Quyết định 6110/QĐ-BYT 2017 hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 6110/QĐ-BYT
Cơ quan ban hành: | Bộ Y tế |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 6110/QĐ-BYT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Nguyễn Thị Kim Tiến |
Ngày ban hành: | 29/12/2017 |
Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 29/12/2017, Bộ Y tế ra Quyết định 6110/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
Theo đó, hệ thống phần mềm quản lý hoạt động chuyên môn có các chức năng sau: Quản lý công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; Quản lý khám bệnh, chữa bệnh; Quản lý chăm sóc sức khỏe sinh sản; Quản lý tiêm chủng và sử dụng vắc xin phòng bệnh; Quản lý thông tin tử vong; Quản lý an toàn thực phẩm;…
Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phải có đủ máy trạm, cấu hình phù hợp cho các hoạt động y tế trên môi trường mạng. Trạm Y tế xã có cán bộ có khả năng vận hành, duy trì hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại Trạm.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Xem chi tiết Quyết định6110/QĐ-BYT tại đây
tải Quyết định 6110/QĐ-BYT
BỘ Y TẾ Số: 6110/QĐ-BYT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI HỆ THỐNG THÔNG TIN QUẢN LÝ TRẠM Y TẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
----------
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định về Y tế xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Thông tư số 27/2014/TT-BYT ngày 14/08/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Hệ thống biểu mẫu thống kê y tế áp dụng đối với các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện và xã;
Căn cứ Thông tư số 28/2014/TT-BYT ngày 14/08/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành y tế;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Ông/Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI HỆ THỐNG THÔNG TIN QUẢN LÝ TRẠM Y TẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6610/QĐ-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi Điều chỉnh
Quyết định này hướng dẫn xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn bao gồm: hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, chức năng Phần mềm quản lý chuyên môn và nhân lực công nghệ thông tin.
2. Nguyên tắc chung xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn
a) Xây dựng và triển khai hạ tầng kỹ thuật, Phần mềm tại Trạm Y tế xã Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Trạm Y tế xã) phải có tính tổng thể, thống nhất. Các thông tin được trao đổi và sử dụng lại ở các module, tránh việc một thông tin phải nhập nhiều lần.
b) Hệ thống thông tin quy định tại quyết định này là yêu cầu tối thiểu trong Phần mềm quản lý Trạm Y tế xã.
c) Thiết kế hệ thống mang tính mở; các tài liệu phân tích, thiết kế phải đầy đủ, chi tiết, thuận tiện cho việc bảo hành, bảo trì và nâng cấp hệ thống. Giao diện người dùng cần được thiết kế khoa học, hợp lý, tạo thuận lợi, dễ dàng cho người sử dụng.
d) Phần mềm phải tuân theo các tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 2035/QĐ-BYT ngày 12/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc công bố danh Mục kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế; quyết định số 3465/QĐ-BYT ngày 08/07/2016 của Bộ trưởng Bộ về việc ban hành bộ mã danh Mục dùng chung áp dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; thông tư số 22/2013/TT-BTTTT ngày 23/12/2013 về việc Ban hành Danh Mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; khuyến khích áp dụng các chuẩn quốc tế liên quan.
đ) Đảm bảo trao đổi dữ liệu với hệ thống công nghệ thông tin của Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, Sở Y tế; Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.
e) Hệ thống công nghệ thông tin của Trạm Y tế xã phải kết nối được với Phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân.
g) Hệ thống công nghệ thông tin của Trạm Y tế xã phải bảo đảm các Điều kiện về an toàn, an ninh thông tin.
II. HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG HỆ THỐNG PHẦN MỀM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN
1. Quản lý công tác dân số kế hoạch hóa gia đình
a) Thông tin nhân khẩu theo hộ gia đình: Họ và tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, tình trạng hôn nhân, quan hệ chủ hộ, tình trạng cư trú, học vấn, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật, tàn tật.
b) Thông tin kế hoạch hóa gia đình: ngày thực hiện biện pháp tránh thai, người thực hiện, phương pháp, chức danh chuyên môn người thực hiện, tư vấn.
c) Quản lý thông tin sử dụng, ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai, các trường hợp phá thai tại Trạm Y tế xã.
d) Giấy chứng sinh: Số hộ, tên mẹ, tên con, ngày sinh, giới tính, cân nặng, người đỡ, nơi sinh, số lần sinh, số con sinh, số con sống.
2. Quản lý khám bệnh, chữa bệnh
a) Lập phiếu đăng ký khám bệnh: Hệ thống cho phép ghi nhận thông tin hành chính của người bệnh (mã người bệnh, họ tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp,...).
b) Quản lý người bệnh nội trú và ngoại trú: Quản lý thông tin từng lần khám bệnh gồm ngày đăng ký khám, bác sỹ khám, từng loại bệnh, lập và in đơn thuốc.
c) Quản lý đơn thuốc: Thông tin kê đơn thuốc theo quy định, tìm kiếm thông tin đơn thuốc, cập nhật thông tin đơn thuốc cho từng người bệnh, in đơn thuốc. Khuyến khích có chức năng kiểm tra tương tác thuốc.
d) Quản lý các dịch vụ y tế khác do Trạm Y tế xã cung cấp.
d) Quản lý tình trạng của người bệnh, chuyển tuyến trên, tử vong.
đ) Quản lý chi phí và in chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
e) Trích xuất tự động dữ liệu khám chữa bệnh thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT) gửi sang Cổng giám định BHYT của cơ quan BHXH và Cổng dữ liệu Y tế.
g) Khuyến khích hệ thống cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dùng thao tác nhanh như nhập tắt địa chỉ của người bệnh; đọc mã vạch trên thẻ BHYT.
3. Quản lý bệnh truyền nhiễm
a) Quản lý thông tin người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm: tên bệnh, nhóm bệnh, mã bệnh, tuổi, nơi phát hiện, ngày khởi phát, các yếu tố dịch tễ.
b) Quản lý các thông tin Điều trị gồm: ngày khám, ngày xét nghiệm, ngày có kết quả, kết quả xét nghiệm, kết quả Điều trị, tình trạng hiện tại.
c) Các thông tin quản lý đảm bảo đầy đủ đáp ứng theo biểu mẫu đầu ra của Báo cáo Bệnh truyền nhiễm theo quy định.
d) Khuyến khích xây dựng các chức năng hỗ trợ theo dõi, dự báo, cảnh báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm.
4. Quản lý bệnh không lây nhiễm
a) Quản lý thông tin người bệnh mắc bệnh không lây nhiễm: tên bệnh, ngày khám, ngày phát hiện, nơi phát hiện, theo dõi diễn biến của bệnh, trường hợp chuyển đi, tử vong; quản lý và cung cấp thuốc theo tháng.
d) Các thông tin quản lý đảm bảo đầy đủ đáp ứng theo biểu mẫu đầu ra của Báo cáo Bệnh không lây nhiễm theo quy định.
5. Quản lý chăm sóc sức khỏe sinh sản
a) Quản lý thông tin khám thai: địa chỉ lần khám, ngày khám, nơi khám, ngày kinh cuối, lần có thai, tuần thai, dự kiến sinh, chiều cao tử cung, vòng bụng, khung chậu, tiên lượng đẻ, tim thai, ngôi thai, người khám, kết quả protein niệu, kết quả xét nghiệm HIV.
b) Quản lý thông tin sinh đẻ: ngày đẻ, số lượng đẻ đủ tháng, số lượng đẻ non, số lượng sảy phá thai, số con hiện có, quản lý thai, số liều vắc xin uốn ván mẹ tiêm, tiêm uốn ván đầy đủ, số lần khám thai, cách thức đẻ, tình trạng mẹ, tình trạng trẻ, tuần, cân nặng, giới tính, mắc uốn ván sơ sinh, chi tiết tình trạng, nơi đẻ, người đỡ, trình độ người đỡ đẻ, bú mẹ giờ đầu, tiêm vitamin, đẻ non, bị ngạt, tử vong thai nhi, ngày tử vong.
d) Thông tin phá thai: ngày phá thai, số con hiện sống, ngày kinh cuối cùng, tuần thai, chuẩn đoán, phương pháp, mô thai, người thực hiện, khám sau 2 tuần, trình độ, ghi chú.
6. Quản lý phòng, chống HIV/AIDS
a) Quản lý các thông tin về người bệnh HIV/AIDS bao gồm: tên bệnh, phân loại đối tượng, cơ sở trả kết quả xét nghiệm dương tính.
b) Quản lý thông tin ngày có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV, nơi quản lý Điều trị ARV, ngày tử vong.
c) Quản lý các thông tin trong công tác phòng chống HIV/AIDS bao gồm:
- Hoạt động can thiệp giảm tác hại: Đối tượng (nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam có quan hệ tình dục với nam, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV), được nhận dịch vụ (bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn, giới thiệu tư vấn, xét nghiệm...).
- Truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS: Các hình thức truyền thông về HIV/AIDS.
7. Quản lý tiêm chủng và sử dụng vắc xin phòng bệnh (sau đây gọi tắt là tiêm chủng)
a) Tạo lịch tiêm chủng: danh sách cán bộ tiêm, ngày tiêm, danh sách vắc xin, danh sách địa điểm, ghi chú, đối tượng (trẻ em, bà mẹ).
b) Nhắc lịch tiêm: Tìm kiếm đối tượng đưa vào lịch tiêm chủng theo ngày sinh, giới tính, đối tượng. In danh sách theo lịch tiêm chủng; in giấy hẹn tiêm chủng; khuyến khích gửi thông tin lịch tiêm qua thư điện tử, tin nhắn.
c) Khám sàng lọc trước tiêm chủng.
d) Quản lý thông tin tiêm chủng: ngày tiêm theo lịch, ngày tiêm thực tế, đợt tiêm, địa điểm, vắc xin, mũi tiêm, thuốc vật tư sử dụng, phản ứng sau tiêm chủng.
đ) Quản lý Chương trình tiêm chủng: tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng dịch vụ, tiêm chủng theo chiến dịch.
e) Quản lý lịch sử tiêm chủng và lịch hẹn tiêm chủng của các đối tượng tham gia các Chương trình tiêm chủng.
g) Quản lý theo dõi số liệu báo cáo hoạt động tiêm chủng tại đơn vị; kết xuất thông tin, dữ liệu về tình hình tiêm chủng dưới dạng biểu đồ.
8. Quản lý uống vitamin A
a) Tạo lịch uống vitamin A: ngày uống, loại vitamin, danh sách địa điểm, ghi chú.
b) Nhắc lịch uống vitamin A: Tìm kiếm đối tượng đưa vào lịch uống theo ngày sinh, giới tính; in danh sách theo lịch uống; in giấy hẹn uống; khuyến khích gửi thông tin lịch uống qua thư điện tử, tin nhắn.
c) Quản lý thông tin từng lần uống vitamin A: ngày uống theo lịch, ngày uống thực tế, địa điểm, vitamin, liều.
9. Quản lý phòng, chống suy dinh dưỡng
a) Tạo lịch cân đo: ngày cân, địa điểm, ghi chú.
b) Nhắc lịch cân: Tìm kiếm đối tượng đưa vào lịch cân theo ngày sinh, giới tính; in danh sách theo lịch cân; in giấy hẹn cân; khuyến khích gửi thông tin lịch cân qua thư điện tử, tin nhắn.
c) Quản lý thông tin cân: ngày cân theo lịch, ngày cân thực tế, địa điểm, chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng.
10. Quản lý phòng, chống tai nạn thương tích
Quản lý thông tin người bệnh mắc và tử vong do tai nạn thương tích bao gồm: Thông tin cá nhân, địa điểm xảy ra, bộ phận cơ thể bị thương theo ICD10, nguyên nhân (tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thực phẩm, tự tử, tai nạn lao động và các tai nạn khác).
11. Quản lý thông tin tử vong
Quản lý thông tin tử vong: ngày tử vong, người tử vong, người thu thập thông tin người tử vong, nguyên nhân, nơi tử vong (trạm y tế, bệnh viện, tại nhà, khác), tên bệnh.
Trường hợp phụ nữ có thai tử vong cần thêm những thông tin sau: tuổi thai, tử vong mẹ.
12. Quản lý thuốc thiết yếu và vật tư y tế
a) Hệ thống đáp ứng được các chức năng bao gồm: Khai báo tồn đầu kỳ; lập các phiếu nhập kho; lập các phiếu xuất; xem tồn kho, cảnh báo thuốc sắp hết hạn, thuốc hết hạn, tiêu hủy thuốc, dự trù thuốc.
b) Quản lý và kết xuất các thông tin báo cáo: nhập xuất tồn; biên bản kiểm nhập; thẻ kho; biên bản kiểm kê.
c) Hệ thống quản lý thuốc thiết yếu và vật tư y tế phải trao đổi dữ liệu được với các hệ thống khác để phục vụ tra cứu thông tin về thuốc, kê đơn thuốc.
13. Quản lý tài sản, trang thiết bị y tế
a) Hệ thống cho phép khai báo mới, sửa chữa hay hủy bỏ từng tài sản, trang thiết bị y tế; quản lý được các thông tin tình trạng sử dụng của tài sản, trang thiết bị y tế.
b) Quản lý được thông tin liên quan tới nhập tài sản, trang thiết bị y tế.
c) Hệ thống phải cập nhật được thông tin cấp phát tài sản, trang thiết bị y tế cho các bộ phận, Điều chuyển trang thiết bị giữa các bộ phận, Điều chuyển trang thiết bị ra ngoài Trạm, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị; xác định được trường hợp sửa chữa nâng cấp làm tăng giá trị thiết bị để có cơ sở tính khấu hao.
d) Quản lý được danh sách tài sản, trang thiết bị cần thanh lý và quản lý thanh lý tài sản, trang thiết bị.
14. Quản lý truyền thông, giáo dục sức khỏe
Hệ thống có các chức năng quản lý truyền thông, giáo dục sức khỏe như sau:
a) Quản lý hoạt động truyền thông bao gồm các thông tin: tiêu đề, Mục tiêu tuyên truyền, người thực hiện truyền thông, số lượng, đối tượng truyền thông, nội dung tuyên truyền, nơi tuyên truyền, thời gian tuyên truyền.
b) Xây dựng, quản lý, lưu trữ kế hoạch và nội dung giáo dục tuyên truyền sức khỏe cho cộng đồng.
15. Quản lý vệ sinh môi trường
a) Quản lý thông tin các công trình vệ sinh bao gồm: chủ hộ, địa chỉ, loại công trình, tên công trình, ngày ghi nhận, hiện trạng.
b) Quản lý thông tin nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh môi trường: Thông tin chủ hộ, địa chỉ, thông tin loại nguồn nước của hộ dân, kết quả kiểm tra.
16. Quản lý an toàn thực phẩm
a) Quản lý các cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm: Tên cơ sở, địa chỉ, điện thoại, thư điện tử, thông tin giấy chứng nhận.
b) Quản lý ngộ độc thực phẩm
- Thông tin ngộ độc thực phẩm: Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc, người mắc đầu tiên, người mắc cuối cùng, địa điểm, số người ăn, số người mắc, số người đi viện, số người chết, căn nguyên, triệu chứng, lấy mẫu, kiến nghị.
- Thông tin chi tiết: người mắc, tuổi, địa chỉ, ngày mắc, ngày vào viện, ngày ra viện, nguyên nhân, kết quả.
17. Quản lý tài chính - kế toán
Hệ thống có các chức năng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu công tác quản lý tài chính - kế toán, bao gồm:
- Quản lý chứng từ: Phiếu thu, phiếu chi, báo nợ, báo có, chứng từ chi phí, chứng từ khác, chứng từ ngoài bảng;
- Cho phép phân loại chứng từ, phân loại sổ, trạng thái chứng từ;
- Quản lý số dư kế toán: Quản lý số dư đầu năm hoặc khóa số dư năm bất kỳ với hệ thống số liệu liên năm;
- Quản lý dự toán, kế hoạch tài chính: Quản lý, cập nhật dự toán chi phí của đơn vị cho từng tháng và chi tiết đến từng Khoản Mục chi phí, nhân viên.
18. Báo cáo thống kê
Hệ thống quản lý và kết xuất được các biểu mẫu báo cáo thống kê y tế xã, phường, thị trấn như sau:
a) Các biểu mẫu báo cáo theo Thông tư số 27/2014/TT-BYT ngày 14/08/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Hệ thống biểu mẫu thống kê y tế áp dụng đối với các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện và xã (sau đây gọi là Thông tư 27/2014/TT-BYT), bao gồm:
- Báo cáo khám chữa bệnh theo các biểu mẫu: Sổ khám bệnh (A1/YTCS), Sổ theo dõi tử vong (A6/YTCS);
- Báo cáo tiêm chủng bao gồm: Sổ tiêm chủng cơ bản cho trẻ em (A2.1/YTCS), Sổ tiêm chủng cho trẻ em phòng viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn (A2.2/YTCS) và Sổ tiêm vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ (A2.3/YTCS);
- Sổ theo dõi, quản lý người bệnh tâm thần tại cộng đồng (A8/YTCS); Sổ theo dõi, quản lý người bệnh sốt rét (A7/YTCS); Phiếu theo dõi người bệnh Phong; Sổ theo dõi, quản lý bệnh không lây nhiễm (A12/YTCS);
- Sổ theo dõi, quản lý người bệnh Lao tại cộng đồng (A9/YTCS);
- Sổ theo dõi, quản lý người bệnh HIV tại cộng đồng (A10/YTCS);
- Sổ khám thai (A3/YTCS); Sổ đẻ (A4/YTCS); Sổ thực hiện biện pháp Kế hoạch hóa gia đình (A5.1/YTCS); Sổ phá thai (A5.2/YTCS);
- Sổ theo dõi công tác truyền thông giáo dục sức khỏe (A11/YTCS);
- Biểu 1/BCX: Đơn vị hành chính, dân số và tình hình sinh tử;
- Biểu 2/BCX: Ngân sách trạm y tế;
- Biểu 3/BCX: Tình hình nhân lực y tế xã;
- Biểu 4/BCX: Hoạt động chăm sóc bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ;
- Biểu 5/BCX: Hoạt động khám chữa bệnh;
- Biểu 6/BCX: Hoạt động tiêm chủng mở rộng;
- Biểu 7/BCX: Tình hình mắc và tử vong do tai nạn thương tích;
- Biểu 8/BCX: Tình hình mắc và tử vong bệnh truyền nhiễm gây dịch;
- Biểu 9/BCX: Hoạt động phòng chống bệnh xã hội;
- Biểu 10/BCX: Báo cáo tình hình tử vong từ cộng đồng.
b) Biểu mẫu 4 - Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo tháng quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
c) Biểu mẫu số 01, Phụ lục số 04 Thông tư số 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 quy định việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt.
d) Biểu mẫu báo cáo tại Phụ lục 1 - Mẫu báo cáo công tác phòng, chống HIV/AIDS - tuyến xã quy định tại Thông tư số 03/2015/TT-BYT ngày 16/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chế độ báo cáo công tác phòng chống HIV/AIDS.
đ) Biểu mẫu báo cáo tại Phụ lục 2 - Mẫu báo cáo giám sát ca bệnh quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BYT ngày 24/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
e) Biểu mẫu báo cáo về BHYT tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định số: 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2014 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Sổ cấp thuốc BHYT; danh sách đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; tổng hợp chi phí khám chữa bệnh BHYT ngoại trú; bảng tổng hợp chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh BHYT; báo cáo chi phí thuốc BHYT sử dụng; thống kê tổng hợp dịch vụ kỹ thuật sử dụng cho người bệnh BHYT Điều trị.
19. Danh Mục dùng chung
Hệ thống quản lý được tối thiểu các danh Mục sau:
- Danh Mục bệnh (mã bệnh, tên bệnh, nhóm bệnh) theo ICD10;
- Danh Mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, phường, thị trấn quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung danh Mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013; Thông tư 50/2014/TT-BYT ngày 26/12-2014 của Bộ Y tế về việc phân loại phẫu thuật thủ thuật định mức nhân lực trong ca phẫu thuật; Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên bộ Bộ Y tế-Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc;
- Danh Mục thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế;
- Danh Mục vật tư, thiết bị y tế;
- Danh Mục cơ sở khám chữa bệnh;
- Danh Mục cán bộ Trạm Y tế;
- Danh Mục hành chính (thôn phố, xã phường, quận huyện, tỉnh).
20. Quản trị hệ thống
Hệ thống có các chức năng như sau:
a) Quản lý người dùng: Quản lý người dùng hệ thống, phân quyền, nhật ký người sử dụng.
b) Quản lý thông tin về cấu hình hệ thống: Thiết lập tham số cấu hình kết nối cơ sở dữ liệu; thiết lập tham số chế độ làm việc; sao lưu; nhật ký hệ thống đầy đủ mọi hoạt động người dùng; đăng nhập, đăng xuất và các chức năng cấu hình khác liên quan.
III. HẠ TẦNG KỸ THUẬT VÀ NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
1. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin
Có đủ máy trạm, cấu hình phù hợp cho các hoạt động y tế trên môi trường mạng.
2. Điều kiện về đảm bảo an toàn thông tin
Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các máy trạm khi kết nối với môi trường mạng.
3. Nhân lực công nghệ thông tin
Trạm Y tế xã có cán bộ có khả năng vận hành, duy trì hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại Trạm.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Công nghệ thông tin
a) Cục Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Hướng dẫn này trong phạm vi toàn quốc.
b) Tổng hợp và báo cáo Bộ trưởng tình hình ứng dụng công nghệ thông tin tại Trạm Y tế xã.
2. Tổng Cục, các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ
Tổng Cục, các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ có trách nhiệm phối hợp với Cục Công nghệ thông tin trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Hướng dẫn này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Sở Y tế
a) Các Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Hướng dẫn này tại Trạm Y tế xã thuộc thẩm quyền quản lý.
b) Khuyến khích các Sở Y tế sử dụng Phần mềm quản lý Trạm Y tế xã thống nhất cho tất cả các Trạm thuộc thẩm quyền quản lý.
4. Phòng y tế và Trung tâm y tế huyện
a) Chỉ đạo thực hiện Hướng dẫn này tại các Trạm Y tế xã thuộc thẩm quyền quản lý.
b) Xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ tại các Trạm Y tế xã.
c) Kiểm tra, báo cáo tình hình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các Trạm Y tế thuộc thẩm quyền quản lý theo yêu cầu của Sở Y tế, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
5. Trạm Y tế xã
a) Triển khai thực hiện Hướng dẫn này phù hợp với Điều kiện thực tế tại Trạm.
b) Báo cáo về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin tại Trạm về cơ quan quản lý y tế cấp trên theo quy định.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây