Kết hôn ở nước ngoài có ly hôn đơn phương ở Việt Nam được không?

Hiện nay, do hôn nhân không hạnh phúc nên có nhiều người muốn được ly hôn đơn phương. Vậy, nếu kết hôn ở nước ngoài có ly hôn đơn phương ở Việt Nam được không? Hồ sơ, thủ tục ly hôn trong trường hợp này thế nào?

1. Kết hôn ở nước ngoài có ly hôn đơn phương ở Việt Nam được không?

Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 quy định tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc ly hôn có nguyên đơn, bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các bên trong vụ việc ly hôn là người nước ngoài đang cư trú, làm việc, sinh sống tại Việt Nam.

Kết hôn ở nước ngoài có ly hôn đơn phương ở Việt Nam được không? (ảnh minh họa) 

Đồng thời, Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 quy định về vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:

- Việc ly hôn giữa các bên là công dân Việt Nam và người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau nhưng thường trú tại Việt Nam được giải quyết tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam;

- Nếu công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu giải quyết việc ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi công dân Việt Nam thường trú chung của vợ chồng. 

- Nếu cả hai vợ chồng không có nơi thường trú chung thì việc ly hôn của vợ chồng được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Việc giải quyết tranh chấp về tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi vợ chồng ly hôn thực hiện theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Như vậy, công dân Việt Nam khi kết hôn ở nước ngoài hoàn toàn có thể yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương tại Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 48 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13, công dân Việt Nam đã đăng ký kết hôn tại nước ngoài thì không cần đăng ký lại kết hôn tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, nếu công dân Việt Nam đã đăng ký kết hôn tại nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam để được công nhận quan hệ hôn nhân của vợ chồng tại Việt Nam. Trường hợp, nếu vợ chồng không thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn thì quan hệ hôn nhân của vợ chồng sẽ không được công nhận và khi đó vợ chồng không thể đơn phương ly hôn tại Việt Nam.

Về thủ tục ghi chú kết hôn, Điều 35 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định như sau:

- Hồ sơ

  • Tờ khai;

  • Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan của nước ngoài cấp;

  • Bản sao giấy tờ của vợ, chồng (nếu gửi hồ sơ qua bưu điện); nếu là công dân Việt Nam đã từng ly hôn hoặc hủy  kết hôn tại cơ quan nước ngoài thì phải nộp trích lục về việc đã ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy kết hôn.

- Cơ quan thực hiện

Cơ quan có thẩm quyền thực hiện ghi chú ký kết hôn là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.

- Trình tự, thủ tục

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu

Bước 2: Nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú 

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Ủy ban nhân dân thực hiện ghi chú kết hôn vào Sổ hộ tịch trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. 

Nếu hồ sơ cần phải xác minh thì thời gian giải quyết hồ sơ được kéo dài nhưng không quá 10 ngày làm việc.

2. Thủ tục ly hôn đơn phương ở Việt Nam khi kết hôn ở nước ngoài

Dưới đây là một số thông tin liên quan đến thủ tục ly hôn đơn phương tại Việt Nam khi kết hôn ở nước ngoài.

Thủ tục ly hôn đơn phương khi kết hôn ở nước ngoài (Ảnh minh hoạ)

2.1 Hồ sơ

- Đơn ly hôn đơn phương;

- Giấy đăng ký kết hôn;

- Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân của vợ hoặc chồng là người Việt Nam;

- Hộ chiếu của vợ hoặc chồng là người nước ngoài;

- Bản sao giấy khai sinh con chung (nếu có);

- Giấy tờ về tài sản chung.

2.2 Cơ quan nhận hồ sơ

Theo quy định tại các Điều 28, 29, 35, 36, 37, 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự, thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương khi kết hôn tại nước ngoài được quy định như sau:

- Nếu bị đơn có nơi cư trú tại Việt Nam thẩm quyền giải quyết đơn phương thuộc về Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố nơi bị đơn cư trú, làm việc;

- Nếu không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc về Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố nơi cuối cùng bị đơn cư trú, làm việc hoặc nơi bị đơn có tài sản;

- Nếu bị đơn không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết ly hôn do Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố nơi nguyên đơn cư trú hoặc làm việc giải quyết.

2.3 Trình tự thực hiện

Trình tự thực hiện ly hôn gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Người có yêu cầu ly hôn đơn phương chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu và nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố có thẩm quyền.

Bước 2: Tòa án nhân dân thụ lý đơn ly hôn

- Sau khi nhận được hồ sơ từ người yêu cầu, Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thụ lý yêu cầu ly hôn trong 05 ngày làm việc. Sau đó, Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu ly hôn.

Bước 3: Hòa giải (Nếu có).

Bước 4: Xét xử sơ thẩm

Sau khi ra Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập mở phiên Tòa sơ thẩm.

Thông thường, thời gian từ lúc đương sự nộp hồ sơ để khi giải quyết xong một vụ việc ly hôn đơn phương là 04 - 06 tháng. Tuy nhiên, nếu vụ việc ly hôn này có tranh chấp về quyền nuôi con hoặc tài sản chung vợ chồng thì thời gian giải quyết còn có thể kéo dài hơn.

3.4 Chi phí

Án phí ly hôn đơn phương được quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 như sau: 

Trường hợp

Án phí sơ thẩm

Không phát sinh tranh chấp

300.000 đồng

Có tranh chấp

 

< 6.000.000 đồng

300.000 đồng

6.000.000 đồng - 400.000.000 đồng

5% giá trị tài sản tranh chấp

400.000.000 đồng - 800.000.000 đồng

20.000.000 đồng + 4% giá trị tài sản tranh chấp > 400.000.000 đồng

800.000.000 đồng - 2.000.000.000 đồng

36.000.000 đồng + 3% giá trị tài sản tranh chấp >  800.000.000 đồng

2.000.000.000 đồng - 4.000.000.000 đồng

72.000.000 đồng + 2% giá trị tài sản tranh chấp > 2.000.000.000 đồng

> 4.000.000.000 đồng

112.000.000 đồng + 0,1% giá trị tài sản tranh chấp > 4.000.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung Kết hôn ở nước ngoài có ly hôn đơn phương ở Việt Nam được không?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.