Quyết định 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước

thuộc tính Quyết định 22/2018/QĐ-TTg

Quyết định 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:22/2018/QĐ-TTg
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành:08/05/2018
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tư pháp-Hộ tịch

TÓM TẮT VĂN BẢN

Xây dựng hương ước, quy ước phải có sự tán thành của 50% cử tri

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ngày 09/05/2018.

Theo đó, thủ tục soạn thảo hương ước, quy ước như sau:

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức Hội nghị của thôn, tổ dân phố lấy ý kiến về chủ trương xây dựng hương ước, quy ước, những nội dung cơ bản dự kiến quy định trong hương ước, quy ước;

- Trường hợp có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành chủ trương xây dựng hương ước, uy ước, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận lựa chọn, cử người tham gia Tổ soạn thảo hương ước, quy ước;

Thêm vào đó, hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung, thay thế khi: Có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, trái phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình; Cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Xem chi tiết Quyết định22/2018/QĐ-TTg tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

Số: 22/2018/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2018

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20 tháng 4 năm 2007;

Căn cứ Nghị quyết liên tịch s 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi Điều chỉnh
a) Nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; phạm vi nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước;
b) Thẩm quyền, Điều kiện, thủ tục công nhận hương ước, quy ước;
c) Xử lý hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc trái phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt hoặc phong tục, tập quán tốt đẹp khác theo quy định của pháp luật hoặc vi phạm quy định về biểu quyết thông qua, công nhận hương ước, quy ước (sau đây gọi chung là hương ước, quy ước vi phạm);
d) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
2. Đối tượng áp dụng
Quyết định này áp dụng đối với cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và tương đương (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Điều 2. Hương ước, quy ước
Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm Điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Quyết định này.
Điều 3. Mục đích xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
1. Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở.
2. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
1. Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư.
2. Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư.
3. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.
4. Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới.
5. Không đặt ra các Khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.
Điều 5. Phạm vi nội dung, hình thức của hương ước, quy ước
1. Nội dung của hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư và Mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Quyết định này.
2. Hương ước, quy ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
3. Ngôn ngữ trong hương ước, quy ước là tiếng Việt, được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với cộng đồng dân cư.
Đối với thôn, tổ dân phố có nhiều dân tộc cùng sinh sống và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố xem xét, quyết định việc dịch hương ước, quy ước sang tiếng dân tộc thiểu số để bảo đảm huy động đông đảo người dân tham gia ý kiến, biểu quyết thông qua dự thảo hương ước, quy ước và thực hiện sau khi được công nhận.
4. Việc lựa chọn tên gọi “Hương ước” hoặc “Quy ước” do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định.
Chương II
XÂY DỰNG, CÔNG NHẬN, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THAY THẾ HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC
Điều 6. Soạn thảo hương ước, quy ước
1. Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức Hội nghị của thôn, tổ dân phố lấy ý kiến về chủ trương xây dựng hương ước, quy ước và những nội dung cơ bản dự kiến quy định trong hương ước, quy ước.
2. Trường hợp có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành chủ trương xây dựng hương ước, quy ước, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận lựa chọn, cử người tham gia Tổ soạn thảo hương ước, quy ước.
3. Tổ soạn thảo có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo hương ước, quy ước. Thành viên Tổ soạn thảo hương ước, quy ước phải là người có uy tín trong cộng đồng dân cư; có phẩm chất đạo đức tốt; có kinh nghiệm sống và có hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương; có đại diện phụ nữ tham gia. Đối với thôn, tổ dân phố vùng dân tộc thiểu số thì thành viên Tổ soạn thảo phải có sự tham gia của người dân tộc thiểu số biết tiếng dân tộc thiểu số.
Điều 7. Lấy ý kiến dự thảo hương ước, quy ước
1. Dự thảo hương ước, quy ước trước khi đưa ra cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn, biểu quyết thông qua phải được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, bảng tin công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng hoặc địa điểm khác bảo đảm thuận tiện để hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố tiếp cận, tìm hiểu và góp ý. Thời hạn niêm yết do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định nhưng ít nhất là 30 ngày kể từ ngày niêm yết.
2. Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố về dự thảo hương ước, quy ước bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Sao gửi dự thảo hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình, cá nhân;
b) Mở hòm thư tiếp nhận ý kiến góp ý;
c) Lồng ghép, lấy ý kiến góp ý trong cuộc họp, hội nghị của thôn, tổ dân phố hoặc hình thức phù hợp khác.
Việc lựa chọn hình thức lấy ý kiến do Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố quyết định phù hợp với Điều kiện thực tế ở địa phương.
3. Việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan do Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố quyết định nếu xét thấy cần thiết. Việc lấy ý kiến được thực hiện bằng một trong các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Tổ soạn thảo hương ước, quy ước có trách nhiệm tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo hương ước, quy ước trên cơ sở ý kiến của hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
Điều 8. Thông qua hương ước, quy ước
1. Việc bàn, biểu quyết thông qua hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố được thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Tổ chức họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình;
b) Phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.
2. Hương ước, quy ước được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.
3. Trình tự, thủ tục bàn, biểu quyết thông qua hương ước, quy ước thực hiện theo quy định tại Điều 1, Điều 2, Điều 3, Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Điều 9. Công nhận hương ước, quy ước
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước.
2. Hương ước, quy ước được công nhận khi có đủ các Điều kiện sau đây:
a) Phạm vi nội dung, hình thức của hương ước, quy ước phù hợp với quy định tại Điều 5 của Quyết định này;
b) Hương ước, quy ước được xây dựng tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định này.
3. Trình tự, thủ tục công nhận hương ước, quy ước thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
4. Hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước được gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ủy ban nhân dân cấp huyện. Hồ sơ bao gồm:
a) Dự thảo hương ước, quy ước đã được cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố thông qua có đủ chữ ký của Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố;
b) Biên bản xác nhận kết quả cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn, biểu quyết thông qua hương ước, quy ước;
c) Công văn đề nghị công nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã);
d) Tài liệu khác (nếu có).
5. Hương ước, quy ước có giá trị thi hành kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định công nhận.
6. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi hương ước, quy ước cho Ủy ban nhân dân cấp xã để theo dõi, quản lý và Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố để tổ chức thực hiện.
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước
1. Hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung, thay thế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc trái phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt hoặc trái phong tục, tập quán tốt đẹp khác theo quy định của pháp luật;
b) Cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước phù hợp với quy định tại Điều 5 của Quyết định này.
2. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước thực hiện theo trình tự, thủ tục xây dựng, công nhận hương ước, quy ước quy định từ Điều 6 đến Điều 9 của Quyết định này. Trong trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này thì không cần tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về chủ trương sửa đổi, bổ sung theo quy định.
Chương III
THỰC HIỆN HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC
Điều 11. Thông tin, phổ biến về nội dung của hương ước, quy ước
1. Hương ước, quy ước đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận phải được thông tin, phổ biến kịp thời, rộng rãi đến các hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố để biết, thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Hội nghị của thôn, tổ dân phố;
b) Niêm yết công khai tại nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng;
c) Thông tin trên mạng lưới thông tin cơ sở;
d) Sao gửi hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình, cá nhân;
đ) Hình thức khác phù hợp với Điều kiện thực tế của cộng đồng dân cư.
2. Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức các hoạt động thông tin, phổ biến nội dung của hương ước, quy ước cho hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố.
3. Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức hỗ trợ thôn, tổ dân phố tổ chức thông tin, phổ biến, truyền thông và thực hiện hương ước, quy ước.
Điều 12. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong thực hiện hương ước, quy ước
1. Hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố có trách nhiệm tự tìm hiểu, tôn trọng, tuân thủ và thực hiện hương ước, quy ước đã được công nhận.
2. Khi phát hiện hành vi vi phạm hương ước, quy ước, hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố có trách nhiệm nhắc nhở, đề nghị chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả hoặc phản ánh, kiến nghị với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận hoặc người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, tổ dân phố để xem xét, giải quyết theo quy định của hương ước, quy ước.
3. Khi phát hiện hương ước, quy ước vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 15 và Khoản 1 Điều 16 của Quyết định này, hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố có trách nhiệm phản ánh, kiến nghị với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận để rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hương ước, quy ước vi phạm theo quy định tại Quyết định này.
Điều 13. Kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện hương ước, quy ước
1. Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương.
2. Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, tổ dân phố vận động hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố thực hiện hương ước, quy ước; vận động xóa bỏ, không áp dụng phong tục, tập quán lạc hậu, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
3. Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố với Ủy ban nhân dân cấp xã; tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết kiến nghị của hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; định kỳ hằng năm đánh giá việc thực hiện hương ước, quy ước; rà soát, phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước hoặc kiến nghị xử lý hương ước, quy ước vi phạm.
4. Khuyến khích già làng, trưởng ban, người đứng đầu dòng họ, người cao tuổi, chức sắc tôn giáo và những cá nhân có uy tín khác trong cộng đồng dân cư tuyên truyền, vận động, nhắc nhở hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố tuân thủ và thực hiện hương ước, quy ước.
5. Khuyến khích hòa giải viên ở cơ sở tham khảo, vận dụng hương ước, quy ước để hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình hòa giải tại cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Chương IV
XỬ LÝ HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC VI PHẠM
Điều 14. Thẩm quyền, hình thức xử lý
1. Thẩm quyền xử lý hương ước, quy ước vi phạm
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hương ước, quy ước thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 15 và Khoản 1 Điều 16 của Quyết định này;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hương ước, quy ước quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 16 của Quyết định này trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật.
2. Hình thức xử lý hương ước, quy ước vi phạm bao gồm:
a) Tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước;
b) Bãi bỏ hương ước, quy ước.
Điều 15. Tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước
1. Hương ước, quy ước bị tạm ngừng thực hiện một Phần hoặc toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nội dung quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 10 của Quyết định này và nếu áp dụng sẽ gây ra thiệt hại hoặc có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Chưa được Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận mà vẫn thực hiện.
2. Khi có căn cứ quy định tại điểm a hoặc điểm b Khoản 1 Điều này, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn thôn, tổ dân phố tiến hành việc sửa đổi, bổ sung, thay thế khi thuộc trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này hoặc tiến hành các thủ tục đề nghị công nhận theo quy định khi thuộc trường hợp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này.
3. Quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước phải quy định rõ thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hoàn tất các thủ tục đề nghị công nhận theo quy định.
4. Quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và hết hiệu lực khi quyết định bãi bỏ hoặc công nhận hương ước, quy ước có hiệu lực pháp luật hoặc hương ước, quy ước sửa đổi, bổ sung, thay thế có giá trị thi hành.
Điều 16. Bãi bỏ hương ước, quy ước
1. Hương ước, quy ước bị bãi bỏ một Phần hoặc toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị tạm ngừng thực hiện theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 15 của Quyết định này nhưng đã hết thời hạn quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà thôn, tổ dân phố không tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế;
b) Đã được công nhận nhưng không bảo đảm Điều kiện thông qua theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Quyết định này.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn quy định tại quyết định tạm ngừng thực hiện đối với hương ước, quy ước thuộc trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này hoặc kể từ ngày có căn cứ hương ước, quy ước thuộc trường hợp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý hương ước, quy ước vi phạm xem xét, ra quyết định bãi bỏ một Phần hoặc toàn bộ nội dung hương ước, quy ước.
3. Việc bãi bỏ làm chấm dứt giá trị thi hành của hương ước, quy ước kể từ ngày Quyết định bãi bỏ có hiệu lực pháp luật.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quyết định này trên phạm vi cả nước, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc triển khai thực hiện pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;
c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;
d) Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;
đ) Hướng dẫn việc ghi nhận các phong tục, tập quán tiến bộ; vận động xóa bỏ, không áp dụng phong tục, tập quán lạc hậu trong hương ước, quy ước;
e) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trả lời kiến nghị, phản ánh, khen thưởng và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong phạm vi cả nước; chỉ đạo, hướng dẫn việc xử lý hương ước, quy ước vi phạm;
g) Thống kê, báo cáo, sơ kết, tổng kết về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan kiểm tra, kiến nghị việc xử lý hương ước, quy ước vi phạm do có nội dung trái pháp luật, xâm phạm các quyền con người, quyền công dân.
3. Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nội dung quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều này.
4. Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn về kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
5. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với lĩnh vực được giao quản lý.
6. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g Khoản 1 Điều này tại địa phương và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định này.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng, thực hiện tốt hương ước, quy ước và pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa và Thể thao), Phòng Văn hóa - Thông tin, công chức Văn hóa - Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp, công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 18. Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
2. Kinh phí xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư tự bảo đảm. Khuyến khích việc hỗ trợ, đóng góp kinh phí, Điều kiện cần thiết khác trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Điều 19. Quy định chuyển tiếp
1. Hương ước, quy ước đã được công nhận hoặc phê duyệt theo Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Quyết định này được tiếp tục thi hành.
2. Hương ước, quy ước đã được công nhận hoặc phê duyệt theo Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành mà không phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Quyết định này hoặc không đúng thẩm quyền công nhận phải được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc tiến hành thủ tục công nhận theo quy định tại Quyết định này trước ngày 31 tháng 12 năm 2018.
3. Kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, hương ước, quy ước chưa được công nhận phải được tiến hành thủ tục công nhận theo quy định tại Quyết định này.
Điều 20. Điều Khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
2. Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, PL (2). PC

THỦ TƯỚNG




 

 

 

 

 

Nguyễn Xuân Phúc

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 2134/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua đặc biệt “Đẩy nhanh tiến độ, về đích sớm, hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ các phong trào thi đua của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2021 – 2025, lập thành tích xuất sắc chào mừng Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945- 28/8/2025) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI”

Thi đua-Khen thưởng-Kỷ luật, Tư pháp-Hộ tịch

Quyết định 501/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021 trong năm 2018

Lao động-Tiền lương, Chính sách, Tư pháp-Hộ tịch

văn bản mới nhất