Quyết định 4772/QĐ-BCT 2016 quy hoạch phát triển vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 4772/QĐ-BCT
Cơ quan ban hành: | Bộ Công Thương |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 4772/QĐ-BCT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Trần Tuấn Anh |
Ngày ban hành: | 06/12/2016 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, Thương mại-Quảng cáo |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4772/QĐ-BCT ngày 06/12/2016.
Theo đó, nhằm mục tiêu đến giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ đạt khoảng 12% - 12,6%; tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 17% - 17,5%; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 11% - 11,8%..., Bộ trưởng đã ban hành một số giải pháp chính.
Cụ thể như: Thu hút đầu tư trọng điểm một số doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, đồng thời phát triển hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh nhằm cung cấp linh kiện, phụ tùng, vật tư cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu; Phát triển nhanh các công trình hạ tầng có ảnh hưởng trên phạm vi rộng, lan tỏa, có tính liên vùng như hệ thống đường giao thông, hệ thống hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hệ thống chợ đầu mối, trung tâm logistics, trung tâm phân phối hàng tiêu dùng nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành; Tổng triển khai đồng bộ một số giải pháp liên quan khác như đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại khu vực vành đai kinh tế…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định4772/QĐ-BCT tại đây
tải Quyết định 4772/QĐ-BCT
BỘ CÔNG THƯƠNG Số: 4772/QĐ-BCT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI VÀNH ĐAI KINH TẾ VỊNH BẮC BỘ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035
------------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Khai thác lợi thế, tiềm năng và gắn sản xuất với tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại Vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ (Vành đai kinh tế) hiệu quả, năng động, phù hợp với phát triển của vùng kinh tế trọng điểm bắc Bộ.
b) Hợp tác phát triển công nghiệp, thương mại khu vực Vành đai kinh tế đảm bảo ổn định lâu dài. Chú trọng tới đặc thù riêng từng khu vực và có chính sách ưu tiên, ưu đãi thích hợp để thúc đẩy phát triển hướng tới các thị trường trong khu vực và quốc tế.
c) Phát triển công nghiệp, thương mại gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
2. Mục tiêu phát triển
2.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng các mối liên kết trong phát triển công nghiệp, thương mại khu vực Vành đai kinh tế với hai Hành lang kinh tế trong tổng thể chương trình hợp tác Hai hành lang - Một vành đai nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Vành đai kinh tế phục vụ cho phát triển công nghiệp, thương mại của các địa phương trong khu vực nói riêng và của Vành đai kinh tế nói chung.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a) Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 11,0% -11,5%/năm; giai đoạn 2021- 2025 đạt khoảng 12,0% - 12,6%/năm.
b) Tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 18,0% - 18,5%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 17,0% - 17,50%/năm.
c) Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 12% - 12,5%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 11,0% - 11,80%/năm.
3. Định hướng phát triển
3.1. Ngành công nghiệp
a) Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển cụm ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
b) Phát triển theo chiều sâu và chủ động liên doanh, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia để tiếp nhận công nghệ hiện đại và từng bước tham gia vào trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
3.2. Ngành thương mại
a) Phát triển các phương thức và hình thức kinh doanh đa dạng, đồng bộ từ khâu tổ chức nguồn hàng cung cấp cho thị trường và tổ chức lưu thông kết hợp với từng bước hình thành hệ thống dịch vụ logistics theo hướng hiện đại làm cầu nối phục vụ cho phát triển kinh tế khu vực.
b) Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo hướng vừa mở rộng thị trường, mặt hàng, vừa nâng cao hiệu quả xuất - nhập khẩu, đồng thời khai thác hiệu quả các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại đặc biệt là các chương trình hợp tác với các nước trong khu vực.
4. Quy hoạch phát triển
4.1. Ngành cơ khí, luyện kim
a) Giai đoạn đến năm 2025
Ưu tiên phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao, đặc biệt là đầu tư phát triển các sản phẩm cơ điện tử, công nghiệp hỗ trợ và các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm ngành cơ khí như các thiết kế, tạo mẫu, chế tạo khuôn mẫu, chế tạo các linh kiện phức tạp, có độ chính xác cao...
b) Tầm nhìn đến năm 2035
Đầu tư các dự án sản xuất phương tiện vận tải; sản xuất phụ tùng thiết bị, máy móc chuyên dụng cho ngành: khai thác khoáng sản, công nghiệp môi trường, năng lượng; nông nghiệp, y tế và hàng không.
4.2. Ngành điện tử, công nghệ thông tin
a) Giai đoạn đến năm 2025
- Thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử, viễn thông và hình thành mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh phục vụ sản xuất và lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
- Tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, thiết kế mạch in, chip điện tử, bo mạch điều khiển, phần mềm các loại và linh kiện kim loại, linh kiện nhựa, cao su cung ứng cho các nhà sản xuất lắp ráp trong nước và xuất khẩu.
b) Tầm nhìn đến năm 2035
Đầu tư các dự án sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, chế tạo rô-bốt, thiết bị thông minh, hệ thống vi cơ điện tử, hệ thống nano cơ điện tử, phần mềm điều khiển máy CNC và các sản phẩm cơ điện tử.
4.3. Ngành dệt may, da giầy
a) Giai đoạn đến năm 2025
- Tập trung tạo điều kiện phát triển ngành sản xuất sợi và xơ sợi vải phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu.
- Chuyển mạnh từ sản xuất gia công sang phương thức mua nguyên liệu bán sản phẩm (FOB); hình thành các trung tâm thiết kế thời trang kết hợp với ứng dụng phần mềm vào khâu thiết kế mẫu mốt.
b) Tầm nhìn đến năm 2035
Tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành may và giầy dép, túi xách kết hợp với phát triển thị trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến những thị trường nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ và EU...
4.4. Ngành hóa chất
a) Giai đoạn đến năm 2025
Ưu tiên phát triển ngành hóa dược và sản xuất sản phẩm từ nhựa, cao su. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến sản xuất thuốc từ dược liệu thiên nhiên, thuốc kháng sinh, tá dược, vitamin; săm lốp, các loại chi tiết, phụ tùng nhựa phục vụ lắp ráp sản phẩm cuối cùng của ngành cơ khí chế tạo và điện tử.
b) Tầm nhìn đến năm 2035
Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và thu hút đầu tư vào sản xuất một số sản phẩm như thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng, vắcxin, lốp ô tô, mỹ phẩm cao cấp, bao bì sinh học và nhựa công nghiệp...
4.5. Ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, đồ uống
a) Giai đoạn đến năm 2025
- Tập trung vào chế biến một số sản phẩm có lợi thế của khu vực như: chế biến thịt, hải sản, hoa quả, đồ gỗ, bánh kẹo và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
- Tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, tiếp tục triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, sơ chế nhằm ổn định nguồn nguyên liệu chế biến.
b) Tầm nhìn đến năm 2035
Ưu tiên đầu tư mới các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát triển thương hiệu và tiếp tục đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã. Tăng cường đầu tư cho công nghệ trong bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các loại sản phẩm có tính thời vụ.
4.6. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng
a) Giai đoạn đến năm 2025
- Đầu tư sản xuất một số sản phẩm như: xi măng, vật liệu xây dựng, vật liệu cách âm, cách nhiệt, vật liệu nhẹ, vật liệu chống cháy và vật liệu trang trí.
- Từng bước sử dụng công nghệ hiện đại để phát triển sản xuất vật liệu xây không nung nhằm thay thế dàn vật liệu nung.
b) Tầm nhìn đến năm 2035
- Tiếp tục đầu tư và đổi mới công nghệ, nhằm phát triển hài hòa, bền vững và khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong khu vực.
- Nghiên cứu, triển khai các vật liệu mới đặc biệt là vật liệu siêu nhẹ, chống ồn, chống cháy và vật liệu trang trí.
4.7. Sản xuất điện
a) Giai đoạn đến năm 2025
Tiếp tục xây dựng một số nhà máy nhiệt điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020, có xét đến năm 2030. Chú trọng vào khả năng cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than.
b) Tầm nhìn đến năm 2035
Triển khai và hoàn thành một số dự án sản xuất điện đã được đầu tư trong khu vực và xem xét đầu tư một số dự án năng lượng tái tạo kết hợp với tăng cường sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả.
4.8. Hệ thống hạ tầng thương mại
a) Giai đoạn đến năm 2025
- Phát triển và nâng cấp các chợ đầu mối rau quả, nông sản, thủy sản đáp ứng nhu cầu về phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của thị trường trong khu vực.
- Phát triển trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị quy mô hạng I và hạng II tại các đô thị trong khu vực Vành đai kinh tế.
- Xây dựng 02 trung tâm bán buôn tại khu vực cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Hà Nội - Hạ Long; thành lập các trung tâm phân phối hàng công nghiệp tiêu dùng phục vụ giao thương hàng hóa với các địa phương; xây mới kết hợp di dời các trung tâm kho vận tải các khu kinh tế cửa khẩu.
- Xây dựng trung tâm logictics kết nối khu vực Vành đai kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và hai hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
- Hình thành các trung tâm thông tin thương mại tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
b) Tầm nhìn đến năm 2035
- Chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng thương mại theo hướng chuyên môn hóa cao, hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu, phân phối và tiêu thụ hàng hóa.
5. Một số giải pháp chủ yếu
5.1. Giải pháp ngắn hạn
a) Thu hút đầu tư trọng điểm một số doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, đồng thời phát triển hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh nhằm cung cấp linh kiện, phụ tùng, vật tư cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu.
b) Xây dựng các liên kết trong phát triển công nghiệp - thương mại giữa Vành đai kinh tế với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của cả khu vực.
c) Phát triển nhanh các công trình hạ tầng có ảnh hưởng trên phạm vi rộng, lan tỏa, có tính liên vùng như hệ thống đường giao thông, hệ thống hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hệ thống chợ đầu mối, trung tâm logistics, trung tâm phân phối hàng tiêu dùng nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành.
5.1. Giải pháp dài hạn
a) Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư.
b) Tăng cường liên kết các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, phát huy lợi thế của từng địa phương, tránh chồng chéo trong đầu tư và đảm bảo cân đối cung cầu.
c) Phát triển các ngành dịch vụ, tổ chức phân phối hàng hóa và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, nhằm đáp ứng nhu cầu của lưu thông hàng hóa.
d) Phát triển hệ thống cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải biển thông qua việc đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng cảng hiện đại, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ xếp dỡ hàng hóa kết hợp với phát triển nhanh dịch vụ cảng và các dịch vụ liên quan trực tiếp khác.
đ) Phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử và cơ khí chế tạo, coi đây như một khâu đột phá nhằm góp phần nâng cao giá trị tăng thêm, đáp ứng nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất trong nước và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
e) Kết hợp triển khai đồng bộ một số giải pháp liên quan khác như: đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại khu vực Vành đai kinh tế.
6. Tổ chức thực hiện
a) Bộ Công Thương chịu trách nhiệm công bố “Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” và tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.
b) Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trong khu vực Vành đai kinh tế đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể để tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Quy hoạch.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố khu vực Vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ:
- Phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan, rà soát, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư. Triển khai xây dựng các công trình hạ tầng đặc biệt là hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp, giao thông, thông tin liên lạc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
- Xem xét, rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh cho phù hợp.
- Phối hợp xây dựng chương trình chung về xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai quy hoạch một cách thống nhất, góp phần phát triển hài hòa giữa các địa phương khu vực Vành đai kinh tế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố khu vực Vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
DANH MỤC MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU
(Kèm theo Quyết định số 4772/QĐ-BCT ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
1. Chương trình phát triển sản phẩm cơ khí, chế tạo
1. Sản xuất phương tiện vận tải đường thủy, đường bộ; máy nông nghiệp; thiết bị chế biến nông, lâm sản, thực phẩm.
2. Sản xuất thiết bị cơ điện tử; máy công cụ CNC; thiết bị kỹ thuật số thế hệ mới; thiết bị điều khiển; thiết bị bảo mật
3. Sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị văn phòng; đồ điện gia dụng; thiết bị điện tử y tế; thiết bị quang học; thiết bị đo lường điều khiển kỹ thuật số.
II. Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
1. Sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị lưu trữ, động cơ điện chuyên dụng.
2. Sản xuất lốp ô tô; các sản phẩm nhựa và cao su kỹ thuật; pin và các sản phẩm lưu điện.
3. Sản xuất phụ tùng, động cơ, các chi tiết cơ khí cho sản xuất lắp ráp máy máy móc, thiết bị công nghiệp.
III. Chương trình phát triển sản phẩm dệt may, da giầy
4. Phát triển chuỗi sản xuất công nghiệp dệt, may đồng bộ.
5. Phát triển sản xuất xơ, sợi, phụ kiện ngành giầy, dép, ngành may.
IV. Chương trình phát triển hạ tầng thương mại
Phát triển hệ thống chợ đầu mối nông sản tổng hợp, hệ thống trung tâm buôn bán, hệ thống logistics và hệ thống trung tâm thông tin thương mại liên tỉnh, liên vùng.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây