Quyết định 20/2007/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về việc ban hành mô hình công sở mẫu cơ quan hành chính nhà nước
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 20/2007/QĐ-BXD
Cơ quan ban hành: | Bộ Xây dựng |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 20/2007/QĐ-BXD |
Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Nguyễn Hồng Quân |
Ngày ban hành: | 23/05/2007 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Xây dựng, Hành chính |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 20/2007/QĐ-BXD
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 20/2007/QĐ-BXD NGÀY 23 THÁNG 5 NĂM 2007
VỀ VIỆC BAN HÀNH MÔ HÌNH CÔNG SỞ MẪU CƠ QUAN
HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ngày 27/02/ 2007 của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010;
Căn cứ Quyết định số 169/2003/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới phương thức điều hành và hiện đại hóa công sở của hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn I (2003-2005);
Căn cứ Văn bản số 1724/VPCP-CN ngày 03 tháng 4 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng ban hành Quy định về mô hình công sở mẫu và các yêu cầu về tiêu chuẩn xây dựng công sở các cơ quan hành chính nhà nước;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khảo sát, Thiết kế xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành mô hình công sở mẫu cơ quan hành chính nhà nước làm cơ sở cho việc lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng mới, nâng cấp hoặc cải tạo công sở cơ quan hành chính nhà nước.
Điều 2. Mô hình công sở mẫu ban hành theo Quyết định này bao gồm:
1. Mô hình công sở của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là công sở cấp Bộ);
2. Mô hình công sở của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là công sở cấp tỉnh);
3. Mô hình công sở của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là công sở cấp huyện);
4. Mô hình công sở của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là công sở cấp xã).
Điều 3. Mục tiêu xây dựng công sở mẫu
1. Giúp cơ quan hành chính nhà nước thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ do nhà nước quy định, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đáp ứng được yêu cầu hiện đại hoá và cải cách hành chính của nhà nước.
2. Đảm bảo tính đồng bộ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; giúp cán bộ, công chức có môi trường và chỗ làm việc thuận lợi, được trang bị hiện đại, đủ điều kiện để hoàn thành tốt chức năng của cơ quan, thực hiện nhanh và có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Điều 4. Yêu cầu đối với việc xây dựng công sở
1. Địa điểm xây dựng công sở phải phù hợp với quy hoạch, thuận lợi về giao thông, có không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thông tin liên lạc đồng bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
2. Có quy mô phù hợp với công năng, đảm bảo an toàn, thuận lợi khi vận hành và bảo trì công trình, đáp ứng hoạt động với hiệu quả cao nhất của cơ quan, thuận lợi cho người dân kể cả người khuyết tật tiếp cận sử dụng, thuận tiện cho giao tiếp với cộng đồng và các cơ quan liên quan.
3. Có trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, tiện nghi, tiết kiệm.
4. Thể hiện được tính trang nghiêm, mỹ quan, dân tộc, hiện đại, phù hợp với cảnh quan, môi trường và điều kiện tự nhiên, khí hậu theo vùng lãnh thổ; đảm bảo an ninh, bảo mật khi vận hành kể cả đối với hệ thống kỹ thuật công trình theo quy định.
Điều 5. Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ thiết kế công sở
1. Nguyên tắc thiết kế:
Đảm bảo tính thích dụng, bền vững, hiện đại, mỹ quan, kinh tế, phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, tạo lập môi trường làm việc thuận lợi, thuận tiện cho giao tiếp với cộng đồng và các cơ quan liên quan.
2. Quy mô công sở:
a) Đảm bảo đủ diện tích cho hoạt động của các bộ phận trong cơ quan.
b) Cấp công trình: Cấp công trình theo quy định tại quy chuẩn xây dựng của Việt Nam.
c) Tiêu chuẩn áp dụng: áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam. Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn xây dựng của nước ngoài thực hiện theo quy chế áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam do Bộ Xây dựng ban hành.
3. Phân khu chức năng của công sở:
Căn cứ vào quy mô, tính chất của công sở, khi nghiên cứu phân khu chức năng cần lưu ý những yêu cầu sau:
a) Đảm bảo thuận tiện, hợp lý theo cơ cấu tổ chức của cơ quan, lấy văn phòng cơ quan làm trung tâm, có bố trí hợp lý trung tâm tích hợp dữ liệu, bộ phận lưu trữ tài liệu, thực hiện dây chuyền hoạt động theo cơ chế “một cửa” (các tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện giao dịch tại “một cửa”), hạn chế tối đa việc tiếp xúc với khách tại phòng làm việc.
b) Đại sảnh là nơi thực hiện các nghi lễ đón tiếp khách trong nước và khách quốc tế, phòng lễ tân, phòng tiếp khách, phòng kiểm tra an ninh (trường hợp cần thiết) và các phòng phục vụ khác được bố trí rộng rãi, thoáng đãng.
c) Phòng làm việc, phòng họp:
- Phòng làm việc cho lãnh đạo tương đương cấp Vụ trở lên bố trí riêng, kề liền với phòng tiếp khách và các phòng phục vụ, phụ trợ khác (tuỳ theo cấp lãnh đạo).
- Phòng làm việc cho các chuyên viên trong đơn vị bố cục theo không gian mở, đa năng, linh hoạt, đủ diện tích và chỗ làm việc theo số người. Mỗi chuyên viên có không gian làm việc riêng theo các ô hở (cabin), được lắp dựng đồng bộ theo tiêu chuẩn, được trang bị tiện nghi hiện đại.
- Phòng họp các loại (phòng họp lớn, phòng họp nhỏ, phòng họp của lãnh đạo, phòng hội thảo, hội trường...) bố trí tập trung hoặc phân tán tuỳ theo giải pháp bố cục kiến trúc. Phòng họp có diện tích phù hợp, được chiếu sáng đầy đủ, thông thoáng tốt. Ngoài các phòng họp còn có các phòng phục vụ, phòng kỹ thuật cần thiết.
- Các phòng họp được bố trí hợp lý, không ảnh hưởng đến các phòng làm việc. Các phòng nghỉ giải lao, tiền phòng, ban công, lôgia... phục vụ cho phòng họp được bố trí gần phòng họp, thuận tiện giao thông.
d) Các không gian giao thông bao gồm không gian sảnh, hành lang, tiền phòng, cầu thang các loại (thang máy, thang bộ…) là các không gian mang tính công cộng được bố trí hợp lý, đảm bảo chiếu sáng và thông thoáng tự nhiên, đảm bảo thoát hiểm khi có sự cố.
Tuỳ theo vị trí không gian là nơi giao tiếp, trao đổi công việc hoặc giải lao, có thể kết hợp tạo thành các không gian sinh thái trong cơ quan.
đ) Trung tâm kỹ thuật, bộ phận an ninh, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy:
- Trung tâm kỹ thuật vận hành, kiểm tra các thiết bị, điều khiển hệ thống điện, điều hoà không khí, âm thanh, ánh sáng có hệ thống điều khiển độc lập, đảm bảo yêu cầu bí mật, tiết kiệm, thuận lợi cho hoạt động theo chức năng của cơ quan.
- Bộ phận an ninh, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy gồm hệ thống các camera quan sát các hoạt động chính của cơ quan, hệ thống điều khiển phòng cháy chữa cháy để phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố.
4. Hệ thống kỹ thuật công trình và trang thiết bị kỹ thuật:
a) Hệ thống kỹ thuật công trình và trang thiết bị kỹ thuật phải hiện đại, phù hợp với nhiệm vụ của các đơn vị, cá nhân thuộc cơ quan. Bố trí mạng nội bộ (LAN) và nối mạng với bên ngoài.
b) Hệ thống kỹ thuật công trình được thiết kế, lắp đặt đồng bộ, bố trí ngầm trong sàn, tường, trần trong điều kiện có thể. Các đường ống kỹ thuật, hộp kỹ thuật, mạng ống dây dẫn đảm bảo bố trí các trang bị kỹ thuật về thông tin liên lạc, điện tử, âm thanh, an ninh, phòng cháy chữa cháy, thông hơi, điều hòa không khí, sưởi ấm, cấp điện, cấp nước, thoát nước...
c) Hệ thống kỹ thuật công trình bố trí ngầm nhưng thuận tiện cho sửa chữa, thay thế mới. Các ổ cắm (tiếp nối) ở sàn, tường, trần thuận tiện cho trang trí nội thất, thuận tiện cho sử dụng, dễ dàng thay thế mới khi cần thiết.
5. Nội thất của công sở:
a) Bàn, ghế, tủ tài liệu, rèm cửa, đồ dùng văn phòng... được thiết kế, lắp đặt đồng bộ, hiện đại theo quy cách và tiêu chuẩn của nhà nước. Vật liệu trang trí có chất lượng tốt, màu sắc đẹp, phù hợp, không độc hại hoặc gây mệt mỏi cho người làm việc.
b) Tranh, ảnh, điêu khắc, cây xanh trang trí được lựa chọn, bố cục hợp lý, có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động chính của phòng.
c) Trang trí các phòng họp, hội thảo, hội trường, lễ tân… tuân thủ hướng dẫn chung của nhà nước.
6. Ngoại thất của công sở:
a) Công sở phải có sân vườn, chỗ để xe (cho cán bộ công chức và khách đến giao dịch làm việc).
b) Căn cứ vào diện tích, địa hình khuôn viên công sở để bố trí sân, vườn, cây xanh (cây bóng mát, cây cảnh...), có quy hoạch trồng cây xanh, tạo môi trường kiến trúc sinh thái. Có thể bố trí các tượng nghệ thuật, biểu tượng cơ quan, tạo cảnh quan đẹp cho công sở.
c) Căn cứ vào số lượng xe của cán bộ công chức và khách đến giao dịch làm việc để bố trí chỗ để xe, tầng hầm để xe. Bố trí giao thông ra vào công sở rõ ràng, hợp lý, phù hợp với tiêu chuẩn, thuận tiện cho việc bảo vệ và tránh ùn tắc khi có sự cố.
7. Đảm bảo yêu cầu tiếp cận sử dụng cho người khuyết tật.
8. Sử dụng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tiên tiến. Đáp ứng yêu cầu chất lượng xây dựng và các yêu cầu khác của công sở; đảm bảo các chi phí xây dựng, vận hành, bảo trì công trình hợp lý.
Căn cứ những nội dung chủ yếu trên của nhiệm vụ thiết kế và tuỳ thuộc các loại hình công sở cụ thể mà thực hiện đầy đủ hoặc giảm bớt nội dung cho phù hợp.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 7. Điều khoản thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan phản ánh về Bộ Xây dựng để nghiên cứu và hướng dẫn giải quyết./.
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Quân
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây