BỘ TƯ PHÁP
____________
Số: 03/2020/TT-BTP
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
___________________
Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2020
|
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.
Điều 2.
1. Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý trong phạm vi toàn quốc.
2. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên pháp lý và luật sư, cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
3. Người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc tại tổ chức mình.
Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2020. Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Điều 4. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các hội, đoàn thể;
- Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử: Chính phủ, Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, Cục TGPL.
|
BỘ TRƯỞNG
Lê Thành Long
|
BỘ TƯ PHÁP
______________
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_____________________
|
QUY TẮC NGHỀ NGHIỆP TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Lời nói đầu
Trợ giúp pháp lý là một nghề đặc thù, cung cấp dịch vụ pháp lý không thu tiền cho người nghèo, đối tượng chính sách thuộc diện người được trợ giúp pháp lý. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có bổn phận bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, từ đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật. Ngoài việc tuân thủ pháp luật, người thực hiện trợ giúp pháp lý còn phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý. Để nâng cao trách nhiệm, đạo đức, uy tín nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, gương mẫu của người thực hiện trợ giúp pháp lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý quy định các chuẩn mực về hành vi, ứng xử của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Điều 1. Trung thực, liêm chính, tôn trọng sự thật khách quan
Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải trung thực, liêm chính, tôn trọng sự thật khách quan, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, không lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi cho mình hoặc cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác.
Điều 2. Độc lập khi thực hiện trự giúp pháp lý
1. Bảo đảm sự độc lập, không để lợi ích của mình, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ảnh hưởng đến việc thực hiện vụ việc, việc trợ giúp pháp lý.
2. Giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, không bị tác động bởi mối quan hệ hành chính nội bộ, không bị ảnh hưởng khi bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc bị can thiệp trái pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý.
Điều 3. Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người đưọc trợ giúp pháp lý
Thực hiện vụ việc, việc trợ giúp pháp lý với sự tận tâm, trách nhiệm, kịp thời áp dụng các biện pháp, kỹ năng cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
Điều 4. Bảo mật thông tin trong trợ giúp pháp lý
1. Giữ bí mật thông tin về vụ việc, việc trợ giúp pháp lý; về người được trợ giúp pháp lý mà mình biết được trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý và ngay cả khi vụ việc, việc trợ giúp pháp lý đã kết thúc trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của người được trợ giúp pháp lý hoặc luật có quy định khác.
2. Không sử dụng các thông tin có được trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý để gây bất lợi cho người được trợ giúp pháp lý, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội.
Điều 5. Ứng xử với người được trợ giúp pháp lý
1. Tôn trọng, lịch sự, thân thiện, nhiệt tình với người được trợ giúp pháp lý, thể hiện phong cách chuyên nghiệp, tạo sự tin tưởng đối với người được trợ giúp pháp lý; sử dụng ngôn ngữ, ký hiệu đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn phù hợp với người được trợ giúp pháp lý.
2. Giải thích về quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý để người được trợ giúp pháp lý biết và thực hiện.
3. Không được có thái độ hách dịch, có các hành vi coi thường người được trợ giúp pháp lý hoặc phân biệt đối xử với người được trợ giúp pháp lý.
4. Không được sách nhiễu, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho người được trợ giúp pháp lý; hứa hẹn trước về kết quả giải quyết vụ việc, việc trợ giúp pháp lý.
5. Không được gợi ý, đòi hỏi, đặt điều kiện hoặc nhận bất kỳ lợi ích vật chất, lợi ích khác có liên quan đến vụ việc, việc trợ giúp pháp lý từ người được trợ giúp pháp lý hoặc người khác.
6. Không được xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý thực hiện những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Điều 6. Ứng xử với đồng nghiệp
1. Tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, cùng nhau nâng cao uy tín, nghiệp vụ, tạo dựng sự tin cậy và tôn trọng của xã hội đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.
2. Chân thành, đoàn kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, phối hợp với đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
3. Không được xúc phạm, hạ thấp danh dự, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây sức ép, đe dọa đồng nghiệp.
4. Không được thông đồng với đồng nghiệp trong quá trình thực hiện vụ việc, việc trợ giúp pháp lý nhằm gây bất lợi cho người được trợ giúp pháp lý hoặc để trục lợi cho mình hoặc cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác.
5. Không được cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc thực hiện vụ việc, việc trợ giúp pháp lý của đồng nghiệp; lợi dụng ảnh hưởng của mình để áp đặt, chi phối, gây sức ép, tác động trái pháp luật đến việc thực hiện vụ việc, việc trợ giúp pháp lý của đồng nghiệp.
Điều 7. Ứng xử của trợ giúp viên pháp lý với người tập sự trợ giúp pháp lý
1. Khi được phân công hướng dẫn tập sự, trợ giúp viên pháp lý có bổn phận tận tình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp cho người tập sự trợ giúp pháp lý; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với người tập sự trợ giúp pháp lý.
2. Trợ giúp viên pháp lý không được phân biệt đối xử giữa những người tập sự trợ giúp pháp lý.
3. Trợ giúp viên pháp lý không được lợi dụng tư cách người hướng dẫn tập sự để buộc người tập sự trợ giúp pháp lý phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự.
Điều 8. Ứng xử với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác
1. Ứng xử đúng mực, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính hợp tác, lịch sự, tôn trọng đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người có thẩm quyền liên quan đến vụ việc, việc trợ giúp pháp lý.
2. Phối hợp kịp thời với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc, việc trợ giúp pháp lý.
3. Không được móc nối, lôi kéo, xúi giục người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người ở các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vụ việc, việc trợ giúp pháp lý làm trái quy định của pháp luật.
4. Không được tự mình hoặc xúi giục người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình biết rõ là không đúng sự thật liên quan đến vụ việc, việc trợ giúp pháp lý hoặc thực hiện các hành vi lừa dối, hành vi bất hợp pháp khác gây khó khăn, cản trở việc giải quyết vụ việc, việc trợ giúp pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền./.