Nghị Quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2000

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải văn bản
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị quyết 13/2000/NQ-CP

Nghị Quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2000
Cơ quan ban hành: Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:13/2000/NQ-CPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị quyếtNgười ký:Phan Văn Khải
Ngày ban hành:05/09/2000Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:Đang cập nhật Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực:

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

tải Nghị quyết 13/2000/NQ-CP

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 13/2000/NQ-CP NGÀY 05 THÁNG 9 NĂM 2000
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8 NĂM 2000

 

Trong 2 ngày 30, 31 tháng 8 năm 2000, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8 năm 2000, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ đã nghe Đề án "Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu thời kỳ 2001- 2010" do Bộ trưởng Bộ Thương mại trình bày.

Chính phủ thống nhất nhận định, trong 10 năm qua, lĩnh vực xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều thành tựu, về cơ bản đã thực hiện được những chủ trương đề ra trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Đã thực hiện được chủ trương đa dạng hoá thị trường và đa phương hoá các quan hệ kinh tế. Cơ cấu xuất khẩu được cải thiện theo hướng tích cực. Nhập khẩu, về cơ bản đã phục vụ có hiệu quả cho phát triển sản xuất và đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu còn quá nhỏ so với các nước trong khu vực; tăng trưởng xuất khẩu chưa thật ổn định và bền vững; tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và trí tuệ cao còn rất nhỏ, xuất khẩu dịch vụ còn thấp xa so với tiềm năng; khả năng cạnh tranh của phần lớn hàng hoá còn thấp; hiểu biết thị trường còn hạn chế; việc hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới còn nhiều lúng túng.

Thời kỳ 2001- 2010, lĩnh vực xuất nhập khẩu cần tập trung vào những mặt hàng công nghệ cao, giá trị lớn, sử dụng nhiều lao động, gắn với lộ trình hội nhập quốc tế của nước ta; phấn đấu đến năm 2010 cân bằng xuất- nhập khẩu. Thực hiện đa dạng hoá mặt hàng, chú trọng các mặt hàng chủ lực và vừa đa dạng hoá thị trường, vừa tạo lập và giữ vững những thị trường lớn, ổn định lâu dài. Trước mắt, cần tập trung công tác thông tin thị trường, sửa đổi bổ sung một số văn bản pháp quy, thực hiện chính sách ưu đãi, động viên các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu, đẩy mạnh đào tạo nghề để xuất khẩu lao động...

Giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, bổ sung, hoàn chỉnh đề án, trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách cụ thể để phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nêu trong phương án 1 của Đề án.

2. Chính phủ đã nghe Đề án "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước" do Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp Trung ương trình bày.

Qua hơn 10 năm thực hiện đổi mới, khu vực doanh nghiệp nhà nước đã có những chuyển biến tích cực: cơ cấu và quy mô hợp lý hơn, trình độ công nghệ và quản lý có nhiều tiến bộ, nguồn vốn được bảo toàn và tăng thêm, thể hiện được vai trò chủ đạo, chi phối nền kinh tế; là lực lượng nòng cốt trong tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và đóng góp ngân sách. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước nhìn chung còn thấp, khả năng cạnh tranh kém, nợ khó đòi và lao động không có việc làm còn lớn; quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, dàn trải, chồng chéo về ngành nghề và tổ chức quản lý; trình độ công nghệ và quản lý còn lạc hậu, yếu kém, hoạt động còn dựa nhiều vào bao cấp và ưu đãi của nhà nước.

Yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ nhất trí cơ bản với các giải pháp mà Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đề xuất nhưng cần cụ thể hơn về một số vấn đề như: mô hình và cơ chế hoạt động của các Tổng công ty nhà nước, nội dung quản lý nhà nước của các Bộ đối với doanh nghiệp, xử lý các vấn đề về tài chính, lao động, tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá và các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, vai trò của toàn bộ hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

Giao Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Bộ Chính trị.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày "Dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2001 của Chính phủ"; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo ý kiến thẩm tra của Văn phòng Chính phủ về dự kiến Chương trình này.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, rà soát lại tiến độ và chất lượng chuẩn bị, đánh giá tính khả thi của từng dự án Luật, Pháp lệnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2001 của Chính phủ.

4. Chính phủ đã xem xét Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy do Bộ trưởng Bộ Công an trình.

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, gửi phiếu lấy thêm ý kiến các thành viên Chính phủ về 2 vấn đề: chế độ bảo hiểm cháy và nguồn ngân sách phòng cháy, chữa cháy để hoàn chỉnh Dự án Luật. Giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét Dự án Luật này tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội.

5. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí và Báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị định. Chính phủ nhất trí thông qua Nghị định này.

Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2000.

6. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2000; Bộ trưởng Bộ Thương mại trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2000, khả năng 4 tháng cuối năm và các giải pháp bảo đảm thực hiện chỉ tiêu năm 2000, dự kiến kế hoạch xuất nhập khẩu năm 2001.

Tình hình kinh tế- xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm vẫn duy trì được sự tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, một số sản phẩm chủ yếu của công nghiệp sản xuất và tiêu thụ tăng khá (điện, dầu thô, xi măng, than sạch, thép cán, phân bón...); tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 7,7% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp tuy đồng bằng sông Cửu Long lũ về sớm làm mất mát một số diện tích lúa sắp thu hoạch và các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra nhưng vẫn có khả năng được mùa. Xuất khẩu giữ được nhịp độ tăng trưởng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng tăng 27,4% so với cùng kỳ; thị trường sôi động hơn, giá hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ đã bắt đầu nhích lên. Thu ngân sách đạt khá, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Các mặt công tác xã hội có một số chuyển biến tốt...

Tuy nhiên, công tác thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chưa có nhiều chuyển biến, nhất là thực hiện vốn tín dụng đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài và việc cấp phát, thanh toán vốn đầu tư đạt thấp, cải cách hành chính tiến hành chậm, số lao động không có việc làm còn lớn...

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung cải tiến các thủ tục hành chính trong việc cho vay vốn phát triển sản xuất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện thí điểm cơ chế tài chính cho vay kiên cố hoá đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long; tháo gỡ vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/ 2000/NQ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ về một số giải pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong 6 tháng cuối năm. Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là các vấn đề thuộc về cơ chế chính sách và công tác tổ chức thực hiện đang gây cản trở trực tiếp đến việc thực hiện kế hoạch, nghiêm chỉnh chấp hành các văn bản pháp quy của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi