Nghị quyết 86/NQ-CP 2021 các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19

thuộc tính Nghị quyết 86/NQ-CP

Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:86/NQ-CP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị quyết
Người ký:Phạm Minh Chính
Ngày ban hành:06/08/2021
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe, COVID-19

TÓM TẮT VĂN BẢN

TP. Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021

Ngày 06/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.

Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao vắc xin” bằng mọi biện pháp; thúc đẩy viện trợ, mua, nhập khẩu vắc xin để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin, đảm bảo tiến độ nhanh nhất; tăng cường tìm kiếm và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vắc xin, thuốc điều trị COVID-19.

Bên cạnh đó, Chính phủ đưa ra mốc thời gian cho các địa phương phấn đấu kiểm soát dịch bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021; các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 01/9/2021; Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021. Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, tuyệt đối không để ai thiếu đói;…

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 28/7/2021 đến hết ngày 31/12/2022.

Xem chi tiết Nghị quyết86/NQ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

CHÍNH PHỦ
_______

Số: 86/NQ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2021

NGHỊ QUYẾT

Về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV

___________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV;

Căn cứ Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến thống nhất của các Thành viên Chính phủ,

QUYẾT NGHỊ:

Dịch bệnh COVID-19, với sự xuất hiện của biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong cao tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. Đặc biệt, dịch bệnh đã lan rộng, ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với số người bị nhiễm rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thích ứng với tình hình; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước; với yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết, qua đó đã từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng chia sẻ để cùng nhau phòng, chống dịch của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước; đặc biệt biểu dương các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, cán bộ, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, cán bộ ở cơ sở và đội ngũ tình nguyện viên đã tận tâm, nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không ít cơ quan, đơn vị, địa phương còn thực hiện chưa thật nghiêm, thật dứt khoát, thực chất các biện pháp theo quy định, thậm chí còn chủ quan, lơ là; thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương.

Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở nhiều nơi còn chưa được quán triệt, chưa đúng, chưa đầy đủ trách nhiệm, còn bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới lúng túng khi tình hình, diễn biến dịch bệnh thay đổi. Việc tổ chức tiêm vắc xin còn chậm, chưa thật sự khoa học, hiệu quả. Việc quản lý, kiểm soát người ra vào vùng có dịch chưa chặt chẽ, không ít nơi còn buông lỏng, chủ quan. Việc tổ chức vận tải, lưu thông hàng hóa vẫn còn tình trạng vừa thiếu an toàn, vừa ách tắc cục bộ. Một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm, lây lan nhanh của biến chủng mới Delta và chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của Nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung ứng vắc xin còn hạn chế, trước mắt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện Kết luận số 11-KL/TW ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII, Văn bản số 79-CV/TW ngày 29 tháng 01 năm 2020 của Ban Bí thư, Thông báo số 172-TB/TW ngày 21 tháng 3 năm 2020 về kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 50-CV/VPTW ngày 19 tháng 02 năm 2021 của Văn phòng Trung ương Đảng, Kết luận số 07-KL/TW ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Điện ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Thường trực Ban Bí thư, Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Tổng Bí thư và Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Nghị quyết của Chính phủ: số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021, số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 và số 79/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2021, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 (Chỉ thị 15), số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 (Chỉ thị 16) và số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 (Chỉ thị 19), Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31 tháng 5 năm 2021 (Quyết định 2686) của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Ban Chỉ đạo Quốc gia) và văn bản khác của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương.

Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV với những nội dung chủ yếu sau đây:

Điều 1. Các giải pháp cấp bách
1. Về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19:
Căn cứ Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn; trong đó cần đặc biệt lưu ý trong lãnh đạo, chỉ đạo:
a) Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh. Bám sát thực tiễn với tinh thần “hiệu quả trên hết” phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng, hoàn thiện, điều chỉnh ngay bảo đảm sát với diễn biến tình hình theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch đi qua; cấp trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
Các địa phương căn cứ vào các quy định chung của Trung ương, chủ động ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời giữa các ngành, các địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa bàn và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp.
b) Tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.
Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; thực hiện biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi áp dụng.
Xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an địa phương tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền và làm nòng cốt trong tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ này.
c) Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”. Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.
Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15 tháng 9 năm 2021. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 01 tháng 9 năm 2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25 tháng 8 năm 2021. Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện cụ thể.
d) Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
2. Về công tác y tế:
Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch trong nước và trên thế giới, cập nhật các giải pháp tiến bộ trong phòng, chống dịch và điều trị để kịp thời ban hành hoặc đề xuất ban hành các văn bản điều chỉnh, quy định, hướng dẫn. Văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra và dễ đánh giá; phải nêu rõ những điểm bắt buộc thực hiện (cứng) và những điểm có tính nguyên tắc để trên cơ sở đó các địa phương nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm và vận dụng sáng tạo.
a) Về xét nghiệm:
Bộ Y tế cập nhật, bổ sung, hướng dẫn và kịp thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét nghiệm bảo đảm khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh lạm dụng, lãng phí. Hướng dẫn, khuyến nghị, khuyến cáo về các thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm để các địa phương chủ động mua sắm. Bộ Y tế tổ chức mua sắm tập trung các vật tư, thiết bị cần thiết trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường giám sát, chấn chỉnh ngay những nơi tổ chức không khoa học, thiếu trọng tâm, trọng điểm, vừa không ngăn được dịch lây lan, vừa lãng phí.
Các địa phương chỉ đạo xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Các địa bàn thực hiện phong tỏa cần tập trung xét nghiệm để phát hiện F0 nhanh nhất, không để lây lan ra cộng đồng. Đối với các địa bàn có mức độ lây lan rộng, sâu như Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận cần thực hiện đồng bộ trong xét nghiệm, chăm sóc, điều trị, bảo đảm giảm tối đa tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ tử vong và tuyệt đối không để lây lan sang các địa bàn khác.
b) Về sàng lọc, phân loại người nhiễm và điều trị bệnh nhân COVID-19:
Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn; các địa phương, bộ ngành chỉ đạo cơ quan y tế, cơ sở y tế thuộc thẩm quyền tổ chức sàng lọc, phân loại người nhiễm theo tình trạng, diễn biến bệnh lý để có biện pháp theo dõi, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giảm tỷ lệ người nhiễm có triệu chứng, tỷ lệ chuyển bệnh nặng hơn ở tất cả các tầng, các lớp điều trị. Đặc biệt chú trọng việc quản lý, chăm sóc người bị nhiễm chưa có triệu chứng; việc chủ động chuẩn bị ô xy y tế (nhất là hệ thống ô xy tập trung) ở các tầng điều trị. Điều phối phù hợp, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong. Duy trì hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh an toàn. Bảo đảm hệ thống thường trực cấp cứu, xe cứu thương, ô xy y tế, máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị người bệnh.
c) Về vắc xin, thuốc điều trị COVID-19:
- Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao vắc xin” bằng mọi biện pháp; thúc đẩy viện trợ, mua, nhập khẩu vắc xin để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng;
- Căn cứ chỉ đạo, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế kịp thời phân bổ vắc xin cho các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với từng địa phương và công khai việc phân bổ. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế điều chỉnh việc phân bổ. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ưu tiên các đối tượng tiêm vắc xin phù hợp, hiệu quả với tình hình dịch bệnh;
- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi; huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn quốc, nhất là tại các địa phương có nhiều ca nhiễm. Tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vắc xin, thuốc điều trị COVID-19. Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm định, cấp phép, bảo quản và chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí cho người dân;
- Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tổ chức thử lâm sàng cùng với các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin, cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất và với giá thấp nhất có thể; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, bảo đảm công bằng trong chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị; tham khảo kinh nghiệm các nước và tham vấn chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cần thiết;
- Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, các bộ, cơ quan, đơn vị, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong nước.
d) Xây dựng kịch bản và bảo đảm công tác y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19:
- Căn cứ mức độ nguy cơ, diễn biến dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước để bố trí kinh phí mua sắm, dự trữ, tổ chức lực lượng phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý III năm 2021. Căn cứ yêu cầu thực tế phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng các kịch bản ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên địa bàn theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ kịch bản, phương án của địa phương mình để phê duyệt, chủ động thực hiện việc thành lập, xây dựng cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; dự trữ, bố trí nguồn lực và tổ chức lực lượng để phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn;
- Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương huy động hệ thống y tế công lập, tư nhân và các nguồn lực xã hội để kịp thời phối hợp trong triển khai công tác dự phòng, điều trị, tiêm vắc xin, đầu tư cơ sở vật chất và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và theo đúng quy định.
3. Về bảo đảm an ninh, trật tự:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức các lực lượng, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có phương án chủ động ứng phó với các diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn.
b) Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường bám sát địa bàn, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chú trọng phát huy vai trò của công an cấp cơ sở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn các cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.
c) Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng quân đội, nhất là lực lượng quân y, binh chủng hóa học, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tham gia sản xuất, cung ứng trang thiết bị, vật tư và tham gia cứu trợ Nhân dân trong khu vực cách ly, phong tỏa; chú trọng quản lý chặt chẽ biên giới, đường mòn, lối mở, xuất cảnh, nhập cảnh; giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.
4. Về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa:
Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tập trung chỉ đạo:
a) Duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chỉ những cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định mới được phép hoạt động, trên tinh thần an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
b) Tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Chủ động có các giải pháp hỗ trợ bảo đảm sản xuất, cung ứng, lưu thông đối với nhóm hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, ô xy y tế, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
c) Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là bảo đảm cung ứng trực tiếp đến người dân ở những khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội.
d) Huy động các lực lượng công an, quân đội, dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp, hội đồng hương... và Nhân dân cả nước tham gia sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ người dân.
5. Về các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội:
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo:
- Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn và giảm tối đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này;
- Chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh COVID-19 và lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả.
b) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp và bảo đảm trang thiết bị phòng hộ đối với lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch, đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế; cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, cán bộ cơ sở và đội ngũ tình nguyện viên.
c) Các địa phương đẩy mạnh việc thành lập, tổ chức các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; lập và duy trì đường dây nóng 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của người dân về chăm sóc y tế và sinh hoạt thiết yếu; có hệ thống giám sát y tế tại cộng đồng để kịp thời hỗ trợ người dân; bảo đảm trang thiết bị phòng hộ cho đội ngũ tình nguyện viên của các trung tâm hỗ trợ, cứu trợ ...
6. Về thông tin, truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin:
a) Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp là đầu mối cung cấp kịp thời thông tin chính thức về dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức đội ngũ chuyên gia, tình nguyện viên kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối tượng F0, F1.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất một đầu mối về truyền thông, tăng cường hệ thống thông tin cơ sở, thường xuyên cung cấp các bản tin tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; cải chính, phản bác, đấu tranh với các thông tin xấu độc, bịa đặt, thông tin giả mạo, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh của các cấp, các ngành, các địa phương;
- Triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ dùng chung đã được các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công an, Quốc phòng và các cơ quan có thẩm quyền công bố; chủ động triển khai các ứng dụng công nghệ khác phù hợp với các nền tảng công nghệ dùng chung, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn;
- Tổ chức, phân công đầu mối để phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu kịp thời, hiệu quả với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm thông suốt, an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là các hệ thống thông tin, nền tảng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19;
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các lực lượng khác ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án kỹ thuật, biện pháp, công cụ cần thiết để ngăn chặn, xử lý nghiêm thông tin xấu độc trên không gian mạng;
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất đầu mối, chủ động cung cấp, xử lý thông tin kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường các hình thức truyền thông, tuyên truyền, truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
7. Về kinh phí:
a) Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương:
- Ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19; giao Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ kinh phí hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19;
- Đối với việc điều chỉnh, cắt giảm kinh phí của các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết để tập trung kinh phí phòng, chống dịch bệnh và việc chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh chưa sử dụng hết sang năm sau: Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động thực hiện theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất Bộ Tài chính để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
b) Căn cứ yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sau khi đã rà soát, huy động, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác mà vẫn còn khó khăn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện. Bộ Tài chính chủ trì rà soát thẩm định, đề xuất cấp thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ, tạm cấp từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương.
c) Bộ Y tế chủ trì, rà soát nhu cầu kinh phí mua, nhập khẩu và phương án sử dụng vắc xin, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19.
Bộ Y tế xác định số lượng vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mua sắm tại Trung ương đã phân bổ, đã thực cấp cho các địa phương và chi phí liên quan, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi, xác định số kinh phí ngân sách địa phương phải chi theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 và khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2021. Bộ Tài chính công khai, minh bạch việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 trên phương tiện thông tin đại chúng.
d) Trên cơ sở dự toán ngân sách được giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chủ động quyết định sử dụng, mua sắm theo các kịch bản và phương án ứng phó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được phép mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh, hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực.
đ) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để kịp thời phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
e) Đối với những vấn đề luật quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Úy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến kinh phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương đề xuất Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện theo quy định tại điểm 3.2 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
8. Về tổ chức, nhân lực:
a) Bộ Y tế khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan cử người tham gia và bảo đảm để người được cử tập trung tham gia công việc của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
b) Các địa phương khẩn trương kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp trên địa bàn cho phù hợp với tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; có bộ phận thường trực chỉ đạo, điều phối 24/24 giờ, tổ chức theo từng nhóm chuyên môn để giải quyết kịp thời các vướng mắc, yêu cầu về vật tư, thiết bị, nhân lực, truyền thông, giao thông vận tải, cứu trợ, hỗ trợ...
c) Căn cứ tình hình và yêu cầu thực tế, các bộ, ngành, địa phương xem xét, quyết định việc thành lập trung tâm chỉ huy để chỉ đạo tập trung, thống nhất các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và huy động các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh.
9. Về tăng cường hợp tác quốc tế:
Bộ Ngoại giao tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp tục triển khai và đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao vắc xin”; vận động, thúc đẩy các đối tác cung cấp vắc xin đúng hoặc sớm hơn thời gian cam kết; tăng cường hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong sản xuất vắc xin và thuốc điều trị COVID-19; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế; chủ trì đề xuất chính sách xuất cảnh, nhập cảnh phù hợp với tình hình mới; nghiên cứu, tham mưu việc công nhận và cho phép “hộ chiếu vắc xin nước ngoài” được sử dụng tại Việt Nam; làm tốt công tác bảo hộ công dân; tăng cường thông tin đối ngoại về những nỗ lực và kết quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam, về sự chủ động, tích cực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống dịch.
Điều 2. Các cơ chế, chính sách đặc thù
1. Việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng COVID-19 được áp dụng các cơ chế sau đây:
a) Khi nộp hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, vắc xin, trường hợp không có giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm đối với thuốc, vắc xin nhập khẩu thì được thay thế bằng giấy tờ pháp lý do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng minh thuốc, vắc xin đã được cấp phép lưu hành.
b) Đối với thuốc điều trị, vắc xin phòng COVID-19 được sản xuất tại Việt Nam:
- Thuốc điều trị, vắc xin phòng COVID-19 sản xuất trong nước đang thực hiện thử lâm sàng nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả điều trị của thuốc hoặc hiệu quả bảo vệ của vắc xin dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vắc xin được sử dụng để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia đối với thuốc, vắc xin thực hiện thử lâm sàng tại Việt Nam và ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với từng thuốc, vắc xin cụ thể, có tham khảo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
- Thuốc, vắc xin được cấp trong các trường hợp trên phải được tiếp tục theo dõi về tính an toàn, hiệu quả, kiểm soát về đối tượng, số lượng, phạm vi sử dụng sau khi cấp giấy đăng ký lưu hành.
c) Bộ Y tế xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc cho miễn phiếu kiểm nghiệm (COA) cho từng lô thuốc, vắc xin khi thông quan trong trường hợp cần nhập khẩu khẩn cấp phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ngoài quy định tại các điểm a, b, c khoản này, các nội dung khác liên quan đến việc đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng COVID-19 phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
d) Việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc điều trị, vắc xin phòng COVID-19 đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo Điều 85 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược được miễn văn bản phê duyệt danh mục thuốc của Bộ Y tế.
2. Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19. Quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động.
3. Bộ Y tế được quy định thủ tục hành chính trong thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc áp dụng thí điểm kỹ thuật, thuốc trong chẩn đoán, điều trị COVID-19 và cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
4. Về cơ chế, hình thức mua sắm:
a) Các Bộ, ngành quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.
b) Các địa phương quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.
Trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tổ chức lập, thẩm định và quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu.
c)
Khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hóa chất, trang thiết bị, vật tư, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cần căn cứ vào ít nhất một (01) trong các tài liệu sau:
- Báo giá hàng hóa, dịch vụ cần mua của ít nhất ba (03) nhà cung cấp khác nhau;
- Dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm);
- Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật Giá;
- Giá thị trường tại thời điểm mua sắm tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet;
- Giá trúng thầu mua sắm loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ tương tự trong khoảng thời gian sáu (06) tháng trước đó.
Riêng đối với giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thì căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu nêu trên hoặc giá trúng thầu trong vòng sáu (06) tháng trước được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (muasamcong.mpi.gov.vn).
d) Trường hợp không xác định được giá các loại hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, dịch vụ phòng, chống COVID-19 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các bộ ngành, địa phương căn cứ giá do doanh nghiệp công bố theo yêu cầu của Bộ Y tế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và được cập nhật hàng tuần để xác định giá gói thầu.
Trường hợp không có doanh nghiệp công bố giá, để giảm tải khối lượng công việc cho Bộ Y tế tập trung phòng, chống dịch, Chính phủ thống nhất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an, Tư pháp thành lập Tổ công tác thực hiện việc đàm phán thống nhất về giá với doanh nghiệp để Bộ Y tế công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; trên cơ sở đó các bộ, ngành, địa phương, đơn vị xác định giá gói thầu.
đ) Trong quá trình xây dựng giá gói thầu, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được lựa chọn một trong các quy định tại điểm c hoặc quy định tại điểm d khoản này, trình người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền xem xét, quyết định giá gói thầu theo quy định.
e) Căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và kịch bản ứng phó, Bộ Y tế kịp thời công bố, cập nhật danh mục vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh để các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ”.
g) Bộ Y tế khẩn trương tổ chức mua sắm một số trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu để trang bị cho một số cơ sở y tế trực thuộc, trung tâm hồi sức tích cực do Bộ Y tế thành lập và dự phòng để sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng tại chỗ của địa phương.
h) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, xử lý kịp thời, hiệu quả những vướng mắc trong việc thực hiện quy định của pháp luật đấu thầu để mua sắm phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
i) Tài sản phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian có dịch theo Quyết định công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng quy định như sau:
- Không áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với trường hợp nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân;
- Có thể mua sắm tài sản với số lượng cao hơn tiêu chuẩn, định mức nhưng phải bảo đảm phù hợp với phương án, kịch bản ứng phó dịch bệnh và hạn chế tối đa lãng phí, không để xảy ra tiêu cực;
- Sau khi công bố hết dịch thì xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
5. Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.
6. Về tổ chức, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế:
Bộ trưởng Bộ Y tế được ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
7. Bộ Y tế ban hành quy trình, định mức kinh tế-kỹ thuật các loại xét nghiệm COVID-19; trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo đúng quy định.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết này.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết này, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn, nghiêm cấm tình trạng tham nhũng, tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong phòng, chống dịch; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao và các cá nhân, tập thể có thành tích trong phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các quy định, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện Nghị quyết này tại địa phương; quyết định các biện pháp, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; trường hợp cần thiết xin ý kiến cấp ủy, đề xuất Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp phát sinh vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, các bộ, ngành, địa phương kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các cơ quan có thẩm quyền.
2. Trường hợp cần thiết phải ban hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh khác với quy định của luật hiện hành và ngoài phạm vi quy định tại mục 3.1, mục 3.2 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp, các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương đề xuất gửi Bộ Y tế để tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện theo quy định tại điểm 3.3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
3. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, căn cứ tình hình và yêu cầu thực tế, các bộ, ngành, địa phương đề xuất gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện theo quy định tại điểm 3.4 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết này và các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, công tác phòng, chống dịch là chưa có tiền lệ. Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát thực tiễn, kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, gửi Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
5. Chính phủ trân trọng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước tiếp tục chung tay, góp sức, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để sớm kiểm soát tình hình, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
2. Việc cho miễn phiếu kiểm nghiệm (COA) quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này được áp dụng từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.
3. Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết này được áp dụng từ ngày có quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
4. Quy định tại điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị quyết này thay thế khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.
Điều 5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

Nơi nhận:

- Bộ Chính trị;

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Văn phòng Trung ương Đảng;

- Ban Tuyên giáo Trung ương;

- Ban Dân vận Trung ương;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch Nước;

- Văn phòng Quốc hội;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- Thành viên BCĐQG phòng, chống dịch COVID-19;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục: TH, KTTH, QHQT, NC, QHĐP, TKBT, NN, CN, PL, KSTT;

- Lưu: VT, KGVX (3).

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

 

Phạm Minh Chính

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT
________

No. 86/NQ-CP

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
_______________________

Hanoi, August 06, 2021

 

 

 

RESOLUTION

On urgent COVID-19 pandemic prevention and control measures to implement the Resolution No. 30/2021/QH15 dated July 28, 2021 of the 15th National Assembly

___________

THE GOVERNMENT

 

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015 and the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Organization of the Government and the Law on Organization of Local Administration dated November 22, 2019;

Pursuant to the Resolution No. 30/2021/QH15 dated July 28, 2021, on the first session of the 15th National Assembly;

Pursuant to the Resolution No. 268/NQ-UBTVQH15 dated August 06, 2021 of the National Assembly Standing Committee, permitting the Government to issue the Resolution with a number of contents different from law regulations for COVID-19 pandemic prevention and control requirements;

Pursuant to the Government’s Decree No. 138/2016/ND-CP dated October 01, 2016 promulgating the working regulation of the Government;

At the proposal of the Minister of Health and consents of the members of the Government,

 

RESOLVES:

 

The COVID-19 pandemic, with the appearance of the Delta variant, still sees complicated development. Specifically, it is spreading quickly rapidly and causing high mortality in many countries around the world, especially in Southeast Asia. In Vietnam, this fourth outbreak, with a very fast transmission speed, has spread to many localities with the largest scale ever and continues to develop unpredictably. Especially, the pandemic has spread to many areas of Ho Chi Minh City and some Southern provinces with a large number of infected cases, greatly damaging to the citizens’ health and life, seriously affecting the performance of socio-economic development tasks.

Under the leadership and direction of the Party Central Committee, the Politburo, the Secretariat, the General Secretary, the National Assembly, the President, the National Assembly Chairman and the close coordination of the Vietnam Fatherland Front Vietnam; along with upholding the spirit of “fighting against the pandemic like fighting against the enemy”, the Government and the Prime Minister have promptly issued many resolutions, directives and documents to focus on directing authorities at all levels, branches and localities to drastically, synchronically and flexibly implement tasks and solutions for COVID-19 pandemic prevention and control to adapt to the situation; concurrently mobilized the participation of the entire political system and the active participation of the enterprise community and the people; giving priority to the people’s life and health, thereby the pandemic has been gradually controlled, bringing life back to the “new normal” soon.

The Government recognizes and highly appreciates the sense of responsibility, determination, solidarity and consensus to prevent and control the pandemic of authorities at all levels, branches, localities, enterprise community and the people; especially commends the frontline forces in fighting against the pandemic, doctors, nurses, technicians, officers, health staff, military officers and soldiers, police forces, officers at grassroots level and volunteers who have made great efforts in the COVID-19 pandemic prevention and control, protecting and taking care of the people’s health.

However, there are still many agencies, units and localities that have not yet taken seriously and decisively measures for COVID-19 pandemic prevention and control according to regulations, even showing the subjectivity and neglect; lack of urging, lack of inspection and supervision. In particular, the organization of implementation is still a weak and slow stage to be overcome, especially at grassroots level in some localities.

In addition, the “four on-spot” motto is not implemented seriously, properly and responsibly with many limitations in many localities, leading to confusion when the situation and pandemic developments change. The vaccination is not organized in a rapid, scientific and effective manner. The management and control of people entering and leaving the pandemic areas are not carried out in a serious and strict manner. There is still a lack of safety and congestion in the transport and circulation of goods. A number of organizations, enterprises and people are not aware of the danger and rapid spread of the Delta variant and have not fully and seriously complied with regulations on pandemic prevention and control.

In the coming time, the development of the COVID-19 pandemic still remains complicated and is difficult to predict, seriously threatening the people’s life and health, and greatly affecting many aspects of social life, especially in the context of limited vaccine supply, and in the immediate future, there is no specific treatment drug for this disease. Therefore, the COVID-19 pandemic prevention and control is an urgent, central and leading task of authorities at all levels, branches, localities and the entire population in the current period.

In the implementation of the Conclusion No. 11-KL/TW dated July 13, 2021 of the third plenum of the 13th Party Central Committee, the Document No. 79-CV/TW dated January 29, 2020 of the Secretariat, the Notice No. 172-TB/TW dated March 21, 2020, on the conclusion of the Politburo on the prevention and control of the COVID-19 pandemic, the conclusion of the Politburo in the Official Dispatch No. 50-CV/VPTW dated February 19, 2021 of the Party Central Committee Office, the Conclusion No. 07-KL/TW dated June 11, 2021 of the Politburo, on the prevention and control of the COVID-19 pandemic, the Official Telegram dated July 21, 2021 of the Standing Member of the Secretariat of the Secretariat, the call on preventing and combating the COVID-19 pandemic by the General Secretary on July 29, 2021 and the Resolution No. 30/2021/QH15 dated July 28, 2021 of the National Assembly, the Government has requested ministries, branches, localities, agencies and units within their assigned functions, tasks and competence, to strictly and effectively implement the guiding documents of the Party, the National Assembly, the President, and the call of the Vietnam Fatherland Front and the Government's Resolutions No. 21/NQ-CP dated February 26, 2021, No. 78/NQ-CP dated July 20, 2021 and No. 79/NQ-CP dated July 22, 2021, the Prime Minister’s Directives No. 15/CT-TTg dated March 27, 2020 (the Directive 15), No. 16/CT-TTg dated March 31, 2020 (the Directive 16) and No. 19/CT-TTg dated April 24, 2020 (the Directive 19), the Decision No. 2686/QD-BCDQG dated May 31, 2021 (the Decision 2686) of the National Steering Committee for prevention and control of acute respiratory infections caused by a new strain of Coronavirus (the National Steering Committee) and other documents of central and local competent agencies.

In order to continue to focus on effectively preventing, repelling and controlling the COVID-19 pandemic, avoiding a health and socio-economic crisis, the Government unanimously promulgates a Resolution on urgent COVID-19 pandemic prevention and control measures to implement the Resolution No. 30/2021/QH15 dated July 28, 2021 of the 15th National Assembly with principal contents as follows:

Article 1. Urgent measures

1. Regarding the application of the COVID-19 pandemic prevention and control measures:

Chairpersons of People's Committees of provinces and centrally-run cities (provincial level) shall, based on the Decision No. 2686 of the National Steering Committee, proactively decide and direct subordinates to strictly apply solutions as prescribed, corresponding to the risk levels in line with the Directive 15, the Directive 16 and the Directive 19 of the Prime Minister and stricter restrictions could be imposed earlier; in which, special attention should be paid to the leadership and direction:

a) The application of pandemic prevention and control measures, especially social distancing measure, must be seriously, strictly, drastically and decisively implemented from the beginning at all levels, without hesitation or determination. Directions must adhere to reality with the spirit of “giving priority to effectiveness”, promoting the sense of responsibility, creativity and learning while implementing. Directions also must be gradually expanded, perfected and adjusted according to the situation in the spirit of non-perfectionism, without haste, subjectivity, neglect and loss of vigilance. Superiors must regularly urge and inspect subordinates, review stages, conditions and measures for pandemic prevention and control to be ready to respond quickly when the pandemic situation changes.

Localities shall, based on the general regulations of the central authorities, proactively promulgate according to their competence regulations on pandemic prevention and control, ensuring synchronization, consistency, effectiveness, efficiency, and conformity with the prevention and control requirements in the area. It is requested to pay special attention to direct the close coordination and timely communication between branches, localities, and People's Committees at all levels to promptly handle arising problems in accordance with the specific situation in the locality and accountable to the immediate superior.

b) All localities shall direct the strict implementation of the motto “going to every alley, knocking on every door, tracking every person”, detect and immediately handle people coming from pandemic areas or coming from other areas according to local regulations without declaring, people leaving the locality currently placed under social distancing without permission of competent authorities as prescribed.

Localities shall, based on the situation and requirements for pandemic prevention and control, actively and flexibly take necessary measures such as: Restricting a number of vehicles, asking people not to leave their places of residence for a certain period of time, in certain areas and geographical areas on the principle of “stay where they are”; not letting the people to leave the pandemic area without permission, causing the spread to other areas and localities; organizing forces to ensure security, social order and safety in pandemic areas; taking special measures on communication and use of means of communication; calling for, persuading, mobilizing and requisitioning asset, means, equipment and other measures that can be applied in a state of emergency to promptly prevent the pandemic from spreading within their competence. In case of necessity, Chairpersons of provincial-level People's Committees must report the Prime Minister before taking measures.

Violations such as non-compliance, obstruction or opposition to the implementation of regulations and measures on pandemic prevention and control issued by competent agencies shall be strictly handled, including criminal handling in accordance with the law.

The Ministry of Public Security shall direct the local public security forces to advise party committees, governments and act as the core in organizing the strict implementation of these tasks.

c) Localities currently placed under social distancing in line with the Directive 15 and the Directive 16 of the Prime Minister must strictly adhere to the principle that “various solutions shall be taken to implement one policy”,  avoiding the formal social distancing or “tight outside, loose inside”. From the first day of social distancing period: Within 14 days, the “green zones” must be identified and firmly protected; it is required to take specific measures and have roadmap to turn a “yellow zone” into “green zone”, “orange zone” into “yellow zone” and tightly zone up and narrow the “red zone”. Within 28 days, the situation in the area must be controlled, and the “red zones” must be isolated in the narrowest range.

Ho Chi Minh City must strive to control the pandemic before September 15, 2021.  Binh Duong, Long An and Dong Nai provinces shall strive to control the pandemic before September 01, 2021. Other provinces and cities shall strive to control the pandemic before August 25, 2021. The Ministry of Health shall provide specific instructions.

d) Along with strictly implementing social distancing measure to prevent and control the pandemic, ministries, branches and localities shall actively develop and implement plans to meet the demand for food, foodstuffs and necessities, leaving no one hungry, and at the same time must ensure safety requirements for pandemic prevention and control; promptly give first aid and treatment to people at all times and places.

2. Regarding health care:

The Ministry of Health shall closely follow the pandemic development in the country in particular and around the world in general, update progressive solutions in pandemic prevention, control and treatment to promptly promulgate or propose to promulgate amending documents, regulations and instructions. Guiding documents must be clear, easy to understand or remember, easy to do, monitor, check and evaluate; such documents must clearly state the mandatory (hard) requirements and principled contents so that on that basis, localities can uphold the spirit of initiative, responsibility and creativity upon implementation.

a) Regarding testing:

The Ministry of Health shall update, supplement, guide and promptly organize professional training in testing to ensure scientific, practical, effective, avoiding abuse and waste. The Ministry of Health shall provide instructions, recommendations and warnings about testing equipment and biological products for localities for active procurement. The Ministry of Health shall organize the centralized procurement of necessary supplies and equipment in the spirit of thrift and efficiency; strengthen the supervision and immediately correct localities where the procurement is organized unscientifically, fails to prevent the spread of the pandemic, and wastes money.

Localities shall direct the “speedy” testing of persons with high risk of infection in the area in order to detect F0 cases as quickly as possible for immediately tracing and classifying for treatment; must control without exception, prevent F0 cases from continuing to contact, or travel to spread the disease to the community.

Blockade areas must focus on testing to detect F0 cases as quickly as possible to prevent the disease from spreading to the community. For areas with widespread and deep spread such as Ho Chi Minh City and some neighboring provinces, it is necessary to perform synchronously in testing, care and treatment, ensuring the maximum reduction in the rate of severe disease, mortality rate and not letting the pandemic to spread to other areas.

b) Regarding screening and classifying infected cases and providing treatment for COVID-19 patients:

The Ministry of Health shall provide professional guidance; localities, ministries and sectors shall direct health agencies and medical establishments under their competence to screen and classify infected people according to their medical conditions and developments in order to take appropriate measures for effective monitoring, care and treatment, ensuring a reduction in the proportion of symptomatic cases and reduction in the rate of severe disease transfer at all treatment levels. A special attention should be paid to the management and care of asymptomatic cases; the proactive preparation of medical oxygen (especially the centralized oxygen system) at all treatment levels. It is required to appropriately coordinate and concentrate all resources and equipment to save and treat and reduce severe cases, and minimize mortality; maintain the safe operation of the medical examination and treatment system. The system of standing emergency services, ambulances, medical oxygen, ventilators and essential medical equipment for pandemic prevention and control, emergency and treatment of patients must be ensured.

c) Regarding drugs and vaccines for COVID-19:

- Under the Prime Minister's directions, the Ministry of Health, the Ministry of National Defence, the Ministry of Public Security and the Ministry of Foreign Affairs shall promote “vaccine diplomacy” by all methods; promote aid, purchase and import of vaccines to quickly meet vaccination requirements as much as possible, to achieve herd immunity as soon as possible;

- The Ministry of Health shall, based on the direction and policies of the Prime Minister and the Deputy Prime Minister - the Head of the National Steering Committee, promptly allocate vaccines to provinces and cities, in which priority is given to localities with many infected people and many deaths, localities where the pandemic development is complicated and with fast-spreading speed, large and densely populated urban areas with many industrial zones, in line with the requirements for pandemic prevention and control of each locality and the vaccine allocation must be publicized. In case of necessity, the Minister of Health shall report to the Prime Minister for adjustment or the Prime Minister shall direct the Ministry of Health to adjust the allocation. The provincial-level People's Committees shall, based on the guidance of the Ministry of Health, decide on giving priority in vaccinating to appropriate subjects in an effective manner according to the pandemic situation;

- The Ministry of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, branches and localities in, directing the organization of vaccination, ensuring the fastest, safe and effective progress, according to the pandemic situation in each locality; mobilize all public and private health forces and other support forces to carry out vaccination campaigns nationwide, especially in localities with many cases of infection; strengthen the search and encourage enterprises, organizations and individuals to actively seek sources and purchase vaccines and drugs for COVID-19. The Ministry of Health shall be responsible for inspecting, licensing, preserving, directing and guiding the organization of the free vaccination campaign for citizens;

- The Ministry of Health, the Ministry of National Defence, the Ministry of Science and Technology, the Vietnam Academy of Science and Technology and relevant ministries and agencies shall closely and effectively coordinate and direct to accelerate the progress of research and application, and transfer of technology, organize the clinical trials with establishments that research, transfer and manufacture vaccines, grant conditional use permits, manufacture vaccines and drugs to treat COVID-19 and equipment, medical supplies in the country to quickly meet the requirements of pandemic prevention and control at the lowest possible price; create favorable conditions for research, technology transfer, ensure fairness in technology transfer, manufacture of vaccines and drugs; consult other countries’ experiences and consult experts with the World Health Organization (WHO) when necessary;

- Based on the proposal of the Ministry of Health, ministries, agencies, units and the Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for summarizing and submitting to competent authorities for decision on a number of appropriate and effective incentive and support policies for the research, application and transfer of technology for the manufacture of vaccines, drugs for COVID-19 and necessary medical equipment and supplies in the country.

d) Developing a scenario and ensuring the health care work to prevent and control the COVID-19 pandemic:

- Based on the level of risk and pandemic developments, the Ministry of Health shall develop scenarios for pandemic prevention and control at low, medium, and high levels and corresponding response plans to ensure the health care work nationwide. On that basis, the Ministry of Finance and relevant agencies shall, based on the fund balancing capacity of the state budget, allocate funds for procurement, reserve, and organize appropriate and effective forces to serve the pandemic prevention and control, report to the Government and the Prime Minister for consideration and decision in the third quarter of 2021. The provincial-level People's Committees shall, based on actual requirements for pandemic prevention and control in the locality, develop low, medium and high scenarios and corresponding response plans to ensure health care work in the area according to the competence. In case of beyond the competence, it is requested to report to the Government, the Prime Minister;

- Provincial-level People’s Committees shall, based on their local scenarios and plans, approve and actively establish and build COVID-19 receipt and treatment facilities; purchase medical equipment and supplies; reserve, arrange resources and organize forces for timely and effective pandemic prevention and control in localities;

- The Ministry of Health, ministries, branches and localities shall mobilize public and private health systems and social resources to promptly coordinate in the implementation of prevention, treatment, vaccination, and investment in facilities and measures to prevent and control the pandemic in a strict and effective manner according to regulations.

3. Regarding security and order assurance:

a) Chairpersons of provincial-level People's Committees shall direct and organize forces, agencies and units to focus on effectively performing the tasks of ensuring national defense, security, social order and safety, and crime prevention and control and other illegal acts; develop plans to proactively respond to complicated developments related to security and order in areas.

b) The Ministry of Public Security shall direct the public security force to coordinate with functional agencies and localities to strengthen close contact with the locality, strictly control the implementation of social distancing measure and pandemic prevention and control measures, focus on promoting the role of grassroots police, strictly handle violations of the law; closely coordinate with the Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs to strengthen the management and safety of rehabilitation establishments and social relief establishments.

c) The Ministry of National Defence shall direct the military forces, especially the military medical forces, chemical troops, border guards, militia and self-defense forces to closely coordinate with localities in pandemic prevention and control; participate in the production and supply of equipment and supplies and in the relief of the people in the quarantine and blockade areas; attach importance to strict management of borders, trails, openings, exit and entry; maintain national independence and sovereignty.

4. Regarding production, supply, circulation and transportation of goods:

Ministries, branches and localities shall, according to their functions, tasks and powers, focus on directing:

a) To maintain production activities, avoid disrupting the supply chains of labor, goods, services, supplies and raw materials for production, but must ensure and create the highest conditions for COVID-19 pandemic prevention and control; only establishments that ensure safety for pandemic prevention and control according to regulations are allowed to operate.

b) To create the highest conditions for transportation and circulation of goods, supplies and raw materials for production, ensuring safety, connectivity, unity and smoothness among provinces, cities and localities; take strict control measures at the both ends of the supply chain, circulation and transportation of goods. To proactively take measures to support the production, supply and circulation of medical equipment and supplies, medicines, chemical, medical oxygen, vehicles and services for the COVID-19 pandemic prevention and control.

c) To ensure adequate and timely supply of food, foodstuffs and necessities, stabilize the people’s lives, especially ensure direct supply to people in blocked areas and areas currently placed under social distancing.

d) To mobilize public security forces, army, mass mobilization, Fatherland Front, socio-political organizations, social organizations, mass organizations, enterprise community, professional associations, fellow-countrymen association, etc. and the people of the whole country to participate in the production, supply, circulation and transportation of goods, especially food, foodstuffs and necessities to serve the people.

5. Regarding policies supporting and ensuring social security:

a) The Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs and ministries, sectors and localities shall, based on their functions, tasks and competence, focus on directing:

- To effectively implement the Government's Resolution No. 68/NQ-CP dated July 01, 2021 and the Prime Minister's Decision No. 23/2021/QD-TTg dated July 07, 2021, on policies to support employees and employers hit by the COVID-19 pandemic; regularly review, update, not omit the beneficiaries or leave anyone hungry, closely monitor the situation and actual requirements to continue to expand or adjust appropriately the beneficiaries and minimize administrative procedures when performing this task;

- To take care of the people’s lives, especially people with meritorious services, policy families, poor households, women, children, the elderly, people with disabilities, vulnerable people, and those facing disadvantages or unemployed persons due to the COVID-19 pandemic and frontline forces in fighting the pandemic in a timely, substantive and effective manner.

b) The Ministry of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance and relevant agencies in, expeditiously reviewing and proposing appropriate support policies and ensuring protective equipment for the frontline forces participating in pandemic prevention and control, doctors, nurses, technicians, health staff; officers and soldiers of the army, public security forces, grassroots officers and volunteers.

c) Localities should step up the establishment and organization of aid and relief centers, groups and teams with appropriate organizational forms and modes of operation to promptly meet people's needs and requirements for COVID-19 pandemic prevention and control in the area; establish and maintain a 24/7 hotline to promptly receive information from people about request for support in term of health care and essential activities; develop a medical surveillance system in the community to promptly support people; ensure protective equipment for volunteers of support and relief centers, etc.

6. Regarding information, communications and information technology application:

a) The Ministry of Health, the provincial-level Department of Health, the standing agency of the Steering Committee for COVID-19 Prevention and Control at all levels shall act as the focal points to promptly provide official information on the pandemic and solutions to prevent and control the pandemic for people and enterprises; organize a team of experts and volunteers to timely provide guidance and support people in pandemic prevention and control and health care, especially F0 and F1 cases.

b) Chairpersons of provincial-level People’s Committees shall:

- Direct the organization to implement a unified communication focal point, strengthen the grassroots information system, regularly provide propaganda bulletins, disseminate, mobilize, guide and call people in the COVID-19 pandemic prevention and control; correct, oppose and fight against malicious, fabricated, fake and distorting information about pandemic prevention and control at all levels, sectors and localities;

- Effectively deploy shared technology platforms announced by the Ministry of Information and Communications, the Ministry of Health, the Ministry of Public Security, the Ministry of National Defence and competent agencies; proactively deploy other technology applications suitable to shared technology platforms, promptly responding to the COVID-19 pandemic prevention and control requirements in the area;

- Organize and assign focal points to coordinate, connect and share information and data in a timely and effective manner with the Ministry of Information and Communication, the Ministry of Health, the Ministry of Public Security, the Ministry of National Defence, the Government Office and other competent agencies.

c) The Ministry of Information and Communications and other ministries, sectors and localities shall, within the ambit of their assigned functions and tasks, take the following responsibilities:

- Directing network safety and security enterprises to be on duty 24/24 hours, ensuring smoothness, safety, and network security, especially information systems and technology platforms in service of the COVID-19 pandemic prevention and control;

- Directing functional forces and telecommunications enterprises to coordinate with other forces to be on duty 24/24 hours, prepare technical plans, measures and necessary tools to prevent and strictly handle malicious information in cyberspace;

- Closely coordinating with the Ministry of Health, the Central Propaganda Department and other ministries, branches and localities to unify the focal point, proactively providing and processing information in a timely and accurate manner; directing the press agencies to strengthen forms of communication, propaganda, inspiration, exemplarily laud good people, good deeds, good practices, effective models, and at the same time fighting against distorting, inciting, and untrue statements about COVID-19 pandemic prevention and control.

7. Regarding funding:

a) The Ministry of Finance, ministries, branches and localities shall:

- Prioritize arrangement and allocation of state budget and other lawful resources to ensure funding for COVID-19 pandemic prevention and control and COVID-19 patient treatment facilities; assign the Ministry of Health to summarize and report to the Prime Minister on the mechanism to support recurrent expenditures for public health facilities whose revenues are not enough to recover their expenditures due to the impact of the pandemic. Cut and reduce at least 50% of the remaining expenses for conferences, domestic and foreign affairs of ministries, central and local agencies (except for the expenses for important and urgent activities and expenses serving the pandemic prevention and control by the Ministry of Health, the Ministry of National Defence, the Ministry of Public Security, and expenses for diplomatic operations of the Ministry of Foreign Affairs) and save an additional 10% of the remaining recurrent expenditures of 2021, excluding salaries and other income; recover non-essential recurrent expenditures or recurrent expenditures that have not yet been implemented to supplement the central budget and local budgets, and prioritize funding for COVID-19 pandemic prevention and control;

- Regarding the adjustment and reduction of expenditures for unnecessary spending tasks to prioritize funding for pandemic prevention and control and the transfer of unused funding for pandemic prevention and control to next year: Ministries, central and local agencies shall actively implement according to their competence. In case of beyond their competence, they may propose the Ministry of Finance for summarization and submission to the competent authorities as prescribed.

b) If after reviewing, mobilizing and using local budgets and other lawful resources but still facing difficulties, the provincial-level People’s Committees shall, based on the requirements for COVID-19 pandemic prevention and control, propose the central budget to support the implementation. The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for reviewing, appraising and proposing the competent authorities to decide on the level of support and provision from the central budget to support localities.

c) The Ministry of Health shall preside and review the need for funding for the purchase, import and use of vaccines, and send it to the Ministry of Finance for synthesis and submission to the Prime Minister for decision on the use of the state budget and the COVID-19 Vaccine Fund.

The Ministry of Health shall determine the quantity of vaccines, equipment, medical supplies, medicines, chemicals, and means serving the COVID-19 pandemic prevention and control, which have been purchased at central level and actually allocated, distributed to localities and related expenses, and send them to the Ministry of Finance to summarize, monitor and determine the amount of local budget expenditures to be spent according to Clause 1, Article 3 of the Resolution No. 21/NQ-CP dated February 26, 2021 and Clause 3, Article 2 of the Resolution No. 79/NQ-CP dated July 22, 2021. The Ministry of Finance shall publicize the use of COVID-19 Vaccine Fund on mass media.

d) On the basis of the assigned budget estimates and other lawful funding sources, the ministries, branches, localities, agencies and units may actively decide on using and procuring according to the response plans and scenarios approved by the competent authorities; may purchase in a quantity higher than the actual demand to prevent the outbreak, but must minimize the waste of resources.

dd) The Ministry of Health shall, based on the assigned functions and tasks, assume the prime responsibility for, and coordinate with relevant ministries and branches in, proposing the supply of national reserve commodities to promptly serve the COVID-19 pandemic prevention and control, and send it to the Ministry of Finance to summarize and report to the Prime Minister for consideration and decision.

e) Regarding legal issues under the competence of the National Assembly or the National Assembly Standing Committee related to funding for COVID-19 pandemic prevention and control, ministries, branches, central and local agencies shall propose the Ministry of Finance for summarization and submission to the Government to report to the National Assembly Standing Committee for consideration and decision before implementation according to Point 3.2 of the National Assembly's Resolution No. 30/2021/QH15.

8. Regarding organization and human resources:

a) The Ministry of Health shall urgently submit the Prime Minister to perfect the National Steering Committee, improve the operational efficiency of the sub-committees under the Steering Committee to ensure streamlined, effective and efficient. Relevant ministries and agencies shall appoint participants and ensure their concentrated participation in the work of the National Steering Committee.

b) Localities shall urgently perfect and raise the effectiveness and efficiency of the activities of the Steering Committees for COVID-19 Prevention and Control at all levels in their localities according to the situation and requirements for pandemic prevention and control; organize a standing department to direct and coordinate around the clock, such department must be organized by specialized groups to promptly solve problems and requirements on materials, equipment, human resources, communication and transportation, aids and support, etc.

c) The ministries, branches and localities shall, based on the actual situation and requirements, consider and decide on establishing a command center to centrally direct and unify relevant agencies to perform tasks and solutions to prevent and control the COVID-19 pandemic within the ambit of the assigned functions and tasks.

d) Chairpersons of People’s Committees at all levels shall direct and mobilize medical facilities, agencies, units, enterprises, organizations and individuals in localities to actively participate in the pandemic prevention and control but must ensure safe conditions for pandemic prevention and control according to the pandemic situation and development.

9. Regarding strengthening the international cooperation:

The Ministry of Foreign Affairs shall strengthen the international cooperation, continue to implement and promote the “vaccine diplomacy”; mobilize and promote partners to provide vaccines on time or earlier than the committed time; strengthen cooperation in research and technology transfer in the manufacture of vaccines and drugs for COVID-19; supporting medical equipment, supplies and biological products; assume the prime responsibility for proposing exit and entry policies according to the new situation; research and advise on the recognition and permission of “foreign vaccine passports” to be used in Vietnam; protect citizens; strengthen external information about Vietnam’s efforts and results in COVID-19 pandemic prevention and control, and Vietnam’s proactive and active international cooperation in pandemic prevention and control.

Article 2. Specific mechanisms and policies

1. The grant of certificates of registration for circulation and customs clearance of drugs and vaccines against COVID-19 shall be subject to the following mechanisms:

a) Upon submitting the dossier for registration of circulation of drugs and vaccines, if there is no certificate of pharmaceutical products for imported drugs or vaccines, the legal document issued by the foreign competent agency that prove such drugs or vaccines have been licensed for circulation shall be used.

b) For drugs and vaccines against COVID-19 manufactured in Vietnam:

- Although domestically manufactured drugs and vaccines against COVID-19 are undergoing clinical trials, but the mid-term evaluation results of the third phase on the safety and therapeutic efficacy of such drugs or the protective effectiveness of such vaccines, which are based on the immunogenicity data of the vaccine, have already been obtained. And such results shall be used as a basis for grant of the conditional circulation registration certificate, based the advisory opinion of the National Committee for Ethics in Biomedical Research for drugs and vaccines undergone clinical trials in Vietnam and the advice of the Advisory Council for the grant of circulation registration certificates of drugs and medicinal ingredients for each specific drug or vaccine, with reference to instructions or recommendations by the World Health Organization (WHO).

- Drugs and vaccines allocated in such cases must continue to be monitored in term of safety, effectiveness, and be controlled in term of subjects, quantities and scope of use after the grant of circulation registration certificates.

c) The Ministry of Health shall consider and decide on a case-by-case basis to grant exemption of certificate of analysis (COA) for each batch of drugs and vaccines upon customs clearance in case of urgent import for COVID-19 pandemic prevention and control requirements.

In addition to complying with Points a, b and c of this Clause, other contents related to the registration for circulation and customs clearance of drugs and vaccines against COVID1-9 must comply law provisions.

d) The import of raw materials for the manufacture of therapeutic drugs and vaccines against COVID-19 that satisfy the requirements for pandemic prevention and control specified in Article 85 of the Government's Decree No. 54/2017/ND-CP dated May 08, 2017, detailing a number of articles of and providing measures for implementing the Pharmacy Law shall be exempted from the Ministry of Health's written approval of the list of drugs.

2. The Ministry of Health, the Ministry of Public Security and provincial-level People's Committees shall, based on practical situation, decide on establishing and assigning tasks for facilities receiving and treating COVID-19 patients. Decisions on establishment and assignment of tasks for facilities receiving and treating COVID-19 patients shall be used as operation permits.

3. The Ministry of Health may stipulate administrative procedures in its Circulars according to simplified order and procedures on the pilot application of technique and drugs for COVID-19 diagnosis and treatment and grant of import licenses and certificates of registration for circulation of medical equipment and chemicals for COVID-19 pandemic prevention and control.

4. Regarding procurement mechanisms and forms:

a) Ministries and branches shall decide on the form of selection of contractors for procurement of drugs, chemicals, supplies, equipment and means for COVID-19 pandemic prevention and control according to Clauses 1 and 2, Article 1 of the Government's Resolution No. 79/NQ-CP dated July 22, 2021.

b) Localities shall decide on the form of selection of contractors for procurement of drugs, chemicals, supplies, equipment and means for COVID-19 pandemic prevention and control according to Clause 1, Article 1 of the Government's Resolution No. 79/NQ-CP dated July 22, 2021.

In case of selecting contractors in special cases under Article 26 of the Bidding Law, Chairpersons of the provincial-level People's Committees may organize to establish, appraise and decide on approval of the contractor selection plans.

c) Upon formulating the bidding package price for the procurement of chemicals, equipment, supplies, means and services for COVID-19 pandemic prevention and control, it should be based on at least one (01) of the following documents:

- Quotations for goods and services to be purchased of at least three (03) different providers;

- Procurement estimates approved by competent agencies (including types of assets, goods, services, quantity, unit price or the whole estimate arranged for procurement of one type of asset, goods or services in the year);

- Valuation results of state agencies competent for asset valuation, valuation enterprises for assets, goods, services required evaluation according to the Law on Prices;

- Market prices at the time of procurement referenced from the official information announced by the providers on Internet according to Vietnamese laws;

- Winning bid price for procurement of similar assets, goods and services in the previous six (06) months.

Particularly for the bidding package price for medical equipment procurement, the winning bid price shall be based on at least one of the above documents or the winning bid prices within the previous six (06) months posted on the e-portals of agencies competent to approve the contractor selection plans or the Ministry of Health’s e-portal or the national bidding network system (muasamcong.mpi.gov.vn).

d) In case the price of chemicals, supplies, equipment, means and services for COVID-19 prevention and control cannot be determined due to complicated development of the pandemic, ministries, sectors and localities shall base on prices announced by enterprises at the request of the Ministry of Health on its e-portal and updated weekly to determine the price of the bidding package.

In case there is no enterprise to announce the price, in order to reduce the workload for the Ministry of Health to focus on pandemic prevention and control, the Government agrees to assign the Ministry of Finance to assume the prime responsibility and coordinate with the Ministry of Health, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Industry and Trade, the Ministry of Science and Technology, the Ministry of Information and Communication, the Ministry of Public Security and the Ministry of Justice in, establishing a Working Group to negotiate on prices with enterprises for the Ministry of Health to announce on its e-portal; on that basis, the ministries, branches, localities and units shall determine the bid package price.

dd) In the course of formulating the bid package price, ministries, branches, localities, agencies or units may select one of the provisions of Point c or Point d of this Clause and submit it to the competent person or authorized person to consider and decide on the bidding package price according to regulations.

e) The Ministry of Health shall, based on the COVID-19 pandemic development and response scenarios, promptly announce and update the list of essential supplies, equipment, chemicals and drugs in service of for the pandemic prevention and control for localities and units to carry out procurement according to the motto “ four on-spot”.

g) The Ministry of Health shall urgently organize the procurement of a number of essential medical equipment and supplies for several affiliated medical facilities and intensive care centers established and planned by the Ministry of Health to be ready to give aid and support to localities in case the local response capacity is exceeded.

h) The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with relevant agencies in, guiding and promptly and effectively handling problems arising in the implementation of the law on bidding for procurement to prevent and control the COVID-19 pandemic.

i) Assets serving the COVID-19 pandemic prevention and control during the pandemic period according to the Prime Minister's Decision on pandemic announcement shall be subject to the following provisions:

- Not applying standards and usage norms to the case of receiving aid, sponsorship or support from organizations and individuals;

- Assets can be purchased in quantities higher than prescribed standards and norms, but must be suitable to the pandemic response plans and scenarios and minimize waste and avoid negative issues;

- After the announcement of pandemic termination, such assets shall be handled in accordance with the law on management and use of public asset.

5. The payment of medical examination and treatment expenses for COVID-19 patients at COVID-19 receipt and treatment facilities shall be guaranteed by the state budget according to actual costs; expenses for treatment of other diseases during the treatment of COVID-19 shall comply with the law on health insurance, medical examination and treatment.

6. Regarding organization and payment of medical examination and treatment expenses covered by health insurance:

The Minister of Health is allowed to promulgate documents guiding the organization of medical examination and treatment, payment for medical examination and treatment expenses covered by health insurance to meet the demand for medical examination and treatment of health insurance participants according to the conditions of pandemic prevention and control.

7. The Ministry of Health shall promulgate the process and economic-technical norms of various types of COVID-19 tests; on that basis, the provincial-level People's Committee shall decide on the order price and assign tasks to agencies, organizations and units to comply with regulations.

Article 3. Organization of implementation

1. The National Steering Committee, ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, and provincial-level People's Committees shall, within the scope of their assigned functions, competence and tasks, organize the strict and effective implementation of tasks and solutions specified in this Resolution.

Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, and provincial-level People's Committees shall direct and urge the implementation of this Resolution, strengthen the responsibility of the head; ensure the prevention and prohibition of corruption and negative issues, minimize waste in pandemic prevention and control; promptly encourage and reward those who have bold thoughts, deeds and the spirit of responsibility, actively innovate, be creative and flexible in the implementation of pandemic prevention and control measures, resulting in the high efficiency, and individuals, collectives with achievements in pandemic prevention and control; propagandize, guide and mobilize people to comply with regulations, strictly handle violating cases.

Provincial-level People's Committees shall, within the scope of their management and their assigned functions and tasks, organize the implementation of this Resolution in their localities; decide on urgent measures and solutions for pandemic prevention and control in conformity with the actual situation of the localities; if necessary, consult the Executive Committees, propose the Standing Committees of the People's Councils to decide on issues within the competence of the People's Councils and report to the People's Councils at the following meeting.

Any problem arising or beyond the competence of ministries, sectors and localities should be promptly reported to the Government, the Prime Minister, the National Steering Committee and competent agencies.

2. In case it is necessary to issue regulations on pandemic prevention and control different from current law regulations and beyond the scope specified in Section 3.1, Section 3.2 of the National Assembly's Resolution No. 30/2021/QH15 while the National Assembly is not in session, ministries, central agencies and localities shall send their proposals to the Ministry of Health to summarize and submit them to the Government to report to the National Assembly Standing Committee for consideration and decision via the simplified order and procedures before the implementation according to Point 3.3 of the Resolution No. 30/2021/QH15 of the National Assembly.

3. For issues on ensuring social security, supporting employees and employers that fall under the competence of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee, based on the actual situation and requirements, ministries, sectors and localities shall send their proposals to the Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs to summarize and submit them to the Government to report to the National Assembly Standing Committee for consideration and decision before the implementation according to Point 3.4 of the Resolution No. 30/2021/QH15 of the National Assembly.

4. Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, and provincial-level People's Committees shall, within the scope of their assigned tasks and powers, review and evaluate the implementation of this Resolution and regulations related to pandemic prevention and control.

The COVID-19 pandemic develops rapidly, complicatedly and unpredictably, and the work of pandemic prevention and control is unprecedented. Ministries, sectors and localities shall monitor the situation, promptly handle problems arising in the course of implementation under their competence, send proposals of amendments, supplements of regulations or promulgation of new regulations to the Ministry of Health to summarize and report them to the Government and the Prime Minister.

5. The Government requests that the Vietnam Fatherland Front, socio-political organizations, social organizations, unions, enterprise communities and the people of the country continue to contribute, actively coordinate with all levels, sectors and localities to make efforts to overcome difficulties and challenges, focus on implementing decisively and effectively the proposed tasks and solutions to soon control the pandemic situation and repel the COVID-19 pandemic, protect people's lives and health, develop favorable conditions for socio-economic recovery and development.

Article 4. Implementation provisions

1. This Resolution takes effect from July 28, 2021, to the end of December 31, 2022.

2. The exemption of Certificates of Analysis (COA) specified at Point c, Clause 1, Article 2 of this Resolution shall be applied from February 01, 2021.

3. The payment of medical examination and treatment expenses at COVID-19 patient reception and treatment facilities specified in Clause 5, Article 2 of this Resolution shall be applied from the date of issuance of the decision on establishment of the COVID-19 patient reception and treatment facilities.

4. Regulations prescribed at Point c, Clause 4, Article 2 of this Resolution replaces Clause 3, Article 1 of the Government's Resolution No. 79/NQ-CP dated July 22, 2021.

Article 5. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, chairpersons of People’s Committees of provinces, centrally-run cities shall be responsible for the implementation of this Resolution./.

 

 

FOR THE GOVERNMENT

THE PRIME MINISTER

 

 

 

Pham Minh Chinh

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch LuatVietnam
Resolution 86/NQ-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Resolution 86/NQ-CP PDF
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất