Chỉ thị 2349/CT-BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Chỉ thị 2349/CT-BNN-TY
Cơ quan ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 2349/CT-BNN-TY |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Người ký: | Bùi Bá Bổng |
Ngày ban hành: | 06/08/2008 |
Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Y tế-Sức khỏe, Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Chỉ thị 2349/CT-BNN-TY
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Số: 2349/CT-BNN-TY |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2008 |
CHỈ THỊ
Về việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm
Ngày 13 tháng 10 năm 2005, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm, theo đó quy định các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc gồm: bệnh Lở mồm long móng; Dịch tả lợn; Nhiệt thán; Tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; Dại; Niu-cát-xơn; Dịch tả vịt.
Diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong nước thời gian qua rất phức tạp, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng gia súc và bệnh tai xanh trên lợn. Nhiều địa phương xuất hiện dịch trên diện rộng, làm nhiều gia súc, gia cầm mắc bệnh và chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế, an sinh xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Một trong các nguyên nhân chủ yếu là do công tác tiêm vắc xin phòng bệnh không được một số địa phương quan tâm đúng mức và nhiều người chăn nuôi không thực hiện nghiêm túc theo quy định. Tại một số địa phương, kết quả tiêm phòng rất thấp, chỉ đạt khoảng 10%, thậm chí một số nơi không tiêm phòng.
Để chấn chỉnh vấn đề này nhằm sớm ổn định tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành chăn nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi tiết kiệm ngân sách Nhà nước hỗ trợ chủ chăn nuôi có gia súc, gia cầm mắc bệnh phải tiêu huỷ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ban, ngành liên quan ở địa phương thực hiện một số nội dung sau:
1. Về tiêm phòng vắc xin:
1.1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Kế hoạch tiêm phòng vắc xin hàng năm đối với các bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc được quy định tại Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ban hành ngày 13 tháng 10 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời ra chỉ thị yêu cầu các cấp chính quyền, các ngành có liên quan của địa phương và người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của địa phương; tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% theo quy định. Việc tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm phải được thực hiện liên tục giữa các đợt tiêm chính. Cơ quan thú y có thẩm quyền của địa phương phải lập sổ theo dõi tiêm phòng, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng để đối chiếu khi cần thiết và tạo cơ sở cho việc cấp giấy kiểm dịch vận chuyển.
1.2. Riêng đối với đàn lợn, tuỳ theo đặc điểm dịch tễ học của bệnh trên lợn tại địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh ra chỉ thị tiêm phòng thêm đối với các bệnh Phó thương hàn, Đóng dấu lợn, Tai xanh,…tại các khu vực có nguy cơ cao, nơi đã xảy ra dịch. Đối với đàn gia cầm phải tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm.
1.3. Người chăn nuôi không chấp hành quy định về tiêm vắc xin phòng các bệnh theo quy định sẽ không được hưởng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi có dịch xảy ra theo tinh thần Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
1.4. Trừ những vắc xin thuộc diện hỗ trợ của Chính phủ, đối với các loại vắc xin khác, địa phương có thể hỗ trợ theo khả năng ngân sách địa phương hoặc thực hiện thu phí và lệ phí tiêm phòng theo quy định của Bộ Tài chính.
2. Về công tác thông tin, tuyên truyền
2.1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông, tổ chức tuyên truyền đến tận hộ chăn nuôi về Quy định tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng ban hành theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2.2. Tuyên truyền chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu huỷ do dịch bệnh, theo đó chỉ những người chăn nuôi chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm mới được nhận hỗ trợ theo Quyết định số 719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
3. Về chế độ báo cáo
3.1. Kế hoạch tiêm phòng của địa phương, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) để giám sát, theo dõi việc thực hiện.
3.2. Căn cứ vào Kế hoạch tiêm phòng, hàng quý Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có báo cáo bằng văn bản về công tác tiêm phòng vắc xin tại địa phương sau mỗi đợt tiêm, bao gồm (tính theo đơn vị cấp huyện): tổng đàn gia súc, gia cầm của địa phương; số lượng gia súc, gia cầm được tiêm phòng tương ứng với từng loại bệnh; tỷ lệ tiêm phòng đạt được đối với từng loại bệnh; thời gian triển khai tiêm phòng đối với từng loại bệnh; chủng loại vắc xin sử dụng,…
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra chỉ thị về việc tiêm phòng bắt buộc đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm theo quy định; giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thú y tỉnh) và Uỷ ban nhân dân huyện triển khai thực hiện; giao cho Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương, chính quyền cơ sở thực hiện việc tuyên truyền tới người chăn nuôi các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của địa phương trong việc tiêm phòng.
4.2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch tiêm phòng, bao gồm: tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm phòng; chuẩn bị cung ứng vắc xin, dụng cụ tiêm phòng; đồng thời chỉ đạo chính quyền cấp xã tổ chức lực lượng hỗ trợ tiêm phòng.
4.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng Kế hoạch tiêm phòng của địa phương (Kế hoạch cụ thể về tài chính, nhân lực, thời gian, trang thiết bị phục vụ công tác tiêm phòng,… đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc và một số bệnh nguy hiểm khác lưu hành tại địa phương), trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
4.4. Cục Thú y chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng và thực hiện Kế hoạch tiêm phòng vắc xin hàng năm đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định; tổng hợp kết quả tiêm phòng vắc xin của các địa phương để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để kịp thời khống chế, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường do tiêu huỷ gia súc mắc bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở, ban, ngành liên quan ở địa phương triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị này một cách nghiêm túc, khẩn trương. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng phối hợp giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Bùi Bá Bổng
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây