Nghị định 85/2012/NĐ-CP về đơn vị sự nghiệp y tế công lập

thuộc tính Nghị định 85/2012/NĐ-CP

Nghị định 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:85/2012/NĐ-CP
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Nghị định
Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:15/10/2012
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Y tế-Sức khỏe

TÓM TẮT VĂN BẢN

Từ 2018, giá dịch vụ khám bệnh được tính đủ các chi phí thực hiện dịch vụ
Ngày 15/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, trong đó có quy định cụ thể lộ trình giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh.
Xem Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới nhất đang áp dụng.
Theo đó, từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ được tính đủ các chi phí thực hiện dịch vụ, bao gồm các chi phí trực tiếp như tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ; chi phí thuê nhân công ngoài; chi phí đặc thù tối đa không quá 50% chi phí tiền lương của dịch vụ; khấu hao tài sản cố định theo chế độ áp dụng với doanh nghiệp Nhà nước… và các chi phí gián tiếp khác như chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học để ứng dụng các kỹ thuật mới; chi phí của bộ phận gián tiếp, các chi phí hợp pháp khác để vận hành, bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện.
Riêng đối với năm 2013 và năm 2014 - 2017, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở một số chi phí trực tiếp như: Tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, tiền điện, nước, nhiên liệu, vệ sinh môi trường trực tiếp để thực hiện dịch vụ và chi phí về tiền lương, thuê nhân công ngoài (đối với giai đoạn từ 2014 - 2017)…
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định 03 trường hợp được xem xét điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương và khi có biến động giá của các yếu tố đầu vào.
Nghị định này thay thế Nghị định số 95/CP ngày 27/08/1994 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2012.

Xem chi tiết Nghị định85/2012/NĐ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

CHÍNH PHỦ
--------
-----------

Số: 85/2012/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
-----------

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2012

NGHỊ ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG, CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP

Y TẾ CÔNG LẬP VÀ GIÁ DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH CỦA CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH,

CHỮA BỆNH CÔNG LẬP

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;

Căn cứ Luật bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đi với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập,

Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
Nghị định này quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Đơn vị sự nghiệp y tế công lập” là tổ chức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản và tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn y tế như: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; điều dưỡng và phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; an toàn vệ sinh thực phẩm; dân số - kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản; truyền thông giáo dục sức khỏe (sau đây gọi tắt là đơn vị sự nghiệp y tế).
2. “Cơ quan quản lý cấp trên” là cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp y tế: Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế do trung ương quản lý là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đối với các đơn vị sự nghiệp y tế do địa phương quản lý là Sở Y tế.
3 “Người có thẩm quyền” là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế do trung ương quản lý, là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các đơn vị sự nghiệp y tế do địa phương quản lý.
Điều 3. Phân loại đơn vị sự nghiệp y tế
1. Đơn vị sự nghiệp y tế được đăng ký và phân loại theo các nhóm sau đây:
a) Nhóm 1: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển;
b) Nhóm 2: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên;
c) Nhóm 3: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên;
d) Nhóm 4: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp hoặc không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ.
2. Việc đăng ký, phân loại các đơn vị sự nghiệp y tế được ổn định trong thời gian 03 năm, sau thời hạn 03 năm sẽ xem xét phân loại lại cho phù hợp. Trường hợp đơn vị có biến động về nguồn thu hoặc nhiệm vụ chi làm thay đổi cơ bản mức tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên thì được xem xét điều chỉnh việc phân loại trước thời hạn.
3. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc đăng ký, phân loại và điều chỉnh việc phân loại các đơn vị sự nghiệp y tế quy định tại Điều này.
Chương 2.
QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG
Điều 4. Quy chế tổ chức và hoạt động
1. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, các quy định của Nghị định này và Quy chế tổ chức và hoạt động mẫu do Bộ Y tế ban hành, các đơn vị sự nghiệp y tế xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể nội dung mẫu của Quy chế tổ chức và hoạt động theo lĩnh vực chuyên môn y tế.
Điều 5. Xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn
1. Hàng năm, căn cứ vào Quy chế tổ chức và hoạt động, vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn:
a) Đối với đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2: Đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động, gồm các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao và các chỉ tiêu, hoạt động dịch vụ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để đăng ký, làm cơ sở theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện;
b) Đối với đơn vị thuộc nhóm 3, nhóm 4: Đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động, gồm các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao trên cơ sở năng lực phục vụ, ngân sách được giao và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và các chỉ tiêu, hoạt động dịch vụ (nếu có). Cơ quan quản lý cấp trên giao kế hoạch hoạt động phần ngân sách và nguồn thu sự nghiệp, còn các hoạt động dịch vụ do đơn vị tự xây dựng và đăng ký thực hiện.
2. Đơn vị sự nghiệp y tế được chủ động quyết định các biện pháp để tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn quy định tại Khoản 1 Điều này theo các quy định của pháp luật và phải bảo đảm các điều kiện về nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định để thực hiện và cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn, chất lượng.
3. Đơn vị sự nghiệp y tế chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về toàn bộ các mặt hoạt động của đơn vị.
4. Bộ Y tế xây dựng và ban hành các hướng dẫn về chuyên môn và quy trình kỹ thuật; quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định các nhiệm vụ chuyên môn chủ yếu đối với các đơn vị y tế thuộc các lĩnh vực còn lại theo tuyến chuyên môn; quy định các nội dung, chỉ tiêu cơ bản trong kế hoạch hoạt động chuyên môn; xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.
Điều 6. Quy định về các hoạt động liên doanh, liên kết, dịch vụ
1. Đơn vị được góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật để mở rộng cơ sở, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật; triển khai các kỹ thuật ngoài danh mục kỹ thuật và nhiệm vụ chuyên môn được giao; tổ chức các hoạt động dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng phải phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng của đơn vị và đúng với quy định của pháp luật. Việc góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết phải được hạch toán theo dõi riêng hoặc thành lập cơ sở hạch toán độc lập.
2. Trường hợp thành lập cơ sở hạch toán độc lập trong khuôn viên hiện có của đơn vị: Đơn vị phải xây dựng Đề án báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt; cơ sở hạch toán độc lập phải là đơn vị kế toán cấp dưới của đơn vị, do đơn vị trực tiếp quản lý, điều hành, hoạt động theo nguyên tắc tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư và được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định hiện hành.
Điều 7. Tổ chức bộ máy; kế hoạch tuyển dụng và quản lý, sử dụng công chức, viên chức
1. Tổ chức bộ máy
a) Trên cơ sở Quy chế tổ chức và hoạt động đã được phê duyệt, đơn vị được quyết định thành lập hoặc tổ chức lại các khoa, phòng và tổ chức khác trực thuộc để thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn đã đăng ký hoặc được cơ quan quản lý cấp trên giao;
b) Các đơn vị thuộc nhóm 1 phải thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình hoạt động của đơn vị. Hội đồng quản lý có 09 thành viên, gồm: 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và 07 ủy viên. Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu đơn vị, Phó Chủ tịch Hội đồng là Bí thư Đảng bộ đơn vị (trường hợp người đứng đầu đơn vị kiêm Bí thư đảng bộ thì Phó Bí thư Đảng bộ tham gia); Ủy viên Hội đồng gồm: 01 đại diện cơ quan quản lý cấp trên về quản lý chuyên môn y tế; 01 đại diện cơ quan quản lý cấp trên về quản lý tài chính; 02 là cấp phó của người đứng đầu đơn vị (trường hợp đơn vị chỉ có 01 cấp phó, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp tham gia); 01 là Chủ tịch công đoàn của đơn vị; 02 người làm chuyên môn y tế được bầu chọn theo phương thức bỏ phiếu kín bởi toàn thể cán bộ, viên chức chuyên môn y tế có trình độ đào tạo từ đại học trở lên của đơn vị. Chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị thuộc trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị thuộc địa phương.
2. Kế hoạch tuyển dụng viên chức
a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng viên chức làm việc tương ứng theo các lĩnh vực chuyên môn y tế;
b) Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn về cơ cấu, số lượng viên chức do cơ quan có thẩm quyền ban hành; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động chuyên môn, nhu cầu công việc, vị trí việc làm, quỹ tiền lương của đơn vị, hằng năm đơn vị xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức, trong đó nêu rõ yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu viên chức cần thiết của từng tổ chức trực thuộc;
c) Đối với đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2: Kế hoạch tuyển dụng viên chức của đơn vị do người đứng đầu đơn vị quyết định theo thẩm quyền để bảo đảm thực hiện được kế hoạch hoạt động chuyên môn nhưng phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát;
d) Đối với đơn vị thuộc nhóm 3, nhóm 4: Kế hoạch tuyển dụng viên chức của đơn vị do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị phê duyệt;
đ) Người đứng đầu đơn vị được ký hợp đồng thuê, khoán đối với những công việc không cần bố trí lao động thường xuyên và các hoạt động dịch vụ khác; được ký hợp đồng lao động và các hình thức hợp tác khác với chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu chuyên môn của đơn vị.
3. Tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức, viên chức:
a) Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm rà soát, sắp xếp, bố trí và sử dụng số công chức, viên chức hiện có phù hợp với trình độ chuyên môn và điều kiện thực tế của đơn vị;
b) Đối với đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2: Người đứng đầu đơn vị tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức; quyết định tuyển dụng viên chức theo thi tuyển hoặc xét tuyển và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
c) Đối với đơn vị thuộc nhóm 3, nhóm 4: Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị phân cấp thực hiện việc tuyển dụng cho người đứng đầu đơn vị thực hiện. Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc tuyển dụng theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp đặc biệt, đơn vị không đủ điều kiện để thực hiện việc tuyển dụng thì phải báo cáo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị thực hiện việc tuyển dụng;
d) Thủ trưởng đơn vị có quyền tiếp nhận viên chức ngạch bác sỹ chính và tương đương trở xuống;
đ) Việc tuyển dụng phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức;
e) Đơn vị phải có trách nhiệm bảo đảm cơ cấu, số lượng viên chức tối thiểu đã được Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Chương 3.
QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH
MỤC 1. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Điều 8. Xây dựng quy hoạch phát triển và dự án đầu tư
1. Các đơn vị căn cứ vào: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; Quy chế tổ chức và hoạt động, chức năng, nhiệm vụ được giao để xây dựng quy hoạch phát triển của đơn vị mình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Căn cứ vào quy hoạch phát triển được duyệt, tình hình thực tế về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của đơn vị, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, đơn vị lập và trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Nguồn vốn chi đầu tư phát triển
1. Đối với các đơn vị thuộc nhóm 1:
a) Vốn tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Vốn vay các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật;
b) Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và phi chính phủ nước ngoài (NGO) theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có);
c) Vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật: Đơn vị chỉ được huy động để đầu tư cho các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phương thức trả lãi với lãi suất thỏa thuận tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;
d) Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị;
đ) Các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật;
e) Trường hợp đơn vị đang được ngân sách nhà nước bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền thì tiếp tục được ngân sách nhà nước bố trí vốn theo kế hoạch để thực hiện dự án. Hoặc khi cần khuyến khích phát triển kỹ thuật, công nghệ mới, Nhà nước có quyền yêu cầu đơn vị tham gia thực hiện và hỗ trợ vốn đầu tư theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tài sản sau khi kết thúc dự án được Nhà nước giao cho đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
2. Đối với các đơn vị thuộc nhóm 2, nhóm 3 và nhóm 4:
a) Nhà nước bảo đảm vốn đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để đơn vị có đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao; nguồn vốn đầu tư từ: Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO); nguồn xổ số kiến thiết và các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương.
Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng; danh mục, số lượng trang thiết bị y tế phù hợp với quy mô và lĩnh vực chuyên môn y tế;
b) Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;
c) Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
d) Trường hợp đơn vị đã sử dụng các nguồn vốn quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này nhưng vẫn không đáp ứng được tiến độ của các dự án, công trình: Đơn vị được vay vốn tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để bổ sung nguồn vốn đầu tư nhằm sớm đưa dự án, công trình vào sử dụng; được sử dụng ngân sách chi đầu tư phát triển được giao những năm sau trong phạm vi thời hạn thực hiện dự án theo quy định của pháp luật để trả nợ gốc vay, được kết cấu vào giá dịch vụ để trả nợ phần gốc vay và lãi vay.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể loại hình, tiêu chí, thẩm quyền quyết định đơn vị được sử dụng ngân sách chi đầu tư phát triển để trả nợ gốc vay; hướng dẫn việc kết cấu vào giá dịch vụ để trả nợ gốc vay và lãi vay trong các trường hợp này.
3. Trường hợp đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng trong khuôn viên hiện có theo các hình thức quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ và Nghị định số 24/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh. Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao thì thực hiện theo các Nghị định này và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Đối với Dự án đầu tư theo hình thức BOT hoặc BTO để hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức triển khai công tác khám bệnh, chữa bệnh. Nhà đầu tư và đơn vị thỏa thuận việc hoàn trả vốn để thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật trong hợp đồng.
4. Đối với các bệnh viện: Trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư thì thực hiện theo các quy định hiện hành.
Điều 10. Nguồn vốn chi đầu tư phát triển đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa của đơn vị sự nghiệp y tế công lập
1. Đối với cơ sở hạch toán độc lập tự bảo đảm chi phí hoạt động trong khuôn viên hiện có của đơn vị, nguồn vốn đầu tư từ:
a) Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;
b) Huy động của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị theo phương thức trả lãi suất cố định với lãi suất thỏa thuận tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;
c) Nguồn vốn tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
d) Vốn liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Các đơn vị được huy động vốn, vay vốn và sử dụng “năng lực, chất lượng và uy tín” của đơn vị để tham gia đầu tư xây dựng mới các cơ sở y tế ngoài khuôn viên của đơn vị theo hình thức góp vốn, chia lãi theo tỷ lệ vốn góp với các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan hướng dẫn việc xác định giá trị của “năng lực, chất lượng và uy tín” của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
3. Thủ trưởng đơn vị phải xây dựng phương án tài chính (huy động vốn; trả gốc vay và lãi vay), phương án hoạt động dịch vụ; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả của việc vay vốn, huy động vốn và hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 11. Về quản lý, sử dụng tài sản
1. Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được giao tài sản theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.
2. Các tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm bằng tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại cho đơn vị sử dụng theo chế độ quy định, từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp), từ nguồn vốn vay, vốn huy động và sử dụng kinh phí từ các nguồn thu, các hoạt động dịch vụ để trả nợ vốn vay, vốn huy động được coi là tài sản nhà nước giao cho đơn vị quản lý, sử dụng.
3. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm quản lý, sử dụng, tổ chức và bảo đảm kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản để nâng cao hiệu quả sử dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
MỤC 2. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI KINH PHÍ CHI HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN VÀ KHÔNG THƯỜNG XUYÊN
Điều 12. Nguồn tài chính chi hoạt động thường xuyên
1. Ngân sách nhà nước đối với các đơn vị thuộc nhóm 3, nhóm 4 theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này.
2. Nguồn thu sự nghiệp từ việc cung cấp các dịch vụ y tế; trong đó nguồn thu của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Nghị định này.
3. Nguồn thu từ việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
4. Từ phần được để lại từ số thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
5. Trích nộp của các cơ sở hạch toán độc lập trực thuộc đơn vị theo quy chế chi tiêu nội bộ; thu nhập được chia của các cơ sở nêu tại Khoản 2 Điều 10 (nếu có) sau khi hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
6. Thu từ các hoạt động khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Điều 13. Ngân sách nhà nước bảo đảm chi hoạt động thường xuyên
1. Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh (trừ các cơ sở làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh phong, tâm thần) thuộc nhóm 3, nhóm 4:
a) Năm 2013: Ngân sách nhà nước tiếp tục bảo đảm như năm 2012 và kinh phí để chi trả chế độ phụ cấp đặc thù chưa được tính vào giá dịch vụ y tế, kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách mới do Nhà nước quy định theo nguyên tắc bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước quy định tại Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội;
b) Giai đoạn 2014 - 2015: Ngân sách nhà nước bảo đảm:
- Chi phí duy tu, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định chưa được kết cấu vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
- Chi phí về tiền lương, các loại phụ cấp, các khoản đóng góp theo quy định hiện hành (sau đây gọi chung là Quỹ tiền lương cơ bản): Ngân sách đảm bảo 100% Quỹ tiền lương cơ bản cho các bệnh viện tuyến quận, huyện, 70% Quỹ tiền lương cơ bản cho các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi, Tây Nguyên và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 50% Quỹ tiền lương cơ bản cho các bệnh viện thuộc Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại;
c) Giai đoạn 2016 - 2017: Ngân sách nhà nước bảo đảm 50% Quỹ tiền lương cơ bản cho các bệnh viện tuyến quận, huyện; các bệnh viện còn lại được kết cấu 100% Quỹ tiền lương cơ bản và chi phí duy tu, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
d) Mức ngân sách hỗ trợ quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản này là tính chung cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ, ngành, địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định mức bảo đảm cụ thể cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do trung ương quản lý; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định mức bảo đảm cụ thể cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc địa phương quản lý.
2. Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh và nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần: Ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở số lượng đối tượng và mức chi cho các loại đối tượng đơn vị đã phục vụ.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành mức chi khám bệnh, chữa bệnh và nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần.
3. Đối với đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng (kể cả trạm y tế xã).
a) Ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên của đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao, gồm:
- Chi cho con người: Được xác định trên cơ sở số lượng vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền giao và tiền lương cơ bản, các loại phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ, chính sách quy định hiện hành đối với đơn vị sự nghiệp công lập; được điều chỉnh trong trường hợp Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, phụ cấp hoặc điều chỉnh số lượng vị trí việc làm của đơn vị.
- Các chi phí để vận hành và bảo đảm hoạt động thường xuyên của đơn vị theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành như: Chi thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, chi hội nghị, công tác phí, chi phí thuê mướn, sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, chi phí nghiệp vụ chuyên môn để kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình bệnh dịch, ... và các khoản chi hợp lý khác. Khoản kinh phí này được tính và giao cho đơn vị trên cơ sở số lượng vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền giao hoặc trên cơ sở dân số trên địa bàn có tính đến mô hình dịch bệnh, điều kiện tự nhiên của địa bàn đơn vị phụ trách và định mức chi bình quân đối với từng loại hình đơn vị.
- Chi phòng, chống dịch: Khoản kinh phí này được tính và giao cho đơn vị để thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành định mức phân bổ ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định định mức phân bổ ngân sách theo đầu dân hoặc theo số vị trí việc làm và các hoạt động chuyên môn đặc thù, làm căn cứ phân bổ và giao dự toán hàng năm cho các đơn vị;
b) Trường hợp đơn vị có tổ chức thu phí, lệ phí: Chi phí bảo đảm hoạt động thường xuyên của bộ phận làm nhiệm vụ thu phí, lệ phí thực hiện theo quy định hiện hành của pháp lệnh phí, lệ phí.
4. Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế chuyên ngành đặc thù như: Trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm, trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện, trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe; các đơn vị làm nhiệm vụ giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, giám định y khoa; các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm dịch y tế quốc tế; trung tâm phòng, chống bệnh xã hội, các trung tâm khác thuộc hệ thống y tế: Ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên đối với các nhiệm vụ do Nhà nước giao theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
5. Đối với đơn vị đang được xếp loại là đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi sang thực hiện theo nhóm 1 hoặc nhóm 2 thì được xem xét, hỗ trợ một lần kinh phí vào năm đầu thực hiện chuyển đổi với mức tối đa bằng mức kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị năm trước liền kề năm chuyển đổi.
Điều 14. Quyền tự chủ về các khoản thu, mức thu
1. Đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cung cấp cho người bệnh, kể cả người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế: Thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này.
2. Đối với các khoản thu phí, lệ phí: Thực hiện thu đúng, thu đủ theo mức thu và đối tượng thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
3. Đối với những hàng hóa, dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền đặt hàng thì mức thu theo giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định giá, thì mức thu được xác định trên cơ sở dự toán chi phí được cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định chấp thuận.
4. Đối với những hoạt động dịch vụ ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao, theo hợp đồng thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, hoạt động liên doanh, liên kết quy định tại Điều 6 của Nghị định này, hoạt động của các đơn vị quy định tại Điều 10 của Nghị định này (trừ các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định này): Đơn vị được quyết định các khoản thu, mức thu theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí và có tích lũy. Đơn vị phải mở sổ kế toán theo dõi, hạch toán riêng doanh thu, chi phí và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước theo quy định.
Điều 15. Quyền tự chủ về sử dụng nguồn tài chính chi hoạt động thường xuyên
1. Các đơn vị được chủ động nguồn tài chính chi hoạt động thường xuyên quy định tại Điều 12 của Nghị định này để chi hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; chi phục vụ cho việc thu phí, lệ phí; chi thực hiện các hoạt động dịch vụ (kể cả chi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, chi trả vốn vay, trả lãi tiền vay) theo quy định sau:
a) Số thu khấu hao tài sản cố định được hạch toán vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn. Số thu khấu hao của các tài sản hình thành từ nguồn vốn vay, vốn huy động được sử dụng để chi trả gốc tiền vay, lãi vay theo các hợp đồng vay vốn, huy động vốn;
b) Đối với các nội dung chi quản lý, chi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định mức chi: Đơn vị được quyết định một số mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, nhưng phải phù hợp với khả năng tài chính của đơn vị. Riêng đối với tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, nhà làm việc, trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng, công tác phí nước ngoài, tiếp khách nước ngoài: Đơn vị không được quyết định mức chi cao hơn mức quy định của nhà nước;
c) Đối với các nội dung chi quản lý, chi hoạt động chuyên môn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định mức chi: Đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế, vào quy trình chuyên môn kỹ thuật để xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và định mức chi cho phù hợp theo nguyên tắc ban hành theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
d) Căn cứ vào khả năng tài chính và tình hình thực tế, Thủ trưởng đơn vị được quyết định sử dụng một phần nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm và một phần từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đào tạo nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chi mua sắm các trang thiết bị, sửa chữa lớn nhà cửa, cơ sở hạ tầng để tăng cường năng lực phục vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ;
đ) Căn cứ tính chất công việc, thủ trưởng đơn vị được quyền quyết định phương thức khoán chi phí cho từng bộ phận, đơn vị trực thuộc nhằm sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả.
2. Phần chênh lệch thu lớn hơn chi (nếu có), được sử dụng như sau:
a) Đối với các đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2:
- Trích tối thiểu 25% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;
- Trích lập Quỹ thu nhập tăng thêm và dự phòng ổn định thu nhập;
- Trích lập Quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi;
- Trích lập Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh đối với các đơn vị làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh.
b) Đối với các đơn vị thuộc nhóm 3, nhóm 4:
- Trích tối thiểu 25% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Riêng đối với các đơn vị có chênh lệch thu lớn hơn chi dưới 01 lần Quỹ tiền lương ngạch bậc, chức vụ trong năm thì trích tối thiểu 15%;
- Trích Quỹ thu nhập tăng thêm để chi trả tiền lương tăng thêm, chi trả cho đối tượng là chuyên gia, thầy thuốc giỏi. Tổng mức thu nhập trong năm của đơn vị thuộc nhóm 3 tối đa không quá 03 lần Quỹ tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ do Nhà nước quy định; của đơn vị thuộc nhóm 4 tối đa không quá 02 lần Quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ do Nhà nước quy định;
- Trích Quỹ dự phòng ổn định thu nhập để bảo đảm thu nhập của người lao động trong trường hợp thu nhập bị giảm sút;
- Trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi với mức tối đa cả hai Quỹ không quá 03 tháng lương, tiền công và thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện trong năm;
- Trích lập Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh đối với các đơn vị làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh.
c) Mức trích lập các Quỹ do Thủ trưởng đơn vị quyết định theo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và các quy định tại Điều này. Sau khi trích lập các Quỹ nêu trên vẫn còn dư thì bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
d) Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng để hỗ trợ trong trường hợp người bệnh có chi phí điều trị lớn, không có khả năng chi trả và chi trả cho các trường hợp rủi ro nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 16. Quy định về kinh phí không thường xuyên
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị được ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động không thường xuyên, gồm:
1. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao.
2. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh (đối với các đơn vị không phải là đơn vị y tế dự phòng).
3. Kinh phí triển khai nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
4. Kinh phí thực hiện các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.
5. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức (nếu có).
6. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao hoặc đặt hàng không thường xuyên (điều tra, quy hoạch, khảo sát,...).
7. Kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo chế độ do Nhà nước quy định (nếu có).
8. Kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và các tài sản cố định khác, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao dự toán để đơn vị thực hiện nhưng không gắn với các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển.
9. Kinh phí thực hiện các dự án vay, viện trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm cả vốn đối ứng.
10. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác được cơ quan có thẩm quyền giao.
Điều 17. Quản lý và sử dụng kinh phí không thường xuyên
1. Các khoản kinh phí không thường xuyên được phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị theo nhiệm vụ được giao hàng năm.
2. Đơn vị có trách nhiệm quản lý, sử dụng, chi tiêu và quyết toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện đối với từng nguồn kinh phí được giao; không được sử dụng để tính chênh lệch thu chi và trích lập các Quỹ.
Chương 4.
QUY ĐỊNH VỀ GIÁ DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 18. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là số tiền phải trả cho mỗi dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện theo lộ trình sau:
1. Năm 2013: Giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở các chi phí trực tiếp sau đây:
a) Tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện dịch vụ (bao gồm cả chi phí bảo quản, hao hụt theo định mức được cơ quan có thẩm quyền quy định);
b) Tiền điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường trực tiếp để thực hiện dịch vụ;
c) Duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ;
d) Chi phí chi trả phụ cấp thường trực, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.
2. Giai đoạn 2014 - 2017: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở các chi phí sau đây:
a) Các khoản chi phí quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Chi phí về tiền lương:
- Năm 2014 - 2015: Chỉ tính 30% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi, Tây Nguyên và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 50% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến Trung ương và của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.
- Năm 2016 - 2017: Được tính 100% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 50% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến huyện còn lại;
c) Chi phí nhân công thuê ngoài (nếu có). Chi phí đặc thù tối đa không quá 50% chi phí tiền lương của dịch vụ để chi trả thù lao nhằm khuyến khích, thu hút các chuyên gia, thầy thuốc giỏi làm việc tại đơn vị;
d) Khấu hao tài sản cố định là máy móc thiết bị trực tiếp sử dụng để thực hiện dịch vụ theo chế độ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước; chi phí chi trả lãi tiền vay theo các hợp đồng vay vốn, huy động vốn để đầu tư, mua sắm trang thiết bị để thực hiện dịch vụ (nếu có): Được tính và phân bổ vào chi phí của các dịch vụ sử dụng nguồn vốn này;
đ) Chi phí gián tiếp, các chi phí hợp pháp khác để vận hành, bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện.
3. Giai đoạn từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ, gồm:
a) Các chi phí trực tiếp:
- Chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế (bao gồm cả chi phí bảo quản, hao hụt theo định mức được cơ quan có thẩm quyền quy định);
- Chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường;
- Tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ; chi phí thuê nhân công thuê ngoài; chi phí đặc thù tối đa không quá 50% chi phí tiền lương của dịch vụ;
- Chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản cố định, mua sắm thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện dịch vụ kỹ thuật;
- Khấu hao tài sản cố định theo chế độ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước; chi phí chi trả lãi tiền vay theo các hợp đồng vay vốn, huy động vốn để đầu tư, mua sắm trang thiết bị để thực hiện dịch vụ (nếu có): Được tính và phân bổ vào chi phí của các dịch vụ sử dụng nguồn vốn này.
b) Chi phí gián tiếp:
- Chi phí của bộ phận gián tiếp, các chi phí hợp pháp khác để vận hành, bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện;
- Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học để ứng dụng các kỹ thuật mới.
4. Chi phí về tiền lương được tính theo nguyên tắc sau: Đối với những dịch vụ có đơn giá tiền lương trong đơn giá của dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được tính theo đơn giá tiền lương đã được phê duyệt. Đối với những dịch vụ chưa được quy định đơn giá tiền lương trong đơn giá của dịch vụ thì chi phí về tiền lương được tính trên cơ sở hao phí lao động và mức tiền lương bình quân để thực hiện dịch vụ.
5. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2, cơ sở thực hiện xã hội hóa của đơn vị sự nghiệp y tế công lập được tính đầy đủ các yếu tố chi phí quy định tại Khoản 3 Điều này và có tích lũy để đầu tư phát triển. Mức tích lũy tối đa không quá 10% chi phí của dịch vụ và được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Điều 19. Thẩm quyền quy định và quyết định giá dịch vụ y tế
1. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính theo từng dịch vụ, kỹ thuật y tế hoặc tính theo trường hợp bệnh.
2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong trường hợp thanh toán theo dịch vụ; khung giá của từng loại bệnh, nhóm bệnh trong trường hợp thanh toán theo trường hợp bệnh, gồm:
a) Khung giá tính theo lộ trình quy định tại Điều 18 Nghị định này;
b) Khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí và có tích lũy quy định tại Khoản 5 Điều 18 Nghị định này.
3. Đối với giá các dịch vụ y tế do Nhà nước giao hoặc đặt hàng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xem xét điều chỉnh trong trường hợp:
a) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
b) Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương;
c) Khi có biến động giá của các yếu tố đầu vào.
5. Thẩm quyền quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thực hiện theo các quy định hiện hành.
6. Mức điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào các quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định này và tình hình thực tế để quyết định cho phù hợp.
Điều 20. Quy định về đối tượng và phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh
1. Tất cả cá nhân, tổ chức (kể cả người nước ngoài đang công tác, lao động, học tập, du lịch, quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam) khi sử dụng các dịch vụ y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập đều phải thanh toán chi phí theo mức giá dịch vụ và số lượng dịch vụ đã sử dụng, trong đó:
a) Người có thẻ Bảo hiểm Y tế: Được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mức quy định của pháp luật về Bảo hiểm Y tế. Phần chênh lệch giữa chi phí khám bệnh, chữa bệnh và mức thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Người không có thẻ Bảo hiểm Y tế: Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều này;
c) Người nước ngoài là công dân của nước có ký kết Điều ước quốc tế về khám, chữa bệnh với Việt Nam thì chi phí khám, chữa bệnh; sẽ được áp dụng theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.
2. Các đối tượng sau được Nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập:
a) Người bị bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 66 của Luật khám bệnh, chữa bệnh;
b) Người bị bệnh phong và người bị một số bệnh theo Quyết định của cấp có thẩm quyền;
c) Người bệnh trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn theo quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khi điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Trung ương quản lý; của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do địa phương quản lý.
3. Phương thức thanh toán:
a) Thanh toán theo giá dịch vụ là thanh toán dựa trên giá của từng dịch vụ, kỹ thuật y tế được quy định cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế người bệnh đã sử dụng;
b) Thanh toán theo trường hợp bệnh là thanh toán theo mức chi phí bình quân cho từng loại bệnh hay nhóm bệnh cụ thể đã được chẩn đoán.
Khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện thanh toán theo trường hợp bệnh. Bộ Y tế xây dựng lộ trình để đến năm 2020 phần lớn các loại bệnh hoặc nhóm bệnh được thanh toán theo phương thức này.
Điều 21. Quản lý và sử dụng nguồn thu từ các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
1. Khoản thu từ các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi khung giá do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành theo quy định của Nghị định này được để lại toàn bộ cho đơn vị sử dụng và không phản ánh vào ngân sách nhà nước.
2. Các đơn vị mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để theo dõi và quản lý chi tiêu, quyết toán khoản thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành; được phép mở tài khoản chuyên thu dịch vụ y tế tại ngân hàng thương mại để nhờ ngân hàng thu hộ nhưng định kỳ 5 ngày làm việc phải chuyển về tài khoản của đơn vị ở kho bạc để theo dõi, quản lý chi tiêu và quyết toán.
3. Đối với khoản thu từ hoạt động dịch vụ, của các cơ sở hạch toán độc lập quy định tại Điều 6 của Nghị định này: Đơn vị được phép mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để theo dõi và quản lý nhưng khi sử dụng phải chuyển về tài khoản của đơn vị ở Kho bạc Nhà nước để quản lý việc chi tiêu và quyết toán.
4. Các đơn vị phải sử dụng hóa đơn, biên lai theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Chương 5.
CÁC QUY ĐỊNH KHÁC
Điều 22. Chi trả tiền lương, tiền công và chi trả thu nhập tăng thêm
1. Các đơn vị có trách nhiệm bảo đảm tiền lương cơ bản theo ngạch, bậc, chức vụ và mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định cho người lao động.
2. Các đơn vị căn cứ Quỹ thu nhập tăng thêm để quyết định mức chi trả thu nhập tăng thêm trong Quy chế chi tiêu nội bộ, theo nguyên tắc người nào có năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác cao, đóng góp nhiều cho việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị được chi trả cao hơn, có mức thù lao thỏa đáng để khuyến khích, thu hút các chuyên gia, thầy thuốc giỏi làm việc tại đơn vị, không khống chế mức thu nhập tối đa của cá nhân người lao động.
Điều 23. Nguồn đảm bảo chính sách tiền lương
1. Đối với các đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2: Từ nguồn thu của đơn vị theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
2. Đối với các đơn vị thuộc nhóm 3, nhóm 4: Từ nguồn thu của đơn vị và hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước bảo đảm ngân sách để chi trả tiền lương, kể cả tiền lương tăng thêm theo lộ trình cải cách tiền lương đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số/kế hoạch hóa gia đình; các đơn vị còn lại, sau khi đã sử dụng nguồn thu nhưng vẫn không bảo đảm thì được xem xét, bổ sung từ ngân sách nhà nước để bảo đảm chi trả tiền lương, các loại phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ hiện hành cho người lao động.
Điều 24. Quy định về nghĩa vụ với ngân sách nhà nước
1. Các đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo đúng các quy định hiện hành.
2. Đối với cơ sở hạch toán độc lập thuộc đơn vị sự nghiệp y tế công lập đáp ứng các điều kiện, tiêu chí, quy mô theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa: Được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế.
Điều 25. Một số quy định khác
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tăng chi ngân sách địa phương cho y tế theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội, đảm bảo tốc độ tăng chi của ngân sách y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước; dành tối thiểu 30% cho lĩnh vực y tế dự phòng; bố trí ngân sách để các cơ sở y tế thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, đề xuất trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện về nhà ở và làm việc để thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là các bác sỹ, dược sỹ mới ra trường về công tác tại các đơn vị y tế công lập thuộc địa phương quản lý.
3. Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế theo danh mục do Bộ Y tế quy định để sử dụng cho người bệnh, không để người bệnh phải tự mua, công khai mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để người dân biết, lựa chọn. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tổ chức thu, quản lý và sử dụng nguồn thu của đơn vị.
4. Nghiêm cấm các cơ sở y tế, công chức, viên chức y tế thu thêm của người bệnh ngoài mức giá đã được cơ quan có thẩm quyền quy định, chỉ định các kỹ thuật y tế không đúng với hướng dẫn quy trình kỹ thuật và hướng dẫn điều trị. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương 6.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 26. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2012 và thay thế Nghị định số 95/CP ngày 27 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ về thu một phần viện phí.
Những quy định trước đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương trái với quy định của Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 27. Điều khoản thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn triển khai Nghị định này.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào các quy định tại Nghị định này để hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này; chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc phạm vi quản lý trong việc chấp hành các quy định tại Nghị định này./

 Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT

Decree  No. 85/2012/ND-CP dated October 15, 2012 of the Government on the operational and financial regimes applicable to public health non- business units and the prices of medical examination and treatment services of public medical examination and treatment establishments

Pursuant to the Law on Government organization of December 25, 2001;

Pursuant to the Law on people’s health protection of June 30, 1989;

Pursuant to the Law on health insurance of November 14, 2008;

Pursuant to the Law on medical examination and treatment of November 23, 2009;

Pursuant to the Resolution No.18/2008/QH12 of June 03, 2008 of National Assembly, on stepping up implementation of law policies, law socialization in order to improve quality of people’ s health care;

At the proposal of the Minister of Health;

The Government promulgates the Decree on the operational and financial regimes applicable to public health non-business units and the prices of medical examination and treatment sevices of public medical examination and treatment establishments,

Chapter 1.

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and subjects of regulation

This Decree prescribes on the operational and financial regimes applicable to public health non-business units and the prices of medical examination and treatment sevices of public medical examination and treatment establishments.

Article 2. Interpretation of terms

In this Decree, the following terms are construed as follows:

1. “Public health non-business unit" means an organization established by a competent state agency and managed in accordance with law, having legal entity, seal, account and its accounting aparatus organized in accordance with law on accunting in order to realize task of provision of public services or to serve state management in health field such as: preventive medicine; medical examination and treatment; nursingandrehabilitation; medical, forensic and mental forensic examination; traditional medicine; pharmaceutical, cosmetic, medical equipment testing; food safety and hygiene; population – family planning; reproductive health; health communication and education (hereinafter abbreviated to medical non-business units).

2. “Superior agencies” mean agencies competent to management over health non-business units: For the health non-business units managed by central level, they include Ministries, Ministerial-level agencies, Governmental agencies; for health non-business units managed by local level, they are the provincial Departments of Health.

3. “Competent persons” mean Ministers, Heads of ministerial-level agencies and Governmental agencies for the health non-business units managed by central level, mean the chairpersons of the provincial People’s Committee for the health non-business units managed by local level.

Article 3. Classification of health non-business units

1.Health non-business units are registered and classified under the following groups:

a. Group 1: Units havingthe non-business revenue source to self-cover all regular operational expenditure and expenditure for investment and development;

b. Group 2: Units having thenon-business revenue source to self-coverall regular operational expenditure;

c. Group 3: Units with non-business revenue source to self-coverpartly regular operational expenditure;

d. Group 4: Units with low non-business revenue source or having no revenue or regular operational expenditure under their assigned functions and tasks, so they shall befinancedall expenditurebythe State budget.

2.The register and classification of health non-business units are stable for 03 years, after 03 years, they shall be considered to reclassify for conformity. If an unit has changes on revenue or expenditure task which cause the basic change of the level to self-coverregular operational funding, it shall be considered for adjustment of classification before term

3.The Ministry of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance, Ministry of Internal Affairs to guide the register, classification and adjustement of classification of health non-business units specified in this Article.

Chapter 2.

REGULATION ON THE OPERATIONAL REGIME

Article 4. Regulation on organization and operation

1.The health non-business units shall base on their assigned functions and tasks, regulation, provisions in this Decree and the model Regulation on organization and operation of unitstoformulate their Regulation on organization and operation and report them to their supperior agencies for approval.

2.The Minister of Health shall specify the model content of Regulation on organization and operation in health field.

Article 5. Formulation of the professional operational plan

1.Annually, units shall base on their Regulation on organization and operation, functions, tasks and actual situationtoformulate the professinal operational plan.

a. For units of group 1, group 2: units shall formulate the operational plan, including specialized criteria and tasks in their assigned functions and tasks and criteria and service activities; report them to the superior agencies for register, use as basis to monitor, inspect and supervise the implementation;

b. For units of group 3, group 4: units shall formulate the operational plan, including specialized criteria and tasks in their assigned functions and tasks on the basis of their servicing capability, allocated budget and the non-business revenue source, criteria and service activities (if any). The supperior agencies shall assign the operational plan for budget and non-business revenues, units shall self-formulate and register for implementation applicable to sevice activites.

2.The Health non-business units are entitled to proactively decide measures to organize implementation of the specialized operational plans specified in clause 1of this Article in accordance with law regulations and must ensure conditions on human resource, professional operations, material facilities, equipment as prescribed in order to perform and provide for services meeting quality standards.

3.The health non-business units subject to inspection and supervision of competent state management agencies for their whole activities.

4.The Ministry of Health shall formulate and issue professional guides and technical process; stipulate on division of technical professional levels for the medical examination and treatment establishments; stipulate the main profesional tasks of health units in remaining field under professional levels; stipulate and issue criteria to assess result of completed professional tasks.

Article 6. Regulation on joint venture, association and serviceactivities

1.Units are entitled to contribute capital, mobilize capital, perform joint venture, associationin accordance with law to expand their establishments, develop services and technique; carry out techniques not in list of assigned techniques and professional task; organize service activities to meet social demands but suitable to their specialized field, capability and in accordance with law.The capital contribution or mobilization, performing joint venture orassociation must be separately accounted or establish anindependent accounting facility.

2.In case of establishingan independent accounting facility in the current precinct of units:Units must formulate Scheme and report to the superior agencies for approval; the independent accounting facilities must be their inferior accounting units, directly be managed, operate under the principle of self-ensuring all regular operational expenditure and investment expenditure and be assigned autonomy andself-responsibility in implementation of specialized tasks, organization of apparatus, payroll and finance in accordance with current regulation.

Article 7. Organization of apparatus; plan on recruitment, management and use of civil servants, public employees

1.Organization of apparatus

a. On the basis of the Regulation on organization and operation has been approved, unit is entitled to decide establishment or re-organization of departments, divisions, and other affiliated organizations in order to perform the specialized action plan which has been registered or assigned by the superior;

b. Units of group 1 must establish a management council in order to decide important issues during their operation. A management council has 09 memebers, including: 01 chairperson, 01 vice chairperson and 07 members. Chairperson is the head of unit, vice chairperson is PartySecretary of unit ( if head of unit is concurrently in charge of PartySecretary, vice PartySecretary will join in); Members of council include: 01 representative of the superior agency in health management; 01 representative of the superior agency in financial management, 02 deputies of head of unit (if unit has only 01 deputy, chief of the planning and summarization division will join in); 01 is president of the union of unit; 02 persons working in health selected according to method of secret ballot by all cadres, public employees specialized in health of unit and graduated from university or higher. The functions, tasks and operational regulation of the management council as prescribed by the Ministry of Health. Ministers, Heads of ministerial-level agencies and Governmental agencies shall decide establishment of management council of central units, the chairpersons of the provincial People’s Committee shall decide establishment of local unit’s management council.

2.Plan on recruitment of public employees

a. The Ministry of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with Ministry of Internal Affairs in guiding structure of public employees according to professional titles and quantity of public employees in respective of health fields;

b. Annually, unit shall, based on documents guiding on structure and quantity of public employees issued by competent agencies; based on functions, tasks, specialized operational plan, demand of work, position, employment, salary fund of unit, formulate plan on recruitment of public employees, in which clearly state necessary requirements on quantity, quality, structure of public employees of each affiliated organization;

c. For units of group 1, group 2: The head of unit, under his/her jurisdiction, decides plan on recruitment of public employees of unit in order to ensure realization of the specialized operation plan but he/she must report to superior agency for summarizing, monitoring, inspecting and supervising;

d. For units of group 3, group 4: agency or unit competent to appoint, relieve of duty the head of unit shall approve the plan on recruitment of oublic employers of unit;

e. The head of unit is entitled to sign the hiring or lump-sum contracts for affairs that are not necessary to arrange regular labors and other service activities; in entitled to sign labor contracts and other forms of cooperation with foreign and domestic experts, scientists in accordance with law in order to meet specialized requirement of unit.

3.Recruitment, management and use of civil servants, public employees:

a. Head of unit shall review, arrange, allocate and use the existing civil servants, public employees in conformity with their specialized qualification and actual conditions of unit;

b. For units of group 1, group 2: head of unit shall organize recruitment of public employees; decide recruitment of public employees according to examination or selection and take responsibility for her/his decision;

c. For units of group 3, group 4: agency or unit competent to appoint, relieve of duty the head of unit shall conduct decentralization to perform recruitment to head of unit for implementation. Head of unit shall recruit in accordance with law and be responsible for her/his decision. In special case. when a unit fail to be eligible to perform recruitment, it must report agency or unit competent to appoint, relieve of duty the head of unit to perform recruitment;

d. Head of unit is entitled to receive the public employees at the rank of main doctor or equivalent rank or lower;

dd. The recruitment must comply with current law regulations on recruitment of civil servants, public employees;

e. Unit is responsible for structure, minimal quantity of public employees as guided by the Ministry of Health and Ministry of Internal Affairs to meet demand on people’s health care.

4.The appointment, dismissal, reward, discipline of civil servants, public employees shall comply with current regulations of law;

Chapter 3.

REGULATION ON THE FINANCIAL REGIME

SECTION 1. THE FINANCIAL REGIME FOR EXPENDITURE FOR INVESTMENT AND DEVELOPMENT

Article 8. Formulation of master plan on development and investment project

1.Units shall base on: The master plan on development of health system approved by the Prime Minister; the master plan on development of health system within central-affiliated cities and provinces approved by provincial People’s Committees; Regulation on organization and opeartion, the assiged functions and tasks to formulate the master plans on development of units and submit to competent authorities for approval.

2.Units shall, base on their approved development plan, actual conditions on infrastruture, equipment, current regulations, standards, formulate and submit to competent authorities for appraisal, approval of projects on investment in construction new ones, improvement, upgrading in accordance with law.

Article 9. Capital sources to spend for investment in development

1.For units of group 1:

a. The investment credit capital of the Vietnam Development Bank as prescribed in the Government’s Decree No. 75/2011/ND-CP, of August 30, 2011, on investment and export credit of State. Loans of other credit institutions in accordance with law;

b. The official development assistance (ODA) capital and capital from foreign non-Governmental organizations (NGO) according to decision of competent authorities (if any);

c. Capital mobilized from organizations, individuals in accordance with law; Units are entitled to mobilize only for investment in projects approved by competent authorities by method of paying interest of which maximal agreement interest rate not exceed 150% of the basic interest rate announced by the State bank of Vietnam at the time of loan;

dd. The fund for development of non-business activities of units;

dd. Other capital in accordance with law;

e. In case units being allocated funding by the State budget for implementation of investment projects as approved by competent authorities, they continue being allocated funding by the State budget for implementation of the projects. Or when need encourage the development of new technique and technology, State is entitled to request the unit joining to implement and support the investment capital under projects approved by competent authorities. Assets after finishing projects are assigned to units for management and use by state as prescribed in Article 11 of this Decree.

2.For units of groups 2, 3 and 4:

a. Statefinancesthe investment capital for infrastructure, equipment so that units have enough conditions to implement professional tasks under their assigned functions and tasks; the capital source for investment from: The development investment capital from the State budget; Governmental bond capital; the official development assistance capital, aids from foreign non-Governmental organizations (NGOs); construction lottery source and other lawful capital sources of localities.

The Ministry of Health shall provide standards on infrastructure; list, quantity of health equipment in conformity with scale and health field;

b. The fund for development of non-business activities;

c. Other lawfull capital sources in accordance with law;

d. In case an unit has used the capital sources specified in points a, b and c clause 2 of this Article but fail to meet the progress of projects, works: Unit may borrow the investment credit capital of the Vietnam Development Bank to supplement for investment capital source aiming to early put project, works into operation; may use the expenditure budget for investment in development assigned in following years within term of project performance in accordance with law in order to pay original debt, may include in service price in order to pay the debt of original and interest rates.

The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Health in guiding specifically on type, criteria, competence to decide on use of expenditure budget for investment in development in order to pay the original debt, guiding the combination and service prices in order to pay original debt and interest rates in this case.

3.In case unit is permitted by competent agency to invest in construction of infrastructure in the existingprecinct under forms specified in the Government s Decree No.108/2009/ND-CP, of November 27, 2009 and the Government’s Decree No. 24/2011/ND-CP, of April 05, 2011, amending a number of articles of the Decree No. 108/2009/ND-CP, of November 27, 2009 on investment in the form of build-operate-transfer contract, build-transfer-operate contract. Build-transfer contracts comply with this Decree and documents guiding implementation.

For investment projects in the form of BOT or BTO in order to operate medical examination and treatment, it depends on unit responsible for implementation of examination and treatment work. Investor and unit may agree on returning capital for project implementation in accordance with law in contract.

4.For hospitals In case competent state agency permits pilot investment under the form of public-private partner, it shall comply with current regulations.

Article 10. Capital sources to spend for investment in development of facilities performing socialization of public health non-business units

1.For independent accounting facilities which self-coveroperation expenses in the current precinct of units, the investment capital sources from:

a. The fund for development of non-business activities;

b. Mobilization from civil servants, public employees and employees in units under method of paying fixed interest rate which is agreed maximally not exceeding 150% of the basic interest rate announced by the State bank of Vietnam at the time of loan;

c. The investment credit capital of the Vietnam Development Bank;

d. The capitals from joint-venture, association of organizations, individuals and other lawful capital sources.

2.Units may mobilize capital, borrow capital and use their “capability, quality and prestige” in order to participate in investment to build new health establishments outside of precinct of units in form of capital contribution, interest division according to the rate of contributed capitals with organizations, individuals specified in the Government’s Decree No. 69/2008/ND-CP, of May 30, 2008 on incentive policies for the socialization of educational, vocational, healthcare, cultural, sports and environmental activities.

The Ministry of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance and relevant ministries in guiding the valuation of “capability, quality and prestige” of the public health non-business units.

3.Heads of units must formulate the financial plan (capital mobilization; payment of original and interest for loans), plan on service operation; take responsibility before law on effectiveness of borrowing, mobilizating capitals and service activities in accordance with law.

Article 11. Regarding management and use of assets

1.The public non-business units are assigned assets in accordance with Law on management and use of state assets and documents guiding execution of law.

2.Assets which are invested in construction, procured by money with origin from the State budget (from revenue of charges, fees kept for use of units according to the set regime, from fund for development of non-business activities), from borrowing, mobilizing capital and using funding from revenues, service activities in order to pay debts from capitals borrowed, mobilized, are considered as assets that state has assigned to unit for management and use.

3.Heads of units shall manage, use, organize and ensure fundingsfor maintainance, repair of assets in order to increase the effectiveness of use and service quality.

SECTION 2. THE FINANCIAL REGIME FOR FUNDINGS TO SPEND ON REGULAR AND IRREGULAR ACTIVITIES

Article 12. The financial source to spend on regular activities

1.The State budget for units of groups 3 and 4 as prescribed in Article 13 of this Decree.

2.Non-business revenue from provision of health services; in which the revenue of medical examination and treatment services comply with regulation in articles 18 and 19 of this Decree.

3.Revenue from provision of goods and services under the mechanism of ordering and assigning task of provision of public non-business services.

4.From part allowed keeping from collected charges and fees of the State budget in accordance with law.

5.amounts which the independent accounting establishments of units deducted and submitted under regulation on internal expenditure, the divided income of establishments stated in clause 2 Article 10 (if any) after finishing obligations with the State budget.

6.Other collected amounts in accordance with law (if any);

Article 13. Assurance for regular activities by the State budget

1.For units performing task of medical examination and treatment (except establishments performing task of medical examination and treatment for leprosy, mental disease) of group 3, group 4:

a. In 2013, the State budget further coverslike as 2012 and fundings to spend on regime on special allowances still have not yet been calculated into the prices of medical services, fundings to perform new regimes and policies provided by state in principle of ensuring that the medical expenditure growth is higher than the general average expenditure growth of the State budget specified in the Resolution No. 18/2008/QH12, of June 03, 2008 of National Assembly;

b. During 2014-2015: the State budget covers for:

-Expenses to regularly maintain repair fixed assets which have not yet been included in the prices of services of medical examination and treatment.

-Expenses for salary, allowances of all kinds, contributions in accordance with current regulations (hereinafter referred to as the basic salary fund): Budget covers 100% of the basic salary fund for hospitals of district level, 70% of the basic salary fund for hospitals of provincial level in mountainous areas, highlands and hospitals of district level in Hanoi and Hochiminh city, 50% of the basic salary fund for hospitals of central level and the remaining central-affiliated cities and provinces;

c. During 2016-2017: State budget covers 50% of the basic salary fund for hospitals of district level, the remaining hospitals are included 100% of the basic salary fund and expenses for regularly maintaining, repairing fixed assets in the prices of services of medical examination and treatment;

dd. The support levels from budget specified in point b, point c of this clause are calculated commonly for the medical examination and treatment of Ministries, sectors and localities. Base on actual situation, Ministers, Heads of ministerial-level agencies decide the specific assurance level for the medical examination and treatment facilities managed by the Central; the chairpersons of the provincial People’s Committees decide or submit to competent authorities to decide the specific assurance level for the medical examination and treatment facilities managed by the localitilies.

2.For units performing task of medical examination and treatment, nurturing patients suffering leprosy, mental disease: The State budget covers all expenses for regular activities of such units under the mechanism of ordering and assigning task of provision of public non-business services on the basis of quantity of subjects and expenditure level for types of subjects being served by units.

The Ministry of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance to promulgate the expenditure level for medical examination and treatment, nurturing patients suffering leprosy, mental disease.

3.For units performing task of preventive medicine (included the communal health stations).

a. The State budgetfinances the regular activities of units to perform tasks assigned by the State, including:

-Expendituresforhuman resource: They are defined on the basis of quantity of working positions assigned by competent authorities and basic salary, allowances, payable amounts according to current regulations of regimes, policies for public non-business units; and adjusted in case the State adjusts the policies on salary, allowances or quantity of working position of units.

-Expenditures to operate and assure for the regular activities of units according to the current State budget index such as: Expenditures to pay public services, office materials, propagation, communication, conferences, working-trip allowances, hiring, repairing assets to serve specialized affairs and maintain, repair infrastructure, specialized operations of regular inspection and supervision of situation of epidemic, and other reasonable expenditures. These expenditures are calculated and assigned for units on the basis of quantity of employment position assigned by competent authorities or on the basis of population in localities and included model of epidemic, natural conditions of localities where units in charge of and the average expenditure norm for each type of unit.

-Expenditures for prevention and combating against epidemic: These expenditures are calculated and assigned for units in order to perform prevention and combating against epidemic.

Ministers, Heads of ministerial-level agencies and Governmental agencies shall promulgate the norm of the State budget allocation to their affiliated units.

The chairpersons of the provincial People’s Committees shall decide or submit to competent authorities to decide the norm of budget allocation according to number of people or number of employment positions and typical specialized operations, as the basis for allocation and assignment of annual estimation to units;

b. In case units organize collection of charges, fees: Expenditures to finance regular activities of divisions performing task of collection of charges and fees comply with the current provisions of Ordinance on charges and fees.

4.For typical specialized health non-business units such as: Centers of food safety and hygiene, centers of population and family planning of district level, centers of reproductive healthcare; centers of health communication and education; units in charge of task of forensic examination, mental forensic examination, medical examination; units in charge of testing, international medical quarantine; centers of prevention and combating against social diseases, other centers of the medical system: The State budget finances all expenses of regular activities for tasks assigned by the State under the mechanism of ordering and assigning task of provision of public non-business services.

5.For units are classified as units self-ensure a part of regular operation expenditures according to the Government’s Decree No. 43/2006/ND-CP, on providing for the right to autonomy and self-responsibility for task performance, organizational apparatus, payroll and finance of public non-business units, if such units are transferred to group 1 or group 2 for realization by decision of competent agencies, they are considered to get once funding support at the beginning of year performing transfer with the maximum level equal to the regular expenditure level assigned for autonomy to unit in the preceding year of transfer year.

Article 14. The autonomy on collectible amounts and levels

1.For services of medical examination and treatment providing for patient, including patients with health insurance card: Complying with provisions in Article 19 of this Decree.

2.For charges, fees: Collecting fully and properly under the collectible levels and subjects as prescribed by competent state agencies.

3.For goods and services which are ordered by competent agencies, the collectible levels comply with prices prescribed by competent state agencies; in case they have not yet prescribed by competent state agencies; the collectible levels are defined on the basis of expenditure estimation which have been approved by the finance agencies at the same level.

4.For service activities not in the assigned functions and tasks, performed according to contracts, agreements with foreign and domestic organizations or individuals, activities of joint-venture, association specified in Article 6 of this Decree, activities of units specified in Article 10 of this Decree (except for services of medical examination and treatment complying with provision in Article 19 of this Decree): Units are entitled to decide the collectible amounts and levels in principle of ensuring the expense offset and accumulation. Units must open accounting book in order to monitor and make separately accounting for revenue, expenses and perform full obligation with the State budget in accordance with regulation.

Article 15. The autonomy in useoffinancial source spending on regular activities

1.Units may be initiative to use the finance source spending on regular activities specified in Article 12 of this Decree in order to spend on regular activities under their functions, tasks; spend on collecting charges and fees; spend on service activities (including spend on implementation of obligations with the State budget, spend on payment of loans, loan interests) according to the following regulation:

a. The collectible amounts from depreciation of fixed assets are accounted in Fund developing non-business activities in order to maintain, repair fixed assets, invest in upgrading infrastructure, procurement of equipment serving for specialized activities. The collectible amounts from depreciation of assets formed from loans, mobilized capitals are used to pay the original, interests under the contracts of capital borrowing and mobilization;

b. For contents of spending on management, specialized activities of which expenditure levels have been prescribed by competent state agencies: Units may decide an expenditure level higher or lower than the expenditure level provided in the internal expenditure regulation of units, but they must be suitable with the financial capability of units. For standards, norms on use of cars, working houses, equipping telephones for public affairs at private houses, the overseas working-trip allowances, reception of foreign guests: Units are not permitted to decide an expenditure level higher than the level provided by state;

c. For contents of spending on management, specialized activities of which expenditure levels have not yet been prescribed by competent state agencies: Units may base on the actual condition, technical specialized process in order to formulate and promulgate the eco-technical norms and expenditure norms for conformity in the principle promulgated in the internal expenditure regulation and must be responsible for their decision;

d. Basing on the financial capability and actual situation, the heads of units may decide to use a part of funding source for annual regular expenditures and a part from the Fund for development of non-business activities for training and improving the skilled qualification of contingent of cadres, civil servants, public employees, procurement of equipment, overhaul of houses, infrastructures aiming to strengthen the serving capability and increasing the service quality;

e. Basing on nature of work, heads of units are entitled to decide the method of expenditure package to each divisions, affiliated units aiming to use expenditure in thrift and effectiveness.

2.The difference part of revenues more than expenditures (if any) is used as follows:

a. For units of groups 1, 2:

-Deducting at least 25% for the development fund of non-business activities;

-Performing appropriation for the Fund of added income and provision for income stability;

-Performing appropriation for the Rewarding Fund, welfare Fund;

-Performing appropriation for Fund supporting the medical examination and treatment applicable to units in charge of the medical examination and treatment task.

b. For units of groups 3, 4:

-Deducting at least 25% for the development fund of non-business activities; For unit has difference of revenues more than expenditures that is less than once of the salary fund undergrades,ranks and titles in year, it may deduct at least 15%;

-Performing appropriation for the Fund of added income in order to pay the added salary, pay for subjects being experts and good doctors. Total year revenues of units of group 3 maximally not exceed 03 times of the salary fund under grades, ranks and titles provided by state; of units of group 4 maximally not exceed twice of the salary fund under grades, ranks and titles provided by state;

-Performing appropriation for the Fund of provision for income stability in order to assure for incomes of employees in case their incomes are reduced;

-Performing appropriation for the Rewarding Fund, welfare Fund with the maximum level of both funds not exceed the realized average 03-month salary, wage and added income in year;

-Performing appropriation for Fund supporting the medical examination and treatment applicable to units in charge of the medical examination and treatment task.

c. The appropriation levels of funds are decided by heads of units in accordance with the internal expenditure Regulation of unit and provisions in this Article. After performing appropriation for Funds mentioned above, if they are still in excess, the residue is supplemented in the development fund of non-business activities;

d. The Fund supporting the medical examination and treatment is used to support for cases where costs for treatment of patients are big, patients have no capability to pay and used to pay for cases of professional risks during the medical examination and treatment.

Article 16. Regulation on irregular fundings

The State budget shall, depend on functions and tasks of units, finance their irregular activities, including:

1.Funding for performance of the assigned science and technology tasks.

2.Funding for performance of tasks on prevention and fighting against epidemics (for units not being preventive medicine units).

3.Funding to carry out the task of directing levels, to perform the scheme on satellite hospital, perform the regime on rotation with defined term applicable to the practice persons as prescribed by Law on medical examination and treatment.

4.Fundings to perform projetcs of the National objective programs.

5.Fundings to perform task of training and improving for cadres, public employees (if any).

6.Fundings to perform tasks which are irregularly assigned or ordered by the competent state agencies (investigation, zoning, survey, etc).

7.Fundingsto perform policy on downsizing according to regime provided by state (if any).

8.Fundings for procurement of working equipment, devices and other fixed assets, overhaul of fixed assets serving non-business activities under projects approved by competent authorities and assigned estimation to units for performance but not in association with projects used capital sources for investment in development.

9.Fundings to perform projects on the basis of loans and aids according to projects approved by competent authorities, including reciprocal capital.

10.Fundings for performance of other irregular tasks assigned by competent agencies.

Article 17. Management and use of irregular fundings

1.The irregular fundings are allocated and assigned estimation to units according to the anual assigned tasks.

2.Units shall manage, use, spend, and make finalization in accordance with regulation of the Law on State budget and documents guiding performance for each assigned funding source; not permitted to use for calculation of difference between revenue and expenditure and appropriation of Funds.

Chapter 4.

REGULATION ON PRICES OF THE MEDICAL EXAMINATION AND TREATMENT SERVICES

Article 18. Prices of the medical examination and treatment services

The price of medical examination and treatment service are the payable amount for each medical examination and treatment service and comply with the following roadmap:

1.2013: The price of medical examination and treatment service is calculated on the basis of the following direct expenses:

a. The drugs, chemicals, consumable materials, replacing materials for performing service (including expenses for preservation, losswithin norm provided by the competent agencies);

b. Electricity, water, fuel, handling of waste and environmental hygiene directly for performance of service;

c. Maintaining, repairing equipment, sale and replacing instruments, tools which are directly used for performance of service;

d. Expenses to pay for the standing allowances, expenses to pay for allowances of surgery and operation.

2.2014-2017: The price of medical examination and treatment service is calculated on the basis of the following direct expenses:

a. Expenses specified in clause 1 this Article;

b. Expenses on salary:

-2014 – 2015: just calculating 30% of the basic salary fund for provincial hospitals in mountainous areas, highlands and hospitals of district level in Hanoi and Hochiminh city, 50% of the basic salary fund for hospitals of central level and the remaining central-affiliated cities and provinces;

-2016 – 2017: calculating 100% of the basic salary fund for the provincial, central hospitals and hospitals of district level in Hanoi and Hochiminh city, 50% of the basic salary fund for the remaining district hospitals;

c. Expenses for outsourced workers (if any). These typical expenses maximally not exceed 50% of expenses for salary of service subject to pay wage aiming to encourage and attract experts and good doctors to work in units;

d. Depreciation of fixed assets being machines, equipment directly user for performance of service according to the regime applicable to state enterprises; expenses for interests under contracts of capital borrowing and mobilization for investment, procurement of equipment in order to perform service (if any): Being calculated and allocated into expenses of services which use these capital sources;

e. Indirect expenses, other lawful expenses to operate and ensure normal activities of hospitals.

3.Period from 2018 and later, the price of medical examination and treatment service is calculated all expensives to perform service, including:

a. Direct expenses:

-Expenses of drugs, chemicals, consumable materials, replacing materials (including expenses for preservation, loss within norm provided by the competent agencies);

-Expenses of electricity, water, fuel, handling of waste and environmental hygiene;

-Salary, allowances, payable amounts under regimes; expenses of hiring oursourced workers; typical expenses maximally not exceed 50% of expenses of salary for service;

-Expenses for maintaining, repairing fixed assets, procurement to replace instruments, tools directly used for performance of technical services;

-Depreciation of fixed assets according to the regime applicable to state enterprises; expenses for interests under contracts of capital borrowing and mobilization for investment, procurement of equipment in order to perform service (if any): Being calculated and allocated into expenses of services which use these capital sources;

b. Indirect expenses:

-Expenses of indirect divisions, other lawful expenses in oreder to operate and ensure normal activities of hospitals;

-Expenses of training, scientific study in order to apply new techniques.

4.Expenses on salary are calculated in the following principles: For services which have the salary unit price in unit price of service approved by competent agencies, they may calculated according to the approved salary unit price. For services which have not yet provided the salary unit price in unit price of service, the expenses on salary are calculated on the basis of labor consumption and the average salary for performance of service.

5.Prices of the medical examination and treatment services for units of group 1, group 2, and facilities performing socialization of the public health non-business units are calculated full cost elements specified in clause 3 of this Article and have accumulation for investment in development. The maximal accumulation not exceed 10% of service expenses and supplemented in the development fund of non-business activities of units.

Article 19. Competence to prescribe and decide the prices of medical services

1.Prices of medical examination and treatment services are calculated according to each medical service, technique or calculated according to case of disease.

2.The Ministry of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance in prescribing the price framework of the medical examination and treatment service in case of payment under service; the price framework of each type of disease, group of disease in case of payment under disease case, including:

a. The price framework calculated according to the roadmap specified in Article 18 of this Decree;

b. The price framework which calculated full elements of expenses and has accumulation specified in clause 5 Article 18 of this Article.

3.For prices of health services which are assigned or ordered by state, complying with regulation in the Decision No. 39/2008/QD-TTg, of March 14, 2008 of the Prime Minister, issuing the regulation on bidding, placement of orders for, and assignment of the provision of, public non-business services funded with the state budget.

4.Prices of the medical examination and treatment services are considered to regulate in cases:

a. The competent state agencies change the eco-technical norm of the medical examination and treatment services;

b. state changes on regime, salary policy;

c. When the input elements have changes on price.

5.The specific competence to prescribe the prices of medical examination and treatment services for the medical examination and treatment establishments of state comply with the current provisions.

6.The state agencies competent to prescribe on prices of the medical examination and treatment services shall, base on provisions in Article 18, Article 19 of this Decree and actual conditions, decide adjustment level of the health service prices and time of adjustment of the health service prices for conformity.

Article 20. Regulation on subjects and methods of payment of expenses for the medical examination and treatment

1.When using the medical sevices of public non-business medical examination and treatment establishments, all individuals, organizations (including foreigners on business trip, working, learning, going tourist, transiting in Vietnam’s territory) must pay expenses according the the price levels of service and quantity of used services, of which:

a. For persons with health insurance card: The health insurance Fund shall pay their expenses of medical examination and treatment to the medical examination and treatment establishments according to the levels prescribedbylaw on health insurance. The patient shall pay the difference part between expenses of medical examination and treatment and the level paid to the medical examination and treatment establishments;

b. For persons without health insurance card: They must pay expenses of the medical examination and treatment to the medical examination and treatment establishments, except subjects specified in clause 2 of this Article;

c. Foreigners being citizen of countries which have concluded International treaties on medical examination and treatment with Vietnam, the expenses of medical examination and treatment will be applied in accordance with provisions of those International treaties.

2.State pays expenses of medical examination and treatment at the public non-business medical examination and treatment establishments for the following subjects:

a. Persons who are forcible to be treated disease as prescribed in Article 66 of the Law on medical examination and treatment;

b. The persons suffering leprosy and persons suffering some diseases under Decision of competent authorities;

c.Patients in cases of natural disasters, serious disaster under Decisions of Ministers, Heads of Governmental agencies, when they are cured at the medical examination and treatment establishments managed by Central; under Decisions of the chairpersons of the provincial People’s Committees when they are cured at the medical examination and treatment establishments managed by localities.

3.Methods of payment:

a. Payment according to the prices of service meanspayment based on price of each health service and technique prescribed for the public non-business establishments and expenses for drugs, chemicals, consumable materials, replacing materials which are used by patients;

b. Payment according to the disease case means payment according to the average expense level for each type of disease or specific group of disease which has been diagnosed.

The medical examination and treatment establishments are encouraged to perform payment according to the disease case. The Ministry of Health shall formulate the roadmap which by 2020, most of types of diseases or groups of diseases will be paid according to this method.

Article 21. Management and use of revenues from the medical examination and treatment services

1.All revenues from the medical examination and treatment services in the scope of price framework promulgated by the Ministry of Finance and the Ministry of Health as prescribed in this Decree are kept for use of units and not record in the State budget.

2.Units shall open accounts at State Treasuries in order to monitor and manage expenditure, finalization of revenues from the medical examination and treatment services in accordance with current regulations; may open accounts specialized in collecting from the health services at commercial banks which bank may collect on behalf of units but every 5 working days, these revenues must be transferred to accounts of unit at State Treasuries for monitoring, managing expenditure and finalizing.

3.For revenues from service activities of independent accounting establishments specified in Article 6 of this Decree: Units may open accounts at commercial banks for monitoring and management but when using, they must transfer revenues to their accounts at State Treasuries for managing the expenditure and finalization.

4.Units must use invoices, receipts as prescribed in the Government’s Decree No. 51/2010/ND-CP of May 14, 2010 providing for goods sale and service provision invoices and the current guiding documents.

Chapter 5.

OTHER REGULATIONS

Article 22. Payment of salaries, wages and added incomes

1.Units shall ensure the basic salary under grades, ranks, titles and the minimum wages prescribed by state for employees.

2.Units shall base on the Fund of added income to decide the levels to pay for added incomes in the internal expenditure Regulation, in principle that if a person has a high work productivity, quality, effectiveness, many contributions for finishing the specialized tasks of unit, he/she will be payed higher wage, have a adequate remuneration in order to encourage and attract experts and good doctors to work for units, not limit the maximum private income of employees.

Article 23. Sources to ensure the salary policy

1.For units of groups 1 and 2: from revenues of units as prescribed in Article 12 of this Decree.

2.For units of groups 3 and 4: from revenues of units and support of state. State ensures budget for paying salary, including the increased salary according to the roadmap of reforming salary for units in fields of preventive medicine, food safety and hygiene, population; family planning; the remaining units, after these units have used revenues but still fail to ensure, these units will be considered and supplemented from the State budget in order to ensure payment of salaries, allowances and contributions according to the current regime for employees.

Article 24. Regulation on obligations with the State budget

1.Units shall perform obligations with the State budget in accordance with current regulations.

2.For the independent accounting establishments of public health non-business units meeting conditions, criteria, scale as prescribed by Government on incentive policy for facilities performing socialization activities: Being enjoyed incentive policies on tax like enterprises operating in the health field.

Article 25. Some other regulations

1.People’s Committees of central-affiliated cities and provinces shall submit to the provincial People’s Councils to increase expenditures of local budget for health field according to the Resolution No. 18/2008/QH12 od June 03, 2008 of National Assembly, ensuring that the growth of expenditures for health budget is higher that the average growth of common expenditures of the State budget; save at least 30% for the preventive medicine sector; allocate budget for health establishments in order to perform the rotation regime with defined terms as prescribed by Law on medical examination and treatment.

2.The People’s Committees of central-affiliated cities and provinces shall consider and propose to the provincial People’s Councils for decision on promulgation of mechanisms and policies on preferential treatments, facilitating to have houses and employment in order to attract medical officers, especially doctors, pharmacists, who have just graduated, to work at the public health non-business units managed by localities.

3.Heads of medical examination and treatment establishments are responsible for ensuring drugs, chemicals, consumable materials, replacing materials according to the list prescribed by the Ministry of Health in use for patients, not let patients to self-buy, publicize the prices of medical examination and treatment services for the people to be informed and select. Take responsibility before law for collection, management and use of revenues of their units.

4.Strictly prohibit the medical establishments, civil servants, public employees for collecting additional money from patients not according to the prices prescribed by competent agencies, for prescribing the medical techniques inconsistently with guidance on technical process and treatment guidance. Cases of violation will be handled as prescribed by law.

Chapter 6.

IMPLEMENTATION ORGANIZATION

Article 26. Effect

This Decree takes effect on December 01, 2012 and replaces the Government s Decree No. 95/CP of August 27, 1994, on collection of partial hospital fee.

The previous provisions of Government, The Prime Minister, Ministries, Ministerial-level agencies and localities which are contrary to this Decree are hereby annulled.

Article 27.Implementation provision

1.The Minister of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the the Minister of Finance, Minister of Home Affairs in guiding to implement this Decree.

2.The Minister of National Defense, Minister of Public Security shall base on provisions in this Decreetospecify implementation for the public health non-business units under their jurisdiction.

3.Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Heads of Governmental agencies, the Presidents of the People’s Committee of central-affiliated cities and provinces shall implement this Decree; direct and organize guidance, regularly organize inspection and supervision over the public health non-business units within their management in execution of provisions on this Decree.

On behalf of the Government

The Prime Minister

Nguyen Tan Dung

 

 

 

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Decree 85/2012/ND-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất