1. Quyền kết hôn tại Việt Nam
Tại Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và pháp luật của các quốc gia đều có ghi nhận kết hôn là một trong những quyền dân sự cơ bản của con người.
Tại Việt Nam, tại Điều 36 Hiến pháp năm 2013 có khẳng định nam/nữ có quyền kết hôn, cụ thể như sau:
“1. Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”.
Cụ thể hơn, tại Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 có quy định rõ 05 nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình theo pháp luật Việt Nam như sau:
- Nguyên tắc thứ nhất là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, 1 vợ 1 chồng, vợ chồng bình đẳng với nhau.
- Nguyên tắc thứ hai là hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc những dân tộc/tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không theo tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đều được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
- Nguyên tắc thứ ba là xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; Những thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng nhau, chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau; không được phân biệt đối xử giữa các con.
- Nguyên tắc thứ tư là nhà nước, xã hội & gia đình có trách nhiệm phải bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật trong việc thực hiện các quyền về hôn nhân & gia đình; giúp đỡ những bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của mình; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
- Nguyên tắc thứ năm là kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 hiện nay quy định rõ việc kết hôn do nam/nữ tự nguyện quyết định khi nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, người này không bị mất năng lực hành vi dân sự.
Trường hợp kết hôn không thuộc trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình gồm: Kết hôn giả tạo, tảo hôn, lừa dối kết hôn, cưỡng ép kết hôn,cản trở kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ…
Pháp luật Việt Nam ngày nay về cơ bản quy định quyền kết hôn dựa trên cơ sở tôn trọng ý chí của các bên.
Tuy nhiên, do việc kết hôn không chỉ phát sinh hậu quả đối với hai bên trong quan hệ hôn nhân mà còn liên quan đến các chủ thể khác, liên quan đến đạo đức, luân thường đạo lý nên quyền tự do kết hôn của các cá nhân hiện nay phải được đặt trong những giới hạn cần thiết theo nguyên tắc không được làm ảnh hưởng, xâm phạm đến lợi ích của người khác, của xã hội.
2. Quyền kết hôn của người đồng giới tại Việt Nam
Thời gian trước đây, quy định cũ tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì kết hôn giữa người cùng giới là 01 trong các hành vi bị cấm.
Hiện nay tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về các trường hợp cấm kết hôn không còn đề cập đến việc kết hôn đồng giới. Việc này thể hiện sự thay đổi trong quan điểm, nhận thức của xã hội nói chung và các nhà làm luật nói riêng về quyền kết hôn của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 có quy định rõ “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Như vậy, Nhà nước ta hiện nay không cấm nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân đồng giới.
Việc này được hiểu là Nhà nước không thực hiện việc đăng ký kết hôn cho các cặp đôi cùng giới, tức là không phát sinh quan hệ hôn nhân, quyền và nghĩa vụ vợ chồng theo quy định pháp luật.
Tóm lại, các cặp đôi cùng giới vẫn có thể tổ chức đám cưới theo phong tục truyền thống và sống chung như vợ chồng, nhưng không được đăng ký kết hôn theo pháp luật Việt Nam.
Theo đó, cần lưu ý nếu các cặp đôi đồng tính sống chung với nhau có phát sinh mâu thuẫn và không còn chung sống cùng nhau thì việc phân chia tài sản, con cái sẽ phát sinh nhiều hệ quả pháp lý phức tạp do không tồn tại quan hệ hôn nhân trong trường hợp này.
3. Các trường hợp cấm kết hôn tại Việt Nam
Tại khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 có quy định các hành vi bị cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, Trong đó, các trường hợp cấm kết hôn tại Việt Nam bao gồm:
- Thứ nhất là cấm kết hôn giả tạo;
- Thứ hai là cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở kết hôn, lừa dối kết hôn,
- Thứ ba là cấm những người đang có vợ/chồng mà lại kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người mà chưa có vợ/chồng mà lại kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng/vợ;
- Thứ tư là cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu trực hệ; giữa những người có họ hàng trong phạm vi 3 đời; giữa cha/mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha dượng với con riêng của vợ, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, mẹ kế với con riêng của chồng;
Trên đây là thông tin về quyền kết hôn tại Việt Nam.