Thông tư 23TC/TCT của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thủ tục miễn thuế đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông tư 23TC/TCT
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 23TC/TCT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư |
Người ký: | Hồ Tế |
Ngày ban hành: | 26/04/1996 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Thuế-Phí-Lệ phí, Chính sách |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Thông tư 23TC/TCT
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 23 TC/TCT NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THỦ TỤC MIỄN THUẾ ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH DÀNH RIÊNG CHO LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI TÀN TẬT
Căn cứ các Luật thuế, Pháp lệnh thuế hiện hành và Nghị định số 81/CP ngày 23-11-1995 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người tàn tật; Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục miễn thuế đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật như sau:
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
a. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật (bao gồm cả thương binh, bệnh binh) là doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Hợp tác xã, tổ sản xuất được thành lập theo quy định của pháp luật, có đủ các điều kiện dưới đây thì thuộc đối tượng miễn thuế theo Điều 10 Nghị định 81/CP ngày 23-11-1995 của Chính phủ:
- Được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận là cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật.
- Thực hiện nghiêm chỉnh việc mở sổ sách kế toán, sử dụng chứng từ mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo quy định của chế độ hiện hành.
- Có giấy phép kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Có từ 10 lao động trở lên, trong đó có 51% số lao động là người tàn tật có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. Đối với các cơ sở SXKD là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, tổ sản xuất, thì ngoài số lao động là người tàn tật, số lao động còn lại chủ yếu phải là thân nhân của người tàn tật, người góp vốn cổ phần là người có trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học - kỹ thuật.
- Có quy chế hoặc điều lệ phù hợp đối tượng lao động là người tàn tật và quản lý cơ sở SXKD chủ yếu là người tàn tật.
- Có đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế.
b. Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
- Các cơ sở kinh doanh của người tàn không đủ các điều kiện nêu tại điểm a mục 1 Thông tư này.
- Các cơ sở kinh doanh của người tàn tật hoạt động buôn chuyến.
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật có địa điểm kinh doanh cố định khi mua hàng, vận chuyển hàng đi bán hay trao đổi không chấp hành đúng các quy định về chế độ chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường phải nộp thuế theo hoạt động buôn chuyến.
2. Các loại thuế được miễn:
Cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật (dưới đây gọi tắt là cơ sở SXKD) trong quá trình kinh doanh nếu đủ các điều kiện tại điểm 1 nêu trên thì được miễn các các loại thuế sau:
- Thuế doanh thu;
- Thuế lợi tức;
- Thuế nhà đất;
- Thuế sử dụng đất nông nghiệp.
3. Thủ tục và thẩm quyền miễn thuế:
a. Thủ tục và thẩm quyền miễn thuế doanh thu và thuế lợi tức:
Việc xem xét miễn thuế doanh thu, thuế lợi tức cho cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật được tiến hành hàng năm. Cơ sở SXKD chỉ được miễn thuế đối với các ngành nghề kinh doanh đã ghi trong giấy phép kinh doanh, nếu có các hoạt động sản xuất khác với ngành nghề đã ghi trong giấy phép thì phải nộp thuế theo quy định của các Luật thuế, Pháp lệnh thuế hiện hành. Sau khi kết thúc năm sản xuất kinh doanh, cơ sở SXKD phải lập hồ sơ xin miễn thuế và gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hồ sơ xin miễn thuế gồm có:
- Đơn đề nghị miễn thuế của cơ sở có kèm theo xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý.
- Giấy phép đăng ký kinh doanh.
- Đăng ký nộp thuế.
- Quyết định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận là cơ sở SXKD dành riêng cho lao động là người tàn tật.
- Biên bản kiểm tra quyết toán thuế của cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ sở.
- Báo cáo quyết toán năm của đơn vị sản xuất kinh doanh.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan thuế có thẩm quyền phải ra quyết định miễn thuế hoặc thông báo cho cơ sở lý do chưa giải quyết được hoặc không giải quyết. Quyết định miễn thuế phải ghi rõ số thuế được miễn của từng loại thuế và tổng số thuế được miễn trong năm của cơ sở SXKD.
Để đảm bảo việc thu Ngân sách được kịp thời và tránh gây khó khăn cho cơ sở SXKD, cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở có trách nhiệm kiểm tra sổ sách kế toán, thực tế sản xuất kinh doanh của cơ sở và đối chiếu với các điều kiện miễn thuế nêu tại mục 1 Thông tư này để quyết định việc tạm thời chưa thu thuế hàng tháng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh ghi trong giấy phép của cơ sở sản xuất kinh doanh và thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh khác ngoài giấy phép kinh doanh của cơ sở.
Trường hợp cơ sở SXKD mang hàng hoá, nguyên vật liệu đi bán ở nơi khác (ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) mà chưa rõ địa chỉ người mua thì khi xuất hàng phải có lệnh xuất kho, phiếu xuất kho và giấy chứng nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý về số lượng, chủng loại hàng hoá, nguyên vật liệu thực tế xuất kho. Cơ sở SXKD phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ trên cho cơ quan thuế tại nơi bán hàng, khi bán hàng cơ sở SXKD phải xuất hoá đơn giao cho người mua và làm thủ tục xin miễn thuế với cơ quan thuế tại nơi bán hàng. Hồ sơ xin miễn thuế gồm có:
- Đơn xin miễn thuế của cơ sở SXKD có kèm theo xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý về việc cơ sở SXKD thuộc đối tượng được miễn thuế và các hàng hoá, nguyên vật liệu đem bán phù hợp với ngành nghề kinh doanh ghi trong giấy phép;
- Giấy phép kinh doanh (bản sao có công chứng);
- Quyết định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật (bản sao có công chứng).
Cơ quan thuế tại nơi bán hàng có trách nhiệm cung cấp hoá đơn bán hàng, quản lý thu thuế và giải quyết việc miễn thuế cho cơ sở SXKD trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ xin miễn thuế của cơ sở SXKD.
Cơ sở SXKD chỉ được giải quyết miễn thuế đối với số lượng hàng hoá, nguyên vật liệu thực tế xuất kho theo xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở SXKD. Trường hợp cơ sở SXKD đem bán hàng hoá, nguyên vật liệu không đúng ngành nghề ghi trong giấy phép kinh doanh hoặc vượt quá số lượng đã được cơ quan thuế trực tiếp quản lý xác nhận thì cơ sở SXKD phải kê khai và nộp đủ thuế cho cơ quan thuế tại nơi bán hàng theo đúng luật định.
Cơ quan thuế có thẩm quyền ra quyết định miễn thuế doanh thu, thuế lợi tức cho cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật theo phân cấp như sau:
- Cục trưởng Cục thuế xét và quyết định miễn thuế đối với các cơ sở SXKD do địa phương quản lý có mức miễn thuế doanh thu bình quân đến 5 triệu đồng/tháng; có mức miễn thuế lợi tức 50 triệu đồng/năm.
- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xét và quyết định miễn thuế cho cơ sở SXKD do TW quản lý và cơ sở sản xuất kinh doanh do địa phương quản lý có mức miễn thuế doanh thu bình quân trên 5 triệu đồng/tháng đến 50 triệu đồng/tháng; có mức miễn thuế lợi tức trên 50 triệu đồng/năm đến 100 triệu đồng/năm.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính xét và miễn thuế cho tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh có mức miễn thuế doanh thu bình quân trên 50 triệu đồng/tháng; có mức miễn thuế lợi tức trên 100 triệu đồng/năm.
b. Thủ tục và thẩm quyền miễn thuế nhà đất, thế sử dụng đất nông nghiệp thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành về thuế nhà đất và thuế sử dụng đất nông nghiệp.
4. Tổ chức thực hiện:
Trong năm sản xuất kinh doanh nếu có sự thay đổi về những điều kiện mà dẫn đến việc cơ sở sản xuất kinh doanh không còn đủ điều kiện để được miễn thuế theo hướng dẫn tại mục 1 của thông tư này, thì chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày có sự thay đổi, cơ sở sản xuất kinh doanh phải khai báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để chấm dứt việc giải quyết miễn thuế và cơ sở phải thực hiện việc kê khai nộp thuế theo đúng luật định.
Trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh có hành vi gian dối về điều kiện để được miễn thuế thì sẽ không được miễn các loại thuế trong cả năm kinh doanh đó. Ngoài việc không được giải quyết miễn thuế thì tuỳ theo mức độ vi phạm, cơ sở sản xuất kinh doanh còn bị xử phạt theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật.
Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý xác nhận sai sự thật hoặc bao che để cơ sở sản xuất kinh doanh được miễn thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật.
Cơ quan quản lý thuế trực tiếp quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật phải mở sổ theo dõi, lưu giữ đầy đủ các tài liệu liên quan đến việc miễn thuế. Hàng năm, Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổng hợp tổng số thuế đã thực miễn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc địa bàn quản lý và gửi báo cáo về Tổng cục thuế chậm nhất là cuối quý 1 của năm sau.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Bãi bỏ điểm 2, mục II Thông tư số 09-TT/LB của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn thực hiện Quyết định số 15-TTg ngày 20-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của thương binh, bệnh binh, người tàn tật.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phán ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây