Thông tư 20/2014/TT-BCA quy trình cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy

thuộc tính Thông tư 20/2014/TT-BCA

Thông tư 20/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về quy trình cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy
Cơ quan ban hành: Bộ Công an
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:20/2014/TT-BCA
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông tư
Người ký:Trần Đại Quang
Ngày ban hành:20/05/2014
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: An ninh trật tự, An ninh quốc gia
 

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

tải Thông tư 20/2014/TT-BCA

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ CÔNG AN
-----------

Số: 20/2014/TT-BCA

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------
Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định về quy trình cứu nạn, cứu hộ của lực lượng
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy

-------------

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 21/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2014);

Căn cứ Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về quy trình cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nguyên tắc, trình tự thực hiện cứu nạn, cứu hộ; tiêu chuẩn, nhiệm vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện cứu nạn, cứu hộ; quan hệ phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ và bố trí cán bộ thường trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là cán bộ) làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ;
2. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các đơn vị, địa phương;
3. Công an các đơn vị, địa phương;
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ.
Điều 3. Tiêu chuẩn của cán bộ làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ
1. Cán bộ chỉ huy cứu nạn, cứu hộ phải tốt nghiệp trung cấp Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trở lên hoặc tốt nghiệp đại học trong, ngoài ngành Công an và phải được huấn luyện nghiệp vụ về công tác cứu nạn, cứu hộ.
2. Cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ phải được huấn luyện nghiệp vụ về công tác cứu nạn, cứu hộ.
Điều 4. Bố trí cán bộ thường trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ
1. Cán bộ thường trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ được bố trí thành các Tổ cứu nạn, cứu hộ. Mỗi tổ có ít nhất 06 cán bộ do một đồng chí làm Tổ trưởng và các tổ viên. Số lượng cán bộ trong một Tổ cứu nạn, cứu hộ do Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc Đội trưởng Đội Cứu nạn, cứu hộ quyết định.
2. Tùy theo đặc điểm, tình hình từng địa bàn, lãnh đạo các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bố trí số lượng các Tổ thường trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra các sự cố, tai nạn.
Điều 5. Nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy
1. Tuân thủ quy định tại Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ và nạn nhân, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.
3. Tiến hành kịp thời bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ và trước hết phải ưu tiên cho việc cứu người.
4. Thực hiện đúng Điều lệnh Công an nhân dân, đúng thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.
5. Nghiêm cấm lợi dụng nhiệm vụ được giao để sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.      
Điều 6. Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ
Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 65/2013/TT-BCA ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.                           
Chương II
TRÌNH TỰ THỰC HIỆN CỨU NẠN, CỨU HỘ VÀ NHIỆM VỤ CỦA CÁN BỘ, CHỈ HUY CỨU NẠN, CỨU HỘ
Điều 7. Tiếp nhận tin
1. Cán bộ trực thông tin khi tiếp nhận tin báo có sự cố, tai nạn xảy ra phải hỏi rõ các thông tin sau:
a) Họ, tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người báo tin;
b) Về sự cố, tai nạn gì; nguyên nhân sơ bộ xảy ra sự cố, tai nạn;
c) Thời gian, địa điểm xảy ra sự cố, tai nạn;
d) Thiệt hại ban đầu về người, tài sản.
2. Ngay sau khi nhận được tin, cán bộ nhận tin báo phải báo cáo về sự cố, tai nạn đã tiếp nhận cho lãnh đạo trực chỉ huy đơn vị và ghi vào sổ nhận tin báo về sự cố, tai nạn (mẫu số 01) các thông tin sau:
a) Họ, tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người báo tin; thời gian nhận tin báo;
b) Diễn biến, nguyên nhân sơ bộ xảy ra sự cố, tai nạn;
c) Thời gian, địa điểm xảy ra sự cố, tai nạn (ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, tại địa điểm thuộc thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố; xã, phường, thị trấn; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương);
d) Loại hình xảy ra sự cố, tai nạn;
đ) Thiệt hại ban đầu về người, tài sản;
e) Những thông tin khác liên quan đến sự cố, tai nạn.
Điều 8. Xử lý tin
Lãnh đạo trực chỉ huy đơn vị khi nhận được báo cáo về sự cố, tai nạn phải xử lý tin như sau:
1. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi nhận được tin báo về sự cố, tai nạn thì thông báo ngay cho Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc Đội Cứu nạn, cứu hộ nơi xảy ra sự cố, tai nạn thuộc phạm vi quản lý đến thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quy định; đồng thời, thông báo ngay cho chính quyền địa phương, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) và lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ nơi xảy ra sự cố, tai nạn đến thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và duy trì, bảo đảm an ninh, trật tự.
2. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi nhận được tin báo về sự cố, tai nạn thì thông báo ngay cho Đội Cứu nạn, cứu hộ nơi xảy ra sự cố, tai nạn thuộc phạm vi quản lý đến thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quy định và thông báo ngay cho chính quyền địa phương, Công an cấp huyện và lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ nơi xảy ra sự cố, tai nạn đến thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và duy trì, bảo đảm an ninh, trật tự; đồng thời, thông báo cho Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp huyện) biết về sự cố, tai nạn xảy ra trên địa bàn quản lý.
  3. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp huyện khi nhận được tin báo về sự cố, tai nạn thì thông báo ngay cho Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc Đội Cứu nạn, cứu hộ nơi xảy ra sự cố, tai nạn thuộc phạm vi quản lý đến thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quy định; đồng thời, thông báo ngay cho chính quyền địa phương, Công an cấp huyện và lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ nơi xảy ra sự cố, tai nạn đến thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và duy trì, bảo đảm an ninh, trật tự.
4. Công an cấp huyện khi nhận được tin báo về sự cố, tai nạn thuộc địa bàn quản lý thì phải cử ngay lực lượng đến hiện trường để duy trì, bảo đảm an ninh, trật tự, thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ ban đầu và điều tra, giải quyết sự cố, tai nạn theo quy định của pháp luật.
Trường hợp sự cố, tai nạn phức tạp cần phải tăng cường lực lượng để duy trì, bảo đảm an ninh, trật tự thì Công an cấp huyện nơi xảy ra sự cố, tai nạn phải báo cáo Công an cấp tỉnh trực tiếp quản lý để xin điều động các lực lượng như Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát giao thông và các lực lượng Công an khác đến hiện trường để bảo vệ khu vực tổ chức cứu nạn, cứu hộ, phân luồng giao thông và thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của chỉ huy cứu nạn, cứu hộ.
5. Trường hợp cán bộ trực chỉ huy đơn vị nhận được tin báo về sự cố, tai nạn xảy ra trên địa bàn không thuộc phạm vi quản lý thì phải thông báo đầy đủ thông tin nhận được cho đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quản lý địa bàn nơi xảy ra sự cố, tai nạn đến thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quy định.
Điều 9. Triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ đến địa điểm xảy ra sự cố, tai nạn
1. Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc Đội Cứu nạn, cứu hộ khi nhận được tin báo về sự cố, tai nạn thuộc phạm vi quản lý cần được cứu nạn, cứu hộ phải nhanh chóng phát lệnh điều động lực lượng, phương tiện đi cứu nạn, cứu hộ; quyết định số lượng các Tổ tham gia cứu nạn, cứu hộ; phương tiện, thiết bị chuyên dùng cho việc cứu nạn, cứu hộ và phân công cán bộ chỉ huy cứu nạn, cứu hộ.
2. Cán bộ được phân công chỉ huy cứu nạn, cứu hộ sau khi nhận lệnh phải thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:
a) Tập hợp lực lượng, điểm danh quân số tham gia cứu nạn, cứu hộ;
b) Kiểm tra phương tiện, thiết bị chuyên dùng cho việc cứu nạn, cứu hộ và trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân trang bị cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ;
c) Phổ biến nhanh cho cán bộ tham gia cứu nạn, cứu hộ những việc cần phải thực hiện trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ;
d) Quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, nếu gặp trở ngại, khó khăn, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ phải báo cáo về đơn vị trực tiếp quản lý, đồng thời tìm cách khắc phục khó khăn, trở ngại để đưa lực lượng, phương tiện đến nơi xảy ra sự cố, tai nạn. Nếu không có lệnh của lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý thì không được tự quyết định đưa lực lượng, phương tiện quay về;
đ) Trên đường đi cứu nạn, cứu hộ, nếu gặp vụ sự cố, tai nạn khác cần được cứu nạn, cứu hộ, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự cố, tại nạn để quyết định số lượng Tổ cứu nạn, cứu hộ và phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ ở lại thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và nhanh chóng báo cáo lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý để xin bổ sung lực lượng, phương tiện; đồng thời, tiếp tục triển khai nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ đã xác định.
Điều 10. Triển khai hoạt động cứu nạn, cứu hộ tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn
1. Khi đến hiện trường nơi xảy ra sự cố, tai nạn, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự cố, tai nạn, tổ chức trinh sát cứu nạn, cứu hộ để nắm tình hình vụ việc, khả năng bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện tiếp cận nơi xảy ra sự cố, tai nạn và quyết định các biện pháp cứu nạn, cứu hộ phù hợp, cụ thể:
a) Trường hợp vụ sự cố, tai nạn không nghiêm trọng, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ có thể trực tiếp quan sát và quyết định biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật cứu nạn, cứu hộ phù hợp để cứu người, phương tiện bị nạn;
b) Trường hợp sự cố, tai nạn nghiêm trọng, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ phải thành lập Tổ trinh sát cứu nạn, cứu hộ có tối thiểu từ 03 cán bộ trở lên để tổ chức trinh sát. Trường hợp sự cố, tai nạn xảy ra tại nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư hoặc cơ sở khác thì chỉ huy cứu nạn, cứu hộ có thể yêu cầu cán bộ của cơ sở đó tham gia giúp Tổ trinh sát thực hiện nhiệm vụ. Tổ trinh sát cứu nạn, cứu hộ khi thực hiện nhiệm vụ phải mang theo thiết bị bảo hộ cá nhân và phương tiện, thiết bị chuyên dùng cho việc trinh sát cứu nạn, cứu hộ.
Nhiệm vụ của Tổ trinh sát cứu nạn, cứu hộ:
- Xác định vị trí, tình trạng của người bị nạn, thiệt hại về người, tài sản; đường vào, ra nơi xảy ra sự cố, tai nạn và biện pháp cứu nạn, cứu hộ;
- Xác định các mối nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người bị nạn cũng như lực lượng cứu nạn, cứu hộ để đưa ra các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
- Xác định vị trí thích hợp để bố trí phương tiện, thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ;
- Xác định các dấu vết, vật chứng liên quan đến sự cố, tai nạn để phục vụ việc xác định nguyên nhân sự cố, tai nạn;
- Báo cáo kịp thời kết quả trinh sát và các thông tin có liên quan trong suốt quá trình trinh sát cho chỉ huy cứu nạn, cứu hộ.
2. Triển khai cứu nạn, cứu hộ
Cùng với tổ chức trinh sát cứu nạn, cứu hộ, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ có thể đồng thời triển khai cứu nạn, cứu hộ, cụ thể:
a) Triển khai đội hình cứu nạn, cứu hộ vào vị trí thực hiện nhiệm vụ;
b) Bố trí phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ phù hợp vào vị trí đã được xác định;
c) Quyết định việc tiếp cận và nhanh chóng đưa người, phương tiện bị nạn ra khỏi nơi nguy hiểm;
d) Trường hợp có nhiều người bị nạn mà không thể cùng lúc đưa tất cả những người bị nạn ra khỏi nơi nguy hiểm, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, tính mạng của từng người bị nạn để quyết định đưa người nào ra trước, người nào ra sau.
Điều 11. Nhiệm vụ của chỉ huy cứu nạn, cứu hộ
1. Chỉ huy việc cứu nạn, cứu hộ.
2. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Tổ trinh sát cứu nạn, cứu hộ và nhiệm vụ của các Tổ cứu nạn, cứu hộ.
3. Quyết định biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật cứu nạn, cứu hộ phù hợp để cứu người, phương tiện bị nạn.
4. Kiểm tra phương tiện, thiết bị chuyên dùng cho việc cứu nạn, cứu hộ và trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân trang bị cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.
5. Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan để bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc cứu nạn, cứu hộ.
6. Chỉ huy, điều hành các lực lượng được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ.
7. Tổ chức sơ cứu ban đầu và nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế nơi gần nhất.
8. Duy trì thông tin liên lạc về đơn vị trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ để báo cáo tình hình; trong quá trình cứu nạn, cứu hộ, nếu phát sinh các tình huống phức tạp, vượt quá khả năng xử lý, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ phải báo cáo lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý để xin ý kiến chỉ đạo.
Điều 12. Nhiệm vụ của cán bộ tham gia cứu nạn, cứu hộ
1. Chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy cứu nạn, cứu hộ.
2. Nắm vững nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ chung của Tổ cứu nạn, cứu hộ.
3. Kiểm tra, bảo quản, sử dụng trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân được trang bị khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.
4. Duy trì liên lạc với chỉ huy cứu nạn, cứu hộ và chủ động phối hợp cùng đồng đội trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.
5. Kịp thời báo cáo chỉ huy cứu nạn, cứu hộ về tình trạng người bị nạn, các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; khẩn trương cứu người bị nạn ra khỏi nơi nguy hiểm ngay khi có thể.
6. Quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dùng cho việc cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định.
Điều 13. Kết thúc nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ
1. Khi kết thúc nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ phải thực hiện các bước sau đây:
a) Lập biên bản cứu nạn, cứu hộ (mẫu số 02) và lập biên bản bàn giao cứu nạn, cứu hộ (mẫu số 03) theo quy định;
b) Tập hợp lực lượng, điểm danh quân số tham gia cứu nạn, cứu hộ và kiểm tra lại phương tiện, thiết bị chuyên dùng cho việc cứu nạn, cứu hộ trước khi trở về đơn vị;
c) Báo cáo Trung tâm thông tin chỉ huy cứu nạn, cứu hộ về việc kết thúc nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và cho lực lượng, phương tiện trở về đơn vị.
2. Khi về đến đơn vị, lãnh đạo đơn vị phải tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ theo quy định. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu cán bộ có nguy cơ bị phơi nhiễm độc, lãnh đạo đơn vị phải cho đến cơ sở y tế để khám, chữa trị theo quy định.
3. Chậm nhất sau 05 ngày, kể từ ngày kết thúc nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, lãnh đạo đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ phải tổ chức họp để rút kinh nghiệm, nhận xét, đánh giá những ưu điểm, tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và báo cáo kết quả lên lãnh đạo cấp trên trực tiếp quản lý. Trường hợp có nhiều đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tham gia thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên cùng địa bàn thì lãnh đạo đơn vị cấp trên trực tiếp của các đơn vị này phải chủ trì tổ chức họp rút kinh nghiệm. Kết quả họp rút kinh nghiệm được lập thành báo cáo (mẫu số 04) và gửi về Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Quy định về biểu mẫu để sử dụng trong công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy
1. Ban hành các biểu mẫu để sử dụng trong công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, bao gồm:
a) Sổ nhận tin báo về sự cố, tai nạn (Mẫu số 01);
b) Biên bản cứu nạn, cứu hộ (Mẫu số 02);
c) Biên bản bàn giao cứu nạn, cứu hộ (Mẫu số 03);
d) Báo cáo rút kinh nghiệm về thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ (Mẫu số 04).
2. Các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi in các biểu mẫu quy định tại khoản 1 Điều này phải in thống nhất trên khổ giấy A4 và không được tự ý thay đổi nội dung biểu mẫu; có trách nhiệm quản lý việc in, cấp phát, sử dụng biểu mẫu và có sổ sách để theo dõi.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8 tháng 7 năm 2014.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Thông tư này.
2. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Công an các đơn vị, địa phương, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để kịp thời hướng dẫn./.

 

BỘ TRƯỞNG



Đại tướng Trần Đại Quang

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản TIẾNG ANH
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất