Thông tư 01/1999/TT-NHNN7 của Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/08/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối.

thuộc tính Thông tư 01/1999/TT-NHNN7

Thông tư 01/1999/TT-NHNN7 của Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/08/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối.
Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:01/1999/TT-NHNN7
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông tư
Người ký:Dương Thu Hương
Ngày ban hành:16/04/1999
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

tải Thông tư 01/1999/TT-NHNN7

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 01/1999/TT-NHNN7
NGÀY 16 THÁNG 4 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH
SỐ 63/1998/NĐ-CP NGÀY 17/08/1998 CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

 

Căn cứ Điều 45 của Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành Nghị định về quản lý ngoại hối như sau:

 

PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

CHƯƠNG I
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

 

MỤC I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

 

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam có ngoại hối và hoạt động ngoại hối.

 

MỤC II. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

 

1. Tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mọi hoạt động ngoại hối của tổ chức, cá nhân phải tuân theo các quy định của Nghị định về quản lý ngoại hối và thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước tại thông tư này và các quy định pháp luật khác về ngoại hối và hoạt động ngoại hối.

2. Tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoại hối chỉ được lưu hành qua Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép hoạt động ngoại hối và qua các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động ngoại hối theo quy định tại Thông tư này.

Người cư trú, người không cư trú là tổ chức hoặc cá nhân được phép thu ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam theo các quy định dưới đây:

a. Người cư trú là tổ chức và cá nhân nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản theo các hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu (giữa hai đơn vị uỷ thác và nhận uỷ thác);

b. Người cư trú là tổ chức nhận ngoại tệ chuyển khoản thông qua việc thực hiện điều chuyển ngoại tệ trong nội bộ (giữa đơn vị có tư cách pháp nhân với đơn vị hạch toán phụ thuộc và ngược lại);

c. Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được phép làm các dịch vụ quốc tế thuộc các ngành hàng không, hàng hải, bưu chính viễn thông, bưu điện, bảo hiểm, du lịch được thu ngoại tệ bằng chuyển khoản theo các quy định sau đây:

Hàng không: Được thu ngoại tệ từ việc:

- Bán các chứng từ vận chuyển hành khách, hàng hoá các tuyến đường bay quốc tế cho mọi đối tượng;

- Bán các chứng từ vận chuyển hành khách, hàng hoá các tuyến đường bay nội địa cho người không cư trú.

- Cung ứng các dịch vụ đại lý hoa tiêu, cung ứng nhiên liệu, thực phẩm và các dịch vụ khác cho các tổ bay của nước ngoài tại các sân bay quốc tế của Việt Nam.

Hàng hải: Được thu ngoại tệ từ việc:

- Bán các chứng từ vận chuyển hàng hải, các tuyến đường biển quốc tế cho mọi đối tượng;

- Bán các chứng từ vận chuyển hành khách, hàng hoá các tuyến nội địa cho người không cư trú;

- Cung ứng các dịch vụ đại lý hoa tiêu, cảng, biển, cung ứng nhiên liệu, thực phẩm và các dịch vụ khác cho các hãng tàu biển nước ngoài tại các cảng biển của Việt Nam.

Bưu điện - Bưu chính viễn thông: Được thu ngoại tệ từ việc cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế cho người không cư trú là tổ chức và cá nhân tại Việt Nam.

Bảo hiểm: Được thu phí bằng ngoại tệ từ việc:

- Bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu, bảo hiểm vận chuyển hàng không, hàng hải quốc tế, bảo hiểm về dầu khí của mọi đối tượng;

- Bảo hiểm đối với các tổ chức và cá nhân người không cư trú ở tại Việt Nam.

Du lịch: Được thu ngoại tệ từ việc tổ chức các chuyến đi du lịch quốc tế cho mọi đối tượng.

d. Người cư trú là tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ cho Ngân hàng được thu ngoại tệ từ các bàn đổi ngoại tệ. Việc đổi ngoại tệ thực hiện theo Quy chế bàn đổi ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước quy định.

đ. Người cư trú là tổ chức kinh doanh bán hàng miễn thuế và cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế (Sân bay, hải cảng, cửa khẩu đường bộ) và kho ngoại quan được niêm yết giá bằng ngoại tệ và nhận ngoại tệ từ việc bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ.

e. Người cư trú là cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan công an cửa khẩu và các cơ quan khác được thu các loại thuế, phí thị thực nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế và các loại phí khác bằng ngoại tệ theo các quy định của pháp luật về thuế, phí;

g. Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh trụ sở, văn phòng làm việc, khách sạn, bệnh viện quốc tế, trường học quốc tế và kinh doanh các dịch vụ khác được phép nhận ngoại tệ chuyển khoản của người không cư trú để thanh toán tiền thuê nhà, thuê trụ sở làm việc, khách sạn hoặc thanh toán các loại viện phí, học phí và thanh toán cho các dịch vụ khác.

h. Người không cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam được phép thu phí Visa, phí lãnh sự và các loại phí khác bằng ngoại tệ theo quy định trong điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia;

i. Người cư trú là nhà thầu nước ngoài được nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư; các nhà thầu phụ được nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ các nhà thầu chính theo các hợp đồng thầu đã ký kết;

k. Người cư trú là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng được Ngân hàng uỷ nhiệm cho làm đơn vị chấp nhận thẻ thanh toán quốc tế được nhận thanh toán từ khách hàng các loại thẻ có giá trị bằng ngoại tệ theo thông lệ quốc tế.

Việc thanh toán giữa ngân hàng thanh toán thẻ với đơn vị chấp nhận thẻ chỉ được thực hiện bằng đồng Việt Nam.

l. Người cư trú là tổ chức được nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ các doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp trong khu chế xuất theo các hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ.

m. Người cư trú, người không cư trú là cá nhân được phép lưu hành ngoại hối dưới các hình thức cất giữ, mang theo người, được nhận ngoại tệ từ nước ngoài gửi về, được chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích được phép, được gửi ngoại tệ vào Ngân hàng dưới hình thức tiền gửi ngoại tệ cá nhân hoặc gửi tiết kiệm ngoại tệ theo các quy định tại Thông tư này;

Trên lãnh thổ Việt Nam, nghiêm cấm người cư trú, người không cư trú là tổ chức, cá nhân mua bán, thanh toán, cho vay với nhau bằng ngoại tệ và niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ trừ trường hợp được phép quy định trong Thông tư này.

n. Người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài được nhận lương, thưởng, phụ cấp bằng ngoại tệ tiền mặt hoặc chuyển khoản.

0. Những trường hợp khác được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Đối với vàng tiêu chuẩn quốc tế thì việc lưu hành được quy định cụ thể tại Chương II Phần thứ sáu Thông tư này.

3. Người cư trú là tổ chức có các khoản thu ngoại tệ tiền mặt theo quy định tại điểm 2. (đ) Mục II Chương I Phần thứ nhất thông tư này phải có giấy phép thu ngoại tệ tiền mặt ở trong nước do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Hồ sơ xin cấp giấy phép thu ngoại tệ tiền mặt gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) bao gồm:

a. Đơn xin cấp giấy phép thu ngoại tệ tiền mặt (Phụ lục 1);

b. Bản sao công chứng quyết định thành lập hoặc quyết định đặt văn phòng của tổ chức;

c. Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép bán hàng miễn thuế hoặc làm các dịch vụ quốc tế.

Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép cho tổ chức. Trường hợp từ chối cấp giấy phép phải trả lời cho tổ chức bằng văn bản về lý do từ chối.

Giấy phép thu ngoại tệ tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước cấp là cơ sở để tổ chức nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản tại Ngân hàng.

Các tổ chức có giấy phép bán hàng và dịch vụ thu ngoại tệ tiền mặt đã được Ngân hàng Nhà nước cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn tiếp tục được hoạt động theo giấy phép đã cấp và phải chấp hành các quy định đã ghi trong giấy phép về thu ngoại tệ tiền mặt và phạm vi hoạt động kinh doanh thu ngoại tệ tiền mặt.

Riêng đối với các khoản thu bằng ngoại tệ tiền mặt của các tổ chức người cư trú và người không cư trú quy định tại điểm 2. (e) và 2. (h) Mục II Chương I Phần thứ nhất Thông tư này thì được phép thu theo các quy định của pháp luật, không cần phải xin phép Ngân hàng nhưng khi nộp ngoại tệ tiền mặt vào Ngân hàng phải có công văn giải trình rõ cho Ngân hàng về nội dung các khoản ngoại tệ thu được.

Các trường hợp khác được phép thu ngoại tệ quy định tại điểm 2 Mục II Chương I Phần thứ nhất thông tư này có phát sinh nhu cầu thu ngoại tệ tiền mặt thì được thực hiện thu ngoại tệ dưới hình thức làm đại lý đổi ngoại tệ cho Ngân hàng. Việc sử dụng ngoại tệ thực hiện theo quy chế bàn đổi ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước quy định.

4. Hoạt động ngoại hối tại khu vực biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới và khu chế xuất được thực hiện theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

 

CHƯƠNG II
ÁP DỤNG ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ, TẬP QUÁN QUỐC TẾ
VÀ PHÁP LUẬT NƯỚC NGOÀI TRONG HOẠT ĐỘNG
NGOẠI HỐI VỚI NƯỚC NGOÀI

 

1. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Nghị định về quản lý ngoại hối thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Trong trường hợp pháp luật Việt Nam không cấm, các bên tham gia hoạt động ngoại hối với nước ngoài có thoả thuận áp dụng tập quán quốc tế hoặc pháp luật nước ngoài, nếu việc áp dụng đó không gây ra hậu quả làm thiệt hại đến lợi ích của Việt Nam.

 

CHƯƠNG III
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

 

Trong Thông tư này, các từ ngữ quy định trong Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 08 năm 1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối được giải thích như sau:

1. Ngoại hối bao gồm:

a. Các đồng tiền hợp pháp của nước ngoài hiện đang được lưu hành dưới các hình thức tiền giấy, tiền kim loại;

b. Các công cụ thanh toán bằng tiền nước ngoài như: séc, thẻ thanh toán, hối phiếu, chứng chỉ tiền gửi ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi bưu điện và các công cụ thanh toán khác;

c. Các loại giấy tờ có giá bằng tiền nước ngoài như: trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;

d. Quyền rút vốn đặc biệt là đồng tiền do Quỹ tiền tệ quốc tế phát hành dùng để dự trữ và thành toán quốc tế cho các nước hội viên, được ký hiệu là "SDR";

Đồng tiền chung Châu âu là đồng tiền chung của các nước thuộc cộng đồng Châu âu dùng để dự trữ và thanh toán giữa các nước thành viên đó.

Các đồng tiền chung khác dùng trong thanh toán quốc tế và khu vực;

đ. Vàng tiêu chuẩn quốc tế được quy định cụ thể tại điểm 8 Chương III "Giải thích từ ngữ" Phần thứ nhất Thông tư này;

e. Đồng tiền đang lưu hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Đồng Việt Nam) trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng làm công cụ trong thanh toán quốc tế.

2. Người cư trú là tổ chức hoặc cá nhân, bao gồm:

a. Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác thuộc mọi thành phần kinh tế của Việt Nam được thành lập và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức kinh tế Việt Nam);

b. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chi nhánh công ty nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu liên doanh với nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác có vốn nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

c. Tổ chức tín dụng Việt Nam, tổ chức tín dụng liên doanh giữa Việt Nam với nước ngoài, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức tín dụng ở Việt Nam);

d. Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;

đ. cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động ở nước ngoài; công dân Việt Nam làm việc trong các tổ chức này và những cá nhân đi theo họ;

e. Văn phòng đại diện của tổ chức kinh tế Việt Nam, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng ở Việt Nam hoạt động tại nước ngoài;

g. Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng;

h. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có thời hạn từ 12 tháng trở lên;

i. Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài (không kể thời hạn).

3. Người không cư trú là tổ chức hoặc cá nhân, bao gồm:

a. Tổ chức kinh tế nước ngoài được thành lập và hoạt động kinh doanh tại nước ngoài;

b. Tổ chức kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hoạt động kinh doanh tại nước ngoài;

c. Tổ chức tín dụng Việt Nam, tổ chức tín dụng nước ngoài ở Việt Nam được thành lập và hoạt động kinh doanh tại nước ngoài;

d. Cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của nước ngoài hoạt động tại nước ngoài;

đ. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của các tổ chức phi chính phủ, lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; người nước ngoài làm việc trong các tổ chức này và những cá nhân đi theo họ;

e. Văn phòng đại diện của tổ chức kinh tế nước ngoài; văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

g. Người nước ngoài cư trú tại nước ngoài; người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có thời hạn dưới 12 tháng;

h. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn từ 12 tháng trở lên;

i. Người nước ngoài đến du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng tại Việt Nam (không kể thời hạn);

Trong trường hợp chưa xác định được tổ chức, cá nhân là Người cư trú hay Người không cư trú thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

4. Hoạt động ngoại hối là các hoạt động đầu tư, vay, cho vay, bảo lãnh, mua, bán và các giao dịch khác về ngoại hối.

5. Tỷ giá hối đoái là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam.

6. Ngoại tệ là đồng tiền của một quốc gia khác hoặc đồng tiền chung của nhiều quốc gia.

7. Ngoại tệ tiền mặt là tiền giấy, tiền kim loại, séc du lịch và công cụ thanh toán tương tự khác bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật.

8. Vàng tiêu chuẩn quốc tế là vàng khối, vàng thỏi, vàng miếng, vàng lá có chất lượng từ 99,5% và trọng lượng từ 1 kg trở lên, có nhãn hiệu của nhà sản xuất vàng được Hiệp hội vàng, Sở giao dịch vàng quốc tế công nhận.

Danh sách các nhà sản xuất vàng được Hiệp hội vàng, Sở giao dịch vàng quốc tế công nhận quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này.

9. Ngân hàng được phép là các ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác và các loại hình ngân hàng khác hiện đang hoạt động tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cho phép hoạt động kinh doanh ngoại hối.

10. Bàn đổi ngoại tệ là tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện các hoạt động thu đổi ngoại tệ tiền mặt. Bàn đổi ngoại tệ có thể do tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối trực tiếp thực hiện hoặc uỷ nhiệm cho tổ chức khác làm đại lý.

11. Giao dịch vãng lai là các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về hàng hoá, dịch vụ, thu nhập từ đầu tư trực tiếp, thu nhập từ đầu tư vào các giấy tờ có giá, lãi vay và lãi tiền gửi nước ngoài, chuyển tiền một chiều và các giao dịch tương tự khác theo quy định của pháp luật.

Chuyển tiền một chiều trong giao dịch vãng lai được hiểu là các giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam hay từ Việt Nam ra nước ngoài qua Ngân hàng, qua bưu điện mang tính chất tài trợ, viện trợ, giúp đỡ gia đình, sử dụng chi tiêu cá nhân không có liên quan đến việc thanh toán hàng hoá và dịch vụ.

12. Thanh toán vãng lai là việc thực hiện thu - chi cho các giao dịch vãng lai được quy định cụ thể tại Phụ lục 3 của Thông tư này.

13. Giao dịch vốn là các giao dịch chuyển vốn vào Việt Nam, chuyển vốn từ Việt Nam ra nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, đầu tư vào các giấy tờ có giá, vay và trả nợ nước ngoài, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật Việt Nam làm tăng hoặc giảm tài sản có hoặc tài sản nợ giữa người cư trú với người không cư trú.

14. Chuyển vốn là việc thực hiện chuyển vốn từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc chuyển vốn từ Việt Nam ra nước ngoài cho các giao dịch vốn được quy định cụ thể tại Phụ lục 4 của Thông tư này.

15. Đầu tư trực tiếp là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hay nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào để tiến hành hoạt động đầu tư theo pháp luật đầu tư của Việt Nam và nước ngoài.

16. Đầu tư vào các giấy tờ có giá là việc đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ trên thị trường tiền tệ và các công cụ tài chính tương lai được phát hành tại Việt Nam hay việc người cư trú đầu tư vào giấy tờ có giá phát hành ở nước ngoài.

17. Vay và trả nợ nước ngoài là người cư trú vay và thực hiện nghĩa vụ trả nợ với người không cư trú dưới mọi hình thức được hạch toán bằng ngoại tệ.

18. Cho vay và thu hồi nợ nước ngoài là việc người cư trú cho vay và thu hồi nợ đối với người không cư trú dưới mọi hình thức được hạch toán bằng ngoại tệ.

19. Tài khoản ở nước ngoài là tài khoản của người cư trú mở tại các ngân hàng hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam.

 

PHẦN THỨ HAI
MỞ TÀI KHOẢN, SỬ DỤNG NGOẠI TỆ CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ
VÀ NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ

CHƯƠNG I
ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN TIỀN GỬI NGOẠI TỆ Ở TRONG NƯỚC CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ

 

MỤC I. ĐỐI VỚI NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC

 

1. Điều kiện mở tài khoản.

Người cư trú là tổ chức có các nguồn thu ngoại tệ từ các giao dịch vãng lai, các giao dịch vốn và các nguồn thu ngoại tệ nói tại diểm 2 Mục II Chương I Phần thứ nhất Thông tư này được mở và duy trì tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng được phép.

2. Thủ tục mở, đóng tài khoản.

Người cư trú là tổ chức khi mở, đóng tài khoản tiền gửi ngoại tệ thực hiện theo các thủ tục do Ngân hàng được phép nơi mở tài khoản quy định.

3. Sử dụng tài khoản.

Phần thu. Người cư trú là tổ chức có tài khoản tiền gửi ngoại tệ được thu ngoại tệ vào tài khoản từ các nguồn sau đây:

a. Thu chuyển khoản từ nước ngoài vào;

b. Thu chuyển khoản ở trong nước đối với các khoản được phép thu theo quy định tại điểm 2 Mục II Chương I Phần thứ nhất thông tư này;

c. Thu chuyển khoản ở trong nước từ việc phát hành giấy tờ có giá bằng ngoại tệ; các khoản lãi thu từ việc đầu tư vào các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ;

d. Thu chuyển khoản ở trong nước từ việc mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối ;

đ. Thu ngoại tệ tiền mặt nộp vào (đối với người cư trú là các tổ chức quy định tại điểm 2 Mục II, Chương I, Phần thứ nhất của thông tư này hoặc được Ngân hàng nhà nước cho phép thu ngoại tệ tiền mật khi xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ );

e. Thu ngoại tệ tiền mặt mang từ nước ngoài nộp vào (có xác nhận Hải quan cửa khẩu);

g. Các nguồn thu ngoại tệ khác dưới hình thức chuyển khoản hoặc nộp ngoại tệ tiền mặt khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Phần chi. Người cư trú là tổ chức có tài khoản tiền gửi ngoại tệ được chi ngoại tệ từ tài khoản vào các mục đích sau đây:

a. Chi thanh toán tiền nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ cho nước ngoài (kể cả các chi phí phát sinh liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ);

b. Chi thanh toán tiền hàng hoá và dịch vụ cho các tổ chức và cá nhân ở trong nước được phép thu ngoại tệ theo quy định tại điểm 2 Mục II Chương I Phần thứ nhất thông tư này;

c. Chi trả nợ gốc, lãi và các chi phí phát sinh khác của các khoản vay bằng ngoại tệ của Ngân hàng trong nước và vay nước ngoài theo các quy định hiện hành;

d. Bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối;

đ. Đầu tư vào các loại giấy tờ có giá được phát hành bằng ngoại tệ và các loại chứng khoán được pháp luật cho phép; Chi thanh toán tiền gốc, lãi các loại giấy có giá và các loại chứng khoán bằng ngoại tệ;

e. Chuyển đổi ra các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ như: séc, thẻ thanh toán và các công cụ thanh toán khác; hoậc chuyển đổi ra các loại ngoại tệ khác theo quy định của Ngân hàng được phép;

g. Góp vốn thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

h. Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài (của nhà đầu tư nước ngoài) theo các quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các quy định khác có liên quan;

i. Chuyển ngoại tệ đầu tư ra nược ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài của Việt Nam;

k. Rút ngoại tệ tiền mặt, chuyển khoản chi cho cá nhân làm việc cho tổ chức khi được cử ra nước ngoài và chi trả lương, thưởng và phụ cấp khác cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho tổ chức đó;

Đối với người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, tổ chức tín dụng nếu có các quy định riêng về việc sử dụng ngoại tệ tại các văn bản pháp luật khác thì được sử dụng ngoại tệ vào các mục đích theo quy định tại các văn bản đó.


MỤC II. ĐỐI VỚI NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ CÁ NHÂN

 

1. Điều kiện mở tài khoản

Người cư trú là cá nhân có ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào qua Ngân hàng hoặc mang theo người khi nhập cảnh vào Việt Nam có xác nhận Hải quan cửa khẩu và các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp khác tại Việt Nam được mở và duy trì tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại các Ngân hàng được phép.

2. Thủ tục đóng mở tài khoản.

Thủ tục mở, đóng tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người cư trú là cá nhân do Ngân hàng được phép mở tài khoản quy định.

3. Sử dụng tài khoản.

Phần thu: Người cư trú là cá nhân có tài khoản tiền gửi ngoại tệ được thu ngoại tệ vào tài khoản từ các nguồn sau đây:

a. Thu ngoại tệ chuyển khoản từ nước ngoài vào theo các hợp đồng xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ hoặc từ nguồn tài trợ, viện trợ được pháp luật cho phép;

b. Thu ngoại tệ tiền mặt mang từ nước ngoài nộp vào (có xác nhận của Hải quan cửa khẩu);

c. Thu ngoại tệ chuyển khoản dưới hình thức cho, tặng, thừa kế phù hợp với quy định của pháp luật;

d. Thu ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt ở trong nước từ việc được phép nhận lương, thưởng và phụ cấp khác bằng ngoại tệ;

đ. Các khoản thu ngoại tệ khác được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Phần chi: Người cư trú là cá nhân có tài khoản tiền gửi ngoại tệ được chi ngoại tệ từ tài khoản vào các mục đích sau đây:

a. Chi thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cho tổ chức và cá nhân ở nước ngoài;

b. Chi thanh toán tiền hàng hoá và dịch vụ cho tổ chức và cá nhân ở trong nước được phép thu ngoại tệ theo quy định tại điểm 2 mục II Chương I Phần thứ nhất Thông tư này;

c. Chuyển ra nước ngoài (bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt) để sử dụng cho cấc mục đích cá nhân theo quy định tại Chương IV Phần thứ ba; Chương V Phần thứ tư của Thông tư này;

d. Bán cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối;

đ. Rút ngoại tệ tiền mặt để sử dụng vào mục đích cất giữ, gửi tiết kiệm ngoại tệ và các mục đích khác được pháp luật cho phép;

e. Đấu tư vào các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ;

g. Chuyển đổi ra các công cụ thanh toán khác bằng tiền nước ngoài như séc, thẻ thanh toán và các công cụ thanh toán khác hoặc được chuyển đổi ra các loại ngoại tệ khác theo quy định của Ngân hàng được phép;

h. Cho, tặng, thừa kế theo quy định của pháp luật;

i. Người cư trú là cá nhân người nước ngoài được phép chuyển ra nước ngoài số ngoại tệ có trên tài khoản ngoại tệ của mình theo quy định tại điểm 3 Mục II Chương IV Phần thứ ba Thông tư này.

4. Gửi tiết kiệm ngoại tệ

Người cư trú là cá nhân có ngoại tệ được gửi tiết kiệm ngoại tệ tại các Ngân hàng được phép. Người gửi tiết kiệm ngoại tệ được hưởng lãi suất bằng ngoại tệ và được rút ra cả gốc và lãi bằng ngoại tệ theo thể lệ tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ.

 

CHƯƠNG II
ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN TIỀN GỬI NGOẠI TỆ Ở TRONG NƯỚC CỦA NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ

MỤC I. ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC
HIỆN ĐANG HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM

 

1. Điều kiện mở tài khoản.

Người không cư trú là tổ chức hiện đang hoạt động tại Việt Nam có ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào qua Ngân hàng hoặc mang theo người khi nhập cảnh vào Việt Nam có xác nhận Hải quan cửa khẩu và các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp khác tại Việt Nam được mở và duy trì tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại các Ngân hàng được phép.

2. Thủ tục mở, đóng tài khoản.

Thủ tục mở, đóng tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Người không cư trú là tổ chức do Ngân hàng được phép nơi mở tài khoản quy định.

3. Sử dụng tài khoản.

Phần thu. Người không cư trú là tổ chức hiện đang hoạt động tại Việt Nam có tài khoản tiền gửi ngoại tệ được thu ngoại tệ vào tài khoản từ các nguồn sau đây:

a. Thu ngoại tệ chuyển khoản từ nước ngoài vào;

b. Thu ngoại tệ chuyển khoản từ tài khoản của người không cư trú khác chuyển sang;

c. Thu ngoại tệ chuyển khoản từ việc bán tiền Đồng Việt Nam trên tài khoản tiền gửi Đồng Việt Nam.

d. Thu ngoại tệ chuyển khoản, tiền mặt nộp vào (đối với Người không cư trú là các tổ chức được phép thu ngoại tệ quy định tại điểm 2 Mục II Chương I Phần thứ nhất Thông tư này);

đ. Thu ngoại tệ tiền mặt mang từ nước ngoài nộp vào (có xác nhận Hải quan cửa khẩu);

e. Các nguồn thu ngoại tệ khác được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Phần chi: Người không cư trú là tổ chức hiện đang hoạt động tại Việt Nam có tài khoản tiền gửi ngoại tệ được chi ngoại tệ từ tài khoản vào các mục đích sau đây:

a. Chi thanh toán tiền nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài;

b. Chi thanh toán tiền hàng hoá và dịch vụ cho tổ chức và cá nhân ở trong nước được phép thu ngoại tệ theo quy định tại điểm 2 Mục II Chương I Phần thứ nhất Thông tư này;

c. Bán cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối;

d. Chuyển đổi ra các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ như: séc, thẻ thanh toán và các công cụ thanh toán khác hoặc chuyển đổi ra các loại ngoại tệ khác theo quy định của Ngân hàng được phép;

đ. Chuyển khoản ra nước ngoài;

e. Rút ngoại tệ tiền mặt, chuyển khoản để chi cho cá nhân làm việc cho tổ chức khi được cử ra nước ngoài và chi trả lương, thưởng và phụ cấp cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho tổ chức;

g. Rút ngoại tệ tiền mặt để mang ra nước ngoài hoặc chi tiêu ở những nơi được Ngân hàng Nhà nước cho phép thu ngoại tệ tiền mặt trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Thông tư này;

h. Chuyển sang tài khoản ngoại tệ của người không cư trú khác;

i. Cho, tặng theo quy định của pháp luật.

 

MỤC II. ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC
ĐANG HOẠT ĐỘNG Ở NƯỚC NGOÀI

 

1. Điều kiện mở tài khoản.

Người không cư trú là tổ chức đang hoạt động ở nước ngoài (dưới đây gọi là Người không cư trú là tổ chức ở nước ngoài) có ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam qua Ngân hàng hoặc mang theo người khi nhập cảnh vào Việt Nam có xác nhận Hải quan cửa khẩu và các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp khác tại Việt Nam được mở và duy trì tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại các Ngân hàng được phép.

2. Thủ tục mở, đóng tài khoản.

Thủ tục mở, đóng tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người không cư trú là tổ chức ở nước ngoài do Ngân hàng được phép nơi mở tài khoản quy định.

3. Sử dụng tài khoản.

Phần thu: Người không cư trú là tổ chức ở nước ngoài có tài khoản tiền gửi ngoại tệ được thu ngoại tệ vào tài khoản từ các nguồn sau đây:

a. Thu chuyển khoản từ nước ngoài vào;

b. Thu chuyển khoản từ tài khoản tiền ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân ở trong nước thanh toán theo các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ;

Phần chi: Người không cư trú là tổ chức ở nước ngoài có tài khoản tiền gửi ngoại tệ được chi ngoại tệ từ tài khoản vào các mục đích sau đây:

a. Chi chuyển khoản ra nước ngoài;

b. Chi thanh toán tiền hàng hoá và dịch vụ cho tổ chức và cá nhân ở Việt Nam theo các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ;

 

MỤC III. ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ LÀ CÁ NHÂN

 

1. Điều kiện mở tài khoản.

Người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam qua Ngân hàng hoặc mang theo người khi nhập cảnh vào Việt Nam có xác nhận Hải quan cửa khẩu và các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp khác tại Việt Nam được mở và duy trì tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại các Ngân hàng được phép.

2. Thủ tục mở, đóng tài khoản.

Thủ tục mở, đóng tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người không cư trú là cá nhân do Ngân hàng được phép nơi mở tài khoản quy định.

3. Sử dụng tài khoản.

Phần thu: Người không cư trú là cá nhân có tài khoản tiền gửi ngoại tệ được thu ngoại tệ vào tài khoản từ các nguồn sau đây:

a. Thu chuyển khoản từ nước ngoài vào;

b. Thu ngoại tệ tiền mặt mang từ nước ngoài nộp vào (có xác nhận của Hải quan cửa khẩu);

c. Thu ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc nhận lương, thưởng, phụ cấp khác của các tổ chức ở trong nước và các nguồn thu ngoại tệ khác được pháp luật Việt Nam cho phép;

d. Thu ngoại tệ chuyển khoản từ việc bán Đồng Việt Nam lấy ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi Đồng Việt Nam;

đ. Các nguồn thu ngoại tệ khác được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép;

Phần chi: Người không cư trú là cá nhân có tài khoản tiền gửi ngoại tệ được chi ngoại tệ từ tài khoản vào các mục đích sau đây:

a. Chuyển khoản ra nước ngoài;

b. Chi thanh toán tiền hàng hoá và dịch vụ cho tổ chức và cá nhân ở trong nước được phép thu ngoại tệ theo quy định tại điểm 2 Mục II, Chương I Phần thứ nhất Thông tư này;

c. Bán cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối;

d. Được chuyển đổi ra các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ như: séc, thẻ thanh toán và các công cụ thanh toán khác; Được chuyển đổi ra các loại ngoại tệ khác theo quy định của Ngân hàng được phép;

đ. Rút ngoại tệ tiền mặt mang theo người khi xuất cảnh hoặc chi tiêu tại những nơi được Ngân hàng Nhà nước cho phép thu ngoại tệ tiền mặt;

e. Chuyển sang tài khoản ngoại tệ của Người không cư trú khác ở trong nước;

g. Cho, tặng, thừa kế theo quy định của pháp luật;

 

CHƯƠNG III
QUYỀN SỬ DỤNG NGOẠI TỆ CỦA CÁ NHÂN

 

1. Người cư trú và Người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào qua Ngân hàng hoặc mang theo người khi nhập cảnh vào Việt Nam có xác nhận của Hải quan cửa khẩu và các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp khác tại Việt Nam được quyền:

a. Cất giữ, mang theo người;

b. Gửi vào Ngân hàng dưới hình thức mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân;

c. Gửi vào Ngân hàng dưới hình thức gửi tiết kiệm ngoại tệ (chỉ áp dụng cho cá nhân là người cư trú);

d. Bán cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối hoặc bàn đổi ngoại tệ.

Ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân được sử dụng vào các mục đích quy định tại điểm 3 Mục II Chương I, điểm 3 Mục III Chương II Phần thứ hai Thông tư này.

2. Người cư trú là cá nhân có ngoại tệ không phải từ các nguồn thu nhập tại điểm 1 nói trên không được mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân mà chỉ được gửi vào Ngân hàng dưới hình thức tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ.

3. Người cư trú và người không cư trú hiện đang có tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân tại các Ngân hàng trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng ngoại tệ trên tài khoản vào các mục đích theo quy định về việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi ngoại tệ của cá nhân (điểm 3 Mục II Chương I, điểm 3 Mục III Chương II Phần thứ hai Thông tư này).

Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các Ngân hàng thực hiện mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân hay nhận tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ đều phải thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.

 

CHƯƠNG IV
ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN
TIỀN GỬI ĐỒNG VIỆT NAM Ở TRONG NƯỚC
CỦA NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ

 

1. Điều kiện mở tài khoản.

Người không cư trú là tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam có Đồng Việt Nam từ việc bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng và các nguồn thu khác bằng Đồng Việt Nam được pháp luật Việt Nam cho phép được mở và duy trì tài khoản tiền gửi Đồng Việt Nam tại các Ngân hàng.

2. Thủ tục mở, đóng tài khoản

Thủ tục mở, đóng tài khoản tiền gửi Đồng Việt Nam của người không cư trú do Ngân hàng nơi mở tài khoản quy định.

3. Sử dụng tài khoản.

Phần thu: Người không cư trú là tổ chức hoặc cá nhân có tài khoản tiền gửi Đồng Việt Nam được thu Đồng Việt Nam vào tài khoản từ các nguồn sau đây:

a. Bán ngoại tệ trên tài khoản cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối;

b. Cung ứng hàng hoá, dịch vụ và các loại phí được pháp luật Việt Nam cho phép;

c. Nhận tiền lương, thưởng và các khoản phụ cấp khác (đối với cá nhân được nhận bằng Đồng Việt Nam tại các tổ chức ở trong nước);

d. Các nguồn thu Đồng Việt Nam khác được pháp luật Việt Nam cho phép.

Phần chi: Người không cư trú là tổ chức hoặc cá nhân có tài khoản tiền gửi Đồng Việt Nam được chi Đồng Việt Nam từ tài khoản vào các mục đích sau đây:

a. Chi thanh toán tiền hàng hoá và dịch vụ cho người cư trú và người không cư trú là tổ chức và cá nhân ở trong nước;

b. Chi mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng để chuyển ra nước ngoài;

c. Rút tiền mặt Đồng Việt Nam để chi tiêu tại Việt Nam;

d. Cho, tặng, thừa kế theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG V
MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN Ở NƯỚC NGOÀI
CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ

 

MỤC I. ĐỐI VỚI NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ CÁC TỔ CHỨC
KINH TẾ VIỆT NAM, DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ
NƯỚC NGOÀI, TỔ CHỨC TÍN DỤNG Ở VIỆT NAM

 

Người cư trú là các tổ chức kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tín dụng ở Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo các quy định sau đây:

1. Tổ chức kinh tế Việt Nam được phép hoạt động kinh doanh quốc tế thuộc các ngành hàng không, hàng hải, bưu điện, bảo hiểm, du lịch, xuất khẩu lao động, nhận thầu các công trình ở nước ngoài có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện các khoản thu - chi thường xuyên, các khoản tiền đặt cọc, ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng tham gia đấu thầu quốc tế; thanh toán bù trừ hoặc thực hiện theo các điều ước, hiệp ước, thoả thuận đã ký với nước ngoài phải gửi hồ sơ xin cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

Hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài (Phụ lục 5);

b. Bản sao công chứng Quyết định thành lập doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c. Các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền bên nước ngoài hoặc bên Việt Nam có liên quan đến yêu cầu, mục đích cần thiết phải mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.

2. Các tổ chức kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện các khoản vay vốn trung - dài hạn có giá trị từ 5.000.000 (năm triệu) đô la Mỹ trở lên hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Các khoản vay này phải được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận cho đăng ký và bên cho vay yêu cầu phải mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để quản lý nguồn vốn vay và theo dõi việc trả nợ. Tổ chức phải gửi hồ sơ xin cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

Hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài (Phụ lục 5);

b. Bản sao công chứng quyết định thành lập doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép đầu tư;

c. Hợp đồng vay vốn đã ký với phía nước ngoài và giấy chấp nhận cho đăng ký khoản vay của Ngân hàng Nhà nước;

d. Văn bản chứng minh bên cho vay nước ngoài yêu cầu phải mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.

3. Các tổ chức kinh tế được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở nước ngoài phải gửi hồ sơ xin cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

Hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài (Phụ lục 5);

b. Bản sao công chứng Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c. Bản sao công chứng Quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở nước ngoài.

4. Các tổ chức tín dụng có nhu cầu mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối ở nước ngoài phải gửi hồ sơ xin cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi Ngân hàng).

Hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài (Phụ lục 6);

b. Bản sao công chứng Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng;

c. Bản sao giấy phép hoạt động ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước cấp.

5. Các tổ chức khác không phải là các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực và phạm vi nói trên có nhu cầu mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

 

MỤC II. ĐỐI VỚI NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC,
ĐƠN VỊ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ,
TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - Xà HỘI, TỔ CHỨC Xà HỘI, TỔ CHỨC
Xà HỘI - NGHỀ NGHIỆP, QUỸ Xà HỘI, QUỸ TỪ THIỆN
CỦA VIỆT NAM HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM

 

Người cư trú là cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ, tiếp nhận viện trợ của nước ngoài hoặc các trường hợp khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ở nước ngoài. Các tổ chức phải gửi hồ sơ xin cấp giấy phép cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

Hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài (Phụ lục 7);

b. Bản sao công chứng quyết định thành lập;

c. Một trong các loại văn bản sau:

- Đối với vay và trả nợ của Chính phủ: Bản sao hợp đồng vay và trả nợ của Chính phủ có quy định việc phải mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài;

- Đối với tiếp nhận viện trợ ở nước ngoài: Văn bản chứng minh bên nước ngoài yêu cầu phải mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để tiếp nhận nguồn vốn viện trợ của nước ngoài;

- Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đối với các trường hợp khác.

 

 

 

MỤC III. TRÁCH NHIỆM BÁO CÁO

 

Người cư trú là các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài có trách nhiệm báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước về tình hình mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo các quy định sau đây:

1. Các tổ chức đã có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cho mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng giấy phép đã cấp, không phải làm thủ tục xin cấp giấy phép mới.

2. Các tổ chức được cấp giấy phép sau ngày thông tư này có hiệu lực thì sau 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) về tình hình mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.

3. Việc mở, sử dụng và đóng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của các tổ chức đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài phải thực hiện theo đúng các nội dung và chế độ báo cáo theo quy định ghi trong giấy phép.

 

 

MỤC IV. ĐỐI VỚI NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ CƠ QUAN NGOẠI GIAO,
CƠ QUAN LàNH SỰ, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VÀ ĐẠI DIỆN
CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - Xà HỘI,
TỔ CHỨC Xà HỘI, TỔ CHỨC Xà HỘI - NGHỀ NGHIỆP,
QUỸ Xà HỘI, QUỸ TỪ THIỆN CỦA VIỆT NAM HOẶC
CÔNG DÂN VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN Ở NƯỚC NGOÀI

 

 

Người cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, lực lượng vũ trang và đại diện các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoặc công dân Việt Nam trong thời gian ở nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo Luật pháp của nước sở tại.

Khi chấm dứt hoặc hết thời hạn ở nước ngoài, các tổ chức và cá nhân nói trên phải đóng tài khoản đã mở tại nước ngoài và chuyển toàn bộ số dư ngoại tệ trên tài khoản về nước (nếu có). Trường hợp có nhu cầu để lại ngoại tệ ở nước ngoài dưới bất cứ hình thức nào đều phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.


CHƯƠNG VI
QUẢN LÝ VIỆC MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN TIỀN GỬI
NGOẠI TỆ Ở TRONG NƯỚC VÀ Ở NƯỚC NGOÀI CỦA
NGƯỜI CƯ TRÚ, TÀI KHOẢN TIỀN GỬI NGOẠI TỆ
VÀ TÀI KHOẢN TIỀN GỬI ĐỒNG VIỆT NAM
CỦA NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ

 

MỤC 1. QUẢN LÝ VIỆC MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN TIỀN GỬI
NGOẠI TỆ Ở TRONG NƯỚC VÀ Ở NƯỚC NGOÀI CỦA
NGƯỜI CƯ TRÚ, TÀI KHOẢN TIỀN GỬI NGOẠI TỆ
VÀ TÀI KHOẢN TIỀN GỬI ĐỒNG VIỆT NAM
CỦA NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ

 

1. Việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi ngoại tệ ở trong nước và ở nước ngoài của người cư trú, tài khoản tiền gửi ngoại tệ và tài khoản tiền gửi Đồng Việt Nam của người không cư trú thực hiện theo quy định tại Chương I, Chương III, Chương IV, Chương V Phần thứ hai của Thông tư này.

2. Ngân hàng Nhà nước tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà quyết định thu hồi giấy phép mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài đã cấp cho Người cư trú là tổ chức, khi có các hành vi vi phạm sau đây:

a. Thường xuyên không báo cáo tình hình sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo quy định về chế độ báo cáo;

b. Sử dụng ngoại tệ trên tài khoản không đúng mục đích quy định trong giấy phép;

c. Tiếp tục duy trì tài khoản ở nước ngoài sau khi đã hết thời hạn hoạt động ở nước ngoài mà chưa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

3. Đối với người cư trú là tổ chức, cá nhân hoạt động và sinh sống ở nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ theo quy định của luật pháp nước sở tại.

Trường hợp khi chấm dứt hoặc hết thời hạn sinh sống và hoạt động ở nước ngoài mà không đóng tài khoản hoặc không chuyển số dư còn lại về nước, hay cố tình để ngoại tệ ở nước ngoài khi chưa được phép của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều bị coi là hành vi vi phạm về quản lý ngoại hối và bị xử lý theo các quy định hiện hành.

 

MỤC II. SỔ SÁCH THEO DÕI, HẠCH TOÁN

 

1. Ngân hàng Nhà nước (Vụ Kế toán tài chính) xây dựng chế độ hạch toán tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người cư trú và người không cư trú, tài khoản tiền gửi Đồng Việt Nam của người không cư trú mở tại ngân hàng hoạt động tại Việt Nam theo các nội dung thu - chi quy định trong Thông tư này.

2. Các Ngân hàng trên cơ sở văn bản hướng dẫn về chế độ hạch toán tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người cư trú và người không cư trú, tài khoản tiền gửi Đồng Việt Nam của người không cư trú, thực hiện mở sổ sách theo dõi và hạch toán tài khoản cho các đối tượng người cư trú và người không cư trú mở tài khoản tại Ngân hàng mình.

3. Khi mở tài khoản cho khách hàng, các Ngân hàng yêu cầu chủ tài khoản sử dụng ngoại tệ trên tài khoản (thu-chi) theo đúng các quy định của Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

 

MỤC III. THỜI HẠN CẤP GIẤY PHÉP MỞ VÀ SỬ DỤNG
TÀI KHOẢN TIỀN GỬI NGOẠI TỆ Ở NƯỚC NGOÀI

 

Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, Ngân hàng Nhà nước thực hiện cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép cho tổ chức và cá nhân xin mở tài khoản, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản trả lời về lý do từ chối không cấp giấy phép.

 

PHẦN THỨ BA
CÁC GIAO DỊCH VàNG LAI

CHƯƠNG I
CHUYỂN NGOẠI TỆ VỀ VIỆT NAM TỪ CÁC NGUỒN THU
VàNG LAI

 

MỤC I. ĐỐI VỚI CÁC NGUỒN THU NGOẠI TỆ CHUYỂN KHOẢN

 

1. Người cư trú là tổ chức có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ hay các nguồn thu từ các giao dịch vãng lai khác ở nước ngoài phải chuyển ngay về nước vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình mở tại các Ngân hàng được phép đang hoạt động tại Việt Nam (Các khoản chuyển tiền bằng điện, bằng thư và các hình thức chuyển tiền khác thực hiện theo thông lệ quốc tế. Các khoản chuyển tiền thanh toán bằng Thư tín dụng (L/C) thực hiện theo thời hạn ghi trong hợp đồng).

2. Người cư trú là tổ chức thuộc đối tượng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài, khi có nguồn thu ngoại tệ ở nước ngoài được để lại một phần hay toàn bộ số ngoại tệ thu được và gửi vào tài khoản ngoại tệ mở ở nước ngoài để sử dụng vào các mục đích đã được quy định trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Số ngoại tệ còn lại phải chuyển về nước.

 

MỤC II. ĐỐI VỚI THU NGOẠI TỆ TIỀN MẶT

 

1. Người cư trú là tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cho phép bán hàng và cung cấp dịch vụ thu ngoại tệ tiền mặt như các cửa hàng bán hàng miễn thuế, các đơn vị cung cấp dịch vụ cho Người không cư trú ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, kho ngoại quan, thu các loại thuế, phí bằng ngoại tệ tiền mặt phải nộp số ngoại tệ tiền mặt thu được vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình tại Ngân hàng được phép trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày thu được ngoại tệ tiền mặt (Trừ số ngoại tệ được để lại tồn quỹ sử dụng hàng ngày, mức ngoại tệ tiền mặt để lại sử dụng hàng ngày do thủ trưởng đơn vị cùng ngân hàng quản lý tài khoản thoả thuận).

2. Người cư trú là tổ chức có nguồn thu ngoại tệ tiền mặt ở nước ngoài từ việc xuất khẩu hàng hoá, cung cấp dịch vụ, tổ chức hội chợ, triển lãm... phải nộp số ngoại tệ tiền mặt thu được vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình tại Ngân hàng đưọc phép trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày ngoại tệ được mang về nước có xác nhận của Hải quan cửa khẩu.

 

CHƯƠNG II
NGHĨA VỤ BÁN NGOẠI TỆ CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC

 

1. Người cư trú là tổ chức kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được Chính phủ Việt Nam bảo đảm hỗ trợ cân đối ngoại tệ, chi nhánh công ty nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu liên doanh với nước ngoài, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam phải bán số ngoại tệ thu được từ các nguồn thu vãng lai cho các ngân hàng được phép theo tỷ lệ do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ.

2. Tỷ lệ và thời hạn thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ từ các nguồn thu vãng lai của Người cư trú là tổ chức thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước.

3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh không được Chính phủ Việt Nam bảo đảm cân đối ngoại tệ không phải bán số ngoại tệ thu được từ các nguồn thu vãng lai và phải tự đảm bảo cân đối về nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động kinh doanh của mình.

 

CHƯƠNG III
QUYỀN MUA NGOẠI TỆ CỦA TỔ CHỨC

 

MỤC I. ĐỐI VỚI NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC

 

1. Người cư trú là tổ chức kinh tế Việt Nam, chi nhánh công ty nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu liên doanh với nước ngoài, tổ chức tín dụng ở Việt Nam, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam được mua ngoại tệ tại các ngân hàng được phép để đáp ứng cho các nhu cầu thanh toán vãng lai hay thanh toán cho các giao dịch được phép khác trên cơ sở xuất trình các giấy tờ hợp lệ có liên quan.

2. Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được mua ngoại tệ tại các ngân hàng được phép để đáp ứng cho các nhu cầu thanh toán vãng lai hay thanh toán cho các giao dịch được phép khác theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

3. Quyền mua ngoại tệ của người cư trú là tổ chức tại điểm 1, điểm 2 nói trên thực hiện theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước

 

MỤC II. ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC

 

Người không cư trú là cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện các tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện các tổ chức phi chính phủ, lực lượng vũ trang và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức kinh tế nước ngoài và văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có các nguồn thu bằng đồng Việt Nam từ việc cấp Visa, thu các loại phí hay từ việc bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng và các nguồn thu bằng đồng Việt Nam được pháp luật Việt Nam cho phép thì được mua ngoại tệ tại các ngân hàng được phép. Khi mua và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài người không cư trú là tổ chức phải gửi cho Ngân hàng được phép các loại giấy tờ sau đây:

1. Đơn xin mua ngoại tệ trong đó nói rõ mục đích, nhu cầu mua ngoại tệ;

2. Các giấy tờ có liên quan chứng minh nguồn Đồng Việt Nam thu được từ các nguồn thu được pháp luật Việt Nam cho phép;

3. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động hay giải thể về nước trước thời hạn, khi mua ngoại tệ phải có văn bản của cơ quan thuế có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam;

Sau khi người không cư trú là tổ chức đã xuất trình đầy đủ cho Ngân hàng được phép những giấy tờ cần thiết nói trên, Ngân hàng được phép có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của các giấy tờ và thực hiện bán ngoại tệ cho người không cư trú và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo các thủ tục quy định hiện hành.

 

CHƯƠNG IV
MUA, CHUYỂN NGOẠI TỆ RA NƯỚC NGOÀI CỦA CÁ NHÂN

 

MỤC I. ĐỐI VỚI NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ CÔNG DÂN VIỆT NAM

 

1. Công dân Việt Nam có ngoại tệ được chuyển, mang ra nước ngoài sử dụng vào các mục đích: đi du lịch, học tập, công tác, thăm viếng, chữa bệnh, trả tiền hội viên và các loại phí khác cho nước ngoài hoặc trợ cấp, thừa kế cho gia đình và người thân ở nước ngoài theo các quy định sau đây:

a. Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài chi phí cho bản thân, gia đình và người thân đi du lịch, học tập, công tác, thăm viếng, chữa bệnh, trả tiền hội viên và các loại phí khác cho nước ngoài:

Trường hợp chuyển ngoại tệ từ số dư trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ mở tại Ngân hàng được phép, Công dân Việt Nam phải gửi hồ sơ cho Ngân hàng được phép (Ngân hàng thực hiện việc chuyển tiền) để xem xét chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.

Trường hợp chuyển ngoại tệ từ các nguồn khác, Công dân Việt Nam phải gửi hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước (vụ Quản lý Ngoại hối) để xem xét, phê duyệt.

Hồ sơ gửi Ngân hàng được phép (Ngân hàng chuyển tiền) hay gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) tuỳ theo từng trường hợp nói trên bao gồm:

- Đơn xin chuyển ngoại tệ ra nước ngoài (Phụ lục 8);

- Giấy tờ hợp pháp chứng minh các nhu cầu thực tế phải chi ngoại tệ ở nước ngoài như thông báo của trường học, giấy xác nhận viện phí của bệnh viện, giấy báo thu phí, lệ phí của nước ngoài và các loại phí khác;

- Bản sao công chứng quyết định cử ra nước ngoài công tác, học tập (đối với người được cử đi công tác, học tập) hoặc các giấy tờ có liên quan khác của cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh.

Ngân hàng được phép (Ngân hàng chuyển tiền) kiểm tra tính hợp pháp của các loại giấy tờ sử dụng vào các mục đích nói trên và thực hiện chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo địa chỉ mà người chuyển ngoại tệ yêu cầu. Đối với trường hợp do Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) phê duyệt thì phải có Giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở giấy phép của Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng được phép thực hiện việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho người có yêu cầu.

Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho gia đình và người thân nói trong Thông tư này là việc chuyển cho những người có quan hệ: bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột.

b. Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài vào các mục đích trợ cấp, thừa kế cho gia đình và người thân ở nước ngoài:

Công dân Việt Nam có nhu cầu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để trợ cấp, thừa kế cho gia đình và người thân ở nước ngoài phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

Khi có nhu cầu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài vào các mục đích nói trên Công dân Việt Nam phải gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối). Hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ quy định tại điểm 1. (a) nói trên, ngoài ra phải có xác nhận của chính quyền địa phương về quan hệ gia đình, thân nhân hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chia thừa kế.

Mức ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài để trợ cấp khó khăn cho gia đình và người thân ở nước ngoaì mỗi năm tối đa khong quá 5.000 (năm nghìn) đô la Mỹ hay ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

Mức ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài cho mục đích thừa kế mỗi năm tối đa không quá 10.000 (mười nghìn) Đô la Mỹ hay ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

Số ngoại tệ còn lại (nếu có) được gửi tại Ngân hàng được phép và được chuyển dần ra nước ngoài, mỗi năm không quá mức quy định trên.

Số ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài theo mức quy định trên có thể được chuyển một lần hoặc nhiều lần tuỳ theo nhu cầu của người chuyển ngoại tệ.

Ngân hàng được phép chỉ thực hiện chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích trợ cấp, thừa kế cho gia đình và người thân ở nước ngoài sau khi đã có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

c. Công dân Việt Nam có nhu cầu mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài (trên mức ngoại tệ phải khai báo hải quan cửa khẩu) sử dụng vào các mục đích theo quy định tại điểm 1.(a), 1.(b) nói trên thì được Ngân hàng cấp giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài theo quy định sau đây:

- Ngoại tệ tiền mặt mang ra nước ngoài là ngoại tệ rút từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân mở tại Ngân hàng được phép: phải có giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài do Ngân hàng được phép cho rút ngoại tệ tiền mặt cấp (theo mẫu Giấy phép tại Phụ lục 9).

- Ngoại tệ tiền mặt mang ra nước ngoài không phải là ngoại tệ rút từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân: phải có giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) cấp.

2. Công dân Việt Nam có nhu cầu ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích theo quy định tại điểm 1 nói trên, được liên hệ với các Ngân hàng được phép để mua ngoại tệ sau khi gửi cho Ngân hàng đơn xin mua ngoại tệ (Phụ lục 8) và các giấy tờ có liên quan (Bộ hồ sơ xin mua ngoại tệ cũng bao gồm các loại giấy tờ như xin chuyển ngoại tệ ra nước ngoài quy định tại điểm 1.(a), 1.(b) nói trên).

3. Thời hạn để Ngân hàng thực hiện việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, cấp giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài cho công dân Việt Nam có nhu cầu được quy định tối đa không quá 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng nhận đầy đủ các giấy tờ hợp pháp liên quan đền việc mua, chuyển, mang ngoại tệ. Trường hợp từ chối, Ngân hàng phải thông báo lý do từ chối cho người có yêu cầu biết.

4. Các Ngân hàng được quyền cấp giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài có trách nhiệm thông báo về mẫu dấu của cơ quan và chữ ký của Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng (hoặc người được uỷ quyền ký giấy phép) cho Tổng cục Hải quan và Hải quan cửa khẩu biết để giám sát, quản lý và theo dõi.

 

MỤC II. ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ VÀ NGƯỜI CƯ TRÚ
LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

 

1. Người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại các Ngân hàng được chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định sau đây:

a. Chuyển qua Ngân hàng: Thực hiện theo các thủ tục về chuyển tiền do Ngân hàng chuyển tiền quy định.

b. Mang ngoại tệ tiền mặt theo người khi xuất cảnh: người không cư trú được phép rút ngoại tệ tiền mặt từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ để mang theo người khi xuất cảnh. Nếu số lượng ngoại tệ tiền mặt mang theo người vượt quá mức quy định phải khai báo Hải quan cửa khẩu thì phải có giấy phép mang ngoại tệ ra nước ngoài do Ngân hàng cho rút ngoại tệ tiền mặt cấp (theo mẫu tại Phụ lục 9).

c. Khi hết thời hạn làm việc tại Việt Nam hoặc kết thúc hợp đồng lao động ký với phía Việt Nam có nhu cầu chuyển ra nước ngoài toàn bộ số thu nhập bằng ngoại tệ trong thời gian ở Việt Nam thì khi làm thủ tục chuyển tiền phải xuất trình cho Ngân hàng chuyển tiền văn bản của cơ quan thuế có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chình ở Việt Nam.

d. Khi có nhu cầu mang ra nước ngoài ngoại tệ tiền mặt từ nguồn thu nhập khác được pháp luật Việt Nam cho phép (không phải rút ra từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ mở tại Ngân hàng) mà số lượng ngoại tệ tiền mặt trên mức phải khai báo Hải quan cửa khẩu, phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

2. Người không cư trú là cá nhân có các khoản thu nhập bằng đồng Việt Nam từ lương, thưởng, phu cấp hoặc các nguồn thu khác bằng đồng Việt Nam được pháp luật Việt Nam cho phép thì được sử dụng số đồng Việt Nam đó để mua ngoại tệ tại các Ngân hàng được phép và được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài khi có nhu cầu.

Khi hết thời hạn ở Việt Nam hoặc kết thúc hợp đồng lao động ký với phía Việt Nam, Người không cư trú có nhu cầu chuyển toàn bộ số ngoại tệ mua được ra nước ngoài, phải xuất trình cho Ngân hàng chuyển tiền văn bản của cơ quan thuế có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính ở Việt Nam.

Việc mua ngoại tệ chuyển ra nước ngoài được thực hiện bằng chuyển khoản qua Ngân hàng hoặc được mua ngoại tệ tiền mặt. Trường hợp mua ngoại tệ tiền mặt với số lượng trên mức phải khai báo hải quan cửa khẩu thì phải có giấy phép mang ngoại tệ ra nước ngoài do Ngân hàng bán ngoại tệ cấp (theo mẫu Giấy phép tại Phụ lục 9)

3. Người cư trú là người nước ngoài làm việc trong các tổ chức ở Việt Nam có ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ mở tại Ngân hàng được chuyển ra nước ngoài dưới các hình thức chuyển khoản qua Ngân hàng hoặc rút ngoại tệ tiền mặt mang theo người ra nước ngoài khi xuất cảnh.

a. Người cư trú là người nước ngoài hết thời hạn làm việc tại Việt Nam hoặc kết thúc hợp đồng lao động ký với phía Việt Nam có nhu cầu chuyển ra nước ngoài toàn bộ số thu nhập bằng ngoại tệ trong thời gian ở Việt Nam phải xuất trình cho Ngân hàng chuyển tiền văn bản của cơ quan thuế có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính ở Việt Nam.

Ngân hàng chuyển tiền kiểm tra tính hợp pháp của các loại giấy tờ trên làm thủ tục chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo địa chỉ yêu cầu của người chuyển tiền.

b. Người cư trú là người nước ngoài có tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại Ngân hàng khi có nhu cầu được rút ngoại tệ tiền mặt mang theo người khi xuất cảnh. Nếu số lượng ngoại tệ vượt quá mức phải khai báo Hải quan cửa khẩu thì phải có giấy phép mang ngoại tệ ra nước ngoài của Ngân hàng cho rút ngoại tệ tiền mặt cấp (theo mẫu Giấy phép tại Phụ lục 9).

Trường hợp mang ngoại tệ tiền mặt mà số ngoại tệ tiền mặt này từ các nguồn thu nhập khác được pháp luật Việt Nam cho phép (không phải rút ra từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại Ngân hàng), có số lượng trên mức phải khai báo Hải quan cửa khẩu thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

c. Người cư trú là người nước ngoài có nhận lương, thưởng, phụ cấp và có các khoản thu nhập hợp pháp khác bằng Đồng Việt Nam được Pháp luật Việt Nam cho phép khi có nhu cầu chuyển đổi thành ngoại tệ thì được mua ngoại tệ tại các Ngân hàng được phép để chuyển ra nước ngoài.

Ngân hàng được phép bán ngoại tệ và thực hiện các thủ tục chuyển, mang ngoại tệ theo như các quy định tại điểm 3.(a), 3.(b) nói trên.

4. Ngân hàng cấp giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài cho người không cư trú hoặc cho người cư trú là người nước ngoài rút ngoại tệ tiền mặt từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ mở tại Ngân hàng phải có trách nhiệm thông báo về mẫu dấu của cơ quan và chữ ký của Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng (hoặc người được uỷ quyền ký giấy phép) cho Tổng cục Hải quan và Hải quan cửa khẩu biết để giám sát, quản lý và theo dõi.

 

CHƯƠNG V
MANG NGOẠI TỆ TIỀN MẶT, ĐỒNG VIỆT NAM BẰNG
TIỀN MẶT VÀ VÀNG TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ
KHI XUẤT, NHẬP CẢNH

 

1. Căn cứ vào tình hình thực tế trong từng thời kỳ, Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước qui định mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng tiêu chuẩn quốc tế mà cá nhân được mang ra, mang vào khi xuất nhập cảnh không phải khai báo Hải quan cửa khẩu và hướng dẫn thực hiện các quy định về việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng tiêu chuẩn quốc tế khi xuất nhập cảnh.

2. Cá nhân khi nhập cảnh vào Việt Nam có mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng tiêu chuẩn quốc tế vượt mức quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải làm thủ tục khai báo Hải quan tại cửa khẩu. Đối với cá nhân là người cư trú muốn nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình mở tại các ngân hàng được phép thì phải có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang từ nước ngoài vào. Đối với cá nhân là người không cư trú được nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình với số lượng ngoại tệ dưới mức phải khai báo Hải quan; Trường hợp nộp ngoại tệ trên mức phải khai báo hải quan thì phải có xác nhận Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ mang từ nước ngoài vào hoặc các giấy tờ chứng minh nguồn thu hợp pháp tại Việt Nam.

3. Cá nhân khi xuất cảnh ra nước ngoài có mang theo ngoại tệ tiền mặt, Đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng tiêu chuẩn quốc tế vượt mức quy định phải khai báo Hải quan hoặc vượt quá số lượng đã mang vào có khai báo Hải quan khi nhập cảnh thì phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

4. Cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt, Đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng tiêu chuẩn quốc tế khi xuất nhập cảnh trong từng thời kỳ thực hiện theo quy định riêng của Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước.

5. Cá nhân khi xuất nhập cảnh Việt Nam có mang theo các loại công cụ thanh toán và các loại giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ hoặc bằng Đồng Việt Nam không phải là tiền mặt không phải làm thủ tục khai báo Hải quan cửa khẩu.

 

PHẦN THỨ TƯ
CÁC GIAO DỊCH VỐN

CHƯƠNG I
CHUYỂN NGUỒN THU NGOẠI TỆ VỀ VIỆT NAM
TỪ CÁC GIAO DỊCH VỐN

 

Người cư trú là tổ chức có ngoại tệ thu được từ các giao dịch vốn ở nước ngoài như vốn góp (vốn pháp định, vốn tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh và các hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài khác), vốn vay nước ngoài, thu hồi vốn cho vay nước ngoài (kể cả hình thức phát hành trái phiếu quốc tế) phải chuyển toàn bộ về Việt Nam và gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại các Ngân hàng được phép theo đúng tiến độ và thời hạn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Người cư trú là tổ chức có ngoại tệ thu được từ các giao dịch vốn ở nước ngoài nhưng có nhu cầu để lại ở nước ngoài chưa chuyển về nước theo quy định nói trên (kể cả việc chưa chuyển một phần hoặc chuyển không đúng tiến độ) phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

Việc bán ngoại tệ thu từ các giao dịch vốn cho các ngân hàng được phép thực hiện trên cơ sở thoả thuận. Ngoại tệ thu được từ các giao dịch vốn gửi trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ được sử dụng vào các mục đích theo quy định tại Mục I Chương I Phần thứ hai của Thông tư này.

 

CHƯƠNG II
QUẢN LÝ VAY VÀ TRẢ NỢ, CHO VAY VÀ
THU HỒI NỢ NƯỚC NGOÀI

 

Việc quản lý các hoạt động vay và trả nợ nước ngoài, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài thực hiện theo quy định riêng của pháp luật.

Việc chuyển tiền để thực hiện vay và trả nợ, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức tín dụng ở Việt Nam phải thực hiện qua các Ngân hàng được phép và chỉ được thực hiện khi đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.

 

CHƯƠNG III
ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP

 

MỤC I. ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP VÀO VIỆT NAM

 

1. Nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích chuyển vốn đầu tư bằng ngoại hối từ nước ngoài vào Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

2. Nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển vốn vào tài khoản mở tại Ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam theo đúng tiến độ được quy định trong Hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc điều lệ của doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được sử dụng vốn vào đúng mục đích quy định trong giấy phép đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

3. Trong quá trình hoạt động, chậm nhất là ngày 15/1 và 15/7 hàng năm, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh định kỳ 6 tháng phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố trên địa bàn) về tình hình thực hiện vốn đầu tư (bằng tài sản, bằng tiền) và vốn tái đầu tư, chuyển lợi nhuận về nước.

4. Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển lợi nhuận, doanh thu được chia (đối với Hợp đồng hợp tác kinh doanh trên cơ sở chia doanh thu) và thu nhập hợp pháp khác ra nước ngoài sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam.

a. Khi thực hiện việc chuyển lợi nhuận, doanh thu được chia và thu nhập hợp pháp khác ra nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài phải có trách nhiệm xuất trình cho các Ngân hàng được phép các loại giấy tờ sau:

- Bản sao có công chứng báo cáo tài chính có xác nhận của Kiểm toán;

- Biên bản của Hội đồng quản trị (hoặc Ban quản lý dự án đối với Hợp đồng hợp tác kinh doanh) về việc phân chia lợi nhuận (hoặc chia doanh thu);

- Văn bản của cơ quan thuế có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam;

b. Khi chuyển vốn pháp định, vốn tái đầu tư, vốn thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh ra nước ngoài, Nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm xuất trình cho Ngân hàng được phép các loại giấy tờ sau:

- Bản sao có công chứng Báo cáo thanh lý Doanh nghiệp hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh được chuẩn y của cơ quan cấp giấy phép đầu tư;

- Văn bản của cơ quan thuế có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam.

Trường hợp số tiền chuyển ra cao hơn số vốn Pháp định, vốn thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh và vốn tái đầu tư, thì số tiền tăng thêm chỉ được chuyển ra khi có xác nhận của cơ quan cấp giấy phép đầu tư.

c. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để trả nợ nước ngoài bao gồm gốc, lãi và các loại phí theo Hợp đồng vay ký kết với Bên cho vay nước ngoài. Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để trả nợ phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài.

Việc mua ngoại tệ để chuyển lợi nhuận, doanh thu được chia, vốn đầu tư, vốn tái đầu tư của Nhà đầu tư ra nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Mục I chương III Phần thứ ba thông tư này.

 

MỤC II. ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP RA NƯỚC NGOÀI

 

1. Người cư trú là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (dưới đây gọi là Nhà đầu tư Việt Nam), được chuyển ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình ra nước ngoài để đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Nhà đầu tư Việt Nam phải mở một tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại một ngân hàng được phép ở Việt Nam và đăng ký số hiệu tài khoản, ngân hàng mở tài khoản với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, thành phố trên địa bàn (nơi Nhà đầu tư Việt Nam có vốn đầu tư ra nước ngoài đặt trụ sở chính), thông qua tài khoản này thực hiện các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài để góp vốn đầu tư hoặc chuyển vốn đầu tư, vốn tái đầu tư, chuyển lợi nhuận, doanh thu được chia và các thu nhập hợp pháp khác ở nước ngoài về nước.

2. Nhà đầu tư Việt Nam phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, Thành phố trên địa bàn và thực hiện việc chuyển vốn đầu tư (bằng tiền và tài sản) ra nước ngoài theo đúng tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ hoặc Hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư phê duyệt.

Nhà đầu tư Việt Nam được phép dùng ngoại tệ có từ nguồn thu xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ để chuyển ra nước ngoài góp vốn đầu tư, trường hợp chuyển đổi đồng Việt Nam ra ngoại tệ để góp vốn đầu tư ra nước ngoài phải được phép của Ngân hàng Nhà nước.

3. Hàng năm, Nhà đầu tư Việt Nam ở nước ngoài phải chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác về nước trong thời gian chậm nhất là 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính của nước tiếp nhận đầu tư.

Khi kết thúc dự án, giải thể trước hạn, hoặc không triển khai được dự án, Nhà đầu tư Việt Nam phải chuyển vốn đầu tư, vốn tái đầu tư và các khoản thu được sau khi thanh lý về nước trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc việc thanh lý.

Khi kết thúc năm tài chính hoặc kết thúc hay chấm dứt đầu tư tại nước ngoài, Nhà đầu tư Việt Nam phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước về tình hình chuyển vốn, lợi nhuận và các thu nhập hợp pháp khác về Việt Nam.

4. Trường hợp Nhà đầu tư Việt Nam sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư hoặc kéo dài thời hạn đầu tư ở nước ngoài, phải đăng ký với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố (nơi Nhà đầu tư Việt Nam mở tài khoản) về tình hình sử dụng lợi nhuận được chia để tái đầu tư hoặc kéo dài thời hạn đầu tư.

 

CHƯƠNG IV
ĐẦU TƯ VÀO CÁC GIẤY TỜ CÓ GIÁ

 

MỤC I. ĐẦU TƯ VÀO GIẤY TỜ CÓ GIÁ PHÁT HÀNH TẠI VIỆT NAM

 

Người không cư trú được đầu tư vào các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ được phép phát hành tại Việt Nam. Điều kiện, thủ tục đầu tư vào các giấy tờ có giá thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

 

MỤC II. ĐẦU TƯ VÀO CÁC GIẤY TỜ CÓ GIÁ DO NGƯỜI
KHÔNG CƯ TRÚ PHÁT HÀNH TẠI NƯỚC NGOÀI

 

Khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, người cư trú được đầu tư vào các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ do người không cư trú phát hành tại nước ngoài.

 

CHƯƠNG V
QUẢN LÝ NGOẠI HỐI TRONG TRƯỜNG HỢP ĐỊNH CƯ

 

MỤC I. ĐỐI VỚI NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ CÔNG DÂN VIỆT NAM
ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI

 

1. Công dân Việt Nam có ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào qua ngân hàng, mang theo người khi nhập cảnh vào Việt Nam có xác nhận của Hải quan cửa khẩu và các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp khác tại Việt Nam hiện đang gửi trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân, gửi tiết kiệm ngoại tệ tại Ngân hàng hay tự cất giữ, khi được phép xuất cảnh định cư ở nước ngoài được chuyển, mang ra nước ngoài số ngoại tệ nói trên để phục vụ cho cuộc sống định cư ở nước ngoài. Việc chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thực hiện theo các quy định sau:

a. Chuyển ngoại tệ qua ngân hàng ra nước ngoài:

Khi chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, Công dân Việt Nam phải gửi đến Ngân hàng được phép (Ngân hàng thực hiện việc chuyển ngoại tệ) các loại giấy tờ hợp pháp sau đây:

- Đơn xin chuyển ngoại tệ (Phụ lục 8);

- Bản sao có công chứng Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh để định cư ở nước ngoài;

- Hộ chiếu có thị thực nhập cảnh (đối với những nước có thị thực xuất nhập cảnh);

- Bản sao công chứng các giấy tờ chứng minh ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào hay thu nhập hợp pháp tại Việt Nam như tờ khai Hải quan có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ mang vào khi nhập cảnh, giấy báo ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về và các loại giấy tờ khác xác nhận ngoại tệ có được từ nguồn thu nhập được pháp luật Việt Nam cho phép.

Các Ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của các loại giấy tờ nói trên để thực hiện việc chuyển ngoại tệ qua ngân hàng ra nước ngoài cho công dân Việt Nam được phép xuất cảnh để định cư ở nước ngoài theo chế độ chuyển ngoại tệ hiện hành.

b. Mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài:

Công dân Việt Nam được phép xuất cảnh để định cư ở nước ngoài nếu mang theo người ngoại tệ tiền mặt dưới mức phải khai báo Hải quan cửa khẩu thì không cần phải có giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài do Ngân hàng cấp.

Công dân Việt Nam được phép xuất cảnh để định cư ở nước ngoài có nhu cầu mang ngoại tệ tiền mặt trên mức phải khai báo Hải quan cửa khẩu thì việc xin cấp giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt thực hiện theo quy định sau đây:

- Đối với ngoại tệ tiền mặt rút từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân mở tại Ngân hàng: phải có giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài do Ngân hàng được phép cho rút ngoại tệ tiền mặt cấp:

Công dân Việt Nam phải gửi cho Ngân hàng được phép nơi rút ngoại tệ các loại giấy tờ sau:

+ Đơn xin mang ngoại tệ ra nước ngoài (Phụ lục 8);

+ Bản sao có công chứng Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh định cư ở nước ngoài;

+ Hộ chiếu đã có thị thực nhập cảnh (đối với những nước có thị thực xuất nhập cảnh);

Các Ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của các loại giấy tờ nói trên thực hiện việc cấp giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt (theo mẫu Giấy phép tại phụ lục 9) cho công dân Việt Nam được phép xuất cảnh để định cư ở nước ngoài.

- Đối với ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào hoặc ngoại tệ thu nhập ở trong nước được pháp luật Việt Nam cho phép hiện đang gửi tiết kiệm hay tự cất giữ: phải có giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) cấp:

Công dân Việt Nam phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) các loại giấy tờ sau:

+ Đơn xin mang ngoại tệ ra nước ngoài (Phụ lục 8);

+ Bản sao có công chứng Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh định cư ở nước ngoài;

+ Hộ chiếu đã có thị thực nhập cảnh (đối với những nước có thị thực xuất nhập cảnh);

+ Bản sao công chứng các giấy tờ chứng minh ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vao hay thu nhập hợp pháp tại Việt Nam như tờ khai Hải quan có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ mang vào khi nhập cảnh, giấy báo ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về và các loại giấy tờ khác xác nhận ngoại tệ từ nguồn thu nhập được pháp luật Việt Nam cho phép.

Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) xem xét, thực hiện cấp giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt cho Công dân Việt Nam được phép xuất cảnh để định cư ở nước ngoài.

2. Công dân Việt Nam khi được phép xuất cảnh để định cư ở nước ngoài có nguồn đồng Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) xem xét duyệt cho mua ngoại tệ tại các Ngân hàng được phép để chuyển hoặc mang ra nước ngoài cho mỗi người với số lượng tối đa không quá 15.000 (mười lăm nghìn) đô la Mỹ hay ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

Công dân Việt Nam được phép xuất cảnh để định cư có nhu cầu mua ngoại tệ phải gửi hồ sơ xin mua ngoại tệ đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

Hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

- Đơn xin mua, chuyển ngoại tệ (Phụ lục 8);

- Bản sao có công chứng Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh định cư ở nước ngoài;

- Hộ chiếu đã có thị thực nhập cảnh (đối với những nước có thị thực xuất nhập cảnh);

Trên cơ sở Giấy chấp thuận cho mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng được phép căn cứ vào khả năng ngoại tệ của mình thực hiện bán và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo yêu cầu của người mua ngoại tệ. Trường hợp bán ngoại tệ tiền mặt thì được Ngân hàng cấp giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài (Trừ trường hợp mang ngoại tệ dưới mức phải khai báo Hải quan cửa khẩu).

Công dân Việt Nam ngoài số tiền đồng Việt Nam đã được mua ngoại tệ chuyển ra nước ngoài theo mức quy định trên, nếu vẫn còn Đồng Việt Nam thì được gửi vào Ngân hàng dưới hình thức tiết kiệm và được mua mỗi năm tối đa không quá 10.000 (mười nghìn) đô la Mỹ hay ngoại tệ khác có giá trị tương đương để chuyển dần ra nước ngoài. Mỗi lần xin mua và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài đều phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

3. Người cư trú được phép xuất cảnh định cư ở nước ngoài được mang theo người số vàng tiêu chuẩn quốc tế mà cá nhân sở hữu hợp pháp (mang từ nước ngoài về có xác nhận Hải quan cửa khẩu hoặc mua tại các tổ chức tín dụng, công ty vàng bạc hoặc là được hưởng thừa kế theo luật pháp). Khi xuất cảnh phải khai báo và xuất trình cho Hải quan cửa khẩu các giấy tờ hợp pháp có liên quan đến nguồn gốc số vàng tiêu chuẩn quốc tế.

4. Thời hạn để Ngân hàng thực hiện việc chuyền ngoại tệ ra nước ngoài, cấp giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài được quy định tối đa không quá 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ các giấy tờ hợp pháp liên quan đến việc mua và chuyển ngoại tệ theo quy định trên. Trường hợp từ chối, Ngân hàng phải thông báo lý do từ chối cho người có yêu cầu mua và chuyển ngoại tệ biết.

Các Ngân hàng cấp giấy phép mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài phải có trách nhiệm thông báo về mẫu dấu của cơ quan và chữ ký của Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng (hoặc người được uỷ quyền ký giấy phép) cho Tổng cục hải quan và Hải quan cửa khẩu biết để giám sát, quản lý và theo dõi.

5. Người cư trú là công dân Việt Nam được phép xuất cảnh định cư ở nước ngoài có nhu cầu mua, chuyển ngoại tệ vượt các quy định nói trên phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

 

MỤC II. ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG CƯ TRÚ LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĐỊNH CƯ Ở VIỆT NAM

 

Người không cư trú là người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam để định cư được mang, chuyển ngoại tệ và vàng tiêu chuẩn quốc tế vào Việt Nam; Trường hợp mang trên mức quy định phải làm thủ tục khai báo hải quan cửa khẩu.

Ngoại tệ mang theo người đã khai báo Hải quan cửa khẩu hoặc chuyển qua Ngân hàng, vàng tiêu chuẩn quốc tế mang vào Việt Nam được sử dụng theo các quy định trong Thông tư này và các quy định có liên quan khác về quản lý ngoại hối.

 

PHẦN THỨ NĂM
HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG
VÀ BÀN ĐỔI NGOẠI TỆ

CHƯƠNG I
CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI

 

MỤC I. THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền cấp, sửa đổi, gia hạn và thu hồi Giấy phép hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có thẩm quyền cấp, sửa đổi, gia hạn, thu hồi Giấy phép cho tổ chức làm đại lý bàn đổi ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.

 

MỤC II. THỜI GIAN XEM XÉT CẤP GIẤY PHÉP

 

Thời gian xem xét cấp giấy phép hoạt động ngoại hối là 15 (mười lăm) ngày làm việc đối với tổ chức tín dụng, 7 (bảy) ngày làm việc đối với bàn đổi ngoại tệ, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp giấy phép.

Trong thời hạn trên, Ngân hàng Nhà nước hoặc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước được Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền cấp hoặc từ chối cấp giấy phép. Trong trường hợp từ chối, Ngân hàng phải có văn bản giải thích rõ lý do.

 

MỤC III. SỬA ĐỔI VÀ GIA HẠN GIẤY PHÉP

 

Ngân hàng Nhà nước hoặc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố được Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền sẽ xem xét thực hiện sửa đổi, gia hạn giấy phép đã cấp cho các tổ chức tín dụng và bàn đổi ngoại tệ trong các trường hợp sau đây:

1. Tổ chức tín dụng, bàn đổi ngoại tệ xin mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động ngoại hối;

2. Tổ chức tín dụng, bàn đổi ngoại tệ không đáp ứng được yêu cầu cũng như không tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với nội dung hoạt động ngoại hối đã được ghi trong giấy phép;

3. Thời hạn hoạt động của giấy phép cấp cho tổ chức tín dụng bàn đổi, ngoại tệ đã hết hạn và tổ chức tín dụng, bàn đổi ngoại tệ xin gia hạn thêm;

4. Tổ chức tín dụng là tổ chức bị chia, tách hoặc sáp nhập;

 

MỤC IV. THU HỒI GIẤY PHÉP

 

Ngân hàng Nhà nước hoặc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố được Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền sẽ xem xét quyết định thu hồi giấy phép đã cấp cho các tổ chức tín dụng, bàn đổi ngoại tệ trong các trường hợp sau đây:

1. Tổ chức tín dụng, bàn đổi ngoại tệ đã bị đình chỉ thực hiện một số hoạt động ngoại hối nhưng vẫn cố tình thực hiện;

2. Tổ chức tín dụng bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt;

3. Tổ chức tín dụng bị Ngân hàng Nhà nước thu hồi giấy phép hoạt động;

4. Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý ngoại hối.

 

CHƯƠNG II
PHẠM VI HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI

 

Các tổ chức tín dụng là chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, tổ chức tín dụng phi ngân hàng liên doanh và 100% vốn nước ngoài được hoạt động ngoại hối trong phạm vi cho phép tại Giấy phép hoạt động đã cấp.

Các tổ chức tín dụng là Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng ngoài các đối tượng trên chỉ được thực hiện các hoạt động ngoại hối sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động ngoại hối.

Các tổ chức tín dụng là Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn không được phép hoạt động ngoại hối.

1. Đối với các Ngân hàng thương mại.

Các Ngân hàng thương mại được thực hiện một số hoặc toàn bộ nội dung hoạt động ngoại hối dưới đây khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép:

a. Mua, bán các loại ngoại tệ ở thị trường trong nước; Thu đổi và đặt bàn đổi ngoại tệ;

b. Nhận tiền gửi và tiết kiệm bằng ngoại tệ của khách hàng;

c. Cho vay các tổ chức trong nước và nước ngoài bằng ngoại tệ;

d. Vay vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức trong nước và nước ngoài;

đ. Thực hiện các dịch vụ thanh toán ngân quỹ bằng ngoại tệ như mở tài khoản ở trong nước bằng ngoại tệ cho khách hàng, thanh toán trong nước bằng ngoại tệ, thực hiện các dịch vụ thu phát ngoại tệ tiền mặt cho khách hàng;

e. Tiếp nhận vốn uỷ thác đầu tư bằng ngoại tệ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài;

g. Bảo lãnh cho các khoản vay trong nước và nước ngoài bằng ngoại tệ;

h. Phát hành hoặc làm đại lý phát hành các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ;

i. Chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố các thương phiếu và các giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ;

k. Mua bán hoặc làm đại lý mua bán các loại chứng khoán bằng ngoại tệ;

i. Cung ứng các dịch vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối;

m. Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế;

n. Mua bán các loại ngoại tệ ở thị trường nước ngoài;

0. Kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.

2. Đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng

a. Đối với công ty cho thuê tài chính.

Các công ty cho thuê tài chính được thực hiện một số hoặc toàn bộ nội dung hoạt động ngoại hối dưới đây khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép:

- Nhận tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên bằng ngoại tệ;

- Phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ;

Vay vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước;

- Cho thuê tài chính;

- Bảo lãnh bằng ngoại tệ;

- Thực hiện các dịch vụ uỷ thác và quản lý tài sản bằng ngoại tệ.

b. Đối với công ty tài chính.

Các công ty tài chính đươc thực hiện một số hoặc toàn bộ nội dung hoạt động ngoại hối dưới đây khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép:

- Nhận tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên bằng ngoại tệ;

- Phá hành trái phiếu, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ;

- Vay vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước;

- Bảo lãnh bằng ngoại tệ;

- Thực hiện các dịch vụ uỷ thác và quản lý tài sản bằng ngoại tệ;

- Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ;

- Chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố các thương phiếu và các giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ;

- Mua, bán hoặc làm đại lý mua bán các loại chứng khoán bằng ngoại tệ;

- Cung ứng các dịch vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối;

3. Đối với bàn đổi ngoại tệ

Các tổ chức tín dụng được phép thực hiện các hoạt động ngoại hối được tổ chức các bàn đổi ngoại tệ ở những nơi cần thiết để thực hiện việc đổi ngoại tệ cho khách hàng.

Các tổ chức tín dụng có thể uỷ nhiệm cho các tổ chức kinh tế làm đại lý đổi ngoại tệ cho mình. Việc uỷ nhiệm đại lý bàn đổi ngoại tệ thực hiện theo quy chế bàn đổi ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Bàn đổi ngoại tệ chỉ được phép mua ngoại tệ từ khách hàng, không được phép bán ngoại tệ cho khách hàng.

Riêng đối với bàn đổi ngoại tệ tại trụ sở của các Ngân hàng được phép, khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế thì được thực hiện nghiệp vụ đổi lại đồng Việt Nam lấy ngoại tệ (thoái hối) cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài. Nếu mức thoái hối dưới 500 (năm trăm) Đô la Mỹ hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương thì không phải xuất trình hoá đơn đã đổi ngoại tệ; nếu trên mức 500 (năm trăm) Đô la Mỹ hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương thì phải xuất trình hoá đơn đã đổi ngoại tệ; nếu trên mức 500 (năm trăm) Đô la Mỹ hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương thì phải xuất trình hoá đơn đã đổi ngoại tệ và được đổi tối đa bằng số ngoại tệ đã đổi ghi trên hoá đơn.

 

 

 

CHƯƠNG III
ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC PHÉP HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI

 

MỤC I. ĐIỀU KIỆN

 

1. Đối với Ngân hàng thương mại có nhu cầu hoạt động ngoại hối theo các nội dung quy định từ điểm 1 (a) đến điểm 1 (l) Chương II Phần thứ năm Thông tư này.

a. Được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động;

b. Tại địa bàn hoạt động thực sự có nhu cầu hoạt động ngoại hối.

2. Đối với Ngân hàng thương mại có nhu cầu hoạt động ngoại hối theo các nội dung quy định tại điểm 1 (m), 1 (n) Chương II Phần thứ năm Thông tư này.

Ngoài các điều kiện 1 (a), 1 (b) trên đây phải có đáp ứng các điều kiện sau:

a. Có thời gian hoạt động tối thiểu 03 năm;

b. Có vốn theo quy định sau:

- Đối với Ngân hàng Thương mại quốc doanh: Bằng mức vốn pháp định quy định tại Nghị định số 82/1998/NĐ-CP ngày 03/10/1998 của chính phủ;

- Đối với Ngân hàng thương mại cổ phần: Có đủ vốn điều lệ tối thiểu là 70 tỷ đồng Việt Nam.

c. Tình hình tài chính lành mạnh, kinh doanh có lãi trong 03 năm gần nhất;.

d. Bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ mạnh, đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn theo luật định;

đ. Có đủ trang thiết bị và điều kiện vật chất để đáp ứng các nội dung xin phép hoạt động ngoại hối;

e. Có người điều hành, nhân viên có trình độ, am hiều các lĩnh vực hoạt động kinh doanh ngoại hối và có khả năng thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và tín dụng quốc tế;

g. Không vi phạm các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối và các quy định khác của Nhà nước.

3. Đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng

a. Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng muốn được phép hoạt động ngoại hối phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động;

- Thực sự có nhu cầu hoạt động ngoại hối.

b. Riêng đối với hoạt động ngoại hối ở thị trường nước ngoài, ngoài các điều kiện trên, các công ty tài chính phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có thời gian hoạt động tối thiểu 03 năm;

- Có mức vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng Việt Nam;

- Tình hình tài chính lành mạnh, không vi phạm các quy định về hoạt động an toàn; kinh doanh có lãi trong 03 năm gần nhất;

- Bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ mạnh, đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn theo luật định;

- Có đủ trang thiết bị và điều kiện vật chất để đáp ứng các nội dung xin phép hoạt động ngoại hối;

- Có người điều hành, nhân viên có trình độ, am hiểu các lĩnh vực hoạt động kinh doanh ngoại hối;

- Không vi phạm các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối và các quy định khác của Nhà nước.

4. Các tổ chức tín dụng muốn thực hiện hoạt động ngoại hối theo nội dung liên quan đến vàng tiêu chuẩn quốc tế phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Mục II Chương II phần thứ sáu Thông tư này.

5. Đối với bàn đổi ngoại tệ

a. Có đủ trang thiết bị và điều kiện vật chất để đáp ứng được các hoạt động đổi ngoại tệ tiền mặt;

b. Có nhân viên am hiểu hoạt động ngân quỹ và có khả năng thực hiện các nghiệp vụ đổi tiền;

c. Có hợp đồng đại lý với tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

 

MỤC II. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI

 

1. Đối với ngân hàng thương mại có nhu cầu hoạt động ngoại hối theo các nội dung quy định từ điểm 1(a) đến điểm 1 (I) Chương II Phần thứ năm Thông tư này

Các ngân hàng thương mại muốn hoạt động ngoại hối phải gửi hồ sơ xin phép cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng).

Hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin phép hoạt động ngoại hối (Phụ lục 10);

b. Phương án hoạt động ngoại hối; trong đó xác định nội dung, phương thức kinh doanh, địa bàn kinh doanh... Phương án kinh doanh ngoại hối phải có tính khả thi và có hiệu quả (Phương án này phải được Đại hội cổ đông thông qua đối với các tổ chức tín dụng cổ phần);

c. Bản sao Giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

d. Ý kiến của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi ngân hàng thương mại đặt trụ sở chính về sự cần thiết đối với việc xin thực hiện hoạt động ngoại hối của ngân hàng thương mại.

2. Đối với Ngân hàng thương mại có nhu cầu hoạt động ngoại hối theo các nội dung quy định tại điểm 1 (m), 1 (n) Chương II Phần thứ năm Thông tư này.

Các Ngân hàng thương mại có nhu cầu hoạt động ngoại hối phải gửi hồ sơ xin phép hoạt động ngoại hối cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng).

Hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin phép hoạt động ngoại hối (Phụ lục 10);

b. Nghị quyết của Đại hội cổ đông biểu quyết chấp thuận về việc xin thực hiện nội dung hoạt động ngoại hối (Đối với tổ chức tín dụng cổ phần);

c. Đề án thực hiện hoạt động ngoại hối (đối với tổ chức tín dụng cổ phần, đề án phải được Đại hội cổ đông thông qua);

d. Báo cáo quyết toán năm gần nhất đã được kiểm toán và cân đối tài sản kỳ gần nhất;

đ. Tóm tắt trình độ, năng lực và khả năng của đôi ngũ cán bộ sẽ thực hiện nội dung xin hoạt động ngoại hối;

e. Ý kiến của chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính về sự cần thiết cho tổ chức tín dụng hoạt động ngoại hối;

g. Các văn bản khác có liên quan nhằm làm rõ những vấn đề trên theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

3. Đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng

a. Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng muốn xin giấy phép hoạt động ngoại hối phải gửi hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng).

Hồ sơ bao gồm:

- Đơn xin phép hoạt động ngoại hối (Phụ lục 10);

- Phương án hoạt động ngoại hối; trong đó xác định nội dung, phương thức kinh doanh, địa bàn kinh doanh... Phương án kinh doanh ngoại hối phải có tính khả thi và có hiệu quả;

- Bản sao Giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Ý kiến của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính về sự cần thiết đối với việc xin thực hiện hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng.

b. Riêng đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng muốn tiến hành hoạt động mua, bán ngoại tệ trong nước, mua bán các loại ngoại tệ ở thị trường nước ngoài; phải gửi hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng).

Hồ sơ bao gồm:

- Đơn xin phép hoạt động ngoại hối (Phụ lục 10);

- Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội cổ đông biểu quyết chấp thuận về việc xin thực hiện nội dung hoạt động ngoại hối (đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần);

- Đề án thực hiện hoạt động ngoại hối (Phải được Hội đồng quản trị hoặc Đại hội cổ đông thông qua đối với trường hợp là tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần);

- Tóm tắt trình độ năng lực và khả năng của đội ngũ cán bộ sẽ thực hiện nội dung xin hoạt động ngoại hối;

- Ý kiến của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng phi ngân hàng đặt trụ sở chính về sự cần thiết cho tổ chức tín dụng đó hoạt động ngoại hối;

- Các văn bản khác có liên quan nhằm làm rõ những vấn đề trên theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

4. Các tổ chức tín dụng muốn thực hiện hoạt động ngoại hối liên quan đến vàng tiêu chuẩn quốc tế phải gửi hồ sơ xin cấp phép cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Mục II Chương II Phần thứ sáu thông tư này.

5. Đối với bàn đổi ngoại tệ

Các doanh nghiệp muốn xin giấy phép làm đại lý đổi ngoại tệ (theo mẫu giấy phép tại Phụ lục 11) phải gửi hồ sơ cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thành phố trên địa bàn.

Hồ sơ bao gồm:

a. Đơn xin làm đại lý đổi ngoại tệ (Phụ lục 12);

b. Bản sao có công chứng Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c. Hợp đồng uỷ nhiệm làm đại lý đổi ngoại tệ đã ký với tổ chức tín dụng.

 

CHƯƠNG IV
CHO VAY VÀ THU HỒI NỢ TRONG NƯỚC BẰNG NGOẠI TỆ

 

1. Các tổ chức tín dụng hoạt động ngoại hối được cho người cư trú vay bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu vật tư, hàng hoá, máy móc, thiết bị và dịch vụ cho nước ngoài phục vụ hoạt động kinh doanh.

2. Khoản cho vay bằng ngoại tệ nào thì phải trả nợ bằng ngoại tệ đó. Trường hợp trả nợ bằng ngoại tệ khác hoặc bằng Đồng Việt Nam được thực hiện theo thoả thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng và quy đổi theo tỷ giá hoặc căn cứ vào nguyên tắc xác định tỷ giá đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc diện tự cân đối ngoại tệ không được trả nợ vay ngoại tệ bằng đồng Việt Nam.

 

 

CHƯƠNG V
PHÁT HÀNH GIẤY TỜ CÓ GIÁ BẰNG NGOẠI TỆ

 

Các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối có nhu cầu huy động vốn, phát hành hoặc làm đại lý phát hành các loại giấy tờ có giá như kỳ phiếu Ngân hàng, tín phiếu kho bạc, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi hoặc các loại giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ đều phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Việc phát hành các loại giấy tờ có giá phải thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hoặc các Bộ, ngành khác được Chính phủ giao.

Các Tổ chức tín dụng phát hành các loại chứng khoán ra nước ngoài phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Các Ngân hàng tham gia vào các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế làm đại lý phát hành các loại thẻ tín dụng quốc tế phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

 

CHƯƠNG VI
XUẤT NHẬP KHẨU NGOẠI TỆ TIỀN MẶT VÀ CÁC GIẤY TỜ
CÓ GIÁ BẰNG NGOẠI TỆ

 

1. Xuất khẩu

Các Ngân hàng được phép có nhu cầu xuất khẩu ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài phải được phép của Ngân hàng Nhà nước.

Các Ngân hàng được phép được thực hiện xuất khẩu các chứng từ thanh toán, giấy tờ có giá để phục vụ hoạt động kinh doanh ngoại hối của Ngân hàng được phép theo giấy phép hoạt động ngoại hối được cấp.

2. Nhập khẩu

Các Ngân hàng được phép có nhu cầu nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt phải được phép của Ngân hàng Nhà nước.

Các Ngân hàng được phép nhập khẩu các loại séc trắng hoặc các loại chứng từ thanh toán của Ngân hàng không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước nhưng phải làm thủ tục khai báo Hải quan cửa khẩu về loại hàng hoá nhập.

CHƯƠNG VII
DUY TRÌ TRẠNG THÁI NGOẠI HỐI VÀ TRẠNG THÁI
ĐỒNG VIỆT NAM

 

Các Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối phải duy trì trạng thái ngoại hối hoặc trạng thái đồng Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hàng ngày các Tổ chức tín dụng phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước về trạng thái ngoại hối hoặc trạng thái đồng Việt Nam và các giao dịch ngoại hối từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam và từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

 

CHƯƠNG VIII
TRÁCH NHIỆM CỦA NGÂN HÀNG ĐƯỢC PHÉP TRONG VIỆC NIÊM YẾT TỶ GIÁ VÀ MUA BÁN NGOẠI TỆ

 

Hàng ngày, các Ngân hàng được phép phải niêm yết công khai tỷ giá mua và bán ngoại tệ tại quầy giao dịch.

Khi khách hàng có nhu cầu hợp lý về ngoại tệ, các Ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho khách hàng trong phạm vi nguồn ngoại tệ hiện có của mình. Việc bán ngoại tệ được ưu tiên giải quyết cho những nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng quan trọng.

 

CHƯƠNG IX
KIỂM TRA CHỨNG TỪ

 

Khi thực hiện các giao dịch thu, chi ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của khách hàng và thực hiện các giao dịch mua, bán, chuyển ngoại tệ với khách hàng, các ngân hàng được phép có trách nhiệm kiểm tra những giấy tờ sau:

1. Thu, chi trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người cư trú là tổ chức:

a. Thu:

- Các khoản thu chuyển khoản ở trong nước: tuỳ từng trường hợp cụ thể, ngân hàng được phép kiểm tra: Hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu, Quyết định điều chuyển vốn nội bộ, chứng từ có liên quan khác đến các nguồn thu ngoại tệ được phép quy định tại điểm 2 Mục II, Chương I, Phần thứ nhất Thông tư này.

- Nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản: Giấy phép bán hàng và dịch vụ thu ngoại tệ tiền mặt, tờ khai Hải quan xác nhận ngoại tệ tiền mặt mang từ nước ngoài vào, Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp cho phép được thanh toán ngoại tệ tiền mặt và các giấy tờ khác có liên quan đến từng nguồn thu cụ thể.

b. Chi:

- Thanh toán tiền nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ cho nước ngoài: Giấy phép nhập khẩu (nếu là loại hàng hoá có giấy phép), hợp đồng nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ với nước ngoài, tờ khai Hải quan và các giấy tờ khác có liên quan;

- Thanh toán hàng hoá và dịch vụ cho các tổ chức và cá nhân trong nước: Hợp đồng xuất nhập khẩu uỷ thác, quyết định điều chuyển vốn nội bộ, hợp đồng, hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ và các giấy tờ liên quan khác tuỳ theo mỗi mục đích phù hợp với quy định tại điểm 2 Mục II chương I Phần thứ nhất Thông tư này.

- Trả nợ gốc, lãi, phí bằng ngoại tệ vay Ngân hàng được phép trong nước và nợ nước ngoài: Hợp đồng vay vốn và giấy nhận nợ. Phải có thêm giấy xác nhận khoản vay đã được đăng ký của Ngân hàng Nhà nước đối với những khoản vay nước ngoài phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước theo quy định.

- Góp vốn thực hiện dự án đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Giấy phép Đầu tư do Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp và Hợp đồng liên doanh hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh với phía nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài là lợi nhuận, vốn đầu tư, khấu hao (nếu có) theo các quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuỳ từng mục đích chuyển tiền cụ thể, xuất trình các chứng từ cần thiết có liên quan như: Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam, Hợp đồng qui định phương thức phân chia kết quả kinh doanh, Biên bản thanh lý có xác nhận của Bộ kế hoạch và đầu tư, báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật và các giấy tờ liên quan khác.

- Chuyển ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài theo qui định của Pháp luật về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam: Xuất trình hợp đồng với phía nước ngoài và Giấy tờ chứng nhận cho phép Đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép cho phép đầu tư của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;

- Rút ngoại tệ bằng tiền mặt và chuyên khoản cho cán bộ, nhân viên của tổ chức khi được cử ra nước ngoài công tác hoặc chi các khoản lương thưởng và phụ cấp cho Người không cư trú hoặc Người cư trú là người nước ngoài làm việc tại tổ chức đó: Xuất trình hợp đồng lao động, xác nhận mức lương, bảng kê chi phụ cấp, Quyết định cử đi công tác, học tập ở nước ngoài, các giấy tờ có liên quan khác.

2. Thu, chi trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người cư trú là cá nhân:

a. Thu:

- Nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản: Tờ khai Hải quan cửa khẩu xác nhận về số ngoại tệ từ nước ngoài mang vào theo quy định tại điểm 2 Chương V phần thứ ba Thông tư này hoặc các loại giấy tờ chứng minh thu nhập hợp pháp ở Việt Nam;

- Thu chuyển khoản từ việc nhận ngoại tệ được cho, tặng, thừa kế: giấy tờ chứng minh thu nhập hợp pháp như quà tặng, thừa kế;

- Thu chuyển khoản, tiền mặt ở trong nước từ việc nhận lương, thưởng, phụ cấp (đối vgới người cư trú là người nước ngoài): Hợp đồng lao động, xác nhận mức lương, Quyết định thưởng và các giấy tờ liên quan khác.

b. Chi:

- Thanh toán tiền hàng hoá và chi trả dịch vụ cho tổ chức và cá nhân ở nước ngoài: Các giấy tờ chứng mình việc mua hàng hoá, dịch vụ và các giấy tờ khác liên quan.

- Thanh toán tiền hàng hoá và chi trả dịch vụ cho tổ chức và cá nhân ở trong nước được phép thu ngoại tệ: Tuỳ theo mỗi mục đích quy định tại điểm 2 Mục II Chương I Phần thứ nhất Thông tư này xuất trình các giấy tờ phù hợp như hợp đồng uỷ thác nhập khẩu và các giấy tờ liên quan khác.

- Chuyển ra nước ngoài hoặc rút ngoại tệ tiền mặt mang ra nước ngoài: Các giấy tờ theo quy định tại Chương IV Phần thứ ba, Chương V Phần thứ tư của thông tư này.

- Cho, tặng, thừa kế theo quy định của pháp luật: Các giấy tờ chứng minh việc cho, tặng, thừa kế.

3. Thu, chi trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người không cư trú là tổ chức hiện đang hoạt động tại Việt Nam:

a. Thu:

- Nộp tiền mặt vào tài khoản: Tờ khai Hải quan cửa khẩu xác nhận về số ngoại tệ mang từ nước ngoài vào hoặc các loại giấy tờ chứng mình các khoản thu ngoại tệ hợp pháp tại Việt Nam như các loại phí, lệ phí và các giấy tờ liên quan khác.

- Thu ngoại tệ chuyển khoản từ tài khoản của người cư trú chuyển sang: Bảng kê các khoản thu ngoại tệ hợp pháp tại Việt Nam như các loại phí, lệ phí hoặc các giấy tờ khác có liên quan đến nguồn thu ngoại tệ.

b. Chi:

- Chuyển tiền ra nước ngoài: Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo quy đinh của pháp luật Việt Nam.

- Rút ngoại tệ tiền mặt, chuyển khoản để chi cho cá nhân làm việc cho tổ chức khi được cử ra nước ngoài; chi trả lương, thưởng, phụ cấp cho Người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài: Quyết định cử đi công tác nước ngoài, danh sách trả lương, thưởng, phụ cấp cho nhân viên làm việc tại các tổ chức là Người không cư trú.

4. Thu, chi trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người không cư trú là tổ chức đang hoạt động ở nước ngoài.

a. Thu:

- Thu chuyển khoản từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân ở trong nước: Hợp đồng xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ, tờ khai Hải quan và các giấy tờ liên quan khác:

b. Chi:

- Chuyển khoản ra nước ngoài: Xác nhận của cơ quan thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam.

5. Thu, chi trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người không cư trú là cá nhân:

a. Thu:

- Nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản: Tờ khai Hải quan cửa khẩu xác nhận về số ngoại tệ mang từ nước ngoài vào theo quy định tại điểm 2 Chương V Phần thứ ba Thông tư này hoặc hợp đồng lao động, xác nhận mức lương, quyết định thưởng hoặc các giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập hợp pháp.

b. Chi:

- Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài: Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam theo quy định tại điểm 1, Mục II Chương IV Phần thứ ba Thông tư này.

6. Thu, chi trên tài khoản tiền gửi đồng Việt Nam của người không cư trú là tổ chức:

a. Thu:

- Thu từ tài khoản của người cư trú là tổ chức và cá nhân: hợp đồng mua, bán hàng hoá và dịch vụ, hoá đơn, văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép người không cư trú được cung cấp hàng hoá, dịch vụ, Bảng kê thu phí, lệ phí của người cư trú, các giấy tờ chứng mình nguồn thu hợp pháp khác từ người cư trú;

- Nộp tiền mặt đồng Việt Nam vào tài khoản: Bảng kê thu phí, lệ phí, các giấy tờ chứng minh nguồn thu hợp pháp khác.

b. Chi:

- Chi chuyển đổi ra ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài: Xác nhận đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam của cơ quan thuế có thẩm quyền.

7. Thu, chi trên tài khoản tiền gửi đồng Việt Nam của người không cư trú là cá nhân:

a. Thu:

- Thu chuyển khoản đồng Việt Nam từ việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ, thu các loại phí được pháp luật Việt Nam cho phép: Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép cung ứng hàng hoá, dịch vụ, thu phí tại Việt Nam; hợp đông hoặc hoá đơn bán hàng, thu phí.

- Thu chuyển khoản đồng Việt Nam từ việc nhận lương, thưởng và các khoản phụ cấp khác: Hợp đồng lao động, xác nhận mức lương, thưởng, phụ cấp của cơ quan và các giấy tờ liên quan khác chứng minh nguồn thu hợp pháp tại Việt Nam.

- Thu đồng Việt Nam bằng tiền mặt từ việc nhận các nguồn thu hợp pháp khác: Các giấy tờ chứng minh nguồn thu hợp pháp tại Việt Nam.

b. Chi

- Chi mua ngoại tệ: Xác nhận của cơ quan thuế có thẩm quyền về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam theo quy định tại điểm 2 Mục II Chương IV Phần thứ ba Thông tư này.

 

CHƯƠNG X
THANH TRA, GIÁM SÁT VÀ BÁO CÁO

 

Các tổ chức tín dụng hoạt động ngoại hối và bàn đổi ngoại tệ phải chịu sự thanh tra, giám sát của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước theo qui định của Pháp luật. Thanh tra Ngân hàng theo chức năng nhiệm vụ của mình đột xuất hoặc theo định kỳ có thể thực hiện việc thanh tra của mình đối với các tổ chức tín dụng hoạt động ngoại hối và bàn đổi ngoại tệ.

Các tổ chức tín dụng hoạt động ngoại hối và bàn đổi ngoại tệ phải thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước.

 

PHẦN THỨ SÁU
QUẢN LÝ VÀNG TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ

 

CHƯƠNG I
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VỀ QUẢN LÝ VÀNG TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ

 

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế.

Trong việc quản lý vàng tiêu chuẩn quốc tế, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền các dự án pháp luật và các dự án khác về quản lý vàng tiêu chuẩn quốc tế, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vàng tiêu chuẩn quốc tế;

Các cơ quan khác xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền các văn bản có liên quan đến vàng tiêu chuẩn quốc tế hoặc giải quyết các hoạt động có liên quan đến vàng tiêu chuẩn quốc tế ngoài quy định của Thông tư này cần phối hợp và có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước khi ban hành, thực hiện.

2. Cấp và thu hồi giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở trong nước và ở nước ngoài cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng;

3. Tổ chức và điều hành thị trường vàng tiêu chuẩn quốc tế ở trong nước;

4. Cấp, thu hồi giấy phép xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng;

5. Kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng;

6. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý vàng tiêu chuẩn quốc tế;

7. Thực hiện việc mua, bán vàng tiêu chuẩn quốc tế trên thị trường trong nước và nước ngoài; xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện giao dịch vàng tiêu chuẩn quốc tế khác theo quy định của pháp luật;

8. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác về quản lý vàng tiêu chuẩn quốc tế theo quy định của pháp luật

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể uỷ quyền cho Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố thực hiện trong phạm vi địa bàn quản lý các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại các điểm 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Chương I Phần thứ sáu Thông tư này.

 

CHƯƠNG II
SỬ DỤNG VÀNG TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ

 

MỤC I. ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

 

1. Làm dự trữ ngoại hối Nhà nước và thành toán quốc tế;

2. Mua, bán và thực hiện các giao dịch khác với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế;

3. Sử dụng cho các mục đích khác khi được phép của Thủ tướng Chính phủ.

 

MỤC II. ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ DOANH NGHIỆP
ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH VÀNG TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ

 

Tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng vàng tiêu chuẩn quốc tế để mua, bán và thực hiện các giao dịch khác với Ngân Nhà nước, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp khác được phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và các mục đích khác khi được phép của Thủ tướng Chính phủ.

Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế, giấy phép xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế và giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở nước ngoài theo quy định sau:

1. Giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế.

a. Điều kiện cấp giấy phép

Các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có đủ các điều kiện sau đây được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế:

- Là tổ chức được phép kinh doanh vàng;

- Có vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng Việt Nam (đối với tổ chức có chức năng chính là kinh doanh vàng); Có doanh số hoạt động kinh doanh vàng của năm trước tối thiểu là 30 tỷ đồng Việt Nam (đối với tổ chức kinh doanh vàng không phải là chức năng chính).

- Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng ít nhất là 2 năm kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động;

- Có tình hình tài chính lành mạnh.

b. Thủ tục cấp giấy phép

Tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có đủ điều kiện nêu trên có nhu cầu kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế phải gửi hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

Hồ sơ bao gồm:

- Đơn xin cấp giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế có ý kiến của cơ quan chủ quản (Phụ lục 13);

- Bản sao có công chứng Quyết định thành lập và điều lệ hoạt động;

- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng;

- Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh vàng, tình hình tài chính của đơn vị 2 năm gần nhất.

c. Phạm vi kinh doanh

Tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế được hoạt động trong phạm vi sau:

- Mua vàng tiêu chuẩn quốc tế hợp pháp của mọi đối tượng.

- Mua, bán vàng tiêu chuẩn quốc tế với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp khác được phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế.

- Thực hiện các giao dịch khác với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp khác được phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế.

2. Giấy phép xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế

a. Quy định chung

Giấy phép xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế được Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) xem xét cấp từng chuyến cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Ngân hàng Nhà nước khi cấp giây phép xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo về tình hình cấp giấy phép cho chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn biết để cùng phối hợp quản lý và giám sát việc xuất nhập khẩu và sử dụng vàng tiêu chuẩn quốc tế của đơn vị.

b. Điều kiện cấp giấy phép

- Có giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế do Ngân hàng Nhà nước cấp;

- Hoạt động có uy tín trên thị trường, kinh doanh có hiệu quả trong năm gần nhất, chấp hành đúng các quy định về quản lý ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước;

c. Thủ tục cấp giấy phép

Các Tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp có đủ các điều kiện nêu trên phải gửi hồ sơ xin phép cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

Hồ sơ bao gồm:

- Đơn xin xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế (Phụ lục 14)

- Bản sao công chứng Giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế do Ngân hàng Nhà nước cấp.

- Báo cáo quyết toán tình hình hoạt động kinh doanh vàng và tình hình tài chính của tổ chức kinh tế trong năm gần nhất (đối với đơn vị xuất nhập khẩu thường xuyên phải báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh vàng, tình hình tài chính quý gần nhất);

- Phương án sử dụng số vàng tiêu chuẩn quốc tế sẽ nhập (nếu xin nhập khẩu vàng).

3. Giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở nước ngoài

Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm hoạt động xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế được Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở nước ngoài khi có đủ các điều kiện sau:

a. Điều kiện cấp giấy phép

- Có giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế;

- Có thời gian kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ít nhất là 02 năm, hoạt động kinh doanh có hiệu quả;

- Có cán bộ đủ trình độ và điều kiện thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở nước ngoài;

- Có đề án kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở nước ngoài.

b. Thủ tục cấp giấy phép

Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở nước ngoài phải gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) các loại giấy tờ sau:

- Đơn xin kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở nước ngoài (Phụ lục 15);

- Bản sao công chứng giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế;

- Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh trong năm gần nhất;

- Đề án kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở nước ngoài.

-Văn bằng chứng nhận trình độ của cán bộ làm nghiệp vụ kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở nước ngoài.

 

MỤC III. Người cư trú và người không cư trú là tổ chức, cá nhân có vàng tiêu chuẩn quốc tế hợp pháp được quyền cất giữ, vận chuyển, gửi, bán cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế

 

MỤC IV. Nghiêm cấm việc mua, bán vàng tiêu chuẩn quốc tế ở thị trường trong nước ngoài phạm vi qui định tại Chương II Phần thứ sáu của Thông tư này và dùng vàng tiêu chuẩn quốc tế để trao đổi, thanh toán tiến hành chi trả dịch vụ qua biên giới dưới bất kỳ hình thức nào

 

CHƯƠNG III
QUẢN LÝ VÀNG KHÔNG PHẢI LÀ VÀNG
TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ

 

Việc quản lý vàng không phải là vàng tiêu chuẩn quốc tế được thực hiện theo quy định riêng của pháp luật.

 

PHẦN THỨ BẢY
TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI ĐỒNG VIỆT NAM

 

MỤC I. NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH TỶ GIÁ

 

Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam so với các ngoại tệ khác được hình thành dựa trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

 

MỤC II. XÁC ĐỊNH VÀ CÔNG BỐ TỶ GIÁ

 

1. Hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Căn cứ mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước quy định biên độ giao động so với tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng để các Ngân hàng được phép xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán giữa Đồng Việt Nam với Đô là Mỹ.

2. Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ được áp dụng trong các trường hợp sau:

a. Làm cơ sở để Tổng giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng được phép xác định và niêm yết tỷ giá mua, tỷ giá bán giữa Đồng Việt Nam với đô la Mỹ trong phạm vi biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước;

b. Tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng hoá;

c. Làm cơ sở để Ngân hàng Nhà nước định kỳ công bố tỷ giá của đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác áp dụng tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

d. Xét thầu các dự án quốc gia tại thời điểm xét thầu;

đ. Quy đổi trong các trường hợp góp vốn liên doanh hay tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tại thời điểm quy đổi;

e. Làm cơ sở để Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính thống nhất quy định tỷ giá trong các trường hợp khác.

3. Các Ngân hàng được phép phải niêm yết tỷ giá và thực hiện giao dịch giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ trong phạm vi biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Việc thanh toán, mua, bán ngoại tệ giữa các Ngân hàng được phép với cá nhân phải thực hiện theo tỷ giá niêm yết của Ngân hàng được phép tại thời điểm thực hiện giao dịch.

Việc thanh toán, mua, bán ngoại tệ giữa các Ngân hàng được phép với các tổ chức được thực hiện theo tỷ giá mua, tỷ giá bán trên cơ sở thoả thuận.

 

PHẦN THỨ TÁM
THÔNG TIN BÁO CÁO

 

MỤC I. TRÁCH NHIỆM CUNG CẤP THÔNG TIN
CỦA TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN

 

1. Người cư trú ở Viêt Nam hoặc ở nước ngoài và người không cư trú ở Việt Nam có các hoạt động liên quan đến ngoại hối phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin, số liệu cho Ngân hàng Nhà nước, hay các Tổ chức tín dụng theo các qui định của Thông tư này.

2. Ngoài những trường hợp cung cấp thông tin theo định kỳ, trong trường hợp cần thiết, Người cư trú là tổ chức hay cá nhân có trách nhiệm phải cung cấp các thông tin về ngoại hối cho Ngân hàng Nhà nước, hay các cơ quan có thẩm quyền theo qui định của pháp luật.

3. Các thông tin gửi Ngân hàng Nhà nước hay các Tổ chức tín dụng của tổ chức và cá nhân phải đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định đối với từng loại báo cáo. Thủ trưởng các đơn vị báo cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin báo cáo của mình.

 

MỤC II. QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

 

1. Ngân hàng Nhà nước trong những trường hợp cần thiết có thể yêu cầu người cư trú ở Viêt Nam hoặc ở nước ngoài và người không cư trú ở Viêt Nam cung cấp các thông tin, số liệu cần thiết có liên quan đến ngoại hối và hoạt động ngoại hối.

2. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm ban hành, sửa đổi và giám sát thực hiện chế độ thông tin báo cáo, phân tích và dự báo thông tin về tình hình ngoại hối và hoạt động ngoại hối ở trong nước và ngoài nước nhằm phục vụ xây dựng và điều hành công tác quản lý ngoại hối của Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước được trao đổi và làm dịch vụ thông tin về ngoại hối và hoạt động ngoại hối cho các tổ chức và cá nhân phù hợp với các quy định của pháp luật.

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể uỷ quyền bằng văn bản cho Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, số liệu về ngoại hối và hoạt động ngoại hối trên địa bàn.

4. Cán bộ công chức Ngân hàng Nhà nước phải giữ bí mật và chịu trách nhiệm về các thông tin thuộc danh mục bí mật của ngành mà họ nhận được theo qui định tại Thông tư này.

MỤC III. TRÁCH NHIỆM CUNG CẤP THÔNG TIN
CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

 

1. Tổ chức tín dụng hoạt động ngoại hối có nghĩa vụ theo định kỳ hoặc đột xuất cung cấp các thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động ngoại hối cho Ngân hàng Nhà nước.

2. Tổ chức tín dụng hoạt động ngoại hối có quyền yêu cầu người cư trú ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài, người không cư trú ở Việt Nam cung cấp các thông tin về ngoại hối, hoạt động ngoại hối để thực hiện nghiệp vụ kinh doanh theo quy địng của tổ chức tín dụng hoặc để phục vụ công tác báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

3. Tổ chức tín dụng hoạt động ngoại hối được trao đổi và làm dịch vụ thông tin về ngoại hối và hoạt động ngoại hối cho các tổ chức và cá nhân phù hợp với qui định tại Thông tư này.

4. Tổ chức tín dụng và nhân viên Tổ chức tín dụng có trách nhiệm giữ bí mật những số liệu, tài liệu thông tin về ngoại hối và hoạt động ngoại hối do Người cư trú là tổ chức hay cá nhân cung cấp, trừ trường hợp khi có yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo qui định của pháp luật.

 

PHẦN THỨ CHÍN
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

 

MỤC I. KHEN THƯỞNG

 

Những tổ chức và cá nhân có thành tích trong hoạt động ngoại hối góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc dân, có công phát hiện, tố giác và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý ngoại hối hoặc giúp đỡ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc phát hiện các hành vi vi phạm về ngoại hối và hoạt động ngoại hối, tuỳ theo mức độ sẽ được khen thưởng theo qui định của pháp luật. Việc xét thưởng được thực hiện sau khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

 

MỤC II. CÁC HÀNH VI VI PHẠM VỀ NGOẠI HỐI
VÀ HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI

 

Các hành vi vi phạm về quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối gồm có:

1. Kinh doanh ngoại hối không có giấy phép, hoặc kinh doanh không đúng với nội dung ghi trong giấy phép của Ngân hàng Nhà nước;

2. Hoạt động ngoại hối khi đã bị đình chỉ, chấm dứt, thu hồi giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết hạn;

3. Mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài khi chưa được phép;

4. Có ngoại tệ gửi ở nước ngoài khi chưa được phép hoặc có ngoại tệ gửi ở nước ngoài quá mức qui định;

5. Chuyển hay mang ngoại hối ra nước ngoài, mua bán, thanh toán và cho vay ngoại hối trái với qui định;

6. Không chấp hành các qui định về trạng thái ngoại hối hoặc trạng thái đồng Việt Nam, niêm yêt tỷ giá sai qui định; mua, bán ngoại tệ không đúng với tỷ giá niêm yết theo quy đinh;

7. Che giấu hoặc đồng loã với hành vi vi phạm pháp luật về ngoại hối và hoạt động ngoại hối;

8. Không bán phần ngoại tệ thu được từ các giao dịch vãng lai theo tỷ lệ do Nhà nước qui định;

9. Người cư trú là tổ chức kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức tín dụng ở Việt Nam khi vay và trả nợ hoặc cho vay và thu hồi nợ nước ngoài không thực hiện đăng ký và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay với Ngân hàng Nhà nước theo quy định;

10. Chuyển vốn đầu tư bằng tiền hay tài sản (thể hiện dưới dạng vô hình hoặc hữu hình) ra nước ngoài của tổ chức kinh tế Việt Nam không đăng ký với Ngân hàng Nhà nước;

11. Sử dụng vàng tiêu chuẩn quốc tế trái với mục đích được phép qui định tại Thông tư này; kinh doanh xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép;

12. Ngân hàng được phép không thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra các giấy tờ và các chứng từ bắt buộc phải xuất trình trong các giao dịch liên quan đến ngoại hối;

13. Không thực hiện cung cấp thông tin, số liệu, các báo cáo theo đúng qui định về thông tin báo cáo;

14. Các hành vi vi phạm khác về quản lý ngoại hối.

 

MỤC III. HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM

 

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm như quy định tại Mục II Phần thứ chín của Thông tư này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, tịch thu, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ quan có thẩm quyền khi xử lý vi phạm về ngoại hối và hoạt động ngoại hối xét thấy thành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan xử lý hình sự có thẩm quyền giải quyết đồng thời thông báo cho Ngân hàng Nhà nước biết các hành vi vi phạm về ngoại hối để phối hợp xử lý.

 

MỤC IV. THẨM QUYỀN XỬ LÝ VI PHẠM VỀ
QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

 

1. Thẩm quyền của thanh tra Ngân hàng Nhà nước

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngoại hối và hoạt động ngoại hối bằng các hình thức xử phạt hành chính như cảnh cáo hoặc phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung như: đình chỉ có thời hạn hoặc chấm dứt một phần hay toàn bộ các hoạt động ngoại hối, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và các biện pháp khác theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

2. Thẩm quyền của cơ quan hữu quan

a. Những cơ quan hữu quan trong phạm vi thẩm quyền của mình có trách nhiệm xử lý những trường hợp vi phạm về quản lý ngoại hối và thông báo trường hợp vi phạm cho Ngân hàng cùng cấp biết.

b. Trong quá trình kiểm tra, xử lý, nếu phát hiện các giấy phép được cấp không đúng với thẩm quyền hoặc nội dung trái pháp luật thì cơ quan xử lý phải tiến hành tạm giữ ngay và đồng thời báo cho Ngân hàng Nhà nước biết.

 

MỤC V. KHIẾU NẠI, KHIẾU KIỆN VỀ QUYẾT ĐỊNH
XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

 

1. Tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngoại hối và hoạt động ngoại hối có quyền khiếu nại đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khiếu nại tại Toà án. Việc khiếu nại, khiếu kiện được thực hiện theo qui định của pháp luật.

2. Trong thời gian khiếu nại hoặc khiếu kiện, tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính vẫn phải thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính. Khi quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì thi hành theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc theo bản án, quyết định của Toà án.

 

MỤC VI. XỬ LÝ NGOẠI HỐI TẠM GIỮ

 

1. Khi áp dụng hình thức tạm giữ tang vật vi phạm là ngoại hối, người có thẩm quyền tạm giữ phải lập biên bản, ghi rõ tên, số lượng, chủng loại ngoại hối bị tịch thu, số sê ri (nếu có), tình trạng, chất lượng của ngoại hối đó, chữ ký của người tiến hành tạm giữ, người bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức bị tạm giữ và người làm chứng. Trong phạm vi 7 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày tạm giữ, cơ quan có thẩm quyền tạm giữ phải gửi bảo quản ngoại hối là tang vật, vi phạm tại Ngân hàng nơi gần nhất và thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

2. Cơ quan xử lý phải phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành giám định để phân biệt thật, giả và phải niêm phong đóng gói trước người bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức bị tạm giữ và người làm chứng;

3. Sau khi được giám định và niêm phong, tang vật, vi phạm là ngoại hối phải gửi ngay vào ngân hàng thương mại quốc doanh nơi gần nhất. Khi nhận được ngoại hối vi phạm, ngân hàng phải lập biên bản giao nhận trên cơ sở biên bản bắt giữ. Trong biên bản giao nhận phải ghi rõ những điểm đã ghi trong biên bản bắt giữ. Biên bản giao nhận làm thành hai bản, một bản giao cho tổ chức, cá nhân bắt giữ, một bản do ngân hàng giữ.

4. Khi Ngân hàng nhận được ngoại hối vi phạm phải hạch toán vào tài khoản "Tạm giữ và chờ xử lý". Trong suốt thời gian chờ xử lý, ngoại hối vi phạm không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào. Khi có quyết định xử lý, Ngân hàng phải hạch toán như sau:

a. Nếu bị tịch thu toàn bộ ngoại hối bị vi phạm, sau khi trích lại phần tiền thưởng theo qui định, ngân hàng phải tất toán tài khoản "tạm giữ và chờ xử lý" và số ngoại hối tịch thu theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải nộp ngay vào ngân sách nhà nước.

b. Nếu quyết định xử lý tịch thu một phần tang vật vi phạm thì ngân hàng tất toán tài khoản "tạm giữ và chờ xử lý" và hạch toán phần quyết định chờ xử lý tịch thu như qui định ở trên, phần ngoại hối còn lại được trả lại cho đương sự.

c. Nếu quyết định trả lại toàn bộ ngoại hối phạm pháp thì ngân hàng tất toán tài khoản "tạm giữ và chờ xử lý" và trả lại cho đương sự số ngoại hối tạm giữ.

d. Nếu ngoại hối phạm pháp là ngoại tệ giả hoặc không còn giá trị lưu hành thì ngân hàng tất toán tài khoản "tạm giữ và chờ xử lý" và giữ lại số ngoại hối đó để tiến hành tiêu huỷ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

 

PHẦN THỨ MƯỜI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Thông tư số 33/NH-TT ngày 15 tháng 3 năm 1989 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý ngoại hối của Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 161/HĐBT ngày 18 tháng 10 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng này là Chính phủ và các quy định trước đây về quản lý ngoại hối trái với quy định của Thông tư này đều bãi bỏ.

2. Các tổ chức và cá nhân có hoạt động ngoại hối chịu trách nhiệm thi hành thông tư này.

3. Thủ trưởng các Vụ, Cục, Chánh văn phòng, Chánh thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh, thành phố, Tổng giám đốc (Giám đốc) các Tổ chức tín dụng trong phạm vi chức năng của mình chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, triển khai, thực hiện Thông tư này.


PHỤ LỤC 1

TỔ CHỨC

 

Số:_____/CV

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày..... tháng...... năm .......

 

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP THU NGOẠI TỆ TIỀN MẶT

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Vụ Quản lý Ngoại hối)

 

Tên tổ chức:

Tên giao dịch đối ngoại (nếu có):

Quyết định thành lập số:

Cơ quan cấp:.............. ngày:...................

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số (nếu có):

Cơ quan cấp:................ngày:..................

Lĩnh vực hoạt động:...............................

Địa điểm hoạt động:

Trụ sở chính:

Số điện thoại: Telex: Fax:

Tài khoản tiền gửi ngoại tệ số:

Mở tại Ngân hàng:

Nếu được mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài thì ghi rõ:

Số hiệu tài khoản:.................................. Loại tài khoản:

Mở tại Ngân hàng:............. nước.......... Loại ngoại tệ:

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và cấp giấy phép cho thu ngoại tệ tiền mặt.

Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các quy định về quản lý ngoại hối hiện hành của Nhà nước.

 

Ý KIẾN CỦA GIÁM ĐỐC CHI NHÁNH
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC TỈNH
,

THÀNH PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN.

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(ký tên và đóng dấu)

 

Các giấy tờ gửi kèm:

- Bản sao công chứng Quyết định thành lập;

- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Các giấy tờ liên quan khác theo quy định của Thông tư này.

PHỤ LỤC 2

DANH SÁCH CÁC NHÀ SẢN XUẤT VÀNG ĐƯỢC
HIỆP HỘI VÀNG, SỞ GIAO DỊCH VÀNG QUỐC TẾ CÔNG NHẬN

 

STT

Nước

Công ty

STT

Nước

Công ty

1

Bỉ

Union Minière

33

Mỹ

Metalor

2

Pháp

Engelhard-CLAL

34

Mỹ

Sabin

3

Đức

Degussa

35

Braxin

Casa da Moeda

4

Đức

Heraeus

36

Braxin

Degussa

5

Đức

Norddeutsche

37

Braxin

Goldmine

6

Ý

Chimet

38

Braxin

MMV

7

Ý

Metalli Preziosi

39

Braxin

CRM

8

Hà Lan

Drijfhout

40

Braxin

ourinvest

9

Hà Lan

Schone

41

Colombia

Banco República

10

Rumani

Phoenix

42

Mehico

Met-Mex

11

Tây Ban Nha

SEM PSA

43

Hồng Kông

....................

12

Thuỵ Điển

Boliden

44

Nhật

Mitsubishi

13

Thuỵ Sỹ

argor-Heraeus

45

Nhật

Mitsui

14

Thuỵ Sỹ

Cendres & Métaux

46

Nhật

Ishifuku

15

Thuỵ Sỹ

Metalor

47

Nhật

Nippon

16

Thuỵ Sỹ

PAMP

48

Nhật

Sumitomo

17

Thuỵ Sỹ

Credit Suisse FB

49

Nhật

Tanaka

18

Thuỵ Sỹ

SBC

50

Nhật

Tokủiki

19

Thuỵ Sỹ

UBC

51

Nhật

Chugai

20

Thuỵ Sỹ

Valcambi

52

Nhật

Dowa

21

Anh

Engelhard-CLAL

53

Nhật

Matsuda

22

Anh

Jóhnon Matthey

54

Hàn Quốc

LG Metals

23

Canađa

Johnson Matthey

55

Philipin

Central Bank

24

Canađa

Noranda

56

Singapore

Degussa

25

Canađa

RCM

57

Indonesia

Logam Mulia

26

Mỹ

ASARACO

58

Nam phi

Rand Refinery

27

Mỹ

Engelhard

59

Zimbabwe

Fidelity

28

Mỹ

Engelhard-CLAL

60

Úc

AGR

29

Mỹ

H & H Refinering

61

Úc

Golden West

30

Mỹ

Homestake

62

Úc

Jóhnon Matthey

31

Mỹ

Jóhnon Matthey

63

Uzbekistan

Navoi

32

Mỹ

Heraeus

64

Trung quốc

Refinery of China

 

PHỤ LỤC 3

DANH MỤC CÁC GIAO DỊCH VàNG LAI

 

Thu

Chi

Tính chất giao dịch

thu

 

Thu từ xuất khẩu hàng hoá, bao gồm cả khoản ứng trước hay trả chậm.

thu

chi

Hoàn trả số tiền đã thành toán xuất khẩu như tiền giảm giá, tiền bổi thường, đền bù và các chi phí khác cho xuất khẩu hàng hoá.

 

chi

Thanh toán nhập khẩu hàng hoá bao gồm cả chi phí vận chuyển và bảo hiểm, tiền ứng trước để nhập khẩu hàng hoá, những khoản thanh toán liên quan đến đầu tư dưới hình thức máy móc thiết bị.

thu

chi

Thu nhập từ tạm nhập tái xuất.

thu

chi

Thuế Hải quan trả cho việc mua bán hàng hoá, chi phí đóng gói, bốc xếp, bốc dỡ hàng và chi phí lưu kho.

thu

chi

Cước phí vận chuyền đường thuỷ, đường hàng không, đường bộ và tàu hoả (như thuê xếp hàng, dỡ hàng, chuyên chở thiết bị và Container); Phí hoa hồng và các chi phí khác, tiền trả cho cứu hộ và đắm tàu, thanh toán tiền vé, chi phí liên quan đến dịch vụ viễn thông, bưu điện, thông tin và các dịch vụ truyền thống, truyền hình và chi phí cho hàng không, hàng hải

thu

chi

Các chi phí liên quan đến các dịch vụ du lịch.

thu

chi

Thanh toán tiền ở khu du lịch và các dịch vụ liên quan (bao gồm các dịch vụ nhà hàng, dịch vụ du lịch, thuê xe ô tô, phí dịch vụ bến bãi),

thu

chi

Các chi phí liên quan đến việc học tập và tổ chức các cuộc họp (bao gồm phí hội viên cho khoá học, hội thảo và hội nghị).

thu

chi

Các chi phí về y tế.

thu

chi

Chi phí cho tư vấn kỹ thuật, quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa (phí lixăng, phí chuyển giao bí quyết công nghệ, phí hành chính, phí sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng và tên mác) và phí khảo sát.

thu

chi

Thanh toán cho các hợp đồng dịch vụ (chi phí cho các dịch vụ chuyên môn, phí ngân hàng, phí khảo sát thị trường và các chi phí khác).

thu

chi

Phí cho tư vấn và luật

thu

chi

Các chi phí phát sinh liên quan đến các dự án thiết kế và xây dựng và mua hàng hoá và dịch vụ từ các hợp đồng phụ.

thu

chi

Phí hoa hồng liên quan đến mua bán hàng hoá và dịch vụ, thuê, phí kiểm tra và đánh giá chất lượng và phân loại ký quĩ, tiền bảo hiểm và phí mối giới và các khoản thanh toán phần gia tăng cho hợp đồng mua bán hàng hoá tương lai, hợp đồng lựa chọn, hợp đồng kỳ hạn và các hợp đồng trao đổi hàng hoá khác.

thu

chi

chi phí liên quan đến quảng cáo, tiếp thị, các chương trình truyền hình, phim ảnh ở nước ngoài (bao gồm tiền lương, tiền thuê mặt bằng để kinh doanh, các chi phí hành chính, các khoản bảo hiểm, tiền trả của công ty đầu tư cho công ty tiếp thi).

thu

chi

Phí bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị (như tàu, máy bay, và các loại xe vận chuyển khác).

thu

chi

Chi phí cho chi nhánh và văn phòng đại diện (gồm tiền thuê và các chi phí hoạt động khác).

thu

chi

Quyền sản xuất, bản quyền tác giả

thu

chi

Thanh toán bảo hiểm vận chuyển, thanh toán tái bảo hiểm (trả tiền bảo hiểm thân tàu, máy bay và các loại phương tiên vận chuyển khác, tiền bổi thường thiệt hại).

thu

chi

Phạt trong buôn bán ngoại thương

thu

chi

Trả lương, thưởng, và các phụ cấp khác.

thu

chi

Chi phí vận hành máy móc, thiết bị thuê

thu

chi

Lãi, cổ tức và các thu nhập liên quan khác từ đầu tư trực tiếp (gồm cả những khoản cho vay của công ty mẹ).

thu

chi

Lãi cho vay và lãi tàu gửi

thu

chi

Lãi từ đầu tư chứng khoán.

thu

chi

Chuyển lợi nhuận về nước từ đầu tư trực tiếp

thu

chi

Các khoản tài trợ viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ

thu

chi

Phí hội viên, thành viên, các giải thưởng

thu

chi

Các khoản trợ giúp của Chính phủ.

 


PHỤ LỤC 4

DANH MỤC CÁC GIAO DỊCH VỐN

 

THU

CHI

TÍNH CHẤT GIAO DỊCH

thu

chi

Các giao dịch chuyển tiền mặt và chuyển nhượng chứng khoán

thu

chi

Chuyển nhượng cổ phần và chuyển vốn dài hạn của Công ty cho chi nhánh

thu

chi

Chuyển nhượng phần vốn góp trong dự án đầu tư trực tiếp.

thu

chi

Chuyển về nước các nguồn vốn góp từ đầu tư trực tiếp và đầu tư từ việc mua cổ phần và các giấy tờ có giá khác.

thu

chi

Vay và trả nợ vay; cho vay và thu hồi nợ vay

thu

chi

Các giao dịch về bất động sản

 

 

PHỤ LỤC 5

DOANH NGHIỆP

 

Số:______/CV

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày.... tháng... năm ....

 

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN NGOẠI TỆ Ở NƯỚC NGOÀI
(Đối với các Tổ chức kinh tế Việt Nam, Doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài)

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Vụ Quản lý Ngoại hối)

 

Tên Doanh nghiệp:

Tên giao dịch đối ngoại (nếu có):

Trụ sở chính:

Điện thoại: Fax:

Quyết định thànhlập số:

Cơ quan cấp:....................ngày....................

Đăng ký kinh doanh số:

Cơ quan cấp:......... ngày.........

Lĩnh vực kinh doanh:...........

Vốn điều lệ:.........

Trụ sở tại nước ngoài (nếu có):

Số điện thoại: Số Fax:

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và cấp giấy phép được mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.

Mục đích mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài:.....

Nơi mở tài khoản: Nước..... Ngân hàng.................

Thời gian sử dụng tài khoản ở nước ngoài:............

Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các quy định quản lý ngoại hối hiện hành của Nhà nước.

 

GIÁM ĐỐC (TỔNG GIÁM ĐỐC)

(ký tên và đóng dấu)

 

Hồ sơ gửi kèm:

- Bản sao công chứng quyết định thành lập doanh nghiệp

- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

- Các giấy tờ liên quan khác theo quy định tại Thông tư này.

 


PHỤ LỤC 6

 

TỔ CHỨC TÍN DỤNG

 

Số:______/CV

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày.... tháng..... năm.....

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN
NGOẠI TỆ Ở NƯỚC NGOÀI
(Đối với các Tổ chức tín dụng)

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Vụ Các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi Ngân hàng)

Tên tổ chức tín dụng:

Tên giao dịch đối ngoại (nếu có):

Trụ sở chính:

Điện thoại: Fax:

Giấy phép thành lập và hoạt động số:

Cơ quan cấp:.......... ngày................

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:

Cơ quan cấp:............. ngày.............

Giấy phép hoạt động ngoại hối số:........ ngày.....

Vốn điều lệ:...................

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.

Mục đích mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.....

Nơi mở tài khoản: Nước...... Ngân hàng....

Thời gian sử dụng tài khoản ở nước ngoài:..............

Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các quy định quản lý ngoại hối hiện hành của Nhà nước.

GIÁM ĐỐC (TỔNG GIÁM ĐỐC)

(Ký tên và đóng dấu)

Hồ sơ gửi kèm:

- Bản sao công chứng Quyết định thành lập;

- Bản sao công chứng Giấy phép hoạt động ngoại hối;

- Ý kiến của giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa
bàn

- Các giấy tờ liên quan khác theo qui định tại Thông tư này.

PHỤ LỤC 7

 

TÊN TỔ CHỨC

 

Số:....../CV

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày....... tháng...... năm......

 

ĐƠN XIN MỞ TÀI KHOẢN NGOẠI TỆ Ở NƯỚC NGOÀI
(Đối với cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị,
tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp,
quỹ xã hội, quỹ từ thiện)

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Vụ Quản lý Ngoại hối)

Tên tổ chức:............................................................

Quyết định thành lập số:.........................................

Cơ quan cấp:............... ngày.....................................

Địa chỉ:.....................................................................

Số Fax:......................................................................

Số điện thoai:............................................................

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.

Mục đích mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài:.......................

Nơi mở tài khoản: Nước.............. Ngân hàng.........................

Thời gian sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài:..................

Chúng tôi xin cam kết thực hiện đúng các quy định về quản lý ngoại hối hiện hành của Việt Nam.

 

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(Ký tên và đóng dấu)

Hồ sơ gửi kèm:

- Bản sao công chứng Quyết định thành lập,

- Các giấy tờ liên quan khác theo qui định của Thông tư này


PHỤ LỤC 8

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 


ĐƠN MUA, CHUYỂN, MANG NGOẠI TỆ RA NƯỚC NGOÀI

 

Kính gửi: .......................................

 

Tôi là: ..........................................................................................

CMT số:..........................cấp ngày.................. Tại.......................

Nơi thường trú:...........................................................................

Đề nghị cơ quan xem xét và cấp giấy phép được mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.

Hộ chiếu số:...................ngày:.................................

Số lượng ngoại tệ xin mua, chuyển ra nước ngoài:.........................

........................................................................................................

Lý do:..............................................................................................

Hình thức chuyển ngoại tệ:.............................................................

Nơi chuyển ngoại tệ đến:................................................................

Số tài khoản:...................................................................................

Người thụ hưởng:...........................................................................

Ngân hàng:.....................................................................................

Thành phố:.....................................................................................

Nước:..............................................................................................

Tôi xin chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin trên.

Thành phố (tỉnh)..........., ngày......tháng .....năm ...

 

NGƯỜI LÀM ĐƠN

(Ký và ghi rõ họ tên)

Giấy tờ gửi kèm:

- Giấy chứng minh nhân dân,

- Hộ chiếu;

- Các giấy tờ liên quan khác theo qui định của Thông tư

 

 

PHỤ LỤC 9

 

TÊN NGÂN HÀNG CẤP PHÉP

 

Số:

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Tỉnh, thành phố..., ngày... tháng... năm...

 

GIẤY PHÉP MANG NGOẠI TỆ

 

Ông/Bà:

Hộ chiếu số: Quốc tịch:

Được mang số ngoại tệ dưới đây:

Qua cửa khẩu:

Giấy phép này có hiệu lực trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày cấp.

 

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG HOẶC

NGƯỜI ĐƯỢC UỶ QUYỀN CẤP PHÉP

(Ký tên và đóng dấu)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 10

 

TỔ CHỨC TÍN DỤNG

 

Số______/CV

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày...... tháng....... năm ...........

 

ĐƠN XIN PHÉP HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Vụ Các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng)

 

Tên tổ chức tín dụng:......................................................................

Trụ sở chính tại:.............................................................................

Số điện thoại:................. Số Fax:...................................................

Giấy phép thành lập và hoạt động số:.............................................

Cơ quan cấp:............................ ngày..............................................

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:.......................................

Cơ quan cấp:.................... ngày......................................................

Vốn điều lệ: ...................................................................................

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét và cấp giấy phép hoạt động ngoại hối bao gồm các nghiệp vụ sau:

1/ ..................................................................................................

2/ ..................................................................................................

3/ ..................................................................................................

Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước.

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(Ký tên và đóng dấu)

 

Hồ sơ gửi kèm:

- Bản sao công chứng Quyết định thành lập

- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

- Các giấy tờ liên quan khác qui định tại Thông tư này.

PHỤ LỤC 11

 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

CHI NHÁNH TỈNH, THÀNH PHỐ...

 

Số:

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày.... tháng..... năm....

GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐẠI LÝ BÀN ĐỔI NGOẠI TỆ

 

GIÁM ĐỐC

CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC TỈNH, THÀNH PHỐ ...

 

- Căn cứ Thông tư của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 08 năm 1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối;

- Xét hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động đại lý bàn đổi ngoại tệ của (tên doanh nghiệp xin cấp phép),

QUYẾT ĐỊNH

 

Điều 1. Cấp giấy phép hoạt động đại lý bàn đổi ngoại tệ cho doanh nghiệp sau đây:

1. Tên gọi: (Tên doanh nghiệp);

2. Địa chỉ trụ sở chính:

Số điện thoại: Số fax:

3. Quyết định thành lập số..... ngày........... cơ quan cấp:

 

Điều 2: Hoạt động đại lý bàn đổi ngoại tệ thực hiện theo Quy chế hoạt động của bàn đổi ngoại tệ ban hành theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ giữa (tên doanh nghiệp) và (tên tổ chức tín dụng) ký ngày......

 

Điều 3: Trong quá trình hoạt động đại lý bàn đổi ngoại tệ, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam, pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và các quy định khác có liên quan.

 

Điều 4: Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

GIÁM ĐỐC

(Ký tên và đóng dấu)

Nơi nhận:

- Doanh nghiệp

- Tổ chức tín dụng ký hợp đồng;

- Vụ Quản lý Ngoại hối;

- Lưu.

PHỤ LỤC 12

DOANH NGHIỆP

 

Số:______/CV

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày .... tháng ..... năm ....

 

ĐƠN XIN LÀM ĐẠI LÝ BÀN ĐỔI NGOẠI TỆ

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước

Chi nhánh Tỉnh (Thành phố)

 

Tên doanh nghiệp:

Trụ sở chính tại:

Số điện thoại: ................... Số Fax: ............................................

Quyết định thành lập số:

Cơ quan cấp:......ngày .......

Vốn điều lệ:

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:

Cơ quan cấp: ...... ngày ........

Lĩnh vực kinh doanh:

Tài khoản tiền gửi đồng Việt Nam số:

Tại Ngân hàng:

Tài khoản tiền gửi ngoại tệ số:

Tại Ngân hàng:

Đề nghị cơ quan xem xét, cấp giấy phép cho Doanh nghiệp làm đại lý đổi ngoại tệ theo hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ với tổ chức tín dụng ........ đã ký ngày ........

Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các quy định về quản lý ngoại hối hiện hành của Nhà nước.

 

THỦ TRƯỞNG DOANH NGHIỆP

(Ký tên và đóng dấu)

Hồ sơ gửi kèm:

- Bản sao có công chứng Quyết định thành lập

- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ tiền mặt;

- Các chứng từ liên quan khác qui định tại Thông tư này.

 

PHỤ LỤC 13

 

TÊN TỔ CHỨC

 

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày..... tháng....... năm.....

 

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH VÀNG
TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Vụ Quản lý Ngoại hối)

Tên tổ chức:.....................................................................................

Quyết định thành lập số:.................................................................

Cơ quan cấp:................ ngày ..........................................................

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng số: .............................

Cơ quan cấp: ................. ngày ........................................................

Trụ sở chính: ..................................................................................

Điện thoại số: ...................... Fax: ..................................................

Vốn điều lệ: ....................................................................................

- Vốn cố định: ................................................................................

- Vốn lưu động ...............................................................................

Tổng số cửa hàng kinh doanh vàng hiện có:...................................

Tổng số lao động:

- Cán bộ kỹ thuật:...........................................................................

- Công nhân:..................................................................................

Trang thiết bị kỹ thuật hiện có (nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện có)

.......................................................................................................

........................................................................................................

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và cấp giấy phép cho doanh nghiệp được kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các nghiệp vụ:

- Mua bán

- Xuất nhập khẩu.

Chúng tối xin cam đoan những điều kiện khai trên đây là đúng và thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quản lý kinh doanh vàng hiện hành của Nhà nước.

 

Ý KIẾN CỦA CƠ QUAN CHỦ QUẢN

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(Ký tên và đóng dấu)

 

Hồ sơ gửi kèm:

- Bản sao công chứng Quyết định thành lập;

- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Các giấy tờ liên quan khác theo quy định tại Thông tư.

PHỤ LỤC 14

 

TÊN TỔ CHỨC

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày ...... tháng......... năm .......

 

ĐƠN XIN XUẤT NHẬP KHẨU VÀNG TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Vụ Quản lý Ngoại hối)

 

Tên tổ chức: ..................................................................................

Quyết định thành lập số: ..............................................................

Cơ quan cấp: ................ ngày .......................................................

Trụ sở chính:..................................................................................

Điện thoại số: .................... Fax:....................................................

Giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế số:... ngày... tháng...

Nguồn vốn để xuất/nhập khẩu vàng:

Vốn tự có:

Vốn vay:

Tài khoản ngoại tệ số: ..................................................................

Tại Ngân hàng: .............................................................................

Số dư ngoại tệ trên tài khoản: .......................................................

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép xuất/nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế với trọng tượng : .............................................; chất lượng:

........................................ để kinh doanh theo phương án trình kèm.

Chúng tối xin cam đoan những điều kiện khai trên đây là đúng và thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quản lý kinh doanh vàng hiện hành của Nhà nước.

 

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(Ký tên và đóng dấu)

Hồ sơ gửi kèm

- Bản sao công chứng Quyết định thành lập;

- Bản sao công chứng Giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế;

- Các giấy tờ liên quan khác theo quy định tại Thông tư.

 

PHỤ LỤC 15

 

TỔ CHỨC

 

Số:______/CV

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Tỉnh (Thành phố)..., ngày.... tháng... năm...

 

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH VÀNG
TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ Ở NƯỚC NGOÀI

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Vụ Quản lý ngoại hối)

 

Tên tổ chức: ..............................................................

Quyết định thành lập số: ...........................................

Cơ quan cấp: .............. ngày......................................

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: ................

Cơ quan cấp: ......................... ngày ...........................

Trụ sở chính:. ...........................................................

Điện thoại số: ....................... Fax ............................

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế ở nước ngoài.

Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước.

 

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(Ký tên và đóng dấu)

Hồ sơ gửi kèm:

- Bản sao công chứng Quyết định thành lập

- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,

- Các giấy tờ liên quan khác theo quy định tại Thông tư.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE STATE BANK
-------
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
----------
No: 01/1999/TT-NHNN7
Hanoi, April 16, 1999
 
CIRCULAR
GUIDING THE IMPLEMENTATION OF DECREE No.63/1998/ND-CP OF AUGUST 17, 1998 OF THE GOVERNMENT ON FOREIGN EXCHANGE MANAGEMENT
Pursuant to Article 45 of Decree No.63/1998/ND-CP of August 17, 1998 of the Government on foreign exchange management, the State Bank of Vietnam hereby guides the implementation of such Decree as follows:
Part One
GENERAL PROVISIONS
Chapter I
OBJECTS AND SCOPE OF REGULATION
SECTION I.- OBJECTS OF APPLICATION
This Circular shall apply to Vietnamese organizations and individuals on the Vietnamese territory and overseas and to foreign organizations and individuals on the Vietnamese territory that have foreign exchange and are engaged in foreign exchange transactions.
SECTION II.- THE SCOPE OF REGULATION
1. In the Socialist Republic of Vietnam, all foreign exchange transactions by organizations and individuals shall have to comply with the provisions of the Decree on foreign exchange management and comply with the State Bank’s specific guidance in this Circular and other law provisions on foreign exchange and foreign exchange transactions.
2. In the Socialist Republic of Vietnam, foreign exchange is only circulated through the State Bank, credit institutions licensed by the State Bank to conduct foreign exchange transactions and through organizations as well as individuals that are licensed to conduct foreign exchange transactions according to the provisions of this Circular.
Residents and/or non-residents that are organizations or individuals shall be allowed to receive payment in foreign currency(ies) on the Vietnamese territory under the following regulations:
a/ Residents being organizations and individuals receive payment in foreign currency(ies) transferred through bank accounts under contracts for export/import entrustment (between the entrustor and the entrustee);
b/ Residents being organizations receive payment in foreign currency(ies) transferred through bank accounts under the provisions on internal transfer of foreign currency(ies) (between units having legal person status and dependent-accounting units and vice versa);
c/ Residents and/or non-residents being organizations licensed to provide international services in the fields of aviation, navigation, post and telecommunications, insurance and tourism may receive payment in foreign currency(ies) transferred through bank accounts according to the following regulations:
Aviation: Foreign currency(ies) may be collected from:
- The sale of vouchers on the transport of passengers and cargo on international air routes to all objects;
- The sale of vouchers on the transport of passengers and cargo on domestic routes to non-residents;
- The provision of services in piloting agency, supply of fuel, foodstuff and other services for foreign air crews at Vietnam�s international airports.
Navigation: Foreign currency(ies) may be collected from:
- The sale of vouchers on the maritime transport on international sea routes to all objects;
- The sale of vouchers on the transport of passengers and cargo on domestic routes to non-residents;
- The provision of piloting services, sea port services, supply of fuel, foodstuff and other services for foreign shipping firms at Vietnam�s sea ports.
Post-telecommunications: Foreign currency(ies) may be collected from the provision of post and telecommunications services to non-residents being organizations and individuals in Vietnam.
Insurance: Premiums may be collected in foreign currency(ies) from:
- Export and import goods insurance, international aviation and navigation transport insurance and petroleum insurance for all objects;
- Insurance for organizations and individuals, that are non-residents in Vietnam.
Tourism: Foreign currency(ies) may be collected from the organization of international tours for all subjects.
d/ Residents being organizations which act as foreign exchange agents for banks shall be entitled to collect foreign currency(ies) at the foreign exchange desks. The foreign currency exchange shall comply with the State Bank�s Regulations on foreign exchange desks;
e/ Residents being organizations which sell duty-free goods and provide services in departure lounges of international border gates (airports, seaports, land bordergates) and at bonded warehouses may post up prices in foreign currency(ies) and receive payment in foreign currency(ies) from the sale of goods and the provision of services;
f/ Residents being tax agencies, customs authorities, border gate police and other agencies shall be entitled to collect taxes, entry visa fees at international border gates and other kinds of charges in foreign currency(ies) in accordance with the provisions of legislation on taxes and charges;
g/ Residents being foreign-invested enterprises or foreign parties to business cooperation contracts, which deal in business offices, working offices, hotels, international hospitals, international schools and other services may receive foreign currency(ies) transferred through bank accounts from non-residents to pay for the renting of houses, working offices and hotels or for hospital fees, school fees as well as other services;
h/ Non-residents being diplomatic missions, consulates and representations of international organizations operating in Vietnam may collect visa fees, consular fees and other fees in foreign currency(ies) in accordance with the international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to;
i/ Residents being foreign contractors may receive payments in foreign currency(ies) transferred via bank accounts from investors; subcontractors may receive payments in foreign currency(ies) transferred via bank accounts from the contractors under signed contracts;
j/ Residents being enterprises which operate in the business fields of hotels, restaurants, supermarkets and stores authorized by banks to act as units accepting international payment cards shall be entitled to receive from customers payment by cards with value in foreign currency(ies) according to international practices.
The payment between card payment banks and the units accepting cards can be effected only in VN dong.
k/ Residents being organizations may receive payments in foreign currency(ies) transferred via bank accounts from export processing enterprises and enterprises in export processing zones under contracts for goods and/or services trading;
l/ Residents and/or non-residents being individuals who are allowed to circulate foreign exchange in forms of deposit, carrying on body may receive foreign currency(ies) transferred from abroad, transfer or carry abroad foreign currency(ies) for allowed purposes, or deposit into banks in forms of personal foreign currency deposits or savings according to the provisions of this Circular;
On the Vietnamese territory, residents and non-residents, that are organizations or individuals, are forbidden to trade in, make payment and provide loans to one another in foreign currency(ies) and to post up the goods and service prices in foreign currency(ies), except where prescribed in this Circular.
m/ Residents and non-residents being foreigners are entitled to receive salaries, bonuses and allowances in foreign currency(ies) in cash or transferred via bank accounts.
n/ Other cases shall be permitted by the State Bank Governor.
For gold of international standard, the circulation thereof shall be specified in Chapter II, Part Six of this Circular.
3. The residents being organizations which have foreign currency revenues in cash as prescribed in Point 2 (e), Section II, Chapter I, Part One of this Circular must have the license to collect foreign currency(ies) in cash in the country, granted by the State Bank.
The dossiers of application for the license to collect foreign currency(ies) in cash shall be addressed to the State Bank (the Foreign Exchange Management Department), including:
a/ The application for the license to collect foreign currency(ies) in cash;
b/ The notarized copy of the decision on the establishment of the organization or the decision to open its office;
c/ The notarized copy of the business registration certificate or the decision of the competent body to permit the sale of duty-free goods or the provision of international services.
Within 15 (fifteen) working days after fully receiving the valid dossiers, the State Bank shall grant or refuse to grant the license to the organization. In case of refusal to grant the license, a written reply must be given to the organization, clearly stating the reasons therefor.
The license to collect foreign currency(ies) in cash granted by the State Bank shall serve as basis for the organization to remit the foreign currency(ies) in cash into the bank account(s).
Organizations with licenses to collect foreign currency(ies) in cash from the sale of goods and provision of services, granted by the State Bank before the effective date of this Circular, shall continue their operation under the granted licenses and have to abide by the regulations stated therein on the collection of foreign currency(ies) in cash and the scope of business activities in collecting foreign currency(ies) in cash.
Particularly, the items of foreign currency(ies) to be collected by resident and non- resident organizations provided for in Point 2.(f) and 2.(h), Section II, Chapter I, Part One of this Circular, shall be collected in accordance with the provisions of law without having to ask for permission from the State Bank; but when the foreign currency(ies) in cash is remitted into the bank, there must be the official letter clearly explaining to the bank contents of the collected amount of foreign currency(ies).
For other cases permitted to collect foreign currency(ies) defined in Point 2, Section II, Chapter I, Part One of this Circular , where arises the demand to collect foreign currency(ies) in cash, the foreign currency(ies) shall be collected in the form of foreign exchange agency for the bank. The use of foreign currency(ies) shall comply with the State Bank�s regulations on foreign exchange desks.
4. The foreign exchange transactions in the border regions between Vietnam and bordering countries and export processing zones shall comply with separate regulations of the Prime Minister.
Chapter II
APPLICATION OF INTERNATIONAL TREATIES, INTERNATIONAL PRACTICES AND FOREIGN LAWS IN FOREIGN EXCHANGE TRANSACTIONS WITH FOREIGN COUNTRIES
1. In cases where an international treaty which Vietnam has signed or acceded to contains provisions other than the provisions of the Decree on foreign exchange management, the provisions of such international treaty shall apply.
2. In cases where it is not banned by Vietnamese legislation, the parties participating in foreign exchange transactions with foreign countries may agree on the application of international practices or foreign laws provided that such application does not cause damage to Vietnam�s interests.
Chapter III
INTERPRETATION OF TERMS
In this Circular, terms defined in Decree No. 63/1998/ND-CP of August 17, 1998 of the Government on foreign exchange management shall be interpreted as follows:
1. Foreign exchange shall include:
a/ Lawful currencies of foreign countries being circulated in the forms of bank-notes and coins;
b/ Instruments of payment in foreign currencies such as checks, payment cards, bills of exchange, bank deposit certificates, postal deposit certificates and other payment instruments;
c/ Papers of foreign currency value such as government bonds, corporate bonds, term bonds, shares and other valuable papers;
d/ The special right to capital withdrawal particularly the currency issued by the International Monetary Fund to be used for reserves and international payment for member countries, which codified as "SDR";
The European common currency is the one used by member countries of the European Union for reserves and payment among such member countries.
Other common currencies used in international and regional payment;
e/ Gold of international standard specified in Point 8, Chapter III "Interpretation of terms", Part One of this Circular;
f/ The being circulated currency of the Socialist Republic of Vietnam (Vietnam dong) in cases where it is transferred in and out of the Vietnamese territory or used as instrument for international payment.
2. The residents being organizations or individuals shall include:
a/ State enterprises, private enterprises, companies, cooperatives and other economic organizations of all economic sectors of Vietnam, which are established and conduct business activities in Vietnam (hereafter referred to as Vietnamese economic organizations);
b/ Foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation contracts operating under the Law on Foreign Investment in Vietnam, branches of foreign companies, foreign contractors, contractors in partnership with foreign parties and other economic organizations with foreign capital, which conduct business operations in Vietnam not under the Law on Foreign Investment in Vietnam;
c/ Vietnamese credit organizations, joint-venture credit institutions between Vietnam and foreign countries, non-bank credit organizations with 100% foreign capital, foreign banks� branches conducting business operations in Vietnam (hereafter referred to as credit institutions in Vietnam);
d/ State agencies, armed forces units, political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations, social funds, Vietnamese charity funds operating in Vietnam;
e/ Vietnamese diplomatic missions, consulates, armed forces units, political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations, social funds and Vietnamese charity funds operating overseas; Vietnamese citizens working in these organizations and their dependents;
f/ Representative offices of Vietnamese economic organizations, representative offices of foreign-invested enterprises in Vietnam and representative offices of credit institutions in Vietnam, which operate overseas;
g/ Vietnamese citizens residing in Vietnam; Vietnamese citizens residing abroad for less than 12 months;
h/ Foreigners residing in Vietnam for 12 months or more;
i/ Vietnamese citizens going abroad for tourism, study, medical treatment or visit (regardless of duration).
3. Non-residents being organizations or individuals shall include:
a/ Foreign economic organizations established and conducting business operations overseass;
b/ Vietnamese economic organizations, foreign-invested enterprises in Vietnam conducting business activities overseas;
c/ Vietnamese credit institutions and foreign credit institutions in Vietnam set up and conducting business activities overseas;
d/ Foreign State agencies, armed forces units, political organizations, socio-political organizations, social funds and charity funds operating overseas;
e/ Foreign diplomatic missions, consulates, representative offices of international organizations, representative offices of inter-governmental organizations, representative offices of non-governmental organizations, armed forces as well as political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations, social funds and charity funds operating in Vietnam; foreigners working in these organizations and their dependents;
f/ Representative offices of foreign economic organizations; and representative offices of foreign credit institutions operating in Vietnam;
g/ Foreigners residing overseas; foreigners residing in Vietnam for less than 12 months;
h/ Vietnamese citizens residing overseas for 12 months or more;
i/ Foreigners arriving in Vietnam for tourism, study, medical treatment or visits (regardless of duration).
Where organizations and/or individuals have not yet been determined as residents or non-residents, the State Bank Governor shall decide.
4. Foreign exchange transactions mean operations of foreign exchange investment, borrowing, lending, guaranty, purchase, sale and other transactions regarding foreign exchange.
5. Foreign exchange rate means the value of a foreign monetary unit calculated in Vietnam�s monetary unit.
6. Foreign currency means the currency of a foreign State or a common currency of many States.
7. Foreign currency(ies) in cash mean bank-notes, coins, traveller�s checks and other similar payment instruments in foreign currency(ies) as prescribed by law.
8. Gold of international standard means gold in cubes, ingot, bars, leaf with the quality of 99.5% or higher and the weight of 1 kg or more and with the gold producers� trade-marks recognized by Gold Association and International Gold Transaction Bureau.
The list of gold producers recognized by the Gold Association and the International Gold Transaction Bureau is prescribed in Annex 2 of this Circular.
9. Licensed banks mean commercial banks, development banks, investment banks, social policy banks, cooperation banks and banks of other forms, which are operating in Vietnam and licensed by the State Bank to conduct foreign exchange transactions.
10. Foreign exchange desks mean organizations permitted by the State Bank to carry out the activities of collecting and exchanging foreign currency(ies) in cash. The foreign exchange desks may be organized directly by the credit institutions licensed to conduct foreign exchange transactions or by other organizations acting as their authorized agents.
11. Current transactions mean transactions between residents and non-residents regarding commodities, services, revenues from direct investment, revenues from investment in valuable papers, foreign loan interests and deposit interests, one-way money transfer and other similar transactions as prescribed by law.
One-way money transfer in current transactions is construed as the transfer of money from abroad into Vietnam or from Vietnam abroad via banks and/or postal service, which is characterized by the financial support, aid, family assistance or personal use without relating to the payment for goods and services.
12. Current payment means making revenues and expenditures for current transactions specified in Annex 3 of this Circular.
13. Capital transactions mean transactions in the transfer of capital into Vietnam or from Vietnam abroad in the fields of direct investment, investment in valuable papers, foreign borrowings and payment of foreign debts, foreign loans and retrieval of foreign loans and other forms of investment under the provisions of Vietnamese law, which increase or reduce the credit assets or debit assets between residents and non-residents.
14. Capital transfer means the transfer of capital from abroad into Vietnam or from Vietnam abroad for the capital transactions specified in Annex 4 of this Circular.
15. Direct investment means the bringing into Vietnam of capital in cash or any kind of property by foreign investors to carry out investment activities according to the provisions of the Law on Foreign Investment in Vietnam or the bringing abroad of capital in cash or any kind of property by Vietnamese investors to carry out investment activities according to investment laws of Vietnam and such foreign country(ies).
16. Investment in valuable papers means the investment in shares, bonds, instruments on monetary markets and the future financial instruments to be issued in Vietnam or the investment by residents in valuable papers issued in foreign countries.
17. Foreign borrowings and payment of foreign debtsmean the residents borrow from and fulfill debt payment obligations to the non-residents in every form, which is accounted in foreign currency(ies).
18. Foreign loans and retrieval of foreign loans mean the residents provide loans to and retrieve debts from non-residents in every form, which is calculated in foreign currency(ies).
19. Oversea accounts are accounts of residents opened at banks operating outside the Vietnamese territory.
Part Two
OPENING ACCOUNTS AND USING FOREIGN CURRENCY(IES) BY RESIDENTS AND NON-RESIDENTS
Chapter I
CONDITIONS AND PROCEDURES FOR OPENING AND USING FOREIGN CURRENCY DEPOSIT ACCOUNTS IN THE COUNTRY BY RESIDENTS
SECTION I.- FOR RESIDENTS BEING ORGANIZATIONS
1. Conditions for opening accounts
Residents being organizations which have sources of foreign currency revenues from current transactions and capital transactions as well as foreign currency revenues mentioned in Point 2, Section II, Chapter I, Part One of this Circular may open and maintain foreign currency deposit accounts at licensed banks.
2. Procedures for account opening and closure.
The residents being organizations, when opening or closing their foreign currency accounts, shall comply with the procedures prescribed by the licensed banks in areas where the accounts are opened.
3. Using accounts.
Revenue: The residents being organizations which have foreign currency deposit accounts may collect foreign currency(ies) into their accounts from the following sources:
a/ Via-bank account transfer from abroad;
b/ Via-bank account transfer in the country with regard to items allowed to be collected according to the provisions in Point 2, Section II, Chapter I , Part One, this Circular;
c/ Via-bank account transfer in the country from the issuance of papers of foreign currency value; interests earned from investment in papers of foreign currecy value;
d/ Via-bank account transfer in the country from the purchase of foreign currency(ies) of credit institutions licensed to carry out foreign exchange transactions;
e/ Foreign currency(ies) in cash remitted (with regard to residents being the organizations defined in Point 2, Section II, Chapter I, Part One of this Circular or permitted by the State Bank to collect foreign currency(ies) in cash upon the export of goods and services).
f/ Foreign currency(ies) in cash brought from abroad and remitted thereinto (with certification by the border-gate customs);
g/ Other sources of foreign currency revenue in the form of via-bank transfer or remittance of foreign currency(ies) in cash when so permitted by the State Bank Governor.
Expenditure: The residents being organizations which have foreign currency deposit accounts may spend foreign currency(ies) therefrom for the following purposes:
a/ Payment for the import of goods and services to foreign parties (including costs arising in relation to goods and services export and/or import);
b/ Payment for goods and services to domestic organizations and individuals, that are permitted to collect foreign currency(ies) according to the provisions in Point 2, Section II, Chapter I, Part One of this Circular;
c/ Payment of the principals, interests, fees and other expenses arising in relation to foreign currency borrowings from domestic banks and foreign borrowings according to current regulations;
d/ Selling foreign currency(ies) to credit institutions licensed to carry out foreign exchange transactions;
e/ Investment in valuable papers issued in foreign currency(ies) and various kinds of securities prescribed by law; payment for the principals and interests for papers and securities of foreign currency value;
f/ Conversion into other payment instruments in foreign currency(ies) such as checks, payment cards and other payment instruments; or conversion into other foreign currency(ies) according to the regulations of licensed banks;
g/ Contribution of capital to the implementation of investment projects as prescribed by the legislation on foreign investment in Vietnam.
h/ Transfer of foreign currency(ies) abroad (by foreign investors) in accordance with the Law on Foreign Investment in Vietnam and other relevant regulations.
i/ Transfer of foreign currency(ies) for overseas investment as prescribed by the legislation on Vietnam’s overseas investment;
j/ Withdrawal of foreign currency(ies) in cash or via bank accounts for individuals working for the organizations when they are sent abroad and for payment of wages, bonuses and other allowances for non-residents and residents that are foreigners working for such organizations;
Residents being foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation contracts and credit institutions, if their use of foreign currency(ies) is prescribed separately in other legal documents, may use foreign currency(ies) for the purposes prescribed in such documents.
SECTION II.- FOR RESIDENTS BEING INDIVIDUALS
1. Conditions for opening accounts
Residents being individuals who have foreign currency(ies) transferred via banks from abroad or brought along, when entering Vietnam with certification by the border-gate customs and have other lawful sources of foreign currency revenue in Vietnam may open and maintain foreign currency deposit accounts at licensed banks.
2. Procedures for opening and closing accounts
The procedures for opening and closing foreign currency deposit accounts of individual-residents shall be defined by the licensed banks where the accounts are opened.
3. Using accounts.
Revenue: Individual-residents with foreign currency deposit accounts may collect foreign currency(ies) into their accounts from the following sources:
a/ Via-bank account transfer from abroad according to goods and/or services export contracts or from sources of donation or aids permitted by law;
b/ Foreign currency(ies) in cash brought from abroad and remitted thereinto (with certification by the border-gate customs);
c/ Via-bank account transfer in the forms of donation, gift, inheritance under the provisions of law;
d/ Domestic collection of foreign currency(ies) via bank accounts or in cash from the payment of wages, bonuses and other allowances in foreign currency(ies) as permitted;
e/ Other foreign currency revenues permitted by the State Bank Governor.
Expenditure: Individual-residents with foreign currency deposit accounts may deduct foreign currency(ies) from their accounts for the following spending purposes:
a/ Payment for the import of goods and services for organizations and individuals in foreign countries;
b/ Payment for goods and services received by domestic organizations and individuals that are permitted to collect foreign currency(ies) under the provisions of Point 2, Section II, Chapter I, Part One of this Circular;
c/ Remittance abroad (via bank accounts or in cash) to be used for personal purposes as prescribed in Chapter IV, Part Three; Chapter V, Part Four, of this Circular;
d/ Sale to credit institutions licensed to conduct foreign exchange transactions;
e/ Withdrawal of foreign currency(ies) in cash for the purposes of keeping, savings and other purposes permitted by law;
f/ Investment in papers of foreign currency value;
g/ Conversion into other payment instruments in foreign currency(ies) such as checks, payment cards and other payment instruments or conversion into other foreign currencies as provided for by licensed banks;
h/ Donation, gifts, inheritance under the provisions of law;
i/ Residents being foreign individuals may remit abroad the amount of foreign currency(ies) available on their foreign currency accounts as prescribed in Point 3, Section II, Chapter IV, Part Three of this Circular.
4. Foreign currency savings deposit
Individual-residents having foreign currency(ies) may deposit such foreign currency(ies) in savings accounts at licensed banks. The foreign currency savings depositors are entitled to enjoy interests in foreign currency(ies) and to withdraw both principals and interests in foreign currency(ies) according to the regulations on foreign currency savings deposit.
Chapter II
CONDITIONS AND PROCEDURES FOR NON-RESIDENTS TO OPEN AND USE FOREIGN CURRENCY DEPOSIT ACCOUNTS IN THE COUNTRY
SECTION I.- FOR NON-RESIDENTS BEING ORGANIZATIONS OPERATING IN VIETNAM
1. Conditions for account opening
Non-residents being organizations operating in Vietnam that have foreign currency(ies) transferred from overseas via banks or brought along when entering Vietnam with certification by border-gate customs, as well as other lawful sources of foreign currency revenues in Vietnam may open and maintain their foreign currency deposit accounts at licensed banks.
2. Procedures for account opening and closure.
The procedures for opening and closing foreign currency deposit accounts by non-residents being organizations shall be defined by licensed banks where the accounts are opened.
3. Account using.
Revenue: Non-residents being organizations operating in Vietnam that have foreign currency deposit accounts may collect foreign currency(ies) into their accounts from the following sources :
a/ Foreign currency revenue transferred via bank accounts from abroad;
b/ Foreign currency revenue transferred from bank accounts of other non-resident(s).
c/ Foreign currency revenue transferred via bank accounts from the sale of VN dong on VN dong deposit accounts;
d/ Foreign currency revenue transferred via bank accounts, remitted cash (for non-residents being organizations allowed to collect foreign currency(ies) as prescribed at Point 2, Section II, Chapter I, Part One of this Circular);
e/ Foreign currency revenue in cash brought from abroad and remitted thereinto (with certification by border-gate customs);
f/ Other sources of foreign currency revenue permitted by the State Bank Governor.
Expenditure: Non-residents being organizations operating in Vietnam that have foreign currency deposit accounts may deduct foreign currency therefrom for the following spending purposes:
a/ Payment for the import of goods and services to organizations and/or individuals in foreign countries;
b/ Payment for the purchase of goods and services to domestic organizations and individuals that are allowed to collect foreign currency(ies) according to the provisions at Point 2, Section II, Chapter I, Part One of this Circular;
c/ Sale to credit institutions licensed to carry out foreign exchange transactions;
d/ Conversion into other foreign currency payment instruments such as checks, payment cards and other payment instruments or conversion into other kinds of foreign currency according to the regulations of the licensed banks;
e/ Transfer abroad via bank accounts;
f/ Withdrawal of foreign currency(ies) in cash via bank accounts to give to individuals working for the organizations when they are sent abroad on business mission and to pay wages, bonuses and allowances to non-residents and residents who are foreigners working for the organizations;
g/ Withdrawal of foreign currency(ies) in cash to carry abroad or spend in areas where the State Bank permits the collection of foreign currency(ies) in cash on the Vietnamese territory according to the provisions of this Circular;
h/ Transfer into foreign currency accounts of other non-residents;
i/ Donation or gifts according to the provisions of law.
SECTION II.- FOR NON-RESIDENTS BEING ORGANIZATIONS OPERATING OVERSEAS
1. Conditions for account opening
Non-residents being organizations that are operating overseas (hereafter called non-residents being organizations in foreign countries) and have foreign currency(ies) transferred from abroad into Vietnam via banks or brought along by persons who have entered Vietnam with certification by border-gate customs, and other lawful sources of foreign currency revenue may open and maintain their foreign currency deposit accounts at licensed banks.
2. Procedures for account opening and closure.
The procedures for opening and closing foreign currency deposit accounts by non-residents being organizations in foreign countries shall be defined by the licensed banks where the accounts are opened.
3. Account using.
Revenue: Non-residents being organizations in foreign countries that have foreign currency deposit accounts may collect foreign currency(ies) into their accounts from the following sources:
a/ Via-bank account transfer from abroad;
b/ Via-bank account transfer from foreign currency accounts of domestic organizations and individuals that make payments under goods and/or services import and/or export contracts.
Expenditure: Non-residents being organizations in foreign countries that have foreign currency deposit accounts may deduct foreign currency(ies) therefrom for the following spending purposes:
a/ Payment transferred overseas via bank accounts;
b/ Payment to organizations and individuals in Vietnam for their goods and services under goods and/or services export and/or import contracts.
SECTION III.- FOR NON-RESIDENTS BEING INDIVIDUALS
1. Conditions for account opening
Non-residents being individuals who have foreign currency(ies) transferred from abroad into Vietnam via banks or brought along when entering Vietnam with certification by the border-gate customs, and other lawful sources of foreign currency revenue in Vietnam may open and maintain their foreign currency deposit accounts at licensed banks.
2. Procedures for account opening and closure.
The procedures for opening and closing foreign currency deposit accounts by non-residents being individuals shall be defined by the licensed banks where the accounts are opened.
3. Account using
Revenue: Non-residents being individuals that have foreign currency deposit accounts may collect foreign currency(ies) into their accounts from the following sources:
a/ Via-bank account transfer from overseas thereinto;
b/ Foreign currency(ies) in cash brought from abroad and remitted thereinto (with certification by border-gate customs);
c/ Foreign currency revenue transferred via bank accounts or in cash from the payment of wages, bonuses and allowances by domestic organizations, and other sources of foreign currency revenue permitted by Vietnamese law;
d/ Foreign currency revenue transferred via bank accounts from the sale of VN dong on VN dong accounts for foreign currency(ies);
e/ Other sources of foreign currency revenue permitted by the State Bank Governor.
Expenditure: Non-residents being individuals who have foreign currency deposit accounts may deduct foreign currency(ies) therefrom for the following spending purposes :
a/ Transfer abroad via bank accounts;
b/ Payment to domestic organizations and individuals that are allowed to collect foreign currency(ies) as prescribed at Point 2, Item II, Chapter I, Part One of this Circular for the purchase of their goods and services;
c/ Sale to credit institutions licensed to carry out foreign exchange transactions;
d/ Conversion into other payment instruments in foreign currency(ies) such as checks, payment cards and other payment instruments; conversion into other kinds of foreign currency according to the regulations of the licensed banks;
e/ Withdrawal of foreign currency(ies) in cash to bring along when leaving the country or to spend in areas where the State Bank permits the collection of foreign currency(ies) in cash;
f/ Transfer into foreign currency accounts of other non-residents in the country;
g/ Donation, gift or inheritance as prescribed by law.
Chapter III
INDIVIDUALS� RIGHTS TO USE FOREIGN CURRENCY(IES)
1. Residents and non-residents being individuals that have foreign currency(ies) transferred from overseas via banks or brought along when entering Vietnam with certification by the border-gate customs, and other lawful sources of foreign currency revenue in Vietnam are entitled to:
a/ To keep and/or carry them along;
b/ To deposit them in banks in the form of opening personal foreign currency deposit accounts;
c/ To deposit them in banks in the form of foreign currency savings deposits (applicable only to residents);
d/ To sell them to credit institutions licensed to carry out foreign exchange transactions or to foreign exchange desks.
Foreign currency(ies) in the personal foreign currency deposit accounts may be used for the purposes prescribed in Point 3, Section II, Chapter I, and Point 3, Section III, Chapter II, Part Two of this Circular.
2. Residents being individuals that have foreign currency(ies) not from the sources of revenue mentioned in Point 1 above shall not be allowed to open personal foreign currency deposit accounts but only to deposit them in banks in the form of foreign currency savings deposits.
3. Residents and non-residents having personal foreign currency deposit accounts at banks before this Circular takes effect may continue to use the foreign currency(ies) in their accounts for the purposes defined for the opening and using personal foreign currency deposit accounts ( Point 3, Section II, Chapter I and Point 3, Section III, Chapter II, Part Two of this Circular).
As from the date this Circular takes effect, banks shall have to comply with the guidance in this Circular when effecting the opening of personal foreign currency deposit accounts or receiving the foreign currency savings deposits.
Chapter IV
CONDITIONS AND PROCEDURES FOR OPENING AND USING VIETNAM DONG DEPOSIT ACCOUNTS IN THE COUNTRY BY NON-RESIDENTS
1. Conditions for account opening
Non-residents being organizations or individuals in Vietnam that earn Vietnam dong from the sale of foreign currency(ies) to credit institutions and have other sources of revenue in Vietnam dong as permitted by Vietnamese laws may open and maintain their Vietnam dong deposit accounts at banks.
2. Procedures for account opening and closure
The procedures for opening and closing Vietnam dong deposit accounts of non-residents shall be defined by banks where the accounts are opened.
3. Account using
Revenue: The non-residents being organizations or individuals that have Vietnam dong deposit accounts may collect Vietnam dong into their accounts from the following sources:
a/ The sale of foreign currency(ies) on accounts to credit institutions licensed to carry out foreign exchange transactions;
b/ The goods and services supply and different kinds of fees permitted by Vietnamese law.
c/ The receipt of wages, bonuses and other allowances (for individuals entitled to receive such amounts in Vietnam dong at domestic organizations);
d/ Other sources of revenue in Vietnam dong prescribed by Vietnamese law.
Expenditures: The non-residents being organizations or individuals that have Vietnam dong deposit accounts may deduct Vietnam dong therefrom for the following spending purposes:
a/ Payment to residents and non-residents that are domestic organizations or individuals for the purchase of their goods and services;
b/ Payment for the purchase of foreign currency(ies) of credit institutions for transfer abroad;
c/ Withdrawal of Vietnam dong for spending in Vietnam;
d/ Donation, gifts or inheritance as prescribed by law.
Chapter V
OPENING AND USING OVERSEAS ACCOUNTS OF RESIDENTS
SECTION I.- FOR RESIDENTS BEING VIETNAMESE ECONOMIC ORGANIZATIONS, FOREIGN-INVESTED ENTERPRISES AND CREDIT INSTITUTIONS IN VIETNAM
Residents being Vietnamese economic organizations, foreign-invested enterprises operating under the Law on Foreign Investment in Vietnam and credit institutions in Vietnam shall be licensed by the State Bank to open and use foreign currency accounts abroad according to the following regulations:
1. Vietnamese economic organizations licensed to conduct international business activities in the fields of aviation, navigation, post, insurance, tourism, labor export, and to contract overseas projects that require the opening of overseas accounts to make regular revenue-expenditure items, deposits, custodies to guarantee the performance of international bidding contracts; clearance payment or implement international treaties and agreements already signed with foreign countries shall have to send their dossiers of application for the license to open and use the overseas foreign currency accounts to the State Bank (Department for Management of Foreign Exchange).
The dossiers shall include:
a/ The application for the license to open and use the overseas foreign currency account;
b/ The notarized copies of the decision to set up the enterprise and the business registration certificate;
c/ Other documents issued by the competent bodies of the foreign country(ies) or Vietnam, related to the request, objective and necessity to open overseas foreign currency accounts.
2. Vietnamese economic organizations and foreign-invested enterprises have the demand to open overseas foreign currency accounts in order to make medium- and long-term borrowings valued at 5,000,000 (five million) USD or more or other foreign currency of equivalent value. All these borrowings must be accepted for registration by the State Bank and the lending party requests the opening of foreign currency accounts in order to manage the sources of borrowed capital and monitor the debt repayment. The organizations shall have to send the dossiers of application for the license to open and use the overseas foreign currency accounts to the State Bank (the Department for Management of Foreign Exchange).
Such a dossier shall include:
a/ The application for license to open and use overseas foreign currency account;
b/ The notarized copy of the decision on the establishment of the enterprise, the business registration certificate and the investment license;
c/ The capital borrowing contract signed with foreign party and the State Bank�s permit for borrowing registration;
d/ Documents evidencing that the foreign lending party has requested the opening of overseas foreign currency account.
3. Economic organizations permitted by the competent bodies of Vietnam to open overseas branches or representative offices shall have to send the dossiers of application for the license to open and use the overseas foreign currency accounts to the State Bank (the Department for Management of Foreign Exchanges).
Such a dossier shall include:
a/ The application for the license to open and use overseas foreign currency accounts;
b/ The notarized copy of the establishment decision and the business registration certificate.
c/ The notarized copy of the Vietnamese competent body�s decision permitting to open the overseas branches or representative offices.
4. Credit institutions wishing to open and use overseas foreign currency accounts to effect the foreign exchange business operation abroad shall have to send the dossiers of application for the license to open and use the overseas foreign currency accounts to the State Bank (the Department for Banks and Non-Bank Credit Institutions).
Such a dossier shall include:
a/ The application for the license to open and use overseas foreign currency accounts;
b/ The notarized copy of the establishment and operation license of the credit institution;
c/ The copy of the foreign exchange transaction license granted by the State Bank.
5. Organizations other than subjects operating in the above-said fields and scope, if having demand to open and use overseas foreign currency accounts, shall have to obtain the written consent of the Prime Minister.
SECTION II.- FOR RESIDENTS BEING STATE BODIES, ARMED FORCES UNITS, POLITICAL ORGANIZATIONS, SOCIO-POLITICAL ORGANIZATIONS, SOCIAL ORGANIZATIONS, SOCIO-PROFESSIONAL ORGANIZATIONS, SOCIAL FUNDS, CHARITY FUNDS OF VIETNAM OPERATING IN VIETNAM
Residents being State bodies, armed forces units, political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations, social funds and charity funds of Vietnam, which operate in Vietnam and have the demand to open and use overseas foreign currency accounts to effect foreign borrowings and repayment of foreign debts of the Government, to receive foreign aids or perform other tasks permitted by the Prime Minister shall be licensed by the State Bank to open and use overseas foreign currency accounts. Such organizations shall have to send the dossiers of application for the license to the State Bank (the Department for Foreign Exchange Management).
Such a dossier shall include:
a/ The application for license to open and use overseas foreign currency account;
b/ The notarized copy of the establishment decision;
c/ One of the following documents :
- For the Government’s borrowings and debt repayment: The copy of the contract on the Government�s borrowings and debt repayment, stipulating the opening of overseas foreign currency accounts;
- For reception of aid in foreign countries: The document evidencing that the foreign party requests the opening of overseas foreign currency accounts to receive aid capital of foreign countries;
- The Prime Minister’s written approval of the opening of overseas foreign currency accounts for other cases.
SECTION III.- REPORTING RESPONSIBILITY
Residents being organizations licensed by the State Bank to open and use the overseas foreign currency accounts shall have to report to the State Bank on the situation of opening the overseas foreign currency accounts according to the following regulations:
1. Organizations already licensed by the State Bank to open and use the overseas foreign currency accounts before the effective date of this Circular may continue to use the granted licenses without having to fill in the procedures for new licenses.
2. Organizations licensed after the effective date of this Circular shall, within 15 (fifteen) working days after the opening of the overseas foreign currency accounts, have to report to the State Bank (the Foreign Exchange Management Department) on the opening and use of the overseas foreign currency accounts.
3. The opening, use and closure of overseas foreign currency accounts of organizations licensed by the State Bank to open overseas foreign currency accounts shall comply with the reporting contents and regime prescribed in the licenses.
SECTION IV.- FOR RESIDENTS BEING DIPLOMATIC MISSIONS, CONSULATES, ARMED FORCES OFFICES, REPRESENTATIVES OF POLITICAL ORGANIZATIONS, SOCIO-POLITICAL ORGANIZATIONS, SOCIAL ORGANIZATIONS, SOCIO-PROFESSIONAL ORGANIZATIONS, SOCIAL FUNDS AND CHARITY FUNDS OF VIETNAM OR VIETNAMESE CITIZENS WHILE IN FOREIGN COUNTRIES
Residents being diplomatic missions, consulates, armed forces offices and representatives of political organizations, socio-poitical organizations, social organizations, socio-professional organizations, social funds and charity funds of Vietnam or Vietnamese citizens, while in foreign countries, may open and use overseas foreign currency accounts according to the laws of such countries.
Upon the termination of their overseas stays, the above-said organizations and individuals shall have to close the accounts opened in foreign countries and transfer all the foreign currency balances on the accounts (if any) back to the home country. Where there is a need to leave the foreign currency(ies) abroad in any forms, there must be the written approval of the State Bank Governor.
Chapter VI
MANAGEMENT OF THE OPENING AND USE OF RESIDENTS� DOMESTIC AND OVERSEAS FOREIGN CURRENCY DEPOSIT ACCOUNTS AND THE NON-RESIDENT�S FOREIGN CURRENCY AND VIETNAM DONG DEPOSIT ACCOUNTS
SECTION I.- MANAGEMENT OF THE OPENING AND USE OF RESIDENTS� DOMESTIC AND OVERSEAS FOREIGN CURRENCY DEPOSIT ACCOUNTS AND NON-RESIDENTS� FOREIGN CURRENCY AND VIETNAM DONG DEPOSIT ACCOUNTS
1. The opening and use of the residents’ domestic and overseas foreign currency deposit accounts and the non-residents’ foreign currency deposit accounts and Vietnam Dong deposit accounts shall comply with the provisions in Chapter I, Chapter II, Chapter IV and Chapter V, Part Two of this Circular.
2. The State Bank, depending on the seriousness of violations, shall decide to withdraw the license for the opening of overseas foreign currency deposit accounts already granted to the residents being organizations, that have committed the following acts of violations:
a/ Constantly failing to report on the use of overseas foreign currency accounts according to regulations on the reporting regime;
b/ Using foreign currency in the accounts not for the right purposes prescribed in the licenses;
c/ Continuing to maintain the overseas foreign currency accounts when finishing their term of operation overseas without the approval of the State Bank Governor.
3. Residents being organizations or individuals that operate or live in foreign countries may open and use foreign currency accounts according to laws of such countries.
Where the period of living or operating overseas terminates or expires, a failure to close such accounts or to transfer the remaining balance back home, or a deliberate attempt to leave foreign currency(ies) overseas without the permission of the State Bank Governor shall all be considered acts of violating the regulations on foreign exchange management and be handled according to the current regulations.
SECTION II.- MONITORING AND ACCOUNTING BOOKS
1. The State Bank (the Finance and Accountancy Department) shall elaborate the regime of accounting foreign currency deposit accounts of residents and non-residents, the Vietnam dong deposit accounts of non-residents, which have been opened at banks operating in Vietnam according to the revenue-expenditure contents prescribed in this Circular.
2. Basing themselves on the documents guiding the regime of accounting the foreign currency deposit accounts of residents and non-residents as well as the Vietnam dong deposit accounts of non-residents, banks shall open books to monitor and settle accounts for residents and non-residents that have opened accounts at their respective places.
3. When opening accounts for customers, the banks shall request the account owners to use the foreign currency(ies) thereon (revenue-expenditure) in strict accordance with the regulations of this Circular and other relevant provisions of law.
SECTION III.- TIME-LIMIT FOR GRANTING LICENSES TO OPEN AND USE OVERSEAS FOREIGN CURRENCY ACCOUNTS
Within 15 (fifteen) working days after fully receiving the valid dossiers, the State Bank shall grant or refuse to grant the licenses for opening overseas foreign currency accounts. In case of refusal to grant such license to any organization or individual, the State Bank shall have to reply in writing, clearly stating the reasons therefor.
Part Three
CURRENT TRANSACTIONS
Chapter I
TRANSFERRING FOREIGN CURRENCY(IES) BACK TO VIETNAM FROM SOURCES OF CURRENT TRANSACTIONS
SECTION I.- WITH REGARD TO SOURCES OF FOREIGN CURRENCY COLLECTION VIA BANK ACCOUNTS
1. Residents being organizations that have foreign currency revenues from the export of goods and services or from other current transactions overseas shall have to transfer back home such foreign currency amounts into their foreign currency deposit accounts opened at licensed banks operating in Vietnam. (The money transfer by telegraph, mail and other forms shall comply with international practices. The money transfer for payment by letter of credit (L/C) shall comply with the time-limit stated in the contracts).
2. Residents being organizations licensed by the State Bank to open and use overseas foreign currency accounts, when having sources of foreign currency revenue overseas, may retain part or whole of the collected amounts of foreign currency(ies) and deposit them into their overseas foreign currency accounts for use for the purposes defined in the licenses granted by the State Bank. The remaining foreign currency amount shall be transferred back to the country.
SECTION II.- WITH REGARD TO THE COLLECTION OF FOREIGN CURRENCY(IES) IN CASH
1. Residents being organizations licensed by the State Bank to sell goods and provide services for collecting foreign currency(ies) in cash such as duty-free shops, units providing services for non-residents in isolation areas at international bordergates, bonded warehouses, collecting taxes and charges in foreign currency(ies) shall have to remit the collected foreign currency amount in cash into their foreign currency deposit accounts at licensed banks within 7 (seven) working days after the collection of foreign currency in cash ( except for the foreign currency amount left for daily-use fund, which is agreed upon by the head of the unit and the bank that manages the account).
2. Residents being organizations which have foreign currency revenues in cash in foreign countries from the export of goods, the provisions of services, the organization of trade fairs, exhibitions... shall have to deposit the collected foreign currency amounts into their foreign currency deposit accounts at licensed banks within 7 (seven) working days after such foreign currency amounts are brought back to the country with certification by the bordergate customs.
Chapter II
ORGANIZATION-RESIDENTS� OBLIGATION TO SELL FOREIGN CURRENCY(IES)
1. Residents being Vietnamese economic organizations, foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation contracts which are guaranteed by the Vietnamese Government’s support for the balance of their foreign currency demand, branches of foreign companies, foreign contractors, contractors in partnership with foreign parties, State bodies, armed forces units, political organizations, socio-poitical organizations, social organizations, socio-professional organizations, social funds and charity funds of Vietnam shall have to sell the foreign currency amounts they have collected from current revenue sources to the licensed banks at the rate prescribed by the Prime Minister for each period.
2. The rate and time-limit for fulfilling the obligation to sell foreign currency(ies) collected from current revenue sources by organization-residents shall comply with the Prime Minister�s decision in each period and with guiding documents of the State Bank.
3. Foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation contracts, which have not been guaranteed with the Vietnamese government’s support for the balance of their foreign currency demand, shall not have to sell the foreign currency amounts they have collected from current revenue sources and shall have to ensure by themselves the balance of their foreign currency demand for their own business operations
Chapter III
ORGANIZATIONS’ RIGHT TO BUY FOREIGN CURRENCY(IES)
SECTION I.- FOR ORGANIZATION- RESIDENTS
1. Residents being Vietnamese economic organizations, branches of foreign companies, foreign contractors, foreign parties to business cooperation contracts, contractors in partnership with foreign parties, credit institutions in Vietnam, State bodies, armed forces units, political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations, social funds and charity funds of Vietnam may buy foreign currency(ies) at licensed banks to satisfy the requirements of payment for current transactions or for other permitted transactions on the basis that they produce relevant valid papers.
2. Residents being foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation contracts may buy foreign currency(ies) at licensed banks to satisfy their requirements of payment for current transactions or for other permitted transactions according to the provisions of legislation on the management of foreign exchange in the field of foreign investment in Vietnam.
3. The right to buy foreign currency(ies) of residents being organizations defined at Points 1 and 2 above shall comply with the Prime Minister’�s separate stipulations as well as guiding documents of the State Bank.
SECTION II.- FOR NON-RESIDENTS BEING ORGANIZATIONS
Non-residents being foreign diplomatic missions, consulates, representations of international organizations, representations of inter-governmental organizations, representations of non-governmental organizations, armed forces and political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations, representative offices of foreign economic organizations and representative offices of foreign credit institutions operating in Vietnam with sources of revenue in Vietnam dong from the visa granting, the collection of charges or from the sale of foreign currency(ies) to credit institutions and sources of revenue in Vietnam dong permitted by Vietnamese laws may buy foreign currency(ies) at licensed banks. When buying and transferring foreign currency(ies) abroad, the non-residents being organizations shall have to send to the licensed banks the following papers:
1. The application for the purchase of foreign currency(ies) clearly stating the purpose and demand of purchasing the foreign currency(ies);
2. Relevant papers evidencing that the Vietnam dong revenues have been collected from sources permitted by Vietnamese law;
3. In case of termination of operation or dissolution and return home ahead of time, when foreign currency(ies) is (are) purchased, there must be documents of the competent tax authority certifying the fulfillment of the financial obligations towards the Vietnamese State;
After the non-residents being organizations have fully produced to the licensed banks the above-mentioned necessary papers, the licensed banks shall have to examine the validity of such papers and effect the sale of foreign currency(ies) to the non-residents and transfer the foreign currency(ies) abroad according to current procedures.
Chapter IV
BUYING AND TRANSFERRING ABROAD FOREIGN CURRENCY(IES) OF INDIVIDUALS
SECTION I.- FOR RESIDENTS BEING VIETNAMESE CITIZENS
1. Vietnamese citizens who have foreign currency(ies) may transfer or carry them abroad for use for the purposes of tourism, study, visits, medical treatment, payment of membership and other fees to foreign countries, or support or bequeathal to families or relatives overseas according to the following regulations:
a/ With regard to the transfer of foreign currency(ies) abroad to pay for tourism, study, business trips, visits, medical treatments undertaken by themselves, their families or relatives or membership as well as other fees to foreign countries:
In cases where the transfer is made from the foreign currency balance on the foreign currency deposit accounts opened at licensed banks, concerned Vietnamese citizens shall have to address the dossiers to the licensed banks (the banks that effect the money transfer) for consideration of the transfer of foreign currency(ies) abroad.
In cases where the transfer is made from other sources of foreign currency(ies), the concerned Vietnamese citizens shall have to send the dossiers to the State Bank (the Foreign Exchange Management Department) for consideration and approval.
The dossier sent to the licensed bank (the bank that transfers the money) or to the State Bank (the Foreign Exchange Management Department) according to cases mentioned above shall include:
- The application for the transfer of foreign currency(ies) abroad;
- The valid papers evidencing the actual demand for spending foreign currency(ies) overseas such as school fee notices, certification of hospital fees by hospitals, notices on collection of foreign charges, fees and other charges;
- The notarized copy of the decision on overseas trips for business or study (for persons sent abroad for business and/or study) or other relevant papers issued by competent body permitting the exit.
The licensed banks (the banks that transfer the money) shall examine the validity of the papers used for the above-mentioned purposes and effect the transfer of foreign currency(ies) abroad according to the addresses requested by the money transferrers. For cases approved by the State Bank (the Foreign Exchange Management Department) there must be the permit of the State Bank. On the basis of the State Bank�s permits, the licensed banks shall effect the transfer of foreign currency(ies) for the requester.
The transfer of foreign currency(ies) abroad to families and relatives mentioned in this Circular means the transfer of foreign currency(ies) to persons of blood ties: fathers, mothers, wives, husbands, offsprings, siblings.
b/ Transfer of foreign currency(ies) abroad for the purpose of supporting or bequeathing to families and relatives overseas;
Vietnamese citizens wishing to transfer foreign currency(ies) abroad to support or bequeath to their families and relatives overseas must obtain the written approval by the State Bank.
When their demand to transfer foreign currency(ies) abroad for the above-mentioned purposes arises, Vietnamese citizens shall have to send the dossiers to the State Bank (the Foreign Exchange Management Department). Such a dossier includes papers defined at Point 1.(a) above in addition to the local administration�s certification of the family relationship or documents of competent bodies on the division of inherited estates.
The foreign currency amount permitted to be transferred abroad annually to support families and relatives shall not exceed 5,000 (five thousand) USD or the equivalent value for other foreign currencies.
The foreign currency amount permitted to be transferred abroad annually for the purpose of bequeathal shall not exceed 10,000 (ten thousand) USD or the equivalent value for other foreign currencies.
The remaining foreign currency amount (if any) shall be deposited at licensed banks and transferred abroad gradually with the annual amount not exceeding the levels prescribed above.
The amounts of foreign currency(ies) to be transferred abroad according the above prescribed levels may be transferred in a lumpsum or many installments as requested by the money transferrers.
The licensed banks shall effect the transfer of foreign currency(ies) abroad for the purposes of supporting or bequeathing to families or relatives overseas only after the written approval by the State Bank is obtained.
c/ Vietnamese citizens who have the demand to carry foreign currency (ies) in cash abroad (with the amount exceeding the level that requires the bordergate customs declaration) for use for the purposes prescribed at Points 1.(a) and 1.(b) above shall be granted by the banks the permit to carry foreign currency(ies) in cash abroad according to the following regulations:
- The foreign currency(ies) in cash to be brought overseas are those withdrawn from personal foreign currency deposit accounts at licensed banks: There must be the permit to bring foreign currency(ies) in cash abroad granted by the licensed banks that permit the withdrawal of foreign currency(ies) in cash.
- The foreign currency(ies) in to be brought overseas cash are not those withdrawn from personal foreign currency deposit accounts: There must be the permit to bring foreign currency(ies) in cash abroad, granted by the State Bank (the Foreign Exchange Management Department).
2. Vietnamese citizens who need foreign currency(ies) for transfer and carrying abroad for the purposes prescribed at Point 1 above may contact licensed banks to buy foreign currency(ies) after sending to the banks their application for the purchase of foreign currency(ies) and relevant papers (the dossier of application for the purchase of foreign currency(ies) also include such papers as the application for transfer of foreign currency(ies) abroad defined at Points 1.(a) and 1.(b) above).
3. The time-limit for the bank to effect the transfer of money abroad or to grant the permit to carry foreign currency(ies) in cash abroad to Vietnamese citizens who have so demanded shall be 5 (five) working days at most after the banks fully receive the valid papers related to the purchase, transfer and carrying of foreign currencies. In case of refusal, the banks shall have to notify the applicants of the reasons therefor.
4. The banks entitled to grant permits for carrying foreign currency(ies) in cash abroad shall have to notify their seals and the signatures of their general directors (directors) (or persons authorized to sign the permits) to the General Department of Customs and the bordergate customs for supervision, management and monitoring.
SECTION II.- FOR NON-RESIDENTS AND RESIDENTS BEING FOREIGNERS
1. Non-residents being individuals who have foreign currency(ies) in their foreign currency deposit accounts at banks may transfer or carry foreign currency(ies) abroad according to the following regulations:
a/ Via-bank transfer: shall comply with the money transfer procedures set by the banks that transfer the money.
b/ Carrying along foreign currency(ies) in cash when on exit: The non-residents are permitted to withdraw foreign currency(ies) in cash from their foreign currency deposit accounts to carry along when on exit. If the amount of foreign currency(ies) in cash carried along exceeds the limit that requires the bordergate customs declaration, there must be the permit to carry foreign currency(ies) abroad, granted by the banks that permit to withdraw the foreign currency(ies) in cash.
c/ Upon the expiry of their working terms in Vietnam or the termination of their labor contracts signed with Vietnamese parties, the non-resident foreigners who have the demand to transfer abroad their entire revenue in foreign currency(ies) they have earned during their stay in Vietnam shall, when filling the procedures for money transfer, have to produce to the money-transferring banks the documents of the competent tax authorities certifying that they have fulfilled their financial obligations in Vietnam.
d/ When having the demand to carry abroad foreign currency(ies) in cash from other revenue sources permitted by Vietnamese law (not those withdrawn from foreign currency deposit accounts opened at banks) with the amount of foreign currency(ies) in cash exceeding the level that requires the bordergate customs declaration, there must be the written approval of the State Bank (the Foreign Exchange Management Department).
2. Non-residents being individuals who have revenue in Vietnam dong from salaries, wages, bonuses, allowances or other sources of revenue in Vietnam dong permitted by Vietnamese law may use such Vietnam dong amount to buy foreign currency(ies) at licensed banks and transfer such foreign currency (ies) abroad when they have such demand.
Upon the expiry of their working terms in Vietnam or termination of their labor contracts signed with Vietnamese parties, the non-residents who have the demand to transfer the entire amount of their purchased foreign currency(ies) abroad shall have to produce to the money-transferring banks the documents of the competent tax authorities certifying that they have fulfilled their financial obligations in Vietnam.
The foreign currency(ies) to be transferred abroad may be purchased via bank account transfer or in cash. Where the foreign currency(ies) in cash is purchased with an amount larger than the level that requires the bordergate customs declaration, there must be the permit to carry foreign currency(ies) abroad, granted by the banks that sell the foreign currency(ies).
3. The residents being foreigners working in organizations in Vietnam who have foreign currency(ies) in their foreign currency deposit accounts opened at banks may transfer the foreign currency(ies) abroad in forms of via-bank account transfer or withdrawal of foreign currency(ies) in cash for carrying along when on exit.
a/ The residents being foreigners who finish their working terms in Vietnam or terminate the labor contracts signed with Vietnamese parties and have the demand to transfer their entire foreign currency revenues earned during their stays in Vietnam shall have to produce to the bank which transfer the money the documents of the competent tax authorities certifying that they have fulfilled the financial obligations in Vietnam.
The money-transferring banks shall examine the validity of the above papers and fill in the procedures for transferring foreign currency(ies) abroad to the addresses requested by the money transferrers.
b/ The residents being foreigners who have foreign currency deposit accounts at banks may withdraw the foreign currency(ies) in cash to carry them along when on exit if they have such demand. If the foreign currency amount exceeds the level that requires the bordergate customs declaration there must be the permit to carry the foreign currency(ies) abroad, granted by the banks that permit the withdrawal of foreign currency(ies) in cash.
In cases where the foreign currency(ies) in cash carried abroad have originated from other sources of revenue permitted by Vietnamese law (not those withdrawn from the foreign currency deposit accounts at banks) with the amount larger than the level that requires the bordergate customs declaration, there must be the written approval of the State Bank (the Foreign Exchange Management Department).
c/ The residents being foreigners who receive salaries, wages, bonuses, allowances and other lawful incomes in Vietnam dong, when having the demand to convert such money into foreign currency(ies) may buy foreign currency(ies) at licensed banks for transfer abroad.
The licensed bank shall sell foreign currency(ies) and fill in the procedures for the transfer or carrying of the foreign currency(ies) abroad according to the regulations at Points 3.(a) and 3.(b) above.
4. The banks which grant permits to carry foreign currency(ies) in cash abroad to non-residents or residents being foreigners who withdraw foreign currency(ies) in cash from their foreign currency deposit accounts opened at the banks shall have to notify their seals and the signatures of their general directors (directors) (or persons authorized to sign the permits) to the General Department of Customs and the bordergate customs for supervision, management and monitoring.
Chapter V
CARRYING ALONG FOREIGN CURRENCY(IES) IN CASH, VIETNAM DONG IN CASH AND GOLD OF INTERNATIONAL STANDARD WHEN ON EXIT OR ENTRY
1. Basing him/herself on the practical situation in each period, the State Bank Governor prescribes the levels of foreign currency(ies) in cash, Vietnam dong in cash and gold of international standard, which individuals may carry out of or into the country when on exit or entry without having to declare to the bordergate customs, and guides the implementation of the regulations on carrying along foreign currency(ies) in cash, Vietnam dong in cash and gold of international standard when leaving and entering the country.
2. Individuals, when entering Vietnam and carrying foreign currency(ies) in cash, Vietnam dong in cash and/or gold of international standard with the amount exceeding the levels set by the State Bank Governor shall have to fill in the procedures for bordergate customs declaration. For individuals being residents who wish to deposit the foreign currency(ies) in cash into their foreign currency deposit accounts at licensed banks they must get the bordergate customs�s certification of the foreign currency amount brought from overseas into the country. Individuals being non-residents may deposit the foreign currency(ies) in cash into their foreign currency deposit accounts with the amount below the customs declaration level; in cases where such amount is larger than the customs declaration level, there must be the bordergate customs�s certification of the foreign currency amounts brought from abroad into the country or papers evidencing their lawful sources of income in Vietnam.
3. Individuals who leave the country and carry along foreign currency(ies) in cash, Vietnam dong in cash and/or international standard gold with the amount exceeding the customs declaration levels or exceeding the amounts they have brought in and declared with the customs when entering the country shall have to obtain the State Bank�s permits.
4. Individuals who carry along foreign currency(ies) in cash, Vietnam Dong in cash and/or international standard gold upon their exit and/or entry in each period shall have to comply with the separate regulations of the State Bank Governor.
5. Individuals, when leaving and/or entering Vietnam, carry along different types of payment instruments and other papers of value in foreign currency(ies) or Vietnam dong, which are not cash, shall not have to fill in the bordergate customs declaration procedures.
Part Four
CAPITAL TRANSACTIONS
Chapter I
TRANSFERRING FOREIGN CURRENCY REVENUES FROM CAPITAL TRANSACTIONS BACK TO VIETNAM
Organization-residents that have foreign currency revenues from capital transactions abroad such as contributed capital (legal capital, capital contributed to business cooperation contracts and other forms of overseas direct investment), foreign borrowed capital, retrieval of foreign loans (including the form of issuance of international bonds) shall have to transfer all back to Vietnam and deposit into their foreign currency accounts opened at licensed banks according to the tempo and time limit already approved by competent bodies.
Organization-residents that have foreign currency revenues from capital transactions abroad but have the demand to leave them in foreign countries and do not transfer them back home yet according to the above-mentioned regulations (including the partial remittance or non-remittance according to time-table) shall have to obtain the written approval from the State Bank.
The sale of foreign currency(ies) earned from capital transactions to licensed banks may be effected on the basis of mutual agreement. Foreign currency(ies) collected from capital transactions and deposited in the foreign currency deposit accounts may be used for the purposes prescribed in Section I, Chapter I, Part Two of this Circular.
Chapter II
MANAGEMENT OF BORROWINGS AND DEBT REPAYMENT, LOANS AND RETRIEVAL OF FOREIGN LOANS
The management of foreign borrowings and payment of foreign debts and retrieval of foreign loans shall comply with separate provisions of law.
The transfer of money to effect the foreign borrowings and payment of foreign debts, foreign loans and retrieval of foreign debts of Vietnamese economic organizations, foreign-invested enterprises and credit institutions in Vietnam must be effected through licensed banks and only after it is registered with the State Bank.
Chapter III
DIRECT INVESTMENT
SECTION I.- DIRECT INVESTMENT IN VIETNAM
1. Foreign investors are encouraged to transfer their investment capital in foreign exchange from abroad into Vietnam according to the provisions of the Law on Foreign Investment in Vietnam.
2. Foreign investors shall have to transfer their capital into their accounts opened at licensed banks operating in Vietnam according to the time-table prescribed in the joint-venture contracts, the business cooperation contracts or enterprises’ charters already approved by competent bodies and may use capital for the right purposes prescribed in the investment licenses already granted by competent bodies of Vietnam.
3. During the course of operation, the foreign-invested enterprises and the foreign parties to business cooperation contracts shall have to report once every six months on January 15 and July 15 at the latest every year to the State Bank (the Foreign Exchange Management Department and the State Bank’s provincial/municipal branches in the localities on the situation of implementation of investment capital (in property and/or in cash) and reinvestment capital, profit transfer back to the country.
4. Foreign investors may transfer their profits and divided turnovers (for business cooperation contracts based on division of turnover) and other lawful revenues abroad after fulfilling their financial obligations towards the Vietnamese State.
a/ When effecting the transfer of profits, divided turnover and other lawful revenues abroad, the foreign investors shall have to produce to the eligible banks the following papers:
- The notarized copy of the financial report with certification by the Audit;
- The report of the Management Board (or the project-managing board with regard to the business cooperation contracts) on the division of profits (or division of turnover);
- The document of the competent tax authority certifying the fulfillment of the financial obligations towards the Vietnamese State;
b/ When transferring the legal capital, reinvestment capital, capital for implementation of business cooperation contracts abroad, the foreign investors shall have to produce to the licensed banks the following papers:
- The notarized copy of the report on the liquidation of the enterprise or the business cooperation contract, which is approved by the investment-licensing body;
- The document of the competent tax authority certifying the fulfillment of the financial obligations towards the Vietnamese State.
Where the amount of money transferred abroad is larger than the legal capital, the capital for the implementation of a business cooperation contract and/or the reinvestment capital, the increased amount of money shall be transferred abroad only when there is the certification by the investment-licensing body.
c/ Foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation contracts may transfer foreign currency(ies) abroad for repayment of foreign debts, including both the principals, interests and assorted charges according to the borrowing contract signed with the foreign lending party. The transfer of foreign currency(ies) for debt payment shall have to comply with the provisions of legislation on foreign borrowings and payment of foreign debts.
The purchase of foreign currency(ies) for the transfer of profits, divided turnover, investment capital and reinvestment capital of investors in foreign countries shall comply with the provisions in Section I, Chapter III, Part Three of this Circular.
SECTION II.- DIRECT INVESTMENT INTO FOREIGN COUNTRIES
1. Residents being enterprises which have been established and operating under the Vietnamese law may make overseas direct investment (hereafter referred to as the Vietnamese investor) and transfer foreign currency(ies) in their foreign currency deposit accounts abroad for investment according to Vietnamese legislation on overseas direct investment.
The Vietnamese investor shall have to open a foreign currency deposit account at a licensed bank in Vietnam and register the account number as well as the bank where the account is opened with the State Bank’s provincial/municipal branch in the locality (where the Vietnamese investor having overseas investment capital is headquartered) and through this account the money is transferred overseas for investment capital contribution or the investment capital, reinvestment capital, profits, divided turnover and other lawful revenues abroad are transferred back to the country.
2. The Vietnamese investor shall have to register the money transfer with the State Bank’s provincial/municipal branch in the locality and effect the investment capital transfer (in cash and property) abroad according to the capital contribution timetable stated in the charter or the joint-venture contract or the business cooperation contract already approved by the competent agency of the investment-receiving country.
The Vietnamese investor may transfer abroad the foreign currency(ies) earned from the export of goods and services for investment capital contribution; where Vietnam dong is converted into foreign currency(ies) for overseas investment capital contribution, it must be permitted by the State Bank.
3. Annually, the Vietnamese investor abroad shall have to transfer back to the country the profits and other lawful revenues within six months after the end of the fiscal year of the investment-receiving country.
Upon the completion of a project, the early dissolution or non-implementation of the project, the Vietnamese investor shall have to transfer back to the country the investment capital, the reinvestment capital and the post-liquidation earnings within six months after the completion of the liquidation.
Upon the end of the fiscal year or the completion or termination of the overseas investment, the Vietnamese investor shall have to report to the State Bank on the situation of transfer of capital, profits and other lawful revenues back to Vietnam.
4. Where the Vietnamese investor uses the profits for reinvestment or prolong the overseas investment duration, he/she shall have to register with the State Bank�s provincial/municipal branch (in the locality where the Vietnamese investor has opened the account) the use of dividends for reinvestment or the prolongation of the investment duration.
Chapter IV
INVESTMENT IN VALUABLE PAPERS
SECTION I.- INVESTMENT IN VALUABLE PAPERS, WHICH ARE ISSUED IN VIETNAM
The non-residents may invest in papers of foreign currency value which are permitted to be issued in Vietnam. The conditions and procedures for investment in valuable papers shall comply with the provisions of the legislation on securities and other relevant provisions of law.
SECTION II.- INVESTMENT IN VALUABLE PAPERS, WHICH ARE ISSUED ABROAD BY NON-RESIDENTS
When approved by the State Bank, the resident may invest in papers of foreign currency value, issued abroad by non-residents.
Chapter V
MANAGEMENT OF FOREIGN EXCHANGE IN CASE OF PERMANENT RESIDENCE
SECTION I.- FOR RESIDENTS BEING VIETNAMESE CITIZENS RESIDING OVERSEAS
1. Vietnamese citizens who have foreign currency(ies) transferred from abroad via banks into the country or carried along when entering Vietnam with the bordergate customs’s certification and have other lawful sources of foreign currency revenue in Vietnam being deposited in personal foreign currency deposit accounts or foreign currency savings accounts at banks or kept by themselves, when allowed to leave the country for residing abroad, may carry along such amount of foreign currency(ies) in service of their life in foreign countries. The transfer or carrying of such foreign currency amount abroad shall comply with the following regulations:
a/ Transfer of foreign currency(ies) abroad via banks
When transferring foreign currency(ies) abroad, Vietnamese citizens shall have to send to licensed banks (which effect the transfer of foreign currency(ies)) the following valid papers:
- The application for transfer of foreign currency(ies);
- The notarized copy of the competent agency�s decision permitting the departure for living permanently overseas;
- The passport with entry visas (for countries where entry and exit visas are required);
- The notoraized copies of papers proving that the foreign currency(ies) have been transferred from abroad or lawfully earned in Vietnam such as the customs declaration with the border-gate customs�s certification of the foreign currency amount carried into the country upon their entry, the notice on the foreign currency(ies) transferred from abroad, and other papers certifying that the foreign currency(ies) have been earned from lawful sources prescribed by Vietnamese law.
The banks shall have to examine the validity of the above-mentioned papers in order to effect the transfer of foreign currency(ies) abroad via the banks for Vietnamese citizens who are allowed to leave the country for permanent residence abroad according to the current regulations on foreign currency transfer.
b/ Carrying foreign currency(ies) in cash abroad:
Vietnamese citizens who are allowed to leave the country for residence overseas and carry foreign currency(ies) in cash with an amount below the border-gate customs declaration level shall not need the permit to carry foreign currency(ies) in cash abroad issued by banks.
Vietnamese citizens who are allowed to leave the country for residence overseas and wish to carry foreign currency(ies) in cash with an amount larger than the border-gate custom declaration level shall apply for the permit to carry foreign currency(ies) in cash according to the following regulations:
- For the foreign currency(ies) in cash withdrawn from personal foreign currency deposit accounts opened at banks, there must be the permit to carry foreign currency(ies) in cash abroad, issued by the licensed banks that permit the withdrawal of foreign currency(ies) in cash:
Vietnamese citizens shall have to send to the licensed banks where the foreign currency(ies) are withdrawn the following papers:
+ The application for the permit to carry foreign currency(ies) abroad;
+ The notarized copy of the competent body’s decision permitting the departure for overseas residence;
+ The passport with entry visa(s) (for countries where exit and entry visas are required);
The banks shall have to examine the validity of the above-mentioned papers and grant the permits to carry foreign currency(ies) in cash abroad to Vietnamese citizens who are allowed to leave the country for residence overseas.
- For currency(ies) transferred from abroad or earned lawfully in Vietnam, which is (are) deposited in savings accounts or kept by oneself, there must be the permit to carry foreign currency(ies) in cash abroad, issued by the State Bank (the Foreign Exchange Management Department):
The Vietnamese citizens shall have to send to the State Bank (the Foreign Exchange Management Department) the following papers:
+ The application for the permit to carry foreign currency(ies) abroad;
+ The notarized copy of the competent body�s decision permitting the departure for overseas residence;
+ The passport with entry visa(s) (for countries where the exit and entry visas are required);
+ The notarized copies of papers evidencing that the foreign currency(ies) has (have) been transferred from abroad or earned lawfully in Vietnam, such as the customs declaration with the border-gate customs�s certification of the foreign currency amount brought in upon the entry, the notice on the arrival of foreign currency(ies) from abroad and other papers certifying the sources of foreign currency(ies) permitted by Vietnamese law.
The State Bank (The Foreign Exchange Management Department) shall consider and grant the permit to carry foreign currency(ies) in cash to Vietnamese citizens who are allowed to leave the country for overseas residence.
2. Vietnamese citizens who are allowed to leave the country for overseas residence and have Vietnam dong shall be considered by the State Bank (The Foreign Exchange Management Department) for the purchase of foreign currency(ies) at licensed banks for transfer or carrying abroad with the maximum amount of no more than 15,000 (fifteen thousand) USD or equivalent in other foreign currency(ies).
Vietnamese citizens who are allowed to leave the country for overseas residence and have the demand to buy foreign currency(ies) shall have to send the dossiers of application for the purchase of foreign currency(ies) to the State Bank (The Foreign Exchange Management Department).
Such a dossier shall include the following papers:
- The application for purchase or transfer of foreign currency(ies);
- The notarized copy of the competent body�s decision permitting the departure for overseas residence;
- The passport with entry visa(s) (for countries where the exit and entry visas are required);
On the basis of the State Bank�s written approval of the foreign currency purchase, the licensed banks shall base themselves on their foreign currency capability to effect the sale and transfer abroad the foreign currency(ies) at the request of the foreign currency buyers. Where foreign currency(ies) is (are) sold in cash, the buyers shall be granted to permits to carry foreign currency(ies) in cash abroad (except where the amount of foreign currency(ies) in cash carried abroad is below the border-gate customs declaration level).
Vietnamese citizens may deposit the remaining amount of Vietnam dong left after buying foreign currency(ies) for transfer abroad with the above-prescribed amounts in banks in the form of savings and are entitled to use such Vietnam dong to annually buy not more than 10,000 (ten thousand) USD or equivalent in other foreign currency(ies) for gradual transfer abroad. For each time of application for the purchase and transfer of foreign currency(ies) abroad, there must be the written approval by the State Bank (the Foreign Exchange Management Department).
3. The residents who are allowed to leave the country for overseas residence may carry along the amount of international standard gold they have lawfully owned (brought from abroad with the border-gate customs�s certification, bought at credit institutions or gold and silver companies, or inherited by law). When on exit, they shall have to declare them and produce to the border-gate customs all valid papers related to the origin of the international standard gold amount.
4. The time-limit for the bank to transfer the foreign currency(ies) abroad or grant the permit to carry foreign currency(ies) in cash abroad shall be no more than 5 (five) working days, as prescribed, after fully receiving the valid papers related to the purchase and transfer of foreign currency(ies) according to the above regulations. In case of refusal, the bank shall have to notify the reasons therefor to persons who requested the purchase and transfer of the foreign currency(ies).
The banks which grant permits to carry foreign currency(ies) in cash abroad shall have to notify their seals and the signatures of their general directors (directors) (or persons authorized to sign the permits) to the General Department of Customs and the border-gate customs for supervision, management and monitoring.
5. The residents being Vietnamese citizens who are allowed to leave the country for overseas residence and have the demand to purchase and transfer foreign currency(ies) with the amounts exceeding the above-prescribed levels must obtain the written approval by the State Bank Governor.
SECTION II.- FOR NON-RESIDENTS BEING FOREIGNERS WHO PERMANENTLY RESIDE IN VIETNAM
The non-residents being foreigners who are permitted to enter Vietnam for permanent residence may carry or transfer into Vietnam foreign currency(ies) and international standard gold; where the amount carried into the country is higher than the prescribed level, the border-gate customs declaration procedures must be filled in.
Foreign currency(ies) carried along and declared to the border-gate customs or transferred through banks and international standard gold brought into Vietnam may be used according to the regulations of this Circular and other relevant regulations on foreign exchange management.
Part Five
FOREIGN EXCHANGE TRANSACTIONS BY CREDIT INSTITUTIONS AND FOREIGN EXCHANGE DESKS
Chapter I
LICENSING THE FOREIGN EXCHANGE TRANSACTIONS
SECTION I.- COMPETENCE TO GRANT FOREIGN EXCHANGE TRANSACTION LICENSES
The State Bank Governor is competent to grant, amend, renew and withdraw the foreign exchange transaction licenses of credit institutions.
Directors of the State Bank’s provincial/municipal branches are competent to grant, amend, extend and withdraw the licenses to act as foreign exchange desk agents for credit institutions licensed to carry out foreign exchange transactions.
SECTION II.- THE TIME FOR CONSIDERING THE LICENSE GRANTING
The time for considering the granting of foreign exchange transaction license shall be 15 (fifteen) working days for credit institutions and 7 (seven) working days for foreign exchange desks, after fully receiving the valid dossiers of application for the license.
Within such time-limits, the State Bank or its authorized branches shall grant or refuse to grant the licenses. In case of refusal, the bank shall have explain in writing the reasons therefor.
SECTION III.- AMENDING AND EXTENDING LICENSES
The State Bank or its authorized provincial/municipal branches shall consider and effect the amendment or extension of licenses already granted to credit institutions and foreign exchange desks in the following cases:
1. The credit institutions and/or foreign exchange desks apply for the expansion or shrinkage of the scope of their foreign exchange transactions;
2. The credit institutions and foreign exchange desks fail to satisfy the requirements and fail to abide by the regulations of the State Bank on the foreign exchange transaction contents stated in the licenses;
3. The licenses granted to credit institutions and/or foreign exchange desks have expired and the credit institutions and/or foreign exchange desks have applied for the extension thereof.
4. The credit institution is the one that has been divided, split up or merged.
SECTION IV.- WITHDRAWAL OF LICENSES
The State Bank or its authorized provincial/municipal branches shall consider and decide the withdrawal of licenses already granted to credit institutions and/or foreign exchange desks in the following cases:
1. The credit institution or foreign exchange desk is suspended from a number of foreign exchange transactions but deliberately continues to carry out such transactions;
2. The credit institution is placed under the special control by the State Bank;
3. The credit institution has its operation license withdrawn by the State Bank;
4. Serious violations of the regulations on foreign exchange management have been committed.
Chapter II
THE SCOPE OF FOREIGN EXCHANGE TRANSACTIONS
Credit institutions which are branches of foreign banks, joint-venture banks, joint-venture non-bank credit institutions and non-bank credit institutions with 100% foreign capital may carry out foreign exchange transactions within the permitted scope stated in their granted operation licenses.
Credit institutions which are banks and non-bank credit institutions other than those mentioned above may carry out foreign exchange transactions only after they are granted the foreign exchange transaction licenses.
Credit institutions which are rural joint stock commercial banks are not allowed to conduct foreign exchange transactions.
1. For commercial banks
The commercial banks are entitled to perform several or all of the following foreign exchange transactions when they are so permitted by the State Bank:
a/ Buying and selling various kinds of foreign currencies on the domestic market; collecting and exchanging foreign currencies and organizing foreign exchange desks;
b/ Taking foreign currency deposits and savings of customers;
c/ Providing foreign currency loans to domestic and foreign organizations;
d/ Borrowing foreign currency capital from domestic and foreign organizations;
e/ Providing services on treasury payment in foreign currency(ies) such as opening domestic foreign currency accounts for customers, domestic payment in foreign currency(ies); providing services on foreign currency collection and payment in cash to customers;
f/ Receiving entrusted investment capital in foreign currency(ies) from foreign organizations and individuals;
g/ Providing security for domestic and foreign loans in foreign currency(ies);
h/ Issuing by themselves or as agents papers of foreign currency value;
i/ Discounting, rediscounting or pledging commercial papers and papers of foreign currency value;
k/ Trading by themselves or as agents all kinds of securities in foreign currency(ies);
l/ Providing foreign exchange consultation services to customers;
m/ Providing international payment services;
n/ Buying and selling different kinds of foreign currencies on foreign markets;
o/ Trading in gold of international standard on domestic and foreign markets.
2. For non-bank credit institutions
a/ For financial leasing companies.
The financial leasing companies may perform several or all of the following foreign exchange transaction contents when they are so permitted by the State Bank:
- Receiving foreign currency deposits with terms of one year or more;
- Issuing bonds and papers of foreign currency value;
- Borrowing foreign currency capital from domestic and foreign credit institutions;
- Providing financial lease;
- Providing guarantee in foreign currency(ies);
- Performing services on consignment and management of property in foreign currency(ies).
b/ For financial companies
Financial companies may perform several or all of the following foreign exchange transaction contents when so permitted by the State Bank
- Taking foreign currency deposits with term of one year or more;
- Issuing bonds or papers of foreign currency value;
- Borrowing capital in foreign currency(ies) from domestic and foreign credit institutions;
- Providing guarantee in foreign currency(ies);
- Providing services on consignment and management of property in foreign currency(ies);
- Providing short-term, medium-term and long-term loans in foreign currency(ies);
- Discounting, rediscounting or pledging commercial papers and papers of foreign currency value;
- Trading in or acting as agent of trading in various kinds of securities in foreign currency(ies);
- Providing foreign exchange consultation services for customers;
3. For foreign exchange desks
Credit institutions licensed to carry out foreign exchange transactions may organize foreign exchange desks in areas necessary for the foreign currency exchange for customers.
Credit institutions may authorize economic organizations to act as their foreign exchange agents. The foreign exchange desk agency authorization shall comply with the regulations on foreign exchange desks issued by the State Bank.
The foreign exchange desks may only buy foreign currency(ies) from customers but not sell foreign currency(ies) to them.
Particularly the foreign exchange desks at the offices of licensed banks and the separation areas at international border-gates may re-exchange Vietnam dong with foreign currency(ies) for non-residents and residents being foreigners. If the re-exchanging amount is below 500 (five hundred) USD or equivalent in other foreign currency(ies), the subject persons shall not have to produce the foreign currency exchange receipt; if such amount is over 500 (five hundred) USD or equivalent in other foreign currency(ies), the subject persons shall have to produce foreign currency exchange receipt and be entitled to the maximum amount equal to the already changed amount inscribed on the receipt.
Chapter III
CONDITIONS FOR BEING LICENSED TO CONDUCT FOREIGN EXCHANGE TRANSACTIONS
SECTION I.- CONDITIONS
1. For the commercial banks that wish to conduct foreign exchange transactions according to the contents prescribed in from Point 1(a) to Point 1(l), Chapter II, Part Five of this Circular:
a/ Being granted the establishment and operation license by the State Bank;
b/ There is in the area of operation really the demand for foreign exchange transactions.
2. For the commercial banks that have the requirement to conduct foreign exchange transactions according to the contents prescribed at Point 1(m) and 1(n), Chapter II, Part Five of this Circular.
In addition to conditions 1(a) and 1(b) above, the following conditions must also be met:
a/ Having the operation duration of at least 03 years;
b/ Having capital as prescribed below:
- For State-owned commercial banks: It is equal to the legal capital amount prescribed in Decree No.82/1998/ND-CP of October 3, 1998 of the Government;
- For joint stock commercial banks: Having enough minimum charter capital of 70 billion Vietnam dong.
c/ Having the healthy financial situation, having done business with profits for the latest 3 years;
d/ Having a strong administrative, managerial and internal control apparatus, meeting the conditions and criteria prescribed by law;
e/ Having enough equipment and material conditions in order to satisfy the contents of applying for license to conduct foreign exchange transactions.
f/ Having the manager and staff members fully qualified and knowledgeable about fields of foreign exchange business transactions and capable of providing international payment and international credit services;
g/ Not violating the current regulations on foreign exchange management and other regulations of the State.
3. For non-bank credit institutions
a/ Non-bank credit institutions wishing to be licensed for foreign exchange transactions shall have to satisfy the following conditions:
- Being granted the establishment and operation license by the State Bank;
- Really having the demand for foreign exchange transactions.
b/ Particularly for foreign exchange activities on foreign markets, in addition to the above conditions, the financial companies shall also have to meet the following conditions:
- Having the operation duration of at least 3 years;
- Having the minimum charter capital of 50 billion Vietnam dong;
- Their financial situation is healthy; having not violated the regulations on operation safety; having done business with profits for the latest 3 years;
- Having a strong administrative, managerial and internal control apparatus which meets the conditions and criteria prescribed by law;
- Having enough equipment and material conditions to perform the foreign exchange transactions as applied for;
- Having qualified manager and personnel, who are knowledgeable about foreign exchange business transactions;
- Having not violated the current regulations on foreign exchange management and other regulations of the State.
4. Credit institutions wishing to carry out foreign exchange transactions according to the contents related to international-standard gold shall have to meet all conditions prescribed in Section II, Chapter II, Part Six of this Circular.
5. For foreign exchange desks
a/ Having enough equipment and material conditions to perform the exchange of foreign currency(ies) in cash;
b/ Having personnel who are knowledgeable about treasury activities and capable of performing the money changing operations;
c/ Having signed agency contract with a credit institution which is licensed to conduct foreign exchange transactions.
SECTION II.- DOSSIER OF APPLICATION FOR FOREIGN EXCHANGE TRANSACTION LICENSES
1. For commercial banks which have the demand to conduct foreign exchange transactions according to the contents prescribed in Point 1(a) to Point 1(l), Chapter II, Part Five of this Circular.
Commercial banks wishing to conduct foreign exchange transactions shall send their application dossiers to the State Bank (The Department for Banks and Non-Bank Credit Institutions).
Such a dossier shall include:
a/ The application for foreign exchange transactions;
b/ The foreign exchange transactions plan, clearly determining the contents, business mode, business location... The foreign exchange business plan must be feasible and efficient. (This plan must be adopted by the shareholders’ congress, with regard to joint stock credit institutions);
c/ The copies of the establishment and operation license and the business registration certificate;
d/ The comments of the State Bank’s branch in the province or city where the commercial bank is headquartered on the necessity of the application for foreign exchange transactions by the commercial bank.
2. For commercial banks which have the demand to conduct foreign exchange transactions according to the contents prescribed at Points 1(m) and 1(n), Chapter II, Part Five of this Circular.
Commercial banks having the demand to conduct foreign exchange transactions shall have to send the application therefor to the State Bank (the Department for Banks and Non-Bank Credit Institutions).
Such a dossier shall include
a/ The application for foreign exchange activities;
b/ The resolution of the shareholders’ congress approving the application for the performance of foreign exchange transactions (for joint stock credit institutions);
c/ The foreign exchange transactions plan (for joint stock credit institutions, such plan must be approved by the shareholders’ congress);
d/ The report on the latest annual settlement of accounts which has been already audited and the latest asset balance;
e/ The summary of the qualifications, capabilities and skills of the contingent of officials who shall perform the applied foreign exchange transaction contents;
f/ The comments of the State Bank�s branch in the province or city where the credit institution is headquartered on the necessity for the credit institution to carry out the foreign exchange transaction;
g/ Other relevant documents clarifying the above matters at the request of the State Bank.
3. For non-bank credit institutions
a/ Non-bank credit institutions wishing to apply for the foreign exchange transaction license shall have to send their dossiers to the State Bank (the Department for Banks and Non-Bank Credit Institutions).
Such a dossier shall include:
- The application for foreign exchange transactions;
- The foreign exchange transactions plan, clearly determining the contents, business mode, business location... Such plan must be feasible and efficient;
- The copies of the establishment and operation license and the business registration certificate;
- The comments of the State Bank�s branch in the province or city where the credit institution is headquartered on the necessity for the application for the foreign exchange transactions by the credit institution.
b/ Particularly, the non-bank credit institutions which wish to conduct the purchase and sale of foreign currency(ies) on domestic and/or foreign markets shall have to send their dossiers to the State Bank (the Department for Banks and Non-Bank Credit Institutions).
Such a dossier shall include:
- The application for foreign exchange transactions;
- The resolution of the Managing Board or the shareholders� congress approving the application for the performance of foreign exchange transactions (for joint-stock non-bank credit institutions);
- The foreign exchange transactions plan (which must be adopted by the Managing Board or the shareholders’ congress with regard to joint stock non-bank credit institutions);
- The summary of the qualifications and capability of the contingent of officials who shall perform the foreign exchange transactions applied for;
- The comments of the State Bank�s branch in the province or city where the non-bank credit institution is headquartered on the necessity for such credit institution to conduct the foreign exchange transactions;
- Other relevant documents further clarifying the above matters at the request of the State Bank.
4. Credit institutions which wish to perform foreign exchange transactions related to international standard gold shall have to send their dossiers of application for the license to the State Bank according to the regulations in Section II, Chapter II, Part Six of this Circular.
5. For foreign exchange desks
Enterprises wishing to apply for the license to act as foreign exchange agents shall send their dossiers to the State Bank�s provincial/municipal branches in their respective localities.
Such a dossier shall include:
a/ The application for foreign currency exchange agency;
b/ The notarized copy of the establishment decision or the business registration certificate;
c/ The foreign currency exchange agency contract signed with the credit institution.
Chapter IV
PROVIDING FOREIGN CURRENCY LOANS AND RETRIEVING DOMESTIC FOREIGN CURRENCY DEBTS
1. Credit institutions conducting foreign exchange transactions may provide foreign currency loans to residents to pay for the import of supplies, goods, machinery, equipment and services for foreign parties in service of their business activities.
2. Loans in any foreign currency(ies) must be repaid in such foreign currency(ies). Where the debt is repaid in another foreign currency or Vietnam dong, it must be agreed upon between the credit institution and the customer and converted at the exchange rate or according to the principle of determining the exchange rate agreed upon in the credit contract. Foreign-invested enterprises which balance their foreign currency demand by themselves shall not be entitled to repay their debts in Vietnam dong.
Chapter V
ISSUING PAPERS OF FOREIGN CURRENCY VALUE
Credit institutions licensed to conduct foreign currency transactions, which have the demand to mobilize capital and wish to issue or act as agents to issue different kinds of valuable papers such as bank time bonds, treasury bills, shares, bonds, deposit certificates or other papers of foreign currency value, must obtain the written approval of the State Bank Governor.
The issuance of such valuable papers must comply with the current legal documents of the State Bank, the State Securities Commission or ministries and branches authorized by the Government.
Credit institutions which issue securities of different kinds abroad must obtain the written approval of the State Bank Governor.
Banks which join international financial and monetary organizations and wish to act as agents to issue international credit cards of different types must obtain the written approval of the State Bank Governor.
Chapter VI
EXPORT AND IMPORT OF FOREIGN CURRENCY(IES) IN CASH AND PAPERS OF FOREIGN CURRENCY VALUE
1. Export
Licensed banks which have the demand to export foreign currency(ies) in cash to foreign countries must obtain permission from the State Bank.
Licensed banks may export payment vouchers and valuable papers in service of their foreign exchange business activities according to their granted foreign exchange transaction licenses.
2. Import
Licensed banks which have the demand to import foreign currency(ies) in cash must obtain permission from the State Bank.
Licensed banks which import blank checks or bank payment vouchers of various kinds shall not have to ask for permission from the State Bank but shall have to fill in the procedures for border-gate customs declaration on the imported goods.
Chapter VII
MAINTAINING THE FOREIGN EXCHANGE STATUS AND VIETNAM DONG STATUS
Credit institutions licensed to conduct foreign exchange transactions shall have to maintain the foreign exchange status or the Vietnam dong status as provided for by the State Bank. Daily, the credit institutions shall have to report to the State Bank on the foreign exchange status or the Vietnam dong status as well as foreign exchange transactions from abroad into Vietnam and from Vietnam to foreign countries as provided for by the State Bank Governor.
Chapter VIII
LICENSED BANKS� RESPONSIBILITY IN POSTING UP THE FOREIGN CURRENCY BUYING AND SELLING RATES
Daily, the licensed banks shall have to post up the foreign currency buying and selling rates at transaction counters.
When customers have appropriate demand for foreign currency(ies), the licensed banks permitted to carry out foreign exchange transactions shall have to fully and promptly satisfy their demand within the limit of their existing foreign currency sources. Priority should be given first to the meeting of requirement of importing important goods items.
Chapter IX
EXAMINATION OF VOUCHERS
When effecting transactions of foreign currency revenues and/or expenditures on foreign currency deposit accounts of customers as well as foreign currency buying, selling or transferring transactions with customers, licensed banks shall have to check the following papers:
1. Revenues and expenditures on foreign currency deposit accounts of organization- residents:
a/ Revenue:
- Revenues through domestic bank account transfer: Depending on each specific case, the licensed banks may check: the contract on entrusted export and import, decision on internal transfer of capital, and other vouchers related to permitted sources of foreign currency revenue as provided for at Point 2, Section II, Chapter I, Part I of this Circular.
- Depositing foreign currency(ies) in cash into bank accounts: The licenses for goods and services sale with the collection of foreign currency(ies) in cash as payment, the customs declarations certifying foreign currency(ies) in cash brought into the country from abroad, the licenses granted by the State Bank permitting the payment to be made in foreign currency(ies) in cash and other papers related to every concrete revenue source.
b/ Expenditures:
- Payment to foreign parties for the import of goods and services: The import permits (for goods which require the permit), contracts for import of goods and/or services signed with foreign parties, the customs declarations and other relevant papers;
- Payment to domestic organizations and individuals for the purchase of their goods and/or services: The contracts for entrusted export and/or import, decisions on internal capital transfer, contracts and/or receipts on goods/services purchase and other relevant papers depending on each purpose conformable with the provisions at Point 2, Section II, Chapter I, Part One of this Circular.
- Payment of principals, interests and fees in foreign currency(ies) for domestic loans from licensed banks as well as foreign debts: The contracts on capital borrowings and debt acknowledgement papers. There must also be the State Bank�s written certification of the registered loans with regard to foreign loans which must be registered with the State Bank as prescribed.
- Capital contributions for the execution of investment projects under the Law on Foreign Investment in Vietnam: The investment licenses granted by the Ministry of Planning and Investment and the joint-venture contracts or the contracts for business cooperation with foreign parties, already approved by competent bodies;
- Transferring abroad foreign currency profits, investment capital and/or deprecations (if any) according to the provisions of legislation on foreign investment in Vietnam. Depending on every specific purpose of the money transfer, to produce such necessary relevant vouchers as the investment license, the written certification of the fulfillment of financial obligations towards the Vietnamese State, the contract prescribing the mode of dividing the business results, the liquidation reports with the certification by the Ministry of Planning and Investment, the auditing reports as prescribed by law and other relevant papers;
- Transferring foreign currency(ies) abroad for investment according to the provisions of Vietnam�s legislation on overseas investment: To produce the contracts signed with foreign parties and the certification permitting the overseas investment granted by competent agencies, the investment license granted by competent foreign agencies;
- Withdrawing foreign currency(ies) in cash or via bank accounts for officials or employees of the organization when they are sent abroad for official missions or for payment of salaries, wages, rewards and/or allowances for the non-residents or residents who are foreign individuals working for such organization: To produce the labor contracts, certification of wage scales, detailed list of allowances, the decisions on sending people abroad for business mission or study, other relevant papers.
2. Revenues and expenditures on foreign currency deposit accounts of residents being individuals:
a/ Revenues:
- Remitting foreign currency(ies) in cash into bank accounts: The border-gate customs declarations certifying of the amounts of foreign currency(ies) brought into the country from abroad as provided for at Point 2, Chapter V, Part Three or this Circular of papers evidencing the lawful revenues in Vietnam;
- Revenues via bank accounts from donations, gifts and/or inheritance in foreign currency(ies): Papers evidencing the lawful revenues such as gifts, inheritance;
- Revenues via bank accounts and/or in cash in the country from wages, rewards, allowances (for residents being foreigners): The labor contracts, certification of salary/wage scale, decisions on rewards, and other relevant papers.
b/ Expenditures:
- Payment to organizations and individuals in foreign country(ies) for their goods and/or services: Papers evidencing the purchase of goods and/or services and other relevant papers.
- Payment to domestic organizations and individuals that are allowed to collect foreign currency(ies) for the purchase of their goods and/or services: Depending on specific purposes prescribed at Point 2, Section II, Chapter I, Part One of this Circular, to produce proper papers such as the contracts for entrusted import and/or export and other relevant papers.
- Overseas transfer or withdrawal of foreign currency(ies) in cash for carrying abroad: Papers prescribed in Chapter IV, Part Three, Chapter V, Part Four of this Circular.
- Donations, gifts and inheritance under the provisions of law: Papers evidencing the donations, gifts and/or inheritance.
3. Revenues and expenditures on foreign currency deposit accounts of non-residents being organizations operating in Vietnam:
a/ Revenues:
- Depositing cash into accounts: The border-gate customs declarations certifying the amount of foreign currency(ies) brought into the country from abroad or papers evidencing lawful revenues in foreign currency(ies) in Vietnam such as charges and fees, as well as other relevant papers.
- Foreign currency revenues transferred from bank accounts of residents: The list of lawful revenues in Vietnam such as charges, fees, or other papers related to sources of foreign currency revenues.
b/ Expenditures:
- Transferring money abroad: The certification by competent bodies of the fulfillment of financial obligations under the provisions of Vietnamese laws.
- Withdrawing foreign currency(ies) in cash or via bank accounts to pay for overseas trips by individuals working for the organization when they are sent abroad; to pay salary, rewards and allowances to non-residents and residents who are foreigners: The decisions on overseas trips for business missions, the list of salary, reward and allowance payees who work at organizations being non-residents.
4. Revenues and expenditures on foreign currency deposit accounts of non-residents being organizations operating overseas.
a/ Revenues:
Revenues transferred from foreign currency deposit accounts of organizations and individuals in the country: The contracts on goods and/or services export, the customs declarations and other relevant papers.
b/ Expenditures:
Via-bank account transfer abroad: The tax authorities� certification of the fulfillment of the financial obligations towards the Vietnamese State.
5. Revenues and expenditures on foreign currency deposit accounts of non-residents being individuals:
a/ Revenues:
Remitting foreign currency(ies) in cash into bank accounts: The border-gate customs declarations certifying of the amount of foreign currency(ies) brought in from abroad according to the provisions at Point 2, Chapter V, Part Three of this Circular or the labor contracts, the certification of the wage scales, the reward decisions or papers evidencing the lawful sources of revenues.
b/ Expenditures:
Transferring foreign currency(ies) abroad: The competent bodies’ certification of the fulfillment of the financial obligations towards the Vietnamese State as prescribed at Point 1, Section II, Chapter IV, Part Three of this Circular.
6. Revenues and expenditures on Vietnam dong deposit accounts of non-residents being organizations:
a/ Revenues:
- From bank accounts of residents being organizations and individuals: Contracts for purchase/sale of goods and services, invoices, the competent bodies’ documents permitting non-residents to provide goods and services, the list of collected charges and fees of residents, papers evidencing other lawful sources of revenue from residents;
- Payment of Vietnam dong in cash into bank accounts: The list of collected charges and fees, papers evidencing other lawful sources of revenue.
b/ Expenditures
Payment for the conversion into foreign currency(ies) for overseas transfer. The competent tax authority’s certification of the fulfillment of financial obligations towards the Vietnamese State.
7. Revenues and expenditures on Vietnam dong deposit accounts of non- residents being individuals:
a/ Revenue
- Via-bank account collection of Vietnam dong from the provision of goods and services, collection of charges and fees permitted by Vietnamese law: The competent bodies� documents permitting the provision of goods and/or services or collection of charges in Vietnam; goods sale contracts or invoices, charge collection receipts.
- Via-bank account collection of Vietnam dong from the reception of salaries and wages, rewards and allowances: The labor contracts, the managing agencies’ certification of wage scales, rewards and allowances and other relevant papers evidencing the lawful sources of revenue in Vietnam.
- Collection of Vietnam dong in cash from the reception of revenues from other lawful sources: Papers evidencing the lawful sources of revenue in Vietnam.
b/ Expenditures
- Expenditure on purchase of foreign currency(ies): The competent tax authority’s certification of the fulfillment of financial obligations towards the Vietnamese State according to the provisions at Point 2, Section II, Chapter IV, Part Three of this Circular.
Chapter X
INSPECTION, SUPERVISION AND REPORTING
Credit institutions engaged in foreign exchange transactions and foreign exchange desks shall be subject to the inspection and supervision of the State Bank Inspectorate according to the provisions of law. The State Bank Inspectorate may, within its respective functions and tasks, conduct regular or irregular inspection of credit institutions engaged in foreign exchange transactions and foreign exchange desks.
Credit institutions engaged in foreign exchange transactions and the foreign exchange desks shall have to implement and strictly observe the reporting regime of the State Bank.
Part Six
MANAGEMENT OF INTERNATIONAL STANDARD GOLD
Chapter I
TASKS AND POWERS OF THE STATE BANK IN THE MANAGEMENT OF INTERNATIONAL STANDARD GOLD
The State Bank is the body exercising the State management over the activities of dealing in, export and import of international standard gold.
In the management of international standard gold, the State Bank have the following tasks and powers:
1. Elaborating and submitting to competent bodies draft legislation and other projects on the management of international standard gold, issuing according to its competence legal documents on the management of international standard gold;
Other bodies which elaborate and submit to competent agencies legal documents on international standard gold or settle matters related to international standard gold not provided for in this Circular should coordinate with and obtain comments from the State Bank before promulgating and implementing them.
2. Granting and withdrawing international standard gold business licenses within and without the country of credit institutions and gold dealing enterprises;
3. Organizing and managing the domestic international standard gold market;
4. Granting and withdrawing international standard gold export and/or import permits of credit institutions and gold dealing enterprises
5. Controlling the international standard gold business activities of credit institutions and gold dealing enterprises;
6. Examining and inspecting the observance of law provisions on the management of international standard gold;
7. Purchasing and selling international standard gold on domestic and foreign market; exporting and importing international standard gold and effecting other international standard gold transactions according to the provisions of law;
8. Performing other tasks and exercising other powers on the management of international standard gold according to the provisions of law.
The State Bank Governor may authorize directors of its provincial/ municipal branches to perform tasks and exercise powers defined at Points 2, 3, 4, 5, 6, 7 and 8, Chapter I, Part Six of this Circular within their respective localities.
Chapter II
USING INTERNATIONAL STANDARD GOLD
SECTION I.- BY THE STATE BANK
1. To build the State reserve on foreign exchange and make international payment;
2. To effect purchases, sales and other transactions with credit institutions and enterprises licensed to deal in international standard gold;
3. For other purposes when permitted by the Prime Minister.
SECTION II.- BY CREDIT INSTITUTIONS AND ENTERPRISES LICENSED TO DEAL IN INTERNATIONAL STANDARD GOLD
Credit institutions and enterprises licensed to deal in, export and/or import international standard gold may use international standard gold to effect purchases, sales and other transactions with the State Bank, credit institutions and other licensed international gold dealing enterprises in accordance with the State Bank’s regulations and for other purposes when permitted by the Prime Minister.
Credit institutions and enterprises engaged in international standard gold trading, import/export must obtain licenses/permits from the State Bank.
The State Bank shall consider and grant the international standard gold business licenses, export and/or import permits and the licenses for dealing in international standard gold overseas according to the following regulations:
1. The international standard gold business license
a/ Conditions for being granted such license
Credit institutions and enterprises established and operating according to Vietnamese laws and fully meeting the following conditions shall be considered by the State Bank for the granting of international standard gold business licenses:
- Being the organization permitted to deal in gold;
- Having the minimum charter capital of 10 billion Vietnam dong (for organizations with gold trading as their main function); having the minimum gold business turnover of 30 billion Vietnam dong for the preceding year (for organizations with gold trading not as their main function).
- Having operated in the field of gold business for at least 2 years after officially starting its operation;
- Having a healthy financial situation.
b/ Licensing procedures
Credit institutions and enterprises meeting all the conditions mentioned above and wishing to deal in international standard gold shall send their dossiers to the State Bank (the Foreign Exchange Management Department).
Such a dossier shall include:
- The application for international standard gold business license with recommendations by the agency in charge;
- The notarized copy of the establishment decision and the operation charter;
- The notarized copy of the gold business registration certificate;
- The reports on the situation of gold business activities and the financial situation of the unit for the two latest years.
c/ Business scope
Credit institutions and enterprises having the international standard gold business licenses may operate in the following fields:
- Buying lawful international standard gold from all subjects.
- Buying and selling international standard gold with the State Bank, the credit institutions and other licensed international standard gold dealing enterprises.
- Performing other transactions with the State Bank, credit institutions and other licensed international standard gold dealing enterprises.
2. International standard gold export/import permit
a/ General provisions
The international standard gold export and/or import permit shall be considered and granted by the State Bank (the Foreign Exchange Management Department) for each exportation and/or importation by credit institutions and enterprises dealing in gold.
When issuing international standard gold export/import permits to credit institutions and enterprises, the State Bank shall have to notify the permit- granting situation to its branches in relevant provinces and/or cities for coordinated management and supervision of the export, import and use of international standard gold by units.
b/ Conditions for being granted the permits
- Having the international standard gold business license granted by the State Bank;
- Having operated with prestige on the market and with business efficiency in the latest year, strictly abided by the State Bank�s regulations on management of foreign exchange and gold business management.
c/ Permit-granting procedures
Credit institutions and enterprises having fully met the conditions mentioned above shall send their dossiers of application to the State Bank (the Foreign Exchange Management Department)
Such a dossier shall include:
- The application for export and/or import of international standard gold;
- The notarized copy of the international standard gold business license granted by the State Bank;
- The reports on the international standard gold business situation and the financial situation of the economic unit for the latest year (for exporting and importing units, they must regularly report on the gold business situation and the financial situation for the latest quarter);
- The plan for using the volume of international standard gold to be imported (if applying for gold import).
3. Permits for international standard gold trading overseas
Credit institutions and enterprises which have prestige and experience in international standard gold export and/or import activities shall be considered and permitted by the State Bank to deal in international standard gold abroad when they fully meet the following conditions:
a/ Conditions for being granted the permit
- Having the international standard gold business license;
- Having engaged in the international standard gold business for at least 2 years and having done business with profits;
- Having personnel fully qualified for international standard gold dealing overseas;
- Having the plan for international standard gold business overseas.
b/ Licensing procedures
Credit institutions and enterprises wishing to conduct international standard gold business overseas shall send to the State Bank (the Foreign Exchange Management Department) the following papers:
- The application for international standard gold business overseas.
- The notarized copy of the international standard gold business license;
- The report on the business situation in the latest year;
- The plan for international standard gold business overseas.
- Diplomas and certificates evidencing the qualifications of personnel conducting international standard gold business overseas.
SECTION III.- RESIDENTS AND NON-RESIDENTS BEING ORGANIZATIONS AND/OR INDIVIDUALS THAT LAWFULLY OWN INTERNATIONAL STANDARD GOLD MAY KEEP, TRANSPORT, DEPOSIT AT OR SELL TO CREDIT INSTITUTIONS AND/OR ENTERPRISES LICENSED TO CONDUCT INTERNATIONAL STANDARD GOLD BUSINESS
SECTION IV.- TO STRICTLY FORBID THE PURCHASE AND SALE OF INTERNATIONAL STANDARD GOLD ON THE DOMESTIC MARKET OUTSIDE THE SCOPE PRESCRIBED IN CHAPTER II, PART SIX OF THIS CIRCULAR AND FORBID THE USE OF INTERNATIONAL STANDARD GOLD FOR EXCHANGE, PAYMENT FOR THE PURCHASE OF GOODS AND SERVICES ACROSS THE BORDER IN ANY FORM
Chapter III
MANAGEMENT OF GOLD OTHER THAN THE INTERNATIONAL STANDARD GOLD
The management of gold other than the international standard gold shall comply with separate provisions of law.
Part Seven
FOREIGN EXCHANGE RATE FOR VIETNAM DONG
SECTION I.- PRINCIPLE FOR DETERMINING EXCHANGE RATES
The exchange rates of Vietnam dong against other foreign currencies are formulated on the basis of foreign currency supply and demand on the market with the State regulation.
SECTION II.- DETERMINING AND ACCOUNTING THE EXCHANGE RATES
1. Daily, the State Bank announces the average exchange rate on the interbank foreign currency market between Vietnam dong and US dollar on mass media.
Basing itself on the objectives of the monetary policy in each period, the State Bank shall set the fluctuation amplitude against the average exchange rate on the interbank foreign currency market so that the banks may set the buying and selling rates between Vietnam dong and US dollar.
2. The average transaction exchange rate on the interbank foreign currency market between Vietnam dong and the US dollar may apply in the following cases:
a/ It serves as basis for the general directors (directors) of the eligible banks to set and post up the buying and selling rate between Vietnam dong and the US dollar within the amplitude permitted by the State Bank;
b/ The import tax and/or export tax on goods are calculated;
c/ It serves as basis for the State Bank to periodically announce the exchange rates between Vietnam dong and other foreign currencies, applicable to the calculation of export tax and/or import tax;
d/ Bids for national projects are evaluated at the time of bid evaluation;
e/ It serves as basis for the State Bank and the Ministry of Finance to unifiedly set the exchange rates in other cases.
3. The licensed banks shall have to post up the exchange rate and effect the transaction between Vietnam dong and the US dollar within the fluctuation amplitude permitted by the State Bank.
The payment, purchase and sale of foreign currency(ies) between licensed banks and individuals must be effected at the exchange rate posted up by the licensed banks at the time the transaction is effected.
The payment, purchase and sale of foreign currency(ies) between licensed banks and organizations shall be effected according to the buying and selling exchange rates mutually agreed upon.
Part Eight
INFORMATION AND REPORTING
SECTION I.- ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS� RESPONSIBILITY TO PROVIDE INFORMATION
1. The residents in Vietnam or foreign countries and the non-residents in Vietnam that have conducted activities related to foreign exchange shall have to supply information and date to the State bank or credit institutions according to the regulations of this Circular.
2. In addition to the periodic provision of information, in case of necessity the residents being organizations or individuals shall have to supply information on foreign exchange to the State Bank or competent bodies according to the provisions of law.
3. The information sent to the State Bank or credit institutions by organizations and individuals must be adequate, transparent and truthful as prescribed for each type of report. The heads of reporting units shall have to take responsibility before law for the information in their reports.
SECTION II.- THE RIGHTS AND RESPONSIBILITIES OF THE STATE BANK
1. In case of necessity, the State Bank may request residents in Vietnam or in foreign countries and non-residents in Vietnam to provide necessary information and data related to foreign exchange and foreign exchange transactions.
2. The State bank shall have to promulgate, amend and supervise the implementation of, the regulations on information provision and reporting, and analyze the information forecast on the foreign exchange situation and foreign exchange transactions at home and abroad in order to serve the work of building and managing the foreign exchange transactions by the State.
The State Bank may exchange and provide services on information regarding foreign exchange and foreign exchange transactions for organizations and individuals in conformity with the provisions of law.
3. The State Bank Governor may authorize in writing directors of the State bank’s provincial/municipal branches to request organizations and/or individuals to supply information and data on foreign exchange and foreign exchange transaction in their respective localities.
4. The State Bank’s officials and employees shall have to keep secret and take responsibility for the information on the list of the branch’s secrets which they have received according to the regulations in this Circular.
SECTION III.- CREDIT INSTITUTIONS� RESPONSIBILITY TO PROVIDE INFORMATION
1. Credit institutions conducting foreign exchange activities shall have to regularly or irregularly supply information and data on foreign exchange activities to the State Bank.
2. Credit institutions conducting foreign exchange activities may request residents in Vietnam or foreign countries and non-residents in Vietnam to supply information on foreign exchange and/or foreign exchange transactions to effect business operation according to the regulations of the credit institutions or to serve the reporting to the State Bank.
3. Credit institutions conducting foreign exchange transactions may exchange and provide services on information regarding foreign exchange and foreign exchange transactions for organizations and individuals in conformity with the regulations in this Circular.
4. Credit institutions and their employees shall have to keep secret the data, documents and information on foreign exchange and foreign exchange transactions supplied by residents being organizations or individuals, except where otherwise requested by the State Bank or competent State bodies according to the provisions of law.
Part Nine
COMMENDATION AND HANDLING OF VIOLATIONS
SECTION I.- COMMENDATION
Organizations and individuals that have achievements in foreign exchange transactions, thus contributing to boosting the development of the national economy, have merits in detecting, denouncing and preventing acts of violating legislation on foreign exchange management or assist the competent State bodies in detecting acts of violating regulations on foreign exchange and foreign exchange transactions, shall be commended according to the provisions of law. The commendation shall be considered after the issuance of handling decision by the competent body.
SECTION II.- ACTS OF VIOLATION REGARDING FOREIGN EXCHANGE AND FOREIGN EXCHANGE TRANSACTIONS
Acts of violating the management of foreign exchange and foreign exchange transactions shall include:
1. Dealing in foreign exchange without licenses or not in line with the contents inscribed in the licenses granted by the State Bank;
2. Conducting foreign exchange transactions when such transactions have already been suspended or terminated or when the licenses have been withdrawn or have expired;
3. Opening and using foreign currency accounts overseas without permission;
4. Having foreign currency(ies) deposited abroad without permission or beyond the prescribed limits;
5. Transferring or carrying foreign currency(ies) abroad or purchasing, selling, paying and lending foreign currency(ies) in contravention of regulations;
6. Failing to abide by the regulations on foreign exchange status or Vietnam dong status as well as on the posting up of foreign exchange rates; buying and selling foreign currency(ies) not at the posted-up exchange rates as prescribed;
7. Covering or acting in collusion with the violations of the legislation on foreign exchange and foreign exchange transactions;
8. Failing to sell the foreign currency(ies) earned from current transactions according to the rates prescribed by the State;
9. The residents being Vietnamese economic organizations, foreign-invested enterprises and credit institutions in Vietnam, when borrowing and repaying debts or when providing loans and retrieving overseas loans, have failed to register them and report on the implementation of the borrowings with the State Bank as prescribed;
10. Transferring abroad the investment capital in cash or property (in forms of intangibles or tangibles) of Vietnamese economic organizations without registering them with the State Bank;
11. Using international standard gold contrarily to the purposes defined in this Circular; exporting and/or importing international standard gold without licenses granted by the State Bank or not in accordance with the contents inscribed in the licenses;
12. Licensed banks have failed to seriously examine papers and vouchers which must be produced in transactions related to foreign exchange;
13. Failing to supply information, data and/or reports according to the regulations on information provision and reporting;
14. Other acts of violation of the regulation on the management of foreign exchange.
SECTION III.- FORMS OF HANDLING VIOLATIONS
1. Organizations and individuals that have committed acts of violation defined in Section II, Part Nine of this Circular shall, depending on the nature and seriousness of the violations, be disciplined, have the material evidence confiscated, their operation suspended or their operation licenses withdrawn, or be administratively handled or examined for penal liability; if damage is caused, the compensation therefor must be made according to the provisions of law.
2. If the competent bodies, when handling violations of the regulations on foreign exchange and foreign exchange transactions, deem that the acts of violation bear signs of criminal offenses, they shall have to immediately forward the dossiers thereon to bodies competent to handle criminal cases for handling and at the same time inform the State Bank of such acts of violation for coordination in the handling thereof.
SECTION IV.- COMPETENCE TO HANDLE VIOLATION OF REGULATIONS ON FOREIGN EXCHANGE MANAGEMENT
1. The competence of the State Bank Inspectorate
The State Bank Inspectorate is competent to handle administrative violations committed by organizations and individuals in the fields of foreign exchange and foreign exchange transactions in such main forms of administrative sanctions as warning or pecuniary fine, and forms of additional sanctions such as definite suspension, confiscation of material evidence and means used in the administrative violations and other measures prescribed by the Ordinance on Handling of Administrative Violations.
2. Competence of concerned bodies
a/ Concerned bodies shall, within their respective jurisdiction, have to handle cases of violating the regulations on foreign exchange management and notify such cases of violation to the banks of the same level.
b/ In the course of inspection and handling, if detecting that licenses were granted ultra vires or their contents are contrary to laws, the handling bodies shall have to temporarily seize them immediately and at the same time notify the State Bank thereof.
SECTION V.- COMPLAINT, LITIGATION ABOUT DECISIONS ON HANDLING ADMINISTRATIVE VIOLATIONS
1. Organizations and/or individuals that have been sanctioned for administrative violations in the field of foreign exchange management and foreign exchange transactions may complain about administrative violation handling decisions with competent State bodies or take action at court. The complaining and litigation shall comply with the provisions of law.
2. During the period of complaining or litigation, the administratively sanctioned organizations and/or individuals still have to execute the administrative violation handling decisions. When decisions on the settlement of complaints are made by the competent State bodies or the court�s judgements or rulings take legal effect, such decisions, judgements or rulings shall apply.
SECTION VI.- HANDLING OF TEMPORARILY SEIZED FOREIGN EXCHANGE
1. When applying the form of temporary seizure of material evidence being foreign exchange, the persons with temporary seizure competence shall have to make report thereon, clearly stating the names, quantities and categories of the seized foreign exchange, the serial numbers (if any), status and quality of such foreign exchange, the signatures of the persons who have effected the temporary seizure, the persons and representatives of the organizations that have their material evidence temporarily seized and the witnesses. Within 7 (seven) working days after the temporary seizure, the agencies competent to order the temporary seizure shall have to deposit the foreign exchange being the material evidence of the violations in the nearest bank and notify it to the competent bodies for handling.
2. The handling bodies shall have to coordinate with functional agencies in conducting an expertise to see if the seized foreign exchange are real or fake, then pack them with seals before the persons or representatives of the organizations that have possessed such temporarily seized things and the witnesses;
3. After being expertised and sealed up, the material evidences of the violation which are foreign exchange must be immediately deposited in the nearest State-run commercial bank. When receiving the violation foreign exchange, such bank shall have to make a report on the handover, based on the temporary seizure report. The handover report must clearly inscribe what have been inscribed in the seizure report. The handover report shall be made in two copies, with one being handed to the seizing organization or individual and the other being kept by the bank.
4. When receiving the violation foreign exchange, the concerned bank shall have to account them into the account "Tam giu va cho xu ly" (temporarily seized and awaiting the handling). Pending the handling, the violation foreign exchange must not be used for any purpose. When the handling decision is made, the concerned bank shall have to account them as follows:
a/ If the violation foreign exchange is fully confiscated, the bank, after deducting a part as reward according to regulations, shall have to make the final settlement of the account "tam giu va cho xu ly" (temporarily seized and awaiting the handling) and the confiscated foreign exchange amount under the decision of the competent State body must be immediately remitted into the State budget.
b/ If the material evidence of the violation is partly confiscated as decided, the bank shall make the final settlement of the account "tam giu va cho xu ly" (temporarily seized and awaiting the handling) and account the portion awaiting the decision on confiscation as provided for above while the remaining foreign exchange portion will be returned to the involved party(ies).
c/ If it is decided to return the entire violation foreign exchange, the bank shall make the final settlement of the account "tam giu va cho xu ly" and return the temporarily seized foreign exchange to the involved party(ies).
d/ If the violation foreign exchange is fake foreign currency or not longer valid for circulation, the bank shall make the final settlement of the account "tam giu va cho xu ly" (temporarily seized and awaiting the handling) and seize such foreign exchange for destruction according to the regulations of the State Bank.
Part Ten
IMPLEMENTATION PROVISIONS
1. This Circular takes effect 15 days after its signing.
Circular No. 33/NH-TT of March 15, 1989 of the State Bank guiding the implementation of the Regulation on management of foreign exchange, issued together with Decree No. 161/HDBT of October 18, 1988 of the Council of Ministers (now the Government) and the previous regulations on foreign exchange management, which are contrary to the provisions of this Circular, are all annulled.
2. Organizations and individuals engaged in foreign exchange transactions shall have to implement this Circular.
3. Directors of the Departments and the Office as well as the chief inspector of the State Bank, directors of the State Bank’s provincial/municipal branches and the general directors (directors) of the credit institutions shall, within their respective functions, have to organize and guide the implementation of, and implement, this Circular.

 
THE STATE BANK GOVERNOR
DEPUTY-GOVERNOR




Duong Thu Huong
 
ANNEX 2
LIST OF GOLD PRODUCERS RECOGNIZED BY INTERNATIONAL GOLD ASSOCIATION AND GOLD TRANSACTION OFFICE
 

Ordinal number
Country
Company
Ordinal number
Country
Company
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31
32
Belgium
France
Germany
Germany
Germany
Italy
Italy
Netherlands
Netherlands
Romania
Spain
Sweden
Switzerland
Switzerland
Switzerland
Switzerland
Switzerland
Switzerland
Switzerland
Switzerland
Britain
Britain
Canada
Canada
Canada
USA
USA
USA
USA
USA
USA
USA
Union Miniere
Engelhard-CLAL
Degussa
Heraeus
Norddeutsche
Chimet
Metalli Preziosi
Drijfhout
Schone
Phoenix
SEM PSA
Boliden
Argor-Heraeus
Cendres & Metaux
Metalor
PAMP
Credit Suisse FB
SBC
UBS
Valcambi
Engelhard-CLAL
Johnson Matthey
Johnson Matthey
Noranda
RCM
ASARACO
Engelhard
Engelhard-CLAL
H & H Refinering
Homestake
Johnson Matthey
Heraeus
33
34
35
36
37
38
39
40
41
42
43
44
45
46
47
48
49
50
51
52
53
54
55
56
57
58
59
60
61
62
63
64
USA
USA
Brazil
Brazil
Brazil
Brazil
Brazil
Brazil
Colombia
Mexico
Hong Kong
Japan
Japan
Japan
Japan
Japan
Japan
Japan
Japan
Japan
Japan
Republic of Korea
Philippines
Singapore
Indonesia
South Africa
Zimbaabwe
Australia
Australia
Australia
Uzbekistan
China
Metalor
Sabin
Casa da Moeda
Degussa
Goldmine
MMV
CRM
Ourinvest
Banco Republica
Met-Mex Penoles
Heraeus
Mitsui
Mitsui
Ishifuku
Nippon
Sumitomo
Tanaka
Tokuriki
Chugai
Dowa
Matsuda
LG Metals
Central Bank
Degussa
Logam Mulia
Rand Refinery
Fidelity
AGR
Golden West
Johnson Matthey
Navoi
Refinery of China
 
ANNEX 3
LIST OF CURRENT TRANSACTIONS

Revenue
Expenditure
Transaction contents
Revenue
 
Revenue
 
 
 
 
 
Revenue
Revenue
 
Revenue
 
 
 
 
Revenue
Revenue
 
 
Revenue
 
Revenue
Revenue
 
 
Revenue
 
Revenue
Revenue
 
Revenue
 
 
 
 
Revenue
 
 
 
Revenue
 
Revenue
 
Revenue
Revenue
 
Revenue
Revenue
Revenue
Revenue
 
Revenue
 
Revenue
Revenue
Revenue
Revenue
 
 
 
 
Expenditure
 
Expenditure
 
 
Expenditure
Expenditure
 
Expenditure
 
 
 
 
Expenditure
Expenditure
 
 
Expenditure
 
Expenditure
Expenditure
 
Expenditure
 
Expenditure
Expenditure
 
Expenditure
 
 
 
 
Expenditure
 
 
 
Expenditure
 
Expenditure
 
Expenditure
Expenditure
Expenditure
Expenditure
Expenditure
Expenditure
 
Expenditure
Expenditure
Expenditure
 
Expenditure
Expenditure
Revenue from export of goods, including the advance payment or deferred payment
Reimbursement of money already paid for the export such as price reduction, damages, compensations and other expenses for goods export
Payment for import of goods including freight and insurance, advance payment for the import of goods, payments related to investment in the form of machinery and equipment
Revenue from temporary import for re-export
Customs duty paid for goods sale and purchase, expenses for packing, goods loading and unloading expenses, and storing expenses
Freight for water, air, land and train transportation (including costs for goods loading and unloading, transport of equipment and container); commissions and other expenses, payment for ship wreckage and salvage; payment for fares, expenses for post, telecommunications, information, media and T.V. services, aviation and navigation expenses
Expenses related to tourist services
Payment for tourist accommodation and related services (including restaurant services, tourist services, car rental, ferry and yard service charges)
Expenses for study and meetings (including fees for attending study courses, seminars and meetings)
Medical expenses
Expenses for technical consulation, management, maintenance and repair (licensing fee, fees for technological knowhow transfer, administrative fees, charges for use of trademarks, designs and labels) and surveying fees
Payment for services contracts (expenses for professional services, banking services, market-probing fees, and other expenses)
Legal consultation fees
Arising expenses related to designing and building projects as well as purchase of goods and services from sub-contracts
Commissions related to purchase/sale of goods and services, hirings, fees for quality inspection and evaluation and escrow classification, insurance premiums and brokerage fees, payment for the added parts of future goods trading contracts, optional contracts, time contracts and other goods bartering contract
Expenses for advertisement, marketing, T.V, programs, photos and films overseas (including salaries and wages, business space renting, administrative expenses, insurance premiums, payment to marketing company by investing company)
Expenses for maintenance and repair of machines, equipment (ship, aircraft, and transport vehicles of different kinds)
Expenses for branches and representative offices (office rentals and other expenses for their operations)
Production rights, copy rights
Payment for transport insurance, re-insurance (premiums for ship hull, aircraft and other transport means, damages)
Fines in foreign trade activities
Payment of wages, salaries, bonuses and other allowances
Expenses for operating hired machinery and equipment
Interests, dividends and other related revenues from direct investment (including loans provided by the parent company)
Loan interests and deposit interest
Interests on securities investment
Transferring back home profits earned from direct investment
Financial assistance, non-refundable aids from international organizations, non-governmental organizations
Membership fees, prizes
Financial support by the Government
 
ANNEX 4
LIST OF CAPITAL TRANSACTIONS

Revenue
Expenditure
Transaction contents
Revenue
Revenue
Revenue
Revenue
 
 
Revenue
Revenue
Expenditure
Expenditure
Expenditure
Expenditure
 
 
Expenditure
Expenditure
Cash transfer and assignment of securities
Assignment of shares and transfer of long-term capital from the company to its branches
Assignment of contributed capital in the direct investment project
Transferring back home sources of contributed capital from direct investment and investment in the purchase of shares and other valuable papers
Borrowings and debt payment; loans and retrieval of loans
Transactions on real estates
 

 
THE STATE BANK GOVERNOR
DEPUTY-GOVERNOR




Duong Thu Huong

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Circular 01/1999/TT-NHNN7 DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất