Trả lời:
1. Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ phép năm?
Tại Điều 113 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về số ngày nghỉ phép năm của người lao động (NLĐ) như sau:
- Đối với trường hợp NLĐ làm đủ 12 tháng:
+ Làm công việc trong điều kiện bình thường: 12 ngày
+ NLĐ chưa thành niên, NLĐ khuyết tật, NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 14 ngày
+ NLĐ làm nghề hay công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 16 ngày.
- Đối với trường hợp NLĐ chưa làm đủ 12 tháng:
+ Số ngày nghỉ hằng năm sẽ tương ứng với số tháng làm việc.
+ Người sử dụng lao động (NSDLĐ) sau khi tham khảo ý kiến của NLĐ thì có trách nhiệm quy định về lịch nghỉ hàng năm. NSDLĐ phải thông báo trước lịch nghỉ này cho NLĐ biết.
+ NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hay thỏa thuận nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
2. Nghỉ hưu có được thanh toán phép năm chưa nghỉ hay không?
Theo quy định tại khoản 3, Điều 113 Bộ luật lao động năm 2019, quy định như sau:
NLĐ thuộc trường hợp do thôi việc hoặc bị mất việc làm mà mà chưa nghỉ hằng năm hay chưa nghỉ hết số lượng ngày nghỉ hằng năm theo quy định pháp luật, thì NLĐ sẽ được NSDLĐ thanh toán tiền lương với những số ngày chưa nghỉ. Chính vì vậy, dựa theo quy định trên thì nghỉ hưu thuộc trường hợp thôi việc nên nếu NLĐ nghỉ hưu sẽ được thanh toán phép năm chưa nghỉ.
3. Tính tiền lương cho những ngày nghỉ phép năm như thế nào?
Quy định tại khoản 3, Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau: “Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.”
Như vậy, số tiền lương của NLĐ được trả cho những ngày chưa nghỉ phép năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày phép năm là tiền lương theo HĐLĐ của tháng trước liền kề tháng mà NLĐ bị mất việc làm hay thôi việc.
Cụ thể như sau:
Tiền lương những ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết phép năm | = | Tiền lương của tháng trước liền kề theo HĐLĐ | : | Số ngày tính công làm việc của tháng trước liền kề | x | Số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết phép năm |
Ví dụ như sau: Bà A thuộc trường hợp thôi việc và còn 03 ngày nghỉ phép năm. Bà A ký HĐLĐ với công ty B là 3.900.000 đồng với 26 công/tháng. Vậy, tiền lương chưa nghỉ hết phép năm của bà A là:
Tiền lương 03 ngày chưa nghỉ phép năm | = | 3.900.000 | : | 26 | x | 3 | = | 450.000 |
Vậy, số tiền lương 03 ngày chưa nghỉ phép của bà A là 450.000 đồng.
4. Có được buộc người lao động nghỉ làm để thanh lý phép năm không?
Căn cứ khoản 4, Điều 113 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về vấn đề này như sau:
- NSDLĐ tham khảo ý kiến của NLĐ và sau đó có trách nhiệm quy định về lịch nghỉ hàng năm;
- NSDLĐ thông báo trước lịch cho NLĐ biết, sau đó mới áp dụng thực hiện;
- NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ về việc nghỉ phép năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp 03 năm một lần nghỉ.
Trên thực tế, để tránh việc NLĐ dồn nghỉ phép vào cuối năm thì NSDLĐ có thể yêu cầu NLĐ bố trí nghỉ bớt số ngày phép để không làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Khi NSDLĐ ban hành lịch nghỉ phép năm thì phải tham khảo ý kiến và thông báo trước tới NLĐ. Trường hợp NSDLĐ không thông báo, tự ra quyết định thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
- NSDLĐ là cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng (khoản 2, Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP);
- NSDLĐ là tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính gấp đôi là từ 20.000.000 đồng - 40.000.000 đồng (khoản 1, Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Theo các quy định trên, vấn đề nghỉ phép hàng năm thường linh động theo nhu cầu của NLĐ. NSDLĐ không có quyền buộc NLĐ phải nghỉ làm việc để thanh lý phép năm.
Xem thêm: Cách tính ngày phép năm theo quy định mới nhất
Trên đây là nội dung tư vấn về “Nghỉ hưu có được thanh toán phép năm chưa nghỉ hay không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!