Biển báo cấm xe gắn máy trông thế nào? Khác gì với biển cấm xe máy?

Mỗi biển báo giao thông sẽ mang một ý nghĩa nhất định, người tham gia giao thông cần chú ý để tuân thủ cho đúng. Vậy biển báo cấm xe máy cho bạn biết điều gì?


1. Nhận diện biển báo cấm xe gắn máy và hiểu rõ ý nghĩa

Theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo cấm xe gắn máy được ký hiệu là P.111a, là một trong loại biển báo giao thông thuộc nhóm biển báo cấm - biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm.

Biển báo cấm xe gắn máy có dạng hình tròn, viền màu đỏ và nền màu trắng. Trên nền trắng có hình vẽ xe máy màu đen với một vạch chéo màu đỏ từ trên xuống theo chiều từ trái sang phải.

Biển báo cấm xe gắn máy được bố trí trên đường để báo hiệu đoạn đường phía trước cấm xe gắn máy đi qua. Biển này có giá trị trên các làn đường có cắm biển này. Lưu ý, biển. Biển báo cấm xe gắn máy không có giá trị hiệu lực đối với phương tiện là xe đạp.

Biển báo này được đặt ở nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm, có hiệu lực bắt đầu từ vị trí đặt biển trở đi.

Nếu như một số biển cấm khác phải có biển báo hiệu hết hiệu lực cấm, biển báo cấm xe gắn máy không cần quy định phạm vi có hiệu lực của biển, không có biển báo hết cấm.


2. Phân biệt biển cấm xe gắn máy với biển cấm xe máy

2.1. Xe gắn máy khác xe máy thế nào?

Nếu nghe qua chắc hẳn nhiều người sẽ bị nhầm lẫn xe gắn máy và xe máy là một. Tuy nhiên đây lại là 02 nhóm phương tiện hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, hai loại xe này được định nghĩa như sau:

- Xe gắn máy: Phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động của xe gắn máy là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương dưới 50 cm3.

- Xe máy: Xe cơ giới hai hoặc ba bánh hoặc các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50 cm3 trở lên, trọng tải bản thân xe máy là không quá 400 kg.

2.2. Biển cấm xe gắn máy khác biển cấm xe máy thế nào?

Biển báo cấm xe gắn máy và biển báo cấm xe máy là hai loại biển báo khác nhau. Cụ thể:

- Biển báo cấm xe gắn máy được ký hiệu hiệu là P.111a báo đường cấm xe gắn máy đi qua, đồng thời biển này không có giá trị đối với xe đạp.

- Biển báo cấm xe máy ký hiệu là P.104 báo đoạn đường cấm các loại xe máy, trừ các xe được ưu tiên theo quy định như xe cứu thương, xe cảnh sát, xe chữa cháy,… làm nhiệm vụ. Biển này không có giá trị cấm những người dắt xe máy.

Để dễ dàng phân biệt hai loại biển báo này, người tham gia giao thông có thể căn cứ vào hai điểm sau:

- Về hình dáng bên ngoài: Biển báo cấm xe máy có hình vẽ người ngồi trên xe, còn biển báo cấm xe gắn máy chỉ có hình ảnh chiếc xe máy màu đen chứ không có hình người điều khiển.

- Ý nghĩa: Biển báo P.111a “cấm xe gắn máy” áp dụng cho cả xe gắn máy và xe máy. Biển P.104 “cấm xe máy” chỉ có tác dụng cấm xe máy, chứ không cấm “xe gắn máy”.


3. Đi vào đường có cắm biển cấm xe gắn máy, bị phạt ra sao?

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người tham gia giao thông đi vào đường cấm sẽ bị phạt lỗi “Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm”. Do đó, nếu cố tình điều khiển xe gắn máy đi vào đoạn đường có cắm biển cấm xe gắn máy, lái xe sẽ bị phạt về lỗi đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:

3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

i) Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

Như vậy, nếu cố tình đi vào đường có cắm biển cấm xe gắn máy, người điều khiển xe gắn máy sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng. Ngoài ra, người này còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (theo điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Đặc biệt, nếu thực hiện hành vi vi phạm nói trên mà gây tai nạn, người điều khiển xe gắn máy còn bị phạt cao gấp nhiều lần với mức phạt từ 04 - 05 triệu đồng, đồng thời còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (theo điểm b khoản 7 và điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Như vậy, khi đi vào đường có biển cấm xe gắn máy, người điều khiển phương tiện không chỉ bị phạt hành chính mà còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe.

Trên đây là những thông tin đáng chú ý liên quan đến biển báo cấm xe gắn máy. Nếu vẫn còn thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được hỗ trợ giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Đổi màu biển xe có được giữ nguyên biển số đẹp?

Biển số đẹp mang lại nhiều ý nghĩa kỷ niệm và giá trị phong thủy cho người lái xe. Tuy nhiên, trường hợp đổi màu biển xe có được giữ nguyên biển số đẹp không là vấn đề được nhiều người đặt ra thời gian gần đây.