Quyết định 212/QĐ-TTg 2022 Đề án Nâng cao năng lực thanh tra ngành LĐTBXH giai đoạn 2021-2025
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 212/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 212/QĐ-TTg |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Lê Minh Khái |
Ngày ban hành: | 16/02/2022 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 16/02/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 212/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2021-2025".
Theo đó, phấn đấu 100% công chức tại cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan, đơn vị) được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo vị trí việc làm; 100% cơ quan, đơn vị được trang bị điều kiện làm việc phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước, trang cấp thiết bị chuyên dùng phục vụ thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, điều tra tai nạn lao động; …
Các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra như sau: rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức, hoạt động của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (thanh tra ngành); xây dựng văn bản quy định điều kiện đảm bảo hoạt động của thanh tra ngành, trong đó quy định việc sử dụng thiết bị chuyên dùng trong thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, điều tra tai nạn lao động;…
Ngoài ra, nâng cao năng lực đội ngũ công chức thanh tra ngành; đổi mới quy trình, phương pháp thanh tra ngành; xây dựng phần mềm quản lý cuộc thanh tra, phần mềm kiểm soát tài sản, thu nhập tại bộ; tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các cơ quan thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội…
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định212/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 212/QĐ-TTg
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 212/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC THANH TRA NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”
___________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2021 - 2025” (sau đây gọi là Đề án) với những nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác thanh tra, kiểm tra; triển khai kịp thời các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
2. Xây dựng cơ quan thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từng bước hiện đại, đổi mới hoạt động để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, yêu cầu thực thi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế.
3. Kiện toàn thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa trang thiết bị nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; xây dựng đội ngũ công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội “kỷ cương, liêm chính, đoàn kết, chuyên nghiệp”, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, hội nhập khu vực ASEAN và hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Hoàn thiện thể chế về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách và điều kiện đảm bảo hoạt động cho thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) 100% công chức tại cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo vị trí việc làm.
c) 100% cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được trang bị điều kiện làm việc phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước; trang cấp thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, điều tra tai nạn lao động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
d) 100% cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Hoàn thiện quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách và điều kiện đảm bảo hoạt động cho công tác thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
- Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức, hoạt động của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Xây dựng văn bản quy định thống nhất phương pháp và quy trình thanh tra, ứng dụng công nghệ thông tin trong lập và quản lý dữ liệu thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Xây dựng văn bản quy định về điều kiện đảm bảo hoạt động của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó quy định việc sử dụng thiết bị chuyên dùng trong công tác thanh tra chuyên ngành an toàn, vệ sinh lao động và điều tra tai nạn lao động.
2. Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
3. Nâng cao năng lực đội ngũ công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
- Xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm bảo đảm đội ngũ công chức có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và môi trường chuyển đổi số.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thanh tra.
- Cập nhật, chỉnh sửa, chuẩn hóa chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn theo vị trí việc làm và tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo chương trình, tài liệu đã được hoàn thiện.
4. Đổi mới quy trình, phương pháp thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
- Đánh giá, điều chỉnh, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thực hiện thanh tra các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; xây dựng cơ chế áp dụng thống nhất danh mục trang thiết bị chuyên dùng trong hoạt động điều tra tai nạn lao động và thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động.
- Nghiên cứu xây dựng phiếu để thu thập thông tin đối tượng thanh tra trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra; sử dụng bảng tự kiểm tra trong quá trình thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thanh tra theo chuyên đề hoặc theo ngành, lĩnh vực.
5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
- Xây dựng phần mềm quản lý cuộc thanh tra; phần mềm kiểm soát tài sản, thu nhập tại bộ.
- Nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập cơ sở dữ liệu về tuân thủ pháp luật trong các lĩnh vực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc trong tổ chức thực hiện thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
6. Tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các cơ quan thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trang cấp thiết bị chuyên dùng đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra an toàn, vệ sinh lao động và điều tra tai nạn lao động, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
7. Phối hợp với tổ chức công đoàn các cấp, tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm thúc đẩy tình hình tuân thủ pháp luật lao động; phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm tăng cường hiệu quả và hiệu lực trong công tác thanh tra chuyên ngành; xây dựng các kênh chia sẻ thông tin, báo cáo chuyên đề về tình hình tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong quá trình tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội.
8. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia các hoạt động trong khối ASEAN nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ và tuân thủ các cam kết quốc tế.
9. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo, các kênh hỏi đáp trực tuyến hoặc qua thư điện tử.
10. Thiết lập đội ngũ cộng tác viên có chuyên môn, kinh nghiệm tại các cơ quan, tổ chức trong và ngoài ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp thanh tra chuyên ngành cho đội ngũ này.
IV. KINH PHÍ
Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ trong việc xây dựng chương trình, bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Thanh tra Chính phủ
Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng quy trình, nội dung thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Bộ Nội vụ
Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thanh tra Chính phủ kiện toàn tổ chức, bố trí biên chế và thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Bộ Tài chính
Trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án trên địa bàn.
6. Các cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây