Nghị định 74/2000/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ để bảo vệ và khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Nghị định 74/2000/NĐ-CP
Cơ quan ban hành: | Chính phủ |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 74/2000/NĐ-CP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Nghị định |
Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: | 06/12/2000 |
Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Nghị định 74/2000/NĐ-CP
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 74/2000/NĐ-CP NGÀY 06 THÁNG 12 NĂM 2000
VỀ KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG CÁC SẢN PHẨM THAY THẾ SỮA MẸ
ĐỂ BẢO VỆ VÀ KHUYẾN KHÍCH VIỆC NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam ngày 16 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997;
Để bảo vệ sức khoẻ trẻ em và hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của trẻ em;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vai trò của sữa mẹ đối với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
1. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Sữa mẹ có các chất kháng khuẩn có tác dụng phòng, chống bệnh tiêu chảy, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh khác thường gặp ở trẻ em.
2. Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân có trách nhiệm hỗ trợ, khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ và sử dụng đúng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh.
Nghị định này quy định việc thông tin, giáo dục, truyền thông, quảng cáo, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bình bú và vú ngậm giả; các biện pháp để khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quản lý việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Việc kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ phải theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 3. Đối tượng áp dụng.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến quản lý, kinh doanh, thông tin, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bình bú và vú ngậm giả.
Điều 4. Giải thích từ ngữ.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Sản phẩm thay thế sữa mẹ là sữa, các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật dùng cho trẻ từ khi sinh đến 6 tháng tuổi và sữa dùng cho trẻ từ trên 6 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi được chế biến theo phương pháp công nghiệp để thay thế một phần hoặc toàn phần sữa mẹ.
2. Trẻ sơ sinh là trẻ từ khi sinh cho đến 01 tháng tuổi.
3. Trẻ nhỏ là trẻ từ khi sinh đến 24 tháng tuổi.
4. Nhãn sản phẩm thay thế sữa mẹ là nhãn, tranh vẽ hoặc các mô tả khác, chữ viết, in ấn, hình đắp nổi được gắn vào hoặc trình bày trên bao bì đựng của sản phẩm.
5. Tặng mẫu sản phẩm thay thế sữa mẹ là cung cấp miễn phí một lượng nhỏ của sản phẩm thay thế sữa mẹ.
6. Quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ là hành vi thương mại của các cơ sở sản xuất, buôn bán các sản phẩm thay thế sữa mẹ nhằm giới thiệu hàng hóa, dịch vụ để xúc tiến thương mại.
CHƯƠNG II. THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG
Điều 5. Thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
1. Thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và các phương pháp nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ phải được ưu tiên trong các chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông về bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em.
2. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Thương mại, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan, tổ chức xã hội khác tuyên truyền, giáo dục về tính ưu việt của sữa mẹ, tầm quan trọng của việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ.
Điều 6. Tài liệu thông tin, giáo dục về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
1. Nội dung tài liệu thông tin, giáo dục về nuôi trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ phải rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu, bảo đảm tính khách quan, khoa học và phải có các nội dung sau:
a) Lợi ích và tính ưu việt của việc nuôi con bằng sữa mẹ, khẳng định sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
b) Hướng dẫn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ từ khi sinh đến 4 - 6 tháng tuổi và duy trì nuôi con bằng sữa mẹ cho đến 2 tuổi hoặc lâu hơn.
c) Các chất kháng khuẩn của sữa mẹ có tác dụng giúp cho trẻ phòng, chống bệnh tật, đặc biệt là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, bệnh tiêu chảy.
d) Các bất lợi khi không nuôi con bằng sữa mẹ.
đ) Hướng dẫn sử dụng các thức ăn bổ sung cho trẻ trên 4 - 6 tháng tuổi.
e) Ảnh hưởng không tốt của việc cho trẻ bú bình, vú ngậm giả và ăn thức ăn bổ sung trước 4 tháng tuổi.
g) Hướng dẫn cách chế biến các thức ăn bổ sung cho trẻ tại nhà bằng phương pháp đơn giản với các loại thực phẩm có sẵn.
2. Cấm các tài liệu thông tin và giáo dục về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có các nội dung sau:
a) Tranh ảnh hoặc lời văn nhằm khuyến khích việc cho trẻ bú bằng bình hoặc không khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ.
b) So sánh các sản phẩm thay thế sữa mẹ là tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ.
c) Tên hoặc biểu tượng của sản phẩm thay thế sữa mẹ, tên của cơ sở sản xuất, buôn bán các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Điều 7. Tài liệu thông tin và giáo dục về sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ phải bảo đảm các yêu cầu sau đây về nội dung:
1. Hướng dẫn cách sử dụng đúng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
2. Hướng dẫn cách rửa sạch và tiệt khuẩn các đồ đựng.
3. Hướng dẫn cách cho trẻ ăn bằng cốc, bằng thìa hợp vệ sinh.
4. Những nguy hiểm có thể xảy ra đối với sức khoẻ của trẻ nếu cho trẻ bú bình hoặc sử dụng không đúng hướng dẫn.
5. Các chi phí tốn kém của việc nuôi trẻ bằng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Điều 8. Quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ.
1. Nghiêm cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ từ khi sinh cho đến 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm giả dưới mọi hình thức.
2. Việc quảng cáo các loại sữa dùng cho trẻ từ trên 6 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung: "Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ".
b) Nội dung quảng cáo phải phù hợp với quy định tại Điều 6, Điều 7 của Nghị định này, các quy định khác của pháp luật về quảng cáo.
c) Nghiêm cấm việc quảng cáo sai sự thật và quảng cáo có lồng hình ảnh về sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ từ khi sinh đến 6 tháng tuổi.
3. Tổ chức và cá nhân thực hiện quảng cáo có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.
CHƯƠNG III. KINH DOANH SẢN PHẨM THAY THẾ SỮA MẸ
Điều 9. Đăng ký chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các sản phẩm thay thế sữa mẹ trước khi đưa ra thị trường phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế.
Điều 10. Quy định nhãn sản phẩm thay thế sữa mẹ.
1. Nhãn sản phẩm thay thế sữa mẹ phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Phải có chữ "CHÚ Ý" (in hoa), sau đó là các chữ (in thường): "Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ có chất kháng khuẩn có tác dụng giúp trẻ phòng, chống lại bệnh tiêu chảy và một số bệnh nhiễm khuẩn thường gặp khác". Chiều cao của chữ in thường không dưới 2 mm.
b) Phải có các chữ (in thường):"Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Pha chế đúng theo hướng dẫn. Cho trẻ ăn bằng cốc, thìa hợp vệ sinh". Chiều cao của chữ in thường không dưới 1,5 mm.
c) Phải ghi rõ sản phẩm chỉ được dùng cho trẻ sơ sinh hoặc chỉ dùng cho trẻ từ khi sinh đến dưới 6 tháng tuổi hoặc chỉ dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi.
d) Trên nhãn của sản phẩm phải in số đăng ký chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Nội dung của nhãn sản phẩm thay thế sữa mẹ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Hướng dẫn đúng cách pha chế bằng ngôn ngữ và các bảng biểu đơn giản, dễ hiểu.
b) Nêu rõ tác hại của việc pha chế không đúng đối với sức khoẻ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
c) Giới thiệu đầy đủ và chính xác nguồn gốc và thành phần của sản phẩm.
d) Giới thiệu đầy đủ và chính xác thành phần các chất dinh dưỡng.
đ) Nhãn của sản phẩm thay thế sữa mẹ không được có hình ảnh, tranh vẽ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bình bú, đầu vú cao su và vú ngậm giả; không được sử dụng lời văn hoặc các hình thức thể hiện khác nhằm khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Điều 11. Nhãn sản phẩm của bình bú và vú ngậm giả.
1. Nhãn sản phẩm bình bú phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Phải có dòng chữ (in thường): "Thực hiện đúng hướng dẫn vệ sinh, tiệt khuẩn. Việc sử dụng bình bú có thể làm cho trẻ từ chối bú mẹ, có nguy cơ bị tiêu chảy". Chiều cao của chữ in thường không dưới 2 mm.
b) Hướng dẫn đúng cách giữ vệ sinh và tiệt khuẩn.
c) Tên và địa chỉ chính xác của cơ sở sản xuất.
2. Bao gói hoặc nhãn dán vú ngậm giả phải có dòng chữ (in thường):"Sử dụng vú ngậm giả ảnh hưởng không tốt tới việc nuôi con bằng sữa mẹ". Chiều cao của chữ in thường không dưới 2 mm.
3. Nhãn sản phẩm của bình bú và vú ngậm giả quy định tại khoản 1 và 2 Điều này được áp dụng cho cả các sản phẩm bình bú và vú ngậm giả nhập khẩu.
Điều 12. Trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, buôn bán các sản phẩm thay thế sữa mẹ hoặc đại diện của họ.
1. Các cơ sở sản xuất, buôn bán hoặc đại diện của họ chỉ được thực hiện các công việc sau:
a) Bán sản phẩm thay thế sữa mẹ bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như đã đăng ký.
b) Tặng hoặc bán giá rẻ các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trại trẻ mồ côi, các tổ chức từ thiện với mục đích nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt hoặc người mẹ bị bệnh mà không thể cho con bú.
c) Cung cấp thông tin khoa học và cách thức sử dụng đúng sản phẩm thay sữa mẹ cho cán bộ y tế.
2. Các cơ sở sản xuất, buôn bán sản phẩm thay thế sữa mẹ không được thực hiện các công việc sau:
a) Kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ chưa đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như đã đăng ký, các sản phẩm thay thế sữa mẹ đã hết hạn sử dụng, không có nhãn hoặc bao bì đóng gói.
b) Tặng các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho các bà mẹ và thành viên trong gia đình họ.
c) Tặng cho cán bộ y tế hoặc cơ sở y tế các sản phẩm thay thế sữa mẹ, thiết bị, dụng cụ y tế hoặc các vật dụng khác có nhãn hiệu của cơ sở sản xuất, buôn bán các sản phẩm thay thế sữa mẹ hoặc các hình thức thể hiện khác nhằm khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
d) Tài trợ học bổng, nghiên cứu khoa học, kinh phí cho đào tạo, hội nghị, hội thảo, các khoá học, các buổi hoà nhạc, dịch vụ tư vấn qua điện thoại hoặc các hình thức khác nhằm khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
CHƯƠNG IV. SỬ DỤNG CÁC SẢN PHẨM THAY THẾ SỮA MẸ
Điều 13. Trách nhiệm của các cơ sở sản khoa, nhi khoa.
Các cơ sở sản khoa, nhi khoa có trách nhiệm tuyên truyền, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và tạo điều kiện để bà mẹ được cho con bú ngay trong vòng 30 phút sau khi sinh.
Điều 14. Trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế trong các cơ sở sản khoa, nhi khoa.
1. Cán bộ, nhân viên y tế trong các cơ sở sản khoa, nhi khoa có trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho các bà mẹ hoặc thành viên trong gia đình họ trong các trường hợp đặc biệt cần phải sử dụng các sản phẩm đó.
2. Cán bộ, nhân viên y tế trong các cơ sở sản khoa, nhi khoa không được:
a) Nhận sản phẩm, quà tặng, nhận đóng góp tài chính hoặc các lợi ích vật chất khác do các cơ sở sản xuất, buôn bán sản phẩm thay thế sữa mẹ hoặc người đại diện của họ tặng.
b) Giúp các cơ sở sản xuất, buôn bán tặng mẫu, tặng quà, tài liệu tuyên truyền, quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ.
CHƯƠNG V. KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 15. Khen thưởng.
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc duy trì, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ sẽ được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.
Điều 16. Xử lý vi phạm.
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong Nghị định này, tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
CHƯƠNG VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Trách nhiệm quản lý.
1. Bộ Y tế chủ trì và phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Văn hóa - Thông tin, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam và các cơ quan liên quan quản lý việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ; quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn các sản phẩm thay thế sữa mẹ; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
2. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì và phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Y tế quản lý thông tin, quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ theo thẩm quyền được phân công.
Điều 18. Hiệu lực thi hành.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
2. Bãi bỏ Quyết định số 307/TTg ngày 10 tháng 6 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số vấn đề về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ để hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ và những quy định trước đây trái với Nghị định này.
Điều 19. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành.
Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Điều 20. Trách nhiệm thi hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
THE GOVERNMENT
------- |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness ---------- |
No: 74/2000/ND-CP
|
Hanoi, December 06, 2000
|
Pursuant to the June 30, 1989 Law on Protection of People’s Health;
Pursuant to the August 16, 1991 Law on Protection and Care of Vietnamese children;
Pursuant to the May 10, 1997 Commercial Law;
In order to protect the children’s health and support their all-sided growth;
At the proposal of the Health Minister,
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER Phan Van Khai |
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây