Nghị quyết 37/NQ-CP 2022 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 03
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Nghị quyết 37/NQ-CP
Cơ quan ban hành: | Chính phủ |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 37/NQ-CP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Người ký: | Phạm Bình Minh |
Ngày ban hành: | 16/03/2022 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Tư pháp-Hộ tịch |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 16/03/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 03 năm 2022.
Cụ thể, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung của dự án Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi). Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan hoàn thiện dự án Luật, tập trung vào các nội dung sau đây: Vấn đề sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội; Rà soát các quy định của điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm phù hợp và khả thi.
Bên cạnh đó, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục đích xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, tiếp tục lấy thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức liên quan hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); phạm vi điều chỉnh của Luật cần bao quát đến cả 3 đối tượng là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.
Ngoài ra, Chính phủ cũng thông qua đề nghị xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ; dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Xem chi tiết Nghị quyết37/NQ-CP tại đây
tải Nghị quyết 37/NQ-CP
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2022 |
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 03 NĂM 2022
____________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức ngày 04 tháng 03 năm 2022,
QUYẾT NGHỊ:
Chính phủ đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Trong thời gian rất ngắn ngay sau Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 01 năm 2022, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật số 13/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã hoàn thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) theo đúng tiến độ, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đồng chí Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm đúng tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án, dự thảo.
Các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết được trình tại Phiên họp đã cơ bản tập trung cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cam kết quốc tế; bám sát thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như xử lý các vấn đề mới phát sinh, tạo cơ sở pháp lý để phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật gắn liền với mục đích quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực để phát triển; bảo vệ quyền con người, quyền của các thành viên trong gia đình, phát triển bình đẳng giới; quyền học tập, học nghề và tham gia hoạt động lao động của phạm nhân; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, gắn với phân bổ nguồn lực để thực hiện hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật cần phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan, tổ chức liên quan khác; lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; tăng cường truyền thông, tạo đồng thuận, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:
1. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Chính phủ thống nhất với các quan điểm, mục tiêu của dự án Luật; nội dung dự thảo Luật phù hợp với các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Đề nghị xây dựng Luật, nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan hoàn thiện các nội dung sau đây của dự án Luật:
- Về vấn đề sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, hoàn chỉnh theo hướng giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.
- Về điều khoản chuyển tiếp, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát các quy định của điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm phù hợp và khả thi.
Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
2. Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục đích xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Việc xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung, bảo vệ quyền con người, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc nói riêng, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
- Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ; tiếp tục lấy thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức liên quan, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); phạm vi điều chỉnh của Luật cần bao quát đến cả 3 đối tượng là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.
- Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật này và các tài liệu có liên quan cần thể hiện rõ các nội dung mới, quan trọng chưa được pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành quy định, quy định không đầy đủ hoặc các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, bối cảnh của Việt Nam hiện nay, dẫn đến hiệu quả của công tác phòng, chống bạo lực gia đình chưa cao.
- Dự thảo Luật không quy định các nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước; quy định về việc thành lập các cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình phải phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu tích hợp, sử dụng cơ sở dữ liệu chung về dân cư trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Dự thảo Luật chỉ quy định có tổng đài tiếp nhận thông tin, phản ánh về bạo lực gia đình, không quy định những vấn đề quá chi tiết như Tổng đài 111... để bảo đảm sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về kết quả nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật này. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
3. Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
- Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung đề xuất của Bộ Công an về việc tiếp thu, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về vị trí, chức năng của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
- Giao Bộ Công an chủ trì tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ tại Phiên họp, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật, từ nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, đến bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất và chế độ, chính sách bảo đảm phù hợp với tính chất, vị trí, vai trò, chức năng của Lực lượng này là tự quản, tự nguyện, làm nòng cốt trong việc phát huy năng lực của nhân dân ở cơ sở trong sự nghiệp toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn; bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tính đặc thù cho từng vùng miền về lĩnh vực này; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các lực lượng: Công an xã bán chuyên trách, Dân phòng, Bảo vệ dân phố để sửa đổi hoặc bãi bỏ, thay thế kịp thời khi ban hành Luật này, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học cả trong và ngoài ngành Công an; tăng cường hơn nữa truyền thông đến các đối tượng điều chỉnh để tạo sự đồng thuận.
- Đồng ý đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
- Sau khi rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo trong quá trình xây dựng và trình dự án Luật này, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
4. Về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ
- Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án Luật do Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung về phân cấp, phân quyền; cơ chế đặc thù đầu tư, xây dựng công trình đường bộ trong dự án Luật Đường bộ theo nguyên tắc: những gì vướng mắc, bất cập đã phát sinh trong thực tiễn thì cần phải sửa đổi, bổ sung; trường hợp sửa đổi, bổ sung mà gây mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác thì phải có biện pháp xử lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn về việc xác định các khoản thu liên quan đến đường bộ.
- Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, thống nhất về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp; không quy định về tổ chức bộ máy trong các dự án luật; chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, đề xuất xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mới phát sinh.
- Đồng ý đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 02 dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình đề nghị bổ sung 02 dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
- Sau khi rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 02 luật (Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ).
5. Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
- Chính phủ cơ bản thống nhất với hồ sơ dự thảo Nghị quyết và đồng ý phương án 1 như đề xuất của Bộ Công an về áp dụng chính sách thuế đối với tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam.
- Bộ Công an rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo hướng: (i) Bổ sung, tiếp thu ý kiến tham gia hợp lý của các đối tượng tác động của Nghị quyết; (ii) Thiết kế điều khoản riêng quy định rõ nguyên tắc thực hiện thí điểm; (iii) Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết làm cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết.
- Sau khi chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo hướng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây