Quyết định 1076/QĐ-BGTVT 2018 Kế hoạch SX kinh doanh năm 2018 của Công ty mẹ-Tổng công ty Hàng hải VN
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 1076/QĐ-BGTVT
Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1076/QĐ-BGTVT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Nguyễn Văn Công |
Ngày ban hành: | 28/05/2018 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Giao thông, Hàng hải |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Kế hoạch bán thanh lý tàu này là một trong những nội dung trong Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, được phê duyệt tại Quyết định số 1076/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 28/05/2018.
Cụ thể, trong năm 2018 này, Tổng công ty tiếp tục tái cơ cấu đội tàu, thanh lý tàu cũ có tình trạng kỹ thuật kém, hoạt động không hiệu quả. Đội tàu được thanh lý gồm 6 chiếc, mang đầu tên là Vinalines, được đóng trong những năm từ 1991 đến 2012.
Cũng trong năm nay, Tổng công ty sẽ phát triển mạng lưới nhằm tạo lợi thế độc nhất về chuỗi dịch vụ; phát triển tối đa dịch vụ tích hợp (cảng – vân tải biển – kho, bãi, trung tâm phân phối …); triển khhai có hiệu quả Chiến lược cảng nước sâu; cải cách cơ chế ra quyết định bằng việc xây dựng cơ chế ủy quyền.
Về cơ cấu và hoạt động trong doanh nghiệp, Tổng công ty kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa; giải quyết dứt điểm các bến cảng liên doanh đang thua lỗ; nâng cao chất lượng nhân lực thông qua các chương trình tìm kiếm tài năng; khẩn trương áp dụng chỉ số KPI…
Xem chi tiết Quyết định1076/QĐ-BGTVT tại đây
tải Quyết định 1076/QĐ-BGTVT
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Số: 1076/QĐ-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2018 CỦA CÔNG TY MẸ - TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM
---------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014;
Căn cứ Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 184/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 27/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược, Kế hoạch đầu tư phát triển và Kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm giai đoạn 2016-2020 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;
Xét đề nghị của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tại Công văn số 339/TTr-HHVN ngày 12/02/2018, số 965/HHVN-TTKH ngày 19/4/2018 về Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam với các nội dung chính như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Công ty mẹ - Tổng công ty tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tài chính và tổ chức, triển khai các giải pháp và biện pháp cụ thể để quản trị doanh nghiệp, quản lý chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong 03 lĩnh vực: vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; khai thác tối đa các nguồn lực; tập trung hoàn thành công tác cổ phần hóa đúng tiến độ.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Tiếp tục tập trung tái cơ cấu tài chính theo Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 10/10/2017 của Chính phủ về một số biện pháp tái cơ cấu tài chính của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2016-2020; cải thiện các chỉ tiêu tài chính thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ.
b) Thực hiện thoái/giảm vốn tại các doanh nghiệp thành viên theo chủ trương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo công khai, minh bạch, lựa chọn thời điểm thoái vốn phù hợp để thu hồi tối đa giá trị đầu tư, tuân thủ các quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan.
b) Phát triển và khai thác hiệu quả các cảng biển do Tổng công ty hiện nắm giữ vốn nằm ở những vị trí chiến lược, đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế vùng tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam và giữ vai trò huyết mạch trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải quốc gia. Trong đó, Tổng công ty ưu tiên hỗ trợ, quản lý, khai thác và phát triển các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế có tiềm lực, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh với các trung tâm trung chuyển hàng hóa trong khu vực;
c) Tiếp tục tái cơ cấu đội tàu, thanh lý các tàu cũ có tình trạng kỹ thuật kém, hoạt động không hiệu quả, tăng cường hiệu quả quản trị chi phí khai thác đội tàu; tập trung tái cơ cấu đội tàu container, nâng cao thị phần vận chuyển hàng xuất, nhập khẩu, hàng nội địa và tham gia thị trường nội Á. Mở rộng, duy trì hoạt động trên các tuyến Liner hiện có trong khu vực; đáp ứng yêu cầu feeder cho các tàu mẹ vào cảng trung chuyển khu vực Cái Mép - Thị Vải và đến các trung tâm trung chuyển khác trong khu vực.
d) Tăng cường kết nối chặt chẽ và có hiệu quả giữa các đơn vị cảng biển, vận tải biển, dịch vụ hàng hải do Tổng công ty nắm giữ vốn, đồng thời nỗ lực kết nối với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường biển trên cả nước; Phấn đấu trở thành nhà cung cấp các giải pháp tối ưu trong giao nhận, kho vận trên nền tảng cung ứng dịch vụ “door to door” nhằm hình thành các tuyến vận chuyển hàng hóa nội địa hiệu quả, và từng bước hình thành dịch vụ chuỗi cung ứng chất lượng cao trên phạm vi khu vực.
II. KẾ HOẠCH
1. Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản
Tổng công ty chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư tại Kế hoạch đầu tư năm 2018 của Công ty mẹ - Tổng công ty (chi tiết tại phụ lục 01 đính kèm) theo đúng thẩm quyền và quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp.
2. Kế hoạch đầu tư tài chính
Tổng công ty thực hiện đầu tư tăng vốn góp tại các đơn vị theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
3. Kế hoạch thanh lý tàu
Tổ chức bán, thanh lý các tàu cũ, tình trạng kỹ thuật kém, hoạt động không hiệu quả để cắt lỗ theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã được phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược, Kế hoạch đầu tư phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm giai đoạn 2016-2020 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 27/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ (chi tiết tại Phụ lục 02 đính kèm). Tổng công ty thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật có liên quan.
(Các chỉ tiêu về Doanh thu, Lợi nhuận sẽ được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt khi giao các chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp năm 2018 cho Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam)
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 3 đột phá chiến lược của Tổng công ty nhằm xây dựng nền tảng kiến tạo tăng trưởng
a) Phát triển mạng lưới nhằm tạo nên lợi thế độc nhất về dịch vụ chuỗi của toàn Tổng công ty: Phát triển tối đa dịch vụ tích hợp (cảng - vận tải biển - kho, bãi, trung tâm phân phối... ) của Tổng công ty trên cơ sở tập trung đẩy mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng, kho, bãi, đội tàu hiện hữu và các cảng nước sâu nhằm cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, toàn diện, thiết kế chuyên biệt cho các khách hàng lớn.
- Phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng - trang thiết bị - dịch vụ chuỗi khép kín: thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng và chuỗi dịch vụ phục vụ Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và kết nối với các trung tâm sản xuất/tiêu thụ; cảng nước sâu khu vực Hải Phòng kết nối với các trung tâm sản xuất/tiêu thụ trong nước và miền Nam Trung Quốc.
- Tăng cường mạng lưới kết nối trong nội bộ bằng việc điều chỉnh các quy định, quy chế nội bộ để tăng tính hợp tác, chia sẻ dịch vụ và liên kết với bên ngoài thông qua thành lập các trung tâm chia sẻ dịch vụ.
- Xác định hệ thống cảng nước sâu là lợi thế cạnh tranh của Tổng công ty để từ đó triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển cảng nước sâu.
- Nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin để quản lý tài sản và nguồn lực.
- Nâng cao năng lực thiết kế, bán hàng và triển khai các giải pháp cung cấp dịch vụ chuỗi logistics trọn gói, toàn diện và thiết kế chuyên biệt cho các khách hàng lớn.
b) Tinh gọn đội tàu: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu đội tàu mạnh mẽ (thông qua hợp nhất, sáp nhập), bán các tàu kinh doanh thua lỗ tại thời điểm thích hợp nhằm giảm chi phí, cắt lỗ, tiến tới cân bằng thu chi cho các doanh nghiệp vận tải biển. Tập trung tái cơ cấu đội tàu container.
c) Cải cách cơ chế ra quyết định: Khẩn trương tiến hành cải cách cơ chế ra quyết định thông qua xây dựng cơ chế ủy quyền nhằm tạo sự năng động, tự chủ, tính chịu trách nhiệm của Người đại diện phần vốn, trưởng các đơn vị trên cơ sở rà soát toàn bộ quy chế nội bộ để tháo gỡ rào cản (chậm giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm); nâng cao tính minh bạch của hệ thống đi kèm kiểm tra, giám sát hiệu quả để tăng tín nhiệm của hệ thống; xây dựng và phát huy các giá trị cốt lõi mang biểu trưng tốt đẹp của doanh nghiệp.
2. Sắp xếp lại mô hình tổ chức hoạt động, tái cơ cấu doanh nghiệp
a) Hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty đúng tiến độ.
b) Đối với các cảng biển hoàn thiện về mô hình tổ chức, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh để các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn. Nâng cao năng lực cốt lõi và vai trò dẫn dắt của 3 cảng chủ lực của Tổng công ty tại những vị trí chiến lược (các cảng: Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn).
c) Đối với các cảng liên doanh: Tổng công ty xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng của các cảng liên doanh đang khó khăn, có phương án giải quyết dứt điểm các bến cảng đang thua lỗ. Bên cạnh đó, có chiến lược thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tối đa hóa năng lực khai thác của cảng liên doanh, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển mới về vận hành, khai thác cảng nước sâu năm 2018, định hướng hỗ trợ các đơn vị này trở thành những đơn vị có thế mạnh trong khai thác các cảng nước sâu tại Việt Nam.
d) Đối với các đơn vị vận tải biển: đẩy nhanh tinh gọn đầu mối, giảm thua lỗ. Triển khai thành công kế hoạch tái cơ cấu theo Nghị quyết của Chính phủ về biện pháp tái cơ cấu tài chính của Tổng công ty giai đoạn năm 2016-2020.
e) Đối với các đơn vị dịch vụ hàng hải: mở rộng quy mô hoạt động thông qua tăng cường liên doanh, liên kết, tránh phân tán, gây lãng phí nguồn lực. Chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tiến tới trở thành các đơn vị cung cấp dịch vụ logistic 3PL, 4PL, 5PL (dịch vụ bên thứ 3, bên thứ 4, bên thứ 5).
f) Thực hiện thoái/giảm vốn theo văn bản của Chính phủ về tỷ lệ nắm giữ vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tại các doanh nghiệp thành viên.
3. Cải cách, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp
a) Vận hành hệ thống quản trị tiên tiến cấp độ Công ty mẹ
b) Thực hiện các đột phá về công tác quản trị doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý tài sản, nguồn lực, các sáng kiến, sáng chế, giải pháp đổi mới nhằm tăng hiệu suất sử dụng nguồn lực, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
c) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình tìm kiếm tài năng bên cạnh chủ động phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt đội ngũ cán bộ nguồn kế cận. Xây dựng bộ khung cán bộ cấp chiến lược ở Tổng công ty và tiến hành đào tạo, luân chuyển cho tối thiểu toàn thể đội ngũ cán bộ cấp Chủ tịch, Tổng giám đốc các doanh nghiệp thành viên trở lên.
d) Khẩn trương áp dụng KPI (chỉ số đánh giá thực hiện công việc) và hệ thống trả lương, hệ thống đánh giá, bổ nhiệm/miễn nhiệm mới để khuyến khích những tập thể, cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
e) Củng cố mô hình quản trị, xây dựng mô hình quản trị ba tầng phòng vệ và nâng cao năng lực các tầng phòng vệ nhằm đảm bảo công tác thực hiện chiến lược, vận hành hiệu quả và kiểm soát rủi ro hợp lý trên toàn Tổng công ty.
4. Tăng hiệu quả hoạt động đầu tư
a) Xử lý có hiệu quả các tài sản xấu theo kế hoạch.
b) Tiếp tục triển khai các dự án theo kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị thành viên là chủ đầu tư dự án thực hiện dự án theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng dự án, tuân thủ quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và các quy định liên quan của pháp luật.
c) Quy hoạch lại hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và tiến hành đầu tư trực tiếp hoặc thông qua liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để tranh thủ nguồn vốn, công nghệ tiên tiến bên ngoài cũng như chia sẻ lợi nhuận và rủi ro.
5. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp có bản sắc riêng
a) Xác định hướng tiếp cận lấy khách hàng là trung tâm
b) Xây dựng và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp của Tổng công ty: Văn hóa làm việc hướng tới kết quả; Văn hóa làm việc gắn kết và sẻ chia (văn hóa làm việc nhóm); Văn hóa làm việc hướng tới khách hàng; Văn hóa làm việc sáng tạo, liên tục đổi mới.
c) Xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp phát triển vì lợi ích của cộng đồng như các phong trào an sinh xã hội, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và tiên phong thực hành phong trào Xanh: Cảng xanh, Bãi xanh, Kho xanh... trên toàn Tổng công ty.
Điều 2. Trên cơ sở nội dung Kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2018 được phê duyệt nêu trên, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Tổ chức cán bộ, Quản lý doanh nghiệp, Tài chính; Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 01
KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ NĂM 2018 CỦA CÔNG TY MẸ - TCT HÀNG HẢI VIỆT NAM
(kèm theo Quyết định số 1076/QĐ-BGTVT ngày 28/5/2018 của Bộ GTVT)
TT | Tên dự án |
1 | Dự án đầu tư Hệ thống Công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành của Tổng công ty |
2 | Lắp đặt bổ sung 02 thang máy |
3 | Cải tạo hội trường tầng 3 |
4 | Dự án 5S |
5 | Chi phí mua sắm phần mềm phục vụ sản xuất kinh doanh |
PHỤ LỤC 02
KẾ HOẠCH BÁN, THANH LÝ ĐỘI TÀU VẬN TẢI BIỂN CỦA CÔNG TY MẸ - TCT HÀNG HẢI VIỆT NAM NĂM 2018
(kèm theo Quyết định số 1076/QĐ-BGTVT ngày 28/5/2018 của Bộ GTVT)
TT | Tên tàu | Năm đóng | Theo danh mục tại Đề án TCC Vinalines gđ 2011-2015 (Quyết định 276) | Kế hoạch 2018 | Ghi chú | |
Chuyển tiếp từ gđ 2011-2015 chưa thực hiện | Bổ sung KH 2018 |
| ||||
1 | VINALINES Sky | 1997 | x | x |
| Bán tàu cũ, khai thác kém hiệu quả để giảm lỗ |
2 | VINALINES Ocean | 1993 | x | x |
| |
3 | VINALINES Fortuna | 1991 |
|
| x | |
4 | VINALINES Glory | 2006 |
|
| x | |
5 | VINALINES Galaxy | 2006 |
|
| x | |
6 | VINALINES Ruby | 2012 |
|
| x |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây