Thông tư 03/2012/TT-BYT về thử thuốc trên lâm sàng

thuộc tính Thông tư 03/2012/TT-BYT

Thông tư 03/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng
Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:03/2012/TT-BYT
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Thông tư
Người ký:Nguyễn Thị Kim Tiến
Ngày ban hành:02/02/2012
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nghiêm cấm thử thuốc trên lâm sàng khi chưa được Bộ Y tế cho phép

Bộ Y tế vừa ký ban hành Thông tư số 03/2012/TT-BYT ngày 02/02/2012 hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng. Theo đó, việc thử thuốc trên lâm sàng phải tuân theo đúng các quy định của pháp luật về khoa học công nghệ, thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Người tham gia thử thuốc trên lâm sàng phải được tuyển chọn theo đúng các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.
Thông tư cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong thử thuốc trên lâm sàng khi chưa được phép của Bộ Y tế; tự ý sửa đổi, bổ sung nội dung hồ sơ, đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt; Sử dụng thuốc thử lâm sàng vào các mục đích khác... Hành vi ép buộc đối tượng tham gia nghiên cứu hoặc che giấu thông tin hoặc không cung cấp thông tin theo quy định dành cho người tham gia nghiên cứu cũng bị nghiêm cấm trong thực hiện thử thuốc trên lâm sàng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/03/2012; bãi bỏ Quyết định số 01/2007/QĐ-BYT ngày 11/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định về thử thuốc trên lâm sàng”  kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Từ ngày 15/02/2021, Thông tư này hết hiệu lực bởi Thông tư 29/2020/TT-BYT.

Xem chi tiết Thông tư03/2012/TT-BYT tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ Y TẾ

----------------------

Số:  03/2012/TT-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------

 Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2012

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng

--------------------------

            Căn cứ Luật Dược ngày 14/06/2005 và Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược;

            Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế,

            Bộ Y tế hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng như sau:

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
 Thông tư này hướng dẫn về thuốc phải thử lâm sàng, miễn thử lâm sàng, miễn một số giai đoạn thử lâm sàng; điều kiện thử thuốc trên lâm sàng; đăng ký, thẩm định, phê duyệt thử thuốc trên lâm sàng, các giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng; quyền và nghĩa vụ của các đối tượng liên quan; giám sát, kiểm tra, nghiệm thu đánh giá kết quả thử thuốc trên lâm sàng ở Việt Nam phục vụ cho việc nghiên cứu, cho phép lưu hành các loại thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế, vắc xin và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu sử dụng trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh trực tiếp trên người (sau đây được gọi chung là thuốc).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nước tham chiếu là một trong các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada hoặc Cơ quan quản lý các sản phẩm y tế của Châu Âu (European Medicines Agency - EMA).
2. Nghiên cứu đa trung tâm là một thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở hai trung tâm nghiên cứu trở lên để bảo đảm tính phổ quát về số lượng người tham gia thử thuốc trên lâm sàng, các yếu tố nhân khẩu học hoặc nhân chủng học đa dạng hơn.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng là những cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối thuốc có nhu cầu thử thuốc của mình trên lâm sàng.
4. Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng là các cơ sở y tế có chức năng nghiên cứu khoa học, có đủ điều kiện về nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất,  trang thiết bị cho việc thực hiện thử thuốc trên lâm sàng và được Bộ Y tế thẩm định, cho phép.
5. Người tham gia thử thuốc trên lâm sàng là người bệnh hoặc người tình nguyện khoẻ mạnh tự nguyện tham gia vào nghiên cứu.
6. Tổ chức nghiên cứu lâm sàng (Contract Research Orgnization: CRO) là tổ chức có tư cách pháp nhân, có năng lực chuyên môn phù hợp theo quy định của Bộ Y tế, độc lập với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng, được tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng ký hợp đồng để thực hiện các công việc hỗ trợ cho nghiên cứu như viết đề cương nghiên cứu, giám sát nghiên cứu, phân tích dữ liệu.
7. Tổ chức quản lý địa điểm nghiên cứu (Site Management Organization: SMO) là tổ chức có tư cách pháp nhân, đủ năng lực theo quy định của Bộ Y tế, độc lập với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng, tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng được tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng hoặc tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng ký hợp đồng để thực hiện các công việc hỗ trợ cho việc quản lý địa điểm nghiên cứu.
8. Dữ liệu lâm sàng nước ngoài là phương pháp, kết quả nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện ở nước ngoài.
9. Yếu tố chủng tộc là các yếu tố liên quan đến nhóm dân cư lớn có chung các đặc tính về di truyền, văn hóa, tập quán và môi trường sống.
10. Các quy định quốc tế về thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận là các hướng dẫn thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của khối các khu vực nằm trong Hội nghị hài hoà quốc tế về sử dụng dược phẩm trên người (ICH) và hướng dẫn thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (Good Clinical Practice - GCP) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Điều 3. Nguyên tắc thử thuốc trên lâm sàng
1. Việc thử thuốc trên lâm sàng phải theo đúng quy định của Thông tư này, các quy định của pháp luật về khoa học công nghệ, thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Người tham gia thử thuốc trên lâm sàng phải được tuyển chọn theo đúng các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.
Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Thử thuốc trên lâm sàng khi chưa được phép của Bộ Y tế.
2. Tự ý sửa đổi, bổ sung nội dung hồ sơ, đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt.
3. Sử dụng thuốc thử lâm sàng vào các mục đích khác.
4. Ép buộc đối tượng tham gia nghiên cứu hoặc che dấu thông tin hoặc không cung cấp thông tin theo quy định dành cho người tham gia nghiên cứu.
Chương II
CÁC THUỐC PHẢI THỬ LÂM SÀNG, MIỄN THỬ LÂM SÀNG
VÀ MIỄN MỘT SỐ GIAI ĐOẠN THỬ LÂM SÀNG
Điều 5. Thuốc phải thử lâm sàng đầy đủ các giai đoạn
1. Đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế:
a) Thuốc hóa dược chứa dược chất mới, thuốc có sự kết hợp mới của các dược chất đã lưu hành.
b) Sinh phẩm y tế lần đầu tiên được phát minh hoặc có sự kết hợp mới của các thành phần đã được lưu hành.
c) Thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế nước ngoài đã được lưu hành hợp pháp nhưng chưa đủ 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).
d) Thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế đã thử lâm sàng trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng các quy định về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của Bộ Y tế hoặc các hướng dẫn của quốc tế về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận.
2. Đối với vắc xin:
a) Vắc xin mới được nghiên cứu, sản xuất và lần đầu tiên được sử dụng.
b) Vắc xin nước ngoài đã được lưu hành hợp pháp nhưng chưa đủ 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).
c) Vắc xin đã thử lâm sàng trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng các quy định về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của Bộ Y tế hoặc các hướng dẫn của quốc tế về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận.
3. Đối với thuốc đông y, thuốc từ dược liệu:
a) Thuốc có chứa dược liệu mới lần đầu sử dụng trên người.
b) Thuốc đã thử lâm sàng trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng các quy định về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của Bộ Y tế hoặc các hướng dẫn của quốc tế về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận.
Điều 6. Thuốc miễn thử lâm sàng
1. Đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế:
a) Thuốc hóa dược mang tên gốc (thuốc generic).
b) Thuốc nước ngoài chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó xác nhận là an toàn và hiệu quả, có cùng đường dùng, hàm lượng và có chỉ định ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.
c) Thuốc nước ngoài đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nhưng có thay đổi hoặc bổ sung về chỉ định mới, đường dùng mới, dạng bào chế mới giống như chỉ định, đường dùng, dạng bào chế của thuốc đó đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).
2. Đối với vắc xin:
a) Vắc xin nước ngoài đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực, được nhập khẩu vào Việt Nam để hoàn thành giai đoạn dán nhãn, vào hộp.
b) Vắc xin đăng ký lại tại Việt Nam do hết hiệu lực số đăng ký và không có bất kỳ thay đổi nào.
3. Đối với thuốc đông y, thuốc từ dược liệu:
a) Các bài thuốc đông y được Bộ Y tế công nhận.
b) Thuốc đông y, thuốc từ dược liệu nước ngoài chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó xác nhận là an toàn và hiệu quả, có cùng đường dùng, hàm lượng và có chỉ định ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.
Điều 7. Thuốc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng
1. Đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế:
 Thuốc nước ngoài đã có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng có thay đổi hoặc bổ sung về chỉ định mới, đường dùng mới, dạng bào chế mới khác với chỉ định, đường dùng, dạng bào chế của thuốc đang được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) phải thực hiện:
a) Thử lâm sàng đánh giá về tính an toàn;
b) Thử lâm sàng đánh giá về tính hiệu quả trong trường hợp chưa thử lâm sàng đánh giá về tính hiệu quả hoặc đã thử lâm sàng đánh giá về tính hiệu quả nhưng chưa đáp ứng các quy định về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của Bộ Y tế hoặc các hướng dẫn của quốc tế về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận.
2. Đối với vắc xin:
a) Thử lâm sàng đánh giá về tính an toàn đối với:
            - Vắc xin nước ngoài chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó xác nhận là an toàn và hiệu quả, có cùng đường dùng, hàm lượng và có chỉ định ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.
            - Vắc xin sản xuất tại Việt Nam được làm từ sản phẩm chờ đóng gói nhập khẩu từ nước ngoài mà thành phẩm của vắc xin đó đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).
            - Vắc xin đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng thay đổi hoặc bổ sung tá dược, chất bảo quản, thay đổi cơ sở sản xuất (không thay đổi quy trình sản xuất).
b) Thử lâm sàng đánh giá về tính an toàn và tính sinh miễn dịch ở giai đoạn 3 đối với:
            - Vắc xin nước ngoài đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam.
            - Vắc xin sản xuất tại Việt Nam được làm từ sản phẩm trung gian nhập khẩu mà thành phẩm của vắc xin đó đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).
            - Vắc xin đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng thay đổi hoặc bổ sung một trong những nội dung: quy trình sản xuất, dạng bào chế, chỉ định, đối tượng sử dụng (lứa tuổi, giới tính, chủng tộc), đường dùng, liều dùng, lịch tiêm chủng.
3. Đối với thuốc đông y, thuốc từ dược liệu:
 Thử lâm sàng đánh giá về tính an toàn đối với thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam và các bài thuốc đông y được Bộ Y tế công nhận nhưng có thay đổi hoặc bổ sung về chỉ định, đường dùng, công thức, dạng bào chế khác với chỉ định, đường dùng, công thức, dạng bào chế của thuốc đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).
Điều 8. Thử thuốc trên lâm sàng trong một số trường hợp đặc biệt, khẩn cấp liên quan đến an ninh sức khỏe
Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng trên cơ sở tư vấn của Hội đồng Tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế đối với các trường hợp sau:
1. Thuốc dùng trong các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp liên quan đến an ninh sức khỏe gồm:
a) Thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế, vắc xin đã được lưu hành hợp pháp nhưng chưa đủ 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép), đã có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm được tiến hành tại Việt Nam và Châu Á, kết quả nghiên cứu chứng minh đạt an toàn và hiệu quả, có cùng hàm lượng, chỉ định và đường dùng ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.
b) Thuốc hóa dược, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đáp ứng yêu cầu điều trị đặc biệt, thuộc danh mục thuốc hiếm do Bộ Y tế ban hành, có dạng bào chế đặc biệt trong nước chưa sản xuất được, chưa có thuốc thay thế mà không có thuốc đó sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, đã được lưu hành hợp pháp nhưng chưa đủ 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó xác nhận là an toàn và hiệu quả, có cùng đường dùng, hàm lượng và có chỉ định ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.
c) Vắc xin dùng để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh hoặc các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao, chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, đã được lưu hành hợp pháp nhưng chưa đủ 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó xác nhận là an toàn và hiệu quả, có cùng đường dùng, hàm lượng và có chỉ định ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.
2. Thuốc đã có kết quả nghiên cứu từ các công trình, đề tài nghiên cứu cấp Bộ hoặc tương đương trở lên được thực hiện trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực mà đã thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này và các hướng dẫn về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng, được hội đồng khoa học công nghệ cấp Bộ hoặc tương đương trở lên nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu và đề nghị cho phép áp dụng rộng rãi.
Chương III
ĐIỀU KIỆN VỀ THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG
Điều 9. Điều kiện về thuốc thử lâm sàng
 Thuốc thử lâm sàng phải bảo đảm các yêu cầu sau:
1. Đã được nghiên cứu ở giai đoạn tiền lâm sàng, có các tài liệu chứng minh tính an toàn để có thể thử nghiệm các giai đoạn tiếp theo.
2. Có công thức, dạng bào chế và quy trình bào chế ổn định.
3. Có kết quả nghiên cứu thử lâm sàng các giai đoạn trước nếu đề nghị thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn tiếp theo.
4. Đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký thử thuốc trên lâm sàng.
5. Nhãn thuốc thử lâm sàng có dòng chữ “Sản phẩm dùng cho thử lâm sàng. Cấm dùng cho mục đích khác”.
Điều 10. Điều kiện về hồ sơ thử thuốc trên lâm sàng
Hồ sơ đăng ký thử thuốc trên lâm sàng bằng tiếng Việt (01 bản gốc có chữ ký, đóng dấu hợp pháp và 03 bản sao) gồm:
1. Đơn đề nghị thử thuốc trên lâm sàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng (Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Hồ sơ sản phẩm dành cho nghiên cứu viên bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh kèm theo bản tóm tắt bằng tiếng Việt (Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này).
3. Đơn đề nghị thẩm định, xét duyệt đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng của tổ chức nhận thử (Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).
4. Hợp đồng hợp tác nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử và tổ chức nhận thử và hợp đồng hợp tác giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử với tổ chức nghiên cứu lâm sàng, tổ chức quản lý địa điểm nghiên cứu nếu có (Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này).
5. Thuyết minh đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
6. Lý lịch khoa học và Giấy chứng nhận về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của nghiên cứu viên chính/ chủ nhiệm đề tài do Bộ Y tế hoặc do các tổ chức được Bộ Y tế công nhận cấp.
7. Bản cung cấp thông tin về nghiên cứu và phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu (Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này).
8. Biên bản đánh giá về mặt khoa học và đạo đức trong nghiên cứu của hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở (tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng).
9. Văn bản xác nhận tham gia của các tổ chức nghiên cứu đối với nghiên cứu đa trung tâm tại Việt Nam.
10. Văn bản chấp thuận tham gia nghiên cứu của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các nghiên cứu tại thực địa.
11. Các tài liệu về thuốc thử lâm sàng, gồm:
a) Tài liệu nghiên cứu về thuốc: thành phần công thức, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, phiếu kiểm nghiệm thuốc (đối với thuốc hóa dược, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu: phiếu kiểm nghiệm của cơ quan kiểm nghiệm thuốc trung ương hoặc của nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP); đối với vắc xin: phiếu kiểm nghiệm chất lượng của cơ quan kiểm định quốc gia hoặc chứng nhận xuất xưởng đối với lô vắc xin, sinh phẩm của cơ quan quản lý thuốc quốc gia nước sở tại).
b) Tài liệu nghiên cứu tiền lâm sàng của thuốc cần thử: các báo cáo nghiên cứu về tác dụng dược lý, độc tính, tính an toàn, đề xuất về liều dùng, đường dùng, cách sử dụng.
c) Tài liệu nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng các giai đoạn trước (nếu đề nghị thử thuốc trên lâm sàng ở giai đoạn tiếp theo).
12. Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận sản phẩm (CPP) hoặc giấy phép lưu hành thuốc (FSC) và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với các thuốc đề nghị nghiên cứu thử lâm sàng đánh giá về tính an toàn, thử lâm sàng giai đoạn 4.
13. Nhãn thuốc nghiên cứu theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Thông tư này và ảnh chụp mẫu thuốc nghiên cứu.
Điều 11. Điều kiện của tổ chức nhận thử, nghiên cứu viên chính và nghiên cứu viên tham gia thử thuốc trên lâm sàng
1. Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng phải đạt các tiêu chí về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP); độc lập về kinh tế, tổ chức nhân sự đối với cá nhân, tổ chức có thuốc thử trên lâm sàng và cam kết thực hiện thử nghiệm lâm sàng hoàn toàn không có bất kỳ xung đột lợi ích nào giữa các bên tham gia.
2. Nghiên cứu viên chính thử thuốc trên lâm sàng phải là người có trình độ kiến thức sâu về chuyên ngành, kinh nghiệm lâm sàng, năng lực thực hành bảo đảm các nguyên tắc thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng, nắm vững các quy định thử thuốc trên lâm sàng, có khả năng triển khai thực hiện đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt đầy đủ, đúng tiến độ, có giấy chứng nhận GCP do Bộ Y tế hoặc do các tổ chức được Bộ Y tế công nhận cấp.
3. Nghiên cứu viên phải là người có kiến thức chuyên ngành phù hợp, được tập huấn về những nội dung và kỹ năng cần thiết để thực hiện nghiên cứu, có giấy chứng nhận GCP do Bộ Y tế hoặc do các tổ chức được Bộ Y tế công nhận cấp.
Điều 12. Điều kiện của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng
1. Người tham gia thử thuốc trên lâm sàng phải là người tình nguyện, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và phải ký cam kết với tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng, trừ trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có năng lực hành vi dân sự.
2. Trường hợp người tham gia thử thuốc trên lâm sàng chưa đủ 18 tuổi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có năng lực hành vi dân sự thì phải được sự đồng ý của người đại diện theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp người thử thuốc trên lâm sàng là phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: Hồ sơ nghiên cứu phải nêu rõ lý do tuyển chọn đối tượng này và phải được sự phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Y tế trên cơ sở xem xét, thẩm định đề cương nghiên cứu về tính khoa học, tính đạo đức của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế.
Điều 13. Điều kiện về kinh phí thử thuốc lâm sàng
1. Kinh phí phải được cấp đủ để hoàn thành các hoạt động trong toàn bộ quá trình thử thuốc trên lâm sàng (bao gồm các mục: kinh phí triển khai nghiên cứu; kinh phí quản lý, giám sát, thanh tra) do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc cần thử lâm sàng cung cấp thể hiện bằng hợp đồng nghiên cứu giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử và tổ chức nhận thử lâm sàng.
2. Đối với các thuốc nghiên cứu do các chương trình, đề tài sử dụng ngân sách nhà nước hoặc đề tài hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cấp kinh phí, chủ nhiệm và tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng cần dự trù kinh phí thử nghiệm lâm sàng trong tổng kinh phí được cấp cho nghiên cứu.
3. Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng và nghiên cứu viên chính có trách nhiệm quản lý kinh phí được giao để chi cho việc nghiên cứu đúng nội dung và định mức chi theo quy định của pháp luật hoặc hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.
Chương IV
ĐĂNG KÝ, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC  TRÊN LÂM SÀNG
Điều 14. Đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng nộp hồ sơ đăng ký bao gồm các tài liệu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 Thông tư này về Bộ Y tế.
2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký, Bộ Y tế có văn bản trả lời làm cơ sở cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng triển khai các bước tiếp theo.
Điều 15. Xây dựng hồ sơ nghiên cứu
            Căn cứ vào văn bản chấp thuận của Bộ Y tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng phối hợp với nghiên cứu viên chính và tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng xây dựng hồ sơ nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng bao gồm:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng cung cấp các tài liệu quy định tại các khoản 1, 2, 7, 11, 12 và 13 Điều 10 Thông tư này cho nghiên cứu viên chính và tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng.
2. Nghiên cứu viên chính phối hợp cùng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng và các thành viên nhóm nghiên cứu thiết kế đề cương nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này.
Điều 16. Nộp hồ sơ nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng
1. Hồ sơ nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo quy định tại Điều 10 Thông tư này gửi về Bộ Y tế làm cơ sở cho việc thẩm định, xem xét và phê duyệt.
2. Hồ sơ nộp về Bộ Y tế trước ngày 20 hàng tháng sẽ được xem xét thẩm định trong tháng đó. Hồ sơ nộp sau thời hạn trên sẽ chuyển sang thẩm định ở tháng tiếp theo.
3. Thông tin liên quan đến đăng ký, xây dựng và nộp hồ sơ có thể truy cập tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế www.moh.gov.vn hoặc qua trang điện tử của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Bộ Y tế www.iecmoh.vn.
Điều 17. Thẩm định, phê duyệt các nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng
1. Thẩm định hồ sơ nghiên cứu:
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 10 Thông tư này, Bộ Y tế tổ chức họp Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.
2. Thông báo kết quả:
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, sau khi có kết quả thẩm định của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Vụ Khoa học và Đạo tạo sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và thông báo kết quả bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng, tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng.
3. Phê duyệt:
 Trong thời hạn 15 ngày làm việc, sau khi thông báo kết quả và nhận hồ sơ bổ sung hoàn chỉnh (nếu có), Vụ Khoa học và Đạo tạo sẽ tổng hợp, trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.
Chương V
CÁC GIAI ĐOẠN THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG
VÀ TIẾN HÀNH THỬ NGHIỆM
Điều 18. Các giai đoạn thử thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế trên lâm sàng
1. Giai đoạn 1:
a) Là giai đoạn lần đầu tiên thử nghiệm hoạt chất mới hay công thức mới của thuốc trên người (thường được thực hiện ở người tình nguyện khỏe mạnh).
b) Mục đích nghiên cứu giai đoạn 1: nhằm thiết lập đánh giá sơ bộ về tính an toàn và bước đầu đánh giá dược động học và dược lực học của hoạt chất trên người.
c) Cỡ mẫu: cần cân nhắc thận trọng dựa trên kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, cỡ mẫu 10-30 đối tượng.
2. Giai đoạn 2:
a) Là giai đoạn thử nghiệm được tiến hành trên số lượng người bệnh hạn chế.
b) Mục đích nghiên cứu giai đoạn 2: nhằm đánh giá hiệu quả trị liệu, tính an toàn của hoạt chất trên người bệnh, xác định liều sử dụng và chế độ liều thích hợp để đưa ra trị liệu tối ưu cho thử nghiệm lâm sàng.
c) Cỡ mẫu: tối thiểu 50 người bệnh.
3. Giai đoạn 3:
a) Là giai đoạn thử nghiệm được nghiên cứu trên số lượng người bệnh lớn hơn. Các điều kiện thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn này được tiến hành gần với điều kiện sử dụng thông thường. Thường tiến hành đa trung tâm, ngẫu nhiên, có nhóm chứng.
b) Mục đích nghiên cứu giai đoạn 3: nhằm xác định tính ổn định của công thức, tính an toàn, hiệu quả ngắn hạn và dài hạn của hoạt chất, đánh giá hiệu quả trị liệu ở mức tổng thể. Nghiên cứu các phản ứng có hại thường xảy ra, phát hiện các đặc điểm đặc biệt của sản phẩm nghiên cứu.
c) Cỡ mẫu: tối thiểu 200 người bệnh.
4. Giai đoạn 4:
a) Là các nghiên cứu lâm sàng được tiến hành sau khi thuốc đã được đưa vào lưu hành. Thiết kế nghiên cứu có thể khác nhau nhưng các tiêu chuẩn khoa học và đạo đức giống với tiêu chuẩn trước khi thuốc lưu hành.
b) Mục đích nghiên cứu giai đoạn 4: thử nghiệm lâm sàng giai đoạn này được tiến hành trên cơ sở của các đặc tính của sản phẩm đã được phép lưu hành, thông thường dưới hình thức giám sát sau lưu hành hay đánh giá hiệu quả trị liệu hoặc đánh giá các chiến lược điều trị.
c) Cỡ mẫu: tối thiểu 1.000 người bệnh.
Điều 19. Các giai đoạn thử vắc xin trên lâm sàng
1. Giai đoạn 1:
a) Là giai đoạn đầu tiên thử nghiệm vắc xin mới ở mức quy mô nhỏ để đánh giá sơ bộ về tính an toàn của vắc xin qua thu nhận thông tin sơ bộ về khả năng chịu đựng thuốc. Thông thường giai đoạn 1 được thực hiện trên người trưởng thành tình nguyện khoẻ mạnh, có nguy cơ nhiễm bệnh và biến chứng thấp trước khi sử dụng cho đối tượng đích.
b) Giai đoạn 1 thường là nghiên cứu mở, không ngẫu nhiên với nhóm chứng giả dược có thể thực hiện với một số lứa tuổi hoặc nhóm dân cư để xác định liều dùng, tính an toàn, lịch tiêm, đường tiêm chủng vắc xin.
c) Những vắc xin sống giảm độc lực (vi rút hoặc vi khuẩn) có khả năng nhiễm cho người tiếp nhận hoặc tiếp xúc phải được đánh giá và giám sát chặt chẽ về liều dùng, dấu hiệu lâm sàng nhiễm bệnh và tính gây phản ứng (tức thì, sớm và muộn). Nghiên cứu giai đoạn 1 có thể cung cấp thông tin sơ bộ về sự phát tán, đặc tính hồi độc, lây truyền cho người tiếp xúc và tính ổn định di truyền học của chủng vắc xin.
d) Cỡ mẫu: cần cân nhắc thận trọng dựa trên kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, cỡ mẫu 30-50 đối tượng.
2. Giai đoạn 2:
a) Được tiến hành sau khi hoàn thành giai đoạn 1 với kết quả được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế chấp thuận. Mục đích giai đoạn 2 để chứng minh tính sinh miễn dịch của thành phần có hoạt tính, tính an toàn của vắc xin thử trên đối tượng đích. Nghiên cứu giai đoạn 2 đánh giá khả  năng đáp ứng miễn dịch liên quan đến tuổi, chủng tộc, giới tính. Nghiên cứu thiết kế có nhóm chứng và ngẫu nhiên.
b) Đối với vắc xin sống giảm độc lực, ngoài việc giám sát các thông số như giai đoạn 1 cần  quan tâm đến sự xuất hiện và tồn tại hiệu giá kháng thể: kháng thể trung hoà hoặc kháng thể ngưng kết chéo hoặc miễn dịch trung gian tế bào và những tương tác ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch (ví dụ: kháng thể tồn tại trước đó, việc tiêm chủng đồng thời với vắc xin hoặc thuốc khác).
c) Cỡ mẫu: tối thiểu 200 đối tượng.
3. Giai đoạn 3:
a) Nghiên cứu giai đoạn 3 được thực hiện trên quy mô lớn, đa trung tâm để đánh giá hiệu quả bảo vệ (efficacy) và tính an toàn của các thành phần có hoạt tính miễn dịch trong vắc xin trên các đối tượng đích.
b) Cỡ mẫu: tối thiểu 500 đối tượng.
4. Giai đoạn 4:
a) Nghiên cứu giai đoạn 4 được tiến hành sau khi vắc xin được phép cấp lưu hành. Giai đoạn 4 được coi như giám sát sau cấp phép hoặc nghiên cứu sau cấp phép với mục đích xác định phản ứng có hại và theo dõi hiệu quả bảo vệ sau khi vắc xin được dùng rộng rãi trong cộng đồng dân cư dưới điều kiện sử dụng. Giai đoạn 4 có thể được tổ chức để đánh giá:
            - Điều kiện tối ưu để sử dụng vắc xin (tuổi tối ưu để tiêm chủng, sử dụng đồng thời với một vắc xin khác và các điều kiện khác).
            - Hiệu quả bảo vệ trong nhóm nguy cơ (người cao tuổi, người bệnh tổn thương miễn dịch, người bị bệnh nhất định).
            - Duy trì mức độ bảo vệ và tính an toàn lâu dài.
b) Cỡ mẫu: tối thiểu 10.000 đối tượng.
Điều 20. Các giai đoạn thử thuốc đông y, thuốc từ dược liệu trên lâm sàng
1. Giai đoạn 1:
a) Nghiên cứu thường được tiến hành trên người tình nguyện đáp ứng đủ tiêu chuẩn thử nghiệm lâm sàng với mục đích xác định liều an toàn (là liều tối đa mà với liều đó không gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng), cụ thể:
b) Liều đầu tiên phải bằng 1/3 - 1/5 liều dự kiến từ nghiên cứu tiền lâm sàng. Từ liều đầu tiên đến liều tối đa có thể chia làm nhiều liều. Giai đoạn này kết thúc khi xác định được liều an toàn.
c) Cỡ mẫu: cần cân nhắc thận trọng dựa trên kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, cỡ mẫu 10-30 đối tượng.
2. Giai đoạn 2:
a) Nghiên cứu đánh giá về tính an toàn và hiệu lực của thuốc. Thiết kế nghiên cứu có nhóm chứng, ngẫu nhiên, mỗi nhóm tối thiểu là 25 người bệnh.
b) Liều điều trị: liều lượng thuốc dùng trong giai đoạn này phải căn cứ vào kết quả của nghiên cứu giai đoạn 1.
c) Cỡ mẫu: tối thiểu 50 người bệnh.
3. Giai đoạn 3:
a) Để khẳng định lại tính an toàn và hiệu lực của thuốc trong điều kiện mở rộng. Đối tượng nghiên cứu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên có đối chứng hoặc tự đối chứng.
b) Cỡ mẫu: tối thiểu 100 người bệnh.
4. Giai đoạn 4:
a) Áp dụng như đối với thuốc hóa dược.
b) Cỡ mẫu: tối thiểu 200 người bệnh.
Điều 21. Thử thuốc trên lâm sàng tại nhiều cơ sở khác nhau
1. Khi triển khai nghiên cứu tại nhiều cơ sở khác nhau, tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng cần thành lập ban chỉ đạo chung bao gồm nghiên cứu viên chính, các nghiên cứu viên chính các nhánh và đại diện các đơn vị chủ trì nghiên cứu để thống nhất mục tiêu, nội dung, các tiêu chí đánh giá, kế hoạch và tiến độ nghiên cứu.
2. Đối với những nghiên cứu lâm sàng đa quốc gia, trong đó có Việt Nam là thành viên tham gia thì thủ tục hồ sơ phải theo đúng các quy định của Thông tư này. Mục tiêu, nội dung nghiên cứu thử nghiệm tại Việt Nam, các hoạt động phối hợp triển khai nghiên cứu với các quốc gia phải được thể hiện chi tiết trong đề cương nghiên cứu.
Điều 22. Mục tiêu, nội dung và cỡ mẫu nghiên cứu
 Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định cụ thể mục tiêu, nội dung và cỡ mẫu nghiên cứu được quy định tại Điều 18, 19, 20, 21 của Thông tư này trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học đối với từng trường hợp hồ sơ, đề cương nghiên cứu.
Điều 23. Xử lý các trường hợp tai biến trong thời gian thử thuốc trên lâm sàng
Xử lý các bất thường trong quá trình nghiên cứu được thực hiện như sau:
1. Trường hợp xảy ra tai biến gây nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng người tham gia thử thuốc trên lâm sàng, nghiên cứu viên chính và tổ chức nhận thử lâm sàng phải dừng ngay thử nghiệm trên người tham gia thử đó, tổ chức cấp cứu, khắc phục và giải quyết hậu quả, lập biên bản, đồng thời báo cáo khẩn cho Hội đồng đạo đức cấp cơ sở, Hội đồng đạo đức - Bộ Y tế, Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế.
2. Trường hợp thử nghiệm dẫn đến tổn thương về sức khoẻ người tham gia thử thuốc trên lâm sàng, nghiên cứu viên chính phải dừng nghiên cứu để điều trị và theo dõi diễn biến sức khoẻ của người tham gia thử lâm sàng và xem xét, quyết định tiếp tục hoặc dừng thử lâm sàng.
3. Trường hợp bất thường đã được dự kiến trước và đã áp dụng biện pháp xử lý có hiệu quả thì vẫn tiếp tục tiến hành thử thuốc trên lâm sàng.
Điều 24. Thu thập thông tin, số liệu
1. Các thông tin ghi nhận trong quá trình nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng phải ghi trong bệnh án nghiên cứu (CRFs). Bệnh án nghiên cứu được coi là tài liệu gốc, bảo quản lưu trữ theo đúng quy định làm căn cứ cho việc giám sát, nghiệm thu đánh giá kết quả thử nghiệm.
2. Các tài liệu liên quan cần thiết cho quá trình đánh giá lâm sàng (phiếu xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh, đơn thuốc) phải được sao chụp từ  bản gốc ghi rõ họ tên người kiểm tra đối chiếu, nêu rõ nguồn gốc và phải được quản lý, lưu trữ theo quy định.
Điều 25. Xử lý số liệu
1. Các số liệu nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng phải được xử lý theo phương pháp thống kê y sinh học và phải do một cơ quan, tổ chức độc lập với cơ quan, tổ chức nhận thử chịu trách nhiệm xử lý số liệu nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực và tin cậy.
2. Kết quả phân tích thống kê phải được trình bày rõ ràng để giúp cho việc nhận định sự khác biệt về kết quả lâm sàng; khi đánh giá hiệu quả điều trị, phải dựa vào mức độ tin cậy và các kết quả đạt được từ phân tích thống kê. Báo cáo kết luận cuối cùng của nghiên cứu lâm sàng phải nhất quán với kết quả phân tích thống kê.
Điều 26. Lưu trữ tài liệu về thử thuốc trên lâm sàng
1. Các số liệu, tài liệu gốc, phiếu xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh, các tài liệu thu thập có liên quan đến thử thuốc trên lâm sàng, biên bản họp các hội đồng, biên bản giám sát, báo cáo tiến độ, hồ sơ đăng ký thử nghiệm và các tài liệu khác liên quan đến nghiên cứu phải được bảo quản đầy đủ, lưu trữ ít nhất 15 năm tại cơ sở nghiên cứu, tính từ thời điểm kết thúc nghiên cứu.
2. Nghiên cứu viên chính chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình bảo quản lưu trữ tài liệu của nghiên cứu và có trách nhiệm xuất trình khi có yêu cầu của các đoàn thanh tra, giám sát và của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 27. Báo cáo kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng
1. Báo cáo kết quả thử thuốc trên lâm sàng tuân thủ theo đúng mẫu quy định (Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này), bao gồm đầy đủ các thông tin về thuốc, mô tả phương pháp nghiên cứu, quá trình thử, phân tích các số liệu, đánh giá kết quả, so sánh với mục tiêu nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu; đưa ra được kết luận chính xác, trung thực và khách quan. Nội dung báo cáo phải phù hợp với mục tiêu và nội dung nghiên cứu trong đề cương đã được phê duyệt.
2. Nghiên cứu viên chính chịu trách nhiệm về tính khoa học, tính chính xác, trung thực của các số liệu, kết luận, nhận định và các nội dung khác của báo cáo.
Điều 28. Quản lý thuốc thử lâm sàng
1. Việc xuất, nhập khẩu thuốc thử lâm sàng cần thực hiện theo quy định hiện hành về xuất, nhập khẩu thuốc.
2. Việc quản lý thuốc thử lâm sàng phải được thực hiện đúng các quy định hiện hành từ các khâu lấy mẫu, kiểm nghiệm chất lượng, đóng gói, vận chuyển, giao nhận, bảo quản, ghi nhãn và phân phối.
3. Phải có sổ ghi chép để theo dõi việc sử dụng thuốc cho thử lâm sàng kèm theo các thông tin về số lượng, chất lượng của thuốc.
4. Thuốc chưa dùng hết và thuốc lưu phải được quản lý chặt chẽ, để riêng và bảo quản theo đúng quy định. Thuốc không sử dụng hết phải được bàn giao cho tổ chức, cá nhân có thuốc thử.
5. Thuốc không bảo đảm chất lượng phải lập biên bản xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.
6. Mẫu thuốc lưu (03 đơn vị đóng gói nhỏ nhất) phải được bảo quản ít nhất ba năm (36 tháng) tại tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng sau khi kết thúc nghiên cứu.
Chương VI
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI THAM GIA, NGƯỜI CÓ THUỐC  VÀ TỔ CHỨC NHẬN THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG
Điều 29.  Quyền của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng
1. Được cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực trước khi thử lâm sàng về quá trình thử nghiệm và những rủi ro có thể xảy ra.
2. Được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng bồi thường thiệt hại nếu do thử lâm sàng gây ra.
3. Được giữ bí mật về những thông tin cá nhân có liên quan.
4. Không phải chịu trách nhiệm khi đơn phương chấm dứt hợp đồng tham gia thử thuốc trên lâm sàng.
5. Khiếu nại, tố cáo những vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng và nhận thử thuốc trên lâm sàng.
6. Được chăm sóc sức khoẻ trong quá trình thử nghiệm theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.
Điều 30. Quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng
1. Lựa chọn và đề xuất tổ chức đáp ứng quy định về cơ sở vật chất và cán bộ chuyên môn để thử thuốc trên lâm sàng.
2. Được sở hữu toàn bộ kết quả nghiên cứu của thuốc thử trên lâm sàng.
3. Được quyền đề nghị chấm dứt nghiên cứu nếu tổ chức nhận thử thuốc vi phạm nghiêm trọng đề cương.
Điều 31. Nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng
1. Xin phép và được Bộ trưởng Bộ Y tế đồng ý bằng văn bản trước khi thử lâm sàng.
2. Bồi thường thiệt hại cho người tham gia thử thuốc trên lâm sàng nếu rủi ro xảy ra do thử thuốc trên lâm sàng theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Ký kết hợp đồng về thử thuốc trên lâm sàng với tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng và tổ chức nghiên cứu lâm sàng (nếu có).
4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng và tính an toàn của thuốc do mình cung cấp.
Điều 32. Quyền của tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng
1. Được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng cung cấp thuốc, kinh phí để tiến hành thử lâm sàng theo quy định của pháp luật.
2. Được sử dụng kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo thoả thuận với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng.
Điều 33. Nghĩa vụ của tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng
1. Tuân thủ các quy định thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng, báo cáo với Bộ Y tế về quá trình, kết quả thử nghiệm lâm sàng và báo cáo đột xuất trong trường hợp cần thiết.
2. Ký kết hợp đồng về việc thử thuốc trên lâm sàng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và với người tham gia thử lâm sàng.
3. Tiếp tục theo dõi sức khoẻ và bệnh tật của người tham gia thử lâm sàng theo thoả thuận trong hợp đồng hoặc đề cương nghiên cứu.
Chương VII
GIÁM SÁT, KIỂM TRA ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU
Điều 34. Giám sát, kiểm tra quá trình thử thuốc trên lâm sàng
1. Giám sát, kiểm tra nhằm bảo đảm quyền, lợi ích, sức khoẻ của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng, bảo đảm các số liệu ghi chép của nghiên cứu được tiến hành đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng quy định theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.
2. Bộ Y tế thành lập đoàn giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với từng trường hợp cụ thể.
3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng, tổ chức nghiên cứu lâm sàng (CRO) hoặc tổ chức quản lý địa điểm nghiên cứu (SMO) được Bộ Y tế chấp thuận bằng văn bản có thể đề xuất cử người theo dõi, giám sát quá trình nghiên cứu một cách có hệ thống. Người được giao nhiệm vụ giám sát không được là thành viên của nhóm nghiên cứu, thực hiện đúng các quy định về bảo mật số liệu nghiên cứu và các thông tin liên quan đến người tham gia thử lâm sàng và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về công việc của mình.
4. Nghiên cứu viên chính và các nghiên cứu viên có trách nhiệm tạo điều kiện cho người giám sát tham khảo các số liệu nghiên cứu khi có yêu cầu.
5. Đoàn giám sát, kiểm tra có trách nhiệm báo cáo, đề xuất bằng biên bản giám sát, kiểm tra các nội dung giám sát với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền làm cơ sở cho việc xem xét, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Điều 35. Bảo đảm độ tin cậy kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng
1. Để bảo đảm nghiên cứu có đủ độ tin cậy, các phân tích, nhận định kết luận về kết quả phải xuất phát từ số liệu gốc. Trong mỗi giai đoạn nghiên cứu cần phải thẩm tra tất cả các số liệu lâm sàng và chỉ tiêu xét nghiệm.
2. Trong trường hợp cần thiết, hội đồng nghiệm thu các cấp sẽ mời chuyên gia đánh giá kết quả, kiểm tra số liệu, kiểm định sản phẩm của nghiên cứu hoặc thành lập Ban giám sát số liệu (DSMB) theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Chương VIII
NGHIỆM THU ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG
Điều 36. Thủ tục nghiệm thu kết quả thử thuốc trên lâm sàng
1. Nghiệm thu kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng được thực hiện theo các quy định hiện hành về đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ và hướng dẫn thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng.
2. Việc nghiệm thu được tiến hành ở hai cấp: cấp cơ sở và cấp Bộ Y tế. Khi kết thúc nghiên cứu, nghiên cứu viên chính có trách nhiệm báo cáo với tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng để đánh giá kết quả nghiên cứu ở cấp cơ sở và hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Y tế để nghiệm thu cấp Bộ.
Điều 37. Hồ sơ nghiệm thu cấp Bộ Y tế
Hồ sơ báo cáo nghiệm thu cấp Bộ (01 bộ gốc có chữ ký, đóng dấu hợp pháp và 03 bản sao) gồm:
1. Công văn của tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng đề nghị nghiệm thu cấp Bộ.
2. Bản sao đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.
3. Quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu.
4. Quyết định thành lập hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở.
5. Biên bản họp hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở.
6. Báo cáo toàn văn kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo quy định và có thể bổ sung những thông tin có liên quan khác khi thấy cần thiết.
Điều 38. Kết thúc nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng
1. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị nghiệm thu, Bộ Y tế sẽ tổ chức họp hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu theo quy định hiện hành.
2. Nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng chỉ được coi là hoàn thành khi báo cáo kết quả cuối cùng được hội đồng đánh giá nghiệm thu và chấp nhận những bổ sung của nghiên cứu viên chính theo các ý kiến góp ý của hội đồng (nếu có).
3. Các số liệu và kết quả thử lâm sàng chỉ được công bố khi đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế đánh giá nghiệm thu.
Chương IX
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 39. Trách nhiệm thực hiện
                Vụ Khoa học và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục có liên quan:
1. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có thuốc thử và tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng thực hiện đúng các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức thẩm định các điều kiện về hồ sơ thử thuốc trên lâm sàng, năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất và tính pháp lý của tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng, tổ chức nghiên cứu lâm sàng (CRO), tổ chức quản lý địa điểm nghiên cứu (SMO) báo cáo Lãnh đạo Bộ cho phép tiến hành thử nghiệm.
3. Tổ chức các phiên họp của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế xét duyệt đề cương nghiên cứu, thẩm định các nội dung về đạo đức trong nghiên cứu và khoa học chuyên ngành, đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng, tổng hợp trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt.
4. Tổ chức giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất quá trình nghiên cứu.
5. Tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện nội dung Thông tư này, hướng dẫn thực hành lâm sàng tốt và đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 40. Điều khoản chuyển tiếp
            Các hồ sơ đăng ký thử thuốc trên lâm sàng nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được xem xét và thẩm định theo “Quy định về thử thuốc trên lâm sàng” được ban hành theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BYT ngày 11/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 41. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2012.
2. Bãi bỏ Quyết định số 01/2007/QĐ-BYT ngày 11/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định về thử thuốc trên lâm sàng”  kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
3. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Thông tư cho các đối tượng biết và thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./. 

Nơi nhận:

 - Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng thông tin điện tử CP);

 - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;

 - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);

 - Bộ Khoa học và Công nghệ (Vụ Pháp chế);

-  Các Thứ trưởng Bộ Y tế;

 - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

 - Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

 - Các bệnh viện trực thuộc Bộ; Y tế các Bộ, ngành;

 - Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ - Bộ Y tế;

 - Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;

- L­ưu: VT, PC, K2ĐT.

BỘ TRƯ­ỞNG

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Thị Kim Tiến

PHỤ LỤC

(Kèm theo Thông tư số 03/2012/TT-BYT ngày 02 tháng 02 năm 2012

của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phụ lục 1

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

Phụ lục 2a

HỒ SƠ SẢN PHẨM DÀNH CHO NGHIÊN CỨU VIÊN

(Đối với thuốc tân dược, thuốc đông dược)

Phụ lục 2b

HỒ SƠ SẢN PHẨM DÀNH CHO NGHIÊN CỨU VIÊN

(Đối với vắc xin, sinh phẩm y tế)

Phụ lục 3

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH, XÉT DUYỆT ĐỀ CƯƠNG

THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

Phụ lục 4

MẪU HỢP ĐỒNG NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

Phụ lục 5

THUYẾT MINH ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG

Phụ lục 6

BẢN CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ NGHIÊN CỨU

VÀ PHIẾU TÌNH NGUYỆN THAM GIA NGHIÊN CỨU

(Dành cho người tham gia thử thuốc trên lâm sàng)

Phụ lục 7

MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

Phụ lục 1

(Mẫu Đơn đề nghị thử thuốc trên lâm sàng)

                                   

CỘNG HOÀ  XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                               Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                                               -----------------------------------------------

………., ngày … tháng … năm …

ĐƠN ĐỀ NGHỊ THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

Kính gửi:                                   Bộ Y tế

(Vụ Khoa học và Đào tạo)

 

Đơn vị/cá nhân có sản phẩm nghiên cứu:

Số chứng minh thư hoặc hộ chiếu (đối với cá nhân):

Địa chỉ giao dịch:

Điện thoại:                                 Fax:

Email:

Tài khoản:

Làm đơn đề nghị Bộ Y tế xem xét cho phép thử nghiệm trên lâm sàng:

à        Tên thuốc:

à        Lô số:

à        Nồng độ:

à         Hàm lượng: 

à         Dạng bào chế:

à         Đường dùng:

à       Hạn dùng:

Phân loại:

à        Thuốc tân dược:       

à        Thuốc đông dược:

à        Vắc xin:     

à         Sinh phẩm y tế dùng cho điều trị:

Đề nghị thử nghiệm trên lâm sàng giai đoạn:

hoặc  đề nghị thử nghiệm lâm sàng từ giai đoạn:                        đến giai đoạn:    

hoặc đánh giá tính dung nạp trên người Việt Nam                

Thuốc đã hoàn thành nghiên cứu ở giai đoạn:

Đề xuất chủ nhiệm đề tài:

Đề xuất cơ quan nhận thử:

Hồ sơ kèm theo gồm:

Đề nghị Bộ Y tế xem xét và cho phép nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sản phẩm nêu trên.

                                                                                                 Đại diện Đơn vị có sản phẩm

                                                                                              đăng ký thử thuốc trên lâm sàng

                                                                                                            ký tên đóng dấu

Phụ lục 2a

HỒ SƠ SẢN PHẨM DÀNH CHO NGHIÊN CỨU VIÊN

(Đối với thuốc tân dược, thuốc đông dược)

  1. Giới thiệu

            Bản thông tin sản phẩm thử nghiệm (IB) là tài liệu biên soạn các dữ liệu lâm sàng và phi lâm sàng về (các) sản phẩm thử nghiệm có liên quan tới việc nghiên cứu (các) sản phẩm trên các đối tượng thử nghiệm là con người. Mục đích của việc này là cung cấp cho những nghiên cứu viên và những người khác tham gia vào thử nghiệm thông tin tạo thuận lợi cho họ hiểu sự hợp lý và tuân thủ theo các điểm mấu chốt của đề cương  như liều dùng, tần suất/khoảng đưa liều, cách dùng sản phẩm và các quy trình theo dõi an toàn. IB cũng cung cấp hiểu biết sâu nhằm hỗ trợ cho việc quản lý lâm sàng của các đối tượng nghiên cứu trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Thông tin cần được thể hiện dưới dạng cô đọng, đơn giản, có chủ đích, cân bằng và không có tính quảng bá, cho phép bác sỹ lâm sàng hoặc nghiên cứu viên hiểu và tự cân nhắc đúng đắn về rủi ro/lợi ích không thiên lệch của thử nghiệm được đề xuất. Vì lý do đó, người có trình độ y tế cần tham gia vào việc biên soạn IB, nhưng các nội dung của IB cần được cho phép tạo lập theo nguyên tắc mô tả dữ liệu.

            Hướng dẫn này phác hoạ thông tin tối thiểu cần được đưa vào IB và cung cấp các gợi mở dàn ý. Hy vọng rằng loại và cấp độ thông tin có được sẽ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của sản phẩm thử nghiệm. Nếu sản phẩm thử nghiệm đã được đưa ra thị trường và các vấn đề dược lý được các bác sỹ thực hành hiểu biết rộng rãi, một IB đầy đủ có thể sẽ không cần thiết. Trong chừng mực các yêu cầu của pháp luật cho phép, một bản thông tin sản phẩm cơ bản, một cuốn sách nhỏ hoặc nhãn sản phẩm có thể là một phương án phù hợp miễn là nó bao gồm thông tin cập nhật đầy đủ và chi tiết về các khía cạnh của sản phẩm thử nghiệm  mà có thể quan trọng đối với nghiên cứu viên. Nếu sản phẩm đã được đưa ra thị trường và được nghiên cứu cho việc sử dụng mới (thí dụ như chỉ định mới) thì một IB chuyên về sử dụng mới này cần được chuẩn bị. IB cần được xem xét lại ít nhất là hàng năm và sửa đổi nếu cần để phù hợp với các quy trình bằng văn bản của nhà tài trợ. Việc sửa đổi mau hơn có thể thích hợp tuỳ theo giai đoạn phát triển liên quan tới thông tin mới. Tuy nhiên, phù hợp với GCP, thông tin mới liên quan có thể quan trọng đến mức nó cần được chuyển tới các những nghiên cứu viên, có thể là tới các IRB/IEC và/hoặc các cơ quan chức năng trước khi được đưa vào một IB được sửa đổi.

            Nói chung, nhà tài trợ chịu trách nhiệm bảo đảm rằng IB được cập nhật sẽ tới tay (những) nghiên cứu viên và họ chịu trách nhiệm cung cấp IB được cập nhật tới các IRB/IEC. Trong trường hợp thử nghiệm được một nghiên cứu viên tài trợ thì nhà tài trợ-nghiên cứu viên đó cần xác định liệu Bản thông tin sản phẩm đó có thể có được từ nhà sản xuất thương mại không. Nếu sản phẩm thử nghiệm  được cung cấp bởi nhà tài trợ-nghiên cứu viên thì họ sẽ cung cấp thông tin cần thiết cho nhân viên thử nghiệm. Trong trường hợp khi việc chuẩn bị một IB chính thức không thực hiện được thì nhà tài trợ-nghiên cứu viên cần cung cấp, như một giải pháp thay thế, mục thông tin cơ bản đầy đủ trong đề cương thử nghiệm có chứa thông tin hiện thời tối thiểu được mô tả trong hướng dẫn này.

 

  1. Các vấn đề chung

IB cần bao gồm:

  1. . Trang tên

Trang này cần cung cấp tên nhà tài trợ, dữ liệu xác định từng sản phẩm thử nghiệm  (thí dụ như số nghiên cứu, tên hoá chất và tên chung đã được phê duyệt, và (các) tên thương mại nếu luật pháp cho phép và nhà tài trợ mong muốn) và ngày phát hành. Nên đưa vào số lần xuất bản và danh sách tham chiếu lần và ngày xuất bản được thay thế. Ví dụ có trong Phụ lục 1.

  1. . Tuyên bố về tính bảo mật

Có thể nhà tài trợ muốn đưa vào một tuyên bố chỉ dẫn những nghiên cứu viên/người nhận hãy coi IB như là một tài liệu cần bảo mật chỉ nhằm mục đích đưa thông tin và sử dụng trong nhóm của nghiên cứu viên và IRB/IEC.

 

  1. Nội dung của IB

IB cần bao gồm các mục sau, có kèm tài liệu tham khảo nếu cần:

  1. . Mục lục
  2. . Tóm tắt

Một bản tóm tắt (tốt nhất không quá 2 trang) cần làm rõ thông tin quan trọng về đặc tính vật lý, hoá học, bào chế, dược lý, độc tính, dược động học, chuyển hoá và thông tinlâm sàng có liên quan tới giai đoạn phát triển lâm sàng hiện nay của sản phẩm thử nghiệm .

  1. . Lời giới thiệu

Giới thiệu tóm tắt cần bao gồm tên hoá chất (các tên chung và tên thương mại khi được phê duyệt) của (các) sản phẩm thử nghiệm, các thành phần hoạt tính, phân nhóm dược lý của (các) sản phẩm thử nghiệm  và vị trí dự kiến của chúng trong nhóm này (ví dụ như các ưu điểm), và (các) chỉ định được dự tính trước về điều trị và chẩn đoán. Cuối cùng lời giới thiệu cần cung cấp cách tiếp cận chung trong việc đánh giá tiếp theo của sản phẩm thử nghiệm.

  1. . Các đặc tính vật lý, hoá học, bào chế và công thức

Cần cung cấp mô tả về (các) chất của sản phẩm thử nghiệm  (bao gồm công thức hoá học và/hoặc cấu trúc) và tóm lược về các tính chất vật lý, hoá học và bào chế.

Để cho phép có các biện pháp an toàn thích hợp trong quá trình thử nghiệm, cần có mô tả (các) công thức, bao gồm các tá dược và được biện giải nếu có liên quan về lâm sàng. Các chỉ dẫn về bảo quản và vận chuyển (các) các dạng bào chế cũng cần có.

Mọi vấn đề tương tự cấu trúc với các thành phần đã biết cần được nêu ra.

  1. . Các nghiên cứu tiền lâm sàng

Lời giới thiệu

Các kết quả các nghiên cứu liên quan phi lâm sàng về dược lý, độc tính, dược động học và chuyển hoá của sản phẩm thử nghiệm  cần được đưa vào dưới dạng tóm lược. Phần tóm lược này cần nêu phương pháp luận đã được sử dụng và có bàn luận các vấn đề liên quan tới các phát hiện tới tác dụng trị liệu được khảo sát và các tác dụng không lợi, không dự kiến đối với con người.

Thông tin được cung cấp có thể gồm những điều đã biết sau đây:

  • Các chủng loại đã được thử nghiệm
  • Số và giới tính các con vật trong từng nhóm
  • Đơn vị liều lượng (thí dụ như mg/kg)
  • Khoảng cách giữa các liều
  • Đường dùng
  • Thời gian mỗi liều
  • Thông tin về phân bố trong cơ thể
  • Thời hạn theo dõi sau khi phơi nhiễm
  • Các kết quả bao gồm các khía cạnh sau đây:
    • Bản chất và tần xuất các tác dụng dược lý hoặc độc tính
    • Sự nghiêm trọng hoặc cường độ  các tác dụng dược lý hoặc độc tính
    • Thời gian xuất hi ện tác dụng
    • Tính đảo ngược của các tác dụng
    • Thời gian kéo dài tác dụng
    • Liều đáp ứng

Bảng và danh mục cần được sử dụng, nếu có thể, để nhấn mạnh và trình bày rõ ràng.

Các mục tiếp sau cần bàn luận về các phát hiện quan trọng nhất có được từ nghiên cứu bao gồm liều đáp ứng của các tác dụng quan sát được, các liên quan tới con người và các khía cạnh cần được nghiên cứu trong con người. Nếu được áp dụng, cũng nên so sánh các phát hiện liều tác dụng và liều không độc có trong cùng loại động vật đó (thí dụ như chỉ số trị liệu cần được bàn luận). Sự liên quan của thông tin này tới việc định liều lượng cho người cần được giải quyết. Nếu có thể, nên có các so sánh về mức độ trong máu/mô hơn là trên cơ sở mg/kg.

  1. Dược lý tiền lâm sàng

Tóm tắt về các khía cạnh dược lý của sản phẩm thử nghiệm  và các chuyển hoá đáng kể của nó (nếu có thể) đã được nghiên cứu ở động vật cần đưa vào. Tóm tắt như vậy cần bao hàm các nghiên cứu đánh giá tác dụng điều  trị có thể có (thí dụ như các mô hình tác dụng, liên kết receptor, tính đặc hiệu) cũng như các nghiên cứu về sự an toàn (thí dụ như các nghiên cứu chuyên biệt đánh giá các tác dụng dược lý khác với các tác dụng trị liệu được dự kiến).

  1. Dược động học và chuyển hoá sản phẩm ở động vật

Tóm tắt về dược động học và chuyển hoá sinh học và phân bố của sản phẩm thử nghiệm  trong các loài được nghiên cứu. Bàn luận về các phát hiện về sự hấp thu, sinh khả  dụng tại chỗ và hệ thống của sản phẩm thử nghiệm, các chuyển hoá của chúng, mối quan hệ với các phát hiện về dược lý và độc tính trong các loài động vật.

  1. Độc tính

Tóm tắt về các độc tính tìm thấy trong các nghiên cứu liên quan đã được tiến hành ở các loài động vật khác nhau cần đượcmô tả dưới các tiêu đề sau đây:

  • Liều đơn
  • Liều lặp lại
  • Khả năng gây ung thư
  • Các nghiên cứu chuyên biệt (thí dụ như gây mẩn, gây ngứa)
  • Độc tính sinh sản
  • Biến đổi gen
    1. Các tác dụng ở người

Lời giới thiệu:

Bàn luận kỹ về các tác dụng đã được biết của (các) sản phẩm thử nghiệm ở người cần phải có, bao gồm thông tin về dược động học, chuyển hoá, dược lực học, liều đáp ứng, an toàn, tác dụng và các tác dụng dược lý khác. Nếu có thể cần có tóm tắt về từng thử nghiệm lâm sàng đã hoàn tất. Cần cung cấp thông tin về các kết quả sử dụng (các) sản phẩm thử nghiệm  khác với các kết quả có được trong các thử nghiệm lâm sàng như kinh nghiệm trong việc tiếp thị.

  1. Dược động học và chuyển hoá sản phẩm ở động vật
  2. Cần trình bày tóm tắt thông tin về dược động học của (các) sản phẩm thử nghiệm  bao gồm các thông tin sau đây, nếu có:
  3. Dược động học (bao gồm chuyển hoá và hấp thu, gắn protein huyết tương, phân bố và thải trừ)
  4. Sinh khả  dụng của sản phẩm thử nghiệm  (tuyệt đối, nếu có thể, và/hoặc tương đối) có sử dụng các dạng bào chế đối chiếu
  5. Các nhóm quần thể dưới nhóm (thí dụ như giới, tuổi, suy giảm chức năng cơ quan)
  6. Tương tác (thí dụ như tương tác sản phẩm- sản phẩm và các ảnh hưởng của thức ăn)
  7. Các dữ liệu dược động học khác (thí dụ như các kết quả nghiên cứu quần thể được thực hiện trong khuôn khổ (các) thử nghiệm lâm sàng).
  8. An toàn và Hiệu lực

Cần cung cấp tóm tắt thông tin về sự an toàn của các sản phẩm thử nghiệm/sản phẩm (bao gồm sự chuyển hoá nếu có), dược lực học, tác dụng, và liều đáp ứng có được trong các thử nghiệm trước ở người (những người tình nguyện khoẻ manh và/hoặc các bệnh nhân). Các vấn đề phát sinh từ thông tin này cần được bàn luận. Trong trường hợp khi một số thử nghiệm lâm sàng đã được hoàn tất, việc sử dụng các tóm tắt về an toàn và tác dụng trong các thử nghiệm nhiều lần thông qua các chỉ định trong các dưới nhóm có th ể làm trình bày rõ ràng các dữ liệu. Tóm tắt bằng bảng biểu về phản ứng có hại của thuốc trong các thử nghiệm lâm sàng (bao gồm các chỉ định đã được nghiên cứu cũng có ích).

Các khác biệt quan trọng trong tỷ lệ phản ứng có hại của thuốc trong các chỉ định hoặc các nhóm cần được bàn luận.

IB cần mô tả về các nguy cơ và các phản ứng có hại của thuốc có thể để dự tính trước trên cơ sở các kinh nghiệm trước với sản phẩm đang được khảo sát và với các sản phẩm liên quan. Cần mô tả về các thận trọng hoặc theo dõi đặc biệt cần thực hiện như một phần trong khảo sát (các) sản phẩm.

  1. Kinh nghiệm tiếp thị

IB cần nêu rõ các nước mà sản phẩm thử nghiệm đã được bán trên thị trường hoặc đã được phê duyệt. Mọi thông tin đáng kể nảy sinh từ việc sử dụng trên thị trường cần được tóm tắt (thí dụ như các công thức, liều lượng, cách thức sử dụng, và các phản ứng có hại của sản phẩm). IB cần nói rõ tất cả các nước mà sản phẩm thử nghiệm không được phê duyệt/đăng ký để đưa ra thị trường hoặc bị rút khỏi thị trường/đăng ký.

  1. . Tóm tắt các dữ liệu và Chỉ dẫn đối với nghiên cứu viên

Mục này cần cung cấp bàn luận tổng thể các dữ liệu phi lâm sàng và lâm sàng và cần tóm tắt thông tin từ các nguồn khác nhau về các khía cạnh khác nhau của (các) sản phẩm thử nghiệm, nếu có thể. Theo cách này, nghiên cứu viên được cung cấp các lý giải mang tính thông tin nhất của các dữ liệu có được và đánh giá các phát sinh từ các thông tin cho các thử nghiệm lâm sàng tương lai.

Nếu phù hợp, các báo cáo đã được phát hành về các sản phẩm liên quan cần được bàn luận. Việc  này giúp nghiên cứu viên biết trước về các phản ứng có hại hoặc các vấn đề khác trong các thử nghiệm lâm sàng.

Mục đích tổng thể của mục này là cung cấp cho nghiên cứu viên sự hiểu biết rõ ràng về các rủi ro và các phản ứng có hại có thể, về các thử nghiệm cụ thể, các quan sát và các thận trọng có thể cần đến trong thử nghiệm lâm sàng. Hiểu biết này cần dựa trên cơ sở thông tin có sẵn về vật lý, hoá học, bào chế, dược lý, độc tính và lâm sàng về (các) sản phẩm thử nghiệm. Cũng cần có hướng dẫn cho nghiên cứu viên lâm sàng về cách nhận biết và điều trị quá liều và phản ứng có hại của thuốc có thể xảy ra dựa trên kinh nghiệm trước đây ở người và về dược lý học của sản phẩm thử nghiệm.

Phụ lục 2b

HỒ SƠ SẢN PHẨM DÀNH CHO NGHIÊN CỨU VIÊN

(Đối với vắc xin, sinh phẩm y tế)

  1. Giới thiệu

Bản thông tin sản phẩm nghiên cứu (IB) là tài liệu biên soạn các dữ liệu lâm sàng và phi lâm sàng về (các) sản phẩm thử nghiệm có liên quan tới việc nghiên cứu (các) sản phẩm trên các đối tượng thử nghiệm là con người. Mục đích của việc này là cung cấp cho những nghiên cứu viên và những người khác tham gia vào thử nghiệm thông tin tạo thuận lợi cho họ hiểu sự hợp lý và tuân thủ theo các điểm mấu chốt của đề cương  như liều dùng, tần suất/khoảng đưa liều, cách dùng sản phẩm và các quy trình theo dõi an toàn. IB cũng cung cấp hiểu biết sâu nhằm hỗ trợ cho việc quản lý lâm sàng của các đối tượng nghiên cứu trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Thông tin cần được thể hiện dưới dạng cô đọng, đơn giản, có chủ đích, cân bằng và không có tính quảng bá, cho phép bác sỹ lâm sàng hoặc nghiên cứu viên hiểu và tự cân nhắc đúng đắn về rủi ro/lợi ích không thiên lệch của thử nghiệm được đề xuất. Vì lý do đó, người có trình độ y tế cần tham gia vào việc biên soạn IB, nhưng các nội dung của IB cần được cho phép tạo lập theo nguyên tắc mô tả dữ liệu.

            Hướng dẫn này phác hoạ thông tin tối thiểu cần được đưa vào IB và cung cấp các gợi mở dàn ý. Hy vọng rằng loại và cấp độ thông tin có được sẽ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của sản phẩm thử nghiệm. Nếu sản phẩm thử nghiệm đã được đưa ra thị trường và các vấn đề dược lý được các bác sỹ thực hành hiểu biết rộng rãi, một IB đầy đủ có thể sẽ không cần thiết. Trong chừng mực các yêu cầu của pháp luật cho phép, một bản thông tin sản phẩm cơ bản, một cuốn sách nhỏ hoặc nhãn sản phẩm có thể là một phương án phù hợp miễn là nó bao gồm thông tin cập nhật đầy đủ và chi tiết về các khía cạnh của sản phẩm thử nghiệm  mà có thể quan trọng đối với nghiên cứu viên. Nếu sản phẩm đã được đưa ra thị trường và được nghiên cứu cho việc sử dụng mới (thí dụ như chỉ định mới) thì một IB chuyên về sử dụng mới này cần được chuẩn bị. IB cần được xem xét lại ít nhất là hàng năm và sửa đổi nếu cần để phù hợp với các quy trình bằng văn bản của nhà tài trợ. Việc sửa đổi mau hơn có thể thích hợp tuỳ theo giai đoạn phát triển liên quan tới thông tin mới. Tuy nhiên, phù hợp với GCP, thông tin mới liên quan có thể quan trọng đến mức nó cần được chuyển tới các những nghiên cứu viên, có thể là tới các IRB/IEC và/hoặc các cơ quan chức năng trước khi được đưa vào một IB được sửa đổi.

            Nói chung, nhà tài trợ chịu trách nhiệm bảo đảm rằng IB được cập nhật sẽ tới tay (những) nghiên cứu viên và họ chịu trách nhiệm cung cấp IB được cập nhật tới các IRB/IEC. Trong trường hợp thử nghiệm được một nghiên cứu viên tài trợ thì nhà tài trợ-nghiên cứu viên đó cần xác định liệu Bản thông tin sản phẩm đó có thể có được từ nhà sản xuất thương mại không. Nếu sản phẩm thử nghiệm  được cung cấp bởi nhà tài trợ-nghiên cứu viên thì họ sẽ cung cấp thông tin cần thiết cho nhân viên thử nghiệm. Trong trường hợp khi việc chuẩn bị một IB chính thức không thực hiện được thì nhà tài trợ-nghiên cứu viên cần cung cấp, như một giải pháp thay thế, mục thông tin cơ bản đầy đủ trong đề cương thử nghiệm có chứa thông tin hiện thời tối thiểu được mô tả trong hướng dẫn này.

  1. Các vấn đề chung

IB cần bao gồm:

- Trang tên

Trang này cần cung cấp tên nhà tài trợ, dữ liệu xác định từng sản phẩm nghiên cứu (thí dụ như số nghiên cứu, tên vắcxin nghiên cứu và tên thương mại), và ngày phát hành. Cần đưa vào số xuất bản và số tham chiếu. Mẫu thông tin về sản phẩm được nêu trong mục 4 được xem như một ví dụ.

 - Tuyên bố về tính bảo mật

Có thể nhà tài trợ muốn đưa vào một tuyên bố chỉ dẫn những nhà nghiên cứu/ người nhận hãy coi IB như là một tài liệu cần bảo mật chỉ nhằm mục đích đưa thông tin và sử dụng trong nhóm của người nghiên cứu và của IRB/IEC.

  1. Nội dung của IB

IB cần bao gồm các mục sau và kèm tài liệu tham khảo nếu có:

3.1. Tóm tắt

Một bản tóm tắt (tốt nhất không quá 2 trang) cần cung cấp các thông tin quan trọng về vắcxin nghiên cứu như quy trình và công nghệ sản xuất, tính chất vật lý, hoá học và thông tin có liên quan tới giai đoạn triển khai lâm sàng hiện nay.

3.2. Lời giới thiệu

Lời giới thiệu phải bao gồm các thông tin sau:

- Tên vắcxin nghiên cứu (các tên gốc và tên thương mại đã được phê duyệt).

       - Tính chất vật lý.

- Thành phần trong một liều đơn sử dụng cho người:

+ Thành phần hoạt tính và bản chất;

+ Thành phần tá chất (nếu có);

+ Chất bảo quản (nếu có);

+ Chất ổn định (nếu có);

- Các chỉ định.

- Chỉ định cân nhắc (nếu có).

- Chống chỉ định(nếu có).

- Sự tương tác vắcxin (nếu có).

- Cách trình bày.

- Cách bảo quản và vận chuyển.

- Hạn dùng.

 Cuối cùng lời giới thiệu cần nêu ra cách tiếp cận chung để đánh giá sản phẩm nghiên cứu trong TTTLS.

3.3. Các nghiên cứu tiền lâm sàng

Các kết quả nghiên cứu liên quan về tiền lâm sàng như an toàn đặc hiệu,  an toàn chung, công hiệu đáp ứngtính sinh miễn dịch, chất gây sốt... của vắcxin nghiên cứu cần được đưa vào dưới dạng tóm lược. Tuy nhiên, việc áp dụng các thử nghiệm trong giai đoạn tiền lâm sàng phải tùy thuộc vào bản chất của từng vắcxin.

Phần tóm lược này cần nêu phương pháp đã được sử dụng,  và kết quả và cần được so sánh với tiêu chuẩn cho phép (nếu có).

có trao đổi các vấn đề liên quan tới các phát hiện về tính năng trị liệu được nghiên cứu và các hiệu quả không lợi, không dự kiến đối với con người.

- Các yêu cầu chung cho tất cả các thử nghiệm tiền lâm sàng:

  • Các chủng loại đã được thử nghiệm
  • Chủng loại động vật thí nghiệm
  • Số lượng, và giới tính các con vật trong từng nhómvà tuần tuổi hoặc trọng lượng
  • Đơn vị liều dùngLiều miễn dịch, đường miễn dịch
  • Tổng liều miễn dịch
  • Khoảng cách giữa các liều (đối với vắcxin có số tổng liều ≥ 2)..
  • Cách thức tiếp nhận.
  • Thời gian mỗi liều.
  • Thông tin về phân bố trong cơ thể.
  • Thời gian theo dõi saucủa khi dùng thuốcthử nghiệm
  • Kết quả thử nghiệm được +báo cáo phải bao gồm các khía cạnh sau:
  • Cách đánh giá kết quả: tùy thuộc vào từng thử nghiệm mà các tiêu chí đánh giá kết quả khác nhau. Ví dụ: tình trạng sức khỏe, cân nặng, thân nhiệt, các triệu chứng đặc hiệu,.....
  • Thời gian bắt đầu xuất hiện và thời gian kéo dài của các biểu hiện thay đổi.
  • Kết quả cụ thể của sản phẩm nghiên cứu.
  • Các thông tin trên nên trình bày Bản chất và tần xuất các tác dụng dược lý hoặc độc tính.
  • Sự nghiêm trọng hoặc cường độ các tác dụng dược lý và độc tính.
  • Thời gian cho tới khi phát huy tác dụng.
  • Tính đảo ngược của các tác dụng.
  • Thời gian kéo dài tác dụng.
  • Liều đáp ứng.

trong bảng để nêu bật được nội dung cần báo cáo và dễ dàng trong việc xem xét.

-  Một số thử nghiệm tiền lâm sàng

Các mục tiêu sau cần trao đổi về các phát hiện quan trọng nhất có được từ nghiên cứu bao gồm phản ứng liều lượng của các hiệu ứng quan sát được, các liên quan tới con người và các khía cạnh cần được nghiên cứu trong con người. Nếu được áp dụng, cũng nên so sánh các phát hiện liều lượng hiệu quả và liều không độc có trong cùng loại động vật đó (thí dụ như chỉ số trị liệu cần được trao đổi). Sự liên quan của thông tin này tới việc định liều lượng cho người cần được giải quyết.

a) Dược lý tiền lâm sàng

Cần có bản tóm tắt các đặc tính dược lý của sản phẩm thử nghiệm và các chất chuyển hóa của nó (nếu có thể) đã được nghiên cứu trên động vật. Tóm tắt này cần bao gồm các nghiên cứu đánh giá tác dụng điều trị tiềm tàng (ví dụ mô hình tác dụng, liên kết receptor, tính đặc hiệu, cũng như các nghiên cứu về độ an toàn (ví dụ nghiên cứu chuyên biệt đánh giá các tác dụng dược lý bên cạnh các tác dụng điều trị dự kiến).

b) Dược động học và chuyển hoá sản phẩm ở động vật

Cần cơ bản tóm tắt về dược động học và chuyển hoá sinh học và phân bố của sản phẩm thử nghiệm trong tất cả các động vật nghiên cứu. Cần giải quyết trao đổi về các phát hiện như sự hấp thụ và sinh khả dụng của sản phẩm thử nghiên cứu và sự chuỷên hoá của chúng, mối quan hệ với các phát hiện về dược lý và độc tính trong các loài vật

ca) Thử nghiệm an toàn đặc hiệu

            · Xác định khả năng hồi độc của chủng vắcxin sống giảm độc lực.

            · Kiểm tra bất hoạt đối với vắcxin bất hoạt.

            · Kiểm tra bất hoạt cũng như khả năng hồi độc của giải độc tố.

      Khi vắcxin nghiên cứu được đề nghị các đường sử dụng khác nhau thì các nghiên cứu về tính an toàn và độc tính trên các mô hình động vật thích hợp khác nhau cần được tiến hành. Tính an toàn của từng đường sử dụng  nên được đánh giá riêng biệt.

     b) Thử nghiệm an toàn chung

Các thử nghiệm an toàn chung tiến hành theo quy định chung của WHO cho từng loại vắcxin có nguồn gốc từ vi khuẩn và virút.

c) Thử nghiệm công hiệu và tính sinh  miễn dịch       

- Thử nghiệm công hiệu Tóm tắt về các hiệu ứng độc học tìm thấy trong các nghiên cứu liên quan đã được tiến hành ở các loài động vật khác nhau cần được mô tả dưới các tiêu đề sau đây:

- Liều đơn

- Liều lặp lại

- Khả năng gây ung thư

- Các nghiên cứu chuyên biệt (thí dụ như gây mẫn cảm, gây ngứa)

- Độc tính đối với sinh sản

- Biến đổi gen

- Các tác dụng trên người

Lời giới thiệu về sản phẩm nghiên cứu trong IB:

Trao đổi kỹ về các tác dụng đã biết của (các) sản phẩm nghiên cứu ở người cần phải có, bao gồm thông tin về dược động học, dược lực học, đáp ứng liều lượng, an toàn, hiệu lực và các tác dụng dược lý khác. Nếu có thể cần có tóm tắt về từng thử nghiệm lâm sàng thuốc đã hoàn tất. Cần cung cấp thông tin về các kết quả thử nghiệm lâm sàng thuốc cũng như những kinh nghiệm trong việc tiếp thị.

Nếu có thể thì thử nghiệm công hiệu nên tiến hành ngay từ khi phát triển vắcxin. Thử nghiệm công hiệu có thể được tiến hành bằng nhiều phương pháp khác nhau. Lý tưởng nhất là thử nghiệm công hiệu bằng phương pháp thử thách (ví dụ như đối với vắcxin dại, vắcxin ho gà…). Một phương pháp lựa chọn khác là đánh giá sự chuyển dịch huyết thanh. Tuy nhiên, đối với vắcxin mà bản chất thành phần kháng nguyên là polysaccarit thì các đánh giá đặc tính hóa học là chấp nhận được. Theo xu hướng hiện nay, với sự hiểu biết ngày càng tăng về cơ chế bảo vệ và miễn dịch của vắcxin, thử nghiệm công hiệu trên cơ thể sống dần dần được thay thế bằng các thử nghiệm phòng thí nghiệm được thẩm định dựa trên các hoạt tính sinh học của sản phẩm, các hệ thống thử nghiệm và các phương pháp phòng thí nghiệm mới.

- Tính sinh miễn dịch

            Các dữ liệu về tính sinh miễn dịch từ mô hình động vật có thể hỗ trợ cho việc lựa chọn liều miễn dịch, lịch miễn dịch, và đường miễn dịch mà sẽ  được đánh giá trên thực địa lâm sàng. Nghiên cứu tiền lâm sàng phải được thiết kế để đánh giá đáp ứng miễn dịch liên quan, ví dụ như tỷ lệ chuyển dịch huyết thanh, hiệu giá kháng thể trung bình nhân, hoặc miễn dịch qua trung gian tế bào trên động vật thử nghiệm. Nếu vắcxin chứa nhiều kháng nguyên, tính sinh miễn dịch với từng kháng nguyên phải được đánh giá riêng. Mặc dù đánh giá tính sinh miễn dịch trên động vật cần thiết trong quá trình phát triển vắcxin, nhưng thử nghiệm này có thể không phải luôn là tiêu chuẩn dùng trong xuất xưởng các vắcxin đã được phê duyệt. (ví dụ vắcxin Hib cộng hợp).

d) Thử nghiệm chất gây sốt

Thử nghiệm chất gây sốt tiến hành theo quy định chung của WHO cho vắcxin.

e) Một số các chú ý đặc biệt

            · Chất hấp phụ: Chất hấp phụ sử dụng phải phù hợp với yêu cầu dược điển quốc gia và không gây các phản ứng không chấp nhận. Phải chứng minh được tính tương thích giữa chất hấp phụ và thành phần kháng nguyên (có thể thừa kế các kết quả nghiên cứu trước). Nếu chất hấp phụ mới được sử dụng không có các dữ liệu về độc tính trước đó thì trước hết cần phải nghiên cứu thử nghiệm độc tính cho riêng chất hấp phụ đó. Nghiên cứu tiền lâm sàng phải đánh giá sự phối hợp của chất hấp phụ và kháng nguyên khi pha chế vắcxin sử dụng trên thực địa.

            · Tá chất và chất bảo quản: Nếu tá chất hoặc chất bảo quản mới được sử dụng cần phải nghiên cứu thử nghiệm độc tính cho riêng tá chất và chất bảo quản đó.

            · Một số loại vắcxin cần phải chú ý đặc biệt:

- Vắcxin phối hợp: Sự phối hợp mới của kháng nguyên hoặc tuýp huyết  thanh cần được nghiên cứu tính sinh miễn dịch phù hợp trên mô hình động vật trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Tốt hơn cả là nghiên cứu sự phối hợp mới bằng cách so sánh từng kháng nguyên riêng biệt trên động vật để xác định đáp ứng miễn dịch tăng hay giảm.

Sự giao thoa giữa các chủng vắcxin sống cũng cần được nghiên cứu tính sinh miễn dịch trên động vật.

- Vắcxin ADN: Dựa theo hướng dẫn của WHO về đánh giá chất lượng vắcxin ADN để tiến hành đánh giá tiền lâm sàng.

- Vắcxin tái tổ hợp: Dựa theo hướng dẫn của WHO về đánh giá chất lượng vắcxin tái tổ hợp  để tiến hành đánh giá tiền lâm sàng.

- Vắcxin tổng hợp peptit : Dựa theo hướng dẫn của WHO về đánh giá chất lượng vắcxin tổng hợp peptit  để tiến hành đánh giá tiền lâm sàng.

- Vắcxin sống giảm độc lực: Mối quan tâm chủ yếu đối với loại vắcxin này là khả năng hồi độc, khả năng lan truyền và trao đổi thông tin di truyền với chủng hoang dại hoặc các vi sinh vật khác. Các kết quả dùng để nhận biết chủng đã giảm độc lực cần phải được chỉ ra (trình tự gen). Nó tiếp tục được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng để giám sát kết quả nghiên cứu chất bài tiết và  trong suốt các giai đoạn của quá trình đánh giá lâm sàng. Vắcxin bại liệt uống (OPV) là một ví dụ điển hình cho vắcxin sống giảm độc lực.

a) Dược động học và chuyển hoá sản phẩm ở động vật

Cần trình bày tóm tắt thông tin về dược động học của (các) sản phẩm nghiên cứu bao gồm các thông tin sau đây, nếu có:

Dược động học (bao gồm chuyển hoá và hấp thu liên kết protein huyết tương, phân bố và thải trừ).

Sinh khả dụng của sản phẩm nghiên cứu (tuyệt đối, tương đối) có sử dụng các dạng bào chế đối chiếu.

Các nhóm quần thể con (thí dụ như giới, tuổi, chức năng cơ quan bị suy giảm).

Tương tác (thí dụ như tương tác giữa các sản phẩm và các ảnh hưởng từ thức ăn).

Các dữ liệu dược động học khác (thí dụ như các kết quả nghiên cứu quần thể được thực hiện trong khuôn khổ (các) thử nghiệm lâm sàng).

b) An toàn và hiệu lực

Cần cung cấp tóm tắt thông tin về sự an toàn của các sản phẩm nghiên cứu (bao gồm sản phẩm chuyển hoá nếu có), dược động học, hiệu lực, và đáp ứng liều lượng có được trong các thử nghiệm trước ở người (những người tình nguyện khỏe mạnh và/ hoặc các bệnh nhân). Các vấn đề phát sinh từ thông tin này cần được trao đổi. Trong trường hợp khi một số thử nghiệm lâm sàng thuốc đã được hoàn tất, việc sử dụng các tóm tắt về an toàn và hiệu lực trong các thử nghiệm nhiều lần thông qua các chỉ định trong các nhóm con có thể mang lại trình bày rõ ràng các dữ liệu. Tóm tắt bằng bảng biểu về phản ứng bất lợi trong các thử nghiệm lâm sàng thuốc (bao gồm các chỉ định đã được nghiên cứu).

Các khác biệt quan trọng các mẫu/ tai nạn phản vệ thuốc trong các chỉ định hoặc các nhóm con cần trao đổi.

IB cần cung cấp mô tả về các rủi ro và các phản vệ có thể xảy ra để lường trước dựa trên cơ sở các kinh nghiệm trước với sản phẩm đang được nghiên cứu và với các sản phẩm liên quan. Cũng cần cung cấp các mô tả về các thận trọng hoặc theo dõi đặc biệt cần thực hiện như một phần trong vắcxin nghiên cứu.

c) Tiếp thị sản phẩm

IB cần nêu rõ các nước mà vắcxin nghiên cứu đã được tiếp thị trên thị trường hoặc đã được phê duyệt. Mọi thông tin đáng kể nảy sinh từ việc sử dụng trên thị trường cần được tóm tắt (thí dụ như cách pha chế, liều dùng, đường dùng và các phản ứng bất lợi đối với sản phẩm). IB cần chỉ rõ tất cả các nước mà vắcxin nghiên cứu không được phê duyệt/ đăng ký để đưa ra thị trường hoặc bị rút khỏi thị trường/ đăng ký.

- Tóm tắt các dữ liệu và chỉ dẫn đối với nhà nghiên cứu

Mục này cần cung cấp trao đổi tổng thể các dữ liệu tiền lâm sàng và lâm sàng và cần tóm tắt thông tin từ các nguồn khác nhau về các khía cạnh khác nhau của (các) sản phẩm nghiên cứu. Theo cách này, nhà nghiên cứu cần được cung cấp các lý giải mang tính thông tin nhất của các dữ kiện có được và với việc xử lý các phát sinh từ các thông tin cho các thử nghiệm lâm sàng thuốc tương lai.

Nếu có thể, các tài liệu đã công bố về sản phẩm liên quan cần được trao đổi. Việc này giúp nhà nghiên cứu biết trước về phản ứng phản vệ thuốc hoặc các vấn đề khác trong các thử nghiệm lâm sàng thuốc.

Mục đích tổng thể của mục này là cung cấp cho nhà nghiên cứu sự hiểu biết rõ ràng về các rủi ro và phản vệ có thể, và về các thử nghiệm cụ thể, các quan sát và các thận trọng có thể cần đến trong thử nghiệm lâm sàng thuốc. Cũng cần có hướng dẫn cho nhà nghiên cứu lâm sàng về cách nhận biết và xử lý khi quá liều lượng và các phản ứng bất lợi có thể xảy ra ở người dựa trên kinh nghiệm và về đặc tính của sản phẩm nghiên cứu.

Phụ lục 3

(Mẫu Đơn đề nghị thẩm định, xét duyệt đề cương thử thuốc trên lâm sàng)

                                   

CỘNG HOÀ  XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                        Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                                            --------------------------------------

………., ngày … tháng … năm …

ĐƠN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH, XÉT DUYỆT

ĐỀ CƯƠNG THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

Kính gửi:                                   Bộ Y tế

(Vụ Khoa học và Đào tạo)

 

Họ và tên chủ nhiệm đề tài:

Số chứng minh thư hoặc hộ chiếu:

Đơn vị chủ trì đề tài:

Địa chỉ cơ quan:

Điện thoại:                                 Fax:

Email:

Tài khoản:

Làm đơn đề nghị Bộ Y tế xem xét cho phép thử nghiệm trên lâm sàng:

  • Tên thuốc:
  • Lô số:
  • Nồng độ:
  • Hàm lượng: 
  • Dạng bào chế:
  • Đường dùng:
  • Hạn dùng:

Phân loại:

  • Thuốc tân dược:       
  • Thuốc đông dược:
  • Vắc xin:     
  • Sinh phẩm y tế:

Đề nghị thử nghiệm trên lâm sàng giai đoạn:

hoặc  đề nghị thử nghiệm lâm sàng từ giai đoạn:                        đến giai đoạn:                     

Thuốc đã hoàn thành nghiên cứu ở giai đoạn:

Hồ sơ kèm theo gồm:

Đề nghị Bộ Y tế xem xét và phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sản phẩm nêu trên.

Nghiên cứu viên chính và Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng cam kết thử nghiệm lâm sàng này hoàn toàn không có bất kỳ xung đột lợi ích nào giữa các bên tham gia và thực hiện đúng các nguyên tắc về đạo đức đã được ghi trong đề cương nghiên cứu được Bộ Y tế phê duyệt.

 

                                                                                                              

Chủ nhiệm đề tài    Thủ trưởng Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng

       ký tên                                                                     ký tên, đóng dấu

Phụ lục 4

(Mẫu Hợp đồng nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng)

 

 

                                                 CỘNG HOÀ  XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                      Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                                                         -----------------------------------------------

………., ngày … tháng … năm …

HỢP ĐỒNG NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

 

Căn cứ pháp lý: .....

 

Căn cứ nhu cầu, khả năng của các bên: ....

 

Đại diện bên A (Cơ quan, tổ chức, cá nhân) có thuốc thử trên lâm sàng:

Họ và tên (cá nhân hoặc đại diện cơ quan đăng ký thử thuốc trên lâm sàng):

Chức vụ:

Địa chỉ (cơ quan hoặc nhà riêng đối với cá nhân):

Số điện thoại:

Số Fax:

Email:

Số chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu:

Đại diện bên B (Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng):

Họ và tên (cá nhân hoặc đại diện cơ quan  nhận thử thuốc):

Chức vụ:

Địa chỉ (cơ quan, tổ chức):

Số điện thoại:

Số Fax:

Email:

 

Cùng nhau thoả thuận ký hợp đồng nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng sản phẩm: ( Tên, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, đường dùng, phân loại, chỉ định điều trị, sử dụng).

      Đề nghị thử nghiệm trên lâm sàng giai đoạn:

hoặc  đề nghị thử nghiệm lâm sàng từ giai đoạn:                        đến giai đoạn:

hoặc đánh giá tính dung nạp trên người Việt Nam

với các nội dung sau đây :

 

1. Nội dung hợp đồng :
2. Thời gian và tiến độ:

3. Kinh phí:

4. Trách nhiệm của các bên:

5. Quyền lợi của các bên:

6. Các điều khoản chung:

 

 

Đại diện bên A

( Ký tên, đóng dấu hoặc xác nhận của UBND phường, xã nơi cư trú đối với cá nhân)

Đại diện bên B

( Ký tên và đóng dấu)

Phụ lục 5

Bộ Y tế

Thuyết minh đề cương

nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng

 

 

I. Thông tin chung về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS)

1. Tên nghiên cứu

 

 

 

2. Mã số

 

 

3. Thời gian thực hiện:

(Từ tháng ..../20....  đến tháng ..../20.... )

 

4. Cấp quản lý

NN                  Bộ/            CS        

                       Tỉnh 

5.

Kinh phí  

Tổng số:

Trong đó, từ Ngân sách SNKH:

                  Từ nguồn khác (ghi rõ nguồn):     

6

 Đề nghị được NC TNLS giai đoạn (ghi rõ):

 

 Hoặc đề nghị được NC TNLS các giai đoạn (ghi rõ):          

7
 

Nghiên cứu viên chính

Họ và tên:

 

Học hàm/học vị:

 

Chức danh khoa học:

 

Điện thoại:                          (CQ)/                          (NR)            Fax:

 

Mobile:

 

E-mail:

 

Địa chỉ cơ quan:

 

Địa chỉ nhà riêng:

 

8

Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng

Tên cơ quan, tổ chức :

 

Điện thoại:                                     Fax:                        E-mail:

 

Địa chỉ:

 

9

Cơ quan hoặc cá nhân đặt hàng thử thuốc trên lâm sàng  (là cơ quan được sử dụng bản quyền về sản phẩm đưa ra TNLS và sử dụng kết quả TNLS để có thể đưa sản phẩm vào sản xuất hoặc đưa ra sử dụng trong thực tế, hoặc đưa vào nghiên cứu ở giai đoạn tiếp theo)

Tên tổ chức:

 

Điện thoại:                                     Fax:                        E-mail:

 

Địa chỉ cơ quan:

 

 

Họ và tên (nếu là cá nhân đặt hàng):

 

Học hàm/học vị:

 

Chức danh khoa học:

 

Điện thoại:                          (CQ)/                          (NR)            Fax:

 

Mobile:

 

E-mail:

 

Địa chỉ cơ quan:

 

Địa chỉ nhà riêng:

 

 

     

*Ghi chó:

Trong trường hợp tổ chức và cá nhân thấy cần trình bày , bổ xung cho rõ hơn một số mục nào đó của bản Thuyết minh này, có thể trình bày dài hơn, với số trang của Thuyết minh không hạn chế.

 

II.  Nội dung KH&CN của nghiên cứu

(Diễn giải các mục theo yêu cầu của Quy định Thử thuốc trên lâm sàng với các nội dung theo các giai đoạn thử nghiệm)

 

10

Mục tiêu của nghiên cứu

 

 

 

 

 

 

 

11

Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước

 

  • Tổng quan về sản phẩm nghiên cứu

 

 

  • Tổng quan về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng:

 

Ngoài nước:

 

 

 

 

 

 

Trong nước:

 

 

 

 

 

 

 

 

12

Cách tiếp cận, phương pháp và nội dung nghiên cứu, kỹ thuật sẽ sử dụng: Đề nghị trình bày luận cứ rõ cách tiếp cận, thiết kế nghiên cứu, cách chọn mẫu, cỡ mẫu, tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sẽ sử dụng, các quy trình kỹ thuật thao tác chuẩn ( SOPs) đối với từng kỹ thuật được sử dụng trong nghiên cứu - so sánh với các phương thức giải quyết tương tự khác, các chỉ tiêu nghiên cứu, phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị để xác định các chỉ tiêu đánh giá nghiên cứu)

 

12.1 Địa điểm nghiên cứu:

 

 

12.2Thời gian nghiên cứu:

 

12.3 Phương pháp nghiên cứu: Mô tả loại của thử nghiệm (ngẫu nhiên, mù, mở), thiết kế của thử nghiệm (các nhóm song song, kỹ thuật ghép cặp), kỹ thuật làm mù (mù đôi, mù đơn), và phương pháp và quy trình lựa chọn ngẫu nhiên.

 

 

12.4 Đối tượng nghiên cứu: Mô tả đối đối tượng nghiên cứu (tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ của đối tượng tiềm tàng), quy trình thao tác chuẩn ( SOPs) đối với việc tuyển chọn đối tượng tham gia nghiên cứu:  phương pháp, tiêu chuẩn và thời điểm chỉ định đối tượng vào các nhóm nghiên cứu.

 

12.5 Cỡ mẫu: Số lượng đối tượng cần để đạt được mục tiêu thử nghiệm, dựa vào các tính toán thống kê.

 

 

12.6 Phác đồ dùng thuốc nghiên cứu: Xây dựng quy trình chuẩn: (SOPs): Mô tả và trình bày rõ đường dùng, liều dùng, khoảng cách dùng và khoảng thời gian điều trị đối với sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm so sánh. Người chịu trách nhiệm, kỹ thuật, thao tác cho uống thuốc. Các chỉ tiêu theo dõi đánh giá. Mối liên quan liều đáp ứng cần được quan tâm.

 

12.7 Điều trị đồng thời: Bất kỳ điều trị nào khác có thể đã được xác định hoặc cho phép dùng đồng thời.

 

12.8 Các xét nghiệm được sử dụng: Xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn (SOPs) : Các xét nghiệm lâm sàng và labo, phân tích dược lý, vv…, những test được thực hiện. Người chịu trách nhiệm, quy trình lấy mẫu, bảo quản, kỹ thuật. Các chỉ tiêu đánh giá, so sánh kết quả.

 

12.9 Đánh giá mức độ phản ứng phụ: Mô tả đáp ứng như thế nào thì được ghi chép (mô tả và đánh giá phương pháp và tần suất của sự đo lường), quy trình theo dõi và đo lường để xác định mức độ tuân thủ điều trị trong số các đối tượng nghiên cứu.

 

12.10 Tiêu chuẩn loại trừ đối tượng trong quá trình nghiên cứu: Tiêu chuẩn loại trừ cho đối tượng nghiên cứu và chỉ dẫn về kết thúc toàn bộ nghiên cứu hoặc một phần của nghiên cứu.

 

12.11 Ghi chép và báo cáo phản ứng phụ: Phương pháp ghi chép và báo cáo các trường hợp phản ứng hoặc sự cố, và các điều khoản liên quan đến việc tuân thủ.

 

12.12 Kỹ thuật làm mù và bảo vệ danh tính của đối tượng nghiên cứu: Các thủ tục để duy trì các danh sách xác định đối tượng, hồ sơ điều trị, danh sách lựa chọn ngẫu nhiên đối tượng và/hoặc mẫu báo cáo trường hợp (CRFs). Các hồ sơ phải cho phép xác định riêng rẽ các bệnh nhân hoặc người tham gia cũng như kiểm tra và dựng lại dữ liệu.

 

12.13 Quy định về việc mở mã: Thông tin về việc thiết lập mã số thử nghiệm, nơi bảo quản danh sách và ai, khi nào, như thế nào được mở mã trong trường hợp khẩn cấp.

 

12.14 Bảo quản sản phẩm nghiên cứu: Biện pháp được thực hiện để đảm bảo đóng gói và bảo quản an toàn sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm so sánh nếu sử dụng, và để đẩy mạnh và xác định mức độ tuân thủ với quy định điều trị và các hướng dẫn khác.

 

12.15 Phương pháp đánh giá kết quả: Mô tả phương pháp được sử dụng để đánh giá kết quả, (bao gồm các phương pháp thống kê) và báo cáo về bệnh nhân hoặc đối tượng tham gia bỏ cuộc khỏi thử nghiệm.

 

12.16 Phương pháp xử lý các sự cố bất lợi

 

12.17 Cách thức cung cấp thông tin cho đối tượng: Thông tin được trình bày cho các đối tượng thử nghiệm, bao gồm họ sẽ được thông tin như thế nào về thử nghiệm, và bản đồng ý của họ được thu thập khi nào và như thế nào.

 

12.18 Tập huấn cho Nhóm nghiên cứu: Tập huấn cho đội ngũ nghiên cứu viên tham gia vào nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (bao gồm: Chủ nhiệm đề tài, Chủ nhiệm đề tài nhánh, điều phối viên, các nghiên cứu viên, Dược sỹ, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên) bao gồm: Nội dung cơ bản về nghiên cứu, thông tin về cách tiến hành thử nghiệm, các quy trình thao tác chuẩn (SOPs) và về thủ tục quản lý và sử dụng thuốc.

 

12.19 Các vấn đề về đạo đức: Các cân nhắc và các biện pháp về đạo đức liên quan đến thử nghiệm.

 

12.20 Chăm sóc y tế sau thử nghiệm: Chăm sóc y tế được cung cấp sau thử nghiệm, phương thức điều trị sau thử nghiệm.

 

12.21 Kế hoạch thực hiện

 

12.22 Kế hoạch theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra:

  • Giám sát của Nghiên cứu viên chính và nhóm nghiên cứu
  • Giám sát của nhà tài trợ
  • Giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý, Hội đồng Đạo đức.

 

Các nội dung về đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học:

 

(Bao gồm: Thông tin về nghiên cứu, Phiếu chấp thuận tình nguyện tham gia vào nghiên cứu, Bản cam kết thực hiện các hướng dẫn về đạo đức trong nghiên cứu)

 

 

 

 

 

13

Hợp tác quốc tế

Nội dung hợp tác

Tên đối tác

 

 

 

 

14

Tiến độ thực hiện

TT

Các nội dung, công việc

thực hiện chủ yếu

(Các mốc đánh giá chủ yếu)

Sản phẩm

phải đạt   

Thời gian

(BĐ-KT)

Người, cơ quan thực hiện

1

2

3

4

5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III. Kết quả của nghiên cứu

15

Dạng kết quả dự kiến của nghiên cứu

I

II

III

  •  
  •  
  • Sơ đồ
  •  
  •  
  • Bảng số liệu
  •  
  •  
  • Báo cáo phân tích
  •  
  •  
  • Tài liệu dự báo
  •  

 

  • Quy trình điều trị
  •  

 

  •  
  •  

 

  •  

 

     

IV. Các tổ chức/cá nhân tham gia thực hiện nghiên cứu

16

Hoạt động của các tổ chức phối hợp tham gia thực hiện nghiên cứu (Ghi tất cả các tổ chức phối hợp thực hiện nghiên cứu và phần nội dung công việc tham gia trong nghiên cứu)

TT

Tên tổ chức

Địa chỉ

Hoạt động/đóng góp cho nghiên cứu

1

 

 

 

 

2

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

17

 Đội ngũ Nghiên cứu viên- Cộng tác viên- Điều phối nghiên cứu

 

TT

Họ và tên

Chức danh khoa học- Cơ quan công tác

Chứng nhận đã được đào tạo về GCP

A

Nghiên cứu viên chính

 

 

 

 

B

 

Cán bộ tham gia nghiên cứu

 

 

1

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3...

 

 

 

 

 

V. Kinh phí thực hiện nghiên cứu và nguồn kinh phí (giải trình chi tiết xin xem phụ lục kèm theo)

                                                                                                            Đơn vị tính: Triệu đồng
 

18

Kinh phí thực hiện nghiên cứu phân theo các khoản chi
 

TT

Nguồn kinh phí

Tổng số

Trong đó

 

 

 

Thuê khoán chuyên môn

Nguyên,vật liệu, năng lượng

Thiết bị, máy móc

Xây dựng, sửa chữa nhỏ

Chi khác

1

2

3

4

5

6

7

8

 

 

Tổng kinh phí

 

   

 

   

 

   

 

   

 

   

 

   

 

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

  1.  

Ngân sách SNKH

 

 

 

 

 

 

 

  1.  

Các nguồn vốn khác

(ghi rõ)

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tài trợ, đặt hàng của tổ chức, cá nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

- Khác (vốn huy động,  tự có... )

 

 

 

 

 

 

 

                                               

                                                   ......................., ngày     tháng     năm 20....   

  

Thủ trưởng

Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng

(Hä, tªn, ch÷ ký vµ ®ãng dÊu)

Nghiên cứu viên chính

(Hä, tªn vµ ch÷ ký)

 

 

 

 

 

 

 

. ...................., ngày     tháng     năm 20....   

TL. Bộ trưởng

Vụ trưởng vụ khoa học và đào tạo

 

 

DỰ TOÁN KINH PHÍ NGHIÊN CỨU

                                                                                       

Đơn vị : triệu đồng                                       

TT

Nội dung các khoản chi

Tổng số

Nguồn vốn

Kinh phí

Tỷ lệ (%)

NSSNKH

Tài trợ

Khác

  1.  

Thuê khoán chuyên môn

 

 

 

 

 

 

  1.  

Nguyên, vật liệu, năng lượng

 

 

 

 

 

 

  1.  

Thiết bị, máy móc chuyên dùng

 

 

 

 

 

 

  1.  

Xây dựng, sửa chữa nhỏ

 

 

 

 

 

 

  1.  

Chi khác

 

 

 

 

 

 

 

 Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

                       

Giải trình các khoản chi

 (Triệu đồng)

 

Khoản 1.  Thuê khoán chuyên môn

TT

                        Nội dung thuê khoán

Tổng kinh phí

Nguồn vốn

NSSNKH

Tài trợ

Khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng                                            

 

 

 

 

 

Khoản 2. Nguyên vật liệu, năng lượng

TT

Nội dung

Đơn vị đo

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Nguồn vốn

NSSNKH

Tài trợ

Khác

2.1

Nguyên, vật liệu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.2

 Dụng cụ, phụ tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.3

Năng lượng, nhiên liệu

 

 

 

 

 

 

 

 

 - Than

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 - Điện

 

kW/h

 

 

 

 

 

 

 

 - Xăng, dầu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 - Nhiên liệu khác

 

 

 

 

 

 

 

 

2.4

 Nước

 

m3

 

 

 

 

 

 

2.5

  Mua sách, tài liệu, số liệu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

Khoản 3. Thiết bị, máy móc chuyên dùng

TT

Nội dung

Đơn vị đo

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Nguồn vốn

NSSNKH

Tài trợ

Khác

3.1

Mua thiết bị công nghệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.2

Mua thiết bị thử nghiệm, đo lường

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.3

Khấu hao thiết bị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.4

Thuê thiết bị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.5

 Vận chuyển lắp đặt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

Khoản 4. Xây dựng, sửa chữa nhỏ

TT

Nội dung

Kinh phí

Nguồn vốn

NSSNKH

Tài trợ

Khác

4.1

Chi phí xây dựng      m2  nhà xưởng, PTN

 

 

 

 

4.2

Chi phí sửa chữa       m2  nhà xưởng, PTN

 

 

 

 

 

4.3

Chi phí lắp đặt hệ thống điện, hệ thống nước

 

 

 

 

4.4

Chi phí khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

Khoản 5. Chi khác

TT

Nội dung

Kinh phí

Nguồn vốn

 

 

 

NSSNKH

Tài trợ

Khác

5.1

Công tác phí

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5.2

Quản lý cơ sở

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5.3

Chi phí đánh giá, kiểm tra, nghiệm thu

 

 

 

 

 

 

- Chi phí thẩm định

 

 

 

 

 

- Chi phí xét duyệt hồ sơ

 

 

 

 

 

- Chi phí giám sát

 

 

 

 

 

- Chi phí kiểm tra, nghiệm thu trung gian

 

 

 

 

 

- Chi phí nghiệm thu nội bộ

 

 

 

 

 

- Chi phí nghiệm thu chính thức

 

 

 

 

5.4

Chi khác

 

 

 

 

 

 

- Đào tạo

 

 

 

 

 

- Hội nghị

 

 

 

 

 

- ấn loát tài liệu, văn phòng phẩm

 

 

 

 

 

- Dịch tài liệu

 

 

 

 

 

........

 

 

 

 

5.5

Phụ cấp nghiên cứu viên

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

Phụ lục 6

BẢN CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ NGHIÊN CỨU

VÀ PHIẾU TÌNH NGUYỆN THAM GIA NGHIÊN CỨU

(Dành cho người tham gia thử thuốc trên lâm sàng)

 

Tên nghiên cứu:

Phiên bản: ICF                                    Ngày …../…../……...

Tên nhà tài trợ:

Mã đối tượng: ………………………………………

Tài liệu này được thông báo đầy đủ đến các đối tượng tham gia nghiên cứu, không có trang hay phần nào trong tài liệu này được bỏ qua. Những nội dung trong tài liệu này cần phải được giải thích rõ bằng miệng với các đối tượng tham gia nghiên cứu.

  1. Trình bày các vấn đề liên quan đến nghiên cứu

Mục đích của nghiên cứu

Khoảng thời gian dự kiến

Phư­ơng pháp tiến hành (nêu cụ thể những gì đ­ược thử nghiệm)

  1. Tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng vào nghiên cứu:
  2. Tiêu chuẩn loại trừ khỏi nghiên cứu
  3. Ai sẽ là người đánh giá các thông tin cá nhân và y khoa để chọn lọc bạn tham gia vào nghiên cứu này ?
  4. Số người sẽ tham gia vào nghiên cứu
  5. Miêu tả những rủi ro hoặc bất lợi
  6. Miêu tả lợi ích của đối tư­ợng hoặc những ng­ười khác
  7. Những khoản nào được chi trả trong nghiên cứu
  8. Công bố ph­ương pháp hoặc cách điều trị thay thế
  9. Trình bày l­ưu giữ mật các hồ sơ nhưng có thể nhận dạng đ­ược chủ thể
  10. Chỉ rõ rằng cơ quan quản lý có thể kiểm tra hồ sơ của đối t­ượng
  11. Vấn đề bồi th­ường/ hoặc điều trị y tế nếu có th­ương tích xảy ra (Ở đâu có thể có các thông tin khác)
  12. Ng­ười để liên hệ khi có câu hỏi
    • Về nghiên cứu
    • Về quyền của đối tư­ợng nghiên cứu
    • Trong tr­ường hợp có thư­ơng tích liên quan đến nghiên cứu

Nêu rõ rằng sự tham gia là tình nguyện, không bị phạt nếu từ chối tham gia và chủ thể có thể thôi không tham gia nữa vào bất kỳ thời điểm nào mà không bị mất quyền lợi

Chữ ký của đối tượng tình nguyện

Ngày ký phiếu tình nguyện
 

Đơn tình nguyện

Tôi,

Xác nhận rằng

  • Tôi đã đọc các thông tin đưa ra cho nghiên cứu thực địa lâm sàng ......................................……… tại …………………………………...….., phiên bản ICF …....................., ngày …../……/……….., …. trang), và tôi đã được các cán bộ nghiên cứu giải thích về nghiên cứu này và các thủ tục đăng ký tình nguyện tham gia vào nghiên cứu.
  • Tôi đã có cơ hội được hỏi các câu hỏi về nghiên cứu này và tôi hài lòng với các câu trả lời và giải thích đưa ra.
  • Tôi đã có thời gian và cơ hội để cân nhắc tham gia vào nghiên cứu này.
  • Tôi đã hiểu được rằng tôi có quyền được tiếp cận với các dữ liệu mà những người có trách nhiệm mô tả trong tờ thông tin.
  • Tôi hiểu rằng tôi có quyền rút khỏi nghiên cứu vào bất cứ thời điểm nào vì bất cứ lý do gì.

Tôi đồng ý rằng các bác sỹ chăm sóc sức khoẻ chính sẽ được thông báo về việc tôi tham gia trong nghiên cứu này.
Đánh dấu vào ô thích hợp (quyết định này sẽ không ảnh hưởng khả năng bạn tham gia vào nghiên cứu):

Không




Tôi đồng ý tham gia trong nghiên cứu này.

Ký tên của người tham gia

………………………………………….......................…                            

Ngày/tháng/năm

…………................……

Nếu cần,

 

*Ký tên của người làm chứng

………………………………………….......................…                            

Ngày/tháng/năm

…………................……

* Viết tên của người làm chứng

………………………………………….......................…                            

 

Ký tên của người hướng dẫn

………………………………………….......................…                            

Ngày/tháng/năm

…………................……

Viết tên của người hướng dẫn

………………………………………….......................…                            

 

 

Phụ lục 7

(Mẫu Báo cáo kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng)

Trang bìa 1

BỘ Y TẾ

 

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG

 

 

 

Tên đề tài:

 

 

 

Nghiên cứu viên chính

Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng

Cấp quản lý: Bộ Y tế

Thời gian thực hiện: từ tháng … năm … đến tháng … năm …

Tổng kinh phí thực hiện nghiên cứu ……….             triệu đồng

Trong đó: kinh phí SNKH                ……….   triệu đồng

Nguồn khác (nếu có)                                 ……….    triệu đồng

 

 

 

Năm 20

 

Trang tiêu đề

 

BÁO CÁO
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG

  1. Tên nghiên cứu
  2. Tên sản phẩm dùng trong nghiên cứu
  3. Nội dung nghiên cứu (nếu tên nghiên cứu chưa thể hiện, mô tả ngắn gọn (1-2 câu) về thiết kế, cách so sánh, thời gian dùng thuốc, liều và quần thể bệnh nhân..
  4. Tên nhà tài trợ.
  5. Mã số nghiên cứu
  6. Pha lâm sàng của nghiên cứu.
  7. Ngày bắt đầu nghiên cứu
  8. Ngày kết thúc nghiên cứu
  9. Tên và chức danh của nghiên cứu viên chính
  10. Tên người giám sát của nhà tài trợ.
  11. Cam kết nghiên cứu tuân thủ theo thực hành lâm sàng tốt (GCP).
  12. Ngày báo cáo

 

Trang 3

 

 

BẢNG TÓM TẮT NGHIÊN CỨU

 

Trang 4

 

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

 

Trang 5

 

MỤC LỤC

 

 

CÁC NỘI DUNG CẦN CÓ TRONG BÁO CÁO TỔNG KẾT

 

  1. Đặt vấn đề (Giới thiệu nghiên cứu)
  2. Mục tiêu nghiên cứu.
  3. Kế hoạch nghiên cứu

3.1- Kế hoạch và thiết kế nghiên cứu

3.2- Bàn luận về thiết kế nghiên cứu, việc chọn đối chứng

3.3- Lựa chọn đối tượng (quần thể) nghiên cứu ( tiêu chuẩn lựa chọn, tiêu chuẩn loại trừ, loại bỏ bệnh nhân ra khỏi điều trị hoặc đánh giá)

3.4- Thuốc nghiên cứu

3.5- Đảm bảo chất lượng dữ liệu

3.6- Phương pháp thống kê đã nêu trong đề cương và xác định cỡ mẫu

3.7- Những thay đổi khi thực hiện nghiênc ứu và phân tích theo kế hoạch.

 

  1. Đối tượng tham gia nghiên cứu (bệnh nhân/ người tình nguyện)
    1. Tình hình bệnh nhân tham gia nghiên cứu
    2. Những sai số khác so với đề cương

 

5. Đánh giá hiệu quả

5.1 Dữ liệu phân tích

Phải xác định chính xác những bệnh nhân được dùng trong phân tích hiệu quả, và những trường hợp loại trừ, lý do.
5.2- Đặc điểm về nhân chủng học và các đặc điểm cơ bản khác

Lập bảng tóm tắt các đặc điểm nhân chủng học của từng bệnh nhân
5.3- Xác định sự phù hợp của thuốc

        Tóm tắt và phân tích bất kỳ một kết quả nào đánh giá sự phù hợp của từng bệnh nhân với chế độ liều dùng trong nghiên cứu như nồng độ thuốc trong dịch sinh học theo thời gian.
5.4- Hiệu quả điều trị và bảng số liệu từng bệnh nhân

  1. Phân tích hiệu quả
  2. Phân tích/ thống kê
  3. Lập bảng số liệu đáp ứng của từng bệnh nhân
  4. Liều thuốc, nồng độ thuốc và mối quan hệ với đáp ứng.
  5. Tương tác thuốc - thuốc , thuốc - bệnh
  6. Trình bày số liệu của từng bệnh nhân
  7. Kết luận về hiệu quả

6. Đánh giá an toàn

Phân tích số liệu liên quan đến độ an toàn được xem xét ở 3 mức:

  • Mức độ phơi nhiễm (liều, thời gian dùng thuốc, số lượng bệnh nhân) cần kiểm tra  để xác định mức an toàn của nghiên cứu.
  • Những tác dụng không mong muốn thường gặp hơn và những xét nghiệm hay thay đổi cần được xác định, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến tần xuất của ADR và sự cố không mong muốn.
  • Những sự cố không mong muốn nghiêm trọng, và những sự cố không mong muốn đáng kể, thường xảy ra ở những người phải rút khỏi nghiên cứu trước thời hạn, hoặc những người chết, dù tác dụng nghiêm trọng đó có liên quan đến thuốc hay không.

7. Mức độ phơi nhiễm

Mức độ phơi nhiễm với thuốc nghiên cứu (và thuốc đối chứng hay placebo) cần được đánh giá theo số lượng bệnh nhân đã dùng thuốc, khoảng thời gian dùng thuốc và mức liều sử dụng.

8. Sự cố không mong muốn (AE)

Tóm tắt về AE

Trình bày các AE

Phân tích các AE

Liệt kê AE theo bệnh nhân

9. Trường hợp tử vong và các AE nghiêm trọng khác

Danh sách tử vong và các AE nghiêm trọng

Tường trình trường hợp tử vong, AE nghiêm trọng và những biểu hiện AE khác

Phân tích và thảo luận về tử vong, các AE nghiêm trọng khác

10. Đánh giá xét nghiệm

Liệt kê giá trị xét nghiệm của từng bệnh nhân (phụ lục) và các giá trị bất thường.

 Đánh giá từng thông số xét nghiệm

11. Những dấu hiệu sống, những biểu hiện sinh lý và những quan sát khác liên quan đến độ an toàn.

Phân tích những dấu hiệu sống, biểu hiện về sinh lý và những thay đổi quan sát được.

12. Kết luận độ an toàn

Tổng kêt lại về độ an toàn của thuốc, đặc biệt chú ý đến sự thay đổi do liều dùng, những AE dẫn đến ngừng dùng thuốc, phải có can thiệp y tế hay tử vong…

13. Thảo luận và Kết luận chung

Đánh giá chung về hiệu quả và an toàn của thuốc, mối tương quan giữa lợi ích và nguy cơ.

14. Bảng, biểu đồ, đồ thị có liên quan

15. Danh mục tài liệu tham khảo

16. Phụ lục

Liệt kê danh mục phụ lục có trong báo cáo.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

MINISTRY OF HEALTH
--------

No.: 03/2012/TT-BYT

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

Hanoi, February 02, 2012

 

CIRCULAR

GUIDING CLINICAL DRUG TRIAL

Pursuant to the Pharmacy Law dated 14/6/2005 and the Decree No.79/2006/ND-CP dated 09/08/2006 of the Government detailing the implementation of some Articles of the Pharmacy Law;

Pursuant to Decree No.188/2007/ND-CP dated 27/12/2007 of the Government regulating functions, duties, powers and organizational structure of Ministry of Health,

Ministry of Health guides clinical trial on drugs as follows:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scopeof governing

This Circular guides on the drugs required to be conducted clinical trial, exempted from clinical trial, exempted from some stages of clinical trial, conditions of clinical drugs trial; registration, evaluation and approval of clinical drugs trial, the clinical drug trial stages, rights and obligations of the stakeholders; supervision, inspection, acceptance and evaluation of clinical drug trial in Vietnam for the study, permission of the circulation of pharmaceutical drugs, medical biological products, vaccines and traditional medicines or drugs from medicinal plants used in the diagnosis, treatment and disease prevention directly on human (hereinafter referred to as drugs).

Article 2. Interpretation of terms

In this Circular, the following terms are construed as follows:

1.Areference countrymeans one of the countries as UK, France, Germany, USA, Japan, Australia, Canada or management bodies of medical products in Europe (European Medicines Agency - EMA).

2.Multi-center researchmeans a clinical trial which is conducted in two or more research centers to ensure the universality of the number of participants in clinical drug trial, more diversity of elements of demography, anthropology.

3.Agencies, organizations and individualshaving drugs required to be conducted  clinical trial mean the agencies, organizations and individuals that undertake research, production, import, export, distribution of drugs wishing for their drugs to be conducted clinical trial.

4.Organizations undertaking clinical drug trialmean the health facility with function of science research that are eligible for professional personnel, material facilities, equipment for conducting clinical drug trial and to be evaluated, permitted by the Health Ministry.

5.Participants in the clinical drug trialmean patients or healthy volunteers participating voluntarily in the research.

6.Clinical Research Organization(Contract Research Organization: CRO) means an organization with legal entity status, professional capacity in accordance with the provisions of the Health Ministry, independent of agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial, contracted with organizations, individuals with drugs of clinical trial to perform the works of research support such as writing research outline, research monitoring, data analysis.

7.Management organization of research sites(Site Management Organization: SMO) means an organization with legal entity status, full capacity in accordance with provisions of the Ministry of Health, independent of agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial, organizations undertaking clinical drugs trial, contracted with organizations, individuals with drugs of clinical trial or organizations undertaking clinical drug trial to perform the works of supporting the research site management .

8.Foreign clinical datameans the method and results of clinical research which have been done abroad.

9.Racial factorsmean the factors related to group of large populations with common genetic characteristics, culture, traditions, and environment.

10.The international regulations for clinical drug trial accreditedby the Health Ministrymeans good clinical practice guidelines of the blocks of regions located in the meeting of international harmonization of pharmaceutical use in humans (ICH) and good clinical practice guidelines (Good Clinical Practice - GCP) of the World Health Organization (WHO).

Article 3. Principles of clinical drugs trial

1. The clinical drug trial must comply with the provisions of this Circular, the provisions of law on science and technology, good clinical practice and the international treaties to which Vietnam is a member.

2. Participants in clinical drug trial must be selected in accordance with the principles of ethics in biomedical research.

Article 4. Prohibited Acts

1. Conduct clinical drug trial without permission of the Ministry of Health.

2. Arbitrarily amend or supplement records, research outline which were approved by the Health Ministry.

3. Using drugs in clinical trial for other purposes.

4. Force subjects to participate in research or hide information or fail to provide for information prescribed for research participants.

Chapter II

DRUGS OF CLINICAL TRIAL, EXEMPTED FROM CLINICAL TRIAL AND EXEMPTED FROM SOME STAGES OF CLINICAL TRIAL

 Article 5. Drugs of clinical trial of complete stages

1. For pharmaceutical drugs, medical biological products:

a) Pharmaceutical drugs containing new substance, drugs with new combination of drugs circulated.

b) Medical biological products first invented or with new combination of components that have been circulated.

c) Pharmaceutical drugs, foreign medical biological products which have been circulated legally but not enough 05 years in the country of origin (or reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow).

d) Pharmaceutical drugs, medical biological products which have been conducted clinical trials before the effective date of this Circular but not yet met the provisions of good clinical practice of the Ministry of Health or the international guidelines on good clinical practice accredited by the Health Ministry.

2. For vaccines:

a) Vaccine newly-researched, produced, and firstly used.

b) Foreign vaccine which have been circulated legally but not enough 05 years in the country of origin (or reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow).

c) Vaccine that has been conducted clinical trial before the effective date of this Circular but not yet met the provisions of good clinical practice of the Ministry of Health or the international guidelines on good clinical practice accredited by the Health Ministry.

3. For traditional medicines or drugs from medicinal plants:

a) Drugs containing new pharmaceuticals firstly used in humans.

b) Drugs that have been conducted clinical trial before the effective date of this Circular but not yet met the provisions of good clinical practice of the Ministry of Health or the international guidelines on good clinical practice accredited by the Health Ministry.

Article 6. Drugs exempted from clinical trial

1. For pharmaceutical drugs, medical biological products:

a) Pharmaceutical drugs called original name (generic drugs).

b) Foreign drugs that have not been issued registration numbers for circulation in Vietnam but have been circulated legally for at least 05 years in the country of origin (or reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow) and have been certified by competent state agencies as safe and effective, with the same use, and content and indicated in Vietnam as specified in that country.

c) Foreign drugs that have been issued registration numbers for circulation in Vietnam, but there are changes or supplements of new indications, new use, new dosage forms as same as those drugs which have been circulated legally for at least 05 years in the country of origin (or reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow).

2. For vaccines:

a) Foreign vaccines that have been issued valid registration numbers for circulation in Vietnam, are imported into Vietnam to complete the stage of labeling, putting in the box.

b) Re-registered vaccines in Vietnam due to expiration of the registration numbers and without any changes.

3. For traditional medicines or drugs from medicinal plants:

a) The herbal remedies accredited by the Health Ministry.

b) Traditional medicines or drugs from foreign material herbs which have not been granted registration numbers for circulation in Vietnam but have been circulated legally for at least 05 years in the country of origin (or reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow) and have been certified by competent state agencies of that country as safe and effective, with the same use, and content and indicated in Vietnam as specified in that country.

Article 7. Drugs exempted from some clinical trial stages

1. For pharmaceutical drugs, medical biological products:

Foreign drugs that have been issued registration numbers for circulation in Vietnam, but there are changes or supplements of new indications, new use, new dosage forms other than indications, use, dosage forms of the drugs which have been circulated legally for at least 05 years in the country of origin (or reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow) must be:

a) Conducted clinical trial to assess the safety;

b) Conducted clinical trial to assess efficacy in case of not yet conducted that trial or completion of clinical trial but not yet met the provisions of good clinical practice of the Ministry of Health or the international guidelines on good clinical practice accredited by the Health Ministry.

2. For vaccines:

a) Clinical trial to assess safety for:

- Foreign vaccines that have not been issued registration numbers for circulation in Vietnam but have been circulated legally for at least 05 years in the country of origin (or reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow) and have been certified by competent state agencies as safe and effective, with the same use, and content and indicated in Vietnam as specified in that country.

- Vaccines produced in Vietnam and made from products awaiting for import packaging from abroad that their finished products have been circulated legally for at least 05 years in the country of origin (or reference country if the international treaties to which Vietnam is a member allow).

- Vaccines which have been granted registration numbers for circulation in Vietnam, but there are changes or supplements of excipients, preservatives, change of production facilities (not changing the production process).

b) Clinical trial to assess the safety and immunogenicity in stage 3 for:

- Foreign vaccines which have been circulated legally for at least 05 years in the country of origin (or reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow) transferred production technology in Vietnam.

- Vaccines produced in Vietnam made from imported intermediate products that their finished products have been circulated legally for at least 05 years in the country of origin (or reference country if the international treaties to which Vietnam is a member allow).

- Vaccines which have been granted registration numbers for circulation in Vietnam, but there are changes or addition of the contents such as: production processes, dosage forms, indications, using subjects (age, gender, nation), use, dosage, vaccination schedule.

3. For medicines or drugs from medicinal herbs:

Clinical trial to assess the safety of drugs which have been granted registration numbers for circulation in Vietnam and other herbal remedies accredited by the Health Ministry but there are changes or supplements of indication, use, dosage forms other than indication, use, dosage forms of the drugs which have been circulated legally for at least 05 years in the country of origin (or reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow).

Article 8. Clinical drug trial in some special cases, emergency related to health security

Minister of Health considers and makes decision to exempt certain stages of clinical drug trial on the basis of advice of the Advisory Council for Granting Drug Circuation registration numbers and the Council of Ethics in biomedical research - Ministry of Health for the following cases:

1. Drugs used in special cases, emergency related to health security include:

a) Pharmaceutical drugs, medical biological products, vaccines which have been circulated legally but not enough 05 years in the country of origin (or reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow), which clinical trial data of multi-centers conducted in Vietnam and Asia has, the research results proved to achieve safety and effectiveness, with the same content, indication and use in Vietnam as indicated in that country.

b) Pharmaceutical drugs, traditional medicines or drugs from medicinal herbs meeting the requirements for special treatment on the list of rare drugs issued by the Health Ministry, with special dosage forms which have not been produced domestically, have no any alternative medicine and if this kind of drugs are not used, will affect the life of the patients, have not been granted registration numbers for circulation in Vietnam but has been circulated legally but not enough 05 years in the country of origin (or the reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow) and have been certified by competent state agencies to be safe and effective, with the same use, and content and indicated in Vietnam as specified in that country.

c) Vaccines used to prevent dangerous infections newly arisen and unknown its pathogen or infectious diseases especially dangerous, capable of rapid spread, wide spread and high mortality, have not been granted registration numbers for circulation in Vietnam, have been circulated legally but not enough 05 years in the country of origin (or the reference country if international treaties to which Vietnam is a member allow) and have been certified by competent state agencies to be safe and effective, with the same use, and content and indicated in Vietnam as specified in that country.

2. The drugs which have resulted from research projects, research theme of ministerial level or similar and above and are made before the effective date of this Circular and complied with the provisions of this Circular and the directions on good clinical practice, to be accepted and assessed satisfactory by the council of science and technology of equivalent or ministerial-level and recommended for wide application.

Chapter III

CONDITIONS OF CLINICAL DRUG TRIAL

Article 9. Conditions for drugs of clinical trial

Drugs of clinical trials must meet the following requirements:

1. Have been researched in pre-clinical stage; have documents to prove the safety to be able to test the next stages.

2. Have formulations, dosage forms and stabled dosage process.

3. Have results of clinical trial studies of the previous stages if it is proposed clinical drug trial for the next stages.

4. Get standards of quality according to registration dossier for clinical drugs trial.

5. Medicine label of clinical trial with the words "Product used for clinical trial; it is forbidden to use for other purposes."

Article 10. Conditions on dossiers of clinical trial

Dossier of registration for clinical trial is in Vietnamese (01 original with signature, legal stamp and 03 copies), including:

1. Application for clinical drug trial of agencies, organizations and individuals with drugs requesting for clinical trial (Appendix 1 attached to this Circular).

2. Dossiers of products for researchers in Vietnamese or in English accompanied by a summary in Vietnamese (Appendix 2 attached herewith).

3. Application for evaluation and research proposals approved clinical trial of institutions undertaking test (Appendix 3 attached to this Circular).

4. Cooperation contract of researching clinical drug trial among agencies, organizations, individuals with drugs requested for clinical trial and organizations undertaking trial and cooperation contracts between agencies, organizations and individuals with drugs requested for clinical trial and clinical research organization, clinical site management organization if any (Annex 4, issued together with this Circular).

5. Explanation for the research scheme of clinical trial (Appendix 5, issued together with this Circular).

6. Scientific curriculum vitae and certificates of good clinical practice of the prime researcher/subject chairman issued by the Health Ministry or by organizations recognized by the Health Ministry.

7. The written provision of information on research and slip of volunteer participating in the research (Appendix 6, issued together with this Circular).

8. Minute of evaluating the science and ethics in research of the ethics Council in biomedical research of basic level (organization undertaking clinical drugs trial).

9. Written certification of the participation of research institutions over multi-center research in Vietnam.

10. Written approval of the research of People’s Committee of province or city directly under the Central Government for research in the field.

11. The documents on the clinical drugs trial include:

a) Drug researching documents recipe ingredients, production processes, quality standards, drug testing slip (for pharmaceutical drugs, traditional medicines or drugs from medicinal plants: testing slip of the agency of central drug testing or of the manufacturers achieved standards of good manufacturing practice (GMP); for vaccines: quality testing slip of national testing agencies or certification of shipments for lot of vaccines, biological products of the National Drug Administration of home country).

b) Document of pre-clinical research of drugs need to be tested: reports of research on the pharmacological effects, toxicity, safety and suggestions on dosage, route of administration, use.

c) Research documents of clinical drug trial of the previous stages (if it is proposed clinical drug trial for the next stages).

12. A certified copy of the certificate of product (CPP) or permit for the circulation of drugs (FSC) and certificate of achieving standards of good manufacturing practice (GMP) of the competent State management agencies for drugs suggested for research of clinical trials, evaluating the safety, clinical trial of stage 4.

13. Label of research drug as prescribed in Clause 5 of Article 9 of this Circular and photos of samples of research drugs.

Article 11. Conditions of institutions undertaking clinical trial, the prime researchers and researchers participating in clinical drug trial

1. Organizations undertaking clinical drug trial must meet the criteria of good clinical practice (GCP); be independent of economy, of personnel organization against individuals and organizations with drugs of clinical trial and commit that the clinical trial totally do not have any conflicts of interest between the parties.

2. Pime researchers in the clinical trial must have the level of specialized knowledge, clinical experience, practical ability to ensure the principles of good clinical practice, master the rules of clinical drugs trial, capable of implementing the research outline which was approved in full and on schedule, with GCP certificate issued by the Ministry of Health or by organizations recognized by the Health Ministry.

3. Researcher must have appropriate expertise, to be trained in the necessary contents and skills to undertake research, have GCP certificate issued by the Ministry of Health or by organizations recognized by the Health Ministry.

Article 12. Conditions of participants of clinical drug trial

1. Participants in clinical drug trial must be volunteers meeting professional requirements and must sign a commitment with the organization undertaking clinical dugs trial, except for those who are restricted civil act capacity, lose civil act capacity or have no capacity for civil acts.

2. Where the participants in clinical drug trial are less than 18 years old, restricted civil act capacity, lost civil act capacity or have no capacity for civil acts, it must be approved by their representatives in accordance with the law provisions.

3. Where the participants in clinical drug trial are women who are pregnant or breast-feeding: research dossiers must be clearly stated the reasons for selecting this subject and must be approved by the Minister of Health on the basis of consideration and evaluation of research outline for scientific, moral aspects of the Council of Ethics in biomedical research - Ministry of Health.

Article 13. Conditions for funding clinical drug trial

1. Funding must be sufficient to complete the activities in the whole process of clinical drug trial (including items: funding for conducting research and funding for management, supervision, inspection) funded by the agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial shown by research contracts between agencies, organizations, individuals with drugs of clinical trial and organizations undertaking clinical drug trials.

2. For the study drugs funded by the program, themes using the state budget or the themes in cooperation with other foreign and domestic organizations and individuals, chairmen and organizations undertaking clinical drug trial need to estimate funds for clinical trials in total funds allocated for research.

3. Organizations undertaking clinical testing and researchers are responsible for managing their allocated funds to spend on research with the proper content and cost norms prescribed by law or contract signed by both parties.

Chapter IV

REGISTRATION, EVALUATION AND APPROVAL OF RESEARCH OF CLINICAL DRUG TRIAL

Article 14. Registration for research of clinical drug trial

1. Agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial apply for registration including documents specified in Clause 1, Clause 2 of Article 10 of this Circular to the Ministry of Health.

2. Within 15 working days after receipt of registration dossier, the Ministry of Health shall send written response as a basis for agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial to deploy next steps.

Article 15. Building research profile

Based on the written approval of the Ministry of Health, agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial collaborate with prime researchers and organizations undertaking clinical drug trials to prepare clinical drug trial research profile include:

1. Agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial provide for the documents specified in clauses 1, 2, 7, 11, 12 and 13, Article 10 of this Circular to the prime researchers and organizations undertaking clinical drug trials.

2. Prime researcher collaborate with agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial and members of research team to design research outline, prepare complete dossiers in accordance with provisions in Article 10 of this Circular.

Article 16. Application for research and clinical drug trial

1. Dossier of research and clinical drug trial is in accordance with provisions in Article 10 of this Circular and sent to the Ministry of Health as a basis for the evaluation, review and approval.

2. The dossier submitted to the Health Ministry before the 20th of each month will be considered for evaluation in that month. The dossier submitted after the above deadline will be transferred to the next month for evaluation.

3. For information regarding registration, compilation and dossier submission can be accessed at web portal of the Ministry of Health www.moh.gov.vn or via website of the Council of ethics in biomedical research - Ministry of Health www.iecmoh.vn.

Article 17. Evaluation and approval of researches of the clinical drug trial

1. Evaluation of research profile:

Within 30 working days after undertaking complete dossiers as prescribed in Article 10 of this Circular, the Ministry of Health shall organize meeting of Council of Ethics in biomedical research.

2. Announcement of results:

Within 15 working days after having the evaluation results of the Council of Ethics in biomedical research, Department of Science and Training will aggregate to complete the records and notify in writing the results to agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial, organizations undertaking clinical drug trial.

3. Approval:

Within 15 working days after the notification of results and receiving complete additional documents (if any), Department of Science and Training will synthesize, submit to the Minister of Health for approval.

Chapter V

CLINICAL DRUG TRIAL STAGES AND CONDUCTING EXPERIMENT

Article 18. The stages of clinical pharmaceutical drugs, medical biological products trial

1. Stage 1:

a) As the first stage to test new active elements or new formulations of the drugs in humans (usually done in the healthy volunteers).

b) Research purpose of stage 1: to establish a preliminary evaluation of the safety and initial assessment of pharmacokinetics and pharmacodynamics of the active element in humans.

c) Sample size: should be considered carefully based on results of preclinical research, sample sizes of 10-30 subjects.

2. Stage 2:

a) As the test stage to be conducted on a limited number of patients.

b) Research purpose of stage 2: to evaluate the therapeutic effect and safety of active elements in the patients, determine the use dose and appropriate dose regime to provide optimal treatment for clinical trials.

c) Sample size: at least 50 patients.

3. Stage 3:

a) As the test stage to be studied on a larger number of patients. The clinical trial conditions during this period are conducted close to the normal conditions of use. It is often conducted multicenter, randomization, with placebo.

b) Research purpose of stage 3: to determine the stability of the formula, the safety and effectiveness of short and long term of active substance, evaluate the effectiveness of treatment at the overall level. To research the adverse reactions often occurring, detect the special characteristics of researched products.

c) Sample size: at least 200 patients.

4. Stage 4:

a) As the clinical studies to be conducted after the drug has been put into circulation. Study design may vary but the scientific standards and ethical standards are similar to the one before drug is circulated.

b) Research purpose of stage 4: clinical trial of this stage is conducted on the basis of the characteristics of the product allowed for circulation, usually in the form of monitoring after the circulation or evaluation of effect of therapy or evaluation of treatment strategies.

c) Sample size: at least 1,000 patients.

Article 19. The stages of clinical vaccines trial

1. Stage 1:

a) As the first stage of testing new vaccine in the small-scale for preliminary assessment of the safety of the vaccine through the preliminary information collection on drug tolerance. Stage 1 is usually performed on adult healthy volunteers, at risk of infection and low complication before use for the target subjects.

b) Stage 1 is usually open research, non-randomized with a placebo of pharmaceutical fake can be done with some particular age or population groups to determine dose, safety, vaccine schedule, the route of vaccination.

c) The attenuated live vaccines (virus or bacteria) capable of infecting recipients or contacting persons must be evaluated and closely monitored on the dose, clinical signs of infection and response (immediate, early and late). Stage 1 research can provide preliminary information on the dispersion, transmission to contacting persons and the genetic stability of vaccine.

d) Sample size: should be considered carefully based on results of preclinical studies, sample sizes of 30-50 subjects.

2. Stage 2:

a) Is conducted after the completion of Stage 1 with the results approved by the Council of Ethics in biomedical research - Ministry of Health. Purpose of stage 2 is to demonstrate the immunogenicity of the active ingredients, the safety of the vaccines tested on target subjects. Stage 2 research is to evaluate the immune response related to age, race, and gender. Study of design has placebo and randomization.

b) For attenuated live vaccines, in addition to the monitoring of parameters such as stage 1, it needs to pay attention to the presence and existence of antibodiestiters: neutralizing antibodies or fixation cross antibodies or cell-mediated immune and interactions affecting the immune system (eg pre-existing antibodies, immunization made at the same time with vaccines or other drugs).

c) Sample size: at least 200 subjects.

3. Stage 3:

a) Stage 3 research is done on a large scale, multi-center to evaluate the protective effect (efficacy) and safety of the active ingredients of immunity in the vaccine on the target subjects.

b) Sample size: at least 500 subjects.

4. Stage 4:

a) Stage 4 research is conducted after the vaccines have been licensed for distribution. Stage 4 is considered as monitoring after granting license or research after granting license for the purpose of determining adverse effects and monitoring protective effect after vaccines are widely used in the population community under conditions of use. Stage 4 can be held to assess:

- The optimal conditions for the use of vaccines (optimal age for vaccination, concomitant use with other vaccine and other conditions).

- Protective effect of risk groups (elderly, immune injury patients, people with certain diseases).

- Maintenance of level of protection and long-term safety.

b) Sample size: at least 10,000 subjects.

Article 20. The stages of testing traditional medicines or drugs from clinical medicinal herbs

1. Stage 1:

a) Research is often conducted on volunteers who meet clinical trial criteria for the purpose of determining safe dose (maximum dose that the dose does not cause serious side effects), as follows:

b) The first dose must be equal to 1/3 - 1/5 of dose expected from preclinical studies. From the first dose to the maximum dose, it may be divided many doses. This stage is ended when the safe dose is determined.

c) Sample size: should be considered carefully based on results of preclinical studies, sample sizes of 10-30 subjects.

2. Stage 2:

a) The study evaluates the safety and efficacy of drugs. Study design has a placebo, randomization, each group has at least 25 patients.

b) Therapeutic dose: dose of drug used in this stage must be based on research results of stage 1.

c) Sample size: at least 50 patients.

3. Stage 3:

a) To confirm the safety and efficacy of drugs in the extended conditions. Study subjects were selected by random method with control or self-control.

b) Sample size: at least 100 patients.

4. Stage 4:

a) Applying as for pharmaceutical drugs.

b) Sample size: at least 200 patients.

Article 21. Clinical drug trial at several different establishments

1. When conducting research in many different establishments, organizations undertaking clinical drug trial need to establish joint steering committee consisting of prime researchers, prime researchers of branches and representatives of the units presiding over research to unify objectives, content, evaluation criteria, plans and research progress.

2. For multinational clinical research, in which Vietnam is a participant, the procedures, dossiers must comply with the provisions of this Circular. Objectives and content of research, trial in Vietnam, and the joint activities to implement the research with other nations must be detailed in the research outline.

Article 22. The objectives, contents and sample sizes of research

Minister of Health specifies objectives, contents and sample sizes of research specified in Article 18, 19, 20 and 21 of this Circular based on the advice of the Council of Ethics in bio-medical research for each case of dossier, research outline.

Article 23.Handling cases of complications during the clinical drug trial

Handling of irregularities in the research process is as follows:

1. In case of dangerous complications threatening the lives of participants in clinical drug trial, the prime researchers and organizations undertaking clinical trials must stop testing on the participants, hold the first aid, recovery and deal with the consequences, make records, and urgently report to the grassroots Council of Ethics, Council of Ethics - Ministry of Health, Department of Science and Training, Ministry of Health.

2. In cases of clinical trial leading to damage the health of participants in clinical drug trial, prime researchers must stop the research for the treatment and monitor the health happening of clinical trial participants and review and decide on continuty or stopping clinical trials.

3. Abnormal cases anticipated and adopted handling measures effectively shall be continued to conduct clinical drug trial.

Article 24. Collection of information and data

1. The information recorded in the course of researching clinical drug trial must be recorded in clinical researchfiles(CRFs). CRF is considered as the original document, preserved, stored in accordance with provisions for used a basis for monitoring, evaluation and acceptance of testing results.

2. The relevant documents required for the clinical assessment process (testing slip, diagnostic imaging results, prescriptions) must be copied from the original writing full name of cross-check examiner, stating clearly the origin and must be managed, stored according to regulations.

Article 25. Data processing

1. The research data of clinical drug trial must be treated by biologic statistical methods and must be processed by an agency or organization independent of the agency or organization undertaking data processing to ensure the objectivity, honesty and trust.

2. Results of statistical analysis must be clearly presented to help identification of differences in clinical outcome; when evaluating treatment effects, it must be based on reliability and the results obtained from statistical analysis. Report on final conclusion of clinical study should be consistent with the results of statistical analysis.

Article 26. Documents archive on clinical drug trial

1. The data, the original document, testing slip, image diagnostic results, the collected documents related to clinical drug trial, minutes of meetings of the boards, supervision records, progress reports, trial registration documents and other trial-related materials must be preserved completely, stored at least 15 years at the research establishments, from the time the study is ended.

2. Prime researcher is responsible for the entire process of preservation and archive of research documentation and for presenting them upon request of the delegations of inspection, supervision and competent state management agencies.

Article 27. Report of research result of clinical drug trial

1. Report of result of clinical drug trialisin compliance with prescribed form (Appendix 7, issued together with this Circular), including full information on the drug, description of the research method, testing process, data analysis, result evaluation, comparison with the research objectives and research tasks; provide honest and objective, accurate conclusions. Contents of report must be consistent with the objectives and content of research in the approved outline.

2. Prime researcher is responsible for the science, accuracy and truthfulness of the data, conclusions, judgment and other contents of the report.

Article 28. Management of drugs of clinical trial

1. The import and export of drugs of clinical trial shall comply with current regulations on import and export of drugs.

2. The management of drugs of clinical trial must comply with current regulations from the stages of sampling, quality testing, packaging, transportation, delivery, storage, labeling, and distribution.

3. It must have a logbook to track the use of drugs of clinical trial together with information on the quantity and quality of drugs.

4. Un-used up drugs and stored drugs must be strictly managed, separated and stored according to the right regulations. Unused up drugs must be handed over to organizations and individuals with drugs of clinical trial.

5. It must be made handling records for the drugs not guaranteed quality in accordance with provisions of the Ministry of Health.

6. Stored drug samples (03 smallest packaging unit) must be preserved at least three years (36 months) in the organizations undertaking clinical drug trial after the end of the research.

Chapter VI

RIGHTS AND OBLIGATIONS OF PARTICIPANTS, THE ORGANIZATIONS HAVING DRUGS OF CLINICAL TRIAL AND THE ORGANIZATIONS UNDERTAKING CLINICAL DRUG TRIAL

Article 29. Rights of participants in clinical drug trial

1. Be provided with full and truthful information before the clinical trials on the process of trial and the risks that may occur.

2. Be compensated damages by agencies, organizations, and individuals with drugs of clinical trial if they are caused by clinical trials.

3. Be kept confidential on concerned individual information.

4. Not be responsible for the unilateral termination of contract for participation in clinical drug trial.

5 Lodge complaints and denunciations for acts of law violations of organizations or individuals with drugs of clinical trial and organizations undertaking clinical trial.

6. Be cared for Healthcare in the process of trial by the research outline to be approved.

Article 30. Rights of agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial

1. Be selected and proposed the organization to meet the regulations on material facilities and expertise officials to conduct clinical drug trial.

2. Be owned all of the research results of drugs of clinical trial.

3. Be applied for the termination of the research if the organization undertaking drug trial commits serious violations of outline.

Article 31. Obligations of agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial

1. To apply for permission and agreed by the Minister of Health in writing prior to clinical trial.

2. To pay compensation for damages to participants in clinical drug trial if the risk occurs due to clinical drug trial in accordance with provisions of current legislation.

3. To sign contracts for clinical drug trial with the organizations undertaking clinical drug trial and clinical research organization (if any).

4. To take responsibility before law for the safety and quality of drugs supplied by them.

Article 32. Rights of the organizations undertaking clinical drug trial

1. Be supplied drugs, funds by agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial to conduct clinical trials in accordance with the law provisions.

2. Be used research results of clinical drug trial under agreements with agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial.

Article 33. Obligations of the organizations undertaking clinical drug trial

1. To comply with good clinical practice; report to the Ministry of Health on the process, results of clinical drug trial and report irregularly for the necessary cases.

2. To sign the contract on the clinical drug trial with agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial and with participants in clinical trial.

3. To continue to monitor health and disease of participants in clinical trial as agreed in the contract or the research outline.

Chapter VII

SUPERVISION AND INSPECTION OF RESEARCH QUALITY ASSURANCE

Article 34. Supervision, inspection of clinical drug trial process

1. Supervision and inspection to ensure the rights and interests and health of participants in clinical drug trial; ensure the recorded data of the research to be conducted fully and accurately, timely and in accordance with regulations of the research outline approved.

2. Ministry of Health establishes the delegation of monitoring, period, and irregular inspection for each specific case.

3. Competent state management agencies, organizations and individuals with drugs of clinical trial, clinical research organization (CRO) or research site management organization (SMO) approved by the Health Ministry in writing may propose the appointment of persons for systematic monitoring and supervision of the research process. The person who is assigned the task of supervision is not a member of the research team, complies with regulations on security of research data and other information related to clinical trial participants and take responsibility before the management agencies for their works.

4. Major researchers and the researchers are responsible for creating conditions for the supervisor to refer the research data upon request.

5. Delegation of supervision, inspection is responsible for checking the report, proposing by the minutes of supervision and inspection of the supervision contents with competent state management agencies as the basis for the consideration and handling according to the provisions of law.

Article 35. Assurance of the reliability of research results of clinical drug trial

1. To ensure research with sufficient reliability, the analysis and judgment, conclusions on the results must be derived from the original data. In each research stage, it should examine all the clinical data and testing criteria.

2. In necessary cases, the acceptance councils at all levels will invite experts for evaluating results, checking data, testing products of research or establish the board of monitoring data (DSMB) at the request of the management agency.

Chapter VIII

ACCEPTANCE OF EVALUATION OF RESULTS OF CLINICAL DRUG TRIAL

Article 36. Procedures for accepting the results of clinical drug trial

1. Acceptance of the research results of clinical drug trial is done under the current regulations on assessment, acceptance of research themes of science, technology and good clinical practice guidelines.

2. The acceptance is conducted at two levels: grassroots level and Ministry of Health level. At the end of the research, the prime researcher is responsible for reporting to the organizations undertaking clinical drug trial to evaluate the research results at grassroots level and completing the dossier to report to the Ministry of Health for acceptance at Ministry level.

Article 37. Acceptance dossier at level of Ministry of Health

Dossier of report for acceptance at level of Ministry (01 original set signed, sealed legally and 03 copies), includes:

1. Official dispatch of the organization undertaking clinical drug trial proposing for the acceptance at level of Ministry.

2. Copy of research outline to be approved.

3. Decision on approving research outline.

4. Decision on establishing Council of acceptance at grassroots level.

5. Minutes of meetings of Council of acceptance at grassroots level.

6. Full-text reports of research results of clinical drug trial as prescribed and may add other relevant information as it deems necessary.

Article 38. End of research of clinical drug trial

1. Within 30 working days after receiving complete dossiers applied for acceptance, the Ministry of Health will hold a Council of acceptance of the results of research under current regulations.

2. Research of clinical drug trial is considered as completed only when report on results finally assessed and accepted by the Council and accepted the additions of prime researcher in accordance with the comments of the Council (if any).

3. The data and results of clinical trials are published only when they were assessed and accepted by the Council of Ethics in biomedical research - Ministry of Health.

Chapter IX

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

Article 39. Responsibility for implementation

The Department of Science and Training shall preside over and coordinate with the concerned Departments:

1. To receive and examine registration dossiers and guide organizations and individuals with drugs of clinical trial and organizations undertaking clinical drug trial to comply with the provisions of this Circular and other concerned provisions of law.

2. To appraise the conditions for clinical drug trial dossiers, professional capacity, material facilities and legality of the organizations undertaking clinical drug trial, clinical research organization (CRO), the management organization of research sites (SMO) and report to leader of the Ministry for permission to conduct trial.

3. To organize the meetings of the Council of Ethics in biomedical research - Ministry of Health to review for approval of research outlines, evaluation of the contents of ethics in research and specialized science; to assess the results of research of clinical drug trial, synthesize and submit to leader of the Ministry for approval.

4. To organize period or irregular supervision, inspection during the course of research.

5. To disseminate and guide implementation of the contents of this Circular and guide good clinical practice and ethics in biomedical research for the concerned units, organizations and individuals.

Article 40. Transitional provisions

The registration dossiers for clinical drug trial submitted before the effective date of this Circular are reviewed and evaluated according to "Regulation on clinical drug trial" issued together with Decision No.01/2007/QD -BYT dated 11/01/2007 of the Minister of Health.

Article 41. Effect

1. This Circular takes effect from 20/03/2012.

2. To annul the Decision No.01/2007/QD-BYT dated 11/01/2007 of the Minister of Health promulgating the "Regulations on clinical drug trial" from the effective date of this Circular.

3. Heads of agencies, organizations and concerned units are responsible for organizing the propagation, dissemination and implementation of this Circular to the subjects for implementation.

In the implementation process if there are any problems, the concerned organizations, individuals should report them promptly to the Health Ministry for reviewing amendment and supplement accordingly.

 

 

 

MINISTER




Nguyen Thi Kim Tien

 

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem Nội dung MIX.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Circular 03/2012/TT-BYT DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất