Thông tư 45/2015/TT-BYT về trang phục y tế
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông tư 45/2015/TT-BYT
Cơ quan ban hành: | Bộ Y tế |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 45/2015/TT-BYT |
Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Thông tư |
Người ký: | Nguyễn Thị Xuyên |
Ngày ban hành: | 30/11/2015 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, Thông tư số 45/2015/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 30/11/2015 quy định về trang phục y tế của người hành nghề khám, chữa bệnh, người lao động, học sinh, sinh viên tại các cơ sở khám, chữa bệnh, người bệnh, sản phụ, người nhà người bệnh, người đến thăm, làm việc, người tình nguyện hỗ trợ người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo đó, từ năm 2016, trang phục của điều dưỡng viên, hộ sinh viên, y sĩ vẫn màu trắng như trước nhưng có thêm viền xanh dương rộng 0,5cm ở túi, tay và cổ áo. Với bác sĩ, vẫn là áo bouse màu trắng, tuy nhiên được chia làm 02 loại - áo hè thu và áo đông xuân với chiều dài áo ngang gối thay vì quá gối từ 05 - 10cm như trước. Cũng từ năm 2016, ngoài màu xanh lam, trang phục của người bệnh, người bệnh nặng còn có màu trắng, kẻ sọc xanh lam hoặc nền sáng có họa tiết màu sẫm; kiểu dáng pyjama với người bệnh thường và áo dài tay, cổ tròn, cột dây phía sau với người bệnh nặng. Người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm lựa chọn, quy định màu sắc trang phục của người bệnh để sử dụng thống nhất tại đơn vị…
Đối với những trang phục đã được ký hợp đồng và may xong; đã được trang bị trước ngày 01/01/2016 không theo quy cách nêu trên được tiếp tục sử dụng, tối đa đến 24 tháng kể từ thời điểm cấp phát, trang bị cho người sử dụng.
Cũng theo Thông tư này, chậm nhất đến ngày 01/01/2018, các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên phải tổ chức giặt, là tập trung trang phục cho người hành nghề khám, chữa bệnh, người lao động, khách đến thăm, người bệnh và người nhà người bệnh (trừ khối hành chính); với các cơ sở còn lại, khuyến khích tổ chức giặt là tập trung nếu có điều kiện.
Xem chi tiết Thông tư45/2015/TT-BYT tại đây
tải Thông tư 45/2015/TT-BYT
BỘ Y TẾ |
Số: 45/2015/TT-BYT
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2015 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ TRANG PHỤC Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/08/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về trang phục y tế.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng trang phục y tế của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, học sinh, sinh viên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh, sản phụ, người nhà người bệnh (trực tiếp chăm sóc người bệnh), người đến thăm, làm việc, người tình nguyện hỗ trợ người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và việc quản lý, sử dụng trang phục y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân trên toàn quốc.
2. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; người lao động, học sinh, sinh viên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh, sản phụ, người nhà người bệnh, người đến thăm, làm việc, người tình nguyện hỗ trợ người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Các cơ sở y tế khác tùy điều kiện, tính chất công việc, yêu cầu chuyên môn có thể sử dụng trang phục y tế phù hợp trên cơ sở quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Quy định chung đối với trang phục y tế
1. Trang phục y tế bao gồm: Áo, quần, áo liền váy, chân váy, giầy dép, mũ và biển tên.
2. Tiêu chí của trang phục y tế:
a) Bảo đảm an toàn cho người bệnh, người sử dụng;
b) Thuận tiện khi mặc, khi thao tác chuyên môn;
c) Mang tính truyền thống, đặc trưng ngành y tế;
d) Nguyên liệu bảo đảm ít nhăn, dễ giặt, dễ là ủi, dễ khử khuẩn, thấm mồ hôi và phù hợp với khí hậu;
đ) Kiểu dáng và màu sắc hài hòa, thân thiện, đơn giản, hiện đại, lịch sự, trang nhã, kín đáo, bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với công việc và nghề nghiệp;
e) Bảo đảm nhận biết rõ các đối tượng sử dụng và các khu vực chuyên môn khác nhau.
3. Trang phục y tế không được có biểu tượng Chữ thập đỏ trái quy định của pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ.
Chương II. TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH, NGƯỜI LAO ĐỘNG, HỌC SINH, SINH VIÊN, LÀM VIỆC, HỌC TẬP TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 4. Trang phục của bác sĩ
1. Áo hè thu:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
c) Kiểu dáng: Áo blouse cổ bẻ Danton, cài cúc giữa, chiều dài áo ngang gối, kiểu dài tay hoặc ngắn tay, phía trước có 3 túi, có khuy cài biển công tác trên ngực trái, phía sau xẻ giữa tới ngang mông.
2. Áo đông xuân:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine;
c) Kiểu dáng: Áo blouse cổ bẻ Danton, cài cúc giữa, chiều dài áo ngang gối, kiểu dài tay, phía trước có 3 túi, có khuy cài biển công tác trên ngực trái, phía sau xẻ giữa tới ngang mông.
3. Quần:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine hoặc kaki;
c) Kiểu dáng: Quần âu hai ly, 2 túi chéo, quần nam có 1 túi sau.
4. Mũ:
a) Màu sắc: Theo màu sắc của áo;
b) Chất liệu: Theo chất liệu của áo.
Điều 5. Trang phục của điều dưỡng viên, hộ sinh viên, y sỹ
1. Áo hè thu:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
c) Kiểu dáng:
- Áo kiểu dài tay hoặc ngắn tay, cổ 2 ve, cài cúc giữa, chiều dài áo ngang mông, phía trước có 2 túi, có khuy cài biển công tác trên ngực trái;
- Túi áo, tay áo và cổ áo có viền xanh dương, viền rộng 0,5 cm.
2. Áo đông xuân:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine;
c) Kiểu dáng:
- Áo kiểu dài tay, cổ 2 ve, cài cúc giữa, chiều dài áo ngang mông, phía trước có 2 túi, có khuy cài biển công tác trên ngực trái;
- Túi áo, tay áo và cổ áo có viền xanh dương, kích thước viền rộng 0,5 cm.
3. Quần:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine hoặc kaki;
c) Kiểu dáng: Quần âu hai ly, 2 túi chéo, quần nam có 1 túi sau.
4. Áo liền váy: Ngoài trang phục áo, quần quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, điều dưỡng viên, hộ sinh viên nữ còn có thể được trang bị áo liền váy.
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine hoặc kaki;
c) Kiểu dáng:
- Áo liền váy kiểu dài tay hoặc ngắn tay cho mùa hè thu, kiểu dài tay cho mùa đông xuân, cổ 2 ve, chiều dài váy quá gối 5 cm đến 10cm, phía trước có 3 túi, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
- Túi áo liền váy, tay áo liền váy và cổ áo liền váy có viền xanh dương, kích thước viền rộng 0,5 cm.
5. Mũ:
a) Màu sắc: Theo màu sắc của áo hoặc áo liền váy;
b) Chất liệu: Theo chất liệu của áo hoặc áo liền váy.
Điều 6. Trang phục của kỹ thuật viên, cử nhân, kỹ sư và các chức danh khác làm việc chuyên môn tại các khoa, phòng lâm sàng và cận lâm sàng thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Áo hè thu:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
c) Kiểu dáng: Áo kiểu dài tay hoặc ngắn tay, cổ 2 ve, cài cúc giữa, chiều dài áo ngang mông, phía trước có 3 túi, có khuy cài biển công tác trên ngực trái.
2. Áo đông xuân:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine;
c) Kiểu dáng: Áo kiểu dài tay, chiều dài áo ngang mông, cổ 2 ve, phía trước có 3 túi, có khuy cài biển công tác trên ngực trái, cài cúc giữa.
3. Quần:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine hoặc kaki;
c) Kiểu dáng: Quần âu hai ly, 2 túi chéo, quần nam có 1 túi sau.
4. Mũ:
a) Màu sắc: Theo màu sắc của áo;
b) Chất liệu: Theo chất liệu của áo.
Điều 7. Trang phục của dược sĩ
1. Áo hè thu:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
c) Kiểu dáng: Áo blouse, kiểu dài tay hoặc ngắn tay, cổ 2 ve, cài cúc giữa, chiều dài áo ngang gối, phía trước có 2 túi chéo và 1 túi ngực, có khuy cài biển công tác trên ngực trái, phía sau xẻ giữa tới ngang mông.
2. Áo đông xuân:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine;
c) Kiểu dáng: Áo blouse, cổ 2 ve, cài cúc giữa, chiều dài áo ngang gối, kiểu dài tay, phía trước có 3 túi, có khuy cài biển công tác trên ngực trái, phía sau xẻ giữa tới ngang mông.
3. Quần:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải cotton gabardine hoặc kaki;
c) Kiểu dáng: Quần âu hai ly, 2 túi chéo, quần nam có 1 túi sau.
4. Mũ:
a) Màu sắc: Theo màu sắc của áo;
b) Chất liệu: Theo chất liệu của áo.
Điều 8. Trang phục của khu vực phẫu thuật, gây mê hồi sức, người làm việc tại trung tâm tiệt khuẩn
1. Trang phục của khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức, người làm việc tại trung tâm tiệt khuẩn
a) Áo:
- Màu sắc: Màu xanh cổ vịt;
- Chất liệu: Vải kate hoặc cotton hoặc gabardine;
- Kiểu dáng: Áo kiểu ngắn tay, cổ trái tim, chui đầu, chiều dài áo ngang mông, phía trước có 3 túi, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
b) Quần:
- Màu sắc: Màu xanh cổ vịt;
- Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine hoặc kaki;
- Kiểu dáng: Quần âu 2 ly, 2 túi chéo, quần nam có 1 túi sau.
c) Mũ:
- Màu sắc: Theo màu sắc của áo;
- Chất liệu: Theo chất liệu của áo.
2. Trang phục dành riêng khi làm việc trong phòng mổ
a) Áo:
- Màu sắc: Màu xanh cổ vịt;
- Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
- Kiểu dáng: Áo phẫu thuật dài tay, chiều dài quá gối 5-10cm, bo chun tay 6 cm, buộc dây phía sau.
b) Quần:
- Màu sắc: Màu xanh cổ vịt;
- Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
- Kiểu dáng: Quần kéo dây rút; không có túi.
c) Mũ:
- Màu sắc: Theo màu sắc của áo;
- Chất liệu: Theo chất liệu của áo.
Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ quy định tại các khoản này và điều kiện thực tế tại cơ sở để quyết định việc sử dụng trang phục phẫu thuật dùng 1 lần.
Điều 9. Trang phục của nhân viên dinh dưỡng
1. Áo hè thu:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
c) Kiểu dáng: Áo kiểu ngắn tay, cổ chữ U, cài cúc giữa, chiều dài áo ngang mông, phía trước có 3 túi đối với nam, 2 túi đối với nữ, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
2. Áo đông xuân:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine;
c) Kiểu dáng: Áo kiểu dài tay, cổ chữ U, cài cúc giữa, chiều dài áo ngang mông, phía trước có 3 túi đối với nam, 2 túi đối với nữ, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
3. Quần:
a) Màu sắc: Màu trắng;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine hoặc kaki;
c) Kiểu dáng: Quần âu hai ly, 2 túi chéo, quần nam có 1 túi sau.
4. Mũ:
a) Màu sắc: Theo màu sắc của áo;
b) Chất liệu: Theo chất liệu của áo.
5. Đối với nhân viên chế biến thức ăn có thêm tạp dề không cổ, có hai dây đai, chiều dài ngang gối, phía sau buộc dây.
Điều 10. Trang phục của hộ lý, y công, nhân viên giặt là
1. Áo hè thu:
a) Màu sắc: Màu xanh hòa bình;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
c) Kiểu dáng: Áo kiểu ngắn tay, cổ trái tim cài cúc giữa, chiều dài áo ngang mông; phía trước 2 túi, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
2. Áo đông xuân:
a) Màu sắc: Màu xanh hòa bình;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton hoặc gabardine;
c) Kiểu dáng: Áo kiểu dài tay, cổ trái tim cài cúc giữa, chiều dài áo ngang mông; phía trước 2 túi, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
3. Quần:
a) Màu sắc: Màu xanh hòa bình;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine hoặc kaki;
c) Kiểu dáng: Quần âu hai ly, 2 túi chéo, quần nam có 1 túi sau.
4. Mũ:
a) Màu sắc: Theo màu sắc của áo;
b) Chất liệu: Theo chất liệu của áo.
Điều 11. Trang phục của nhân viên tiếp đón, hành chính, thu ngân
1. Áo:
a) Màu sắc: Màu sáng;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton hoặc các loại vải có chứa cotton, thành phần co dãn;
c) Kiểu dáng: Áo sơ mi dài tay hoặc ngắn tay. Đối với nhân viên nữ, khuyến khích mặc trang phục áo dài truyền thống.
2. Quần đối với nam, quần hoặc chân váy đối với nữ:
a) Màu sắc: Màu sẫm;
b) Chất liệu: Phù hợp;
c) Kiểu dáng: Quần âu hai ly, 2 túi chéo, quần nam có 1 túi sau.
3. Áo vest: Tùy điều kiện cụ thể, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định việc sử dụng áo vest.
a) Màu sắc: Màu sẫm;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine;
c) Kiểu dáng: Cổ 2 ve, phía trước 3 túi, phía sau có xẻ, có vải lót phía trong, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
4. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định màu sắc trang phục của nhân viên tiếp đón, hành chính, thu ngân để sử dụng thống nhất tại đơn vị.
5. Đối với nhân viên tiếp đón: Đeo dải băng màu xanh gắn trên cánh tay trái áo hoặc chéo qua người, chiều rộng 10 cm, trên dải băng in dòng chữ “NHÂN VIÊN TIẾP ĐÓN”.
Điều 12. Trang phục của nhân viên bảo vệ
1. Áo hè thu:
a) Màu sắc: Màu ghi hoặc màu xanh cô ban sẫm hoặc màu xanh đen;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
c) Kiểu dáng: Áo ngắn tay, có nẹp cầu vai, tay lơ vê, 2 túi có nắp, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
2. Áo đông xuân:
a) Màu sắc: Cùng màu với màu áo hè thu;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton hoặc gabardine;
c) Kiểu dáng: Áo kiểu dài tay về mùa đông, có nẹp cầu vai, tay lơ vê, 2 túi có nắp, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
3. Quần:
a) Màu sắc: Cùng màu với màu áo;
b) Chất liệu: Vải kaki;
c) Kiểu dáng: Quần âu 2 ly, có 1 túi sau.
4. Áo khoác:
a) Màu sắc: Màu ghi;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine;
c) Kiểu dáng: Kiểu bu dông, cổ chữ K, phía trước 2 túi cơi chéo có nắp túi, 4 cúc, có nẹp cầu vai, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
5. Mũ kiểu kê pi cùng màu với áo.
6. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định màu sắc trang phục của nhân viên bảo vệ để sử dụng thống nhất tại đơn vị.
7. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuê công ty bảo vệ, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thống nhất với công ty bảo vệ về trang phục sử dụng trong bệnh viện.
Điều 13. Trang phục của kỹ thuật viên thiết bị y tế, kỹ sư thiết bị, nhân viên bảo trì, lái xe ô tô cấp cứu
1. Áo hè thu:
a) Màu sắc: Màu xanh đen;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
c) Kiểu dáng: Áo kiểu bu dông ngắn tay, tay lơ vê, có nẹp cầu vai, 2 túi có nắp, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
2. Áo đông xuân:
a) Màu sắc: Màu xanh đen;
b) Chất liệu: Vải cotton hoặc gabardine;
c) Kiểu dáng: Áo bu dông dài tay, tay lơ vê, có nẹp cầu vai, 2 túi có nắp, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
3. Quần:
a) Màu sắc: Màu xanh đen;
b) Chất liệu: Vải cotton gabardine hoặc kaki.
c) Kiểu dáng: Quần âu 2 ly, có 1 túi sau.
4. Áo khoác:
a) Màu sắc: Màu xanh đen;
b) Chất liệu: Vải cotton gabardine hoặc kaki.
c) Kiểu dáng: Kiểu bu dông, cổ chữ K, phía trước 2 túi cơi chéo có nắp túi, 4 cúc, có nẹp cầu vai, có khuy cài biển tên trên ngực trái.
Điều 14. Trang phục của học sinh, sinh viên
1. Học sinh, sinh viên học tập tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc chức danh nào thì sử dụng trang phục của chức danh nghề nghiệp tương ứng quy định tại chương này.
2. Trên vai áo có cầu vai màu xanh dương, kích thước 4 x 10 cm.
Điều 15. Trang phục của nhân viên Bảo hiểm xã hội làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Nhân viên Bảo hiểm xã hội khi làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì sử dụng trang phục do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định sau khi thống nhất với Bộ Y tế nhưng phải khác biệt với các đối tượng quy định tại Thông tư này.
Điều 16. Trang phục của các đối tượng khác
Trang phục của các đối tượng khác thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định để sử dụng thống nhất trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chương III. TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI BỆNH, SẢN PHỤ
Điều 17. Trang phục của người bệnh
1. Áo:
a) Màu sắc: Xanh lam hoặc nền trắng, kẻ sọc xanh lam hoặc nền sáng có họa tiết màu sẫm;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
c) Kiểu dáng: Áo kiểu pyjama, tay dài, cổ 2 ve, cài cúc giữa, chiều dài áo ngang mông; phía trước có 3 túi.
2. Quần
a) Màu sắc: Cùng màu sắc, họa tiết với màu sắc, họa tiết của áo;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
c) Kiểu dáng: Quần kiểu pyjama, kéo dây rút, có 1 túi sau.
3. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1, Khoản 2 Điều này lựa chọn, quy định màu sắc, họa tiết trang phục của người bệnh để sử dụng thống nhất tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Đối với trang phục của bệnh nhi: Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định cụ thể trang phục của bệnh nhi để sử dụng thống nhất tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 18. Trang phục của người bệnh nặng
1. Màu sắc: Màu xanh lam hoặc nền trắng, kẻ sọc xanh lam hoặc nền sáng có họa tiết màu sẫm;
2. Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
3. Kiểu dáng: Áo dài tay, cổ tròn, chiều dài áo quá gối 5 đến 10 cm, cột dây phía sau.
4. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ quy định tại Điều này lựa chọn, quy định màu sắc trang phục của người bệnh nặng để sử dụng thống nhất tại đơn vị.
Điều 19. Trang phục của sản phụ
1. Áo:
a) Màu sắc: Màu xanh lam hoặc màu hồng hoặc nền màu sáng có họa tiết màu sẫm;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
c) Kiểu dáng: Áo cổ tròn, dài tay, cài cúc giữa, dáng suông, chiều dài quá mông.
2. Chân váy:
a) Màu sắc: Cùng màu với màu sắc của áo;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton hoặc gabardine;
c) Chân váy rời, lưng kéo dây rút, chiều dài quá gối 20 cm.
3. Áo liền váy:
a) Màu sắc: Màu xanh lam hoặc màu hồng hoặc nền màu sáng có họa tiết màu sẫm;
b) Chất liệu: Vải kate hoặc cotton hoặc gabardine.
c) Áo liền váy cổ tròn, dài tay, cài cúc giữa, thân trước có rút nhúm ở phần co, chiều dài quá gối 5cm-10cm.
4. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều này lựa chọn, quy định màu sắc trang phục của sản phụ để sử dụng thống nhất tại đơn vị.
Chương IV. TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI NHÀ NGƯỜI BỆNH, KHÁCH THĂM, LÀM VIỆC, NGƯỜI TÌNH NGUYỆN HỖ TRỢ NGƯỜI BỆNH TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 20. Trang phục của người nhà người bệnh
1. Màu sắc: Màu vàng nhạt;
2. Chất liệu: Vải kate hoặc cotton;
3. Kiểu dáng: Áo khoác dài tay, cài cúc giữa, cổ tròn, chiều dài áo dưới gối 5-10cm, phía trước có 2 túi.
Điều 21. Trang phục của khách đến thăm, làm việc
Khách đến thăm, làm việc tại các khoa, phòng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng trang phục như trang phục của bác sĩ quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
Điều 22. Trang phục của người tình nguyện hỗ trợ người bệnh
Người tình nguyện hỗ trợ người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng áo ghi lê, màu xanh dương.
Chương V. CÁC TRANG PHỤC KHÁC
Điều 23. Khẩu trang, găng tay
Khẩu trang và găng tay sử dụng trong quá trình thao tác chuyên môn thực hiện theo Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn.
Điều 24. Giầy dép
Giầy hoặc dép quai hậu, mũi kín, đế bằng, dày không quá 3 cm, chống trơn trượt bảo đảm di chuyển dễ dàng. Không gây tiếng ồn khi di chuyển.
Điều 25. Biển tên của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Quy định chung:
a) Biển tên là công cụ để nhận biết vị trí, chức danh, học hàm, học vị của từng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Biển tên phải có tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quản lý và sử dụng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động; ảnh, họ và tên, chức vụ hoặc chức danh công việc, học hàm, học vị của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động; mã số biển tên; số chứng chỉ hành nghề đối với người phải có chứng chỉ hành nghề;
c) Biển tên được làm bằng chất liệu giấy ép plastic hoặc plastic.
2. Mẫu biển tên: Biển tên hình chữ nhật, rộng 50mm; dài 90mm, trên mặt biển tên được in các tiêu chí thông tin sau đây:
a) Tên cơ quan cấp trên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp sử dụng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động (ghi ở hàng thứ nhất): chữ in hoa kiểu Times New Roman, size 14, chữ đậm, màu chữ vàng nhạt được in trên nền màu xanh da trời;
b) Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp sử dụng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động (ghi ở hàng thứ hai): chữ in hoa kiểu Times New Roman, size 14, chữ đậm, màu chữ vàng nhạt được in trên nền màu xanh da trời;
c) Học hàm, học vị, họ và tên của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động (ghi ở hàng thứ ba): chữ in hoa kiểu Times New Roman, size 16, chữ đậm, màu đen được in trên nền màu trắng;
d) Chức vụ của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động (ghi ở hàng thứ tư): chữ in hoa kiểu Times New Roman, size 12, đậm, màu đen được in trên nền màu trắng.
đ) Mã số biển tên người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động theo quy định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (ghi ở hàng thứ năm) chữ in hoa kiểu Times New Roman, size 14, đậm, màu đỏ được in trên nền màu trắng;
e) Ảnh màu cỡ 3 x 4cm của người được cấp biển tên ở vị trí phía dưới bên trái biển tên;
g) Hình logo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp sử dụng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động ở vị trí phía trên bên trái biển tên (nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có logo).
3. Vị trí đeo biển tên: Biển tên của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đeo ở vị trí trước ngực trái bằng cách sử dụng khuy cài.
4. Chế độ đeo biển tên: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đeo biển tên khi thực hiện nhiệm vụ.
Điều 26. Thẻ của học sinh, sinh viên, khách đến thăm, làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Thẻ là công cụ để nhận biết học sinh, sinh viên, khách đến thăm, làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Thẻ của học viên, sinh viên, học sinh, người thực hành có dòng chữ “HỌC VIÊN” có dấu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
3. Thẻ của khách đến thăm, làm việc có dòng chữ “KHÁCH” và có dấu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho học sinh, sinh viên, khách đến thăm, làm việc mượn thẻ để sử dụng trong thời gian học tập, thực hành, thăm, làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chương VI. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRANG PHỤC Y TẾ
Điều 27. Cấp phát, trang bị, mượn trang phục y tế
1. Đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
a) Được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp lần đầu, đồng bộ trang phục, gồm:
- 02 bộ hè thu và 02 bộ đông xuân;
- Mũ: cấp theo quần áo, váy;
- 01 đôi giầy hoặc 01 dép có quai hậu;
- 01 biển tên;
- 01 dải băng đối với nhân viên tiếp đón.
b) Từ năm thứ hai, mỗi năm được cấp tối thiểu 02 bộ (01 bộ hè thu, 01 bộ đông xuân) và 01 đôi dép hoặc 01 đôi giầy có quai hậu;
c) Đối với các tỉnh phía Nam, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét lựa chọn trang phục theo quy định tại Thông tư này, phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương;
d) Thời hạn sử dụng: Áo, quần, áo liền váy chỉ được sử dụng trong thời gian không quá 02 năm kể từ ngày cấp. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cấp phát trang phục trong trường hợp hỏng, rách, mất trang phục trước thời gian hết hạn sử dụng.
đ) Dải băng của nhân viên tiếp đón được thay khi hỏng, rách, bạc màu.
2. Đối với người bệnh, người nhà người bệnh, khách thăm, làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho mượn để sử dụng trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh, thăm hoặc làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Đối với học sinh, sinh viên tự trang bị trang phục.
4. Đối với người tình nguyện: Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ điều kiện cụ thể của đơn vị để quyết định việc hỗ trợ trang phục cho người tình nguyện sử dụng trong quá trình hỗ trợ người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 28. Sử dụng trang phục y tế
1. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, học sinh, sinh viên khi thực hiện nhiệm vụ phải sử dụng trang phục y tế theo đúng quy định tại Thông tư này.
2. Không được sử dụng trang phục y tế không đúng mục đích hoặc không đúng đối tượng hoặc ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trừ trường hợp cấp cứu, chăm sóc sức khỏe tại gia đình hoặc khám bệnh, chữa bệnh tình nguyện, nhân đạo theo quy định của pháp luật.
Điều 29. Bảo quản trang phục y tế
1. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, học sinh, sinh viên, có trách nhiệm bảo quản và sử dụng trang phục y tế luôn sạch, đẹp; không được mặc trang phục nhăn, cũ, rách, mất cúc, đổi màu.
2. Chậm nhất sau 02 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực bệnh viện tuyến huyện trở lên phải tổ chức giặt, là tập trung trang phục cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, khách đến thăm, người bệnh và người nhà người bệnh (trừ khối hành chính). Khuyến khích các cơ sở còn lại tổ chức giặt là tập trung nếu có đủ điều kiện. Việc giặt là được thực hiện như sau:
a) Trang phục quần, áo, áo liền váy, chân váy cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, khách đến thăm, người bệnh và người nhà người bệnh phải thay, giặt thường xuyên, bảo đảm sạch sẽ.
b) Trang phục viên chức, người lao động làm việc trong các khu vực: khoa phẫu thuật, buồng đẻ, khoa hồi sức cấp cứu hoặc các khu vực lây nhiễm phải thay, giặt quần áo hàng ngày hoặc thay ngay khi bẩn.
c) Trang phục các khu lây nhiễm phải được giặt riêng.
3. Các khoa, phòng, đơn vị thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có tủ đựng trang phục hoặc có giá treo trang phục y tế.
4. Học viên, sinh viên, học sinh, người thực hành khi học tập, thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tự thay, giặt trang phục.
Điều 30. Trách nhiệm quản lý biển tên
1. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp sử dụng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động có trách nhiệm quản lý biển tên của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình:
a) Thực hiện việc cấp, đổi biển tên cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động để sử dụng trong việc thực hiện nhiệm vụ;
b) Thu hồi biển tên của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động trong các trường hợp: Thôi việc hoặc thay đổi cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác, vị trí chức danh công việc, chức vụ công tác.
2. Trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động trong việc quản lý và sử dụng biển tên
a) Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động có trách nhiệm quản lý, sử dụng biển tên theo đúng quy định tại Thông tư này. Tuyệt đối không được cho mượn biển tên dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động làm mất hoặc làm hỏng biển tên phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để đề nghị được cấp lại hoặc đổi biển tên mới;
c) Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động được điều động, luân chuyển, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác phải trả lại biển tên cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ, đồng thời đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị mới cấp biển tên để sử dụng;
d) Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động thay đổi về chức danh công việc hoặc chức vụ công tác thì đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp đổi biển tên mới;
đ) Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động khi nghỉ hưu được giữ biển tên của mình sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý biển tên đã cắt góc hoặc đột lỗ trên biển tên.
Chương VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 31. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
2. Bãi bỏ Quyết định số 2365/2004/QĐ-BYT ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chế trang phục y tế kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Điều 32. Điều khoản chuyển tiếp
Trang phục y tế đã được ký hợp đồng và may xong; trang phục y tế đã được trang bị cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động và các đối tượng khác tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực mà không theo đúng quy cách trang phục y tế quy định tại Thông tư này được tiếp tục sử dụng sau khi Thông tư này có hiệu lực nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm cấp phát, trang bị cho người sử dụng.
Điều 33. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi bổ sung.
Điều 34. Trách nhiệm thi hành
1. Cục Quản lý khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng y tế ngành chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) để nghiên cứu giải quyết.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây