Quyết định 1659/QĐ-TTg 2021 về Đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 1659/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1659/QĐ-TTg |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Lê Văn Thành |
Ngày ban hành: | 02/10/2021 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Chính sách, Thương mại-Quảng cáo |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại (PVTM) trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" (Đề án) với một số nội dung chính như sau:
Mục tiêu của Đề án, đến năm 2030, sửa đổi Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản có liên quan hoặc xây dựng Luật PVTM; cơ chế phối hợp liên ngành lĩnh vực PVTM được xây dựng và củng cố; năng lực của Cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam được tăng cường đáp ứng nhu cầu thực tiễn; nội dung PVTM được đưa và các chương trình phát triển các ngành sản xuất trọng điểm…
Bên cạnh đó, Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cụ thể như: hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ phục vụ công tác điều tra, áp dụng, miễn trừ áp dụng biên pháp PVTM; nghiên cứu mô hình cơ quan điều tra PVTM các nước và tổng kết thực tiễn hoạt động ở Việt Nam, từ đó đề xuất hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra PVTM…
Ngoài ra, xây dựng tài liệu và cơ sở dữ liệu về các chương trình, chính sách có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM; xây dựng cơ chế tài chính phục vụ xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài; tăng cường sử dụng đội ngũ tư vấn, luật sư về PVTM nhằm nâng cao hiệu quả xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài...
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định1659/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 1659/QĐ-TTg
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 1659/QĐ-TTg |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC VỀ PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI TRONG BỐI CẢNH THAM GIA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI”
__________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về phòng vệ thương mại;
Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 05 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
Căn cứ Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan;
Căn cứ Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu;
Căn cứ Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”;
Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về việc phê duyệt Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len;
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
Căn cứ Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” (viết tắt là Đề án) với những nội dung chính sau đây:
I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Phòng vệ thương mại (PVTM) là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong, chính sách thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, cần nâng cao năng lực về PVTM, xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các ngành sản xuất, hiệp hội, doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường, phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế về PVTM để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong quá trình hội nhập, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
3. Tăng cường năng lực thực thi PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
a) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về PVTM để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
b) Nâng cao nhận thức, năng lực về PVTM của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý.
c) Củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội trong lĩnh vực PVTM.
d) Sử dụng hiệu quả các quy định về PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
a) Sửa đổi Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực PVTM hoặc xây dựng Luật PVTM.
b) Đội ngũ cán bộ ở các bộ, ngành, địa phương được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM. Đội ngũ chuyên gia, tư vấn pháp lý có kiến thức chuyên sâu về PVTM để hỗ trợ các ngành sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi của Việt Nam trong thương mại quốc tế.
c) Cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực PVTM được xây dựng và củng cố nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác PVTM trong bối cảnh mới, hỗ trợ xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
d) Năng lực của Cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam được tăng cường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tương xứng với kim ngạch xuất nhập khẩu, hỗ trợ hiệu quả các ngành sản xuất trong nước.
đ) Nội dung PVTM được đưa vào các chương trình, chiến lược, chính sách phát triển các ngành sản xuất trọng điểm.
e) Tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, xây dựng các quy định về PVTM, giải quyết tranh chấp về PVTM trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về PVTM
a) Rà soát hệ thống pháp luật và cam kết về PVTM của Việt Nam và thực tiễn trên thế giới. Tổng kết tình hình thực thi pháp luật về PVTM, gồm cả công tác thu, nộp, hoàn thuế PVTM.
b) Trên cơ sở kết quả rà soát và tổng kết, sửa đổi Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực PVTM hoặc xây dựng Luật PVTM.
c) Lồng ghép nội dung về PVTM vào các chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội.
d) Hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ phục vụ công tác điều tra, áp dụng, miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM nhằm đảm bảo chính xác, khách quan, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
2. Nâng cao năng lực điều tra, áp dụng biện pháp PVTM
a) Nghiên cứu mô hình cơ quan điều tra PVTM của các nước và tổng kết thực tiễn hoạt động ở Việt Nam, từ đó đề xuất hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra PVTM.
b) Lựa chọn một số ngành sản xuất nền tảng, có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường năng lực PVTM trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do. Xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật về tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong các ngành này để kịp thời xem xét áp dụng biện pháp PVTM theo đúng quy định pháp luật.
c) Xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, phần mềm phục vụ cho công tác điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Xây dựng, vận hành cổng thông tin điện tử để cập nhật diễn biến các vụ việc PVTM liên quan đến Việt Nam, tạo điều kiện để các bên liên quan nộp và tiếp cận tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử. Thực hiện trực tuyến việc tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, bản trả lời trong quá trình điều tra các vụ việc PVTM.
3. Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực PVTM
a) Đối với các vụ việc PVTM do Việt Nam điều tra
- Đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp trong việc theo dõi, phát hiện hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, có dấu hiệu được trợ cấp hoặc bán phá giá.
- Xây dựng cơ chế tư vấn, hỗ trợ và trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đánh giá khả năng áp dụng biện pháp PVTM, tác động của các vụ việc PVTM.
- Các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội tăng cường phối hợp trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM; theo dõi công tác thực thi và chống lẩn tránh các biện pháp PVTM.
- Kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa cơ quan điều tra PVTM với cơ quan hải quan.
b) Đối với các vụ việc PVTM do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
- Thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội, doanh nghiệp để xử lý vụ việc PVTM do nước ngoài điều tra. Doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất về nguyên tắc tham gia, quy trình xử lý các vụ việc PVTM.
- Xây dựng, triển khai các chương trình cung cấp thông tin cho doanh nghiệp phục vụ công tác xử lý các vụ việc PVTM.
- Xây dựng tài liệu và cơ sở dữ liệu về các chương trình, chính sách có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM.
- Xây dựng cơ chế tài chính phục vụ xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.
- Tăng cường sử dụng đội ngũ tư vấn, luật sư về PVTM nhàm nâng cao hiệu quả xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.
4. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền về PVTM
a) Đối với cán bộ của Cơ quan điều tra PVTM
- Phát triển đội ngũ cán bộ điều tra PVTM đáp ứng yêu cầu công việc và tương xứng với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu, được đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật PVTM, nghiệp vụ điều tra, kế toán, kiểm toán, xuất nhập khẩu, hải quan nhằm nâng cao năng lực điều tra, xử lý và giải quyết tranh chấp quốc tế liên quan đến các biện pháp PVTM.
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra, phân tích và xử lý các vụ việc PVTM và giải quyết tranh chấp quốc tế trong lĩnh vực PVTM. Thực hiện nghiên cứu về các vấn đề PVTM có tác động lớn đến nền kinh tế.
- Cử cán bộ thực tập tại các tổ chức quốc tế, văn phòng luật quốc tế, các cơ sở giáo dục, đào tạo và cơ quan nghiên cứu nước ngoài có liên quan đến PVTM. Xem xét bố trí đội ngũ cán bộ của Bộ Công Thương tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài kiêm nhiệm lĩnh vực PVTM tại các thị trường điều tra, áp dụng nhiều biện pháp PVTM đối với Việt Nam. Xem xét đề cử cán bộ tham gia các tổ chức quốc tế liên quan tới lĩnh vực PVTM.
b) Đối với cán bộ của các bộ, ngành, địa phương
- Xây dựng tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức liên quan đến việc theo dõi, điều tra, xử lý các vụ việc PVTM, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực PVTM của các bộ, ngành, địa phương, cán bộ làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
- Lồng ghép nội dung về PVTM trong các chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.
c) Đối với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền phổ biến về PVTM cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, theo các mức độ từ cơ bản đến chuyên sâu, phù hợp với từng ngành hàng cụ thể.
- Các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan truyền thông, hiệp hội và ngành sản xuất để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm thực tiễn về PVTM cho doanh nghiệp.
d) Đối với tổ chức tư vấn, nghiên cứu, cơ sở giáo dục và đào tạo
- Cung cấp thông tin chuyên sâu về PVTM cho các tổ chức tư vấn, nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm, bồi dưỡng cho giảng viên, sinh viên, cán bộ của các cơ quan nghiên cứu, cơ sở giáo dục và đào tạo về biện pháp PVTM.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PVTM
a) Chủ động xây dựng, đề xuất sáng kiến thúc đẩy hợp tác về PVTM trong các tổ chức quốc tế, các diễn đàn, nhất là với các đối tác đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
b) Chủ động tham gia thảo luận, đàm phán và giải quyết tranh chấp về PVTM trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
c) Tăng cường cơ chế đối thoại với các đối tác kinh tế lớn nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế phối hợp về PVTM để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất, xuất khẩu.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án; hướng dẫn, đôn đốc tình hình thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án.
b) Rà soát và trình các cấp có thẩm quyền để sửa đổi, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PVTM. Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khai báo, thu, nộp, hoàn thuế PVTM nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp, chống lẩn tránh thuế và gian lận thương mại.
c) Xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cho cơ quan điều tra PVTM và đội ngũ cán bộ điều tra PVTM.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính:
- Kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa cơ quan PVTM và cơ quan hải quan trong việc theo dõi hàng hóa xuất nhập khẩu bị điều tra, áp dụng biện pháp PTVM.
- Xây dựng cơ chế cho các ngành sản xuất trong nước tiếp cận số liệu hải quan không định danh đối với hàng hóa nhập khẩu có khả năng bị điều tra PVTM.
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.
e) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng tài liệu về các chương trình, chính sách thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM.
g) Lồng ghép nội dung về PVTM vào chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành sản xuất công nghiệp nền tảng để tăng cường khả năng áp dụng các biện pháp PVTM nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
h) Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động tăng cường hợp tác quốc tế về PVTM để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.
2. Bộ Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng tài liệu về các chương trình, chính sách thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM.
b) Phối hợp với Bộ Công Thương:
- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu, phạm vi thông tin, dữ liệu và thực hiện kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu hải quan và dữ liệu về PVTM đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có liên quan đến biện pháp PVTM.
- Xây dựng cơ chế cho phép các ngành sản xuất trong nước tiếp cận dữ liệu hải quan không định danh tuân thủ theo quy định pháp luật.
c) Cân đối, bố trí dự toán chi thường xuyên thực hiện các nội dung thuộc phạm vi chi từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Bố trí kinh phí, ngân sách hàng năm cho Bộ Công Thương phù hợp với quy định hiện hành để triển khai các hoạt động PVTM, bao gồm cả việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý.
3. Bộ Ngoại giao
a) Chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thu thập thông tin về:
- Các chương trình trợ cấp, hỗ trợ sản xuất trong nước mà các đối tác thương mại đang áp dụng trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do.
- Hàng hóa có dấu hiệu được trợ cấp hoặc bán phá giá được xuất khẩu sang Việt Nam.
b) Tăng cường sự tham gia, phối hợp của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong các vụ việc nước ngoài điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
c) Phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các hoạt động tăng cường hợp tác quốc tế về PVTM.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng tài liệu về các chương trình, chính sách thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM.
b) Chủ trì xây dựng tiêu chí xác định các ngành nông nghiệp của Việt Nam cần ưu tiên nâng cao năng lực PVTM khi thực thi các hiệp định thương mại tự do và xây dựng cơ sở dữ liệu về các ngành này.
c) Lồng phép nội dung về PVTM vào chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp trọng điểm để tăng cường khả năng áp dụng biện pháp PVTM nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
5. Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Bộ Kế hoạch vả Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng tài liệu về các chương trình, chính sách thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các hoạt động bồi dưỡng kiến thức PVTM cho cán bộ làm công việc có liên quan đến lĩnh vực PVTM.
- Đưa nội dung về PVTM vào chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành sản xuất trong nước có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
- Bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án thuộc địa phương.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng tài liệu giảng dạy, nghiên cứu về lĩnh vực PVTM cho giảng viên, sinh viên.
d) Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương và các hiệp hội tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức về PVTM cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan.
6. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội
a) Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các cẩm nang, tài liệu hướng dẫn về PVTM; tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức về PVTM cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất cần được tăng cường năng lực PVTM trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do.
b) Tư vấn, hỗ trợ hiệp hội và doanh nghiệp:
- Triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó và xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
- Triển khai các biện pháp nhằm lập hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
c) Tham gia phối hợp với các bộ, ngành địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hiệp hội thành viên tham gia thực hiện Đề án.
d) Phối hợp đưa nội dung về PVTM vào chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành sản xuất của các hiệp hội.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Nguồn kinh phí
Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và nguồn đóng góp, tài trợ hợp pháp khác (nếu có).
2. Nguyên tắc quản lý kinh phí
a) Đối với nguồn ngân sách thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, cụ thể như sau:
- Kinh phí thực hiện Đề án của Bộ Công Thương được giao trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của Bộ Công Thương.
- Kinh phí thực hiện Đề án của các bộ, ngành được giao trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị.
- Kinh phí thực hiện Đề án của các địa phương được giao trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của các địa phương.
b) Việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây