Thông tư 110/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án tài trợ bằng nguồn vốn Quỹ Phát triển Nông nghiệp (IFAD)
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông tư 110/2009/TT-BTC
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 110/2009/TT-BTC |
Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Thông tư |
Người ký: | Trần Xuân Hà |
Ngày ban hành: | 29/05/2009 |
Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Xem chi tiết Thông tư110/2009/TT-BTC tại đây
tải Thông tư 110/2009/TT-BTC
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 110/2009/TT-BTC NGÀY 29 THÁNG 05 NĂM 2009
HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TÀI TRỢ BẰNG NGUỒN VỐN IFAD
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính;
Căn cứ Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết cơ chế quản lý tài chính áp dụng đối với các chương trình, dự án do Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ như sau:
Phần I
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Thông tư này hướng dẫn chi tiết một số quy định về giải ngân, hạch toán, chế độ báo cáo, giám sát áp dụng đối với các chương trình, dự án (sau đây viết tắt là “dự án”) được tài trợ bằng nguồn vốn vay IFAD, viện trợ của IFAD và các nguồn vốn đồng tài trợ cho các dự án IFAD được quy định áp dụng thủ tục của IFAD.
Các dự án viện trợ không hoàn lại do IFAD tài trợ hoặc IFAD được ủy thác quản lý được thực hiện độc lập (không đồng tài trợ kèm theo dự án vốn vay IFAD) thì áp dụng các quy định về quản lý tài chính theo Thông tư số 82/2007/TT-BTC ngày 12/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu Ngân sách Nhà nước.
2. Đối với một số dự án IFAD có đặc thù riêng, tùy theo yêu cầu quản lý và theo đề nghị của Cơ quan chủ quản dự án, Bộ Tài chính có thể ban hành hướng dẫn cụ thể cho dự án.
II. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ:
1. Các dự án nguồn vốn IFAD tuân thủ các hướng dẫn về quản lý tài chính dự án ODA quy định tại các văn bản sau đây:
- Thông tư số 82/2007/TT-BTC ngày 12/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước;
- Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
- Thông tư số 107/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 hướng dẫn bổ sung một số điểm về quản lý, điều hành ngân sách nhà nước;
- Quyết định 61/2006/QĐ-BTC ngày 2/11/2006 về việc ban hành một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/chương trình có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
- Quyết định số 19/2007/QĐ-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với các khoản vay và viện trợ nước ngoài của Chính phủ;
- Các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản trên và quy định của Thông tư này.
2. Các dự án viện trợ không hoàn lại của IFAD hoặc viện trợ không hoàn lại của các nhà tài trợ khác đồng tài trợ được áp dụng theo định mức chi tiêu quy định tại các Hiệp định, Thỏa thuận viện trợ nước ngoài ký với Nhà tài trợ. Trường hợp Hiệp định không quy định thì thực hiện theo định mức do Liên hợp quốc quy định áp dụng cho nguồn vốn các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.
3. Cuốn Hướng dẫn Thực hiện dự án (PIM) và Hướng dẫn Quản lý tài chính do Dự án lập, được IFAD thông qua và được Cơ quan chủ quản ban hành là một trong các căn cứ để thực hiện việc quản lý và chi tiêu cho dự án.
III. NGÂN HÀNG PHỤC VỤ VÀ TÀI KHOẢN CỦA DỰ ÁN
1. “Ngân hàng phục vụ” là một ngân hàng thương mại được lựa chọn trong danh sách các ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn để ủy quyền thực hiện việc giao dịch đối ngoại phục vụ dự án do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và nhà tài trợ lựa chọn.
2. Trách nhiệm của Ngân hàng phục vụ
Ngân hàng phục vụ, theo đề nghị của chủ tài khoản (là Bộ Tài chính hoặc cơ quan chủ dự án theo quy định tại thỏa thuận tài trợ), mở các tài khoản liên quan của dự án và thực hiện các giao dịch thanh toán, rút vốn căn cứ theo quy định hiện hành.
Ngân hàng phục vụ có trách nhiệm hướng dẫn và cung cấp cho Bộ Tài chính và các cơ quan thực hiện dự án đầy đủ các thông tin để thực hiện các giao dịch thanh toán trong và ngoài nước qua hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng phục vụ thực hiện ghi có vào tài khoản đặc biệt của dự án số tiền đã rút từ Nhà tài trợ trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo có và thông báo cho Bộ Tài chính và chủ tài khoản biết số tiền nhận được.
Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi thực hiện chuyển tiền theo lệnh của chủ tài khoản, ngân hàng phục vụ gửi chủ tài khoản chứng từ hạch toán khoản chi, kèm theo chi tiết về số tiền ngoại tệ, số tiền VNĐ, ngày thanh toán, người thụ hưởng để phục vụ việc hạch toán Ngân sách Nhà nước.
Số dư trên tài khoản đặc biệt được hưởng lãi phát sinh theo lãi suất do ngân hàng phục vụ quy định hoặc theo mức lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng phục vụ và chủ tài khoản. Ngân hàng phục vụ mở tài khoản theo dõi riêng lãi phát sinh trên tài khoản đặc biệt.
Ngân hàng phục vụ dự án được hưởng phí dịch vụ theo biểu phí hiện hành của ngân hàng phục vụ. Dự án được sử dụng lãi phát sinh để chi trả các khoản phí dịch vụ này.
Định kỳ hàng tháng và khi có yêu cầu, ngân hàng phục vụ có trách nhiệm gửi cho chủ tài khoản báo cáo sao kê tài khoản đặc biệt, số lãi phát sinh trên tài khoản đặc biệt của các dự án; số phí phục vụ do ngân hàng phục vụ thu: số chênh lệch giữa lãi và phí; số dư đầu kỳ, cuối kỳ. Số dư trên các tài khoản theo dõi lãi phát sinh từ tài khoản đặc biệt cũng được hưởng lãi.
3. Các tài khoản của dự án
a) Tài khoản tại ngân hàng phục vụ
Bộ Tài chính hoặc cơ quan chủ dự án là chủ tài khoản các nguồn vốn vay/viện trợ theo quy định tại thỏa thuận tài trợ của dự án mở tài khoản đặc biệt/tài khoản vốn viện trợ (sau đây gọi chung là tài khoản đặc biệt) tại Ngân hàng phục vụ theo yêu cầu thanh toán của dự án, phù hợp quy định hiện hành trong nước và quy định trong thỏa thuận tài trợ.
Các dự án có nhiều nguồn tài trợ khác nhau phải mở các tài khoản riêng để theo dõi từng nguồn vốn.
Phí dịch vụ ngân hàng được chi trả bằng lãi phát sinh trên tài khoản đặc biệt và hạch toán vào tổng chi phí của dự án. Lãi phát sinh trên các tài khoản thuộc dự án cấp phát là nguồn thu của Ngân sách Nhà nước (NSNN). Đối với các dự án hỗn hợp vừa có hợp phần được NSNN cấp phát kinh phí vừa có hợp phần được NSNN cho vay lại nguồn vốn ODA cùng sử dụng chung một tài khoản đặc biệt (thời điểm NSNN cho vay lại là thời điểm rút vốn từ tài khoản đặc biệt), lãi phát sinh trên tài khoản là nguồn thu của NSNN. Khi kết thúc dự án, số lãi phát sinh không sử dụng hết phải nộp vào NSNN. Trường hợp lãi phát sinh không đủ để trả phí dịch vụ ngân hàng, chủ dự án được NSNN cấp phát lập kế hoạch xin vốn đối ứng để thanh toán; chủ dự án vay lại tự thanh toán bằng nguồn vốn của mình.
b) Tài khoản tại hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN)
- Tài khoản nguồn vốn để tiếp nhận vốn ODA: Tùy theo yêu cầu tổ chức thực hiện của dự án và thỏa thuận bằng văn bản với nhà tài trợ, chủ dự án mở tài khoản nguồn vốn ODA của dự án tại hệ thống KBNN để tiếp nhận các nguồn vốn vay, vốn viện trợ IFAD, vốn đồng tài trợ được chuyển về từ tài khoản đặc biệt của dự án, thực hiện thanh toán cho dự án sau khi có kiểm soát chi của kho bạc. Theo thiết kế của dự án, cơ quan quản lý dự án cấp dưới (huyện, xã) có thể mở tài khoản tiền gửi KBNN huyện để tiếp nhận vốn từ Ban quản lý dự án tỉnh chuyển về để thanh toán cho các hoạt động của dự án.
- Tài khoản thanh toán vốn đối ứng: chủ dự án mở tài khoản tại hệ thống KBNN để tiếp nhận, thanh toán vốn đối ứng do ngân sách cấp phát theo quy định hiện hành.
4. Tỷ giá chuyển đổi:
Việc chuyển đổi nguồn vốn IFAD bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam được áp dụng theo tỷ giá mua chuyển khoản của Ngân hàng phục vụ tại thời điểm giao dịch.
Phần II
QUẢN LÝ GIẢI NGÂN, HẠCH TOÁN VỐN, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, GIÁM SÁT
I. QUY ĐỊNH VỀ GIẢI NGÂN
Hồ sơ rút vốn, thủ tục kiểm soát chi và thanh toán nguồn vốn IFAD, vốn đối ứng đối với các dự án do IFAD tài trợ thực hiện theo các quy định của Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
1. Các hình thức giải ngân áp dụng đối với dự án IFAD
Tùy thuộc vào quy định trong hiệp định, thỏa thuận tài trợ và thư giải ngân của IFAD, việc rút vốn, thanh toán bằng nguồn vốn IFAD theo phương thức tài trợ dự án được thực hiện theo một hoặc một số các hình thức sau: rút vốn thanh toán trực tiếp, rút vốn thanh toán theo hình thức cam kết đặc biệt, rút vốn hoàn vốn/hồi tố, thanh toán qua tài khoản đặc biệt và một số hình thức rút vốn khác theo thỏa thuận riêng với nhà tài trợ. Các chủ dự án tuân thủ hướng dẫn của nhà tài trợ về cách áp dụng hình thức rút vốn và mẫu biểu liên quan.
Bộ Tài chính hướng dẫn một số hình thức rút vốn phổ biến tại Mục 2 và 3 dưới đây.
2. Thủ tục Tài khoản đặc biệt/Tài khoản vốn viện trợ (TKĐB)
Thủ tục TKĐB là hình thức nhà tài trợ ứng trước cho bên vay một khoản tiền TKĐB mở tại ngân hàng phục vụ để bên vay chủ động trong thanh toán.
Thủ tục TKĐB là hình thức nhà tài trợ ứng trước cho bên vay một khoản tiền vào TKĐB mở tại ngân hàng phục vụ để bên vay chủ động trong thanh toán cho các khoản chi tiêu thường xuyên hợp lệ của dự án, giảm bớt số lần xin rút vốn từ nhà tài trợ và đẩy nhanh tốc độ thanh toán cho các hoạt động của dự án.
Hạn mức số tiền nhà tài trợ ứng trước vào tài khoản đặc biệt của dự án phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm và nhu cầu chi tiêu cụ thể của từng dự án. Hạn mức TKĐB thường được quy định cụ thể trong hiệp định tài trợ và có thể được điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án trên cơ sở tình hình thực hiện dự án và nhu cầu thanh toán.
a. Rút vốn lần đầu về TKĐB
Việc rút vốn lần đầu về TKĐB được thực hiện căn cứ trên hạn mức (hoặc mức trần) của TKĐB quy định trong Hiệp định vay/Hiệp định viện trợ. Đối với Dự án ODA vay nợ thuộc diện NSNN cấp phát, Bộ Tài chính có thể ấn định mức rút vốn phù hợp trên cơ sở cân nhắc giữa kế hoạch chi tiêu trong 6 tháng tới của dự án và chi phí trả lãi cho nước ngoài, lãi phát sinh do ngân hàng phục vụ trả.
Để rút vốn, Ban quản lý dự án gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) Công văn đề nghị rút vốn, Đơn rút vốn và các sao kê kèm theo mẫu của nhà tài trợ, kế hoạch chi tiêu trong 6 tháng tới của dự án.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, căn cứ điều ước quốc tế đã ký, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) sẽ xem xét ký Đơn rút vốn gửi nhà tài trợ.
b. Chuyển tiền thanh toán từ TKĐB cho nhà thầu/nhà cung cấp
Chuyển tiền thanh toán từ TKĐB: Là hình thức thanh toán theo đề nghị của Ban Quản lý dự án, Bộ Tài chính chuyển tiền từ tài khoản đặc biệt mở tại Ngân hàng phục vụ thanh toán cho nhà thầu/nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ.
Khi có nhu cầu rút vốn chuyển tiền từ TKĐB, Ban quản lý dự án gửi các tài liệu sau đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại):
- Công văn đề nghị rút vốn;
- Hóa đơn/đề nghị thanh toán của nhà thầu;
- Giấy đề nghị thanh toán có xác nhận (bản gốc) của Cơ quan kiểm soát chi;
- Các tài liệu khác bổ sung làm rõ những tài liệu yêu cầu tại mục này.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) xem xét làm thủ tục chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của nhà thầu/nhà cung cấp.
c. Rút vốn từ TKĐB về tài khoản nguồn vốn tại KBNN:
Để rút vốn từ TKĐB về tài khoản nguồn vốn tại KBNN, Ban quản lý dự án gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) các hồ sơ sau:
- Dự toán chi tiêu cho số tiền xin rút vốn;
- Sao kê tài khoản nguồn vốn từ thời điểm rút vốn lần trước đến thời điểm đề nghị chuyển vốn lần này;
- Các tài liệu khác nếu cần thiết.
Trong vòng 3 ngày làm việc, trên cơ sở có đủ tiền trên TKĐB, Bộ Tài chính xem xét làm thủ tục chuyển tiền cho Ban Quản lý dự án.
Việc chi tiêu từ tài khoản nguồn vốn được thực hiện sau khi có sự kiểm soát chi theo quy định hiện hành của KBNN nơi Ban Quản lý dự án mở tài khoản.
Trường hợp các dự án có tài khoản mở cho cấp địa phương (huyện, xã), Ban quản lý dự án cấp tỉnh căn cứ các quy định hiện hành làm thủ tục tạm ứng tiền cho cấp huyện, xã.
d. Bổ sung TKĐB
Để rút vốn bổ sung TKĐB, Ban quản lý dự án gửi các tài liệu sau cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại):
- Công văn đề nghị rút vốn bổ sung TKĐB, Đơn rút vốn, các sao kê theo mẫu và chứng từ theo quy định của nhà tài trợ;
- Các hồ sơ chứng từ gửi Bộ Tài chính: ngoài các chứng từ theo quy định của nhà tài trợ, đối với các khoản chi theo hình thức Sao kê chi tiêu, Ban quản lý dự án lập sao kê thể hiện rõ từng khoản chi từ tài khoản nguồn, có xác nhận của KBNN nơi giao dịch (bản gốc) gửi Bộ Tài chính. Sao kê cần chi tiết theo ngày thanh toán, số tiền, nội dung thanh toán, đối tượng thụ hưởng, số/ngày chứng từ chi tiêu.
- Đối với các khoản chi nhà tài trợ yêu cầu gửi chứng từ: Ban QLDA gửi giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư có xác nhận (bản gốc) của KBNN. Mỗi Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư có xác nhận chỉ được sử dụng 1 lần.
- Bảng đối chiếu TKĐB lập theo mẫu của nhà tài trợ có chữ ký của Ban quản lý dự án;
- Sao kê TKĐB do Ngân hàng phục vụ cung cấp (đối với các tài khoản đơn vị là chủ tài khoản);
- Báo cáo giải ngân nguồn vốn IFAD theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), chi tiết theo mục lục NSNN;
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) sẽ xem xét ký Đơn rút vốn gửi nhà tài trợ để xem xét, nếu nhà tài trợ chấp nhận sẽ chuyển tiền bổ sung vào TKĐB.
3. Quy trình rút vốn đối với các dự án tín dụng hoặc hợp phần tín dụng của dự án:
Việc rút vốn cho các dự án tín dụng hoặc hợp phần tín dụng của các dự án thực hiện như sau: căn cứ vào yêu cầu cho vay tiếp và yêu cầu chi tiêu cho các nội dung của dự án, đơn vị thực hiện dự án/hợp phần tín dụng chuẩn bị hồ sơ rút vốn từ nhà tài trợ để thực hiện cho vay tiếp hoặc chi tiêu cho các hoạt động của dự án theo đúng các quy định trong hiệp định vay, hiệp định dự án (nếu có) và các quy định hiện hành về tín dụng, đấu thầu, mua sắm.v.v…
Hồ sơ đề nghị rút vốn gửi Bộ Tài chính gồm:
- Công văn đề nghị rút vốn của đơn vị thực hiện hợp phần tín dụng hoặc Ban Quản lý dự án (trường hợp sử dụng cùng một tài khoản đặc biệt).
- Đơn rút vốn kèm sao kê các khoản đã cho vay lại theo quy định của nhà tài trợ (đơn vị thực hiện hợp phần tín dụng ký xác nhận và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của sao kê).
- Các chứng từ chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các khoản chi tiêu cho các hoạt động của dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) sẽ xem xét và ký đơn rút vốn gửi nhà tài trợ.
II. QUY ĐỊNH VỀ HẠCH TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NGUỒN VỐN IFAD:
1. Quy trình cụ thể thực hiện hạch toán vốn Ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành tại Thông tư số 107/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 Hướng dẫn bổ sung một số điểm về quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và Quyết định 19/2007/QĐ-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với các khoản vay và viện trợ nước ngoài của Chính phủ.
2. Quy trình hạch toán vốn giải ngân qua TKĐB:
a. Hạch toán khi rút tiền về TKĐB: đối với các khoản giải ngân vốn IFAD về TKĐB, căn cứ thông báo tiền về tài khoản của ngân hàng phục vụ, Bộ Tài chính lập Lệnh ghi thu ngân sách gửi KBNN để thực hiện hạch toán vào ngân sách, trong đó, hạch toán thu ngân sách nếu là các khoản viện trợ không hoàn lại, hạch toán theo dõi nợ trên tài khoản phải trả nếu là các khoản vay theo quy định.
b. Hạch toán các khoản chi từ TKĐB được thực hiện như sau:
- Đối với các khoản chi từ TKĐB thanh toán cho nhà thầu/nhà cung cấp, Bộ Tài chính lập Lệnh chi bổ sung ngân sách địa phương để ghi chi trợ cấp có mục tiêu cho Sở Tài chính để thực hiện dự án.
- Đối với phần vốn chi tại tài khoản nguồn vốn của dự án: sau khi chuyển tiền về tài khoản nguồn vốn, Bộ Tài chính theo dõi khoản chi trên tài khoản tạm ứng của ngân sách; trên cơ sở báo cáo giải ngân nguồn vốn ODA của chủ dự án quy định tại mục 2. d, Phần II, Quy định về giải ngân, Bộ Tài chính lập Lệnh chi bổ sung ngân sách địa phương để ghi chi trợ cấp có mục tiêu cho Sở Tài chính; căn cứ chứng từ nhận từ Bộ Tài chính, Sở Tài chính làm thủ tục ghi thu ngân sách địa phương và ghi chi cấp vốn cho các đơn vị thực hiện dự án theo quy định hiện hành.
III. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, GIÁM SÁT
1. Định kỳ hàng tháng, quý, năm, Ban quản lý dự án cấp dưới lập báo cáo việc sử dụng vốn IFAD trên tài khoản nguồn, vốn đồng tài trợ và vốn đối ứng gửi KBNN nơi giao dịch làm thủ tục đối chiếu và xác nhận, đồng gửi Ban quản lý dự án tỉnh. Ban quản lý dự án tỉnh tổng hợp báo cáo của cả dự án gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để đối chiếu và gửi cơ quan chủ quản, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm căn cứ theo dõi, giám sát.
2. Cơ quan tài chính các cấp, cơ quan chủ quản dự án có thể độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các dự án có sử dụng nguồn vốn IFAD về các nội dung liên quan đến quản lý tài chính theo quy định tại Thông tư này.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 83/2000/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 14/8/2000 Hướng dẫn quy trình luân chuyển tiền và hạch toán vốn vay các dự án IFAD.
Các văn bản pháp quy được dẫn chiếu trong Thông tư này được bổ sung, sửa đổi, thay thế thì thực hiện theo các văn bản bổ sung, sửa đổi, thay thế đó. Các văn bản pháp quy hướng dẫn quản lý tài chính theo yêu cầu đặc thù của dự án/nhóm dự án do Bộ Tài chính ban hành trước ngày hiệu lực của Thông tư này vẫn tiếp tục được áp dụng.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để hướng dẫn, phối hợp giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem bản dịch TTXVN.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây