chủ
trương ấy, cần nắm vững và làm tốt những điểm sau đây.
I. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU
Trong kế hoạch 5 năm
(1981-1985), tập trung sức của trung ương và điạ phương đẩy mạnh sản xuất nông
nghiệp, ngư nghiệp, tăng nhanh sản lượng lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho
công nghiệp và hàng xuất khẩu, bước đầu xây dựng đồng bằng sông Cửu Long thành
vùng kinh tế nông - công nghiệp giàu có; kết hợp phát triển kinh tế với phát
triển văn hoá, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền quốc
phòng và an ninh vững mạnh.
- Về nông nghiệp, phải làm tốt cả 3 mặt thâm canh, tăng vụ,
khai hoang mở thêm diện tích canh tác, hết sức coi trọng thâm canh, kể cả trên
đất tăng vụ, phục hoá và khai hoang để nâng cao năng suất trên
toàn bộ diện tích gieo trồng, trước hết tập trung thực hiện thâm canh để đạt
năng suất cao trên những địa bàn trọng điểm.
- Về ngư nghiệp, khai thác mọi nguồn lợi thuỷ sản, vừa đánh
bắt cá, tôm biển, vừa nuôi cá, tôm nước ngọt, nước lợ để cung ứng thực phẩm,
chế biến thức ăn gia súc và xuất khẩu.
- Về lâm nghiệp, phải bảo vệ tốt rừng hiện có và đẩy mạnh
trồng rừng ở những vùng quy định. Phát động mạnh mẽ phong trào nhân dân trồng
cây lấy gỗ làm củi để tự giải quyết phần lớn củi đun và một phần nhu cầu về gỗ.
- Phải phấn đấu đến năm 1985 đạt được các chỉ tiêu chủ yếu
sau đây:
- Lương thực, thực phẩm: khoảng 9,5 triệu tấn lương thực quy
thóc, trong đó có 9 triệu tấn thóc, 20 vạn tấn đậu tương, 30 vạn tấn thịt lợn;
2,5 vạn tấn thịt vịt và 500 triệu quả trứng, 13 vạn tấn cá, tôm nước ngọt, nước
lợ.
- Nguyên liệu cho công nghiệp: 14 vạn tấn đay, 18 vạn tấn
đường.
- Huy động lương thực cho Nhà nước từ 3,5 đến 4 triệu tấn
thóc.
- Giá trị xuất khẩu đạt 350 đến 400 triệu đô la và rúp, với
các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: đậu tương, đay, đường, thịt lợn, vịt (thịt,
trứng, lông), dứa, chuối...
II. CÁC BIỆN
PHÁP CHỦ YẾU
Nhằm đạt các mục tiêu nói trên, phải thực hiện một cách đồng
bộ các biện pháp chủ yếu dưới đây:
1. Thuỷ lợi: Công tác thuỷ lợi phải đáp ứng yêu cầu của sản
xuất nông nghiệp trên ba mặt thâm canh, tăng vụ, khai hoang, mà trọng tâm là
phục vụ các địa bàn thâm canh cao sản, địa bàn tăng vụ lúa đông xuân, hè thu và
khai hoang 15 vạn héc ta.
Trong 5 năm 1981-1985 tăng thêm diện tích gieo trồng được
tưới nước là 550.000 hécta, để nâng cao tổng diện tích gieo trồng được tưới
nước lên 1,8 triệu hécta.
Công tác thuỷ lợi cần dựa theo đặc điểm từng vùng, cơ cấu
mùa vụ, tận dụng các điều kiện thuận lợi để xây dựng những công trình nhỏ và
vừa, có tác dụng thiết thực tưới, tiêu nước, giữ ngọt, ngăn mặn, thau chua, xổ phèn, ngăn lũ sớm. Đẩy
mạnh việc nạo vét, mở rộng và quản lý sử dụng tốt các kênh lớn. Duy trì và sử
dụng tốt những máy bơm hiện có, chú ý phát triển các loại bơm thuyền di động.
Đồng thời tích cực chuẩn bị để xâydựng các công trình thuỷ lợi lớn vào cuối kế
hoạch 5 năm này hoặc đầu kế hoạch 5 năm sau.
Bộ thuỷ lợi phối hợp cùng các địa phương xây dựng quy hoạch
cụ thể trên từng vùng, thiết kế các công trình thích hợp, huy động dân tự làm
là chính, có sự giúp đỡ cần thiết của Nhà nước. Ngoài lực lượng lao động của
địa phương, cần sử dụng lực lượng bộ đội để thi công những công trình lớn, kết
hợp chặt chẽ lao động thủ công với phương tiện cơ giới.
2. Phân bón: Phải tận dụng mọi nguồn phân hữu cơ, nhất là
phân chuồng, phân xanh. Sử dụng phân hoá học với hiệu quả kinh tế cao đối với
từng loại đất, từng mùa vụ và từng giống cây trồng.
Uỷ ban kế hoạch Nhà nước bảo đảm cung ứng phân hoá học với
cố gắng cao nhất; số còn thiếu, các tỉnh bàn với Bộ Ngoại thương dựa vào xuất khẩu địa phương để nhập
thêm. Tổng cục Hoá chất cần đẩy mạnh sản xuất sup-pe lân cung ứng cho đồng bằng
sông Cửu Long 7 vạn tấn năm. Bộ Giao thông vận tải bảo đảm vận chuyển số phân
lân từ miền Bắc vào. Các địa phương tích
cực nung nghiền các loại đá vôi, vỏ sò... để cải tạo đất.
3. Giống: Bộ Nông nghiệp và các địa phương có kế hoạch sử
dụng rộng rãi các bộ giống lúa đã được
nghiên cứu và kết luận là tốt (có năng suất cao, kháng rầy nâu hoặc chịu
chua phèn, mặn, úng...), tiếp tục tuyển chọn các giống tốt ở địa phương và
nghiên cứu lai tạo giống mới phù hợp với từng loại đất và mùa vụ. Phấn đấu sớm
có được các bộ giống lúa tốt sử dụng rộng rãi trên phần lớn diện tích gieo
trồng.
Ngoài cây lúa, cần sớm cung ứng đủ các loại giống cây trồng
tốt (đậu tương, đay mía...) và giống chăn nuôi tốt (lợn, vịt, trâu, bò...)
Phát triển mạnh các
trạm, trại giống cây con của Trung ương, tỉnh và có kế hoạch đưa giống
đến cơ sở sản xuất hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, hộ nông dân.
4. Chăm sóc và bảo vệ sản xuất: Phải đầu tư lao động và áp
dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc chăm sóc và bảo vệ cây trồng, gia súc.
Tích cực phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng và gia súc, dập
tắt nhanh chóng các ổ dịch bệnh; xây dựng thêm và từng bước hoàn chỉnh mạng
lưới trạm, trại bảo vệ thực vật và thú y từ trung ương đến cơ sở. Tổng cục Hoá
chất và Bộ Nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất để đáp ứng nhu cầu về thuốc
chống sâu bệnh và thuốc thú y. Bộ cơ khí và luyện kim, Uỷ ban nhân dân thành
phố Hồ Chí Minh giúp các tỉnh sản xuất đủ các dụng cụ cần thiết cho công tác
bảo vệ thực vật và thú y.
5. Cơ khí và cung ứng điện, xăng dầu, than cho nông nghiệp:
Bộ Nông nghiệp, các ngành, các tỉnh phải kiểm kê để nắm chắc lực lượng thiết
bị, xe máy, cơ sở cơ khí sửa chữa hiện có.
Bộ Nông nghiệp, Bộ Cơ khí và luyện kim, Bộ Vật tư, Uỷ ban
nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần có kế
hoạch phối hợp sản xuất, bảo đảm cung
cấp đủ và kịp thời các loại công cụ, phụ tùng thay thế để duy trì hoạt động của
các phương tiện cơ giới, máy móc hiện có và sản xuất, cung ứng đủ các loại máy
bơm nước, bơm thuốc trừ sâu, máy nông nghiệp, thiết bị chế biến nông sản, giúp
các địa phương xây dựng cơ sở cơ khí sửa
chữa và sản xuất công cụ lao động. Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưõng cán bộ,
công nhân kỹ thuật và cán bộ quản lý; hết sức chú trọng giữ gìn tốt xe máy,
tiết kiệm nhiên liệu, hạ giá thành sản phẩm.
Phấn đấu đến năm 1985 đưa diện tích được cày máy ở đồng bằng
sông Cửu Long lên 60% diện tích gieo trồng (khoảng 1,7 triệu hécta).
Về điện, trước mắt tập trung bảo đảm cho nhu cầu của thuỷ
lợi, chế biến nông sản, thuỷ sản...Trang bị thêm một số máy phát điện đi-ê-den
cho một số tỉnh, huyện có khó khăn về điện.
Bảo đảm cân đối xăng dầu cho nhu cầu của thuỷ lợi, máy nông
nghiệp, máy phát điện và công nghiệp địa phương.
Bộ Mỏ và than giúp các địa phương khai thác hợp lý các nguồn
than bùn tại chỗ để tăng thêm nguồn phân bón và chất đốt. Tổ chức tốt việc vận
tải than từ miền Bắc vào đồng bằng sông Cửu Long.
6. Chế biến nông sản:
Bộ Lương thực và các tỉnh có kế hoạch tăng cường lực lượng
xay xát, trước hết là xay xát lúa. Phải
tận dụng năng lực của các cơ sở chế biến hiện có, xây dựng thêm một số
cơ sở chế biến và cơ sở đông lạnh ở những nơi cần thiết. Chú ý chế biến ngô,
đậu tương, bột cá, các phụ phẩm, thứ phẩm của nông nghiệp và công nghiệp thành
thức ăn gia súc, gia cầm, thay thế thóc gạo trong chăn nuôi.
Ở những vùng
tập trung sản xuất đay, mía,... trước mắt cần xây dựng cơ sở chế biến quy mô
vừa và nhỏ.
7. Phân phối, lưu thông:
Bộ Lương thực, Bộ Nội thương cùng các Bộ có liên quan tổ
chức tốt việc xây dựng kho tàng, chuẩn bị bao bì, phương tiện vận tải, để bảo
đảm thực hiện kế hoạch thu mua lúa và nông sản.
Về kho tàng, trước hết phải sử dụng hợp lý và tận dụng công
suất các kho hiện có. Trong việc xây dựng mới, cần dựa vào vật liệu sẵn có ở
địa phương xây dựng các kho nửa kiên cố để đáp ứng nhu cầu được kịp thời, nhanh
chóng. Bộ Xây dựng cùng các địa phương có kế hoạch xây dựng hệ thống kho một
cách hợp lý và bảo đảm vật tư cần thiết cho việc xây dựng.
Tích cực thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất đay, dứa
dại... để sản xuất đủ bao bì cần thiết.
8. Giao thông và vận tải:
Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh xây dựng quy hoạch và kế
hoạch phát triển mạng lưới giao thông và vận tải, trong đó, rất chú trọng phát
triển hệ thống vận tải đường thuỷ. Kết hợp chặt chẽ giao thông vận tải với thuỷ
lợi. Chú ý phát triển đường giao thông xuống cơ sở. Có kế hoạch tu sửa, nâng
cấp các tuyến đường trục trong vùng, và xây dựng thêm một số cảng biển, cảng
sông cần thiết.
Cần phân công, phân cấp giữa Bộ Giao thông vận tải và các
tỉnh, huyện, xã thực hiện các công tác khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý
các loại công trình, các phương tiện giao thông, vận tải.
9. Xây dựng:
Uỷ ban kiến
thiết cơ bản Nhà nước và Bộ xây dựng
giúp các tỉnh, huyện lập quy hoạch xây dựng nông thôn phù hợp với quy hoạch
phát triển kinh tế từng vùng. Năm 1982, làm xong quy hoạch cụ thể và bắt đầu
thiết kế xây dựng mẫu một số công trình
phúc lợi công cộng như bệnh viện, bệnh xá, trường học, nhà trẻ, nhà văn
hoá,...và một số khu dân cư ở những xã điểm, huyện điểm.
Bộ Xây dựng và các tỉnh, huyện cần phát triển mạnh các cơ sở
quốc doanh sản xuất vật liệu xây dựng, làm nguồn hàng quan trọng trao đổi với
nông dân.
Bộ Lâm nghiệp bảo đảm cung cấp gỗ cho xây dựng nhà ở, sản
xuất đồ dùng trong nhà, làm ghe xuồng và nhu cầu của sản xuất khác.
III. NHỮNG
CÔNG TÁC CƠ BẢN
Để thực hiện phương hướng phát triển kinh tế ở vùng đồng
bằng sông Cửu Long và các biện pháp trên đây, cần làm tốt một số công tác có ý
nghĩa cơ bản như sau:
1. Quy hoạch.
Phải rất coi trọng công tác quy hoạch. Trước mắt, phải có
quy hoạch phát triển đồng bộ nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, giao thông vận
tải, xây dựng,... để phục vụ nông nghiệp.
Viện phân vùng và quy hoạch trung ương cùng Uỷ ban Kế hoạch
Nhà nước, Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Bộ Nông nghiệp, các ngành có liên
quan và các tỉnh khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể về kinh tế của các
vùng đồng bằng sông Cửu Long và giúp các tỉnh, huyện làm tốt việc xây dựng quy
hoạch kinh tế trong địa phương. Trước hết, tập trung hoàn chỉnh quy hoạch nông
nghiệp gắn liền với quy hoạch công nghiệp phục vụ nông nghẹp.
Việc quy hoạch nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long phải có
tính toàn diện, đồng bộ; có căn cứ kinh tế, kỹ thuật thể hiện mối quan hệ với
cả nước và đặc biệt thể hiện sự liên kết kinh tế với thành phố Hồ Chí Minh và
các tỉnh miền Đông.
Các ngành ở Trung ương phải xây dựng quy hoạch của ngành
mình ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở lấy quy hoạch nông nghiệp
làm trung tâm.
Phải gắn việc hoàn
chỉnh quy hoạch của từng ngành, từng tỉnh, huyện với việc xây dựng các chỉ tiêu
của kế hoạch 5 năm, hàng năm, bắt đầu từ việc phân các vùng sản xuất, xác định
cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, chế độ luân canh, thâm canh, tăng vụ, gắn
chặt chăn nuôi với trồng trọt.
Trong năm 1981, phải lập xong quy hoạch của các huyện vùng
trọng điểm lúa, đậu tương, mía, đay; năm 1982, phải lập xong quy hoạch nông
nghiệp của tất cả các huyện khác ở đồng bằng sông Cửu Long.
Phải chấn chỉnh và tăng cường quản lý ruộng đất và quản lý
rừng, bảo đảm đất đai và rừng được sử dụng đúng quy hoạch, đạt hiệu quả kinh tế
cao; chấm dứt tình trạng lãng phí đất, sử dụng đất một các tuỳ tiện và các tệ
nạn phá rừng, phá nguồn lợi thuỷ sản.
Tổng cục quản lý ruộng đất phải làm xong trong năm 1982 việc
đo đạc, phân hạng và đăng ký sử dụng ruộng đất ở đồng bằng sông Cửu Long.
2. Kế hoạch.
Kế hoạch của các ngành, các địa phương phải thể hiện rõ các
quan điểm cơ bản, kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu trước mắt với hướng phát triển
lâu dài; phát huy tinh thần chủ động của cơ sở, của địa phương, đẩy mạnh phân
bổ lại lao động và tăng năng suất lao động; tiến hành đồng thời ba cuộc cách
mạng ở nông thôn, trong đó cách mạng khoa học kỹ thật là then chốt, gắn chặt
việc phát triển lực lượng sản xuất với việc cải tạo quan hệ sản xuất và xây
dựng nông thôn mới; gắn kế hoạch phát
triển nông nghiệp với kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ nông
nghiệp; coi trọng mối quan hệ giữa kế hoạch và
thị trường; đẩy mạnh xuất khẩu để nhập khẩu tư liệu sản xuất cho nông
nghiệp.
Uỷ ban kế hoạch Nhà nước bàn với các tỉnh, các ngành để bố
trí kế hoạch đầu tư thoả đáng, và nhằm theo hướng tập trung vào những địa bàn
trọng điểm, những khâu quan trọng nhất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng
với vốn, vật tư, thiết bị, lực lượng cán bộ, công nhân của Nhà nước đầu tư, các
tỉnh, huyện phải phát huy tinh thần chủ động tự tạo ra nguồn vốn, vật tư, thiết
bị bổ sung bảo đảm cho yêu cầu cân đối vật chất cần thiết để phát triển sản
xuất. Riêng vốn đầu tư cho nông nghiệp và thuỷ lợi của đồng bằng sông Cửu Long,
Chính phủ cố gắng dành từ 30 đến 35% tổng mức vốn đầu tư của hai ngành này
trong cả nước. Các ngành khác cần xác định mức đầu tư thích hợp, tương xứng với
yêu cầu phát triển nông nghiệp và bảo đảm thực hiện đồng bộ các mục tiêu đã đề
ra. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ và các tỉnh phải khẩn trương hoàn chỉnh kế
hoạch 1981-1985 về phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long để trình
Chính phủ thông qua vào tháng 5 năm 1981.
3. Công tác khoa học
kỹ thuật.
Các ngành, các địa phương phải mạnh dạn đầu tư cán bộ, kinh
phí cho công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật để giải
quyết những vấn đề cụ thể của đồng bằng sông Cửu Long, từ các vấn đề đất, nước,
cây trồng gia súc... đến các vấn đề của xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng,
công nghiệp chế biến, giao thông vận tải...
Công tác khoa học kỹ thuật phải phục vụ đắc lực và kịp thời
cho công tác lập quy hoạch và kế hoạch, cho công tác khảo sát, thiết kế, thi
công và tổ chức sản xuất. Hết sức chú ý sử dụng năng lực nghiên cứu của các
viện, trường, xí nghiệp, lực lượng nghiên cứu của các ngành, các cấp; kết hợp
kinh nghiệm của quần chúng với trí thức và thực tiễn khoa học.
Đối với các kinh nghiệm, các biện pháp khoa học kỹ thuật
quan trọng đã được thực tiễn xác nhận như
chống rầy, chống phèn, bảo vệ môi trường, môi sinh, bảo vệ giống, phòng
và chống sâu bệnh... cần xây dựng thành quy trình, quy phạm hoặc thể lệ, chế độ
của Nhà nước để việc phát huy hiệu quả được nhanh chóng và rộng rãi.
4. Phân bố lao động
và tăng năng suất lao động.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ và các tỉnh cần có quy
hoạch và kế hoạch phân bố lại lao động, đào tạo, bồi dưỡng người lao động và
tăng năng suất lao động. Từng huyện, từng cơ sở, từng hợp tác xã, tập đoàn sản
xuất phải phân bố lại và tổ chức lại lao động để phát triển sản xuất toàn diện,
trồng trọt, chăn nuôi và ngành nghề khác, mở mang thuỷ lợi, xây dựng cơ sở vật
chất kỹ thuật và xây dựng nông thôn mới.
Phương hướng giải quyết lao động cho đồng bằng sông Cửu Long
trong những năm tới là trước hết có kế hoạch tận dụng nguồn lao động tại chỗ(
kể cả lao động thời vụ) trên cơ sở phân bố lại lao động và thực hiện mỗi lao
động làm 200 ngày công một năm; sử dụng lực lượng quân đội làm kinh tế; tận dụng lao động kỹ thuật của các thành phố,
nhất là thành phố Hồ Chí Minh trong xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải,
dịch vụ; bổ sung nguồn lao động từ các tỉnh phía Bắc vào.
Các tỉnh ở phía Bắc có nhiệm vụ tổ chức chu đáo việc đưa lao
động vào đồng bằng sông Cửu Long. Việc tổ chức đưa lao động vào có thể thực
hiện dưới nhiều hình thức thích hợp. Cần chú ý hình tức thực hiện sau đây:
người đã vào trước rước người vào sau, cùng xây dựng quê hương mới, bộ đội làm
kinh tế ở đâu đưa thân nhân tới đó; xây dựng quan hệ trực tiếp giữa các địa
phương ở miền Nam với miền Bắc như tỉnh với tỉnh, huyện với huyện, xã với xã.
5. Đẩy mạnh xuất khẩu
để nhập khẩu tư liệu cho nông nghiệp.
Nhà nước đã có chính sách khuyến khích các địa phương đẩy
mạnh xuất khẩu. Các địa phương được sử dụng phần kim ngạch xuất khẩu địa phương
(gồm những mặt hàng giao vượt mức kế hoạch và những mặt hàng Nhà nước không
giao chỉ tiêu) theo tỷ lệ Nhà nước đã quy định để tự nhập khẩu thêm tư liệu sản xuất mà kế
hoạch Nhà nước chưa cân đối đủ như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, phụ tùng,
trang thiết bị và một số hàng tiêu dùng thiết yếu dùng làm hàng trao đổi với
nông dân như vải, thuốc chữa bệnh...
Bộ Ngoại thương, Bộ Nông nghiệp cần giúp các tỉnh thực hiện
có hiệu quả nghị quyết số 40-CP của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 35-TTg
của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích xuất khẩu.
6. Cải tạo nông
nghiệp.
- Quán triệt Chỉ thị 93 của Ban bí thư trung ương Đảng để
làm tốt việc hợp tác hoá nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long theo phương châm
tích cực và vững chắc. Các địa phương phải phấn đấu đến năm 1985 hoàn thành hợp
tác hoá ở đồng bằng sông Cửu Long với hình thức chủ yếu là tập đoàn sản xuất
(hợp tác xã quy mô nhỏ). Trong quá trình tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp ở
đồng bằng sông Cửu Long, tuỳ theo điều kiện cụ thể từng nơi có thể có các hình
thức quá độ thích hợp như tổ đoàn kết sản xuất (tổ đổi công, vần công) lên hợp
tác xã nông nghiệp; gắn chặt phong trào hợp tác hoá với phong trào sản xuất.
Các địa phương cần tổ chức thí điểm và lãnh đạo chặt chẽ
việc thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp theo chỉ thị số 100 của Ban bí
thư trung ương Đảng.
- Đặc biệt coi trọng việc xây dựng các nông trường quốc
doanh, trong kế hoạch 5 năm đạt diện tích 21 vạn hécta. Ưu tiên đầu tư vốn, vật
tư, máy nông nghiệp, cán bộ, và chỉ đạo chặt chẽ các nông trường đạt năng suất
cao, trở thành các điển hình sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò
gương mẫu về kinh tế cũng như kỹ thuật.
7. Xây dựng cấp
huyện.
Phải làm tốt công tác xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện
để phục vụ phát triển sản xuất. Dựa trên cơ cấu kinh tế đã xác định, có thể
soát lại địa giới huyện ở những nơi có quy mô diện tích quá lớn.
Ban tổ chức của Chính phủ cần sớm họp hội nghị chuyên đề về
vấn đề tổ chức và cán bộ ở đồng bằng sông Cửu Long, mà trọng tâm là tăng cường
tổ chức và cán bộ cho huyện.
Các Bộ, Tổng cục và các tỉnh phải có kế hoạch tăng cường số
lượng và chất lượng cán bộ cho đồng bằng sông Cửu Long, nhất là cho huyện và cơ
sở (xã, cơ sở kinh tế) theo hướng sắp xếp lại cán bộ của các tỉnh đồng bằng
sông Cửu Long, và của các ngành Trung ương để bố trí về huyện và cơ sở; ưu tiên
phân phối học sinh tốt nghiệp ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và
điều một số cán bộ quản lý kinh tế, nghiệp vụ, kỹ thuật của một số tỉnh phía
Bắc tăng cường cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Viện phân vùng và quy hoạch trung ương, Bộ Nông nghiệp, các
ngành liên quan và các tỉnh phải tổng kết việc xây dựng các huyện điểm ở đồng
bằng sông Cửu Long trong thời gian qua
và chọn các huyện điểm tiêu biểu cho các vùng, các tỉnh. Phấn đấu trong năm
1981 mỗi tỉnh xây dựng được một huyện điểm để có kinh nghiệm đẩy mạnh xây dựng
các huyện khác.
8. Bổ sung các chính
sách khuyến khích sản xuất.
Trước hết, phải thực hiện tốt các chính sách đã ban hành,
đồng thời phải nghiên cứu để bổ sung một số chính sách khuyến khích sản xuất
như các chính sách về đầu tư, giá cả, thuế, sử dụng ruộng đất... để khuyến
khích việc đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, khai hoang, phục hoá; chính sách ưu tiên
đối với sản xuất tập thể; khuyến khích
phát triển mạnh các loại cây đậu tương, đay, mía,... khuyến khích phát triển
nuôi lợn, vịt; khuyến khích các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và nhân dân tự bỏ
vốn đầu tư khai hoang( khai hoang nhỏ, khai hoang nhân dân); khuyến khích sản
xuất các cây, con giống, nhất là các giống tốt; chính sách khuyến khích cán bộ
về làm việc ở huyện, ở cơ sở, khuyến khích cán bộ từ các tỉnh phía Bắc vào phục
vụ phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Các ngành ở trung ương, nhất
là Uỷ ban vật giá Nhà nước, viện quản lý kinh tế trung ương, Bộ Tài chính, Bộ
Nông nghiệp, Ban tổ chức của Chính phủ,... cùng với Uỷ ban nhân dân các tỉnh
trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các chính sách cụ thể.
9. Chỉ đạo thực hiện.
Hội đồng Chính phủ xác định kế hoạch phát triển nông nghiệp
đồng bằng sông Cửu Long là một chương trình đồng bộ gồm nhiều mục tiêu lớn.
Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình đó đòi hỏi phải đề cao trách
nhiệm của các ngành, các cấp, đồng thời phải tổ chức sự phối hợp rất chặt chẽ
hoạt động của các ngành và các địa phương.
Các địa phương có trách nhiệm chính trong việc thực hiện kế
hoạch trên địa bàn mình phụ trách. Các tỉnh chỉ đạo và phối hợp hoạt động của
các ngành trong tỉnh và các huyện để giải quyết công việc kịp thời và có hiệu
quả.
Các Bộ cần phân công một đồng chí thứ trưởng phụ trách công
việc của ngành ở đồng bằng sông Cửu Long, có bộ phận cán bộ gọn nhẹ để giúp Bộ
nắm và giải quyết công việc kịp thời và có hiệu quả.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ Nông nghiệp, Thuỷ lợi, Tài
chính, Ngân hàng, Vật tư, Lương thực, Nội thương, Lao động phải có quan hệ
thường xuyên, chặt chẽ với các tỉnh để giải quyết kịp thời các yêu cầu của sản
xuất, xây dựng, lưu thông, phân phối.
Để chỉ đạo tốt công việc phát triển nông nghiệp ở đồng bằng
sông Cửu Long, Thường vụ Hội đồng Chính phủ tăng cường sự lãnh đạo tập thể đối
với công việc quan trọng này, đồng thời phân công một đồng chí Phó thủ tướng
phụ trách để chỉ đạo, phối hợp công tác giữa các ngành và các địa phương.