Quyết định 5013/QĐ-BYT Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền, và kết hợp y học hiện đại

thuộc tính Quyết định 5013/QĐ-BYT

Quyết định 5013/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại”
Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:5013/QĐ-BYT
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Nguyễn Trường Sơn
Ngày ban hành:01/12/2020
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe

TÓM TẮT VĂN BẢN

Hướng dẫn điều trị 20 bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền và hiện đại
Ngày 01/12/2020, Bộ Y tế đã ra Quyết định 5013/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại”.

Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn điều trị 20 bệnh phổ biến như: Ðau cột sống thắt lưng (Yêu thống); Thoái hóa khớp gối (Hạc tất phong); Gout (Thống phong); Viêm khớp dạng thấp (Chứng tý); Hội chứng cổ cai cánh tay (Chứng tý); Đau dây thần kinh liên sườn (Hiếp thống); Bại não trẻ em (Ngũ trì); Đau thần kinh tọa (Yêu cước thống); Di chứng nhồi máu não (Bán thân bất toại); Viêm dạ dày và tá tràng (Vị quản thống);…

Cụ thể, bệnh gout thường gặp ở nam giới tuổi trung niên 30 - 50 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở người trẻ tuổi hoặc nữ giới. Bệnh gây ra do rối loạn chuyển hóa nhân purin, với các đợt viêm khớp cấp tính. Gout cấp tính thuộc thể phong thấp nhiệt và dùng pháp thanh nhiệt thông lạc, khu phong trừ thấp. Giai đoạn mạn tính thường có đàm trọc và ứ huyết khi đó dùng thêm hóa đàm tiết trọc, trục ứ thông lạc. Đồng thời căn cứ vào tình hình hư suy của âm dương khí huyết để bổ khí huyết, bổ tỳ thận.

Ngoài ra, bệnh đau thần kinh tọa có biểu hiện đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Vị trí đau tùy theo rễ thần kinh bị tổn thương. Khi tổn thương rễ L5, thường đau từ thắt lưng lan xuống mặt bên đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, qua trước mắt cá ngoài đến mu chân và lan tới ngón chân cái…

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Xem chi tiết Quyết định5013/QĐ-BYT tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ Y TẾ
______

Số: 5013/QĐ-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2020

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại”

___________

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

 

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2012/QH12

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế;

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại” tập I.

Điều 2. Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại” được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc.

Căn cứ tài liệu này và điều kiện cụ thể của đơn vị, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại để thực hiện tại đơn vị.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Ông/Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Chánh thanh tra Bộ, các Vụ, Cục, Tổng cục của Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long (để báo cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng (để biết);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, cổng thông tin Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền;
- Lưu: VT, YDCT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn

 

 

 

 

HƯỚNG DẪN

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN KẾT HỢP Y HỌC CỔ TRUYỀN VÀ Y HỌC HIỆN ĐẠI

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5013/QĐ-BYT ngày 01/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, các cấp chính quyền cùng với sự nỗ lực không ngừng, ngành y tế đã đạt được các thành tựu quan trọng. Trong đó, y dược cổ truyền đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành y tế nói riêng và sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung.

Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền ngày càng được củng cố và hoàn thiện từ trung ương đến địa phương, bên cạnh các phương pháp khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, nhiều tiến bộ khoa học trong y học hiện đại được áp dụng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Để công tác khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được chuẩn hóa, cập nhật đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, Bộ Y tế đã thành lập Ban biên soạn: “Hướng dẫn chẩn đoán bệnh y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại” tại Quyết định số 3890/QĐ-BYT ngày 27/6/2018 do Khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Hà Nội cùng với các nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành biên soạn cuốn tài liệu này; đồng thời Bộ Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn để thẩm định tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại Quyết định số 6390/QĐ-BYT ngày 23/10/2018.

Tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại được áp dụng cho các bệnh thường gặp ở các tuyến điều trị chuyên môn, là tài liệu đầu tiên được hoàn thiện với sự nỗ lực cao của các nhà khoa học đầu ngành về y dược cổ truyền, trong đó tập trung hướng dẫn thực hành chẩn đoán và điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, các nguyên tắc chung về sử dụng tài liệu và danh mục các dược liệu, vị thuốc cổ truyền sử dụng trong quá trình điều trị cho người bệnh. Vì vậy, tài liệu này là cẩm nang giúp các thầy thuốc y học cổ truyền và thầy thuốc y học hiện đại trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hành lâm sàng.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Bộ Y tế, đặc biệt là GS.BS. Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, các thành viên Ban biên soạn, các thành viên Hội đồng chuyên môn thẩm định và các bệnh viện y học cổ truyền đã rất cố gắng, dành nhiều thời gian biên soạn, thẩm định, đóng góp nhiều ý kiến quý báu để hoàn thiện tài liệu này. Đây là lần đầu tiên tài liệu này được Bộ Y tế ban hành, chắc chắn không tránh khỏi còn có thiếu sót, chúng tôi mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ các đồng nghiệp, các nhà khoa học trong lĩnh vực y học cổ truyền và y học hiện đại để tài liệu này ngày càng hoàn thiện hơn.

 

 

Trưởng Ban biên soạn
PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hà

 

 

 

* Ban biên soạn Trưởng ban:

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hà

Phó trưởng ban:

PGS.TS.BS. Vũ Nam

PGS.TS.BS. Vũ Thường Sơn

Thành viên Ban biên soạn:

PGS.TS.BS. Tạ Văn Bình

TS.BS. Trần Thị Hải Vân

PGS.TS.BS. Lê Thành Xuân

TS.BS. Vũ Minh Hoàn

PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Toại

TS.BS. Lại Thanh Hiền

PGS.TS.BS. Dương Trọng Nghĩa

TS.BS. Bùi Tiến Hưng

TS.BS. Ngô Quỳnh Hoa

TS.BS. Trần Quang Minh

TS.BS. Đặng Minh Hằng

TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Tú

Tổ Thư ký Ban biên soạn:

ThS.BS. Trịnh Thị Lụa

ThS.BS. Phạm Thị Ánh Tuyết

ThS.BS. Đặng Trúc Quỳnh

* Hội đồng chuyên môn thẩm định:

Chủ tịch Hội đồng: PGS.TS. BS. Phạm Xuân Phong

Phó Chủ tịch Hội đồng:

PGS.TS.BS. Phạm Vũ Khánh

PGS.TS.BS. Phạm Văn Trịnh

Các ủy viên Hội đồng:

GS.TS.DS. Phạm Xuân Sinh

PGS.TS.BS. Nguyễn Bội Hương

PGS.TS.BS. Vũ Nam

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Tân

PGS.TS.BS. Phạm Quốc Bình

TS.BS. Nguyễn Văn Nhường

ThS.BS. Nguyễn Ngọc Tuấn

ThS.BS. Đoàn Thị Tuyết Mai, Ủy viên, Tổ trưởng

Tổ Thư ký Hội đồng.

Tổ Thư ký Hội đồng:

TS.BS. Tống Thị Tam Giang

TS.BS. Nguyễn Hồng Thạch

ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lượng

 

 

MỤC LỤC

 

Lời giới thiệu

Ban biên soạn

Hội đồng chuyên môn thẩm định

Hướng dẫn sử dụng tài liệu

1. Đau cột sống thắt lưng (Yêu thống)

2. Thoái hóa khớp gối (Hạc tất phong)

3. Gout (Thống phong)

4. Viêm khớp dạng thấp (Chứng tý)

5. Hội chứng cổ vai cánh tay (Chứng tý)

6. Tăng huyết áp vô căn (Huyễn vựng)

7. Rối loạn chuyển hóa lipoprotein và tình trạng tăng lipid máu khác (Chứng đàm)

8. Bệnh dây thần kinh mặt (Khẩu nhãn oa tà)

9. Đau dây thần kinh liên sườn (Hiếp thống)

10. Đau thần kinh tọa (Yêu cước thống)

11. Di chứng nhồi máu não (Bán thân bất toại)

12. Bại não trẻ em (Ngũ trì)

13. Di chứng viêm não do virus (Ôn bệnh)

14. Suy dinh dưỡng thể marasmus (Cam tích)

15. Viêm dạ dày và tá tràng (Vị quản thống)

16. Viêm gan virus mạn (Hiếp thống)

17. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) (Khái suyễn)

18. Mày đay (Ẩn chẩn)

19. Bí đái cơ năng (Long bế)

20. Bệnh trĩ (Hạ trĩ)

Danh mục dược liệu, vị thuốc cổ truyền

 

 

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TÀI LIỆU

 

I. Đối tượng áp dụng

Tài liệu này sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc.

Đối tượng sử dung: các đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề và làm việc tại cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản quy phạm pháp luật.

II. Điều trị theo y học cổ truyền

1. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh theo y học cổ truyền.

2. Các thể lâm sàng: theo bệnh danh y học cổ truyền, trên cơ sở biện chứng luận trị, phân thể lâm sàng.

3. Điều trị dùng thuốc cổ truyền

Trong tài liệu chỉ ghi một hoặc một số bài thuốc cổ phương, nghiệm phương/ tân phương, thuốc Nam;

- Tùy tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh thầy thuốc chỉ định/ kê đơn bài thuốc cổ phương, nghiệm phương, tân phương, thuốc Nam phù hợp với bệnh lý bảo đảm an toàn, hiệu quả.

- Thầy thuốc khi kê đơn có thể gia hoặc giảm số lượng, khối lượng vị thuốc cổ truyền/ dược liệu trong bài thuốc cổ phương để tăng tác dụng của thuốc nhưng không thay đổi lý luận của y học cổ truyền trong phối ngũ, và quân thần tá sứ của bài thuốc (cổ phương gia giảm).

- Thầy thuốc có thể kê đơn đồng thời cho người bệnh thuốc cổ phương, thuốc Nam và thuốc cổ truyền dưới dạng thành phẩm.

- Thay thế các dược liệu, vị thuốc có trong bài thuốc khác khi kê đơn thuốc sử dụng cho người bệnh tùy tình trạng sức khỏe, bệnh lý và khả năng sẵn có của vị thuốc, dược liệu.

- Thầy thuốc kê đơn kết hợp các dạng thuốc cho người bệnh: thuốc thang, thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu ở các dạng bào chế hiện đại hoặc cổ truyền, có thể có vị thuốc, dược liệu đã có trong thuốc thang của bài thuốc cổ phương, cổ phương gia giảm.

4. Điều trị không dùng thuốc

- Tài liệu ghi một số kỹ thuật không dùng thuốc cổ truyền hoặc dùng kết hợp thuốc cổ truyền, tùy tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc có thể chỉ định kỹ thuật cho phù hợp

- Kết hợp kỹ thuật không dùng thuốc hoặc dùng thuốc hóa dược, thuốc cổ truyền và các vật tư/ nguyên liệu khác được Bộ Y tế cấp phép để áp dụng điều trị cho người bệnh.

- Thầy thuốc có thể chỉ định đồng thời một số kỹ thuật y học cổ truyền, phục hồi chức năng và các phương pháp y học hiện đại khác để điều trị cho người bệnh bảo đảm hiệu quả và an toàn.

III. Điều trị theo y học hiện đại

- Tài liệu này đề cập các nguyên tắc cơ bản sử dụng thuốc và một số thuốc hóa dược tên biệt dược hoặc thuốc gốc, quy trình kỹ thuật y học hiện đại trong điều trị theo giai đoạn bệnh hoặc triệu chứng của người bệnh theo các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, phác đồ điều trị các chuyên ngành y học hiện đại được Bộ Y tế ban hành.

- Trường hợp các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật… được dẫn chiếu trong tài liệu do Bộ Y tế ban hành có sửa đổi, bổ sung hoặc

không còn hiệu lực thì các nội dung hướng dẫn trong tài liệu này sẽ được áp dụng theo tài liệu mới cập nhật.

IV. Điều trị kết hợp

- Các bệnh lý cấp tính, ngoại khoa: cần có can thiệp bằng y học hiện đại.

- Các bệnh lý mạn tính thuốc chương trình quản lý: Tăng huyết áp, Đái tháo đường, một số bệnh lý tim mạch sử dụng thuốc hóa dược hàng ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế

V. Danh mục dược liệu, vị thuốc cổ truyền

Ban hành kèm theo tài liệu này là danh mục dược liệu, vị thuốc cổ truyền được viết tên theo Dược điển Việt Nam V, hoặc các tài liệu được Bộ Y tế công nhận, hoặc các văn bản quy phạm pháp luật và được sắp xếp theo thứ tự abc.

Số lượng tên dược liệu, vị thuốc trong danh mục ban hành kèm theo tài liệu này có thể nhiều hơn số lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền có trong các bài thuốc cổ phương, nghiệm phương/tân phương, thuốc Nam để tùy tình trạng sức khỏe, bệnh lý người bệnh người thầy thuốc có thể gia hoặc giảm dược liệu, vị thuốc cổ truyền hoặc bào chế thành nguyên phụ liệu trong quá trình bào chế từ dược liệu thành vị thuốc cổ truyền hoặc thành phẩm thuốc cổ truyền.

Cấu trúc của danh mục: Số tứ thự, tên dược liệu, vị thuốc cổ truyền, tên khoa học.

 

 

ĐAU CỘT SỐNG THẮT LƯNG

(YÊU THỐNG)

 

I. ĐẠI CƯƠNG

Đau cột sống thắt lưng là một bệnh lý thường gặp trong thực hành lâm sàng do rất nhiều nguyên nhân gây ra, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi trung niên, người già nhưng hiện nay đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa do lối sống thiếu vận động.

Theo Y học hiện đại (YHHĐ), đau thắt lưng gồm các nguyên nhân sau:

+ Nguyên nhân cơ học: căng giãn cơ, dây chằng cạnh cột sống quá mức; thoái hóa đĩa đệm cột sống; thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (CSTL); trượt thân đốt sống, dị dạng thân đốt sống, loãng xương nguyên phát, …

+ Không do nguyên nhân cơ học: đau lưng là triệu chứng của một trong các bệnh khớp mạn tính như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp hoặc do nhiễm khuẩn (viêm đĩa đệm đốt sống do nhiễm khuẩn, áp xe cạnh cột sống), ung thư, ung thư di căn (vú, phổi, tuyến tiền liệt, đại tràng…), bệnh đa u tủy xương (Kahler), u vùng cột sống và một số nguyên nhân khác (loét hành tá tràng, sỏi thận, bệnh lý động mạch chủ bụng…).

+ Nguyên nhân khác: stress, rối loạn tâm lý.

- Chẩn đoán xác định đau thắt lưng dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:

+ Đau thắt lưng do nguyên nhân cơ học:

  • Do căng giãn dây chằng quá mức: đau xuất hiện đột ngột sau bê vật nặng, sau các hoạt động sai tư thế hoặc sau nhiễm lạnh. Đau có tính chất cơ học, kèm theo co cứng cơ cạnh cột sống, ấn có điểm đau cạnh cột sống, cột sống mất đường cong sinh lý.
  • Do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: thường có kèm theo triệu chứng của đau thần kinh hông to. Trường hợp có chèn ép nặng người bệnh có thể có rối loạn cơ tròn, phản xạ gân xương chi dưới giảm hoặc mất, nếu đau kéo dài có thể có teo cơ đùi và cẳng chân.

Cận lâm sàng: Các xét nghiệm phát hiện dấu hiệu viêm, bilan phospho - calci thường trong giới hạn bình thường. Xquang thường quy bình thường hoặc có thể có các hình ảnh hẹp các khe liên đốt, gai xương ở thân đốt sống hoặc đốt sống bị lún xẹp do loãng xương.

+ Đau thắt lưng không do nguyên nhân cơ học: Người bệnh thường có các triệu chứng khác kèm theo như: sốt, dấu hiệu nhiễm trùng hoặc gầy sút nhanh, đau ngày càng tăng, không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường… Khi có dấu hiệu chỉ điểm của một bệnh toàn thân liên quan đến đau vùng thắt lưng, cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng khác để chẩn đoán nguyên nhân.

+ Đau thắt lưng do nguyên nhân tâm lý: Cần loại trừ các bệnh thực thể gây đau thắt lưng trước khi chẩn đoán do nguyên nhân tâm lý.

Theo Y học cổ truyền (YHCT), đau thắt lưng thuộc chứng Yêu thống. Thắt lưng là phủ của thận nên đau thắt lưng có quan hệ mật thiết với tạng thận.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

- Ngoại nhân:

+ Hàn thấp: Thường gặp ở những người làm việc, sinh hoạt ở nơi ẩm, lạnh lâu ngày hoặc bị cảm phải hàn thấp gây trở ngại kinh lạc, khí huyết trong đường kinh mạch vùng thắt lưng bị bế tắc.

+ Thấp nhiệt: Do bị cảm phải tà khí thấp nhiệt hoặc do hàn thấp lâu ngày không khỏi tà khí lưu lại kinh lạc uất lại hóa nhiệt mà gây ủng trệ kinh lạc.

- Bất nội ngoại nhân: Do chấn thương vùng lưng, sai tư thế làm cho khí trệ huyết ứ ảnh hưởng đến sự vận hành của khí huyết.

- Nội thương: Can chủ cân, thận chủ cốt tủy, do sức yếu, lao lực quá độ, người già yếu hoặc mắc bệnh lâu ngày làm thận tinh bị suy tổn, can huyết hư không nuôi dưỡng được kinh mạch mà sinh bệnh.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể hàn thấp: Thường gặp trong những trường hợp đau thắt lưng do lạnh.

1.1. Triệu chứng: Đau nhiều vùng thắt lưng, đau tăng khi trời lạnh, ẩm, cơ cạnh cột sống co cứng, ấn đau, không đỏ, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch phù khẩn.

1.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.

- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại kinh bàng quang.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (hàn thấp).

1.3. Pháp: Tán hàn, trừ thấp, ôn thông kinh lạc.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Can khương thương truật thang:

Can khương

08g

Quế chi

08g

Thương truật

08g

Ý dĩ

08g

Cam thảo

06g

Bạch linh

12g

Xuyên khung

16g

 

 

 

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Lá lốt

20g

Sài đất

10g

Thiên niên kiện

20g

Thổ phục linh

20g

Rễ cây xấu hổ

16g

Hà thủ ô

20g

Quế chi

20g

Cỏ xước

20g

Sinh địa

10g

 

 

 

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 3 lần trong ngày, uống khi thuốc còn ấm.

* Thuốc dùng ngoài:

- Ngải cứu tươi 100g sao nóng với muối ăn lượng vừa đủ chườm tại chỗ đau.

- Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm hoặc cứu: châm tả các huyệt:

+ Tại chỗ:

A thị

Yêu dương quan

(GV.3)

Giáp tích vùng thắt lưng

Thượng liêu

(BL.31) Thứ liêu

(BL.32)

Thận du (BL.23)

 

Đại trường du (BL.25)

Yêu du (GV.2)

+ Toàn thân:

Hoàn khiêu (GB.30)

Ủy trung (BL.40)

 

Dương lăng tuyền (GB.34)

Côn lôn (BL.60)

 

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Các kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện nhĩ châm: Các điểm cột sống, Não, Thượng thận. Nhĩ châm 1 lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt:

Thận du (BL.23)

Giáp tích L4-L5

Đại trường du (BL.25)

Yêu du (GV.2)

Yêu dương quan (GV.3).

 

 

Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng khoảng từ 7 đến 15 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Xoa bóp bấm huyệt: Các thủ thuật xát, xoa, miết, phân, hợp, day, bóp, lăn, chặt vùng lưng, phát, ấn, bấm các huyệt A thị, Giáp tích và du huyệt tương ứng vùng đau. Vận động cột sống thắt lưng. Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 10 đến 15 ngày.

- Thủy châm: Sử dụng các thuốc theo y lệnh có chỉ định tiêm bắp vào các huyệt như châm, ngày 1 lần, mỗi lần 2 đến 3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 10 đến 15 ngày. Tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.

- Giác hơi vùng lưng. Ngày giác một lần.

- Xông thuốc vùng thắt lưng bằng máy.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể thấp nhiệt: Thường gặp trong những trường hợp đau thắt lưng do nhiễm khuẩn vùng cột sống.

2.1. Triệu chứng: Vùng thắt lưng đau kèm theo sưng nóng đỏ hoặc có cảm giác nóng bứt rứt, có thể sốt, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dầy. Mạch nhu sác.

2.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt.

- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại kinh bàng quang.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (thấp nhiệt).

2.3. Pháp: Thanh nhiệt trừ thấp.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Tứ diệu tán

Thương truật

08g

Hoàng bá

15g

Ngưu tất

15g

Ý dĩ

20g

 

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Bach truật (sao cám)

20g

Hy thiêm thảo

20g

Ý dĩ

20g

Tỳ giải

40g

Cam thảo nam

10g

 

 

 

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm: Châm tả các huyệt giống thể hàn thấp.

- Điện nhĩ châm: Giống thể hàn thấp.

- Người bệnh nên vận động thắt lưng từ từ, nhẹ nhàng theo sự tiến triển tốt lên của bệnh.

- Nếu người bệnh có các khối áp xe ở vùng thắt lưng: Không châm, cứu.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể huyết ứ: Thường gặp trong những trường hợp đau thắt lưng do căng giãn dây chằng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, khối u vùng cột sống thắt lưng.

3.1. Triệu chứng: Đau lưng xuất hiện sau khi vác nặng, lệch người hoặc sau một động tác thay đổi tư thế đột ngột, đau dữ dội ở một chỗ, cự án, vận động bị hạn chế, thay đổi tư thế thì đau tăng, chất lưỡi tím, có điểm ứ huyết. Mạch sáp.

3.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực.

- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại kinh bàng quang.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân.

3.3. Pháp: Hoạt huyết hóa ứ, thư cân hoạt lạc.

3.4. Phương

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Thân thống trục ứ thang:

Đương qui

12g

Xuyên khung

12g

Đào nhân

06g

Hồng hoa

06g

Một dược

08g

Chích thảo

06g

Hương phụ

12g

Khương hoạt

12g

Tần giao

12g

Địa long

06g

Ngưu tất

12g

Ngũ linh chi

06g

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Ngải cứu

12g

Trần bì

08g

Tô mộc

12g

Kinh giới

12g

Nghệ vàng

10g

Uất kim

10g

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần.

* Thuốc dùng ngoài:

- Ngải cứu tươi 100g sao nóng với muối ăn lượng vừa đủ chườm tại chỗ đau.

- Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm: Châm tả các huyệt giống thể hàn thấp, thêm các huyệt Cách du 2 bên.

- Điện nhĩ châm, điện mãng châm, cấy chỉ, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt: Giống thể hàn thấp.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

4. Thể can thận hư: Thường gặp trong những trường hợp đau thắt lưng do thoái hóa cột sống thắt lưng, loãng xương, gặp ở người cao tuổi.

4.1. Triệu chứng: Đau âm ỉ, chân gối yếu, lao động đau nhiều, nghỉ ngơi đau giảm ít. Trường hợp dương hư thì sắc mặt nhợt, chân tay lạnh, bụng dưới lạnh đau, sắc lưỡi nhợt. Mạch trầm tế. Nếu âm hư thì miệng họng khô, sắc mặt đỏ, lòng bàn tay bàn chân nóng, lưỡi đỏ. Mạch tế sác.

4.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực.

- Chẩn đoán tạng phủ/kinh lạc: Can thận hư, bệnh tại kinh bàng quang.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương), ngoại nhân (phong hàn thấp).

4.3. Pháp: Bổ can thận, khu phong trừ thấp, thông kinh hoạt lạc.

4.4. Phương:

4.4.1. Điều trị bằng thuốc:

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Độc hoạt ký sinh thang:

Đảng sâm

10g

Phục linh

15g

Đương qui

10g

Bạch thược

15g

Thục địa

15g

Xuyên khung

10g

Đỗ trọng

15g

Ngưu tất

15g

Quế chi

06g

Tế tân

04g

Độc hoạt

10g

Tang ký sinh

30g

Phòng phong

10g

Tần giao

10g

Cam thảo

06g

 

 

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Đỗ trọng

12g

Rễ cỏ xước

12g

Cẩu tích

12g

Cốt toái

12g

Dây đau xương

12g

Hoài sơn

12g

Tỳ giải

12g

Thỏ ty tử

12g

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần.

* Thuốc dùng ngoài:

- Ngải cứu tươi 100g sao nóng với muối ăn lượng vừa đủ chườm tại chỗ đau.

- Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Điện châm, điện mãng châm: Châm tả các huyệt giống thể hàn thấp, thêm châm bổ huyệt: Thái khê (KI.3) Tam âm giao (SP.6)

Thận du (BL.23) Thái xung (LR.3)

- Điện nhĩ châm, cấy chỉ, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt: Giống thể hàn thấp.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

5. Thể thận dương hư

5.1. Triệu chứng: Vùng thắt lưng đau âm ỉ, chân gối yếu, lao động đau nhiều, nghỉ ngơi đau đỡ ít, sắc mặt nhợt, sợ lạnh, chân tay lạnh, bụng dưới lạnh, tiểu đêm, đại tiện phân nát, sắc lưỡi nhợt. Mạch trầm tế.

5.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Lý, hư, hàn.

- Chẩn đoán tạng phủ: Thận dương hư.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

5.3. Pháp: Ôn bổ thận dương

5.4. Phương:

5.4.1. Điều trị bằng thuốc:

- Cổ phương: Thận khí hoàn

Thục địa

12g

Trạch tả

08g

Hoài sơn

12g

Phục linh

08g

Sơn thù

08g

Nhục quế

06g

Đan bì

08g

Hắc phụ tử

06g

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Cốt khí củ

12g

Tang ký sinh

12g

Cẩu tích

12g

Bạch truật

12g

Tục đoạn

12g

Hoài sơn

12g

Ngưu tất

12g

 

 

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần.

* Thuốc dùng ngoài:

- Ngải cứu tươi 100g sao nóng với muối ăn lượng vừa đủ chườm tại chỗ đau.

- Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Điện châm, ôn điện châm, điện mãng châm: Châm bổ và ôn châm các huyệt giống thể hàn thấp, thêm các huyệt:

Thái khê (KI.3)

Tam âm giao (SP.6)

Thận du (BL.23)

Thái xung (LR.3)

Quan nguyên (CV.4)

Khí hải (CV.6)

Mệnh môn (GV.4)

 

- Điện nhĩ châm, cấy chỉ, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt: Giống thể hàn thấp.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

- Điều trị theo nguyên nhân.

- Kết hợp điều trị thuốc hóa dược với các biện pháp phục hồi chức năng, luyện tập, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống thắt lưng.

2. Điều trị cụ thể

2.1. Điều trị nguyên nhân: Tùy theo nguyên nhân điều trị theo phác đồ của YHHĐ

- Do khối u cần chẩn đoán sớm và điều trị bằng YHHĐ.

- Do vi khuẩn lao: cần chẩn đoán sớm và điều trị bằng YHHĐ.

- Do thoái hóa cột sống thắt lưng: thuốc điều trị thoái hóa khớp theo cơ chế bệnh sinh.

- Do loãng xương.

- Do viêm cột sống dính khớp.

- Do vi khuẩn khác: dùng kháng sinh theo phác đồ.

2.2. Điều trị không đặc hiệu

2.2.1. Điều trị bằng thuốc

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

- Thuốc giảm đau: chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới. Tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

- Chống viêm không steroid (NSAIDs): không được phối hợp hai loại thuốc trong nhóm.

- Thuốc giãn cơ.

- Trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh có thể kết hợp với một trong các thuốc giảm đau thần kinh.

- Kết hợp thuốc an thần, thuốc ức chế trầm cảm khi cần thiết.

2.2.2. Điều trị không dùng thuốc

- Nếu đau cấp tính: Nằm nghỉ tại chỗ trên giường phẳng từ 3 đến 5 ngày.

- Kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng: Theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế và các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Người bệnh phải đeo đai hỗ trợ thắt lưng khi ngồi dậy hoặc đi lại vận động (nếu cần).

2.3. Điều trị ngoại khoa: Chỉ định phẫu thuật cho các trường hợp đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm hoặc kèm trượt đốt sống đã được điều trị nội khoa tích cực trong ba tháng nhưng không đạt hiệu quả, đặc biệt đối với trường hợp đau nhiều, có dấu hiệu ép rễ nặng (teo cơ nhanh, rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác).

V. PHÒNG BỆNH

- Thực hiện các biện pháp tránh tái phát đau vùng thắt lưng: làm việc đúng tư thế, đặc biệt tư thế đúng khi mang vật nặng. Nếu phải hoạt động ở tư thế ngồi hoặc đứng lâu, phải luôn giữ cho cột sống ở tư thế thẳng. Cần thay đổi tư thế mỗi 20 đến 30 phút một lần, tránh ngồi cúi gập về trước hoặc lệch vẹo về một bên.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Đảm bảo chế độ ăn đủ calci và vitamin D.

- Giảm cân nếu thừa cân.

- Dự phòng loãng xương ở người có nguy cơ cao.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Bộ Y tế (2013). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.

2. Bộ Y tế (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp.

3. Bệnh viện Bạch Mai (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa.

4. Bộ Y tế (2017). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm chuyên ngành Châm cứu.

5. Khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Y Hà Nội (2017). "Đau thắt lưng", Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học.

6. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.

 

 

THOÁI HÓA KHỚP GỐI

(HẠC TẤT PHONG)

 

I. ĐẠI CƯƠNG

Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại sụn, xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hóa và chấn thương, biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là thay đổi hình thái, sinh hóa, phân tử, cơ sinh học của tế bào và chất căn bản của sụn dẫn đến nhuyễn hóa, nứt loét, mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, gai xương và hốc xương dưới sụn. Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% các trường hợp thoái hóa khớp gối.

Theo Y học hiện đại (YHHĐ), nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối được chia làm hai loại: Thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát.

- Chẩn đoán xác định theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội thấp khớp học Mỹ-ACR (American College of Rheumatology), 1991.

+ Có gai xương ở rìa khớp (trên Xquang).

+ Dịch khớp là dịch thoái hóa.

+ Tuổi trên 38.

+ Cứng khớp dưới 30 phút.

+ Có dấu hiệu lục cục khi cử động khớp.

Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1,2,3,4 hoặc 1,2,5 hoặc 1,4,5.

- Các dấu hiệu khác: tràn dịch và biến dạng khớp.

- Các phương pháp thăm dò chẩn đoán hình ảnh: Xquang, siêu âm khớp, chụp cộng hưởng từ, nội soi khớp.

Theo Y học cổ truyền (YHCT), thoái hóa khớp gối không có bệnh danh riêng. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh đến khám và điều trị thoái hóa khớp gối thường có triệu chứng đau, hạn chế vận động và khớp gối sưng hoặc biến dạng, nên thoái hóa khớp gối được quy vào chứng Tý, bệnh danh là Hạc tất phong.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

- Phong hàn thấp hoặc phong thấp nhiệt tà thừa lúc chính khí hư tổn, vệ ngoại bất cố xâm phạm vào cơ biểu kinh lạc làm sự vận hành của khí huyết tại khớp gây đau, co duỗi khó khăn.

- Công năng của tạng can và thận bị hư tổn do bệnh lâu ngày làm tà khí bám vào gân xương hoặc do tuổi cao, chức năng của can thận suy giảm gây đau, co duỗi khó khăn, biến dạng các khớp và tái phát nhiều lần.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể phong hàn thấp tý

1.1. Triệu chứng: Sau khi nhiễm ngoại tà (phong, hàn, thấp) xuất hiện đau, sưng nề, không nóng đỏ, hạn chế vận động khớp gối một hoặc hai bên, trời lạnh ẩm đau tăng, chườm ấm đỡ đau, kèm sợ lạnh, sợ gió, không sốt, rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch phù hoãn.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu, thực, hàn.

- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại khớp, cân, cơ, kinh lạc.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, hàn, thấp).

1.3. Pháp: Trừ thấp, khu phong, tán hàn, chỉ thống.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương:

+ Nếu thấp thắng: Ý dĩ nhân thang

Ý dĩ

30g

Bạch truật

08g

Bạch thược

08g

Đương qui

12g

Quế chi

10g

Ma hoàng

06g

Cam thảo

04g

Sinh khương

06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần khi thuốc còn ấm.

+ Nếu hàn tà thắng: Ô đầu thang:

Hắc phụ tử

08g

Ma hoàng

08g

Bạch thược

12g

Hoàng kỳ

20g

Cam thảo

04g

Mật ong

80g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống ấm.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: Thấp khớp II (Viện Đông y).

Rễ xấu hổ

16g

Dây đau xương

12g

Dây gắm

12g

Thổ phục linh

12g

Thiên niên kiện

12g

Kê huyết đằng

12g

Ngưu tất

12g

Hy thiêm

12g

Nấu thành cao lỏng, uống 50ml/ngày, chia 2 lần.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm tả và cứu các huyệt:

+ Tại chỗ:

A thị huyệt

Độc tỵ (ST.35)

Dương lăng tuyền (GB.34)

Lương khâu (ST.34)

Tất nhãn

Âm lăng tuyền (SP.9)

Huyết hải (IV-10)

Ủy trung (BL.40)

+ Toàn thân:

Phong long (ST.40) Túc tam lý (ST.36)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 10 đến 15 ngày/liệu trình.

- Các kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện nhĩ châm: các điểm bánh chè, cẳng chân (D2). Nhĩ châm 1 lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt: Công thức huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng khoảng từ 7 đến 15 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các thủ thuật xoa, xát, miết, bóp, vờn, vận động. Day, ấn các huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Mỗi lần xoa bóp bấm huyệt 30 phút/lần/ngày, từ 10 đến 15 ngày/liệu trình.

- Thủy châm: Sử dụng các thuốc theo y lệnh có chỉ định tiêm bắp vào các huyệt như điện châm, ngày 1 lần, mỗi lần 2 đến 3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 10 đến 15 ngày. Tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.

- Laser châm: Công thức huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Thời gian 15-30 phút/lần/ngày cho một lần laser châm. Một liệu trình từ 10 đến 15 lần, có thể nhiều liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư

2.1. Triệu chứng: Người bệnh đau mỏi khớp gối, vận động co duỗi khó khăn, có thể biến dạng khớp. Sau khi nhiễm thêm ngoại tà (phong, hàn, thấp) xuất hiện đau tăng lên, khớp gối sưng nề, không nóng đỏ, hạn chế vận động khớp gối một hoặc hai bên, kèm đau mỏi lưng gối, ù tai, ngủ kém, rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch trầm hoãn.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, hàn.

- Chẩn đoán tạng phủ/kinh lạc: Can thận hư/Bệnh tại khớp, cân, cơ, kinh lạc.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, hàn, thấp), bất nội ngoại nhân (nội thương).

2.3. Pháp: Trừ thấp, khu phong, tán hàn, chỉ thống, bổ can thận.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Độc hoạt ký sinh thang

Độc hoạt

10g

Tang ký sinh

16g

Phòng phong

12g

Tần giao

12g

Đương qui

12g

Quế tâm

04g

Tế tân

06g

Phục linh

12g

Xuyên khung

08g

Xích thược

12g

Cam thảo

06g

Thục địa

12g

Ngưu tất

12g

Đỗ trọng

12g

Đảng sâm

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài Tam tý thang: Là bài Độc hoạt ký sinh thang gia thêm Hoàng kỳ, Tục đoạn.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: Độc hoạt phong thấp hoàn (Viện Đông y)

Độc hoạt

12g

Hy thiêm

12g

Đương quy

12g

Thổ phục linh

16g

Xuyên khung

08g

Hà thủ ô

12g

Can khương

04g

Quế chi

08g

Kê huyết đằng

08g

Cốt toái bổ

12g

Thục địa

12g

Đảng sâm

12g

Ngưu tất

08g

Đỗ trọng

12g

Cam thảo

04g

Kim ngân hoa

06g

Làm viên hoàn cứng, uống 30g/ngày.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm kết hợp với cứu.

+ Châm tả và cứu các huyệt tại chỗ: như thể phong hàn thấp tý.

+ Châm bổ:

Thận du (BL.23)

Can du (BL.18)

Tam âm giao (SP.6)

Thái khê (KI.3)

Thái xung (LR.3)

Quan nguyên (CV.4)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, điện mãng châm, cấy chỉ: như thể phong hàn thấp tý.

- Điện nhĩ châm: Châm tả bánh chè, cẳng chân (D2), châm bổ Thần môn, Can, Thận.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể phong thấp nhiệt kèm can thận hư

3.1. Triệu chứng: Người bệnh đau mỏi khớp gối từ lâu, vận động co duỗi khó khăn, có thể có biến dạng khớp. Đợt này xuất hiện sưng, đau, nóng hoặc đỏ, một hoặc khớp gối hai bên, đau cự án. Thường kèm theo phát sốt, sợ gió, miệng khô khát, phiền táo bứt rứt không yên. Tiểu vàng lượng ít, lưỡi đỏ, rêu vàng bẩn. Mạch hoạt sác.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ/kinh lạc: Can thận hư/bệnh tại khớp, cân, cơ, kinh lạc.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương), ngoại nhân (phong, thấp, nhiệt).

3.3. Pháp: Thanh nhiệt, khu phong, trừ thấp, chỉ thống, bổ can thận.

3.4. Phương

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương:

+ Dùng bài Ý dĩ nhân thang hợp với Nhị diệu tán

Ý dĩ nhân

12g

Quế chi

06g

Cam thảo

06g

Thược dược

06g

Ma hoàng

06g

Hoàng bá

12g

Bạch truật

12g

Thương truật

12g

Đương qui

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài Bạch hổ quế chi thang

Sinh thạch cao

30g

Ngạnh mễ

10g

Tri mẫu

10g

Cam thảo

06g

Quế chi

04g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương (Hướng dẫn thuốc nam và châm cứu – Bộ Y tế)

Hy thiêm

50g

Rễ lá lốt

20g

Ngưu tất

20g

Thổ phục linh

20g

Hoài sơn làm áo (lượng vừa đủ)

Chi tử nhuộm bột áo (lượng vừa đủ)

Làm hoàn, bột Hoài sơn làm áo, bột áo nhuộm bằng nước Chi tử. Uống 50g/ngày.

- Sau khi khớp gối hết nóng, đỏ thì có thể dùng các bài thuốc uống trong như thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm: Như thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư. Châm tả thêm huyệt Đại chùy (GV.14), Nội đình (ST.44).

- Điện nhĩ châm, điện mãng châm: Như thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư.

- Sau khi khớp hết nóng, đỏ thì áp dụng phác đồ xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, cấy chỉ như thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

4.1. Nguyên tắc điều trị

- Giảm đau, phục hồi chức năng vận động của khớp.

- Tránh tác dụng không mong muốn của thuốc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

4.2. Điều trị cụ thể

4.2.1. Điều trị bằng thuốc

4.2.1.1. Điều trị triệu chứng tác dụng nhanh

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

- Thuốc giảm đau: chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới. Tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

- Chống viêm không steroid (NSAIDs): không được phối hợp hai loại thuốc trong nhóm.

- Thuốc bôi ngoài da: Voltaren Emugel, Profenid gel… có tác dụng giảm đau đáng kể và không gây ra các tác dụng phụ như dùng đường toàn thân. Bôi tại khớp đau 2-3 lần/ngày.

4.2.1.2. Điều trị triệu chứng tác dụng chậm

Các thuốc chống thoái hóa khớp nên chỉ định sớm, thường dùng kéo dài, có thể phối hợp với nhau và phối hợp với các thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh đã nêu ở trên.

4.2.1.3. Một số phương pháp khác

- Tiêm nội khớp:

+ Hydrocortison acetat: Khi có viêm và tràn dịch khớp, cần lưu ý chỉ định. Mỗi đợt tiêm cách nhau 5 đến 7 ngày, không vượt quá 3 mũi tiêm mỗi đợt, không tiêm quá 3 đợt trong một năm.

+ Các chế phẩm chậm: Methyl prednisolon acetat 40mg, betamethason dipropionate 2mg tiêm mỗi mũi cách nhau 1 đến 2 tuần, không tiêm quá 3 đợt một năm vì thuốc gây tổn thương sụn khớp nếu dùng quá liều.

+ Acid hyaluronic dưới dạng hyaluronate 1 ống/1 tuần x 3 đến 5 tuần liên tục.

- Sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP): Lấy máu tĩnh mạch, chống đông, ly tâm tách huyết tương sau đó bơm vào khớp gối 6-8ml PRP.

- Cấy ghép tế bào gốc là một hướng đi nhiều triển vọng. Tế bào gốc chiết xuất từ mô mỡ tự thân hoặc từ nguồn gốc tủy xương tự thân.

4.2.2. Điều trị không dùng thuốc

- Kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng: Theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế và các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Vật lý trị liệu: Laser công suất thấp, siêu âm trị liệu, điện xung.

- Có chế độ vận động thể dục thể thao hợp lý, bảo vệ khớp tránh quá tải. Phát hiện điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp (lệch trục khớp, khớp gối vẹo trong, vẹo ngoài…).

4.2.3. Điều trị ngoại khoa

- Nội soi khớp nhằm sửa chữa tổn thương, cấy ghép tế bào sụn, rửa khớp và làm sạch khớp.

- Phẫu thuật thay khớp nếu điều trị nội khoa và bảo tồn không có hiệu quả, người bệnh đau nhiều và mất chức năng vận động nhiều. Thường được áp dụng ở người bệnh trên 60 tuổi. Thay khớp gối một phần hay toàn bộ khớp.

V. PHÒNG BỆNH

- Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.

- Thực hiện tốt chế độ ăn, tránh để tăng cân béo phì. Giảm cân nếu quá cân.

- Tránh các chấn thương giúp làm chậm quá trình xuất hiện thoái hóa khớp.

- Nên tập vận động khớp gối không trọng lượng: đạp xe đạp, bơi....

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Bộ Y tế (2016), “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp”. Nhà xuất bản Y học.

2. Bộ Y tế (2013), Quy trình khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu.

3. Bộ Y tế (2017), Quy trình cấy chỉ.

4. Khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Y Hà Nội (2017), Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học.

5. Các bộ môn Nội – Trường Đại học Y Hà Nội (2012), Bệnh học nội khoa tập 2, Nhà xuất bản Y học.

6. Bệnh viện Bạch Mai (2012), “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh Nội khoa”. Cẩm nang nghiệp vụ của bác sĩ lâm sàng. Nhà xuất bản Y học.

7. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.

8. Hoàng Bảo Châu (2006). Nội khoa học cổ truyền. Nhà xuất bản Y học.

 

 

GOUT

(THỐNG PHONG)

 

I. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh gout thường gặp ở nam giới tuổi trung niên 30 - 50 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở người trẻ tuổi hoặc nữ giới. Bệnh gây ra do rối loạn chuyển hóa nhân purin, với các đợt viêm khớp cấp tính.

Chẩn đoán: Có thể áp dụng một trong các tiêu chuẩn sau:

- Tiêu chuẩn Bennet và Wood năm 1968 được áp dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam do dễ nhớ và phù hợp với điều kiện thiếu xét nghiệm:

a. Hoặc tìm thấy tinh thể natri urat trong dịch khớp hay trong các hạt tophi.

b. Hoặc tối thiểu có hai trong các yếu tố sau đây:

+ Tiền sử hoặc hiện tại có tối thiểu 2 đợt sưng đau của một khớp với tính khởi phát đột ngột, đau dữ dội và khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần.

+ Tiền sử hoặc hiện tại có sưng đau khớp bàn ngón chân cái với các tính chất như trên.

+ Có hạt tophi.

+ Đáp ứng tốt với colchicin (giảm viêm, giảm đau trong 48 giờ) trong tiền sử hoặc hiện tại.

Chẩn đoán xác định khi có tiêu chuẩn a hoặc 2 yếu tố của tiêu chuẩn b.

- Tiêu chuẩn ILAR và Omeract năm 2000: Độ nhạy 70%, đặc hiệu 78,8%.

+ Có tinh thể urat đặc trưng trong dịch khớp, và/hoặc:

+ Hạt tophi được chứng minh có chứa tinh thể urat bằng phương pháp hóa học hoặc kính hiển vi phân cực, và/hoặc:

+ Có 6 trong số 12 biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm và X quang sau:

Viêm tiến triển tối đa trong vòng một ngày.

Có hơn một đợt viêm khớp cấp.

Viêm khớp ở một khớp.

Đỏ vùng khớp.

Sưng, đau khớp bàn ngón chân cái.

Viêm khớp bàn ngón chân cái ở một bên.

Viêm khớp cổ chân một bên.

Hạt Tophi nhìn thấy được.

Tăng acid uric trong máu.

Sưng đau khớp không đối xứng.

Nang dưới vỏ xương, không có hình khuyết xương trên X quang.

Cấy vi khuẩn âm tính.

Bệnh gout được mô tả đầu tiên trong sách “Đan Khê tâm pháp” với tên gọi là chứng Thống phong, ngoài ra còn gọi là “Lịch tiết phong”, “Bạch hổ phong”, “Bạch hổ lịch tiết”.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Thống phong là do phong hàn thấp hoặc phong thấp nhiệt tà thừa lúc chính khí hư tổn, vệ ngoại bất cố xâm phạm vào kinh mạch; kèm theo công năng thăng thanh giáng trọc của tạng thận và tỳ bị rối loạn làm cho trọc độc bị ứ ở trong; cùng với chế độ ăn nhiều đạm, uống nhiều rượu làm thấp nhiệt dễ phát sinh.

Thấp nhiệt tà xâm nhập cơ thể gây tắc nghẽn kinh lạc, khí huyết ứ trệ tại khớp gây đau, co duỗi khó khăn. Bắt đầu bệnh còn ở cơ biểu kinh lạc, bệnh lâu, tà khí phạm vào gân xương, tổn thương tạng phủ, chức năng của khí huyết tân dịch rối loạn, tân dịch ứ trệ thành đàm, khí huyết ngưng trệ thành ứ, đàm ứ kết mà hình thành các u cục ứ đọng quanh khớp, dưới da. Bệnh tiến triển lâu ngày gây tổn thương can thận, làm biến dạng các khớp và tái phát nhiều lần.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

Gout cấp tính thuộc thể phong thấp nhiệt và dùng pháp thanh nhiệt thông lạc, khu phong trừ thấp. Giai đoạn mạn tính thường có đàm trọc và ứ huyết khi đó dùng thêm hóa đàm tiết trọc, trục ứ thông lạc. Đồng thời căn cứ vào tình hình hư suy của âm dương khí huyết để bổ khí huyết, bổ tỳ thận.

1. Thể phong thấp nhiệt

1.1. Triệu chứng: Sưng, nóng, đỏ, đau một hoặc nhiều khớp (đặc biệt là khớp bàn ngón chân cái), đau cự án, khởi phát thường cấp tính. Thường kèm theo phát sốt, sợ gió, miệng khô khát, phiền táo bứt rứt không yên, tiểu vàng số lượng ít, lưỡi đỏ rêu vàng bẩn. Mạch hoạt sác.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, thực nhiệt

- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại cân cơ kinh lạc.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân và bất nội ngoại nhân.

1.3. Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, tiêu thũng chỉ thống.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Tuyên tý thang hợp Tam diệu thang

Thương truật

08g

Hoàng bá

15g

Ngưu tất

15g

Tỳ giải

12g

Hoạt thạch

30g

Ý dĩ

20g

Hạnh nhân

12g

Hy thiêm thảo

15g

Xích tiểu đậu

15g

Liên kiều

12g

Chi tử

12g

 

 

+ Hoặc Bạch hổ quế chi thang:

Sinh thạch cao

30g

Ngạnh mễ

10g

Tri mẫu

10g

Cam thảo

06g

Quế chi

06g

 

 

+ Hoặc Tứ diệu thang:

 

 

 

Thương truật

08g

Hoàng bá

10g

Ngưu tất

12g

Sinh ý dĩ

18g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

* Thuốc dùng ngoài:

- Cao Kim hoàng tán (Ngoại khoa chính tông):

Đại hoàng

2,5kg

Hoàng bá

2,5kg

Khương hoàng

2,5kg

Bạch chỉ

2,5kg

Nam tinh

1kg

Trần bì

1kg

Thương truật

1kg

Hậu phác

1kg

Cam thảo

1kg

Thiên hoa phấn

5kg

Tất cả nghiền bột trộn với Vaselin thành cao, đắp vùng khớp sưng đau 1-2 lần/ngày, 7 ngày/liệu trình.

- Hoặc dùng bài:

Hạt mã tiền

20g

Sinh Bán hạ

20g

Ngải diệp

20g

Hồng hoa

15g

Vương bất lưu hành

40g

Đại hoàng

30g

Hành tươi cả rễ

3 củ

 

 

Đun lấy 2 lít nước xông ngâm vùng khớp đau ngày 1-2 lần, 7 ngày/liệu trình (Trung y đương đại chẩn trị bệnh phong thấp).

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm tả các huyệt:

Tùy theo vị trí đau có thể lựa chọn một số huyệt

+ Đau vùng vai:

Kiên ngung (LI.15)

Kiên trinh (GB.9)

 

Kiên tỉnh (GB.21)

Tý nhu (LI.14)

 

A thị huyệt

 

+ Đau khớp khuỷu tay:

Hợp cốc (LI.4)

Thủ tam lý (LI.10)

 

Khúc trì (LI.11)

Xích trạch (LU.5)

 

A thị huyệt

 

+ Đau khớp cổ tay:

Dương trì (TE.4)

Ngoại quan (TE.5)

 

Hợp cốc (LI.4)

A thị huyệt

+ Đau khớp gối:

Tất nhãn

Khúc tuyền (LR.8)

 

Dương lăng tuyền (GB.34)

A thị huyệt

+ Đau khớp cổ chân:

Trung phong (LR.4)

Côn lôn (BL.60)

 

Giải khê (ST.41)

Cự hư (ST.37)

 

Uỷ trung (BL.40)

Tuyệt cốt (GB.39)

 

A thị huyệt

 

+ Đau khớp bàn ngón chân cái:

Thái xung (LR.3)

Thái bạch (SP.3)

 

A thị huyệt

 

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Kỹ thuật châm: Điện châm.

- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt:

Đau vùng vai:

Kiên ngung (LI.15)

Kiên trinh (GB.9)

 

Tý nhu (LI.14)

 

+ Đau khớp khuỷu tay:

Hợp cốc (LI.4)

Thủ tam lý (LI.10)

 

Khúc trì (LI.11)

 

+ Đau khớp cổ tay:

Dương trì (TE.4)

Ngoại quan (TE.5)

 

Hợp cốc (LI.4)

 

+ Đau khớp gối:

Tất nhãn

Khúc tuyền (LR.8)

 

Dương lăng tuyền (GB.34)

 

+ Đau khớp cổ chân:

Trung phong (LR.4)

Côn lôn (BL.60)

 

Cự hư (ST.37)

 

+ Đau khớp bàn ngón chân cái: Thái xung (LR.3) Thái bạch (SP.3)

Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng khoảng từ 7 đến 15 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Xoa bóp bấm huyệt: Xát, xoa, day, vê, bóp, bấm các huyệt vùng khớp bị viêm. Vận động khớp nhẹ nhàng.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể phong hàn thấp

2.1. Triệu chứng: Sưng nề, hạn chế vận động khớp, có thể có hạt lắng đọng cạnh khớp. Nếu phong tà thiên thịnh sẽ thấy đau khớp có tính chất lưu chuyển hoặc sợ gió phát sốt... Hàn tà thiên thịnh biểu hiện đau dữ dội các khớp, vị trí đau cố định, gặp lạnh đau tăng, chườm nóng dễ chịu. Thấp tà thiên thịnh sẽ có cảm giác đau bứt rứt nặng nề tại các khớp, vị trí đau thường cố định, cảm giác tê bì khó chịu trong cơ và ngoài da. Rêu lưỡi mỏng trắng hoặc trắng nhớt. Mạch huyền khẩn hoặc nhu hoãn.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, hàn.

- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại cân cơ kinh lạc và tỳ vị.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân và bất nội ngoại nhân.

2.3. Pháp điều trị: Khu phong tán hàn trừ thấp, thông lạc chỉ thống.

2.4. Phương:

2.4.1. Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Ý dĩ nhân thang

Ma hoàng

06g

Đương qui

15g

Bạch truật

15g

Ý dĩ nhân

30g

Quế chi

10g

Bạch thược

15g

Cam thảo

06g

 

 

+ Nếu hàn tà thắng dùng bài Ô đầu thang:

Phụ tử chế

05g

Ma hoàng

06g

Bạch thược

15g

Hoàng kỳ

15g

Cam thảo

05g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

* Thuốc dùng ngoài:

- Dùng bài:

Hạt mã tiền 20g Sinh Bán hạ 20g

Ngải diệp 20g Hồng hoa 15g

Vương bất lưu hành 40g Đại hoàng 30g

Hành tươi cả râu 3 củ

Đun lấy 2 lít nước xông ngâm vùng khớp đau ngày 1-2 lần, 7 ngày/liệu trình (Trung y đương đại chẩn trị bệnh phong thấp).

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Kết hợp châm và cứu, điện châm, ôn châm, cấy chỉ tùy theo vị trí đau có thể lựa chọn một số huyệt theo công thức giống thể Phong thấp nhiệt.

- Xoa bóp bấm huyệt giống thể Phong thấp nhiệt.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể đàm ứ trở trệ

3.1. Triệu chứng: Các khớp sưng, nặng thì xung quanh khớp cũng sưng, tái đi tái lại nhiều lần, dai dẳng không dứt, đau nhức nhẹ, có các hạt cứng cạnh khớp, sắc da tím, chất lưỡi bệu, rêu trắng bẩn. Mạch huyền hoạt.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực.

- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại cân cơ kinh lạc và tỳ vị.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân và bất nội ngoại nhân.

3.3. Pháp điều trị: Hoạt huyết hoá ứ, hoá đàm tán kết.

3.4. Phương

3.4.1 Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Đào nhân ẩm hợp Nhị trần thang

Đào nhân

10g

Hồng hoa

10g

Đương qui

15g

Xuyên khung

10g

Phục linh

10g

Trần bì

08g

Cam thảo

06g

Uy linh tiên

10g

Bán hạ chế

08g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

* Thuốc dùng ngoài:

Hạt mã tiền

20g

Sinh Bán hạ

20g

Ngải diệp

20g

Hồng hoa

15g

Vương bất lưu hành

40g

Đại hoàng

30g

Hành tươi cả râu

3 củ

 

 

Đun lấy 2 lít nước xông ngâm vùng khớp đau ngày 1-2 lần, 7 ngày/liệu trình (Trung y đương đại chẩn trị bệnh phong thấp).

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Kết hợp châm, điện châm, cấy chỉ tùy theo vị trí đau có thể lựa chọn một số huyệt theo công thức giống thể Phong thấp nhiệt.

- Xoa bóp bấm huyệt giống thể Phong thấp nhiệt.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

4. Thể can thận lưỡng hư

4.1. Triệu chứng: Đau khớp tái đi tái lại, dai dẳng không dứt, lúc nặng lúc nhẹ hoặc cảm giác đau nhức âm ỉ di chuyển giữa các khớp. Sưng nề, hạn chế vận động khớp, thậm chí biến dạng khớp. Kèm theo đau lưng mỏi gối, người mệt mỏi, đau đầu hoa mắt chóng mặt, tâm quý khí đoản, chất lưỡi nhợt rêu trắng. Mạch huyền trầm tế vô lực.

4.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư.

- Chẩn đoán tạng phủ/kinh lạc: Bệnh tại cân cơ kinh lạc và tạng Can Thận.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân phối hợp Bất nội ngoại nhân (nội thương).

4.3. Pháp điều trị: Bổ can thận, trừ phong thấp, hoạt lạc chỉ thống.

4.4. Phương:

4.4.1. Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Độc hoạt ký sinh thang

Đảng sâm

10g

Phục linh

15g

Đương qui

10g

Bạch thược

15g

Thục địa

15g

Xuyên khung

10g

Đỗ trọng

15g

Ngưu tất

15g

Quế chi

06g

Tế tân

04g

Độc hoạt

10g

Tang ký sinh

30g

Phòng phong

10g

Tần giao

10g

Cam thảo

06g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

* Thuốc dùng ngoài:

Hạt mã tiền 20g Sinh Bán hạ 20g

Ngải diệp 20g Hồng hoa 15g

Vương bất lưu hành 40g Đại hoàng 30g

Hành tươi cả râu 3 củ

Đun lấy 2 lít nước xông ngâm vùng khớp đau ngày 1-2 lần, 7 ngày/liệu trình (Trung y đương đại chẩn trị bệnh phong thấp).

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

+ Tại chỗ: Tùy theo vị trí đau châm tả các huyệt giống thể phong thấp nhiệt.

+ Toàn thân: Châm bổ

Can du (BL.18)

Thận du (BL.23)

 

Thái xung (LI.3)

Thái khê (KI.3)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Kỹ thuật châm: Điện châm.

- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt giống thể phong thấp nhiệt.

- Xoa bóp bấm huyệt giống thể phong thấp nhiệt.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. ĐIỀU TRỊ KẾT HỢP Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

- Điều trị nguyên nhân: Ức chế tổng hợp acid uric, tăng thải acid uric.

- Điều trị triệu chứng: Chống viêm, giảm đau.

2. Điều trị cụ thể

2.1 Điều trị dùng thuốc

2.1.1 Điều trị nguyên nhân

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

- Thuốc ức chế tổng hợp acid uric.

- Thuốc tăng thải acid uric.

- Thuốc tiêu acid uric.

- Kiềm hóa nước tiểu.

2.1.2 Điều trị triệu chứng

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

- Thuốc chống viêm:

+ Chống viêm không steroid (NSAIDs): không được phối hợp hai loại thuốc trong nhóm.

+ Colchicin: Chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định với thuốc chống viêm không steroid.

- Thuốc giảm đau: Chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới. Tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

- Cắt hạt tophi khi hạt bị vỡ, dò dịch hoặc ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động của khớp.

2.2 Điều trị không dùng thuốc

- Laser công suất thấp, parafin, dòng điện xung, tia hồng ngoại... Lưu ý tránh vùng có hạt tophi.

2.3 Chế độ ăn uống trong điều trị

Chế độ ăn giảm đạm (không quá 150g thịt/ngày), không ăn phủ tạng động vật, hạn chế thịt chó, dê, hải sản… tránh các thức ăn chứa nhiều nhân purin, giảm mỡ. Ăn nhiều rau xanh, kiêng rượu.

V. PHÒNG BỆNH

- Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Không uống rượu, bia, cà phê, trà. Sử dụng nước khoáng không ga, có độ kiềm cao. Duy trì cân nặng hợp lí, tránh để tăng cân béo phì.

- Phát hiện cơn gout cấp sớm để dùng thuốc và thực hiện điều chỉnh lối sống kịp thời tránh trở thành gout mạn và biến chứng do gout.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kĩ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu.

2. Khoa Y học cổ truyền - Trường Đại học Y Hà Nội (2012), Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học.

3. Nguyễn Ngọc Lan (2004). Bệnh gout, Bệnh học nội khoa sau đại học, Trường Đại học Y Hà Nội. Nhà xuất bản Y học.

4. Bệnh viện Bạch Mai (2012). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh Nội khoa, Cẩm nang nghiệp vụ của bác sĩ lâm sàng. Nhà xuất bản Y học.

5. Vương Thừa Đức, Thẩm Phi An, Hồ Âm Kỳ (2009). Thực hành Trung y - Bệnh học phong thấp (tái bản lần thứ 2). Nhà xuất bản Y tế nhân dân.

6. Bộ Y tế (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp.

 

VIÊM KHỚP DẠNG THẤP

(CHỨNG TÝ)

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại, Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh tự miễn. Bệnh diễn biến phức tạp với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở các mức độ khác nhau. Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các yếu tố có liên quan đến bệnh như nhiễm khuẩn, di truyền (yếu tố HLA), cơ địa (nữ giới, tuổi trung niên) và các rối loạn đáp ứng miễn dịch (vai trò của lympho B, lympho T, đại thực bào và các cytokines như TNFα, IL6, IL1...).

VKDT diễn biến mạn tính với các đợt cấp tính. Trong đợt cấp tính thường sưng đau nhiều khớp, sốt, có thể có các biểu hiện nội tạng.

Tiêu chuẩn chẩn đoán VKDT được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới theo tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa kỳ (ACR) 1997. Chẩn đoán xác định khi có ít nhất 4/7 tiêu chuẩn và thời gian diễn biến của triệu chứng viêm khớp ít nhất phải 6 tuần:

1. Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên một giờ.

2. Viêm ít nhất 3 trong số 14 khớp: Ngón gần bàn tay, bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân (2 bên).

3. Viêm khớp bàn tay: Sưng tối thiểu 1 khớp thuộc các vị trí sau: ngón gần, bàn ngón tay, cổ tay.

4. Viêm khớp có tính chất đối xứng.

5. Hạt dưới da.

6. Yếu tố dạng thấp trong huyết thanh dương tính.

7. Xquang điển hình (hình bào mòn, hình hốc, hình khuyết đầy xương, hẹp khe khớp, mất chất khoáng đầu xương)

Ngoài ra, với những người bệnh ở giai đoạn đầu bị VKDT, liên đoàn chống Thấp khớp Châu Âu (EULAR) năm 2010 đã đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán VKDT để áp dụng cho những người bệnh bị mắc bệnh trước 6 tuần. Các tiêu chuẩn như sau:

Các khớp liên quan

0 - 5 điểm

1 khớp lớn

0

2 - 10 khớp lớn

1

1 - 3 khớp nhỏ (có hoặc không có biểu hiện ở khớp lớn)

2

4 - 10 khớp nhỏ (có hoặc không có biểu hiện ở khớp lớn)

3

> 10 khớp (có ít nhất 1 khớp nhỏ)

5

Xét nghiệm huyết thanh (cần ít nhất 1 kết quả xét nghiệm)

0 - 3 điểm

RF và Anti CCP (âm tính)

0

RF hoặc Anti CCP (dương tính thấp - gấp < 3 lần)

2

RF hoặc Anti CCP (dương tính cao - gấp ≥ 3 lần)

3

Phản ứng viêm cấp (cần ít nhất 1 xét nghiệm)

0 - 1 điểm

CRP và máu lắng (bình thường)

0

CRP hoặc Máu lắng (tăng)

1

Thời gian bị bệnh

0 - 1 điểm

< 6 tuần

0

≥ 6 tuần

1

Chẩn đoán khi tổng số điểm ≥ 6/10

Theo Y học cổ truyền: Viêm khớp dạng thấp thuộc phạm vi Chứng tý của Y học cổ truyền (YHCT). Chứng tý là kinh mạch bị ngoại tà xâm phạm vào lạc mạch làm bế tắc dẫn đến khí huyết vận hành không thông với triệu chứng bì phu (da), cân cốt (gân xương), cơ nhục, khớp tê bì đau tức ê ẩm, sưng, co duỗi khó khăn.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Theo YHCT, bệnh VKDT không có bệnh danh cụ thể mà thuộc phạm vi chứng Tý. Nguyên nhân gây chứng Tý bao gồm ngoại nhân, nội thương và bất nội ngoại nhân.

* Do ngoại nhân:

- Do phong, hàn, thấp xâm phạm vào kinh mạch làm cho khí huyết vận hành trong mạch lạc bị tắc trở, ngưng trệ gây đau, co duỗi khớp khó khăn.

- Do phong thấp nhiệt hoặc do phong hàn thấp xâm nhập vào cơ thể lâu ngày uất trệ hóa hỏa làm thấp nhiệt ứ trệ ở kinh lạc, ứ ở các khớp gây nên đau, sưng, nóng, đỏ và co duỗi khó khăn. Thấp nhiệt thịnh làm dinh vệ bất hòa nên sốt, sợ gió. Thấp nhiệt ứ trệ lâu ngày hóa táo tổn thương tân dịch gây khát nước, nước tiểu màu vàng.

* Do nội thương: Do nguyên khí suy yếu hoặc thiên quý suy làm cho can thận hư, tà khí nhân cơ hội xâm nhập gây bệnh. Thận thủy không dưỡng được can mộc, làm cân cốt, mạch lạc không được nuôi dưỡng gây đau khớp, chi thể tê bì, co duỗi hạn chế, vận động khó khăn. Can thận âm hư, mạch lạc không vinh nhuận, huyết mạch bất thông, khí huyết ngưng trệ làm khớp sưng, biến dạng.

* Do bất nội ngoại nhân: Do đàm trọc và huyết ứ làm tắc trở kinh lạc, khớp, cơ nhục dẫn đến cơ, nhục, khớp sưng phù, đau. Đàm ứ lưu tại cơ phu, nhìn thấy cục, hạt nổi lên, hoặc thấy ban ứ. Nếu xâm nhập vào gân, cốt dẫn đến đến cứng khớp, biến dạng khớp. Đàm ứ lâu ngày trở trệ, kinh mạch cơ phu không được nuôi dưỡng dẫn đến tê liệt.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể phong thấp

1.1. Triệu chứng: Các khớp và cơ nhục đau mỏi, co duỗi khó khăn, cảm giác nặng nề. Đau có tính chất di chuyển và thường xảy ra ở các khớp nhỏ và nhỡ. Trong đợt bệnh tiến triển các khớp sưng đau, bì phù có cảm giác tê bì. Thời kỳ đầu có biểu hiện sợ gió, phát sốt. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng trắng hay nhớt dính. Mạch phù hoãn hoặc nhu hoãn.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, thấp).

1.3. Pháp: Khu phong, trừ thấp, thông lạc, chỉ thống.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Quyên tý thang

Tang chi

30g

Tần giao

12g

Độc hoạt

08g

Khương hoạt

08g

Đương quy

12g

Hải phong đằng

30g

Mộc hương

06g

Quế chi

08g

Xuyên khung

12g

Nhũ hương

06g

Chích cam thảo

06g

 

 

Sắc uống ngày 01 thang chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Ké đầu ngựa

16g

Tỳ giải

12g

Khương hoạt

12g

Ý dĩ

12g

Thổ phục linh

16g

Uy linh tiên

12g

Hy thiêm

16g

Quế chi

08g

Đương qui

12g

Cam thảo nam

12g

Sắc uống ngày 01 thang chia 2 lần.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm hoặc cứu: châm tả các huyệt:

+ Tại chỗ: huyệt tại các khớp sưng đau và vùng lân cận.

+ Toàn thân:

Đại chùy (GV. 14)

Phong môn (BL 12)

 

Phong trì (GB. 20)

Hợp cốc (LI. 4)

 

Túc tam lý (ST. 36)

Huyết hải (SP.10)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày liệu trình.

- Các kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện nhĩ châm: Nếu sưng đau khớp chi trên: châm tả vùng cột sống, vai, cánh tay, khuỷu tay, bàn tay. Nếu sưng đau chi dưới châm tả vùng bánh chè, cẳng chân, bàn chân, đầu gối. Châm bổ Thần môn. Thời gian 20 - 30 phút/lần. Một liệu trình điều trị từ 10 đến 15 lần.

- Cấy chỉ:

+ Chi trên:

Hợp cốc (LI.4)

Ngoại quan (TE. 5)

 

Khúc trì (LI.11)

Tý nhu (LI. 14)

 

Kiên trinh (SI. 9)

Thiên tuyền (PC. 2)

 

Kiên ngung (LI. 15)

 

+ Chi dưới:

Tam âm giao (SP.6)

Thái xung (LR.3)

 

Trung đô (LR. 6)

Huyết hải (SP.10)

 

Phong long (ST.40)

Thừa sơn (BL. 57)

 

Túc tam lý (ST.36)

Côn lôn (BL. 60)

 

Hoàn khiêu (GB.30)

Trật biên (BL. 54)

 

Thứ liêu (BL. 32)

Dương lăng tuyền (GB. 34)

 

Giáp tích L3-L4-L5-S1.

 

Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng từ 7 - 14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Xoa bóp bấm huyệt: Các thủ thuật: Xát, xoa, day, vê, bóp vùng khớp bị. Ấn các huyệt: A thị, Hợp cốc (LI.4), Nội đình (ST.44). Vận động khớp nhẹ nhàng. Liệu trình 30 phút/lần/ngày, một liệu trình điều trị từ 10 đến 15 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh, có thể tiến hành 2-3 liệu trình liên tục.

- Thủy châm: Sử dụng các thuốc theo y lệnh có chỉ định tiêm bắp vào các huyệt như điện châm, ngày 1 lần, mỗi lần 2 – 3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 10 đến 15 ngày. Tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán. Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể hàn thấp

2.1. Triệu chứng lâm sàng: Các khớp ở chi trên và chi dưới có cảm giác đau, lạnh và nặng nề. Tính chất đau thường cố định, ít di chuyển, ngày đau nhẹ, về đêm đau nặng, thời tiết lạnh, ẩm đau tăng lên, chườm nóng đỡ đau, chỗ đau ít sưng nề. Tại khớp tổn thương thường không nóng đỏ, co duỗi khó khăn. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch huyền khẩn hay huyền hoãn.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (hàn, thấp).

2.3. Pháp: Ôn kinh, tán hàn, trừ thấp, thông lạc.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Can khương thương truật thang:

Can khương

08g

Quế chi

08g

Thương truật

08g

Ý dĩ

08g

Cam thảo

06g

Bạch linh

12g

Xuyên khung

16g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Quế chi

08g

Tế tân

04g

Thổ phục linh

12g

Thiên niên kiện

10g

Uy linh tiên

12g

Cành dâu

16g

Xuyên khung

12g

Rễ cỏ xước

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm tả, điện nhĩ châm, cấy chỉ, xoa bóp, thủy châm giống thể Phong thấp tý.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể phong thấp nhiệt: Đợt tiến triển của VKDT.

3.1. Triệu chứng: Các khớp sưng, nóng, đỏ, đau, xuất hiện đối xứng, cự án, co duỗi khó khăn, vận động, đi lại khó, phát sốt, thích uống nước mát, chườm lạnh các khớp có cảm giác dễ chịu, sắc mặt đỏ, nước tiểu đỏ, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch hoạt sác.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, thấp, nhiệt).

3.3. Pháp: Khu phong, thanh nhiệt giải độc, hóa thấp.

3.4. Phương

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương:

+ Trường hợp các khớp sưng nóng đỏ đau nhiều, người bệnh có sốt cao dùng bài Bạch hổ quế chi thang.

Thạch cao sống

30g

Quế chi

06g

Tri mẫu

12g

Cam thảo

04g

Ngạnh mễ

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống 5-7 thang.

+ Trường hợp các khớp sưng đau ít dùng bài Quế chi thược dược tri mẫu thang

Quế chi

08g

Ma hoàng

08g

Bạch thược

12g

Phòng phong

12g

Tri mẫu

12g

Phụ tử chế

06g

Bạch truật

12g

Sinh khương

12g

Cam thảo

06g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Trường hợp người bệnh sốt nhẹ, các khớp sưng đau kéo dài, chất lưỡi đỏ. Mạch tế sác. Dùng bài Quế chi thược dược tri mẫu thang bỏ Quế chi gia Huyền sâm, Sinh địa, Địa cốt bì, Sa sâm, Miết giáp, Thạch hộc.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Thổ phục linh

16g

Rễ cỏ xước

12g

Hy thiêm

16g

Kê huyết đằng

12g

Rễ cà gai leo

10g

Lá huyết dụ

10g

Sinh địa

12g

Cam thảo nam

10g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm tả, điện nhĩ châm, cấy chỉ, xoa bóp, thủy châm giống thể Phong thấp tý.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

4. Thể can thận hư: VKDT kéo dài có teo cơ, dính khớp.

4.1. Triệu chứng: Người bệnh mắc bệnh lâu ngày, cơ nhục và các khớp đau mỏi, chỗ đau cố định không di chuyển. Các khớp sưng nề, teo cơ và cứng khớp, biến dạng khớp. Tay và chân có cảm giác tê bì và nặng nề. Sắc mặt sạm đen và có thể sưng nề. Ngực đầy tức, chất lưỡi tím sẫm, rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch huyền sác.

4.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, thiên nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can thận hư, tỳ hư.

- Chẩn đoán tạng phủ kinh lạc: Bệnh tại cân cơ kinh lạc và tạng can thận tỳ.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (đàm thấp), bất nội ngoại nhân (nội thương).

4.3. Pháp: Khu phong, thanh nhiệt, trừ thấp, hóa đàm thông lạc, bổ can thận, kiện tỳ.

4.4. Phương

4.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương:

+ Trường hợp các khớp vẫn sưng, nóng, đỏ đau thì dùng các bài thuốc như thể Phong thấp nhiệt trên gia các vị thuốc trừ đàm, hoạt huyết: Nam tinh chế, Bạch giới tử sao, Bạch cương tàm, Đào nhân, Hồng hoa...

+ Hoặc dùng bài thuốc Độc hoạt ký sinh thang:

Độc hoạt

10g

Phòng phong

12g

Tang ký sinh

12g

Tế tân

04g

Tần giao

12g

Đương qui

12g

Phục linh

12g

Quế chi

04g

Bạch thược

12g

Xuyên khung

12g

Thục địa

12g

Chích cam thảo

06g

Đỗ trọng

12g

Ngưu tất

12g

Đảng sâm

12g

 

 

Ngày sắc uống 1 thang, chia 3 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Phòng phong

12g

Tần giao

12g

Tri mẫu

12g

Thổ phục linh

16g

Thổ phục linh

12g

Bạch cương tàm

12g

Ý dĩ

16g

Xích thược

12g

Rễ cỏ xước

12g

Đương qui

12g

Xuyên khung

12g

Cốt toái bổ

12g

Tục đoạn

12g

Tang ký sinh

12g

4.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Điện châm, xoa bóp, thủy châm giống thể phong thấp tý. Ngoài ra nếu:

+ Can hư:

Châm bổ Thái xung (LR 3)

Tam âm giao (SP.6)

+ Thận hư:

Châm bổ Thái khê (KI 3)

Thận du (BL. 23)

 

Quan nguyên (GV.4)

 

+ Tỳ hư:

Châm bổ Thái bạch (SP.3)

Tam âm giao (SP. 6)

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

Điều trị toàn diện, tích cực, dài hạn và theo dõi thường xuyên. Các thuốc điều trị cơ bản hay còn gọi là nhóm thuốc DMARDs (Disease - modifying antirheumatic drugs) kinh điển (methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquine...) có vai trò quan trọng trong việc ổn định bệnh và cần điều trị kéo dài. Các thuốc sinh học còn được gọi là DMARDs sinh học (kháng TNF α, kháng Interleukin 6, kháng lympho B) được chỉ định đối với thể kháng điều trị với DMARDs kinh điển, thể nặng hoặc tiên lượng nặng. Khi chỉ định các thuốc sinh học, cần có ý kiến của các bác sỹ chuyên khoa cơ xương khớp và thực hiện đúng quy trình [làm các xét nghiệm tầm soát lao, viêm gan (vi rút B, C), chức năng gan thận, đánh giá hoạt tính bệnh bằng chỉ số DAS28, CDAI, SDAI…].

2. Điều trị cụ thể

2.1. Điều trị bằng thuốc

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

- Điều trị triệu chứng: Nhằm cải thiện triệu chứng viêm và giảm đau.

+ Các thuốc chống viêm không steroid: Tùy đối tượng người bệnh, có thể dùng một trong các thuốc không chọn lọc hoặc chọn lọc COX-2. Cần lưu ý các tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa, tim mạch, thận. Để giảm nguy cơ trên đường tiêu hóa, sử dụng phối hợp với thuốc bảo vệ dạ dày nhóm ức chế bơm proton.

+ Corticosteroids: Thường sử dụng ngắn hạn trong lúc chờ đợi các thuốc điều trị cơ bản có hiệu lực. Sử dụng dài hạn (thường ở những người bệnh nặng, phụ thuộc corticoid hoặc có suy thượng thận do dùng corticoid kéo dài): Bắt đầu ở liều uống 20mg hàng ngày, vào 8 giờ sáng. Khi đạt đáp ứng lâm sàng và xét nghiệm, giảm dần liều, duy trì liều thấp nhất (5 - 8mg hàng ngày hoặc cách ngày) hoặc ngừng (nếu có thể) khi điều trị cơ bản có hiệu lực (sau 6 - 8 tuần).

- Điều trị cơ bản: Bằng các thuốc chống thấp làm thay đổi tiến triển của bệnh (Disease - Modifying Anti-Rheumatic Drug - DMARDs) để làm chậm hoặc làm ngừng tiến triển của bệnh, cần điều trị lâu dài và theo dõi các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng trong suốt thời gian điều trị.

+ Thể mới mắc và thể thông thường: Sử dụng các thuốc DMARDs kinh điển methotrexat hoặc Sulfasalazin.

Kết hợp: Methotrexat với sulfasalazin hoặc hydroxychloroquine nếu đơn trị liệu không hiệu quả.

+ Thể nặng, kháng trị với các DMARDs kinh điển (không có đáp ứng sau 6 tháng) cần kết hợp với các thuốc sinh học (các DMARDs sinh học) (trước khi chỉ định các thuốc sinh học cần làm các xét nghiệm để sàng lọc các bệnh kèm theo: lao, viêm gan)

2.2. Điều trị không dùng thuốc

- Tập luyện, hướng dẫn vận động chống co rút gân, dính khớp, teo cơ. Trong đợt viêm cấp: Để khớp nghỉ ở tư thế cơ năng, tránh kê, độn tại khớp. Khuyến khích tập ngay khi triệu chứng viêm thuyên giảm, tập tăng dần, tập nhiều lần trong ngày, cả chủ động và thụ động theo đúng chức năng sinh lý của khớp.

- Kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng: Theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế và các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

V. PHÒNG BỆNH

- Nâng cao sức khỏe, thể trạng bằng ăn uống, luyện tập và làm việc điều độ

- Tránh sinh hoạt và làm việc trong môi trường ẩm thấp kéo dài.

- Phát hiện sớm các bệnh lý nhiễm trùng, các tình trạng rối loạn miễn dịch.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y Tế (2013), Danh mục hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu.

2. Bộ Y Tế (2015), Ban hành Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.

3. Nguyễn Thị Ngọc Lan (2012), Viêm khớp dạng thấp. Bệnh học cơ xương khớp nội khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 9 – 35.

4. Khoa Y học cổ truyền – Đại học Y Hà Nội (2017), Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học, tr. 152 -159, 177 - 181, 226 - 234.

5. Bộ Y tế (2016), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp - Theo quyết định số 361/QĐ – BYT ngày 25 tháng 1 năm 2014.

6. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.

 

 

HỘI CHỨNG CỔ VAI CÁNH TAY

(CHỨNG TÝ)

 

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại, hội chứng cổ vai cánh tay (cervical scapulohumeral syndrome), còn gọi là hội chứng vai cánh tay (scapulohumeral syndrome) hay bệnh lý rễ tủy cổ (cervical radiculopathy), là một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ có kèm theo các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh cột sống cổ và/hoặc tủy cổ, không liên quan tới bệnh lý viêm.

Biểu hiện lâm sàng thường gặp là đau vùng cổ, vai và có thể lan xuống tay, kèm theo một số rối loạn cảm giác và/hoặc vận động tại vùng chi phối của rễ dây thần kinh cột sống cổ bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân thường gặp nhất (70 - 80%) là do thoái hóa cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (20 – 25%).

Chẩn đoán xác định: Tùy thuộc nguyên nhân, mức độ và giai đoạn bệnh, người bệnh có thể có những triệu chứng và hội chứng sau đây: Hội chứng cột sống cổ, hội chứng rễ thần kinh, hội chứng tủy cổ, hội chứng động mạch sống nền, có thể có các rối loạn thần kinh thực vật…

Theo Y học cổ truyền, hội chứng cổ vai cánh tay được xếp vào phạm vi chứng Tý. Tý có nghĩa là tắc, không thông. Chứng tý là do tà khí phong hàn thấp nhiệt ở ngoài xâm nhập vào cơ thể, đóng bít ngăn trở kinh lạc, khí huyết vận hành không thông lợi mà gây ra.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Nguyên nhân gây chứng Tý rất đa dạng bao gồm ngoại nhân, nội nhân và bất nội ngoại nhân. Các yếu tố bên ngoài như phong, hàn, thấp, nhiệt tà có thể đơn độc hoặc cùng kết hợp xâm nhập vào cơ thể. Bệnh cũng có thể do nội nhân như rối loạn tình chí, tiên thiên bất túc hoặc sau kinh nguyệt, sinh đẻ làm khí huyết suy kém, âm dương không điều hòa. Các yếu tố bất nội ngoại nhân như lao động vất vả, ăn uống, tình dục không điều độ làm khí huyết suy hoặc do đàm ẩm, huyết ứ mà gây bế tắc kinh lạc cũng có thể gây chứng Tý.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể phong hàn

1.1. Triệu chứng: Đau nhức vùng đầu, cổ, vai và ngực lưng, có điểm đau cố định ở cổ, có thể sờ thấy co cơ ở cổ vai gáy, cứng cổ, hạn chế vận động. Đau, tê, nhức tứ chi, có thể có cảm giác nặng và yếu hai chi trên, đau nặng đầu, thích ấm, sợ lạnh, lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng. Mạch phù hoãn hoặc sáp.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu, thực, hàn.

- Chẩn đoán kinh lạc: Đại trường/tiểu trường/tam tiêu.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, hàn).

1.3. Pháp điều trị: Trừ phong tán hàn, thông kinh hoạt lạc.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng YHCT

1.4.1.1. Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Quế chi gia Cát căn thang

Quế chi

08g

Thược dược

12g

Đại táo

12g

Sinh khương

08g

Cam thảo

04g

Cát cǎn

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống ấm.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Quế chi

08g

Tang chi

12g

Khương hoàng

08g

Cát căn

12g

Kê huyết đằng

12g

Thiên niên kiện

08g

Bạch chỉ

08g

Sinh khương

04g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống ấm.

1.4.1.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm tả các huyệt:

Hậu khê (SI.3)

Phong trì (GB.20)

Đại chùy (GV.14)

Liệt khuyết (LU.7)

Kiên tỉnh (GB.21)

Hợp cốc (LI.4)

Thủ tam lý (LI.10)

Thiên trụ (BL.10)

Ngoại quan (TE.5)

Giáp tích C4 – C7

A thị huyệt

Liệu trình: Châm ngày một lần, mỗi lần chọn 8 – 12 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 20 - 30 lần châm tuỳ theo mức độ bệnh.

- Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các thủ thuật: xoa, xát, day, lăn, đấm, chặt, bóp, ấn, bấm huyệt (các huyệt như công thức điện châm), vận động cột sống cổ (cúi, ngửa, nghiêng, quay), phát điều hòa.

Mỗi lần xoa bóp 15 – 20 phút. Ngày xoa bóp 1 lần. Một liệu trình kéo dài từ 20 đến 30 ngày tùy theo mức độ bệnh.

- Nhĩ châm: Vùng vai cánh tay H1, gáy A5, cột sống C4, vai C3, cổ C2.

- Các kỹ thuật châm khác: Điện châm, điện trường châm.

- Thủy châm: Sử dụng thuốc theo y lệnh, có chỉ định tiêm bắp. Thủy châm các huyệt: Kiên trung du (SI.15) Kiên tỉnh (GB.21)

Kiên trinh (SI.19) Thiên tông (SI.11)

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể phong thấp nhiệt tý

2.1. Triệu chứng: Vùng cổ gáy sưng, nóng, đỏ, đau nhức vùng đầu, cổ, vai và ngực lưng, đau đầu chóng mặt. Sốt cao, khát nước, nước tiểu đỏ, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch hoạt sác.

2.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Biểu, thực, nhiệt.

- Chẩn đoán kinh lạc: Đại trường/tiểu trường/tam tiêu.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, thấp, nhiệt).

2.3. Pháp điều trị: Thanh nhiệt giải độc, khu phong, trừ thấp, thông lạc.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng YHCT

2.4.1.1. Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Bài cổ phương: Bạch hổ gia quế chi thang

Thạch cao

40g

Cam thảo

04g

Tri mẫu

12g

Quế chi

08g

Ngạnh mễ

20g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài Quế chi thược dược tri mẫu thang:

Quế chi

08g

Bạch thược

12g

Tri mẫu

12g

Bạch truật

12g

Cam thảo

06g

Ma hoàng

08g

Phòng phong

12g

Sinh khương

06g

Phụ tử chế

02g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Ý dĩ

12g

Khương hoạt

08g

Kim ngân hoa

12g

Hoàng bá

12g

Hy thiêm thảo

12g

Khương hoàng

08g

Tần giao

10g

Liên kiểu

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

2.4.1.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm tả các huyệt:

Hậu khê (SI.3)

Phong trì (GB.20)

Đại chùy (GV.14)

Ngoại quan (TE.5)

Kiên tỉnh (TE.21)

Hợp cốc (LI.4)

Thủ tam lý (LI.10)

A thị huyệt

Thiên trụ (BL.10)

Giáp tích C4 – C7

Liệu trình: Châm ngày một lần, mỗi lần chọn 8 – 12 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 20 đến 30 lần châm tuỳ theo mức độ bệnh.

- Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các thủ thuật: xoa, xát, day, lăn, đấm, chặt, bóp, ấn, bấm huyệt (các huyệt như công thức điện châm), vận động cột sống cổ (cúi, ngửa, nghiêng, quay), phát điều hòa.

Mỗi lần xoa bóp 15 – 20 phút. Ngày xoa bóp 1 lần. Một liệu trình kéo dài từ 20 đến 30 ngày tùy theo mức độ bệnh.

- Nhĩ châm, Thủy châm và các kỹ thuật châm khác tương tự thể phong hàn.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể huyết ứ

3.1. Triệu chứng: Đau nhức, tê vùng đầu, cổ, vai và ngực lưng, tê, đau nhói cố định, đau tăng về đêm, ban ngày đỡ đau, đau cự án, co cứng cơ tại chỗ, kích thích khó chịu. Miệng khô, lưỡi tím, có thể có điểm ứ huyết. Mạch huyền hoặc sáp.

Thể huyết ứ thường ít xuất hiện đơn thuần mà kết hợp với các thể lâm sàng khác của chứng Tý vùng vai gáy.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu, thực.

- Chẩn đoán kinh lạc: Đại trường/tiểu trường/tam tiêu.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (huyết ứ).

3.3. Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ, thông kinh hoạt lạc chỉ thống.

3.4. Phương

3.4.1. Điều trị bằng YHCT

3.4.1.1. Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Đào hồng ẩm

Đào nhân

08g

Xuyên khung

08g

Đương qui

10g

Uy linh tiên

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Tô mộc

10g

Khương hoàng

08g

Đào nhân

08g

Hồng hoa

08g

Cát căn

12g

Xích thược

12g

Trần bì

08g

Cam thảo

04g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

3.4.1.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm tả các huyệt:

Hậu khê (SI.3)

Thân mạch (BL.62)

Hợp cốc (LI.4)

Tam âm giao (SP.6)

Kiên tỉnh (TE.21)

Thủ tam lý (LI.10)

Thiên trụ (BL.10)

Giáp tích C4 – C7

A thị huyệt

Điện châm ngày một lần, mỗi lần chọn 8 - 12 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 20 đến 30 lần châm tuỳ theo mức độ bệnh.

- Xoa bóp bấm huyệt: Tương tự như thể phong hàn, bấm các huyệt tương tự như công thức huyệt trên.

- Nhĩ châm, thủy châm, các kỹ thuật châm khác tương tự thể phong hàn.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

4. Thể can thận hư

4.1. Triệu chứng: Đau nhức vai gáy và ngực lưng, đau căng đầu, tê bì tay, đau mỏi lưng gối, hoa mắt chóng mặt, nhìn mờ, triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, miệng họng khô, lưỡi đỏ ít rêu. Mạch tế sác.

4.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Lý, hư, nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can, thận hư.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

4.3. Pháp điều trị: Tư dưỡng can thận, hoạt huyết thông kinh lạc.

4.4. Phương

4.4.1. Điều trị bằng YHCT

4.4.1.1. Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Quyên tý thang

Khương hoạt

09g

Phòng phong

08g

Xích thược

08g

Đương qui

12g

Sinh hoàng kỳ

12g

Tang chi

12g

Khương hoàng

10g

Cam thảo

04g

Đại táo

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Hoặc dùng bài thuốc “Hổ tiềm hoàn”.

Thục địa

12g

Quy bản

12g

Bạch thược

10g

Tỏa dương

12g

Tri mẫu

08g

Hoàng bá

10g

Trần bì

06g

Can khương

04g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Thục địa

12g

Đương quy

12g

Tục đoạn

12g

Đỗ trọng

12g

Bạch thược

10g

Tang chi

12g

Quế chi

08g

Uy linh tiên

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

4.4.1.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm bổ các huyệt:

Thái khê (KI.3)

Đại trữ (BL.11)

Huyền chung (GB.39)

Giáp tích C4 – C7

Thủ tam lý (LI.10)

Thiên trụ (BL.10)

A thị huyệt

Điện châm ngày một lần, mỗi lần chọn 8 - 12 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 20 đến 30 lần châm tuỳ theo mức độ bệnh.

- Xoa bóp bấm huyệt: Tương tự như thể phong hàn, bấm các huyệt tương tự như công thức huyệt trên.

- Nhĩ châm, Thủy châm, các kỹ thuật châm khác tương tự thể phong hàn.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

- Điều trị triệu chứng bệnh kết hợp với giải quyết nguyên nhân nếu có thể.

- Kết hợp điều trị thuốc với các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và các biện pháp không dùng thuốc khác.

- Chỉ định điều trị ngoại khoa khi cần thiết.

2. Điều trị cụ thể

2.1. Điều trị bằng thuốc

2.2.1. Điều trị triệu chứng

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

* Thuốc giảm đau:

Tùy mức độ đau, có thể dùng đơn thuần hoặc phối hợp các nhóm thuốc sau:

- Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol.

- Thuốc giảm đau dạng phối hợp: Paracetamol kết hợp với một opiad nhẹ như codein hoặc tramadol.

- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Lựa chọn một thuốc thích hợp tùy cơ địa người bệnh và các nguy cơ tác dụng phụ. Nếu người bệnh có nguy cơ tiêu hóa nên dùng nhóm ức chế chọn lọc COX-2 hoặc phối hợp với một thuốc ức chế bơm proton.

* Thuốc giãn cơ:

- Thường dùng trong đợt đau cấp, đặc biệt khi có tình trạng co cứng cơ.

* Các thuốc khác:

- Thuốc giảm đau thần kinh: Có thể chỉ định khi có bệnh lý rễ thần kinh nặng hoặc dai dẳng, nên bắt đầu bằng liều thấp, sau đó tăng liều dần tùy theo đáp ứng điều trị.

- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (liều thấp) khi có biểu hiện đau thần kinh mạn tính hoặc khi có kèm rối loạn giấc ngủ.

- Vitamin nhóm B.

- Corticosteroid: Trong một số trường hợp có biểu hiện chèn ép rễ nặng và có tính chất cấp tính mà các thuốc khác ít hiệu quả, có thể xem xét dùng một đợt ngắn hạn corticosteroid đường uống trong 1-2 tuần.

2.2.2. Điều trị nguyên nhân

- Đối với thể can thận hư: Có thể kết hợp với thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm.

- Đối với thể huyết ứ: Nếu nguyên nhân do sai tư thế hoặc thoát vị đĩa đệm có thể kết hợp kéo giãn cột sống cổ.

2.2. Điều trị không dùng thuốc

- Trong giai đoạn cấp khi có đau nhiều hoặc sau chấn thương có thể bất động cột sống cổ tương đối bằng đai cổ mềm.

- Kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng: Theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế và các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.3. Điều trị ngoại khoa

Một số chỉ định: Đau nhiều song điều trị nội khoa ít có kết quả hoặc không có hiệu quả, có tổn thương thần kinh nặng và tiến triển, có chèn ép tủy cổ.

Một số phương pháp phẫu thuật chủ yếu: Chỉnh sửa cột sống để giải phóng chèn ép thần kinh tại các lỗ tiếp hợp bị hẹp, lấy nhân nhày đĩa đệm thoát vị.

2.4. Các phương pháp khác

Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng hoặc tiêm khớp liên mỏm sau (facet) cạnh cột sống cổ: Có thể được chỉ định và thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa.

Các thủ thuật giảm đau can thiệp: Phong bế rễ thần kinh chọn lọc; điều trị đốt thần kinh cạnh hạch giao cảm cổ bằng sóng cao tần (radio frequency ablation, RFA).

V. PHÒNG BỆNH

- Cần duy trì tư thế đầu và cổ thích hợp trong sinh hoạt, công việc, học tập và các hoạt động thể thao, tránh những tư thế ngồi, tư thế làm việc gây gập cổ, ưỡn cổ hoặc xoay cổ quá mức kéo dài, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu, chú ý tư thế ngồi và ghế ngồi thích hợp.

- Thực hiện các bài tập vận động cột sống cổ thích hợp để tăng cường sức cơ vùng cổ ngực và vai, cũng như tránh cho cơ vùng cổ bị mỏi mệt hoặc căng cứng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Hà Nội (2017), Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền (dành cho đối tượng đại học), Nhà xuất bản Y học.

2. Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Hà Nội (2017), Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền (dành cho đối tượng sau đại học), Nhà xuất bản Y học.

3. Bob Flaws, Philippe Sionneau (2005), The treatment of modern western medical diseases with Chinese medicine, pp 121 – 127.

4. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp - Theo quyết định số 361/QĐ – BYT ngày 25 tháng 1 năm 2014.

 

TĂNG HUYẾT ÁP VÔ CĂN

(HUYỄN VỰNG)

I. ĐẠI CƯƠNG

Tăng huyết áp là bệnh rất thường gặp và là một vấn đề xã hội. Tăng huyết áp nguy hiểm bởi các biến chứng không chỉ gây chết người mà còn để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

- Chẩn đoán xác định dựa vào đo huyết áp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, được gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Trị số huyết áp được đo ở 2 lần khám, mỗi lần khám được đo ít nhất 2 lần, người bệnh cần được nghỉ ngơi trước khi đo 15 phút.

- Theo Y học hiện đại, tăng huyết áp được chia làm 2 loại là tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát (các bệnh về thận, nội tiết, tim mạch, do thuốc và một số nguyên nhân khác). Cần lưu ý khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm nguyên nhân, phát hiện các yếu tố nguy cơ và tổn thương cơ quan đích (ở tim, thận, mạch máu, võng mạc, não).

- Phân loại tăng huyết áp theo Hội Tim mạch VN 2007 (dựa vào WHO 2005, JNC VI 1997, ESC/ESH 2003)

Phân loại

Huyết áp tâm thu

(mmHg)

Huyết áp tâm trương

(mmHg)

Huyết áp tối ưu

<120

<80

Huyết áp bình thường

<130

<85

Huyết áp bình thường cao

130 – 139

85 – 89

Tăng huyết áp độ 1

140 – 159

90 – 99

Tăng huyết áp độ 2

160 – 179

100 – 109

Tăng huyết áp độ 3

≥180

≥110

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc

≥140

<90

Nếu huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương không cùng 1 phân loại thì chọn mức huyết áp cao hơn để xếp loại.

- Theo Y học cổ truyền, tăng huyết áp thuộc phạm vi của các chứng: Huyễn vựng, đầu thống, thất miên... và do nhiều nguyên nhân gây ra.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

- Do can dương vượng, bốc lên trên hoặc do tình chí không thư thái, uất ức lâu ngày khiến can dương thăng động gây nhiễu lên trên làm cho hoa mắt chóng mặt, choáng đầu, ù tai. Dương thăng nên gây mặt đỏ, hay tức giận. Can dương vượng gây ít ngủ, hay mơ, miệng đắng, lưỡi đỏ, mạch huyền.

- Nội thương hư tổn: Do lao động nặng nhọc lâu ngày hoặc do tuổi cao sức yếu làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Trong đó tổn thương thận âm, thận âm hư không nuôi dưỡng được can mộc làm cho can âm suy yếu dẫn đến can thận âm hư, can âm hư thì can dương sẽ bốc lên gây ra chóng mặt, đau đầu, hay quên. Thận hư gây ra lưng gối

đau, ù tai, mất ngủ, di tinh. Âm hư làm cho lòng bàn tay, bàn chân nóng, lưỡi đỏ, mạch huyền tế. Dương hư làm cho đại tiện lỏng, sợ lạnh, chân tay lạnh, mạch trầm tế sác.

- Đàm thấp: Do ăn nhiều đồ béo bổ, hại đến tỳ vị, thức ăn không hóa thành tân dịch mà biến thành đàm thấp, khiến thanh dương không thăng được, trọc âm không giáng mà gây ra huyễn vựng làm cho đầu choáng váng. Vị khí ở trung tiêu không giáng, khí cơ không lợi nên hông đau, bụng đầy, buồn nôn, ăn ít, mệt mỏi. Đàm trọc ứ trệ làm cho chất lưỡi bệu, rêu lưỡi dầy, ánh vàng, mạch nhu hoạt.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

Phải kết hợp với YHHĐ, không nên sử dụng YHCT đơn thuần.

1. Thể can dương thượng cang

1.1. Triệu chứng: Hoa mắt, choáng váng, đau đầu, mặt đỏ, hay tức giận, ít ngủ, ngủ hay mê, miệng đắng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác hoặc huyền hoạt.

1.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Lý, thực, nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can dương vượng.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

1.3. Pháp: Bình can tức phong (Bình can tiềm dương).

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương:

+ Dùng bài Thiên ma câu đằng ẩm

Thiên ma

08g

Câu đằng

12g

Ngưu tất

12g

Thạch quyết minh

20g

Đỗ trọng

12g

Tang ký sinh

16g

Chi tử

12g

Hoàng cầm

12g

Ích mẫu

12g

Dạ giao đằng

12g

Phục thần

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc bài thuốc: Long đởm tả can thang

Long đởm thảo

08g

Sinh địa

12g

Hoàng cầm

08g

Sài hồ

08g

Chi tử

12g

Sa tiền

12g

Trạch tả

12g

Cam thảo

04g

Đương quy

12g

Mộc thông

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: (Nam dược thần hiệu – Chóng mặt).

Hương phụ

1 lạng

Cúc hoa

1 lạng

Kinh giới

1 lạng

Bạc hà

3 đồng cân

Tán mịn, mỗi lần uống 10g sắc với nước chè và hành làm thang, uống trước khi ăn.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm tả các huyệt

+ Tại chỗ:

Bách hội (GV.20)

Thái dương

+ Toàn thân:

Đởm du (BL.19)

Can du (BL.18)

 

Thái xung (LR.3)

Hành gian (LR.2)

 

Nội quan (PC.6)

Thần môn (HT.7)

 

Tam âm giao (SP.6)

 

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện nhĩ châm: Nhĩ châm: Điểm hạ áp, Can, Thần môn. Nhĩ châm 1 lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Xoa bóp bấm huyệt vùng đầu, cổ gáy: Thực hiện các thủ thuật xoa, xát, miết, phân, day, ấn, bấm, bóp, lăn, vỗ. Day, ấn, bấm các huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Mỗi lần xoa bóp bấm huyệt từ 20 đến 30 phút, ngày một lần, một liệu trình 10 đến 15 lần.

2. Thể can thận âm hư

2.1. Triệu chứng: Mệt mỏi, váng đầu, hay quên, lưng gối đau yếu, ù tai, mất ngủ, nam giới có thể di tinh, lòng bàn tay bàn chân nóng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền tế.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý, hư, nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can thận âm hư.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

2.3. Pháp: Tư bổ can thận.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương:

+ Dùng bài Lục vị địa hoàng thang

Thục địa

16g

Sơn thù

12g

Hoài sơn

12g

Bạch linh

12g

Đan bì

08g

Trạch tả

08g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài Tri bá địa hoàng thang

Tri mẫu

08g

Hoàng bá

12g

Thục địa

16g

Sơn thù

12g

Hoài sơn

12g

Bạch linh

12g

Đan bì

08g

Trạch tả

08g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc bài Kỷ cúc địa hoàng thang

Thục địa

16g

Sơn thù

12g

Hoài sơn

12g

Bạch linh

12g

Đan bì

08g

Trạch tả

08g

Kỷ tử

12g

Cúc hoa

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc bài Lục vị quy thược thang

Thục địa

16g

Sơn thù

12g

Hoài sơn

12g

Bạch linh

12g

Đan bì

08g

Trạch tả

08g

Đương qui

12g

Bạch thược

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: Viên thận âm hư (Thuốc nam châm cứu)

Thục địa

200g

Lộc giác giao

150g

Quy bản

200g

Củ mài

150g

Thỏ ty tử

80g

Thạch hộc

80g

Tỳ giải

100g

Mật ong vừa đủ

 

Làm viên hoàn cứng, mỗi ngày uống 20g.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm bổ các huyệt

Can du (BL.18)

Thận du (BL.23)

Thái khê (KI.3)

Huyết hải (SP.10)

Tam âm giao (SP.6)

Nội quan (PC.6)

Thần môn (HT.7)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Kỹ thuật châm: Điện châm.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Xoa bóp bấm huyệt: Như thể can dương vượng.

- Điện nhĩ châm: Nhĩ châm: Điểm hạ áp, Can, Thận. Nhĩ châm 1 lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể âm dương lưỡng hư: Thường gặp ở người cao tuổi hoặc phụ nữ sau khi hết kinh.

3.1. Triệu chứng: Mệt mỏi, sắc mặt trắng, đau đầu, chóng mặt, ngủ ít, hồi hộp, ù tai, lưng đau, gối mỏi, đại tiện lỏng, sợ lạnh, chân tay lạnh, tiểu đêm nhiều lần, di tinh, liệt dương (nếu ở nam), chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng. Mạch huyền tế hoặc trầm tế.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý, hư, hàn.

- Chẩn đoán tạng phủ: Thận âm dương đều hư.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

3.3. Pháp: Bổ thận dưỡng âm.

3.4. Phương

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Hữu quy hoàn

Thục địa

16g

Sơn thù

12g

Hoài sơn

12g

Kỷ tử

12g

Thỏ ty tử

12g

Hắc phụ tử

04g

Đương qui

12g

Nhục quế

04g

Đỗ trọng

12g

Lộc giác giao

16g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: Viên thận dương hư (Thuốc nam châm cứu)

Thục địa

160g

Sừng hươu

20g

Hoài sơn

160g

Ba kích

80g

Tiểu hồi

60g

Hắc phụ tử

16g

Nhục quế

30g

 

 

Làm viên hoàn cứng, mỗi ngày uống 20g.

3.4.1.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm hoặc cứu: châm bổ các huyệt

Thận du (BL.23)

Tam âm giao (SP.6)

Quan nguyên (CV.4)

Khí hải (CV.6)

Túc tam lý (ST.36)

Nội quan (PC.6)

Thần môn (HT.7)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Các kỹ thuật châm: Điện châm, ôn điện châm, ôn châm.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Xoa bóp bấm huyệt: Như thể can dương vượng.

- Điện nhĩ châm: Điểm hạ áp, Thận.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

4. Thể đàm thấp: Thường gặp ở người béo phì, người hay ăn đồ béo ngọt.

4.1. Triệu chứng: Đau đầu, nặng đầu, hoa mắt, chóng mặt, ngực tức, bụng đầy, buồn nôn, ăn ít, mệt mỏi, ngủ li bì, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng, ánh vàng, mạch nhu hoạt.

4.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý, hư.

- Chẩn đoán tạng phủ: Tỳ hư đàm thấp.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

4.3. Pháp: Kiện tỳ, trừ thấp, hóa đàm.

4.4. Phương

4.4.1. Điều trị bằng YHCT

4.4.1.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Bán hạ bạch truật thiên ma thang

Bán hạ chế

12g

Bạch truật

16g

Thiên ma

12g

Cam thảo

04g

Trần bì

08g

Bạch linh

16g

Sinh khương

1 lát

Đại táo

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: (Nam dược thần hiệu – Chóng mặt).

Can khương

10g

Cam thảo

04g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

4.4.1.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm các huyệt

+ Châm bổ:

Túc tam lý (SP.6)

Tỳ du (BL.20)

 

Vị du (BL.21)

Nội quan (PC.6)

 

Thần môn (HT.7)

Tam âm giao (SP.6)

+ Châm tả:

Phong long (ST.40)

 

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Các kỹ thuật châm: Điện châm.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Xoa bóp bấm huyệt: Như thể can dương vượng.

- Điện nhĩ châm: Điểm hạ áp, Tỳ, Vị.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

- Huyết áp mục tiêu là dưới 140/90 mmHg, nếu có đái tháo đường hoặc bệnh thận mạn thì phải dưới 130/80 mmHg.

- Điều trị tăng huyết áp là điều trị lâu dài, suốt đời.

- Cần điều trị tích cực ở bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích.

- Phải cân nhắc từng bệnh nhân, các bệnh kèm theo, các yếu tố nguy cơ, các tác dụng phụ để có chế độ dùng thuốc thích hợp.

- Huyết áp nên được hạ từ từ để tránh những tổn thương thiếu máu cơ quan đích.

2. Điều trị cụ thể

2.1. Điều trị không dùng thuốc

Thay đổi lối sống tăng hiệu quả của thuốc hạ áp và hạn chế đáng kể nguy cơ tổng thể của các bệnh tim mạch.

- Hạn chế ăn mặn, tránh dùng cà phê, điều chỉnh thời gian sinh hoạt, v.v...

- Giảm cân nặng nếu thừa cân. Đặc biệt ở những người bệnh nam giới béo phì thể trung tâm.

- Hạn chế rượu ít hơn 30ml ethanol/ngày (ít hơn 720ml bia, 300ml rượu vang, 60ml whisky). Phụ nữ uống bằng 1/2 nam giới.

- Tăng cường hoạt động thể lực nếu tình huống lâm sàng cho phép, nên khuyến khích bệnh nhân tập thể dục đều. Duy trì ít nhất 30 - 45 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần.

- Chế độ ăn giàu rau quả, calci, kali, ít muối, ít chất béo có thể giúp hạ huyết áp. Giảm ăn mặn < 6g NaCl/ngày. Duy trì đầy đủ lượng kali, đặc biệt ở những người bệnh có dùng thuốc lợi tiểu để điều trị tăng huyết áp. Hạn chế mỡ động vật bão hòa và các thức ăn chứa nhiều cholesterol.

- Bỏ thuốc lá: Cần cương quyết bỏ thuốc lá trong mọi trường hợp.

2.2. Điều trị bằng thuốc

Tùy theo từng trường hợp cụ thể của người bệnh, cần kết hợp với các phương pháp điều trị theo hướng dẫn của YHHĐ, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

- Thuốc tác động lên hệ thần kinh giao cảm:

+ Chỉ định của thuốc chẹn beta giao cảm: Đau thắt ngực, sau nhồi máu cơ tim, loạn nhịp nhanh, suy tim. Chống chỉ định: Nhịp chậm, block nhĩ thất độ cao, suy tim nặng, bệnh phổi co thắt, bệnh động mạch ngoại vi. Thận trọng ở bệnh nhân có: Đái tháo đường vì làm ức chế các biểu hiện của tai biến hạ đường huyết, rối loạn lipid máu vì thuốc làm tăng triglycerid, trầm cảm…

+ Thường dùng nhóm chẹn β1, nhóm tác động lên hệ giao cảm trung ương.

- Thuốc lợi tiểu: Được coi là thuốc nên lựa chọn hàng đầu trong điều trị tăng huyết áp.

+ Chỉ định: Suy tim, người lớn tuổi, tăng huyết áp tâm thu đơn độc, có thể chỉ định cho người bệnh đái tháo đường.

+ Tác dụng phụ: Tùy từng nhóm thuốc.

- Thuốc chẹn kênh canxi:

+ Chỉ định: Đau thắt ngực, người bệnh lớn tuổi, tăng huyết áp tâm thu, có thể chỉ định cho bệnh mạch máu ngoại biên.

+ Tác dụng phụ: Phù, đau đầu, mẩn ngứa.

- Thuốc ức chế men chuyển:

+ Chỉ định: Suy tim, rối loạn chức năng thất trái, sau nhồi máu cơ tim, bệnh thận do đái tháo đường.

+ Chống chỉ định: Phụ nữ có thai, tăng kali máu, hẹp động mạch thận 2 bên.

+ Tác dụng phụ: Gây ho khan.

- Thuốc đối kháng thụ thể AT1 của angiotensin:

+ Chỉ định: Dùng thay thế cho các người bệnh không dung nạp thuốc ức chế men chuyển.

+ Chống chỉ định: Như nhóm ức chế men chuyển.

- Thuốc giãn mạch trực tiếp: Hydralazin, mimoxidil.

- Một số thuốc khác (dùng đường tĩnh mạch, dưới lưỡi): Nitroglycerin, natriprussid.

V. PHÒNG BỆNH

- Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.

- Thực hiện tốt chế độ ăn, tránh để tăng cân béo phì. Giảm cân nếu quá cân.

- Nên tập vận động thường xuyên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2016), “Quy trình chuyên môn chẩn đoán điều tri, chăm sóc người bệnh Tăng huyết áp”. Ban hành kèm theo Quyết định số 4068/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế

2. Bộ Y tế (2013) - Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.

3. Khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Y Hà Nội (2017), Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học.

4. Các bộ môn Nội – Trường Đại học Y Hà Nội (2012), Bệnh học nội khoa tập 2, Trường Đại học Y Hà Nội, Nhà xuất bản Y học.

5. Bệnh viện Bạch Mai (2012), “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh Nội khoa”. Cẩm nang nghiệp vụ của bác sĩ lâm sàng. Nhà xuất bản Y học.

6. Nguyễn Bá Tĩnh (2000), Nam dược thần hiệu. Nhà xuất bản Y học.

 

RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA LIPOPROTEIN VÀ TÌNH TRẠNG TĂNG LIPID MÁU KHÁC

(CHỨNG ĐÀM)

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại (YHHĐ), rối loạn chuyển hóa lipoprotein và tình trạng tăng lipid máu khác (rối loạn lipid máu - RLLM) là sự tăng nồng độ các thành phần lipid như cholesterol, triglycerid hoặc cả hai, hoặc tăng lipoprotein tỷ trọng thấp trong huyết tương, đồng thời giảm HDL – C là thành phần lipid có lợi, chống xơ vữa động mạch.

Bệnh nhân được chẩn đoán RLLM khi thỏa mãn ít nhất 1 trong các tiêu chuẩn sau:

Cholesterol toàn phần ≥ 5,2 mmol/l

LDL – C ≥ 3,4 mmol/l

Triglycerid ≥ 1,7 mmol/l

HDL – C < 1,0 mmol/l

Trong cơ thể, khi sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và thoái hóa lipid bị phá vỡ do nguyên nhân tiên phát hoặc thứ phát sẽ gây ra rối loạn lipid máu. RLLM tiên phát thường gặp hơn RLLM thứ phát, thường liên quan yếu tố gia đình, gen. RLLM thứ phát thường xuất hiện sau mắc một số bệnh như đái tháo đường, hội chứng thận hư, tăng urê máu, suy thận mạn, bệnh lý gan (bệnh gan tắc nghẽn, tắc mật), suy giáp, béo phì; do lối sống (chế độ ăn không hợp lý, nghiện thuốc lá, nghiện rượu); dùng một số thuốc (thuốc tránh thai, chẹn beta - giao cảm, lợi tiểu, glucocorticoid, các gốc acid retinoic...).

Cách phân loại RLLM theo NCEP – ATP III (National Cholesterol Education Program - Adult Treatment Panel III - Chương trình Giáo dục Cholesterol Quốc gia Hoa Kỳ) là một trong các phân loại thường được sử dụng hiện nay:

Chỉ số lipid

Nồng độ

Phân loại

mmol/L

mg/dL

LDL - C

< 2,6

< 100

Tối ưu

2,6 – 3,3

100 – 129

Gần tối ưu/ trên mức tối ưu

3,4 – 4,1

130 – 159

Giới hạn cao

4,2 – 4,9

160 – 189

Cao

≥ 4,9

≥ 190

Rất cao

Cholesterol toàn phần

< 5,2

< 200

Mong muốn

5,2 – 6,2

200 – 399

Giới hạn cao

≥ 6,2

≥ 240

Cao

HDL - C

< 1,0

< 40

Thấp

≥ 1,6

≥ 60

Cao

Triglyceride

< 1,7

< 150

Bình thường

1,7 – 2,2

150 – 199

Giới hạn cao

2,2 – 5,6

200 – 499

Cao

≥ 5,6

≥ 500

Rất cao

YHHĐ lựa chọn thuốc điều trị RLLM dựa trên việc đánh giá mức độ RLLM và tương quan với sự gia tăng nguy cơ tương đối của bệnh mạch vành, với mục tiêu điều trị ưu tiên là đưa LDL – C về mức tối ưu, đồng thời phải kết hợp thay đổi lối sống. Điều trị có hiệu quả RLLM giúp làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và giảm nhu cầu tiến hành các thủ thuật tái tạo mạch vành cho bệnh nhân.

Biểu hiện lâm sàng của RLLM không hằng định và có thể xuất hiện không có triệu chứng. Y học cổ truyền (YHCT) có các chứng tương ứng với tình trạng RLLM như chứng đàm thấp, đầu thống, huyễn vựng... Nguyên nhân thường do “đàm” ứ đọng ở kinh lạc, phủ tạng nên RLLM thường được gọi là chứng Đàm thấp và điều trị chủ yếu bằng hóa đàm, trừ thấp.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Chứng Đàm thấp thường do lục dâm, thất tình làm công năng của ba tạng tỳ, phế, thận bị ảnh hưởng, tân dịch không được phân bố và vận hành, ngưng tụ thành thấp, thấp hóa thành đàm.

- Ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều đồ béo ngọt, uống nhiều rượu làm tổn thương tỳ, tỳ hư không vận hóa được thủy thấp, thủy thấp đình trệ lại lâu ngày hóa đàm.

- Ít vận động thể lực (nằm nhiều hại khí, ngồi nhiều hại cơ nhục) gây tỳ khí hư suy.

- Can đởm thấp nhiệt, gây ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết, khí cơ bị trở ngại nên vận hành huyết và tân dịch không thông, khiến cho đàm thấp ứ lại mà gây bệnh.

- Thất tình (lo nghĩ hại tỳ, giận dữ hại can) làm can mộc vượng khắc tỳ thổ, tỳ thổ hư yếu dẫn đến sự vận hóa bị suy giảm mà sinh đàm thấp.

- Tiên thiên bất túc, thận dương hư không ôn ấm được tỳ dương, tỳ không vận hóa được thủy thấp, sinh đàm thấp.

- Đàm thấp ứ trở tại kinh lạc, ngăn trở khí huyết vận hành sẽ gây khí trệ huyết ứ.

Như vậy, đàm thấp là một chứng bệnh có đặc điểm “bản hư, tiêu thực”: “tiêu” là đàm trọc nội sinh, huyết ứ; “bản” là công năng tạng phủ thất điều hoặc hư tổn trong đó liên quan đặc biệt đến tỳ, phế, thận, can.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể tỳ hư đàm thấp

1.1. Triệu chứng: Người thường béo bệu, nặng nề, mệt mỏi. Ăn kém, không muốn ăn, bụng đầy, đại tiện phân nát. Rêu lưỡi trắng dày, nhớt, lưỡi bệu, có vết hằn răng. Mạch trầm hoạt.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư trung hiệp thực.

- Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh tại tạng tỳ (tỳ hư đàm thấp).

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

1.3. Pháp: Kiện tỳ, hóa đàm, trừ thấp.

1.4. Phương:

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương:

+ Dùng bài Bán hạ bạch truật thiên ma thang:

Bán hạ chế

12g

Bạch truật

16g

Thiên ma

12g

Cam thảo

06g

Trần bì

08g

Bạch linh

16g

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài Hương sa lục quân tử thang:

Đảng sâm

12g

Chích cam thảo

04g

Phục linh

12g

Trần bì

08g

Bạch truật

12g

Bán hạ chế

08g

Mộc hương

06g

Sa nhân

06g

Sắc uống mỗi ngày 01 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

+ Châm bổ: Tỳ du (BL.20) Túc tam lý (ST.36)

Tam âm giao (SP.6)

+ Châm tả: Phong long (ST.40)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Nhĩ châm: Châm các điểm: Tỳ, Vị, Nội tiết, Giao cảm, Thần môn.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể tỳ thận dương hư: Thường gặp ở người cao tuổi.

2.1. Triệu chứng: Người cảm giác nặng nề, đầy chướng bụng, thừa cân, béo phì. Người lạnh, chân tay lạnh, sợ lạnh, sắc mặt nhợt, lưng gối đau mỏi, đại tiện nát, tiểu trong dài. Rêu lưỡi trắng dày, nhớt, lưỡi bệu, có vết hằn răng. Mạch trầm nhược.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư hàn.

- Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh tại tỳ, thận (tỳ thận dương hư).

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

2.3. Pháp: Ôn bổ tỳ thận.

2.4. Phương:

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Hữu quy hoàn

Thục địa

32g

Đỗ trọng

160g

Hoài sơn

160g

Kỷ tử

160g

Sơn thù

160g

Thỏ ty tử

160g

Phụ tử chế

80g

Lộc giác giao

160g

Nhục quế

120g

Đương quy

120g

Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, ngày uống 4-8g. Hoặc có thể làm thang sắc với liều thích hợp, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

+ Châm bổ và/hoặc cứu:

Tỳ du (BL.20)

Thận du (BL.23)

Túc tam lý (ST.36)

Thái khê (KI.3)

Mệnh môn (GV.4)

Tam âm giao (SP.6)

+ Châm tả: Phong long (ST.40)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Nhĩ châm: Châm các điểm: Tỳ, Vị, Thận, Nội tiết, Giao cảm, Thần môn.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể can thận âm hư

3.1. Triệu chứng: Váng đầu, chóng mặt, hay quên, mất ngủ, ù tai, miệng họng khô, lưng đau gối mỏi, tóc bạc, răng rụng, tiểu đêm. Rêu lưỡi vàng dày. Mạch tế sác.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh tại can, thận (can thận âm hư).

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

3.3. Pháp điều trị: Tư bổ can thận.

3.4. Phương:

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Kỷ cúc địa hoàng thang

Thục địa

16g

Hoài sơn

12g

Sơn thù

12g

Trạch tả

12g

Đan bì

08g

Phục linh

08g

Kỷ tử

12g

Cúc hoa

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

+ Châm bổ:

Can du (BL.18)

Thận du (BL.23)

 

Thái khê (KI.3)

Tam âm giao (SP.6)

+ Châm tả: Phong long (ST.40).

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Nhĩ châm: Châm các điểm: Can, Thận, Nội tiết, Giao cảm, Thần môn.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

4. Thể can uất tỳ hư

4.1. Triệu chứng: Đau 2 bên mạng sườn từng cơn, vị trí không cố định; đau đầu, chóng mặt, tinh thần uể oải, ăn kém, tính khí thất thường, hay thở dài. Đại tiện lỏng, ở phụ nữ

có thể gặp rối loạn kinh nguyệt, bầu vú căng trướng và đau. Chất lưỡi bệu, rêu lưỡi mỏng, trắng, nhớt. Mạch huyền.

4.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư trung hiệp thực.

- Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh tại can, tỳ (can uất tỳ hư).

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

4.3. Pháp điều trị: Sơ can giải uất, kiện tỳ trừ đàm.

4.4. Phương:

4.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Tiêu dao tán

Sài hồ

12g

Đương quy

12g

Bạch thược

12g

Phục linh

12g

Bạch truật

12g

Cam thảo

06g

Bạc hà

06g

Sinh khương

04g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

4.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

+ Châm tả: Can du (BL.18) Thái xung (LR.3) Phong long (ST.40)

+ Châm bổ: Túc tam lý (ST.36) Tam âm giao (SP.6) Tỳ du (BL.20)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Nhĩ châm: Châm các điểm: Can, Tỳ, Nội tiết, Giao cảm, Thần môn.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

5. Thể thấp nhiệt nội kết

5.1. Triệu chứng: Chóng mặt, đau nặng đầu, cảm giác tức ngực, phiền nhiệt. Đầy bụng, buồn nôn, mệt mỏi toàn thân, tay chân nặng nề. Đắng miệng, khô miệng, người béo bệu, đại tiện phân nát, cảm giác nóng hậu môn. nước tiểu vàng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt. Mạch hoạt sác.

5.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh tại tỳ, can, đởm.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Thấp nhiệt.

5.3. Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp.

5.4. Phương:

5.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Tứ linh tán hợp Lục nhất tán

Bạch linh 15g Trư linh 15g

Bạch truật 15g Trạch tả 15g

Hoạt thạch 25g Cam thảo 04g

Tất cả các vị tán bột mịn, trộn đều, uống 12g - 18g/lần x 2 lần/ngày với nước ấm.

Hoặc có thể làm thang sắc với liều thích hợp, mỗi ngày sắc 1 thang, uống chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

5.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

+ Châm bổ: Túc tam lý (ST.36) Tam âm giao (SP.6) Tỳ du (BL.20)

+ Châm tả: Can du (BL.18) Thái xung (LR.3) Phong long (ST.40)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Nhĩ châm: Châm các điểm: Can, Tỳ, Vị, Nội tiết, Giao cảm, Thần môn.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

6. Thể khí trệ huyết ứ

6.1. Triệu chứng: Đau nhói vùng ngực, có thể lan ra sau vùng lưng trên, đau vùng thượng vị (người bệnh thường có kèm bệnh động mạch vành, thiếu máu cơ tim), chóng mặt, đau nhức mắt. Chất lưỡi tím, có thể có điểm ứ huyết. Mạch huyền sáp.

6.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân.

6.3. Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ.

6.4. Phương:

6.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Huyết phủ trục ứ thang

Đương quy

12g

Ngưu tất

12g

Sinh địa

12g

Xích thược

08g

Đào nhân

16g

Sài hồ

04g

Hồng hoa

12g

Cát cánh

06g

Xuyên khung

06g

Cam thảo

04g

Chỉ xác

08g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

6.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

+ Châm bổ: Túc tam lý (ST.36) Tam âm giao (SP.6)

+ Châm tả: Cách du (BL.17) Huyết hải (SP.10)

Phong long (ST.40)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Nhĩ châm: Châm các điểm: Can, Tỳ, Vị, Nội tiết, Giao cảm, Thần môn.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

- Cần xác định RLLM là tiên phát hay thứ phát và điều trị theo nguyên nhân nếu có.

- Điều trị RLLM cần dựa trên phân tầng nguy cơ tim mạch đi kèm của người bệnh để dự phòng các biến chứng do xơ vữa động mạch; lấy nồng độ LDL - C huyết tương là mục tiêu điều trị và lựa chọn nhóm thuốc hạ lipid máu dựa trên loại rối loạn lipid.

- Kiểm soát và loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn, luyện tập và dùng thuốc khi có chỉ định.

- Đối với các trường hợp RLLM mức độ nhẹ, cần hướng dẫn và giáo dục bệnh nhân tuân thủ việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt trước khi dùng thuốc.

2. Điều trị cụ thể

2.1. Điều trị không dùng thuốc

Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt được khuyến cáo thực hiện đầu tiên ít nhất trong 1 tháng trước khi dùng thuốc.

- Chế độ ăn: Giảm mỡ động vật, hạn chế thức ăn chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, mỡ động vật... Tăng cường ăn dầu thực vật, cá nước ngọt, hoa quả tươi, rau, các thực phẩm có nhiều chất xơ. Chế độ ăn này cần phải được duy trì lâu dài cho dù người bệnh dùng thuốc hay không dùng thuốc.

- Chế độ sinh hoạt: Làm việc điều độ, tránh stress, tăng cường vận động, tập luyện, bỏ các thói quen có hại (uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá...).

2.2. Điều trị bằng thuốc: Nên khởi đầu từ liều thấp, tăng liều gấp đôi sau mỗi 4 – 6 tuần nếu không đạt hiệu quả điều trị. Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

- Nhóm Statin.

- Nhóm Fibrat.

- Nhóm Acid nicotinic (Niacin).

- Nhóm gắn acid mật.

- Chất ức chế hấp thu cholesterol.

- Acid béo omega-3 (dầu cá).

* Lưu ý khi dùng thuốc:

- Trường hợp tăng cholesterol máu đơn thuần loại LDL - C cao: Ưu tiên dùng statin. Trường hợp tăng triglycerid máu đơn thuần hay tăng lipid máu hỗn hợp có triglycerid rất cao ưu tiên fibrat, sau khi triglycerid đã giảm xuống dưới 5,7mmol/L có thể dùng statin.

- Trước khi dùng thuốc hạ lipid máu cho người bệnh cần kiểm tra nồng độ creatinin, AST, ALT, CK trong máu. Dừng thuốc nếu trong quá trình điều trị men gan tăng gấp 3 lần so với trước điều trị, theo dõi và cân nhắc sử dụng một thuốc hạ lipid máu khác khi men gan của người bệnh trở về bình thường.

- Khi đã đạt được mức LDL-C mục tiêu, người bệnh vẫn phải được duy trì thuốc đều đặn hàng ngày cùng với các biện pháp không dùng thuốc.

- RLLM thứ phát cần phối hợp điều trị nguyên nhân và điều trị hạ lipid máu.

- Kiểm tra lại nồng độ lipid máu sau 4 đến 12 tuần điều trị.

V. PHÒNG BỆNH

- Thực hiện tốt chế độ ăn uống hợp lý, tránh các thực phẩm giàu cholesterol, không uống rượu bia, không hút thuốc lá.

- Nếu người bệnh thừa cân, béo phì cần phải giảm cân nặng.

- Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress, tăng cường hoạt động thể lực và duy trì thường xuyên.

- Điều trị tốt các bệnh lý nền gây RLLM thứ phát.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội (2017), Bệnh học Nội khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học, 215-217.

2. National Cholesterol Education Program (NCEP) Expert Panel (2002), “Third report of the National Cholesterol Education Program (NCEP) Expert Panel on Detection, Evaluation, and Treatment of High Blood Cholesterol in Adults (Adult Treatment Panel III) final report”, Circulation, 106(25):3143-3421.

3. Nguyễn Khoa Diệu Vân (2013), Nội tiết học trong thực hành lâm sàng, Nhà xuất bản Y học. Tr 424 – 445.

4. Bệnh viện Bạch Mai (2017), “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh Nội khoa” Cẩm nang nghiệp vụ của bác sĩ lâm sàng. Nhà xuất bản Y học năm 2017.

5. Bộ Y tế (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh nội tiết chuyển hóa. Nhà xuất bản Y học.

6. Bob Flaws, Philippe Sionneau (2005). The treatment of modern Western medical diseases with Chinese medicine, Blue Poppy Press. 283-290.

7. Bộ Y tế (2011), Lão khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 98-116.

 

BỆNH DÂY THẦN KINH MẶT

(KHẨU NHÃN OA TÀ)

I. ĐẠI CƯƠNG

Dây thần kinh mặt hay dây VII là dây hỗn hợp, có đầy đủ chức năng của một dây thần kinh ngoại vi (vận động, cảm giác, thực vật, dinh dưỡng và phản xạ). Khi tổn thương dây thần kinh mặt (liệt mặt trung ương và liệt mặt ngoại biên) đều gây mất hoặc giảm vận động các cơ bám da mặt và da cổ.

Bệnh dây thần kinh VII nằm trong chứng trúng phong kinh lạc của Y học cổ truyền. Với bệnh danh “Khẩu nhãn oa tà” (miệng và mắt méo lệch) sẽ tương ứng với các triệu chứng của liệt dây thần kinh VII ngoại biên.

Theo Y học hiện đại, có rất nhiều nguyên nhân gây liệt dây thần kinh VII ngoại biên:

+ Do lạnh: Hay gặp nhất chiếm tới 80%, nguyên phát, thường sau người bệnh bị nhiễm lạnh và hay xảy ra vào ban đêm. Chỉ có liệt mặt đơn thuần, không có dấu hiệu thần kinh khác.

+ Do viêm nhiễm: Viêm nhiều rễ và dây thần kinh, viêm dây VII, viêm tai xương chũm, Zona, hạch gối…

+ Do các tổn thương nền sọ: Vỡ nền sọ gây vỡ xương đá, tai biến sản khoa do Forcep.

+ Do khối u: U góc cầu tiểu não, u dây thần kinh VII, u tai xương chũm, u độc nền sọ, u cánh nhỏ xương bướm.

- Chẩn đoán xác định liệt dây thần kinh VII ngoại biên:

+ Miệng méo về bên lành, lệch nhân trung về bên lành, mất hoặc mờ nếp nhăn trán, mất hoặc mờ rãnh mũi má bên liệt.

+ Dấu hiệu Souques dương tính.

+ Dấu hiệu Charles Bell dương tính.

+ Ngoài ra người bệnh có thể có một số triệu chứng khác: Khô mắt hoặc chảy nước mắt, giảm vị giác 2/3 trước lưỡi, giảm tiết nước bọt, cảm giác đau vùng sau tai.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Nguyên nhân chính gây chứng “Khẩu nhãn oa tà” là:

- Ngoại nhân: Do phong hàn, phong nhiệt tà.

- Bất nội ngoại nhân: Do các sang chấn ở đầu mặt gây ứ huyết ở kinh lạc.

Phong hàn hay phong nhiệt tà thừa lúc chính khí hư tổn, vệ ngoại bất cố xâm phạm vào các kinh dương ở mặt, các sang chấn gây ra huyết ứ ở kinh lạc dẫn đến sự lưu thông kinh khí mất bình thường, khí huyết không được điều hòa, kinh cân thiếu dinh dưỡng, không co lại được mà gây nên bệnh.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể phong hàn ở kinh lạc: Thường gặp trong liệt dây thần kinh VII do lạnh.

1.1. Triệu chứng: Sau khi bị lạnh xuất hiện miệng méo, mắt nhắm không kín, khó thổi lửa, huýt sáo, ăn uống nước trào ra bên liệt, nhân trung lệch về bên lành, nếp nhăn trán và rãnh mũi má mờ hoặc mất bên liệt. Toàn thân có biểu hiện sợ gió, sợ lạnh, gai rét, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch phù khẩn.

1.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.

- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại các kinh dương trên mặt.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong hàn).

1.3. Pháp: Khu phong tán hàn, ôn kinh hoạt lạc.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Đại tần giao thang:

Khương hoạt

08g

Bạch thược

08g

Độc hoạt

08g

Xuyên khung

08g

Tần giao

08g

Đảng sâm

12g

Bạch chỉ

08g

Bạch linh

08g

Cam thảo

06g

Ngưu tất

12g

Bạch truật

12g

Thục địa

12g

Đương qui

08g

Hoàng cầm

08g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Quế chi 06g Cỏ xước 12g

Ké đầu ngựa 12g Hương phụ 06g

Kê huyết đằng 12g Trần bì 06g

Bạch chỉ 10g Kinh giới 10g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm cứu : châm tả các huyệt

+ Tại chỗ:

Ế phong (TE.17) Nghinh hương (LI.20)

Đồng tử liêu (GB.1) Địa thương (ST.4)

Dương bạch (GB.14) Giáp xa (ST.6)

Ngư yêu Nhân trung (GV.26)

Quyền liêu (SI.18) Thừa tương (CV.24)

+ Toàn thân:

Bách hội (GV.20) Phong trì (GB.20) Hợp cốc (LI.4) bên đối diện

Liệu trình: Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Các kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm.

Liệu trình: Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt:

Nghinh hương (LI.20) Quyền liêu (SI.18)

Đồng tử liêu (GB.1) Địa thương (ST.4)

Dương bạch (GB.14) Giáp xa (ST.6)

Phong trì (GB.20) Hợp cốc (LI.4) bên đối diện

Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng khoảng từ 7 đến 15 ngày tùy loại chỉ, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Xoa bóp bấm huyệt: Các thủ thuật xoa, day, miết, véo, bóp các cơ vùng đầu mặt cổ, ấn, bấm các huyệt giống như châm. Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày.

- Thủy châm: Sử dụng các thuốc theo y lệnh có chỉ định tiêm bắp vào các huyệt như điện châm, ngày 1 lần, mỗi lần 2 – 3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày. Tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể phong nhiệt: Thường gặp trong liệt dây thần kinh VII do viêm nhiễm.

2.1. Triệu chứng: Miệng méo, mắt nhắm không kín, khó thổi lửa, huýt sáo, ăn uống nước trào ra bên liệt, nhân trung lệch về bên lành, nếp nhăn trán và rãnh mũi má mờ hoặc mất bên liệt. Toàn thân có biểu hiện sốt, sợ gió, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch phù sác.

2.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt

- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại các kinh dương trên mặt.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong nhiệt).

2.3. Pháp: Khu phong, thanh nhiệt, hoạt huyết.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Nghiệm phương:

Kim ngân hoa 16g Xuyên khung 12g

Bồ công anh 16g Đan sâm 12g

Thổ phục linh 12g Ngưu tất 12g

Ké đầu ngựa 12g Trần bì 08g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm: châm tả các huyệt

+ Tại chỗ: giống thể phong hàn vào kinh lạc

+ Toàn thân:

Bách hội (GV.20) Phong trì (GB.20)

Hợp cốc (LI.4) bên đối diện Khúc trì (LI.11) 2 bên

Nội đình (ST.44)

Liệu trình: Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình. Không châm khi có tổn thương trên da.

- Các phương pháp điều trị khác như điện châm, điện mãng châm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm: giống thể phong hàn vào kinh lạc.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể huyết ứ: Thường gặp trong liệt dây thần kinh VII do chấn thương như sau ngã, sau phẫu thuật vùng tai, vùng xương chẩm, nhổ răng hoặc khối u.

3.1. Triệu chứng: Sau sang chấn xuất hiện miệng méo, mắt nhắm không kín, khó thổi lửa, huýt sáo, ăn uống nước trào ra bên liệt, nhân trung lệch về bên lành, nếp nhăn trán và rãnh mũi má mờ hoặc mất bên liệt. Lưỡi có điểm ứ huyết. Mạch sáp.

3.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực.

- Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại các kinh dương trên mặt.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân.

3.3. Pháp: Hoạt huyết, tiêu ứ, hành khí.

3.4. Phương

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Tứ vật đào hồng:

Xuyên khung

12g

Bạch thược

12g

Thục địa

12g

Đương qui

12g

Hồng hoa

08g

Đào nhân

10g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Đan sâm 12g Chỉ xác 08g

Xuyên khung 12g Uất kim 08g

Ngưu tất 12g Tô mộc 10g

Hương phụ 10g Trần bì 10g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm: châm tả các huyệt tại chỗ, toàn thân giống thể phong hàn và châm thêm Huyết hải (SP.10), Túc tam lý (ST.36) hai bên.

Liệu trình: Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Các phương pháp điều trị khác: giống thể trúng phong hàn vào kinh lạc.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị:

- Điều trị tùy nguyên nhân

2. Điều trị cụ thể:

2.1. Điều trị bằng thuốc: Phối hợp các nhóm thuốc sau:

- Tăng dẫn truyền thần kinh.

- Tái tạo bao myelin.

- Vitamin nhóm B liều cao (B1, B6, B12).

- Corticoid.

- Kháng sinh khi có nhiễm khuẩn hoặc kháng vi rút khi bị zona.

2.2. Điều trị không dùng thuốc: Nên phối hợp với dùng thuốc.

- Đeo kính, băng mắt, nhỏ thuốc bảo vệ mắt.

- Vật lý trị liệu: Điện di nivalin, sóng ngắn, điện xung dòng xung kích thích, hồng ngoại.

- Xoa bóp cơ mặt vùng liệt.

- Hướng dẫn người bệnh tập nhăn trán, nhíu mày, huýt sáo, phát âm các âm b, p, u, i.

- Trường hợp bị liệt mặt co cứng dai dẳng điều trị không kết quả có thể tiêm cồn hủy dây thần kinh.

2.3. Điều trị ngoại khoa: Chỉ định phẫu thuật cho liệt dây VII ngoại biên trong các trường hợp sau:

- Liệt dây VII ngoại biên do lạnh tiến triển ngày càng nặng, sau điều trị nội khoa và vật lý trị liệu đến ngày thứ 21, lâm sàng vẫn không thấy dấu hiệu hồi phục, ghi điện thần kinh cơ có mức thoái hóa tới 90% kèm mất phản xạ nháy mắt hoặc đến tháng thứ 2 vẫn liệt mặt nặng và điện cơ mất hoạt động điện.

- Liệt dây VII do viêm tai cấp hoặc mạn tính điều trị bảo tồn trong 4 - 5 tuần mà không có dấu hiệu phục hồi.

- Liệt dây VII sau mổ tai: cần kiểm tra ống Fallop, nếu có thay đổi hình thái cần phải mổ lại, nếu không thấy thay đổi thì điều trị nội khoa, sau 4 tuần không hồi phục thì có chỉ định mổ.

- Liệt dây thần kinh VII ngoại biên do các khối u.

V. PHÒNG BỆNH

- Tránh nhiễm lạnh, tránh những nơi gió lùa, giữ ấm vùng cổ về mùa đông.

- Điều trị tích cực bệnh lý viêm tai giữa, viêm tai xương chũm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2013). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.

2. Bộ Y tế (2017). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm chuyên ngành Châm cứu.

3. Hồ Hữu Lương (2005). "Liệt mặt", Bệnh thần kinh ngoại vi, Nhà xuất bản Y học.

4. Khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Y Hà Nội (2017). "Liệt dây thần kinh VII ngoại biên", Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học.

5. Bộ Y tế (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh Tai Mũi Họng.

 

ĐAU DÂY THẦN KINH LIÊN SƯỜN

(HIẾP THỐNG)

I. ĐẠI CƯƠNG

Đau dây thần kinh liên sườn là bệnh cảnh xuất hiện khi dây thần kinh liên sườn bị tổn thương (viêm nhiễm, chèn ép). Tùy vào mức độ, số lượng dây thần kinh liên sườn bị tổn thương trên lâm sàng mà bệnh nhân có triệu chứng khác nhau. Điển hình là các cơn đau nhói từng đợt hoặc kéo dài dọc theo đường đi của dây thần kinh liên sườn, đau tăng khi ấn vào, ho, hít thở sâu.

- Theo Y học hiện đại (YHHĐ), bệnh gây ra do các nhóm nguyên nhân sau:

+ Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: Do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm. Người bệnh xuất hiện đau ở vùng cạnh sống hoặc vùng liên sống - bả vai, đau một hoặc hai bên, lan theo khoang liên sườn ra phía trước. Đau âm ỉ cả ngày và đêm, tăng khi hít thở sâu, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi. Người bệnh đau tăng thường nhầm với bệnh lý của phổi. Ấn vùng cạnh sống đau tức, đôi khi lan theo đường đi của dây thần kinh liên sườn. Da vùng đau không có biểu hiện tổn thương. Các xét nghiệm cho kết quả bình thường.

+ Thoái hóa cột sống: Thường gặp ở người cao tuổi, tính chất khu trú thường không rõ ràng. Thường đau ê ẩm, không cấp tính, kèm theo đau âm ỉ cột sống ngực cả khi nghỉ và khi vận động, ấn điểm cạnh cột sống hai bên (cách cột sống 2-3cm) người bệnh thấy tức nhẹ và dễ chịu.

+ Lao cột sống hoặc ung thư cột sống: thường gặp ở những người tuổi trung niên trở lên, bệnh diễn biến nặng, khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương. Biểu hiện đau chói cả hai bên sườn, đau liên tục, tăng khi thay đổi tư thế hoặc vận động, bệnh nhân có cảm giác bó chặt lấy ngực hoặc bụng. Dễ chẩn đoán nhầm với cơn đau thắt ngực hoặc cơn đau dạ dày. Ấn cột sống có điểm đau chói. Triệu chứng toàn thân nặng như hội chứng nhiễm độc lao (sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân...). Có thể thấy biến dạng cột sống nếu ở giai đoạn nặng...

+ Bệnh lý tủy sống: Đau dây thần kinh liên sườn thường là triệu chứng sớm của u rễ thần kinh, u ngoại tủy. Thường đau một bên, khu trú rõ. Khám cột sống không thấy đau rõ ràng.

+ Chấn thương cột sống: Xảy ra sau khi người bệnh bị chấn thương, vận động cột sống với cường độ quá mạnh.

+ Zona: Thường khởi phát bằng đau rát một mảng sườn, sau một, hai ngày thấy đỏ da, xuất hiện các mụn nước và xu hướng lan rộng theo phạm vi phân bố của dây thần kinh liên sườn. Kèm theo sốt nhẹ, đau hạch nách. Sau khoảng một tuần tổn thương khô, bong vảy, để lại sẹo và chuyển sang giai đoạn di chứng gây đau rát ở vùng tổn thương, có thể kéo dài hàng tháng, nhất là ở người cao tuổi.

- Theo Y học cổ truyền (YHCT), đau dây thần kinh liên sườn thuộc phạm vi chứng Hiếp thống. Hiếp thống là đau một hoặc hai bên mạng sườn, là một cảm giác chủ quan của người bệnh. Hai bên mạng sườn là đường tuần hoàn của kinh túc quyết âm can và

kinh túc thiếu dương đởm, đau mạng sườn phần nhiều có quan hệ mật thiết đến bệnh của can, đởm.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

- Phong hàn: Do cảm phải phong hàn tà gây trở ngại kinh lạc, can khí hoành nghịch. Mạch lạc của can đởm mất hòa giáng gây ra đau.

- Khí uất, khí trệ: Do tình chí bị kích thích hoặc no đói thất thường ảnh hưởng đến sơ tiết can khí gây can khí uất kết.

- Hỏa uất: Do can khí uất kết lâu ngày hóa hỏa hoặc tà uất thiếu dương ảnh hưởng đến sự sơ tiết của can.

- Huyết ứ: Do sang chấn hoặc khí trệ lâu ngày dẫn đến huyết ứ gây ra đau.

- Thấp nhiệt: Thấp nhiệt ở trung tiêu ôn kết lại làm can đởm sơ tiết mất điều đạt gây ra đau.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể phong hàn

1.1. Triệu chứng: Đau liên sườn dọc theo đường đi của dây thần kinh, đau nhất ở vùng rễ sau lưng, đường nách giữa, sau ức đòn, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch phù.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.

- Chẩn đoán kinh lạc: Kinh thiếu dương.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong hàn).

1.3. Pháp: Khu phong, tán hàn, thông kinh lạc.

1.4. Điều trị:

1.4.1. Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Can khương thương truật thang

Can khương 08g Quế chi 08g

Thương truật 08g Ý dĩ 08g

Cam thảo 06g Bạch linh 12g

Xuyên khung 16g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

* Thuốc dùng ngoài:

- Ngải cứu tươi 100g sao với muối chườm, tại chỗ đau.

- Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm hoặc cứu: châm tả các huyệt:

+ Tại chỗ:

A thị vùng rễ thần kinh bị tổn thương Hoa đà giáp tích vùng liên sườn bị đau

Chương môn (LR.13) Kỳ môn (LR.14)

Thiên trì (PC.1) Đại bao (SP.21)

Can du (BL.18) Đởm du (BL.19)

+ Toàn thân:

Nội quan (PC.6) Khúc trạch (PC.3)

Ngoại quan (TE.5) Chi câu (TE.6)

Hành gian (LR.2) Dương lăng tuyền (GB.34)

- Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt:

A thị huyệt Nội quan (PC.6)

Chương môn (LR.3) Thiên trì (PC.1)

Hành gian (LR.2) Đại bao (SP.21)

Chi câu (TE.6) Kỳ môn (LR.14)

Phong long (ST.40) Can du (BL.18)

Thái khê (KI.3) Huyết hải (SP.10)

Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng khoảng 15 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Xoa bóp bấm huyệt: Các thủ thuật Miết dọc theo liên sườn; bấm các huyệt A thị, Giáp tích và du huyệt tương ứng vùng liên sườn đau. Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày.

- Thủy châm: Sử dụng các thuốc theo y lệnh có chỉ định tiêm bắp vào các huyệt như điện châm, ngày 1 lần, mỗi lần 2 – 3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 10 đến 15 ngày. Tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.

- Xông thuốc vùng liên sườn bằng máy.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Can khí uất kết

2.1. Triệu chứng: Đau vùng hạ sườn, điểm đau không cố định, thậm chí đau như bó chặt vùng ngực sườn xuyên ra lưng và vai, đau tăng khi tình chí kích động. Tinh thần uất ức hay cáu gắt, cảm giác bí bách trong ngực, hay thở dài, ợ hơi, bụng chướng không muốn ăn. Lưỡi rêu mỏng. Mạch huyền hoặc huyền sác.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can khí uất.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

2.3. Pháp: Sơ can lý khí.

2.4. Điều trị:

2.4.1. Điều trị dùng thuốc:

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Sài hồ sơ can tán

Sài hồ

10g

Hương phụ

15g

Chỉ xác

12g

Xuyên khung

12g

Bạch thược

15g

Trần bì

12g

Cam thảo

06g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

* Thuốc dùng ngoài:

- Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm tả các huyệt giống thể Phong hàn.

- Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm.

- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt giống thể Phong hàn.

- Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, xông thuốc giống thể Phong hàn.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Can uất hóa hỏa

3.1. Triệu chứng: Vùng sườn cảm giác nóng rát, đau, tình chí không yên, dễ cáu, đầu đau mặt đỏ, tai ù, tâm phiền mất ngủ, ợ chua, miệng đắng mà khô, đại tiện nóng rát, chất lưỡi đỏ, rêu vàng. Mạch huyền sác.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can uất hóa hỏa.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

3.3. Pháp: Thanh can tả hỏa.

3.4. Điều trị:

3.4.1. Điều trị dùng thuốc:

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Đan chi tiêu dao

Đan bì

12g

Chi tử

12g

Sài hồ

10g

Bạch thược

12g

Đương quy

12g

Phục linh

12g

Bạch truật

12g

Bạc hà

04g

Sinh khương

04g

Cam thảo

06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

* Thuốc dùng ngoài:

- Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm tả các huyệt:

+ Tại chỗ: giống thể Phong hàn.

+ Toàn thân:

Nội quan (PC.6) Khúc trạch (PC.3)

Ngoại quan (TE.5) Chi câu (TE.6)

Huyết hải (SP.10) Thái xung (LR.3)

Hành gian (LR.2) Dương lăng tuyền (GB.34)

- Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm.

- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt trên.

- Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm giống thể Phong hàn.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

4. Tà uất thiếu dương

4.1. Triệu chứng: Ngực sườn chướng, đau, hàn nhiệt vãng lai, đau đầu chóng mặt, miệng đắng họng khô, ăn kém, tâm phiền buồn nôn, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng hơi bẩn. Mạch huyền sác.

4.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Bán biểu bán lý.

- Chẩn đoán kinh lạc: Kinh thiếu dương.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân.

4.3 Pháp: Hòa giải thiếu dương.

4.4. Điều trị:

4.4.1. Điều trị dùng thuốc:

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Tiểu sài hồ thang

Sài hồ 10g Bán hạ chế 12g

Đảng sâm 15g Hoàng cầm 12g

Sinh khương 06g Đại táo 12g

Cam thảo 06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

* Thuốc dùng ngoài:

- Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm tả các huyệt

+ Tại chỗ: giống thể Phong hàn.

+ Toàn thân:

Nội quan (PC.6) Khúc trạch (PC.3)

Ngoại quan (TE.5) Chi câu (TE.6)

Hành gian (LR.2) Túc tam lý (ST.36)

Phong long (SP.40)

- Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm.

- Cấy chỉ vào các huyệt trên.

- Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm giống thể Phong hàn.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

5. Huyết ứ

5.1. Triệu chứng: Vùng mạng sườn đau như kim châm, đau cố định, đau tăng về đêm, có thể có vết sang thương, lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết. Mạch trầm sáp hoặc huyền sáp.

5.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực.

- Chẩn đoán tạng phủ: Huyết ứ.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân.

5.3. Pháp: Hóa ứ thông lạc.

5.4. Điều trị:

5.4.1. Điều trị dùng thuốc:

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Huyết phủ trục ứ thang

Đương quy

12g

Sinh địa

12g

Đào nhân

06g

Hồng hoa

06g

Sài hồ

10g

Xuyên khung

12g

Ngưu tất

12g

Xích thược

10g

Cát cánh

06g

Chỉ xác

08g

Cam thảo

06g

 

 

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

* Thuốc dùng ngoài:

- Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm tả các huyệt

+ Tại chỗ: giống thể Phong hàn

+ Toàn thân:

Nội quan (PC.6) Khúc trạch (PC.3)

Ngoại quan (TE.5) Chi câu (TE.6)

Thái xung (LR.3) Hành gian (LR.2)

Huyết hải (SP.10) Cách du (BL.17).

- Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm.

- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt trên.

- Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm giống thể Phong hàn.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

6. Can đởm thấp nhiệt

6.1. Triệu chứng: Sườn đau miệng đắng, ngực bụng đầy chướng, ăn kém, tiểu tiện ngắn đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng bẩn. Mạch hoạt sác.

6.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can đởm thấp nhiệt.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

6.3. Pháp: Thanh nhiệt lợi thấp.

6.4. Điều trị:

6.4.1. Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Long đởm tả can thang

Long đởm thảo

15g

Chi tử

12g

Hoàng cầm

12g

Sài hồ

10g

Sinh địa

12g

Xa tiền tử

15g

Trạch tả

15g

Đương qui

12g

Mộc thông

12g

Cam thảo

05g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

* Thuốc dùng ngoài:

- Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm tả các huyệt

+ Tại chỗ: giống thể Phong hàn.

+ Toàn thân: giống thể Tà uất thiếu dương.

- Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm.

- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt giống thể giống thể Phong hàn.

- Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm giống thể Phong hàn.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị:

- Điều trị nguyên nhân.

- Điều trị triệu chứng: Giảm đau, giãn cơ, tăng dẫn truyền thần kinh ngoại biên, an thần.

2. Điều trị cụ thể

2.1. Điều trị nguyên nhân: Tùy theo nguyên nhân điều trị theo phác đồ của YHHĐ.

- Do thoái hóa cột sống: Thuốc điều trị thoái hóa khớp theo cơ chế bệnh sinh.

- Do vi rút (zona): Thuốc kháng vi rút.

2.2 Điều trị triệu chứng

2.2.1. Điều trị dùng thuốc

- Thuốc giảm đau: chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới. Tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

- Chống viêm không steroid (NSAIDs): không được phối hợp hai loại thuốc trong nhóm.

- Thuốc giãn cơ.

- Trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh có thể kết hợp với một trong các thuốc giảm đau thần kinh.

- Kết hợp thuốc an thần, thuốc ức chế trầm cảm khi cần thiết.

2.2.2. Điều trị không dùng thuốc

- Chiếu đèn hồng ngoại, đắp parafin giúp giãn cơ, giảm đau.

- Điện xung, điện phân, siêu âm giúp tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ giảm đau.

V. PHÒNG BỆNH

- Nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng phòng tránh zona thần kinh.

- Giáo dục người bệnh: Tránh cho cột sống bị quả tải bởi vận động và trọng lượng, tránh các động tác nhanh mạnh đột ngột (bê mang vác quá nặng, vặn người...).

- Phòng tránh tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt.

- Bổ sung đầy đủ Canxi và vitamin D, phòng tránh loãng xương đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu.

2. Bệnh viện Bạch Mai (2010). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, nhà xuất bản Y học.

3. Khoa Y học cổ truyền - Trường Đại học Y Hà Nội (2012). Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, nhà xuất bản Y học.

4. Bộ Y tế (2017). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm chuyên ngành Châm cứu.

5. Khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Y Hà Nội (2017). "Đau dây thần kinh liên sườn", Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học.

 

ĐAU THẦN KINH TỌA

(YÊU CƯỚC THỐNG)

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại, đau thần kinh tọa có biểu hiện đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Vị trí đau tùy theo rễ thần kinh bị tổn thương. Khi tổn thương rễ L5, thường đau từ thắt lưng lan xuống mặt bên đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, qua trước mắt cá ngoài đến mu chân và lan tới ngón chân cái. Trường hợp tổn thương rễ S1, đau từ thắt lưng lan xuống mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân, xuống gót chân, qua mắt cá ngoài tới gan chân và tận cùng ở ngón út.

Nguyên nhân hay gặp nhất gây đau thần kinh tọa là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (thường gặp thoát vị đĩa đệm L4-L5 hoặc L5- S1 gây chèn ép rễ L5 hoặc S1 tương ứng). Ngoài ra các nguyên nhân khác gây đau thần kinh tọa như: thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt thân đốt sống, chấn thương, tổn thương thân đốt sống (do lao, vi khuẩn, u, ung thư), viêm đĩa đệm đốt sống, tình trạng mang thai...

Tiêu chuẩn chẩn đoán: Lâm sàng người bệnh có 2 hội chứng:

- Hội chứng cột sống thắt lưng:

Điểm đau cột sống (Cảm giác đau chói khi ấn vào mỏm gai sau của cột sống bị tổn thương)

Biến dạng cột sống: Mất đường cong sinh lý, gù, vẹo cột sống thắt lưng

Co cứng cơ cạnh cột sống thắt lưng một bên hoặc hai bên

Khoảng cách tay đất hạn chế

Nghiệm pháp Schober (+)

- Hội chứng chèn ép rễ thần kinh thắt lưng:

Đau theo rễ thần kinh tổn thương, có thể có cảm giác tê bì, kiến bò, nóng rát.

Dấu hiệu bấm chuông (+)

Dấu hiệu Lasègue (+)

Hệ thống điểm đau Valleix (+)

Rối loạn phản xạ gân xương: Trường hợp tổn thương rễ L5: phản xạ gân gót bình thường, giảm hoặc mất cảm giác ngón chân cái, teo nhóm cơ cẳng chân trước ngoài, các cơ mu chân, không đi được bằng gót chân; Trường hợp tổn thương S1: phản xạ gân gót giảm hoặc mất, giảm hoặc mất cảm giác phía ngón chân út, teo cơ bắp cẳng chân, cơ gan bàn chân, không đi được bằng mũi chân.

Cận lâm sàng trong đau thần kinh tọa: bilan viêm âm tính; Xquang thường quy cột sống thắt lưng bình thường hoặc có dấu hiệu thoái hóa, trượt thân đốt sống và ít có giá trị chẩn đoán nguyên nhân; Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng nhằm xác định chính xác vị trí, mức độ tổn thương; Điện cơ đồ giúp phát hiện và đánh giá rễ thần kinh tổn thương.

Theo Y học cổ truyền, đau thần kinh tọa được miêu tả trong các y văn với các bệnh danh như “Yêu cước thống”, “Tọa cốt phong”, “Tọa điến phong”, “Yêu cước đông thống” và thuộc phạm vi chứng Tý.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Do phong hàn thấp xâm phạm vào bì phu kinh lạc gây khí huyết vận hành trong kinh lạc bị ứ trệ. Phong có tính di chuyển nên người bệnh có triệu chứng đau lan theo đường đi của dây thần kinh tọa. Hàn có tính chất ngưng trệ, làm cho khí huyết kinh lạc bị tắc nghẽn gây ra co rút gân cơ. Thấp có tính nê trệ làm tắc trở kinh lạc gây nên cảm giác tê bì, nặng nề, vận động khó khăn.

Do can thận hư, phong hàn thấp thừa cơ xâm phạm vào bì phu, kinh lạc làm kinh lạc bế tắc, kinh khí không lưu thông gây đau, hạn chế vận động. Phong hàn thấp tà uất lâu hóa nhiệt làm người bệnh có triệu chứng nóng rát nơi đau.

Do chấn thương làm huyết ứ gây bế tắc kinh lạc, kinh khí không lưu thông gây đau và hạn chế vận động.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể phong hàn thấp: Thường gặp trong những trường hợp đau thần kinh tọa do lạnh.

1.1. Triệu chứng: Sau khi bị nhiễm lạnh, đau từ thắt lưng hoặc từ mông xuống chân, đau có điểm khu trú, chưa có teo cơ, đau tăng khi trời lạnh, chườm ấm dễ chịu. Sợ gió, sợ lạnh, đại tiện có thể bình thường hoặc nát, tiểu tiện trong, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch phù hoặc phù khẩn.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.

- Chẩn đoán kinh lạc: Kinh bàng quang và/hoặc Kinh đởm.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (Phong hàn thấp).

1.3. Pháp: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, ôn thông kinh lạc.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Can khương thương truật linh phụ thang gia giảm

Can khương 08g Quế chi 08g

Thương truật 08g Ý dĩ 08g

Cam thảo 06g Bạch linh 12g

Xuyên khung 16g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Độc hoạt

10g

Phòng phong

08g

Uy linh tiên

12g

Tang ký sinh

12g

Tế tân

04g

Quế chi

06g

Trần bì

08g

Chỉ xác

08g

Đan sâm

12g

Rễ cỏ xước

12g

Xuyên khung

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm hoặc cứu: Châm tả các huyệt

+ Nếu đau theo kinh Bàng quang (Đau kiểu rễ S1): các huyệt

A thị vùng cột sống thắt lưng Giáp tích L4- L5, L5- S1

Thận du (BL. 23) Đại trường du (BL. 25)

Trật biên (BL. 54) Ân môn (BL. 37)

Thừa phù (BL. 36) Ủy trung (BL. 40)

Thừa sơn (BL. 57) Côn lôn (BL. 60)

+ Nếu đau theo kinh Đởm (Đau kiểu rễ L5): các huyệt

A thị vùng cột sống thắt lưng Giáp tích L4- L5, L5- S1

Thận du (BL. 23) Đại trường du (BL. 25)

Hoàn khiêu (GB. 30) Phong thị (GB. 31)

Dương lăng tuyền (GB. 34) Huyền chung (GB. 39)

Khâu khư (GB. 40)

- Các kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Hoặc cấy chỉ vào các huyệt:

Giáp tích L2-4 Thận du (BL. 23)

Đại trường du (BL. 25) Trật biên (BL. 54)

Hoàn khiêu (GB.30) Phong thị (GB. 31)

Túc tam lý (ST.36) Thừa sơn (BL. 57)

Huyền chung (GB. 39) Dương lăng tuyền (GB. 34)

Địa ngũ hội (GB. 42)

Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng khoảng 15 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Xoa bóp bấm huyệt: Các thủ thuật xoa, xát, miết, day, lăn vùng lưng của chân đau. Bấm các huyệt bên đau. Vận động cột sống, vận động chân. Phát từ thắt lưng xuống chân đau. Liệu trình xoa bóp 30 phút/lần/ngày, một liệu trình điều trị từ 15 đến 30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh.

- Thủy châm: Sử dụng các thuốc theo y lệnh có chỉ định tiêm bắp.

Các huyệt: Đại trường du (BL. 25) Trật biên (BL. 54)

Thừa phù (BL. 36)

+ Thủy châm một lần/ngày, mỗi lần thủy châm vào 2- 3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 10-15 lần, có thể tiến hành 2-3 liệu trình liên tục. Tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.

- Giác hơi vùng lưng, chân đau. Ngày giác một lần.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể phong hàn thấp kết hợp can thận hư: Thường gặp trong những trường hợp đau thần kinh tọa do thoái hóa cột sống.

2.1. Triệu chứng: Đau vùng thắt lưng lan xuống mông, chân dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, đau có cảm giác tê bì, nặng nề, có thể teo cơ, bệnh kéo dài, dễ tái phát.

Kèm theo triệu chứng ăn kém, ngủ ít. Chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng dầy và nhớt. Mạch nhu hoãn hoặc trầm nhược.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, thiên hàn.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can thận hư (Tỳ hư nếu có teo cơ).

- Chẩn đoán kinh lạc: Kinh bàng quang và/hoặc Kinh đởm.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân + Bất nội ngoại nhân (nội thương).

2.3. Pháp: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, bổ can thận (kiện tỳ nếu có teo cơ).

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Bài cổ phương: Độc hoạt tang ký sinh thang

Độc hoạt

10g

Phòng phong

12g

Tang ký sinh

12g

Tế tân

04g

Tần giao

12g

Đương quy

12g

Phục linh

12g

Quế chi

04g

Bạch thược

12g

Xuyên khung

08g

Thục địa

12g

Chích cam thảo

06g

Đỗ trọng

12g

Ngưu tất

12g

Đảng sâm

12g

 

 

Ngày sắc uống 1 thang, chia 3 lần, liệu trình 10 - 15 thang.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Thục địa

12g

Ý dĩ

12g

Cẩu tích

12g

Bạch truật

12g

Tục đoạn

12g

Củ mài

12g

Tang ký sinh

12g

Tỳ giải

12g

Rễ cỏ xước

12g

Hà thủ ô đỏ

12g

Đảng sâm

12g

 

 

Ngày sắc uống 1 thang, chia 3 lần, liệu trình 10 - 15 thang.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm: Châm tả các huyệt giống thể phong hàn và châm bổ thêm các huyệt Can du (BL.18), Thận du (BL.23).

- Thủy châm: Giống thể phong hàn thấp.

- Cấy chỉ: giống thể phong hàn thấp, thêm huyệt Can du (BL.18), Thận du (BL.23).

- Xoa bóp bấm huyệt: giống thể phong hàn thấp, bấm thêm huyệt Can du (BL.18), Thận du (BL.23).

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể thấp nhiệt: Thường gặp trong những trường hợp đau thần kinh tọa do viêm nhiễm.

3.1. Triệu chứng: Đau vùng thắt lưng lan xuống mông, chân dọc theo đường đi của dây thần kinh hông to, đau có cảm nóng rát như kim châm. Chân đau nóng hơn chân bên lành, chất lưỡi hồng hoặc đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch hoạt sác.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt.

- Chẩn đoán kinh lạc: Kinh bàng quang và/hoặc Kinh đởm.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (thấp nhiệt).

3.3. Pháp: Thanh nhiệt trừ thấp, hành khí hoạt huyết.

3.4. Phương

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Ý dĩ nhân thang hợp với Nhị diệu tán

Ý dĩ nhân

12g

Quế chi

06g

Cam thảo

06g

Thược dược

06g

Ma hoàng

06g

Hoàng bá

12g

Bạch truật

12g

Thương truật

12g

Đương quy

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, liệu trình 10 - 15 thang.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Núc nác

12g

Thương truật

08g

Thổ phục linh

12g

Ý dĩ

16g

Tần giao

12g

Huyết giác

16g

Kê huyết đằng

12g

Đan sâm

12g

Hương phụ

12g

Vỏ quýt

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm tả các huyệt giống thể phong hàn thấp.

+ Liệu trình: ngày 1 lần, 7- 14 ngày/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

4. Thể huyết ứ: Thường gặp trong những trường hợp đau thần kinh tọa do chấn thương hoặc do thoát vị đĩa đệm.

4.1. Triệu chứng: Đau đột ngột, dữ dội tại một điểm, đau lan xuống chân, hạn chế vận động nhiều, chất lưỡi tím, có điểm ứ huyết. Mạch sáp.

4.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực.

- Chẩn đoán kinh lạc: Kinh bàng quang và/hoặc Kinh đởm.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (huyết ứ).

4.3. Pháp: Hoạt huyết khứ ứ, thông kinh hoạt lạc.

4.4. Phương

4.4.1. Điều trị bằng thuốc:

- Cổ phương: Thân thống trục ứ thang

Đương quy

12g

Đào nhân

06g

Hồng hoa

06g

Nhũ hương

08g

Chích thảo

04g

Hương phụ chế

12g

Khương hoạt

12g

Tần giao

12g

Địa long

06g

Ngưu tất

12g

Ngũ linh chi (tôi giấm) 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Ngải cứu

12g

Trần bì

08g

Tô mộc

12g

Kinh giới

12g

Nghệ vàng

10g

Uất kim

10g

Rễ cỏ xước

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

4.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Điện châm: châm tả các huyệt như thể phong hàn thấp và thêm huyệt Huyết hải (SP.10).

- Xoa bóp bấm huyệt: Giống thể phong hàn thấp và tránh động tác vận động cột sống (gập đùi vào ngực).

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

- Điều trị theo nguyên nhân (thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng).

- Giảm đau và phục hồi vận động nhanh.

- Điều trị nội khoa với những trường hợp nhẹ và vừa.

- Can thiệp ngoại khoa khi có những biến chứng liên quan đến vận động, cảm giác.

- Đau thần kinh tọa do nguyên nhân ác tính: điều trị giải chèn ép cột sống kết hợp điều trị chuyên khoa.

2. Điều trị cụ thể:

2.1. Điều trị bằng thuốc:

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

- Thuốc giảm đau: chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới. Tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp

- Chống viêm không steroid (NSAIDs): không được phối hợp hai loại thuốc trong nhóm, sử dụng phối hợp với thuốc bảo vệ dạ dày nhóm ức chế bơm proton.

- Thuốc giãn cơ.

- Trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh có thể kết hợp với một trong các thuốc giảm đau thần kinh.

- Trong trường hợp đau nhiều, các thuốc giảm đau ít tác dụng, có thể tiêm Corticosteroid ngoài màng cứng.

- Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (Với trường hợp đau thần kinh tọa do thoái hóa cột sống thắt lưng).

2.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Chế độ nghỉ ngơi: Nằm giường cứng, tránh các động tác mạnh đột ngột, tránh mang vác nặng, đứng, ngồi quá lâu.

- Vật lý trị liệu: Chiếu đèn hồng ngoại, thể dục trị liệu, kéo giãn cột sống thắt lưng, treo người bằng xà đơn, bơi, đeo đai lưng hỗ trợ nhằm tránh quá tải trên đĩa đệm cột sống.

V. PHÒNG BỆNH

- Giữ tư thế cột sống thẳng đứng khi ngồi lâu, đứng lâu, có thể mang đai lưng hỗ trợ.

- Tránh bị nhiễm lạnh, ẩm thấp kéo dài.

- Tránh các động tác đột ngột, sai tư thế, mang vác nặng.

- Luyện tập bơi lội hoặc yoga để tăng sức bền của khối cơ lưng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bệnh viện Bạch Mai (2011), Đau thần kinh tọa”, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 650 -652.

2. Bộ Y tế (2013), Danh mục hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu.

3. Bộ Y tế (2015), Ban hành Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.

4. Đỗ Tất Lợi (2003), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học.

5. Khoa Y học cổ truyền – Đại học Y Hà Nội (2017), Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học, tr. 152 -159, 177 - 181, 226 - 234.

6. Bộ Y tế (2016), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp, Nhà xuất bản Y học, tr 140-144.

7. Bộ Y tế (2017), Quy trình khám bệnh, chữa bệnh bằng cấy chỉ và Laser châm chuyên ngành châm cứu.

8. Các bộ môn Nội - Trường Đại học Y Hà Nội (2012),“Đau vùng thắt lưng và đau thần kinh hông to do thoát vị đĩa đệm”, Bệnh học Nội tập II, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 252 - 267.

9. Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Tập I, Tập II.

10. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng.

 

DI CHỨNG NHỒI MÁU NÃO

(BÁN THÂN BẤT TOẠI)

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại, di chứng tai biến mạch máu não nói chung và di chứng nhồi máu não nói riêng là hậu quả thường gặp của nhóm bệnh lý thần kinh mà nguyên nhân chính là do các bệnh lý tim mạch. Nhồi máu não xảy ra khi một mạch máu bị huyết khối hoặc bị nghẽn mạch làm khu vực não tưới máu bởi động mạch đó bị thiếu máu và hoại tử. Nhồi máu não chiếm khoảng 85% các tai biến mạch máu não, nguyên nhân chủ yếu do: xơ vữa mạch ở người lớn tuổi; tăng huyết áp; bệnh tim có loạn nhịp, hẹp van hai lá, viêm nội tâm mạc bán cấp… Trên lâm sàng, bệnh thường biểu hiện bằng tình trạng liệt nửa người với các thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra từ từ với các triệu chứng thần kinh khu trú hơn lan toả và được xếp vào phạm vi của chứng “Bán thân bất toại” của Y học cổ truyền.

Việc chẩn đoán xác định dựa trên triệu chứng lâm sàng có sự thiếu sót về chức năng thần kinh và cận lâm sàng trên phim CT – scanner hoặc MRI sọ não có hình ảnh nhồi máu não.

Hậu quả của nhồi máu não thường để lại di chứng liệt vận động nửa người, thất ngôn, liệt các dây thần kinh sọ, rối loạn cảm giác, rối loạn cơ tròn, trong đó liệt nửa người là triệu chứng hay gặp nhất. Do vậy, phục hồi chức năng cho người bệnh sau nhồi máu não là một yêu cầu cấp thiết. Khi người bệnh qua giai đoạn cấp các dấu hiệu sinh tồn ổn định thì có thể bắt đầu được điều trị bằng Y học cổ truyền hoặc kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

- Ngoại phong: chính khí cơ thể hư suy, vệ khí bất cố, lạc mạch trống rỗng làm phong tà thừa cơ xâm nhập vào kinh mạch khiến cho kinh mạch bế tắc, khí huyết không thông mà gây bệnh.

- Nội phong:

+ Ăn uống không điều độ, ăn nhiều chất béo ngọt, uống nhiều rượu bia hoặc lo nghĩ quá nhiều gây tổn thương Tỳ. Tỳ hư lâu ngày không vận hóa được thủy thấp làm thủy thấp đình trệ lại mà sinh đàm. Đàm tích trệ trong cơ thể lâu ngày uất lại hóa hỏa, hỏa động sinh phong mà gây bệnh.

+ Người cao tuổi hoặc bẩm tố thận tinh hư tổn không nuôi dưỡng được can âm. Âm hư không tiềm được dương làm can dương vượng lên mà sinh phong, phong động gây nên bệnh.

+ Người hay cáu giận, tình chí uất ức làm ảnh hưởng tới chức năng sơ tiết của tạng can, can hỏa vượng sinh phong mà gây bệnh.

- Khí hư, huyết ứ: Người cao tuổi, khí huyết cơ thể hư suy lâu ngày dẫn tới khí hư huyết ứ mà gây bệnh.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để

gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể can thận âm hư

Thường gặp ở người có thể trạng gầy, người cao tuổi, tăng huyết áp và có xơ vữa mạch.

1.1. Triệu chứng: Bán thân bất toại (yếu, liệt nửa người), chân tay cứng đờ, co quắp, nói ngọng, miệng méo, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ù tai, chất lưỡi đỏ, không rêu hoặc rêu vàng khô. Mạch huyền sác.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can thận âm hư.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

1.3. Pháp điều trị: Tư âm tiềm dương, trấn hỏa tức phong.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Lục vị địa hoàng hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết)

Thục địa

12g

Trạch tả

08g

Hoài sơn

12g

Phục linh

08g

Sơn thù

12g

Mẫu lệ

10g

Đan bì

08g

Miết giáp

10g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc bài: Đại định phong châu (Ôn bệnh điều biện)

Mạch môn

10g

Bạch thược

10g

A giao

08g

Ngũ vị tử

08g

Sinh mẫu lệ

10g

Sinh miết giáp

10g

Sinh quy bản

10g

Can địa hoàng

08g

Kê tử hoàng

2 quả

Chích cam thảo

06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Chú ý sau khi sắc xong cho Kê tử hoàng vào bát thuốc và uống nóng.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Long cốt

12g

Mẫu lệ

12g

Quy bản

12g

Miết giáp

12g

Bạch thược

12g

Huyền sâm

12g

Thiên môn

12g

Ngưu tất

12g

Câu đằng

12g

Cam thảo

06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

+ Phác đồ huyệt chung:

Bách hội (GV.20) Kiên tỉnh (GB.21)

Kiên ngung (LI.15) Tý nhu (LI.14)

Khúc trì (LI.11) Thủ tam lý (LI.10)

Ngoại quan (TE.5) Dương trì (TE.4)

Hợp cốc (LI.4) Phong thị (GB.31)

Phục thỏ (ST.32) Lương khâu (ST.34)

Túc tam lý (ST.36) Giải khê (ST.41)

Huyết hải (SP.10) Âm lăng tuyền (SP.9)

Thái khê (KI.3) Tam âm giao (SP.6)

Can du (BL.18) Thận du (BL.23)

Huyền chung (GB.39) Dương lăng tuyền (GB.34)

Bát tà Bát phong

+ Nếu liệt mặt:

Địa thương (ST.4) Giáp xa (ST.6)

Quyền liêu (SI.18) Thừa tương (CV.24) bên liệt

+ Nếu nói ngọng:

Liêm tuyền (CV.23) Bàng liêm tuyền 2 bên.

Liệu trình: 10 – 15 ngày/liệu trình. Chọn 16 – 20 huyệt cho 1 lần châm, thời gian châm 30 phút/lần/ngày.

- Cấy chỉ: Có thể chọn 10 – 15 huyệt theo phác đồ huyệt trên để cấy chỉ nửa người bên liệt. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng từ 7 đến 14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ đến khám lại để có chỉ định thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Điện mãng châm:

+ Thất ngôn, châm tả các huyệt:

Bách hội (GV.20) Thượng liêm tuyền hướng về gốc lưỡi

Ngoại kim tân Ngoại ngọc dịch

+ Liệt mặt: Châm tả các huyệt

Quyền liêu (SI.18) xuyên Hạ quan (ST.7)

Địa thương (ST.4) xuyên Giáp xa (ST.6)

Thừa tương (CV.24)Ế phong (TE.17)

+ Liệt tay: Châm tả các huyệt

Giáp tích C4 xuyên C7

Đại chùy (GV.14) xuyên Tích trung

Kiên ngung (LI.15) xuyên Khúc trì (LI.11)

Kiên trinh (SI.9) xuyên Cực tuyền (HT.1)

Khúc trì (LI.11) xuyên Ngoại quan (TE.5)

Hợp cốc (LI.4) xuyên Lao cung (PC.8) Bát tà

+ Liệt chân: Châm tả các huyệt

Giáp tích D12 xuyên L5

Hoàn khiêu (GB.30) xuyên Thừa phù (BL.36)

Thừa sơn (BL.57) xuyên Uỷ trung (BL.40)

Lương khâu (ST.34) xuyên Bễ quan (ST.31)

Giải khê (ST.41) xuyên Khâu khư (GB.40)

Tích trung (GV.6) xuyên Yêu dương quan (GV.3)

Dương lăng tuyền (GB.34) xuyên Huyền chung (GB.39)

Phi dương (BL.58) xuyên Côn lôn (BL.60)

Địa ngũ hội (GB.42)

Châm bổ các huyệt:

Thận du (BL.23) xuyên Bạch hoàn du (BL.30)

Tam âm giao (SP.6) xuyên Âm cốc (KI.10)

Thái khê (KI.3) xuyên Trúc tân (KI.9)

Huyết hải (SP.10) xuyên Âm liêm (LB.11)

Liệu trình: 10 – 15 lần/liệu trình. Thời gian châm 20 – 30 phút/lần.

- Laser châm: Công thức huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Liều điều trị: A thị huyệt 1 – 2J/cm2, các huyệt khác 1 – 3J/cm2. Thời gian 15 – 20 phút cho một lần laser châm. Mỗi ngày một lần, một liệu trình từ 10 đến 15 lần.

- Thủy châm: Sử dụng các thuốc có chỉ định tiêm bắp, tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc có thể sử dụng thuốc phù hợp với chẩn đoán. Mỗi lần thủy châm 2 – 3 huyệt, mỗi huyệt 1 – 2ml, ngày thủy châm 1 lần, từ 10 đến 15 ngày/liệu trình.

- Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các động tác xoa bóp bấm huyệt và vận động nửa người bên liệt. Day, ấn, bấm huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Liệu trình: từ 10 đến 15 ngày/liệu trình. Mỗi lần xoa bóp bấm huyệt 30 phút, ngày 1 lần.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể phong đàm

Thường gặp ở những người tăng huyết áp, béo phì, cholesterol máu cao.

2.1. Triệu chứng: Bán thân bất toại (liệt nửa người), chân tay tê dại, nặng nề, khó cử động, miệng méo, nói ngọng, nặng đầu, hoa mắt chóng mặt, lưỡi bệu, dính nhớt, rêu trắng dày. Mạch huyền hoạt hoặc phù hoạt.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư.

- Chẩn đoán tạng phủ: Tỳ hư.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương, đàm thấp hoá hoả sinh phong).

2.3. Pháp điều trị: Kiện tỳ, trừ đàm thông lạc.

2.4. Phương điều trị

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: “Đạo đàm thang” (Tế sinh phương)

Bán hạ chế

12g

Đảng sâm

12g

Trần bì

08g

Trúc nhự

04g

Phục linh

12g

Xương bồ

12g

Cam thảo

06g

Đại táo

12g

Đởm nam tinh

12g

Sinh khương

3 lát

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài “Bán hạ bạch truật thiên ma thang” (Y học tâm ngộ)

Bán hạ chế

12g

Trần bì

06g

Thiên ma

12g

Cam thảo

06g

Bạch truật

12g

Bạch linh

12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Bán hạ chế

12g

Trần bì

06g

Phục linh

12g

Bạch truật

12g

Khương hoạt

12g

Thạch xương bồ

12g

Thiên ma

12g

Cam thảo

06g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

+ Phác đồ huyệt chung:

Bách hội (GV.20) Kiên tỉnh (GB.21)

Kiên ngung (LI.15) Tý nhu (LI.14)

Khúc trì (LI.11) Thủ tam lý (LI.10)

Ngoại quan (TE.5) Dương trì (TE.4)

Hợp cốc (LI.4) Bát tà

Phong thị (GB.31) Phục thỏ (ST.32)

Lương khâu (ST.34) Huyết hải (SP.10)

Tỳ du (BL.20) Giải khê (ST.41)

Âm lăng tuyền (SP.9) Bát phong

Tam âm giao (SP.6) Túc tam lý (ST.36)

Phong long (ST.40) Dương lăng tuyền (GB.34)

Huyền chung (GB.39)

+ Nếu liệt mặt:

Địa thương (ST.4) Giáp xa (ST.6)

Quyền liêu (SI.18) Thừa tương (CV.24) bên liệt

+ Nếu nói ngọng:

Liêm tuyền (CV.23) Bàng liêm tuyền 2 bên.

Phương pháp châm: Hào châm hoặc điện châm.

Liệu trình: từ 10 đến 15 ngày/liệu trình. Chọn 10 – 15 huyệt cho 1 lần châm, thời gian châm 30 phút/lần/ngày.

- Cấy chỉ: Có thể chọn 10 – 15 huyệt theo phác đồ huyệt trên để cấy chỉ nửa người bên liệt. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng từ 7 đến14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ đến khám lại để có chỉ định thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Thủy châm, điện mãng châm, laser châm: Như thể Can thận âm hư.

- Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các động tác xoa bóp bấm huyệt và vận động nửa người bên liệt. Day, ấn, bấm huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Liệu trình: từ 10 đến 15 ngày/liệu trình. Mỗi lần xoa bóp bấm huyệt 30 phút, ngày 1 lần.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể khí hư huyết ứ

Thường gặp ở người bệnh có bệnh lý tim mạch, xơ vữa động mạch.

3.1. Triệu chứng: Bán thân bất toại (yếu, liệt nửa người), chân tay mình mẩy mềm vô lực, tê bì, nói ngọng, nói khó, miệng méo, sắc mặt không tươi nhuận, lưỡi tím có điểm ứ huyết. Mạch tế sáp hoặc hư nhược.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư trung hiệp thực.

- Chẩn đoán tạng phủ: Khí hư, huyết ứ.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

3.3. Pháp điều trị: Ích khí hoạt huyết thông lạc.

3.4. Phương điều trị

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: “Bổ dương hoàn ngũ thang”

Quy vĩ

12g

Hồng hoa

08g

Sinh hoàng kỳ

20g

Xuyên khung

10g

Địa long

06g

Xích thược

12g

Đào nhân

08g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Đảng sâm

12g

Xuyên khung

10g

Sinh hoàng kỳ

12g

Xích thược

12g

Đương quy

12g

Đan sâm

12g

Bạch truật

12g

Ngưu tất

12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

+ Phác đồ huyệt chung:

Châm tả các huyệt:

Bách hội (GV.20) Kiên tỉnh (GB.21)

Kiên ngung (LI.15) Tý nhu (LI.14)

Khúc trì (LI.11) Thủ tam lý (LI.10)

Ngoại quan (TE.5) Dương trì (TE.4)

Hợp cốc (LI.4) Huyền chung (GB.39)

Phong thị (GB.31) Phục thỏ (ST.32)

Lương khâu (ST.34) Giải khê (ST.41)

Âm lăng tuyền (SP.9) Dương lăng tuyền (GB.34)

Bát tà Tam âm giao (SP.6)

Bát phong bên liệt Huyết hải (SP.10) hai bên.

Châm bổ các huyệt:

Quan nguyên (CV.4) Khí hải (CV.6)

Túc tam lý (ST.36)

+ Nếu liệt mặt:

Địa thương (ST.4) Giáp xa (ST.6)

Quyền liêu (SI.18) Thừa tương (CV.24)

+ Nếu nói ngọng: Liêm tuyền (CV.23) Bàng liêm tuyền 2 bên

Phương pháp châm: Hào châm hoặc điện châm.

Liệu trình: từ 10 đến 15 ngày/liệu trình. Chọn 16 – 20 huyệt cho 1 lần châm, thời gian châm 30 phút/lần/ngày.

- Cấy chỉ: Có thể chọn 10 – 15 huyệt theo phác đồ huyệt trên để cấy chỉ nửa người bên liệt. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng từ 7 đến 14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ đến khám lại để có chỉ định thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Thủy châm, điện mãng châm, laser châm: Như thể Can thận âm hư.

- Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các động tác xoa bóp bấm huyệt và vận động nửa người bên liệt. Day, ấn, bấm huyệt như trong công thức huyệt điện châm. Liệu trình: từ 10 đến 15 ngày/liệu trình. Mỗi lần xoa bóp bấm huyệt 30 phút, ngày 1 lần.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

4.1. Nguyên tắc điều trị

- Kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng: Theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế và các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, Đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch kèm theo…

4.2. Điều trị cụ thể

4.2.1. Điều trị bằng thuốc

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

- Thuốc tăng cường dinh dưỡng và bảo vệ tế bào thần kinh

- Thuốc chống co cứng cơ

4.2.2. Điều trị không dùng thuốc

- Tập phục hồi chức năng: Các bài tập tùy thuộc vào giai đoạn, mức độ liệt của người bệnh. Giai đoạn liệt mềm tập thụ động các khớp bên liệt. Giai đoạn liệt cứng tập vận động thụ động hoặc có trợ giúp tùy thuộc vào mức độ liệt của người bệnh, tập nằm, ngồi, thăng bằng, đứng, đi và thực hiện các động tác sinh hoạt hàng ngày. Thực hiện theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế và các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

V. PHÒNG BỆNH

- Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như: Huyết áp, đường máu, lipid máu…

- Thay đổi lối sống: Ăn nhạt, giảm lượng rượu, bỏ thuốc lá, tăng cường vận động thể lực.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.

2. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.

3. Bộ Y tế (2017). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm chuyên ngành châm cứu.

4. Khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Y Hà Nội (2017). "Phục hồi chức năng vận động cho người bệnh liệt nửa người do tai biến mạch máu não", Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học.

5. Các bộ môn Nội - Trường Đại học Y Hà Nội (2018).” Tai biến mạch máu não”,

Bệnh học nội khoa tập 1, Nhà xuất bản Y học.

6. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng.

 

BẠI NÃO TRẺ EM

(NGŨ TRÌ)

I. ĐẠI CƯƠNG

Bại não (cerebral palsy) là trạng thái rối loạn thần kinh trung ương không tiến triển, gây nên do tổn thương não bởi nhiều nguyên nhân, ảnh hưởng vào giai đoạn trước, trong và sau khi sinh đến 5 tuổi, biểu hiện bằng các rối loạn về vận động, trí tuệ, giác quan và hành vi.

Bại não là một dạng đa tàn tật nặng nề, đứng vị trí hàng đầu trong mô hình tàn tật ở trẻ em. Phát hiện sớm, can thiệp sớm phục hồi chức năng cho trẻ bại não đem lại hiệu quả cao hơn, giảm tỷ lệ tàn tật ở trẻ bại não.

Tiêu chuẩn chẩn đoán xác định:

- Rối loạn vận động do tổn thương hệ thần kinh trung ương, nhưng không phải là hậu quả của một bệnh tiến triển.

- Rối loạn xảy ra từ khi sinh đến 5 tuổi.

- Trí tuệ bình thường hoặc chậm phát triển.

Cận lâm sàng: mang tính hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân

- Siêu âm não qua thóp, CT/MRI sọ não: tìm các tổn thương não.

- Các xét nghiệm hóa sinh, di truyền theo hướng chẩn đoán lâm sàng: để loại trừ bệnh cơ, suy giáp…

- Điện não đồ: không thể thiếu trong chẩn đoán bại não. Hoạt động điện não cơ bản bất thường, có các hoạt động kịch phát điển hình hoặc không, khu trú hoặc toàn thể hoá.

- Chụp X-quang: tìm dị tật cột sống, khớp háng, gối, cổ chân kèm theo.

Chẩn đoán thể bệnh:

- Bại não thể co cứng: khoảng 75%: Tăng trương lực cơ: Khi ta vận động thụ động tại các khớp trẻ chống lại mạnh. Các cơ cứng, gồng mạnh khiến trẻ vận động khó khăn.

- Bại não thể loạn trương lực/múa vờn: khoảng 15%: Trương lực cơ luôn thay đổi: trẻ lúc gồng cứng, lúc mềm, lúc bình thường. Do bất thường trong kiểm soát cử động nên trẻ khó có tư thế ngồi hoặc dáng đi bình thường.

- Bại não thể thất điều: khoảng 4%: Giảm trương lực cơ toàn thân. Rối loạn điều phối vận động hữu ý.

- Bại não thể liệt nhẽo: rất hiếm gặp. Giảm trương lực cơ toàn thân: Toàn thân mềm nhẽo, cơ lực yếu.

- Bại não thể phối hợp: thường gặp thể co cứng phối hợp với thể múa vờn.

Nguyên nhân:

Nguyên nhân trước sinh:

- Nhiễm độc thai nghén.

- Nhiễm độc: thuốc an thần như gardenal, thuốc chống ung thư, thuốc lá, thuốc phiện, các yếu tố độc hại như thuốc diệt cỏ, trừ sâu …

- Nhiễm vi rút trong 3 tháng đầu mang thai: rubella, cytomegalovirus và toxoplasmosis…

- Bệnh tuyến giáp trạng, đái tháo đường thai kỳ...

- Thiếu oxy não bào thai: do chức năng rau thai bị giảm sút (suy rau thai), bị bóc tách khỏi thành tử cung trước khi sinh (rau bong non) hoặc chảy máu do sai lệch vị trí (rau tiền đạo)... làm giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi.

Nguyên nhân trong khi sinh:

- Đẻ non < 37 tuần, đặc biệt trước 32 tuần và nhất là trước 28 tuần thai.

- Đẻ nhẹ cân: cân nặng khi sinh thấp dưới 2.500g. Một nghiên cứu cho thấy trẻ đẻ non, có cân nặng lúc sinh < 1.500 gram có nguy cơ bại não cao gấp 30 lần so với trẻ sinh đủ tháng (từ 38 đến 42 tuần thai).

- Ngạt hoặc thiếu oxy não khi sinh: chiếm khoảng 10%, do rau thai không cung cấp đủ oxy, dây rốn quấn cổ, ngạt nước ối, nhiễm trùng… Trẻ đẻ ra không khóc ngay, tím tái hoặc trắng bệch phải cấp cứu.

- Đẻ khó: Do khung chậu mẹ hẹp, ngôi ngược, đa ối, đa thai, thai to, rau bong non, vỡ ối sớm, nhiễm độc thai nghén nặng, mẹ có bệnh tim/thận…, dùng kẹp lấy thai, hút thai, đẻ chỉ huy.

Nguyên nhân sau khi sinh:

- Bất đồng nhóm máu Rh, ở Việt Nam rất hiếm gặp vì tỷ lệ mang Rh (-) cực kỳ hiếm, hay gặp hơn bất đồng nhóm máu ABO giữa mẹ và thai nhi.

- Vàng da nhân: Do sự tích tụ trong máu quá mức của bilirubin. Sắc tố này có thể vượt qua hàng rào máu – não và lắng đọng chủ yếu ở các nhân nền của não, gây bại não thể múa vờn.

- Xuất huyết não do thiếu Vitamin K ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi.

Theo Y học cổ truyền, bại não thuộc chứng Ngũ trì. Ngũ trì là 5 chứng chậm: chậm mọc tóc, mọc răng, chậm biết đi, chậm nói, chậm khôn. Bệnh chủ yếu do thận tiên thiên bất túc và hậu thiên nuôi dưỡng không đầy đủ và được chia làm 3 thể:

- Can thận bất túc

- Tâm tỳ hư

- Đàm ứ trở trệ

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Bệnh chủ yếu do tiên thiên bất túc và hậu thiên nuôi dưỡng không đầy đủ.

Trẻ sinh thiếu tháng thường do “tiên thiên thai bẩm thụ bất túc, nguyên khí hư yếu”. Nếu lại thêm đẻ khó, chuyển dạ kéo dài gây ngạt, nguyên khí càng bị tổn thương. Những trẻ này trong quá trình sinh trưởng và phát dục, bệnh cơ mười phần phức tạp. Thận khí hư yếu, nguồn hóa sinh ra thận tinh bất túc, nguồn sinh hóa cho cốt tủy giảm, làm xương mềm yếu, lưng gối không mạnh, chân mềm rũ không đi đứng được. Thận tinh hư, não tủy bất túc, làm trí khôn giảm sút, tinh thần mờ tối.

Trẻ ngũ trì do tiên thiên bất túc, thường dẫn đến hậu thiên bất điều. Do thận khí hư yếu, mệnh môn hỏa suy không ôn ấm được tỳ dương, làm tỳ không vận hóa được thủy cốc và bổ sung tinh cho thận, tỳ thận đều hư. Ngoài ra, do nuôi dưỡng kém, tinh huyết không đầy đủ, không có nguồn hóa sinh tân dịch, khiến bệnh nặng thêm, gây phát dục chậm, tinh thần chậm chạp.

Mặt khác, thận sinh huyết, huyết được tàng ở can. Khi thận tinh hư tổn, dẫn đến can huyết bất túc và ngược lại. Can chủ cân, can huyết hư làm trẻ chân tay co cứng, xoắn vặn, không đi được, răng nghiến chặt, có lúc can huyết hư sinh phong thành cơn động kinh.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Can thận bất túc: Thường gặp trong bại não thể co cứng, thể phối hợp, thể thất điều.

1.1. Triệu chứng: gân xương mềm yếu, phát dục chậm, chậm ngồi, đứng, đi, mọc răng… Chân tay cử động chậm chạp, khi đứng chân co rút, bước không thẳng. Mặt, mắt co kéo, nói ngọng, không rõ tiếng, thóp lâu liền, cổ lưng mềm. Đêm ngủ không yên, dễ lên cơn co giật. Lưỡi nhợt, ít rêu. Mạch trầm tế, chỉ văn nhợt.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can thận bất túc.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (Tiên thiên bất túc).

1.3. Pháp: Bổ thận ích tủy, dưỡng can cường cân.

1.4. Phương:

1.4.1. Điều trị bằng thuốc:

- Cổ phương: Lục vị địa hoàng hoàn

Thục địa 16g Bạch linh 08g

Hoài sơn 08g Đan bì 06g

Sơn thù 08g Trạch tả 06g

Luyện mật làm hoàn ngày uống 8 - 12g/lần x 2 - 3 lần/ngày với nước sôi để nguội hoặc nước muối nhạt.

Hoặc làm thang có thể điều chỉnh liều cho phù hợp, sắc uống ngày 1 thang, chia lần 2 lần.

Gia giảm: Nếu người bệnh:

Răng mọc chậm gia Hà thủ ô 12g, Long cốt 12g, Mẫu lệ 16g.

Chậm biết đi gia Ngưu tất 10g, Đỗ trọng 12g, Tang ký sinh 12g.

Cổ gáy mềm yếu gia Kỷ tử 8g, Thỏ ty tử 10g, Ba kích 10g.

Đêm ngủ không yên, dễ kích thích gia Đan sâm 10g, Viễn chí 4g.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

Châm:

- Mục tiêu: trừ đàm thông lạc, thư cân, giãn cơ, khai khiếu tỉnh thần.

- Kỹ thuật: hào châm, điện châm, cấy chỉ catgut, trường châm, mãng châm, mai hoa châm...

- Thủ thuật: bình bổ bình tả là chính, một số huyệt châm bổ. Nên sử dụng thủ thuật châm không lưu kim của nhi khoa.

- Liệu trình:

+ Châm mỗi lần chọn 10 - 16 huyệt để châm 1 lần/ngày x 4 - 6 tuần/liệu trình, giữa các liệu trình nghỉ 2 - 3 tuần.

+ Với trẻ < 3 tuổi, lứa tuổi đang phát triển các mốc vận động cơ bản, cần điều trị tích cực 3 - 4 liệu trình/năm.

- Công thức huyệt:

Huyệt theo di chứng:

+ Rối loạn tâm thần:

Bách hội (GV.20)

Tứ thần thông

Nội quan (PC.6)

An miên

Thần môn (HT.7)

 

+ Cổ gáy mềm:

Phong phủ (GV.16)

Thiên trụ (BL.10)

Phong trì (GB.20)

 

+ Liệt chi trên:

Kiên tỉnh (GB.21)

Thủ tam lý (LI.10)

Hợp cốc (LI.4)

Kiên ngung (LI.15)

Xích trạch (LU.5)

Lao cung

Tý nhu (LI.14)

Liệt khuyết (LU.7)

Bát tà.

Khúc trì (LI.11)

Ngoại quan (TE.5)

 

+ Liệt chi dưới:

Hoàn khiêu (GB.30)

Dương lăng tuyền (GB.34)

Giải khê (ST.41)

Phong thị (GB.31)

Túc tam lý (ST.36)

Thái khê (KI.3)

Lương khâu (ST.34)

Âm lăng tuyền (SP.9)

Hành gian (LR.2)

Huyết hải (SP.10)

Huyền chung (GB.39)

Thái xung (LR.3)

Trung đô (LR.6)

Tam âm giao (SP.6)

Côn lôn (BL.60)

Phong long (ST.40)

Dũng tuyền (KI.1)

Nội đình (ST.44)

Bát phong

 

 

+ Nói khó, chậm nói

+ Chảy dãi nhiều: Địa thương (ST.4) Giáp xa (ST.6).

Huyệt toàn thân:

Á môn (GV.15)

Nhĩ môn (TE.21)

Thông lý (HT.5)

Liêm tuyền (CV.23)

Phong trì (GB.20)

Thượng liêm tuyền

Thiên đột (CV.22)

Uyển cốt (SI.4)

Ngoại kim tân

Phế du (BL.13)

Giản sử (PC.5)

Ngoại ngọc dịch

Can du (BL.18)

Túc tam lý (ST.36)

Huyền chung (GB.39)

Thận du (BL.23)

Tam âm giao (SP.6)

 

Nhĩ châm: châm cách ngày hoặc gài kim nhĩ châm 7-10 ngày/đợt.

- Huyệt chung: não, dưới vỏ.

- Can thận hư tổn: châm vùng Can, thận.

Thủy châm:

- Thủy châm ngày 1 lần vào các huyệt: Túc tam lý, Tý nhu, Khúc trì, Thủ tam lý, Ngoại quan, Hợp cốc, mỗi lần thuỷ châm vào 2-5 huyệt (nên chọn huyệt ở các vùng có thể tiêm bắp).

- Các thuốc dùng để thuỷ châm: Các thuốc có chỉ định tiêm bắp tuỳ theo từng trường hợp cụ thể theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

- Liệu trình: Thuỷ châm ngày 1 lần, mỗi lần 2 - 5 huyệt x 4-6 tuần hoặc theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Xoa bóp cổ truyền: Có thể hướng dẫn người chăm trẻ làm, cho kết quả khả quan nếu kiên trì.

+ Véo da cột sống lưng:

Thủ thuật: Véo dọc cột sống lưng.

Tác dụng: tác động đến mạch đốc, tăng cường lưu thông khí huyết, kích thích tiêu hoá và bổ thận.

Cách làm: trẻ nằm sấp trên đùi người làm. Véo da dọc cột sống lưng trẻ, từ cột sống cùng đến đốt sống cổ VII. Véo thành ba đường, một đường chính giữa cột sống, hai đường còn lại ở hai bên cách đường giữa khoảng 1 - 1,5 cm. Mỗi đường véo 3-4 lần. Sau khi làm, da vùng cột sống ửng hồng lên là đạt yêu cầu. Làm cho trẻ 1 lần/ngày, xa bữa ăn, tốt nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Cấy chỉ:

Có thể cấy chỉ cát-gút vào các huyệt:

- Công thức huyệt cấy chỉ: điều chỉnh tuỳ theo các triệu chứng lâm sàng và tình trạng di chứng của trẻ. Mỗi lần cấy chỉ từ 10 - 15 huyệt.

- Liệu trình: Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng trong 2 - 3 tuần, sau 2 - 3 tuần hẹn người bệnh tái khám để có chỉ định thực hiện liệu trình tiếp theo.

Xoa bóp bấm huyệt:

- Mục tiêu: thông kinh hoạt lạc, thư cân, giãn cơ.

- Thủ thuật: tùy từng bệnh nhi và thể bệnh mà xoa bóp bổ hay tả.

+ Trẻ còn khỏe, bệnh mới, thể thực xoa bóp tả, ngược chiều kim đồng hồ và ngược đường kinh, nhiều hơn.

+ Trẻ yếu, nằm lâu ngày, thể hư xoa bóp bổ, xuôi đường kinh và chiều kim đồng hồ, nhiều hơn.

Xoa bóp từng chi, chú trọng chi co cứng/teo nhẽo, rồi đến toàn thân.

- Thủ thuật:

+ Tác động lên da: xoa, xát, véo, vỗ, phân, hợp.

+ Tác động lên cơ: day, bóp, lăn, đấm, chặt và vờn.

+ Tác động lên huyệt: bấm, điểm, ấn, day huyệt. Các huyệt dùng như mục thể châm (1.4.2).

+ Tác động lên khớp: vận động các khớp theo tầm vận động của khớp.

Các kinh xoa bóp chủ yếu là Túc thái dương Bàng quang (từ Thừa phù BL.36 đến Côn lôn BL.60) và Túc thiếu dương Đởm (từ Hoàn khiêu (GB.30 đến Huyền chung GB.39).

- Liệu trình: 20 – 30 phút/lần/ngày, 1 - 2 lần/ngày.

+ Thầy thuốc làm: 4 - 6 tuần/đợt x 2 - 3 đợt/năm (trẻ < 3 tuổi làm 3 - 4 đợt/năm), giữa các đợt nghỉ 10-30 ngày.

+ Người chăm trẻ làm: làm liên tục, không nghỉ giữa các đợt.

* Ngoài ra: có thể kết hợp điện nhĩ châm, mai hoa châm...

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Tâm tỳ hư: tương đương bại não thể liệt nhẽo, thể thất điều.

2.1. Triệu chứng: chậm nói, nói ngọng, tinh thần đần độn, tứ chi mềm yếu, cử động chậm chạp, khó khăn, bước đi không thẳng, cơ nhục nhẽo, tóc mọc chậm, vàng, khô thưa. Miệng chảy dãi, nhai bú vô lực, nuốt thức ăn khó khăn, biếng ăn. Lưỡi nhợt bệu, ít rêu. Mạch tế hoãn, chỉ văn nhạt.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư

- Chẩn đoán tạng phủ: Tâm tỳ hư

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (Tiên thiên bất túc và hậu thiên bất điều).

2.3. Pháp: Kiện tỳ dưỡng tâm, bổ ích khí huyết.

2.4. Phương:

2.4.1. Điều trị bằng thuốc:

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Cổ phương: Điều nguyên tán gia vị

Phục linh

08g

Nhân sâm

06g

Bạch thược

08g

Phục thần

08g

Bạch truật

12g

Thạch xương bồ

08g

Hoài sơn

12g

Xuyên khung

06g

Cam thảo

06g

Thục địa

10g

Đương quy

10g

Hoàng kỳ

12g

Tán bột, ngày uống 4 – 6g, chia sáng chiều. Có thể dùng dạng thang sắc uống, điều chỉnh liều lượng tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Gia giảm:

Nếu trẻ chậm nói, tinh thần đần độn gia Viễn chí 4g, Uất kim 4g.

Trẻ tóc mọc chậm, khó dài gia Hà thủ ô 8g, Nhục thung dung 10g, Tang thầm 12g.

Trẻ tứ chi mềm yếu gia Quế chi 4g.

Trẻ miệng chảy dãi gia Ích trí nhân 8g.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc: cơ bản như mục 1.4.2.

Ø Châm cứu

Thể châm:

Công thức huyệt toàn thân: châm bổ để dưỡng tâm kiện tỳ:

Tâm du (BL.15)

Lương khâu (ST.34)

Tỳ du (BL.20)

Huyết hải (SP.10)

Thần môn (HT.7)

Thông lý (HT.5)

Nhĩ châm: ngoài huyệt chung châm thêm vùng dạ dày, tim.

  • Xoa bóp cổ truyền: cơ bản như mục 1.4.2.

Véo da cột sống lưng: giống thể can thận bất túc.

Xoa bóp bấm huyệt toàn thân: các kinh xoa bóp chủ yếu là Mạch Đốc (từ Đại chùy GV.14 đến Trường cường GV.1) và Túc dương minh Vị (từ Bễ quan ST.31 tới Giải khê ST.41).

Thuỷ châm, nhĩ châm: giống thể 1. Ngoài ra cũng có thể điện nhĩ châm, mai hoa châm...

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Đàm ứ trở trệ: hay gặp ở trẻ bại não do di chứng viêm não-màng não.

3.1. Triệu chứng: thất ngôn, nghe kém, tinh thần mờ tối, phản ứng chậm chạp. Cử động không tự chủ. Nuốt thở khó khăn, họng có tiếng đờm khò khè. Cứng khớp, cơ nhục mềm nhẽo. Có thể có cơn động kinh. Chất lưỡi bệu có điểm ứ huyết, rêu nhớt. Mạch trầm sáp hoặc hoạt, chỉ văn tối trệ.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý, hư trung hiệp thực.

- Chẩn đoán tạng phủ: Đàm thấp trở trệ.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (Đàm thấp trở trệ kinh lạc).

3.3. Pháp: Trừ đàm khai khiếu, hoạt huyết thông lạc.

3.4. Phương:

3.4.1. Điều trị bằng thuốc:

- Cổ phương: Bài “Thông khiếu hoạt huyết thang” kết hợp “Nhị trần thang” gia giảm

Xích thược

12g

Hồng hoa

08g

Xuyên khung

06g

Sinh khương

04g

Đào nhân

08g

Thông bạch

03 củ

Đan sâm

10g

Bán hạ chế

08g

Bạch linh

10g

Trần bì

06g

Cam thảo

06g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Gia Viễn chí 6g, Thạch xương bồ 06g để tăng sức khai khiếu; Uất kim 6 - 8g để tăng tác dụng hoạt huyết thông lạc.

Nếu người bệnh có:

Tâm can hỏa vượng, kinh giật kêu khóc, gia Hoàng liên 10g, Long đởm thảo 10g.

Đại tiện táo gia Đại hoàng 2g để thông phủ.

Nhiệt cực sinh phong gây co giật, gia Quy bản 16g, Thiên ma 12g, Mẫu lệ 12g.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc: cơ bản như mục 1.4.2.

Ø Châm cứu

Thể châm:

Công thức huyệt toàn thân: châm bổ:

Cách du (BL.17)

Huyết hải (SP.10)

Túc tam lý (ST.36)

Tỳ du (BL.20)

Phong long (ST.40)

 

Nhĩ châm: ngoài huyệt chung châm thêm vùng dạ dày.

Ø Xoa bóp cổ truyền:

Véo da cột sống lưng

Xoa bóp bấm huyệt toàn thân: xoa bóp chủ yếu là Túc dương minh Vị (từ Bễ quan ST.31 tới Giải khê ST.41) và Thủ thái âm Phế (từ Vân môn I.1 đến Ngư tế I.10).

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

Bại não chưa có thuốc điều trị bệnh, chỉ điều trị triệu chứng. Nên điều trị sớm nhất có thể. Chủ yếu là phục hồi chức năng.

2. Điều trị cụ thể

2.1. Điều trị bằng thuốc:

- Thuốc chữa triệu chứng: thuốc chống động kinh, an thần, tăng cường tuần hoàn não...

- Tiêm thuốc giãn cơ: với các nhóm cơ co cứng quá nhiều, để hỗ trợ tập phục hồi chức năng:

Chỉ định: trẻ bại não thể co cứng, co rút;

Mục đích: giảm trương lực cơ, tăng cường khả năng vận động có ý thức, kiểm soát tư thế, phòng chống biến dạng…

Thuốc: Botulinum Toxin nhóm A (BTX-A)

2.2. Điều trị không dùng thuốc:

Phục hồi chức năng nên bắt đầu càng sớm càng tốt, sẽ tránh được các biến dạng co rút cơ, cứng khớp và giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động sớm.

Mục tiêu:

- Giảm trương lực cơ, tăng cường cơ lực ở một số nhóm cơ chính.

- Dự phòng thương tật thứ phát: cứng khớp, co rút cơ.

- Phá vỡ, ức chế các phản xạ nguyên thủy: duỗi chéo, nâng đỡ hữu hiệu…

- Tạo thuận các vận động chức năng và kích thích sự phát triển vận động thô theo các mốc lẫy, ngồi, bò, quỳ, đứng, đi.

- Tăng cường khả năng độc lập trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, đánh răng rửa mặt, tắm, đi vệ sinh, thay quần áo.

- Kích thích giao tiếp sớm và phát triển ngôn ngữ, tư duy.

Các phương pháp phục hồi chức năng thường được sử dụng:

- Vận động trị liệu: đóng vai trò quan trọng trong phục hồi chức năng vận động

+ Mục đích: tăng lực cơ, tăng sức chịu đựng, điều hoà sự vận động và tăng hay duy trì tầm vận động khớp.

+ Cách tập: từ từ tăng dần, từ vận động thụ động - vận động chủ động có trợ giúp - vận động chủ động - vận động đề kháng - kéo giãn.

Tập vận động trương lực theo các mốc phát triển vận động thô của trẻ và theo thể lâm sàng bại não (tạo thuận vận động): kiểm soát đầu cổ - lẫy - ngồi - quỳ - bò - đứng - đi - chạy.

- Huấn luyện giao tiếp và ngôn ngữ: gồm huấn luyện kỹ năng giao tiếp sớm và ngôn ngữ trị liệu.

- Hoạt động trị liệu: giúp trẻ có thể hoạt động hàng ngày. Nhằm 3 mục tiêu: tự chăm sóc, học tập/công việc và sinh hoạt giải trí/vui chơi.

Các phương pháp khác: chiếu đèn hồng ngoại (nhiệt trị liệu), điện trị liệu, thủy trị liệu, giáo dục hòa nhập và đặc biệt, dụng cụ chỉnh hình, hướng nghiệp dạy nghề.

V. PHÒNG BỆNH

1. Dự phòng tiên phát:

- Tránh có thai trước tuổi trưởng thành.

- Dinh dưỡng tốt cho bà mẹ trước và trong khi thai nghén.

- Tránh dùng các loại thuốc không cần thiết khi mang thai.

- Khám thai thường quy có thể phát hiện sớm các bệnh lý của bà mẹ và tình trạng bất thường của thai gây tổn thương não của trẻ.

- Tránh các sang chấn sản khoa trong khi sinh.

- Nuôi con bằng sữa mẹ.

- Nâng cao chất lượng cấp cứu trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế.

- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.

2. Phòng ngừa thứ phát:

- Khám theo dõi thường quy trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hàng quý trong 12 tháng đầu đời có thể phát hiện sớm bại não.

- Trẻ bệnh cần được theo dõi, quản lý lâu dài và điều trị sớm nhất có thể.

Phục hồi chức năng cho trẻ bại não là một việc khó khăn, cần kiên trì, kết hợp lồng ghép với các chương trình khác của nhi khoa như chương trình “Phát hiện và can thiệp sớm”, “Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng”, kết hợp với truyền thông chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em về dinh dưỡng, phòng bệnh, sức khỏe sinh sản…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2013). Quy trình khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu,

Quyết định 792/QĐ-BYT ban hành ngày 12/3/2013.

2. Bộ Y tế (2015), Danh mục thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc Y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm Y tế, Thông tư 05/2015/TT-BYT ban hành ngày 17/3/2015.

3. Trần Thị Thu Hà, Trần Trọng Hải (2005), Phát hiện sớm, can thiệp sớm một số dạng tàn tật ở trẻ em Việt Nam, NXB Y học.

4. Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội (2017), Phục hồi chức năng cho trẻ bại não, Nhi khoa YHCT.

5. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (2008), Phục hồi chức năng cho trẻ bại não, Tài liệu số 10, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

6. 汪受传,虞坚尔2013),五迟五软中医儿科学,全国高等中医药院校规 划教材(第九版),212-7.

Vương Thụ Truyền, Ngu Kiên Nhĩ (2013), Ngũ trì ngũ nhuyễn, Giáo trình Nhi khoa Trung Y, Tài liệu dành cho các Trường Cao đẳng Trung Y dược Toàn quốc (tái bản lần thứ 9), 212-7.

 

DI CHỨNG VIÊM NÃO DO VIRUS

(ÔN BỆNH)

I. ĐẠI CƯƠNG

Viêm não có thể do nhiều tác nhân khác nhau gây nên, gồm các tác nhân do nhiễm vi rút, vi khuẩn, xoắn khuẩn, ký sinh trùng, đơn bào hoặc do các tác nhân không phải nhiễm trùng như tác dụng không mong muốn của thuốc, bệnh hệ thống... Trong đó nguyên nhân do nhiễm trùng là quan trọng và phổ biến nhất, đặc biệt nguyên nhân do vi rút.

Các vi rút thường gặp gây viêm não: vi rút Arbo (Alphaviruses, Flaviviruses, Bunyaviruses…); vi rút đường ruột: Enterovirus 71 (EV71) gây bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ và các triệu chứng bệnh lý hệ thần kinh; Vi rút Herpes simplex (HSV-1), vi rút Varicella-zoster (VZV) gây bệnh thuỷ đậu, sau khi khỏi bệnh, vi rút vẫn còn ẩn trong các hạch thần kinh, có thể gây viêm não sau thuỷ đậu; Các vi rút Beta-Herpes (Cytomegalovirus-CMV); Các vi rút Gamma Herpes (Virut Epstein Barr-EBV); Vi rút quai bị; Các vi rút ít gặp: HIV (Human immuno-deficiency virus), Vi rút sởi, Vi rút Dengue, Vi rút Adeno, Vi rút cúm và Á cúm, Vi rút dại.

Giai đoạn cấp: sốt cao, co giật, hôn mê, dấu hiệu bó tháp, dấu hiệu ngoại tháp, động tác bất thường, dấu hiệu màng não; về tâm thần như lú lẫn, mê sảng và các rối loạn thực vật.

Giai đoạn di chứng hoặc phục hồi: sau giai đoạn viêm não cấp khoảng 2-6 tuần, có thể để lại nhiều di chứng, biểu hiện chủ yếu là các di chứng về thần kinh và tâm trí:

- Chậm phát triển tâm thần và vận động ở trẻ em.

- Giảm vận động nửa người hoặc tứ chi.

- Thất ngôn, rối loạn ngôn ngữ.

- Động kinh cục bộ hoặc toàn bộ.

- Rối loạn trương lực cơ, run kiểu parkinson.

- Rối loạn cảm xúc, tác phong, tính tình và nhân cách.

- Giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ...

Cận lâm sàng:

- Các xét nghiệm cơ bản (công thức máu, XQ tim phổi, tổng phân tích nước tiểu, sinh hoá máu...). Ngoài ra có thể xem xét chỉ định thêm tuỳ từng trường hợp:

- Điện não đồ.

- Điện cơ đồ.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) sọ não, chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI).

Chẩn đoán di chứng viêm não do vi rút: Dựa vào tiền sử, bệnh sử và chẩn đoán mắc viêm não do vi rút trước đó; Các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như đã mô tả.

Theo Y học cổ truyền, viêm não thuộc hệ thống các bệnh ôn nhiệt, dịch lệ, thuộc Ôn bệnh của YHCT. Những di chứng để lại sau viêm não là di chứng của ôn bệnh.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Trong bệnh học của Y học cổ truyền viêm não được xếp vào Ôn bệnh. Di chứng viêm não là di chứng của Ôn bệnh.

Bệnh lúc đầu thường do ngoại cảm ôn tà gây nên. Viêm não thường phát vào mùa hạ hoặc cuối hạ nên thuộc thử ôn hoặc thấp ôn.

Sau khi qua giai đoạn cấp của bệnh, người bệnh chuyển sang giai đoạn di chứng sau ôn bệnh, nguyên nhân lúc này thường do nội thương: Do sốt cao kéo dài làm âm dịch hao tổn, tinh huyết khô ráo, thủy không dưỡng được mộc, âm hư liên cập đến dương, làm khí huyết đều hư. Nhiệt thường hiệp với thấp, thấp bị nhiệt cô lại thành đàm, bế tắc tâm khiếu, trở trệ mạch lạc, sinh đần độn, không nói, chân tay co cứng hoặc liệt.

Tùy từng thời kỳ sẽ có những nguyên nhân nội thương và biểu hiện lâm sàng khác nhau như sau:

- Thiên về âm hư (thiên về hư chứng): đêm nóng sáng mát, da thịt gầy róc, miệng họng khô, hết sốt mà không có mồ hôi, lòng bàn tay chân nóng và đỏ, đại tiện táo, nước tiểu vàng, môi lưỡi đỏ. Mạch tế sác.

- Nếu âm huyết hư sinh phong (thiên về thực chứng): kích thích quấy khóc, la hét, vật vã, phiền nhiệt, mất ngủ, chân tay co cứng, xoắn vặn, run giật hoặc co giật, chất lưỡi nhợt. Mạch huyền tế.

- Thiên về khí huyết hư (thiên về hư chứng): đàm nhiệt trở trệ mạch lạc, bế tắc tâm khiếu sinh đần độn, khó nói, chân tay co quắp, cứng hoặc liệt, không ngồi không đứng, không đi được, sắc mặt trắng nhợt, chất lưỡi nhợt hoặc tím. Mạch tế sáp.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể âm hư

1.1. Triệu chứng: đêm nóng, sáng mát, hết sốt hoặc chỉ còn sốt nhẹ mà không có mồ hôi. Người gầy, lòng bàn chân tay nóng đỏ. Tinh thần mờ tối, thường nằm yên ít cử động, nhận biết kém. Đại tiện táo, nước tiểu vàng. Miệng họng khô, môi lưỡi đỏ, ít rêu hoặc không rêu. Mạch tế sác.

Nếu âm huyết hư sinh phong trẻ còn thêm quấy khóc, la hét, vật vã, phiền nhiệt, mất ngủ, chân tay co cứng, xoắn vặn, co giật hoặc run giật.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Âm hư/can thận âm hư.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

1.3. Pháp:

- Thiên về âm hư: dưỡng âm thanh nhiệt.

- Thiên về âm huyết hư sinh phong: tư dưỡng âm huyết, chỉ kinh phong.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc:

* Nếu thiên về âm hư có thể dùng các bài thuốc sau:

- Cổ phương:

+ Thanh hao miết giáp thang gia giảm

Thanh cao

Miết giáp

08g

16g

Tri mẫu

Đan bì

06g

08g

Sinh địa

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài: Đương quy lục hoàng thang gia giảm

Đương quy

06g

Hoàng bá

06g

Sinh địa

06g

Hoàng cầm

06g

Thục địa

06g

Hoàng kỳ

12g

Hoàng liên

06g

 

 

Sáu vị đầu liều lượng như nhau, riêng Hoàng kỳ nhiều gấp đôi.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Bài này dùng khi còn dư nhiệt, chủ trị các trường hợp vừa qua khỏi giai đoạn viêm não cấp tính, còn nhiều rối loạn thần kinh thực vật như sốt nhẹ kéo dài, những trường hợp âm hư hoả vượng đạo hãn nhiều.

+ Khi dư nhiệt đã bớt, trẻ chủ yếu chỉ còn dấu hiệu âm hư, có thể dùng bài: Lục vị địa hoàng thang:

Thục địa

16g

Trạch tả

06g

Hoài sơn

08g

Bạch linh

06g

Sơn thù

08g

Đan bì

06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài: Tri bá địa hoàng thang

Thục địa

Hoài sơn

Sơn thù

16g

08g

08g

Đan bì

Bạch linh Trạch tả

06g

06g

06g

Tri mẫu

08g

Hoàng bá

08g

Dùng trong những trường hợp âm hư hoả vượng gây triều nhiệt, đạo hãn, mặt đỏ, miệng môi khô, tâm phiền, đại tiện bí, lưỡi đỏ. Mạch tế sác...

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Trường hợp bệnh nhi viêm não giai đoạn bán cấp, có loạn thần, nuốt thở khó khăn, miệng chảy dãi, họng có tiếng đờm khò khè, chất lưỡi nhợt, rêu cáu bẩn. Mạch hoạt trệ, dùng bài Đạo đàm thang gia giảm:

Bán hạ chế

08g

Chỉ thực

08g

Trần bì

08g

Thiên nam tinh

06g

Phục linh

08g

Cam thảo

04g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Gia giảm: Thường gia Xương bồ 12g, Viễn chí 6g để tăng sức khai khiếu tỉnh thần, Uất kim 6g để thanh nhiệt khai khiếu.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

* Nếu thiên về âm huyết hư sinh phong có thể dùng bài Lục vị quy thược

Thục địa

16g

Trạch tả

06g

Hoài sơn

08g

Bạch linh

06g

Sơn thù

08g

Đan bì

06g

Đương quy

08g

Bạch thược

08g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Gia giảm: nếu bệnh nhi:

+ Chân tay co cứng, xoắn vặn nhiều gia Mộc qua 8g để tăng sức thư cân giải cơ.

+ Múa vờn, múa giật nhiều gia Thiên ma 8g, Câu đằng 12g để tăng sức chỉ kinh phong.

Hoặc có thể dùng các bài thuốc bổ âm ở trên gia Quy bản 16g, Miết giáp 12g,

Mẫu lệ 12g. Có thể gia Thiên ma, Câu đằng và các vị thuốc an thần như Viễn trí, Thảo quyết minh, Liên nhục...

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

* Châm:

- Kỹ thuật: Hào châm hoặc điện châm:

- Thủ thuật: bình bổ bình tả là chính, một số huyệt khác châm tả hoặc bổ, mỗi lần chọn 10-16 huyệt để châm, mỗi ngày châm 1 lần, 15-30 phút.

- Công thức huyệt:

Huyệt toàn thân:

Can du (BL.18)

Tam âm giao (SP.6)

Thận du (BL.23)

Thái khê (KI.3)

Huyệt tại chỗ:

Thất vận ngôn: Châm bình bổ bình tả:

Giản sử (PC.5)

Thông lý (HT.5)

Thượng liêm tuyền

Liêm tuyền (CV.23)

Đại chuỳ (GV.14)

Bàng liêm tuyền

Rối loạn nuốt: Châm bình bổ bình tả: Thượng liêm tuyền, Bàng liêm tuyền.

Rối loạn vận động: Châm bình bổ bình tả các huyệt mặt ngoài chi, Giáp tích đoạn cổ và thắt lưng cùng, Túc tam lý (ST.36), Phong long (ST.40).

Tay chân co cứng hoặc run, múa giật, múa vờn:

Châm bổ:

Bách hội

(GV.20)

Âm lăng tuyền

(SP.9)

Nội quan

(IX-6)

Huyết hải

(SP.10)

Thần môn

(V-7)

Tam âm giao

(SP.6)

Châm tả: Thái xung (LR.3) Dương lăng tuyền (GB.34)

+ Tinh thần đần độn: Châm bổ:

Bách hội (GV.20)

Nội quan (PC.6)

Tứ thần thông

Thần môn (HT.7)

Ấn đường

 

+ Liệu trình: 1 lần/ngày x 6 - 8 tuần/đợt x 3 - 5 đợt/năm, giữa các đợt nghỉ 1 - 2 tuần. Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

* Thuỷ châm:

- Thuỷ châm ngày 1 lần vào các huyệt: Túc tam lý, Tý nhu, Khúc trì, Thủ tam lý, Ngoại quan, Hợp cốc, mỗi lần thuỷ châm vào 2 - 5 huyệt.

- Các thuốc dùng để thuỷ châm: Các thuốc có chỉ định tiêm bắp tuỳ theo từng trường hợp cụ thể theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

- Liệu trình: Thuỷ châm ngày 1 lần, mỗi lần 2 - 5 huyệt x 4 - 6 tuần hoặc theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

* Xoa bóp bấm huyệt:

- Chỉ định: rối loạn trương lực cơ nặng gây co cứng, vặn xoắn các chi và chống các thương tật thứ phát do rối loạn vận động kéo dài (loét dinh dưỡng, cứng khớp vai, háng...).

- Thủ thuật: xoa, day, bóp, bấm huyệt, vờn, vê, vận động khớp của chi bên liệt. Do làm trên người bệnh là trẻ em thể trạng gầy yếu, nên thủ thuật cần nhẹ nhàng, phù hợp với sức chịu đựng của trẻ.

- Liệu trình: 1 lần/ngày, liên tục hàng ngày đến khi hết các rối loạn trương lực cơ và khỏi liệt.

* Cấy chỉ: Sau giai đoạn cấp từ 3 tháng, khi tình trạng toàn thân của trẻ ổn định, xen kẽ giữa các đợt điều trị bằng châm cứu hàng ngày, có thể cấy chỉ cát-gút vào các huyệt.

- Công thức huyệt cấy chỉ: điều chỉnh tuỳ theo các triệu chứng lâm sàng và tình trạng di chứng của trẻ. Mỗi lần cấy chỉ từ 10 - 15 huyệt.

- Liệu trình: Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng trong 2 - 3 tuần, sau 2 - 3 tuần hẹn người bệnh tái khám để có chỉ định thực hiện liệu trình tiếp theo.

Thông thường liệu trình trung bình 4 - 6 lần cấy chỉ.

* Ngoài ra cũng có thể dùng nhĩ châm, điện nhĩ châm, mãng châm, điện mãng châm, điện trường châm, mai hoa châm tuỳ từng trường hợp.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể khí âm lưỡng hư (khí huyết hư)

2.1. Triệu chứng: Tinh thần đần độn, không nói (thất vận ngôn), chân tay co cứng hoặc liệt, không ngồi, không đứng, không đi được, sắc mặt lúc trắng lúc đỏ, chất lưỡi nhợt hoặc tím. Mạch tế nhược.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư

- Chẩn đoán tạng phủ: Khí huyết hư

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương)

2.3. Pháp: Bổ khí hoạt huyết, trừ đàm thông lạc, khai khiếu tỉnh thần.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng YHCT

2.4.1.1. Điều trị bằng thuốc:

- Cổ phương: Bát trân thang gia giảm

Đảng sâm

08g

Hoàng kỳ

08g

Phục linh

08g

Thục địa

12g

Đương quy

12g

Bạch thược

08g

Bạch truật

12g

Cam thảo

04g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Có thể dùng các bài thuốc điều trị thể âm hư như: Lục vị địa hoàng thang, Bát vị tri bá, Đương quy lục hoàng thang, Thanh hao miết giáp thang gia các vị như:

+ Hoàng kỳ, Đảng sâm: bổ khí

+ Đương quy, Xích thược: dưỡng huyết hoạt huyết.

+ Bán hạ, Nam tinh, Trần bì: trừ đàm thông lạc

+ Quế chi, Tang chi, Tục đoạn: thông kinh lạc

+ Tang ký sinh, Lộc nhung: bổ thận, mạnh gân xương

+ Uất kim, Xương bồ, Viễn trí: trừ đàm, khai khiếu tỉnh thần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc: giống như thể âm hư.

* Các huyệt toàn thân: thêm Tỳ du, Vị du, Túc tam lý, Tam âm giao.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ YHHĐ

1. Nguyên tắc điều trị

Điều trị sớm ngay sau khi bệnh nhi đã qua giai đoạn cấp.

Chủ yếu là phục hồi chức năng và chữa các triệu chứng, biến chứng kèm theo.

2. Điều trị cụ thể

2.1. Điều trị bằng thuốc:

Chủ yếu là điều trị triệu chứng: Tùy theo triệu chứng có trên lâm sàng:

* Chống rối loạn trương lực cơ và các động tác bất thường:

+ Thuốc giãn cơ: Có thể sử dụng một trong các thuốc sau: Méphenesin (Decontractyl viên 250mg x 20 - 40mg/kg/ngày); Baclofen; Eperison (Myonal viên 50mg 3 - 5mg/kg/ngày) và Tolperison (Mydocalm viên 50mg, 150mg, 5 - 10mg/kg/ngày).

+ Thuốc chống Parkinson: Có thể sử dụng một trong các thuốc sau: Trihexyphenidyl (Artan viên 2mg, 5mg): uống 0,1 - 0,2mg/kg/ngày, chia làm nhiều lần; Các thuốc chống Parkinson khác: Bromocriptin mesylat (Parlodel); Levodopa/Benserazid (Madopar); Levodopa (L-dopa, DOPA); Peribedil (Trivastal retard viên 50mg); Cognitive (Selegiline viên 5mg, 10mg); Isicom (Carbidopa) viên 275mg)...

* Chống co giật: Có thể sử dụng một trong các thuốc sau: Phenobacbital 3-5mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch hoặc uống; Diazepam 0,3 - 0,5mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, thụt hậu môn hoặc Seduxen viên 5mg uống liều giống tiêm.

Chống động kinh và các trạng thái kích động: Thuốc an thần, chống co giật, thuốc chống động kinh (Depakin uống 10 - 20mg/kg/ngày; Tegretol; Trileptal, Kepra... theo chỉ định khám chuyên khoa thần kinh phối hợp).

* Thuốc hạ sốt: Paracetamol 10 - 15mg/kg/lần x 4-6 lần/ngày; Ibuprofen 10mg/kg/lần x 4-6 lần/ngày, thuốc hạ sốt có thể uống, đặt hậu môn, truyền tĩnh mạch.

* Chống bội nhiễm: sử dụng kháng sinh thích hợp, tốt nhất chọn theo kháng sinh đồ, trường hợp không có kháng sinh đồ có thể lựa chọn các nhóm kháng sinh phổ rộng: Beta-lactam, Aminoglycosid; Macrolid; Peptid, Lincosamid; các nhóm kháng sinh khác...

* Điều trị táo bón: dùng một trong các thuốc nhuận tràng: Macrogol (Folax); Sorbitol (Microlax, Microlax bébé, Microlism...); bù dịch (nếu cần) (NaCl 0,9%, Glucose 5%, Ringer Lactat...).

* Các thuốc tăng tuần hoàn não, tăng sử dụng oxy và tăng dinh dưỡng tế bào não:

Piracetam, Citicolin, Ginkgo Biloba...

Các thuốc chữa triệu chứng thường dùng đến khi hết các triệu chứng cần điều trị.

Tuỳ theo các diễn biến trên lâm sàng trong từng trường hợp mà dùng loại thuốc, nhóm thuốc, liều lượng và đường dùng thích hợp theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

2.2. Điều trị không dùng thuốc:

* Phục hồi chức năng: Là biện pháp quan trọng nhất, thường sử dụng:

- Phục hồi chức năng vận động: xoa bóp trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu...

- Phục hồi chức năng nói, viết...

* Chiếu đèn hồng ngoại (Nhiệt trị liệu):

- Chỉ định: Để tăng cường dinh dưỡng cho cơ, giảm co cứng cơ.

- Liệu trình: 15 phút/lần x 1 lần/ngày x 6 - 8 tuần/đợt x 3 - 5 đợt/năm, giữa các đợt nghỉ 1 - 2 tuần.

* Các phương pháp khác: điện trị liệu, thủy trị liệu... có thể phối hợp dùng các dụng cụ, máy phục hồi chức năng và vật lý trị liệu tuỳ tình trạng của bệnh nhân và điều kiện cụ thể.

* Chăm sóc và dinh dưỡng: Là biện pháp hỗ trợ, nhưng rất cần thiết, giúp giảm tỷ lệ tử vong và phục hồi chức năng đạt được hiệu quả tốt nhất, gồm:

+ Nâng cao thể trạng.

+ Chống thương tật thứ phát.

V. PHÒNG BỆNH

1. Vệ sinh phòng bệnh

a) Đối với các vi rút gây bệnh lây qua côn trùng tiết túc như muỗi, ve…cần:

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, diệt bọ gậy, muỗi.

Nằm màn tránh muỗi đốt, sử dụng các biện pháp diệt muỗi trong gia đình.

Y học cổ truyền: khi có dịch viêm não bùng phát, ở vùng dịch có thể xông khói dược liệu nơi sinh hoạt làm sạch môi trường, đuổi ruồi, muỗi, gián, kiến… để phòng bệnh, bằng:

+ Bài 1: Vỏ quýt khô, đốt trong phòng.

+ Bài 2: Bồ kết phơi khô, hương nhu, gỗ thơm, vỏ bưởi, bã mía... đốt tạo khói trong nhà.

+ Bài 3: Vỏ bưởi, lá náng hoa trắng, bèo cái, cây ngải hoa vàng hoặc thanh cao phơi khô, đốt tạo khói.

+ Tinh dầu sả hoặc tinh dầu bạch đàn xanh pha loãng với nước để phun.

b) Đối với các vi rút đường ruột, bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp: vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn uống chín.

c) Đối với các chủng vi rút gây bệnh lây qua đường hô hấp, thực hiện tốt việc cách ly người bệnh, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

2. Tiêm vacxin dự phòng

- Tiêm vacxin phòng Viêm não Nhật Bản.

- Tiêm chủng vacxin bại liệt, sởi, quai bị, thuỷ đậu theo lịch tiêm chủng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2015). Danh mục thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc Y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm Y tế, Thông tư 05/2015/TT-BYT ban hành ngày 17/3/2015.

2. Bộ Y tế (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em. Quyết định số 3312/QĐ-BYT ngày 07/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Bộ Y tế (2013). Quy trình khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu, Quyết định 792/QĐ-BYT ban hành ngày 12/3/2013.

4. Khoa Y học cổ truyền - Trường Đại học Y Hà Nội (2017). Nhi khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học.

 

SUY DINH DƯỠNG THỂ MARASMUS

(CAM TÍCH)

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại, suy dinh dưỡng (SDD) là tình trạng bệnh lý mà cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm theo nhu cầu do cung cấp thiếu hoặc do bệnh lý, gây tình trạng trẻ bị giảm cân (gầy mòn), lâu dài dẫn đến chậm phát triển về thể chất và tinh thần.

Nguyên nhân:

- Thiếu kiến thức về dinh dưỡng: Trẻ không được bú sữa mẹ hoặc bú sữa mẹ quá ít trong 6 tháng đầu; Cho ăn dặm không đúng cách; Kiêng khem quá mức khi trẻ bị bệnh.

- Nhiễm trùng: nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa, tai mũi họng, ký sinh trùng đường ruột, như sởi, lỵ, tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm giun sán…; Nhiễm khuẩn làm SDD nặng hơn và SDD làm tăng tính cảm thụ với nhiễm khuẩn.

- Các yếu tố thuận lợi: Đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai; Dị tật bẩm sinh: sứt môi hở hàm ếch, tim bẩm sinh...; Bệnh di truyền: Down…; Điều kiện kinh tế xã hội, môi trường: tập quán dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, dịch vụ y tế….

Tiêu chuẩn chẩn đoán và phân loại SDD: Trẻ có 1 trong 2 điều kiện về nhân trắc: Chu vi vòng cánh tay (MUAC - Middle Upper Arm Circumference) hoặc Cân nặng theo chiều cao (CN/CC) thấp hơn so với ngưỡng được chẩn đoán SDD:

Trẻ suy dinh dưỡng thể vừa có các biểu hiện sau:

- Chỉ tiêu nhân trắc: Chu vi vòng cánh tay: MUAC từ >115mm đến 125mm (Tiêu chuẩn chẩn đoán dựa vào MUAC chỉ áp dụng cho trẻ từ 6 - 59 tháng tuổi)/Hoặc Cân nặng theo chiều cao (chiều dài): CN/CC từ >-3SD đến -2SD (Qui ước 1SD là 10% cân nặng chuẩn).

- Các triệu chứng lâm sàng thường kín đáo, dễ bỏ sót.

Trẻ suy dinh dưỡng nặng có các biểu hiện sau:

- Các chỉ tiêu nhân trắc: chu vi vòng cánh tay: MUAC ≤ 115mm/Hoặc Cân nặng theo chiều cao (chiều dài): CN/CC ≤ -3SD.

- Các triệu chứng lâm sàng: trẻ mất hết mỡ dưới da ở mặt, mông, chi, trẻ gầy đét, mặt hốc hác, mắt trũng, da khô, nhăn nheo. Ngoài ra, trẻ có thể có các triệu chứng thiếu vitamin A (khô mắt, sợ ánh sáng, quáng gà...), vitamin D (còi xương), vitamin B1, B12, Vitamin K.

Theo Y học cổ truyền, suy dinh dưỡng thuộc chứng Cam tích. Cam tích hay còn gọi là Cam chứng là chứng bệnh ở trẻ nhỏ, do nuôi dưỡng không đầy đủ hoặc mắc bệnh lâu ngày làm tổn thương tỳ vị, khí dịch bị hao tổn không thể nuôi dưỡng được tạng phủ, kinh mạch, cân cốt, cơ phu.

Chủ chứng là trẻ gầy yếu, cơ nhục teo nhẽo, bụng ỏng đít beo, sắc mặt nhợt, lông tóc khô gẫy, tinh thần uể oải hoặc phiền nhiễu, ăn uống kém, đại tiện thất thường. Với chủ chứng này, liên hệ với Y học hiện đại, Cam tích tương đương với suy dinh dưỡng độ III của Y học hiện đại. Trên lâm sàng, chứng Cam tích thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh diễn biến kéo dài, ảnh hưởng lên sự phát triển của trẻ, nặng có thể dẫn tới âm kiệt dương thoát, nguy hiểm tính mạng.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Có nhiều nguyên nhân gây ra Cam tích (Cam chứng): thường do nuôi dưỡng, ăn uống không đúng, không đủ, các bệnh khác ảnh hưởng hoặc tiên thiên bất túc. Vị trí bị bệnh chủ yếu ở tỳ vị nhưng có liên quan tới ngũ tạng.

1. Nuôi dưỡng không đúng

Là nguyên nhân chính, ăn uống không điều độ, no đói thất thường, mẹ cho ăn sai cách, ăn quá nhiều đồ ngọt béo, các chất béo sống lạnh làm cho thực tích lại ở bên trong, tích lâu ngày thành cam. Không có sữa, ăn không đủ chất dinh dưỡng như trẻ sau khi sinh thiếu sữa, sớm cai sữa, ăn kém làm cho dinh dưỡng thiếu, nguồn sinh hóa của tỳ vị thiếu, không đủ nuôi dưỡng toàn thân, lâu ngày thành cam tích.

2. Bệnh tật lâu ngày

Trong quá trình phát triển của trẻ có thể mắc khái thấu, nôn mửa, tả, lỵ, kinh phong, sốt do thời dịch... làm cho tân dịch tổn thương, tỳ vị hư suy, sinh hóa không đủ, âm dịch tiêu thoát, hư hỏa nội tích, khí huyết thiếu mà thành cam tích.

3. Bẩm tố bất túc

Do đẻ sớm, song thai, khi mang thai dùng thuốc làm tổn thương thai nhi làm cho thận khí tiên thiên suy nhược, thai nhi phát triển không tốt, sau khi sinh ra tỳ vị không khỏe, thu nạp thủy cốc tinh hoa không đủ mà thành chứng cam tích.

Nguyên nhân gây ra bệnh tuy không giống nhau, nhưng đều gây bệnh tại tỳ vị, làm cho tỳ vị thương tổn, tân dịch tiêu vong. Tỳ và vị có quan hệ biểu lý, vị chủ thu nạp thủy cốc, tỳ chủ vận hóa chất tinh vi, sinh ra khí huyết, nuôi dưỡng toàn thân. Tỳ vị hư suy, khí huyết sinh hóa không đủ, trên lâm sàng biểu hiện mặt sắc vàng, cơ teo nhẽo, lông tóc khô, ăn uống thất thường, đại tiện rối loạn.

Bệnh có mức nặng nhẹ, tính hư thực khác nhau, khởi đầu do nuôi dưỡng không tốt làm cho tỳ vị vận hóa không được gọi là Cam khí. Tỳ vị hư suy, kiêm có trùng tích thực trệ, làm tổn thương nguyên khí, hư trung hiệp thực, gọi là Cam tích. Tỳ vị âm khí tổn thương, nguyên khí suy kiệt, xuất hiện người gầy khô, gọi là Can cam.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Cam khí (Tỳ hư)

1.1. Triệu chứng: Người gầy gò, sắc mặt vàng ải, kém tươi nhuận, lông tóc thưa. Ăn uống ít hoặc ăn nhiều dễ đói, tinh thần mệt mỏi, dễ tức giận, đại tiện nát hoặc bí. Chất lưỡi nhợt, rêu mỏng trắng hoặc vàng nhạt. Mạch tế hoặc chỉ văn nhợt.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư.

- Chẩn đoán tạng phủ: Tỳ hư.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

1.3. Pháp: Hòa tỳ kiện vận.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Sâm linh bạch truật tán

Đảng sâm

Bạch linh

Bạch truật

12g

08g

12g

Hoài sơn

Liên nhục

Bạch biển đậu

12g

12g

08g

Sa nhân

04g

Cam thảo

04g

Cát cánh

04g

Trần bì

04g

Ý dĩ

08g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Bạch truật

12g

Ý dĩ

10g

Bạch linh

12g

Sa nhân

04g

Hoài sơn

12g

Mạch nha

12g

Liên nhục

12g

Cam thảo

06g

Bạch biển đậu

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Nghiệm phương: Tư sinh kiện tỳ hoàn gia giảm

Đảng sâm

100g

Bạch truật

100g

Liên nhục

100g

Bạch linh

100g

Bạch biển đậu

80g

Trạch tả

80g

Sa nhân

40g

Mạch nha

60g

Hoài sơn

100g

Hoắc hương

60g

Ý dĩ

120g

Sơn tra

40g

Tán bột, hoàn viên, uống 10 - 20g/ngày, chia hai lần sáng, chiều.

Có thể dùng dạng thuốc thang sắc uống ngày 1 thang với liều thích hợp theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Gia giảm: Nếu người bệnh:

Bụng chướng nhiều, ợ hơi, không muốn ăn, rêu lưỡi dày bẩn, nên bỏ Đảng sâm, Bạch truật, Hoài sơn, gia Kê nội kim 12g để tiêu tích.

Đại tiện nát gia Bào khương 4g để ôn vận tỳ dương.

Đại tiện táo gia Thảo quyết minh 6g, Lai phục tử 8g để nhuận tràng thông tiện.

Ăn nhiều mau đói, dễ cáu giận, đêm ngủ không yên giấc gia Hoàng liên 6g, Câu đằng 6g để thanh hỏa trừ phiền.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

* Châm: Có thể dùng Hào châm

- Huyệt toàn thân:

Chủ huyệt: Tứ phùng: Châm 1 tuần/lần bằng kim tam lăng, nặn ra ít dịch vàng để kích thích tiêu hóa.

Nếu không ra dịch chuyển châm bổ Túc tam lý để kiện tỳ ích khí.

Phối huyệt: Châm bổ Trung quản, Thiên khu để bổ tỳ vị.

Liệu trình: Châm 15 - 30/phút/lần x ngày 1 lần x 3 - 4 tuần/đợt, châm trong 3 - 4 đợt liên tục, nếu trẻ không hợp tác có thể sử dụng thủ thuật châm rút kim ngay hoặc bấm huyệt thay thế.

* Cứu: cứu các huyệt

Trung quản (CV.12)

Tỳ du (BL.20)

Thần khuyết (CV.8)

Vị du (BL.21)

Thiên khu (ST.25)

Đại trường du (BL.25)

Tam âm giao (SP.6)

Túc tam lý (ST.36)

Liệu trình: Cứu 15 phút/lần x 1 - 2 lần/ngày, một liệu trình điều trị từ 10 - 15 ngày, có thể tiến hành 2 - 3 liệu trình liên tục.

* Nhĩ châm: Vùng dạ dày để kích thích tiêu hóa.

* Xoa bóp: Véo da dọc cột sống lưng để cải thiện tuần hoàn, tăng cường lưu thông khí huyết, kích thích tiêu hóa, làm hàng ngày, mỗi ngày 20 phút x 1 - 2 lần.

Thủ thuật: Véo dọc cột sống lưng.

Tác dụng: tác động đến mạch đốc, tăng cường lưu thông khí huyết, kích thích tiêu hoá và bổ thận.

Cách làm: trẻ nằm sấp trên đùi người làm. Véo da dọc cột sống lưng trẻ, từ cột sống cùng đến đốt sống cổ VII. Véo thành ba đường, một đường chính giữa cột sống, hai đường còn lại ở hai bên cách đường giữa khoảng 1 - 1,5 cm. Mỗi đường véo từ 3 đến 4 lần. Sau khi làm, da vùng cột sống ửng hồng lên là đạt yêu cầu. Làm cho trẻ 1 lần/ngày, xa bữa ăn, tốt nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Cam tích

2.1. Triệu chứng: Người gầy, bụng chướng to, nổi gân xanh, sắc mặt vàng tối, lông tóc thưa. Tinh thần hay phiền não, dễ kích động, ngủ không yên, hoặc có các hành động khác thường. Ăn uống ít hoặc nhiều, đại tiện nhiều. Chất lưỡi nhợt, rêu mỏng bẩn. Mạch tế sác.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý, hư trung hiệp thực.

- Chẩn đoán tạng phủ: Tỳ hư tích trệ.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

2.3. Pháp: Tiêu tích lý tỳ.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Phì nhi hoàn gia giảm

Hoàng liên

Mạch nha

Thần khúc

40g

20g

40g

Binh lang

Mộc hương

Sử quân tử

32g

20g

20g

Đảng sâm

40g

Cam thảo

20g

Bạch linh

Sơn tra

32g

16g

Bạch truật

32g

Tán mịn, hoàn với mật lợn tươi, mỗi viên 3g. Uống lúc đói 1 viên/lần x 2 lần/ngày. Trẻ em dưới 3 tuổi giảm liều cho thích hợp. Dưới 1 tuổi không dùng.

Có thể dùng dạng thuốc thang sắc uống ngày 1 thang với liều thích hợp theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Gia giảm: Nếu người bệnh:

+ Bụng chướng đau nhiều gia Mộc hương 4g, Trần bì 4g.

+ Phiền nhiễu không yên thêm Chi tử 6g, Liên tâm 4g.

+ Đại tiện táo kết thêm Ma nhân 10g.

+ Khát nước uống nhiều, mau đói gia Thạch hộc 8g, Thiên hoa phấn12g.

+ Bụng căng cứng, thể trạng thực gia Lai phục tử 12g.

+ Buồn nôn, nôn gia Trúc nhự 6g, Bán hạ chế 4g.

+ Có tiết tả gia Hoài sơn 8g, Bạch biển đậu 12g để kiện tỳ ích khí; đại tiện phân sống gia Bào khương 2g, Thảo quả 4g.

+ Chất lưỡi đỏ, ít rêu, miệng khát bỏ Hoàng liên, gia Sinh địa 6g. Mạch môn 12g, Thạch hộc 6g.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc: giống như thể cam khí.

3. Can cam (Khí huyết hư)

3.1. Triệu chứng: Người tiêu gầy, vẻ mặt cụ già, da khô, cơ teo, da bọc xương. Tinh thần mệt mỏi, mắt mờ hoặc có màng, tiếng khóc nhỏ yếu, lông tóc khô, bụng lõm lòng thuyền, ngửi không muốn ăn, đại tiện nát hoặc phân khuôn bé, có lúc hạ thân nhiệt, miệng khô. Chất lưỡi hồng, rêu lưỡi mỏng. Mạch trầm tế.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư.

- Chẩn đoán tạng phủ: Khí huyết hư.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

3.3. Pháp: Bổ ích khí huyết.

3.4. Phương

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Bát trân thang gia giảm

Đảng sâm

16g

Hoàng kỳ

16g

Phục linh

08g

Cam thảo

06g

Đương quy

08g

Bạch thược

08g

Trần bì

06g

Bạch biển đậu

12g

Bạch truật

12g

Thục địa

12g

Xuyên khung

06g

Sa nhân

04g

Gia giảm: Nếu người bệnh có:

+ Chân tay lạnh, đại tiện nát bỏ Thục địa, Đương qui; thêm Nhục quế 2g, Bào khương 2g.

+ Đêm ngủ không yên thêm Ngũ vị tử 6g, Dạ giao đằng12g.

+ Mặt tối, chất lưỡi nhạt bỏ Bạch thược, gia Bào khương 2g.

+ Chất lưỡi đỏ khô, rêu lưỡi sáng gia Ô mai 4g, Thạch hộc 6g.

- Nghiệm phương: Bột cam cóc (của Lương y Nguyễn Trọng Tấn - Theo Đỗ Tất Lợi - Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - NXB Y học 1999 Tr.968):

Bột cóc 10 phần; Bột chuối 14 phần; lòng đỏ trứng gà 2 phần.

Cách chế: Bột cóc chế bằng con cóc sống to, (da đen hoặc vàng đều dùng được, trong dân gian thường dùng loại cóc mắt đỏ) chặt bỏ đầu phía dưới 2 u ở đầu, rồi lọc bỏ da và phủ tạng nhất là trứng cóc, rửa thật sạch tránh dính nhựa cóc, rồi cho vào chảo

gang rang cho khô ròn rồi tán bột. Lòng đỏ trứng gà hấp chín sấy khô tán bột. Chuối bỏ vỏ xẻ dọc sấy cho vừa dẻo nhuyễn. Cả 3 thứ trộn đều làm viên 4g/viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 viên, dùng liền trong 2-3 tháng.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm: Không dùng châm vì kém hiệu quả.

- Xoa bóp: Véo da dọc cột sống lưng để cải thiện tuần hoàn, tăng cường lưu thông khí huyết, kích thích tiêu hóa, làm hàng ngày, 20 phút/lần x 1 - 2 lần/ngày. (Giống thể Cam khí).

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

Những trường hợp SDD nặng có biến chứng nên chuyển đến cơ sở YHHĐ để điều trị.

2.1. Điều trị bằng thuốc:

- Phòng và phát hiện sớm các bệnh nhiễm trùng, tình trạng hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, rối loạn nước - điện giải (nếu có) để điểu trị kịp thời (kháng sinh, bù dịch, điện giải, đường...).

- Phát hiện tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng để bổ sung: vitamin A (200.000 UI/6 tháng), vitamin D (400 - 800UI/ngày), B1, C, B6, B12..., sắt, canxi, acid folic, kẽm, đa vi chất...

- Dùng các chế phẩm dinh dưỡng thích hợp trong từng trường hợp trẻ bệnh cụ thể.

2.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Điều chỉnh chế độ ăn: xây dựng chế độ ăn cân đối theo ô vuông thức ăn. Nếu trẻ còn bú mẹ, khuyên bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú và kéo dài từ 18 đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

- Theo dõi cân nặng để có tư vấn kịp thời.

V. PHÒNG BỆNH

1. Chăm sóc thai từ trong bụng mẹ

Bà mẹ có thai phải có chế độ dinh dưỡng tốt, đảm bảo tăng cân 10 - 12 kg. Quý đầu thai kỳ, bà mẹ nôn nhiều ăn kém có thể ăn các món ăn dược thiện sau:

Bài 1: Trứng gà chưng lá ngải: Trứng gà 1 - 2 quả luộc, lá ngải tươi 50g luộc chín, thêm nước hành, gừng, gia vị vừa đủ, chưng ăn tuần vài lần.

Bài 2: Chè hạt sen: Hạt sen 50g, nấm mèo 20g, trần bì 10g, mía cây 2 - 4 lóng, hầm hoặc sắc uống.

Khám thai định kỳ, ít nhất 3 lần trước sinh.

Mọi thứ thuốc nếu uống trong thai kỳ phải có chỉ định của thầy thuốc.

2. Giáo dục dinh dưỡng

Cho bú sớm ngay sau sinh. Nuôi con bằng sữa mẹ, cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cần cho bú kéo dài từ 18 đến 24 tháng.

Ăn bổ sung hợp lý theo ô vuông thức ăn.

Thức ăn dặm cần nấu chín kỹ.

3. Dự phòng các bệnh nhiễm trùng

Tiêm chủng đầy đủ theo lịch.

Phát hiện và điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng: tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, giun sán …

4. Theo dõi cân nặng: Nhằm phát hiện sớm suy dinh dưỡng.

Trẻ < 1 tuổi : Mỗi tháng cân một lần.

Trẻ 2 - 5 tuổi : Từ 2 đến 3 tháng cân/lần.

Nếu cân nặng không tăng hoặc giảm xuống là báo hiệu suy dinh dưỡng.

5. Sinh đẻ có kế hoạch.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2015). Danh mục thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc Y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm Y tế, Thông tư 05/2015/TT-BYT ban hành ngày 17/3/2015.

2. Bộ Y tế (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Quyết định số 3312/QĐ-BYT ngày 07/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

3. Bộ Y tế (2013). Quy trình khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu, Quyết định 792/QĐ-BYT ban hành ngày 12/3/2013.

4. Khoa Y học cổ truyền - Trường Đại học Y Hà Nội (2017). Nhi khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học.

 

VIÊM DẠ DÀY VÀ TÁ TRÀNG

(VỊ QUẢN THỐNG)

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại, viêm dạ dày và tá tràng (VDDTT) là thuật ngữ dùng để chỉ bệnh lý tổn thương viêm thành dạ dày và tá tràng. Bệnh gây ra do sự mất cân bằng giữa yếu tố tấn công (acid HCl, pepsin, Helicobacter pylori - HP…) và yếu tố bảo vệ (chất nhầy, sự tái sinh của tế bào, mạng lưới mao mạch của niêm mạc…) của dạ dày - tá tràng, dẫn đến sự tăng tái hấp thu ngược chiều của ion H+ từ lòng dạ dày vào trong niêm mạc gây toan tại chỗ, phù nề và hoại tử mô, kéo theo sự tiêu protein gây viêm.

Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi gây VDDTT bao gồm: Chế độ ăn uống không hợp lý, căng thẳng thần kinh (stress) kéo dài, dùng thuốc (thuốc chống viêm non- steroid và steroid), rối loạn nội tiết (tuyến yên, thượng thận), thể trạng, di truyền, yếu tố miễn dịch và nhiễm vi khuẩn HP.

Chẩn đoán xác định:

Triệu chứng lâm sàng: Người bệnh đau bụng vùng thượng vị, kèm ợ hơi, ợ chua, nóng rát, buồn nôn, nôn, có thể táo bón hoặc đầy bụng khó tiêu...

Nội soi dạ dày: Phát hiện tình trạng viêm, phù nề, xung huyết hay có kèm loét, xuất huyết, ung thư hóa...

Các xét nghiệm tìm thấy vi khuẩn HP như sinh thiết niêm mạc dạ dày làm CLO Test hoặc nuôi cấy tìm HP và làm kháng sinh đồ, test hơi thở urea, xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể, xét nghiệm phân tìm kháng nguyên...

Theo Y học cổ truyền (YHCT), bệnh VDDTT được xếp vào phạm vi của chứng "Vị quản thống". Sách "Nội kinh" có ghi: Vị quản thống là chỉ vùng thượng vị đau âm ỉ hay dữ dội, đau từng cơn kèm theo có ợ hơi, ợ chua.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

- Tình chí bị kích thích: Do suy nghĩ tức giận quá độ kéo dài làm tổn thương đến can, can không sơ thông, hoành nghịch phạm vị làm cho vị mất chức năng hoà giáng gây bệnh can khí phạm vị hay can tỳ bất hoà, nếu kéo dài thì can khí ứ trệ sinh ra can uất hoá hoả, hoả uất lâu ngày thì vị tích nhiệt làm tổn thương đến vị âm gây ra miệng khô đắng, người bệnh có cảm giác nóng rát vùng thượng vị.

- Ăn uống không điều độ: Do no đói thất thường hoặc ăn nhiều đồ cay, nóng, chua, lạnh làm tổn thương tỳ vị, làm tỳ mất kiện vận, vị mất hoà giáng, khí cơ trở trệ cũng gây đau thượng vị, bệnh tình kéo dài sẽ gây tổn thương tới dương khí ở trung tiêu mà dẫn đến tỳ vị hư hàn.

- Tiên thiên bất túc: Do thận khí hư (thận dương khi sinh ra đã bất túc, không nuôi dưỡng được tỳ dương làm tỳ dương hư, gây vị khí ứ trệ và hư); do tỳ vị hư (bẩm tố hư yếu hoặc do làm việc khó nhọc vất vả, hoặc do hàn thấp nội sinh làm cho tỳ vị càng thêm thương tổn).

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để

gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

YHCT chia vị quản thống thành 2 thể chính là can khí phạm vị và tỳ vị hư hàn.

Thể can khí phạm vị được chia làm ba thể nhỏ là khí trệ, hỏa uất và huyết ứ.

1. Thể can khí phạm vị

1.1. Thể khí trệ

1.1.1. Triệu chứng: Đau bụng vùng thượng vị thành cơn, đau lan ra mạn sườn, có khi đau lan ra sau lưng, bụng đầy chướng nhiều và ấn đau (cự án), hay ợ chua, ợ hợi, khi ợ hơi được thì đỡ đau. Chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng mỏng. Mạch huyền.

1.1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực.

- Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh ở can, vị (can khí phạm vị).

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

1.1.3. Pháp: Sơ can lý khí.

1.1.4. Phương:

1.1.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương: Sài hồ sơ can thang

Sài hồ

12g

Xuyên khung

08g

Chỉ xác

08g

Hương phụ

08g

Bạch thược

12g

Trần bì

08g

Cam thảo

06g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Lá khôi

20g

Bồ công anh

20g

Khổ sâm cho lá

16g

Hương phụ

08g

Hậu phác

08g

Uất kim

08g

Cam thảo nam

16g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng Cao Dạ cẩm:

Dạ cẩm 300g Đường 900g

Chế thành cao hoặc siro, mỗi ngày uống lượng tương đương 20g Dạ cẩm.

1.4.1.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm: Châm tả các huyệt:

Trung quản (CV.12) Thiên khu (ST.25)

Can du (BL.18) Thái xung (LR.3)

Túc tam lý (ST.36) Lương khâu (ST.34)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Các kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Nhĩ châm: Châm các điểm: Dạ dày, Can, Giao cảm, Thần môn.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Thủy châm các huyệt:

Trung quản (CV.12) Cự khuyết (CV.14)

Túc tam lý (ST.36) Kỳ môn (LR.14)

Nội quan (PC.6) Dương lăng tuyền (GB.34)

+ Thủy châm 1 lần/ngày, mỗi lần thủy châm vào 2 - 3 huyệt, 10 - 15 ngày/liệu trình.

+ Sử dụng các thuốc có chỉ định tiêm bắp, tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.

- Cấy chỉ: Có thể cấy chỉ vào các huyệt:

Cự khuyết (CV.14) Trung quản (CV.12)

Kỳ môn (LR.14) Tam âm giao (SP.6)

Túc tam lý (ST.36) Nội quan (PC.6)

Dương lăng tuyền (GB.34) Can du (BL.18)

Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Sau 7 - 14 ngày chỉ tự tiêu có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các động tác:

+ Người bệnh nằm ngửa: Xoa, day, miết vùng bụng theo chiều kim đồng hồ. Ấn các huyệt:

Chương môn (LR.13) Trung quản (CV.12)

Lương môn (ST.21) Thiên khu (ST.25)

Hợp cốc (LI.4) Thủ tam lý (LI.10)

Túc tam lý (ST.36) Thái bạch (SP.3)

Lương khâu (ST.34)

+ Người bệnh nằm sấp: Xát, xoa vùng lưng từ đốt sống D7 trở xuống. Ấn các huyệt:

Can du (BL.18) Tỳ du (BL.20) Vị du (BL.21)

Xoa bóp bấm huyệt 30 phút/lần/ngày, 10 - 15 ngày/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

1.2. Thể hỏa uất

1.2.1. Triệu chứng: Đau thượng vị nhiều, đau nóng rát, cự án. Ợ chua nhiều, miệng khô đắng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch huyền sác.

1.2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh ở can, vị (can khí phạm vị).

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

1.2.3. Pháp: Sơ can tiết nhiệt.

1.2.4. Phương:

1.2.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Cổ phương:

+ Sài hồ sơ can thang gia thêm Xuyên luyện tử 6g, Ô tặc cốt 16g.

+ Hoặc bài Hóa can tiễn hợp với Tả kim hoàn

Thanh bì

08g

Trần bì

06g

Bạch thược

12g

Đan bì

08g

Chi tử

08g

Trạch tả

08g

Thổ bối mẫu

06g

Hoàng liên

08g

Ngô thù du

02g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Lá khôi 500g Bồ công anh nam 250g

Rễ chút chít 100g Nhân trần 100g

Lá khổ sâm 50g

Các vị sấy khô tán bột mịn, ngày uống 24 – 32g, hãm nước sôi lấy nước trong uống.

1.2.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm tả các huyệt như thể Khí trệ và gia thêm:

Nội đình (ST.44) Hợp cốc (LI.4)

Nội quan (PC.6)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Nhĩ châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt: Như thể Khí trệ.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

1.3. Thể huyết ứ

1.3.1. Triệu chứng: Đau dữ dội ở một vị trí nhất định vùng thượng vị, cự án. Trên lâm sàng chia thành 2 trường hợp: thực chứng và hư chứng.

- Thực chứng: Nôn ra máu, đi ngoài phân đen, môi đỏ lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch huyền sác hữu lực (bệnh thể cấp).

- Hư chứng: Nếu chảy máu nhiều kèm theo sắc mặt nhợt nhạt, người mệt mỏi, môi nhợt, chân tay lạnh, ra mồ hôi, chất lưỡi bệu có ứ huyết, rêu lưỡi nhuận. Mạch hư đại hoặc tế sáp (bệnh thể hoãn).

1.3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực (Thực chứng) hoặc Lý hư trung hiệp thực (Hư chứng).

- Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh ở can, vị (can khí phạm vị).

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

1.3.3. Pháp điều trị

- Thực chứng: Thông lạc hoạt huyết hay lương huyết chỉ huyết.

- Hư chứng: Bổ huyết chỉ huyết.

1.3.4. Phương

1.3.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thực chứng:

- Cổ phương: Thất tiếu tán

Ngũ linh chi, Bồ hoàng lượng bằng nhau.

Hai vị thuốc tán bột mịn, trộn đều. Mỗi ngày uống 8 - 12g, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Sinh địa 40g Cam thảo 06g

Hoàng cầm 12g Bồ hoàng sống 12g

Trắc bách diệp 16g Chi tử 08g

Tất cả làm thang sắc uống cùng A giao (nướng) 8g, ngày 1 thang chia 2 lần.

Riêng vị thuốc A giao hòa vào nước sắc để uống, không cho vào sắc cùng.

* Hư chứng:

- Cổ phương: Hoàng thổ thang gia giảm:

Đất lòng bếp (Hoàng thổ) 10g Địa hoàng 12g

A giao 12g Cam thảo 12g

Phụ tử chế 12g Hoàng cầm 12g

Bạch truật 12g Đảng sâm 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Riêng vị thuốc A giao hòa vào nước sắc để uống, không cho vào sắc cùng.

+ Hoặc dùng bài Tứ quân tử thang gia vị:

Đảng sâm

16g

Hoàng kỳ

12g

Bạch truật

12g

A giao

08g

Bạch linh

12g

Cam thảo

06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Riêng vị thuốc A giao hòa vào nước sắc để uống, không cho vào sắc cùng.

+ Nếu sau khi cầm máu người bệnh sắc mặt nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt, chất lưỡi nhợt. Mạch hư tế, có thể dùng bài Điều doanh liễm can ẩm.

A giao (nướng)

08g

Bạch thược

12g

Câu kỷ tử

12g

Đương qui

12g

Mộc hương

06g

Ngũ vị tử

06g

Phục linh

12g

Táo nhân

08g

Trần bì

06g

Xuyên khung

10g

Đại táo

12g

Sinh khương

06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Riêng vị thuốc A giao hòa vào nước sắc để uống, không cho vào sắc cùng.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Đảng sâm

16g

Kê huyết đằng

12g

Hoài sơn

12g

Rau má

12g

Ý dĩ

12g

Cam thảo dây

12g

Hà thủ ô

12g

Đỗ đen sao

12g

Huyết dụ

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

1.3.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

+ Thực chứng châm tả:

Can du (BL.18) Tỳ du (BL.20)

Thái xung (LR.3) Huyết hải (SP.10)

Hợp cốc (LI.4)

+ Hư chứng ôn châm hoặc cứu:

Can du (BL.18) Tỳ du (BL.20)

Tâm du (BL.15) Cao hoang (BL.43)

Cách du (BL.17)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Nhĩ châm, thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt: Như thể Khí trệ.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể tỳ vị hư hàn

2.1. Triệu chứng: Đau thượng vị âm ỉ, đau liên miên, nôn nhiều nôn ra nước trong, gặp lạnh đau tăng, khi đau thích xoa bóp, chườm nóng. Kèm theo sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn kém, thích ăn đồ ấm nóng. Bụng đầy thường xuyên, đại tiện lỏng nát. Chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng. Mạch trầm nhược.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư hàn.

- Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh ở tỳ, vị (tỳ vị hư hàn).

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

2.3. Pháp: Ôn trung kiện tỳ.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Cổ phương: Hoàng kỳ kiến trung thang

Hoàng kỳ 16g Sinh khương 06g

Cam thảo 06g Bạch thược 08g

Hương phụ 08g Quế chi 08g

Đại táo 12g Mạch nha 30g

Tất cả các vị thuốc trừ Mạch nha sắc lấy nước bỏ bã, hòa với Mạch nha uống khi còn ấm, ngày 1 thang chia 2 lần.

- Nghiệm phương:

Bố chính sâm

12g

Bán hạ chế

06g

Lá khôi

20g

Sa nhân

10g

Gừng

04g

Trần bì

06g

Vỏ rụt (Nam mộc hương) 10g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm: Châm bổ và/hoặc cứu:

Trung quản (CV.12) Thiên khu (ST.25)

Tỳ du (BL20) Vị du (BL.21)

Quan nguyên (CV.4) Khí hải (CV.6)

Túc tam lý (ST.36) Chương môn (LR.13)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Nhĩ châm: Châm các điểm: Dạ dày, Tỳ, Giao cảm, Thần môn.

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Thủy châm:

Tỳ du (BL.20) Cự khuyết (CV.14)

Nội quan (PC.6) Tam âm giao (SP.6)

Chương môn (LR.13) Vị du (BL.21)

Túc tam lý (ST.36) Thiên khu (ST.25)

+ Thủy châm 1 lần/ngày, mỗi lần thủy châm vào 2 - 3 huyệt, từ 10 đến 15 ngày/liệu trình.

+ Sử dụng các thuốc có chỉ định tiêm bắp, tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.

- Cấy chỉ: có thể cấy chỉ vào các huyệt:

Cự khuyết (CV.14) Chương môn (LR.13)

Thiên khu (ST.25) Túc tam lý (ST.36)

Tam âm giao (SP.6) Nội quan (PC.6)

Tỳ du (BL.20) Vị du (BL.21)

Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Sau từ 7 đến 14 ngày chỉ tự tiêu có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

- Xoa bóp bấm huyệt: Giống như thể Khí trệ.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

VI. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

- Điều trị cần chú ý đến nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ. Nếu bệnh do sử dụng các thuốc chống viêm non-steroid hoặc do sử dụng rượu, cần dừng thuốc và bỏ rượu.

- Kết hợp với việc điều chỉnh chế độ ăn, sinh hoạt, tránh các stress có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.

2. Điều trị cụ thể

2.1. Điều trị dùng thuốc

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

* Các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày:

- Các muối Bismuth.

- Sucralfate.

- Các loại prostaglandin E1, E2 (Misoprostol, Enprostol).

* Các thuốc trung hoà acid.

* Thuốc kháng tiết acid:

- Thuốc ức chế thụ thể H2 ở màng tế bào thành (H2 receptor antagonist).

- Thuốc ức chế bơm proton H+/K+ ATPase ở màng tế bào thành (PPI - Proton pump inhibitor).

* Các thuốc diệt HP:

- Kháng sinh.

- Các muối Bismuth.

2.2. Điều trị không dùng thuốc

- Điều chỉnh chế độ ăn: Ăn chia thành nhiều bữa nhỏ, tránh để cơ thể quá đói. Tránh ăn các thực phẩm kích thích như gia vị cay, nóng, chua… hoặc thức ăn quá mặn. Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích như chè đặc, cà phê…

- Tránh sử dụng các thuốc kích ứng niêm mạc dạ dày như Aspirin, thuốc chống viêm non-steroid, steroid…

* Lưu ý khi điều trị:

- Cần hỏi tiền sử dùng thuốc của người bệnh. Không lạm dụng thuốc chống viêm non- steroid và steroid. Khi có triệu chứng của VDDTT nghi ngờ chảy máu cần dừng thuốc giảm đau chống viêm và chỉ định nội soi dạ dày cấp cứu để can thiệp cầm máu (kẹp clip, tiêm cầm máu, argon plasma) nếu cần thiết.

- Nếu điều trị nội khoa kết hợp cầm máu qua nội soi thất bại cần chuyển phẫu thuật.

V. PHÒNG BỆNH

- Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress kéo dài.

- Không uống rượu bia, các chất kích thích như chè đặc, cà phê, không hút thuốc lá, không ăn các đồ cay, nóng, chua...

- Khi có chỉ định dùng thuốc chống viêm non-steroid hoặc steroid cần lưu ý sử dụng các thuốc để bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc các thuốc ức chế bơm proton…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội (2012), Bệnh học Nội khoa Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học, 99-104.

2. Bệnh viện Bạch Mai (2017), “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh Nội khoa” Cẩm nang nghiệp vụ của bác sĩ lâm sàng. Nhà xuất bản Y học năm 2017.

3. Bộ Y tế (2013) - Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.

4. Bộ Y tế (2017) – Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh Cấy chỉ và Laser châm chuyên ngành Châm cứu.

5. ACG Clinical Guideline (2017). Treatment of Helicobacter pylori Infection. Am J Gastroenterol; 112:212–238.

 

VIÊM GAN VIRUS MẠN

(HIẾP THỐNG)

I. ĐẠI CƯƠNG

Viêm gan mạn là một trong những hình thái bệnh lý thường gặp ở gan do nhiều nguyên nhân gây ra với biểu hiện viêm và hoại tử ở gan kéo dài ít nhất là 6 tháng. Viêm gan mạn thường là hậu quả của viêm gan cấp, tuy nhiên ở nhiều trường hợp bệnh tiến triển âm thầm và chỉ thể hiện ở giai đoạn mạn tính mà thôi. Viêm gan vi rút mạn cũng là một loại viêm gan mạn, có nhiều đặc điểm giống với viêm gan mạn nói chung.

Các vi rút viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV) và viêm gan do HBV kết hợp HDV là những vi rút dễ tiến triển đến viêm gan mạn.

Viêm gan vi rút B là một bệnh phổ biến toàn cầu, do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ truyền sang con. Nếu mẹ nhiễm HBV và có HBeAg (+) thì khả năng lây cho con là hơn 80% và khoảng 90% trẻ sinh ra sẽ mang HBV mạn tính.

Viêm gan vi rút B có thể diễn biến cấp tính, trong đó hơn 90% số trường hợp khỏi hoàn toàn, gần 10% chuyển sang viêm gan mạn tính và hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư gan.

Chẩn đoán xác định viêm gan vi rút B mạn tính:

- HBsAg (+) trên 6 tháng hoặc HBsAg (+) và Anti HBc IgG (+).

- AST, ALT tăng từng đợt hoặc liên tục trên 6 tháng.

- Có bằng chứng tổn thương mô bệnh học tiến triển, xơ gan (được xác định bằng sinh thiết gan hoặc đo độ đàn hồi gan hoặc Fibrotest hoặc chỉ số APRI) mà không do căn nguyên khác.

Theo Y học cổ truyền, viêm gan mạn nằm trong phạm vi chứng hiếp thống. Hiếp thống chỉ chứng bệnh do mạch lạc không được nuôi dưỡng hoặc mạch lạc bế tắc dẫn tới mạng sườn đau tức (đau hai bên ngực từ dưới hố nách cho tới xương sườn 12).

Bệnh danh Hiếp thống lần đầu xuất hiện trong sách “Hoàng đế nội kinh tố vấn”, chương Liệu thích có viết: “Tà khí xâm phạm kinh thiếu dương gây ra hiếp thống”. Đây được coi là mô tả đầu tiên của y văn cổ về chứng bệnh này. Về nguyên nhân gây bệnh của hiếp thống, ngay từ rất sớm, sách Linh khu, chương Tà khí tàng phủ bệnh hình có viết: “Nếu như đại nộ, khí thượng mà không hạ xuống, dẫn đến ứ tắc ở hạ sườn, tổn thương tạng can”. Như vậy sách Linh khu cho rằng nguyên nhân gây bệnh của hiếp thống do tình chí và liên quan đến tạng can là chính. Tôn Tư Mạc trong sách Bị cấp thiên kim yếu phương lại chia hiếp thống thành hai thể lớn là can thực nhiệt và can hư hàn. Trương Cảnh Nhạc trong “Cảnh Nhạc toàn thư” viết: “Chứng hiếp thống vốn thuộc hai kinh can tỳ, nguyên nhân là do đường đi của hai kinh này. Tuy nhiên, bệnh ở các tạng tâm, phế, tỳ, vị, thận và bàng quang cũng có thể có triệu chứng của chứng hiếp thống”. Trương Cảnh Nhạc nhấn mạnh mặc dù hiếp thống thường gặp bệnh ở can đởm, nhưng không phải tất cả nguyên nhân gây ra hiếp thống đều do can đởm. Do vậy, cần phân biệt với chứng Hiếp thống do đau thần kinh liên sườn (thường đau cấp, mức độ đau dữ dội, thường liên quan đến thời tiết, tư thế…), chứng Hiếp thống do Viêm gan virus mạn có thể kèm theo hoàng đản.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Theo Y học cổ truyền, vùng mạn sườn là chỗ trú của can đởm, do vậy hiếp thống có mối liên quan chặt chẽ với rối loạn chức năng của tạng phủ Can – Đởm. Can với chức năng là điều đạt, đởm với chức năng là sơ tiết. Do vậy khi can khí thăng giáng thất thường, đởm dịch sơ tiết bị rối loạn, làm cho mạch lạc không thông, huyết ứ đình ngưng, hoặc kinh mạch mất sự nuôi dưỡng… đều có thể là những nguyên nhân dẫn đến hiếp thống.

Chứng hiếp thống có thể khái quát thành hai loại Hư và Thực. Thực chứng có thể phân thành: Khí ngưng, huyết ứ, can đởm thấp nhiệt. Hư chứng phần lớn là thể âm hư sinh nội nhiệt.

- Khí ngưng: Đa phần có mối quan hệ mật thiết với tình chí bị tổn thương, làm cho can khí uất kết. Hoặc do ăn nhiều đồ ăn có dầu mỡ, uống quá nhiều rượu cũng làm ảnh hưởng tới lưu chuyển khí trong cơ thể mà dẫn tới khí ngưng.

- Huyết ứ: Khí là soái của huyết, khí ngưng lâu ngày sẽ làm huyết không được lưu thông, mạch lạc mất điều hòa mà dẫn đến huyết ứ. Thường bệnh trong thời kỳ đầu là khí ngưng, bệnh kéo dài là huyết ứ.

- Can đởm thấp nhiệt: Can mạch phân bố ở vùng hạ sườn, đởm mạch tuần hoàn ở vùng mạng sườn. Nếu như thấp nhiệt tà ôn kết ở trung tiêu gây ra sự vận hóa bất thường của tỳ vị. Thấp và nhiệt tác động lẫn nhau, thấp bị nhiệt chưng, không ra ngoài bằng đường mồ hôi, đường tiểu tiện được. Thấp nhiệt từ tỳ vị bốc lên thiêu đốt can đởm làm cho can đởm mất đi sự sơ tiết và điều đạt thường dẫn đến hiếp thống.

- Âm hư nội nhiệt: Can mạch phân bố ở vùng mạng sườn, bệnh can lâu ngày không khỏi, can âm dần bị tổn thương, làm cho lạc mạch mất đi sự nuôi dưỡng dẫn tới hiếp thống.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể khí ngưng

1.1. Triệu chứng: Đau tức nặng ở vùng hạ sườn phải, mỗi khí tinh thần bị kích động, tức giận thì cảm giác này lại tăng lên. Ăn uống kém, miệng đắng, người mệt mỏi, khi gắng sức thì nước tiểu vàng, chất lưỡi bình thường, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý, thực, nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

1.3. Pháp điều trị: Sơ can lý khí.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng YHCT

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Sài hồ sơ can thang

Sài hồ

12g

Cam thảo

06g

Bạch thược

16g

Xuyên khung

08g

Chỉ xác

12g

Hương phụ

12g

Trần bì

06g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương:

Bài 1:

Rau má

12g

Uất kim

08g

Mướp đắng

12g

Hậu phác

08g

Thanh bì

08g

Ý dĩ

16g

Chỉ thực

08g

Hoài sơn

16g

Bạch biển đậu

12g

Đinh lăng

16g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Bài 2: Siro nhân trần.

Nhân trần 24g

Chi tử 12g

Cách dùng: Thêm 600ml nước, sắc còn 100ml thêm đường vào cho đủ thành siro. Chia 3 lần uống trong ngày.

Bài 3:

Nhân trần 30g

Vỏ cây đại (sao vàng) 10g

Chi tử 12g

Cách dùng: Thêm 600ml nước, sắc còn 200ml (sắc 2 nước). Uống chia 2 lần.

Bài 4:

Nhân trần 40g

Khương hoàng 30g

Cam thảo đất 20g

Cách dùng: Thêm 500ml nước, sắc còn 200ml. Uống chia 2 lần.

2. Thể huyết ứ

2.1. Triệu chứng: Vùng hạ sườn phải có cảm giác đau như kim châm, chỗ đau thường cố định, không di chuyển, về đêm thường đau tăng lên, đôi khi có thể sờ thấy một khối rắn ở vùng hạ sườn phải, chất lưỡi tím sẫm, mạch trầm sáp.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý, thực

- Chẩn đoán tạng phủ: Can.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (huyết ứ).

2.3. Pháp điều trị: Hoạt huyết khứ ứ.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng YHCT

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Huyết phủ trục ứ thang

Đương qui

16g

Hồng hoa

08g

Sài hồ

10g

Sinh địa

12g

Chỉ xác

10g

Cam thảo

06g

Đào nhân

08g

Xích thược

12g

Cát cánh

10g

Xuyên khung

08g

Ngưu tất

12g

 

 

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: tương tự thể Khí ngưng.

3. Thể can đởm thấp nhiệt

3.1. Triệu chứng: Đau tức vùng mạng sườn phải, miệng đắng, ngực có cảm giác đầy tức, ăn kém, không muốn ăn, đôi khi có cảm giác nôn, buồn nôn, củng mạc mắt vàng, da vàng, có thể kèm theo sốt, đại tiện táo, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền sác.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý, thực, nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can, đởm.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Can đởm thấp nhiệt.

3.3. Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp thoái hoàng.

3.4. Phương

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Nhân trần ngũ linh tán

Nhân trần 16g Bạch truật 16g

Phục linh 16g Trư linh 12g

Trạch tả 12g Quế chi 06g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: tương tự thể Khí ngưng.

4. Thể âm hư nội nhiệt

4.1. Triệu chứng: Đau tức vùng hạ sườn phải, ăn kém, nước tiểu vàng. Mỗi khi lao lực mệt mỏi những triệu chứng này lại tăng lên. Miệng khô, họng khô, đắng miệng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi hơi vàng, mạch huyền tế.

4.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý, hư, nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân.

4.3. Pháp điều trị: Tư âm dưỡng can.

4.4. Phương

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Nhất quán tiễn

Sa sâm 16g Đương qui 12g

Kỷ tử 12g Mạch môn 12g

Sinh địa 12g Xuyên luyện tử 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: tương tự thể Khí ngưng.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

* Chỉ định: ở bất kỳ thể lâm sàng nào của YHCT người bệnh cần được điều trị kết hợp thuốc kháng vi rút của YHHĐ khi:

- ALT tăng trên 2 lần giá trị bình thường hoặc có bằng chứng xác nhận có xơ hóa gan tiến triển/xơ gan bất kể ALT ở mức nào.

- HBV-DNA ≥ 105 copies/ml (20.000 IU/ml) nếu HBeAg (+) hoặc HBV-DNA ≥ 104 copies/ml (2.000 IU/ml) nếu HBeAg (-).

2. Điều trị cụ thể

- Thuốc điều trị:

+ Tenofovir (300mg/ngày) hoặc entecavir (0,5 mg/ngày).

+ Lamivudine (100mg/ngày) sử dụng cho người bệnh xơ gan mất bù, phụ nữ mang thai.

+ Adefovir dùng phối hợp với lamivudine khi có kháng thuốc.

+ Peg–IFNα, IFNα (Peg-IFNα-2a liều 180µg/tuần; Peg-IFNα-2b liều 1,5µg/kg/tuần; IFNα liều 5 triệu IU/ngày hoặc 10 triệu IU/lần - 3 lần/tuần, tiêm dưới da từ 6 - 12 tháng. Cần theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc để xử trí kịp thời) ưu tiên sử dụng trong trường hợp phụ nữ muốn sinh con, đồng nhiễm viêm gan vi rút D, không dung nạp hoặc thất bại điều trị với thuốc ức chế sao chép HBV đường uống.

- Xem xét ngừng thuốc ức chế sao chép HBV uống khi:

+ Trường hợp HBeAg (+): Sau 6 - 12 tháng có chuyển đổi huyết thanh HBeAg và HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện.

+ Trường hợp HBeAg (-): HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện trong 3 lần xét nghiệm liên tiếp cách nhau mỗi 6 tháng.

Chú ý: Cần theo dõi tái phát sau khi ngừng thuốc để điều trị lại.

V. PHÒNG BỆNH

1. Phòng chủ động

- Tiêm vắc xin viêm gan vi rút B cho tất cả trẻ em trong vòng 24h sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Tiêm vắc xin viêm gan vi rút B cho các đối tượng chưa bị nhiễm HBV. Cần xét nghiệm HBsAg và anti-HBs trước khi tiêm phòng vắc xin.

- Tiêm vắc xin viêm gan vi rút B cho nhân viên y tế.

2. Phòng lây truyền từ mẹ sang con

- Nếu mẹ mang thai có HBsAg (+): Tiêm vắc xin viêm gan vi rút B liều sau sinh cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và phối hợp với tiêm kháng thể kháng HBV cho trẻ. Nên tiêm cùng thời điểm nhưng ở hai vị trí khác nhau. Sau đó tiêm đầy đủ các liều vắc xin viêm gan vi rút B cho trẻ theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Nếu mẹ mang thai có HBV-DNA > 106 copies/ml (200.000 IU/mL): Dùng thuốc kháng vi rút (lamivudine hoặc tenofovir) từ 3 tháng cuối của thai kỳ. Xét nghiệm lại HBV DNA sau sinh 3 tháng để quyết định ngừng thuốc hoặc tiếp tục điều trị nếu mẹ đủ tiêu chuẩn điều trị. Theo dõi sát người mẹ để phát hiện viêm gan bùng phát.

3. Phòng không đặc hiệu

- Sàng lọc máu và chế phẩm máu.

- Không dùng chung kim tiêm và các dụng cụ xuyên chích qua da khác.

- Tình dục an toàn.

- Tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của người bệnh nhiễm HBV.

- Thực hiện phòng ngừa chuẩn giống các bệnh lây truyền qua đường máu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2014). “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan vi rút B” theo quyết định số 5448/QĐ-BYT, ngày 30 tháng 12 năm 2014.

2. Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Hà Nội (2017). Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền (dành cho đối tượng đại học). Nhà xuất bản Y học.

3. Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Hà Nội (2017). Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền (dành cho đối tượng sau đại học). Nhà xuất bản Y học.

 

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD)

(KHÁI SUYỄN)

I. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD - chronic obstructive pulmonary disease) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của những bất thường của đường thở và/hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính, ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây COPD. Các bệnh đồng mắc và đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Chẩn đoán định hướng áp dụng tại tuyến chưa được trang bị máy đo chức năng thông khí:

Khai thác kỹ tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh, thăm khám lâm sàng để tìm các dấu hiệu định hướng chẩn đoán:

- Bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi.

- Tiền sử: hút thuốc lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động). Ô nhiễm môi trường trong và ngoài nhà, hơi, khí độc. Nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn, lao phổi... Tăng tính phản ứng đường thở (hen phế quản hoặc viêm phế quản co thắt).

- Ho, khạc đờm kéo dài không do các bệnh phổi khác.

- Khó thở: Tiến triển nặng dần theo thời gian.

- Các triệu chứng ho khạc đờm, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian.

- Khám lâm sàng:

+ Giai đoạn sớm của bệnh khám phổi có thể bình thường. Nếu người bệnh có khí phế thũng có thể thấy lồng ngực hình thùng, gõ vang, rì rào phế nang giảm.

+ Giai đoạn nặng hơn khám phổi thấy rì rào phế nang giảm, có thể có ran rít, ran ngáy, ran ẩm, ran nổ.

+ Giai đoạn muộn có thể thấy những biểu hiện của suy hô hấp mạn tính: tím môi, tím đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ, biểu hiện của suy tim phải.

Chẩn đoán xác định áp dụng cho cơ sở y tế đã được trang bị máy đo chức năng thông khí:

Những người bệnh có tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ mắc COPD như đã mô tả ở trên cần được làm các xét nghiệm sau: Đo chức năng thông khí phổi: Kết quả đo chức năng thông khí phổi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ tắc nghẽn đường thở của người bệnh BPTNMT.

Chẩn đoán xác định khi: Rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn sau test hồi phục phế quản: Chỉ số FEV1/FVC < 70% sau test hồi phục phế quản.

Thông thường người bệnh COPD sẽ có kết quả test hồi phục phế quản âm tính (chỉ số FEV1 tăng < 12% và < 200ml sau test hồi phục phế quản).

Nếu người bệnh thuộc kiểu hình chồng lấp hen và COPD có thể có test hồi phục phế quản dương tính (chỉ số FEV1 tăng ≥ 12% và ≥ 200ml sau test hồi phục phế quản) hoặc dương tính mạnh (FEV1 tăng ≥ 15% và ≥ 400ml).

Theo Y học cổ truyền, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thuộc phạm vi các chứng như: “Đàm ẩm”, “Khái thấu”, “Khái suyễn” ... Trong đó hai chứng “Khái thấu” và “Khái suyễn” thường được liên hệ nhiều hơn cả. Hai chứng này được nói đến rất sớm trong câu y văn cổ như “Hoàng đế nội kinh", “Kim quỹ yếu lược”.

Khái là ho có tiếng, mà không có đờm. Thấu là ho có đờm nhiều. Khái thấu là ho vừa có tiếng, vừa có đờm. Trong thực tế lâm sàng nhiều khi rất khó phân ra giữa khái và thấu cho nên thường gọi chung là Khái thấu.

Đàm và ẩm là sản phẩm bệnh lý được hình thành do quá trình rối loạn chuyển hóa tân dịch trong cơ thể. Đàm là chất đặc và đục, thuộc dương, ẩm là chất trong và loãng thuộc âm. Sau khi hình thành, đàm và ẩm theo khí đi đến các bộ phận gây ra chứng “Đàm ẩm”.

Suyễn là chỉ tình hình khó thở mà nguyên nhân cơ bản do suy giảm chức năng của tạng phế và tạng thận. Khi khó thở kéo dài kèm theo ho và khạc đờm gọi là “Khái suyễn”, đây là chứng bệnh có biểu hiện lâm sàng rất gần với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

1. Nguyên nhân của chứng Khái suyễn trong YHCT:

1.1. Ngoại cảm:

Ngoại cảm lục dâm xâm phạm vào phế, khiến cho phế khí không tuyên thông, thượng nghịch mà sinh ra chứng khái suyễn. Trong đó trước hết phải nói đến phong tà, tiếp đó là hàn, thấp, nhiệt và táo tà. Các tà khí kết hợp với nhau tạo nên nhiều thể bệnh như: phong hàn khái suyễn, phong nhiệt khái suyễn, ôn táo khái suyễn...

1.2. Nội thương:

Do nhiều yếu tố khác nhau như tiên thiên bất túc, ẩm thực thất điều, tình chí rối loạn, phòng dục và lao lực quá độ... làm rối loạn chức năng của các tạng phủ, đặc biệt là tỳ, phế, thận mà phát sinh ra chứng Khái suyễn.

Ngoại cảm khái suyễn lâu ngày sẽ dẫn đến nội thương khái suyễn, đồng thời nội thương khái suyễn cũng sẽ làm chính khí suy, sức đề kháng cơ thể giảm sút, khiến cho ngoại tà xâm nhập vào cơ thể tạo ra ngoại cảm khái suyễn. Cuối cùng tạo thành vòng xoắn bệnh lý, ngoại cảm và nội thương xen kẽ với nhau, nhiều khi rất khó phân biệt.

1.3. Bất nội ngoại nhân:

Do hút thuốc lá, thuốc lào, làm việc trong môi trường độc hại (công nhân nhà máy hóa chất, công nhân làm việc trong hầm lò…), ô nhiễm không khí… làm tổn thương, rối loạn chức năng của phế mà sinh ra chứng Khái suyễn

2. Cơ chế bệnh sinh của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Cơ chế bệnh sinh chủ yếu của khái suyễn là do phế khí mất tuyên thông, đưa đến thượng nghịch, làm phát sinh các triệu chứng ho, khạc đờm, khó thở...

Khi thời tiết lạnh hoặc thay đổi đột ngột, ngoại tà sẽ qua đường mũi hay bì mao xâm nhập vào cơ thể, gây tổn thương phế làm cho phế khí mất túc giáng dẫn đến khái suyễn. Nếu bệnh lâu ngày không khỏi, phế khí hư yếu, sẽ ảnh hưởng tới tỳ, thận. Vệ khí bất cố làm bệnh dễ tái phát, dần hình thành chứng khái suyễn.

Tỳ là gốc của hậu thiên, tỳ hư không thực hiện được công năng vận hóa thủy cốc, làm ảnh hưởng đến khả năng vận hóa các chất tinh vi của thủy cốc, tụ lại mà hóa thành

đàm. Đồng thời thận là gốc của tiên thiên, thận dương không được ôn ấm, ảnh hưởng đến quá trình khí hóa, vận hóa tân dịch bị suy giảm mà ngưng lại thành đàm. Thận âm suy tổn, hư hỏa ở hạ tiêu chưng bốc, hun đúc tân dịch, cũng tạo thành đàm. Đàm lưu trệ ở phế gây trở tắc khí đạo, dẫn đến phế khí tuyên giáng thất điều tạo nên các chứng khái suyễn. Bởi vậy, người xưa nói: “Thận vi sinh đàm chi bản, tỳ vi sinh đàm chi nguyên, phế vi trữ đàm chi khí”, nghĩa là: Thận là gốc của đàm, tỳ là nơi sinh ra đàm, phế là nơi trữ đàm. Bên cạnh đó “Phế bất thường khái, tỳ bất thường cửu khái, thận bất thường suyễn”, nghĩa là: Phế không bị tổn thương thì không ho, tỳ không bị tổn thương thì không thể ho kéo dài, thận không bị tổn thương thì không thể khó thở.

Tham gia vào cơ chế bệnh sinh của khái suyễn, còn phải nói đến 3 yếu tố bệnh lý là: đàm, hư và ứ. Đây là sản phẩm bệnh lý do rối loạn chức năng tạng phủ, đồng thời là những yếu tố trực tiếp hay gián tiếp gây bệnh. Tỳ hư hay thận hư đều sinh đàm, mặt khác không có thấp thì cũng không có đàm, thấp tà là nội nhân sinh đàm. Hỏa nội sinh có thể do táo nhiều từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, hoặc do hàn uất hóa hỏa, do tình chí rối loạn, ăn uống không điều độ... đều có thể kết hợp với đàm thấp, sinh ra đàm hỏa gây tắc trở phế lạc, khiến cho phế khí mất tuyên thông mà sinh bệnh.

Như vậy, khái suyễn là một bệnh mang tính chất hư thực thác tạp mà chủ yếu là bản hư tiêu thực (chính hư, tà thực) và chuyển hóa lẫn nhau. Ngoại cảm khái suyễn thuộc thực, nội thương khái suyễn thuộc hư. Bản hư là tạng phủ suy hư, mà chủ yếu là phế, tỳ, thận. Tiêu thực là đàm trệ, huyết ứ, hỏa uất, khí nghịch... mặt khác người xưa còn nói rằng “Kỳ tiêu tại phế, kỳ bản tại tỳ thận”, ý muốn nhấn mạnh tỳ thận hư, đặc biệt là thận hư là nhân tố bệnh lý trọng yếu trong bệnh khái suyễn.

V. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

Đợt cấp của COPD thường thuộc thể phong nhiệt, phong hàn và khí táo. Nếu không phải đợt cấp thì thường được chia làm hai thể phế tỳ hư và phế thận hư.

1. Thể phong nhiệt

1.1. Triệu chứng: Ho nhiều, tiếng ho nặng, khạc đờm đặc, vàng, miệng khát, họng đau, nước mũi vàng đục. Toàn thân đau mỏi, sốt cao, ra mồ hôi, nhức đầu, sợ gió, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, nhiệt).

- Chẩn đoán bệnh danh: Khái thấu.

1.3. Pháp: Sơ phong thanh nhiệt, tuyên thông phế khí.

1.4. Phương:

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Tang cúc ẩm

Tang diệp

12g

Cúc hoa

12g

Liên kiều

16g

Bạc hà

06g

Cát cánh

10g

Cam thảo

06g

Lô căn

08g

Hạnh nhân

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài: Ma hạnh thạch cam thang

Ma hoàng

04g

Hạnh nhân

06g

Thạch cao

12g

Cam thảo

06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Hoặc dùng bài thuốc Nam:

Lá dâu

12g

Rau má

12g

Bạc hà

08g

Cúc hoa

08g

Lá hẹ

08g

Rễ cỏ tranh (sao vàng)

08g

Sắc uống ngày 01 thang chia 2 lần.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm: Châm tả các huyệt:

Trung phủ (LU.1) Thiên đột (CV.22)

Phế du (BL.13) Phong môn (BL.12)

Hợp cốc (LI.4) Ngoại quan (IE.5)

Xích trạch (LU.5) Liệt khuyết (LU.7)

Liệu trình: Châm 1 lần/ngày x 15 – 30 phút 1 lần. Một liệu trình từ 15 đến 20 ngày tùy theo mức độ bệnh.

- Các kỹ thuật châm khác: Điện châm, điện trường châm.

- Thủy châm: Sử dụng thuốc theo y lệnh, có chỉ định tiêm bắp. Thủy châm các huyệt: Phong môn (BL.12), Phế du (BL.13).

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể phong hàn

2.1. Triệu chứng: Người bệnh ho, đờm trong loãng, sắc trắng, dễ khạc, kèm theo tắc mũi, chảy nước mũi trong. Toàn thân: sốt, sợ lạnh, đau đầu, cảm giác mỏi người, không ra mồ hôi, khản tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

2.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, hàn.

- Chẩn đoán tạng phủ/ kinh lạc: kinh và tạng Phế

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, hàn).

2.3 Pháp điều trị: Sơ tán phong hàn, tuyên phế hóa đàm.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Hạnh tô tán

Hạnh nhân

12g

Tô diệp

10g

Trần bì

08g

Chỉ xác

08g

Tiền hồ

12g

Cát cánh

10g

Bán hạ chế

08g

Phục linh

16g

Sinh khương

03 lát

Cam thảo

04g

Đại táo

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Hoặc dùng bài thuốc Nam:

Tô diệp

20g

Lá xương sông

12g

Sinh khương

08g

Lá hẹ

12g

Kinh giới

08g

 

 

Sắc uống ngày 01 thang, chia 2 lần.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm tả các huyệt:

Phong môn (BL.12) Hợp cốc (LI.4)

Khúc trì (LI.11) Ngoại quan (IE.5)

Xích trạch (LU.5) Thái uyên (LU.9)

Liệu trình: Châm 1 lần/ngày x 15 – 30 phút 1 lần. Một liệu trình từ 15 đến 20 ngày tùy theo mức độ bệnh.

- Các kỹ thuật châm khác: Điện châm, điện trường châm.

- Thủy châm: Sử dụng thuốc theo y lệnh, có chỉ định tiêm bắp. Thủy châm các huyệt: Phong môn (BL.12), Phế du (BL.13).

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể khí táo

3.1. Triệu chứng: Ho khan, ít đờm, đôi khi ho có lẫn ít đờm, trong có tia máu, họng khô, mũi khô. Toàn thân: Phát sốt, sợ gió đau họng, đầu lưỡi đỏ, lưỡi khô, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

3.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư trung hiệp thực, nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ/kinh lạc: kinh và tạng Phế.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân + Bất nội ngoại nhân (nội thương).

3.3. Pháp điều trị: Nhuận táo dưỡng phế.

Nếu ôn táo thì kiêm thêm: Sơ phong thanh nhiệt.

Nếu lương táo thì kiêm thêm: Sơ tán phong hàn.

3.4. Phương:

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Tang hạnh thang

Tang diệp 12g Thổ bối mẫu 04g

Hạnh nhân 08g Sa sâm 08g

Chi tử 08g Đạm đậu xị 08g

Lê bì 06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Hoặc dùng bài thuốc Nam:

Rau má

20g

Tang bạch bì (sao mật)

16g

Lá chanh

12g

Trúc diệp

12g

Cam thảo dây

08g

Quả dành dành (sao vàng)

08g

Sắc uống ngày 01 thang, chia 2 lần.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

+ Châm tả các huyệt:

Trung phủ (LU.1) Phế du (BL.13)

Xích trạch (LU.5) Thái uyên (LU.9)

Hợp cốc (LI.4) Khúc trì (LI.11)

Liệu trình: Châm 1 lần/ngày x 15 – 30 phút 1 lần. Một liệu trình từ 15 đến 20 ngày tùy theo mức độ bệnh.

+ Các kỹ thuật châm khác: Điện châm, điện trường châm.

+ Thủy châm: Sử dụng thuốc theo y lệnh, có chỉ định tiêm bắp. Thủy châm các huyệt: Phong môn (BL.12), Phế du (BL.13).

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

4. Thể đàm thấp

4.1. Triệu chứng: Ho, khạc đờm nhiều, đờm trắng, dính loãng hoặc thành cục. Ngực bụng có cảm giác đầy tức, ăn kém, tinh thần mỏi mệt, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch nhu hoạt.

4.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Lý, hư, hàn.

- Chẩn đoán tạng phủ: Tỳ, phế.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

4.3. Pháp điều trị: Bổ phế, kiện tỳ, táo thấp hóa đàm, chỉ khái.

4.4. Phương

4.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Kết hợp hai bài thuốc Lục quân tử thang và Bình vị tán.

Đảng sâm

12g

Bạch truật

16g

Phục linh

16g

Cam thảo

04g

Trần bì

08g

Bán hạ chế

10g

Thương truật

12g

Hậu phác

12g

Sinh khương

06g

Đại táo

12g̉

Cam thảo

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Hoặc dùng bài Nhị trần thang:

Trần bì

10g

Phục linh

10g

Bán hạ chế

08g

Cam thảo

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Nếu tỳ thận dương hư gây ho, đờm nhiều, ngực sườn đầy tức, miệng khát mà không muốn uống, uống nước bị nôn, lưng và tay chân lạnh, hoa mắt, chóng mặt, thở ngắn, hồi hộp, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng trơn. Mạch huyền hoạt thì phương pháp điều trị là ôn dương lợi thấp, trừ đàm, dùng bài Linh quế truật cam thang:

Bạch truật 08g Phục linh 16g

Cam thảo 04g Quế chi 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Hoặc dùng bài thuốc Nam:

Trần bì (sao) 12g Gừng tươi 08g

Bán hạ chế 12g Hậu phác nam 12g

Bạch giới tử 12g Cam thảo nam 12g

La bạc tử 12g

Sắc uống ngày 01 thang, chia 2 lần.

4.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

+ Châm bổ các huyệt:

Tỳ du (BL.20) Phế du (BL.13)

Thận du (BL.22) Túc tam lý (ST.36)

Hợp cốc (LI.4) Tam âm giao (SP.4)

Liệu trình: Châm 1 lần/ngày x 15 – 30 phút 1 lần. Một liệu trình từ 15 đến 20 ngày tùy theo mức độ bệnh.

+ Cứu các huyệt trên ngày 1 lần.

+ Các kỹ thuật châm khác: Điện châm, điện trường châm.

+ Thủy châm: Sử dụng thuốc theo y lệnh, có chỉ định tiêm bắp. Thủy châm các huyệt: Phong môn (BL.12), Phế du (BL.13).

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

5. Thể thủy ẩm (hàn ẩm):

Thường hay gặp ở người bệnh viêm phế quản mạn tính kèm theo giãn phế nang ở người cao tuổi, suy giảm chức năng hô hấp rõ, bệnh tâm phế mạn.

5.1. Triệu chứng: Ho kéo dài, hay tái phát, khó thở, khi trời lạnh thì ho tăng lên, khạc ra nhiều đờm loãng trắng. Khi vận động các triệu chứng trên tăng lên. Khó thở, nhiều khi nằm phải gối đầu cao.

5.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Lý, hư, hàn.

- Chẩn đoán tạng phủ: Phế, thận hư.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

5.3. Pháp điều trị: Ôn bổ phế thận, hoá đàm.

5.4. Phương

5.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Tiểu thanh long thang

Ma hoàng

06g

Nhục quế

08g

Tế tân

04g

Can khương

06g

Bán hạ chế

12g

Ngũ vị tử

06g

Bạch thược

12g

Cam thảo

06g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 01 thang chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

5.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Cứu các huyệt:

Tỳ du (BL.20) Vị du (BL.21) Thái bạch (SP.3)

Phế du (BL.13) Cao hoang (BL.43) Phong long (ST.40)

Túc tam lý (ST.36)

Cứu các huyệt trên ngày 1 lần.

Liệu trình: Cứu 1 lần/ngày x 15 – 30 phút 1 lần. Một liệu trình từ 15 đến 20 ngày tùy theo mức độ bệnh.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Điều trị cụ thể

1.1. Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nhẹ tương ứng với thể phong nhiệt, phong hàn và khí táo của YHCT, do đó có thể kết hợp với YHHĐ theo nguyên tắc:

+ Bổ sung thêm thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2, dạng phun hít, tác dụng nhanh dùng đơn thuần hoặc dạng kết hợp với thuốc kháng cholinergic tác dụng nhanh;

+ Với người bệnh có thở oxy tại nhà: thở oxy 1-3 lít/phút, duy trì SpO2 ở mức 90-92%;

+ Với người bệnh có thở máy không xâm nhập tại nhà: điều chỉnh áp lực phù hợp;

+ Dùng sớm thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.

Điều trị cụ thể:

- Thuốc giãn phế quản.

+ Nhóm cường beta 2 adrenergic: Salbutamol, Terbutalin. Dùng đường phun hít, khí dung hoặc đường uống.

+ Nhóm kháng cholinergic tác dụng ngắn: Ipratropium khí dung.

+ Kết hợp kháng cholinergic và thuốc cường beta 2 adrenergic: Fenoterol/Ipratropium hoặc Salbutamol/Ipratropium; dùng đường phun hít, khí dung.

+ Tiếp tục dùng, hoặc bắt đầu dùng sớm các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài: LAMA, LABA, hoặc dạng kết hợp LAMA + LABA.

- Corticosteroid: Budesonid, Fluticason (khí dung);

- Thuốc dạng kết hợp loại cường beta 2 tác dụng kéo dài và corticoid dạng phun, hít: Budesonid + Formoterol; Fluticason + Salmeterol…

Chú ý: Nếu bệnh nhân có nhiễm trùng thì cần kết hợp điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ hoặc dùng kháng sinh phổ rộng.

1.2. Giai đoạn ổn định của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tương đương với thể Thủy ẩm và Đàm thấp:

Việc điều trị dự phòng để quản lý bệnh phổi tắc nghẽn đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế các đợt cấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đối với hai thể này cần đánh giá bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính theo nhóm ABCD. Phân nhóm ABCD chủ yếu dựa vào:

+ Mức độ triệu chứng, ảnh hưởng của bệnh (mMRC, CAT).

+ Nguy cơ đợt cấp (tiền sử đợt cấp/năm, mức độ nặng đợt cấp).

Đánh giá được tổ hợp theo biểu đồ sau:

Quyết định 5013/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Tài liệu chuyên môn

Chẩn đoán: BPTNMT GOLD 1, 2, 3, 4; nhóm A, B, C, D:

+ BPTNMT nhóm A - Nguy cơ thấp, ít triệu chứng

+ BPTNMT nhóm B - Nguy cơ thấp, nhiều triệu chứng

+ BPTNMT nhóm C - Nguy cơ cao, ít triệu chứng

+ BPTNMT nhóm D - Nguy cơ cao, nhiều triệu chứng

- Điều trị bằng thuốc YHHĐ:

Lựa chọn thuốc YHHĐ theo giai đoạn và mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính GOLD 2018.

- Điều trị không dùng thuốc: Bên cạnh việc dùng thuốc tất cả các thể lâm sàng YHCT cần tuân thủ nguyên tắc:

+ Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ.

+ Cai nghiện thuốc lá.

+ Tiêm vacxin phòng nhiễm trùng đường hô hấp.

+ Vệ sinh mũi họng thường xuyên.

+ Giữ ấm cổ ngực về mùa lạnh.

+ Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.

+ Phát hiện và điều trị các bệnh đồng mắc.

V. PHÒNG BỆNH

- Tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ: thuốc lá, ô nhiễm không khí…

- Quản lý tốt các bệnh phổi mạn tính: hen phế quản, lao phổi.

- Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng hô hấp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2018). “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính" theo quyết định số 3874/QĐ – BYT ngày 26 tháng 6 năm 2018.

2. Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Hà Nội (2017). Bệnh học nội khoa YHCT (dành cho đối tượng đại học). Nhà xuất bản Y học.

3. Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Hà Nội (2017). Bệnh học nội khoa YHCT (dành cho đối tượng sau đại học). Nhà xuất bản Y học.

 

MÀY ĐAY

(ẨN CHẨN)

I. ĐẠI CƯƠNG

Mày đay là một bệnh lý da liễu thường gặp được xếp vào chứng Ẩn chẩn, Phong chẩn khối của y học cổ truyền.

Bệnh có bản chất là phản ứng của mao mạch trên da với các yếu tố khác nhau gây nên phù cấp hoặc mạn tính ở vùng trung bì. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, dễ nhận biết nhưng rất khó tìm được nguyên nhân chính xác. Trên cùng một người bệnh có thể có một hoặc nhiều căn nguyên gây ra mày đay cùng kết hợp.

Cơ chế bệnh phức tạp, đa số thông qua kháng thể IgE, trong đó có vai trò quan trọng của các chất trung gian hóa học nhất là histamin.

Chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào tổn thương cơ bản trên da là các sẩn phù kích thước to nhỏ khác nhau, xuất hiện ở bất kì vùng da nào của cơ thể. Sẩn phù hơi nổi cao trên mặt da, màu sắc hơi đỏ hoặc nhạt hơn vùng da xung quanh. Kích thước và hình dáng các mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, xuất hiện nhanh, mất đi nhanh. Theo tiến triển, mày đay chia làm 2 loại: mày đay cấp là phản ứng tức thì xảy ra trong vòng 24 giờ, có thể kéo dài đến 6 tuần; mày đay mạn là mày đay tồn tại trên 6 tuần. Cận lâm sàng giúp chẩn đoán căn nguyên gây bệnh như làm prick test, patch test đối với dị nguyên nghi ngờ; xét nghiệm máu có tăng số lượng bạch cầu ái toan gợi ý bệnh dị ứng hoặc do ký sinh trùng, số lượng bạch cầu giảm trong SLE; sinh thiết da nếu mày đay kéo dài và giúp xác định viêm mao mạch; định lượng kháng nguyên đặc hiệu loại IgE theo công nghệ MAST CLA1.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

- Tiên thiên bất túc: Do bẩm sinh không đầy đủ, tà khí dễ xâm nhập mà phát bệnh.

- Ngoại tà xâm nhập: Vệ khí không cố được biểu nên ngoại tà đặc biệt là phong hàn, phong nhiệt xâm nhập và tắc trở ở bì phu mà phát bệnh.

- Ăn uống không đúng: Do ăn uống nhiều đồ hải sản, đồ cay nóng...dẫn tới công năng tỳ vị bị ảnh hưởng, thấp nhiệt nội sinh mà hóa phong nhiệt; hay do ăn uống không sạch làm trùng tích tích lại ở tỳ vị lâu ngày sinh thấp nhiệt ảnh hưởng tới bì phu.

- Tình chí nội thương: Do tình chí tổn thương dẫn tới âm dương mất thăng bằng, doanh vệ không điều hòa mà phát bệnh.

- Khí huyết hư nhược: Do mắc bệnh lâu ngày hay do bản chất hư nhược hoặc Xung Nhâm không điều hòa, dẫn đến khí huyết hư. Khí hư không cố được biểu thừa cơ tà khí xâm nhập, huyết hư làm hư nhiệt sinh phong, bì phu không được nuôi dưỡng mà sinh bệnh.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể phong hàn

1.1. Triệu chứng: Sẩn phù màu trắng, gặp gió lạnh thì nặng lên, chườm ấm thấy đỡ, không khát; lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng. Mạch phù khẩn.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong hàn).

1.3. Pháp điều trị: Sơ phong tán hàn, điều hòa dinh vệ.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thuốc uống trong

- Cổ phương: “Quế chi thang” (Thương hàn luận)

Quế chi

8g

Bạch thược

12g

Sinh khương

12g

Chích cam thảo

6g

Đại táo

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: (Tập đơn thuốc nam châm cứu)

Quế chi 08g Phù bình 12g

Phòng phong 12g Bạch cương tàm 08g

Kinh giới 12g Sinh khương 08g

Tử tô 12g Cam thảo 06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

* Thuốc dùng ngoài:

- Lá dướng sắc lấy nước rửa nơi có mày đay hoặc lá khế, lá kinh giới giã nát đắp lên tổn thương, đun nước uống hoặc tắm hàng ngày.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm: Công thức huyệt:

Phong trì (GB.20) Khúc trì (LI.11)

Phong môn (BL.12) Ôn lưu (LI.7)

Hợp cốc (LI.4) Huyết hải (SP.10)

Cách du (BL.17) Can du (BL.18)

Phi dương (BL.58) Tam âm giao (SP.6)

Liệu trình: Châm 30 phút/lần/ngày (cho tới khi hết triệu chứng).

Cách châm: Châm tả, sử dụng kỹ thuật hào châm hoặc điện châm.

- Cứu: Có thể sử dụng điếu ngải cứu 15 – 30 phút/lần/ngày các huyệt như trên.

- Cấy chỉ: Theo công thức huyệt trên, mỗi lần cấy chỉ có tác dụng từ 7 đến 14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ đến khám lại để có chỉ định thực hiện liệu trình tiếp theo.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể phong nhiệt

2.1. Triệu chứng: Sẩn phù màu đỏ tươi, ngứa dữ dội, có thể kèm theo người nóng, phát sốt, sợ nóng, hầu họng sưng đau, gặp nóng bệnh nặng thêm, rêu lưỡi vàng mỏng. Mạch phù sác.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong nhiệt).

2.3. Pháp điều trị: Sơ phong thanh nhiệt.

2.4. Phương

2.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: “Ngân kiều tán” (Ôn bệnh điều biện)

Kim ngân hoa

16g

Bạc hà

08g

Liên kiều

16g

Đạm đậu xị

12g

Kinh giới

12g

Đạm trúc diệp

12g

Cát cánh

12g

Cam thảo

06g

Ngưu bàng tử

12g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: (Tập đơn thuốc nam châm cứu)

Sài đất 12g Ké đầu ngựa 12g

Cỏ mần trầu 12g Kim ngân hoa 12g

Thổ phục linh 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

* Thuốc dùng ngoài: như trên.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm: Công thức huyệt:

Phong trì (GB.20) Khúc trì (LI.11)

Phong môn (KI.12) Đại chùy (CV.14)

Hợp cốc (LI.4) Huyết hải (SP.10)

Cách du (BL.17) Can du (BL.18)

Tam âm giao (SP.6)

Liệu trình: Châm 30 phút/lần/ngày (cho tới khi hết triệu chứng)

Cách châm: Châm tả, sử dụng kỹ thuật hào châm hoặc điện châm.

- Cấy chỉ: Theo công thức huyệt trên, mỗi lần cấy chỉ có tác dụng từ 7 đến 14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ đến khám lại để có chỉ định thực hiện liệu trình tiếp theo.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể huyết hư phong táo

3.1. Triệu chứng: Bệnh tái đi tái lại, tổn thương có màu trắng, sau trưa hoặc về đêm thì nặng lên, kèm theo mệt mỏi, sắc mặt không tươi nhuận, lưỡi hồng nhạt, rêu trắng mỏng. Mạch tế nhược.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

3.3. Pháp điều trị: Tư âm nhuận huyết, giải độc.

3.4. Phương

3.4.1. Điều trị bằng thuốc

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Cổ phương: “Tiêu phong tán” (Y tông kim giám)

Kinh giới

12g

Thuyền thoái

04g

Phòng phong

12g

Ngưu bàng tử

12g

Đương qui

12g

Thạch cao

12g

Sinh địa

12g

Tri mẫu

10g

Khổ sâm cho lá

12g

Cam thảo

06g

Thương truật

08g

 

 

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Nghiệm phương: (Tập đơn thuốc nam châm cứu)

Sinh địa 12g Hà thủ ô 12g

Huyết dụ (lá) 12g Kinh giới 12g

Bạch thược 12g Ké đầu ngựa 12g

Cam thảo 6g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

* Thuốc dùng ngoài: như trên.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm:

Châm tả các huyệt:

Phong trì (GB.20) Phong môn (BL.12)

Khúc trì (LI.11) Ôn lưu (LI.7)

Hợp cốc (LI.4) Phi dương (BL.58)

Châm bổ các huyệt:

Huyết hải (SP.10) Cách du (BL.17)

Can du (BL.18) Tam âm giao (SP.6)

Liệu trình: Châm 30 phút/lần/ngày

Cách châm: Hào châm hoặc điện châm các huyệt.

- Cấy chỉ: Theo công thức huyệt trên, mỗi lần cấy chỉ có tác dụng từ 7 đến 14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ đến khám lại để có chỉ định thực hiện liệu trình tiếp theo.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

4.1. Nguyên tắc điều trị

- Xác định và loại bỏ dị nguyên gây dị ứng, tránh tiếp xúc lại với dị nguyên gây dị ứng.

4.2. Điều trị cụ thể

4.2.1. Điều trị nguyên nhân

- Tránh tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng.

- Giải mẫn cảm với dị nguyên gây dị ứng.

4.2.2. Điều trị triệu chứng

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

- Kháng histamin

- Corticoid

V. PHÒNG BỆNH

- Tránh tiếp xúc với dị nguyên nghi ngờ gây mày đay (thuốc, hóa chất, thức ăn, lông động vật…).

- Hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da.

- Tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.

- Mặc quần áo cotton nhẹ nhàng vừa vặn.

- Tránh các hoạt động nặng hoặc các nguyên nhân gây ra mồ hôi.

- Nghỉ ngơi và giảm các stress.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2008). "Bệnh mày đay", Bệnh học Ngoại – Phụ Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học.

2. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.

3. Bộ Y tế (2017). Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm chuyên ngành châm cứu.

4. Bộ Y tế (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu.

 

BÍ ĐÁI CƠ NĂNG

(LONG BẾ)

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại, bí đái là tình trạng trong bàng quang có chứa nhiều nước tiểu mà người bệnh không đi tiểu được hoặc đi tiểu với số lượng rất ít, không phải do nguyên nhân cơ giới như là cản trở đường ra của nước tiểu. Bí đái bao gồm cả nguyên nhân thực thể và cơ năng. Bí đái cơ năng thường gặp là do viêm nhiễm, phẫu thuật vùng tiểu khung, điều trị bằng phẫu thuật vùng xương chậu, khớp háng, cột sống, vùng hậu môn trực tràng… hoặc ảnh hưởng của thuốc tê, mê… gây nên. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh đau tức vùng bụng dưới, bàng quang, vùng trước xương mu, khó chịu, bứt rứt, muốn đi tiểu nhưng không thể tiểu được, căng tức vùng bàng quang, khám bụng vùng hạ vị có cầu bàng quang. Bí đái cơ năng được chẩn đoán chủ yếu dựa vào thăm khám trên lâm sàng và điều trị bằng phương pháp Y học cổ truyền thường có hiệu quả cao.

Theo Y học cổ truyền, bí đái cơ năng thuộc phạm vi chứng Long bế hoặc Lung bế. Lung là tiểu tiện ít, tiểu không dễ dàng. Bế là chỉ một giọt nước tiểu cũng không ra, tiểu không thông, muốn đi tiểu cũng không được.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH BÍ ĐÁI CƠ NĂNG Theo YHHĐ:

Thành bàng quang co bóp không đủ mạnh có thể là do mất liên hệ với hệ thần kinh điều khiển tiểu tiện. Nguyên nhân gây mất liên lạc như:

- Các chấn thương cột sống, chấn thương vỡ xương chậu…

- Các phẫu thuật vùng xương chậu, khớp háng, vùng cột sống thắt lưng, vùng hậu môn trực tràng, sau mổ đẻ …

- Sử dụng một số thuốc tê, mê...

- Viêm nhiễm vùng hạ vị, đường tiết niệu…

Theo YHCT:

- Do thấp nhiệt ở trung tiêu không hóa được làm cho khí cơ của bàng quang bị trở ngại gây nên bí đái.

- Do phế nhiệt ảnh hưởng đến tuyên phát và túc giáng, qua đó ảnh hưởng đến chức năng thông điều thủy đạo, gây khó khăn nhị tiện, làm tiểu tiện không lợi, bí đái.

- Do cáu giận quá mức làm can khí uất trệ hoặc do sau mổ, sau đẻ, do ảnh hưởng của một số loại thuốc làm cho khí cơ của bàng quang bị trở ngại, tiểu tiện bất lợi, bí đái.

- Do thận khí tổn thương, tinh huyết hao tổn, mệnh môn hỏa suy làm cho khí hóa của bàng quang bất lợi, khí cơ bàng quang suy yếu gây nên bí đái.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể bàng quang thấp nhiệt

1.1. Triệu chứng: Tiểu lượng ít, nhỏ giọt, nước tiểu vàng, tiểu nóng rát, hoặc không tiểu tiện được, bụng dưới đầy, miệng đắng và khô, không muốn uống nước, đại tiện khó, rêu lưỡi vàng và nhớt, chất lưỡi đỏ. Mạch sác.

1.2. Chẩn đoán:

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Bàng quang thấp nhiệt.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Thấp nhiệt.

- Chẩn đoán bệnh danh: Long bế thể bàng quang thấp nhiệt.

1.3. Pháp điều trị: Thanh nhiệt trừ thấp lợi thủy.

1.4. Phương

1.4.1. Điều trị bằng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: dùng bài “Bát chính tán”:

Mộc thông

12g

Xa tiền tử

08g

Cù mạch

12g

Biển súc

10g

Hoạt thạch

16g

Chi tử

08g

Đại hoàng

06g

Cam thảo

06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Gia giảm:

Nếu tâm phiền, miệng lưỡi mọc mụn, đầu lưỡi đỏ đau gia: Hoàng liên 4g, Đạm trúc diệp 12g để thanh tâm giáng hỏa.

Nếu miệng đắng dính, rêu lưỡi vàng nhớt gia: Thương truật 8g, Hoàng bá 10g, Ý dĩ 12g để hóa thấp thanh nhiệt.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: (Thuốc Nam - “Nam Y nghiệm phương”)

Mã đề, Râu ngô, Rễ cỏ tranh mỗi vị 30g, nếu dùng tươi liều gấp 3. Sắc 2 - 3 lít nước uống trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, lợi thấp, thông tiểu.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm cứu: châm tả các huyệt:

Khúc cốt (CV.2) Trung cực (CV.3) Quy lai (ST.29)

Tam âm giao (SP.6) Huyết hải (SP.10) Dương lăng tuyền (GB.34)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện nhĩ châm: châm tả các điểm

Thần môn Tuyến nội tiết

Giao cảm Niệu đạo

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện mãng châm:

Trung cực xuyên Khúc cốt

Quy lai xuyên Khúc cốt

Trật biên (BL.54)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Xoa bóp bấm huyệt (tả pháp):

+ xoa, xát, miết, day, bóp vùng bụng

+ bấm huyệt: Trung cực (CV.3) Khúc cốt (CV.2)

Thiên khu (ST.25) Quy lai (ST.29)

Quan nguyên (CV.4) Khí hải (CV.6)

+ day các huyệt: Đản trung (CV.17) Túc tam lý (ST36)

Tam âm giao (SP.6) Thái khê (KI.3)

Dương lăng tuyền (GB.34)

Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 - 20 ngày.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể phế nhiệt

2.1. Triệu chứng: Tiểu tiện nhỏ giọt, không dễ dàng, tia nhỏ không thông, hoặc không tiểu tiện được. Họng khô, phiền khát, thích uống nước. Thở ngắn gấp, rêu lưỡi vàng mỏng. Mạch sác.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Phế nhiệt.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương) .

- Chẩn đoán bệnh danh: Long bế thể phế nhiệt.

2.3. Pháp: Thanh phế, lợi thủy.

2.4. Phương:

2.4.1. Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: dùng bài “Thanh phế ẩm”:

Sa sâm

16g

Hoàng cầm

12g

Tang bạch bì

12g

Mạch môn

12g

Bạch mao căn

12g

Lô căn

12g

Chi tử

08g

Mộc thông

12g

Phục linh

12g

Xa tiền tử

08g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Gia giảm:

Nếu người bệnh tâm phiền, đầu lưỡi đỏ gia: Hoàng liên 4g, Đạm trúc diệp 12g. Nếu đại tiện khô kết không thông gia: Đại hoàng 4g để tả hạ thông tiện.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: (Thuốc Nam - “Nam Y nghiệm phương”)

Râu mèo, Kim tiền thảo, vỏ rễ cây dâu, rau má, lá tre, vỏ bưởi mỗi vị 30g, nếu dùng tươi liều gấp 3 sắc 2 - 3 lít nước uống. Công dụng: thanh phế, thông tiểu.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Châm cứu: châm tả các huyệt:

Khúc cốt (CV.2) Trung cực (CV.3) Quy lai (ST.29)

Hợp cốc (LI.4) Khúc trì (LI.11) Phế du (BL.13)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện nhĩ châm: giống thể bàng quang thấp nhiệt.

- Điện mãng châm: giống thể bàng quang thấp nhiệt.

- Xoa bóp bấm huyệt:

+ Xoa, xát, miết, day, bóp vùng bụng

+ Bấm huyệt: Trung cực (CV.3) Khúc cốt (CV2)

Phế du (B.13) Quy lai (ST.29)

Quan nguyên (CV.4) Khí hải (CV.6)

+ Day huyệt: Đản trung (CV.17) Túc tam lý (ST.36)

Phế du (BL.13) Tam âm giao (SP.6)

Dương lăng tuyền (GB.34)

Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể khí trệ huyết ứ

3.1. Triệu chứng: Sau khi tình chí uất hận hoặc sau phẫu thuật, giang môn bị đau quá dẫn đến tiểu tiện đột ngột không thông hoặc thông mà không dễ dàng, bụng đầy trướng hoặc đau, dễ bị xúc động, buồn phiền, dễ cáu giận, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ. Mạch huyền.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực.

- Chẩn đoán tạng phủ: Can, Bàng quang.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Nội nhân (cáu giận), Bất nội ngoại nhân (sau phẫu thuật).

- Chẩn đoán bệnh danh: Long bế thể khí trệ, huyết ứ.

3.3. Pháp điều trị: Sơ can lý khí (hoặc hành khí hoạt huyết), thông lợi tiểu tiện.

3.4. Phương thuốc

3.4.1. Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: bài “Sài hồ sơ can thang” hợp “Trầm hương giải khí tán”, giảm vị Trầm hương:

Sài hồ

12g

Thanh bì

08g

Hương phụ

12g

Ô dược

10g

Hoạt thạch

10g

Vương bất lưu hành

10g

Đương quy

08g

 

 

Sắc uống ngày 01 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: (Thuốc Nam - “Nam Y nghiệm phương”)

Râu mèo, Kim tiền thảo, rau đắng đất, rau dừa nước, vỏ cam mỗi vị 30g, nếu dùng tươi liều gấp 3 sắc 2 - 3 lít nước uống. Công dụng: khai uất, lý khí, thông tiểu.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc

- Châm cứu: châm tả các huyệt:

Khúc cốt (CV.2) Trung cực (CV.3) Lan môn (Kỳ huyệt)

Trật biên (BL.54) Bàng quang du (BL.28) Côn lôn (BL.60)

- Xoa bóp bấm huyệt:

+ Xoa, xát, miết, day, bóp vùng bụng.

+ Bấm huyệt: Trung quản (CV.12) Thiên khu (ST.25)

Quy lai (ST.29) Hạ quản (CV.10)

Quan nguyên (CV.4) Đại hoành (SP.15)

Khí hải (CV.6)

+ Day các huyệt: Đản trung (CV.17) Túc tam lý (ST.36)

Tam âm giao (SP.6) Thái khê (KI.3)

Dương lăng tuyền (GB.34)

Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

4. Thể thận khí hư

4.1. Triệu chứng: Thường gặp ở người cao tuổi, người bệnh tiểu ít, tiểu khó, kèm đau lưng mỏi gối, chân không ấm, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng. Mạch trầm nhược.

4.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư hàn.

- Chẩn đoán tạng phủ: Thận, Bàng quang.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

- Chẩn đoán bệnh danh: Long bế thể thận khí hư.

4.3. Pháp điều trị: Bổ thận khí lợi thủy.

4.4. Phương:

4.4.1. Điều trị thuốc YHCT:

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: dùng bài “Tế sinh thận khí hoàn”:

Thục địa

32g

Đơn bì

12g

Sơn thù

16g

Phụ tử chế

06g

Bạch linh

12g

Quế chi

14g

Hoài sơn

16g

Ngưu tất

12g

Trạch tả

12g

Xa tiền tử

12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: (Thuốc Nam - “Nam Y nghiệm phương”)

Thông bạch 30g, gừng 12g. Nếu đau lưng gia ngũ gia bì, đỗ trọng 20g. Sắc từ 2 đến 3 lít nước uống.

Công dụng: thông dương, ích khí, tán kết, lợi niệu... trị chứng bí tiểu, tiểu đục, tiểu dắt, dương khí hư chân tay lạnh.

4.4.2. Điều trị không dùng thuốc của YHCT

- Châm cứu: châm bổ các huyệt:

Khúc cốt (CV.2) Trung cực (CV.3)

Quan nguyên (CV.4) Dương lăng tuyền (GB.34)

Khí hải (CV.6) Quy lai (ST.29)

Túc tam lý (ST.36) Tam âm giao (SP.6)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện nhĩ châm: giống thể bàng quang thấp nhiệt.

- Điện mãng châm: giống thể bàng quang thấp nhiệt.

- Xoa bóp bấm huyệt:

+ Xoa, xát, miết, day, bóp vùng bụng

+ Bấm huyệt: Quan nguyên (CV.4) Khí hải (CV.6)

Thận du (BL23) Tam âm giao (SP.6)

Trung cực (CV3) Khúc cốt (CV.2)

Quy lai (ST.29) Huyết hải (SP.10)

Túc tam lý (ST.36)

+ Day các huyệt: Đản trung (CV.17) Túc tam lý (ST.36)

Tam âm giao (SP.6) Thái khê (KI.3)

Dương lăng tuyền (GB.34)

Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

Nếu châm không kết quả thì chuyển phương pháp:

+ Đặt sonde tiểu

+ Điều trị ngoại khoa mở thông bàng quang (nếu đặt sonde tiểu thất bại).

V. PHÒNG BỆNH

- Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, cáu giận.

- Thực hiện tốt chế độ ăn điều độ, tránh uống rượu bia nhiều.

- Tránh lao động nặng.

- Cần điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, bệnh tiểu khung (nữ giới).

- Cần vận động cơ thể thường xuyên, đều đặn như đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh, bơi… để cho mọi cơ quan của cơ thể hoạt động, khí huyết lưu thông, bàng quang và cổ bàng quang co bóp nhịp nhàng thuận lợi cho việc đi tiểu. Những người có bệnh mạn tính về bàng quang, tiểu khung (phụ nữ) không nhịn tiểu và không nên ngồi lâu làm ứ đọng nước tiểu càng dễ dẫn đến bí tiểu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y Tế (2017). Quy trình kĩ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm chuyên ngành châm cứu, Quyết định số 2279/QĐ-BYT.

2. Nguyễn Nhược Kim, Trần Quang Đạt (2013). Châm cứu và các phương pháp không dùng thuốc, Nhà xuất bản y học.

3. Khoa Y học cổ truyền -Trường Đại học Y Hà Nội (2012). Bệnh học nội khoa y học cổ truyền. Nhà xuất bản Y học.

 

BỆNH TRĨ

(HẠ TRĨ)

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại, trĩ là những cấu trúc bình thường ở ống hậu môn. Bệnh trĩ là do những cấu trúc này bị chuyển đổi sang trạng thái bệnh lý do yếu tố cơ học làm giãn, lỏng lẻo hệ thống nâng đỡ gây sa búi trĩ và yếu tố mạch máu làm giãn mạch gây chảy máu. Nguyên nhân gây bệnh trĩ: táo bón thường xuyên, chế độ ăn uống không phù hợp, phụ nữ mang thai, đại tiện không đúng (nhịn đại tiện, rặn mạnh khi đại tiện), quan hệ tình dục qua đường hậu môn, tư thế làm việc không đúng (ngồi lâu, đứng nhiều, mang vác nặng…), người cao tuổi, thừa cân béo phì, các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng. Chẩn đoán bệnh trĩ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và soi hậu môn bằng ống cứng. Biểu hiện lâm sàng gồm 2 triệu chứng hay gặp nhất: đại tiện ra máu tươi và sa trĩ. Thăm và soi hậu môn-trực tràng có thể thấy trĩ nội (4 độ), trĩ ngoại, nếp da thừa, sa niêm mạc chuyển tiếp của vùng lược...

Phân độ trĩ nội: gồm 4 độ theo Hiệp hội tiêu hóa Hoa Kỳ:

- Độ 1: Đại tiện ra máu tươi chiếm 80 - 90%, chỉ đôi khi có hiện tượng khó chịu, không thoải mái. Các búi trĩ nhô lên thấy cương tụ máu nhưng không sa khi rặn.

- Độ 2: Triệu chứng chính là đại tiện ra máu tươi, búi trĩ sa ra ngoài, khi đại tiện xong tự co lên. Búi trĩ sa khi rặn và tự co lên được.

- Độ 3: Xuất hiện các búi trĩ nội khá lớn, đôi khi không còn rõ ranh giới giữa các búi trĩ nội và ngoại như vậy trở thành một búi trĩ hỗn hợp. Các búi trĩ sa khi rặn không tự co lên được, nhưng có thể đẩy vào được.

- Độ 4: Các búi trĩ sa thường xuyên và không đẩy lên được.

Theo Y học cổ truyền, bệnh trĩ hậu môn nằm trong chứng Hạ trĩ. Các sách cổ chia làm 5 loại trĩ: Mẫu Trĩ, Tẫn Trĩ, Trường Trĩ, Mạch Trĩ, Huyết Trĩ. Sách “Tế Sinh Phương” viết: “Đa số do ăn uống không điều độ, uống rượu quá mức, ăn nhiều thức ăn béo, ngồi lâu làm cho thấp tụ lại, mót đi tiêu mà không đi ngay, hoặc là Dương minh phủ không điều hòa, quan lạc bị bế tắc, phong nhiệt không lưu thông gây nên ngũ trĩ”.

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO YHCT

Trong “Trung y ngoại khoa học giảng nghĩa” tóm tắt có các nguyên nhân sau: về ăn uống: ăn quá nóng, no đói thất thường, ăn đồ ăn sống lạnh, uống nhiều rượu, ăn béo ngậy, ăn quá cay; về chế độ sinh hoạt: đứng lâu, ngồi lâu, vác nặng đi xa...; nguyên nhân khác: ỉa chảy mạn tính, táo bón kéo dài, thể chất quá suy yếu, mang thai nhiều lần. Các nguyên nhân trên có thể làm khí huyết loạn hành, kinh lạc giao cắt dẫn đến huyết ứ, trọc khí hạ trú hậu môn gây nên trĩ. Ngoài ra, người bệnh sau khi mắc một số bệnh làm rối loạn chức năng của các tạng phủ như can, tâm, tỳ, thận (can khắc tỳ, can tâm thận âm hư, tâm tỳ hư...) gây khí hư, huyết ứ làm trung khí hư hạ hãm sinh ra hạ trĩ.

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể nhiệt độc (tương ứng với trĩ nội độ 1, 2)

1.1. Triệu chứng: Đại tiện có kèm theo máu tươi với nhiều mức độ chảy máu: thấm giấy vệ sinh, nhỏ giọt hoặc thành tia. Người nóng, hậu môn nóng, khối trĩ sa ra ít hoặc không sa, không chảy dịch, không chảy mủ. Tiểu vàng lượng ít, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ rêu vàng. Mạch sác.

1.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh tại phủ đại trường, giang môn.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

- Chẩn đoán bệnh danh: Hạ trĩ thể nhiệt độc.

1.3. Pháp: Thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết.

1.4. Phương:

1.4.1. Điều trị dùng thuốc

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Hòe hoa tán (Bản sự phương)

Hòe hoa sao vàng

12g

Kinh giới tuệ sao đen

12g

Trắc bá diệp sao cháy

12g

Chỉ xác sao

12g

Tán bột mịn, trộn đều. Mỗi lần uống 8-10g với nước sôi để nguội hoặc nước cơm.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: (Thuốc Nam châm cứu)

Sài đất, Bồ công anh, Hoàng bá, Hòe hoa, Râu ngô, Rễ cỏ tranh mỗi vị 20g, nếu dùng tươi liều gấp 3. Sắc 2 - 3 lít nước uống trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết.

* Thuốc dùng ngoài:

- Bột ngâm trĩ: Lá móng, Binh lang, Hoàng bá, Phèn phi. Lượng bằng nhau, tán bột ngâm hậu môn ngày 20 - 30g.

- Kha tử, Phèn phi. Lượng bằng nhau, tán bột, ngâm hậu môn ngày 30g.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.4.2. Điều trị không dùng thuốc YHCT:

- Điện châm tả các huyệt:

Trường cường (GV.1) Đại trường du (BL.25) Thứ liêu (BL.32)

Bạch hoàn du (BL.30) Tiểu trường du (BL.27) Túc tam lý (ST36)

Tam âm giao (SP6) Thừa sơn (BL.57) Chi câu (TE.6)

Hợp cốc (LI.4) Bách hội (GV.20)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện mãng châm các huyệt:

Bách hội xuyên Thượng đình

Đại trường du xuyên Tiểu trường du

Trật biên xuyên Bạch hoàn du

Thứ liêu xuyên Bạch hoàn du

Tam âm giao xuyên Thừa sơn

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Thủy châm các huyệt (thuốc theo y lệnh, có chỉ định tiêm bắp):

Trật biên (BL.54) Túc tam lý (ST.36)

Tam âm giao (SP.6) Đại trường du (BL.25)

Thủy châm ngày 01 lần, mỗi lần thủy châm vào 2 - 3 huyệt, 10 - 15 lần/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

2. Thể huyết ứ (tương ứng với trĩ tắc mạch)

2.1. Triệu chứng: Búi trĩ sưng, chắc, đau nhức, tím sẫm màu, ấn đau, không chảy dịch, không chảy mủ. Đại tiện có máu tươi. Lưỡi tím, có điểm ứ huyết, rêu lưỡi mỏng trắng hoặc trắng nhớt. Mạch hoạt.

2.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực.

- Chẩn đoán tạng phủ: Bệnh tại giang môn.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân.

- Chẩn đoán bệnh danh: Hạ trĩ thể huyết ứ.

2.3. Pháp điều trị: Hoạt huyết khứ ứ, hành khí chỉ huyết.

2.4. Phương:

2.4.1. Điều trị dùng thuốc:

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Hoạt huyết địa hoàng thang:

Sinh địa 20g Hòe hoa 12g

Kinh giới 12g Địa du 12g

Hoàng cầm 12g Xích thược 12g

Đương quy 12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Gia giảm: táo bón gia Ma nhân 12g, Đại hoàng 04g

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương (Thuốc Nam châm cứu):

Kê huyết đằng, Huyết giác, Trần bì, Ngưu tất, Bạch thược, Hoài sơn, Hòe hoa, Chỉ xác, Cỏ ngọt. Sắc 2 - 3 lít nước uống trong ngày. Công dụng: hoạt huyết, hành khí, hóa ứ, lương huyết, chỉ huyết, ích khí thăng đề.

* Thuốc dùng ngoài:

- Bột ngâm trĩ: Lá móng, Binh lang, Hoàng bá, Phèn phi. Lượng bằng nhau, tán bột ngâm hậu môn ngày 20 - 30g.

- Kha tử, Phèn phi. Lượng bằng nhau, tán bột, ngâm hậu môn ngày 30g.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Điện châm tả các huyệt:

Trường cường (GV.1)

Đại trường du (BL.25)

Thứ liêu (BL.32)

Bạch hoàn du (BL30)

Tiểu trường du (BL.27)

Túc tam lý (ST.36)

Tam âm giao (SP.6)

Thừa sơn (BL.57)

Chi câu (TE.6)

Hợp cốc (LI.4)

Huyết hải (SP.10)

Cách du (BL.17)

Bách hội (GV.20)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện mãng châm các huyệt: như mục 1.4.2

- Thủy châm các huyệt (thuốc theo y lệnh, có chỉ định tiêm bắp):

Đại trường du (BL.25) Trật biên (BL.54)

Thủy châm ngày 01 lần, mỗi lần thủy châm vào 2 - 3 huyệt, 10 - 15 lần/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

3. Thể thấp nhiệt (tương ứng với trĩ viêm, loét)

3.1. Triệu chứng: Vùng hậu môn đau, tiết nhiều dịch, trĩ sa ra ngoài khó đẩy vào, có thể có điểm hoại tử bề mặt búi trĩ, hoặc có điểm loét chảy dịch vàng hôi, đại tiện táo, lưỡi bệu nhớt, rêu vàng. Mạch hoạt sác.

3.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.

- Chẩn đoán tạng phủ: Đại trường, giang môn.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Nội nhân + Bất nội ngoại nhân.

- Chẩn đoán bệnh danh: Hạ trĩ thể thấp nhiệt.

3.3. Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết chỉ thống.

3.4. Phương:

3.4.1. Điều trị bằng thuốc:

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Hòe hoa tán

Hòe hoa sao vàng 12g Trắc bá diệp sao cháy 12g

Kinh giới sao đen 16g Chỉ xác sao 10g

Tán bột mịn, trộn đều, mỗi lần uống 8g với nước sôi để nguội hoặc nước cơm, ngày 2 lần. Có thể dùng làm thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương (Thuốc Nam châm cứu):

Hoàng bá, Bồ công anh, Sinh địa, Hòe hoa, Râu ngô, Thương truật, Cỏ ngọt. Sắc 2 - 3 lít nước uống trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt táo thấp, thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ huyết, ích khí thăng đề.

* Thuốc dùng ngoài:

- Bột ngâm trĩ: Lá móng, Binh lang, Hoàng bá, Phèn phi. Lượng bằng nhau, tán bột ngâm hậu môn ngày 20 - 30g.

- Kha tử, Phèn phi. Lượng bằng nhau, tán bột, ngâm hậu môn ngày 30g.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.4.2. Điều trị không dùng thuốc YHCT:

- Điện châm tả các huyệt:

Trường cường (GV.1)

Đại trường du (BL.25)

Thứ liêu (BL.32)

Bạch hoàn du (BL.30)

Tiểu trường du (BL.27)

Túc tam lý (ST.36)

Tam âm giao (SP.6)

Thừa sơn (BL.57)

Chi câu (TE.6)

Hợp cốc (LI.4)

Huyết hải (SP.10)

Phong long (ST.40)

Bách hội (GV.20)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện mãng châm các huyệt: như mục 1.4.2

- Thủy châm các huyệt (thuốc theo y lệnh, có chỉ định tiêm bắp):

Đại trường du (BL.25) Trật biên (BL.54)

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

4. Thể khí huyết lưỡng hư (tương ứng trĩ hỗn hợp độ IV, trĩ lâu ngày gây thiếu máu)

4.1. Triệu chứng: Đại tiện ra máu lâu ngày, hoa mắt chóng mặt, ù tai, mặt trắng nhợt, người mệt mỏi, đoản hơi. Rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch trầm tế.

4.2. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bát cương: Lý hư hàn.

- Chẩn đoán tạng phủ: Tỳ, Vị, Can, Thận, Đại trường, giang môn.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân.

- Chẩn đoán bệnh danh: Hạ trĩ thể khí huyết hư.

4.3. Pháp điều trị: Bổ khí huyết chỉ huyết, ích khí thăng đề.

4.4. Phương:

4.4.1. Điều trị dùng thuốc:

* Thuốc uống trong:

- Cổ phương: Bổ trung ích khí thang

Đảng sâm 16g Trần bì 06g

Hoàng kỳ 12g Đương quy 10g

Bạch truật 12g Thăng ma 08g

Cam thảo 04g Sài hồ 12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

- Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

- Nghiệm phương: (Thuốc Nam châm cứu)

Đảng sâm, Hoài sơn, Bạch thược, Trần bì, Hòe hoa, Sinh địa, Thục địa, Đương quy, mỗi vị 12g. Sắc uống trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết.

* Thuốc dùng ngoài:

- Bột ngâm trĩ: Lá móng, Binh lang, Hoàng bá, Phèn phi. Lượng bằng nhau, tán bột ngâm hậu môn ngày 20 - 30g.

- Kha tử, Phèn phi. Lượng bằng nhau, tán bột, ngâm hậu môn ngày 30g.

- Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã đượccác cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4.4.2. Điều trị không dùng thuốc:

- Điện châm bổ các huyệt:

Bách hội (GV.20) Đại trường du (BL.25) Thận du (BL.23)

Tam âm giao (SP.6) Túc tam lý (ST.36) Thừa sơn (BL.57)

Huyết hải (SP.10) Đản trung (CV.17) Bách hội (GV.20)

Dương lăng tuyền (GB.34)

Lưu kim 20 - 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.

- Điện mãng châm các huyệt: như mục 1.4.2

- Thủy châm các huyệt (thuốc theo y lệnh, có chỉ định tiêm bắp):

Thận du (BL.23) Trật biên (BL.54)

- Cứu các huyệt:

Bách hội (GV.20) Tỳ du (BL.20) Vị du (BL.21)

Quan nguyên (CV.4) Khí hải (CV.6) Cao hoang du (BL.43)

Cách du (BL.17)

Cứu 10 phút/lần, ngày 02 lần. 15 - 30 lần/liệu trình.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

* Thuốc tăng cường trương lực tĩnh mạch:

- Thuốc chứa Diosmin và hesperidine (500mg): uống 6 viên trong 4 ngày, rồi giảm 4 viên trong 3 ngày và 2 viên trong 7 ngày tiếp (đợt cấp).

- Thuốc bôi hay viên đặt tại chỗ: chứa titanorein, lidocain…

* Thuốc nhuận tràng, chống táo bón (nếu có): nhóm nhuận tràng thẩm thấu, nhóm nhuận tràng tăng khối lượng phân; hạn chế dùng nhóm nhuận tràng kích thích.

* Ăn uống: chế độ ăn tăng rau, củ, quả, chất xơ, tránh táo bón; kiêng các chất cay, nóng, uống rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích… Tránh ăn quá no hoặc quá đói. Uống nhiều nước.

* Sinh hoạt: nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động thường xuyên ở tư thế ngồi lâu, đứng lâu, vệ sinh sạch vùng tầng sinh môn. Tập thói quen đại tiện vào giờ nhất định.

* Thắt búi trĩ bằng vòng cao su: hiệu quả với trĩ nội độ I, II chảy máu. Tiêm xơ búi trĩ.

* Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ nội độ III, IV, trĩ ngoại lớn, trĩ tắc mạch, trĩ viêm nghẹt (theo chỉ định cụ thể của thày thuốc).

V. PHÒNG BỆNH

- Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.

- Thực hiện tốt chế độ ăn hạn chế cay nóng, uống rượu bia, thuốc lá.

- Tập cơ nâng hậu môn. Vệ sinh sạch sẽ, mặc quần thoáng mát.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2017). Quy trình kĩ thuật khám bệnh, chữa bệnh cấy chỉ và laser châm chuyên ngành châm cứu. Quyết định số 2279/QĐ-BYT.

2. Bộ Y tế (2009) - Quy trình kỹ thuật Y học cổ truyền tập 1.

3. Nguyễn Mạnh Nhâm (2002). “Giải phẫu sinh lý trĩ”, Hậu môn học(II), Hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam, 11-18.

4. Nguyễn Nhược Kim, Trần Quang Đạt (2013). Châm cứu và các phương pháp không dùng thuốc. Nhà xuất bản Y học.

5. Bệnh viện Bạch Mai (2012). “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Nội khoa” - Cẩm nang nghiệp vụ của bác sĩ lâm sàng. Nhà xuất bản Y học.

 

 

DANH MỤC DƯỢC LIỆU, VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN

 

STT

Tên vị thuốc

Nguồn gốc

Tên khoa học của vị thuốc

Tên khoa học của cây, con và khoáng vật làm thuốc

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

1

A giao

B

Colla Corii Asini

Equus asinus L. - Equidae

2

Actiso

N

Herba Cynarae scolymi

Cynara scolymus L. - Asteraceae

3

Ba kích

B - N

Radix Morindae officinalis

Morinda officinalis How. - Rubiaceae

4

Bá tử nhân

B

Semen Platycladi orientalis

Platycladus orientalis (L.) Franco - Cupressaceae

5

Bạc hà

N

Herba Menthae

Mentha arvensis L. - Lamiaceae

6

Bạc thau

N

Herba Argyreiae

Argyreia acuta Lour. - Convolvulaceae

7

Bạch biển đậu

B - N

Semen Lablab

Lablab purpureus (L.) Sweet - Fabaceae

8

Bách bộ

N

Radix Stemonae tuberosae

Stemona tuberosa Lour. - Stemonaceae

9

Bạch cập

B

Rhizoma Bletillae striatae

Bletilla striata (Thunb.) Reichb. F. - Orchidaceae

10

Bạch chỉ

B - N

Radix Angelicae dahuricae

Angelica dahurica Benth. et Hook.f. - Apiaceae

11

Bạch cương tàm

B - N

Bombyx Botryticatus

Bombyx mori L. - Bombycidae

12

Bạch đậu khấu

B

Fructus Amomi

Amomum krervanh Pierre ex Gagnep. - Zingiberaceae

13

Bạch đồng nữ (Mò mâm xôi, Mấn trắng)

B - N

Herba Clerodendri chinensis

Clerodendron chinense var.Simplex (Mold. S. L. Chen) -Verbenaceae Clerodendron paniculatum L. forma albiflorum (Hemsl.)

14

Bạch giới tử

B - N

Semen Sinapis albae

Sinapis alba L. - Brassicaceae

15

Bạch hoa xà

N

Radix et Folium Plumbaginis

Plumbago zeylanica L. - Plumbaginaceae

16

Bạch hoa xà thiệt thảo

B - N

Herba Hedyotis diffusae

Hedyotis diffusa Willd. - Rubiaceac

17

Bách hợp

B

Bulbus Lilii

Lilium brownii E.E. Brow, ex Mill. - Liliaceae

18

Bạch linh (Phục linh)

B

Poria

Poria cocos (Schw.) Wolf - Polyporaceae

19

Bạch mao căn

N

Rhizoma Imperatae cylindricae

Imperata cylindrica p. Beauv. - Poaceae

20

Bạch phụ tử

B

Rhizoma Typhonii gigantei

Typhonium giganteum Engl. - Araceae

21

Bạch quả (Ngân hạnh)

B

Semen Ginkgo

Ginkgo biloba L. - Ginkgoaceae

22

Bạch tật lê

B-N

Fructus Tribuli terrestris

Tribulus terrestris L. - Zygophyllaceae

23

Bạch thược

B

Radix Paeoniae lactiflorae

Paeonia lactiflora Pall. - Ranunculaceae

24

Bạch tiền

B

Radix et Rhizoma Cynanchi

Cynanchum stauntonii (D.) Schltr. ex Levl.- Asclepiadaceae

25

Bạch tiễn bì

B

Cortex Dictamni radicis

Dictamnus dasycarpus Turcz. - Rutaceae

26

Bạch truật

B

Rhizoma Alractylodis macrocephalae

Atractylodes macrocephalaKoidz. - Asteraceae

27

Bán biên liên

B

Herba Lobeliae chinensis

Lobelia chinensis Lour. - Lobeliaceae

28

Bán chi liên

B

Radix Scutellariae barbatae

Scutellaria barbata D. Don. - Laminacae

29

Bán hạ bắc

B

Rhizoma Pinelliae

Pinellia ternata (Thunb.) Breit. - Araceae

30

Bán hạ nam (Củ chóc)

N

Rhizoma Typhonii trilobati

Typhonium trilobatum (L.) Schott, - Araceae.

31

Bản lam căn

B

Herba Isatisis

Isatis indigotica Fort. - Brassicaceae

32

Băng phiến

N

Borneolum

Borneolum

33

Biển súc

B - N

Herba Poligoni avicularae

Polygonum aviculare L. - Polygonaceae

34

Bình vôi (Ngải tượng)

N

Tuber Stephaniae

Stephania spp. - Menispermaceae

35

Binh lang

N

Semen Arecae Catechi

Areca catechu L. - Arecaceae

36

Bồ công anh

N

Herba Lactucae indicae

Lactuca indica L. - Asteraceae

37

Bồ hoàng

B

Pollen Typhae

Typha orientalis G. A. Stuart - Typhaceae

38

Bọ mắm (Thuốc dòi)

N

Herba Pouzolziae zeylanicae

Pouzolzia zeylanica (L.) Benn - Urticaceae

39

Bố chính sâm (Sâm bố chính)

N

Radix Abelmoschi sagittifolii

Abelmoschus sagittifolus (Kurz.) Merr. - Malvaceae

40

Bồ kết (quả)

N

Fructus Gleditsiae australis

Gleditsia australis Hemsl. - Fabaceae

41

Bòng bong

N

Herba Lygodii

Lygodium flexuosum (L.) Sw. - Lygodiaceae

42

Bưởi bung

N

Radix et Folium Glycosmis

Glycosmis citrifolia (Willd) Lindl. - Rutaceae

43

Bướm bạc (Hồ điệp)

N

Herba Mussaendae pubenscentis

Mussaenda pubescens Ait.f. - Rubiaceae

44

Cà độc dược

N

Flos et Folium Daturae metelis

Datura metel L. - Solanaceae

45

Cà gai leo

N

Herba Solani procumbensis

Solanum procumbens Lour. - Solanaceae

46

Cam thảo

B

Radix et Rhizoma Glycyrrhizae

Glycyrrhiza spp. - Fabaceae

47

Cam thảo đất

N

Herba et radix Scopariae

Scoparia dulcis L. - Scrophulariaceae

48

Cam toại

B

Radix Euphorbiae kansui

Euphorbia kansui Liouined. - Euphorbiaceae

49

Can khương

N

Rhizoma Zingiberis

Zingiber officinale Rose. - Zingiberaceae

50

Cảo bản

B

Rhizoma et Radix Ligustici chinensis

Ligusticum sinense Oliv. - Apiaceae

51

Cáp giới (Tắc kè)

N

Gekko

Gekko gekko Lin. - Gekkonidae

52

Cát căn

N

Radix Puerariae thomsonii

Pueraria thomsonii Benth. - Fabaceae

53

Cát cánh

B

Radix Platycodi grandiflori

Platycodon grandiflorum (Jacq.) A.DC. - Campanulaceae

54

Cát sâm

B

Radix Mellettiae speciosae

Millettia speciosa Champ. - Fabaceae

55

Câu đằng

B - N

Ramulus cum unco Uncariae

Uncaria spp. - Rubiaceae

56

Câu kỷ tử

B

Fructus Lycii

Lycium barbarm.L - Solanaceae

57

Cẩu tích

N

Rhizoma Cibotii

Cibotium barometz (L.) J. Sm. - Dicksoniaceae

58

Chè dây

N

Folium Ampelopsis

Ampelopsis cantoniensis (Hook, et Arn.) Planch. - Vitaceae

59

Chè đắng

N

Folium Ilexi kaushii

Ilex kaushue S.Y.Hu; Syn. Ilex kudingcha C.J Tseng - Aquifoliaceae

60

Chè vằng

N

Folium Jasmini subtriplinervis

Jasminum subtriplinerve Blume., Oleaceae

61

Chỉ thiên

N

Herba Elephantopi scarberis

Elephantopus scarber L. - Asteraceae

62

Chi tử

B - N

Fructus Gardeniae

Gardenia jasminoides Ellis. -Rubiaceae

63

Chỉ thực

B - N

Fructus Aurantii immaturus

Citrus aurantium L. - Rutaceae

64

Chỉ xác

B - N

Fructus Aurantii

Citrus aurantium L. - Rutaceae

65

Chút chít

N

Radix et Folium Rumicis

Rumex microcarpus Campd. - Polygonaceae

66

Cỏ ngọt

N

Herba Steviae

Stevia rebaudiana (Bert.) Hemsl. - Asteraceae

67

Cỏ nhọ nồi

N

Herba Ecliptae

Eclipta prostrata (L.) Asteraceae

68

Cỏ sữa nhỏ lá

N

Herba Euphorbiae thymifoliae

Euphorbia thymifolia Burm. - Euphorbiaceae

69

Cỏ xước

N

Radix Achyranthis asperae

Achyranthes aspera L. - Amaranthaceae

70

Cốc tinh thảo

B

Flos Eriocauli

Eriocaulon sexangulare L. - Eriocaulaceae

71

Cối xay

N

Herba Abutili indici

Abutilon indicum (L.) Sweet - Malvaceae

72

Côn bố

B

Herba Laminariae

Laminaria japonica Areschong. - Laminariaceae

73

Cốt khí củ

B - N

Radix Polygoni cuspidati

Polygonum cuspidatum Sieb. et zucc. - Polygonaceae

74

Cốt toái bổ

N

Rhizoma Drynariae

Drynaria fortunei (Mett.) J. Sm. - Polypodiaceae

75

Củ gai

N

Radix Boehmeriae niveae

Boehmeria nivea (L.) Gaud. - Urticaceae

76

Cù mạch

B - N

Herba Dianthi

Dianthus superbus L. - Caryophyllaceae

77

Cúc hoa

B - N

Flos Chrysanthemi indici

Chrysanthemum indicum L. - Asteraceae

78

Cúc tần

N

Radix et folium Plucheae indicae

Pluchea indica (L.) Less - Asteraceae

79

Dạ cẩm

N

Herba Hedyotidis capitellatae

Hedyotis capitellata Wall, ex G.Don - Rubiaceae

80

Dâm dương hoắc

B

Herba Epimedii

Epimedium brevicornum Maxim. - Berberidaceae

81

Dây đau xương

N

Caulis Tinosporae sinensis

Tinospora sinensis (Lour.) Merr. - Menispermaceae

82

Dây tơ hồng

N

Herba Cuscutae

Cuscuta sp. - Convolvulaceae

83

Dây thìa canh

N

Herba Gymnemae silvestris

Gymnema sylvestre (Retz.) R. Br.ex Schutt. - Ascle piadaceae

84

Diếp cá (Ngư tinh thảo)

N

Herba Houttuyniae cordatae

Houttuynia cordata Thunb. - Saururaceae

85

Diệp hạ châu

N

Herba Phyllanthi amari

Phyllanthus amarus Schum. et Thonn. - Euphorbiaceae

86

Dừa cạn

N

Radix et Folium Catharanthi

Catharanthus roseus (L.) G. Don. - Apocynaceae

87

Dứa dại

N

Herba Pandanii

Pandanus tectorius So. - Pandanaceae.

88

Đại bi

N

Folium, ramulus et radix Camphora Blumeae

Blumea balsamifera (L.) DC. - Asteraceae

89

Đại hồi

N

Fructus Illicii veri

lllicium verum Hook.f. - Illiciaceae

90

Đại phúc bì

N

Pericarpium Arecae catechi

Arecae catechu L. - Arecaceae

91

Đại táo

B

Fructus Ziziphi jujubae

Ziziphus jujuba Mill. var. inermis (Bge) Rehd. - Rhamnaceae

92

Đại toán (Tỏi)

N

Bulbus Allii

Allium sativum L. - Alliaceae

93

Đại hoàng

B

Rhizoma Rhei

Rheum palmatum L, - Polygonaceae

94

Đạm đậu xị

B

Semen Sojae praeparatum

Sojae praeparatum L. - Fabaceae

95

Đạm trúc diệp

B - N

Herba Lophatheri

Lophatherum gracile Brongn. - Poaceae

96

Đan sâm

B

Radix Salviae miltiorrhizae

Salvia miltiorrhiza Bunge. - Lamiaceae

97

Đảng sâm bắc (Tố hoa đảng sâm

B

Radix Codonopsis

Codonopsis Pilosula (Franch.) - Campanulaceae

98

Đảng sâm bắc (Xuyên đảng sâm)

B

Radix Codonopsis

Codonopsis tangshen Olive.- Campanulaceae

99

Đảng sâm Việt Nam

N

Radix Codonopsis javanicae

Codonopsis javanica (Blume.) Hook.F. - Campanulaceae

100

Đăng tâm thảo

B

Medulla Junci effusi

Juncus effusus L. - Juncaceae

101

Đào nhân

B

Semen Pruni

Prunus persica L. - Rosaceae

102

Đậu đen

N

Semen Vignae cylindricae

Vigna cylindrica Skeels - Fabaceae

103

Đậu quyển

N

Semen Vignae cylindricae praeparata

Vigna cylindrica (L.) Skeels - Fabaceae

104

Địa cốt bì

B

Cortex Lycii chinensis radicis

Lycium chinense Mill. - Solanaceae

105

Địa du

B

Radix Sanguisorbae

Sanguisorba officinalis L. - Rosaceae

106

Địa long

B - N

Pheretima

Pheretima sp. - Megascolecidae

107

Địa phu tử

B

Fructus Kochiae

Kochia scoparia (L.) Schrad. - Polygonaceae

108

Địa liền

N

Rhizoma Kaempferiae galangae

Kaempferia galanga L. - Zingiberaceae

109

Đinh hương

B - N

Flos Syzygii aromatici

Syzygium aromaticum (L.) Merill et L.M. Perry - Myrtaceae

110

Đinh lăng

N

Radix Polysciacis

Polyscias fruticosa (L.) Harms - Araliaceae

111

Đình lịch tử

B

2

Lepidium apetatum Willd. Crucipherae

112

Đỗ trọng

B

Cortex Eucommiae

Eucommia ulmoides Oliv. - Eucommiaceae

113

Độc hoạt

B

Radix Angelicae pubescentis

Angelica pubescens Maxim. - Apiaceae

114

Đơn lá đỏ (Đơn mặt trời)

N

Folium Excoecariae cochinchinensis

Excoecaria cochinchinensisLour. - Euphorbiaceae

115

Đương quy (Toàn quy, Quy đầu, Quy vỹ/quy râu)

B - N

Radix Angelicae sinensis

Angelica sinensis (Oliv.) Diels - Apiaceae

116

Giảo cổ lam

N

Herba Gynostemmae

Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino - Cucurbitaceae

117

Gối hạc

N

Radix Leeae rubrae

Leea rubra Blume ex Spreng. - Leeaceae.

118

Hà diệp (lá sen)

N

Folium Nelumbinis nuciferae

Nelumbo nucifera Gaertn - Nelumbonaceae

119

Hạ khô thảo

B - N

Spica Prunellae

Prunella vulgaris L. - Lamiaceae

120

Hà thủ ô đỏ

B - N

Radix Fallopiae multiflorae

Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson - Polygonaceae

121

Hà thủ ô trắng

N

Radix Streptocauli

Streptocaulon juventas (Lour.) Merr. - Asclepiadaceae

122

Hải kim sa

B - N

Spora Lygodii

Lygodium japonium (Thunb.) Sw. - Schizaeaceae

123

Hải mã

N

Hippocampus

Hippocampus spp.Syngnathidae

124

Hải phong đằng

B

Caulis Piperis futokadsurae

Piper futokadsura Sieb et zucc - Piperaceae

125

Hải tảo (Rong mơ)

N

Herba Sargassi

Sargassum sp - Sargassaceae

126

Hạnh nhân

B

Semen Armeniacae amarum

Prunus armeniaca L. - Rosaceae

127

Hạt hẹ

B - N

Semen Allii

Allium tuberosum/ramosum - Alliaceae

128

Hạt bí ngô

N

Semen Cucurbitae

Cucurbita pepo L. - Cucurbitaceae

129

Hậu phác

B - N

Cortex Magnoliae officinalis

Magnolia officinalis Rehd.et Wils. var. biloba Rehd.et Wils. - Magnoliaceae

130

Hậu phác nam (Quế rừng)

N

Cortex Cinnamomi iners

Cinnamomum iners Reinw.ex Blume - Lauraceae

131

Hoa đại

N

Flos Plumeriae rubrae

Plumeria rubra L.var. acutifolia(Poir.) Baliey - Apocynaceae

132

Hoắc hương

B

Herba Pogostemonis

Pogostemon cablin (Blanco) Benth. - Lamiaceae

133

Hoài sơn

B - N

Tuber Dioscoreae persimilis

Dioscorea persimilis Prain et Burkill - Dioscoreaceae

134

Hoàng bá

B

Cortex Phellodendri

Phellodendron chinenseSchneid. - Rutaceae

135

Hoàng bá nam (Núc nác)

N

Cortex Oroxyli indici

Oroxylum indicum (L.) Kurz. - Bignontaceae

136

Hoàng cầm

B

Radix Scutellariae

Scutellaria baicalensis Georgi - Lamiaceae

137

Hoàng đằng

B - N

Caulis et Radix Fibraureae

Fibraurea tinctoria Lour. (Fibraurea recisa Pierre) - Menispemnaceae

138

Hoàng kỳ

B

Radix Astragali membranacei

Astragalus membranaceus(Fisch.) Bunge - Fabaceae

139

Hoàng liên

B - N

Rhizoma Coptidis

Coptis chinensis Franch. - Ranunculaceae

140

Hoàng nàn (chế)

N

Cotex Strychni wallichianae

Strychnos wallichiana Steud, ex. DC. - Loganiaceae

141

Hoàng tinh

B - N

Rhizoma Polygonati

Polygonatum kingianum Coll et Hemsl - Convallariaceae

142

Hoạt thạch

N

Talcum

Talcum

143

Hòe hoa

N

Flos Styphnolobii japonici

Styphnolobium japonicum (L.) Schott - Fabaceae

144

Hồng hoa

B

Flos Carthami tinctorii

Carthamus tinctorius L. - Asleraceae

145

Húng chanh

N

Folium Plectranthi amboinici

Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng - Larniaceae

146

Hương gia bì

B - N

Cortex Periplocae radicis

Periploca sepium Bge. - Asclepiaceae

147

Hương nhu

N

Herba Ocimi

Ocimum spp. - Lamiaceae

148

Hương phụ

B - N

Rhizotna Cyperi

Cyperus rotundus L. - Cyperaceae

149

Huyền hồ

B

Tuber Corydalis

Corydalis yanhusuo (Y.H.Chou & Chun C. Hsu)W.T.Wang - Fumariaceae

150

Huyền sâm

B - N

Radix Scrophulariae

Scrophularia buergeriana Miq. - Scrophulariaceae

151

Huyết dụ

N

Folium Cordylines

Cordyline terminalis Kunth var. ferrea Bak.- Dracaenaceae

152

Huyết giác

N

Lignum Dracaenae cambodianae

Dracaena cambodiana Pierre ex Gagnep. - Dracaenaceae

153

Hy thiêm

N

Herba Siegesbeckiae

Siegesbeckia orientalis L. - Asteraceae

154

Ích mẫu

N

Herba Leonuri japonici

Leonurus japonicus Houtt. - Lamiaceae

155

Ích trí nhân

B

Fructus Alpiniae oxyphyllae

Alpinia oxyphylla Miq. - Zingiberaceae

156

Kê huyết đằng

N

Caulis Spatholobi suberecti

Spatholobus suberectus Dunn. - Fabaceae

157

Kê nội kim

B - N

Endothelium Corneum Gigeriae Galli

Gallus gallus domesticusBrisson - Phasianidae

158

Kha tử

B

Fructus Terminaliae chebulae

Terminalia chebula Retz. - Combretaceae

159

Khiếm thực

B

Semen Euryales

Euryale ferox Salisb. - Nymphaeaceae

160

Khiên ngưu (Hắc sửu, Bạch sửu)

N

Semen Ipomoeae

Ipomoea purpurea (L.) Roth - Convolvulaceae

161

Khổ sâm

N

Folium et Ramulus Crotonis tonkinensis

Croton tonkinensis Gagnep. - Euphorbiaceae

162

Khổ qua

N

Fructus Momordicae charantiae

Momordica charantia L. - Curcubitaceae

163

Khoản đông hoa

B

Flos Tussilaginis farfarae

Tussilago farfara L. - Asteraceae

164

Khương hoàng

N

Rhizoma Curcumae longae

Curcuma longa L. - Zingiberaceae

165

Khương hoạt

B

Rhizoma et Radix Notopterygii

Notopterygium incisum Ting ex H. T. Chang - Apiaceae

166

Kim anh

B - N

Fructus Rosae laevigatae

Rosa laevigata Michx, - Rosaceae

167

Kim ngân (cuộng)

B - N

Caulis cum folium Lonicerae

Lonicera japonica Thunb; L. dasystyla Rehd; L. confusa DC; L. cambodiana Pierre ex Danguy - Caprifoliaceae

168

Kim ngân hoa

B - N

Flos Lonicerae

Lonicera japonica Thunb. - Caprifoliaceae

169

Kim tiền thảo

N

Herba Desmodii styracifolii

Desmodium styracifolium (Osb.) Merr. - Fabaceae

170

Kinh giới

N

Herba Elsholtziae ciliatae

Elsholtzia ciliata Thunb. - Lamiaceae

171

La bạc tử

B - N

Semen Raphani sativi

Raphanus sativus L. - Brassicaceae

172

La hán

B

Fructus Momordicae grosvenorii

Momordica grosvenoriumSwingle.- Cucurbitaceae

173

Lá khôi

N

Folium Ardisiae

Ardsia sylvestris Pitard. - Myrsinaceae

174

Lá lốt

N

Herba Piperis lolot

Piper lolot C.DC. - Piperaceae

175

Lá móng

N

Folium Lawsoniae

Lawsonia inermis L. - Lythraceae

176

Lá mỏ quạ

N

Folium Maclurae cochinchinensis

Maclura cochinchinensis (Lour.) Corner -Moraceae

177

Lá muồng trâu

N

Folium Cassiae alatae

Cassia alata L.-Fabaceae

178

Lạc tiên

N

Herba Passiflorae foetidae

Passiflora foetida L. - Passifloraceae

179

Lai phục tử

N

Semen Raphani sativi

Raphanus sativus L. Brassicaceae

180

Lệ chi hạch

N

Semen Litchi

Litchi chinensis Sonn. - Sapindaceae

181

Liên kiều

B

Fructus Forsythiae suspensae

Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl. - Oleaceac

182

Liên nhục

N

Semen Nelumbinis nuciferae

Nelumbo nucifera Gaertn. - Nelumbonaceae

183

Liên tâm

N

Embryo Nelumbinis nuciferae

Nelumbo nucifera Gaertn. - Nelumbonaceae

184

Liên tu

N

Stamen Nelumbinis

Nelumbo nucifera Gaertn. - Nelumbonaceae

185

Linh chi

B - N

Ganoderma

Ganoderma lucidum (Leyss ex. Fr.) Karst. - Ganodermataceae

186

Lô cam thạch

B

Calamina

Calamina

187

Lô căn

B

Rhizoma Phragmitis

Phragmites communis Trin. - Poaceae

188

Lô hội

N

Aloe

Aloe vera L. - Asphodelaceae

189

Lộc nhung

N

Cornu Cervi Pantotrichum

Cervus nippon Temminck

190

Long cốt

B

Os Draconis

Os Draconis

191

Long đởm thảo

B

Radix et rhizoma Gentianae

Gentiana spp. - Gentianaceae

192

Long não

N

Folium et lignum Cinnamomi camphorae

Cinnamomum camphora (L) Presl. - Lauraceae

193

Long nhãn

N

Arillus Longan

Dimocarpus longan Lour. - Sapindaccae

194

Lục thần khúc

B - N

Masa medicata fermentata

Massa medicata fermentala

195

Lưu hoàng

N

Sulfur

Sulfur

196

Mã đề

N

Folium Plantaginis

Plantago major L. - Plantaginaceae

197

Ma hoàng

B

Herba Ephedrae

Ephedra sp. - Ephedraceae

198

Ma hoàng căn

B

Rhizoma Ephedrae

Ephedra sinica Staff. - Ephedraceae

199

Mã tiền

B - N

Semen Strychni

Strychnos nux-vomica L. - Loganiaceae

200

Mạch môn

B - N

Radix Ophiopogonis japonici

Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker Gawl, - Asparagaceae

201

Mạch nha

B

Fructus Hordei germinatus

Hordeum vulgare L. - Poaceae

202

Mạn kinh tử

B - N

Fructus Viticis trifoliae

Vitex trifolia L. - Verbenaceae

203

Mẫu kinh (Ngũ trảo lá có răng cưa)

N

Folium Viticis negundo

Vitex negundo L. - Verbenaceae

204

Mần trầu

N

Herba eleusinis indicae

Eleusine indica (L.) Gaertn.f - Poaceae

205

Mật mông hoa

B

Flos Buddlejae officinalis

Buddleja officinalis Maxim. - Loganiaceae

206

Mật ong

N

Mel

Mel

207

Mẫu đơn bì

B

Cortex Paeoniae suffruticosae radicis

Paeonia suffruticosa Andr. - Paeoniaceae

208

Mẫu lệ

N

Concha Ostreae

Ostrea gigas Thunberg. - Ostreidae

209

Mía dò

N

Rhizoma Costi

Costus specious (Koenig) Smith - Costaceae

210

Miết giáp

B - N

Carapax Trionycis

Trionyx sinensis Wiegmann - Trionychidae

211

Mơ tam thể

N

Herba Paederiae lanuginosae

Paederia lanuginosa Wall. - Rubiaceae

212

Mỏ quạ

N

Herba Maclurae cochinchinensis

Maclura cochinchinensis (Lour.) Corner -Moraceae

213

Mộc hương

B

Radix Saussureae lappae

Saussurea lappa Clarke. - Asteraceae

214

Mộc qua

B

Fructus Chaenomelis speciosae

Chaenomeles speciosa (Sweet) Nakai - Rosaceae

215

Mộc thông

B - N

Caulis Clematidis

Clematis armandii Franch. - Ranunculaceae

216

Một dược

B

Myrrha

Commiphora myrrha (Nees) Engl. - Burseraceae

217

Mù u

N

Calophylli inophylli

Calophyllum inophyllum L. - Clusiaceae

218

Muống biển

N

Herba Ipomoeae pescaprae

Ipomoea pescaprae (L.) Sweet.- Convolvulaceae

219

Mướp đắng (Khổ qua)

N

Herba Momordicae charantiae

Momordica charantia L. - Cucurbitaceae

220

Mướp gai (ráy gai)

N

Rhizoma Lasiae spinosae

Lasia spinosa Thw. - Araceae

221

Nga truật

N

Rhizoma Curcumae zedoariae

Curcuma zedoaria (Berg.) Roscoe - Zingiberaceae

222

Ngải cứu (ngải diệp)

N

Herba Artemisiae vulgaris

Artemisia vulgaris L. - Asteraceae

223

Ngấy hương

N

Herba Rubi conchinchinensis

Rubus conchinchinesis Tratt. - Rosaceae

224

Ngô công

B - N

Scolopendra

Scolopendra morsitans L. - Scolopendridae

225

Ngô thù du

B

Fructus Evodiae rutaecarpae

Evodia rutaecarpa (A. Juss) Hartley - Rutaceae

226

Ngọc trúc

B - N

Rhizoma Polygonati odorati

Polygonation odoratum (Mill.) Druce - Convallariaceae

227

Ngũ bội tử

B - N

Galla chinensis

Schlechtendalia chinensis Bell.

228

Ngũ gia bì chân chim

B - N

Cortex Schefflerae heptaphyllae

Scheflera heptaphylla (L.) Frodin - Araliaceae

229

Ngũ gia bì nam (Mạn kinh)

N

Cortex Viticis heterophyllae

Vitex heterophylla Roxb. - Verbenaceae

230

Ngũ gia bì gai

B - N

Cortex Acanthopanacis trifoliati

Acanthopanax trifoliatus (L.) Merr. - Araliaceae

231

Ngũ linh chi

B - N

Faeces Trogopteri

Trogopterus xanthipes Milne Edwrds, - Petauristidae

232

Ngũ vị tử

B - N

Fructus Schisandrae chinensis

Schisandra chinensis (Turcz.) Baill. - Schisandraceae

233

Ngưu bàng tử

B - N

Semen Arctii lappae

Arctium lappa L. - Asteraceae

234

Ngưu tất

B - N

Radix Achyranthis bidentatae

Achyranthes bidentata Blume. - Amaranthaceae

235

Nha đảm tử

B

Fructus Bruceae

Brucea javanica (L.) Merr. - Simarubaceae

236

Nhân sâm

B

Rhizoma et Radix Ginseng

Panax ginseng C.A.Mey - Araliaceae

237

Nhân trần

N

Herba Adenosmatis caerulei

Adenosma caeruleum R.Br. - Scrophulariaceae

238

Nhũ hương

B

Gummi resina Olibanum

Boswellia carterii Birdw. - Burseraceae

239

Nhục đậu khấu

B - N

Semen Myristicae

Myristica fragrans Houtt. - Myristicaceae

240

Nhục thung dung

B

Herba Cistanches

Cistanche deserticola Y. C. Ma - Orobanchaceae

241

Nữ trinh tử

B

Fructus Ligustri

Ligustrum lucidum L. - Fabaceae

242

Ô rô

N

Herba et radix Acanthi ilicifolii

Acanthus ilicifolius L, - Acanthaceae

243

Ô tặc cốt

N

Os Sepiae

Sepia escalenta Hoyle - Sepiidae

244

Ô dược

B

Radix Linderae

Lindera aggregata (Sims.) Kosterm. - Lauraceae

245

Ô mai

N

Fructus Armeniacae praeparatum

Prunus armeniaca L. - Rosaceae

246

Ổi

N

Folium Psidii guajavae

Psidium guajava L.- Myrtaceae

247

Phá cố chỉ (Bổ cốt chỉ)

B

Fructus Psoraleae corylifoliae

Psoralea corylifolia L. - Fabaceac

248

Phác tiêu

N

Natrium Sulfuricum

Natrium sulfuricum

249

Phan tả diệp

B

Folium Casside angustifoliae

Cassia angustifolia Vahl. - Caesalpiniaceae

250

Phật thủ

N

Fructus Citri medicae

Citrus medica L. var. sarcodactylis (Noot.) Swingle. - Rutaceae

251

Phèn chua (bạch phàn)

N

Alumen

Sulfas Alumino potassicus

252

Phòng kỷ

B

Radix Stephaniae tetrandrae

Stephania tetrandra S. Moore - Menispermaceae

253

Phòng phong

B

Radix Saposhnikoviae divaricatae

Saposhnikovia divaricata(Turcz.) Schischk.- Apiaceae

254

Phù bình

N

Herba Pistiae

Pistia stratiotes L. - Araceae

255

Phụ tử (chế)

B - N

Radix Aconiti lateralis praeparata

Aconitum carmichaeli Debx. - Ranunculaceae

256

Phúc bồn tử

B - N

Fructus Rubi alceaefolii

Rubus alceaefolius Poir. - Rosaceae

257

Phục thần

B

Poria

Poria cocos (Schw.) Wolf. - Polyporaceae

258

Qua lâu nhân

B

Semen Trichosanthis

Trichosanthes spp. - Cucurbitaceae

259

Quả xộp (trâu cổ)

N

Fructus Fici Pumilae

Ficus Pumila L. - Moraccae

260

Quán chúng

B

Rhizoma Cyrtomii fortunei

Cyrtomium fotunei J.Smi - Polypodiaccae

261

Quất hạch

N

Semen Citri reticulatae

Citrus reticulata Blanco. - Rutaceae

262

Quất hồng bì

N

Fructus Clausenae lansii

Clausena lansium (Lour) Skeels. - Rutaceae

263

Quế chi

N

Ramulus Cinnamomi

Cinnamomum sp. - Lauraceae

264

Quế nhục

N

Cortex Cinnamomi

Cinnamomum spp. - Lauraceae

265

Quy bản

B - N

Carapax Testudinis

Testudo elongata Blyth - Testudinidae

266

Rau má

N

Herba Centellae asiaticae

Centella asiatica Urb. - Apiaceae

267

Râu mèo

N

Herba Orthosiphonis spiralis

Orthosiphon spiralis (Lour.) Merr. - Lamiaceae

268

Râu ngô

N

Styli et Stigmata Maydis

Zea mays L. - Poaceae

269

Rau sam

N

Herba Portulacae oleraceae

Portulaca oleracea L. - Portulacaceae

270

Rễ nhàu

N

Radix Morindae citrifoliae

Morinda citrifolia L.- Rubiaceae

271

Riềng

N

Rhizoma Alpiniae officinari

Alpinia officinarurn Hance. - Zingiberaceae

272

Sa nhân

B - N

Fructus Amomi

Amomum spp. - Zingiberaceae

273

Sa sâm

B

Radix Glehniae

Glehnia littoralis Fr. Schmidt ex Miq. - Apiaceae

274

Sài hồ bắc

B

Radix Bupleuri

Bupleurum spp. - Apiaceae

275

Sài hồ nam

N

Radix et Folium Plucheae pteropodae

Pluchea pteropoda Hemsl. - Asteraceae

276

Sài đất

N

Herba Wedeliae

Wedelia chinensis (Osbeck) Merr. - Asteraceae

277

Sâm cau

N

Rhizoma Curculiginis

Curculigo orchtaides Gaertn. - Curculigonaceae

278

Sâm đại hành

N

Bulbus Eleutherinis subaphyllae

Eleutherine subaphylla Gagnep. - Iridaceae

279

Sâm ngọc linh

N

Rhizoma et Radix Panacis Vietnamensis

Panax Vietnamensis Ha et Grushv. - Araliaceae

280

Sim

N

Folium, Fructus et Radix Rhodomyrti tomentosae

Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk - Myrtaceae

281

Sinh địa

B - N

Radix Rehmanniae glutinosae

Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. - Scrophulariaceae

282

Sinh khương

N

Rhizoma Zingiberis recens

Zingiber officinale Rose. - Zingiberaceae

283

Sói rừng

N

Herba Sarcandrae glabrae

Sarcandra glabra - Chloranthaceae.

284

Sơn thù

B

Fructus Corni officinalis

Cornus officinalis Sieb, et Zucc. - Cornaceae

285

Sơn tra

B - N

Fructus Mali

Malus doumeri (Bois.) A. Chev. - Rosaceae

286

Sử quân tử

B - N

Fructus Quisqualis

Quisqualis indica L. - Combretaceae

287

Tam lăng

B

Rhizoma Sparganii

Sparganium stoloniferum Buch. Ham. - Sparganiaceae

288

Tam thất

B

Radix Panasis notoginseng

Panax notoginseng (Burk.) F. H. Chen - Araliaceae

289

Tầm xoong

N

Herba Atalaniae

Atalania buxifolia (Poir.) Olive. - Rutaceae

290

Tầm xuân

N

Herba Rosae multiflorae

Rosa multiflora Thunb. - Rosaceae

291

Tân di

B

Flos Magnoliae liliflorae

Magnolia liliflora Dear.- Magnoliaceae

292

Tần giao

B

Radix Gentianae macrophyllae

Gentiana macrophylla Pall. - Gentianaceae

293

Tang bạch bì

B - N

Cortex Mori albae radicis

Morus alba L. - Moraceae

294

Tang chi

N

Ramulus Morri albae

Morus alba L. - Moraceae

295

Tang diệp

N

Folium Mori albae

Morus alba L. - Moraceae

296

Tang ký sinh

N

Herba Loranthi gracilifolii

Loranthus gracilifolius Schult. - Loranthaceae

297

Tang phiêu tiêu

B - N

Cotheca Mantidis

Mantis religiosa L. - Mantidae

298

Tang thầm (quả dâu)

B - N

Fructus Mori albae

Morus alba L. - Moraceae

299

Tạo giác thích

B - N

Spina Gledischiae australis

Gledischia australis Hemsl. - Caealpiniaceae

300

Táo nhân

B - N

Semen Ziziphi mauritianae

Ziziphus mauritiana Lamk. - Rhamnaceae

301

Tế tân

B

Radix et Rhizoma Asari

Asarum heterotropoides Kitag. - Aristolochiaceae

302

Thạch cao

N

Gypsum fibrosum

Gypsum fibrosum

303

Thạch hộc

B - N

Herba Dendrobii

Dendrobium spp. - Orchidaceae

304

Thạch lưu bì

N

Pericarpium Punicae Granati

Punica granatium L. - Punicaceae

305

Thạch quyết minh

N

Concha Haliotidis

Haliotis sp. - Haliotidae

306

Thạch vĩ

B - N

Herba pyrrosiae linguae

Pyrrosia lingua (Thumb.) Fawell - Polypodiaceae

307

Thạch xương bồ

B - N

Rhizoma Acori graminei

Acorus gramineus Soland. - Araceae

308

Thăng ma

B

Rhizoma Cimicifugae

Cimicifuga sp. - Ranunculaceae

309

Thần sa

B

Sinnabaris

 

310

Thanh bì

B - N

Pericarpium Citri reticulatae viridae

Citrus reticulata Blanco. - Rutaceae

311

Thanh táo

N

Herba Justiciae

Justicia gendarussa L - Acanthaceae

312

Thanh tương tử

N

Semen Celosiae

Celosia argentea L. - Amaranthaceae

313

Thảo quả

N

Fructus Amomi aromatici

Amomum aromaticum Roxb. - Zingiberaceae

314

Thảo quyết minh

N

Semen Cassiae torae

Cassia tora L. - Fabaceae

315

Thị đế

B - N

Calyx Kaki

Diospyros kaki L.f. - Ebenaceae

316

Thiên hoa phấn

B

Radix Trichosanthis

Trichosanthes kirilowii Maxim. - Cucurbitaceae

317

Thiên ma

B

Rhizoma Gastrodiae elatae

Gastrodia elata Bl. - Orchidaceae

318

Thiên môn đông

B - N

Radix Asparagi cochinchinensis

Asparagus cochinchinensis(Lour.) Merr. - Asparagaceae

319

Thiên nam tinh

N

Rhizoma Arisaemae

Arisaema balansae Engl..- Araceae

320

Thiên niên kiện

N

Rhizoma Homalomenae occultae

Homalomena occulta (Lour.) Schott - Araccae

321

Thổ hoàng liên

B - N

Rhizoma Thalictri foliolosi

Thalictrum foliolosum DC. - Ranunculaceae

322

Thổ bối mẫu

B

Bulbus Pseudolaricis

Pseudolarix kaempferi Gord.- Cucurbitaccae

323

Thổ phục linh

N

Rhizoma Smilacis glabrae

Smilax glabra Roxb. - Smilacaceae

324

Thỏ ty tử

B

Semen Cuscutae

Cuscuta chinensis Lamk. - Cuscutaceae

325

Thông thảo

B

Medulla Tetrapanacis

Tetrapanax papyrifera (Hook.) K. Koch - Araliaceae

326

Thủ cung (Thạch sùng)

N

Scorpio Hemidactyli

Hemidactylus frenatus Schlegel- Gekkonidae

327

Thục địa

B - N

Radix Rehmanniae glutinosae praeparata

Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. - Scrophulariaceae

328

Thương lục

B - N

Radix Phytolaccae

Phytolacca esculenta Van Houtle - Phytolaccaceae

329

Thương nhĩ tử (Ké đầu ngựa)

B - N

Fructus Xanthii strumarii

Xanthium strumarium L. - Asteraceae

330

Thương truật

B

Rhizoma Atractylodis

Atractylodes lancea (Thunb.) DC. - Asteraceae

331

Thủy xương bồ

N

Rhizoma Acori calami

Acorus calamus L. - Araceae

332

Thuyền thoái

B - N

Periostracum Cicadae

Crytotympana pustulataFabricius - Cicadidae

333

Tiên hạc thảo

B - N

Herba Agrimoniae

Agrimonia pilosa Ledeb. Nakai. - Rosaceae

334

Tiền hồ

B

Radix Peucedani

Peucedanum spp. - Apiaceae

335

Tiểu hồi

B - N

Fructus Foeniculi

Foeniculum vulgare Mill. - Apiaceae

336

Tiểu kế

B - N

Radix Cirsii segenti

Cirsium segetum Bunge - Asteraceae

337

Tiểu mạch

N

Fructus Tritici aestivi

Triticum aestivum L. - Poaceae

338

Tô mộc

N

Lignum sappan

Caesalpinia sappan L. - Fabaceae

339

Tô ngạnh

N

Caulis Perillae

Perilla frutescens (L.) Britt. - Lamiaceae

340

Tô tử (Tía tô hạt)

N

Semen Perillae frutescensis

Perilla frutescens (L.) Britt. - Larniaceae

341

Tô diệp

N

Folium Perillae

Perilla frutescens (L.) Britt. - Lamiaceae

342

Toàn phúc hoa

B

Flos Inulae

Inula japonica Thunb. - Asteraceae

343

Toàn yết

B - N

Scorpio

Buthus martensii Karsch. - Buthidae

344

Trắc bách diệp

B - N

Cacumen Platycladi

Platycladus orientalis (L.) Franco - Cupressaceae

345

Trạch tả

N

Rhizoma Alismatis

Alisma plantago-aquatica L. var. orientate (Sammuels) Juzep. - Alismataceae

346

Tràm

N

Ramulus cum Folium Melaleucae

Melaleuca cajeputi Powell. - Myrtaceae

347

Trâm bầu

N

Folium et Cortex Combreti quadrangulae

Combretum quadrangula Kusz. - Combretaceae

348

Trần bì

B - N

Pericarpium Citri reticulatae perenne

Citrus reticulata Blanco. - Rutaceae

349

Trân châu mẫu

N

Margarita

Pteria martensii Dunker, - Pteridae

350

Trầu không

N

Folium Piperis betle

Piper betle L. - Piperaceae

351

Tri mẫu

B

Rhizoma Anemarrhenae

Anemarrhena asphodeloidesBge. - Liliaceae

352

Trinh nữ (xấu hổ)

N

Herba Mimosae pudicae

Mimosa pudica L. - Mimosaceae

353

Trinh nữ hoàng cung

N

Folium Crini latifolii

Crinum latifolium L. - Amaryllidaceae

354

Trư linh

B

Polyporus

Polyporus umbellatus (Pers.) Fries - Polyporaceae

355

Trúc diệp (Lá tre)

N

Folium Bambusae vulgaris

Bambusa vulgaris Schrad. ex J.C.Wendl - Poaceae

356

Trúc nhự

B - N

Caulis bambusae in teaniis

Bambusa sp; Phyllostachys sp Poaceae

357

Trung quân

N

Herba Ancistrocladi

Ancistrocladus scandens (Lour.) Merr.- Ancistrocladaceae

358

Tử thảo

B

Radix Lithospermi

Lithospermum erythrorhizonSieb, et Zucc. - Boraginaceae

359

Tử uyển

B

Radix et Rhizoma Asteris

Aster tataricus L.f. - Asteraceae

360

Tục đoạn

B - N

Radix Dipsaci

Dipsacus japonicus Miq. -Dipsacaceae

361

Tỳ bà diệp

B - N

Folium Eriobotryae japonicae

Eriobotrya japonica (Thunb.) Lindl. - Rosaceae

362

Tỳ giải

B - N

Rhizoma Dioscoreae

Dioscorea septembolaThunb.,D. futschanensis Uline ex R.Kunth, D. tokoro Makino - Dioscoreaceae

363

Uất kim

N

Radix Curcumae

Curcuma longa L. - Zingiberaceae

364

Uất lý nhân

B-N

Semen Pruni

Prunus humilis Bge

365

Uy linh tiên

B

Radix et Rhizoma Clematidis

Clematis chinensis Osbeck. - Ranunculaceae

366

Vàng đắng

N

Caulis Coscinii fenestrati

Coscinium fenestratum(Gaertn.) Colebr.- Menispermaceae

367

Viễn chí

B

Radix Polygalae

Polygala spp. - Polygalaceae

368

Vỏ đỗ xanh

N

Pericapium Semen Vignae aurei

Vigna aureus Roxb. - Fabaceae

369

Vọng cách

N

Folium Premnae corymbosae

Premna corymbosa Rottl. Ex Willd. - Verbenaceae

370

Vông nem

N

Folium Erythrinae

Erythrina variegata L. - Fabaceae

371

Vú bò

N

Herba Fici

Ficus heterophyllus L, - Moraceae

372

Vừng đen

N

Semen Sesami

Sesamum indicum L. - Pedaliaceae

373

Vương bất lưu hành

B - N

Semen Vaccariae

Vaccaria segetalis Neck- Carryophylaceae

374

Vương tôn (Gắm)

N

Caulis et Radix Gneti montani

Gnetum montanum Mgf. - Gnetaceae

375

Xạ can

N

Rhizoma Belamcandae

Belamcanda chinensis (L.) DC. - Iridaceae

376

Xạ hương

B-N

Moschus

Moschus moschiferus L.Cervidae

377

Xà sàng tử

B - N

Fructus Cnidii

Cnidium monnieri (L) Cuss - Apiaceae

378

Xa tiền tử

B - N

Semen Plantaginis

Plantago major L. - Plantaginaceae

379

Xạ đen

N

Herba Ehretiae asperulae

Ehretia asperula Zoll.& Mor.- Boraginaceae

380

Xích đồng nam

N

Herba Clerodendri infortunati

Clerodendrum infortunatum L. - Verbenaceae

381

Xích thược

B

Radix Paeoniae

Paeonia lactiflora Pall - Ranunculaceae

382

Xoan nhừ

N

Cortex Choerospondiacis

Choerospondias axillaris

383

Xuyên bối mẫu

B

Bulbus Fritillariae

Fritillaria cirrhosa D. Don - Liliaceae

384

Xuyên khung

B - N

Rhizoma Ligustici wallichii

Ligusticum wallichii Franch. - Apiaceae

385

Xuyên luyện tử

B

Fructus Meliae toosendan

Melia toosendan Sid. Et Zuce L. - Melíaceae

386

Xuyên tâm liên

B - N

Herba Andrographitis paniculatae

Andrographis paniculata Burun.f. - Acanthaceae

387

Xuyên tiêu

B - N

Fructus Zanthoxyli

Zanthoxylum spp. - Rutaceae

388

Ý dĩ

B - N

Semen Coicis

Coix lachryma-jobi L. - Poaceae

* Ghi chú:

B: chỉ dược liệu (cây, con, khoáng vật) làm thuốc được nuôi trồng, khai thác từ nước ngoài

N: chỉ dược liệu (cây, con, khoáng vật) làm thuốc được nuôi trồng, khai thác trong nước

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất