Thông tư liên tịch 90/2001/TTLT-BTC-BGTVT của Bộ Tài chính và Bộ giao thông vận tải về việc hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn NSNN và nguồn thu phí cầu đường bộ để trả nợ vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đối với các dự án giao thông
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông tư liên tịch 90/2001/TTLT-BTC-BGTVT
Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Tài chính |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 90/2001/TTLT-BTC-BGTVT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Người ký: | Phạm Duy Anh; Vũ Văn Ninh |
Ngày ban hành: | 09/11/2001 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Thuế-Phí-Lệ phí, Giao thông |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Thông tư liên tịch 90/2001/TTLT-BTC-BGTVT
THÔNG TƯ
LIÊN TỊCH
TÀI CHÍNH - GIAO THÔNG VẬN TẢI
SỐ 90/2001/TTLT-BTC-BGTVT NGÀY 9 THÁNG 11 NĂM
2001
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, THANH TOÁN VỐN NSNN VÀ NGUỒN THU
PHÍ CẦU ĐƯỜNG BỘ ĐỂ TRẢ NỢ VỐN VAY TÍN
DỤNG ĐẦU TƯ
PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC DỰ
ÁN GIAO THÔNG
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29/6/1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;
Căn cứ các văn bản của Chính phủ số 441/TTg ngày 2/7/1996, số 1316/CP-CN ngày 4/11/1998, số 1183/CP-CN ngày 6/10/1998, số 86/TB-VPCP ngày 18/4/1998, số 5198/VPCP-CN ngày 18/12/1998, số 953/QĐ-TTg ngày 29/9/2000 và các Quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án giao thông bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển, trả nợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn thu phí cầu đường bộ;
Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn NSNN và nguồn thu phí cầu đường bộ để trả nợ vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đối với các dự án giao thông như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng: các dự án giao thông được quyết định đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước), trả nợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (vốn NSNN) hoặc nguồn thu phí cầu đường bộ.
2. Các chủ đầu tư thực hiện quản lý đầu tư dự án đến khi hoàn thành bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng và chịu trách nhiệm quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. Việc quản lý, thanh toán vốn trong quá trình thực hiện dự án được thực hiện theo các quy định hiện hành. Thông tư này chỉ quy định việc quản lý, thanh toán từ khi dự án bắt đầu trả nợ cho đến khi kết thúc trả nợ vốn vay tín dụng ĐTPT của Nhà nước.
3. Cục Đường bộ Việt Nam (Cục ĐBVN), các chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý vốn NSNN và nguồn thu phí cầu đường bộ để trả nợ vốn vay tín dụng ĐTPT của Nhà nước đầu tư cho dự án; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW có trách nhiệm bố trí đủ nguồn vốn NSĐP để trả nợ lãi vay đối với các dự án do NSĐP trả lãi; Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm bố trí đủ vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSTW và nguồn thu phí cầu đường bộ để trả nợ vốn vay tín dụng ĐTPT của Nhà nước.
4. Đối với nhóm các dự án trả nợ gốc và lãi hoặc chỉ trả lãi bằng nguồn thu phí cầu đường bộ thì nguồn trả nợ bằng nguồn thu phí cầu đường bộ của bản thân các dự án đó, sau khi trừ đi chi phí cho công tác tổ chức thu theo dự toán của cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp nguồn thu phí cầu đường bộ của bản thân dự án không đủ để trả nợ, các dự án này được điều hoà nguồn thu phí cầu đường bộ của nhóm dự án này để bố trí trả nợ khi đến hạn.
Riêng các dự án Đường Láng - Hoà Lạc, Quốc lộ 14, Quốc lộ 51 thực hiện theo Thông tư liên tịch Tài chính - Giao thông vận tải số 69/2000/TTLT-BTC-BGTVT ngày 14/7/2000.
5. Việc thanh toán trả nợ vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước được thực hiện tại Kho bạc nhà nước (KBNN). KBNN chịu trách nhiệm thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ để chuyển trả cho các tổ chức cho vay.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và trả nợ vốn vay:
- Chủ đầu tư:
+ Các dự án trả nợ cả gốc và lãi bằng nguồn vốn NSTW.
+ Các dự án trả nợ gốc bằng nguồn vốn NSTW, trả lãi bằng nguồn vốn NSĐP.
- Cục Đường bộ Việt Nam:
+ Các dự án trả nợ cả gốc và lãi bằng nguồn thu phí cầu đường bộ.
+ Các dự án trả nợ gốc bằng nguồn vốn NSTW, trả lãi bằng nguồn thu phí cầu đường bộ.
2. Công tác bàn giao hồ sơ tài liệu:
Đối với các dự án do Cục ĐBVN trả nợ, việc bàn giao hồ sơ tài liệu giữa chủ đầu tư và Cục ĐBVN được thực hiện như sau:
2.1- Khi dự án hoàn thành và đã được thanh toán xong bằng nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước, chủ đầu tư có trách nhiệm quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng theo quy định và bàn giao toàn bộ hồ sơ vay vốn, giá trị khoản vay (gốc, lãi) đến thời điểm bàn giao, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được duyệt cho Cục ĐBVN quản lý theo dõi trả nợ. Việc bàn giao nợ phải được lập biên bản và được 3 bên cùng ký bao gồm chủ đầu tư, Cục ĐBVN và cơ quan cho vay vốn. Hồ sơ bàn giao là cơ sở để Cục ĐBVN lập kế hoạch, thanh toán trả nợ vốn vay hàng năm.
2.2- Đến thời điểm trả nợ vốn vay mà dự án thuộc các trường hợp dưới đây:
- Dự án chưa giải ngân hết: chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục với cơ quan cho vay vốn để hoàn thành việc giải ngân cho dự án;
- Dự án đang thực hiện đầu tư dở dang, chưa hoàn thành bàn giao mà đã đến thời điểm trả nợ vốn vay hoặc do dự án có vốn trả nợ trước hạn;
- Dự án hoàn thành nhưng chưa được duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành;
Chủ đầu tư vẫn bàn giao toàn bộ hồ sơ vay vốn, (bản sao có xác nhận đóng dấu của chủ đầu tư) giá trị khoản vay (gốc, lãi) đến thời điểm phải trả nợ của dự án cho Cục ĐBVN để quản lý theo dõi và trả nợ. Sau khi dự án hoàn thành và được duyệt quyết toán vốn đầu tư thì tiếp tục bàn giao hồ sơ vay vốn như quy định tại điểm 2.1 phần II của Thông tư này. Chủ đầu tư, Cục ĐBVN và cơ quan cho vay vốn thống nhất thời điểm bàn giao tiếp số nợ vay còn lại.
3. Lập và giao kế hoạch năm:
3.1- Lập kế hoạch:
Trong thời gian lập dự toán ngân sách hàng năm, căn cứ hợp đồng tín dụng và kế hoạch trả nợ của dự án, chủ đầu tư, Cục ĐBVN lập kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN và nguồn thu phí cầu đường bộ theo quy định hiện hành cho từng dự án gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh (đối với các dự án do NSĐP trả lãi).
- Đối với các dự án trả nợ cả gốc và lãi bằng nguồn NSTW hoặc trả nợ gốc bằng nguồn NSTW, trả lãi bằng nguồn NSĐP:
+ Chủ đầu tư lập kế hoạch với Bộ Giao thông vận tải để trả nợ gốc và lãi vay từ nguồn vốn NSTW.
+ Chủ đầu tư lập kế hoạch với UBND tỉnh để trả nợ lãi vay từ nguồn vốn NSĐP.
- Đối với các dự án trả nợ cả gốc và lãi bằng nguồn vốn thu phí cầu đường bộ hoặc trả nợ gốc bằng nguồn NSTW, trả lãi bằng nguồn thu phí cầu đường bộ:
+ Cục Đường bộ Việt Nam lập kế hoạch với Bộ Giao thông vận tải để trả nợ gốc từ nguồn vốn NSTW, trả lãi bằng nguồn thu phí cầu đường bộ.
+ Cục ĐBVN lập kế hoạch với Bộ Giao thông vận tải trả nợ gốc và lãi vay từ nguồn thu phí cầu đường bộ.
- Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, lập kế hoạch vốn đầu tư các dự án được trả nợ bằng nguồn vốn NSTW gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lập kế hoạch vốn các dự án trả nợ bằng nguồn thu phí cầu đường bộ gửi Bộ Tài chính.
- UBND tỉnh tổng hợp kế hoạch vốn đối với các dự án do NSĐP trả lãi trong kế hoạch đầu tư XDCB hàng năm để báo cáo thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3.2- Thông báo kế hoạch:
- Sau khi có kế hoạch Nhà nước giao, Bộ Giao thông vận tải triển khai kế hoạch vốn đầu tư và nguồn thu phí cầu đường bộ cho từng dự án gửi Bộ Tài chính để rà soát và thông báo kế hoạch thanh toán vốn đầu tư theo từng dự án sang Kho bạc nhà nước.
- Đối với các dự án do NSĐP trả lãi vay, UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư cho từng dự án và giao kế hoạch cho các đơn vị thực hiện.
3.3- Khuyến khích việc bố trí vốn để dự án trả nợ sớm hơn thời hạn quy định. Chủ đầu tư, Cục ĐBVN thống nhất với tổ chức cho vay về việc trả nợ trước hạn.
4. Thanh toán:
4.1- Mở tài khoản:
- Đối với các dự án trả nợ cả gốc và lãi bằng nguồn NSTW hoặc trả nợ gốc bằng nguồn NSTW, trả lãi bằng nguồn NSĐP, chủ đầu tư mở tài khoản giao dịch, thanh toán cho từng dự án tại KBNN tỉnh, nơi chủ đầu tư đã vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước.
- Đối với các dự án trả nợ cả gốc và lãi bằng nguồn vốn thu phí cầu đường bộ hoặc trả nợ gốc bằng nguồn NSTW, trả lãi bằng nguồn thu phí cầu đường bộ, Cục ĐBVN mở tài khoản giao dịch, thanh toán cho từng dự án tại KBNNTW; đồng thời Cục ĐBVN mở một tài khoản tại KBNNTW để tiếp nhận nguồn vốn trả nợ từ nguồn thu phí cầu đường bộ.
4.2- Hồ sơ và kiểm soát thanh toán:
4.2.1- Hồ sơ thanh toán:
Chủ đầu tư, Cục ĐBVN gửi hồ sơ thanh toán tới KBNN (nơi dự án mở tài khoản thanh toán) như sau:
- Gửi lần đầu: toàn bộ tài liệu ban đầu của dự án gồm Quyết định đầu tư, Quyết định phê duyệt TKKT-TDT (bản sao y bản chính hai quyết định có đóng dấu của chủ đầu tư, Cục ĐBVN), hợp đồng tín dụng (kể cả bổ sung nếu có), khế ước nhận nợ (bản sao y bản chính có đóng dấu của cơ quan cho vay), quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được duyệt, biên bản bàn giao nợ (trường hợp dự án trả nợ bằng nguồn vốn NSTW và nguồn thu phí cầu đường bộ).
- Gửi mỗi lần rút vốn thanh toán để trả nợ: đề nghị thanh toán của chủ đầu tư hoặc Cục ĐBVN, thông báo về trả nợ gốc, lãi từng lần của cơ quan cho vay vốn (nếu có).
- Gửi hồ sơ bàn giao bổ sung (nếu có) trong các trường hợp quy định tại điểm 2.2 phần II của Thông tư này.
Trường hợp đến thời điểm thanh toán trả nợ cho cơ quan cho vay, dự án chưa được duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, KBNN căn cứ hồ sơ quy định trên (trừ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được duyệt) để thanh toán vốn cho dự án, đồng thời chuyển tiền cho cơ quan cho vay; nhưng đợt thanh toán vốn cho dự án trả nợ lần cuối cùng nhất thiết dự án phải có quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được duyệt.
Trường hợp dự án đang thực hiện đầu tư dở dang, chưa hoàn thành bàn giao mà đã đến hạn trả nợ hoặc dự án có vốn trả nợ trước hạn thì việc mở tài khoản, lập kế hoạch, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư và xử lý phát sinh trong và sau quá trình trả nợ và việc bàn giao hồ sơ tài liệu trả nợ (nếu có) được thực hiện như đối với dự án đầu tư hoàn thành và bắt đầu trả nợ vốn tín dụng.
Giá trị dự án theo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được duyệt và số tiền lãi phải trả trong thời gian trả nợ của dự án là mức vốn tối đa mà chủ đầu tư hoặc Cục ĐBVN được thanh toán để trả nợ cho các tổ chức cho vay.
Trong trường hợp thanh toán để trả nợ sớm hơn thời hạn quy định, hồ sơ thanh toán chỉ cần đề nghị thanh toán của chủ đầu tư hoặc Cục ĐBVN và thoả thuận của tổ chức cho vay.
4.2.2- Kiểm soát thanh toán:
- KBNN chỉ kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ thanh toán và số tiền thanh toán từng lần, không kiểm soát giá trị khối lượng XDCB hoàn thành đã được tổ chức cho vay kiểm soát khi giải ngân. Việc kiểm soát giá trị khối lượng XDCB hoàn thành được thanh toán của dự án do tổ chức cho vay chịu trách nhiệm.
- Căn cứ đề nghị của chủ đầu tư hoặc Cục ĐBVN, hồ sơ thanh toán và nguồn thực có (đối với nguồn thu phí cầu đường bộ), trong vòng 2 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, KBNN có trách nhiệm kiểm tra, thanh toán vốn cho dự án, đồng thời chuyển tiền cho tổ chức cho vay.
5. Việc thu phí cầu đường bộ của các dự án sau khi đầu tư xong được thực hiện theo quy định hiện hành. Các dự án quyết định trả nợ bằng nguồn thu phí cầu đường bộ được ưu tiên hoàn trả vốn vay sau khi trừ đi chi phí cho bộ phận thực hiện thu phí. Trường hợp nguồn thu phí cầu đường bộ của các dự án này sau khi đã điều hoà mà vẫn không đủ để trả nợ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ quyết định.
6. Quyết toán vốn đầu tư, xử lý phát sinh trong và sau quá trình trả nợ:
6.1- Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành:
Sau khi dự án đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành về chế độ quyết toán vốn đầu tư.
6.2- Xử lý các phát sinh trong và sau khi dự án trả nợ:
- Trường hợp tổng số nợ vay lớn hơn giá trị dự án theo quyết toán được duyệt, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi phần vốn chênh lệch để hoàn trả cho tổ chức cho vay.
- Số lãi vay phát sinh trong quá trình trả nợ được các chủ đầu tư, Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục theo dõi cho tới khi trả hết nợ và tính vào giá trị đầu tư của dự án để bàn giao tiếp cho đơn vị quản lý, sử dụng.
- Sau khi dự án đã trả hết nợ, các chủ đầu tư, Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm lập báo cáo tình hình trả nợ và kiến nghị giải quyết phát sinh gửi Bộ Giao thông vận tải để xử lý sau quyết toán cho dự án (chuyển nguồn vốn của dự án) để bàn giao tiếp số vốn đầu tư cho đơn vị quản lý, sử dụng.
7. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan:
7.1- Bộ Giao thông vận tải:
Chịu trách nhiệm tổng hợp và triển khai kế hoạch trả nợ cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư XDCB hàng năm Nhà nước giao, kế hoạch trả nợ từ nguồn thu phí cầu đường bộ để có nguồn vốn trả nợ cho các tổ chức cho vay; phê duyệt quyết toán dự án đầu tư hoàn thành theo quy định và xử lý sau quyết toán dự án hoàn thành.
7.2- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (đối với các dự án trả lãi vay bằng nguồn vốn NSĐP):
Chịu trách nhiệm tổng hợp và triển khai kế hoạch trả nợ lãi vay cụ thể cho từng dự án theo quy định trong kế hoạch vốn đầu tư XDCB hàng năm của NSĐP để có nguồn vốn trả lãi vay cho các tổ chức cho vay.
7.3- Chủ đầu tư:
Chịu trách nhiệm toàn bộ trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trực tiếp thực hiện các thủ tục vay vốn để thực hiện dự án; sau khi dự án đầu tư hoàn thành, thực hiện việc bàn giao và quyết toán vốn đầu tư theo quy định; lập kế hoạch vốn trả nợ; thực hiện việc thanh toán trả nợ cho tổ chức cho vay; định kỳ thực hiện báo cáo tình hình thanh toán trả nợ của dự án với Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW có dự án trả lãi vay bằng nguồn NSĐP; sau khi trả nợ xong có trách nhiệm lập báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải để xử lý về quyết toán đối với dự án.
Đối với các dự án trả nợ bằng nguồn vốn NSTW và nguồn thu phí cầu đường bộ, các chủ đầu tư chịu trách nhiệm bàn giao hồ sơ trả nợ của dự án cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý trả nợ theo quy định.
7.4- Cục Đường bộ Việt Nam:
Nhận bàn giao hồ sơ trả nợ của từng dự án; lập kế hoạch vốn trả nợ; thực hiện việc thanh toán trả nợ cho tổ chức cho vay; định kỳ thực hiện báo cáo tình hình thanh toán trả nợ của dự án với Bộ Giao thông vận tải; sau khi trả nợ xong có trách nhiệm lập báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải để xử lý về quyết toán đối với dự án.
7.5- Kho bạc nhà nước:
Chịu trách nhiệm kiểm soát, thanh toán để trả nợ tổ chức cho vay; phối hợp và hướng dẫn các chủ đầu tư và Cục Đường bộ Việt Nam trong việc thanh toán để trả nợ.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ảnh về Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải để kịp thời xem xét sửa đổi, bổ sung.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây