Kế hoạch 14/KH-UBND năm 2018 Hà Nội thực hiện Quy định về phòng chống bạo lực học đường
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Kế hoạch 14/KH-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 14/KH-UBND |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Người ký: | Nguyễn Đức Chung |
Ngày ban hành: | 15/01/2018 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
tải Kế hoạch 14/KH-UBND
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 14/KH-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC AN TOÀN, LÀNH MẠNH, THÂN THIỆN, PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện, nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Mục đích, yêu cầu
- Tăng cường các điều kiện về vật chất và tinh thần trong từng cơ sở giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa. Người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái; được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực.
- Các Sở, ban ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao tạo điều kiện, chỉ đạo đến từng cơ sở giáo dục thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao.
2. Đối tượng áp dụng: Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục), lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dạy kỹ năng, lớp dạy năng khiếu, lớp dạy văn hóa, lớp dành cho trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt không được đi học ở nhà trường (sau đây gọi chung là lớp độc lập) có người học dưới 18 tuổi.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về giáo dục pháp luật
a) Nội dung tuyên truyền
- Tuyên truyền, phổ biến lý tưởng cách mạng, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống, học tập, việc làm cho người học; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Tuyên truyền các nội dung cơ bản của Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường.
- Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu thông tin sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội trong việc phối hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, tố giác các hành vi phạm tội.
b) Hình thức tuyên truyền
- Đa dạng hóa và lồng ghép các hình thức tuyên truyền thông qua giảng dạy các môn học, các hội nghị, hội thảo, triển lãm; phóng sự, bài viết trên báo, đài trung ương, địa phương; các phương tiện trực quan; các cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, Đoàn, Hội, Đội; các cuộc thi về lý tưởng cách mạng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh; vinh danh, tuyên dương, khen thưởng các tấm gương thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tiêu biểu trong chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và rèn luyện.
- Quản lý nội dung và khai thác hiệu quả hệ thống truyền thông, văn hóa, thể thao sẵn có và tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, internet, mạng xã hội để phục vụ cho công tác tuyên truyền.
2. Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trong nhà trường
- Xây dựng nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong nhà trường bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp từng cấp học và trình độ đào tạo theo Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 28/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2016 - 2020”.
- Đối với giáo dục mầm non: Tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt, phù hợp độ tuổi trong việc thực hiện nội quy, quy định của trường, lớp mầm non, trong gia đình và cộng đồng.
- Đối với giáo dục phổ thông: Thực hiện nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong chương trình sách giáo khoa hiện hành trên cơ sở rà soát, tinh giản những nội dung khó, trùng lặp, chưa thực sự cần thiết đối với học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị và phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học sinh, của xã hội và thời đại; giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Đối với giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp: Chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống, lòng tự hào dân tộc; tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật; lối sống nhân ái bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước; gắn giáo dục lý luận chính trị với giáo dục kỹ năng, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, năng lực tự học, sáng tạo và tự đổi mới tri thức.
- Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Đa dạng hóa và vận dụng các hình thức tổ chức giáo dục cho phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Tăng cường các hoạt động tập thể, hoạt động nhóm, giao lưu trao đổi kiến thức, lao động, vệ sinh trường, lớp học, hoạt động xã hội; các hoạt động câu lạc bộ văn hóa, thể thao, các phong trào thi đua trong nhà trường phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp.
3. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên
- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy các môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân, Lý luận chính trị; giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, tổng phụ trách đội; giáo viên làm công tác đoàn, chủ nhiệm lớp trong các nhà trường.
- Bồi dưỡng, phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác chính trị tư tưởng, công tác học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Hội, Đội.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 3074/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 4450/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội
a) Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục học sinh, thực hiện cam kết với cơ sở giáo dục về thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và tạo môi trường tốt nhất góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện.
b) Xây dựng môi trường nhà trường dân chủ, lành mạnh, thân thiện:
- Xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong các nhà trường.
- Tiếp tục thực hiện và đưa nội dung của phong trào “Thi đua Dạy tốt - Học tốt”; phong trào xây dựng “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch” thành các hoạt động thường xuyên trong các cấp học mầm non và phổ thông.
- Xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, mỗi trường học có ít nhất một không gian văn hóa gắn với giáo dục lịch sử, truyền thống, ý thức công dân cho học sinh.
- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường trung học phổ thông, trung học cơ sở có phòng tư vấn tâm lý học đường và bố trí cán bộ, giáo viên phụ trách, kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, hướng nghiệp.
c) Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho học sinh, các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn Thủ đô. Thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp số 505/QCPH/SGD&ĐT-CATP ngày 27/02/2017 giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an thành phố Hà Nội về phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn các cơ sở giáo dục.
5. Tăng cường cơ sở vật chất và bảo đảm thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong trường học
- Tổ chức rà soát lại việc bố trí, sử dụng sân chơi, các công trình văn hóa, thể thao cho học sinh trong nhà trường và tại địa phương. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện có; xã hội hóa nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh.
- Xây dựng cơ chế phối hợp nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong và ngoài nhà trường.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của hệ thống các trung tâm, các cung, nhà thiếu nhi cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
III. KINH PHÍ
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được cân đối từ ngân sách Thành phố, ngân sách quận, huyện, thị xã theo phân cấp và nguồn vốn xã hội hóa để chi cho các hoạt động của Kế hoạch.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức và cá nhân có liên quan bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục và lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý.
- Hướng dẫn việc lồng ghép, tích hợp nội dung, kiến thức về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường vào kế hoạch giáo dục của cơ sở giáo dục và lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Hướng dẫn công tác tư vấn học đường, công tác xã hội trường học theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chỉ đạo của UBND Thành phố.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục và lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức và cá nhân có liên quan bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục và lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn việc lồng ghép, tích hợp nội dung, kiến thức về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn trong thực hành, thực tập nghề nghiệp và lao động sản xuất, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường vào chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục và lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục và lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
3. Công an thành phố Hà Nội
- Chỉ đạo, hướng dẫn Công an các cấp phối hợp với cơ sở giáo dục bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng, chống vi phạm pháp luật và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc bạo lực học đường.
- Chỉ đạo triển khai việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra trường giáo dưỡng trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
4. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Hà Nội
- Chủ động phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo thẩm quyền nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Tổ chức các lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo các nhà trường và cán bộ làm công tác chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về phòng cháy chữa cháy.
- Thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật và thực hiện kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Bộ Công an, UBND Thành phố và theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo.
5. Sở Y tế
Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác y tế trường học bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch, bệnh cho người học.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
7. Sở Văn hóa và Thể thao
- Định hướng phát triển các hoạt động văn hóa, quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các tổ chức, đơn vị và văn nghệ sỹ; thông qua hoạt động biểu diễn tuyên truyền về chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa.
- Chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó đề cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục con, cháu.
8. Sở Tài chính
Trên cơ sở Kế hoạch được phê duyệt, Sở Tài chính, phòng Tài chính - Kế hoạch các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND cùng cấp bố trí kinh phí triển khai Kế hoạch theo quy định. Hướng dẫn các đơn vị sử dụng kinh phí và thanh quyết toán đúng quy định pháp luật và Thành phố.
9. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội
- Chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, tổ chức và kiểm tra hoạt động hè hằng năm của học sinh.
- Nâng cao chất lượng tổ chức các phong trào do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội, Hội đồng Đội thành phố Hà Nội phát động.
- Tổ chức thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, bảo đảm quốc phòng an ninh và nhiệm vụ chuyên môn tại địa phương. Đề cao tính sáng tạo, tính hành động, tính giáo dục qua việc thực hiện các phong trào tránh hình thức, phô trương, lãng phí.
10. Các Sở, ban, ngành Thành phố
- Chỉ đạo triển khai việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục và lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục, lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
11. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
- Chỉ đạo triển khai việc bảo đảm quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo phân cấp quản lý.
- Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của địa phương bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong cơ sở giáo dục, lớp độc lập; điều tra và xử lý vụ việc bạo lực học đường, gây mất an toàn cho cơ sở giáo dục, lớp độc lập theo phân cấp quản lý.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, lớp độc lập trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo phân cấp quản lý.
12. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên của Mặt trận
- Giám sát, phản biện, tham vấn, kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, đoàn viên, đội viên của tổ chức và toàn xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
- Vận động thành viên của tổ chức và xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
- Tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của người học chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả (qua Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp chung), báo cáo UBND Thành phố.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây