THÔNG TƯ
CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 02/2008/TT-BGTVT
NGÀY 04 THÁNG 03 NĂM 2008
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THANH TRA VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN
VÀ VIỆC CẤP THẺ KIỂM TRA GIAO THÔNG VẬN TẢI
Thi hành Nghị định số 136/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải và Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra;
Để củng cố tổ chức, tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải ở trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giao thông vận tải trong giai đoạn hiện nay;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số quy định về thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra và việc cấp Thẻ kiểm tra giao thông vận tải như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn chuyên ngành đối với Thanh tra viên giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Thanh tra viên), chính sách xây dựng lực lượng thanh tra; tiêu chuẩn, chế độ, nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên Thanh tra giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Cộng tác viên); điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự thủ tục cấp Thẻ kiểm tra giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Thẻ kiểm tra).
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải ở trung ương và địa phương, tổ chức Thanh tra giao thông vận tải, Thanh tra viên, Cộng tác viên và các tổ chức, cá nhân liên quan.
3. Thanh tra viên và các ngạch Thanh tra viên
a) Thanh tra viên là công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành về an toàn, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (bao gồm cả nhiệm vụ kiểm tra tại Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Hàng không). Thanh tra viên được cấp trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, Thẻ thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
b) Thanh tra viên gồm các ngạch sau:
- Ngạch Thanh tra viên;
- Ngạch Thanh tra viên chính;
- Ngạch Thanh tra viên cao cấp.
II. CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG THANH TRA GIAO THÔNG VẬN TẢI
1. Hàng năm, Chánh thanh tra chịu trách nhiệm xây dựng, trình thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp cơ cấu biên chế công chức các ngạch để làm cơ sở cho việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức thanh tra.
2. Về tuyển dụng:
a) Ưu tiên tuyển dụng những người được đào tạo đại học hệ chính quy các chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 1 phần III Thông tư này; kết quả học tập loại khá, giỏi, có trình độ đại học chuyên ngành và khả năng ứng dụng tốt về ngoại ngữ, tin học.
b) Cơ quan tuyển dụng được quy định bổ sung điều kiện cho phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực công tác và cơ cấu chuyên môn trong tổ chức thanh tra. Việc quy định các điều kiện bổ sung thực hiện theo Pháp lệnh cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Bộ Nội vụ và hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Về bố trí, sử dụng:
a) Mỗi Đội Thanh tra của Thanh tra Cục Đường bộ, Thanh tra Cục Đường sắt, Thanh tra Cục Đường sông, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính phải bố trí ít nhất hai (02) Thanh tra viên. Trường hợp phải điều động Thanh tra viên hoặc vì lý do đặc biệt khác mà chưa kịp bố trí ít nhất hai (02) Thanh tra viên thì chậm nhất sau 12 tháng phải bố trí đủ số lượng thanh tra viên ở đội đó.
b) Khi bố trí cán bộ cần phải có cơ cấu trình độ chuyên môn hợp lý trong tổ chức thanh tra để thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài ngạch Thanh tra viên, trong tổ chức thanh tra có thể bố trí cán bộ thuộc các các ngạch công chức khác như cán sự, chuyên viên (nếu có) và bố trí các chuyên ngành đào tạo theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 phần III Thông tư này.
c) Giám đốc Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ hàng hải phải bố trí cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo phân cấp.
4. Về bổ nhiệm chức vụ:
a) Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, không bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các trường hợp sau đây:
- Những người có trình độ dưới đại học chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 1 phần III Thông tư này đối với chức vụ Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra Cục, Trưởng ban và Phó trưởng Ban Thanh tra thuộc Thanh tra Cục, Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra Sở;
- Những người có trình độ dưới trung cấp chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 1 phần III Thông tư này đối với chức vụ đội trưởng, đội phó Đội Thanh tra thuộc Thanh tra Cục Đường bộ, Thanh tra Cục Đường sông, Thanh tra Cục Đường sắt, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính.
b) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011, chỉ những người có trình độ đại học chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 1 phần III Thông tư này mới được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại giữ các chức vụ từ Đội phó trở lên trong lực lượng Thanh tra giao thông vận tải.
c) Ưu tiên bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức vụ trong lực lượng Thanh tra giao thông vận tải đối với những người đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên.
5. Về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ:
a) Cán bộ, Thanh tra viên phải tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc; được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ chuyên môn; được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong nước hoặc nước ngoài.
b) Ưu tiên đào tạo những cán bộ trẻ, cán bộ thuộc vùng sâu, vùng xa, có khả năng học tập và phát triển.
III. THANH TRA VIÊN VÀ VIỆC CẤP THẺ THANH TRA VIÊN
1. Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thanh tra viên
Việc bổ nhiệm thanh tra viên phải bảo đảm tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 31 Luật Thanh tra, trong đó một số tiêu chuẩn chuyên ngành được hiểu cụ thể như sau:
a) Đối với trình độ đại học (hoặc tương đương đại học đối với sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân chuyển ngành) phải thuộc một trong các chuyên ngành: giao thông vận tải, xây dựng, kiến trúc, cơ khí, công nghệ thông tin, viễn thông, luật, kinh tế, tài chính.
b) Về nghiệp vụ thanh tra, phải có một trong các loại chứng chỉ nghiệp vụ sau đây:
- Chứng chỉ nghiệp vụ thanh tra do Trường cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ cấp;
- Chứng chỉ nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải do cơ sở đào tạo thuộc Bộ Giao thông vận tải cấp;
- Chứng chỉ nghiệp vụ kiểm tra chuyên ngành do tổ chức nước ngoài cấp theo Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
c) Có chứng chỉ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên; có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A (nếu là người dân tộc, biết tiếng dân tộc thì được miễn chứng chỉ này); có chứng chỉ tin học trình độ A.
d) Có ít nhất hai năm làm công tác thanh tra đối với người mới được tuyển dụng vào ngành thanh tra (không kể thời gian tập sự); trường hợp là cán bộ, công chức, sỹ quan hàng hải, nhân viên làm nhiệm vụ kiểm tra làm việc trong đơn vị có chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành chuyển sang cơ quan thanh tra nhà nước thì phải có ít nhất một năm làm công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
đ) Có giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế đa khoa (cấp huyện hoặc tương đương trở lên) cấp và xác nhận có đủ sức khỏe làm việc bình thường.
2. Thẻ Thanh tra viên
a) Thẻ Thanh tra viên để xác định tư cách pháp lý của Thanh tra viên khi thi hành nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra và kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cán bộ, công chức được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra (Thanh tra viên, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên cao cấp) được cấp Thẻ Thanh tra viên.
b) Thẩm quyền cấp Thẻ Thanh tra viên:
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp Thẻ Thanh tra viên cho Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục thuộc Bộ và Thanh tra viên bố trí tại Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Hàng không.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp Thẻ Thanh tra viên cho Thanh tra viên thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính.
c) Mẫu Thẻ Thanh tra viên và việc quản lý, sử dụng Thẻ Thanh tra viên thực hiện theo Thông tư số 2313/2007/TT-TTCP ngày 26/10/2007 của Thanh tra Chính phủ.
d) Các thông tin trên Thẻ Thanh tra viên Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải được dịch sang tiếng Anh để thuận lợi cho việc thực thi công vụ đối với các đối tượng là người nước ngoài và phù hợp với thông lệ quốc tế.
IV. CỘNG TÁC VIÊN VÀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CỘNG TÁC VIÊN
1. Cộng tác viên
a) Cộng tác viên là người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ của thanh tra giao thông vận tải, được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải hoặc cơ quan Thanh tra giao thông vận tải trưng tập để thực hiện thanh tra.
b) Để thực hiện nhiệm vụ được giao và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng các Cục quản lý chuyên ngành giao thông vận tải được trưng tập chuyên gia nước ngoài làm cộng tác viên để tiến hành thanh tra khi cần thiết. Việc trưng tập chuyên gia nước ngoài chỉ được thực hiện khi người Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ và quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Tiêu chuẩn cụ thể của Cộng tác viên
Ngoài những tiêu chuẩn quy định tại điều 16 Nghị định số 100/2007/NĐ-CP, Cộng tác viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
a) Có trình độ đại học chuyên ngành phù hợp với nội dung thanh tra; am hiểu, có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành giao thông vận tải.
b) Đối với Cộng tác viên được trưng tập để tham gia Đoàn Thanh tra có nội dung liên quan đến chuyên môn sâu, ngoài các tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản này còn phải hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải (trong nước hoặc nước ngoài) ít nhất ba năm.
c) Đối với Cộng tác viên là chuyên gia nước ngoài, ngoài tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản này còn phải có các điều kiện sau:
- Được cơ quan thanh tra sử dụng Cộng tác viên thẩm tra về yêu cầu chuyên môn trước khi quyết định trưng tập;
- Có trình độ chuyên môn đáp ứng với yêu cầu, điều kiện theo điều ước quốc tế liên quan đến chuyên ngành giao thông vận tải mà Việt Nam là thành viên hoặc theo thông lệ quốc tế.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cộng tác viên
a) Nhiệm vụ, quyền hạn của Cộng tác viên thực hiện theo Điều 18 Nghị định số 100/2007/NĐ-CP;
b) Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm a khoản này, Cộng tác viên là chuyên gia nước ngoài còn có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Nghiên cứu pháp luật Việt Nam liên quan đến các nhiệm vụ được giao.
- Thường xuyên báo cáo về công tác theo yêu cầu của cơ quan thanh tra sử dụng cộng tác viên.
- Trong quá trình thanh tra được đưa ra các khuyến cáo khẩn cấp cho đối tượng thanh tra nhằm bảo đảm an toàn, an ninh và đồng thời phải báo cáo ngay với cơ quan thanh tra và cơ quan quản lý nhà nước tại khu vực về khuyến cáo đó.
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác khi được người có thẩm quyền ủy quyền theo quy định của pháp luật (nếu có).
- Chấp hành các quy định khác liên quan đến người nước ngoài công tác, làm việc cho nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Chế độ đối với Cộng tác viên
a) Chế độ đối với Cộng tác viên thuộc biên chế nhà nước hoặc đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị của nhà nước
Trong thời gian tham gia Đoàn thanh tra, Cộng tác viên được hưởng các chế độ sau đây:
- Được cơ quan quản lý trực tiếp trả nguyên lương, được cơ quan trưng tập trả tiền công tác phí đối với người được trưng tập;
- Được cơ quan trưng tập cung cấp các điều kiện, phương tiện làm việc cần thiết;
- Được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;
- Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về khen thưởng.
b) Chế độ đối với Cộng tác viên là chuyên gia nước ngoài
- Được cơ quan trưng tập cung cấp các điều kiện, phương tiện làm việc cần thiết;
- Được bồi dưỡng kiến thức về pháp luật Việt Nam;
- Được trả thù lao tương xứng với công việc và kết quả được giao.
c) Chi phí cho Cộng tác viên là chuyên gia nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng các Cục quản lý chuyên ngành giao thông vận tải quyết định theo chế độ của Nhà nước.
5. Quản lý Cộng tác viên
a) Cơ quan Thanh tra giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý Cộng tác viên trong thời gian trưng tập; thực hiện chế độ, chính sách đối với Cộng tác viên theo quy định; lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho Cộng tác viên;
b) Cơ quan Thanh tra giao thông vận tải, Trưởng Đoàn thanh tra, Thanh tra viên tiến hành thanh tra độc lập có trách nhiệm quản lý Cộng tác viên trong quá trình thanh tra; kết thúc cuộc thanh tra có nhận xét, đánh giá và gửi ý kiến nhận xét, đánh giá đối với Cộng tác viên về cơ quan quản lý Cộng tác viên;
c) Chánh Thanh tra các cấp có trách nhiệm xác lập hoặc trình cấp có thẩm quyền xác lập hệ thống Cộng tác viên ở các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải và cơ quan, đơn vị ở cơ sở để nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin phục vụ công tác thanh tra hoặc trưng tập để thực hiện cuộc thanh tra khi cần thiết.
V. THẺ VÀ VIỆC CẤP THẺ KIỂM TRA
1. Thẻ Kiểm tra
a) Thẻ Kiểm tra được sử dụng để xác định tư cách pháp lý của cán bộ, công chức, nhân viên Thanh tra giao thông vận tải khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc sử dụng Thẻ kiểm tra vào mục đích cá nhân.
b) Kích thước, nội dung, màu sắc và họa tiết của Thẻ Kiểm tra
- Kích thước: Chiều rộng 61 mm, dài 87mm;
- Màu sắc và hoạ tiết: mặt trước màu hồng tươi, có các hoạ tiết để chống làm giả; mặt sau màu đỏ tươi;
- Nội dung trên mặt trước của Thẻ Kiểm tra: Quốc hiệu, tên thẻ, họ và tên người được cấp thẻ, tên tổ chức mà người được cấp Thẻ đang công tác, ảnh người được cấp thẻ, có 2 vạch chéo màu đỏ song song, màu đỏ tươi, địa danh, ngày, tháng, năm cấp thẻ và người cấp thẻ ký tên, đóng dấu; thời hạn của Thẻ;
- Dưới chữ tiếng Việt có chữ tiếng Anh, chữ tiếng Anh có kích thước nhỏ hơn chữ tiếng Việt.
2. Thời hạn của Thẻ Kiểm tra: Thẻ Kiểm tra có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.
3. Phôi Thẻ kiểm tra
a) Thanh tra Bộ thống nhất in ấn, quản lý và cấp phát phôi Thẻ Kiểm tra cho Thanh tra giao thông vận tải các cấp.
b) Kinh phí để in ấn phôi Thẻ Kiểm tra do ngân sách nhà nước cấp theo dự toán được duyệt.
4. Điều kiện, tiêu chuẩn cấp Thẻ Kiểm tra
a) Thẻ Kiểm tra được cấp cho cán bộ, công chức, nhân viên (không thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Mục I của Thông tư này) thuộc biên chế, đang công tác tại Tổ chức Thanh tra giao thông vận tải và Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Hàng không (đã có Quyết định giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Giám đốc Cảng vụ).
b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;
c) Tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về giao thông vận tải, xây dựng, kiến trúc, cơ khí, công nghệ thông tin, viễn thông, luật, kinh tế;
d) Được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải trong nước hoặc nước ngoài;
đ) Có sức khoẻ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
5. Thẩm quyền; trình tự, thủ tục cấp Thẻ Kiểm tra
a) Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải quyết định cấp Thẻ kiểm tra cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục thuộc Bộ và Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải; Giám đốc Sở quyết định cấp Thẻ kiểm tra cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên thuộc Thanh tra Sở.
b) Hồ sơ cấp Thẻ kiểm tra:
- Danh sách trích ngang người được cấp Thẻ Kiểm tra do cơ quan quản lý trực tiếp người được cấp thẻ lập, gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ và đơn vị công tác, trình độ chuyên môn, các lớp nghiệp vụ đã qua;
- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực các loại văn bằng, chứng chỉ;
- Quyết định phân công nhiệm vụ của Giám đốc Cảng vụ (đối với cán bộ làm việc tại Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Hàng không).
6. Thu hồi Thẻ Kiểm tra
a) Người nào có thẩm quyền cấp thì có quyền quyết định thu hồi Thẻ Kiểm tra;
b) Quyết định thu hồi Thẻ Kiểm tra nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Công chức, nhân viên Thanh tra giao thông vận tải bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải;
- Công chức, nhân viên Thanh tra giao thông vận tải chuyển công tác sang cơ quan không có chức năng thanh tra, nghỉ hưu, bị chết hoặc mất tích;
- Thẻ Kiểm tra được cấp không đúng quy định;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Xử lý Thẻ Thanh tra viên đã được cấp trước đây
a) Thẻ Thanh tra viên do Thanh tra Chính phủ cấp; Thẻ Thanh tra viên an toàn hàng hải, Thẻ Sỹ quan kiểm tra do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cấp vẫn có giá trị pháp lý đến khi Bộ Giao thông vận tải đổi Thẻ khác.
b) Thẻ Thanh tra viên do Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sông Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam (trước đây là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính cấp theo Quyết định số 343/PC-VT ngày 22 tháng 02 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định nhiệm vụ, quyền hạn, chức danh; phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục và trang bị của lực lượng Thanh tra giao thông, hết hiệu lực sau 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
c) Cục trưởng, Giám đốc Sở phải tổ chức thu hồi, thống kê và huỷ bằng cách cắt góc đối với Thẻ hết hiệu lực theo điểm b khoản này, báo cáo về Thanh tra Bộ Giao thông vận tải.
2. Xử lý các tồn tại về cán bộ:
a) Người nào được tuyển dụng, nhận điều động công tác về Thanh tra giao thông hoặc bổ nhiệm chức danh trong thời gian từ ngày 22 tháng 02 năm 1997 đến ngày 16 tháng 6 năm 2007 mà tại thời điểm tuyển dụng, nhận điều động công tác, bổ nhiệm, người đó không bảo đảm tiêu chuẩn quy định tại điều 7 Quyết định số 343/PC-VT ngày 22 tháng 02 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định nhiệm vụ, quyền hạn, chức danh; phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, trang phục và trang bị của lực lượng Thanh tra giao thông thì Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính phải quyết định bố trí, sắp xếp cán bộ đó làm công việc khác không thuộc tổ chức Thanh tra giao thông vận tải.
b) Những trường hợp đã được tuyển dụng, nhận điều động về công tác tại tổ chức Thanh tra giao thông vận tải trước đây không đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, nay đã học tập đáp ứng trình độ đại học chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 1 phần III Thông tư này thì được xem xét tuyển dụng, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ các quy định, văn bản trước đây quy định, hướng dẫn về Thanh tra viên, Cộng tác viên, Thẻ kiểm tra giao thông vận tải.
4. Thanh tra Bộ kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan, đơn vị phản ảnh về Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu, giải quyết./.