HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ ---------------------- Số: 200-CP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------- Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 1978 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU TRONG NƯỚC
Thực hiện chỉ thị số 210-TTg/Vg ngày 6-12-1966 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay công tác bảo vệ, khai thác và phát triển các cây, con làm thuốc đã thu được những kết quả quan trọng. Việc điều tra cây thuốc ở các tỉnh miền Bắc đã phát hiện được nhiều loại cây thuốc quý. Các địa phương đã đưa vào sử dụng rộng rãi một số loại cây thuốc, đã bắt đầu trồng rộng rãi một số cây thuốc trước đây phải nhập khẩu. Phong trào trồng cây thuốc đang phát triển từ quy mô toàn xã lên quy mô toàn huyện; ở miền Nam, từ sau ngày giải phóng, đã bắt đầu có phong trào nuôi trồng cây và con làm thuốc.
Tuy vậy, những kế quả đã đạt mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu về thuốc và về nguyên liệu cho công nghiệp dược phẩm. Ngành y tế và các ngành, cấp cấp chưa nhận thức đúng vị trí quan trọng của dược liệu thực vật và động vật trong việc sản xuất thuốc cũng như trong việc xuất khẩu, do đó chưa làm tốt việc quy hoạch và phân vùng trồng cây thuốc, diện tích dành cho việc trồng cây thuốc còn quá hẹp và phân tán; việc khai thác cây thuốc mọc tự nhiên chưa đi đôi với bảo vệ và tái sinh cây thuốc, đã làm cạn nguồn cây thuốc; tổ chức và quản lý thiếu tập trung, sự phân công giữa các ngành chưa hợp lý, sự phân cấp cho địa phương cũng chưa được cụ thể.
Để phát triển mạnh mẽ và vững chắc việc nuôi, trồng cây và con làm thuốc, tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp dược phẩm và góp phần tăng nguồn hàng xuất khẩu. Hội đồng Chính phủ quyết định một số vấn đề sau đây.
I. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN CÂY VÀ CON LÀM THUỐC
1. Mục tiêu của việc phát triển cây và con làm thuốc là:
a) Bảo đảm đến mức cao nhất việc sản xuất thuốc phòng bệnh, chữa bệnh và thuốc bộ.
b) Cung cấp ngày càng nhiều nguyên liệu cho công nghiệp dược phẩm, phấn đấu đến năm 1985 trở đi:
- Đạt trên 80% tổng giá trị nguyên liệu của các xí nghiệp dược phẩm địa phương;
- Đạt trên 30% tổng giá trị nguyên iệu của các xí nghiệp dược phẩm trung ương.
c) Tăng kim ngạch xuất khẩu, để nhập dược liệu và thiết bị y tế cần thiết.
2. Nhiệm vụ phát triển cây và con làm thuốclà tiếp tục mở rộng phong trào trồng cây thuốc, sản xuất và sử dụng thuốc nam ở xã, nhanh chóng đưa phong trào lên quy mô toàn huyện.
Đẩy mạnh việc nuôi trồng theo quy mô lớn các cây và con làm thuốc để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược phẩm. Trước mắt, cần tập trung trồng 96 cây và nuôi 5 con làm thuốc.
Đối với những cây và con làm thuốc khai thác tự nhiện, Bộ Lâm nghiệp phối hợp với Bộ Y tế để quy định các chế độ bảo vệ và tái sinh, hướng dẫn kế hoạch khai thác hợp lý, tiến tới thuần hóa.
Cần dựa một cách phổ biến vào các hợp tác xã, trạm y tế xã, trường học và gia đình để tiến hành việc nuôi trồng, khai thác, chế biến cây và con làm thuốc, đồng thời xây dựng những nông trường sản xuất tập trung có khối lượng sản phẩm lớn. Đối với những cây đã được trồng thử có kết quả tốt, cần triển khai trồng trên quy mô lớn và có kế hoạch tổ chức chu đáo việc chế biến.
Cần mở rộng và làm tốt việc hợp tác với nước ngoài về nuôi, trồng, chế biến cây và con làm thuốc có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu.
II. NHỮNG BIỆN PHÁP CHÍNH ĐỂ ĐẨY MẠNH VIỆC PHÁT TRIỂN CÂY VÀ CON LÀM THUỐC
1. Đẩy mạnh công tác điều tra cây và con làm thuốc:
Phát huy kết quả đã đạt được ở miền Bắc, Bộ Y tế cần khẩn trương tiến hành việc điều tra cây và con làm thuốc ở các tỉnh miền Nam, xây dựng danh mục các cây và con làm thuốc, và quy hoạch phân vùng nuôi, trồng. Những vùng có cây thuốc tự nhiên mọc tập trung, cần điều tra sinh thái, trữ lượng để có kế hoạch bảo vệ, khai thác, tái sinh hợp lý, tạo dần thành vùng trồng cây đặc sản.
2. Quy hoạch phân vùng nuôi, trồng cây và con làm thuốc:
Trên cơ sở phân vùng nông, lâm nghiệp, căn cứ vào danh mục cây và con làm thuốc đã điều tra, vào nhu cầu cây và con làm thuốc, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiến hành quy hoạch phân vùng nuôi trồng cây và con làm thuốc, và tổng hợp vào phương án phân vùng nông, lâm nghiệp của địa phương, để trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt. Nơi nào có điều kiện phát triển cây và con làm thuốc mà trước đây chưa đưa vào phương án phân vùng nông, lâm nghiệp, thì nay phải bổ sung vào phương án. Trên cơ sở phương án quy hoạch đã được xét duyệt, cần có kế hoạch từng bước xây dựng vùng chuyên canh nuôi, trồng cây và con làm thuốc và xây dựng các cơ sở chế biến thuốc.
3. Tạo và nhân giống tốt:
Đối với những cây và con làm thuốc trong danh mục, phải có kế hoạch chọn lọc, thuần hóa, lai tạo giống để có giống tốt cung cấp cho các cơ sở sản xuất. Bộ Ngoại thương có trách nhiệm nhập khẩu các giống tốt cần thiết cho Bộ Y tế.
Bộ Y tế cần xây dựng mạng lưới trại chọn giống và nhân giống cây và con làm thuốc từ trung ương đến cơ sở, có phân công và phân cấp cụ thể cho từng cấp đối với từng loại giống. Để làm tốt công tác này, các ngành, các cấp cần nghiên cứu vận dụng quyết định về giống cây trồng của Hội đồng Chính phủ số 209-CP ngày 7-9-1974 cho các loại giống cây và con làm thuốc.
Chú ý nhập khẩu thêm giống cây và con mới làm thuốc, lai tạo, thuần hóa và phát triển nhanh.
4. Xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ việc phát triển cây và con làm thuốc. Phát triển cơ sở chế biến đi đối với phát triển nuôi, trồng cây và con làm thuốc:
Những cơ sở nuôi trồng cây và con làm thuốc được phép xây dựng những cơ sở chế biến ban đầu (phơi, sấy, cất tinh dầu, nấu cao thuốc, v.v…) với quy mô thích hợp theo yêu cầu sản xuất. Bộ Y tế, Ủy ban kế hoạch Nhà nước cùng các ngành, các địa phương có liên quan cần xác định cụ thể yêu cầu xây dựng để ghi vào kế hoạch Nhà nước những năm tới.
Những cơ sở thu mua, phân phối cây và con làm thuốc của hệ thống quốc doanh nhất thiết phải có sân phơi, lò sấy, kho tàng, phương tiện bảo quản, phương tiện vận tải thích hợp và tương xứng với khối lượng kinh doanh.
Ở các nông trường và các hợp tác xã có nuôi, trồng cây và con làm thuốc cần có cơ sở sơ chế. Ở mỗi huyện phải có ít nhất một cơ sở chế biến thuốc nam bằng cây và con làm thuốc nuôi, trồng trong huyện để đáp ứng nhu cầu về thuốc cho dân cư trong huyện. Bộ Y tế xác định nhu cầu và kiểu mẫu các thiết bị này. Ủy ban kế hoạch Nhà nước căn cứ vào nhu cầu, giao chỉ tiêu sản xuất cho các ngành, các địa phương.
5. Ban hành các chính sách khuyến khích phát triển cây và con làm thuốc:
Cây và con làm thuốc là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho công nghiệp dược phẩm, được coi là cây công nghiệp quan trọng. Các chính sách khuyến khích trồng cây công nghiệp đã ban hành đều được áp dụng đối với cây và con làm thuốc.
a) Ủy ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế để gấp rút sửa đổi những giá chưa hợp lý đối với một số cây và con làm thuốc đang gây trở ngại cho việc mở rộng nuôi, trồng và thu mua.
b) Những hợp tác xã và những người nuôi, trồng cây và con làm thuốc theo kế hoạch Nhà nước và thực hiện đầy đủ chỉ tiêu bán sản phẩm cho Nhà nước, được hưởng chính sách lương thực hiện hành như đối với những trồng cây công nghiệp.
c) Những hợp tác xã, những người trồng cây thuốc bán cho Nhà nước, nếu là cây mới đi thực thì được cung cấp giống một, hai vụ đầu không phải trả tiền và được Nhà nước trợ cấp một, hai vụ đầu, nếu sản lượng chưa bảo đảm thu nhập bình thường tuy đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật canh tác theo sự hướng dẫn của Nhà nước.
d) Để thúc đẩy việc nuôi, trồng cây và con làm thuốc phát triển theo kế hoạch Nhà nước và tập trung được nguồn hàng vào tay Nhà nước, việc thu mua những cây và con làm thuốc cần được thực hiện theo chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều.
e) Đối với những cây và con làm thuốc làm theo kế hoạch Nhà nước quy định, cần phải cân đối đất trồng trọt, lao động, vật tư kỹ thuật cần thiết (phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc, xăng dầu, v.v…) để bảo đảm thực hiện kế hoạch.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP
Để bảo đảm thực hiện tốt nghị quyết này, Hội đồng Chính phủ quyết định:
1. Giao trách nhiệm cho Bộ Y tế thống nhất chỉ đạo và quản lý toàn bộ công tác nuôi, trồng cây và con làm thuốc, từ việc sản xuất đến thu mua, chế biến và phân phối. Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Nông ngiệp và Bộ Lâm nghiệp nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt quy hoạch phân vùng nuôi trồng cây và con làm thuốc cho cả nước. Hệ thống chuyên lo công tác dược của ngành y tế cũng cần được mau chóng tăng cường.
2. Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo các nông trường quốc doanh nuôi, trồng cây và con làm thuốc theo kế hoạch Nhà nước và bán sản phẩm cho Bộ Y tế theo hợp đồng kinh tế.
3. Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo các lâm trường quốc doanh khai thác, nuôi, trồng cây và con làm thuốc theo kế hoạch Nhà nước và bán sản phẩm cho Bộ Y tế theo hợp đồng kinh tế.
4. Ủy ban kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm căn cứ vào đề nghị của Bộ Y tế tổng hợp kế hoạch dài hạn và hàng năm về sản xuất, chế biến, thu mua, phân phối cây và con làm thuốc, và cân đối các chỉ tiêu sản xuất, chế biến, thu mua, phân phối với biện pháp thực hiện (diện tích, lao động, vật tư, thiết bị v.v…).
Các văn bản trước đây trái với nghị quyết này đều bãi bỏ.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÓ THỦ TƯỚNG Lê Thanh Nghị |