Quyết định 4487/QĐ-BYT 2016 về điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi

thuộc tính Quyết định 4487/QĐ-BYT

Quyết định 4487/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi
Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:4487/QĐ-BYT
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Nguyễn Viết Tiến
Ngày ban hành:18/08/2016
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe

TÓM TẮT VĂN BẢN

Điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ từ 0 - 6 tuổi

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi đã được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 4487/QĐ-BYT ngày 18/08/2016.
Trong đó, bệnh suy dinh dưỡng cấp tính là tình trạng bệnh lý mà cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm theo nhu cầu do cung cấp thiếu hoặc do bệnh lý, gây tình trạng trẻ bị giảm cân nhanh (gầy mòn) hoặc bị phù. Nguy cơ tử vong của trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng hơn từ 05 - 20 lần so với trẻ bình thường và có thể là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở trẻ hoặc có thể đóng vai trò gián tiếp làm tăng nhanh nguy cơ tử vong ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi. Trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng có thể bị phù dinh dưỡng, hay gặp kèm theo rối loạn tiêu hóa, viêm phổi, rối loạn sắc tố da hoặc mất hết lớp mỡ dưới da ở mặt, mông, chi, gày đét, mặt hốc hác, mắt trũng, da khô nhăn nheo, có thể mất cảm giác thèm ăn…
Việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính sẽ được thực hiện dựa trên tình trạng lâm sàng và nhân trắc của trẻ, bao gồm: Điều trị nội trú; Điều trị ngoại trú và Điều trị duy trì/dự phòng. Theo đó, trẻ suy dinh dưỡng cấp tính có biến chứng được điều trị nội trú ở bệnh viện đến khi hết biến chứng (thường trong 01 tuần), sau đó được chuyển về y tế cơ sở để tiếp tục điều trị ngoại trú. Khi đạt tiêu chuẩn xuất khỏi điều trị ngoại trú (thường từ 06 - 10 tuần), trẻ sẽ được chuyển sang điều trị duy trì/dự phòng trong thời gian từ 02 - 04 tháng. Đặc biệt, tất cả trẻ dưới 06 tháng tuổi bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính đều phải được nhập viện và điều trị nội trú.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Xem chi tiết Quyết định4487/QĐ-BYT tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ Y TẾ
-------

Số: 4487/QĐ-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2016

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH SUY DINH DƯỠNG CẤP TÍNH Ở TRẺ EM TỪ 0 ĐẾN 72 THÁNG TUỔI

----

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

 

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi.

Điều 2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi được ban hành kèm theo Quyết định này được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Căn cứ vào Hướng dẫn này và điều kiện cụ thể của cơ sở, giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng và ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi phù hợp để thực hiện tại đơn vị.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng của các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Cổng TTĐTBYT, Website Cục QLKCB;
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Viết Tiến

 

 

HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH SUY DINH DƯỠNG CẤP TÍNH Ở TRẺ EM TỪ 0 ĐẾN 72 THÁNG TUỔI

(Ban hành kèm theo Quyết định số 4487/QĐ-BYT ngày 18 tháng 8 năm 2016)

 

I. Đại cương

Bệnh suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính là tình trạng bệnh lý mà cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm theo nhu cầu do cung cấp thiếu hoặc do bệnh lý, gây tình trạng trẻ bị giảm cân nhanh (gầy mòn) hoặc bị phù.

Nguy cơ tử vong của trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cao gấp từ 5- 20 lần so với trẻ bình thường và có thể là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở trẻ hoặc có thể đóng vai trò gián tiếp làm tăng nhanh nguy cơ tử vong ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi.

Hướng dẫn này áp dụng cho trẻ từ 0 tháng tuổi đến 72 tháng tuổi.

II. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh suy dinh dưỡng cấp tính

Trẻ chỉ cần có 1 trong 2 điều kiện về nhân trắc là Chu vi vòng cánh tay (MUAC) hoặc Cân nặng theo chiều cao (CN/CC) thấp hơn so với ngưỡng là được chẩn đoán bệnh suy dinh dưỡng cấp tính.

1. Trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính vừa có các biểu hiện sau:

- Chỉ tiêu nhân trắc

+ Chu vi vòng cánh tay: MUAC từ >115mm đến 125mm (Tiêu chuẩn chẩn đoán dựa vào MUAC chỉ áp dụng cho trẻ từ 6-59 tháng tuổi).

+ Hoặc Cân nặng theo chiều cao (chiều dài): CN/CC từ >-3SD đến -2SD

- Các triệu chứng lâm sàng thường kín đáo, dễ bỏ sót.

2. Trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng có các biểu hiện sau:

- Các chỉ tiêu nhân trắc

+ Chu vi vòng cánh tay: MUAC ≤ 115mm.

+ Hoặc Cân nặng theo chiều cao (chiều dài): CN/CC ≤ -3SD.

- Triệu chứng lâm sàng: tùy thuộc vào triệu chứng có thể gặp một trong các thể sau:

+ Suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor)

- Phù dinh dưỡng: Phù bắt đầu từ hai chi dưới, sau đó phù toàn thân. Phù đều hai bên, phù trắng mềm, ấn lõm. Phù dinh dưỡng được coi là tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh SDD cấp tính có biến chứng. Cần phân biệt với phù do các nguyên nhân khác (tim, thận...).

- Chu vi vòng cánh tay và cân nặng theo chiều cao có thể bình thường.

- Hay gặp kèm theo rối loạn tiêu hóa, viêm phổi.

- Rối loạn sắc tố da: trẻ xuất hiện những nốt đỏ ở bẹn, chi, mông và xung quanh hậu môn. Các nốt này tập trung thành mảng đỏ và thâm đen sau đó bong ra để lại lớp da non dễ bị nhiễm trùng làm da trẻ loang lổ.

- Tình trạng SDD còn biểu hiện ở các mô, tổ chức khác như: loãng xương do thiếu canxi, thiếu vitamin A, gan to do thoái hóa mỡ, tim suy do thiếu đạm.

- Các triệu chứng cận lâm sàng: Huyết sắc tố giảm. Hematocrit giảm, Protein máu giảm, Pre-albumin máu giảm, Natri và Kali giảm. Đường máu giảm, Tỷ lệ Albumin/Globulin đảo ngược. Chỉ số White Head: acid amin không thiết yếu/acid amin thiết yếu tăng cao (bình thường 0,8-2).

+ Suy dinh dưỡng thể teo đét (Marasmus)

- Trẻ mất hết lớp mỡ dưới da ở mặt, mông, chi nên trẻ gày đét, mặt hốc hác, mắt trũng da khô nhăn nheo như cụ già.

- Trẻ có triệu chứng thiếu vitamin A, D, K, B1, B12... nhưng nhẹ hơn.

- Trẻ có thể mất cảm giác thèm ăn.

- Các triệu chứng cận lâm sàng: Huyết sắc tố giảm, Hematocrit giảm, Protein máu giảm, Pre-albumin máu giảm, chỉ số đường máu và điện giải đồ thay đổi.

+ Suy dinh dưỡng thể phối hợp: Trẻ có triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của cả hai thể trên.

III. Hướng dẫn điều trị bệnh SDD cấp tính:

1. Phân loại điều trị bệnh SDD cấp tính

Dựa trên tình trạng lâm sàng và nhân trắc của trẻ. Bao gồm:

- Điều trị nội trú

- Điều trị ngoại trú

- Điều trị duy trì/dự phòng

Có sự kết nối, chuyển tuyến giữa các hợp phần điều trị tùy thuộc vào sự xuất hiện của các biến chứng cũng như mức độ của bệnh SDD cấp tính (Sơ đồ 1). Theo đó, bệnh nhi SDD cấp tính có biến chứng được điều trị nội trú ở bệnh viện đến khi hết biến chứng (thường trong 1 tuần), sau đó sẽ được chuyển về y tế cơ sở để tiếp tục điều trị ngoại trú. Khi đạt tiêu chuẩn xuất khỏi điều trị ngoại trú (thường từ 6 đến 10 tuần), người bệnh sẽ được chuyển sang điều trị duy trì/dự phòng trong thời gian từ 2 đến 4 tháng (xem Sơ đồ qui trình điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em tại Phụ lục 1).

Sơ đồ 1- Phân loại điều trị suy dinh dưỡng cấp tính

* Các dấu hiệu nguy hiểm của IMCI bao gồm: không thể uống/bú mẹ; nôn tất cả mọi thứ; thờ ơ/bất tỉnh; co giật; thở rít; viêm phổi với rút lõm lồng ngực; mất nước nặng; thiếu máu nặng.

** Tiêu chuẩn chẩn đoán dựa vào MUAC chỉ áp dụng cho trẻ từ 6-59 tháng tuổi.

- Hướng dẫn cách đo chu vi vòng cánh tay (MUAC) cheo Phụ lục II

- Bảng cân nặng theo chiều cao/chiều dài theo Phụ lục III

- Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, xem Phần điều trị nội trú

2. Các xét nghiệm cận lâm sàng:

- Các xét nghiệm thường qui: Công thức máu, điện giải đồ, chức năng gan thận, Protein/Albumin/Đường máu, sắt huyết thanh, chỉ số Ferritin, canxi.

- Các xét nghiệm theo dõi và tiên lượng bệnh: Pre-albumin máu, tỷ lệ Albumin/Globulin, chỉ số White Head: acid amin không thiết yếu/acid amin thiết yếu.

- Các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh kèm theo thực hiện theo yêu cầu chuyên môn.

3. Điều trị:

3.1. Điều trị nội trú:

Điều trị nội trú dành cho những bệnh nhân mắc bệnh SDD cấp tính có biến chứng hoặc tiến triển xấu hay không đáp ứng với điều trị ngoại trú. Điều trị nội trú chia ra làm 2 giai đoạn:

● Giai đoạn cấp cứu cho trẻ có tình trạng cấp tính và thương tổn nặng.

● Giai đoạn chuyển tiếp trước khi chuyển bệnh nhân sang điều trị ngoại trú.

Điều trị nội trú được thực hiện ở bệnh viện.

Người chịu trách nhiệm điều trị là bác sỹ.

Sử dụng và theo dõi việc sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị cho trẻ mắc bệnh SDD là điều dưỡng viên.

3.1.1. Tiêu chuẩn tiếp nhận

Bảng 1- Tiêu chuẩn tiếp nhận của điều trị nội trú

Phân loại

Tiêu chuẩn

Tiếp nhận mới

▪ SDD cấp tính nặng hoặc vừa (theo định nghĩa ở trên)

▪ kèm theo một trong những dấu hiệu sau:

- Nôn.

- Lơ mơ/không tỉnh táo.

- Co giật.

- Thở rít.

- Viêm phổi rút lõm lồng ngực.

- Mất nước nặng.

- Thiếu máu nặng.

- Không còn cảm giác thèm ăn (Kiểm tra cảm giác thèm ăn theo Phụ lục IV).

- Phù dinh dưỡng.

Trường hợp đặc biệt

▪ Trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng dưới 6 tháng tuổi.

▪ Đủ tiêu chuẩn để điều trị ngoại trú nhưng người chăm sóc từ chối

Chuyển tuyến từ cơ sở điều trị ngoại trú

Tình trạng suy giảm.VD:

▪ Không còn cảm giác thèm ăn

▪ Tụt cân sau 3 lần khám liên tiếp (3 tuần liên tục)

▪ Không tăng cân trong vòng 4 tuần

▪ Không đáp ứng với điều trị

▪ Xuất hiện các biến chứng lâm sàng

- Tình trạng sức khỏe xấu đi

- Xuất hiện phù dinh dưỡng

 

3.1.2. Các yêu cầu về tổ chức điều trị

Các yếu tố tổ chức và hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính bao gồm:

- Môi trường bố trí phù hợp: có khu vực cách ly cho những trường hợp có nguy cơ truyền nhiễm cao; khu vực vệ sinh sạch sẽ; nhiệt độ phòng đủ ấm (28 - 32°C, không có gió lùa).

- Khu vực pha chế sữa điều trị sạch sẽ.

- Trang thiết bị đầy đủ (cân; thước đo chiều cao/chiều dài nằm; thước đo chu vi vòng cánh tay, dụng cụ pha chế sữa, pha chế ReSoMal) được bảo quản và thường xuyên kiểm tra/hiệu chỉnh.

- Đánh giá lâm sàng phải thực hiện cẩn thận, thường xuyên và nhắc lại nhằm đảm bảo tất cả các vấn đề sức khỏe được phát hiện và điều trị kịp thời.

- Duy trì việc ghi chép trẻ mắc bệnh SDD và phát hiện các yếu tố nguy cơ tử vong bao gồm:

+ Tình trạng không tỉnh táo (kiệt sức/hôn mê).

+ Co giật.

+ Nhịp tim chậm.

+ Dấu hiệu của sốc có hay không có mất nước.

+ Hạ đường huyết < 3 mmol/l

+ Hạ thân nhiệt.

3.1.3. Điều trị

* Giai đoạn cấp cứu

Các biến chứng thường gặp trong giai đoạn này là: hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, rối loạn nước điện giải, nhiễm khuẩn, thiếu vi chất dinh dưỡng.

Mục đích của giai đoạn này là ổn định các biến chứng và bắt đầu cho sử dụng chế phẩm điều trị phù hợp.

Bao gồm các bước sau:

- Điều trị/dự phòng hạ đường huyết

- Điều trị/dự phòng hạ thân nhiệt

- Điều trị/dự phòng mất nước

- Cân bằng điện giải

- Điều trị/dự phòng nhiễm khuẩn

- Điều trị thiếu vi chất dinh dưỡng

- Bắt đầu cho sử dụng chế phẩm điều trị với liều phù hợp.

Bước 1: Điều trị/dự phòng hạ đường huyết

Xử lý hạ đường huyết nếu có. Thận trọng khi sử dụng đường tĩnh mạch.

Bước 2: Điều trị/dự phòng hạ thân nhiệt

Đảm bảo cho trẻ được ủ ấm (Mặc đủ quần áo, ủ trong chăn ấm hoặc lò sưởi, hoặc sưởi ấm bằng bế áp da trẻ với da mẹ).Tránh để ướt. Sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị ngay (xem bước 7).

Bước 3: Điều trị/dự phòng mất nước

- Tình trạng mất nước thường khó đánh giá ở trẻ mắc bệnh SDD nặng. Hạn chế bù dịch bằng đường truyền tĩnh mạch trừ khi có sốc hoặc rối loạn điện giải, hạ đường huyết mà trẻ không uống được.

- Chế phẩm ORS của WHO có nồng độ Na cao và K thấp nên không thích hợp với trẻ mắc bệnh SDD cấp tính, do vậy cần dùng chế phẩm ReSoMal.

Bảng 2. Thành phần ReSoMal (WHO 1999)

Thành phần

Hàm lượng (mmol/l)

Glucose

125

Natri

45

Kali

40

Chlorid

70

Citrate

7

Magie

3

Kẽm

0.3

Đồng

0.045

Độ thẩm thấu

300

 

- Nếu không có sẵn ReSoMal thì có thể pha theo cách sau: 2 lít nước pha cho 01 Gói ORS (loại tiêu chuẩn pha với 1 lít), thêm Sucrose: 50g, thêm 45 ml KCl 10%. (Chế phẩm này có 45 mmol Na, 40 mmol K).

- Trẻ cần được bù nước chậm bằng đường uống hoặc qua ống thông mũi dạ dày với lượng 5-10ml/kg/giờ tối đa trong 12h.

- Không sử dụng ReSoMal trong trường họp nghi ngờ mắc bệnh tả hoặc tiêu chảy nhiều nước.

- Cách cho dịch đường tĩnh mạch chống sốc ở trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng:

Khi trẻ có dấu hiệu sốc, và li bì, mất ý thức hoặc không thể uống được, cho chế phẩm đường tĩnh mạch. Sử dụng một trong các chế phẩm sau (chọn theo thứ tự):

Ringer lactate cùng với glucose 5%; hoặc chế phẩm NaCl 0,9% pha loãng một nửa cùng với 1/2 glucose 5%; hoặc chế phẩm Darrow pha loãng một nửa cùng với glucose 5% hoặc Ringer lactate. Liều: 15ml/kg/h. Nếu không cải thiện: cần xem xét lại chẩn đoán vì có thể trẻ bị sốc nhiễm khuẩn hoặc bệnh lý khác kèm theo.

Bước 4: Điều chỉnh cân bằng điện giải

Chế phẩm F75, F100, RUTF đã chứa đủ K và Mg.

Nếu sử dụng các chế phẩm nuôi dưỡng khác thì cần đảm bảo bổ sung: Kali 3- 4mmol/kg/ngày, Mg: 0,4-0,6 mmol/kg/ngày.

Chế biến thức ăn không thêm muối, khi bù nước sử dụng chế phẩm bù nước có hàm lượng Na thấp (VD ReSoMal).

Bước 5: Điều trị/ dự phòng nhiễm khuẩn

Trẻ mắc bệnh SDD nặng, dấu hiệu thường gặp của nhiễm khuẩn như sốt thường khó phát hiện do đó phải mặc định tất cả trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng nhập viện đều có nhiễm khuẩn và điều trị kháng sinh thích hợp.

Bước 6: Điều chỉnh thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng

Nếu trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng được điều trị bằng F75, F100, RUTF hoặc các chế phẩm dinh dưỡng điều trị tương đương theo đúng tiêu chuẩn của WHO (theo Phụ lục XI) thì các tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng đều được giải quyết vì vậy không cần bổ sung thêm sắt, vitamin A, kẽm, acid folic, đa vi chất...

- Vitamin A

+ Nếu trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng và có các dấu hiệu tổn thương mắt do thiếu vitamin A và/hoặc gần đây mới mắc sởi (dù trẻ đang sử dụng F75, F100, RUTF): Cung cấp Vitamin A liều cao (Trẻ 0-6 tháng: 50.000 IU/lần; Trẻ 6-12 tháng: 100.000 IU/lần; Trẻ 1 đến 6 tuổi 200.000 IU/lần). Liều thứ 1 vào ngày 1, liều thứ 2 vào ngày 2, và liều thứ 3 vào ngày 15 (hoặc vào ngày xuất viện của trẻ)

+ Nếu trẻ không được sử dụng các sản phẩm F75, F100 hoặc chế phẩm dinh dưỡng điều trị theo đúng tiêu chuẩn của WHO thì bổ sung hàng ngày cho trẻ với liều 5000 IU hoặc cung cấp một liều cao vitamin A (50.000 IU; 100.000 IU hoặc 200.000 IU, tùy theo tuổi của trẻ) khi tiếp nhận.

- Kẽm

Tất cả trẻ mắc bệnh SDD cấp bị tiêu chảy cần được bổ sung kẽm ngay lập tức để giảm thời gian mắc bệnh, mức độ nặng của bệnh và nguy cơ mất nước. Nếu có sử dụng F75, F100, RUTF thì không cần bổ sung. Nếu không, cần cung cấp trong 10 đến 14 ngày:

+ Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 10mg kẽm/ngày.

+ Trẻ trên 6 tháng tuổi: 20mg kẽm/ngày.

- Các vi chất khác: Bổ sung hàng ngày trong ít nhất 2 tuần nếu không sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị đặc hiệu

+ Acid Folic 1 mg/ngày (Riêng ngày đầu cung cấp 5mg)

+ Đa vi chất: Đồng 0,3 mg/kg/ngày; Sắt 3 mg/kg/ngày khi bắt đầu ổn định và bắt đầu tăng cân.

Bước 7: Bắt đầu sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị

Cho sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị một cách thận trọng. Bắt đầu càng sớm càng tốt. Mục tiêu của bước này là cung cấp đủ năng lượng và chất đạm để duy trì các hoạt động sinh lý cơ bản của cơ thể và ổn định biến chứng, làm giảm nguy cơ tử vong. Không quá kỳ vọng vào sự tăng cân của trẻ trong bước này. Sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị F-75 (Phụ lục V) được khuyến cáo và sử dụng theo các nguyên lý cơ bản sau:

Bảng 3 - Nguyên tắc sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị cho trẻ mắc bệnh SDD trong giai đoạn cấp cứu

- Sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị có thành phần chất đạm, chất béo, đường lactose, vitamin/khoáng chất và có áp lực thẩm thấu thấp (để tránh quá tải cho đường ruột, gan và thận)

- Tổng lượng sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị tăng dần để đạt được 100 kcal/kg cân nặng/ngày (= 130ml/kg cân nặng/ngày dung dịch F-75)

- Khởi đầu từ nhu cầu dịch của cơ thể và tăng dần.

- Cho ăn thường xuyên nhiều bữa nhỏ

- Giảm bớt số lượng (100mg/kg cân nặng/ngày) nếu trẻ bị phù nặng.

- Cho sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị qua đường miệng bất cứ khi nào có thể; Sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị qua ống thông đường mũi nếu cần thiết (VD: nếu trẻ bị nôn hoặc không dung nạp chế phẩm dinh dưỡng điều trị qua đường miệng; miệng bị loét và không thể nuốt được).

- Cân nhắc chỉ định nuôi dưỡng tĩnh mạch (do nguy cơ quá tải lỏng/mất cân bằng điện giải).

- Khuyến khích cho trẻ bú mẹ bất cứ lúc nào: cho bú trước khi sử dụng chế phẩm điều trị nhưng phải đảm bảo trẻ được cung cấp nhu cầu dinh dưỡng thông qua việc quy định số lượng chế phẩm dinh dưỡng điều trị cần sử dụng.

Sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị 8 lần một ngày (khoảng 3h một lần) kể cả ban đêm, ưu tiên đối với những trẻ không ăn được trong nhiều ngày, trẻ bị ốm nặng hoặc nôn nhiều hay đi ngoài.

Nếu việc sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị đêm khó thực hiện, sử dụng chế phẩm điều trị 6 lần một ngày đôi khi có thể chấp nhận được.

* Giai đoạn chuyển tiếp

Mục đích của giai đoạn chuyển tiếp là để quản lý có hiệu quả việc chuyển đổi từ giai đoạn cấp cứu sang giai đoạn nuôi ăn phục hồi có tăng đậm độ dinh dưỡng. Đặc biệt lưu ý nếu thực hiện giai đoạn này quá nhanh có thể dẫn đến tiêu chảy và hội chứng nuôi ăn lại (Refeeding - Hội chứng không hay gặp và có thể bao gồm rối loạn nhịp tim; suy tim; suy hô hấp; suy thận cấp; thậm chí tử vong đột ngột).

Trẻ sẵn sàng chuyển từ giai đoạn cấp cứu sang giai đoạn chuyển tiếp khi:

Bảng 4 - Tiêu chuẩn để chuyển trẻ mắc bệnh SDD cấp sang giai đoạn chuyển tiếp

- Có cảm giác thèm ăn trở lại: sử dụng hết lượng F-75 một cách dễ dàng

- Cải thiện tình trạng lâm sàng: không có các vấn đề lâm sàng nghiêm trọng như nôn, tiêu chảy, mất nước, ăn qua sonde mũi dạ dày, suy hô hấp hay bất cứ các biến chứng cần truyền dịch nào.

- Giảm phù: trong phù suy dinh dưỡng, xác định bằng khám lâm sàng và giảm cân nặng

Điều trị trong giai đoạn chuyển tiếp tùy thuộc mức độ đáp ứng của trẻ. Thường kéo dài từ 2-3 ngày nhưng cũng có thể lâu hơn nếu trẻ không khỏe, chế phẩm dinh dưỡng điều trị trong giai đoạn này là RUFT (Phụ lục VI) hay F-100 (Phụ lục VII). Tăng dần mỗi 10% thể tích/ 2 ngày cho đến khi trẻ không thể sử dụng thêm, cố gắng đạt 100-135 kcal/kg/ngày. Cần cho trẻ bú mẹ trước khi sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị.

- Nếu sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị RUFT trong giai đoạn chuyển tiếp (tiếp theo chế phẩm F-75 ở giai đoạn cấp cứu): có hai cách chuyển đổi từ F-75 sang RUTF như sau

Cách 1: Bắt đầu sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị bằng cách sử dụng chế phẩm RUTF với liều lượng quy định trong giai đoạn chuyển tiếp (100- 135kcal/kg cân nặng/ngày).Trẻ được uống nước tùy thích. Nếu trẻ không sử dụng hết số lượng chế phẩm RUTF thì bù phần còn lại bằng chế phẩm F-75. Tăng lượng chế phẩm RUTF sau 2-3 ngày cho đến khi trẻ sử dụng hết khẩu phần chế phẩm RUTF yêu cầu (150-220 kcal/kg cân nặng/ngày, trung bình 170kcal/kg cân nặng/ngày). Không sử dụng RUTF cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Hoặc Cách 2: Cho trẻ sử dụng chế phẩm RUTF với liều lượng quy định trong giai đoạn chuyển tiếp. Trẻ uống nước theo nhu cầu. Nếu trẻ không sử dụng ít nhất một nửa liều của chế phẩm RUTF theo yêu cầu trong 12 giờ đầu thì dừng sử dụng RUTF và sử dụng chế phẩm F-75 trở lại. Cố gắng thử lại sau 1-2 ngày tiếp theo cho đến khi trẻ sử dụng hết liều của chế phẩm RUTF.

- Nếu sử dụng chế phẩm F-100 (hoặc tương đương) trong giai đoạn chuyển tiếp:

+ Khi trẻ sẵn sàng chuyển sang giai đoạn chuyển tiếp, thay thế chế phẩm F-75 bằng một lượng tương đương chế phẩm F-100 trong tối thiểu 2 ngày. Nếu vẫn tiếp tục tiến triển tốt, tăng dần số lượng F-100 đến mức tối đa (150-220 kcal/kg cân nặng/ngày, trung bình 170kcal/kg cân nặng/ngày)

+ Khi trẻ tăng cân nhanh với chế phẩm F-100, chuyển sang dùng chế phẩm RUTF và quan sát xem trẻ có thể sử dụng hết số lượng yêu cầu không trước khi chuyển sang giai đoạn điều trị ngoại trú.

- Với những trẻ được chuyển từ điều trị ngoại trú sang điều trị nội trú do không tăng cân hoặc giảm cân, không phải do có các biến chứng y tế nặng: những trẻ này có thể điều trị ngay lập tức với chế phẩm RUTF nếu còn cảm giác thèm ăn. Nếu không, trẻ phải bắt đầu giai đoạn điều trị cấp cứu với chế phẩm F-75.

- Trẻ không cần kỳ vọng tăng đến cân nặng đích (CN/CC = -2SD) khi còn điều trị nội trú. Việc phục hồi dinh dưỡng và tình trạng lâm sàng có thể tiếp tục thực hiện trong điều trị ngoại trú. Để đảm bảo thành công, trước khi chuyển trẻ sang điều trị ngoại trú trẻ cần được theo dõi sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị ít nhất 24 giờ để đảm bảo trẻ không bị các biến chứng.

- Các vấn đề gặp phải trong giai đoạn chuyển tiếp:

+ Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm (Bảng 1), quay lại điều trị như giai đoạn cấp cứu, sử dụng chế phẩm F-75 và tiến hành chăm sóc y tế cần thiết.

+ Nếu trẻ không thể ăn chế phẩm RUTF trong 4-5 ngày thì cần chuyển sang sử dụng chế phẩm F100 nhưng vẫn tiếp tục cho trẻ sử dụng chế phẩm RUTF. Nếu không có sẵn RUTF hoặc trẻ không thích ăn RUTF cũng có thể sử dụng chế phẩm F100 để thay thế vì chúng có giá trị dinh dưỡng tương đương.

Với trẻ dưới 6 tháng tuổi bị bệnh SDD cấp tính

- Tất cả trẻ dưới 6 tháng bị bệnh SDD cấp tính cần được nhập viện và điều trị nội trú

- Bà mẹ hoặc người phụ nữ chăm sóc trẻ nên được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu đứa trẻ không được cho bú, hỗ trợ cần làm là giúp bà mẹ hoặc người phụ nữ chăm sóc trẻ tái tiết sữa. Nếu điều này không thể thực hiện được, khuyến khích việc cho trẻ bú nhờ các bà mẹ khác.

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi cũng cần được cung cấp thực phẩm bổ sung:

o Trẻ dưới 6 tháng tuổi không phù có thể được điều trị với các dạng thực phẩm sau (theo thứ tự ưu tiên, sử dụng 1 thực phẩm hoặc kết hợp thực phẩm đó với bú mẹ): sữa mẹ vắt ra; sữa công thức cho trẻ sơ sinh; dung dịch F-75 hoặc F-100 pha loãng (Phụ lục VII). Trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên cho sử dụng dung dịch F-100 chưa pha loãng bất cứ thời điểm nào (do tăng áp lực lọc thận và nguy cơ tăng natri máu gây mất nước).

o Trẻ dưới 6 tháng tuổi có phù nên được điều trị bằng sữa công thức cho trẻ sơ sinh hoặc dung dịch F-75 (cho sử dụng kèm bú mẹ).

3.1.4. Tiêu chuẩn xuất/chuyển tuyến

Bảng 5 -Tiêu chuẩn xuất /chuyển tuyến của điều trị nội trú

Phân loại

Tiêu chuẩn

Hướng xử trí

Ổn định biến chứng

▪ Tình trạng lâm sàng ổn định: Tỉnh táo; không có dấu hiệu nguy hiểm như: Hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, rối loạn nước điện giải, nhiễm khuẩn, thiếu vi chất dinh dưỡng; không có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần điều trị nội trú/thăm dò

▪ Hết phù.

Chuyển sang điều trị ngoại trú hoặc chuyển tuyến dưới.

Không đáp ứng với điều trị

▪ Không cải thiện về cảm giác thèm ăn hoặc tình trạng phù sau 4 ngày điều trị.

▪ Phù vẫn còn hoặc không chuyển được sang giai đoạn 2 sau 10 ngày điều trị.

▪ Không tăng được trên 5g/kg/ngày trong giai đoạn chuyển tiếp.

Chuyển tuyến trên (nếu có) hoặc điều trị chuyên khoa

 

3.2. Điều trị ngoại trú:

Điều trị ngoại trú cung cấp điều trị và phục hồi tại hộ gia đình cho trẻ em bị bệnh SDD cấp tính nặng nhưng chưa có các biến chứng. Điều trị ngoại trú cần được tiến hành mỗi tuần.

Điều trị ngoại trú được thực hiện chủ yếu tại tuyến y tế cơ sở. Tùy từng trường hợp cụ thể việc điều trị ngoại trú có thể được thực hiện tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp với tình trạng của trẻ mắc bệnh SDD.

Người chịu trách nhiệm điều trị là bác sỹ, y sĩ.

3.2.1. Tiêu chuẩn tiếp nhận

Bảng 6- Tiêu chuẩn tiếp nhận điều trị ngoại trú trẻ mắc bệnh SDD cấp

Phân loại

Tiêu chuẩn

Tiếp nhận mới

▪ Chu vi vòng cánh tay MUAC < 115mm * HOẶC chỉ số CN/CC < -3SD

▪ Trẻ tỉnh táo và tình trạng lâm sàng tốt (không có dấu hiệu nguy hiểm của IMCI)

▪ Còn cảm giác thèm ăn

▪ Không phù

Các tiếp nhận khác

▪ Trường hợp đặc biệt, ví dụ: sinh đôi**

▪ Người chăm sóc từ chối đến điều trị nội trú mặc dù đã được khuyên

Chuyển từ cơ sở điều trị nội trú SDD cấp tính

▪ Trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng và vừa có biến chứng đã được điều trị cấp cứu ổn định biến chứng ở cơ sở điều trị nội trú.

Chuyển từ cơ sở điều trị ngoại trú SDD cấp tính

▪ Trẻ mắc bệnh SDD được chuyển đến từ điều trị ngoại trú ở địa điểm khác nhưng chưa kết thúc đợt điều trị.

* Tiêu chuẩn chu vi vòng cánh tay chỉ áp dụng cho trẻ 6-59 tháng tuổi.

** Nếu có 1 trong 2 trẻ sinh đôi mắc bệnh SDD nặng thì chỉ có trẻ mắc bệnh SDD được đăng ký và tiếp nhận điều trị ngoại trú. Trẻ không bị SDD trong 2 trẻ sinh đôi cũng được nhận một khẩu phần RUTF nhưng không nhận thuốc điều trị. Khẩu phần gấp đôi cần được ghi lại trên phiếu điều trị ngoại trú của trẻ bị SDD.

 

3.2. Điều trị

- Các thuốc khác được cấp thêm tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý kèm theo của trẻ, theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị khác.

- Sử dụng thuốc bao gồm kháng sinh cho trẻ được tiếp nhận điều trị ngoại trú (Phụ lục VIII).

- Sử dụng chế phẩm RUTF với liều lượng 170 kcal/kg cân nặng/ngày để phục hồi dinh dưỡng.

+ Xác định đủ lượng chế phẩm RUTF cho người chăm sóc trẻ. Lượng chế phẩm RUTF được tính dựa vào cân nặng của trẻ và thời gian sử dụng cho tới đợt sử dụng kế tiếp (Phụ lục IX).

+ Tư vấn cho người chăm sóc về điều trị dinh dưỡng sử dụng chế phẩm RUFT trong điều trị SDD cấp tính nặng (Phụ lục X).

- Nếu trẻ được chuyển đến từ các cơ sở điều trị nội trú, đánh giá tình trạng sức khỏe, hồ sơ sức khỏe và những thuốc đã sử dụng để có hướng điều trị phù hợp.

- Hướng dẫn và tư vấn cho những người trực tiếp chăm sóc trẻ về việc quản lý thuốc, tầm quan trọng của việc tuân thủ phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc tại nhà. Những người mắc bệnh truyền nhiễm không được chăm sóc trẻ.

- Theo dõi: Cán bộ y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần thu thập và ghi nhận những thông tin sau đây vào sổ và phiếu theo dõi điều trị ngoại trú cho mỗi lần khám:

+ Cân nặng và MUAC cần được kiểm tra mỗi lần đến khám

+ Chiều cao/chiều dài cần được đo khi tiếp nhận; do hàng tháng; khi kết thúc điều trị ngoại trú (VD: khi CN/CC đạt mức yêu cầu)

+ Hỏi bệnh sử (để phát hiện các bệnh khác so với lần khám trước)

+ Khám lâm sàng

+ Kiểm tra cảm giác thèm ăn bằng RUTF.

+ Xác định lượng chế phẩm RUFT phù hợp và ghi lại vào phiếu sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị. Tăng cường tư vấn, giáo dục dinh dưỡng.

+ Yêu cầu người chăm sóc trẻ tuân thủ điều trị.

- Trẻ mắc bệnh SDD cần được chú ý đặc biệt nếu có một trong các dấu hiệu/biểu hiện sau:

+ Trẻ sụt cân trong 2 lần khám liên tiếp (2 tuần liên tục).

+ Cân nặng và tình trạng sức khỏe không cải thiện trong 3 tuần (cân nặng giữ nguyên hoặc tăng ít).

+ Trẻ không tuân thủ điều trị.

+ Trẻ được chuyển về từ điều trị nội trú.

Trẻ cần được thăm khám hoặc đến thăm tại hộ gia đình để tìm hiểu nguyên nhân nhằm có hướng điều trị phù hợp.

3.2.3. Tiêu chuẩn xuất/ chuyển tuyến

Bảng 7- Tiêu chuẩn xuất/ chuyển tuyến của điều trị ngoại trú

Phân loại

Tiêu chuẩn

Hướng xử trí

Khỏi

▪ CN/CC ≥ -2SD HOẶC MUAC ≥ 125 mm trong 2 lần khám liên tục.

▪ Tình trạng lâm sàng được cải thiện và không phù dinh dưỡng.

Chuyển sang điều trị duy trì/dự phòng

Chuyển

tuyến

Tình trạng xấu đi và cần được chăm sóc điều trị nội trú nếu:

▪ Không có cảm giác thèm ăn.

▪ Tình trạng sức khỏe xấu đi.

▪ Xuất hiện phù 2 bên.

▪ Sụt cân sau 3 lần khám liên tiếp (3 tuần liên tục).

▪ Không tăng cân trong vòng 4 tuần liên tục.

▪ Cân nặng đích* không đạt được sau 3 tháng điều trị (không đáp ứng).

Chuyển điều trị nội trú.

 

* Cân nặng đích là mức cân nặng ở ngưỡng CN/CC = -2SD

3.3. Điều trị duy trì/dự phòng:

Điều trị duy trì/dự phòng được áp dụng đối với trẻ mắc bệnh SDD cấp tính vừa, không có biến chứng hoặc trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng sau khi đủ tiêu chuẩn xuất khỏi điều trị ngoại trú cần tiếp tục chăm sóc. Bổ sung năng lượng và các chất dinh dưỡng có thể thiếu trong khẩu phần của trẻ bằng cách hướng dẫn cho trẻ sử dụng chế phẩm dinh dưỡng bổ sung ăn liền (RUSF) hoặc thực phẩm giàu dinh dưỡng tại nhà, trong thời gian từ 2 đến 4 tháng để có thể hồi phục trẻ mắc bệnh SDD đến mức cân nặng và sức khỏe đủ tiêu chuẩn xuất khỏi điều trị duy trì/dự phòng.

Điều trị duy trì/dự phòng được chủ yếu được thực hiện tại tuyến y tế cơ sở. Người chịu trách nhiệm điều trị là bác sỹ, y sĩ.

3.3.1. Tiêu chuẩn tiếp nhận

Bảng 8 - Tiêu chuẩn tiếp nhận của điều trị duy trì/ dự phòng

▪ Chu vi vòng cánh tay (MUAC) từ 115 đến 125mm*

HOẶC

▪ Chỉ số CN/CC ≥ -3 SD và <-2SD

▪ Tình trạng lâm sàng tốt (Không có dấu hiệu nguy hiểm của IMCI, tỉnh táo, có cảm giác thèm ăn).

Các trường hợp chuyển tuyến:

▪ Tất cả trẻ mắc bệnh SDD cấp tính sau điều trị ngoại trú đều yêu cầu phải được tiếp tục theo dõi và chăm sóc dinh dưỡng trong điều trị duy trì/dự phòng.

▪ Từ điều trị duy trì/dự phòng khác

* Tiêu chuẩn chu vi vòng cánh tay chỉ áp dụng cho trẻ 6-59 tháng tuổi.

3.3.2. Điều trị

Việc tiếp nhận điều trị cũng là một cơ hội để trẻ có thể tiếp cận các chăm sóc y tế thông thường khác như tiêm chủng, uống vitamin A, tẩy giun.

Bao gồm:

- Kiểm tra cân nặng hàng tháng

- Kiểm tra chiều dài/chiều cao 3 tháng một lần

- Tuân thủ theo hướng dẫn về cung cấp chế phẩm dinh dưỡng điều trị.

- Tư vấn sức khỏe và dinh dưỡng cho người chăm sóc, đặc biệt là về thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phòng và điều trị các bệnh thường mắc (tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp), dinh dưỡng khi trẻ bệnh.

- Hẹn khám lại hàng tháng để nhận chế phẩm dinh dưỡng điều trị và tư vấn dinh dưỡng

- Tiếp tục sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị cho đến khi chỉ tiêu cân nặng/chiều cao của trẻ vượt qua mức -2SD và kéo dài thêm 2 tháng nữa để duy trì mức độ đó.

3.2.3. Tiêu chuẩn chuyển tuyến/kết thúc điều trị

Bảng 9 - Tiêu chuẩn chuyển tuyến/kết thúc điều trị

Phân loại

Tiêu chuẩn

Hướng xử trí

Khỏi

▪ MUAC ≥ 125 mm HOẶC CN/CC ≥ -2 SD trong 2 lần khám liên tiếp

Nếu trẻ được chuyển tới từ cơ sở điều trị nội trú hoặc ngoại trú, trẻ cần phải được điều trị duy trì tối thiểu 4 tháng.

Kết thúc điều trị

Không đáp ứng

▪ MUAC <115 mm HOẶC CN/CC < -3SD

(VD: tiến triển xấu thành SDD nặng nhưng chưa có biến chứng)

▪ Giảm cân trong 2 lần khám liên tiếp

▪ Không đáp ứng: không đạt tiêu chuẩn sau 4 tháng

Tất cả những trường hợp này, việc đánh giá tại cơ sở điều trị ngoại trú nên bao gồm khám lâm sàng để xác định nguyên nhân của tình trạng suy giảm.

Chuyển điều trị ngoại trú

 

IV. Phòng bệnh

Tăng cường giáo dục truyền thông để cải thiện các thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em bao gồm:

- Tư vấn và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú.

- Thực hành cho bú mẹ theo khuyến nghị: bú sớm trong 1 giờ đầu, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú mẹ theo nhu cầu.

- Thực hành cho trẻ ăn bổ sung theo khuyến nghị, bắt đầu từ tròn 6 tháng tuổi và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi hoặc hơn.

- Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh và chậm tăng trưởng.

- Bổ sung đủ sắt/acid folic và phòng chống thiếu máu cho phụ nữ và trẻ em.

- Phòng chống thiếu vitamin A ở phụ nữ và trẻ em.

- Sử dụng muối/gia vị có i-ốt cho tất cả các thành viên của gia đình.

- Tiêm chủng đầy đủ theo lịch

 

PHỤ LỤC I

SƠ ĐỒ QUI TRÌNH ĐIỀU TRỊ BỆNH SDD CẤP TÍNH Ở TRẺ EM TỪ 0-72 THÁNG TUỔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số …….. /QĐ-BYT ngày     tháng     năm      )

 

PHỤ LỤC II

HƯỚNG DẪN CÁCH ĐO CHU VI VÒNG CÁNH TAY (MUAC)
(Ban hành kèm theo Quyết định số …….. /QĐ-BYT ngày     tháng     năm      )

 

PHỤ LỤC III

BẢNG CÂN NẶNG THEO CHIỀU CAO/CHIỀU DÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số …….. /QĐ-BYT ngày     tháng     năm      )

SDD cấp tính vừa:

CN/CC (hoặc CN/chiều dài)

từ -3SD đến <-2SD

SDD cấp tính nặng:

CN/CC (hoặc CN/chiều dài)

<-3SD

Cân nặng đích:

CN/CC (hoặc CN/chiều dài)

= - 2SD

 

Cân nặng trẻ trai (kg)

Chiều dài

Cân nặng trẻ gái (kg)

-3SD

-2SD

Trung vị

Cm

Trung vị

-2SD

-3SD

2,4

2,6

3,1

49

3,2

2,6

2,4

2,6

2,8

3,3

50

3,4

2,8

2,6

2,7

3,0

3,5

51

3,6

3,0

2,8

2,9

3,2

3,8

52

3,8

3,2

2,9

3,1

3,4

4,0

53

4,0

3,4

3,1

3,3

3,6

4,3

54

4,3

3,6

, 3,3

3,6

3,8

4,5

55

4,5

3,8

3,5

3,8

4,1

4,8

56

4,8

4,0

3,7

4,0

4,3

5,1

57

5,1

4,3

3,9

4,3

4,6

5,4

58

5,4

4,5

4,1

4,5

4,8

5,7

59

5,6

4,7

4,3

4,7

5,1

6,0

60

5,9

4,9

4,5

4,9

5,3

6,3

61

6,1

5,1

4,7

5,1

5,6

6,5

62

6,4

5,3

4,9

5,3

5,8

6,8

63

6,6

5,5

5,1

5,5

6,0

7,0

64

6,9

5,7

5,3

5,7

6,2

7,3

65

7,1

5,9

5,5

5,9

6,4

7,5

66

7,3

6,1

5,6

6,1

6,6

7,7

67

7,5

6,3

5,8

6,3

6,8

8,0

68

7,7

6,5

6,0

6,5

7,0

8,2

69

8,0

6,7

6,1

6,6

7,2

8,4

70

8,2

6,9

6,3

6,8

7,4

8,6

71

8,4

7,0

6,5

7,0

7,6

8,9

72

8,6

7,2

6,6

7,2

7,7

9,1

73

8,8

7,4

6,8

7,3

7,9

9,3

74

9,0

7,5

6,9

7,5

8,1

9,5

75

9,1

7,7

7,1

7,6

8,3

9,7

76

9,3

7,8

7,2

7,8

8,4

9,9

77

9,5

8,0

7,4

7,9

8,6

10,1

78

9,7

8,2

7,5

8,1

8,7

10,3

79

9,9

8,3

7,7

8,2

8,9

10,4

80

10,1

8,5

7,8

8,4

9,1

10,6

81

10,3

8,7

8,0

8,5

9,2

10,8

82

10,5

8,8

8,1

8,7

9,4

11,0

83

10,7

9,0

8,3

8,9

9,6

11,3

84

11,0

9,2

8,5

9,1

9,8

11,5

85

11,2

9,4

8,7

9,3

10,0

11,7

86

11,5

9,7

8,9

9,6

10,4

12,2

87

11,9

10,0

9,2

9,8

10,6

12,4

88

12,1

10,2

9,4

10,0

10,8

12,6

89

12,4

10,4

9,6

10,2

11,0

12,9

90

12,6

10,6

9,8

10,4

11,2

13,1

91

12,9

10,9

10,0

10,6

11,4

13,4

92

13,1

11,1

10,2

10,8

11,6

13,6

93

13,4

11,3

10,4

11,0

11,8

13,8

94

13,6

11,5

10,6

11,1

12,0

14,1

95

13,9

11,7

10,8

11,3

12,2

14,3

96

14,1

11,9

10,9

11,5

12,4

14,6

97

14,4

12,1

11,1

11,7

12,6

14,8

98

14,7

12,3

11,3

11,9

12,9

15,1

99

14,9

12,5

11,5

12,1

13,1

15,4

100

15,2

12,8

11,7

12,3

13,3

15,6

101

15,5

13,0

12,0

12,5

13,6

15,9

102

15,8

13,3

12,2

12,8

13,8

16,2

103

16,1

13,5

12,4

13,0

14,0

16,5

104

16,4

13,8

12,6

13,2

14,3

16,8

105

16,8

14,0

12,9

13,4

14,5

17,2

106

17,1

14,3

13,1

13,7

14,8

17,5

107

17,5

14,6

13,4

13,9

15,1

17,8

108

17,8

14,9

13,7

14,1

15,3

18,2

109

18,2

15,2

13,9

14,4

15,6

18,5

110

18,6

15,5

14,2

14,6

15,9

18,9

111

19,0

15,8

14,5

14,9

16,2

19,2

112

19,4

16,2

14,8

 

 

PHỤ LỤC IV

KIỂM TRA CẢM GIÁC THÈM ĂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số …….. /QĐ-BYT ngày     tháng     năm      )

Cảm giác thèm ăn là triệu chứng quan trọng nhất để quyết định xem trẻ được nhận vào điều trị nội trú hay ngoại trú. Cảm giác thèm ăn được khám bằng cách cho trẻ ăn RUTF hoặc các chế phẩm dinh dưỡng tương đương được sử dụng để phục hồi dinh dưỡng cho trẻ.

Các bước thực hiện kiểm tra cảm giác thèm ăn:

1. Cảm giác thèm ăn cần được thực hiện ở một nơi riêng biệt và yên tĩnh.

2. Giải thích với mẹ/người chăm sóc trẻ về mục đích của việc kiểm tra và các tiến hành

3. Mẹ/người chăm sóc rửa tay sạch.

4. Mẹ/người chăm sóc ngồi thoải mái, đặt trẻ ngồi trên đùi và cho trẻ sử dụng RUTF từ túi hoặc dùng tay đút cho trẻ.

5. Mẹ/người chăm sóc cần cho trẻ ăn RUTF một cách từ tốn, liên tục khuyến khích trẻ. Nếu trẻ không chịu sử dụng RUTF, mẹ/người chăm sóc cần kiên nhẫn thuyết phục trẻ và dành nhiều thời gian hơn. Thông thường việc kiểm tra chiếm ít thời gian nhưng cũng có thể kéo dài đến 1h đồng hồ. Không được ép trẻ sử dụng RUTF. Cần cho trẻ uống nhiều nước khi trẻ sử dụng RUTF.

Kết quả của kiểm tra cảm giác thèm ăn:

- Có cảm giác thèm ăn: Một đứa trẻ ăn được ít nhất bằng số lượng RUTF ở cột mức vừa/tốt ghi trong Bảng dưới đây được cho là có/còn cảm giác thèm ăn.

- Không có cảm giác thèm ăn: Một đứa trẻ không ăn hết số lượng RUTF ít nhất ở mức trung bình ghi trong Bảng dưới đây cần phải được chuyển đến cơ sở điều trị nội trú.

Bảng số lượng RUTF tối thiểu trẻ cần sử dụng để qua được kiểm tra cảm giác thèm ăn

Trọng lượng cơ thể
(kg)

Túi RUTF

Dưới 4kg

1/8 đến 1/4

4 - 6,9

1/4 đến 1/3

7 - 9,9

1/3 đến 1/2

10 - 14,9

1/2 đến 3/4

15 - 29

3/4 đến 1

Trên 30

> 1

 

Lưu ý: Nếu người chăm sóc hoặc cán bộ y tế cho rằng trẻ không chịu sử dụng RUTF vì trẻ không thích vị của thực phẩm này hoặc sợ hãi, khi đó cũng cần phải chuyển trẻ vào cơ sở nội trú trong 1 thời gian ngắn. Trong trường họp đó, khi bắt đầu cho sử dụng F75, cố gắng thực hiện kiểm tra cảm giác thèm ăn trong điều kiện tốt hơn. Nếu thấy rằng trẻ thực sự có thể sử dụng được RUTF đủ để qua được việc kiểm tra này thì cần chuyển ngay trẻ đến cơ sở ngoại trú.

 

PHỤ LỤC V

Bảng tính liều sử dụng chế phẩm F-75 trong giai đoạn cấp cứu điều trị nội trú
(Ban hành kèm theo Quyết định số …….. /QĐ-BYT ngày     tháng     năm      )

Cân nặng (kg)

12 lần/ngày

8 lần/ngày

6 lần /ngày

5 lần/ngày

Số ml cho mỗi lần sử dụng*

Số ml cho mỗi lần sử dụng

Số ml cho mỗi lần sử dụng

Số ml cho mỗi lần sử dụng

2,0 đến <2,2 kg

25 ml 1 lần

40 ml 1 lần

50 ml 1 lần

65 ml 1 lần

2,2 -< 2,5

30

45

60

70

2,5 -< 2,8

33

50

65

75

2,8 -< 3,0

35

55

70

80

3,0 -< 3,5

38

60

75

85

3,5 -< 4,0

40

65

80

95

4,0 -< 4,5

43

70

85

110

4,5 -< 5,0

48

80

95

120

5,0 -< 5,5

55

90

110

130

5,5 -< 6,0

60

100

120

150

6,0 -< 7,0

70

110

140

175

7,0 -< 8,0

80

125

160

200

8,0 -< 9,0

90

140

180

225

9,0 -< 10,0

95

155

190

250

10,0 -< 11,0

100

170

200

275

11,0 -< 12,0

115

190

230

275

12,0 -< 13,0

125

205

250

300

13,0 -< 14,0

138

230

275

350

14,0 -< 15,0

145

250

290

375

15,0 -< 20,0

150

260

300

400

20,0 -< 25,0

160

290

320

450

25,0 -< 30,0

175

300

350

450

30,0 -< 40,0

185

320

370

500

 

* Mặc định cho hầu hết các trẻ là 8 lần/ngày. Những trẻ rất yếu có thể sử dụng thường xuyên hơn, 2 giờ một lần lúc đầu tiếp nhận.

** Trong một số hoàn cảnh (VD. Không có nhân viên trực đêm) cho sử dụng 8 lần/ngày (3 giờ/lần) có thể không thực hiện được: trong trường hợp này thay thế bằng một lựa chọn tối ưu nhất - mặc dù vậy mục đích vẫn là cung cấp cho trẻ những trẻ yếu nhiều bữa nhất

 

PHỤ LỤC VI

BẢNG TÍNH LIỀU SỬ DỤNG CHẾ PHẨM RUTF TRONG GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ TRONG 24H
(Ban hành kèm theo Quyết định số …….. /QĐ-BYT ngày     tháng     năm      )

Cân nặng

Trọng lượng (g)

Túi

Tổng số Kcal

3,0 đến <3,5

90

1,00

500

3,5 -< 4,0

100

1,00

550

4,0 -< 5,0

110

1,25

600

5,0 -< 6,0

130

1,50

700

6,0 -< 7,0

150

1,75

800

7,0 -< 8,0

180

2,00

1000

8,0 -< 9,0

200

2,00

1100

9,0 -< 10,0

220

2,50

1200

10,0 -< 12,0

250

3,00

1350

12,0 -< 15,0

300

3,50

1600

15,0 -< 25,0

370

4,00

2000

25,0 -< 40,0

450

5,00

2500

 

 

PHỤ LỤC VII

BẢNG TÍNH LIỀU SỬ DỤNG F-100 TRONG GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ
(Ban hành kèm theo Quyết định số …….. /QĐ-BYT ngày     tháng     năm      )

Cân nặng (kg)

8 lần 1 ngày

6 lần 1 ngày

5 lần 1 ngày

Dưới 3kg

Không cho sử dụng F100 nguyên mà phải pha loãng

3,0 đến <3,5 kg

60 ml 1 lần

75 ml 1 lần

85 ml 1 lần

3,5 -< 4,0

65

80

95

4,0 -< 4,5

70

85

110

4,5 -< 5,0

80

95

120

5,0 -< 5,5

90

110

130

5,5 -< 6,0

100

120

150

6,0 -< 7,0

110

140

175

7,0 -< 8,0

125

160

200

8,0 -< 9,0

140

180

225

9,0 -< 10,0

155

190

250

10,0 -< 11,0

170

200

275

11,0 -< 12,0

190

230

275

12,0 -< 13,0

205

250

300

13,0 -< 14,0

230

275

350

14,0 -< 15,0

250

290

375

15,0 -< 20,0

260

300

400

20,0 -< 25,0

290

320

450

25,0 -< 30,0

300

350

450

30,0 -< 40,0

320

370

500

 

Bảng tính trên là lượng chế phẩm F100 (nguyên) cần cho trẻ mắc bệnh SDD sử dụng trong giai đoạn chuyển tiếp nếu trẻ mắc bệnh SDD không sử dụng chế phẩm RUTF. Thường cho sử dụng khoảng 6 lần 1 ngày và không ăn vào ban đêm.

F100 pha loãng dùng cho trẻ dưới 3kg hoặc trẻ dưới 6 tháng tuổi: Lấy 100ml F100 đã pha, cộng thêm 35ml nước để được 135ml F100 pha loãng.

 

 

PHỤ LỤC VIII

CÁC THUỐC SỬ DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ TRẺ MẮC BỆNH SDD CẤP TÍNH NẶNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số …….. /QĐ-BYT ngày     tháng     năm      )

Tên thuốc

Khi nào

Đối tượng

Kê đơn

Liều lượng

AMOXICILLIN
(hoặc thuốc khác tương đương như co- trimoxazole)

Khi tiếp nhận

Tất cả trẻ bệnh

Theo hướng dẫn sử dụng thuốc

2 lần 1 ngày trong 7 ngày

THUỐC SỐT RÉT

Khi tiếp nhận ở vùng có sốt rét lưu hành

Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh sốt rét

(Bộ Y tế)

Theo hướng dẫn sử dụng thuốc

Liều đơn khi nhập viện

MEBENDAZOLE* *

Lần khám 2

<12 tháng

KHÔNG SỬ DỤNG

Không

12-23 tháng

250 mg

Liều đơn ở lần khám 2

>24 tháng

500 mg

TIÊM PHÒNG SỞI
(Nếu trẻ chưa được tiêm phòng)

Vào tuần thứ 4

từ 9 tháng

Tiêu chuẩn

Một lần

** MEBENDAZOLE: hoặc các thuốc tẩy giun khác theo hướng dẫn, như ALBENDAZOLE: 12-23 tháng 200mg, ≥24 tháng 400mg; cả hai loại đều có thể kê đơn lại sau 3 tháng nếu các triệu chứng của tái nhiễm xuất hiện. Trẻ 12-23 tháng chỉ dùng thuốc tẩy giun khi có chỉ định của bác sĩ.

 

 

 

PHỤ LỤC IX

BẢNG TÍNH LIỀU SỬ DỤNG RUTF - ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ
(Ban hành kèm theo Quyết định số …….. /QĐ-BYT ngày     tháng     năm      )

RUTF 92g/túi có chứa 500 kcal
(trung bình 170 kcal/kg/ngày)

Cân nặng (kg)

RUTF (gram)

RUTF (Túi)

Gram/1 ngày

Gram/1 tuần

Túi/1 ngày

Túi/1 tuần

3,0 đến < 3,5

105

750

1,25

8

3,5 -< 5,0

130

900

1,5

10

5,0 -< 7,0

200

1400

2

15

7,0 -< 10,0

260

1800

3

20

10,0 -< 15,0

400

2800

4

30

15,0 -< 20,0

450

3200

5

35

20,0 -< 30,0

500

3500

6

40

30,0 -< 40,0

650

4500

7

50

 

 

PHỤ LỤC X

CÁC THÔNG ĐIỆP CHO NGƯỜI CHĂM SÓC
(Ban hành kèm theo Quyết định số …….. /QĐ-BYT ngày     tháng     năm      )

▪ RUTF là chế phẩm dinh dưỡng điều trị chỉ dành cho trẻ em gầy yếu. Không được chia sẻ cho những người khác.

▪ Trẻ ốm thường không thích ăn. Cho trẻ sử dụng chế phẩm RUTF từng bữa nhỏ và khuyến khích trẻ ăn thường xuyên. Trẻ của anh/chị cần được ăn….. túi 1 ngày.

▪ RUTF là chế phẩm dinh dưỡng điều trị duy nhất mà trẻ ốm/gầy yếu cần để hồi phục trong thời gian trẻ được chăm sóc ngoại trú. Chỉ cho trẻ sử dụng chế phẩm RUTF và bú mẹ.

▪ Đối với những trẻ nhỏ, tiếp tục cho trẻ bú thường xuyên.

▪ Luôn luôn cho trẻ uống nhiều nước chín hoặc sữa mẹ khi trẻ sử dụng chế phẩm RUTF.

▪ Rửa tay cho trẻ bàng xà phòng trước khi ăn.

▪ Giữ thức ăn sạch và đậy kín.

▪ Trẻ ốm dễ bị lạnh. Luôn luôn giữ trẻ được che phủ và ấm

▪ Khi trẻ bị tiêu chảy, không bao giờ dừng việc cho ăn. Tiếp tục cho trẻ bú. Cho trẻ ăn thêm và uống thêm nước sạch

o Rửa tay sạch trước khi ăn (cả trẻ và người chăm sóc).

o Sử dụng thường xuyên với một lượng nhỏ RUTF, uống thêm nước để đảm bảo đủ nước.

o Cần sử dụng hết liều lượng của chế phẩm RUTF quy định hàng ngày trước khi ăn các thực phẩm khác

o Tiếp tục cho bú nếu trẻ còn bú mẹ (sử dụng chế phẩm RUTF sau khi bú mẹ để đảm bảo kích thích tiết sữa)

o Nhấn mạnh vai trò của chế phẩm RUTF là vô cùng quan trọng để trẻ hồi phục và không được chia sẻ với các trẻ khác hoặc thành viên trong gia đình.

o Chú ý không trộn chế phẩm RUTF với bất cứ loại dung dịch nào vì điều này có thể làm lây nhiễm vi khuẩn và gây bệnh cho trẻ.

Lưu ý:

Cần luôn luôn yêu cầu người chăm sóc nhắc lại để đảm bảo thông điệp được hiểu đúng. Các thông điệp chính cần được bổ sung với các chi tiết và các thông điệp khác nếu có thời gian.

Khi trẻ gần ở lần cuối của đợt điều trị ngoại trú, những thực phẩm khác (thực phẩm bổ sung, thực phẩm địa phương) cần bắt đầu được cho trẻ ăn thêm cùng với RUTF.

 

PHỤ LỤC XI

CÁC CHẾ PHẨM DINH DƯỠNG ĐIỀU TRỊ CHO TRẺ MẮC BỆNH SDD CẤP TÍNH
 (Ban hành kèm theo Quyết định số …….. /QĐ-BYT ngày     tháng     năm      )

Cho trẻ sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý và điều trị bệnh SDD cấp tính nặng. Tuy nhiên, trẻ suy dinh dưỡng có những đặc điểm đặc thù về tình trạng sinh lý. Trẻ có thể giảm chức năng miễn dịch, tiếp tục suy dinh dưỡng nặng hoặc thậm chí tử vong nếu được cho ăn những thực phẩm không phù hợp. Do đó, trẻ cần được điều trị bằng những chế phẩm được thiết kế đặc biệt theo từng giai đoạn điều trị, đồng thời chế độ sử dụng các chế phẩm điều trị phải rất thận trọng và được giám sát kỹ để đảm bảo liều lượng, cách thức cho sử dụng theo chỉ dẫn.

1. Chế phẩm dinh dưỡng điều trị trong bệnh viện

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã khuyến cáo 2 chế phẩm dinh dưỡng điều trị là F-75 và F-100 trong điều trị trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng[1]. Trong đó F-75 được sử dụng trong giai đoạn điều trị cấp cứu và F-100 được sử dụng trong giai đoạn điều trị phục hồi.

Yêu cầu về F-75

F-75 là chế phẩm dinh dưỡng điều trị trong giai đoạn cấp cứu (starter formula)[2]. F-75 được thiết kế đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của trẻ mà không làm cơ thể quá tải trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị. F-75 có chứa 75 kcal và 0,9g protein/100ml dịch. Với hàm lượng protein và natri thấp và chứa hàm lượng carbohydrate cao, công thức dễ dàng được trẻ tiếp nhận và cung cấp được phần lớn lượng glucose cần thiết cho trẻ. Sử dụng F-75 có thể ngăn chặn được nguy cơ tử vong ở trẻ mắc bệnh SDD nặng.

Thành phần của chế phẩm điều trị F-75 (100ml)

Thành phần

Số lượng

Năng lượng

Protein

Lactose

Kali

Natri

Magie

Kẽm

Đồng

% năng lượng từ:

Protein

Chất béo

Nồng độ thẩm thấu

75 kcal (315 kJ)

0,9g

1,3g

3,6mmol

0,6mmol

0,43mmol

2,0mg

0,25mg

 

5%

32%

333mOsmol/l

 

Yêu cầu về F-100

Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, trẻ bắt đầu cảm thấy đói và có biểu hiện thèm ăn trở lại. Yêu cầu của chế phẩm dinh dưỡng điều trị trong giai đoạn này là có thể giúp trẻ tái xây dựng lại các mô đã bị mất đi, giúp trẻ bắt kịp tốc độ tăng trưởng. F-100 được thiết kế để trẻ có thể bắt kịp tốc độ tăng trưởng (catch-up formula), cho phép tái xây dựng những mô đã bị mất đi. F-100 chứa năng lượng và hàm lượng protein cao hơn: 100 kcal và 2,9g protein trong 100 ml dịch.

Thành phần dinh dưỡng của chế phẩm điều trị F-100

Thành phần

Số lượng

Năng lượng

Protein

Lactose

Kali

Natri

Magie

Kẽm

Đồng

% năng lượng từ:

Protein

Chất béo

Nồng độ thẩm thấu

100 kcal (420 kJ)

2,9 g

4,2g

5,9mmol

1,9mmol

0,73mmol

2,3mg

0,25mg

 

12%

53%

419mOsmol/l

 

2. Chế phẩm dinh dưỡng điều trị tại cộng đồng

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã khuyến cáo sử dụng Chế phẩm điều trị ăn liền (RUTF) trong điều trị trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt là tại cộng đồng[3]

Yêu cầu đối với chế phẩm dinh dưỡng điều trị cho trẻ mắc bệnh SDD cấp tính nặng trên cộng đồng:

Trẻ mắc bệnh SDD nặng cần được sử dụng những chế phẩm phù hợp với khẩu vị trẻ, với năng lượng và protein cao và đủ hàm lượng vitamin, khoáng chất để giúp trẻ có thể tái xây dựng lại các mô đã bị mất đi và tiếp tục bắt kịp tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn điều trị phục hồi. Ngoài ra, chế phẩm dinh dưỡng điều trị trên cộng đồng cần đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ dàng trong việc kê liều lượng sử dụng, giảm thiểu việc giám sát.

RUTF là chế phẩm điều trị ăn liền có đậm độ năng lượng và protein cao, được bổ sung vitamin, khoáng chất, đặc biệt được thiết kế cho Trẻ mắc bệnh SDD nặng cấp, được phát triển từ năm 1998. Chế phẩm có giá trị dinh dưỡng tương đương với công thức F- 100.

Giá trị dinh dưỡng trong 100g RUTF

Độ ẩm

≤2,5%

Vitamin A

0.8-1,1 mg

Năng lượng

520-550 Kcal

Vitamin D

15-20 µg

Proteins

10%-12%NL

Vitamin E

≥ 20 mg

Chất béo

45%-60% NL

Vitamin K

15-30 µg

Natri

≤290 mg

Vitamin B1

≥ 0,5 mg

Kali

≤290 mg/100

Vitamin B2

≥ 1.6 mg

Canxi

300-600 mg

Vitamin C

≥ 50 mg

Phốt pho

300-600 mg

Vitamin B6

≥ 0.6 mg

Magiê

80-140 mg

Vitamin B12

≥ 1.6 µg

Sắt

10-14 mg

Axit folic

≥ 200 µg

Kẽm

11-14 mg

Niacin

≥ 5 mg

Đồng

1.4-1.8 mg

Axit Pantothenic

≥ 3 mg

Selen

20-40 µg

Biotin

≥ 60 µg

I ốt

70-140 µg

Omega 6

Omega 3

3%-10% NL

0,3%-2,5% NL

 

(Lưu ý: RUTF có chứa sắt mặc dù F-100 thì không chứa; Ít nhất một nửa lượng protein trong thực phẩm nên có nguồn gốc từ sản phẩm sữa; NL: Năng lượng)

Chế phẩm dinh dưỡng điều trị RUTF được phát triển ở dạng sệt hoặc dạng bánh ép có đậm độ năng lượng cao, và gần như không chứa nước. Điều này đồng nghĩa với việc vi khuẩn rất khó để phát triển bên trong sản phẩm. Vì vậy, chế phẩm này có thể được sử dụng một cách an toàn tại nhà mà không cần bảo quản tủ lạnh và thậm chí có thể sử dụng ở những vùng mà điều kiện vệ sinh chưa tốt. Ngoài ra, RUTF được sử dụng mà không cần chuẩn bị nấu nướng, do đó không phá hủy các vitamin, khoáng chất trong quá trình chế biến cũng như giảm thiểu được thời gian chuẩn bị và cũng đặc biệt phù hợp trong những điều kiện mà phương tiện chế biến và nhiên liệu bị hạn chế.

 

MỘT SỐ KHÁI NIỆM VÀ TỪ VIẾT TẮT

CN/CC

Chỉ số cân nặng theo chiều cao (hoặc chiều dài)

F75

Chế phẩm dinh dưỡng điều trị cung cấp 75Kcal/100ml

F100

Chế phẩm dinh dưỡng điều trị cung cấp 100Kcal/100ml

IMCI

Intergrated Management of Childhood Illness - Hoạt động lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh

MUAC

Middle Upper Arm Circumference - Chu vi vòng cánh tay

SDD

Suy dinh dưỡng

ReSoMal

Dung dịch bù nước và điện giải dành cho trẻ mắc bệnh SDD cấp tính

RUTF

Ready-to-use Therapeutic Food - Chế phẩm dinh dưỡng điều trị ăn liền dành cho đối tượng mắc bệnh SDD nặng

RUSF

Ready-to-use Supplementary Food - Chế phẩm dinh dưỡng bổ sung ăn liền dành cho đối tượng mắc bệnh SDD vừa

 

 

 

 

[1] WHO, 1999. Management of Severe Malnutrition: A Manual for Physicians and Other Senior Health Workers, Geneva, 1999

[2] WHO, Principles of Care, 2002. Training course on the management of severe malnutrition-Principles of Care, 2002

[3] WHO, WFP, SCN and UNICEF, 2007.Community-based management of severe acute malnutrition: A Joint Statement by the World Health Organization, the World Food Programme, the United Nations Standing Committee on Nutrition and the United Nations Children's Fund. Geneva, 2007

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE MINISTRY OF HEALTH
-------

No. 4487/QD-BYT

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Hanoi, August 18, 2016

 

DECISION

ON THE PROMULGATION OF THE GUIDELINE FOR DIAGNOSIS AND TREATMENT OF ACUTE MALNUTRITION IN CHILDREN WHO ARE 0-72 MONTHS OF AGE

__________

THE MINISTER OF HEALTH

 

Pursuant to Government’s Decree No. 63/2012/ND-CP dated August 31, 2012, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Health;

At the request of the Director of the Medical Services Administration under the Ministry of Health,

 

DECIDES:

 

Article 1. To promulgate together with this Decision the Guideline for diagnosis and treatment of acute malnutrition in children who are 0-72 months of age.

Article 2. The Guideline for diagnosis and treatment of acute malnutrition in children who are 0-72 months of age, promulgated together with this Decision, shall be applicable at health-care facilities.

Based on this Guideline and specific conditions of each facility, the director of the health-care facility shall develop and issue the Guideline for the diagnosis and treatment of acute malnutrition in children who are 0-72 months of age, which is suitable for implementation at such facility.

Article 3. This Decision takes effect from the date of signing for promulgation.

Article 4. Chief of the Ministry’s Office, Director of the Medical Services Administration, Chief Inspector of the Ministry, Directors of Departments/Agencies under the Ministry of Health; directors of health-care facilities under the Ministry of Health; Directors of Health Departments of provinces and centrally-run cities; leaders in charge of health of ministries and sectors; and heads of other relevant units shall be responsible for the implementation of this Decision./.

 

FOR THE MINISTER
THE DEPUTY MINISTER

 


Nguyen Viet Tien

 

GUIDELINE

DIAGNOSIS AND TREATMENT OF ACUTE MALNUTRITION IN CHILDREN WHO ARE 0-72 MONTHS OF AGE
(Promulgated together with Decision No. 4487/QD-BYT dated August 18, 2016)

 

I. Acknowledgement

Acute malnutrition (AM) is a medical condition in which the body does not have sufficient energy and protein intake compared to its needs due to deficiencies or diseases, causing rapid weight loss (severe thinness) or oedema in children.

The mortality risk of children with severe acute malnutrition is 5 to 20 times higher than that of normal children and may be a direct cause of death in children or may play an indirect role in rapidly increasing mortality risk in children with common illnesses, such as diarrhea and pneumonia.

This guideline applies to children who are 0-72 months of age.

II. Diagnostic criteria for acute malnutrition

Children who have 1 out of 2 anthropometric indicators, namely mid-upper arm circumference (MUAC) or weight-for-height (W/H), lower than the limits, shall be identified as having acute malnutrition.

1. Children with moderate acute malnutrition have the following symptoms:

- Anthropometric indicators

+ Mid-upper arm circumference: MUAC of between >115mm and 125mm (The diagnostic criteria based on MUAC only apply to children who are 6-59 months of age); or

+ Weight for height/length: W/H of between >-3 standard deviations (SD) and -2SD

- Clinical symptoms are often subtle and unnoticeable.

2. Children with severe acute malnutrition have the following symptoms:

- Anthropometric indicators

+ Mid-upper arm circumference: MUAC ≤ 115mm; or

+ Weight for height/length: W/H ≤ -3SD.

- Clinical symptoms: depending on the symptoms, one of the following may be encountered:

+ Kwashiorkor (edematous malnutrition)

- Nutritional oedema: Oedema begins in the lower extremities, then spread on the whole body. It is bilateral pitting oedema. Nutritional oedema is considered the diagnostic criterion for complicated acute malnutrition. It should be differentiated from oedema due to other causes (heart or renal failure...).

- The mid-upper arm circumference and weight-for-height may be normal.

- It usually occurs with digestive disorders or pneumonia.

- Skin pigmentation disorders: Red nodules appear in the groin, extremities, buttocks and around the anus of children. These nodules become red and dark patches and then peel off, leaving thin skin that is susceptible to infection, making the children’s skin become patchy.

- Malnutrition also manifests in other tissues and organs such as: osteoporosis due to calcium deficiency or vitamin A deficiency, or enlarged liver due to fatty degeneration, or heart failure due to protein deficiency.

- Subclinical symptoms: Hemoglobin decreased. Hematocrit decreased, blood protein decreased, pre-albumin decreased, sodium and potassium decreased. Blood sugar level decreased; Albumin/Globulin ratio reversed. White Head Index: non-essential amino acids/essential amino acids sharply increased (normally 0.8-2).

+ Marasmus (deficiency in calorie intake)

- Children lose all the subcutaneous fat on the face, buttocks and upper extremities, so they are very thin and emaciated with sunken eyes, dry skin and wrinkles like an old man.

- Children have symptoms of milder deficiencies of vitamin A, D, K, B1, B12...

- Children may lose their appetite.

- Subclinical symptoms: Hemoglobin decreased, Hematocrit decreased, blood protein decreased, pre-albumin decreased, blood sugar and electrolyte level changed.

+ Combined malnutrition: Children with clinical and subclinical symptoms of both types.

III. Guidelines for the treatment of acute malnutrition:

1. Classification of acute malnutrition

Based on the clinical conditions and anthropometric indicators of the children, they are:

- Inpatient treatment

- Outpatient treatment

- Maintenance/prophylactic treatment

Types of treatment shall be inter-changed or transferred to each other depending on the occurrence of complications as well as the severity of acute malnutrition (Figure 1). According to it, pediatric patients with acute malnutrition with complications shall be treated as inpatients at hospitals until the complications disappear (usually within 1 week), then will be transferred to the primary health-care facilities for continued outpatient treatment. When the criteria for discharge from outpatient treatment are met (usually after 6 to 10 weeks), the patients will be transferred to maintenance/prophylactic treatment for 2 to 4 months (see “Therapeutic procedures for acute malnutrition in children” in Appendix I).

 

 
 

Figure 1- Classification of treatment for acute malnutrition

* Integrated Management of Childhood Illness (IMCI) danger signs include: unable to drink or breastfeed; vomits everything; lethargic or unconscious; has had convulsions; stridor; chest indrawing pneumonia; severe dehydration; severe anemia.

** The MUAC-based diagnostic criteria only apply to children who are 6-59 months of age.

- Instructions on how to measure mid-upper arm circumference (MUAC) are provided in Appendix II

- The table of weight for height/length is provided in Appendix III

- For children who are less than 6 months of age, see “Inpatient treatment” section.

2. Sub-clinical tests:

- Routine screenings: complete blood count, electrolytes, liver and kidney function tests, protein/albumin/blood sugar, serum iron, ferritin and calcium tests.

- Tests to monitor and predict the disease: pre-albumin test, albumin/globulin ratio, White Head index: non-essential amino acids/essential amino acids.

- Diagnostic tests and tests of treatments carried out upon professional requests.

3. Treatment:

3.1. Inpatient treatment:

Inpatient treatment is for patients with acute malnutrition having complications or being worsen or failing to respond to outpatient treatment. Inpatient treatment is divided into 2 phases:

● Stabilization phase for children with acute conditions and severe injuries.

● Transition phase before transferring the patients to outpatient treatment.

Inpatient treatment is carried out in hospitals.

Persons responsible for such treatment are medical doctors.

Persons in charge of using and monitoring the use of nutritional products on children with malnutrition are nurses.

3.1.1. Admission criteria

Table 1 - Admission criteria for inpatient treatment

Classification

Criteria

New admission

▪ Severe or moderate acute malnutrition (as defined above) AND

▪ Present with one of the following signs:

- Vomit.

- Be lethargic or unconscious.

- Have had convulsions.

- Stridor.

- Chest indrawing pneumonia.

- Severe dehydration.

- Severe anemia.

- Have no appetite (Fail the appetite test as prescribed in Appendix IV).

- Nutritional oedema.

Special circumstances

▪ Children who are less than 6 months of age with acute malnutrition.

▪ Eligible for outpatient treatment, but their caregivers decline such treatment

Referral from an outpatient facility

Worse conditions. For examples:

▪ No appetite

▪ Weight loss after 3 consecutive visits (3 consecutive weeks)

▪ No weight gain within 4 weeks

▪ Not responding to treatment

▪ Clinical complications appear

- Health condition worsens

- Have nutritional edema

 

3.1.2. Requirements for treatment

Organizational and operational factors that play an important role in determining the outcome of treatment for children with acute malnutrition include:

- Appropriately arranged environment: there is an isolation area for cases with high risk of infection, and clean toilets; room temperature is warm enough (28 - 32°C, no drafts).

- Clean area for preparation of therapeutic milk.

- Adequate equipment (scales; height/recumbent length measurers; mid-upper arm circumference measurers, milk and ReSoMal preparation tools) which are maintained and regularly checked/calibrated.

Clinical assessments must be done carefully, frequently and repeatedly to ensure that all health problems are detected and treated promptly.

- Maintaining records of children with malnutrition and identifying risk-of-mortality factors, including:

+ Unconsciousness (exhaustion/coma).

+ Convulsions.

+ Bradycardia.

+ Signs of shock with/without dehydration.

+ Hypoglycemia (< 3 mmol/l).

+ Hypothermia.

3.1.3. Treatment

* Stabilization phase

Common complications during this phase are: hypoglycemia, hypothermia, electrolyte disorders, infections, micronutrient deficiencies.

The purpose of this phase is to stabilize complications and initiate the use of appropriate treatment products.

It includes the following steps:

- Treatment/prophylaxis of hypoglycemia

- Treatment/prophylaxis of hypothermia

- Treatment/prophylaxis of dehydration

- Balance of electrolytes

- Treatment/prophylaxis of sepsis

- Treatment of micronutrient deficiencies

- Start giving therapeutic products with right doses.

Step 1: Treatment/prophylaxis of hypoglycemia

Treat hypoglycemia if it is present. Be careful when using intravenous sugar solutions.

Step 2: Treatment/prophylaxis of hypothermia

Make sure the child is warm (dressed in enough clothes, wrapped in a warm blanket or heater, or warmed by skin-to-skin contact between the child and the mother). Prevent the child from getting wet. Use the nutritional products immediately (see Step 7).

Step 3: Treatment/prophylaxis of dehydration

It is often difficult to assess dehydration in children with severe malnutrition. The use of intravenous fluid therapy shall be limited unless the child suffers shock, electrolyte disorder or hypoglycemia so that he/she cannot drink.

- WHO’s oral rehydration solutions (ORS) with a high concentration of sodium and low potassium is not suitable for children with acute malnutrition, so ReSoMal should be used instead.

Table 2. Composition of ReSoMal (WHO 1999)

Component

Concentration (mmol/l)

Glucose

125

Sodium

45

Potassium

40

Chloride

70

Citrate

7

Magnesium

3

Zinc

0.3

Copper

0.045

Osmolarity

300

 

If ReSoMal is not available, it can be mixed in the following way: 2 liters of water for 01 pack of ORS (standard ORS shall be mixed with 1 liter of water), added with 50g of sucrose and 45 ml of 10% potassium chloride (This preparation has 45 mmol of sodium and 40 mmol of potassium).

- Children should be rehydrated slowly, either orally or by nasogastric tube, with an amount of 5-10 mL/kg/h up to a maximum of 12 hours.

- Do not use ReSoMal in case of suspected cholera or watery diarrhea.

- How to give intravenous fluids to prevent shock in children with severe acute malnutrition:

When the child shows signs of shock, and is lethargic, unconscious or unable to drink, the preparation shall be given intravenously. One of the following preparations shall be used (chosen in order):

Ringer’s lactate solution with 5% dextrose; or half-normal 0.9% saline (NaCl) solution diluted with 5% dextrose; or half-strength Darrow’s solution with 5% dextrose or Ringer’s lactate. Dose: 15ml/kg/h. If there is no improvement: the diagnosis should be reconsidered because the child may have septic shock or other comorbidities.

Step 4: Adjusting electrolyte balance

F-75, F-100 or ready-to-use therapeutic food (RUTF) that contains sufficient potassium and magnesium.

If other nutritional products are used, they must be added with potassium (3-4mmol/kg/day) and magnesium (0.4-0.6 mmol/kg/day).

During the preparation of food, no salt shall be added, low-sodium oral rehydration solution (e.g. ReSoMal).

Step 5: Treatment/prophylaxis of sepsis

For children with severe acute malnutrition, common signs of infection such as fever are often found difficult to detect, so it is assumed that all children with severe acute malnutrition admitted to hospitals have infections and require appropriate antibiotic treatment.

Step 6: Treatment of micronutrient deficiencies

If children with severe acute malnutrition are treated with F-75, F-100, RUTF or equivalent therapeutic nutritional product that complies with WHO specifications (as specified in Appendix XI), the micronutrient deficiencies are resolved, so there is no need to add iron, vitamin A, zinc, folic acid, multi-micronutrients...

- Vitamin A

+ If the child has severe acute malnutrition and eye signs of vitamin A deficiency and/or recent measles (although the child is taking F-75, F-100, or RUTF): Provide high doses of Vitamin A (Children who are  0-6 months of age: 50,000 IU/time; Children who are 6-12 months of age: 100,000 IU/time; Children who are 1-6 years of age: 200,000 IU/time). The 1st dose shall be given on day 1, the 2nd dose on day 2, and 3rd dose on day 15 (or on the child's discharge day)

+ If the child is not taking F-75, F-100 or therapeutic nutritional product that complies with WHO specifications, the child shall take daily supplements of 5000 IU or be given a high dose of vitamin A (50,000 IU; 100,000 IU or 200,000 IU, depending on age) on admission.

- Zinc

All children with acute malnutrition who have diarrhea should be given additional zinc supplements immediately so as to reduce the duration and severity of illness as well as the risk of dehydration. If the child is taking F-75, F-100, or RUTF, zinc supplements shall not be given. Otherwise, zinc supplements shall be given within 10-14 days as follows:

Children who are less than 6 months of age: 10mg of zinc/day.

Children who are more than 6 months of age: 20mg of zinc/day.

- Other micronutrients: Daily supplementation within at least 2 weeks if no specific therapeutic nutritional products are taken

+ Folic acid: 1 mg/day (Providing 5mg only on the first day)

+ Multi-micronutrients: Copper 0.3 mg/kg/day; Iron 3 mg/kg/day at the onset of stabilization and weight gain.

Step 7: Start giving therapeutic nutritional products

Therapeutic nutritional products shall be given with caution, yet as soon as possible. The goal of this step is to provide enough energy and protein to maintain the body's basic physiological activities and stabilize complications, reducing the risk of death. Do not expect too much weight gain of the child in this step. The use of F-75 (specified in Appendix V) is recommended and used according to the following basic principles:

Table 3 - Therapeutic feeding approaches for children with acute malnutrition in the stabilization phase

- Therapeutic nutritional products containing protein, fat, lactose, vitamins/minerals with low-osmolarity shall be used (to avoid gastrointestinal, liver and renal overload)

- The total amount of therapeutic nutritional products shall be gradually increased to 100 kcal/kg/day (= 130ml/kg/day of F-75 solution)

- Start feeding based on the body's fluid need and gradually increase the amount.

- Give frequent, small feeds

- Reduce the amount (100mg/kg/day) if the child has severe oedema.

- Administer oral therapeutic nutritional products whenever possible; Administer nasogastric therapeutic nutritional products if necessary (e.g. if the child is vomiting or intolerant to oral therapeutic nutritional products; the child’s mouth is ulcerated and unable to swallow).

- Consider the intravenous nutritional therapy carefully (due to the risk of fluid overload/electrolyte imbalance).

- Encourage breastfeeding anytime possible: Breastfeed the child before giving the child therapeutic products but ensure that the child's nutritional needs are satisfied by stipulating the amount of therapeutic nutritional products to be used.

Feed therapeutic nutritional products 8 times a day (about every 3 hours) even at night, with priority given to children who cannot eat for many days and those who are seriously ill or vomit a lot or have bowel movements.

If nighttime therapeutic feeding is found difficult to conduct, it is sometimes acceptable to feed therapeutic nutritional products 6 times a day.

* Transition phase

The purpose of the transition phase is to effectively manage the transition from the stabilization phase to the rehabilitation phase with sharp increase in nutritional intake. Be especially careful if this phase is done too quickly, it can lead to diarrhea and refeeding syndrome, which less frequently occurs but can cause acute renal failure and even result in sudden death.

Children are ready to be changed from the stabilization phase to the transition phase when:

Table 4 - Criteria for transferring children with acute malnutrition to the transition phase

- Appetite returns: Use up the F-75 amount with ease

- Clinical status improves: There were no serious clinical problems such as vomiting, diarrhea, dehydration, nasogastric feeding, respiratory distress or any other complications requiring intravenous fluid therapy.

- Oedema is reducing: Nutritional oedema reduces as determined by physical examination and weight loss

Treatment during the transition phase depends on the child's response. It usually lasts from 2-3 days but can also be longer if the child is unwell. The therapeutic nutritional product used in this phase is RUTF (specified in Appendix VI) or F-100 (specified in Appendix VII). Gradually increase the volume by 10%/2 days until the child cannot use more, with an attempt to reach 100-135 kcal/kg/day. It is necessary to breastfeed the child before using therapeutic nutritional products.

- If RUFT is provided in the transition phase (following F-75 in the stabilization phase): there are two methods to change from F-75 to RUTF, as follows:

Method 1: Start feeding by giving RUTF as prescribed for the transition phase (100-135kcal/kg/day). Let the child drink water freely. If the child does not take the prescribed amount of RUTF, then top up the feed with F-75. Increase the amount of RUTF over 2-3 days until the child takes the full requirement of RUTF (150-220 kcal/kg/day, or 170kcal/kg/day on average). Do not give RUTF to children who are less than 6 months of age, or

Method 2: Give the child the prescribed amount of RUTF for the transition phase. Let the child drink water freely. If the child does not take at least half the prescribed amount of RUTF in the first 12 hours, then stop giving the RUTF and give F-75 again. Retry the same approach after another 1-2 days until the child takes the appropriate amount of RUTF to meet energy needs.

- If F-100 (or equivalent products) is provided in the transition phase:

+ When the child is ready for the transition, replace F-75 with an equal volume of F-100 over at least 2 days. If it sees good progress, gradually increase the volume of F-100 to the full requirement (150-220 kcal/kg/day, or 170kcal/kg/day on average).

+ When the child is gaining weight rapidly with F-100, change to RUTF and see if the child can take the prescribed amount before transferring the child to outpatient treatment.

- Children who are transferred from outpatient care to inpatient care because of recent weight loss or failure to gain weight without serious medical complications can be immediately given RUTF if they have an appetite. Otherwise, the child must begin the stabilization phase with F-75.

- Children do not need to achieve the target weight (W/H = -2SD) while still in inpatient treatment. Nutritional and clinical rehabilitation can continue in outpatient settings. To ensure success, before transferring the child to outpatient treatment, the child’s use of therapeutic nutritional products should be monitored within at least 24 hours to ensure that the child does not have complications.

- Problems encountered during the transition phase:

+ If the child shows danger signs (Table 1), restart the stabilization phase, administer F-75 and provide necessary medical care.

+ If the child cannot take RUTF within 4-5 days, change to F-100 but continue to give RUTF to the child. If RUTF is not available or the child does not like to take RUTF, F-100 may be used instead because of their similar nutritional value.

For infants who are less than 6 months of age with acute malnutrition

- All infants who are less than 6 months of age with acute malnutrition shall be admitted to inpatient care

- The mothers or female caregivers should be supported to breastfeed the infants. If an infant is not breastfed, support should be given to the mother or female caregiver to re-lactate. If this is not possible, wet nursing should be encouraged;

- Infants who are less than 6 months of age should also be provided a supplementary feed:

o Infants who are less than 6 months of age should not be given the following feeds during treatment (in a priority order, use one kind of feed on combine it with breast milk): expressed breast milk, generic infant formula; or diluted F-100 or F-75 (specified in Appendix VII). Infants who are less than 6 months of age should not be given undiluted F-100 at any time (owing to the high renal solute load and risk of hypernatraemic dehydration);

o Infants who are less than 6 months of age with any pitting oedema should be given generic infant formula or F-75 (together with breastfeeding).

3.1.4. Criteria for discharge/referral

Table 5 - Criteria for discharge/referral from inpatient treatment

Classification

Criteria

Treatment approaches

Complications are resolving

▪ Be clinically well: be alerts; show no danger signs, such as hypoglycemia, hypothermia, electrolyte disorders, bacterial infection, micronutrient deficiencies; no serious health problems that require inpatient care/screening

AND

▪ No pitting oedema.

Transfer to outpatient treatment or referral to a lower-level treatment facility.

Not responding to treatment

▪ No improvement in appetite or oedema after 4 days of treatment.

▪ Oedema persists or does not progress to phase 2 after 10 days of treatment.

▪ Do not gain more than 5g/kg/day during the transition phase.

Referral to an upper-level treatment facility (if any) or transfer to specialist treatment

 

3.2. Outpatient treatment:

Outpatient treatment provides home treatment and rehabilitation for children who have acute malnutrition without complications. Outpatient treatment should be provided every week.

Outpatient treatment is performed mainly at the primary care level. On a case-by-case basis, outpatient treatment may be performed at another health-care facility suitable to the malnourished child's conditions.

Persons responsible for such treatment is medical doctors or physicians.

3.2.1. Criteria for admission

Table 6 - Admission criteria for outpatient treatment of children with acute malnutrition

Classification

Criteria

New admission

▪ MUAC < 115mm * OR W/H < -3SD

AND

▪ The child is clinically well and alert (no IMCI danger signs)

▪ Have appetite

▪ No pitting oedema

Other admissions

▪ Special circumstances, e.g. twins**

▪ Their caregivers decline admission for inpatient treatment despite advice

Referral from an inpatient facility

▪ Children with severe and moderate acute malnutrition with complications who have been provided stabilization treatment at an inpatient facility.

Referral from an outpatient facility

▪ Children with malnutrition who have been transferred to another outpatient facility but have not completed their treatment.

* The MUAC-based diagnostic criteria only apply to children who are 6-59 months of age.

** If one of the twins has severe acute malnutrition, only such infant can be registered and receive outpatient treatment. The non-AM infant of the twins should receive a serving of RUTF, not medications. Such double servings should be recorded on the outpatient records of the malnourished infant.

 

3.2. Treatment

- Other medications shall be supplemented depending on comorbidities of the children in accordance with other diagnostic and treatment guidelines.

- Use of antibiotics in the management of children with acute malnutrition in outpatient care (specified in Appendix VIII).

- Provide RUTF with a volume of 170 kcal/kg/day for nutritional rehabilitation.

+ Calculate the adequate amount of RUTF for the caregivers. The amount of RUTF is calculated based on the weight of the children and the time until the next use (specified in Appendix IX).

+ Advise the caregivers on RUFT nutritional therapy during the treatment of acute malnutrition (Appendix X).

- If the child is transferred from the inpatient treatment facility, evaluate the health status, health record and used medications to have appropriate treatment.

- Guide and counsel those directly caring for the children on medication management, the importance of adherence to treatment regimens, nutrition and home care. People who have infectious diseases should not be allowed to care for the children.

- Monitoring: Health workers at any health-care facility should collect and record the following information in the logbook and outpatient monitoring sheet during each visit:

+ Measuring weight and MUAC during every visit

+ Measuring weight/length on admission; on a monthly basis; and at the end of outpatient treatment (e.g. when the W/H reaches the prescribed deviations)

+ Recording medical history (in order to detect other diseases compared to the previous visit)

+ Conducting physical examination

+ Conducting appetite test with RUTF.

+ Determining the appropriate amount of RUFT and record it in the sheet of therapeutic nutritional products. Providing counselling and education on nutrition.

+ Asking caregivers to adhere to medications.

- Malnourished children need special attention if they present with one of the following signs/symptoms:

+ Weight loss after 2 consecutive visits (2 consecutive weeks).

+ No improvement of weight and health status after 3 weeks (same weight or poor weight gain).

+ The children not complying with treatment.

+ The children being transferred from inpatient treatment.

Children should be examined or visited at home to find out the causes in order to have appropriate treatment.

3.2.3. Criteria for discharge/referral

Table 7 - Criteria for discharge/referral from outpatient treatment

Classification

Criteria

Treatment approaches

Recovered

▪ W/H ≥ -2SD OR MUAC ≥ 125 mm after 2 consecutive visits.

AND

▪ Clinical status improves with no nutritional oedema.

Transfer to maintenance/prophylactic treatment

Referral

The conditions worsen and require inpatient care, if:

▪ Have no appetite

▪ Worse health status.

▪ Present with bilateral pitting oedema.

▪ Weight loss after 3 consecutive visits (3 consecutive weeks).

▪ No weight gain within 4 consecutive weeks.

▪ Target weight* not achieved after 3 months of treatment (no response).

Transfer to inpatient treatment.

 

* Target weight is the weight when the W/H = -2SD

3.3. Maintenance/prophylactic treatment:

Maintenance/prophylactic treatment shall be applied to children with moderate, uncomplicated acute malnutrition or children with severe acute malnutrition after being discharged from outpatient care but requiring continued care. Replenish energy and nutrients that may be deficient in children's diets by teaching them to take ready-to-use supplementary food (RUSF) or nutritious foods at home within 2-4 months to gain the weight and health status that they are eligible for discharge from maintenance/prophylactic treatment.

Maintenance/prophylaxis treatment is mainly done at the primary health care level. The person responsible for treatment is a doctor or a physician.

3.3.1. Criteria for admission

Table 8 - Admission criteria for maintenance/prophylactic treatment

▪ Mid-upper arm circumference (MUAC) of between 115 an 125mm*

OR

▪ W/H ≥ -3 SD and <-2SD

▪ Be clinically well (No IMCI danger signs, be alert and have appetite).

Cases of referral:

▪ All children with acute malnutrition after outpatient treatment should require continued monitoring and nutritional care in maintenance/prophylactic treatment.

▪ Transferred from other maintenance/prophylactic treatment programs

* The MUAC-based diagnostic criteria only apply to children who are 6-59 months of age.

3.3.2. Treatment

Admission for such treatment is an opportunity for children to access other common medical care, such as vaccinations, vitamin A intake, and deworming.

It includes:

- Monthly weight measurement

- Length/height measurement every 3 months

- Adherence to instructions on therapeutic nutritional products.

- Counseling on health and nutrition for caregivers, especially on optimal infant and young child feeding, prevention and treatment of common diseases (diarrhea, acute respiratory infection), and nutrition for ill children.

- Monthly check-ups to provide therapeutic nutritional products and nutritional counselling

- Continued use of therapeutic nutritional products until the child's W/H exceeds -2SD and remains the same within the next 2 months.

3.2.3. Criteria for referral/end of treatment

Table 9 - Criteria for referral/end of treatment

Classification

Criteria

Treatment approaches

Recovered

▪ MUAC ≥ 125 mm OR W/H ≥ -2 SD after 2 consecutive visits

If the child is transferred from an inpatient or outpatient facility, the child should receive maintenance treatment within a minimum of 4 months.

End of treatment

Not responding to treatment

▪ MUAC <115 mm OR W/H < -3SD

(e.g. worsening to severe acute malnutrition without complications)

▪ Weight loss after 2 consecutive visits

▪ No response: Do not meet the criteria after 4 months

In all of these cases, the outpatient settings should include physical examinations to determine the cause of the worsening conditions.

Transfer to outpatient treatment

 

IV. Prevention

Education and communication shall be promoted to improve nutritional care practices regarding mothers and children, including:

- Nutritional counseling and care for pregnant women and lactating mothers.

- Recommended breastfeeding: Early breastfeeding in the first hour, exclusive breastfeeding for the first 6 months, breastfeeding on demand.

- Recommended supplementary feeding, starting at 6 months of age and continuing breastfeeding until 2 years of age or older.

- Nutritional care for children with diseases and growth retardation.

- Sufficient supplements of iron/folic acid and prevention of anemia for women and children.

- Prevention of vitamin A deficiency in women and children.

- Use of iodized salt/seasoning for all family members.

- Full vaccination as scheduled

 

 

APPENDIX I

THERAPEUTIC PROCEDURES FOR ACUTE MALNUTRITION IN CHILDREN WHO ARE 0-72 MONTHS OF AGE
(Promulgated together with Decision No. …/QD-BYT dated …. )


 

APPENDIX IV

APPETITE TEST
(Promulgated together with Decision No. …/QD-BYT dated …. )

Appetite is essential for a child to be admitted to whether inpatient or outpatient treatment. Appetite is tested by feeding the child RUTF or equivalent nutritional products used to restore the child's nutrition.

Steps to perform an appetite test:

1. Appetite test should be performed in a separate and quiet place.

2. Explain to the child’s mother/caregiver the purpose of the test and procedures thereof

3. Ask the mother/caregiver to wash her hands.

4. The mother/caregiver sits comfortably, puts the baby on her lap, and give the child a packet of RUTF to eat or hand-feed the child.

5. The mother/caregiver should feed the child RUTF slowly, with constant encouragement. If the child refuses to take RUTF, the mother/caregiver should patiently convince the child and spend more time feeding the child. The test usually takes a little time but can take up to 1 hour. Do not force the child to take RUTF. Children should be given plenty of water to drink when they are taking RUTF.

Results of the appetite test:

- Have an appetite: A child who eats at least as much as the amount of RUTF shown in the moderate/good columns of the Table below is considered as having an appetite.

- No appetite: A child who does not eat at least the average amount of RUTF shown in the Table below should be transferred to an inpatient facility.

Table of the minimum amount of RUTF a child should take to pass the appetite test

Body weight
(kg)

RUTF packet

Under 4kg

1/8 to 1/4

4 - 6.9

1/4 to 1/3

7 - 9.9

1/3 to 1/2

10 - 14.9

1/2 to 3/4

15 - 29

3/4 to 1

Over 30

> 1

 

Notes: If the caregiver or health worker believe that a child is refusing to take RUTF because the child does not like the taste of the food or is afraid, then it is also necessary to transfer the child to an inpatient facility for a short time. In that case, when starting giving F-75, try to perform the appetite test under better conditions. If it is found that the child is actually able to take enough RUTF to pass the test, the child should be transferred immediately to an outpatient facility.

 

APPENDIX V

Table determining volume of F-75 used in the stabilization phase of inpatient treatment
(Promulgated together with Decision No. …/QD-BYT dated ….)

Weight of child (kg)

12 feeds a day

8 feeds a day

6 feeds a day

5 feeds a day

ml per feed*

ml per feed

ml per feed

ml per feed

2.0 to <2.2 kg

25 ml per feed

40 ml per feed

50 ml per feed

65 ml per feed

2.2 -< 2.5

30

45

60

70

2.5 -< 2.8

33

50

65

75

2.8 -< 3.0

35

55

70

80

3.0 -< 3.5

38

60

75

85

3.5 -< 4.0

40

65

80

95

4.0 -< 4.5

43

70

85

110

4.5 -< 5.0

48

80

95

120

5.0 -< 5.5

55

90

110

130

5.5 -< 6.0

60

100

120

150

6.0 -< 7.0

70

110

140

175

7.0 -< 8.0

80

125

160

200

8.0 -< 9.0

90

140

180

225

9.0 -< 10.0

95

155

190

250

10.0 -< 11.0

100

170

200

275

11.0 -< 12.0

115

190

230

275

12.0 -< 13.0

125

205

250

300

13.0 -< 14.0

138

230

275

350

14.0 -< 15.0

145

250

290

375

15.0 -< 20.0

150

260

300

400

20.0 -< 25.0

160

290

320

450

25.0 -< 30.0

175

300

350

450

30.0 -< 40.0

185

320

370

500

 

* Most children are given 8 feeds a day by default. Severely weak children can be fed 2-hourly on admission.

** In some circumstances (e.g. no night staff) that 8 feeds a day (3 hourly feeds) may not be possible: Replace with the most optimal option - even so, the purpose is still to provide the weakest children with the most feeds.

 

 

APPENDIX VI

TABLE DETERMINING VOLUME OF RUTF USED IN THE TRANSITION PHASE OF INPATIENT TREATMENT WITHIN 24 HOURS
(Promulgated together with Decision No. …/QD-BYT dated ….)

Weight of child

Weight of RUTF (g)

Packet

Total Kcal

3.0 to <3.5

90

1.00

500

3.5 -< 4.0

100

1.00

550

4.0 -< 5.0

110

1.25

600

5.0 -< 6.0

130

1.50

700

6.0 -< 7.0

150

1.75

800

7.0 -< 8.0

180

2.00

1000

8.0 -< 9.0

200

2.00

1100

9.0 -< 10.0

220

2.50

1200

10.0 -< 12.0

250

3.00

1350

12.0 -< 15.0

300

3.50

1600

15.0 -< 25.0

370

4.00

2000

25.0 -< 40.0

450

5.00

2500

 

 

 

APPENDIX VII

TABLE DETERMINING VOLUME OF F-100 USED IN THE TRANSITION PHASE OF INPATIENT TREATMENT
(Promulgated together with Decision No. …/QD-BYT dated …. )

Weight of child
(kg)

8 feeds a day

6 feeds a day

5 feeds a day

Under 3kg

Only use diluted F-100

3.0 to <3.5 kg

60 ml per feed

75 ml per feed

85 ml per feed

3.5 -< 4.0

65

80

95

4.0 -< 4.5

70

85

110

4.5 -< 5.0

80

95

120

5.0 -< 5.5

90

110

130

5.5 -< 6.0

100

120

150

6.0 -< 7.0

110

140

175

7.0 -< 8.0

125

160

200

8.0 -< 9.0

140

180

225

9.0 -< 10.0

155

190

250

10.0 -< 11.0

170

200

275

11.0 -< 12.0

190

230

275

12.0 -< 13.0

205

250

300

13.0 -< 14.0

230

275

350

14.0 -< 15.0

250

290

375

15.0 -< 20.0

260

300

400

20.0 -< 25.0

290

320

450

25.0 -< 30.0

300

350

450

30.0 -< 40.0

320

370

500

 

The above table is the volumes of undiluted F-100 needed for malnourished children during the transition phase if the children do not take RUTF. They are usually given 6 feeds a day and should not eat at night.

Diluted F-100 for children under 3kg or children who are less than 6 months of age: Add 35ml of water to 100ml of reconstituted F-100 to get 135ml of diluted F-100.

 

APPENDIX IX

TABLE DETERMINING VOLUME OF RUTF USED IN OUTPATIENT TREATMENT
(Promulgated together with Decision No. …/QD-BYT dated …. )

500 kcal/92g packet of RUTF
(170 kcal/kg/day on average)

Weight of child (kg)

RUTF (grams)

RUTF (packet)

Grams per day

Grams per week

Packet per day

Packet per week

3.0 to < 3.5

105

750

1.25

8

3.5 -< 5.0

130

900

1.5

10

5.0 -< 7.0

200

1400

2

15

7.0 -< 10.0

260

1800

3

20

10.0 -< 15.0

400

2800

4

30

15.0 -< 20.0

450

3200

5

35

20.0 -< 30.0

500

3500

6

40

30.0 -< 40.0

650

4500

7

50

 

 

 

 

APPENDIX XI

THERAPEUTIC NUTRITIONAL PRODUCTS FOR CHILDREN WITH ACUTE MALNUTRITION
(Promulgated together with Decision No. …/QD-BYT dated …. )

Using therapeutic nutritional products for children is one of the important contents in the management and treatment of severe acute malnutrition. However, malnourished children have specific physiological conditions. They can have immunodeficiency, continue to be severely malnourished or even die if given the wrong foods. Therefore, children should be treated with special preparations for each phase of treatment, and at the same time, the regimen of using therapeutic preparations must be very cautious and closely monitored to ensure the volume and feeding approaches as instructed.

1. Therapeutic nutritional products used in hospital settings

The World Health Organization (WHO) has recommended 2 therapeutic nutritional products, F-75 and F-100, for treatment of children with severe acute malnutrition 1. Of them, F-75 is used during the stabilization phase and F-100 is used during the rehabilitation phase.

Requirements of F-75.

F-75 is a nutritional product to use during the stabilization phase (starter formula)2. The F-75 is specifically designed to meet the needs of the child without overloading the body in the initial phase of treatment. F-75 contains 75 kcal and 0.9g protein/100ml. With low protein and sodium content and high carbohydrate content, the formula is easily digested by children and provides most of the glucose needed by children. Using F-75 can prevent the risk of mortality in children with severe acute malnutrition.

Composition of F-75 (100ml)

Constituent

Amount

Energy

Protein

Lactose

Potassium

Sodium

Magnesium

Zinc

Copper

Percentage of energy from:

protein

fat

Osmolarity

75 kcal (315 kJ)

0.9g

1.3g

3.6mmol

0.6mmol

0.43mmol

2.0mg

0.25mg

 

5%

32%

333mOsmol/l

 

Requirements of F-100

After the stabilization phase, the children begin to feel hungry and have their appetite. The requirement off therapeutic nutritional products in this phase is to help children rebuild lost tissues and make catch-up growth. The F-100 is designed to allow children to make catch-up growth (catch-up formula) as well as rebuild lost tissues. F-100 contains higher energy and protein content: 100 kcal and 2.9g protein/100 ml.

Nutritional composition of F-100

Constituent

Amount

Energy

Protein

Lactose

Potassium

Sodium

Magnesium

Zinc

Copper

Percentage of energy from:

protein

fat

Osmolarity

100 kcal (420 kJ)

2.9g

4.2g

5.9mmol

1.9mmol

0.73mmol

2.3mg

0.25mg

 

12%

53%

419mOsmol/l

 

2. Therapeutic nutritional products used during community-based treatment

The World Health Organization (WHO) has recommended Ready-to-Use Therapeutic Food (RUTF) for treatment of children with severe acute malnutrition during the rehabilitation phase, especially under community-based management.

Requirements for therapeutic nutritional products used for children with severe acute malnutrition during community-based treatment:

Children with severe acute malnutrition need safe, palatable foods with a high energy content and adequate amounts of vitamins and minerals to help them rebuild lost tissues and continue to make catch-up growth during the rehabilitation phase. In addition, therapeutic nutritional products used during community-based treatment need to ensure food safety and hygiene, be easy to calculate the volume, and minimize supervision.

RUTF is a ready-to-use therapeutic diet with high energy and protein content, fortified with vitamins and minerals, especially designed for children with severe acute malnutrition, and developed since 1998. RUTF have a similar nutrient composition to F-100.

Nutritional composition of RUTF per 100g

Moisture content

≤2.5%

Vitamin A

0.8-1.1 mg

Energy

520-550 Kcal

Vitamin D

15-20 μg

Proteins

10%-12% total energy

Vitamin E

≥ 20 mg

Lipids

45%-60% total energy

Vitamin K

15-30 μg

Sodium

≤290 mg

Vitamin B1

≥ 0.5 mg

Potassium

≤290 mg/100

Vitamin B2

≥ 1.6 mg

Calcium

300-600 mg

Vitamin C

≥ 50 mg

Phosphorus

300-600 mg

Vitamin B6

≥ 0.6 mg

Magnesium

80-140 mg

Vitamin B12

≥ 1.6 μg

Iron

10-14 mg

Folic acid

≥ 200 μg

Zinc

11-14 mg

Niacin

≥ 5 mg

Copper

1.4-1.8 mg

Pantothenic acid

≥ 3 mg

Selenium

20-40 μg

Biotin

≥ 60 μg

Iodine

70-140 μg

n-6 fatty acids

3%-10% of total energy

 

 

n-3 fatty acids

0.3%-2.5% of total energy

 

(Note: Although RUTF contain iron, F-100 does not; At least half of the proteins contained in the foods should come from milk products)

RUTF diets are made into paste or bars with a high energy density and are almost water-free, meaning that bacteria cannot grow in them. Therefore, these foods can be used safely at home without refrigeration and even in areas where hygiene conditions are not optimal. In addition, RUTF can be eaten without any preparation, thus avoiding the loss of vitamins and minerals as well as reducing preparation time. It is also particularly suitable in conditions where facilities and fuel for preparation are limited.

 


1 WHO, 1999. Management of Severe Malnutrition: A Manual for Physicians and Other Senior Health Workers, Geneva, 1999

2 WHO, Principles of Care, 2002. Training course on the management of severe malnutrition-Principles of Care, 2002

3 WHO, WFP, SCN and UNICEF, 2007.Community-based management of severe acute malnutrition: A Joint Statement by the World Health Organization, the World Food Program, the United Nations Standing Committee on Nutrition and the United Nations Children's Fund. Geneva, 2007

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch LuatVietnam
Decision 4487/QD-BYT DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Decision 4487/QD-BYT PDF
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất