Thông tư 121/2020/TT-BTC hoạt động của công ty chứng khoán

thuộc tính Thông tư 121/2020/TT-BTC

Thông tư 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán
Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:121/2020/TT-BTC
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Thông tư
Người ký:Huỳnh Quang Hải
Ngày ban hành:31/12/2020
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng, Chứng khoán
 

TÓM TẮT VĂN BẢN

Từ 15/02, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của CT chứng khoán không quá 05 lần
Ngày 31/12/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.

Theo đó, công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán không được nhận ủy quyền của khách hàng thực hiện chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của các khách hàng.

Đồng thời, Bộ cũng quy định 06 trường hợp công ty chứng khoán không được bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn hoặc là người bảo lãnh chính:

Thứ nhất, công ty chứng khoán, độc lập hoặc cùng công ty con hoặc cùng với người có liên quan sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành, hoặc có quyền kiểm soát tổ chức phát hành, hoặc có quyền bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức phát hành.

Thứ hai, tối thiểu 30% vốn điều kệ của công ty chứng khoán và tối thiểu 30% vốn điều lệ của tổ chức phát hành do cùng một cá nhân hoặc một tổ chức nắm giữ…

Đáng chú ý, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được vượt quá 05 lần (quy định cũ chỉ cho phép không được vượt quá 03 lần). Giá trị tổng nợ theo quy định này không bao gồm các khoản sau đây: Tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng; Quỹ khen thưởng phúc lợi; Dự phòng trợ cấp mất việc làm; Dự phòng bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.

Thông tư này làm hết hiệu lực Thông tư 210/2012/TT-BTCThông tư 07/2016/TT-BTC.

Xem chi tiết Thông tư121/2020/TT-BTC tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
________

Số: 121/2020/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

___________

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về hoạt động của công ty chứng khoán tại Việt Nam gồm:
a) Hoạt động quản trị, điều hành công ty chứng khoán;
b) Hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán;
c) Quy định về tài chính áp dụng đối với công ty chứng khoán;
d) Chế độ báo cáo.
2. Đối tượng á­p dụng
a) Công ty chứng khoán;
b) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán.
Điều 2. Giải thích thuật ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công ty chứng khoán là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện một, một số nghiệp vụ theo quy định tại Khoản 1 Điều 72, các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 86 Luật Chứng khoán.
2. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đủ giấy tờ theo quy định của Thông tư này, có nội dung được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật.
3. Vốn lưu động là hiệu số giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tại cùng thời điểm tính toán.
4. Cho vay là hình thức theo đó công ty chứng khoán giao hoặc cam kết giao cho bên nhận hoặc bên sử dụng một khoản tiền, tài sản, chứng khoán trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và có thể có lãi hoặc không.
5. Tổ chức lại công ty chứng khoán là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và chỉ được thực hiện giữa các công ty chứng khoán.
Chương II
HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ, ĐIỀU HÀNH CÔNG TY CHỨNG KHOÁN
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động quản trị, điều hành công ty chứng khoán
1. Công ty chứng khoán phải tuân thủ các quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản trị công ty.
2. Công ty chứng khoán phải phân định rõ trách nhiệm giữa Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban Giám đốc phù hợp với Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Công ty chứng khoán phải thiết lập hệ thống thông tin liên lạc với các cổ đông, thành viên để đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ và đối xử công bằng giữa các cổ đông, giữa các thành viên, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, của thành viên.
4. Công ty chứng khoán phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa những xung đột lợi ích trong nội bộ công ty và trong giao dịch với người có liên quan.
5. Công ty chứng khoán phải bảo đảm nhân viên làm việc tại bộ phận nghiệp vụ phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán
Công ty chứng khoán khi thực hiện hoạt động nghiệp vụ phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
1. Phải ban hành các quy trình hoạt động cho các nghiệp vụ.
2. Phải ban hành quy tắc đạo đức hành nghề.
3. Công ty chứng khoán, nhân viên công ty chứng khoán không được thực hiện đầu tư thay cho khách hàng trừ trường hợp ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.
4. Có trách nhiệm trung thực với khách hàng, không được xâm phạm tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của khách hàng. Thực hiện quản lý tách biệt tài sản của từng khách hàng, tách biệt tài sản của khách hàng với tài sản của công ty chứng khoán.
5. Có trách nhiệm ký hợp đồng với khách hàng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng; cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin cho khách hàng.
6. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, công ty chứng khoán khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi sau:
a) Quyết định đầu tư chứng khoán thay cho khách hàng;
b) Thỏa thuận với khách hàng để chia sẻ lợi nhuận hoặc lỗ;
c) Quảng cáo, tuyên bố rằng nội dung, hiệu quả, hoặc các phương pháp phân tích chứng khoán của mình có giá trị cao hơn của công ty chứng khoán khác;
d) Có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật để dụ dỗ hay mời gọi khách hàng mua bán một loại chứng khoán nào đó;
đ) Cung cấp thông tin sai lệch, gian lận, hoặc gây hiểu nhầm cho khách hàng;
e) Các hành vi khác trái với quy định của pháp luật.
7. Thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê, nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện công bố thông tin và báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định của pháp luật.
9. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dự phòng để bảo đảm hoạt động an toàn và liên tục.
10. Thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
11. Công ty chứng khoán phải thiết lập một bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm thông tin liên lạc với khách hàng và giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng.
12. Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật chứng khoán và pháp luật có liên quan.
Điều 5. Điều lệ công ty chứng khoán
 Công ty chứng khoán khi xây dựng Điều lệ công ty ngoài việc tuân thủ các quy định của Thông tư này phải thực hiện theo nguyên tắc sau:
1. Điều lệ công ty chứng khoán không được trái với quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.
2. Công ty chứng khoán là công ty đại chúng căn cứ quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Thông tư này để xây dựng Điều lệ công ty. Công ty chứng khoán phải tham chiếu Điều lệ mẫu áp dụng đối với công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng khi xây dựng Điều lệ công ty.
3. Công ty chứng khoán là công ty cổ phần chưa đại chúng, công ty chứng khoán là công ty trách nhiệm hữu hạn khi xây dựng Điều lệ phải phù hợp với các quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.
4. Công ty chứng khoán khi xây dựng Điều lệ công ty phải tham chiếu Khoản 2, 3 Điều này. Ngoài ra phải quy định cụ thể các nội dung dưới đây trong Điều lệ công ty:
a) Mạng lưới hoạt động;
b) Phạm vi hoạt động kinh doanh;
c) Nguyên tắc hoạt động;
d) Thông tin về Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán;
đ) Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên;
e) Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc), tiêu chuẩn thành viên Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc); Ban kiểm soát nội bộ, tiêu chuẩn thành viên Ban kiểm soát nội bộ;
g) Ủy ban kiểm toán, tiêu chuẩn thành viên Ủy ban kiểm toán;
h) Ngăn ngừa xung đột lợi ích;
i) Tổ chức lại công ty chứng khoán: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình công ty chứng khoán.
5. Công ty chứng khoán phải đăng tải toàn bộ Điều lệ công ty trên trang thông tin điện tử chính thức của công ty chứng khoán.
Điều 6. Cổ đông, thành viên
1. Cổ đông, thành viên góp vốn của công ty chứng khoán phải đảm bảo tuân thủ quy định tại Điểm c, d Khoản 2 Điều 74 Luật Chứng khoán.
2. Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán không được lợi dụng ưu thế của mình gây tổn hại đến quyền và lợi ích của công ty và các cổ đông khác, thành viên khác.
3. Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán phải thông báo đầy đủ cho công ty chứng khoán trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin, đối với các trường hợp sau:
a) Số cổ phần hoặc phần vốn góp bị phong tỏa, cầm cố hoặc bị xử lý theo quyết định của tòa án;
b) Cổ đông, thành viên là tổ chức quyết định thay đổi tên hoặc chia, tách, giải thể, phá sản.
4. Công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cổ đông, thành viên.
Điều 7. Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty
1. Công ty chứng khoán phải xây dựng quy trình nội bộ về thủ tục, trình tự triệu tập và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên và phải được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên thông qua.
2. Công ty chứng khoán là công ty cổ phần phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp không tổ chức được theo thời hạn nêu trên, công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn 02 tháng tiếp theo.
3. Công ty chứng khoán là công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin về quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán về công bố thông tin.
4. Công ty chứng khoán phải báo cáo kết quả họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu kèm theo nghị quyết và các tài liệu liên quan cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu.
5. Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty chứng khoán thông qua tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính, báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính. Trong cùng năm tài chính, công ty chứng khoán không được thay đổi tổ chức kiểm toán được chấp thuận, trừ trường hợp công ty mẹ thay đổi tổ chức kiểm toán được chấp thuận hoặc tổ chức kiểm toán được chấp thuận bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán.
Điều 8. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên
1. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của công ty chứng khoán không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của công ty chứng khoán khác.
2. Chức năng, nhiệm vụ và các nội dung ủy quyền cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, từng thành viên Hội đồng quản trị, từng thành viên Hội đồng thành viên phải được quy định tại Điều lệ công ty.
3. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên phải xây dựng quy trình nội bộ về thủ tục, trình tự triệu tập và biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.
4. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên phải thiết lập các bộ phận hoặc cử người thực hiện nhiệm vụ quản trị rủi ro theo quy định tại Điều 11 Thông tư này và nhiệm vụ kiểm soát nội bộ theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
Điều 9. Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ
1. Công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện các quy định dưới đây:
a) Trưởng Ban kiểm soát của công ty chứng khoán không được đồng thời là thành viên Ban kiểm soát hoặc người quản lý của công ty chứng khoán khác;
b) Ban kiểm soát phải xây dựng quy trình kiểm soát và phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên thông qua;
c) Đối với Ban kiểm soát có từ 02 thành viên trở lên, Ban kiểm soát phải họp tối thiểu 02 lần trong một năm. Biên bản họp phải được ghi chép trung thực, đầy đủ nội dung họp và phải được lưu giữ theo quy định;
d) Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) vi phạm pháp luật, Điều lệ công ty, dẫn đến xâm phạm quyền và lợi ích của công ty, cổ đông, Chủ sở hữu hoặc khách hàng, Ban kiểm soát có trách nhiệm yêu cầu giải trình trong thời gian nhất định hoặc đề nghị triệu tập Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu để giải quyết. Đối với các vi phạm pháp luật, Ban kiểm soát phải báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện vi phạm.
2. Công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ các quy định dưới đây:
a) Đánh giá độc lập về sự phù hợp và tuân thủ các chính sách pháp luật, Điều lệ, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên;
b) Kiểm tra, xem xét và đánh giá sự đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) nhằm hoàn thiện hệ thống này;
c) Đánh giá việc tuân thủ của hoạt động kinh doanh đối với các chính sách và quy trình nội bộ;
d) Tham mưu thiết lập các chính sách và quy trình nội bộ;
đ) Đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật, kiểm soát các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản;
e) Đánh giá kiểm toán nội bộ thông qua thông tin tài chính và thông qua quá trình kinh doanh;
 g) Đánh giá quy trình xác định, đánh giá và quản lý rủi ro kinh doanh;
h) Đánh giá hiệu quả của các hoạt động;
i) Đánh giá việc tuân thủ các cam kết trong hợp đồng;
k) Thực hiện kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin;
l) Điều tra các vi phạm trong nội bộ công ty chứng khoán;
m) Thực hiện kiểm toán nội bộ công ty chứng khoán và các công ty con của công ty chứng khoán.
3. Hoạt động kiểm toán nội bộ phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
a) Tính độc lập: bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập với các bộ phận khác của công ty chứng khoán, kể cả ban điều hành; hoạt động kiểm toán nội bộ độc lập với các hoạt động điều hành, nghiệp vụ của công ty chứng khoán; cán bộ làm công tác kiểm toán nội bộ không được đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ, không được kiêm nhiệm công việc tại các bộ phận nghiệp vụ như môi giới, tự doanh, phân tích, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, quản trị rủi ro;
b) Tính khách quan: bộ phận kiểm toán nội bộ, nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, không định kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Công ty chứng khoán phải bảo đảm kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào khi thực hiện đúng nhiệm vụ của mình;
 Nhân viên kiểm toán nội bộ phải thể hiện tính khách quan trong quá trình thu thập, đánh giá và truyền đạt thông tin về hoạt động hoặc các quy trình, hệ thống đã hoặc đang được kiểm toán. Kiểm toán viên nội bộ cần đưa ra đánh giá một cách công bằng về tất cả các vấn đề liên quan và không bị chi phối bởi mục tiêu quyền lợi riêng hoặc bởi bất kỳ ai khác khi đưa ra nhận xét, đánh giá của mình;
c) Tính trung thực: kiểm toán viên nội bộ phải thực hiện công việc của mình một cách trung thực, cẩn trọng và có trách nhiệm; tuân thủ luật pháp và thực hiện các nội dung công việc công khai theo quy định của pháp luật và nghề nghiệp;
d) Bảo mật: nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ cần tôn trọng giá trị và quyền sở hữu của thông tin nhận được, không được tiết lộ thông tin mà không có ủy quyền hợp lệ trừ khi có nghĩa vụ phải tiết lộ thông tin theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của công ty.
4. Nhân sự của bộ phận kiểm toán nội bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
a) Người làm việc bộ phận này không phải là người đã từng bị xử phạt từ mức phạt tiền trở lên đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm trong vòng 05 năm gần nhất tính tới năm được bổ nhiệm;
b) Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ phải là người có trình độ chuyên môn về luật, kế toán, kiểm toán; Có đủ kinh nghiệm, uy tín, thẩm quyền để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao;
c) Không phải là người có liên quan đến các trưởng bộ phận chuyên môn, người thực hiện nghiệp vụ, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh trong công ty chứng khoán;
d) Có chứng chỉ chuyên môn Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc Chứng chỉ hành nghề chứng khoán, và chứng chỉ chuyên môn Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
đ) Không kiêm nhiệm các công việc khác trong công ty chứng khoán.
Điều 10. Ban Giám đốc
1. Tổng Giám đốc (Giám đốc) là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty chứng khoán, chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
2. Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) công ty chứng khoán không được đồng thời làm việc cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hoặc doanh nghiệp khác; Tổng Giám đốc (Giám đốc) công ty chứng khoán không được là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của công ty chứng khoán khác.
3. Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 5 Điều 74 Luật Chứng khoán.
4. Công ty chứng khoán phải xây dựng các quy định làm việc của Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) và phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty thông qua. Quy định làm việc tối thiểu phải có các nội dung cơ bản sau đây:
a) Trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của thành viên Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc);
b) Quy định trình tự, thủ tục tổ chức và tham gia các cuộc họp;
c) Trách nhiệm báo cáo của Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) đối với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty, Ban kiểm soát.
Điều 11. Quản trị rủi ro
1. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán phải xây dựng hệ thống quản trị rủi ro theo nguyên tắc sau:
a) Hệ thống tổ chức quản trị rủi ro tối thiểu phải quy định các nội dung sau:
- Trách nhiệm của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán trong việc quản trị rủi ro;
- Trách nhiệm của Tổng Giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát, Kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc quản trị rủi ro;
- Trách nhiệm của Bộ phận quản trị rủi ro và các trưởng bộ phận nghiệp vụ trong công ty chứng khoán trong việc quản trị rủi ro;
- Chiến lược quản trị rủi ro rõ ràng, minh bạch thể hiện qua chính sách rủi ro trong dài hạn và trong từng giai đoạn cụ thể được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua;
- Kế hoạch triển khai thông qua các chính sách, quy trình đầy đủ;
- Công tác quản lý kiểm tra, rà soát thường xuyên của Tổng giám đốc (Giám đốc);
- Ban hành và triển khai đầy đủ các chính sách, quy trình quản trị rủi ro và các hạn mức rủi ro, thiết lập hoạt động thông tin quản trị rủi ro phù hợp.
b) Hệ thống quản trị rủi ro được thiết lập phải đảm bảo công ty chứng khoán có khả năng xác định rủi ro, đo lường rủi ro, theo dõi rủi ro, báo cáo rủi ro và xử lý một cách hiệu quả các rủi ro trọng yếu đồng thời đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ tuân thủ của mình tại mọi thời điểm;
c) Hệ thống quản trị rủi ro phải được xây dựng để đảm bảo công tác quản trị rủi ro được thực hiện độc lập, khách quan, trung thực, thống nhất;
d) Hệ thống quản trị rủi ro được thiết lập phải đảm bảo các bộ phận tác nghiệp và bộ phận quản trị rủi ro được tổ chức tách biệt và độc lập với nhau và người phụ trách bộ phận tác nghiệp không đồng thời phụ trách bộ phận quản trị rủi ro và ngược lại.
2. Quy trình, quy chế nội bộ về quản trị rủi ro trong công ty chứng khoán phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Hệ thống quản trị rủi ro trong công ty chứng khoán phải được vận hành dựa trên các quy trình, quy chế nội bộ bằng văn bản;
b) Các quy trình, quy chế nội bộ phải được trình bày một cách rõ ràng để tất cả các cá nhân liên quan hiểu được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình và có thể mô tả cụ thể, chi tiết về quy trình quản trị rủi ro liên quan. Công ty chứng khoán phải thường xuyên rà soát và cập nhật lại các quy trình, quy chế nội bộ này;
c) Các quy trình, quy chế nội bộ phải đảm bảo cơ quan quản lý nhà nước, kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, ban kiểm soát hiểu được hoạt động quản trị rủi ro của công ty;
d) Quy trình, quy chế nội bộ về quản trị rủi ro phải có tối thiểu các nội dung sau:
- Cơ cấu tổ chức và mô tả chức năng nhiệm vụ, cơ chế phân cấp thẩm quyền quyết định và trách nhiệm;
- Chính sách rủi ro, hạn mức rủi ro, quy trình xác định rủi ro, đo lường rủi ro, theo dõi rủi ro, báo cáo trao đổi thông tin về rủi ro và xử lý rủi ro;
- Các quy tắc phải đảm bảo nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật.
3. Công ty chứng khoán phải xây dựng hệ thống quy trình quản trị rủi ro bao gồm các nội dung: xác định rủi ro, đo lường rủi ro, theo dõi rủi ro, giám sát rủi ro, và xử lý rủi ro.
4. Xây dựng kế hoạch dự phòng
a) Công ty chứng khoán phải xây dựng kế hoạch dự phòng cho các tình huống khẩn cấp xảy ra nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của công ty;
b) Tổng Giám đốc (Giám đốc) chịu trách nhiệm xây dựng, rà soát thường xuyên kế hoạch dự phòng. Kế hoạch dự phòng phải được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua.
5. Nguyên tắc lưu trữ hồ sơ, tài liệu
a) Tất cả hồ sơ, tài liệu, báo cáo, biên bản họp, nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc quyết định của Chủ sở hữu công ty, các báo cáo về rủi ro, các quyết định của Tổng Giám đốc (Giám đốc) và các tài liệu khác liên quan đến quản trị rủi ro phải được lưu trữ đầy đủ và sẵn sàng cung cấp cho Cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu;
b) Thời gian lưu trữ các tài liệu quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều này được thực hiện theo quy định pháp luật.
Điều 12. Kiểm soát nội bộ
1. Công ty chứng khoán phải thiết lập bộ phận kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Tổng giám đốc (Ban Giám đốc). Hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm bộ máy, nhân sự độc lập và chuyên trách, quy trình.
2. Bộ phận kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Tổng giám đốc (Ban Giám đốc) có nhiệm vụ kiểm soát việc tuân thủ:
a) Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật, điều lệ công ty, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, quyết định của Hội đồng quản trị, các quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy trình quản trị rủi ro của công ty, của các bộ phận có liên quan và của người hành nghề chứng khoán trong công ty;
b) Giám sát thực thi các quy định nội bộ, các hoạt động tiềm ẩn xung đột lợi ích trong nội bộ công ty, đặc biệt đối với các hoạt động kinh doanh của bản thân công ty và các giao dịch cá nhân của nhân viên công ty; giám sát việc thực thi trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong công ty, thực thi trách nhiệm của đối tác đối với các hoạt động đã ủy quyền;
c) Kiểm tra nội dung và giám sát việc thực hiện các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp;
d) Giám sát việc tính toán và tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn tài chính;
đ) Tách biệt tài sản của khách hàng;
e) Bảo quản, lưu giữ tài sản của khách hàng;
g) Kiểm soát việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;
h) Nội dung khác theo nhiệm vụ Tổng Giám đốc (Giám đốc) giao.
3. Công ty chứng khoán phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm cơ cấu tổ chức, các quy trình, quy định nội bộ áp dụng đối với tất cả các vị trí, đơn vị, bộ phận và hoạt động của công ty nhằm bảo đảm mục tiêu:
a) Hoạt động của công ty chứng khoán tuân thủ quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản liên quan;
b) Bảo đảm quyền lợi khách hàng;
c) Hoạt động của công ty chứng khoán an toàn, hiệu quả; bảo vệ, quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả tài sản và các nguồn lực;
d) Hệ thống thông tin tài chính và thông tin quản lý trung thực, hợp lý, đầy đủ và kịp thời; trung thực trong việc lập báo cáo tài chính của công ty.
4. Yêu cầu nhân sự của bộ phận kiểm soát nội bộ
a) Bố trí tối thiểu 01 nhân viên làm kiểm soát tuân thủ;
b) Trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ phải là người có trình độ chuyên môn về luật, kế toán, kiểm toán, có đủ kinh nghiệm, uy tín, thẩm quyền để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao;
c) Không phải là người có liên quan đến các trưởng bộ phận chuyên môn, người thực hiện nghiệp vụ, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh trong công ty chứng khoán;
d) Có chứng chỉ chuyên môn Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc Chứng chỉ hành nghề chứng khoán, và chứng chỉ chuyên môn Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
đ) Không kiêm nhiệm các công việc khác trong công ty chứng khoán.
Chương III
HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ CỦA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN
Điều 13. Trách nhiệm của công ty chứng khoán khi thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán
1. Công ty chứng khoán phải bố trí người hành nghề chứng khoán làm việc tại các vị trí sau:
a) Tư vấn, giải thích hợp đồng và thực hiện các thủ tục mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng;
b) Tư vấn giao dịch chứng khoán cho khách hàng;
c) Nhận lệnh, kiểm soát lệnh giao dịch chứng khoán của khách hàng;
d) Trưởng các bộ phận liên quan đến nghiệp vụ môi giới chứng khoán.
2. Công ty chứng khoán phải tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền theo các quy định pháp luật hiện hành.
3. Dữ liệu về tài khoản môi giới của khách hàng mở tài khoản tại công ty chứng khoán phải được quản lý tập trung và phải lưu giữ dự phòng tại địa điểm khác.
4. Công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán không được:
a) Đưa ra ý kiến về việc tăng hay giảm giá chứng khoán mà không có căn cứ để lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch;
b) Thỏa thuận hoặc đưa ra lãi suất cụ thể hoặc chia sẻ lợi nhuận hoặc thua lỗ với khách hàng để lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch;
c) Trực tiếp hoặc gián tiếp thiết lập các địa điểm cố định bên ngoài các địa điểm giao dịch đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch với khách hàng, nhận lệnh, thực hiện lệnh giao dịch chứng khoán hoặc thanh toán giao dịch chứng khoán với khách hàng, trừ trường hợp thực hiện giao dịch chứng khoán trực tuyến;
d) Nhận lệnh, thanh toán giao dịch với người không phải là người đứng tên tài khoản giao dịch mà không có ủy quyền của người đứng tên tài khoản bằng văn bản;
đ) Tiết lộ các nội dung đặt lệnh giao dịch của khách hàng hoặc thông tin bí mật khác có được khi thực hiện giao dịch cho khách hàng mà không phải để công bố thông tin hoặc theo yêu cầu thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật;
e) Sử dụng tên hoặc tài khoản của khách hàng để đăng ký, giao dịch chứng khoán;
g) Xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích khác của khách hàng.
Điều 14. Trách nhiệm của công ty chứng khoán đối với khách hàng khi thực hiện nghiệp vụ môi giới
1. Công ty chứng khoán khi thực hiện nghiệp vụ môi giới phải tuân thủ quy định pháp luật tại Khoản 1, 2, 3 Điều 91 Luật Chứng khoán.
2. Công ty chứng khoán có nghĩa vụ cập nhật các thông tin thay đổi của khách hàng khi khách hàng có yêu cầu.
3. Công ty chứng khoán phải ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch với khách hàng, trực tiếp thực hiện giao dịch chứng khoán cho khách hàng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này.
4. Công ty chứng khoán phải theo dõi chi tiết tiền và chứng khoán của từng khách hàng, cung cấp thông tin về số dư, số phát sinh tiền và chứng khoán cho khách hàng khi khách hàng yêu cầu.
5. Công ty chứng khoán phải công bố về mức phí giao dịch chứng khoán trước khi khách hàng thực hiện giao dịch, phải công bố về mức phí giao dịch chứng khoán trên trang thông tin điện tử của công ty.
6. Công ty chứng khoán phải thiết lập một bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm thông tin liên lạc với khách hàng và giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng.
Điều 15. Mở tài khoản giao dịch chứng khoán
1. Để thực hiện giao dịch mua, bán chứng khoán cho khách hàng, công ty chứng khoán phải làm thủ tục mở tài khoản giao dịch cho từng khách hàng trên cơ sở hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán với khách hàng. Hợp đồng mở tài khoản phải đáp ứng các quy định hiện hành và có các nội dung tối thiểu theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Công ty chứng khoán có nghĩa vụ giải thích nội dung hợp đồng mở tài khoản giao dịch và các thủ tục có liên quan khi thực hiện giao dịch chứng khoán cho khách hàng, tìm hiểu khả năng tài chính, khả năng chịu đựng rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận thu được của khách hàng.
3. Hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán quy định tại Khoản 1 Điều này không được chứa đựng những thoả thuận sau:
a) Thoả thuận nhằm trốn tránh nghĩa vụ pháp lý công ty chứng khoán mà không có lý do chính đáng;
b) Thoả thuận hạn chế phạm vi bồi thường của công ty chứng khoán mà không có lý do chính đáng hoặc chuyển rủi ro từ công ty chứng khoán sang khách hàng;
c) Thoả thuận buộc khách hàng thực hiện nghĩa vụ bồi thường một cách không công bằng;
d) Các thoả thuận gây bất lợi một cách không công bằng cho khách hàng.
4. Nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty chứng khoán phải điền đầy đủ các thông tin trên hợp đồng mở tài khoản.
Điều 16. Nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch
1. Công ty chứng khoán nhận lệnh giao dịch của khách hàng theo các hình thức sau:
a) Nhận phiếu lệnh trực tiếp tại quầy giao dịch;
b) Nhận lệnh từ xa qua điện thoại, fax, internet và các đường truyền khác.
2. Công ty chứng khoán chỉ được thực hiện giao dịch chứng khoán trực tuyến theo quy định tại Điều 201 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
3. Trường hợp nhận lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến, qua điện thoại, qua fax và các đường truyền khác, công ty chứng khoán phải tuân thủ:
a) Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn;
b) Xác thực khách hàng và đảm bảo có ghi nhận lại đầy đủ thông tin tại thời điểm nhận lệnh, lưu giữ bằng chứng chứng minh về việc đặt lệnh của khách hàng để có thể tra cứu được khi cần thiết;
c) Đảm bảo nguyên tắc xác nhận với khách hàng trước khi nhập lệnh vào hệ thống giao dịch;
d) Có biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh đường truyền và biện pháp khắc phục thích hợp khi không nhập được lệnh của khách hàng vào hệ thống giao dịch do lỗi của công ty.
4. Công ty chứng khoán chỉ được thực hiện lệnh của khách hàng khi lệnh giao dịch có đầy đủ và chính xác các thông tin về khách hàng, ngày giao dịch, thời gian nhận lệnh, mã chứng khoán, phương thức, loại lệnh, số lượng và giá giao dịch. Lệnh giao dịch của khách hàng phải được công ty chứng khoán ghi nhận thời gian (ngày, giờ, phút) nhận lệnh tại thời điểm nhận lệnh.
5. Công ty chứng khoán phải thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác lệnh giao dịch của khách hàng.
6. Công ty chứng khoán khi thực hiện thanh toán lệnh mua hoặc bán chứng khoán cho khách hàng phải đảm bảo đủ tiền, chứng khoán theo quy định và phải có các biện pháp cần thiết để đảm bảo khả năng thanh toán của khách hàng khi lệnh giao dịch được thực hiện.
7. Công ty chứng khoán phải thông báo kết quả thực hiện lệnh giao dịch cho khách hàng ngay sau khi lệnh được khớp theo phương thức do khách hàng và công ty chứng khoán thỏa thuận trong hợp đồng.
8. Trường hợp khách hàng mở tài khoản lưu ký tại thành viên lưu ký không phải là thành viên giao dịch, thành viên giao dịch và thành viên lưu ký phải ký hợp đồng thoả thuận trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc thành viên giao dịch chịu trách nhiệm thực hiện lệnh giao dịch, thành viên lưu ký chịu trách nhiệm kiểm tra tỷ lệ ký quỹ tiền, chứng khoán của khách hàng và đảm bảo thanh toán cho khách hàng theo quy định pháp luật.
Bổ sung
Bổ sung
Điều 17. Quản lý tiền của khách hàng
1. Công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán.
2. Công ty chứng khoán không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại.
3. Công ty chứng khoán không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức. Các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Công ty chứng khoán phải xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng theo phương thức nêu tại Điểm a Khoản này. Ngoài ra, công ty chứng khoán có thể xây dựng bổ sung hệ thống theo phương thức nêu tại Điểm b Khoản này để khách hàng lựa chọn:
a) Khách hàng của công ty chứng khoán mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán. Trong phương thức này, khách hàng, công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại có hợp đồng thỏa thuận về cách thức xác nhận, phong tỏa số dư tiền và chuyển tiền thanh toán giao dịch chứng khoán của khách hàng. Sau khi lệnh mua chứng khoán của khách hàng được khớp, công ty chứng khoán có quyền yêu cầu ngân hàng nơi nhà đầu tư mở tài khoản thực hiện chuyển tiền tương ứng với giá trị khớp lệnh vào tài khoản thanh toán giao dịch chứng khoán do công ty chứng khoán đứng tên mở tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn. Công ty chứng khoán có nghĩa vụ thay mặt cho khách hàng thực hiện thanh toán giao dịch chứng khoán với các bên có liên quan;
b) Công ty chứng khoán mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng. Tài khoản chuyên dụng phải mở riêng biệt và tách bạch với các tài khoản khác của công ty chứng khoán.
Tài khoản chuyên dụng này chỉ phục vụ cho giao dịch của khách hàng, cụ thể:
- Khách hàng nộp, chuyển tiền vào tài khoản giao dịch chứng khoán;
- Khách hàng rút, chuyển tiền ra khỏi tài khoản giao dịch chứng khoán;
- Khách hàng thanh toán giao dịch chứng khoán;
- Khách hàng ký quỹ giao dịch, nộp tiền đấu giá mua chứng khoán;
- Khách hàng thanh toán thực hiện quyền mua chứng khoán;
- Các trường hợp thanh toán khác của khách hàng theo yêu cầu của khách hàng và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Công ty chứng khoán có trách nhiệm thiết lập hệ thống kế toán để quản lý tiền gửi của từng nhà đầu tư. Công ty chứng khoán có nghĩa vụ xác định rõ số dư tại mọi thời điểm của từng khách hàng và cung cấp sao kê chi tiết số dư tiền của từng khách hàng bất cứ lúc nào theo yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Công ty chứng khoán có trách nhiệm đảm bảo thực hiện mọi yêu cầu rút, chuyển tiền của khách hàng trong phạm vi số dư tiền của khách hàng khi khách hàng không còn nghĩa vụ phải trả đối với công ty chứng khoán.
Công ty chứng khoán không được nhận ủy quyền của khách hàng thực hiện chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của các khách hàng.
5. Công ty chứng khoán phải công bố trên trang thông tin điện tử và tại các chi nhánh, phòng giao dịch của công ty chứng khoán danh sách ngân hàng thương mại được lựa chọn cho hai phương thức quản lý tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng.
6. Chậm nhất trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều này, công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kèm theo bản sao hợp lệ hợp đồng giữa công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại.
7. Trường hợp thực hiện báo cáo tuần, trước 16 giờ thứ hai hàng tuần hoặc ngày làm việc đầu tiên của tuần, công ty chứng khoán có tài khoản chuyên dụng phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước số lượng khách hàng, số dư tiền của khách hàng tại tài khoản chuyên dụng của công ty chứng khoán mở tại ngân hàng thương mại theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Số liệu báo cáo nêu trên được chốt tại thời điểm cuối ngày làm việc liền trước ngày báo cáo.
Điều 18. Quản lý chứng khoán của khách hàng
1. Đối với chứng khoán đã được đăng ký lưu ký tập trung:
a) Công ty chứng khoán phải quản lý tách biệt chứng khoán thuộc sở hữu của khách hàng với chứng khoán thuộc sở hữu của công ty chứng khoán;
b) Công ty chứng khoán phải thực hiện tái ký gửi chứng khoán của khách hàng vào Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định pháp luật về đăng ký, lưu ký, bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán;
c) Công ty chứng khoán có trách nhiệm thông báo kịp thời, đầy đủ cho khách hàng về những quyền lợi phát sinh liên quan đến chứng khoán của khách hàng;
d) Việc gửi, rút, chuyển khoản chứng khoán thực hiện theo lệnh của khách hàng và theo quy định về đăng ký, lưu ký, bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán.
2. Đối với chứng khoán chưa được đăng ký lưu ký tập trung, công ty chứng khoán được đăng ký và lưu ký chứng khoán của khách hàng tại công ty chứng khoán theo hợp đồng ký kết với khách hàng và theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.
Điều 19. Ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân
1. Nguyên tắc chung
a) Công ty chứng khoán được cấp phép nghiệp vụ môi giới chứng khoán theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 Luật Chứng khoán được cung cấp dịch vụ nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân;
b) Việc cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân;
c) Công ty chứng khoán không được nhận ủy thác quyết định toàn bộ giao dịch trên tài khoản giao dịch chứng khoán thay mặt cho nhà đầu tư cá nhân. Khách hàng phải ghi rõ các nội dung ủy thác cụ thể theo quy định tại Khoản 2 Điều này;
d) Chứng khoán được phép ủy thác mua, bán là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán, không bao gồm chứng khoán đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCom);
đ) Công ty chứng khoán chỉ định người hành nghề chứng khoán có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính hoặc quản lý quỹ thực hiện quản lý tài khoản giao dịch ủy thác. Việc chỉ định này được nêu rõ trong hợp đồng ký giữa công ty và nhà đầu tư cá nhân.
2. Phạm vi ủy thác bao gồm các nội dung sau:
a) Loại chứng khoán giao dịch;
b) Khối lượng tối đa có thể mua, bán cho từng loại chứng khoán;
c) Giá trị tối đa cho từng lệnh giao dịch;
d) Tổng giá trị giao dịch tối đa cho một ngày giao dịch;
đ) Phương thức giao dịch, loại lệnh giao dịch.
3. Công ty chứng khoán có trách nhiệm tổng hợp thông tin về khả năng tài chính, thời hạn đầu tư, mục tiêu đầu tư, mức độ rủi ro có thể chấp nhận, các hạn chế đầu tư, danh mục chứng khoán đầu tư (nếu có) và các yêu cầu khác của khách hàng trước khi thực hiện ký kết hợp đồng. Trường hợp khách hàng không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin không chính xác, công ty chứng khoán có quyền từ chối ký kết hợp đồng.
4. Hợp đồng ủy thác
a) Thời hạn hợp đồng ủy thác không quá 01 năm tính từ thời điểm ký kết hợp đồng;
b) Hợp đồng ủy thác tối thiểu phải có các nội dung sau:
- Thông tin về khách hàng;
- Thông tin về người hành nghề được giao quản lý tài khoản của khách hàng;
- Nội dung ủy thác;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng;
- Phí quản lý hợp đồng và phí thưởng;
- Phương thức thanh toán và thanh lý hợp đồng;
- Phương thức giải quyết tranh chấp.
5. Trường hợp công ty chứng khoán không thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký với khách hàng, gây tổn thất cho khách hàng, công ty chứng khoán có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng ủy thác theo thoả thuận bằng văn bản giữa hai bên; trường hợp phát sinh lợi nhuận, khoản lợi nhuận này thuộc về khách hàng ủy thác.
6. Quyền và nghĩa vụ của công ty chứng khoán nhận ủy thác
a) Hành động trung thực và vì lợi ích cao nhất của khách hàng, không sử dụng thông tin về khách hàng để làm lợi cho mình và gây thiệt hại cho khách hàng;
b) Yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết;
c) Thực hiện mua/bán chứng khoán trong phạm vi ủy thác;
d) Giải thích rõ và cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về mọi rủi ro có thể phát sinh trong việc ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán;
đ) Cung cấp cho khách hàng bảng sao kê giao dịch định kỳ hàng tháng hoặc bất thường theo yêu cầu của khách hàng ủy thác;
e) Thông báo cho khách hàng trong vòng 24 giờ kể từ khi tài sản trong tài khoản giao dịch ủy thác của khách hàng ủy thác giảm xuống dưới 25% tính trên tổng giá trị hợp đồng ủy thác;
g) Báo cáo định kỳ hàng tháng theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này hoặc báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hoạt động quản lý tài khoản giao dịch ủy thác;
h) Cung cấp danh sách người hành nghề chứng khoán đủ điều kiện để khách hàng lựa chọn để quản lý tài khoản ủy thác;
i) Thiết lập bộ phận giám sát độc lập giám sát việc quản lý, giao dịch chứng khoán trên tài khoản giao dịch ủy thác của người hành nghề chứng khoán nhằm đảm bảo việc giao dịch của tài khoản này phù hợp với các thỏa thuận trong hợp đồng ủy thác và mục tiêu đầu tư của khách hàng;
k) Mọi lệnh giao dịch theo hợp đồng ủy thác phải được ghi chép chính xác thời điểm thực hiện;
l) Công ty chứng khoán phải thông báo và phải có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng đối với trường hợp đầu tư vào chứng khoán do công ty thực hiện bảo lãnh phát hành trong thời gian công ty đang thực hiện bảo lãnh.
Điều 20. Giao dịch chứng khoán trực tuyến
1. Nghĩa vụ của công ty chứng khoán khi cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến
a) Đảm bảo giao dịch liên tục, thông suốt;
b) Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu của hệ thống;
c) Có hệ thống dự phòng, phương án thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố;
d) Có sự tách biệt với các hệ thống thông tin điện tử khác của công ty;
đ) Ban hành quy trình về việc vận hành, quản lý, sử dụng hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến.
2. Khi cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến cho khách hàng, công ty chứng khoán phải ký hợp đồng hoặc phụ lục kèm theo hợp đồng mở tài khoản cho khách hàng, bao gồm các nội dung sau:
a) Công bố các rủi ro có thể xảy ra khi giao dịch chứng khoán trực tuyến;
b) Quy định trách nhiệm của khách hàng và công ty chứng khoán về việc bảo mật thông tin về giao dịch trực tuyến của khách hàng.
3. Công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hoạt động giao dịch chứng khoán trực tuyến, tình trạng hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến và công bố thông tin theo quy định pháp luật về hướng dẫn giao dịch điện tử.
Điều 21. Đăng ký, lưu ký, bù trừ chứng khoán
1. Phạm vi thực hiện
a) Cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký chứng khoán cho khách hàng;
b) Thực hiện thanh toán các giao dịch chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán cho khách hàng;
c) Cung cấp dịch vụ quản lý sổ cổ đông, đại lý chuyển nhượng theo yêu cầu của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng.
2. Quyền và nghĩa vụ của công ty chứng khoán
a) Mở tài khoản lưu ký cho khách hàng tại công ty chứng khoán, quản lý tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật. Tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng phải tách biệt với tài khoản lưu ký chứng khoán của chính công ty;
b) Ghi chép chính xác, đầy đủ và cập nhật thông tin về khách hàng mở tài khoản lưu ký và chứng khoán sở hữu của khách hàng đã lưu ký tại công ty;
c) Bảo quản, lưu trữ, thu thập và xử lý số liệu liên quan đến hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ chứng khoán của khách hàng;
d) Xây dựng các quy trình đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ, quản lý sổ cổ đông, đại lý chuyển nhượng và quy trình kiểm soát nội bộ nhằm quản lý và bảo vệ quyền lợi của khách hàng hoặc người sở hữu chứng khoán;
 đ) Thu phí dịch vụ hoạt động đăng ký, lưu ký chứng khoán và các loại phí dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán
1. Công ty chứng khoán phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán để thanh toán các lệnh giao dịch cho tài khoản của chính mình.
2. Nghiệp vụ tự doanh của công ty chứng khoán phải được thực hiện với danh nghĩa chính mình, không được mượn danh nghĩa của người khác hoặc thực hiện với danh nghĩa cá nhân hoặc cho người khác sử dụng tài khoản tự doanh.
3. Các trường hợp sau không được coi là tự doanh chứng khoán:
a) Mua, bán chứng khoán do sửa lỗi sau giao dịch;
b) Mua, bán cổ phiếu của chính mình.
4. Công ty chứng khoán phải ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước khi thực hiện lệnh của chính mình.
5. Công ty chứng khoán phải công bố cho khách hàng biết khi mình là đối tác trong giao dịch thỏa thuận với khách hàng.
6. Trong trường hợp lệnh mua, bán chứng khoán của khách hàng có thể ảnh hưởng lớn tới giá của loại chứng khoán đó, công ty chứng khoán không được mua, bán trước cùng loại chứng khoán đó cho chính mình hoặc tiết lộ thông tin cho bên thứ ba mua, bán chứng khoán đó.  
7. Khi khách hàng đặt lệnh giới hạn, công ty chứng khoán không được mua hoặc bán cùng chiều cùng loại chứng khoán đó cho mình ở mức giá bằng hoặc tốt hơn mức giá của khách hàng trước khi lệnh của khách hàng được thực hiện.
Điều 23. Nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán
1. Công ty chứng khoán thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng thực hiện bảo lãnh theo phương thức nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành chỉ được phép bảo lãnh phát hành tổng giá trị chứng khoán không được lớn hơn vốn chủ sở hữu và không được vượt quá 15 lần hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tính theo báo cáo tài chính quý gần nhất.
2. Công ty chứng khoán không được bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn hoặc là người bảo lãnh chính trong các trường hợp sau đây:
a) Công ty chứng khoán, độc lập hoặc cùng công ty con hoặc cùng với người có liên quan sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành, hoặc có quyền kiểm soát tổ chức phát hành, hoặc có quyền bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức phát hành;
b) Tối thiểu 30% vốn điều lệ của công ty chứng khoán và tối thiểu 30% vốn điều lệ của tổ chức phát hành do cùng một cá nhân hoặc một tổ chức nắm giữ;
c) Tổ chức phát hành, độc lập hoặc cùng các công ty con hoặc cùng với người có liên quan sở hữu từ 20% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán, hoặc có quyền kiểm soát công ty chứng khoán, hoặc có quyền bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc) của công ty chứng khoán;
d) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người có liên quan của công ty chứng khoán đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức phát hành;
 đ) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người có liên quan của tổ chức phát hành là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của công ty chứng khoán;
e) Công ty chứng khoán và tổ chức phát hành có chung người đại diện theo pháp luật.
3. Công ty chứng khoán nhận bảo lãnh phát hành chứng khoán phải mở tài khoản riêng biệt tại ngân hàng thương mại để nhận tiền đặt mua chứng khoán của nhà đầu tư.
Điều 24. Nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán
1. Để cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán cho khách hàng, công ty chứng khoán phải ký kết hợp đồng với khách hàng với các nội dung tối thiểu như sau:
a) Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng;
b) Phạm vi tư vấn đầu tư chứng khoán;
c) Phương thức cung cấp dịch vụ;
d) Phí dịch vụ.
2. Công ty chứng khoán phải thu thập và quản lý thông tin về khách hàng, bao gồm:
a) Tình hình tài chính của khách hàng;
b) Mục tiêu đầu tư của khách hàng;
c) Khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng;
d) Kinh nghiệm và hiểu biết về đầu tư của khách hàng.
3. Các nội dung tư vấn đầu tư chứng khoán phải có cơ sở hợp lý và phù hợp dựa trên thông tin đáng tin cậy, phân tích lôgic. Khuyến nghị đầu tư chứng khoán được đưa ra phải liên quan và phù hợp với nội dung phân tích chứng khoán và thị trường chứng khoán. Các báo cáo phân tích chứng khoán và thị trường, khuyến nghị đầu tư phải ghi rõ nguồn trích dẫn số liệu và tên người chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo, khuyến nghị đầu tư chứng khoán.
4. Công ty chứng khoán tư vấn đầu tư cho khách hàng phải đảm bảo rằng khách hàng đưa ra quyết định đầu tư trên cơ sở được cung cấp thông tin đầy đủ bao gồm cả nội dung và rủi ro của sản phẩm, dịch vụ cung cấp.
5. Công ty chứng khoán phải bảo mật các thông tin nhận được từ người sử dụng dịch vụ tư vấn trong quá trình cung ứng dịch vụ tư vấn trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.
6. Công ty chứng khoán phải tư vấn đầu tư phù hợp với mục tiêu đầu tư và tình hình tài chính của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về kết quả phân tích và độ tin cậy của thông tin cung cấp cho khách hàng.
7. Công ty chứng khoán không được cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán cho công ty mà mình nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ.
Điều 25. Các dịch vụ tài chính khác
1. Công ty chứng khoán khi thực hiện dịch vụ tài chính khác theo quy định tại Khoản 5 Điều 86 Luật Chứng khoán phải có liên quan và hỗ trợ cho các nghiệp vụ đã được cấp phép của công ty chứng khoán và phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng, của chính công ty chứng khoán và của thị trường.
2. Công ty chứng khoán không được cung cấp dịch vụ tư vấn chào bán, tư vấn niêm yết chứng khoán, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cho công ty mà mình nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ.
3. Công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật sau khi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tạm ngừng, đình chỉ việc cung cấp dịch vụ tài chính khác của công ty chứng khoán nếu việc cung cấp dịch vụ đó trái với quy định của pháp luật hoặc gây rủi ro hệ thống thị trường chứng khoán.
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ TÀI CHÍNH ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÔNG TY CHỨNG KHOÁN
Điều 26. Hạn chế vay nợ
1. Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được vượt quá 05 lần. Giá trị tổng nợ theo quy định này không bao gồm các khoản sau đây:
a) Tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng;
b) Quỹ khen thưởng phúc lợi;
c) Dự phòng trợ cấp mất việc làm;
d) Dự phòng bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư.
2. Nợ ngắn hạn của công ty chứng khoán tối đa bằng tài sản ngắn hạn.
3. Công ty chứng khoán chào bán trái phiếu thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Chứng khoán, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và phải đảm bảo tuân thủ tỷ lệ quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này.
Điều 27. Hạn chế cho vay
1. Trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 86 Luật Chứng khoán, công ty chứng khoán không được cho vay tiền, chứng khoán dưới mọi hình thức.
2. Công ty chứng khoán không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba.
3. Công ty chứng khoán không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào đối với Chủ sở hữu, cổ đông lớn, thành viên Ban Kiểm soát, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Giám đốc, kế toán trưởng, các chức danh quản lý khác do Hội đồng quản trị công ty chứng khoán bổ nhiệm và người có liên quan của những đối tượng nêu trên.
4. Công ty chứng khoán đã được thực hiện giao dịch ký quỹ theo quy định pháp luật được cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán dưới hình thức giao dịch ký quỹ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
5. Công ty chứng khoán được cho vay chứng khoán để sửa lỗi giao dịch, hoặc cho vay để thực hiện các giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 28. Hạn chế đầu tư
1. Công ty chứng khoán không được mua, góp vốn mua bất động sản trừ trường hợp để sử dụng làm trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán.
2. Công ty chứng khoán mua, đầu tư vào bất động sản theo quy định tại Khoản 1 Điều này và tài sản cố định theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định và bất động sản không được vượt quá 50% giá trị tổng tài sản của công ty chứng khoán.
3. Tổng giá trị đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp của công ty chứng khoán không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu. Công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được mua bán lại trái phiếu niêm yết theo quy định có liên quan về giao dịch mua bán lại trái phiếu.
4. Công ty chứng khoán không được trực tiếp hoặc ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện:
a) Đầu tư vào cổ phiếu hoặc phần vốn góp của công ty có sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, trừ trường hợp mua cổ phiếu lô lẻ theo yêu cầu của khách hàng;
b) Cùng với người có liên quan đầu tư từ 5% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán khác;
c) Đầu tư quá 20% tổng số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang lưu hành của một tổ chức niêm yết;
d) Đầu tư quá 15% tổng số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang lưu hành của một tổ chức chưa niêm yết, quy định này không áp dụng đối với chứng chỉ quỹ thành viên, quỹ hoán đổi danh mục và quỹ mở;
đ) Đầu tư hoặc góp vốn quá 10% tổng số vốn góp của một công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc dự án kinh doanh;
e) Đầu tư hoặc góp vốn quá 15% vốn chủ sở hữu vào một tổ chức hoặc dự án kinh doanh;
g) Đầu tư quá 70% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu, phần vốn góp và dự án kinh doanh, trong đó không được đầu tư quá 20% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu chưa niêm yết, phần vốn góp và dự án kinh doanh.
5. Công ty chứng khoán được thành lập, mua lại công ty quản lý quỹ làm công ty con. Trong trường hợp này, công ty chứng khoán không phải tuân thủ quy định tại điểm c, d và đ Khoản 4 Điều này. Công ty chứng khoán dự kiến thành lập, mua lại công ty quản lý quỹ làm công ty con phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Vốn chủ sở hữu sau khi góp vốn thành lập, mua lại công ty quản lý quỹ tối thiểu phải bằng vốn điều lệ tối thiểu cho các nghiệp vụ kinh doanh công ty đang thực hiện;
b) Tỷ lệ vốn khả dụng sau khi góp vốn thành lập, mua lại công ty quản lý quỹ tối thiểu phải đạt 180%;
c) Công ty chứng khoán sau khi góp vốn thành lập, mua lại công ty quản lý quỹ phải đảm bảo tuân thủ hạn chế vay nợ quy định tại Điều 26 Thông tư này và hạn chế đầu tư quy định tại Khoản 3 Điều này và Điểm e Khoản 4 Điều này.
6. Trường hợp công ty chứng khoán đầu tư vượt quá hạn mức do thực hiện bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn, do hợp nhất, sáp nhập hoặc do biến động tài sản, vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán hoặc tổ chức góp vốn, công ty chứng khoán phải áp dụng các biện pháp cần thiết để tuân thủ hạn mức đầu tư theo quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều này tối đa trong thời hạn 01 năm.
Bổ sung
Chương V
CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Điều 29. Chế độ báo cáo
1. Việc báo cáo của công ty chứng khoán phải đầy đủ, kịp thời và phản ánh chính xác tình hình thực tế của công ty chứng khoán.
2. Công ty chứng khoán phải gửi báo cáo định kỳ bằng tệp dữ liệu điện tử cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước qua hệ thống thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo các thời hạn và quy định như sau:
a) Trong vòng 05 ngày làm việc của tháng tiếp theo, công ty chứng khoán phải gửi Báo cáo tình hình hoạt động tháng (theo mẫu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư này);
b) Trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý, công ty chứng khoán phải gửi Báo cáo tài chính quý. Trường hợp công ty chứng khoán phải lập báo cáo tài chính quý hợp nhất, công ty chứng khoán phải gửi báo cáo tài chính quý hợp nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý;
c) Trong vòng 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính, công ty chứng khoán phải gửi báo cáo tài chính bán niên và báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 30 tháng 6 đã được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận. Trường hợp công ty chứng khoán phải lập báo cáo tài chính bán niên hợp nhất, công ty chứng khoán phải gửi báo cáo tài chính bán niên hợp nhất đã được soát xét trong vòng 60 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính;
d) Báo cáo năm
 Trước ngày 20 tháng 01 của năm tiếp theo, công ty chứng khoán phải gửi báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động của công ty (theo mẫu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư này).
 Trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo, công ty chứng khoán phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Báo cáo tài chính năm và Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 31 tháng 12 đã được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán được chấp thuận. Trường hợp công ty chứng khoán phải lập báo cáo tài chính năm hợp nhất, công ty chứng khoán phải gửi báo cáo tài chính năm hợp nhất đã được kiểm toán trong vòng 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
đ) Báo cáo tài chính của công ty chứng khoán gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định tại Điểm b, c, d Khoản này phải đầy đủ các thành phần và nội dung theo quy định của pháp luật kế toán quy định đối với công ty chứng khoán;
e) Trường hợp báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán ngoại trừ chưa nêu chi tiết khoản mục ngoại trừ và lý do ngoại trừ, công ty chứng khoán phải có văn bản giải trình và có xác nhận của kiểm toán gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chậm nhất 30 ngày kể từ ngày gửi báo cáo theo quy định tại Điểm c và d Khoản này.
3. Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ khi xảy ra các sự kiện dưới đây, công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản:
a) Vay, đầu tư vượt quá hạn mức quy định tại Điều 26 và Điều 28 Thông tư này;
b) Ngày trụ sở chính công ty chứng khoán, chi nhánh, phòng giao dịch khai trương hoạt động.
4. Báo cáo quản trị rủi ro
Trước ngày 31/01 và 31/7 hàng năm, công ty chứng khoán phải gửi Báo cáo năm/6 tháng về hoạt động quản trị rủi ro (theo mẫu quy định tại Phụ lục IV Thông tư này).
5. Báo cáo theo yêu cầu
Trường hợp cần thiết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu công ty chứng khoán báo cáo bằng văn bản, trong đó nêu rõ nội dung và thời hạn báo cáo.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán và Thông tư số 07/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán.
3. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, công ty chứng khoán có trách nhiệm thông qua Điều lệ công ty tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất theo quy định tại Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019, Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020, Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan.
4. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết./.

 Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Cổng thông tin điện tử Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
- Lưu: VT, UBCK (300b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Huỳnh Quang Hải

PHỤ LỤC I

MẪU BÁO CÁO TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG, KINH DOANH CỦA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

(Ban hành kèm theo Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

TÊN CÔNG TY
CHỨNG KHOÁN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: ……..

V/v báo cáo tình hình hoạt động, kinh doanh

……, ngày…..tháng…..năm…..

Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Biểu: Báo cáo tình hình hoạt động của Công ty chứng khoán

TT

Tiêu chí

Đơn vị tính

Nội dung

Ghi chú

Tháng

Quý

6 tháng

Năm

(1)

(2)

(3)

(4)

 

 

 

 

1

I. Giới thiệu chung về CTCK

 

 

 

 

 

 

2

1. Tên công ty

 

 

 

 

 

x

3

2. Vốn điều lệ

triệu đồng

 

 

x

x

x

4

3. Nghiệp vụ Môi giới

 

 

 

 

 

x

5

4. Nghiệp vụ Tự doanh

 

 

 

 

 

x

6

5. Nghiệp vụ Tư vấn đầu tư

 

 

 

 

 

x

7

6. Nghiệp vụ Bảo lãnh phát hành

 

 

 

 

 

x

8

7. Nghiệp vụ Lưu ký

 

 

 

 

 

x

9

8. Nghiệp vụ Phái sinh

 

 

 

 

 

x

10

9. Loại hình doanh nghiệp (CTĐC/CTCP/TNHH)

 

 

 

 

 

 

11

10. Tổng số người lao động tại Công ty

người

 

x

x

x

x

12

11. Tổng số người có chứng chỉ hành nghề

người

 

x

x

x

x

13

II. Kết quả kinh doanh

 

 

 

 

 

 

14

1. Tổng doanh thu

triệu đồng

 

 

x

x

x

15

2. Lợi nhuận sau thuế

triệu đồng

 

 

x

x

x

16

3. Doanh thu môi giới

triệu đồng

 

 

 

x

x

17

4. Tỷ trọng doanh thu môi giới so với tổng doanh thu

% (làm tròn đến số thập phân thứ hai)

 

 

 

x

x

18

5. Doanh thu tự doanh

triệu đồng

 

 

 

x

x

19

6. Tỷ trọng doanh thu tự doanh so với tổng doanh thu

% (làm tròn đến số thập phân thứ hai)

 

 

 

x

x

20

7. Doanh thu tư vấn đầu tư

triệu đồng

 

 

 

x

x

21

8.Tỷ trọng doanh thu tư vấn so với tổng doanh thu

% (làm tròn đến số thập phân thứ hai)

 

 

 

x

x

22

9. Doanh thu bảo lãnh phát hành

triệu đồng

 

 

 

x

x

23

10. Tỷ trọng doanh thu bảo lãnh phát hành so với tổng doanh thu

% (làm tròn đến số thập phân thứ hai)

 

 

 

x

x

24

11. Doanh thu khác

triệu đồng

 

 

 

x

x

25

12. Tỷ trọng doanh thu khác so với tổng doanh thu

% (làm tròn đến số thập phân thứ hai)

 

 

 

x

x

26

III. Hạn chế đầu tư

Đánh giá tình hình tuân thủ hạn chế đầu tư

 

x

x

x

x

27

IV. Vi phạm quy định về số lượng người hành nghề

 

 

 

 

x

x

28

V. Vi phạm chế độ công bố thông tin

 

 

 

 

x

x

29

VI. Tình trạng hoạt động

 

 

 

 

 

 

30

1. Tỷ lệ An toàn tài chính

 

 

 

 

x

x

31

2. Nghiệp vụ bị đình chỉ

 

 

 

 

 

x

32

3. Tạm ngừng hoạt động công ty/chi nhánh/Phòng giao dịch

 

 

 

 

 

x

33

4. Chấm dứt hoạt động kinh doanh

 

 

 

 

 

x

 

Ghi chú:

 

 

 

 

 

 

1. Loại file: excel

2. Font: Times New Roman, cỡ chữ 12

3. Tại mục "Loại hình doanh nghiệp": Công ty cổ phần đại chúng: "CTĐC"; Công ty cổ phần chưa đại chúng: "CTCP"; Công ty trách nhiệm hữu hạn: "TNHH".

4. "Lợi nhuận sau thuế" (6 tháng): BCTC soát xét 6 tháng.

5. Dòng 26 "Hạn chế đầu tư": Công ty tự đánh giá đáp ứng/không đáp ứng quy định tại Điều 26 và Điều 28 Thông tư này.

6. Dòng 4,5,6,7,8,9: Đánh dấu x (nếu có) vào cột (4) tương ứng.

7. Dòng 27, 28: Dành cho các trường hợp vi phạm đã có quyết định xử phạt hành chính của UBCKNN. Điền số Quyết định và Ngày ban hành quyết định.

8. Dòng 30 cột (4): ghi Bình thường/Cảnh báo/Kiểm soát/Kiểm soát đặc biệt

9. Dòng 31, 32, 33 cột (4): Ghi Có/Không

NGƯỜI LẬP
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ TRÁCH BỘ PHẬN KIỂM SOÁT NỘI BỘ
(Ký, ghi rõ họ tên)

(TỔNG) GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC II

MẪU BÁO CÁO CHI TIẾT TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG, KINH DOANH CỦA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

(Ban hành kèm theo Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

 

TÊN CÔNG TY CHỨNG KHOÁN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: ……..

V/v báo cáo chi tiết tình hình hoạt động, kinh doanh

…….., ngày…..tháng……năm…..

 

 

 

Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

 

Công ty chứng khoán...

Biểu II.1 Tình hình nhân sự

quý/6 tháng/năm

Đơn vị tính: người

TT

Đối tượng

Số lượng người lao động

Số lượng người có chứng chỉ hành nghề

Ghi chú

Trong kỳ

Tăng/Giảm

Trong kỳ

Tăng/Giảm

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

1

I. Trụ sở chính

 

 

 

 

 

2

1. Ban Giám đốc

 

 

 

 

 

3

2. Bộ phận môi giới

 

 

 

 

 

4

3. Bộ phận tự doanh

 

 

 

 

 

5

4. Bộ phận bảo lãnh phát hành

 

 

 

 

 

6

5. Bộ phận tư vấn đầu tư

 

 

 

 

 

7

II. Chi nhánh

 

 

 

 

 

8

1. Chi nhánh....(tên chi nhánh)

 

 

 

 

 

9

- Giám đốc chi nhánh

 

 

 

 

 

10

- Bộ phận môi giới

 

 

 

 

 

11

- Bộ phận tư vấn

 

 

 

 

 

12

2. Chi nhánh...(tên chi nhánh)

 

 

 

 

 

13

- Giám đốc chi nhánh

 

 

 

 

 

14

- Bộ phận môi giới

 

 

 

 

 

15

Bộ phận tư vấn

 

 

 

 

 

16

III. Phòng giao dịch

 

 

 

 

 

17

1. Phòng giao dịch...(tên phòng giao dịch)

 

 

 

 

 

18

2. Phòng giao dịch...(tên phòng giao dịch)

 

 

 

 

 

19

3. Bộ phận khác

 

 

 

 

 

20

Tổng số

 

 

 

 

 

Ghi chú:

- Cột (3), (4), (5), (6): Nhập theo định dạng số "Number". Trường hợp số âm thì để trong ngoặc đơn ( ).

Biểu II.2 Tình hình cổ đông/thành viên góp vốn nắm giữ từ 5% vốn điều lệ

6 tháng/năm

TT

Thông tin về cổ đông

Thông tin về tỷ lệ nắm giữ

Họ và tên (cá nhân)/ Tên tổ chức

Số giấy CMND/CCCD /Hộ chiếu (người nước ngoài)/ Số Giấy ĐKKD (Tổ chức)

Ngày cấp

Địa chỉ

Quốc tịch (người nước ngoài)/Tổ chức (nước ngoài)

Đầu kỳ

Cuối kỳ

Số lượng cổ phần/ phần vốn góp

Tỷ lệ nắm giữ so với vốn điều lệ

Số lượng cổ phần/ phần vốn góp

Tỷ lệ nắm giữ so với vốn điều lệ

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

1.

 

 

 

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

- Cột (4): Định dạng theo date (DD/MM/YYYY)

- Cột (6): Ghi rõ tên nước.

- Cột (7) và (9): Nhập theo định dạng số "Number".

- Cột (8) và (10): Nhập theo định dạng %, làm tròn số phần trăm đến số thập phân thứ hai.

Biểu II.3 Các thay đổi phải được chấp thuận trong kỳ

6 tháng/năm

TT

Nội dung

Địa điểm

Đóng cửa

Thành lập mới

Thay đổi tên

Nhân sự cấp cao

Thay đổi nghiệp vụ kinh doanh

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

1

I. Trong nước

 

 

 

 

 

 

2

Trụ sở chính

 

 

 

 

 

 

3

Chi nhánh

 

 

 

 

 

 

4

Phòng giao dịch

 

 

 

 

 

 

5

Văn phòng đại diện

 

 

 

 

 

 

6

II. Nước ngoài

 

 

 

 

 

 

7

Chi nhánh

 

 

 

 

 

 

8

Văn phòng đại diện

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

- Công ty chứng khoán nộp báo cáo theo biểu này sau khi có thay đổi (tính từ thời điểm Ủy ban chứng khoán nhà nước ra Quyết định chấp thuận thay đổi) tại báo cáo của kỳ gần nhất.

- Cột (3), (6), (7), (8): Định dạng số "Number" nhập theo số lần thay đổi tính đến thời điểm báo cáo.

- Cột (4), (5): Định dạng số "Number", đơn vị: Số lượng.

- Cột (7): Nhân sự cấp cao bao gồm Người đại diện theo pháp luật đối với trụ sở chính, người đứng đầu chi nhánh

Biểu II.4 Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư

quý/6 tháng/năm

TT

Loại khách hàng

Số lượng tài khoản

Số lượng tài khoản có phát sinh giao dịch trong kỳ

Trong kỳ

Tăng/Giảm

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

1

I. Trong nước

 

 

 

2

1. Cá nhân

 

 

 

3

2. Tổ chức

 

 

 

4

II. Nước ngoài

 

 

 

5

1. Cá nhân

 

 

 

6

2. Tổ chức

 

 

 

7

Tổng (I + II)

 

 

 

Ghi chú:

- Cột (3), (4), (5), (6): Nhập theo định dạng số "Number". Trường hợp số âm thì để trong ngoặc đơn ( ).

Biểu II.5 Tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư

Tháng/năm

STT

Ngân hàng nhận tiền gửi

Số dư trên tài khoản (triệu đồng)

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

1

I. Ngân hàng A

 

 

2

1. Tài khoản số A1

 

 

3

2. Tài khoản số A2

 

 

4

3. Tài khoản số...

 

 

5

II. Ngân hàng B

 

 

6

1. Tài khoản số B1

 

 

7

2. Tài khoản số B2

 

 

8

3. Tài khoản số...

 

 

9

Tổng (I + II +...)

 

 

Ghi chú:

- Liệt kê chi tiết từng tài khoản tại tất cả các ngân hàng nhận tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.

- Dòng 1 cột (3): Tổng số dư trên tài khoản A1, A2,…

- Dòng 5 cột (3): Tổng số dư trên tài khoản B1, B2...

Biểu II.6 Giao dịch chứng khoán niêm yết/đăng ký giao dịch

Tháng/6 tháng/năm

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Loại chứng khoán

Tổng mua

Tổng bán

Tổng mua và bán

Trong kỳ

Lũy kế từ đầu năm

Trong kỳ

Lũy kế từ đầu năm

Trong kỳ

Lũy kế từ đầu năm

HNX

HSX

HNX

HSX

HNX

HSX

HNX

HSX

HNX

HSX

HNX

HSX

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

1

I. Nhà đầu tư

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

1. Giao dịch cổ phiếu của NĐT trong nước

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

2. Giao dịch cổ phiếu của NĐT nước ngoài

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

3. Giao dịch chứng chỉ quỹ của NĐT trong nước

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

4. Giao dịch chứng chỉ quỹ của NĐT nước ngoài

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

B. Tự doanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

1. Cổ phiếu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10

2. Trái phiếu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11

3. Chứng chỉ quỹ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

- HNX là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội

- HSX là Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh

Biểu II.7 Giao dịch chứng khoán chưa niêm yết/đăng ký giao dịch

tháng/6 tháng/năm

STT

Chứng khoán

Kỳ hạn

Mua trong kỳ

Bán trong kỳ

≤ 2 năm

> 2 năm và < 5 năm

≥ 5 năm

KL

Giá trị (triệu đồng)

KL

Giá trị (triệu đồng)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

1

I. Cổ phiếu (Tổng)

 

 

 

x

x

x

x

2

1. Công ty A

 

 

 

x

x

x

x

3

2. Công ty B

 

 

 

x

x

x

x

4

3. Công ty...

 

 

 

x

x

x

x

5

II. Trái phiếu

Tổng

Tổng

Tổng

 

Tổng

 

Tổng

6

1. Trái phiếu A

 

 

 

 

x

 

x

7

2. Trái phiếu B

 

 

 

 

x

 

x

8

3. Trái phiếu …

 

 

 

 

x

 

x

Ghi chú:

- Báo cáo chi tiết theo từng tổ chức phát hành.

- Cột (3), (4), (5) chỉ áp dụng với mục "Trái phiếu". Đánh dấu x tương ứng với kỳ hạn của từng loại trái phiếu.

- Cột (6) đến Cột (9): Nhập theo định dạng số ("Number").

Biểu II.8 Tình hình giao dịch ký quỹ chứng khoán

tháng/năm

TT

Nội dung

Cuối kỳ

Khối lượng chứng khoán cầm cố

Ghi chú

Số lượng

Giá trị (triệu đồng)

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

1

I. Số lượng tài khoản giao dịch ký quỹ

x

 

 

 

2

II. Giá trị chứng khoán ký quỹ

 

x

 

 

3

III. Nguồn vốn tài trợ giao dịch ký quỹ

 

x

 

 

4

1. Vốn chủ sở hữu

 

x

 

 

5

2. Vốn vay từ tổ chức tín dụng

 

x

 

 

6

3. Vốn vay từ nguồn khác

 

x

 

 

7

IV. Thu từ hoạt động ký quỹ

 

x

 

 

8

V. Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ tại HSX

 

x

 

 

9

1. Mã ABC

 

x

x

 

10

2. Mã XYZ

 

x

x

 

11

3. Mã...

 

x

x

 

12

VI. Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ tại HNX

 

x

x

 

13

1. Mã ACB

 

x

x

 

14

2. Mã YZX

 

x

x

 

15

3. Mã...

 

 

 

 

16

VII. Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (V+VI)

 

 

 

 

Ghi chú:

- Số liệu được chốt vào ngày làm việc cuối cùng của tháng

- Trường hợp đối với 50 mã trở lên phải lập biểu chi tiết II.8B

Biểu II.8B Chi tiết tình hình cho vay giao dịch ký quỹ từng mã chứng khoán

tháng/năm

TT

Nội dung

Khối lượng cầm cố

Dư nợ cho vay (triệu đồng)

1

I. HSX

x

x

2

Mã ...

x

x

3

Mã ...

x

x

4

II. HNX

x

x

5

Mã ...

x

x

6

Mã ...

x

x

7

Tổng

 

x

Ghi chú: Áp dụng đối với số mã chứng khoán cho vay ký quỹ từ 50 mã trở lên

Biểu II.9 Ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân

tháng/năm

TT

Loại khách hàng

Tổng số tài khoản ủy thác

Giá trị ủy thác (triệu đồng)

Đầu kỳ

Cuối kỳ

Tăng/Giảm

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

1

Trong nước

 

 

 

 

2

Nước ngoài

 

 

 

 

 

Tổng

 

 

 

 

Ghi chú:

- Cột (3), (4): Tính theo ngày dương lịch đầu/cuối tháng (Phiên giao dịch đầu tiên/cuối cùng của tháng).

- Cột (3), (4), (5), (6): Nhập theo định dạng số "Number". Trường hợp số âm thì để trong ngoặc đơn ( ).

Biểu II.10 Tình hình nắm giữ chứng khoán niêm yết

tháng/năm

TT

Loại chứng khoán

Số lượng chứng khoán nắm giữ

Giá trị chứng khoán nắm giữ (triệu đồng)

Tổng số chứng khoán đang lưu hành của tổ chức phát hành vào thời điểm báo cáo

Tỷ lệ sở hữu (%)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)=(3)/(5) *100

1

I. Cổ phiếu

 

x

 

 

2

A

x

x

x

x

3

x

 

x

x

4

II. Chứng chỉ quỹ

 

x

 

 

5

A

x

x

x

x

6

x

x

x

x

7

Tổng (I+II)

 

x

 

 

Ghi chú:

- Cột (2) loại chứng khoán được ghi cụ thể theo mã chứng khoán (đối với chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch).

- Cột (3) là các chứng khoán hiện CTCK đang nắm giữ, không bao gồm chứng khoán đang về tài khoản.

- Phải loại trừ chứng khoán nắm giữ thuộc các giao dịch kỳ hạn chứng khoán khỏi mục này.

- Giá trị tính theo giá mua vào.

Biểu II.11 Tình hình đầu tư, góp vốn vào tổ chức khác

Quý/năm

TT

Danh mục đầu tư

Giá trị cuối kỳ

Ghi chú

Cổ phiếu

Vốn góp vào tổ chức/dự án kinh doanh

Tài sản cố định (triệu đồng)

Trái phiếu doanh nghiệp (triệu đồng)

 

Số lượng cổ phiếu nắm giữ

Giá trị cổ phiếu nắm giữ (triệu đồng)

Tỷ lệ đầu tư (%)

Giá trị (triệu đồng)

Tỷ lệ đầu tư (%)

 

 

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

1

I. Đầu tư trong nước

 

x

 

x

 

 

x

 

2

Công ty A

x

x

x

 

 

 

x

 

3

Dự án B

 

 

 

x

x

 

 

 

4

II. Đầu tư ra nước ngoài

 

x

 

x

 

 

x

 

5

Công ty A

x

x

x

 

 

 

x

 

6

Dự án B

 

 

 

x

x

 

 

 

7

Tổng (I+II)

 

x

 

x

 

x

x

 

8

Tổng*

 

 

 

 

9

III. Tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định

 

 

 

 

 

x

 

 

10

IV. Tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp

 

 

 

 

 

 

x

 

11

V. Tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu, phần vốn góp và dự án kinh doanh

x

 

 

 

Ghi chú:

Tổng*= Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết (tại biểu II.10)+ tổng giá trị cột (4) + Tổng Giá trị cột (7)

Tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu, phần vốn góp và dự án kinh doanh = Tổng*/Vốn chủ sở hữu công ty chứng khoán

Tỷ lệ đầu tư tài sản cố định = Tổng giá trị còn lại của tài sản cố định/Tổng tài sản công ty chứng khoán

Tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp = Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp/Vốn chủ sở hữu công ty chứng khoán

Tỷ lệ đầu tư ở cột (5)= Số lượng cổ phiếu chưa niêm yết của một tổ chức công ty sở hữu/số lượng cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức

Tỷ lệ đầu tư ở cột (8) = Giá trị vốn góp/Vốn chủ sở hữu công ty chứng khoán

Biểu II.12 Hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán

6 tháng/năm

Đơn vị: triệu đồng

TT

Tên tổ chức phát hành

Loại chứng khoán bảo lãnh

Hình thức bảo lãnh

Tổng giá trị bảo lãnh

Hiệu số giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn

Cổ phiếu

Trái phiếu

 

 

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

 

...

 

 

 

 

 

Ghi chú: Số liệu lấy theo báo cáo quý gần nhất.

Cột (6), (7): Nhập theo định dạng số “Number”.

Biểu II.13 Các hoạt động tư vấn và cung cấp dịch vụ

6 tháng/năm

TT

Loại hoạt động

Số lượng hợp đồng

Số hợp lượng đồng tăng/giảm trong kỳ

(1)

(2)

(3)

(4)

 

I. Tư vấn đầu tư chứng khoán

 

 

 

II. Tư vấn tài chính

 

 

 

1. Tư vấn ..

 

 

 

2. Tư vấn ..

 

 

 

III. Dịch vụ khác:

 

 

 

1. …..

 

 

 

2. …..

 

 

Cột (3), (4): Nhập theo định dạng số (“Number”). Trường hợp số âm thì để trong ngoặc đơn ( ).

Ghi chú chung:

- Loại file: excel

- Font: Times New Roman, cỡ chữ 12

 

NGƯỜI LẬP
(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ TRÁCH BỘ PHẬN KIỂM SOÁT NỘI BỘ
(Ký, ghi rõ họ tên)

(TỔNG) GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC III

CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA HỢP ĐỒNG MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN GIỮA CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VÀ KHÁCH HÀNG

(Ban hành kèm theo Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

 

1. Các bên tham gia ký kết hợp đồng

a) Công ty chứng khoán

- Địa chỉ trụ sở chính:

- Người đại diện pháp luật/Người được ủy quyền

+ Họ và tên:                                       Chức vụ:

+ Số CMND/CCCD hoặc số hộ chiếu (người nước ngoài): …………. ngày cấp …………….. nơi cấp ……………………………

+ Quyết định ủy quyền số ……….. ngày ....tháng...năm...

b) Khách hàng cá nhân

- Họ và tên:

+ Số CMND/CCCD hoặc số hộ chiếu (người nước ngoài): …………. ngày cấp …………….. nơi cấp ……………………………

- Địa chỉ thường trú:

- Số điện thoại liên lạc:

c) Khách hàng tổ chức

- Tên tổ chức:

- Địa chỉ:                                               Điện thoại:

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:

- Người đại diện pháp luật/người được ủy quyền:

+ Họ và tên                                  Chức vụ

+ Số CMND/CCCD hoặc số hộ chiếu (người nước ngoài): …………. ngày cấp …………….. nơi cấp ……………………………

+ Quyết định ủy quyền số …………. ngày ....tháng...năm,..

+ Số điện thoại liên lạc:

2. Điều khoản về các thỏa thuận cụ thể

a) Các cách thức nhận lệnh của công ty;

b) Tỷ lệ ký quỹ đặt mua/bán chứng khoán được áp dụng;

c) Thỏa thuận về lãi suất trên số dư tiền gửi giao dịch chứng khoán;

d) Thời hạn, cách thức xử lý tài sản trong trường hợp khách hàng không có khả năng thanh toán đúng hạn;

đ) Thỏa thuận về thời gian và phương thức chuyển đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam trong trường hợp chuyển tiền giao dịch chứng khoán bằng ngoại tệ.

3. Điều khoản về quyền và nghĩa vụ các bên tham gia

a) Quyền và nghĩa vụ của khách hàng (sở hữu tiền, chứng khoán và các khoản lợi nhuận, quyền và lợi ích hợp pháp khác gắn liền với số tiền, chứng khoán đó; cung cấp thông tin theo yêu cầu của công ty, trả phí giao dịch ……);

b) Quyền và nghĩa vụ của công ty chứng khoán (thu phí giao dịch, lưu ký, thực hiện các ủy quyền hợp pháp khác theo thỏa thuận với khách hàng; lưu giữ, bảo quản tiền, chứng khoán cho khách hàng, thực hiện giao dịch, bảo mật thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu của khách hàng....).

4. Điều khoản về các thỏa thuận khác

a) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, điều khoản này nêu rõ:

- Khách hàng được bồi thường thiệt hại nếu công ty vi phạm nghĩa vụ quy định tại Hợp đồng này;

- Mức bồi thường thiệt hại: do các bên thỏa thuận cụ thể hoặc theo quy định của pháp luật.

b) Cách thức xử lý tài khoản trong trường hợp công ty rút nghiệp vụ môi giới, giải thể hoặc bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động;

c) Các trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn;

d) Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng;

đ) Giải quyết tranh chấp phát sinh;

Các thỏa thuận khác theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

PHỤ LỤC IV

MẪU BÁO CÁO QUẢN TRỊ RỦI RO

(Ban hành kèm theo Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

 

TÊN CÔNG TY CHỨNG KHOÁN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: .../BC-

……., ngày……tháng…..năm……

 

 

 

BÁO CÁO

Quản trị rủi ro

Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

 

I. Bộ máy quản trị rủi ro

1) Thành viên Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ sở hữu

-

-

2) Thành viên Ban kiểm soát/Ban kiểm toán nội bộ

-

-

3) Thành viên Ban Tổng Giám đốc/Ban Giám đốc

-

-

II. Văn bản, quy trình, quy chế về quản trị rủi ro

1) Cơ cấu tổ chức của bộ máy quản trị rủi ro

- Chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong bộ máy quản trị rủi ro

- Cơ chế phân cấp thẩm quyền quyết định và trách nhiệm của từng thành viên

2) Chính sách rủi ro

3) Hạn mức rủi ro và đo lường rủi ro

a) Hạn mức rủi ro và đo lường rủi ro cho từng nghiệp vụ

b) Hạn mức rủi ro và đo lường rủi ro cho tất cả các nghiệp vụ

4) Quy trình xác định rủi ro

5) Kế hoạch dự phòng

III. Công tác kiểm tra giám sát của Công ty về quản trị rủi ro

1) Nội dung kiểm tra, giám sát

a) Tuân thủ pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và các quy định pháp luật khác có liên quan.

b) Tuân thủ quy trình, quy chế của Công ty

2) Số lần kiểm tra trong năm

3) Báo cáo kết quả kiểm tra

IV. Đánh giá tính độc lập ngăn ngừa xung đột lợi ích

1. Trung thực, tránh các xung đột về quyền lợi của người quản lý công ty

2. Giao dịch với người có liên quan

3. Giao dịch với cổ đông người quản lý công ty và người có liên quan của các đối tượng này.

4. Đảm bảo quyền hợp pháp của người có quyền lợi liên quan đến công ty

 

 

(TỔNG) GIÁM ĐỐC
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE MINSISTRY OF FINANCE
_______

No. 121/2020/TT-BTC

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
_____________________

Hanoi, December 31, 2020

 

CIRCULAR

Providing regulations on operation of securities companies

__________

 

Pursuant to the Law on Securities dated November 26, 2019;

Pursuant to the Law on Enterprise dated June 17, 2020;

Pursuant to the Government's Decree No. 155/2020/ND-CP dated December 31, 2020, on detailing the implementation of a number of articles of the Law on Securities;

Pursuant to Government’s Decree No. 87/2017/ND-CP dated July 26, 2017, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

At the proposal of the Chairperson of the State Securities Commission;

The Minister of Finance hereby promulgates the Circular providing regulations on operation of securities companies.

 

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

 

Article 1. Scope of regulation and subjects of application

1. Scope of regulation

This Circular provides for the operation of securities companies in Vietnam, including:

a) Governance and management of securities companies;

b) Professional operations of securities companies;

c) Financial regulations applicable to securities companies;

d) Reporting regime.

2. Subjects of application

a) Securities companies;

b) Organizations and individuals involved in the operation of securities companies.

Article 2. Interpretation of terms

In this Circular, the terms below are construed as follows:

1. Securities company means an enterprise licensed to perform one or several operations specified in Clause 1, Article 72, Clauses 1, 2, 3, 4 and 5, Article 86 of the Law on Securities by the State Securities Commission.

2. Valid dossier means a dossier containing all required documents specified in this Circular and fully filled in accordance with law.

3. Liquidity capital means the difference between short-term assets and short-term liabilities at the time of calculation.

4. Lending means a form whereby a securities company assigns or commits to hand over to the receiver or the user an amount of money, assets or securities within a certain period of time by agreement with the principle of repayment of both principal and interests or not.

5. Reorganization of a securities company means the division, separation, consolidation, merger or conversion of an enterprise type and can only be performed between securities companies.

 

Chapter II

GOVERNANCE AND MANAGEMENT OF SECURITIES COMPANIES

 

Article 3. Principles of governance and management of securities companies

1. Securities companies shall comply with the Law on Securities, the Law on Enterprise, the company's charter, and other relevant laws on company governance.

2. Securities companies shall clearly define responsibilities of the Shareholders’ General Meeting, Members’ Council, Owner, Board of Directors, Control Board and Directorate in accordance with the Law on Securities, Law on Enterprises and other relevant laws.

3. Securities companies shall set up a system for communication with their shareholders and members to ensure provision of sufficient information and fair treatment among shareholders and members and guarantee the rights and legitimate interests of shareholders and members.

4. Securities companies must establish internal control and manage risk systems to supervise, prevent conflicts of interest within the company and in transactions with affiliated persons.

5. Securities companies must ensure that employees working in the professional department must have securities practice certificates in accordance with the profession performed under the provisions of the Law on Securities and securities market.

Article 4. Principles of professional operations of securities companies

A securities company when performing professional operations must ensure the following principles:

1. Professional processes must be issued.

2. Rules of professional practice ethics must be issued.

3. A securities company and its employees are not allowed to make investments on behalf of clients, except for the case of entrusting the management of securities trading accounts of individual investors as specified in Article 19 of this Circular.

4. A securities company must be honest toward their clients and may not infringe upon the assets, rights and other legitimate interests of their clients. A securities company must separately manage assets of each client, manage assets owned by their clients from those of securities company.

5. A securities company must be responsible for signing contracts with clients when providing services to them; provide complete and honest information to clients. 

6. Unless otherwise provided by law, a securities company providing services to clients may neither directly nor indirectly commit the following acts:

a) Making securities investment decisions on clients’ behalf;

b) Reaching agreement with clients on profit- or loss-sharing;

c) Advertising or declaring that its securities analyses, analysis efficiency or method is of higher value than that of another securities company;

d) Providing untruthful information to entice or call upon clients to purchase or sell a certain type of securities;

dd) Providing falsified, deceiving or misleading information to clients;

e) Other acts in violation of law.

7. Implementing the regime of accounting, auditing, statistics, and financial obligations according to the law.

8. Promptly, fully and accurately disclosing information and report in accordance with law.

9. Building information technology systems, backup databases to ensure safe and continuous operations.

10. Supervising securities transactions according to regulations of the Minister of Finance.

11. A securities company shall set up a specialized section in charge of communication with clients and settlement of client questions and complaints.

12. Implementing other obligations in accordance with the law on securities and relevant laws.

Article 5. Securities company’s charter

 A securities company, when developing the company's charter, in addition to complying with this Circular must comply with the following principles:

1. The charter of a securities company must not be contrary to the provisions of the Law on Securities and the Law on Enterprises.

2. A securities company which is a public company, shall base on the Law on Securities, the Law on Enterprises and this Circular to develop the company's charter. A securities company must refer to the Charter template applicable to public companies in accordance with the law on company governance applicable to public companies when developing the company's charter.

3. A securities company which is a non-public joint stock company or a limited liability company, when developing its charter in accordance with the provisions of the Law on Securities and the Law on Enterprises.

4. A securities company, when developing the company's charter, must refer to Clauses 2 and 3 of this Article. In addition, the company’s charter must specify the following contents:

a) Operation network;

b) Scope of business operation;

c) Principle of operation;

d) Information about the establishment and securities business license;

dd) Board of Directors/Members’ Council, criteria for members of the Board of Directors/Members' Council;

e) General Directorate (Directorate), criteria for members of the General Directorate (Directorate); Internal Control Board, criteria for members of the Internal Control Board;

g) Auditing Committee, criteria for members of Auditing Committee;

h) Preventing conflicts of interest;

i) Reorganization of securities companies: division, split up, consolidation, merger or conversion of securities company.

5. A securities company must publish the entire company's charter on its official website.

Article 6. Shareholders and members

1. Shareholders and capital contributors of a securities company must comply with Points c and d, Clause 2, Article 74 of the Law on Securities.

2. Shareholders and capital contributors that hold 10% or more of the charter capital of a securities company may not abuse their advantage to cause harms to the rights and interests of the company and other shareholders and members.

3. Shareholders and capital contributors that hold 10% or more of the charter capital of a securities company shall fully notify the securities company within 24 hours after receiving information of the following:

a) The number of shares or contributed capital amount which are frozen, pledged or handled under court rulings;

b) Institutional shareholders and members that have decided on the renaming, division, split up, dissolution or bankruptcy.

4. A securities company shall report to the State Securities Commission on the cases specified in Clause 3 of this Article within 05 days after receiving notices from its shareholders or members.

Article 7. Shareholders’ General Meeting, Members’ Council and the owner of the company

1. A securities company shall elaborate the internal procedures and order for convening and voting at meetings of the Shareholders’ General Meeting or Members’ Council and must have such procedures and order approved by the Shareholders’ General Meeting or Members’ Council.

2. A securities joint-stock company shall convene an annual meeting of the Shareholders’ General Meeting within 04 months after the end of a fiscal year. In case it is unable to organize within the above-mentioned time limit, it shall report in writing to the State Securities Commission, clearly stating the reason and convene an annual meeting of the Shareholders’ General Meeting within 02 subsequent months.

3. The public securities company shall disclose information about the decisions of the Shareholders’ General Meeting in accordance with the law on securities and the securities market on information disclosure.

4. A securities company shall send a report on results of a meeting of the Shareholders’ General Meeting, Members’ Council and the owner enclosed with relevant documents to the State Securities Commission within 05 working days after such meeting concludes.

5. Shareholders’ General Meeting, Members’ Council and the owner of the securities company shall, through an accredited audit firm, audit the financial statements and the financial safety ratio report. In the same fiscal year, the securities company shall not be allowed to change the accredited audit firm, unless the parent company changes an accredited audit firm or an accredited audit firm is suspended or disqualified for an audited approval.

Article 8. Board of Directors and Members’ Council

1. A member of the Board of Directors or Members’ Council of a securities company may not concurrently act as a member of the Board of Directors or Members’ Council or the Chief Executive Officer of another securities company.

2. Functions, duties and authorization content for the Board of Directors, Board of Members, president of the company, each member of the Board of Directors, and each member of the Members' Council must be specified in the company's charter.

3. The Board of Directors or Members’ Council shall elaborate the internal procedures and order for convening and voting at its meetings.

4. The Board of Directors or Members’ Council shall set up units or appoint persons to take charge of risk management in accordance with Article 11 of this Circular and internal control in accordance with Article 12 of this Circular.

Article 9. Control Board and internal audit

1. A securities company operating under the model specified at Point a, Clause 1, Article 137 of the Law on Enterprises must ensure the implementation of the following:

a) The head of the Control Board of a securities company may not concurrently act as a member of the Control Board or a manager of another securities company;

b) The Control Board shall elaborate the control process which must be approved by the Shareholders’ General Meeting or Members’ Council;

c) A Control Board which consists of 02 members or more shall meet at least twice a year. The minutes of a meeting must be made in a truthful manner, fully recording all details of the meeting, and be preserved in accordance with regulations;

d) When detecting a member of the Board of Directors, Members’ Council or General Directorate (Directorate) who commits a violation of law or the company’s charter, thus infringing upon the rights and interests of the company, shareholders, owner, clients or the Control Board shall request explanations within a certain time limit or request convening of a meeting of the Board of Directors, Members’ Council or owner for handling. For a violation of law, the Control Board shall report it writing to the State Securities Commission within 07 working days after detecting it.

2. A securities company operating under the model specified at Points a and b, Clause 1, Article 137 of the Law on Enterprises must ensure the implementation of the functions and tasks specified below:

a) To independently assess the appropriateness and compliance of policies, laws, the company's charter and decisions of the Shareholders’ General Meeting, owner, Board of Directors and Members’ Council;

b) To inspect, examine and assess the adequacy, efficiency and effectiveness of the internal control system under the General Directorate (Directorate) in order to improve this system;

c) To assess the compliance of business operations with internal policies and processes;

d) To advise on the formulation of internal policies and processes;

dd) To assess the compliance with law and control measures to assure safety of assets;

e) To assess internal audit through financial information and business activities;

 g) To assess the process of identifying, assessing and managing business risks;

h) To assess the effectiveness of activities;

i) To assess the compliance with contractual commitments;

k) To control the information technology system;

l) To investigate violations within the securities company;

m) To conduct internal audit of the securities company and its subsidiary companies.

3. Internal auditing activities must adhere to the following principles:

a) Independence: The internal audit section is independent from other sections of the securities company, including the executive board; internal auditing activities are independent from executive and professional activities of the securities company; staff members performing internal audit may neither perform jobs subject to internal audit nor concurrently work in such professional sections as brokerage, dealing, analysis, investment consultancy, issuance underwriting and risk management;

b) Objectivity: The internal audit section and its staff shall ensure the objectivity, fairness and impartiality in the course of performing their tasks. The securities company shall ensure that the internal audit section is free from any intervention when it properly performs its tasks;

 Internal audit staff shall show objectivity in the course of collecting, assessing and communicating information on activities or processes and systems which have been or are being audited. Internal auditors shall make fair assessment of all relevant matters and must not be influenced by self-seeking motivation or anyone else when making comments and assessments;

c) Honesty: Internal auditors shall perform their work in an honest, prudent and responsible manner; abide by law and perform jobs publicly in accordance with law and professional regulations;

d) Confidentiality: Staff of the internal audit section must respect the value and ownership of received information and may not disclose information without valid authorization, unless they are obliged to do so by law and internal regulations of the company.

4. The personnel of the internal auditing section must meet the following criteria:

a) Persons working in this section have not been sanctioned with fine or higher penalty for a violation in the field of securities, banking or insurance within the 05 years prior to the year of appointment;

b) The head of the internal audit section must have professional qualifications in law, accounting and audit; be adequately experienced, prestigious and competent to effectively perform the assigned tasks;

c) Persons working in this section are not affiliated to the heads of professional sections, persons performing professional operations, the Chief Executive Officer, Chief Operations Officers or branch directors of the securities company;

d) Persons working in this section must possess a certificate of training in basic securities and securities market issues and a certificate of training in securities and securities market law or a securities practice certificate;

e) A person working in this section may not concurrently perform other jobs in the securities company.

Article 10. Directorate

1. The Chief Executive Officer shall manage daily business activities of the securities company, submit to supervision by the Board of Directors, Members’ Council and the owner and take responsibility before the Board of Directors, Members’ Council and the owner and law for the exercise of his/her rights and performance of his/her tasks.

2. The Chief Executive Officer and Chief Operations Officers of a securities company may not concurrently work for another securities company, fund management company or business; the Chief Executive Officer of a securities company may not act as a member of the Board of Directors or Members’ Council of another securities company.

3. The Chief Executive Officer and Chief Operations Officers in charge of operations must meet the criteria specified in Clause 5, Article 74 of the Law on Securities.

4. A securities company shall elaborate a working regulation of its General Directorate (Directorate) which must be approved by its Board of Directors, Members’ Council and the owner. A working regulation must have the following principal contents:

a) Specific responsibilities and tasks of members of the General Directorate (Directorate);

b) The order and procedures for convening of and participation in meetings;

c) Responsibility of the General Directorate (Directorate) to report to the Board of Directors, Members Council, the owner and Control Board.

Article 11. Risk management

1. The Board of Directors, Members’ Council or owner of securities company must build a risk management system according to the following principles:

a) The system of risk management must at least provide for the following:

- The responsibility of the Board of Directors, Members’ Council or owner of the securities company in risk management;

- The responsibility of the Chief Executive Officer, Control Board and internal audit and the internal control system in risk management;

- The responsibility of the risk management section and chiefs of operations of the securities company in risk management;

- A clear and transparent risk management strategy reflected in the risk policy in the long term and in each specific period approved by the Board of Directors or the Members' Council or the Owner;

- Implementation plan through sufficient policies and processes;

- Regular inspection and review management of the Chief Executive Officer;

- Issuing and fully implementing risk management policies, processes and limits, establishing appropriate risk management information activities.

b) The risk management system shall be established to ensure that securities companies have the ability to identify, measure, monitor, report and handle serious risks effectively while fully meeting its compliance obligations at all times;

c) The risk management system must be built to ensure independence, objectivity, honesty, and consistency.

d) The risk management system shall be established to ensure separation and independence between the operational section and the risk management section. The person in charge of the operational section shall be not concurrently in charge of the risk management section and vice versa.

2. The process, internal regulations on risk management in securities company must ensure the following principles:

a) The risk management system in the securities company must be operated based on the written internal procedures and regulations;

b) Internal procedures and regulations must be clearly presented so that all involved individuals understand their duties and responsibilities and can describe in detail the specific risk management process involved. A securities company must regularly review and update these internal processes and regulations;

c) The internal processes and regulations must ensure that state management agencies, internal audit, internal control, and the control board understand the risk management activities of the company;

d) The internal process and regulations on risk management must contain at least the following:

- Organizational structure and description of functions, tasks, decentralization mechanism, decision authority and responsibility;

- Risk policy and limit, process of determination of risks, risk measurement and monitoring, report to exchange of information about risks and risk processing;

- The rules must ensure the obligation to comply with the law.

3. A securities company shall build a system of risk management process including the following: Risk determination, measurement, monitoring, monitoring, and risk processing.

4. Developing a back-up plan

a) A securities company shall develop back-up plans for emergencies to ensure continuity in the company's business operations;

b) The Chief Executive Officer shall be responsible for formulating and regularly reviewing the back-up plan. The back-up plan must be approved by the Board of Directors or Members' Council or the owner of the company.

5. Principles of record-keeping, documents

a) All records, documents, reports, meeting minutes, resolutions of the Board of Directors or Members' Council or decisions of the owner, risk reports, decisions of the General Director (Director) and other documents related to risk management must be fully archived and made available to State management agencies up on request;

b) Time for archival of documents specified at Point a, Clause 5 of this Article shall comply with the laws.

Article 12. Internal control

1. A securities company shall set up an internal control section under the General Directorate (Directorate). The internal control system consists of apparatus and independent and full-time personnel and processes.

2. The internal control department under the General Directorate (Directorate) shall be responsible for controlling compliance:

a) Examining and supervising the compliance with law, company charter and decisions of the Shareholders’ General Meeting, decisions of the Board of Directors, regulations, professional processes and risk management process of the company, related sections and securities practitioners of the company;

b) Supervising the implementation of internal regulations and activities likely to lead to conflicts of interest within the company, especially business activities of the company and personal transactions of the company’s employees; supervising the discharge of responsibilities of the company’s officers and employees and fulfillment of responsibilities of partners for authorized activities;

c) Examining contents and supervising the observance of rules of professional ethics;

d) Supervising the calculation of financial safety ratios and compliance with regulations on financial safety assurance;

dd) Separation of assets of clients;

e) Preservation and storage of assets of clients;

g) Controlling the compliance with the law against money laundering;

h) Other tasks as assigned by the Chief Executive Officer.

3. A securities company shall set up an internal control system which consists of the organizational apparatus and internal processes and regulations applicable to all positions, units, sections and activities of the company in order to achieve the following objectives:

a) Activities of the securities company comply with the Law on Securities and relevant documents;

b) Interests of clients are guaranteed;

c) Activities of the securities company are safe and effective; its assets and resources are protected, managed and used in a safe and effective manner;

d) The financial and management information system provides truthful, rational, adequate and timely information; financial statements of the company are truthful.

4. Personnel requirements of the internal control section

A) At least 01 staff is assigned to act as a compliance controller;

b) The head of the internal control section must have professional qualifications in law, accounting and audit; be adequately experienced, prestigious and competent to effectively perform the assigned tasks;

c) Persons working in this section are not affiliated to the heads of professional sections, persons performing professional operations, the Chief Executive Officer, Chief Operations Officers or branch directors of the securities company;

d) Persons working in this section must possess a certificate of basic issues of securities and securities markets or a securities practice certificate, and legal certificate of securities and securities markets;

e) A person working in this section may not concurrently perform other jobs in the securities company.

 

Chapter III

PROFESSIONAL OPERATIONS OF SECURITIES COMPANIES

 

Article 13. Responsibilities of securities companies when performing securities brokerage operations

1. Securities companies shall arrange their securities practitioners to perform the following jobs:

a) Providing consultancy on and explaining contracts and carrying out procedures for opening securities trading accounts for clients;

b) Providing consultancy on securities transactions to clients;

c) Receiving and controlling securities trading orders of clients;

d) Acting as heads of sections related to the securities brokerage operation.

2. Securities companies shall comply with current regulations on anti-money laundering.

3. Data on brokerage accounts of clients that open accounts at securities companies must be managed in a centralized manner and cached at another place for the backup purpose.

4. A securities company performing the securities brokerage operation may not:

a) Give groundless opinions on securities price increase or decrease in order to entice clients to participate in trading;

b) Agree upon or offer particular interest rates or sharing of profits or losses with clients in order to entice clients to participate in trading;

c) Directly or indirectly set up fixed places outside transaction places approved by the State Securities Commission for signing contracts to open trading accounts with clients, receiving and executing securities trading orders or paying for securities transactions with clients, except for online securities transactions;

d) Receive orders or pay for transactions with persons other than trading account holders without the latter’s written authorization;

dd) Reveal contents of trading orders placed by clients or other confidential information acquired through conducting transactions for clients which are not for information disclosure or up on requests for inspection and examination as prescribed by law;

e) Use names or accounts of clients for securities registration and trading;

g) Infringe upon assets, rights and other interests of clients.

Article 14. Responsibility of a securities company toward clients when performing brokerage operations

1. A securities company, when performing brokerage operations, must comply with Clauses 1, 2 and 3, Article 91 of the Law on Securities.

2. A securities company is obliged to update changed information of clients at the latter’s request.

3. A securities company shall sign contracts on opening of trading accounts for their clients and directly conduct securities transactions for their clients and take responsibility before law for these activities.

4. A securities company must monitor in detail money and securities of each client, provide information on the balance and newly added amounts of money and securities to clients at their request.

5. A securities company must publish securities transaction fees before their clients make transactions, and must publish securities transaction fees on its website.

6. A securities company shall set up a specialized section in charge of communication with clients and settlement of client questions and complaints.

Article 15. Opening of securities trading accounts

1. To conduct securities purchase or sale transactions for its clients, a securities company shall carry out procedures for opening a trading account for each client upon a contract on opening of a securities trading account with that client. A contract on opening of an account must satisfy the current regulations and contain the minimum contents in the form provided in Appendix III attached to this Circular.

2. A securities company is obliged to explain contents of contracts on opening of trading accounts and relevant procedures for conducting securities transactions for their clients, and inquire about clients’ financial and risk-bearing capability and profit expectations.

3. A contract on opening of a securities trading account specified in Clause 1 of this Article must not contain the following agreements:

a) Agreement to shirk legal obligations of the securities company without any plausible reason;

b) Agreement to narrow the scope of compensation payment by the securities company without any plausible reason or to transfer risks from the securities company to its clients;

c) Agreement to unfairly force clients to perform the compensation obligation;

d) Agreements to unfairly place clients at a disadvantage.

4. Investors that open accounts at securities companies shall fully fill information in account opening contracts.

Article 16. Receipt and execution of trading orders

1. Securities companies may receive orders of their clients in the following forms:

a) Receiving order slips directly at transaction counters;

b) Receiving remote orders via telephone, facsimile, Internet or other transmission lines.

2. Securities companies conduct online securities transactions as prescribed in Article 201 of the Decree detailing a number of articles of the Law on Securities.

3. In case of receiving securities trading orders online or via telephone, facsimile or other transmission lines, securities companies shall:

a) Comply with the E-Transaction Law and guiding documents;

b) Authenticate the client and assure full recording of information at the time of order receipt and keep proofs of clients’ orders, so that can be searched when necessary;

c) Adhere to the principle of confirmation with clients before entering their orders into the trading system;

d) Take measures to assure safety and security of transmission lines and appropriate remedies in case securities companies are unable to enter orders of clients into the trading system.

4. Securities companies may execute an order of a client only when such order has sufficient and accurate information on the client, trading date, time to receive the order, securities code, trading method, type of order, securities volume and trading price. Trading orders of clients must have the time (date, hour, minute) of receipt recorded by securities companies at the time of receipt.

5. Securities companies shall execute trading orders of their clients in a swift and accurate manner.

6. A securities company, when making payment for clients to buy or sell securities, must ensure sufficient money and securities as prescribed and shall take necessary measures to assure the solvency of such clients when trading orders are executed.

7. Securities companies shall notify results of execution of trading orders to clients immediately after such orders are matched by the method agreed upon by clients and securities companies in contracts.

8. In case clients open depository accounts at depository members other than trading members, those depository members and trading members shall sign contracts of agreement on the responsibility for ensuring the principle that trading members shall execute trading orders and depository members shall inspect the ratio of deposited money and securities of clients and make payments to clients in accordance with law.

Article 17. Management of money of clients

1. Securities companies shall manage separately money amounts deposited for securities trading of each client and separate money of their clients from the securities companies’ own money.

2. Securities companies may not directly receive and pay cash for securities transactions of their clients but shall make payments for such transactions via commercial banks.

3. Securities companies may not abuse money of their clients in any form. Transactions related to money of clients may only be conducted in accordance with law.

4. A securities company shall build a system for separately managing money of clients by the method provided at Point a of this Clause. In addition, a securities company may additionally build a system by the method provided at Point b of this Clause for clients to choose:

a) Clients of the securities company open accounts directly at a commercial bank selected by the securities company for managing money for securities trading. By this method, clients, the securities company and the commercial banks agree in a contract on the method of certification and freezing of the money balance and transfer of payments for securities transactions of clients. After securities purchase orders of clients are matched, the securities company may request the bank at which investors open their accounts to transfer money amounts equal to the value of matched orders to the securities trading payment account opened by the securities company at the commercial bank selected by the securities company. The securities company is obliged to pay on clients’ behalf for securities transactions to involved parties.

b) The securities company opens a special-use account at a commercial bank for managing securities trading deposits of clients. A special-use account must be opened separately from other accounts of the securities company.

Such a special-use account serves only transactions of clients, specifically as follows:

- Clients remit or transfer money into their securities trading accounts;

- Clients withdraw or transfer money from their securities trading accounts;

- Clients pay for securities transactions;

- Clients deposit money in a margin account for securities trading or remit money for their securities bids;

- Clients make payments to exercise the right to purchase securities;

- Other cases of payment by clients at their request and in compliance with law.

The securities company shall set up an accounting system to manage money deposited by each investor. It shall clearly identify the balance of each client at any time and provide a detailed statement of the money balance of each client at any time at the request of such client or a competent state agency.

The securities company shall ensure to perform all clients’ requests for money withdrawal or transfer within their money balance when they no longer have liabilities payable to the securities company.

The securities company may not receive authorization from clients to transfer money internally among accounts of such clients.

5. Securities companies shall post up on their websites and at their branches and transaction offices lists of commercial banks selected for the two methods of managing securities trading money of clients.

6. Within 03 working days after signing a contract specified at Points a and b, Clause 4 of this Article, a securities company shall send to the State Securities Commission a report enclosed with a valid copy of the contract between it and the commercial bank.

7. In the case of weekly reporting, before 16:00 hours every Monday or the first working day of a week, a securities company having a special-use account shall send to the State Securities Commission a report on the number and money balance of clients on the special-use account opened by the securities company at a commercial bank, made according to the form provided in Appendix II attached to this Circular. Data to be reported are those obtained at the end of the working day preceding the reporting day.

Article 18. Management of securities of clients

1. For securities registered for centralized depository:

a) Securities companies shall manage securities owned by their clients separately from their own securities;

b) Securities companies must re-deposit clients' securities into the Vietnam Securities Depository and Clearing Corporation in accordance with the law on registration, depository, clearing payment for securities transactions;

c) Securities companies shall promptly and adequately notify their clients of the benefits arising from clients’ securities;

d) Securities depository, withdrawal and account transfer must be made according to clients’ orders and regulations on securities registration, depository, clearing and payment.

2. For securities not yet registered for centralized depository, securities companies may register and deposit securities of their clients at their offices under contracts signed with such clients and in accordance with Articles 21 of this Circular.

Article 19. Entrusting management of securities trading accounts of individual investors

1. General principles

a) The securities company licensed for securities brokerage under the provisions of Clause 1, Article 86 of the Law on Securities is allowed to provide entrustment services to manage securities trading accounts of individual investors;

b) The provision of services to investors shall be performed on the basis of a contract between a securities company and an individual investor;

c) A securities company may not be entrusted to decide on all transactions on securities trading accounts on behalf of individual investors. Clients shall clearly state specific entrusted contents in accordance with Clause 2 of this Article;

d) Securities allowed to be purchased or sold under entrustment are stocks and investment fund certificates listed on the Stock Exchanges, excluding securities registered for trading on the trading systems of unlisted public companies (UpCom);

dd/ Securities companies shall designate their securities practitioners possessing financial analysis or fund management practice certificates to manage trading accounts under entrustment. This designation shall be specified in the contract signed between the company and the individual investor.

2. The scope of entrustment covers:

a) Type of securities to be traded;

b) Maximum volume for each type of securities which can be purchased or sold;

c) Maximum value for each trading order;

d) Maximum total trading value for each trading day;

dd) Trading method and type of trading orders.

3. Securities companies shall summarize information on financial capacity, investment duration and objectives, acceptable risks, investment limitations, portfolio of invested securities (if any) and other requirements of clients before signing contracts. In case clients fail to provide sufficient information or provide untruthful information, securities companies may refuse to sign contracts.

4. Entrustment contracts

a) The term of an entrustment contract must not exceed 01 year from the date of its signing.

b) An entrustment contract must have at least the following details:

- Information on the client;

- Information on the practitioner assigned to manage the clients’ accounts;

- Entrustment contents;

- Rights and obligations of the contracting parties;

- Charge for contract management and bonuses;

- Method of payment and contract liquidation;

- Method of dispute settlement.

5. In case securities companies fail to properly perform contracts signed with their clients, causing damage to clients, they shall pay compensations for entrusting clients under written agreements between the two parties. In case a profit is made, such profit belongs to entrusting clients.

6. Rights and obligation of an entrusted securities company

a) To act honestly and in the best interest of clients and refrain from using information on clients to earn profits for itself and cause damage to clients;

b) To request clients to provide sufficient necessary information;

c) To purchase or sell securities within the scope of entrustment;

d) To give clear explanations and provide sufficient information to clients on any risk which may occur in the entrustment of management of securities trading accounts;

dd) To provide monthly or extraordinary statements of transactions at the request of entrusting clients;

e) To notify clients within 24 hours after the assets on such clients’ accounts for entrusted transactions fall below 25% of the total value of the entrustment contracts;

g) To make monthly reports (according to the form provided in Appendix II to this Circular) or reports at the request of the State Securities Commission on the management of accounts for entrusted transactions;

h) To provide a list of securities practitioners qualified for selection by clients to manage their entrustment accounts;

i) To set up an independent supervision section to supervise the management of securities transactions on accounts for entrusted transactions of securities practitioners in order to assure that transactions on such accounts conform with entrustment contracts and investment objectives of clients;

k) To assure that the time of execution of any trading order under entrustment contracts is accurately recorded;

l) To notify clients and obtain their written consent in case of investment in securities subject to issuance underwriting provided by the securities company during the period of issuance underwriting.

Article 20. Online securities transactions

1. Obligations of a securities company when providing online securities transaction services

a) Ensuring continuous and uninterrupted transactions;

b) Ensuring security, safety and confidentiality of the system's data;

c) Ensuring the backup system, the replacement plan in case of incidents;

d) Ensuring the separation from other electronic information systems of the company;

dd) Promulgating the process of operating, managing and using the online securities transaction system.

2. When providing online securities transaction services to clients, securities company must sign contracts or appendices attached to contracts to open accounts for clients, including the following contents:

a) Disclosure of possible risks of online securities transactions;

b) Responsibilities of clients and securities companies on the privacy of clients' online transactions.

3. Securities companies must report to the State Securities Commission on online securities transactions, status of online securities transactions system and information disclosure in accordance with the E-Transaction Law and guiding documents.

Article 21. Securities registration, depository operation and clearing payment

1. Scope of implementation

a) Providing securities registration and depository services for clients;

b) Making payments for securities transactions on the Stock Exchanges for clients;

c) Providing shareholder book management and transfer agency services at the request of issuing institutions other than public companies.

2. Rights and obligation of a securities company

a) To open securities depository accounts for clients at the securities company, manage these accounts in accordance with law. Securities depository accounts of clients must be separated from its own securities depository account;

b) To record accurately and adequately and update information on clients who open depository accounts and securities owned by clients who have deposited at the company;

c) To preserve, store, collect and process data related to the securities registration, depository operation and clearing payment of clients;

d) To elaborate processes of registration, depository, clearing payment, shareholder book management, transfer agency and internal control in order to manage and protect the interests of clients or securities owners;

 dd) To collect charges for securities registration and depository operations and other charges prescribed by law.

Article 22. Securities dealing operation

1. Securities companies must have sufficient money and securities amounts to pay for trading orders for their own accounts.

2. Securities dealing must be performed by a securities company in its own capacity, not in the name of another party or a person or let others use its dealing accounts.

3. The following cases are not regarded as securities dealing:

a) Purchasing or selling securities due to post-trading error correction;

b) Buying and selling their own shares.

4. Securities companies shall prioritize the execution of their clients’ orders before executing their own orders.

5. Securities companies shall notify their clients when they act as partners in agreement transactions with these clients.

6. In case securities purchase or sale orders of clients may greatly affect the price of a certain type of securities, securities companies may neither purchase nor sell in advance this type of securities for themselves or disclose information to third parties purchasing or selling these securities.  

7. When clients place limited orders for a type of securities, securities companies may neither purchase nor sell the same type of securities for themselves at a price equal to or better than clients’ prices before clients’ orders are executed.

Article 23. Securities issuance underwriting operation

1. A securities company conducting issuance underwriting of securities to the public that provides underwriting by the method of undertaking to buy part or the whole of securities of an issuing institution may only underwrite a total value of securities not larger than its equity and not exceeding 15 times the difference between the value of short-term assets and short-term liabilities stated in the latest quarterly financial statement.

2. A securities company may neither underwrite issuance under firm commitment nor act as the principal underwriter in the following cases:

a) It owns, merely by itself or together with its subsidiary companies or affiliated persons, 10% or more of the charter capital of the issuing institution, or holds control over the issuing institution, or has the right to appoint the Chief Executive Officer of the issuing institution;

b) At least 30% of the charter capital of the securities company and at least 30% of the charter capital of the issuing institution are held by the same individual or institution;

c) The issuing institution, independently or together with its subsidiary companies or affiliated persons, owns 20% or more of the charter capital of the securities company, or holds control over the securities company, or has the right to appoint the Chief Executive Officer of the securities company;

d) A member of the Board of Directors, the Chief Executive Officer or an affiliated person of the securities company is concurrently a member of the Board of Directors or the Chief Executive Officer of the issuing institution;

 dd) A member of the Board of Directors, the Chief Executive Officer or an affiliated person of the issuing institution is concurrently a member of the Board of Directors or the Chief Executive Officer of the securities company;

e) The securities company and issuing institution have the same at-law representative.

3. A securities company that underwrites the issuance of securities shall open a separate account at a commercial bank to receive investors’ deposits for securities subscription.

Article 24. Securities investment consultancy operation

1. In order to provide securities investment consultancy services to a client, a securities company shall sign a contract with such client with the following principal details:

a) Rights, obligations and responsibilities of contracting parties;

b) Scope of securities investment consultancy;

c) Mode of service provision;

d) Service charge.

2. A securities company shall collect and manage information on its clients, including:

a) Financial status of clients;

b) Investment purposes of clients;

c) Risk-bearing capability of clients;

d) Investment experience and knowledge of clients.

3. Securities investment consultancy contents must be based on reasonable and suitable grounds obtained from reliable information and logical analyses. Given securities investment recommendations must be relevant and appropriate to securities and securities market analyses. Securities and market analysis reports and investment recommendations must clearly indicate data sources and names of persons responsible for such reports or recommendations.

4. Securities companies providing investment consultancy to their clients shall assure that such clients make investment decisions based on provided sufficient information, including also contents and risks of provided products and services.

5. Securities companies shall keep confidential information received from consultancy service users in the course of providing consultancy services, unless the disclosure of such information is consented by clients or provided by law.

6. Securities companies shall provide investment consultancy relevant to clients’ investment purposes and financial status and take responsibility for analysis results and reliability of information provided to clients.

7. Securities companies may neither be allowed to provide securities investment consultancy services for companies that they hold 10% or more of the charter capital.

Article 25. Other financial services

1. A securities company, when performing other financial services as prescribed in Clause 5 Article 86 of the Law on Securities, must be relevant to and support the licensed operations of securities companies and must not affect the interests of clients, securities companies themselves and the market.

2. A securities company may neither be allowed to provide services of offering consultancy, securities listing, equitization, and valuation consultancy for the company in which they hold 10% or more of its charter capital.

3. A securities company shall be allowed to provide other financial services in accordance with the provisions of law after reporting to the State Securities Commission in writing. The State Securities Commission has the right to request to suspend the provision of other financial services of the securities company if the provision of such service is contrary to the provisions of law or causes risk to the securities market system.

 

Chapter IV

FINANCIAL REGULATIONS APPLICABLE TO SECURITIES COMPANIES

 

Article 26. Borrowing limitations

1. The total liabilities of a securities company must not exceed 05 times its equity capital. The value of total liabilities under this provision is exclusive of the following amounts:

a) Deposits of clients for securities trading;

b) Reward and welfare fund;

c) Provision for job loss allowances;

d) Provision for damage compensations for investors.

2. Short-term liabilities of a securities company must not exceed its short-term assets.

3. A securities company offering bonds shall comply with Article 31 of the Law on Securities, Decree detailing the implementation of a number of articles of the Law on Securities, the law on issuing corporate bonds and must ensure to comply with the rate specified in Clauses 1 and 2 of this Article.

Article 27. Lending limitations

1. Except for the case specified in Clause 1, Article 86 of the Law on Securities, a securities company shall not allowed to lend money or securities in any form.

2. A securities company shall not be allowed to use money or assets of the company or clients to secure payment obligations to a third party.

3. A securities company may not provide loans in any form to its owner, major shareholders; members of the Control Board, Board of Directors, Members’ Council or Directorate; chief accountant and other managerial post holders appointed by its Board of Directors and the affiliated persons of the above-mentioned subjects.

4. A securities company, which has been allowed to perform margin transactions according to the law provisions, shall be allowed to lend clients money to buy securities in the form of margin trading under the guidance of the Ministry of Finance.

5. A securities company shall be allowed to provide loans for securities to correct transaction errors, or to provide loans to perform the exchange transactions of exchange traded fund certificates or in other forms in accordance with relevant laws.

Article 28. Investment limitations

1. A securities company may neither purchase nor contribute capital for purchase of real estate, except the case of using such real estate as its head office, a branch or transaction office for directly performing its professional operations.

2. A securities company may purchase or invest in real estate in accordance with Clause 1 of this Article and fixed assets on the principle that the residual value of such real estate and fixed assets must not exceed 50% of its total asset value.

3. The total value of investment in corporate bonds of a securities company must not exceed 70% of equity. A securities company licensed to conduct securities dealing operations may buy and resell listed bonds according to relevant regulations on bond repurchase transactions.

4. A securities company may neither directly invest nor entrust other institutions and individuals to:

a) Invest in stocks or contributed capital amounts of a company that holds more than 50% of its charter capital, except for the case of purchase of odd-lot stocks at the request of clients;

b) Invest 5% or more of the charter capital of another securities company, together with affiliated person;

c) Invest more than 20% of total outstanding stocks or fund certificates of a listed institution;

d) Invest more than 15% of total outstanding stocks or fund certificates of an unlisted institution. This provision is not applicable to member, exchange traded and open-ended fund certificates;

dd) Invest in or contribute more than 10% of total contributed capital of a limited liability company or business project;

e) Invest in or contribute more than 15% of equity capital in an organization or business project;

g)  Invest more than 70% of equity in stocks, capital contributions and business projects, in which no more than 20% of equity must be invested in unlisted stocks, capital contributions and business projects.

5. A securities company may establish or purchase a fund management company as its subsidiary company. In this case, the securities company is not required to comply with the provisions of Points c, d and dd, Clause 4 of this Article. A securities company that intends to establish or purchase a fund management company as its subsidiary company must satisfy the following conditions:

a) The equity capital after capital contribution for establishment or purchase of a fund management company at least equals the charter capital prescribed for business operations currently performed by the company;

b) The working capital percentage after capital contribution for establishment or purchase of a fund management company must be at least 180%;

c) After the capital contribution for establishment or purchase of a fund management company, the securities company must ensure the borrowing limitations prescribed in Article 26 of this Circular and the investment limitations prescribed in Clause 3 of this Article and Point e, Clause 4 of this Article.

6. In case a securities company makes investment in excess of the limitations due to the issuance underwriting under firm commitments or due to the consolidation, merger or change in assets or equity capital of the securities company or a capital-contributing institution, the securities company shall apply necessary measures to comply with the investment limits prescribed in Clauses 2, 3 and 4 of this Article within 01 year.

 

Chapter V

REPORTING REGIME

 

Article 29. Reporting regime

1. The report of a securities company must be complete, timely and accurately reflect the actual situation of the securities company.

2. A securities company shall send periodic reports in electronic data files to the State Securities Commission through the information system of the State Securities Commission within the following time limits and according to the following provisions:

a) Within 05 working days of the following month, a securities company shall send a report on its operation in the month (made according to the form provided in Appendices I and II attached to this Circular);

b) Within 20 days from the end of the quarter, a securities company must send a quarterly financial statement. In case where the securities company have to prepare a consolidated quarterly financial statement, it must submit the consolidated quarterly financial statement within 30 days from the end of the quarter;

c) Within 45 days from the end of the first six months of a fiscal year, a securities company shall send to the State Securities Commission a biannual financial statement and a report on the financial prudential ratios by June 30 that is already examined by an accredited audit firm; In case where the securities company have to prepare a consolidated semi-annual financial statement, it must submit the reviewed consolidated semi-annual financial statement within 60 days from the end of the first six months of a fiscal year;

d) For annual reports:

 Before January 20 of the following year, a securities company shall send a summary report on its operation of the preceding year (made according to the form provided in Appendices I and II attached to this Circular).

 Before March 31 of the following year, a securities company shall send an annual financial statement and a report on its financial prudential ratios by December 31 of the preceding year that already audited by an accredited audit firm. In case where the securities company have to prepare a consolidated annual financial statement, it must submit the consolidated annual financial statement audited within 100 days from the end of the fiscal year.

dd) Financial statements of a securities company sent to the State Securities Commission as prescribed at Points b, c and d of this Clause must have all the components and contents in accordance with the provisions of the accounting law for securities companies;

e) In case where a financial statement contains an qualified audit opinion without specifying in detail the exceptional item and reason for exception, a securities company shall make a written explanation with the auditor’s certification and send it to the State Securities Commission within 30 days after sending a statement specified at Points c and d of this Clause.

3. b) Within 03 working days after the occurrence of the following events, a securities company shall report in writing to the State Securities Commission:

a) It borrows or invests in excess of the limits specified in Articles 26 and 28 of this Circular;

b) Its head office, branch or transaction bureau inaugurates operation.

4. Risk management reports

- Before January 31 and July 31 every year, a securities company shall send annual/biannual reports on risk management (made according to the form provided in Appendix IV attached to this Circular).

5. Reports upon request

In case of necessity, the State Securities Commission may request securities companies to report in writing, clearly stating reporting contents and deadline.

 

Chapter VI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

 

Article 30. Implementation provisions

1. This Circular takes effect on February 15, 2021.

2. This Circular replaces the Circular No. 210/2012/TT-BTC dated November 30, 2012 of the Minister of Finance guiding the establishment and operation of securities companies and the Circular No. 07/2016/TT-BTC dated January 18, 2016 of the Minister of Finance on amending and supplementing a number of articles of the Circular No. 210/2012/TT-BTC dated November 30, 2012 of the Minister of Finance on guiding the establishment and operation of securities companies.

3. From the effective date of this Circular, the securities company is responsible for approving the company's charter at the nearest General Meeting of Shareholders in accordance with the Law on Securities dated November 26, 2019, the Law on Enterprises dated June 17, 2020, this Circular and relevant regulations.

4. Any problems arising in the course of implementation should be promptly reported to the Ministry of Finance for consideration, guidance and settlement./.

 

 

FOR THE MINISTER
THE DEPUTY MINISTER


 


Huynh Quang Hai


* All Appendices are not translated herein.

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem Nội dung MIX.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch LuatVietnam
Circular 121/2020/TT-BTC DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Circular 121/2020/TT-BTC PDF
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Thông tư 114/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2018/TT-BTC ngày 31/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ

Tài chính-Ngân hàng

văn bản mới nhất