Quyết định 3638/QĐ-BYT 2021 Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19

thuộc tính Quyết định 3638/QĐ-BYT

Quyết định 3638/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19”
Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:3638/QĐ-BYT
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Đỗ Xuân Tuyên
Ngày ban hành:30/07/2021
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe, COVID-19

TÓM TẮT VĂN BẢN

Tổ COVID cộng đồng không vào trong nhà dân, giữ khoảng cách trên 2m

Ngày 30/07/2021, Bộ Y tế ra Quyết định 3638/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19”.

Theo đó, bổ sung biện pháp phòng bệnh đặc hiệu là tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng chỉ định và đúng hướng dẫn. Đối với người tiếp xúc gần (F1) và người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) của ca bệnh xác định, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc.

Thêm đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan phải huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết F1, F2 nhanh, hiệu quả. Cần tiến hành truy vết càng sớm càng tốt, ngay khi có thông tin ca bệnh. Thực hiện truy vết theo nguyên tắc, cách thức tại “Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính” của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra các quy định phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cho tổ COVID cộng đồng khi làm nhiệm vụ: Tổ COVID cộng đồng phải luôn đeo khẩu trang; sử dụng nước sát trùng tay; tấm che mặt (nếu có); không được vào bên trong nhà dân; chỉ gõ cửa, đứng ngoài nhà yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách càng xa càng tốt khi giao tiếp (tối thiểu phải cách xa trên 2 mét). Tổ COVID cộng đồng cũng nên thành lập nhóm Zalo của các hộ gia đình trong nhóm phụ trách để liên hệ và báo cáo hàng ngày.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Xem chi tiết Quyết định3638/QĐ-BYT tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ Y TẾ
_____

Số: 3638/QĐ-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________

Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN TẠM THỜI GIÁM SÁT VÀ PHÒNG, CHỐNG COVID-19”

__________

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19”.
Điều 2. “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19” là tài liệu hướng dẫn kỹ thuật được áp dụng tại các cơ sở y tế dự phòng và khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành; thay thế Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 07 tháng 8 năm 2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- PTTg. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Đồng chí Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các thành viên BCĐQG PCD COVID-19;
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên

HƯỚNG DẪN TẠM THỜI

GIÁM SÁT VÀ PHÒNG, CHỐNG COVID-19
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30 tháng 07 năm 2021 của Bộ Y tế)

I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG

Bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do vi rút SARS-CoV-2 gây ra. Vi rút này thường xuyên biến đổi tạo nên các biến chủng với khả năng lây lan nhanh hơn. Đến tháng 7 năm 2021, tại Việt Nam đã ghi nhận 07 biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 gồm các chủng phổ biến tại Châu Âu, Châu Phi, Anh và Ấn Độ; riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4/2021 đến nay nước ta đã ghi nhận 02 biến chủng là Delta (B.1.617.2, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ) và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh), trong đó biến chủng Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh được WHO xếp vào nhóm “biến chủng gây quan ngại” có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến chủng Alpha.

Bệnh COVID-19 lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. Phần lớn (hơn 60%) người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng. Đối với người mắc bệnh có triệu chứng thì biểu hiện lâm sàng rất đa dạng có thể từ nhẹ đến nặng như: sốt, ho, đau họng, người mệt mỏi, đau người, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, khó thở, có thể có viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, người có bệnh lý mạn tính, người cao tuổi. Đến nay, bệnh đã có vắc xin phòng bệnh nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Hướng dẫn tạm thời này được xây dựng cập nhật qua hoạt động thực tiễn với các nội dung giám sát và các hoạt động phòng, chống phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.

II. HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT

1. Định nghĩa ca bệnh, người tiếp xúc

1.1. Ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát)

Là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau đây: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác; hoặc người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

1.2. Ca bệnh xác định (F0)

Là người có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 qua phát hiện vật liệu di truyền của vi rút được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.

1.3. Người tiếp xúc gần (F1)

Là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0, cụ thể như sau:

- Đối với F0 có triệu chứng: Trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của F0 cho đến khi F0 được cách ly y tế. Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe đầu tiên mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng sau: mệt mỏi; chán ăn; đau người; gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng...

- Đối với F0 không có triệu chứng:

+ Nếu F0 đã xác định được nguồn lây: Trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây cho đến khi F0 được cách ly y tế.

+ Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây: Trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.

* Một số nhóm người tiếp xúc gần thường gặp gồm:

- Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng.

- Người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định.

- Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.

- Người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ, trên cùng một phương tiện giao thông,...

1.4. Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2)

Là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế.

2. Định nghĩa ổ dịch

2.1. Ổ dịch: là nơi lưu trú (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị…) của ca bệnh xác định trước khi khởi phát hoặc trước khi lấy mẫu xét nghiệm khẳng định.

2.2. Ổ dịch chấm dứt hoạt động: khi không ghi nhận ca bệnh xác định mắc mới trong vòng 28 ngày kể từ ngày ca bệnh xác định gần nhất được cách ly y tế.

2.3. Lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm: Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo.

2.4. Thông tin, báo cáo

Tổng hợp số liệu báo cáo hàng ngày ở các tuyến:

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, Trạm Y tế xã, phường quản lý danh sách và theo dõi tình trạng sức khỏe của các ca bệnh xác định, ca bệnh nghi ngờ, người có tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, số người cách ly trên địa bàn quản lý (bao gồm tất cả các cơ sở điều trị trên địa bàn); Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo số liệu tổng hợp theo Biểu mẫu 7, Phụ lục 5 và báo cáo danh sách ca bệnh xác định, ca nghi ngờ mắc bệnh theo Biểu mẫu 4, Phụ lục 5 gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trước 14 giờ 00 hàng ngày.

- Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur quản lý danh sách và cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của các ca bệnh xác định, ca bệnh nghi ngờ, số người tiếp xúc gần, số người cách ly trên địa bàn khu vực phụ trách; báo cáo số liệu tổng hợp theo Biểu mẫu 7, Phụ lục 5 và báo cáo danh sách ca bệnh xác định, ca nghi ngờ mắc bệnh theo Biểu mẫu 4, Phụ lục 5 gửi Cục Y tế dự phòng trước 15 giờ 00 hàng ngày.

- Các cơ sở xét nghiệm bao gồm cả Bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân phải báo cáo số liệu xét nghiệm (gồm cả kết quả xét nghiệm, số mẫu lấy trong ngày, số đã xét nghiệm…) gửi các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trước 13 giờ 00 hàng ngày. Các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố báo cáo về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trước 14 giờ 00 hàng ngày. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tổng hợp báo cáo kết quả xét nghiệm, số mẫu lấy trong ngày, số đã xét nghiệm… theo Biểu mẫu 8, Phụ lục 5 gửi Cục Y tế dự phòng trước 15 giờ 00 hàng ngày.

- Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thường đánh giá, phân tích tình hình dịch COVID-19 và nhận định, dự báo, đề xuất các giải pháp phòng chống dịch trên địa bàn phụ trách gửi báo cáo về Cục Y tế dự phòng trước 14h00 thứ Hai hàng tuần. Cục Y tế dự phòng tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo Quốc gia trước 17 giờ 00 hàng ngày.

- Đối với mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định, đơn vị xét nghiệm cập nhật ngay thông tin ca bệnh và kết quả xét nghiệm vào hệ thống cấp mã số bệnh nhân tự động của Bộ Y tế và thông báo kết quả cho đơn vị gửi mẫu xét nghiệm, đồng thời báo cáo cho Sở Y tế, Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thuộc địa bàn quản lý.

- Đối với mẫu xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV- 2, đơn vị xét nghiệm thông báo kết quả cho đơn vị gửi mẫu xét nghiệm.

- Thực hiện thông tin, báo cáo đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.

III. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH

1. Biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Không đến các vùng có dịch bệnh. Thực hiện 5K (Khẩu trang, Khai báo y tế, Không tụ tập, Khoảng cách, Khử trùng), trong trường hợp đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, giữ khoảng cách,…

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết tiếp xúc phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách ít nhất 2 mét khi tiếp xúc.

- Người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng; không nên đến nơi tập trung đông người. Học sinh, sinh viên, người lao động khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm và thông báo ngay cho cơ quan y tế.

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng ít nhất 40 giây hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường (chứa ít nhất 60% độ cồn) ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước súc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.

- Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

- Tăng cường thông khí khu vực nhà ở, nơi làm việc bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

- Thường xuyên vệ sinh nơi ở, cơ quan, trường học, xí nghiệp nhà máy… bằng cách lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà với xà phòng, chất tẩy rửa thông thường; hóa chất khử khuẩn khác theo hướng dẫn của ngành y tế.

- Thường xuyên vệ sinh, khử trùng phương tiện giao thông: tàu bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe ô tô, ...

2. Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng chỉ định và đúng hướng dẫn để phòng bệnh theo quy định.

3. Kiểm dịch y tế biên giới

- Thực hiện giám sát hành khách nhập cảnh và áp dụng quy định về khai báo y tế theo Nghị định 89/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Việc cách ly và xử lý y tế tại cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch và các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế.

4. Thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch

Các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị giám sát, xét nghiệm, phòng chống dịch của địa phương theo phương châm 4 tại chỗ.

IV. CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG DỊCH

A. Các biện pháp chung

1. Điều tra, truy vết F1, F2

- Yêu cầu thực hiện thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả.

- Tiến hành truy vết càng sớm càng tốt, ngay khi có thông tin ca bệnh.

Thực hiện truy vết theo nguyên tắc, cách thức tại “Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính” của Bộ Y tế.

2. Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đáp ứng chống dịch

- Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân tại cộng đồng ở khu vực có ổ dịch để đáp ứng chống dịch và đánh giá, theo dõi tình hình ổ dịch.

- Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhóm người nguy cơ cao, khu vực nguy cơ cao trong cộng đồng ngoài ổ dịch để đánh giá và nhận định tình hình dịch chung tại cộng đồng.

- Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh và đánh giá nguy cơ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế hoặc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố sẽ điều chỉnh chiến lược xét nghiệm, quy mô cũng như quy trình lấy mẫu cho phù hợp.

3. Cách ly và xử lý y tế

3.1. Ca bệnh xác định

- Thu dung, cách ly, quản lý và điều trị bệnh nhân theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Hạn chế việc chuyển tuyến bệnh nhân để tránh lây lan trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị.

3.2. Người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (F1):

- Tổ chức cách ly ngay tất cả người tiếp xúc gần tại cơ sở cách ly tập trung ít nhất 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Tốt nhất nên thiết lập cơ sở cách ly tập trung dành riêng cho người tiếp xúc gần vì những người này có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn các đối tượng cách ly tập trung khác. Trong trường hợp không có cơ sở cách ly riêng thì trong cơ sở cách ly tập trung cần bố trí phân khu cách ly dành riêng cho những người tiếp xúc gần. Những người sống trong cùng hộ gia đình, sống cùng nhà, cùng phòng ở, cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định cần được cách ly riêng với những người khác vì những người này có nguy cơ bị lây bệnh cao nhất. Bố trí, sắp xếp người cách ly vào phòng cách ly theo nguyên tắc phân loại theo nguy cơ: những người có cùng đặc điểm dịch tễ, cùng nguy cơ cùng thời gian thì vào cùng phòng/cùng khu cách ly.

- Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real time RT-PCR tối thiểu 2 lần trong quá trình cách ly.

- Lấy mẫu lần 1 ngay ngày đầu khi được cách ly.

- Lấy mẫu lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ khi được cách ly.

+ Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý như ca bệnh xác định.

+ Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR ít nhất 2 lần đều âm tính với SARS-CoV-2 thì kết thúc việc cách ly tập trung và chuyển sang tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm 5K.

Đối với người nhập cảnh có yêu cầu phải cách ly tập trung ít nhất 14 ngày kể từ ngày được cách ly thì thực hiện việc cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm như đối với các trường hợp F1.

Trong trường hợp số lượng F1 quá nhiều, vượt quá khả năng cách ly tập trung hoặc các trường hợp đặc biệt khác (người già, người hạn chế vận động, trẻ nhỏ, người bị bệnh hoặc sức khỏe yếu cần phải có người chăm sóc…), thì xem xét áp dụng hình thức cách ly F1 tại nơi lưu trú 14 ngày theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu và ngày kết thúc cách ly, nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR ít nhất 2 lần đều âm tính với SARS-CoV-2 thì kết thúc việc cách ly tại nơi lưu trú, chuyển sang tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo, không tự ý ra khỏi nhà khi chưa thông báo với chính quyền địa phương, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm 5K.

3.3. Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2)

- Lập danh sách F2 và tùy vào tình hình đánh giá nguy cơ, dịch tễ để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm F2 mở rộng.

- Tổ chức cách ly F2 tại nhà trong khi chờ kết quả xét nghiệm Real time RT- PCR của F1:

+ Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR lần 1 của F1 dương tính với SARS-CoV-2 thì chuyển cấp cách ly F2 lên thành F1.

+ Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR lần 1 của F1 và của F2 (nếu có) đều âm tính với SARS-CoV-2, trên cơ sở đánh giá nguy cơ, dịch tễ để xác định F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế và Tổ COVID cộng đồng.

3.4. Ca bệnh nghi ngờ

a. Ca bệnh nghi ngờ phát hiện tại cộng đồng

- Yêu cầu người nghi nhiễm đeo khẩu trang và cách ly bệnh nhân tạm thời tại nhà/nơi lưu trú ngay. Người nghi nhiễm và gia đình thực hiện nghiêm ngặt khuyến cáo 5K. Tuyệt đối không được tiếp xúc với người sống trong gia đình và những người khác.

- Cơ quan y tế địa phương tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real time RT-PCR ngay:

+ Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì loại trừ bệnh nhân mắc bệnh COVID-19.

+ Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý ngay ca bệnh là F0 theo thường quy.

b. Ca bệnh nghi ngờ phát hiện tại cơ sở y tế

- Phân luồng khám sàng lọc người nghi nhiễm theo quy định của hệ thống điều trị và cách ly tạm thời ngay người nghi nhiễm vào phòng riêng ở khu vực đệm riêng biệt với khu vực có F0 và các khu điều trị khác của cơ sở y tế.

- Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real time RT-PCR ngay:

+ Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì loại trừ bệnh nhân mắc bệnh COVID-19.

+ Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý ngay ca bệnh là F0 theo thường quy.

3.5. Người có liên quan dịch tễ với ca bệnh xác định trong những tình huống khác

Đối với những người không có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định mà chỉ liên quan tại các sự kiện lớn tập trung đông người hoặc cùng trên một phương tiện giao thông khi ca bệnh xác định có mặt thì cơ quan y tế sẽ thông báo bằng nhiều cách: điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác để người có liên quan biết chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, tổ chức cách ly và xét nghiệm phù hợp theo kết quả điều tra dịch tễ hoặc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp tỉnh.

4. Tổ chức chống dịch dựa vào cộng đồng

Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch và thành lập ngay các “Tổ COVID cộng đồng” ở tất cả các khu dân cư, hoạt động mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả, cụ thể như sau:

- Mỗi Tổ COVID cộng đồng gồm 2 - 3 người nên là cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 30-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.

- Nhiệm vụ: hàng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thực hiện:

+ Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng chống dịch tại từng hộ gia đình. Yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt hàng ngày cho các thành viên trong hộ gia đình (nếu gia đình có nhiệt kế). Cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện sốt, ho, ốm hoặc các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

+ Hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt; viêm đường hô hấp… để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời. Nắm bắt tình hình dịch bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ tại từng hộ gia đình.

+ Phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; người nhập cảnh trái phép; người đi từ vùng dịch về...

+ Trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn phụ trách.

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã/phường phân công.

- Phòng tránh lây nhiễm cho tổ COVID cộng đồng: Các thành viên Tổ COVID cộng đồng khi làm nhiệm vụ phải luôn đeo khẩu trang; sử dụng nước sát trùng tay; tấm che mặt (nếu có). Trong quá trình làm nhiệm vụ, Tổ COVID cộng đồng không được vào bên trong nhà dân; chỉ gõ cửa, đứng ngoài nhà yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách càng xa càng tốt khi giao tiếp để đảm bảo an toàn phòng tránh lây nhiễm (tối thiểu phải cách xa trên 2 mét).

Tổ COVID cộng đồng nên thành lập nhóm Zalo của các hộ gia đình trong nhóm phụ trách để liên hệ và báo cáo hàng ngày.

5. Khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch

- Việc khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch thực hiện theo Phụ lục 4 của Hướng dẫn này.

- Người thực hiện khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch phải mặc đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

- Sau khi khử trùng ổ dịch, yêu cầu cư dân, người lưu trú không đi lại quanh các khu vực sử dụng chung trong vòng ít nhất 30 phút để đảm bảo hiệu quả khử trùng.

- Các phương tiện chuyên chở ca F0 phải được khử trùng bằng dung dịch khử trùng có chứa 0,1% Clo hoạt tính.

- Ưu tiên khử trùng bề mặt bằng biện pháp lau những khu vực thường xuyên có tiếp xúc của người như mặt bàn, ghế ngồi, thành giường, tủ quần áo, tủ lạnh, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, đồ đạc, vật dụng, bồn rửa, nhà vệ sinh, lavabo, vòi nước, kệ/tủ bếp, tường nhà, cửa sổ, cửa ra vào… trong nhà, cơ quan, xí nghiệp, trường học…. Trường hợp không thể thực hiện biện pháp lau có thể sử dụng phương pháp phun khử trùng bằng máy phun đeo vai hoặc cầm tay, lưu ý tuyệt đối tránh phun trực tiếp vào người. Việc khử trùng các khu vực có liên quan khác bằng biện pháp phun bề mặt sẽ do cán bộ dịch tễ và cán bộ môi trường y tế quyết định dựa trên cơ sở điều tra thực tế với nguyên tắc tất cả các khu vực ô nhiễm, nghi ngờ ô nhiễm và có nguy cơ lây lan dịch cho cộng đồng đều phải được xử lý. Số lần khử trùng sẽ căn cứ vào tình trạng ô nhiễm thực tế tại ổ dịch để quyết định.

Tùy theo diễn biến của tình hình dịch COVID-19, các kết quả điều tra, nghiên cứu dịch tễ học, vi rút học, lâm sàng và các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật, điều chỉnh hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế.

6. Truyền thông phòng chống dịch

Thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khai báo y tế - khoảng cách - không tụ tập - khử khuẩn và tiêm vắc xin phòng COVID-19. Yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và các nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng. Tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức tại cộng đồng, đến từng hộ gia đình về các biện pháp phòng chống dịch. Truyền thông, vận động nhân dân về vai trò, trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của mỗi người, mỗi gia đình trong việc thực hiện các biện pháp chống dịch. Phát động phong trào toàn thể nhân dân tham gia phòng chống dịch bệnh.

B. Các biện pháp cụ thể xử lý ổ dịch khi có ca bệnh tại cộng đồng

1. Nguyên tắc: Tốc độ chống dịch là quan trọng nhất: Thần tốc truy vết; thần tốc cách ly; thần tốc khoanh vùng; thần tốc lấy mẫu và xét nghiệm.

2. Các biện pháp xử lý cụ thể tại các Phụ lục (từ Phụ lục 1 đến Phụ lục 5 kèm theo).

PHỤ LỤC 1

XỬ LÝ Ổ DỊCH KHI CÓ CA BỆNH COVID-19 TẠI CỘNG ĐỒNG
(Bàn hành kèm theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế)

1. Nguyên tắc:

Tốc độ chống dịch là quan trọng nhất với thần tốc truy vết; thần tốc cách ly; thần tốc khoanh vùng; thần tốc lấy mẫu và xét nghiệm.

2. Các hoạt động cụ thể như sau:

- Đưa ngay ca F0 đi cách ly, quản lý, điều trị theo quy định.

- Điều tra dịch tễ ca bệnh theo thường quy.

- Truy vết F1, tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm F1.

- Truy vết F2, tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm F2 (nếu cần).

- Khoanh vùng dịch tễ tạm thời ngay khu dân cư có ca bệnh. Phạm vi khoanh vùng dịch tễ dựa vào đánh giá ban đầu về tình hình ổ dịch và nguy cơ. Việc khoanh vùng dịch tễ tạm thời không phụ thuộc vào đơn vị hành chính và không cần có quyết định hành chính.

- Tùy theo quy mô ổ dịch, đánh giá dịch tễ để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại khu vực khoanh vùng dịch tễ tạm thời:

Tập trung nhân lực, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng thật nhanh tại cộng đồng khu vực khoanh vùng dịch tễ tạm thời. Nên lấy mẫu gộp theo hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình gần nhau. Làm xét nghiệm mẫu gộp ngay để đánh giá nguy cơ và đánh giá tình hình dịch tại cộng đồng.

- Phong tỏa ổ dịch (cách ly y tế vùng có dịch COVID-19):

+ Tùy theo kết quả xét nghiệm F1 và xét nghiệm các mẫu cộng đồng tại ổ dịch sẽ quyết định phạm vi phong tỏa chính thức. Nguyên tắc phong tỏa ổ dịch: phong tỏa gọn, nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đấy (nguy cơ được đánh giá theo phân bố ca F0; phân bố F1; phân bố các mốc dịch tễ; mối liên quan dịch tễ tại cộng đồng). Trong vùng phong tỏa thực hiện theo “Sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19” của Bộ Y tế.

+ Phong tỏa ổ dịch phải đạt được 2 mục tiêu là: khóa chặt ổ dịch không cho nguồn lây thoát ra ngoài để không lây sang các vùng khác và dập dịch triệt để ở bên trong không để dịch lây lan trong vùng phong tỏa để dập tắt ổ dịch. Muốn đạt được 2 mục tiêu này thì tại vùng phong tỏa phải thực hiện nghiêm nội bất xuất, ngoại bất nhập và thực hiện triệt để nhà cách ly với nhà bên trong vùng phong tỏa với nguyên tắc: người nhà nào ở yên nhà ấy; không gặp gỡ bất cứ ai ở bên ngoài; không đến chơi nhà ai; không cho ai vào nhà với tinh thần nhà nhà cửa đóng then cài; các cửa hàng, cửa hiệu đều phải đóng cửa. Thiết lập các chốt kiểm soát ra, vào vùng phong tỏa.

+ Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm định kỳ 3 ngày/1 lần cho toàn bộ người dân trong vùng phong tỏa theo mẫu gộp hộ gia đình hoặc các hộ gia đình liền kề nhau để phát hiện và đưa nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, làm sạch ổ dịch. Tùy theo kết quả xét nghiệm sẽ quyết định số lần lấy mẫu tiếp theo. Nhiều ổ dịch nơi đã có sự lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng thì phải lấy mẫu xét nghiệm rất nhiều lần mới lọc sạch được mầm bệnh để dập tắt ổ dịch.

+ Thống kê và đăng tải công khai trên website của tỉnh, thành phố về danh sách khu vực phong tỏa và địa bàn ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn; đồng thời cập nhật thường xuyên danh sách trên (liên hệ email: covid19.cluster.moh@gmail.com để được hướng dẫn, cấp quyền truy cập, chỉnh sửa). Để khuyến cáo đi lại, cách ly y tế người đi về từ khu vực phong tỏa và địa bàn ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, Bộ Y tế đã đăng tải công khai danh sách khu vực phong tỏa và địa bàn ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên website https://moh.gov.vn/.

- Xem xét thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 hoặc lựa chọn thực hiện một số nội dung cơ bản của Chỉ thị này tại xã/phường có ca bệnh, một số xã, phường lân cận hoặc xã có liên quan dịch tễ hoặc có mốc dịch tễ quan trọng và áp dụng thực hiện các chỉ đạo khác của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp tỉnh.

- Tổ chức giám sát toàn diện, triệt để, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp sốt, ho, đau họng, hội chứng cúm, viêm đường hô hấp tại cộng đồng, cơ sở điều trị, các hiệu thuốc trên toàn địa bàn. Những ngày đầu cần tiến hành tổng rà soát, lấy mẫu tất cả những người đang có triệu chứng sốt, ho, đau họng, ốm mệt, viêm đường hô hấp, mất khứu giác, vị giác trên toàn địa bàn.

- Thành lập ngay các tổ COVID cộng đồng tại tất cả các khu dân cư. Các tổ COVID cộng đồng phải hoạt động mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả. Hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để làm nhiệm vụ theo quy định. Yêu cầu đại diện các hộ gia đình hàng ngày chủ động khai báo y tế bắt buộc bằng điện thoại về tình hình sức khỏe của hộ gia đình cho tổ COVID cộng đồng hoặc y tế cơ sở.

- Tuyên truyền mạnh mẽ đến từng khu dân cư và phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch. Đặc biệt là thực hiện 5K và thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội đang áp dụng tại địa bàn và các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp tỉnh.

- Chính quyền địa phương tổ chức lực lượng công an, dân phòng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch của người dân trong vùng dịch. Có chế tài xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm quy định để răn đe và đảm bảo việc chấp hành của người dân trong công tác phòng chống dịch.

- Khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch tại nơi lư trú, nơi làm việc của ca F0 theo Phụ lục 3 kèm theo Hướng dẫn này.

Một số lưu ý:

- Khoanh vùng tạm thời và lấy mẫu cộng đồng cần rộng nhưng phong tỏa cứng thì gọn vừa đủ, nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đó.

- Ca bệnh có triệu chứng và F1 xét nghiệm lần đầu tiên nên xét nghiệm mẫu đơn;

- Mẫu cộng đồng nên xét nghiệm gộp để tiết kiệm sinh phẩm (thực hiện theo Quyết định số 1817/QĐ-BYT ngày 7 tháng 4 năm 2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SAR-CoV-2).

PHỤ LỤC 2

LẤY MẪU, BẢO QUẢN VÀ VẬN CHUYỂN BỆNH PHẨM
(Bàn hành kèm theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/07/2021 của Bộ Y tế)

_______________________

1. Mẫu bệnh phẩm

Bệnh phẩm nghi nhiễm COVID-19 phải được thu thập bởi các nhân viên y tế, người đã được tập huấn về thu thập mẫu bệnh phẩm. Trong đó, bắt buộc phải lấy tối thiểu 01 mẫu bệnh phẩm đường hô hấp:

1.1. Xét nghiệm vật liệu di truyền

a. Bệnh phẩm đường hô hấp trên:

+ Mẫu ngoáy dịch tỵ hầu;

Trong trường hợp không lấy được mẫu ngoáy dịch tỵ hầu thì có thể lấy một trong các mẫu dưới đây:

+ Mẫu ngoáy dịch họng;

+ Mẫu ngoáy dịch mũi (cả hai bên mũi);

b. Bệnh phẩm đường hô hấp dưới:

+ Đờm;

+ Dịch nội khí quản, dịch phế nang, dịch màng phổi ...;

+ Tổ chức phổi, phế quản, phế nang.

1.2. Xét nghiệm xác định kháng nguyên

+ Mẫu dịch tỵ hầu;

+ Mẫu ngoáy dịch họng;

+ Mẫu ngoáy dịch mũi (cả hai bên mũi);

1.3. Xét nghiệm xác định kháng thể

+ Mẫu máu (Không bắt buộc, tùy theo xét nghiệm huyết thanh học các địa phương đơn vị xây dựng phương án cụ thể)

+ Thể tích lấy mẫu máu: 3ml - 5ml

2. Phương pháp thu thập bệnh phẩm

2.1. Chuẩn bị dụng cụ

- Dụng cụ lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, mẫu ngoáy dịch họng và mẫu ngoáy dịch mũi cho xét nghiệm SARS-CoV-2 có cán không phải là calcium hay gỗ, tốt nhất là sử dụng que có đầu là sợi tổng hợp.

- Que đè lưỡi;

- Ống ly tâm hình chóp 15ml, chứa tối thiểu 2-3ml môi trường vận chuyển vi rút;

- Lọ nhựa (ống Falcon 50ml) hoặc túi nylon để đóng gói bệnh phẩm;

- Băng, gạc có tẩm chất sát trùng;

- Cồn sát trùng, bút ghi

- Quần áo phòng hộ (bộ rời hoặc liền) chống thấm hoặc áo choàng chống thấm y tế dài tay bao phủ toàn thân từ cổ đến đầu gối có dây buộc cố định sau gáy và quanh eo.

- Kính bảo vệ mắt;

- Găng tay sạch không bột;

- Khẩu trang y tế có hiệu suất lọc cao (N95 hoặc tương đương);

- Bơm tiêm 10 ml, vô trùng;

- Tuýp vô trùng không có chất chống đông.

- Bình lạnh bảo quản mẫu.

2.2. Tiến hành

2.2.1. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân

Bước 1: Vệ sinh tay.

Bước 2: Đi bao giày.

Bước 3: Mặc áo choàng dài hoặc bộ quần áo (bộ rời hoặc liền) .

Bước 4: Mang khẩu trang.

Bước 5: Mang kính bảo hộ (đối với loại có gọng cài tai).

Bước 6: Đội mũ trùm kín tóc, đầu, tai, dây đeo khẩu trang.

Bước 7: Mang tấm che mặt hoặc kính bảo hộ (loại dây đeo ngoài mũ).

Bước 8: Mang găng sạch không có bột.

Lưu ý: Không nhất thiết phải mang cả kính và mạng che mặt

2.2.2. Kỹ thuật lấy bệnh phẩm đối với xét nghiệm tìm vật chất di truyền

2.2.2.1. Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu và dịch họng.

a) Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu

- Yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy, mặt hơi ngửa, trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ.

- Người lấy bệnh phẩm nghiêng đầu bệnh nhân ra sau khoảng 70 độ, tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân.

- Tay kia đưa nhẹ nhàng que lấy mẫu vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.

Lưu ý: nếu chưa đạt được độ sâu như vậy mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút que lấy mẫu ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy que lấy mẫu chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút que lấy mẫu ra

- Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa.

- Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra.

- Đặt đầu que lấy mẫu vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển và bẻ cán que lấy mẫu tại điểm đánh dấu để có độ dài phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển. Lưu ý: Que ngoáy dịch tỵ hầu sẽ được để chung vào ống môi trường chứa que lấy mẫu lấy dịch ngoáy họng nếu lấy cả hai loại.

- Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).

Lưu ý: Đối với trẻ nhỏ đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau.

Đưa que lấy mẫu vô trùng vào thẳng phía sau một bên mũi (không hướng lên trên), dọc theo sàn mũi tới khoang mũi hầu

Hình 1: Lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu

b) Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch họng:

- Yêu cầu bệnh nhân há miệng to.

- Dùng dụng cụ đè nhẹ nhàng lưỡi bệnh nhân.

- Đưa que lấy mẫu vào vùng hầu họng, miết và xoay tròn nhẹ 3 đến 4 lần tại khu vực 2 bên vùng a-mi-đan và thành sau họng để lấy được dịch và tế bào vùng họng.

- Sau khi lấy bệnh phẩm, que lấy mẫu được chuyển vào ống chứa 3ml môi trường vận chuyển (VTM hoặc UTM) để bảo quản. Lưu ý, đầu que lấy mẫu phải nằm ngập hoàn toàn trong môi trường vận chuyển, và nếu que lấy mẫu dài hơn ống đựng môi trường vận chuyển cần bẻ/cắt cán que lấy mẫu cho phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển.

- Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).

Hình 2: Lấy mẫu dịch ngoáy họng

2.2.2.2. Kỹ thuật lấy mẫu ngoáy dịch mũi

- Yêu cầu bệnh nhân ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy trẻ nhỏ thì phải có người lớn giữ.

- Người lấy bệnh phẩm nghiêng nhẹ đầu bệnh nhân ra sau, tay đỡ phía sau cổ bệnh nhân.

- Tay kia đưa nhẹ nhàng que lấy mẫu vào mũi sâu khoảng 2 cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 3 giây. Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này đế lấy mẫu với mũi còn lại.

- Đặt đầu que lấy mẫu vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển và bẻ cán que lấy mẫu tại điểm đánh dấu để có độ dài phù hợp với độ dài của ống nghiệm chứa môi trường vận chuyển.

- Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafin (nếu có).

Hình 3: Lấy mẫu dịch ngoáy mũi

2.2.2.3. Mẫu dịch nội khí quản

Bệnh nhân khi đang thở máy, đã được đặt nội khí quản. Dùng 1 ống hút dịch, đặt theo đường nội khí quản và dùng bơm tiêm hút dịch nội khí quản theo đường ống đã đặt. Cho dịch nội khí quản vào tuýp chứa môi trường bảo quản vi rút.

2.2.3. Lấy mẫu và bảo quản mẫu đối với phương pháp xét nghiệm kháng nguyên tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.

2.2.2.4. Mẫu máu cho xét nghiệm xác định kháng thể

Sử dụng bơm kim tiêm vô trùng lấy 3-5ml máu tĩnh mạch, chuyển vào tuýp không có chất chống đông, tách huyết thanh và bảo quản ở nhiệt độ 2°C - 8°C trong vòng 48 giờ. Nếu bảo quản lâu hơn thì các mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản âm 70°C (-70°C).

Lưu ý:

- Ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ, loại bệnh phẩm, ngày lấy mẫu trên tuýp đựng bệnh phẩm.

- Các loại bệnh phẩm thu thập tại đường hô hấp dưới (dịch nội khí quản, phế nang, màng phổi) phải được phối hợp với các bác sỹ lâm sàng trong quá trình thu thập mẫu bệnh phẩm.

2.2.3. Tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân

2.2.3.1. Loại áo choàng dài, mũ trùm đầu và bao giầy rời

Bước 1: Tháo găng. Khi tháo cuộn mặt trong găng ra ngoài, bỏ vào thùng đựng chất thải.

Bước 2: Vệ sinh tay.

Bước 3: Tháo dây buộc và tháo bỏ áo choàng, cuộn lại sao cho mặt trong của áo choàng lộn ra ngoài và bỏ vào thùng chất thải.

Bước 4: Vệ sinh tay.

Bước 5: Tháo bỏ bao giầy, lộn mặt trong ra ngoài và bỏ vào thùng chất thải. Bước 6: Vệ sinh tay.

Bước 7: Tháo tấm che mặt hoặc kính bảo hộ (nếu sử dụng loại có dây đeo được buộc ra ngoài mũ trùm đầu).

Bước 8: Vệ sinh tay.

Bước 9: Tháo bỏ mũ trùm bằng cách luồn tay vào mặt trong mũ. Bước 10: Tháo kính bảo hộ (loại gọng và dây đeo bên trong mũ).

Bước 11: Tháo khẩu trang (cầm vào phần dây đeo phía sau đầu hoặc sau tai).

Bước 12: Vệ sinh tay.

Lưu ý: Khu vực mặc và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân phải là hai khu vực riêng biệt.

2.3.2.2. Loại quần, áo choàng và mũ trùm đầu rời

Bước 1: Tháo găng. Khi tháo cuộn mặt trong găng ra ngoài, bỏ vào thùng đựng chất thải.

Bước 2: Vệ sinh tay.

Bước 3: Tháo dây buộc và áo choàng, cuộn lại sao cho mặt trong của áo choàng lộn ra ngoài và bỏ vào thùng chất thải.

Bước 4: Vệ sinh tay.

Bước 5: Tháo bỏ quần và bao giày cùng lúc, cuộn và lộn mặt trong của quần ra ngoài, bỏ vào thùng chất thải.

Bước 6: Vệ sinh tay.

Bước 7: Tháo tấm che mặt hoặc kính bảo hộ (nếu sử dụng loại có dây đeo được buộc ra ngoài mũ trùm đầu).

Bước 8: Vệ sinh tay.

Bước 9: Tháo bỏ mũ trùm bằng cách luồn tay vào mặt trong mũ.

Bước 10: Tháo kính bảo hộ (loại gọng và dây đeo bên trong mũ)

Bước 11: Tháo khẩu trang (cầm vào phần dây đeo phía sau đầu hoặc sau tai).

Bước 12: Vệ sinh tay.

Lưu ý: Khu vực mặc và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân phải là hai khu vực riêng biệt.

2.2.3.2. Loại bộ phòng hộ quần liền áo và mũ

Bước 1: Tháo găng. Khi tháo cuộn mặt trong găng ra ngoài, bỏ vào thùng đựng chất thải.

Bước 2: Vệ sinh tay.

Bước 3: Tháo tấm che mặt hoặc kính bảo hộ loại có dây đeo ngoài mũ. Nếu sử dụng kính có gọng đeo trong mũ thì sau khi tháo bỏ mũ trùm đầu trước, rồi mới tháo bỏ kính.

Bước 4: Vệ sinh tay.

Bước 5: Tháo bỏ mũ, áo, quần. Khi tháo, cuộn lộn mặt trong của trang phục ra ngoài và bỏ vào thùng gom chất thải.

Bước 6: Vệ sinh tay.

Bước 7: Tháo bao giày, lộn mặt trong ra ngoài và bỏ vào thùng chất thải.

Bước 8: Vệ sinh tay.

Bước 9: Tháo khẩu trang (cầm vào phần dây đeo phía sau đầu hoặc sau tai).

Bước 10: Vệ sinh tay.

Lưu ý: Khu vực mặc và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân phải là hai khu vực riêng biệt.

2.2.3.3. Khử trùng dụng cụ và tẩy trùng khu vực lấy mẫu

- Toàn bộ phương tiện bảo hộ cá nhân được cho vào 1 túi ni lông chuyên dụng dùng cho chất thải lây nhiễm có khả năng chịu được nhiệt độ cao, cùng với các dụng cụ bẩn (sử dụng găng tay và khẩu trang mới).

- Buộc chặt và sấy ướt tại nhiệt độ 120°C/30 phút trước khi thu gom cùng với chất thải lây nhiễm khác để tiếp tục xử lý theo quy định.

- Rửa tay xà phòng, lau sạch và khử trùng bằng chloramin 0,1% toàn bộ các dụng cụ và khu vực lấy mẫu; phích lạnh dùng cho vận chuyển bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm.

3. Bảo quản, đóng gói và vận chuyển bệnh phẩm tới phòng xét nghiệm

3.1. Bảo quản

Bệnh phẩm sau khi thu thập được chuyển đến phòng xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất:

- Bệnh phẩm được bảo quản tại 2-8°C và chuyển tới phòng xét nghiệm trong thời gian sớm nhất, đảm bảo không quá 48 giờ sau khi thu thập. Nếu do điều kiện không thể chuyển mẫu trong vòng 48 giờ sau khi thu thập, mẫu phải được bảo quản âm 70°C.

- Không bảo quản bệnh phẩm tại ngăn đá của tủ lạnh hoặc âm 20°C.

3.2. Đóng gói bệnh phẩm

- Bệnh phẩm được đóng gói theo nguyên tắc 3 lớp được quy định theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế tại Thông tư 40/2018/TT-BYT ngày 07 tháng 12 năm 2018 quy định về quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm.

- Kiểm tra thông tin trên ống mẫu bệnh phẩm với thông tin trên phiếu điều tra đảm bảo trùng khớp nhau.

- Kiểm tra xem ống đựng mẫu bệnh phẩm đã được nắp chặt, bọc ống bằng giấy paraffin (nếu có) hoặc giấy thấm.

- Đặt ống đựng mẫu bệnh phẩm trong túi chống thấm/ túi ni lông hoặc hộp đựng có nắp và đóng kín.

- Đặt túi/hộp chứa ống đựng mẫu bệnh phẩm vào phích lạnh bảo quản mẫu hoặc thùng cứng.

- Bổ sung đủ túi/bình tích lạnh vào trong phích/thùng đựng mẫu để mẫu được bảo quản ở nhiệt độ từ +2°C đến +8°C, trong suốt quá trình vận chuyển mẫu.

- Đối với mẫu đông, bổ sung đủ túi/bình tích lạnh đã được đặt trong tủ âm 70°C để mẫu không bị tan băng trong suốt quá trình vận chuyển.

- Các phiếu yêu cầu xét nghiệm được đặt trong túi chống thấm/túi ni lông khác (không để chung phiếu với mẫu bệnh phẩm) và đặt trong phích lạnh/thùng đựng mẫu, bên ngoài có dán nhãn theo quy định tại Thông tư 40/2018/TT-BYT khi vận chuyển.

3.3. Vận chuyển bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm

- Mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản trong nhiệt độ từ +2oC đến + 8oC (hoặc tại âm 70oC nếu là mẫu đông) trong suốt quá trình vận chuyển.

- Phiếu yêu cầu xét nghiệm và phiếu điều tra phải được gửi kèm với mẫu bệnh phẩm.

- Các cơ sở gửi mẫu cần thông báo ngay cho phòng xét nghiệm khoảng thời gian dự kiến phòng xét nghiệm sẽ nhận được bệnh phẩm để cán bộ phòng xét nghiệm có thể chuẩn bị cho việc nhận mẫu.

- Lựa chọn các phương tiện, hình thức vận chuyển để đảm bảo thời gian vận chuyển ngắn nhất, trong khi vẫn phải đảm bảo điều kiện bảo quản mẫu trong suốt quá trình vận chuyển.

PHỤ LỤC 3

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CÁC HÓA CHẤT KHỬ TRÙNG CHỨA CLO TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH
(Bàn hành kèm theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/07/2021 của Bộ Y tế)

1. Giới thiệu

Clo (Cl) là một trong những halogen được sử dụng rộng rãi để khử trùng do có hoạt tính diệt trùng cao nhờ phản ứng ôxy hóa khử. Khi hòa tan trong nước, các hóa chất này sẽ giải phóng ra một lượng clo hoạt tính có tác dụng diệt trùng. Các hóa chất có chứa clo thường sử dụng bao gồm:

- Cloramin B hàm lượng 25% - 27% clo hoạt tính.

- Cloramin T.

- Canxi hypocloride (Clorua vôi).

- Bột Natri dichloroisocianurate.

- Nước Javen (Natri hypocloride hoặc Kali hyphocloride).

2. Sử dụng các hóa chất chứa clo trong công tác phòng chống dịch

- Trong công tác phòng chống dịch, các dung dịch pha từ các hóa chất chứa clo với nồng độ 0,05 và 0,1% clo hoạt tính thường được sử dụng tùy theo mục đích và cách thức của việc khử trùng. Việc tính nồng độ dung dịch phải dựa vào clo hoạt tính.

- Vì các hóa chất khác nhau có hàm lượng clo hoạt tính khác nhau, cho nên phải tính toán đủ khối lượng hóa chất cần thiết để đạt được dung dịch có nồng độ clo hoạt tính muốn sử dụng.

- Lượng hóa chất chứa clo cần để pha số lít dung dịch với nồng độ clo hoạt tính theo yêu cầu được tính theo công thức sau:

* Hàm lượng clo hoạt tính của hóa chất sử dụng luôn được nhà sản xuất ghi trên nhãn, bao bì hoặc bảng hướng dẫn sử dụng sản phẩm.

* Ví dụ:

- Để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính 0,05% từ bột cloramin B 25% clo hoạt tính, cần: (0,05 x 10 / 25) x 1000 = 20 gam.

- Để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính 0,05% từ bột canxi hypocloride 70% clo hoạt tính, cần: (0,05 x 10 / 70 ) x 1000 = 7,2 gam.

- Để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính 0,05% từ bột natri dichloroisocianurate 60% clo hoạt tính, cần: (0,05 x 10 / 60) x 1000 = 8,4 gam.

Bảng 1: Lượng hóa chất chứa clo để pha 10 lít dung dịch với các nồng độ clo hoạt tính thường sử dụng trong công tác phòng chống dịch

Tên hóa chất

(hàm lượng clo hoạt tính)

Lượng hóa chất cần để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính

0,05%

0,1%

Cloramin B 25%

20g

40g

Canxi HypoCloride (70%)

7,2g

14,4g

Bột Natri dichloroisocianurate (60%)

8,4g

16,8g

3. Cách pha

- Hòa tan hoàn toàn lượng hóa chất cần thiết cho vừa đủ 10 lít nước sạch.

- Các dung dịch khử trùng có clo sẽ giảm tác dụng nhanh theo thời gian, cho nên chỉ pha đủ lượng cần sử dụng và phải sử dụng càng sớm càng tốt sau khi pha. Tốt nhất chỉ pha và sử dụng trong ngày, không nên pha sẵn để dự trữ. Dung dịch khử trùng chứa clo đã pha cần bảo quản ở nơi khô, mát, đậy kín, tránh ánh sáng.

Lưu ý:

- Các hợp chất có chứa clo chỉ có tác dụng diệt trùng khi được hòa tan trong nước thành dạng dung dịch (lúc này các hóa chất chứa clo mới giải phóng ra clo hoạt tính có tác dụng diệt trùng), do vậy tuyệt đối không sử dụng các hợp chất có chứa clo ở dạng bột nguyên chất để xử lý diệt trùng.

- Các dung dịch có chứa clo sẽ giảm tác dụng theo thời gian, cho nên chỉ pha đủ lượng cần sử dụng và phải sử dụng càng sớm càng tốt sau khi pha. Tốt nhất là chỉ pha và sử dụng trong ngày, không nên pha sẵn để dự trữ. Nếu chưa sử dụng hết trong ngày thì phải đậy kín, tránh ánh sáng và có kế hoạch sử dụng sớm nhất.

PHỤ LỤC 4

KHỬ TRÙNG VÀ XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC CÓ BỆNH NHÂN COVID-19 TẠI CỘNG ĐỒNG
(Bàn hành kèm theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/07/2021 của Bộ Y tế)

_______________

1. Mục đích

Ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ra cộng đồng.

2. Nguyên tắc thực hiện

- Việc khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch phải được thực hiện sớm sau khi phát hiện có bệnh nhân COVID-19 (ca F0) đầu tiên.

- Ưu tiên khử trùng bề mặt bằng biện pháp lau những khu vực thường xuyên có tiếp xúc của người như mặt bàn, ghế ngồi, thành giường, tủ quần áo, tủ lạnh, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, đồ đạc, vật dụng, bồn rửa, nhà vệ sinh, lavabo, vòi nước, kệ/tủ bếp, tường nhà, cửa sổ, cửa ra vào… trong nhà, cơ quan, xí nghiệp, trường học…. Trường hợp không thể thực hiện biện pháp lau có thể sử dụng phương pháp phun khử trùng bằng máy phun đeo vai hoặc cầm tay.

- Phải làm sạch bề mặt, đồ dùng, vật dụng trước khi tiến hành khử trùng.

- Đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh lây nhiễm chéo cho những người tham gia khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch.

3. Các khu vực cần tiến hành khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch

- Trong nhà liền kề, phòng ở, căn hộ, nhà chung cư, tập thể, ký túc xá, khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, cơ sở cách ly tập trung… (sau đây gọi là nơi lưu trú) và trong cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp… (sau đây gọi là nơi làm việc) của ca F0;

- Khu vực liền kề xung quanh nơi lưu trú và nơi làm việc của ca F0, gồm:

+ Tường bên ngoài nơi lưu trú và nơi làm việc của ca F0;

+ Hàng lang, lối đi chung, cầu thang, thang máy, sảnh chờ... đối với nhà chung cư, tập thể, ký túc xá, khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, cơ sở cách ly tập trung, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp của ca F0.

+ Tường, sân vườn, vỉa hè, đường đi, lối đi chung,… đối với nhà riêng liền kề xung quanh.

4. Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, hóa chất

- Phương tiện làm sạch, khử trùng: 2 thùng/xô, 2 giẻ lau, cây lau sàn, bình/máy phun khử trùng,…

- Túi, thùng dựng chất thải lây nhiễm có màu vàng.

- Phương tiện bảo vệ cá nhân:

+ Khẩu trang y tế bảo vệ đường mũi, miệng.

+ Kính bảo hộ che mắt tránh văng, bắn vào niêm mạc mắt.

+ Quần áo phòng dịch tránh phơi nhiễm với nước, dịch.

+ Găng tay cao su dày.

+ Ủng hoặc bao che giày chống thấm.

- Hóa chất, dung dịch khử trùng: Hóa chất khử trùng có chứa Clo; Cồn 70 độ; Xà phòng rửa tay hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.

5. Các biện pháp thực hiện

5.1. Khu vực trong nơi lưu trú/nơi làm việc của ca F0 và trong nhà các phòng ở/căn hộ liền kề xung quanh

a) Làm sạch và khử trùng

Áp dụng quy trình lau 2 xô: một xô nước sạch, một xô dung dịch khử trùng chứa 0,1% Clo hoạt tính. Mỗi lần lau dùng một khăn sạch, không giặt lại khăn trong các xô, mỗi khăn lau không quá 20 m2.

- Lau các bề mặt thường xuyên tiếp xúc (mặt bàn, ghế ngồi, thành giường, tủ quần áo, tủ lạnh, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, đồ đạc, vật dụng, bồn rửa, nhà vệ sinh, lavabo, vòi nước, kệ/tủ bếp, tường nhà, cửa sổ, cửa ra vào… trong nhà, cơ quan, xí nghiệp, trường học….):

+ Dùng khăn lau thấm nước sạch lau sạch các bề mặt cần lau.

+ Dùng khăn lau thấm dung dịch khử trùng lau các bề mặt cần lau theo nguyên tắc từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.

- Lau nền nhà (phòng ngủ, phòng khách, phòng tắm, khu bếp, nhà vệ sinh, phòng bếp, cầu thang, ban công,…):

+ Lau bằng nước sạch trước. Nếu nền nhà có rác thì vừa lau sàn vừa dồn rác lại.

+ Lau khử trùng sau: dùng cây lau nhà thấm dung dịch khử trùng để lau từ nơi sạch đến nơi bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.

Một số lưu ý:

- Sử dụng cồn 70 độ để lau bề mặt các thiết bị điện, điện tử như công tắc đèn, điều khiển, tivi, điện thoại,… Trước khi lau phải tắt nguồn điện.

- Khi xô nước hoặc xô dung dịch lau bẩn, cần phải thay nước hoặc dung dịch khử trùng mới.

b) Thu gom rác thải

Tất cả các loại rác thải phát sinh của nhà ca F0 phải được coi là chất thải lây nhiễm. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi và cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

c) Xử lý đồ dùng vật dụng cá nhân sử dụng lại (quần áo, chăn màn, bát đũa, cốc chén,…) của ca F0.

- Đồ vải như quần áo, chăn màn, ga gối của ca F0 đã sử dụng cần được ngâm ngập hoàn toàn dung dịch khử trùng chứa 0,05% Clo hoạt tính trong thời gian tối thiểu 20 phút trước khi giặt sạch.

- Đồ dùng đựng thức ăn, nước uống của ca F0 phải được ngâm ngập hoàn toàn trong dung dịch khử trùng chứa 0,05% Clo hoạt tính trong thời gian từ 10 - 20 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch (trong trường hợp không có hóa chất khử trùng thì có thể đun sôi trong 10 - 15 phút).

5.2. Khu vực bên ngoài nơi lưu trú/nơi làm việc của ca F0 và trong nhà các phòng ở/căn hộ liền kề xung quanh

a) Hóa chất sử dụng: Sử dụng dung dịch khử trùng có chứa 0,1 % Clo hoạt tính.

b) Tiến hành lau hoặc phun đều lên bề mặt được khử trùng với liều lượng 0,3-0,5 lít/m2 tại các vị trí sau:

- Nếu nơi ở của ca F0 là nhà chung cư, tập thể, ký túc xá, khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, cơ sở cách ly tập trung,…; nơi làm việc của ca F0:

+ Lau hoặc phun tường bên ngoài của: i) Phòng ở/căn hộ của ca F0; ii) Các căn hộ/phòng liền kế với phòng ở/căn hộ của ca F0.

+ Lau các khu vực sử dụng chung của ca F0 gồm: i) Hành lang, lối đi chung cùng tầng hoặc cùng dãy với phòng ở, căn hộ, cùng phòng trọ hoặc cùng phân xưởng, tổ sản xuất, cùng vị trí làm việc; ii) Cầu thang bộ, thang máy, sảnh chờ của tòa nhà, nơi làm việc; iii) Các khu vực sử dụng chung khác của tòa nhà/phân xưởng.

- Nếu nơi ở của ca F0 là nhà riêng:

+ Đối với nhà ca ca F0: lau hoặc phun tường bên ngoài, mặt ngoài cửa sổ, cửa ra vào của nhà ca F0; toàn bộ sân, vườn, nhà bếp, không gian chung của nhà ca F0 (nếu có);

+ Đối với nhà liền kề xung quanh với nhà ca F0: lau hoặc phun tường bên ngoài, mặt ngoài cửa sổ, cửa ra vào; sân, vườn, nhà bếp, khu vực chung (nếu có). Phun vỉa hè, đường đi, lối đi chung của ca F0 với các nhà liền kề xung quanh.

+ Phun các khu vực công cộng tiếp giáp với nhà ca F0 (nếu có) như sân chơi, khu tập thể dục thể thao ngoài trời,…

Một số lưu ý:

- Trước khi phun phải sơ tán cư dân, người lưu trú ra khỏi khu vực cần khử trùng. Sau khi phun các khu vực sử dụng chung, yêu cầu cư dân, người lưu trú không đi lại trong vòng 30 phút để đảm bảo hiệu quả khử trùng.

- Căn cứ vào tình hình thực tế tiếp xúc của ca F0 tại nơi ở, nơi cư trú, nơi làm việc với môi trường để điều chỉnh, bổ sung vị trí phun khử khuẩn cho phù hợp.

6. Hoàn thành công tác khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch

- Thu gom các túi đựng chất thải lây nhiễm, phương tiện bảo vệ cá nhân đã sử dụng vào thùng đựng chất thải lây nhiễm và đưa đi xử lý theo quy định.

- Vệ sinh tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn ngay sau khi kết thúc công việc khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch.

7. Thực hiện công tác khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch

- Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương tổ chức thực hiện việc khử trùng, xử lý môi trường.

- Đơn vị y tế địa phương:

+ Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, hóa chất khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch theo mục 4 của phụ lục này;

+ Tiến hành thực hiện khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch tại khu vực có ca F0 trên địa bàn.

+ Thu gom các túi đựng chất thải lây nhiễm, phương tiện bảo vệ cá nhân đã sử dụng vào thùng đựng chất thải lây nhiễm.

- Người quản lý cơ sở cách ly tập trung; người quản lý nơi lưu trú, nơi làm việc… có ca F0:

+ Thông báo cho những người được cách ly biết để phối hợp thực hiện việc khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch.

+ Tổ chức khoanh vùng, chuẩn bị địa điểm để thực hiện việc khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch.

+ Phối hợp với đơn vị y tế để thực hiện việc khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch.

+ Liên hệ với đơn vị môi trường để vận chuyển xử lý chất thải lây nhiễm ngay trong ngày.

PHỤ LỤC 5.

CÁC MẪU PHIẾU ĐIỀU TRA CA BỆNH, YÊU CẦU XÉT NGHIỆM VÀ BÁO CÁO

Biểu mẫu 1

PHIẾU ĐIỀU TRA CA MẮC COVID-19

1. Người báo cáo

a. Tên người báo cáo: __________________

b. Ngày báo cáo: ____/___/202___

c. Tên đơn vị: _______________________

d. Số CCCD (nếu có): _________

e. Điện thoại: ____________________

g. Email: ________

2. Thông tin ca bệnh (mã bệnh nhân:_________)

a. Họ và tên bệnh nhân: ________________________

b. Ngày tháng năm sinh: __/__/___

Tuổi (năm)___________

c. Giới:    1. Nam       2. Nữ

d. Dân tộc: _____________

e. Nghề nghiệp: _____________

f. Quốc tịch: ___________________

g. Đang có thai: 1. Có, ghi rõ số tuần thai_____

2. Không

3. Địa chỉ nơi sinh sống    Số: ___________

Đường phố/Thôn ấp: ___________

Phường/Xã: ____________________

Quận/huyện: _________________

Tỉnh/Thành phố: _____________________

Số điện thoại liên hệ: _______________

Địa chỉ nơi làm việc/học tập  Số: _______

Đường phố/Thôn ấp: ______________

Phường/Xã: ____________________

Quận/huyện: __________________

Tỉnh/Thành phố: _________________

Số điện thoại liên hệ: ____________

Địa chỉ nơi đăng ký thường trú  Số:______

Đường phố/Thôn ấp: ______________

Phường/Xã: ____________________

Quận/huyện: __________________

Tỉnh/Thành phố: _________________

Số điện thoại liên hệ: ____________

(Lưu ý: Nếu địa chỉ thường trú trùng với địa chỉ nơi đang sinh sống thì bỏ qua)

4. Địa chỉ nơi bệnh khởi phát:

a. Như trên

b. Khác, ghi rõ: _________________________________________________________

5. Ngày khởi phát: ____/_____/202___

6. Ngày vào viện: ____/_____/202___

7. Cơ sở khám chữa bệnh đang cách ly, điều trị:

_______________________________________________________________________

8. Diễn biến bệnh (mô tả ngắn gọn):

_______________________________________________________________________

9. Triệu chứng khởi phát:   □ Có    □ Không

Địa chỉ nơi khởi phát:   □ Nơi sinh sống  □ Nơi làm việc  □ Khác, ghi rõ: ___________

10. Tiền sử mắc các bệnh mạn tính và các bệnh khác có liên quan:

______________________________________________________________________

11. Tiền sử tiêm vắc xin phòng COVID-19 □ Có □ Không

Nếu có: Số mũi tiêm:       

Mũi thứ nhất ngày: ___/____/____, Loại vắc xin: ______________

Mũi thứ hai ngày: ___/____/____, Loại vắc xin: ______________

12. Đối tượng lấy mẫu:

□ Ca bệnh nghi ngờ

□ Trường hợp F1

□ Trường hợp F2

□ Giám sát sốt, ho, khó thở... tại cộng đồng

□ Giám sát sốt, ho, khó thở... tại cơ sở y tế/bệnh viện

□ Vùng phong tỏa

□ Điểm nóng dịch tễ, ổ dịch: __________________________

□ Khác (ghi rõ): __________________________

13. Nguồn lây nhiễm nghi ngờ (nếu có):

- Nhóm tiếp xúc:

□ Người sống cùng nhà/cùng phòng/cùng hộ gia đình

□ Bạn tình/người yêu

□ Anh em họ hàng; người thân

□ Hàng xóm

□ Bạn bè thân thiết thường gặp

□ Người có tiếp xúc qua công việc/sinh hoạt hàng ngày

□ Người cùng làm việc/nơi làm việc

□ Người cùng đi công tác/cuộc họp

□ Người cùng trong lớp học/trường học

□ Người cùng nhóm du lịch; nhóm thăm quan; nhóm đi chơi

□ Người cùng sinh hoạt trong các câu lạc bộ

□ Người cùng đi vui chơi/liên hoan/uống rượu/đánh bài

□ Người cùng sinh hoạt tôn giáo

□ Người đi cùng phương tiện giao thông

□ Người cùng khoa/phòng điều trị

□ Nhân viên phục vụ và người chăm sóc bệnh nhân tại cơ sở y tế

□ Nhân viên y tế

□ Nhập cảnh từ nước ngoài

- Ổ dịch/mốc dịch tễ/mã ca bệnh có liên quan: __________________________

- Mô tả rõ hoàn cảnh tiếp xúc với ổ dịch/ca bệnh liên quan: _______________________

14. Thông tin lấy mẫu và xét nghiệm cho kết quả dương tính:

- Ngày lấy mẫu: _________________ Loại mẫu bệnh phẩm: ____________________

- Phương pháp xét nghiệm: ________________________________________________

15. Diễn biến bệnh: Mô tả diễn biến bệnh, triệu chứng, tình trạng xét nghiệm kể từ khi phơi nhiễm với nguồn lây (nếu có) cho đến khi được đưa đi cách ly, điều trị.

_____________________________________________________________________

_____________________________________________________________________

16. Lịch trình di chuyển/ đi lại (Mô tả lịch trình đi lại theo từng ngày, từ 14 ngày trước ngày khởi phát đến khi bệnh nhân được cách ly y tế)

1. Ngày …………………..

Lịch trình:

2. Ngày …………………..

Lịch trình:

3. Ngày …………………..

Lịch trình:

4. Ngày …………………..

Lịch trình:

5. Ngày …………………..

Lịch trình:

6. Ngày …………………..

Lịch trình:

7. Ngày …………………..

Lịch trình:

8. Ngày …………………..

Lịch trình:

9. Ngày …………………..

Lịch trình:

10. Ngày …………………..

Lịch trình:

11. Ngày …………………..

Lịch trình:

12. Ngày …………………..

Lịch trình:

13. Ngày …………………..

Lịch trình:

14. Ngày …………………..

Lịch trình:

17. Kết quả điều trị:

□ Đang điều trị (Ghi rõ tình trạng hiện tại _____________________________)

□ Khỏi

□ Di chứng (ghi rõ): ______________________________________________________

□ Không theo dõi được

□ Khác (nặng xin về, chuyển viện, … ghi rõ): __________________________________

□ Tử vong (Ngày tử vong: __/__/___: Lý do tử vong ________________________)

18. Chẩn đoán cuối cùng

□ Ca bệnh lâm sàng   □ Ca bệnh xác định    □ Không phải COVID -19

□ Khác, ghi rõ ______________________________________________

19. Kết quả truy vết:

1. Tiền sử tiếp xúc

STT

Tiền sử tiếp xúc

Địa chỉ

Thời gian

(giờ, ngày, tháng năm)

1

 

 

 

2

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

2. Danh sách F1

TT

Họ và tên F1

Giới

Tuổi

Số điện thoại

Địa chỉ nơi ở hiện tại

Mối quan hệ và hoàn cảnh tiếp xúc với người bệnh

Ngày tiếp xúc lần cuối

Sức khoẻ hiện tại

1

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Điều tra viên

Ngày ….. tháng ….. năm 202 …
Lãnh đạo đơn vị

Biểu mẫu 2

PHIẾU YÊU CẦU XÉT NGHIỆM

1. Thông tin bệnh nhân

1.1. Họ và tên bệnh nhân: ………………………………………………………………………

1.2. Tuổi: ............ Ngày sinh: ……… / ……… / …………

......... Tháng tuổi (< 24="" tháng):……………=""   ="" năm="" tuổi="" (≥24="" tháng):="">

1.3. Giới tính:  Nam  Nữ                            1.4. Dân tộc: …..........….……

1.5. Địa chỉ bệnh nhân: …………………………………………………………………………

Thôn, xóm ………………………………… Xã/phường: ………………………………

Quận/huyện: ……………………………… Tỉnh/thành: ………………………………

1.6. Họ tên người giám hộ (bố mẹ/người thân, nếu có): ……………………………………

Điện thoại: …………………………………

2. Thông tin bệnh phẩm

2.1. Ngày khởi phát: ……… / ……… / …………

2.2. Ngày lấy mẫu: ……… / ……… / ………… Giờ lấy mẫu: … - …

Người lấy mẫu: ……………………………… Điện thoại: ……………………..

Đơn vị: ……………………………………………………………………………………..

2.3. Loại mẫu: ……………………………………………… Số lượng: ……………….

Loại mẫu: ……………………………………………… Số lượng: ……………….

Loại mẫu: ……………………………………………… Số lượng: ……………….

2.4. Yêu cầu xét nghiệm: ……………………………………………………………………….

Đơn vị yêu cầu xét nghiệm: ………………………………………………………………..

 

Đơn vị gửi mẫu
(xác nhận của người/đơn vị gửi mẫu)

_______________________________________________________________________

VIỆN ………………………………………

PHÒNG XÉT NGHIỆM …………………

Ngày/giờ nhận mẫu: ……/…… / ……… …… - …… Người nhận mẫu: …….....................…

Tình trạng mẫu khi nhận: …………………………………………………………………….....

 Từ chối mẫu        Chấp nhận mẫu-Mã bệnh nhân: ……………………………….

Ghi chú:

…………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………

Biểu mẫu 3

PHIẾU TRẢ LỜI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

Họ và tên bệnh nhân: …………………………………………………………………………

Tuổi: …………… Giới: ……………

Địa chỉ bệnh nhân: Nơi cư trú: ………………………………………………………………

Xã/Phường: …………………………………………………………

Quận/Huyện: ……………………………………..…………………

Tỉnh/Thành: …………………………………………………………

Ngày khởi phát: ……… /……… /……………

Yêu cầu xét nghiệm (XN):

…………………………………………………………………………………………………...

…………………………………………………………………………………………………...

Bệnh phẩm thu thập

Lần lấy mẫu

Ngày/giờ lấy mẫu

Ngày/giờ nhận mẫu

Tình trạng mẫu khi nhận

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nơi gửi mẫu: …………………………………………………………………………………...

__________________________________________________________________________

Mã bệnh nhân (Phòng thí nghiệm): ............................

Bệnh phẩm xét nghiệm

Kỹ thuật xét nghiệm

Lần XN

Ngày thực hiện

Kết quả xét nghiệm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kết luận: ....................................................................................

Đề nghị: □ Tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm hô hấp (3 ngày 1 lần)

□ Khác: ..............................................................

Chú thích:

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

Người thực hiện: .......................................... Chữ ký: ..........................................

Người kiểm tra: ............................................ Chữ ký: ..........................................

Ngày/giờ trả kết quả…. /… / …/ …
Trưởng khoa xét nghiệm

.............., ngày … tháng … năm …..
Lãnh đạo đơn vị

Biểu mẫu 4

BÁO CÁO DANH SÁCH CA BỆNH XÁC ĐỊNH / CA BỆNH NGHI NGỜ COVID-19

Tên đơn vị: .............................................................................................................................

Ngày báo cáo: ....../....../20......

STT

Họ và tên

Tuổi

Giới tính

Quốc tịch

Địa chỉ nơi ở

Yếu tố dịch tễ

Triệu chứng

Ngày khởi phát

Ngày nhập viện

Ngày lẫy mẫu

Ngày trả kết quả XN

Kết quả XN

Tình trạng sức khỏe hiện tại

Nơi cách ly, điều trị

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)

I. CA BỆNH XÁC ĐỊNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II. CA BỆNH NGHI NGỜ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1): Ghi số thứ tự

(2): Ghi đầy đủ họ và tên

(3): Ghi số tuổi theo năm dương lịch

(4): Ghi giới tính: 1 - nam, 2 - nữ

(5): Ghi rõ quốc tịch

(6): Ghi đầy đủ địa chỉ nơi ở (thôn/xã/huyện/tỉnh)

(7): Ghi đầy đủ các yếu tố dịch tễ liên quan

(8): Ghi đầy đủ các triệu chứng (sốt; ho; đau họng; khó thở; mệt mỏi, đau người, ớn lạnh; giảm hoặc mất khứu giác/ vị giác; viêm phổi ...)

(9): Ghi đầy đủ ngày khởi phát (ngày/tháng/năm)

(10): Ghi đầy đủ ngày nhập viện (ngày/tháng/năm)

(11): Ghi đầy đủ ngày lấy mẫu (ngày/tháng/năm)

(12): Ghi đầy đủ ngày trả kết quả xét nghiệm (ngày/tháng/năm)

(13): Ghi kết quả xét nghiệm (0 - âm tính, 1 - dương tính, 2 - chờ kết quả xét nghiệm)

(14): Ghi đầy đủ tình trạng sức khỏe hiện tại tính đến ngày báo cáo (1 - ổn định, 2 - diễn biến nặng, 3 - không rõ)

(15): Ghi đầy đủ nơi cách ly, điều trị hiện tại tính đến ngày báo cáo

Biểu mẫu 5

PHIẾU THEO DÕI SỨC KHỎE HÀNG NGÀY NGƯỜI ĐƯỢC CÁCH LY CHƯA CÓ TRIỆU CHỨNG

Tên đơn vị: ...........................................................................................................................

Đối tượng theo dõi:   Người cách ly tập trung □            Người tiếp xúc gần hoặc liên quan khác □

Họ và tên: .............................................................................................................................

Ngày tháng năm sinh: ........./.........../20.....

Giới tính:  Nam □           Nữ □

Địa chỉ nơi ở: ........................................................................................................................

Nơi cách ly: ..........................................................................................................................

Số điện thoại liên hệ: ...........................................................................................................

Ngày bắt đầu theo dõi: ........................................................................................................

STT

Triệu chứng

Ngày 1

Ngày 2

Ngày 3

Ngày 4

Ngày 5

Ngày 6

Ngày 7

Ngày 8

Ngày 9

Ngày 10

Ngày 11

Ngày 12

Ngày 13

Ngày 14

S

C

S

C

S

C

S

C

S

C

S

C

S

C

S

C

S

C

S

C

S

C

S

C

S

C

S

C

1

Thân nhiệt *

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Ho**

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Khó thở **

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Viêm phổi**

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

* Ghi nhiệt độ;

** Ghi: 0 - Không, 1 - Có

Biểu mẫu 6

BÁO CÁO DANH SÁCH NGƯỜI CÓ TIẾP XÚC GẦN / CA CÓ LIÊN QUAN KHÁC VỚI CA BỆNH XÁC ĐỊNH / CA BỆNH NGHI NGỜ COVID-19

Tên đơn vị: ...............................................................................................................................

Ngày báo cáo: ....../....../20......

STT

Họ và tên

Tuổi

Giới tính

Quốc tịch

Địa chỉ nơi ở/ lưu trú

Loại tiếp xúc

Ngày tiếp xúc lần cuối

 

Tình trạng sức khỏe

Biện pháp xử lý

Bình thường

Sốt

Ho

Khó thở

Giảm hoặc mất khứu giác/ vị giác

Viêm phổi

Diễn biến nặng

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)

(16)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1): Ghi số thứ tự

(2): Ghi đầy đủ họ và tên

(3): Ghi số tuổi theo năm dương lịch

(4): Ghi giới tính: 1 - nam, 2 - nữ

(5): Ghi rõ quốc tịch

(6): Ghi đầy đủ địa chỉ nơi ở, nơi lưu trú (thôn/xã/huyện/tỉnh)

(7): Ghi loại tiếp xúc (1 - Tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ, 2 - Tiếp xúc gần với người từ quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 lây truyền nội địa nhập cảnh vào Việt Nam có triệu chứng sốt/ho/khó thở/viêm phổi trong vòng 14 ngày)

(8): Ghi ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ hoặc người từ quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 nhập cảnh vào Việt Nam có triệu chứng sốt; ho; đau họng; khó thở; mệt mỏi, đau người, ớn lạnh; giảm hoặc mất khứu giác; hoặc viêm phổi trong vòng 14 ngày (ngày/tháng/năm) (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15): Ghi tình trạng sức khỏe theo từng nội dung (0 - Không, 1 - Có)

(16): Ghi đầy đủ các biện pháp xử lý đã triển khai tính đến ngày báo cáo

Biểu mẫu 7

BÁO CÁO TỔNG HỢP GIÁM SÁT COVID-19

Tên đơn vị: ..............................................................................................................................

Ngày báo cáo: ....../....../20......

Nội dung

Ca bệnh nghi ngờ

Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2

Ca có tiếp xúc gần hoặc có liên quan khác

Tổng

Người Việt Nam

Quốc tịch khác (ghi rõ từng quốc gia/vùng lãnh thổ)

Dương tính

Âm tính

Đang chờ kết quả

Đang theo dõi

Có triệu chứng

Có diễn biến nặng

Không có triệu chứng

Đã qua 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối

Số ghi nhận trong ngày

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Số cộng dồn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Biểu mẫu 8

BÁO CÁO TỔNG HỢP KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM VI RÚT SAR-CoV-2

Tên đơn vị: ..............................................................................................................................

Ngày báo cáo: ....../....../20......

STT

Đơn vị

Tổng số mẫu xét nghiệm đã nhận trong ngày

Tổng số mẫu xét nghiệm đã làm trong ngày

Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn

Sinh phẩm xét nghiệm hiện còn

Dương tính

Âm tính

Dương tính

Âm tính

1

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

 

6

 

 

 

 

 

 

 

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE MINISTRY OF HEALTH
____

No. 3638/QD-BYT

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
_____________________

Hanoi, July 30, 2021

 

DECISION

On promulgating the “Interim Guidance on Surveillance and Prevention of COVID-19”

___________

THE MINISTER OF HEALTH

 

Pursuant to the Government's Decree No. 75/2017/ND-CP dated June 20, 2017, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Health;

At the proposal of Director of the General Department of Preventive Medicine under the Ministry of Health,

 

DECIDES

 

Article 1. To issue together with this Decision the “Interim Guidance on Surveillance and Prevention of COVID-19”.

Article 2. The “Interim Guidance on Surveillance and Prevention of COVID-19” shall be used as the technical guidance document applicable to preventive medicine establishments and medical examination and treatment establishments nationwide.

Article 3. This Decision takes effect on the date of its signing; replaces the Ministry of Health's Decision No. 3468/QD-BYT dated August 07, 2020, on promulgating the Interim Guidance on Surveillance and Prevention of COVID-19.

Article 4. Mr./Ms.: The Chief of Ministry Office; the Chief Inspector of Ministry; Directors and Directors General of Departments and Agencies of the Ministry of Health; Directors of Institute of Hygiene and Epidemiology and Pasteur Institute; Directors of hospitals of the Ministry of Health; Directors of Health Departments of provinces and centrally-run cities; heads of medical units of ministries and branches; heads of relevant units shall be responsible for the implementation of this Decision./.

 

 

FOR THE MINISTER
THE DEPUTY MINISTER




Do Xuan Tuyen

 

 

INTERIM GUIDANCE

ON SURVEILLANCE AND PREVENTION OF COVID-19
(Attached to the Ministry of Health’s Decision No. 3638/QD-BYT dated July 30, 2021)

 

I. GENERAL FEATURES

COVID-19 is a group-A contagious disease caused by severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 (SARS-CoV-2). This virus often mutates, creating variants with the ability to spread faster. As of July 2021, Vietnam has recorded 07 strains of SARS-CoV-2 virus, including common variants in Europe, Africa, UK and India; and since April 27, 2021, Vietnam has recorded 02 variants, including Delta variant (B.1.617.2, which was first discovered in India) and Alpha variant (B.1.1.7, which was first identified in the UK), in which the Delta variant was assessed as highly contagious and was classified by WHO as a “variant of concern” with a transmission rate of 50% higher than that of the Alpha variant.

This disease can be transmitted from person to person by inhalation, with an incubation period of about 14 days. There is a high percentage of people infected with the SARS-CoV-2 virus, who show no clinical symptoms (about 60%). Infected persons may have variable clinical symptoms such as fever, cough, sore throat, body aches, fatigue, reduction or loss of smell and taste, shortness of breath, possible severe pneumonia, acute respiratory failure, and mortality, especially in people with underlying heath conditions, chronic disease, and the elderly. This disease so far has vaccines but no specific drugs for treatment.

This Interim Guidance is developed and updated through practical activities with monitoring contents and prevention and control activities according to the pandemic development, which is used as a basis for the provinces, cities, health units and related units to apply, organize the implementation according to the actual situation.

II. GUIDANCE ON SURVEILLANCE

1. Definition of cases and close contacts

1.1. Suspected case (surveillance case)

Means a person with at least two among the following symptoms: Fever, cough, sore throat, shortness of breath, body aches - fatigue - chills, reduction or loss of taste or smell; or a person who has a positive screening test result for the SARS-CoV-2 virus.

1.2. Confirmed case (F0 case)

Means any person having a positive test with SARS-CoV-2 virus (through detecting genetic material) that is carried out by testing establishments permitted by the Ministry of Health.

1.3. Close contact (F1 case)

A close contact is a person who has been in close contact within 02 meters with a F0 case or in the same enclosed space at the place of residence, workplace, factory, study, activity, entertainment, etc. or in the same compartment on the transport vehicle with a F0 case during the transmission period of F0 case. To be specific:

- For F0 cases with symptoms: Within 03 days prior to the onset of a F0 case until the F0 case is quarantined. The time of onset of a case is the day when the patient has the first unusual health symptoms, which can be one of the following: Fatigue; anorexia; body aches, chills; reduction or loss of taste or smell; fever; cough; sore throat, etc.

- For asymptomatic F0 cases:

+ If the infection source of the F0 case has been identified: During the period from the F0 case first came into contact with the source of infection until he/she is quarantined.

+ If the infection source of the F0 case has not yet been identified: Within a period of 14 days before the F0 case was sampled and tested positive until he/she is quarantined.

* Some groups of common close contacts, including:

- Person who lives in the same household, house or room.

- Person who directly cares for, visits a confirmed case, or patient in the same room as a confirmed case.

- Person who is in the same teamwork or office.

- Person in the same group who has been in contact with the confirmed case, including group of travel, business, entertainment, party, meeting, the same group of religious activities, the same group of clubs, on the same transport vehicle, etc.

1.4. Person in contact with a close contact (F2 case)

Is a person who has been in close contact within 02 meters with the F1 case from the time the F1 case is likely to infect from the confirmed case (F0 case) to the time the F1 case is quarantined.

2. Definition of outbreak

2.1. Outbreak: is the place of residence (village, hamlet, neighborhood/residential group/sub-village/unit, etc.) of the confirmed case before the onset or before taking samples for confirmatory testing.

2.2. Inactive outbreak: when no new confirmed case is recorded within 28 days from the date the last confirmed case was quarantined.

2.3. Collection, storage and transport of specimens: Details in Appendix 1.

2.4. Information and report

Synthesizing the reporting data on a daily basis at all level:

- Centers for Disease Control of provinces and cities, medical centers of districts and towns, medical stations of communes and wards shall manage lists of confirmed cases, suspected cases, close contacts, people in contact with close contacts, the number of quarantined people in their respective areas (including all treatment establishments in areas); Centers for Disease Control of provinces and cities shall synthesize and report aggregate data according to the Form 7 provided in Appendix 5 and report the list of confirmed and suspected cases according to the Form 4 provided in Appendix 5 to the Institute of Hygiene and Epidemiology, Pasteur Institute before 14:00 every day.

- The Institute of Hygiene and Epidemiology and Pasteur Institute shall manage lists of confirmed cases, suspected cases, the number of close contacts and quarantined people in their respective areas and update information about their health status; report aggregate data according to the Form 7 provided in Appendix 5 and report the list of confirmed and suspected cases according to the Form 4 provided in Appendix 5 to the General Department of Preventive Medicine before 15:00 every day.

- Testing establishments including private and public hospitals, medical examination and treatment establishments must report the testing data (including test results, the number of samples taken in a day, the number of tests, etc.) to Centers for Disease Control of provinces and cities before 13:00 every day. Centers for Disease Control of provinces and cities shall report to the Institute of Hygiene and Epidemiology and Pasteur Institute before 14:00 every day. Institute of Hygiene and Epidemiology and Pasteur Institute shall synthesize reports on test results, the number of samples taken a day and the number of tested people, etc. according to the Form 8 provided in Appendix 5 and send them to the General Department of Preventive Medicine before 15:00 every day.

- The Institute of Hygiene and Epidemiology and Pasteur Institute shall conduct assessment and analysis the COVID-19 pandemic situation and make comments, forecasts, and proposals on solutions to prevent and control pandemic in their respective localities and include them in reports sent to the General Department of Preventive Medicine before 14:00 every Monday. The General Department of Preventive Medicine shall synthesize and report leaders of the Ministry and the National Steering Committee before 17:00 every day.

- For samples tested positive for SARS-CoV-2 virus made by testing establishments permitted by the Ministry of Health, the testing unit shall immediately update the case information and test results on the Ministry of Health's automated patient code dispensing system and notify the results to the unit sending the test samples, and at the same time report to the provincial Department of Health, General Department of Preventive Medicine, Institute of Hygiene and Epidemiology, Pasteur Institute under the management.

- For samples tested negative for SARS-CoV2 virus, the testing unit shall notify results to the unit sending test samples.

- Implementing the regime of information and reporting applicable to group-A contagious disease under the Ministry of Health's Circular No. 54/2015/TT-BYT dated December 28, 2015, guiding the regime of declaration, information and reporting of contagious diseases.

III. PREVENTIVE MEASSURES

1. Non-specific preventive measures

To proactively implement the following preventive measures:

- Avoiding traveling to pandemic areas. Complying with 5K message (Khẩu trang (face mask), Khai báo y tế (health declaration), Không tụ tập (no gathering), Khoảng cách (distance), Khử trùng (disinfection)). In case of visiting crowded places, it is necessary to take personal protective measures such as wearing masks, performing hand hygiene, keeping safe distance, etc.

- Limiting to be in direct contact with people with acute respiratory disease (fever, cough, shortness of breath); in case of contacting, it is required to wear medical masks properly and keep a safe distance of at least 02 meters.

- People with suspected signs must immediately notify the nearest medical establishments for timely advice, examination and treatment. Making a phone call to medical establishments prior to arrival to provide information about symptoms and recent travel schedule for the right support; avoiding going to crowded places. Pupils, students and employees who show any suspected signs must stay at home and immediately notify health agencies.

- Performing personal hygiene, washing hands regularly under running water with soap for at least 40 seconds or with common antiseptic solution (containing at least 60% alcohol); rinsing the mouth and throat with mouthwash, avoiding touching eyes, nose and mouth to prevent infection.

- Covering mouth and nose when coughing or sneezing, preferably with a cloth or handkerchief or disposable tissue or sleeve to reduce the spread of respiratory secretions; washing hands with soap and water or an antiseptic solution immediately after coughing or sneezing. Not spitting indiscriminately in public areas.

- Ensuring food safety, only eating cooked food.

- Keeping the body warm, promoting health by eating, resting, reasonable living, practicing sports.

- Improving air ventilation for houses and workplaces by opening doors and windows, avoiding using air conditioners.

- Regularly cleaning houses, offices, schools, factories, etc. by wiping floors, doorknobs and surfaces of objects in the house with soap and common detergents; other disinfectant chemicals according to the instructions of the health sector.

- Regularly cleaning and disinfecting vehicles, including airplanes, trains, ships and cars, etc.

2. Specific preventive measures

Vaccinating against COVID-19 according to the indications and instructions as prescribed.

3. Border health quarantine

- Monitoring people on entry and applying regulations on health declaration according to the Government’s Decree No. 89/ND-CP dated June 25, 2018, detailing the implementation of a number of articles of the Law on Prevention and Control of Infectious Diseases, regarding border health quarantine, directions of the National Steering Committee and the Ministry of Health's instructions.

- The medical treatment and quarantine at border gates shall comply with the Government’s Decree No. 101/2010/ND-CP dated September 30, 2010, detailing the implementation of a number of articles of the Law on Prevention and Control of Infectious Diseases regarding the application of measures for quarantine, mandatory quarantine, typical epidemic prevention, directions of the National Steering Committee and the Ministry of Health's instructions.

4. Medicines, supplies, chemicals and equipment for pandemic prevention and control

Provinces and cities shall actively prepare adequate medicines, supplies, chemicals and equipment for surveillance, testing and pandemic prevention and control works of localities according to the four on-spot motto.

IV. ANTI-PANDEMIC MEASSURES

A. General measures

1. Investigating and tracing F1 and F2 cases

- Quickly and thoroughly tracing contact cases without exception. The Steering Committees of provinces, districts and communes, relevant agencies and units must mobilize all sources to ensure fast and effective tracing.

- Tracing as soon as possible, immediately after receiving information about the confirmed case.

Tracing according to principles and methods provided in the “Handbook for tracing people in contact with persons positive with SARS-CoV-2 virus” promulgated by the Ministry of Health.

2. Taking samples to test for SARS-CoV-2

- Taking samples to test for SARS-CoV-2 for people in the community in the area with the outbreak to respond to the fight against the pandemic and assess and monitor the outbreak situation.

- Taking samples to test for SARS-CoV-2 for groups of high-risk people and groups of people in high-risk areas other than the outbreak to assess and evaluate the general pandemic development in the community.

- Based on the pandemic development and risk assessment, the National Steering Committee for COVID-19 Prevention and Control, the Ministry of Health or the Steering Committees for COVID-19 Prevention and Control of provinces or cities shall adjust the testing strategy, scale and sampling process accordingly.

3. Quarantine and medical treatment

3.1. Confirmed cases

- To receive, quarantine, manage and provide treatment for them according to the Ministry of Health’s instructions.

- To limit the patient referrals to avoid the transmission except for cases going beyond the treatment capacity.

3.2. Persons in close contact with confirmed cases (F1 cases)

- To organize the quarantine of people in close contact with confirmed cases in concentrated quarantine establishments for at least 14 days from the date of last contact with confirmed cases. It is highly recommended to set up separate concentrated quarantine establishments for people in close contact because such they are at higher risk of contracting the disease than others in concentrated quarantine. In case there is no separate concentrated quarantine establishment, to arrange a separate quarantine subdivision for people in close contact in the concentrated quarantine establishments. People living in the same households, same houses, same rooms, same offices as the confirmed cases should be quarantined separately from others because they are at the highest risk of infection. To arrange quarantine rooms for quarantined people on the principle of risk classification: people with the same epidemiological characteristics, the same risk at the same time, shall be quarantined in the same room/same quarantine area.

- To take patients’ specimens for Real time RT-PCR test for SARS-CoV-2 virus at least 2 times during their quarantine period.

- To take the first specimens on the first day of quarantine.

- To take the second specimens on the 14th day of quarantine.

+ If their SARS-CoV-2 Real time RT-PCR test results are positive, they shall be handled like confirmed cases.

+ If their SARS-CoV-2 Real time RT-PCR test results at least 2 times are negative, they shall be no longer subject to concentrated quarantine and must self-monitor health status at their places of residence for another 14 days, strictly comply with 5K message, without mass gatherings.

People on entry who are subject to concentrated quarantine for at least 14 days as required, shall be quarantined, sampled and tested like F1 cases.

In case the high number of F1 cases is beyond the capacity of concentrated quarantine or other special cases (such as the elderly, people with limited mobility, children, sick or weak people need to be cared for, etc.), the 14-day home quarantine shall be considered for F1 cases according to specific instructions of the Ministry of Health and the Provincial Steering Committee for COVID-19 Prevention and Control. To take samples for testing on the first and last day of quarantine, if the SARS-CoV-2 Real time RT-PCR test results at least two times are negative, the home quarantine shall be terminated, F1 cases shall self-monitor their health status at their places of residence for another 14 days and strictly comply with 5K message; leaving home without notifying local authorities or mass gatherings are banned.

3.3. For people in contact with close contacts of confirmed cases (F2 cases)

- To make a list of F2 cases; and take specimens for widely testing F2 cases, depending on the assessment of risks and epidemiology.

- To organize the at-home quarantine for F2 cases in the waiting time of F1 cases’ RT-PCR test results:

+ If the first-time SARS-CoV-2 RT-PCR test result of an F1 case is positive, the quarantine level applied to his/her F2 cases shall be changed to the one applied to F1 cases.

+ If the first-time SARS-CoV-2 RT-PCR test results of an F1 case and his/her F2 cases (if any) are negative, based on the assessment of risks and epidemiology, the at-home quarantine applied to his/her F2 cases may be terminated and self-monitoring of their health within 14 days is required to be continued. In case there are suspected symptoms, to promptly notify the health agencies and community-based COVID groups.

3.4. For suspected cases

a. For suspected cases that are detected in the community

- Suspected cases are required to wear masks and comply the at-home quarantine immediately. They and their family shall strictly comply the 5K message. The suspected cases must not contact the people in their house and other people.

- The local health agencies shall immediately take specimens for SARS-CoV-2 RT-PCR tests:

+ If their SARS-CoV-2 test results are negative, they shall be considered not to be effected by COVID-19.

+ If their SARS-CoV-2 test results are positive, to handle as for F0 cases according to routine process.

b. For suspected cases that are detected in medical establishments

- To implement the classification of examination to screen suspected cases according to the regulations of the treatment system and temporarily quarantine suspected persons immediately in a separate room of an antechamber separate from the area with F0 cases and other treatment areas of the medical establishment.

- To immediately take specimens for SARS-CoV-2 RT-PCR test:

+ If their SARS-CoV-2 test results are negative, they shall be considered not to be effected by COVID-19.

+ If their SARS-CoV-2 test results are positive, to handle as for F0 cases according to routine process.

3.5. For persons epidemiologically related to confirmed cases in other situations

For those who do not have close contact with the confirmed cases but are only in the same crowded events or on the same vehicles as confirmed cases, the health agencies shall notify them via telephone, text message, social network or other mass media so that relevant people may know and proactively contact the local health agencies for instructions on health declaration, health monitoring, quarantine and testing in accordance with epidemiological investigation results or at the request of the Provincial Steering Committee for COVID-19 Prevention and Control.

4. Organization of community-based pandemic prevention

To launch the movement “all people participate in pandemic prevention and control” and immediately establish "Community-based COVID groups" in all residential areas, ensuring their active and effective operation, to be specific:

- Each community-based COVID group consists of 2-3 people that should be officials of the residential group, village, quarter, unions, and volunteers in the residential area. Depending on the situation, each group shall be in charge of between 30 and 50 households with a specific assignment of list of households.

- Their tasks: “go to every alley, knock on every door” on a daily basis to:

+ Propagate pandemic prevention and control measures, mobilize and remind people of the implementation of pandemic prevention and control measures in each household. Request and guide the people to self-monitor their health, daily measure the body temperature (if the family has a thermometer). + Provide the people with their telephone numbers and request them to proactively make health declaration right when they or their family members have symptoms such as fever, cough, sick; or suspected symptoms.

+ Ask, monitor, detect and immediately report to local authorities and commune-level health agencies suspected cases of COVID-19 in households with symptoms such as fever; cough; sore throat; flu; sick and fatigue; respiratory tract infections... for promptly organizing the quarantine and taking specimens. Grasp the pandemic situation and risk factors in each household.

+ Detect and immediately report to competent authorities on cases not voluntarily making health declarations; failing to comply with pandemic prevention and control measures as prescribed; illegally entering in Vietnam; returning from pandemic areas, etc.

+ Assist authorities and health agencies in tracing F1, F2 cases when there are related confirmed cases in the area of which they are in charge.

+ Implement other suitable tasks assigned by the Steering Committees for COVID-19 prevention and control of communes and wards.

- Prevention of the infection for community-based COVID groups: Members of community-based COVID groups must wear masks, use the hand disinfectants, and face shields (if any). During their task performance, community-based COVID groups are not allowed to come in the people’s houses; they shall knock on doors, stand outside the house, ask the people to wear masks and keep a distance as far as possible upon communication to ensure the safety, prevent the infection (the minimum distance of more than 2 meters is required).

Community-based COVID groups should make Zalo groups with households which they are in charge of for daily report and contact.

5. Disinfecting and treating of outbreak environment

- Disinfecting and treating of outbreak environment shall be carried out according to the Appendix 4 to this Guidance.

- People disinfecting and treating outbreak environment must fully wear personal protective equipment during the task performance.

- People residing in an outbreak are required not to go around the common areas within at least 30 minutes after the disinfection of the outbreak to ensure the disinfection effect.

- Vehicles used to transport F0 cases must be disinfected with disinfectant solution containing 0.01% active chlorine.

- To prioritize surface disinfection by wiping objects that are frequently touched by people such as tables, chairs, side rails of beds, wardrobes, refrigerators, doorknobs, stair handrails, furniture, appliances, sinks, toilets, washbasin, faucets, shelves/cabinets in kitchens, walls, windows, doors, etc in houses, offices, factories, schools, etc. For cases in which the wiping measure cannot be carried out, to spray disinfectants with shoulder or hand-held sprayers, absolutely avoiding spraying directly on people.

- The disinfection of other related areas by spraying disinfectant on surfaces shall be decided by epidemiologists and environmental health officers according to actual investigation on a principle that all contaminated, suspected contaminated areas with a risk of spreading to the community must be treated. The number of disinfection times shall be depended on the actual pollution status at the outbreak.

Depending on the COVID-19 development, and results of investigation, epidemiological, virological, clinical studies and recommendations of the World Health Organization, the Ministry of Health shall continue to update, adjust this guidance in an appropriate manner.

6. Communications for pandemic prevention and control

To effectively implement 5K message (in Vietnamese) Mask - Health declaration - Distance - No gathering - Disinfection and get vaccinated against COVID-19. To request the people to wear masks on public transport vehicles and public places and crowded places. To limit organizing crowded events, keep a distance in public places. To organize propaganda of pandemic prevention and control measures in many forms in the community, to each household. To propagate the role, civic responsibility and social responsibility of each person, each family in the implementation of pandemic prevention and control measures. To launch the movement “all people participate in pandemic prevention and control”.

B. Specific measures to handle outbreaks when there are confirmed cases in the community

1. Principles: Quick response to the pandemic plays a crucial role, including fast tracing, quarantine, zoning; rapid sampling and testing.

2. Specific measures for handling are specified in appendices (from the Appendix 1 to Appendix 5 issued together with this Decision).

 

APPENDIX 1

HANDLING OUTBREAKS IN CASE THERE IS A CONFIRMED CASE IN THE COMMUNITY
(Attached to the Ministry of Health's Decision No. 3638/QD-BYT dated July 30, 2021)

 

1. Principles:

Quick response to the pandemic plays a crucial role in handling an outbreak, including fast tracing, quarantine, zoning; rapid sampling and testing.

2. Specific activities:

- Immediately transferring F0 cases to quarantine establishments, managing and providing them with treatment as prescribed.

- Conducting epidemiological investigation for patients according to the routine process.

- Tracing F1 cases, organizing quarantine and taking F1 cases’ specimens for testing.

- Tracing F2 cases, organizing quarantine and taking F2 cases’ specimens for testing (if any).

- Temporarily zoning out epidemiological areas in residential areas with confirmed cases. The extent of the epidemiological area is based on an initial assessment of the outbreak and its risk. The temporarily zoning out epidemiological areas does not depend on the administrative division, and does not require any administrative decision.

- Depending on the outbreak size and epidemiological assessment, to conduct large-scale testing in the temporary epidemiological area:

To focus human resources, conduct large-scale testing in a quickly manner in the temporary epidemiological area. Samples should be pooled by households or groups of households that are close together.  To conduct a pooled sample test immediately to assess the risk and assess the pandemic situation in the community.

- To block the outbreak (quarantine in pandemic area):

+ The extent of the official blockade shall be decided depending on the results of testing F1 cases and testing of community samples in the outbreak.  Blockade principles: Any risk area shall be blocked (the risk is assessed according to the distribution of F0 cases; F1 cases; epidemiological milestones and epidemiological relationship in the community). In the blockade area, to comply with the “Handbook on guiding the implementation of quarantine in areas with COVID-19 pandemic” of the Ministry of Health.

+ Blocking the outbreak must achieve two goals as follows: Locking down the outbreak to prevent the infection source from transmitting to other areas and thoroughly stamping out the pandemic in the outbreak. In order to achieve these two goals, nobody is allowed in or out the blockaded area and every house shall be isolated with one another in the blockaded area with the following principles: Neither leaving home, meeting anyone outside, visiting anyone's house nor letting anyone into the house; all shops and stores must be closed. Setting up checkpoints to control the entry and exit of the blockade area.

+ To continue taking samples for testing every three days for all citizens in the blockade area by pooling samples of households or adjacent households to detect and quickly transfer F0 cases to quarantine establishments. The number of the next sampling shall be decided depending on the test results. In many outbreaks where there has been a complex infection in the community, it is necessary to take samples many times to filter out the pathogen to extinguish the outbreak.

+ To make statistics and publish lists of blockade areas and areas where COVID-19 cases are recorded in the community on the provinces’ or cities’ websites; such lists must be regularly updated (contact email: covid19.cluster.moh@gmail.com for further instructions, and access permission and editing). In order to recommend travel, and quarantine of people returning from the blockade areas and the areas where COVID-19 cases are recorded in the community, the Ministry of Health publicly posted a list of the blockade areas and areas where COVID-19 cases are recorded in the community on the website https://moh.gov.vn/.

- To consider to impose social distancing measure under the Directive No. 15/CT-TTg dated March 27, 2020 and the Directive No. 16/CT-TTg dated March 31, 2020 of the Prime Minister, on urgent measures to prevent and control the COVID-19 pandemic or choose to apply a number of principal contents of these Directive for communes/wards where confirmed cases are recorded, some neighboring communes, wards or communes related to epidemiology or important epidemiological milestones and apply other directives of the Government, National Steering Committee for COVID-19 Prevention and Control, Provincial Steering Committee for COVID-19 Prevention and Control.

- To organize comprehensive, thorough surveillance, take samples for testing all cases of fever, cough, sore throat, flu syndrome, acute respiratory infection in the community, treatment establishments, pharmacies in the area. In the first days, it is necessary to conduct a general review and take samples of all people with symptoms of fever, cough, sore throat, fatigue, respiratory infection, loss of smell or taste in the area.

- To establish community-based COVID groups in all residential areas. Community-based COVID groups must operate actively and effectively, go to every alley, knock on every door every day to perform their tasks as prescribed. Representatives of households are required to actively make mandatory health declarations by phone on a daily basis about their family members’ health status to the community-based COVID groups or grassroots health agencies.

- To propagandize to each residential area and launch a movement of the whole population to participate in pandemic prevention. Especially, to implement 5K message and strictly implementing social distancing measure being applied in the area and the direction of the Government, the National Steering Committee for COVID-19 Prevention and Control, and the Provincial Steering Committee for COVID-19 Prevention and Control.

- Local authorities shall organize police and civil defense forces to strengthen inspection and supervision of the implementation of pandemic prevention and control of citizens in pandemic areas. To promulgate sanction policies to severely punish those who violate regulations to deter and ensure the pandemic prevention and control.

- To disinfect and treat the outbreak environment in the places of residence, workplaces of F0 cases according to Appendix 3 attached to this Guidance.

Attention:

- The temporary zoning and community sampling need to be carried out on a large scale, but the blockade must be compact enough, only block risk area.

- Symptomatic cases and F1 cases should be conducted one simple test in the first testing.

- Community samples should be tested for pooling to save biological products (following the Decision No. 1817/QD-BYT dated April 07, 2021, on promulgating the temporary guidance on pooling samples for SAR-CoV-2 testing).

 

 

APPENDIX 2

SAMPLE COLLECTION, STORAGE AND TRANSPORT OF SPECIMENS
(Attached to the Ministry of Health's Decision No. 3638/QD-BYT dated 7/30/2021)

_______________________

 

1. Specimens

Specimens suspected to be infected with COVID-19 must be collected by health staff well-equipped with knowledge on specimen collection. It is required to take at least one respiratory specimen:

1.1. Genetic material testing

a. Upper respiratory tract specimens:

+ Nasopharyngeal swab sample;

In case it is impossible to take Nasopharyngeal swab sample, one of the following samples may be taken:

+ Throat swab sample;

+ Nasal swab sample (both sides of the nose);

b. Lower respiratory tract specimens:

+ Sputum;

- Endotracheal, alveolar, pleural fluid, etc.

+ Tissues of lungs, bronchi, alveoli.

1.2. Antigen test

+ Nasopharyngeal fluid sample;

+ Throat swab sample;

+ Nasal swab sample (both sides of the nose);

1.3. Antibody test

- Blood specimen (Optional, depending on the serological testing of the local units that develop the specific plan)

- Blood specimen volume: 3ml - 5ml

2. Methods of collecting specimens

2.1. Preparing instruments

- Instrument used to collect nasopharyngeal, throat and nasal swab samples for SARS-CoV-2 testing whose handle is not made from calcium or wood, it should be a rod with a synthetic fiber tip.

- Tongue depressors;

- 15ml conical centrifuge tubes, containing 2-3ml of virus transport medium;

- Plastic vials (Falcon 50ml tubes) or nylon bags for packaging specimens.

- Antiseptic bandages and gauzes;

- Antiseptic alcohol, writing pen;

- Waterproof protective clothing (separate or integral) or long-sleeved waterproof medical gown that covers the whole body from neck to knees with fasteners fixed at the nape of the neck and around the waist;

- Eye protection goggles;

- Powder-free clean gloves;

- Medical masks with high filtration efficiency (N95 or equivalent);

- Sterile 10 ml syringe;

- Sterile anticoagulant-free tubes.

- Cold boxes.

2.2. Process

2.2.1. Use of personal protective equipment

Step 1: Perform hand hygiene.

Step 2: Wear shoes cover.

Step 3: Wear a gown or a suit (separate or integral).

Step 4: Wear mask.

Step 5: Wear goggles (for goggles with ear-hanging frame).

Step 6: Wear hood cap to cover hair, head, ears, and mask straps completely.

Step 7: Wear face shield or goggles (goggles with headband outside the hood cap).

Step 8: Wear powder-free clean gloves.

Note: It is not necessary to wear both glasses and a face shield.

2.2.2. Specimen collection techniques for genetic material testing

2.2.2.1. Techniques for collecting nasopharyngeal and throat swab samples.

a) Techniques for collecting nasopharyngeal swab samples

- The patient is required to sit still, gently blow the nasal secretions into a tissue, face slightly up, young children must be kept by an adult.

- The person taking specimen tilts the patient’s head back about 70 degrees, hands holding patient’s neck.

- Use the other hand to gently insert the swab into one nostril, push and turn to make the swab easier to go forward about ½ length from the nose edge to the earlobe of the same side.

Note: If you have not reached such a depth but feel a clear resistance, remove the swab and try to get specimen from the other nostril. When you feel the swab touch the back of the nose and throat, then stop, turn and slowly withdraw the swab.

- Hold the swab at the sampling site for 5 seconds to ensure maximum infiltration.

- Slowly turn and withdraw the swab.

- Place the tip of a swab in the medium canister and break the swab handle at the marking point to have a length consistent with the length of the medium canister. Note: Nasopharyngeal swabs shall be placed in the medium tube containing the throat swabs if both types are collected.

- Recap, tighten and wrap with paraffin paper (if any).

Note: For small children, let them sit on the parent's lap, the child's back is facing parent's chest. Parent needs to hold the child's body and arms tightly. Ask the parent to tilt the child's head back.

Insert the sterile swab directly behind one side of the nose (not upwards), along the floor of the nostril to the nasopharyngeal cavity

Figure 1: Taking nasopharyngeal swab sample

b) Techniques for collecting throat swab samples:

- Ask the patient to open his mouth wide.

- Use the instrument to gently press the patient tongue.

- Insert the swab into the oropharynx, rub and gently rotate from 3 to 4 times at the 2 sides of the tonsils and the back wall of the throat to get fluids and cells.

- After taking the specimen, the swab is put into a tube containing 3 ml of medium (VTM or UTM) for storage. Note, the swab tip must be completely submerged in the medium, and if the swab is longer than the medium canister, it is necessary to break/cut the swab handle to fit the length of the medium canister.

- Recap, tighten and wrap with paraffin paper (if any).

Figure 2: Taking throat fluid swab

2.2.2.2. Techniques for collecting nasal swab samples

- The patient is required to sit still, gently blow the nasal secretions into a tissue, young children must be kept by an adult.

- The person taking specimen slightly tilts the patient’s head back, hands holding patient’s neck.

- With the other hand, gently insert the swab into the nostril about 2cm deep, rotate the swab into the nasal wall for about 3 seconds. After taking one nostril, use the same swab to collect the sample with the other nostril.

- Place the tip of a swab in the medium canister and break the swab handle at the marking point to have a length consistent with the length of the medium canister.

- Recap, tighten and wrap with paraffin paper (if any).

Figure 3: Taking nasal swab sample

2.2.2.3. Endotracheal fluid sample

The patient shall be intubated and on mechanical ventilation. Place 1 suction catheter along the endotracheal line and use the syringe to aspirate the endotracheal fluid out through the catheter. Store the endotracheal fluid in a tube containing virus storage medium.

2.2.3. Collecting and storing samples for antigen test in accordance with the manufacturer's instructions.

2.2.2.4. Taking blood specimen for antibody test

Use a sterile needle and syringe to take 3ml-5ml of venous blood and transfer it into an anticoagulant-free tube and store it at 2° C - 8° C for 48 hours. For longer storage, specimens should be stored at minus 70°C (-70°C).

Note:

- Write the name, age, address of the patient, type of specimens, date of sampling on the specimen-containing tubes.

- Specimens collected in the lower respiratory tract (endotracheal, alveolar, pleural fluid) must be coordinated with clinicians during the collection of patient specimens.

2.2.3. Taking off personal protective equipment

2.2.3.1. Taking off gowns, hood caps and shoes cover

Step 1: Remove gloves. Roll the inside out when removing, then put them into waste container.

Step 2: Perform hand hygiene.

Step 3: Remove fasteners and gown, roll the inside out and put it into waste container.

Step 4: Perform hand hygiene.

Step 5: Remove shoes cover, turn the inside out and put them into waste container. Step 6: Perform hand hygiene.

Step 7: Remove face shield or goggles (for goggles with headband outside the hood cap).

Step 8: Perform hand hygiene.

Step 9: Remove cap by slipping hand into the cap. Step 10: Remove goggles (glasses with frames and straps inside the hat).

Step 11: Remove mask (by holding the strap behind the head or ears)

Step 12: Perform hand hygiene.

Note: The area to put on and take off personal protective equipment should be two separate areas.

2.3.2.2. Taking off detached pants, removing gown and cap

Step 1: Remove gloves. Roll the inside out when removing, then put them into waste container.

Step 2: Perform hand hygiene.

Step 3: Remove fasteners and gown, roll the inside out and put it into waste container.

Step 4: Perform hand hygiene.

Step 5: Remove pants and shoes cover simultaneously, turn the inside out and put them into waste container.

Step 6: Perform hand hygiene.

Step 7: Remove face shield or goggles (for goggles with headband outside the hood cap).

Step 8: Perform hand hygiene.

Step 9: Remove cap by slipping hand into the cap.

Step 10: Remove goggles (glasses with frames and straps inside the cap).

Step 11: Remove mask (by holding the strap behind the head or ears)

Step 12: Perform hand hygiene.

Note: The area to put on and take off personal protective equipment should be two separate areas.

2.2.3.2. Removing coveralls and cap

Step 1: Remove gloves. Roll the inside out when removing, then put them into waste container.

Step 2: Perform hand hygiene.

Step 3: Remove face shield or goggles with headband outside the hood cap. In case of using glasses with frames in a cap, remove the hood cap first, then remove the glasses.

Step 4: Perform hand hygiene.

Step 5: Remove cap, coveralls. When removing, roll the inside out and put them in the waste container.

Step 6: Perform hand hygiene.

Step 7: Remove shoes cover, turn the inside out and put them into waste container.

Step 8: Perform hand hygiene.

Step 9: Remove mask (by holding the strap behind the head or ears)

Step 10: Perform hand hygiene.

Note: The area to put on and take off personal protective equipment should be two separate areas.

2.2.3.3. Sterilizing the instrument and disinfecting the sampling areas

- All personal protective equipment, along with other dirty instrument, shall be put into a specialized plastic bag designed for containing infectious waste which is capable of withstanding high temperatures (On-duty health staff must use new gloves and face masks).

- Fasten and dry such wet bag at 120°C in 30 minutes before collecting it with other infectious waste for further treatment according to regulations.

- Wash hands with soap, clean and disinfect all sampling instrument and areas, and the cold boxes used to transport specimens to the laboratory with chloramine 0.1%.

3. Preserving, packaging and transporting specimens to the laboratory

3.1. Preservation

After being collected, specimens shall be sent to the laboratory in the shortest time:

- Specimens shall be stored at 2-8°C, and transferred to the laboratory as soon as possible, within less than 48 hours after being collected. If is not possible to transfer the sample within 48 hours after collecting, the specimens should be stored at minus 70°C.

- Specimens shall not be stored in the freezer compartment of the refrigerator or at minus 20°C.

3.2. Packaging the specimens

- Specimens shall be packed according to the 3-layer principle prescribed by the standards of the Ministry of Health in the Circular 40/2018/TT-BYT dated December 07, 2018 on management of infectious disease specimens.

- Check the consistency between the information on the specimen collection tube and the information on the questionnaire.

- Check to make sure that the specimen collection tube is tightly closed, covered with paraffin paper (if available) or blotter.

- Place the specimen collection tube in a waterproof/plastic bag or container with a lid and seal.

- Place the bag/box containing the specimen in the cold box or hard container.

- Add enough cooler bags/containers to the cold box/sample containers so that the samples are stored at between +2°C and +8°C, during the sample transport.

- For frozen samples, add enough cooler bags/containers that have been placed in a 70°C negative cabinet so that the samples do not thaw during transport.

- The test request forms shall be placed in a waterproof bag/other plastic bag (the form must not be put together with the specimen) and placed in a cold box/sample container, labeled on the outside as prescribed in the Circular 40/2018/TT-BYT upon transporting.

3.3. Transportation of specimens to the laboratory

- Specimens must be preserved in +2oC to +8oC (or minus 70oC, for frozen specimens) during the transportation.

- Test request forms and questionnaires must be attached to the specimens.

- Establishments that send specimens must immediately notify the laboratory of the expected time to receive the specimens so that the laboratory staff can prepare for the specimen receipt.

- Select means and forms of transportation for the shortest transportation time, while ensuring specimen preservation conditions during the transportation.









APPENDIX 3

INSTRUCTIONS FOR USE OF CHEMICAL DISINFECTANTS CONTAINING CHLORINE IN THE PANDEMIC PREVENTION AND CONTROL
(Issued together with the Decision No. 3638/QD-BYT dated July 30, 2021 of the Ministry of Health)

 

1. Introduction

Chlorine (Cl) is a halogen that is widely used for disinfection due to its high bactericidal activity with oxidation-reduction reaction. The chlorine-containing chemicals dissolve in water to create a solution with active chlorine for disinfection. Commonly used chlorine-containing chemicals include:

- Chloramine-B with 25% - 27% active chlorine.

- Chloramine-T

- Calcium hypochlorite (Chlorinated lime).

- Sodium dichloroisocyanurate.

- Javel water (Sodium hypochlorite or Potassium hypochlorite solution).

2. Use of chlorine-containing chemicals in the pandemic prevention and control

- In the pandemic prevention and control, solutions made from chlorine-containing chemicals with active chlorine concentrations of 0.05 and 0.1% are commonly used, depending on the purpose and method of disinfection. The solution concentration must be calculated based on active chlorine concentration.

- Because chemicals have different concentrations of active chlorine, it is necessary to calculate the volume of chemicals for a solution with the expected concentration of active chlorine.

- The amount of chlorine-containing chemicals required to make the number of liters of solution with the required active chlorine concentration shall be calculated according to the following formula:

* The active chlorine content of a chemical to be used is always stated on the label, packaging or use instruction sheet by the manufacturer.

* For example:

- To make 10 liters of solution with active chlorine concentration of 0.05%, the necessary amount of Chloramine-B powder with 25% active chlorine is : (0.05 x 10 / 25) x 1,000 = 20 gram.

- To make 10 liters of solution with active chlorine concentration of 0.05%, the necessary amount of Calcium hypochlorite powder with 70% active chlorine is: (0.05 x 10 / 70) x 1,000 = 7.2 gram.

- To make 10 liters of solution with active chlorine concentration of 0.05%, the necessary amount of Sodium dichloroisocyanurate powder with 60% active chlorine is : (0.05 x 10 / 60) x 1,000 = 8.4 gram.

Table 1: Amount of chlorine-containing chemicals for 10 liters of solution with active chlorine concentrations commonly used in pandemic prevention and control

Name of chemical

(concentration of active chlorine)

Amount of chemical required for 10 liters of solution with the active chlorine concentration of

0.05%

0.1%

Chloramine-B 25%

20g

40g

Calcium hypochlorite (70%)

7.2g

14.4g

Powder of Sodium dichloroisocyanurate (60%)

8.4g

16.8g

3. Mixing method

- To completely dissolve the required amount of chemicals in 10 liters of clean water.

- The effectiveness of chlorine-containing solutions will rapidly reduce over time, so only mix the required amount and use it as soon as possible after mixing. It is best to mix and use within the day, not prepare solutions for storage. These prepared solutions with chlorine should be stored in a cool, dry place, tightly closed, protected from light.

Attention:

- Chlorine-containing compounds only have an antimicrobial effect when they are dissolved in water for a solution (these compounds shall release active chlorine with antimicrobial effect), so the use of chlorine-containing compounds in the form of pure powder for disinfection is banned.

- The effectiveness of chlorine-containing solutions will reduce over time, so only mix the required amount and use it as soon as possible after mixing. It is best to mix and use within the day, not prepare solutions for storage. If not using the solutions up within the day, the solutions must be covered, protected from light and be used as soon as possible.

 

APPENDIX 4

DISINFECTING AND TREATING OF ENVIRONMENT OF AREAS WITH CONFIRMED CASES IN THE COMMUNITY
(Issued together with the Decision No. 3638/QD-BYT dated July 30, 2021 of the Ministry of Health)

_______________

 

1. Objectives

To prevent the spreading of the COVID-19 epidemic to the community.

2. Principles of implementation

- Disinfecting and treating of outbreak environment must be performed soon after the first confirmed COVID-19 patient (F0 case) is detected.

- To prioritize surface disinfection by wiping objects that are frequently touched by people such as tables, chairs, side rails of beds, wardrobes, refrigerators, doorknobs, stair handrails, furniture, appliances, sinks, toilets, washbasin, faucets, shelves/cabinets in kitchens, walls, windows, doors, etc. in houses, offices, factories, schools, etc. For cases in which the wiping measure cannot be carried out, to spray disinfectants with shoulder or hand-held sprayers.

- To clean surfaces, utensils and objects before carrying out disinfection.

- To ensure absolute safety, avoid cross-infection for participants in disinfecting and treating of outbreak environment.

3. Areas subject to disinfecting and treating of outbreak environment

- In adjacent houses, rooms, apartments, condominiums, tenement houses, dormitories, hotels, bedsits, inns, concentrated quarantine establishments, etc. (hereinafter referred to as accommodation) and in agencies, units, production and business establishments, industrial parks, etc. (hereinafter referred to as workplaces) of F0 cases;

- The adjacent areas around the accommodation and workplaces of F0 cases, including:

+ Walls outside the accommodation and workplaces of F0 cases;

+ Corridors, passageways, stairs, elevators, lobbies, etc., for condominiums, tenement houses, dormitories, hotels, bedsits, inns, concentrated quarantine establishments, agencies, units, production and business establishments, industrial parks of F0 cases.

+ Walls, gardens, sidewalks, paths, passageway, etc., for adjacent private houses.

4. Preparation of equipment, tools and chemicals

- Equipment for cleaning and disinfection: 2 containers/buckets, 2 wipes, mops, disinfectant sprayers/spraying machines, etc.

- Yellow bags and containers of infectious waste.

- Personal protective equipment:

+ Medical masks to protect the nose and mouth.

+ Goggles to avoid splashing on the eyes.

+ Anti-epidemic sets to avoid exposure to water and fluids.

+ Thick rubber gloves.

+ Boots or waterproofing shoes covers.

- Disinfectant chemicals and solutions: Disinfectants with chlorine; alcohol with 70% concentration; Hand soap or hand sanitizer containing at least 60% alcohol.

5. Method of implementation

5.1. Areas in accommodation/workplaces of F0 cases and in the adjacent rooms/apartments

a) Cleaning and disinfecting

To apply the wiping process with 2 buckets: One bucket of clean water, one bucket of disinfectant solution containing 0.1% active chlorine. To use a clean towel each time of wiping, do not re-wash the towels in buckets, each towel must not be used to clean more than 20 m2.

- To clean surfaces that are frequently touched (such as tables, chairs, side rails of beds, wardrobes, refrigerators, doorknobs, stair handrails, furniture, appliances, sinks, toilets, washbasin, faucets, shelves/cabinets in kitchens, walls, windows, doors, etc. in houses, offices, factories, schools, etc.):

+ To use a towel moistened with clean water to wipe the surfaces.

+ To use a towel moistened with a disinfectant solution to wipe the surfaces, ensuring the principle of cleaning from clean to dirty areas, from inside to outside, from up to down.

-  To clean floors (of bedroom, living room, bathroom, kitchen, toilet, kitchen, stairs, balcony, etc.):

+ To firstly clean them with clean water. If there is waste on the floors, to clean floors and collect waste at the same time.

+ To wipe them with disinfectants: Use the mop moistented with a disinfectant solution to wipe from clean to dirty areas, from inside to outside, from up to down.

Attention:

- To clean surfaces of electrical and electronic equipment such as light switches, remote controls, televisions, phones, etc with alcohol with 70% concentration. Before cleaning, to turn off the power.

- When the bucket of water or disinfectant solution is dirty, it is necessary to change the water or disinfectant solution.

b) Collecting waste

All waste related to F0 cases must be considered infectious waste. The waste is collected into yellow bags. These bags shall be tightly tied to the top of the bags and put in other yellow bags. To continue tightly tying them to their top. All yellow bags must be labelled “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” (“POTENTIAL SARS-CoV-2 WASTE”).

c) Handling reusable personal belongings (clothes, blankets and mosquito nets, dishes, cups, etc.) of F0 cases.

- Dirty linen such as clothes, blankets and mosquito nets, pillows and bedcovers of F0 cases must be fully submerged by a disinfectant solution containing 0.05% active chlorine within at least 20 minutes before the cleaning.

- Food and drink containers of F0 cases must be fully submerged by a disinfectant solution containing 0.05% active chlorine within between 10 and 20 minutes, then be cleaned by clean water (if there is no disinfectant, they may be boiled within between 10 and 15 minutes).

5.2. Areas outside accommodation/workplaces of F0 cases and in the adjacent rooms/apartments

a) Chemicals to be used: Disinfectant solutions containing 0.1% active chlorine.

b) To wipe or spray evenly surfaces with 0.3-0.5 liters of disinfectant/m2 at the following locations:

- In case of an F0 case’s accommodation being a condominium, a tenement house, dormitory, hotel, bedsit, inn or a concentrated quarantine establishment, etc.; workplace:

+ To wipe or spray the exterior walls of: i) Room/apartment of the F0 case; ii) Apartments/rooms adjacent to the room/apartment of the F0 case.

+ To wipe common areas related to the F0 case, including: i) Corridors, passageways at the same floor or suite as the room, apartment, bedsit or at the same workshop, production group, working location; ii) Stairs, elevators, lobbies of building, workplace; iii) Other common areas of building/workshop.

- In case of an F0 case’s accommodation being a private house:

+ For house of the F0 case: To wipe or spray the exterior walls, outside of windows, doors; the entire yard, garden, kitchen, common spaces (if any);

+ For houses adjacent to the F0 case’s house: To wipe or spray the exterior walls, outside of windows, doors; the entire yard, garden, kitchen, common areas (if any). To spray sidewalks, paths, passageways shared by the F0 case’s house and adjacent houses.

+ To spray public areas adjacent to the F0 case’s house (if any) such as playgrounds, outdoor gyms, etc.

Attention:

- To evacuate the people residing in areas to be disinfected before spraying. People residing in the areas are required not to go around the common areas within at least 30 minutes after the disinfection to ensure the disinfection effect.

- Locations to be sprayed for disinfection may be adjusted or supplemented based on the actual contact of the F0 case at the place of residence and workplace.

6. Completion of disinfecting and treating of outbreak environment

- To collect infectious waste bags and used personal protective equipment into infectious waste containers and dispose of them according to regulations.

- Right after finishing the work of disinfecting and treating outbreak environment, to wash hands with soap and clean water or an antiseptic solution containing at least 60% alcohol.

7. Implementation of disinfecting and treating of outbreak environment

- The Departments of Health shall direct the local health units to organize the implementation of environmental disinfection and treatment.

- Local health units shall:

+ Prepare equipment, tools and chemicals for disinfecting and treating of outbreak environment according to Section 4 of this Appendix;

+ Disinfect and treat outbreak environment at areas with F0 cases in the localities.

+ Collect infectious waste bags and used personal protective equipment into infectious waste containers.

- Managers of the concentrated quarantine establishments; managers of places of residence, workplaces... with F0 cases shall:

+ Notify the quarantined people for the coordination in disinfecting and treating of outbreak environment.

+ Zone, prepare locations to disinfect and treat the outbreak environment.

+ Coordinate with health units in disinfecting and treating the outbreak environment.

+ Contact the environmental unit to transport and treat infectious waste in that day.


* The Appendix 5 is not translated herein.

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch LuatVietnam
Decision 3638/QD-BYT DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Decision 3638/QD-BYT PDF
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất