Nghị định 29/2021/NĐ-CP thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát đánh giá đầu tư

thuộc tính Nghị định 29/2021/NĐ-CP

Nghị định 29/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:29/2021/NĐ-CP
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Nghị định
Người ký:Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành:26/03/2021
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Đầu tư, Xây dựng

TÓM TẮT VĂN BẢN

Kiểm tra ít nhất 01 lần đối với chương trình đầu tư công có thời gian thực hiện trên 12 tháng

Ngày 26/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Theo đó, nội dung thẩm định quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công như sau: Đánh giá về hồ sơ; Việc đáp ứng các tiêu chí xác định dự án là dự án quan trọng quốc gia; Sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư, đánh giá về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Đánh giá về dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ và dự kiến mục tiêu đầu tư, quy mô và hình thức đầu tư;…

Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình thực hiện theo dõi, kiểm tra quá trình đầu tư chương trình đầu tư công thuộc phạm vi quản lý, việc kiểm tra được thực hiện như sau: Kiểm tra ít nhất một lần đối với chương trình có thời gian thực hiện trên 12 tháng; Kiểm tra khi điều chỉnh chương trình làm thay đổi địa điểm, mục tiêu, quy mô, tăng tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, việc đánh giá dự án đầu tư công được thực hiện như sau: Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A phải thực hiện đánh gia ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động; Dự án nhóm B, nhóm C phải thực hiện đánh giá kết thúc và đánh giá tác động.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Xem chi tiết Nghị định29/2021/NĐ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

Số: 29/2021/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh ph
úc
---------------

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THẨM ĐỊNH DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA VÀ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ

______________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đu tư.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về:
1. Trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; trình tự, thủ tục thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư.
2. Giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư, giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư và giám sát đầu tư của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; chi phí giám sát, đánh giá đầu tư; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư.
3. Việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
4. Việc giám sát, đánh giá các chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thực hiện theo quy định tại Nghị định này; những vấn đề khác biệt do đặc thù của việc sử dụng các nguồn vốn này, thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và điều ước quốc tế liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm:
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư.
2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư và giám sát, đánh giá đầu tư.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Giám sát đầu tư” là hoạt động theo dõi, kiểm tra đầu tư. Giám sát đầu tư gồm giám sát chương trình, dự án đầu tư và giám sát tổng thể đầu tư.
2. “Theo dõi chương trình, dự án đầu tư” là hoạt động thường xuyên và định kỳ cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình thực hiện chương trình, dự án; tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin, đề xuất các phương án phục vụ việc ra quyết định của các cấp quản lý nhằm đảm bảo chương trình, dự án đầu tư thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và trong khuôn khổ các nguồn lực đã được xác định.
3. “Kiểm tra chương trình, dự án đầu tư” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất, nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý chương trình, dự án của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan: phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém về quản lý chương trình, dự án theo quy định của pháp luật; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh, việc làm sai quy định về quản lý chương trình, dự án; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện.
4. “Đánh giá chương trình, dự án đầu tư” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất nhằm xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với quyết định đầu tư hoặc tiêu chuẩn đánh giá quy định của nhà nước tại một thời điểm nhất định. Đánh giá chương trình, dự án đầu tư bao gồm: đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn, đánh giá kết thúc, đánh giá tác động và đánh giá đột xuất.
5. “Đánh giá ban đầu” là đánh giá được thực hiện ngay sau khi bắt đầu thực hiện đầu tư chương trình, dự án nhằm xem xét tình hình thực tế của chương trình, dự án so với thời điểm phê duyệt để có biện pháp xử lý phù hợp.
6. “Đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn" là đánh giá được thực hiện vào thời điểm giữa kỳ theo tiến độ thực hiện đầu tư chương trình, dự án được phê duyệt hoặc sau khi kết thúc từng giai đoạn (đối với chương trình, dự án được thực hiện theo nhiều giai đoạn), nhằm xem xét quá trình thực hiện đầu tư chương trình, dự án từ khi bắt đầu triển khai, đề xuất các điều chỉnh cần thiết.
7. “Đánh giá kết thúc” là đánh giá được tiến hành ngay sau khi kết thúc thực hiện đầu tư chương trình, dự án nhằm xem xét các kết quả đạt được, rút ra các bài học kinh nghiệm.
8. “Đánh giá tác động” là đánh giá được thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm thứ 3 kể từ khi đưa chương trình, dự án vào vận hành, nhằm làm rõ hiệu quả, tính bền vững và tác động kinh tế - xã hội so với mục tiêu đặt ra ban đầu.
9. “Đánh giá đột xuất” là đánh giá được thực hiện trong những trường hợp có những vướng mắc, khó khăn, tác động phát sinh ngoài dự kiến trong quá trình thực hiện đầu tư chương trình, dự án.
10. “Giám sát đầu tư của cộng đồng” là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là địa bàn cấp xã) nhằm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình đầu tư; phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm về đầu tư (trừ các chương trình, dự án bí mật quốc gia theo quy định của pháp luật).
11. “Giám sát tổng thể đầu tư” là việc theo dõi thường xuyên, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất quá trình thực hiện đầu tư của các cấp, các ngành và địa phương; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, thiếu sót để đảm bảo đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu và đảm bảo hiệu quả.
12. “Theo dõi tổng thể đầu tư” là hoạt động thường xuyên và định kỳ cập nhật các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư và việc quản lý đầu tư của các cấp, các ngành và địa phương; tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin và đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý đầu tư.
13. “Kiểm tra tổng thể đầu tư” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất, nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư của các cấp, các ngành; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót, yếu kém, bảo đảm việc quản lý đầu tư đúng quy định của pháp luật; phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những vướng mắc, phát sinh hoặc việc làm sai quy định về quản lý đầu tư; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện.
14. “Đánh giá tổng thể đầu tư” là hoạt động định kỳ theo kế hoạch nhằm phân tích, đánh giá kết quả đầu tư của nền kinh tế, ngành, địa phương; xác định mức độ đạt được so với quy hoạch, kế hoạch trong từng thời kỳ hay từng giai đoạn; phân tích nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả đầu tư cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư trong kỳ hay giai đoạn kế hoạch sau.
15. “Dự án thành phần thuộc chương trình đầu tư công” là một tập hợp các hoạt động có liên quan với nhau, nhằm thực hiện một hoặc một số mục tiêu cụ thể của chương trình, được thực hiện trên địa bàn cụ thể trong khoảng thời gian nhất định và dựa trên những nguồn lực đã xác định.
16. “Chủ dự án thành phần” là cơ quan, tổ chức được giao chủ trì quản lý dự án thành phần thuộc chương trình đầu tư công.
17. “Chủ sử dụng” là cơ quan, tổ chức được giao quản lý khai thác, vận hành dự án.
18. “Dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác” là dự án đầu tư không sử dụng vốn nhà nước.
19. “Vốn nhà nước ngoài đầu tư công” là vốn nhà nước theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 nhưng không bao gồm vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
20. “Dự án quan trọng quốc gia” là dự án quan trọng quốc gia được quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH NHÀ NƯỚC
Điều 4. Tổ chức, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng thẩm định nhà nước
1. Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo từng dự án có nhiệm vụ tổ chức thẩm định các dự án quan trọng quốc gia (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi) để trình Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.
2. Hội đồng, thẩm định nhà nước gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thẩm định và các hoạt động thẩm định theo nhiệm vụ được giao; ý kiến đánh giá kết quả thẩm định, kết luận và kiến nghị của Hội đồng thẩm định nhà nước về các nội dung của dự án quan trọng quốc gia được phân công và theo quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước.
4. Hội đồng thẩm định nhà nước có các quyền hạn sau:
a) Xem xét, quyết định các vấn đề về nội dung, chương trình và kế hoạch công tác của Hội đồng và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia;
b) Yêu cầu chủ đầu tư, nhà đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia, thanh toán các chi phí thẩm tra, thẩm định theo dự toán và tiến độ thực hiện công việc thẩm định đã được phê duyệt;
c) Yêu cầu nhà thầu tư vấn (hoặc cơ quan có liên quan) cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm tra, thẩm định dự án quan trọng quốc gia.
5. Hội đồng thẩm định nhà nước làm việc theo chế độ tập thể dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền). Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là bằng nhau và đạt 50% số thành viên Hội đồng (bao gồm cả số có mặt tại phiên họp và số biểu quyết bằng văn bản gửi đến Hội đồng), vấn đề được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.
Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định nhà nước.
6. Hội đồng thẩm định nhà nước tự giải thể sau khi hoàn thành công việc thẩm định theo quy định.
Điều 5. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước
1. Xem xét phê duyệt kế hoạch thẩm định sau khi Hội đồng thẩm định nhà nước có ý kiến, quyết định triệu tập các cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước, chủ trì các phiên họp; phân công trách nhiệm Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước.
2. Quyết định thành lập Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành theo yêu cầu công việc đối với từng dự án quan trọng quốc gia.
3. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước có thể ủy quyền một Phó Chủ tịch Hội đồng triệu tập và chủ trì các phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước hoặc báo cáo trước Chính phủ một số nội dung hoặc công việc do Phó Chủ tịch Hội đồng trực tiếp phụ trách.
4. Quyết định việc thuê và lựa chọn tư vấn thẩm tra dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Nghị định này.
Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước
1. Giúp Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước điều hành các hoạt động của Hội đồng; theo dõi và thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng phân công; báo cáo thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện của Hội đồng.
2. Giúp Chủ tịch Hội đồng xem xét, đánh giá các báo cáo chuyên môn và các hoạt động khác của Hội đồng để trình Thủ tướng Chính phủ.
Điều 7. Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước
1. Xem xét có ý kiến về các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan và địa phương do mình phụ trách và về những vấn đề chung của dự án quan trọng quốc gia theo kế hoạch thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước.
2. Huy động nhân lực, phương tiện làm việc, cơ sở nghiên cứu thuộc quyền quản lý của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
3. Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng thẩm định nhà nước, trao đổi đóng góp ý kiến về các nội dung xem xét, thẩm định và biểu quyết các kết luận của Hội đồng thẩm định nhà nước. Trường hợp đặc biệt không thể tham dự cuộc họp, thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước phải ủy quyền người đại diện có thẩm quyền tham dự cuộc họp của Hội đồng và phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung được lấy ý kiến.
4. Chịu trách nhiệm về các ý kiến thẩm định và biểu quyết của mình.
Điều 8. Nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước
Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có các nhiệm vụ sau:
1. Huy động bộ máy của Bộ giúp Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức công việc thẩm định dự án quan trọng quốc gia và các hoạt động chung của Hội đồng; phối hợp với các cơ quan liên quan, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, tư vấn thẩm tra để thực hiện các công việc thẩm định.
2. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ dự án, gửi hồ sơ dự án đến các thành viên Hội đồng, các cơ quan, đơn vị có liên quan.
3. Xây dựng kế hoạch thẩm định dự án quan trọng quốc gia theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, trình Hội đồng thẩm định nhà nước.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước giao.
5. Lưu trữ các hồ sơ thẩm định dự án quan trọng quốc gia theo quy định.
Điều 9. Nhiệm vụ của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành
1. Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành là bộ phận được thành lập để giúp việc cho Hội đồng thẩm định nhà nước, gồm các chuyên gia của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan khác có liên quan.
2. Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành có các nhiệm vụ sau:
a) Chuẩn bị các nội dung thẩm định để gửi cho các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước;
b) Chuẩn bị các nội dung yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo đề nghị của các thành viên trong Hội đồng thẩm định nhà nước trong quá trình thẩm định, trình Hội đồng thẩm định nhà nước;
c) Thực hiện các công việc để giúp Hội đồng thẩm định nhà nước lựa chọn tư vấn thẩm tra theo quy định tại Điều 11 Nghị định này trong trường hợp cần thuê tư vấn thẩm tra;
d) Chuẩn bị các hợp đồng tư vấn thẩm tra, biên bản nghiệm thu hợp đồng và các chứng từ có liên quan khác để phục vụ việc thanh quyết toán chi phí thẩm định và thẩm tra dự án quan trọng quốc gia;
đ) Tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước, đề xuất, trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét, quyết định những vấn đề cần xử lý trong quá trình thẩm định;
e) Dự thảo báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước để trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét trình Chính phủ;
g) Thực hiện các công việc khác được Hội đồng thẩm định nhà nước giao.
Chương III
THUÊ TƯ VẤN THẨM TRA VÀ CHI PHÍ THẨM ĐỊNH, THẨM TRA DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
Điều 10. Thẩm quyền quyết định việc thuê tư vấn thẩm tra các dự án quan trọng quốc gia
1. Tư vấn thẩm tra là tổ chức hoặc cá nhân trong nước, nước ngoài hoặc liên danh trong nước và nước ngoài (sau đây gọi chung là tư vấn hoặc tư vấn thẩm tra) được Hội đồng thẩm định nhà nước thuê để thực hiện một hoặc một số phần công việc của nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia.
2. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước phê duyệt kế hoạch thẩm định; kế hoạch lựa chọn tư vấn thẩm tra và quyết định việc thuê tư vấn thẩm tra dự án quan trọng quốc gia theo hình thức lựa chọn được quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
Điều 11. Quy trình, thủ tục lựa chọn tư vấn thẩm tra dự án quan trọng quốc gia
1. Lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra trong trường hợp đặc biệt:
a) Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành xác định nhà thầu tư vấn thẩm tra có đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định pháp luật để thực hiện ngay công việc tư vấn, trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua.
b) Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành phải hoàn tất thủ tục, bao gồm:
- Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu tư vấn, trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;
- Tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;
- Trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước phê duyệt kết quả lựa chọn tư vấn thẩm tra dự án:
- Chuẩn bị ký kết hợp đồng với tư vấn thẩm tra được lựa chọn. Hợp đồng được ký giữa ba bên, gồm đại diện của Hội đồng thẩm định nhà nước, chủ đầu tư (nhà đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án) và tư vấn thẩm tra được lựa chọn.
2. Các trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.
Điều 12. Chi phí thẩm định và thuê tư vấn thẩm tra các dự án quan trọng quốc gia do Hội đồng thẩm định nhà nước thực hiện
1. Chi phí thẩm tra là chi phí thuê tư vấn thẩm tra dự án quan trọng quốc gia của Hội đồng thẩm định nhà nước.
2. Chi phí thẩm định là các chi phí phục vụ cho các hoạt động thẩm định dự án quan trọng quốc gia của Hội đồng thẩm định nhà nước (không bao gồm chi phí thẩm tra nêu tại khoản 1 Điều này). Chi phí thẩm định bao gồm thù lao cho các thành viên tham gia Hội đồng thẩm định nhà nước, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành; chi phí họp, văn phòng phẩm, khảo sát thực địa (nếu có), chi phí khác liên quan, chi phí dự phòng.
3. Chi phí thẩm tra và thẩm định các dự án quan trọng quốc gia được xác định như sau:
a) Định mức chi phí thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được tính bằng định mức chi phí thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi;
b) Chi phí thẩm định được tính bằng 20% chi phí thẩm tra nêu trên. Trường hợp không có định mức chi phí thẩm tra và phải lập dự toán chi phí thẩm tra như quy định tại điểm c khoản 3 Điều này thì lập dự toán chi phí thẩm định tương ứng;
c) Định mức chi phí thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp thuê tư vấn nước ngoài, liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài hoặc không có định mức thì phải lập dự toán chi phí, bao gồm:
- Chi phí chuyên gia: khoản chi phí tiền lương trả cho các chuyên gia tư vấn trong khoảng thời gian thực hiện;
- Chi phí khác: các chi phí phục vụ, hỗ trợ cho hoạt động của nhà thầu tư vấn trong thời gian thực hiện hoạt động tư vấn thẩm tra như: chi phí đi lại (quốc tế và trong nước), chi phí thuê văn phòng, thiết bị văn phòng, chi phí hoạt động của văn phòng, chi phí thông tin liên lạc, chi phí hỗ trợ ăn, ở cho các chuyên gia tư vấn, chi phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (nếu có) và các chi phí khác;
- Thuế: các khoản thuế mà nhà thầu tư vấn thẩm tra phải nộp theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Chi phí dự phòng: khoản chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và trượt giá trong thời gian nhà thầu tư vấn thẩm tra thực hiện công việc.
4. Chi phí thẩm định và thuê tư vấn thẩm tra các dự án quan trọng quốc gia được tính trong tổng mức đầu tư dự án và được chủ đầu tư, nhà đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư thanh toán theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định nhà nước, bảo đảm tiến độ thẩm định, thẩm tra dự án quan trọng quốc gia theo kế hoạch.
Chủ đầu tư, nhà đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư có trách nhiệm thanh toán chi phí thẩm tra cho tư vấn thẩm tra theo hợp đồng đã được ký, sau khi có ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước.
5. Trường hợp cần thiết Hội đồng thẩm định nhà nước yêu cầu chủ đầu tư, nhà đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt chi phí thuê tư vấn thẩm tra. Trường hợp chủ đầu tư, nhà đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư không đủ năng lực kinh nghiệm để thẩm định thì được thuê các tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thẩm tra trước khi phê duyệt.
6. Hội đồng thẩm định nhà nước khoán chi cho các thành viên Hội đồng, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành và các chi phí khác, bảo đảm hoạt động thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước.
7. Tổ chức, cá nhân tư vấn thẩm tra phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng thẩm định nhà nước, chủ đầu tư, nhà đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và pháp luật về kết quả thẩm tra do mình thực hiện.
Chương IV
HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ, ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
Mục 1. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Điều 13. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định nội bộ của chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư
1. Hồ sơ trình thẩm định nội bộ gồm;
a) Tờ trình thẩm định nội bộ của chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư;
b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư gửi 15 bộ hồ sơ dự án theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan chủ quản của mình hoặc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư để tổ chức thẩm định nội bộ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Đầu tư công. Thời gian thẩm định nội bộ không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 14. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định của cơ quan chủ quản chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư
1. Hồ sơ trình thẩm định gồm:
a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của cơ quan chủ quản hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;
b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được hoàn thiện theo ý kiến thẩm định nội bộ;
c) Báo cáo thẩm định nội bộ;
d) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Cơ quan chủ quản chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
4. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng thuê tư vấn thẩm tra.
Điều 15. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước và của Chính phủ
1. Hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước, gồm:
a) Tờ trình Chính phủ của cơ quan chủ quản hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;
b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;
c) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
d) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Chính phủ xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo quy chế làm việc của Chính phủ.
3. Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư công gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ;
b) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 16. Nội dung thẩm định quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công
1. Đánh giá về hồ sơ dự án: căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ theo quy định.
2. Việc đáp ứng các tiêu chí xác định dự án là dự án quan trọng quốc gia.
3. Sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư, đánh giá về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
4. Đánh giá về dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ và dự kiến mục tiêu đầu tư, quy mô và hình thức đầu tư.
5. Đánh giá về khu vực, địa điểm đầu tư, dự kiến nhu cầu diện tích sử dụng đất và nhu cầu sử dụng tài nguyên khác (nếu có); đánh giá về phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
6. Đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng.
7. Đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư.
8. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
9. Đánh giá về việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn: căn cứ xác định sơ bộ tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn; phân tích sơ bộ tính khả thi của các phương án huy động vốn và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công.
10. Đánh giá về việc xác định sơ bộ chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác vận hành dự án.
11. Đánh giá về tiến độ dự kiến thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư hoặc phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu có).
12. Đánh giá sơ bộ về hiệu quả đầu tư: hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
13. Đánh giá về các giải pháp tổ chức thực hiện dự án: xác định chủ đầu tư (nếu có); hình thức quản lý dự án.
14. Đánh giá về cơ chế, chính sách đặc thù; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).
Mục 2. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN PPP THUỘC THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CỦA QUỐC HỘI
Điều 17. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định
1. Hồ sơ trình thẩm định:
a) Hồ sơ trình thẩm định của cơ quan có thẩm quyền gồm các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
b) Hồ sơ trình thẩm định của nhà đầu tư gồm các tài liệu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
2. Cơ quan có thẩm quyền gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
4. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.
5. Hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước, gồm:
a) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
6. Chính phủ xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án theo quy chế làm việc của Chính phủ.
7. Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội thực hiện theo quy định tại Điều 16 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Điều 18. Nội dung thẩm định quyết định chủ trương đầu tư dự án
1. Đánh giá về hồ sơ dự án: căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ theo quy định.
2. Việc đáp ứng các tiêu chí xác định dự án là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
3. Sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
4. Sự phù hợp với căn cứ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
5. Sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
6. Đánh giá về mục tiêu; dự kiến quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện dự án, nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác.
7. Đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng.
8. Đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư.
9. Đánh giá về phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
10. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
11. Đánh giá về việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư.
12. Đánh giá về việc xác định sơ bộ chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác vận hành dự án.
13. Đánh giá về phân chia giai đoạn đầu tư hoặc phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu có).
14. Đánh giá sơ bộ hiệu quả đầu tư: hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội; tác động của việc thực hiện dự án theo phương thức PPP đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án; tác động của dự án đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư.
15. Sự phù hợp của loại hợp đồng dự án PPP.
16. Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu.
17. Nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án PPP có sử dụng vốn nhà nước.
18. Đánh giá về hình thức quản lý dự án.
19. Đánh giá về cơ chế, chính sách đặc thù; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).
Mục 3. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN THUỘC THẨM QUYỀN CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CỦA QUỐC HỘI
Điều 19. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định của nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền
1. Hồ sơ trình thẩm định:
a) Hồ sơ trình thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án do nhà đầu tư đề xuất thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư;
b) Hồ sơ trình thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư.
2. Nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nộp 20 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
4. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.
Điều 20. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước và của Chính phủ
1. Hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước, gồm:
a) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định này;
b) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Chính phủ xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo quy chế làm việc của Chính phủ.
3. Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Luật Đầu tư gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ;
b) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 21. Nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư
1. Nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:
a) Đánh giá về hồ sơ dự án: căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ theo quy định;
b) Việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội;
c) Sự cần thiết thực hiện dự án đầu tư:
d) Sự phù hợp của dự án đầu tư với chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có);
đ) Mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, phương án giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, phương án lựa chọn công nghệ chính;
e) Đánh giá về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định hoặc lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
g) Đánh giá về việc xác định sơ bộ tổng vốn đầu tư; nguồn vốn và tính khả thi của nguồn vốn;
h) Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của dự án đầu tư;
i) Đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
k) Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (nếu có);
l) Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư bảo đảm yêu cầu đồng bộ; sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị;
m) Cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và Điều kiện áp dụng (nếu có).
2. Nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư bao gồm:
a) Các nội dung thẩm định quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Khả năng đáp ứng Điều kiện giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; khả năng đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;
c) Đánh giá việc đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);
d) Các Điều kiện khác đối với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.
Mục 4. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI
Điều 22. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định của nhà đầu tư
1. Nhà đầu tư nộp 20 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
3. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.
Điều 23. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước và của Chính phủ
1. Hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước gồm:
a) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Đầu tư;
b) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Chính phủ xem xét, cho ý kiến về chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài theo quy chế làm việc của Chính phủ.
3. Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội theo quy định tại khoản 5 Điều 57 Luật Đầu tư gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ;
b) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 24. Nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài
1. Đánh giá về hồ sơ dự án: căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ theo quy định.
2. Việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.
3. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài quy định tại Điều 60 của Luật Đầu tư.
4. Tư cách pháp lý của nhà đầu tư.
5. Sự cần thiết thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
6. Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật Đầu tư.
7. Hình thức, quy mô, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án đầu tư, vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn.
8. Đánh giá mức độ rủi ro tại nước tiếp nhận đầu tư.
9. Cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).
Mục 5. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Điều 25. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định nội bộ điều chỉnh chủ trương đầu tư của chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư
1. Hồ sơ trình thẩm định nội bộ gồm:
a) Tờ trình thẩm định nội bộ của chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;
b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi Điều chỉnh;
c) Báo cáo giám sát, đánh giá điều chỉnh dự án đầu tư;
d) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư gửi 15 bộ hồ sơ dự án theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan chủ quản của mình hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để tổ chức thẩm định nội bộ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 34 và điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Đầu tư công. Thời gian thẩm định nội bộ không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án theo nội dung thẩm định nội bộ.
Điều 26. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư của cơ quan chủ quản chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư
1. Hồ sơ trình thẩm định gồm:
a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của cơ quan chủ quản chủ đầu tư hoặc của cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;
b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh đã được hoàn thiện theo ý kiến thẩm định nội bộ;
c) Báo cáo thẩm định nội bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định này;
d) Báo cáo giám sát, đánh giá điều chỉnh dự án đầu tư;
đ) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Cơ quan chủ quản chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
4. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.
Điều 27. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước và của Chính phủ
1. Hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước gồm:
a) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này;
b) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Chính phủ xem xét, cho ý kiến về Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy chế làm việc của Chính phủ.
3. Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ;
b) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 28. Nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công
Các nội dung điều chỉnh phải được thẩm định; nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư tương ứng với các nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.
Mục 6. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN PPP THUỘC THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CỦA QUỐC HỘI
Điều 29. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư
1. Hồ sơ trình thẩm định của cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
2. Cơ quan có thẩm quyền gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
4. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.
5. Hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước gồm:
a) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
6. Chính phủ xem xét, cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo quy chế làm việc của Chính phủ.
7. Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ;
b) Các tài liệu theo quy định tại khoản 5 Điều này;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 30. Nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án
Các nội dung Điều chỉnh phải được thẩm định; nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư tương ứng với các nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
Mục 7. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH CHẤP THUẬN ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 41 LUẬT ĐẦU TƯ
Điều 31. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án
1. Hồ sơ trình thẩm định của nhà đầu tư gồm:
a) Văn bản đề nghị chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó nêu rõ các nội dung đề nghị điều chỉnh, lý do điều chỉnh;
b) Đề xuất dự án đầu tư Điều chỉnh hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh;
c) Các tài liệu quy định tại các điểm b, c, đ, e, g, h khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư liên quan đến các nội dung Điều chỉnh.
d) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Nhà đầu tư nộp 20 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
4. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.
5. Hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước gồm:
a) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
6. Chính phủ xem xét, cho ý kiến về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo quy chế làm việc của Chính phủ.
7. Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ;
b) Các tài liệu theo quy định tại khoản 5 Điều này;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 32. Nội dung thẩm định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án
Các nội dung điều chỉnh phải được thẩm định; nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư tương ứng với các nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
Mục 8. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH CHẤP THUẬN ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI
Điều 33. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài
1. Hồ sơ trình thẩm định của nhà đầu tư gồm:
a) Văn bản đề nghị chấp thuận Điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài, trong đó nêu rõ các nội dung đề nghị điều chỉnh, lý do Điều chỉnh;
b) Các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Đầu tư;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Nhà đầu tư nộp 20 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
4. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định chấp thuận Điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.
5. Hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước gồm:
a) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
6. Chính phủ xem xét, cho ý kiến về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu ra nước ngoài theo quy chế làm việc của Chính phủ.
7. Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội gồm:
a) Tờ trình của Chính phủ;
b) Các tài liệu theo quy định tại khoản 5 Điều này;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 34. Nội dung thẩm định chấp thuận Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án
Các nội dung điều chỉnh phải được thẩm định; nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư tương ứng với các nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
Chương V
HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ, QUYẾT ĐỊNH ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
Mục 1. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Điều 35. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định
1. Hồ sơ chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trình cơ quan chủ quản, gồm:
a) Tờ trình cơ quan chủ quản của chủ đầu tư;
b) Báo cáo nghiên cứu khả thi;
c) Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia;
d) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Hồ sơ trình thẩm định của cơ quan chủ quản, gồm:
a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ;
b) Báo cáo nghiên cứu khả thi;
c) Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án;
d) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
3. Cơ quan chủ quản gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
5. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định hồ sơ dự án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày có kết quả thẩm tra chính thức của tư vấn thẩm tra.
6. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước, gồm:
a) Các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
7. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án theo quy chế làm việc của Chính phủ.
Điều 36. Nội dung thẩm định quyết định đầu tư dự án
1. Nội dung thẩm định, gồm:
a) Đánh giá về hồ sơ dự án: căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ theo quy định;
b) Sự cần thiết phải đầu tư dự án;
c) Sự phù hợp của dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; sự phù hợp với chủ trương đầu tư dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Đánh giá về việc phân tích, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả đầu ra của dự án; phân tích, lựa chọn quy mô dự án; hình thức đầu tư; phân tích các điều kiện tự nhiên, Điều kiện kinh tế - kỹ thuật, lựa chọn địa điểm đầu tư dự án;
đ) Đánh giá về nhu cầu sử dụng đất; điều kiện giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có);
e) Đánh giá về thời gian, tiến độ thực hiện, các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư; phân kỳ đầu tư;
g) Đánh giá về nguồn nguyên liệu; máy móc, thiết bị; phương án lựa chọn công nghệ, kỹ thuật, thiết bị;
h) Đánh giá tác động môi trường (nếu có) theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng chống cháy, nổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và các yếu tố khác;
i) Đánh giá về tổng mức đầu tư: căn cứ xác định và mức độ chính xác về tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn, tính khả thi của các phương án huy động vốn; khả năng huy động vốn theo tiến độ đầu tư; khả năng thu hồi vốn và trả nợ vốn vay;
k) Chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác vận hành dự án;
l) Đánh giá về hiệu quả đầu tư, bao gồm hiệu quả tài chính, hiệu quả và tác động kinh tế - xã hội của dự án; tác động lan tỏa của dự án đến sự phát triển ngành, lĩnh vực, các vùng lãnh thổ và các địa phương; đến tạo thêm nguồn thu ngân sách, việc làm, thu nhập và đời sống người dân; các tác động đến môi trường và phát triển bền vững;
m) Phân tích rủi ro; đào tạo nguồn nhân lực (nếu có);
n) Đánh giá phương án tổng thể đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định canh, định cư (nếu có);
o) Đánh giá về việc tổ chức quản lý dự án, bao gồm: xác định chủ đầu tư; hình thức quản lý dự án: mối quan hệ và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến quá trình thực hiện dự án, tổ chức bộ máy quản lý khai thác dự án.
2. Đối với dự án có cấu phần xây dựng, ngoài việc đánh giá các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải thẩm định phương án thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về xây dựng, cụ thể gồm:
a) Sự phù hợp của giải pháp thiết kế cơ sở với nhiệm vụ thiết kế; danh mục tiêu chuẩn áp dụng;
b) Sự tuân thủ quy định của pháp luật về lập thiết kế cơ sở; điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân hành nghề xây dựng;
c) Sự phù hợp của thiết kế cơ sở với quy hoạch xây dựng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch hoặc phương án tuyến công trình, vị trí công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
d) Khả năng kết nối hạ tầng kỹ thuật khu vực; khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật và việc phân giao trách nhiệm quản lý các công trình theo quy định của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị;
d) Sự phù hợp của giải pháp thiết kế cơ sở về bảo đảm an toàn xây dựng;
e) Sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và áp dụng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Mục 2. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH PHÊ DUYỆT DỰ ÁN PPP
Điều 37. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định
1. Hồ sơ cơ quan có thẩm quyền trình thẩm định theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
2. Cơ quan có thẩm quyền gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
4. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định dự án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.
5. Hồ sơ Hội đồng thẩm định nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
6. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án theo quy chế làm việc của Chính phủ.
Điều 38. Nội dung thẩm định phê duyệt dự án
1. Nội dung thẩm định, gồm:
a) Đánh giá về hồ sơ dự án: căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ theo quy định;
b) Sự cần thiết đầu tư;
c) Sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; sự phù hợp với chủ trương đầu tư dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Đánh giá về mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện dự án, nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác;
đ) Đánh giá về việc phân tích, lựa chọn về công nghệ, kỹ thuật chính và các Điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng;
e) Đánh giá về việc phân tích, lựa chọn các phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư;
g) Đánh giá về phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
h) Đánh giá tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
i) Đánh giá về việc xác định tổng mức đầu tư;
k) Đánh giá về việc xác định chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác vận hành dự án;
l) Đánh giá về phân chia giai đoạn đầu tư hoặc phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu có);
m) Đánh giá hiệu quả đầu tư: hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội; tác động của việc thực hiện dự án theo phương thức PPP đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án; tác động của dự án đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư;
n) Sự phù hợp của loại hợp đồng dự án PPP;
o) Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu;
p) Nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án PPP có sử dụng vốn nhà nước;
q) Đánh giá về hình thức quản lý dự án;
r) Phương án tổ chức quản lý, kinh doanh hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;
s) Đánh giá về cơ chế, chính sách đặc thù; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).
2. Đối với dự án có cấu phần xây dựng, ngoài việc đánh giá các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải thẩm định phương án thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về xây dựng, cụ thể gồm:
a) Sự phù hợp của giải pháp thiết kế cơ sở với nhiệm vụ thiết kế; danh mục tiêu chuẩn áp dụng;
b) Sự tuân thủ quy định của pháp luật về lập thiết kế cơ sở; điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân hành nghề xây dựng;
c) Sự phù hợp của thiết kế cơ sở với quy hoạch xây dựng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch hoặc phương án tuyến công trình, vị trí công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
d) Khả năng kết nối hạ tầng kỹ thuật khu vực; khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật và việc phân giao trách nhiệm quản lý các công trình theo quy định của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị;
đ) Sự phù hợp của giải pháp thiết kế cơ sở về bảo đảm an toàn xây dựng;
e) Sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và áp dụng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Mục 3. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Điều 39. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định
1. Hồ sơ trình thẩm định điều chỉnh dự án đầu tư của chủ đầu tư, gồm:
a) Tờ trình thẩm định điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Báo cáo nghiên cứu khả thi Điều chỉnh;
c) Báo cáo giám sát, đánh giá Điều chỉnh dự án đầu tư;
d) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Chủ đầu tư gửi hồ sơ dự án theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan chủ quản để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Hồ sơ trình thẩm định điều chỉnh dự án đầu tư của cơ quan chủ quản, gồm:
a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ;
b) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Cơ quan chủ quản gửi 01 bộ hồ sơ dự án điều chỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
5. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
6. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh dự án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.
7. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước, gồm:
a) Các tài liệu theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Báo cáo thẩm định điều chỉnh dự án của Hội đồng thẩm định nhà nước;
c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
8. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh dự án theo quy chế làm việc của Chính phủ.
Điều 40. Nội dung thẩm định điều chỉnh dự án
Các nội dung Điều chỉnh phải được thẩm định; nội dung thẩm định điều chỉnh dự án tương ứng với nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 36 Nghị định này.
Mục 4. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN PPP
Điều 41. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định
1. Hồ sơ trình thẩm định điều chỉnh dự án của cơ quan có thẩm quyền, gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định điều chỉnh dự án;
b) Dự thảo tờ trình đề nghị phê duyệt điều chỉnh dự án;
c) Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh;
d) Quyết định chủ trương đầu tư;
đ) Báo cáo giám sát, đánh giá điều chỉnh dự án đầu tư;
e) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Cơ quan có thẩm quyền gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
4. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định hồ sơ dự án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.
5. Hồ sơ Hội đồng thẩm định nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
6. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh dự án theo quy chế làm việc của Chính phủ.
Điều 42. Nội dung thẩm định điều chỉnh dự án
Các nội dung điều chỉnh phải được thẩm định; nội dung thẩm định điều chỉnh dự án tương ứng với nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 38 Nghị định này.
Chương VI
GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Mục 1. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH ĐẦU TƯ CÔNG
Điều 43. Trách nhiệm giám sát chương trình đầu tư công
1. Chủ chương trình, chủ dự án thành phần thực hiện theo dõi, kiểm tra quá trình đầu tư chương trình đầu tư công theo nội dung và các chỉ tiêu được phê duyệt nhằm bảo đảm mục tiêu và hiệu quả đầu tư.
2. Cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình thực hiện theo dõi, kiểm tra chương trình thuộc phạm vi quản lý. Việc kiểm tra được thực hiện như sau:
a) Kiểm tra ít nhất một lần đối với chương trình có thời gian thực hiện trên 12 tháng;
b) Kiểm tra khi điều chỉnh chương trình làm thay đổi địa điểm, mục tiêu, quy mô, tăng tổng mức đầu tư.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công thực hiện theo dõi, kiểm tra chương trình thuộc phạm vi quản lý.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, cơ quan chủ quản và người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình quyết định tổ chức kiểm tra chương trình theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Điều 44. Nội dung giám sát của chủ chương trình
Chủ chương trình tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra toàn bộ quá trình thực hiện chương trình và báo cáo nội dung sau:
1. Việc quản lý thực hiện chương trình: Lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết triển khai chương trình; thực hiện và điều chỉnh kế hoạch triển khai chương trình.
2. Tình hình thực hiện chương trình: Tiến độ thực hiện các mục tiêu của chương trình; tổng hợp tình hình thực hiện dự án thành phần thuộc chương trình; giá trị khối lượng thực hiện.
3. Tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư: Việc huy động vốn cho chương trình; giải ngân; nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (nếu có).
4. Năng lực tổ chức thực hiện dự án thành phần thuộc chương trình và việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư của chủ dự án thành phần.
5. Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Điều 45. Nội dung giám sát của cơ quan chủ quản và người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình
1. Nội dung theo dõi:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của chủ chương trình, chủ dự án thành phần thuộc chương trình theo quy định;
b) Tổng hợp tình hình thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc chương trình;
c) Tổng hợp tình hình thực hiện chương trình: Tiến độ thực hiện các mục tiêu của chương trình; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, giải ngân; khó khăn, vướng mắc, phát sinh chính ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình và kết quả xử lý;
d) Việc chấp hành các biện pháp xử lý của chủ chương trình, chủ dự án thành phần;
d) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Việc quản lý thực hiện chương trình của chủ chương trình và việc quản lý thực hiện dự án thành phần thuộc chương trình của chủ dự án thành phần;
b) Việc chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Điều 46. Nội dung giám sát của chủ dự án thành phần
1. Nội dung theo dõi:
a) Tổng hợp tình hình thực hiện dự án thành phần thuộc chương trình: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; thực hiện dự án đầu tư; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, giải ngân; khó khăn, vướng mắc, phát sinh và kết quả xử lý;
b) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Kiểm tra nội dung liên quan đến tổ chức thực hiện và quản lý dự án thành phần thuộc chương trình;
b) Việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư và năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư;
c) Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện của chủ đầu tư.
Điều 47. Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công
1. Nội dung theo dõi:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của chủ chương trình, chủ dự án thành phần theo quy định;
b) Tổng hợp tình hình thực hiện chương trình: Tiến độ thực hiện mục tiêu của chương trình; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, giải ngân; khó khăn, vướng mắc, phát sinh chính ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình và kết quả xử lý;
c) Việc chấp hành biện pháp xử lý của chủ chương trình, chủ dự án thành phần;
d) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Việc chấp hành quy định trong việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thuộc chương trình và quyết định điều chỉnh dự án thuộc chương trình (nếu có);
b) Việc quản lý và thực hiện chương trình của cơ quan chủ quản, chủ chương trình và chủ dự án thành phần;
c) Việc xử lý và chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Điều 48. Giám sát dự án đầu tư thuộc chương trình đầu tư công
Việc giám sát dự án đầu tư thuộc chương trình đầu tư công thực hiện theo quy định tại Mục 2, 3, 4 và 5 Chương này.
Điều 49. Đánh giá chương trình đầu tư công
1. Đánh giá chương trình đầu tư công được thực hiện như sau:
a) Chương trình đầu tư công phải thực hiện đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn, đánh giá kết thúc, đánh giá tác động;
b) Cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định việc đánh giá đột xuất chương trình khi cần thiết.
2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá chương trình đầu tư công:
a) Chủ chương trình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn và đánh giá kết thúc;
b) Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất, đánh giá tác động;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công và cơ quan chủ quản tổ chức thực hiện các loại đánh giá theo kế hoạch và đánh giá đột xuất chương trình thuộc phạm vi quản lý.
3. Nội dung đánh giá chương trình thực hiện theo quy định tại Điều 73 của Luật Đầu tư công.
4. Đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình đầu tư công:
a) Phương pháp đánh giá hiệu quả chương trình đầu tư công: phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp).
b) Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình đầu tư công: sự phù hợp của chương trình với mục tiêu kinh tế - xã hội quốc gia, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với nhu cầu của đối tượng hưởng lợi và chính sách phát triển của nhà tài trợ (nếu có); mức độ đạt được mục tiêu đầu tư chương trình theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt; chỉ số khai thác, vận hành thực tế của chương trình so với các chỉ số khai thác, vận hành của chương trình đã được phê duyệt; các tác động kinh tế - xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên,...); các biện pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.
Mục 2. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG
Điều 50. Trách nhiệm giám sát dự án đầu tư công
1. Chủ đầu tư tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra toàn bộ quá trình đầu tư dự án theo nội dung và các chỉ tiêu được phê duyệt nhằm bảo đảm mục tiêu và hiệu quả đầu tư.
2. Cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án thuộc phạm vi quản lý. Việc kiểm tra được thực hiện như sau:
a) Kiểm tra ít nhất một lần đối với dự án có thời gian thực hiện trên 12 tháng;
b) Kiểm tra khi điều chỉnh dự án làm thay đổi địa điểm, mục tiêu, quy mô, tăng tổng mức đầu tư.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án thuộc phạm vi quản lý.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chủ quản và người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định tổ chức kiểm tra dự án theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Điều 51. Nội dung giám sát của chủ đầu tư, chủ sử dụng
1. Chủ đầu tư tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra toàn bộ quá trình thực hiện dự án và báo cáo nội dung sau:
a) Việc quản lý thực hiện dự án: Lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết thực hiện dự án; tình hình thực hiện và điều chỉnh kế hoạch;
b) Tình hình thực hiện dự án đầu tư; Tiến độ thực hiện; khối lượng và giá trị khối lượng thực hiện; chất lượng công việc; các biến động trong quá trình thực hiện dự án;
c) Tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư: Việc huy động vốn cho dự án; giải ngân (tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán); quyết toán vốn dự án hoàn thành; nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có) và việc xử lý;
d) Năng lực tổ chức thực hiện dự án và việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư, của ban quản lý dự án và các nhà thầu;
đ) Khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án và việc xử lý theo thẩm quyền;
e) Đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Chủ sử dụng tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra toàn bộ quá trình khai thác, vận hành dự án và báo cáo nội dung sau:
a) Việc quản lý, khai thác, vận hành dự án;
b) Khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình khai thác, vận hành dự án và việc xử lý theo thẩm quyền;
c) Đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Điều 52. Nội dung giám sát của người có thẩm quyền quyết định đầu tư
1. Nội dung theo dõi:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của chủ đầu tư, chủ sử dụng;
b) Tổng hợp tình hình thực hiện dự án: Tiến độ thực hiện; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư; giải ngàn, quyết toán vốn dự án hoàn thành; nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có) và việc xử lý; khó khăn, vướng mắc, phát sinh ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án và kết quả xử lý;
c) Tổng hợp tình hình tổ chức khai thác, vận hành dự án; khó khăn, vướng mắc, phát sinh chính ảnh hưởng đến quá trình khai thác, vận hành dự án và kết quả xử lý;
d) Việc chấp hành các biện pháp xử lý của chủ đầu tư, chủ sử dụng;
đ) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền theo quy định.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Việc chấp hành quy định về: giám sát, đánh giá đầu tư; đấu thầu; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; sử dụng vốn đầu tư và các nguồn lực khác của dự án; bố trí vốn đầu tư, giải ngân, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư; giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; nghiệm thu đưa dự án vào hoạt động; quản lý, vận hành dự án; bảo vệ môi trường;
b) Việc quản lý thực hiện dự án của chủ đầu tư, ban quản lý dự án;
c) Tiến độ thực hiện dự án;
d) Việc quản lý, khai thác, vận hành dự án của chủ sử dụng;
d) Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện của cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, chủ sử dụng.
Điều 53. Nội dung giám sát của cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công
1. Nội dung theo dõi:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định đầu tư và chủ sử dụng theo quy định;
c) Tổng hợp tình hình thực hiện dự án: tiến độ thực hiện, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, giải ngân; khó khăn, vướng mắc, phát sinh chính ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án và kết quả xử lý;
d) Tổng hợp tình hình tổ chức khai thác, vận hành dự án; khó khăn, vướng mắc, phát sinh chính ảnh hưởng đến quá trình khai thác, vận hành dự án và kết quả xử lý;
đ) Việc chấp hành biện pháp xử lý của chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định đầu tư và chủ sử dụng;
e) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Việc chấp hành quy định về đầu tư và giám sát, đánh giá đầu tư;
b) Việc quản lý thực hiện dự án của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án;
c) Tiến độ thực hiện dự án;
d) Việc quản lý, khai thác, vận hành dự án của chủ sử dụng;
đ) Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện của cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, chủ sử dụng.
Điều 54. Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện giám sát dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Điều 55. Đánh giá dự án đầu tư công
1. Việc đánh giá dự án được thực hiện như sau:
a) Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A phải thực hiện đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động;
b) Dự án nhóm B, nhóm C phải thực hiện đánh giá kết thúc và đánh giá tác động;
c) Ngoài các quy định tại điểm a và điểm b khoản này, người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công quyết định thực hiện đánh giá khác quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này khi cần thiết.
2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá dự án:
a) Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ và đánh giá kết thúc;
b) Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất, đánh giá tác động.
Người có thẩm quyền quyết định đầu tư có thể giao cho chủ sử dụng hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức thực hiện đánh giá tác động dự án do mình quyết định đầu tư;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công tổ chức thực hiện các loại đánh giá theo kế hoạch và đánh giá đột xuất dự án thuộc phạm vi quản lý.
3. Nội dung đánh giá dự án đầu tư công thực hiện theo quy định tại Điều 73 của Luật Đầu tư công.
4. Đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công:
a) Phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công: Tùy theo quy mô và tính chất của dự án, có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp) hoặc phương pháp phân tích chi phí - lợi ích;
b) Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công: Mức độ đạt được mục tiêu đầu tư dự án theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt; chỉ số khai thác, vận hành thực tế của dự án so với các chỉ số khai thác, vận hành của dự án đã được phê duyệt; tỷ suất hoàn vốn nội bộ (EIRR); các tác động kinh tế - xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên); các biện pháp để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.
Mục 3. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN PPP
Điều 56. Trách nhiệm giám sát dự án
1. Cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP và nhà đầu tư tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra quá trình đầu tư dự án theo nội dung được phê duyệt và hợp đồng dự án.
2. Người có thẩm quyền phê duyệt dự án, cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án thuộc thẩm quyền. Việc kiểm tra được thực hiện như sau:
a) Kiểm tra ít nhất một lần đối với các dự án do mình phê duyệt;
b) Kiểm tra khi điều chỉnh dự án làm thay đổi địa điểm, mục tiêu, quy mô, tăng tổng vốn đầu tư.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án thuộc phạm vi quản lý.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định tổ chức kiểm tra dự án theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Điều 57. Nội dung giám sát của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP
1. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Hợp đồng dự án và báo cáo các nội dung sau:
a) Tiến độ thực hiện hợp đồng dự án theo các mốc thời gian;
b) Tình hình thực hiện dự án đầu tư: tiến độ thực hiện; khối lượng và giá trị khối lượng thực hiện; chất lượng công việc;
c) Tình hình thực hiện huy động vốn đầu tư để thực hiện dự án (vốn nhà nước, vốn chủ sở hữu, vốn vay);
d) Doanh thu thực tế của dự án; giá trị phần doanh thu tăng mà doanh nghiệp dự án chia sẻ với nhà nước (nếu có); giá trị phần doanh thu giảm mà Nhà nước đã hoặc dự kiến thanh toán cho doanh nghiệp dự án (nếu có);
đ) Khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng dự án và việc xử lý theo thẩm quyền;
e) Đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra và báo cáo nội dung sau:
a) Việc lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, ký kết Hợp đồng dự án;
b) Tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Dự báo về các chi phí phát sinh cho phía Nhà nước trong giai đoạn 03, 05 năm tới kể từ năm báo cáo;
d) Khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng dự án và việc xử lý theo thẩm quyền;
đ) Đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Điều 58. Nội dung giám sát của cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền phê duyệt dự án
1. Theo dõi, kiểm tra việc lựa chọn nhà đầu tư, ký kết Hợp đồng dự án.
2. Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Hợp đồng dự án.
Điều 59. Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư
1. Theo dõi, kiểm tra việc công bố dự án.
2. Tổng hợp tình hình thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết hợp đồng dự án.
3. Tổng hợp tình hình thực hiện Hợp đồng dự án.
4. Kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư của các bên ký kết Hợp đồng dự án trong việc thực hiện Hợp đồng dự án.
5. Theo dõi, kiểm tra các nội dung khác theo quy định tại Điều 86 và Điều 87 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Điều 60. Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án PPP theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Điều 61. Đánh giá dự án PPP
1. Việc đánh giá dự án được thực hiện như sau:
a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, phải thực hiện đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động;
b) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác theo quy định của pháp luật về PPP phải thực hiện đánh giá kết thúc và đánh giá tác động;
c) Ngoài các quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền phê duyệt dự án và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư quyết định thực hiện đánh giá khác quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này khi cần thiết.
2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá dự án:
a) Cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá giữa kỳ và đánh giá kết thúc;
b) Người có thẩm quyền phê duyệt dự án chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất, đánh giá tác động;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện các loại đánh giá theo kế hoạch và đánh giá đột xuất dự án thuộc phạm vi quản lý.
3. Nội dung đánh giá dự án PPP thực hiện theo quy định tại Điều 73 của Luật Đầu tư công.
Mục 4. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC NGOÀI ĐẦU TƯ CÔNG
Điều 62. Trách nhiệm giám sát dự án
1. Nhà đầu tư tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra quá trình đầu tư dự án theo nội dung và các chỉ tiêu được phê duyệt tại quyết định đầu tư.
2. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án thuộc thẩm quyền. Việc kiểm tra được thực hiện như sau:
a) Kiểm tra ít nhất một lần đối với các dự án đầu tư từ nhóm B trở lên;
b) Kiểm tra khi điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi địa điểm, mục tiêu, quy mô, tăng tổng mức đầu tư.
3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án thuộc phạm vi quản lý.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng vốn nhà nước để đầu tư quyết định tổ chức kiểm tra dự án theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Điều 63. Nội dung giám sát của nhà đầu tư
Nhà đầu tư tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra toàn bộ quá trình thực hiện dự án và báo cáo nội dung sau;
1. Tình hình thực hiện dự án đầu tư: tiến độ thực hiện; khối lượng và giá trị khối lượng thực hiện; chất lượng công việc; các biến động trong quá trình thực hiện dự án.
2. Tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư: việc huy động vốn cho dự án (vốn nhà nước, vốn chủ sở hữu, vốn vay); giải ngân (tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán); quyết toán vốn dự án hoàn thành; nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có) và việc xử lý.
3. Tình hình khai thác, vận hành dự án: kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, nộp ngân sách nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tình hình tài chính của doanh nghiệp và các chỉ tiêu chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động.
4. Việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định.
5. Việc thực hiện các nội dung quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) và quyết định đầu tư Dự án.
6. Việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các dự án thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
7. Tình hình thực hiện ưu đãi đầu tư (nếu có).
8. Khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện, khai thác, vận hành dự án và kết quả xử lý.
Điều 64. Nội dung giám sát của người có thẩm quyền quyết định đầu tư
1. Nội dung theo dõi:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của nhà đầu tư;
b) Tổng hợp tình hình thực hiện dự án: tiến độ thực hiện; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư; giải ngân, quyết toán vốn dự án hoàn thành; nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có) và việc xử lý; khó khăn, vướng mắc, phát sinh ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án và kết quả xử lý;
c) Tổng hợp tình hình tổ chức khai thác, vận hành dự án; khó khăn, vướng mắc, phát sinh chính ảnh hưởng đến quá trình khai thác, vận hành dự án và kết quả xử lý;
d) Tổng hợp tình hình thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định;
đ) Tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung khác quy định tại quyết định đầu tư dự án;
e) Việc chấp hành các biện pháp xử lý của nhà đầu tư;
g) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền theo quy định.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Việc chấp hành quy định về: giám sát, đánh giá đầu tư; đấu thầu; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; sử dụng vốn đầu tư và các nguồn lực khác của dự án; bố trí vốn đầu tư, giải ngân, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư; giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; nghiệm thu đưa dự án vào hoạt động; quản lý, vận hành dự án; bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản (nếu có);
b) Việc quản lý thực hiện dự án;
c) Tiến độ thực hiện dự án;
d) Việc quản lý, khai thác, vận hành dự án;
đ) Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện.
Điều 65. Nội dung giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và cơ quan có thẩm quyền quyết định việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư
1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tổng hợp tình hình thực hiện dự án và kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư.
2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư tổng hợp tình hình thực hiện dự án và kiểm tra việc chấp hành các quy định trong việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư dự án của nhà đầu tư.
Điều 66. Nội dung giám sát đầu tư của cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư
1. Nội dung theo dõi:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của nhà đầu tư;
b) Tổng hợp tình hình thực hiện dự án;
c) Tổng hợp tình hình tổ chức khai thác, vận hành dự án;
d) Tổng hợp tình hình thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định;
đ) Tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung khác quy định tại quyết định đầu tư dự án.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Việc thực hiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
b) Tiến độ thực hiện dự án;
c) Việc đáp ứng điều kiện đầu tư, điều kiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư (nếu có);
d) Việc chấp hành quy định về giám sát, đánh giá đầu tư và chế độ báo cáo thống kê theo quy định;
đ) Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện.
Điều 67. Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện giám sát dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công theo các nội dung sau:
1. Nội dung theo dõi:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
b) Tình hình thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, công nghệ, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định;
c) Việc chấp hành các biện pháp xử lý của nhà đầu tư.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất;
b) Việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, công nghệ, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản (nếu có);
c) Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất;
d) Việc áp dụng và chấp hành quy định của pháp luật chuyên ngành đối với dự án.
Điều 68. Đánh giá dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công
1. Việc đánh giá dự án được thực hiện như sau:
a) Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A phải thực hiện đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động;
b) Dự án nhóm B phải thực hiện đánh giá kết thúc và đánh giá tác động;
c) Ngoài các quy định tại điểm a và điểm b khoản này, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định thực hiện đánh giá khác quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này khi cần thiết.
2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá dự án:
a) Nhà đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá giữa kỳ và đánh giá kết thúc;
b) Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất, đánh giá tác động;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tổ chức thực hiện các loại đánh giá theo kế hoạch và đánh giá đột xuất dự án thuộc phạm vi quản lý.
3. Nội dung đánh giá dự án áp dụng theo quy định tại Điều 73 của Luật Đầu tư công.
Mục 5. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN KHÁC
Điều 69. Trách nhiệm giám sát dự án
1. Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án.
2. Cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án trong phạm vi quản lý. Việc kiểm tra được thực hiện ít nhất một lần đối với mỗi dự án.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án trong phạm vi quản lý.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan đăng ký đầu tư quyết định tổ chức kiểm tra dự án theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Điều 70. Nội dung giám sát của nhà đầu tư
Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án và báo cáo các nội dung sau:
1. Tiến độ thực hiện dự án và tiến độ thực hiện mục tiêu của dự án.
2. Tiến độ góp vốn đầu tư, vốn điều lệ, góp vốn pháp định (đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có yêu cầu phải có vốn pháp định).
3. Tình hình khai thác, vận hành dự án: Kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, nộp ngân sách nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tình hình tài chính của doanh nghiệp và các chỉ tiêu chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động.
4. Việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định.
5. Việc thực hiện quy định tại văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).
6. Việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các dự án thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
7. Tình hình thực hiện ưu đãi đầu tư (nếu có).
Điều 71. Nội dung giám sát của cơ quan đăng ký đầu tư
1. Nội dung theo dõi:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của nhà đầu tư;
b) Tổng hợp tình hình thực hiện dự án;
c) Tổng hợp tình hình khai thác, vận hành dự án;
d) Tổng hợp tình hình thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản của dự án;
đ) Việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế;
e) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Việc thực hiện quy định tại văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
b) Tiến độ thực hiện dự án, gồm tiến độ thực hiện vốn đầu tư, trong đó có vốn vay và tiến độ thực hiện mục tiêu dự án;
c) Việc đáp ứng điều kiện đầu tư, điều kiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư (nếu có);
d) Việc chấp hành quy định về giám sát, đánh giá đầu tư và chế độ báo cáo thống kê theo quy định;
đ) Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện.
Điều 72. Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư
1. Nội dung theo dõi:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của cơ quan đăng ký đầu tư;
b) Việc chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan đăng ký đầu tư;
c) Các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 71 Nghị định này.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch có liên quan theo pháp luật về quy hoạch;
b) Việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ quan đăng ký đầu tư theo các quy định của pháp luật;
c) Quy định ưu đãi đối với dự án đầu tư;
d) Việc giám sát, đánh giá và hỗ trợ đầu tư sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
đ) Thực hiện chức năng cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo về tình hình thực hiện dự án đầu tư theo quy định;
e) Các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 71 Nghị định này.
Điều 73. Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện giám sát dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác theo các nội dung quy định tại Điều 67 Nghị định này.
Điều 74. Đánh giá dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác
1. Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá dự án:
a) Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư phải đánh giá kết thúc;
b) Cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất và đánh giá tác động khi cần thiết.
2. Nội dung đánh giá kết thúc:
a) Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, các nguồn lực đã huy động, tiến độ thực hiện, lợi ích dự án;
b) Đề xuất và kiến nghị.
3. Nội dung đánh giá tác động:
a) Thực trạng việc khai thác, vận hành dự án;
b) Tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án;
c) Đề xuất và kiến nghị.
4. Nội dung đánh giá đột xuất:
a) Sự phù hợp của kết quả thực hiện dự án so với mục tiêu đầu tư;
b) Mức độ hoàn thành khối lượng công, việc so với quy định tại văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
c) Xác định những phát sinh ngoài dự kiến (nếu có) và nguyên nhân;
d) Ảnh hưởng của những phát sinh ngoài dự kiến đến việc thực hiện dự án, khả năng hoàn thành mục tiêu của dự án;
đ) Đề xuất và kiến nghị.
Mục 6. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI
Điều 75. Trách nhiệm giám sát dự án đầu tư ra nước ngoài
1. Nhà đầu tư, người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện theo dõi, kiểm tra quá trình đầu tư dự án theo nội dung và các chỉ tiêu được phê duyệt tại quyết định đầu tư.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án trong phạm vi quản lý.
Điều 76. Nội dung giám sát của nhà đầu tư
Nhà đầu tư tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án và báo cáo các nội dung sau:
1. Việc thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh tại nước ngoài.
2. Tình hình thực hiện dự án: Tiến độ thực hiện dự án, tiến độ thực hiện các mục tiêu của dự án, việc huy động và chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, việc huy động và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài (nếu có).
3. Tình hình khai thác, vận hành dự án: Kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, tình hình tài chính của tổ chức kinh tế thành lập tại nước ngoài để thực hiện dự án; việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, giữ lại lợi nhuận để đầu tư dự án mới, chuyển lợi nhuận về nước; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam; tình hình sử dụng lao động Việt Nam.
4. Việc thực hiện các nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
5. Việc đảm bảo các điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, kinh doanh bất động sản.
Điều 77. Nội dung giám sát của người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan đại diện sở hữu nhà nước đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài
1. Nội dung theo dõi:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của nhà đầu tư;
b) Tổng hợp tình hình thực hiện dự án: Tiến độ thực hiện dự án, tiến độ thực hiện các mục tiêu của dự án, tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của Nhà nước đúng quy định;
c) Tổng hợp kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, tình hình tài chính của tổ chức kinh tế thành lập tại nước ngoài để thực hiện dự án, việc chuyển lợi nhuận về nước;
d) Việc chấp hành biện pháp xử lý của nhà đầu tư;
đ) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Tiến độ thực hiện dự án;
b) Việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài;
c) Việc thực hiện quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
d) Việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc: Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước, giám sát và đánh giá dự án đầu tư ra nước ngoài;
đ) Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện.
Điều 78. Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư
1. Nội dung theo dõi:
a) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của nhà đầu tư;
b) Tổng hợp tình hình thực hiện dự án: Tiến độ thực hiện dự án, việc thực hiện mục tiêu của dự án, tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài;
c) Tổng hợp kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài;
d) Việc chấp hành biện pháp xử lý của nhà đầu tư;
đ) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Tiến độ thực hiện dự án;
b) Việc thực hiện quy định tại văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và quy định khác của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài;
c) Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện.
Điều 79. Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện giám sát dự án đầu tư ra nước ngoài theo các nội dung sau:
1. Nội dung theo dõi:
a) Theo dõi tình hình thực hiện dự án trong phạm vi, lĩnh vực quản lý: Tiến độ thực hiện dự án, việc thực hiện các mục tiêu của dự án, tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, việc huy động và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài (nếu có);
b) Tổng hợp tình hình hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong phạm vi, lĩnh vực quản lý;
c) Việc đảm bảo điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, kinh doanh bất động sản;
d) Việc chấp hành biện pháp xử lý của nhà đầu tư;
đ) Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Kiểm tra theo thẩm quyền việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc: Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài, đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước và quy định pháp luật khác liên quan đến đầu tư ra nước ngoài;
b) Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện.
Điều 80. Đánh giá dự án đầu tư ra nước ngoài
1. Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá dự án:
a) Nhà đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức đánh giá kết thúc;
b) Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất khi cần thiết.
2. Nội dung đánh giá kết thúc:
a) Đánh giá kết quả thực hiện dự án so với quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài: kết quả thực hiện mục tiêu của dự án; nguồn lực đã huy động; tiến độ thực hiện dự án; hiệu quả kinh tế của dự án;
b) Đề xuất và kiến nghị.
3. Nội dung đánh giá đột xuất:
a) Sự phù hợp của kết quả thực hiện dự án so với mục tiêu đầu tư;
b) Mức độ hoàn thành khối lượng công việc so với quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
c) Xác định phát sinh ngoài dự kiến (nếu có) và nguyên nhân;
d) Ảnh hưởng của phát sinh ngoài dự kiến đến việc thực hiện dự án, khả năng hoàn thành mục tiêu của dự án;
đ) Đề xuất và kiến nghị.
Chương VII
GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ TỔNG THỂ ĐẦU TƯ
Điều 81. Trách nhiệm giám sát và đánh giá tổng thể đầu tư
1. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư thực hiện theo dõi, kiểm tra và đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi quản lý.
2. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo dõi, kiểm tra và đánh giá tổng thể đầu tư theo ngành, lĩnh vực quản lý.
3. Cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện theo dõi, kiểm tra và đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi quản lý.
4. Doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo dõi, kiểm tra và đánh giá tổng thể đầu tư của doanh nghiệp.
Điều 82. Nội dung theo dõi tổng thể đầu tư
1. Việc ban hành văn bản hướng dẫn các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư theo thẩm quyền.
2. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các quy hoạch.
3. Việc tập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư.
4. Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công theo quy định tại Điều 69 của Luật Đầu tư công.
5. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án PPP.
6. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công.
7. Việc quản lý dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác:
a) Việc thu hút đầu tư, thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quản lý thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
b) Việc thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và quản lý thực hiện dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn tư nhân trong nước.
8. Việc tổ chức thực hiện công tác giám sát và đánh giá đầu tư.
Điều 83. Nội dung kiểm tra tổng thể đầu tư
1. Việc thực hiện các quy định của các văn bản hướng dẫn các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư.
2. Tiến độ thực hiện và việc chấp hành các quy định trong lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các quy hoạch.
3. Tiến độ thực hiện và việc chấp hành các quy định trong lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư.
4. Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công theo quy định lại Điều 69 của Luật Đầu tư công.
5. Tiến độ thực hiện và việc chấp hành các quy định trong lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án PPP.
6. Tiến độ thực hiện và việc chấp hành các quy định trong lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công.
7. Tiến độ thực hiện và việc chấp hành các quy định trong quản lý dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác.
8. Việc tổ chức thực hiện công tác giám sát và đánh giá đầu tư.
Điều 84. Nội dung đánh giá tổng thể đầu tư
1. Tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình và kết quả đầu tư của nền kinh tế theo các chỉ tiêu về quy mô, tốc độ, cơ cấu, tiến độ, hiệu quả đầu tư.
2. Đánh giá mức độ đạt được so với quy hoạch được duyệt, nhiệm vụ kế hoạch hoặc so với mức đạt được của kỳ trước; đánh giá tính khả thi của các quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
3. Đánh giá kế hoạch đầu tư công theo quy định tại Điều 70 của Luật Đầu tư công.
4. Đánh giá tổng thể về tình hình quản lý đầu tư.
5. Xác định các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng tới tình hình và kết quả đầu tư; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư trong kỳ hoặc giai đoạn kế hoạch sau.
Chương VIII
GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG
Điều 85. Quyền giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Công dân có quyền giám sát các dự án đầu tư thông qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 75 Luật Đầu tư công và Nghị định này.
2. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được quyền:
a) Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các quy hoạch khác liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;
c) Yêu cầu chủ chương trình, chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư: Quyết định đầu tư; thông tin về chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, địa chỉ liên hệ; tiến độ và kế hoạch đầu tư; diện tích chiếm đất và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết và phương án kiến trúc; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; phương án xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Đối với các chương trình, dự án đầu tư có nguồn vốn và công sức của cộng đồng, dự án sử dụng ngân sách cấp xã hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã, ngoài các nội dung trên, chủ chương trình, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp thêm thông tin về quy trình, quy phạm kỹ thuật, chủng loại và định mức vật tư; kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình;
d) Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chủ chương trình, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp các tài liệu tại các điểm a, b, c khoản này cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
3. Kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án trong các trường hợp sau:
a) Phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa - xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng;
b) Chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
4. Phản ánh với các cơ quan nhà nước về kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng và kiến nghị biện pháp xử lý.
Điều 86. Nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và dự án PPP:
a) Theo dõi, kiểm tra sự phù hợp của quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với quy hoạch, kế hoạch đầu tư trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật;
b) Theo dõi, kiểm tra việc chủ đầu tư chấp hành các quy định về: chỉ giới đất đai và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; tiến độ, kế hoạch đầu tư;
c) Tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án;
d) Phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư, vận hành dự án;
đ) Phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án;
e) Việc thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư.
2. Nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn khác thực hiện theo các điểm a, b, c, d, e khoản 1 Điều này,
3. Nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các chương trình, dự án đầu tư có nguồn vốn và công sức của cộng đồng, dự án sử dụng ngân sách cấp xã hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã:
a) Thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức và chủng loại vật tư theo quy định; theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình.
Điều 87. Tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã:
a) Chủ trì thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án. Thành phần của Ban ít nhất là 05 người, gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Thanh tra nhân dân và đại diện người dân trên địa bàn;
b) Lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các chương trình, dự án trên địa bàn và thông báo cho chủ chương trình, chủ đầu tư, ban quản lý chương trình, dự án về kế hoạch và thành phần Ban giám sát đầu tư của cộng đồng chậm nhất 45 ngày trước khi thực hiện;
c) Hướng dẫn Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đầu tư theo quy định của pháp luật và Nghị định này; hỗ trợ Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc thông tin liên lạc, lập và gửi các Báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng;
d) Hướng dẫn, động viên cộng đồng tích cực thực hiện quyền giám sát đầu tư theo quy định của Nghị định này;
đ) Xác nhận các văn bản phản ánh, kiến nghị của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trước khi gửi các cơ quan có thẩm quyền.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã căn cứ điều kiện của xã, bố trí địa điểm làm việc để Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức các cuộc họp và lưu trữ tài liệu phục vụ giám sát đầu tư của cộng đồng; tạo điều kiện sử dụng các phương tiện thông tin, liên lạc của Ủy ban nhân dân xã phục vụ giám sát đầu tư của cộng đồng.
3. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng:
a) Tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng theo chương trình, kế hoạch đã đề ra; tiếp nhận các thông tin do công dân phản ánh để gửi tới các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của Nghị định này; tiếp nhận và thông tin cho công dân biết ý kiến trả lời của các cơ quan quản lý có thẩm quyền về những kiến nghị của mình;
b) Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng.
Chương IX
CHI PHÍ THỰC HIỆN GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ
Điều 88. Chi phí và nguồn vốn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư
1. Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư là toàn bộ chi phí cần thiết để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định này.
2. Nguồn vốn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư:
a) Chi phí cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện được sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn kinh phí thường xuyên cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo kế hoạch hàng năm của cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ này;
b) Chi phí cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư do chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP tự thực hiện hoặc thuê tư vấn thực hiện được tính trong tổng mức đầu tư chương trình, dự án;
c) Chi phí cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư của chủ sử dụng được tính trong chi phí khai thác, vận hành dự án;
d) Chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, do ngân sách cấp xã đảm bảo.
3. Định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư:
a) Chi phí cho công tác giám sát đầu tư do chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP tự thực hiện được tính bằng 10% chi phí quản lý chương trình, dự án;
b) Chi phí cho công tác đánh giá đầu tư được tính bằng % chi phí quản lý chương trình, dự án theo quy định hiện hành như sau: chi phí đánh giá ban đầu: 2%; chi phí đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn: 2%; chi phí đánh giá kết thúc: 3%; chi phí đánh giá đột xuất: 3%.
Trường hợp vận dụng định mức chi phí không phù hợp hoặc chương trình, dự án có quy mô lớn hoặc trường hợp cần phải thuê tư vấn nước ngoài, liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài thực hiện thì tổ chức lập dự toán để xác định chi phí.
4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư quy định tại Nghị định này sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư phải đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả theo chế độ quản lý tài chính hiện hành của nhà nước và quy định tại Nghị định này.
Điều 89. Nội dung chi phí giám sát, đánh giá đầu tư
1. Chi cho công tác theo dõi chương trình, dự án đầu tư:
a) Chi mua văn phòng phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác theo dõi chương trình, dự án đầu tư;
b) Chi phí cho thông tin, liên lạc phục vụ trực tiếp cho công tác theo dõi chương trình, dự án đầu tư;
c) Chi phí sao chụp, đánh máy, gửi tài liệu, gửi báo cáo;
d) Chi phí hành chính cho các cuộc họp, hội nghị;
đ) Chi phí xây dựng báo cáo định kỳ theo quy định;
e) Chi phí tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ;
g) Chi phí cho việc lập, cập nhật báo cáo và vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư.
2. Chi cho công tác kiểm tra chương trình, dự án đầu tư:
a) Chi mua văn phòng phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác kiểm tra chương trình, dự án đầu tư;
b) Chi phí cho thông tin, liên lạc phục vụ trực tiếp cho công tác kiểm tra chương trình, dự án đầu tư;
c) Chi phí sao chụp, đánh máy, gửi tài liệu, gửi báo cáo;
d) Chi phí hành chính cho các cuộc họp, hội nghị;
đ) Chi phí tàu xe đi lại và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc (nếu có); tiền phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở cho người đi công tác;
e) Chi phí xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra.
3. Chi cho công tác đánh giá chương trình, dự án đầu tư:
a) Chi mua văn phòng phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác đánh giá chương trình, dự án đầu tư;
b) Chi phí cho thông tin, liên lạc phục vụ trực tiếp cho công tác đánh giá chương trình, dự án đầu tư;
c) Chi phí sao chụp, đánh máy, gửi tài liệu, gửi báo cáo;
d) Chi phí hành chính cho các cuộc họp, hội nghị;
đ) Chi phí tàu xe đi lại và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc (nếu có); tiền phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở cho người đi công tác;
e) Chi phí xây dựng báo cáo kết quả đánh giá chương trình, dự án;
g) Chi phí thuê chuyên gia, tư vấn.
4. Chi cho công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư:
a) Chi mua văn phòng phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư;
b) Chi phí cho thông tin, liên lạc phục vụ trực tiếp cho công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư;
c) Chi phí sao chụp, đánh máy, gửi tài liệu, gửi báo cáo;
d) Chi phí hành chính cho các cuộc họp, hội nghị;
đ) Chi phí tàu xe đi lại và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc (nếu có); tiền phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở cho người đi công tác;
e) Chi phí xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra tổng thể đầu tư;
g) Chi phí xây dựng báo cáo kết quả giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư;
h) Chi phí thuê chuyên gia, tư vấn.
5. Chi phí cho việc vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Điều 101 Nghị định này,
6. Chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng:
a) Chi phí mua văn phòng phẩm; thông tin, liên lạc phục vụ giám sát đầu tư của cộng đồng;
b) Chi phí sao chụp, đánh máy, gửi tài liệu, gửi báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng;
c) Chi phí hành chính cho các cuộc họp, hội nghị về giám sát đầu tư của cộng đồng;
d) Chi phí tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về giám sát đầu tư của cộng đồng;
đ) Chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Điều 90. Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư
1. Việc quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của chủ chương trình đầu tư công, chủ đầu tư dự án đầu tư công thực hiện theo quy định về quản lý chi phí chương trình, dự án đầu tư.
2. Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, nhà đầu tư dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện Hợp đồng dự án PPP thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của nhà đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác: Nhà đầu tư tự quản lý và sử dụng nguồn kinh phí giám sát, đánh giá đầu tư theo tính chất quản lý nguồn vốn đầu tư của dự án.
4. Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
a) Hằng năm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giám sát, đánh giá đầu tư lập kế hoạch và dự toán chi sự nghiệp, chi thường xuyên cho nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư. Dự toán chi cho nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư được lập trên cơ sở kế hoạch giám sát, đánh giá đầu tư, nội dung chi theo quy định tại Điều 89 Nghị định này và định mức theo quy định hiện hành;
b) Việc quản lý chi phí giám sát, đánh giá đầu tư thực hiện theo quy định về quản lý và sử dụng nguồn chi sự nghiệp, chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo Luật Ngân sách nhà nước;
c) Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thuê tư vấn để thực hiện đánh giá chương trình, dự án đầu tư thì việc quản lý chi phí này như quản lý chi phí dịch vụ tư vấn. Việc tạm ứng, thanh toán vốn cho tư vấn đánh giá chương trình, dự án được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý cấp phát, thanh toán vốn đầu tư đối với các tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng.
5. Quản lý, sử dụng chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng:
a) Chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn cấp xã được cân đối trong dự toán chi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và do ngân sách cấp xã đảm bảo. Mức kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã bố trí phù hợp với kế hoạch hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng do Hội đồng nhân dân xã quyết định và đảm bảo mức kinh phí tối thiểu 10 triệu đồng/năm cho một xã.
Việc lập dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện theo quy định về quản lý ngân sách cấp xã và các hoạt động tài chính khác của cấp xã;
b) Chi phí hỗ trợ công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết về giám sát đầu tư của cộng đồng ở cấp huyện, tỉnh được cân đối trong dự toán chi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp tỉnh và do ngân sách cấp huyện, cấp tỉnh đảm bảo.
6. Việc lập dự toán chi phí giám sát và đánh giá đầu tư và quản lý chi phí giám sát và đánh giá đầu tư thực hiện theo quy định hiện hành.
Chương X
TỔ CHỨC THỰC HIỆN GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ
Điều 91. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác giám sát và đánh giá đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn, theo dõi và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong toàn quốc.
2. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi toàn quốc.
3. Tổ chức thực hiện và tổng hợp công tác giám sát, đánh giá các chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
4. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của mình (kể cả các dự án phân cấp và ủy quyền cho cấp dưới quyết định đầu tư).
5. Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ hoặc với các bộ, ngành, địa phương liên quan về các giải pháp nhằm khắc phục những vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các ngành, các địa phương hoặc đối với các dự án cụ thể để đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư.
6. Xem xét, có ý kiến hoặc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ khi có yêu cầu của các bộ, ngành khác, địa phương và chủ đầu tư.
7. Hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến giám sát và đánh giá đầu tư khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Điều 92. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang hộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác giám sát và đánh giá đầu tư
1. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý.
2. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của mình (kể cả các dự án phân cấp và ủy quyền cho cấp dưới quyết định đầu tư).
3. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý.
4. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá các dự án PPP do mình quản lý.
5. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá chuyên ngành việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.
6. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá các chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình.
7. Giải quyết các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.
8. Có ý kiến hoặc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành khi có yêu cầu của các bộ, ngành khác, địa phương, chủ đầu tư và nhà đầu tư.
9. Báo cáo về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của mình và giám sát, đánh giá dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của mình theo chế độ quy định.
10. Cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin báo cáo vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Điều 101 Nghị định này.
Điều 93. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác giám sát và đánh giá đầu tư
1. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi quản lý của địa phương.
2. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của mình (kể cả các dự án phân cấp và ủy quyền cho cấp dưới quyết định đầu tư).
3. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý.
4. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá các dự án do mình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
5. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá các dự án PPP trên địa bàn.
6. Giám sát việc thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, đảm bảo môi trường của các dự án trên địa bàn của tỉnh, thành phố; có ý kiến hoặc giải quyết kịp thời các vấn đề về giải phóng mặt bằng, sử dụng đất thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình khi có yêu cầu của các bộ, ngành và chủ đầu tư.
7. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc các bộ, ngành về những vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư chung của địa phương và liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của mình để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư.
8. Báo cáo về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi quản lý của mình và giám sát, đánh giá dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của mình theo chế độ quy định.
9. Cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin báo cáo vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Điều 101 Nghị định này.
Điều 94. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký đầu tư trong công tác giám sát và đánh giá đầu tư
1. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư và giám sát, đánh giá dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý.
2. Báo cáo về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư và giám sát, đánh giá dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.
3. Cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin báo cáo vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Điều 101 Nghị định này.
Điều 95. Trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong công tác giám sát và đánh giá đầu tư
1. Tổ chức giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi quản lý của doanh nghiệp.
2. Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá các dự án do mình quyết định đầu tư hoặc thuộc quyền quản lý.
3. Báo cáo về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư và giám sát, đánh giá dự án đầu tư thuộc Thẩm quyền quản lý theo chế độ quy định.
4. Cập nhật đầy đủ kịp thời, chính xác các thông tin báo cáo vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Điều 101 Nghị định này.
Điều 96. Trách nhiệm của chủ chương trình, chủ đầu tư, chủ sử dụng, nhà đầu tư trong giám sát và đánh giá chương trình, dự án đầu tư
1. Chủ chương trình đầu tư công, chủ đầu tư, chủ sử dụng dự án đầu tư công, nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, nhà đầu tư dự án PPP có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá chương trình, dự án theo quy định tại Nghị định này;
b) Xây dựng khung giám sát, đánh giá dự án trước khi khởi công dự án;
c) Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, thu thập và lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ của dự án, báo cáo của các nhà thầu, những thay đổi về chính sách, luật pháp của Nhà nước, các quy định của nhà tài trợ liên quan đến việc quản lý thực hiện dự án (nếu dự án có sử dụng nguồn vốn ODA);
d) Báo cáo kịp thời cơ quan quản lý cấp trên xử lý các vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền;
đ) Lập báo cáo giám sát và đánh giá dự án theo quy định;
e) Cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin báo cáo vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Điều 101 Nghị định này;
g) Chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật do báo cáo, cung cấp thông tin không chính xác về tình hình thực hiện đầu tư trong phạm vi quản lý.
2. Nhà đầu tư dự án sử dụng nguồn vốn khác có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án theo quy định tại Nghị định này;
b) Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, thu thập và lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ của dự án, báo cáo của các nhà thầu liên quan đến việc quản lý thực hiện dự án;
c) Báo cáo kịp thời cơ quan quản lý xử lý các vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền;
d) Lập báo cáo giám sát và đánh giá dự án theo quy định;
đ) Cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin báo cáo vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Điều 101 Nghị định này;
c) Chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật do báo cáo, cung cấp thông tin không chính xác về tình hình thực hiện đầu tư trong phạm vi quản lý.
Điều 97. Tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư
1. Các bộ, ngành phân công một đơn vị trực thuộc (cấp vụ) làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư của bộ, ngành mình; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với các đơn vị khác trực thuộc, các dự án được bộ, ngành phân cấp hoặc ủy quyền cho cấp dưới.
2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư của tỉnh, thành phố; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với các cấp, đơn vị trực thuộc, các dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phân cấp hoặc ủy quyền cho cấp dưới.
3. Các doanh nghiệp nhà nước giao bộ phận phụ trách kế hoạch đầu tư làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư của doanh nghiệp; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với các đơn vị trực thuộc.
4. Chủ chương trình, chủ đầu tư, chủ sử dụng giao Ban quản lý dự án hoặc chỉ định bộ phận chịu trách nhiệm thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý.
5. Nhà đầu tư sử dụng doanh nghiệp dự án hoặc chỉ định bộ phận chịu trách nhiệm thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư đối với dự án thuộc phạm vi quản lý.
6. Trường hợp một cơ quan thực hiện đồng thời vai trò của hai chủ thể trở lên trong các chủ thể sau: cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chủ quản, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, cơ quan đăng ký đầu tư, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP, chủ chương trình, chủ đầu tư, chủ sử dụng; việc giám sát, đánh giá đầu tư được thực hiện như sau:
a) Đơn vị đầu mối thực hiện tất cả các nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư của cơ quan. Riêng nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư với vai trò là chủ chương trình, chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng phải giao cho đơn vị đại diện chủ chương trình, chủ đầu tư, chủ sử dụng thực hiện;
b) Nội dung giám sát, đánh giá đầu tư được thực hiện trên cơ sở lồng ghép các nội dung giám sát, đánh giá đầu tư của các chủ thể được phân công.
7. Các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư theo các hình thức sau:
a) Tự thực hiện giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư và giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư;
b) Thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn để thực hiện đánh giá chương trình, dự án đầu tư và đánh giá tổng thể đầu tư.
8. Việc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn để thực hiện đánh giá chương trình, dự án đầu tư và đánh giá tổng thể đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Điều 98. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư
1. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư có chức năng giúp các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các doanh nghiệp và nhà đầu tư thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư có nhiệm vụ cụ thể sau:
a) Có kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đánh giá đầu tư và tổ chức thực hiện các công việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá đầu tư trong phạm vi trách nhiệm được giao;
b) Phân công cụ thể bộ phận, cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá chương trình, dự án đầu tư và theo dõi, kiểm tra, đánh giá tổng thể đầu tư;
c) Tổ chức hệ thống cung cấp và lưu trữ thông tin về tình hình đầu tư trong phạm vi của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hoặc các dự án (đối với các chủ đầu tư) do mình quản lý;
d) Thu thập các báo cáo, thông tin liên quan phục vụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá đầu tư theo từng đối tượng quy định;
đ) Thực hiện xem xét, phân tích các thông tin, báo cáo, lập Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư phù hợp với nội dung và yêu cầu quy định trình các cấp có thẩm quyền xem xét.
2. Cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư có các quyền hạn sau:
a) Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư ở các cấp liên quan báo cáo theo chế độ quy định, cung cấp các thông tin, tài liệu bổ sung liên quan đến nội dung giám sát, đánh giá đầu tư nếu cần thiết;
b) Trường hợp cần thiết có thể trao đổi trực tiếp qua điện thoại hoặc tại hiện trường với các cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư ở các cấp liên quan, chủ đầu tư, nhà đầu tư để làm rõ các nội dung liên quan đến việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá. Khi làm việc trực tiếp tại hiện trường phải có kế hoạch, nội dung làm việc cụ thể và phải thông báo trước với các cơ quan, đơn vị liên quan;
c) Kiến nghị cấp có thẩm quyền việc điều chỉnh dự án khi cần thiết hoặc hủy bỏ quyết định đầu tư, đình chỉ, tạm dừng thực hiện các dự án đầu tư nếu trong quá trình giám sát, đánh giá đầu tư phát hiện có những sai phạm nghiêm trọng. Báo cáo cấp có thẩm quyền về việc vi phạm các quy định về giám sát, đánh giá đầu tư của chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, đơn vị liên quan và kiến nghị các biện pháp xử lý theo mức độ vi phạm.
3. Cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm năng lực thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao ở cơ quan, đơn vị mình.
Điều 99. Cách thức, trình tự thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư
1. Việc theo dõi chương trình, dự án đầu tư và theo dõi tổng thể đầu tư được thực hiện thông qua các cách thức sau:
a) Theo dõi thường xuyên tại hiện trường;
b) Theo dõi thông qua báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo yêu cầu;
c) Theo dõi thông qua báo cáo kết hợp với theo dõi định kỳ hoặc đột xuất tại hiện trường.
2. Chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư thực hiện theo dõi thường xuyên tình hình thực hiện chương trình, dự án đầu tư và chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời của các thông tin báo cáo.
3. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo dõi chương trình, dự án đầu tư và theo dõi tổng thể đầu tư trên cơ sở tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin báo cáo của chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Trường hợp cần thiết có thể thành lập Đoàn giám sát làm việc trực tiếp tại hiện trường để làm rõ về các thông tin liên quan.
4. Việc kiểm tra, đánh giá chương trình, dự án đầu tư và kiểm tra, đánh giá tổng thể đầu tư được tiến hành thông qua các cách thức sau:
a) Thông qua báo cáo;
b) Thành lập Đoàn kiểm tra, Đoàn đánh giá.
5. Trình tự theo dõi chương trình, dự án đầu tư:
a) Xây dựng và điều chỉnh khung giám sát, đánh giá của chương trình, dự án;
b) Xác định nhu cầu thông tin và chỉ số theo dõi;
c) Xây dựng Kế hoạch theo dõi;
d) Xây dựng cơ cấu tổ chức hỗ trợ công tác theo dõi;
đ) Chuẩn bị các công cụ và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc theo dõi chương trình, dự án;
e) Thu thập và phân tích dữ liệu;
g) Báo cáo kết quả theo dõi theo chế độ quy định.
6. Trình tự kiểm tra chương trình, dự án đầu tư:
a) Lập và trình duyệt Kế hoạch kiểm tra;
b) Thành lập Đoàn kiểm tra (nếu có);
c) Thông báo Kế hoạch kiểm tra và yêu cầu chuẩn bị tài liệu phục vụ kiểm tra. Thời gian chuẩn bị tài liệu của đối tượng kiểm tra tối thiểu là 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu chuẩn bị tài liệu;
d) Tiến hành cuộc kiểm tra. Thời gian thực hiện kiểm tra tại hiện trường của Đoàn kiểm tra tối đa là 20 ngày;
đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra. Thời gian tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra tối đa là 20 ngày;
e) Thông báo kết quả kiểm tra và kết thúc kiểm tra. Thời gian thực hiện tối đa là 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Đoàn kiểm tra.
7. Trình tự thực hiện đánh giá chương trình, dự án đầu tư:
a) Lập và trình duyệt Kế hoạch đánh giá;
b) Thành lập Đoàn đánh giá (nếu có);
c) Thông báo Kế hoạch đánh giá và yêu cầu chuẩn bị tài liệu phục vụ đánh giá;
d) Mô tả tóm tắt bản chất chương trình, dự án được đánh giá (xây dựng và điều chỉnh khung đánh giá của chương trình, dự án);
đ) Chuẩn bị kế hoạch đánh giá chi tiết;
e) Thu thập và phân tích dữ liệu;
g) Báo cáo các kết quả đánh giá;
h) Thông báo kết quả đánh giá.
8. Trình tự thực hiện theo dõi tổng thể đầu tư:
a) Xác định nhu cầu thông tin và chỉ số theo dõi;
b) Xây dựng Kế hoạch theo dõi;
c) Xây dựng cơ cấu tổ chức hỗ trợ công tác theo dõi;
d) Chuẩn bị các công cụ và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc theo dõi tổng thể đầu tư;
đ) Thu thập và phân tích dữ liệu;
e) Báo cáo kết quả theo dõi theo chế độ quy định.
9. Trình tự thực hiện kiểm tra tổng thể đầu tư:
a) Lập và trình duyệt Kế hoạch kiểm tra;
b) Thành lập Đoàn kiểm tra (nếu có);
c) Thông báo Kế hoạch kiểm tra và yêu cầu chuẩn bị tài liệu phục vụ kiểm tra. Thời gian chuẩn bị tài liệu của đối tượng kiểm tra tối thiểu là 30 ngày kể tù ngày nhận được văn bản yêu cầu chuẩn bị tài liệu;
d) Tiến hành cuộc kiểm tra. Thời gian thực hiện kiểm tra tại hiện trường của Đoàn kiểm tra tối đa là 30 ngày;
d) Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra. Thời gian tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra tối đa là 30 ngày;
e) Thông báo kết quả kiểm tra và kết thúc kiểm tra. Thời gian thực hiện tối đa là 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Đoàn kiểm tra.
10. Trình tự thực hiện đánh giá tổng thể đầu tư:
a) Xác định mục tiêu, phạm vi, nội dung đánh giá;
b) Lập và trình duyệt Kế hoạch đánh giá;
c) Thành lập Đoàn đánh giá (nếu có);
d) Thông báo Kế hoạch đánh giá và yêu cầu chuẩn bị tài liệu phục vụ đánh giá;
đ) Thu thập và phân tích dữ liệu;
e) Báo cáo các kết quả đánh giá;
g) Thông báo kết quả đánh giá.
Điều 100. Báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hằng năm, trong đó bao gồm nội dung báo cáo tổng hợp giám sát, đánh giá dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A trong phạm vi toàn quốc.
2. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước lập và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư các loại báo cáo sau:
a) Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hàng năm;
b) Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể hoạt động đầu tư ra nước ngoài hằng năm.
3. Cơ quan đăng ký đầu tư lập và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư hằng năm.
4. Chủ chương trình, chủ đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công Lập và gửi người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan chủ quản và đơn vị đầu mối thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư các loại báo cáo sau:
a) Báo cáo giám sát, đánh giá định ký: 6 tháng và cả năm;
b) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh chương trình, dự án;
c) Báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc chương trình, dự án;
đ) Báo cáo đánh giá chương trình, dự án đầu tư do mình tổ chức thực hiện;
d) Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá hàng năm các chương trình, dự án đầu tư do mình quản lý.
5. Chủ sử dụng dự án đầu tư công lập và gửi người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan đầu mối thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư các loại báo cáo sau;
a) Báo cáo giám sát, đánh giá tình hình khai thác, vận hành dự án hằng năm trong thời gian từ khi đưa dự án vào khai thác, vận hành đến khi có Báo cáo đánh giá tác động dự án;
b) Báo cáo đánh giá tác động dự án.
6. Nhà đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công lập và gửi cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư và đơn vị đầu mối thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư các loại báo cáo sau:
a) Báo cáo giám sát, đánh giá định ký: 6 tháng và cả năm;
b) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án;
c) Báo cáo đánh giá dự án đầu tư do mình tổ chức thực hiện;
d) Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá hàng năm các chương trình, dự án đầu tư do mình quản lý.
7. Nhà đầu tư thực hiện dự án PPP lập và gửi cơ quan ký kết hợp đồng dự án và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư các loại báo cáo sau:
a) Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm;
b) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án;
c) Báo cáo đánh giá dự án đầu tư do mình tổ chức thực hiện.
8. Nhà đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác lập và gửi cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư các loại báo cáo sau:
a) Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm;
b) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án;
c) Báo cáo đánh giá kết thúc (nếu có);
9. Nhà đầu tư các dự án đầu tư ra nước ngoài lập và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư các loại báo cáo sau:
a) Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm;
b) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án (đối với trường hợp điều chỉnh dự án dẫn đến phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);
c) Báo cáo đánh giá kết thúc.
10. Chế độ báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng:
a) Ban giám sát đầu tư của cộng đồng định kỳ hằng quý báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về tình hình thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án trên địa bàn. Trường hợp phát hiện các vấn đề vi phạm hoặc có các kiến nghị khác về các chương trình, dự án trong quá trình giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổng hợp trình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để gửi kiến nghị tới các cơ quan liên quan;
b) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã định kỳ hằng năm tổng hợp kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã gửi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp tỉnh;
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh định kỳ hằng năm tổng hợp, lập báo cáo kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng tại địa phương, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
11. Thời hạn báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư:
a) Chủ chương trình, chủ đầu tư và nhà đầu tư:
- Gửi báo cáo 6 tháng trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;
- Gửi báo cáo hàng năm trước ngày 10 tháng 02 năm sau;
- Gửi báo cáo trước khi trình điều chỉnh chương trình dự án.
b) Cơ quan đăng ký đầu tư: Gửi báo cáo hằng năm trước ngày 20 tháng 02 năm sau.
c) Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước: Gửi báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể hàng năm trước ngày 01 tháng 3 năm sau.
d) Thời hạn báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng;
- Ban giám sát đầu tư của cộng đồng gửi báo cáo trước ngày 10 của tháng đầu quý tiếp theo;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã gửi báo cáo hàng năm trước ngày 10 tháng 02 năm sau;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi báo cáo hằng năm trước ngày 20 tháng 02 năm sau.
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng hợp công tác giám sát, đánh giá đầu tư năm trước ngày 31 tháng 3 năm sau,
12. Nội dung báo cáo thực hiện theo quy định tương ứng tại Chương VI, VII và VIII Nghị định này.
13. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 101. Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư
1. “Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư” (sau đây gọi tắt là Hệ thống) là hệ thống được triển khai trên toàn quốc, tập trung tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cập nhật, lưu trữ thông tin, giám sát, đánh giá, phân tích, công khai thông tin theo quy định về các chương trình, dự án đầu tư trên toàn quốc.
2. Các quy định sử dụng chung:
a) Việc theo dõi, giám sát, đánh giá các dự án đầu tư phải thực hiện trên Hệ thống; báo cáo trên Hệ thống sẽ thay thế cho báo cáo bằng văn bản giấy;
b) Với báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trên toàn quốc hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tổng hợp trên số liệu các cơ quan báo cáo trên Hệ thống;
c) Việc cập nhật dữ liệu báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, chính xác và kịp thời. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu do cơ quan báo cáo, cập nhật trên Hệ thống;
d) Tổ chức, cá nhân sử dụng Hệ thống phải sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong việc ký gửi báo cáo trên Hệ thống;
d) Biểu mẫu thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư được điện tử hóa trên Hệ thống và các biểu mẫu này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và công khai tại cảng thông tin quốc gia về giám sát, đánh giá đầu tư;
e) Quy định tại Điều này không áp dụng đối với các dự án có yêu cầu bí mật Nhà nước.
3. Quy định về tài khoản sử dụng Hệ thống:
a) Tài khoản sử dụng được quản lý tập trung trên Hệ thống do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.
b) Tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư được đăng ký tài khoản sử dụng Hệ thống. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cấp tài khoản dựa trên thông tin đăng ký và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân tham gia Hệ thống.
c) Việc đăng ký tài khoản được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống tại địa chỉ https://taikhoan.mpi.gov.vn. Thông tin bắt buộc phải cập nhật khi đăng ký tài khoản bao gồm:
- Thông tin của người được giao quản lý sử dụng tài khoản: Họ và tên; số chứng minh nhân dân/số thẻ căn cước công dân; số điện thoại di động; thư điện tử;
- Thông tin của cơ quan sử dụng tài khoản; Tên cơ quan; thông tin của người đứng đầu cơ quan: Họ và tên, số chứng minh nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại di động, thư điện tử; bản chụp quyết định thành lập cơ quan.
d) Tài khoản chính của bộ, cơ quan trung ương và địa phương được sử dụng để xác thực thông tin đăng ký tài khoản của các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc cơ quan mình.
đ) Người sử dụng phải đổi mật khẩu ban đầu trong vòng 01 ngày kể từ khi nhận được tài khoản. Không tiết lộ mật khẩu cho người khác không có trách nhiệm cập nhật trên Hệ thống. Trường hợp thay đổi người sử dụng tài khoản, người tiếp nhận bàn giao tài khoản phải đổi lại mật khẩu và thay đổi thông tin người quản lý, sử dụng tài khoản trên Hệ thống.
4. Quy định về cập nhật thông tin, báo cáo của chủ đầu tư, nhà đầu tư, chủ dự án thành phần:
a) Khi chương trình, dự án được phê duyệt đầu tư: Cập nhật thông tin chương trình, dự án theo Quyết định chủ trương đầu tư. Quyết định đầu tư vào Hệ thống trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày được quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định đầu tư.
b) Trong quá trình thực hiện dự án:
Các thông tin sau phải cập nhật chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ khi có điều chỉnh hoặc phát sinh:
- Phê duyệt điều chỉnh dự án;
- Phê duyệt, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán;
- Phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng;
- Kế hoạch vốn được cấp;
- Giá trị nghiệm thu, giá trị giải ngân;
- Thông tin về đánh giá, kiểm tra;
- Các báo cáo giám sát, đánh giá dự án.
Các thông tin phải cập nhật định kỳ hàng tháng (nếu có phát sinh):
- Thông tin hình ảnh hoặc phim về hiện trạng thi công tại hiện trường đối với các dự án có cấu phần xây dựng.
Các văn bản phải đính kèm bản quét màu văn bản gốc hoặc văn bản điện tử có chữ ký số chuyên dùng lên Hệ thống bao gồm:
- Quyết định/Chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có);
- Quyết định đầu tư, Quyết định đầu tư điều chỉnh (nếu có);
- Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; Quyết định điều chỉnh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, dự toán (nếu có);
- Quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Quyết định phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có);
- Báo cáo kết quả đánh giá;
- Báo cáo kết quả kiểm tra.
c) Các thông tin phải cập nhật định kỳ hằng tháng:
- Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư;
- Thông tin hình ảnh hoặc phim về hiện trạng thi công tại hiện trường đối với các dự án có cấu phần xây dựng.
d) Định kỳ hằng quý tổng, hợp thông tin trên Hệ thống và lập báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư của chủ đầu tư, chủ dự án thành phần và gửi cơ quan có thẩm quyền trên Hệ thống.
đ) Định kỳ hằng năm báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá các chương trình, dự án đầu tư do mình quản lý trên Hệ thống.
e) Khi kết thúc chương trình, dự án: Thực hiện cập nhật thông tin quyết toán dự án theo Quyết định phê duyệt quyết toán trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày được phê duyệt quyết toán.
5. Quy định về báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước:
a) Triển khai, đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư, chủ dự án thành phần trong phạm vi quản lý cập nhật thông tin trên Hệ thống theo quy định tại khoản 4 Điều này;
b) Định kỳ hàng năm báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trên Hệ thống.
6. Chi phí cho việc lập, cập nhật báo cáo và vận hành Hệ thống:
a) Chi phí cho việc lập, cập nhật báo cáo và vận hành Hệ thống nằm trong tổng mức đầu tư của dự án và thuộc chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của dự án và được xác định theo định mức;
b) Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn lập dự toán, quản lý kinh phí lập, cập nhật báo cáo và vận hành Hệ thống.
7. Quy định về xây dựng, triển khai Hệ thống:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xây dựng và quản lý vận hành hệ thống, thống nhất trên toàn quốc về công tác giám sát đánh giá đầu tư;
b) Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm triển khai Hệ thống này tại cơ quan mình.
8. Quy định về tích hợp, chia sẻ dữ liệu:
a) Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm:
- Chia sẻ, tích hợp dữ liệu và báo cáo tình hình giải ngân của từng dự án đầu tư để làm cơ sở báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công của các cơ quan trên Hệ thống;
- Việc chia sẻ, tích hợp và báo cáo trên Hệ thống sẽ thay cho báo cáo bằng văn bản giấy.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống để đảm bảo tính thống nhất về thông tin, dữ liệu giữa Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư và các Hệ thống: Hệ thống thông tin về đầu tư công, Hệ thống thông tin về đầu tư, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Điều 102. Xử lý kết quả giám sát, đánh giá đầu tư
1. Các bộ, ngành, địa phương phải xem xét và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, các kiến nghị của cơ quan giám sát, đánh giá đầu tư, chủ chương trình, chủ đầu tư, chủ sử dụng và nhà đầu tư về những vấn đề thuộc quyền hạn và trách nhiệm của mình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của bên có liên quan và chịu trách nhiệm về việc xử lý thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo kịp thời với cấp trên các vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Các cấp có thẩm quyền khi điều chỉnh chương trình, dự án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chương trình dự án khi điều chỉnh chương trình, dự án theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp dự án bắt buộc phải kiểm tra, đánh giá trước khi điều chỉnh thì các cấp có thẩm quyền chỉ được điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi thực hiện kiểm tra, đánh giá chương trình, dự án theo quy định tại Nghị định này.
3. Kết quả giám sát, đánh giá đầu tư là căn cứ để các cấp có thẩm quyền phân bổ vốn đầu tư cho dự án trong các năm tiếp theo.
4. Kết quả đánh giá kết thúc dự án là căn cứ để các cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án.
5. Kết quả đánh giá tác động chương trình, dự án là căn cứ để các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đầu tư các chương trình, dự án tương tự.
Điều 103. Xử lý vi phạm trong giám sát và đánh giá đầu tư
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi che giấu vi phạm hoặc hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong giám sát và đánh giá đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư.
3. Đối với các chương trình, dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, chủ đầu tư, nhà đầu tư không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư, Giám đốc Ban quản lý dự án và các cán bộ được phân công nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư của chủ chương trình, chủ đầu tư phải bị xử lý vi phạm như sau:
a) 2 kỳ liền không có báo cáo hoặc 3 kỳ không báo cáo bị khiển trách;
b) 3 kỳ liền không có báo cáo hoặc 4 kỳ không báo cáo bị cảnh cáo.
4. Trong trường hợp vi phạm quy định về chế độ báo cáo thì các dự án đầu tư công chỉ được bố trí vốn kế hoạch và giải ngân sau khi tiến hành xử lý vi phạm theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và bổ sung các nội dung hoặc báo cáo còn thiếu theo quy định.
5. Xử lý các vi phạm về quản lý đầu tư trong quá trình giám sát, đánh giá đầu tư:
a) Các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền những trường hợp vi phạm về quản lý đầu tư thuộc cấp mình quản lý để xử lý theo quy định;
b) Các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư cố tình che giấu các trường hợp vi phạm về quản lý đầu tư sẽ chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật về các sai phạm và hậu quả gây ra.
6. Hằng năm trên cơ sở báo cáo tổng hợp, đề xuất của cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát và đánh giá đầu tư, các bộ, ngành, địa phương xem xét, quyết định xử lý đối với các chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư vi phạm quy định về giám sát và đánh giá đầu tư theo các hình thức:
a) Khiển trách, cảnh cáo;
b) Thay chủ chương trình, chủ đầu tư;
c) Không giao làm chủ đầu tư các dự án khác.
7. Hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện:
a) Kiến nghị hình thức xử lý đối với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hoặc thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư không đúng thời hạn, không đảm bảo chất lượng;
b) Tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xử lý các vi phạm trong giám sát và đánh giá đầu tư.
Chương XI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 104. Xử lý chuyển tiếp đối với dự án đang trong quá trình thực hiện, phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia
1. Dự án đang trong quá trình thực hiện là dự án đã có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền hoặc dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2. Đối với dự án đang trong quá trình thực hiện nhưng có tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công, Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Điều 30 Luật Đầu tư, được thực hiện như sau:
a) Các dự án được tiếp tục triển khai thực hiện; chủ đầu tư, nhà đầu tư báo cáo tình hình thực hiện đến người quyết định đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư;
b) Người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của chủ đầu tư, nhà đầu tư để Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án;
c) Việc quản lý đối với các dự án quy định tại khoản này được thực hiện theo nhóm dự án quy định tại Quyết định đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp; các Quyết định đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh trước đó (nếu có) và các quy định pháp luật có liên quan.
3. Đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư công, Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thực hiện như sau:
a) Các dự án được tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không phát sinh thay đổi); chủ đầu tư, nhà đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư về các vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia;
b) Trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm điều chỉnh dự án như đối với dự án hoặc nhóm dự án trước khi điều chỉnh;
c) Người quyết định đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia;
d) Việc quản lý đối với các dự án quy định tại khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về dự án quan trọng quốc gia.
4. Việc báo cáo về tình hình thực hiện dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và khoản 8 Điều 79 Luật Đầu tư công thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 105. Quy định về chuyển tiếp trong giám sát, đánh giá đầu tư
1. Các Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư đối với các kỳ thực hiện năm 2020 được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.
2. Các chương trình, dự án đã xác định và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chi phí giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư được tiếp tục thực hiện hoặc xác định lại chi phí giám sát, đánh giá theo quy định tại Nghị định này.
Điều 106. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các quy định trước đây trái với Nghị định này và các quy định sau đây hết hiệu lực;
a) Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia;
b) Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia;
c) Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư;
d) Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.
Điều 107. Trách nhiệm thi hành
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Ch
ính ph;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
-
ND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- V
ăn phòng Tng Bí thư;
- V
ăn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và c
ác Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- T
òa án nhân dân ti cao;
- Viện kiểm sát nh
ân dân tối cao;
- Ki
m toán nhá nưc;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ng
ân hàng Chính sách xã hội;
- N
n hàng Phát trin Việt Nam;
-
y ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ
Cổng TTĐT, các Vụ, Cc, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (2).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC I

MẪU KẾ HOẠCH THẨM ĐỊNH
(Kèm theo Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ)

KẾ HOẠCH THẨM ĐỊNH

I. NHIỆM VỤ VÀ NỘI DUNG THẨM ĐỊNH

1. Nhiệm vụ thm định:

Tổ chức thm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi [Tên dự án] (sau đây gọi tắt là Dự án) để báo cáo Chính phủ xem xét và trình Quốc hội quyết định hoặc chp thuận chủ trương đầu tư.

Hoặc: Tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi [Tên dự án] (sau đây gọi tt là Dự án) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư.

2. Cơ sở pháp lý tổ chức thẩm định

Luật, Nghị định, Thông tư và các văn bản của cấp có thẩm quyền có liên quan khác.

3. Nội dung thẩm định dự án: Tùy theo loại nguồn vốn, hình thức đầu tư nội dung thm định phù hợp quy định tại Nghị định này.

Trong đó, nêu cụ thể từng nhiệm vụ và dự kiến phân công nhiệm vụ, hình thức xem xét, đánh giá các nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước/Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành.

STT

Nội dung thẩm định

Hình thức đánh giá

Thành viên HĐTĐNN/TCGTĐLN chịu trách nhiệm chính theo chức năng QLNN được phân công

1

…………………

...

…………………

2

…………………

...

…………………

...

…………………

...

…………………

II. TỔ CHỨC THẨM ĐỊNH

1. Đề xuất thành lp Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành.

(Xác định rõ thành phần, nội dung công việc cho Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành).

2. Đề xuất về thuê tư vấn thm tra (nếu có).

(Dự kiến số lượng vị trí chuyên gia cn thiết để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra gắn với từng nội dung trong báo cáo thẩm định; xác định nhiệm vụ cụ thể của các chuyên gia; dự kiến chi phí cần thiết và có dự toán chi phí kèm theo)

III. THỜI GIAN VÀ CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG

1. Chương trình làm việc của Hội đồng.

2. Kế hoạch thành lập Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành.

3. Kế hoạch lựa chọn tư vấn thẩm tra (nếu có).

IV. ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC

1. Địa điểm và phương tiện làm việc.

2. Chi phí thẩm định, thẩm tra Dự án (có dự toán chi tiết kèm theo).

3. Các điu kiện làm việc khác

PHỤ LỤC II

MẪU BÁO CÁO DỰ ÁN PHÁT SINH VẤN ĐỀ THUỘC TIÊU CHÍ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
(Kèm theo Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ)

TÊN CƠ QUAN BÁO CÁO
 

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:          /BCDAQTQG

…….., ngày  tháng … năm

BÁO CÁO DỰ ÁN PHÁT SINH VẤN ĐỀ THUỘC TIÊU CHÍ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

Tên dự án:……………………..

Kính gửi:………………………………………………….

I. THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN

1. Tên dự án:

2. Chủ đầu tư:

3. Tổ chức tư vấn lập dự án:

4. Mục tiêu của dự án:

5. Quy mô, công suất:

6. Nội dung đầu tư chính/các hạng mục đầu tư chính:

7. Địa điểm dự án:

8. Din tích sử dụng đt:

9. Hình thức quản lý dự án:

10. Các mc thời gian về dự án:

- Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, các quyết định điu chnh (nếu có):

- Thời gian thực hiện dự án:

11. Tổng mức đầu tư:

12. Nguồn vốn đầu tư:

13. Nội dung vấn đề phát sinh thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia:

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN

1. Tình hình thực hiện dự án:

a) Tiến độ thực hiện dự án (công tác lập thiết kế kỹ thuật, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, công tác đu thầu, công tác thực hiện hđồng,...).

b) Giá trị khối lượng thực hiện theo tiến độ thực hiện hợp đồng.

c) Tình hình quản lý vốn và tổng hợp kết quả giải ngân.

d) Chất lượng công việc đạt được (mô tả chất lượng công việc đã đạt được tương ứng với các giá trị khối lượng công việc trong từng giai đoạn đã được nghiệm thu, thanh toán).

đ) Các chi phí khác liên quan đến dự án.

e) Các biến động liên quan đến quá trình thực hiện dự án.

2. Công tác quản lý dự án:

a) Kế hoạch triển khai thực hiện.

b) Kết quả đạt được so với kế hoạch đề ra và điều chỉnh kế hoạch thực hiện cho phù hợp với yêu cầu.

c) Công tác đảm bảo chất lượng và hiệu lực quản lý dự án.

3. Tình hình xử lý, phản hồi thông tin:

a) Việc đảm bảo thông tin báo cáo theo quy định (tính đầy đủ, chính xác, trung thực, đúng thời hạn của thông tin báo cáo).

b) Xử lý thông tin báo cáo (việc xử lý các thông tin báo cáo kịp thời kể từ khi nhận được báo cáo để phản hồi kịp thời, tránh gây hậu quả bất lợi cho dự án).

c) Kết quả giải quyết các vướng mắc, phát sinh (nếu các kết quả đạt được thông qua quá trình đã xử lý các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án).

III. TÌNH HÌNH KHAI THÁC VẬN HÀNH DỰ ÁN (nếu có)

1. Thực trạng kinh tế - kỹ thuật, vận hành của dự án (nêu rõ thực trạng kinh tế - kỹ thuật, vận hành của dự án và so sánh với các chỉ tiêu được phê duyệt trong giai đoạn thực hiện đầu tư).

2. Tính bền vng; nhng tồn tại, khó khăn, vướng mc của dự án (nếu có).

3. Tình hình sản xuất, kinh doanh (đối với dự án đầu tư nhm mục đích kinh doanh).

- Tình hình sử dụng lao động (số lượng, cơ cấu trình độ) đến thời điểm báo cáo.

- Tình hình thực hiện nghĩa vụ với người lao động (lương, bo hiểm, trợ cấp, phúc lợi xã hội...).

- Tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách (số thực hiện trong kỳ báo cáo, số lũy kế đến thời điểm báo cáo, số còn phải nộp, nêu rõ nguyên nhân chưa nộp).

- Tình hình lợi nhuận (số thực hiện trong kỳ báo cáo, số lũy kế đến thời điểm báo cáo).

IV. NỘI DUNG VÀ LÝ DO ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN (nếu có)

1. Nêu rõ các nội dung chính của việc điu chỉnh dự án, các thành phần của dự án được điều chỉnh

2. Nêu rõ các lý do, nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan dn đến phải điều chỉnh dự án (trong các khâu lậpthẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án).

3. Đánh giá lại hiệu quả dự án điều chỉnh.

V. KIẾN NGHỊ

Kiến nghị người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc các cơ quan có thẩm quyền về các biện pháp hỗ trợ, xử lý những khó khăn của dự án (nếu có).

 

CƠ QUAN BÁO CÁO
(Ký tên, đóng du)

PHỤ LỤC III

MẪU BÁO CÁO QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
(Kèm theo Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ)

TÊN CƠ QUAN BÁO CÁO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       /BCDAQTQG

…….., ngày … tháng … năm

BÁO CÁO VỀ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

Tên dự án:……………………..

Kính gửi:………………………………………………….

I. THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN

1. Tên dự án:

2. Chủ đầu tư:

3. Tổ chức tư vấn lập dự án:

4. Mục tiêu của dự án:

5. Quy mô, công suất:

6. Nội dung đầu tư chính/các hạng mục đầu tư chính:

7. Địa điểm dự án:

8. Din tích sử dụng đt:

9. Hình thức quản lý dự án:

10. Các mc thời gian về dự án:

- Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, các quyết định điu chnh (nếu có):

- Thời gian thực hiện dự án:

11. Tổng mức đầu tư:

12. Nguồn vốn đầu tư:

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN

1. Công tác triển khai dự án: (tóm tắt các kết quả chính và tình hình giải ngân của dự án đã thực hiện đến thời điểm báo cáo)

2. Công tác quản lý dự án: (tóm tắt các nội dung chính về công tác quản lý dự án theo quy định của pháp luật hiện hành; và kết quả xử lý, phn hồi thông tin báo cáo cấp có thẩm quyền)

III. CÁC NỘI DUNG ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN (nếu có):

1. Nêu rõ các nội dung chính của việc điu chỉnh dự án, các thành phần của dự án được điều chnh.

2. Nêu rõ các lý do, nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan dẫn đến phải điều chỉnh dự án (trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chc thực hiện dự án).

3. Đánh giá lại hiệu quả dự án điều chỉnh.

IV. TÌNH HÌNH KHAI THÁC VẬN HÀNH DỰ ÁN (nếu có)

1. Thực trạng kinh tế - kỹ thuật, vận hành ca dự án (nêu rõ thực trạng kinh tế - kỹ thuật, vận hành của dự án và so sánh với các ch tiêđược phê duyệt trong giai đoạn thực hiện đầu tư).

2. Tính bền vững; nhng tồn tại, khó khăn, vướng mắc của dự án (nếu có).

3. Tình hình sản xuất, kinh doanh (đi với dự án đầu tư nhằm mục đích kinh doanh).

- Tình hình sử dụng lao động (số lượng, cơ cấu trình độ) đến thời điểm báo cáo.

- Tình hình thực hiện nghĩa vụ với người lao động (lương, bảo hiểm, trợ cấp, phúc lợi xã hội...).

- Tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách (số thực hiện trong kỳ báo cáo, số lũy kế đến thời điểm báo cáo, s còn phi nộp, nêu rõ nguyên nhân chưa nộp).

- Tình hình lợi nhuận (số thực hiện trong kỳ báo cáo, số lũy kế đến thời đim báo cáo).

V. KIẾN NGHỊ

Kiến nghị người có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc các cơ quan có thẩm quyền về các biện pháp hỗ trợ, xử lý nhng khó khăn của dự án (nếu có).

 

CƠ QUAN BÁO CÁO
(Ký tên, đóng dấu)

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT
________

No. 29/2021/ND-CP

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
__________

Hanoi, March 26, 2021

DECREE

On order and procedures for appraisal of national important projects and investment supervision and evaluation

 

 

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015; the Law on Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Organization of the Government and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Public Investment dated June 13, 2019;

Pursuant to the Law on Construction dated June 18, 2014; the Law on Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Construction dated June 17, 2020;

Pursuant to the Law on Management and Use of State Capital Invested in Production and Business at Enterprises dated November 26, 2014;

Pursuant to the Law on Investment dated June 17, 2020;

Pursuant to the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership dated June 18, 2020;

Pursuant to the Bidding Law dated November 26, 2013;

At the proposal of the Minister of Planning and Investment;

The Government hereby promulgates the Decree on order and procedures for appraisal of national important projects and investment supervision and evaluation.

 

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

This Decree prescribes:

1. Order and procedures for appraisal and decision on investment policy, and decision on investment in national important projects as prescribed in the Law on Public Investment and Law on Construction; order and procedures for appraisal and decision on investment policy, approval of projects with investment policies decided by the National Assembly as prescribed in the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership; order and procedures for appraisal and approval of investment policy of projects with investment policy approved by the National Assembly as prescribed in the Law on Investment.

2. Supervision and evaluation of investment programs and projects, overall investment supervision and evaluation and community-based investment monitoring of investment activities in Vietnam and Vietnam’s offshore investment; investment cost of investment supervision and evaluation; powers and responsibilities of agencies, units, organizations and individuals involved in investment supervision and evaluation activities.

3. The supervision and evaluation of securities investment activities must comply with the securities law.

4. The supervision and evaluation of investment programs and projects funded with official development assistance (ODA) and concessional loans of foreign donors must comply with this Decree; any differences due to particular use of these funding sources shall be handled in accordance with the law on management and use of ODA and concessional loans of foreign donors and relevant treaties.

Article 2. Subjects of application

This Decree applies to:

1. Organizations and individuals related to national important projects as prescribed in the Law on Public Investment and Law on Construction; projects with investment policies decided by the National Assembly as prescribed in the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership; projects with investment policy approved by the National Assembly as prescribed in the Law on Investment.

2. Agencies, units, organizations and individuals in charge of investment supervision and evaluation, and agencies, units, organizations and individuals involved in investment supervision and evaluation activities.

Article 3. Interpretation of terms

In this Decree, the terms below shall be construed as follows:

1. “Investment supervision” investment monitoring and examination. Investment supervision includes investment program or project supervision and overall investment supervision.

2. “Investment program or project monitoring” means the continuous and periodical updating of information relating to the implementation of an investment program or project; summarization, analysis and evaluation of information and proposal of options serving the decision making by management authorities at all levels in order to ensure the implementation of the program or project according to its set objectives and schedule and required quality within the limits of identified resources.

3. “Investment program or project examination” means planned periodical or irregular activities aiming at examining involved agencies, organizations and individuals in observing regulations on program and project management; identify in time mistakes and weaknesses in the program or project management in accordance with law; propose competent authorities to remedy arising problems in or violations of regulations on program and project management; and supervise the remediation of the identified problems and compliance with remedies.

4. “Investment program or project evaluation” means planned periodical or irregular activities aiming at determining the extent of achievement of specific objectives and targets set under the investment decision or by state-prescribed evaluation standards at a given point of time. Investment program or project evaluation consists of initial evaluation, mid-term or phase-based evaluation, final evaluation, impact evaluation and irregular evaluation.

5. “Initial evaluation” means the evaluation conducted right after the implementation of a program or project starts, aiming to review the program’s or project’s practical situation compared to the time of its approval, so as to take appropriate remedies.

6. “Mid-term or phase-based evaluation” means the evaluation conducted in the middle of the implementation of an approved program or project or after completion of each phase (for a program or project implemented in various phases), aiming at reviewing the implementation of the program or project from its start, so as to propose necessary adjustments.

7. “Final evaluation” means the evaluation conducted right after the program or project is completed, aiming at reviewing the program’s or project’s results and drawing experience.

8. “Impact evaluation” means the evaluation conducted at an appropriate point of time 3 years after the program or project is put into operation, aiming at clarifying the program’s or project’s efficiency, sustainability and socio-economic impacts against its initial objectives.

9. “Irregular evaluation” means the evaluation conducted when arise unexpected problems, difficulties and impacts during the implementation of a program or project.

10. “Community-based investment monitoring” means voluntary activities of residents in communes, wards or townships (below referred to as commune-level localities) to monitor and examine related agencies and units in observing investment management regulations in the investment process; and detect and propose competent state agencies to handle violations of investment regulations (except programs and projects classified as national secrets in accordance with law).

11. “Overall investment supervision” means the continuous monitoring and planned periodical or irregular examination of the investment process at various levels and in various sectors and localities; and identification and timely correction of wrongdoings and mistakes to ensure efficient investment according to planning and set objectives.

12. “Overall investment monitoring” means the continuous and periodical updating of information relating to investment activities and investment management by various levels, sectors and localities; summarization, analysis and evaluation of information and proposal of mechanisms and policies related to investment management.

13. “Overall investment examination” means planned periodical or irregular activities aiming at examining various levels and sectors in observing investment management regulations; identifying and promptly correcting mistakes and weaknesses to ensure lawful investment management; identifying and proposing competent authorities to remedy arising problems or handling violations of investment management regulations; and supervising the remediation of identified problems and compliance with remedies.

14. “Overall investment evaluation” means planned periodical activities aiming at analyzing and assessing investment results of the entire economy, sectors and localities; determining the extent of achievement against master plans and plans in each period or phase; and analyzing causes affecting investment results and proposing solutions to raising investment efficiency in the subsequent period or phase.

15. “Component project of a public investment program” means a combination of interrelated activities aiming at achieving one or more than one specific objective of the program which are carried out in a prescribed locality within a certain period of time and based on identified resources.

16. “Component project manager” means an agency or organization assigned to manage a component project of a public investment program.

17. “Project user” means an agency or organization assigned to operate a project.

18. “Investment project using other sources” means a non-state-funded investment project.

19. “State capital other than public investment funds” means the state capital prescribed in the 2013 Bidding Law, excluding the public investment funds as prescribed by the law on public investment.

20. “National important project” means a national important project prescribed in the Law on Public Investment and Law on Construction; project with investment policies decided by the National Assembly as prescribed in the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership; project with investment policy approved by the National Assembly as prescribed in the Law on Investment.

 

Chapter II

ORGANIZATION AND MODE OF OPERATION OF STATE APPRAISAL COUNCIL

 

Article 4. Organization, responsibilities and powers of the State Appraisal Council

1. The State Appraisal Council which is established under the Prime Minister's decision for each project shall organize the appraisal of national important projects (pre-feasibility study report or feasibility study report) for submission to the National Assembly for decision or approval of investment policy or for reporting to the Prime Minister for investment decision. 

2. The State Appraisal Council consists of the Chairperson, the Vice Chairperson and other members of the State Appraisal Council. The Chairperson of the State Appraisal Council is the Minister of Planning and Investment; the Vice Chairperson and other members of the State Appraisal Council are representatives of leaders of ministries and relevant agencies as decided by the Prime Minister at the request of the Ministry of Planning and Investment.

3. The Chairperson, Vice Chairperson and members of the State Appraisal Council shall take responsibility before the Prime Minister for organizing appraisal and appraisal activities according to the assigned tasks; giving the State Appraisal Council’s evaluation opinions on appraisal results, conclusions and recommendations regarding assigned contents of national important projects, and according to the State Appraisal Council’s operating regulations.

4. The State Appraisal Council has the following powers:

a) Considering and deciding on issues relating to work contents, programs and plans of the State Appraisal Council and other related matters during the process of appraisal of a national important project;

b) Requesting project owners, investors or agency assigned to prepare investment to provide relevant documents during the process of appraising a national important project, pay costs of inspection and appraisal according to the approved estimate and appraisal schedule;

c) Requesting the consultancy contractor (or relevant agency) to provide relevant documents during the inspection and appraisal of a national important project.

5. The State Appraisal Council works on a collective basis under the direction of the Chairperson of the Council. A meeting of the State Appraisal Council is considered valid when at least 50% of the members attend (including authorized persons). The concluding opinions are agreed upon by majority rule. In case the voting rate is equal and reaches 50% of the Council members (including the number present at the meeting and the number of written votes sent to the Council), the issue shall be approved according to the opinion voted by the Chairperson of the Council.

The final conclusion through the appraisal contents of important national projects submitted to the Government and Prime Minister must be approved by at least 2/3 of the members of the State Appraisal Council. Opinions of members of the State Appraisal Council are made by voting at the meeting or in writing sent to the State Appraisal Council.

6. The State Appraisal Council shall be automatically dissolved after completing all prescribed appraisal tasks.

Article 5. Responsibilities and powers of the Chairperson of the State Appraisal Council

1. To consider approving the appraisal plan after receiving opinions from the State Appraisal Council, decide on convening the State Appraisal Council’s meetings, assume the responsible for meetings; assign responsibilities to the Vice Chairperson and members of the State Appraisal Council.

2. To decide on establishing the interdisciplinary appraisal expert team according to the task requirements for each national important project.

3. In case of necessity, the State Appraisal Council’s Chairperson may authorize one Vice Chairperson to convene and assume the responsible for the State Appraisal Council’s meetings or report to the Government on certain contents or tasks directly undertaken by the Vice Chairperson.

4. To decide on hiring and selecting a consultant in inspection of national important project in accordance with Articles 10 and 11 of this Decree.

Article 6. Responsibilities and powers of the State Appraisal Council’s Vice Chairperson

1. Assisting the State Appraisal Council’s Chairperson in directing operations of the State Appraisal Council; monitoring and performing duties of the State Appraisal Council assigned by the State Appraisal Council's Chairperson; regularly making a review report on the State Appraisal Council's performance.

2. Assisting the State Appraisal Council’s Chairperson in reviewing and assessing reports on specialized matters and the State Appraisal Council's other activities for submission to the Prime Minister.

Article 7. Responsibilities and powers of the State Appraisal Council’s members

1. Considering opinions as to contents of appraisal of national important project related to the fields within the functions and tasks of Ministries, agencies and localities within the ambit of management and general matters of national important project according to the State Appraisal Council’s appraisal plan.

2. Mobilizing human resources, working equipment and researching facilities within the ambit of management to fulfill the assigned tasks.

3. Fully participating in the State Appraisal Council’s meetings, exchanging contributed opinions as to contents of review and appraisal, casting their votes for the State Appraisal Council’s conclusions. In some special cases, where it is impossible to participate in a meeting, a Council member must authorize a competent representative to participate in the State Appraisal Council’s meeting and give opinions in writing regarding contents consulted.

4. Taking responsibility for their appraisal opinions and votes.

Article 8. Duties of the standing body of the State Appraisal Council

The standing body of the State Appraisal Council is the Ministry of Planning and Investment with the following duties:

1. Mobilizing the Ministry’s apparatus to assist the State Appraisal Council’s Chairperson in organizing the appraisal of national important project and general operations of the State Appraisal Council; coordinating with relevant agencies, interdisciplinary appraisal expert team and Inspection Consultancy Group to perform appraisal tasks.

2. Receiving and examining project dossiers, and send them to the State Appraisal Council’s members, agencies and units involved.

3. Developing a plan for appraisal of national important project by adopting the form prescribed in Appendix to this Decree for submission to the State Appraisal Council.

4. Performing other duties as assigned by the State Appraisal Council's Chairperson.

5. Archiving dossiers of appraisal of national important project as prescribed.

Article 9. Duties of the interdisciplinary appraisal expert team

1. The interdisciplinary appraisal expert team is a unit established to assist the State Appraisal Council which consists of experts of ministries, local agencies and other relevant agencies.

2. The interdisciplinary appraisal expert team shall have the following duties:

a) Preparing appraisal contents which are delivered to the State Appraisal Council's members;

b) Preparing modifications or amendments to dossiers at the request of the State Appraisal Council’s members during the process of appraisal for submission to the State Appraisal Council;

c) Carrying out necessary works to assist the State Appraisal Council in choosing an inspection consultant in accordance with Article 11 of this Decree whenever it is necessary to employ inspection consultant;

d) Preparing contracts for inspection consultancy, contract acceptance records and other relevant documents used for the purpose of finalization or settlement of costs of appraisal and inspection of national important project;

dd) Consolidating opinions obtained from the State Appraisal Council’s members, and suggesting and requesting the State Appraisal Council’s Chairperson to review and decide any issue that may arise during the appraisal process;

e) Drafting an appraisal report of the State Appraisal Council for submission to the State Appraisal Council’s Chairperson for review and submission of such report to the Government;

g) Implementing other tasks assigned by the State Appraisal Council.

 

Chapter III

HIRE OF INSPECTION CONSULTANT AND COST OF APPRAISAL AND INSPECTION OF NATIONAL IMPORTANT PROJECTS

 

Article 10. Competence to decide hire of a consultant in inspection of national important project

1. Inspection consultant refers to a domestic or foreign organization or individual, or a domestic or foreign joint venture (hereinafter referred to as “consultant” or “inspection consultant") hired by the State Appraisal Council to perform one or several part(s) of contents of appraisal of national important project.

2. The Prime Minister shall consider and decide a plan for selection of inspection consultant in special case as prescribed in Article 26 of the Bidding Law at the request of the Minister of Planning and Investment.

3. The State Appraisal Council’s Chairperson shall approve the appraisal plan; the plan for selection of inspection consultant and decide on hiring consultant in inspection of national important project in the form of selection as prescribed in Article 11 of this Decree.

Article 11. Procedures for selection of consultant in inspection of national important project

1. Selection of inspection consultant in special cases:

a) The interdisciplinary appraisal expert team shall determine the consultancy contractor that has sufficient competence and experience to immediately provide consultancy services and recommend such contractor to the State Appraisal Council's Chairperson for approval.

b) Within 15 days from the approval date, the interdisciplinary appraisal expert team must complete the direct appointment procedure, including:

- Prepare and send a draft agreement to the consultancy contractor, including requirements regarding extent and scope of work to be carried out, work schedule and work quality to be satisfied and equivalent value for negotiating and finalizing the contract;

- Proceed to negotiate and complete the contract;

- Submit the State Appraisal Council's Chairperson the result of selection of consultant in inspection of specific projects for approval;

- Prepare conclusion of the contract with the selected consultant. The contract is signed by three parties, including the representative of the State Appraisal Council, the project owner (investor or the agency assigned to prepare investment in projects) and the selected consultant.

2. Other cases as prescribed by the Bidding Law.

Article 12. Costs of appraisal and hire of inspection consultant for national important project conducted by the State Appraisal Council

1. Cost of inspection refers to the cost of hire of inspection consultant for national important project conducted by the State Appraisal Council.

2. Cost of appraisal refers to costs used for assisting in appraisal of national important project conducted by the State Appraisal Council (exclusive of cost of inspection prescribed in Clause 1 of this Article). Cost of appraisal shall include remuneration paid to the State Appraisal Council’s members and the interdisciplinary appraisal expert team; cost of meeting, stationery supplies and site survey (if any), other relevant and cost contingency.

3. Cost of inspection and appraisal of national important project shall be determined as follows:

a) Maximum cost of inspection of pre-feasibility study report shall be equal to the maximum cost of inspection of feasibility study report;

b) Cost of appraisal shall be equal to 20% of the abovementioned maximum cost of inspection. If the maximum cost of inspection is unavailable and it is required to make an estimate of inspection cost as prescribed at Point c Clause 3 of this Article, an estimate of corresponding appraisal cost shall be made.

c) The maximum cost of inspection of feasibility study report shall comply with the law on construction. In the case where a foreign consultant or domestic-foreign joint venture is hired or the maximum cost is unavailable, it is required to make a cost estimate, including:

- Cost of hiring experts: salary paid to consulting experts during the inspection and appraisal;

- - Other costs: costs in service of and support the consulting contractor's activities during the period of conducting verification consulting activities such as: travel costs (international and domestic), office rental costs rooms, office equipment, office operating costs, communication costs, food and accommodation support costs for consultants, professional liability insurance costs (if any) and other costs;

- Taxes: taxes payable by the inspection consultancy contractor as prescribed by Vietnamese law;

- Cost contingency: contingency for additional work load and cost escalation during the period when the inspection consultancy contractor performs its duties.

4. Cost of appraisal and hire of consultant in inspection of national important project shall be included in the total investment and paid by project owners, investors or agencies assigned to prepare investment in such projects at the request of the State Appraisal Council, ensuring appraisal and inspection progress of national important project according to the plan.

Project owners, investors or agencies assigned to prepare investment shall be liable for paying cost of inspection to inspection consultants as agreed upon in the signed contract after receiving opinions from the State Appraisal Council.

5. In case of necessity, the State Appraisal Council shall request project owners, investors or agencies assigned to prepare investment to make, appraise and approve the estimate of costs of hiring inspection consultant. In the case where the project owners, investors or agencies assigned to prepare investment do not have sufficient competence and experience to carry out appraisal, consultancies that have sufficient competence and experience as prescribed may be hired to carry out inspection prior to approval.

6. The State Appraisal Council shall allow the State Appraisal Council members and the interdisciplinary appraisal expert team to autonomously take control of their spending and other relevant costs with a view to assuring the State Appraisal Council's appraisal activities.

7. Inspection consultants shall be responsible to the State Appraisal Council, project owners, investors or agencies assigned to prepare investment and the law for their conducted inspection results.

 

Chapter IV

DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF DECISION ON INVESTMENT POLICY AND ADJUSTMENTS TO INVESTMENT POLICY OF NATIONAL IMPORTANT PROJECTS

 

Section 1. DOSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF DECISION ON INVESTMENT POLICY OF NATIONAL IMPORTANT PROJECT USING PUBLIC INVESTMENT FUNDS

 

Article 13. Dossiers and procedures for application for internal appraisal by project owners or units affiliated to agencies assigned to prepare investment

1. A dossier submitted to apply for internal appraisal comprises:

a) An application for internal appraisal submitted by the project owner or unit affiliated to the agency assigned to prepare investment;

b) A pre-feasibility study report;

c) Other relevant documents (if any).

2. The project owner or unit affiliated to the agency assigned to prepare investment shall submit 15 sets of project dossiers as prescribed in Clause 1 of this Article to its managing agency or the agency assigned to prepare investment to carry out internal appraisal as prescribed at Point b Clause 1 Article 19 of the Law on Public Investment. The time limit for internal appraisal shall not exceed 30 days from the date of receiving complete and valid dossiers.

Article 14. Dossiers and procedures for application for appraisal by managing agencies or agencies assigned to prepare investment

1. Dossier submitted to apply for appraisal comprises:

a) An application submitted to the Prime Minister by the managing agency or agency assigned to prepare investment;

b) A pre-feasibility study report completed according to opinions received from the internal appraisal;

c) An internal appraisal report;

d) Other relevant documents (if any).

2. The managing agency or agency assigned to prepare investment shall submit 01 set of dossiers as prescribed in Clause 1 of this Article for report to the Prime Minister, and at the same time, submit 20 sets of dossiers to the Ministry of Planning and Investment.

3. Within 15 days after receiving the project dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall report the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

4. The State Appraisal Council shall appraise investment policy of the national important project within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date of signing the consultant hiring contract.

Article 15. Dossiers and procedures for application for appraisal by the State Appraisal Council and the Government

1. A dossier submitted by the State Appraisal Council to apply for appraisal to the Government comprises:

a) An application submitted to the Government by the managing agency or agency assigned to prepare investment;

b) A pre-feasibility study report;

c) An appraisal report of the State Appraisal Council;

d) Other relevant documents (if any).

2. The Government shall consider and give opinions on investment policy of national important project according to the Government’s working regulations.

3. Dossier submitted by the Government to the National Assembly as prescribed in Article 20 of the Law on Public Investment comprises:

a) An application prepared by the Government;

b) The documents prescribed in Clause 1 of this Article;

c) Other relevant documents (if any).

Article 16. Contents of appraisal of decision on investment policy of national important project using public investment funds

1. Evaluation of project dossiers: legal bases, components and contents of dossiers according to regulations.

2. Satisfaction of criteria for determination of national important project;

3. Necessity of investment, conditions for investment, evaluation of conformity with socio-economic development strategies and plans, and relevant planning in accordance with the planning law.

4. Evaluation of demand forecast, influence coverage and proposed objectives of investment, scale and form of investment.

5. Evaluation of location and site of investment, proposed demand for land area used and demand for utilization of other natural resources (if any); evaluation of the compensation, assistance, land clearance and relocation plan.

6. Evaluation of analysis, preliminary choice in terms of key technology and techniques, and conditions for supply of raw materials, equipment, energy, services and infrastructure;

7. Evaluation of analysis, preliminary selection of investment plans and scale of investment constituents;

8. Preliminary evaluation of environmental impacts (if any) prescribed by the law on environmental protection.

9. Evaluation of determination of preliminary total investment and capital raising plan: bases for determination of preliminary total investment; capital source structure; preliminary analysis of feasibility of capital raising plans and capability of balancing public investment funds.

10. Evaluation of determination of preliminary costs of operation, maintenance, overhaul and major repair during the period of operation of projects.

11. Evaluation of the proposed progress of execution of projects, division of investment phases or component or subordinate projects (if any).

12. Preliminary evaluation of investment efficiency in terms of finance, society, economy, national defense and security and sustainable development.

13. Evaluation of solutions for organizing execution of projects: definition of the project owner (if any); form of project management.

14. Evaluation of particular mechanisms and policies; investment incentives and assistance and conditions for application of this Decree (if any).

 

Section 2. DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF DECISION ON INVESTMENT POLICY OF PPP PROJECTS WITH INVESTMENT POLICIES DECIDED BY THE NATIONAL ASSEMBLY

 

Article 17. Dossiers and procedures for application for appraisal

1. Dossier submitted to apply for appraisal:

a) Dossier submitted by the competent agency includes the documents prescribed in Clause 1 Article 15 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership.

b) Dossier submitted by the investor includes the documents prescribed at Point c Clause 1 Article 27 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership.

2. The competent agency shall submit 01 set of dossiers as prescribed in Clause 1 of this Article as a report to the Prime Minister, and at the same time, submit 20 sets of dossiers to the Ministry of Planning and Investment.

3. Within 15 days after receiving the project dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall request the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

4. The State Appraisal Council shall appraise investment policy of projects within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date of signing the consultant hiring contract.

5. Dossier submitted by the State Appraisal Council to apply for appraisal to the Government includes:

a) The documents prescribed in Clause 1 of this Article;

b) An appraisal report prepared by the State Appraisal Council;

c) Other relevant documents (if any).

6. The Government shall consider and give opinions on investment policy of the project according to the Government’s working regulations.

7. Dossier submitted by the Government to the National Assembly shall comply with Article 16 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership.

Article 18. Contents of appraisal of decision on investment policy of projects

1. Evaluation of project dossiers: legal bases, components and contents of dossiers according to regulations.

2. Satisfaction of criteria for determination of projects with investment policies decided by the National Assembly.

3. Conformity with requirements for project’s eligibility for PPP investment prescribed in Clause 1 Article 14 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership.

4. Conformity with bases for preparation of pre-feasibility study reports prescribed in Clause 2 Article 14 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership.

5. Conformity with the socio-economic development strategies and plans, and relevant planning in accordance with the planning law.

6. Evaluation of objectives; proposed project scale, site and duration of the project, demands for use of land and other natural resources;

7. Evaluation of analysis, preliminary choice in terms of key technology and techniques, and conditions for supply of raw materials, equipment, energy, services and infrastructure;

8. Evaluation of analysis, preliminary selection of investment plans and scale of investment constituents;

9. Evaluation of the compensation, assistance, land clearance and relocation plan.

10. Preliminary evaluation of environmental impacts (if any) prescribed by the law on environmental protection.

11. Evaluation of determination of preliminary total investment.

12. Evaluation of determination of preliminary costs of operation, maintenance, overhaul and major repair during the period of operation of projects;

13. Evaluation of division of investment phases or component or subordinate projects (if any).

14. Preliminary evaluation of investment efficiency in terms of finance, society, economy; effects of PPP projects on the community and population living within these projects; effects of projects on national defense, security and sustainable development; capital recovery.

15. Relevance of the PPP contract type.

16. Mechanism for distribution of revenue reductions.

17. Funding sources and capital balancing capability of PPP projects using state capital.

18. Evaluation of form of project management.

19. Evaluation of particular mechanisms and policies; investment incentives and assistance and conditions for application (if any).

 

Section 3. DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF APPROVAL FOR INVESTMENT POLICY OF PPP PROJECTS WITH INVESTMENT POLICY APPROVED BY THE NATIONAL ASSEMBLY

 

Article 19. Document and procedures for application for appraisal by investors or competent agencies

1. Dossier submitted to apply for appraisal:

a) Dossier submitted to apply for appraisal of approval for investment policy of projects proposed by investors shall comply with Clause 1 Article 33 of the Law on Investment;

b) Dossier submitted to apply for appraisal of approval for investment policy of projects set up by competent agencies shall comply with Clause 2 Article 33 of the Law on Investment.

2. The investor or competent agency shall submit 20 sets of dossiers as prescribed in Clause 1 of this Article to the Ministry of Planning and Investment.

3. Within 15 days after receiving the project dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall request the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

4. The State Appraisal Council shall appraise investment policy of projects within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date of signing the consultant hiring contract.

Article 20. Dossiers and procedures for application for appraisal by the State Appraisal Council and the Government

1. Dossier submitted by the State Appraisal Council to apply for appraisal to the Government includes:

a) The documents specified in Clause 1 Article 19 of this Decree;

b) An appraisal report prepared by the State Appraisal Council;

c) Other relevant documents (if any).

2. The Government shall consider and give opinions on investment policy of national important project according to the Government’s working regulations.

3. Dossier submitted by the Government to the National Assembly as prescribed in Clause 5 Article 34 of the Law on Investment includes:

a) An application prepared by the Government;

b) The documents prescribed in Clause 1 of this Article;

c) Other relevant documents (if any).

Article 21. Contents of appraisal of approval for investment policy

1. Contents of appraisal of approval for investment policy include:

a) Evaluation of project dossiers: legal bases, components and contents of dossiers according to regulations.

b) Satisfaction of criteria for determination of projects with investment policy approved by the National Assembly;

c) Necessity of executing the investment project;

d) Conformity of the investment project with national planning, regional planning, provincial planning, urban planning and special economic - administrative unit planning (if any);

dd) Objectives, scale, location, duration, execution schedule of the investment project, demand for land use, land clearance and relocation plan, options to select primary technologies;

e) Evaluation of the technology to be used in the investment project if the project requires appraisal and collection of opinions on the technology in accordance with the Law on Technology Transfer;

g) Evaluation of determination of preliminary total investment; capital sources and feasibility of capital sources;

h) Preliminary evaluation of investment efficiency in terms of finance, society, economy, national defense and security and sustainable development;

i) Preliminary evaluation of environmental impacts (if any) prescribed by the law on environmental protection;

k) Evaluation of investment incentives and conditions for enjoying investment incentives (if any);

l) Evaluation of conformity of the investment project with the objectives and orientation for urban development, and residential housing development programs and plans; preliminary plan for phasing of investment with a view to synchronism assurance; preliminary structure of residential housing products and provision of land for social residential housing development; preliminary plan for investment in construction and management of urban infrastructure inside and outside the project in the case of a project on construction of residential houses and urban areas.

m) Special policies and mechanisms; investment incentives, investment assistance and s (if any).

2. Contents of appraisal of approval for both investment policy and investors:

a) The contents prescribed in Clause 1 of this Article;

b) The ability to satisfy the conditions for land allocation or land lease in the case of land allocation or land lease without auction of the land use right or bidding for investor selection; the ability to satisfy the conditions for land repurposing if the project requires land repurposing;

c) Evaluation of satisfaction of market access conditions applied to foreign investors (if any);

d) Other conditions applicable to the investor in accordance with relevant laws.

 

Section 4. DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF APPROVAL FOR OFFSHORE INVESTMENT POLICY

 

Article 22. Dossiers and procedures for application for appraisal by investors

1. The investor shall submit 20 sets of dossiers as prescribed in Clause 1 Article 57 of the Law on Investment to the Ministry of Planning and Investment.

2. Within 05 business days after receiving all required project dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall request the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

3. The State Appraisal Council shall appraise offshore investment policy within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date of signing the consultant hiring contract.

Article 23. Dossiers and procedures for application for appraisal by the State Appraisal Council and the Government

1. Dossier submitted by the State Appraisal Council to the Government includes:

a) The documents prescribed in Clause 1 Article 57 of the Law on Investment;

b) An appraisal report prepared by the State Appraisal Council;

c) Other relevant documents (if any).

2. The Government shall consider and give opinions on offshore investment policy according to the Government’s working regulations.

3. Dossier submitted by the Government to the National Assembly as prescribed in Clause 5 Article 57 of the Law on Investment includes:

a) An application prepared by the Government;

b) The documents prescribed in Clause 1 of this Article;

c) Other relevant documents (if any).

Article 24. Contents of appraisal of approval for offshore investment policy

1. Evaluation of project dossiers: legal bases, components and contents of dossiers according to regulations.

2. Satisfaction of criteria for determination of projects with investment policy approved by the National Assembly;

3. Conditions for issuance of the offshore investment registration certificate prescribed in Article 60 of the Law on Investment.

4. Legal status of the investor.

5. Necessity of conducting offshore investment activities.

6. Conformity of the investment project with Clause 1 Article 51 of the Law on Investment.

7. Form, scale, location and execution schedule of the investment project, offshore investment capital and sources of capital.

8. Evaluation of level of risks in the host country.

9. Special policies and mechanisms; investment incentives, investment assistance and conditions for application (if any).

 

Section 5. DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF ADJUSTMENTS TO INVESTMENT POLICY OF NATIONAL IMPORTANT PROJECT USING PUBLIC INVESTMENT FUNDS

 

Article 25. Dossiers and procedures for application for internal appraisal of adjustments to investment policy by project owners or units affiliated to agencies assigned to prepare investment

1. Dossier submitted to apply for internal appraisal includes:

a) An application for internal appraisal submitted by the project owner or unit affiliated to the agency assigned to prepare investment;

b) Adjusted pre-feasibility study report or adjusted feasibility study report;

c) A report on supervision and evaluation of adjustments to the investment project;

d) Other relevant documents (if any).

2. The project owner or unit affiliated to the agency assigned to prepare investment shall submit 15 sets of dossiers as prescribed in Clause 1 of this Article to its managing agency or the agency assigned to prepare investment to carry out internal appraisal as prescribed at Point b Clause 2 Article 34 and Point Clause 1 Article 19 of the Law on Public Investment. The time limit for internal appraisal shall not exceed 30 days from the date of receiving complete and valid dossiers.

3. The project owner or unit affiliated to the agency assigned to prepare investment shall complete the project dossiers based on the contents of internal appraisal.

Article 26. Dossiers and procedures for application for appraisal of adjustments to investment policy by managing agencies or agencies assigned to prepare investment

1. Dossier submitted to apply for appraisal includes:

a) An application submitted to the Prime Minister by the managing agency or agency assigned to prepare investment;

b) Adjusted pre-feasibility study report or adjusted feasibility study report that has been completed according to opinions received from the internal appraisal;

c) The internal appraisal report prescribed in Clause 2 Article 29 of this Decree;

d) A report on supervision and evaluation of adjustments to the investment project;

dd) Other relevant documents (if any).

2. The managing agency or agency assigned to prepare investment shall submit 01 set of dossiers as prescribed in Clause 1 of this Article as a report to the Prime Minister, and at the same time, submit 20 sets of dossiers to the Ministry of Planning and Investment.

3. Within 15 days after receiving the project dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall request the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

4. The State Appraisal Council shall appraise adjustments to investment policy of the project within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date of signing the consultant hiring contract.

Article 27. Dossiers and procedures for application for appraisal by the State Appraisal Council and the Government

1. Dossier submitted by the State Appraisal Council to the Government includes:

a) The documents prescribed in Clause 1 Article 26 of this Decree;

b) An appraisal report prepared by the State Appraisal Council;

c) Other relevant documents (if any).

2. The Government shall consider and give opinions on investment policy of the project according to the Government’s working regulations.

3. Dossier submitted by the Government to the National Assembly includes:

a) An application prepared by the Government;

b) The documents prescribed in Clause 1 of this Article;

c) Other relevant documents (if any).

Article 28. Contents of appraisal of adjustments to investment policy of national important project using public investment funds

All adjustments must be appraised as same as those prescribed in Article 16 of this Decree.

 

Section 6. DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF ADJUSTMENTS TO INVESTMENT POLICY OF PPP PROJECTS WITH INVESTMENT POLICIES DECIDED BY THE NATIONAL ASSEMBLY

 

Article 29. Dossiers and procedures for application for appraisal of adjustments to investment policy

1. Dossier submitted by the competent agency includes the documents prescribed in Clause 4 Article 18 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership.

2. The competent agency shall submit 01 set of dossiers as prescribed in Clause 1 of this Article as a report to the Prime Minister, and at the same time, submit 20 sets of dossiers to the Ministry of Planning and Investment.

3. Within 15 days after receiving the project dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall request the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

4. The State Appraisal Council shall appraise adjustments to investment policy of national important project within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date of signing the consultant hiring contract.

5. Dossier submitted by the State Appraisal Council to the Government includes:

a) The documents prescribed in Clause 1 of this Article;

b) An appraisal report prepared by the State Appraisal Council;

c) Other relevant documents (if any).

6. The Government shall consider and give opinions on investment policy of national important project according to the Government’s working regulations.

7. Dossier submitted by the Government to the National Assembly includes:

a) An application prepared by the Government;

b) The documents prescribed in Clause 5 of this Article;

c) Other relevant documents (if any).

Article 30. Contents of appraisal of adjustments to investment policy of projects

All adjustments must be appraised as same as those prescribed in Article 18 of this Decree.

 

Section 7. DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF APPROVAL FOR ADJUSTMENTS TO INVESTMENT POLICY OF INVESTMENT PROJECTS AS PRESCRIBED IN ARTICLE 41 OF THE LAW ON INVESTMENT

 

Article 31. Dossiers and procedures for application for appraisal of approval for adjustments to investment policy of projects

1. Dossier submitted by the investor to apply for appraisal comprises:

a) An application for approval for adjustments to investment policy, which specifies the adjustments and reason for adjustment;

b) Adjusted proposal for the investment project or adjusted pre-feasibility study report or adjusted feasibility study report;

c) The documents in Points b, c, dd, e, g and h Clause 1 Article 33 of the Law on Investment related to the adjustments.

d) Other relevant documents (if any).

2. The investor shall submit 20 sets of dossiers as prescribed in Clause 1 of this Article to the Ministry of Planning and Investment.

3. Within 15 days after receiving complete and valid dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall request the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

4. The State Appraisal Council shall appraise approval for adjustments to investment policy within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date of signing the consultant hiring contract.

5. Dossier submitted by the State Appraisal Council to the Government comprise:

a) The documents prescribed in Clause 1 of this Article;

b) An appraisal report prepared by the State Appraisal Council;

c) Other relevant documents (if any).

6. The Government shall consider and give opinions on approval for adjustments to investment policy of national important project according to the Government’s working regulations.

7. Dossier submitted by the Government to the National Assembly comprises:

a) An application prepared by the Government;

b) The documents prescribed in Clause 5 of this Article;

c) Other relevant documents (if any).

Article 32. Contents of appraisal of approval for adjustments to investment policy of projects

All adjustments must be appraised as same as those prescribed in Article 21 of this Decree.

 

Section 8. DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF APPROVAL FOR ADJUSTMENTS TO OFFSHORE INVESTMENT POLICY

 

Article 33. Dossiers and procedures for application for appraisal of adjustments to offshore investment policy

1. Dossier submitted by the investor to apply for appraisal comprises:

a) An application for approval for adjustments to offshore investment policy, which specifies the adjustments and reason for adjustment;

b) The documents prescribed in Clause 3 Article 63 of the Law on Investment;

c) Other relevant documents (if any).

2. The investor shall submit 20 sets of dossiers as prescribed in Clause 1 of this Article to the Ministry of Planning and Investment.

3. Within 05 business days after receiving all required project dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall request the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

4. The State Appraisal Council shall appraise approval for adjustments to offshore investment policy within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date of signing the consultant hiring contract.

5. Dossier submitted by the State Appraisal Council to the Government comprises:

a) The documents prescribed in Clause 1 of this Article;

b) An appraisal report prepared by the State Appraisal Council;

c) Other relevant documents (if any).

6. The Government shall consider and give opinions on approval for offshore investment policy according to the Government’s working regulations.

7. Dossier submitted by the Government to the National Assembly comprises:

a) An application prepared by the Government;

b) The documents prescribed in Clause 5 of this Article;

c) Other relevant documents (if any).

Article 34. Contents of appraisal of approval for adjustments to investment policy of projects

All adjustments must be appraised as same as those prescribed in Article 24 of this Decree.

 

Chapter V

DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF DECISION ON INVESTMENT POLICY AND DECISION ON ADJUSTMENTS TO NATIONAL IMPORTANT PROJECTS

 

Section 1. DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF DECISION ON INVESTMENT IN NATIONAL IMPORTANT PROJECT USING PUBLIC INVESTMENT FUNDS

 

Article 35. Dossiers and procedures for application for appraisal

1. Dossier submitted by a project owner or agency assigned to prepare investment to apply for appraisal to the managing agency comprises:

a) An application submitted by the project owner to the managing agency;

b) A feasibility study report;

c) The National Assembly’s resolution on approval of investment policy of the national important project;

d) Other relevant documents (if any).

2. Dossier submitted by the managing agency to apply for appraisal comprises:

a) An application submitted to the Prime Minister;

b) A feasibility study report;

c) The National Assembly’s resolution on approval of the investment policy of the national important project;

d) Other relevant documents (if any).

3. The competent agency shall submit 01 set of dossiers as prescribed in Clause 2 of this Article as a report to the Prime Minister, and at the same time, submit 20 sets of dossiers to the Ministry of Planning and Investment.

4. Within 15 days after receiving the project dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall request the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

5. The State Appraisal Council shall appraise the project dossiers within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date the official inspection result given by the inspection consultant is available.

6. Dossier submitted by the State Appraisal Council to the Prime Minister comprises:

a) The documents prescribed in Clause 2 of this Article;

b) An appraisal report prepared by the State Appraisal Council;

c) Other relevant documents (if any).

7. The Prime Minister shall consider and give opinions on the decision to invest in national important project according to the Government’s working regulations.

Article 36. Contents of appraisal of decision on investment in national important project

1. Appraisal contents consist of:

a) Evaluation of project dossiers: legal bases, components and contents of dossiers according to regulations;

b) Necessity of the project;

c) Conformity of the project with socio-economic development strategies and plans, and relevant planning in accordance with the planning law; conformity with investment policy approved by the competent agency;

d) Evaluation of analysis, determination of objectives, duties and outputs of the project; analysis and selection of the project scale; form of investment; analysis of natural conditions, economic and technical conditions, selection of investment project location;

dd) Evaluation of demands for land to be used; conditions for land allocation, lease and permission for land repurposing in accordance with laws on land (if any);

e) Evaluation of time, progress of project execution, main time periods of project execution; investment phasing;

g) Evaluation of source of materials; machinery, equipment; plan for selection of technology, technique and equipment;

h) Evaluation of environmental impacts (if any) in accordance with the law on environmental protection; fire and explosion prevention; national defence and security assurance and other factors;

i) Evaluation of the total investment: bases for determination and level of accuracy of the total investment; capital source structure and feasibility of capital raising plans; competence in capital raising in conformity with the progress of project execution; competence in capital recovery and loan repayment;

k) Costs of operation, maintenance, overhaul and major repair during the period of operation of the project;

l) Evaluation of investment efficiency, including financial efficiency, and socio-economic efficiency and impacts of the project; widespread effects of the project on development of industries, sectors, territories and localities; on creation of additional budget revenues, employment, income and lives of residents; effects on environment and sustainable development;

m) Risk analysis; human resource training (if any);

n) Evaluation of the planning for compensation, site clearance, relocation, farming and residential relocation (if any);

o) Evaluation of conduct of management of the project, including determination of the project owner; form of project management; relationship and responsibility of entities relating to the process of project execution, organization of the mechanism for management and operation of the project.

2. Regarding any project with a construction constituent, in addition to evaluation of the contents prescribed in Clause 1 of this Article, appraisal of the fundamental design plan in accordance with the law on construction must be carried out. To be specific:

a) Conformity of fundamental design solutions with design tasks; list of applicable standards;

b) Compliance with the law on preparation of the fundamental design; the fulfillment of construction operation capability conditions by organizations and individuals practicing construction;

c) Conformity of the fundamental design with construction planning and other detailed planning as prescribed by the planning law or the plan on the line of works and the construction location approved by competent agencies;

d) For the urban area construction investment project, the regional infrastructure connectivity; the fulfillment of technical infrastructure requirements and assignment of responsibility to manage the works in accordance with relevant laws;

dd) Conformity of fundamental design solutions to ensuring construction safety;

e) Compliance with technical regulations and application of standards in accordance with the law on technical regulations and standards.

 

Section 2. DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF APPROVAL FOR PPP PROJECTS

 

Article 37. Dossiers and procedures for application for appraisal

1. Dossier submitted by competent agencies to apply for appraisal shall comply with Clause 1 Article 20 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership.

2. The competent agency shall submit 01 set of dossiers as prescribed in Clause 1 of this Article as a report to the Prime Minister, and at the same time, submit 20 sets of dossiers to the Ministry of Planning and Investment.

3. Within 15 days after receiving the project dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall request the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

4. The State Appraisal Council shall appraise the project within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date of signing the consultant hiring contract.

5. Dossier submitted by the State Appraisal Council to the Prime Minister for consideration and decision on investment in the project shall comply with Article 22 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership.

6. The Prime Minister shall consider and give opinions on the decision to invest in national important project according to the Government’s working regulations.

Article 38. Contents of appraisal of approval for projects

1. Appraisal contents consist of:

a) Evaluation of project dossiers: legal bases, components and contents of dossiers according to regulations;

b) Necessity of investment;

c) Conformity with socio-economic development strategies and plans, and relevant planning in accordance with the planning law; conformity with investment policy approved by the competent agency;

d) Evaluation of objectives, scale, location, time, progress of execution of projects, demand for use of land and other natural resources;

dd) Evaluation of analysis, preliminary choice in terms of key technology and techniques, and conditions for supply of raw materials, equipment, energy, services and infrastructure;

e) Evaluation of analysis and selection of investment plans and scale of investment constituents;

g) Evaluation of the compensation, assistance, land clearance and relocation plan;

h) Evaluation of environmental impacts (if any) prescribed by the law on environmental protection;

i) Evaluation of determination of the total investment;

k) Evaluation of determination of costs of operation, maintenance, overhaul and major repair during the period of operation of the project;

l) Evaluation of division of investment phases or component or subordinate projects (if any);

m) Evaluation of investment efficiency in terms of finance, society, economy; effects of PPP projects on the community and population living within these projects; effects of projects on national defense, security and sustainable development; capital recovery;

n) Relevance of the PPP contract type;

o) Mechanism for distribution of revenue reductions;

p) Funding sources and capital balancing capability of PPP projects using state capital;

q) Evaluation of form of project management;

r) Plans for organization of management, business or provision of public products and services;

s) Evaluation of particular mechanisms and policies; investment incentives and assistance and conditions for application (if any).

2. Regarding any project with a construction constituent, in addition to evaluation of the contents prescribed in Clause 1 of this Article, appraisal of the fundamental design plan in accordance with laws on construction must be carried out. To be specific:

a) Conformity of fundamental design solutions with design tasks; list of applicable standards;

b) Compliance with the law on preparation of the fundamental design; the fulfillment of construction operation capability conditions by organizations and individuals practicing construction;

c) Conformity of the fundamental design with construction planning and other detailed planning as prescribed by the Planning law or the plan on the line of works and the construction location approved by competent agencies;

d) For the urban area construction investment project, the regional infrastructure connectivity; the fulfillment of technical infrastructure requirements and assignment of responsibility to manage the works in accordance with relevant laws;

dd) Conformity of fundamental design solutions to ensuring construction safety;

e) Compliance with technical regulations and application of standards in accordance with the law on technical regulations and standards.

 

Section 3. DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF ADJUSTMENTS TO NATIONAL IMPORTANT PROJECT USING PUBLIC INVESTMENT FUNDS

 

Article 39. Dossiers and procedures for application for appraisal

1. Dossier submitted by a project owner to apply for appraisal of adjustments to the investment project includes:

a) An application for appraisal of adjustments to the investment project;

b) Adjusted feasibility study report;

c) A report on supervision and evaluation of adjustments to the investment project;

d) Other relevant documents (if any).

2. The project owner shall submit the documents prescribed in Clause 1 of this Article to the supervisory as a report to the Prime Minister.

3. Dossier submitted by the managing agency to apply for appraisal of adjustments to the investment project includes:

a) An application submitted to the Prime Minister;

b) The documents prescribed in Clause 1 of this Article;

4. The competent agency shall submit 01 set of dossiers as prescribed in Clause 3 of this Article as a report to the Prime Minister, and at the same time, submit 20 sets of dossiers to the Ministry of Planning and Investment.

5. Within 15 days after receiving the project dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall request the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

6. The State Appraisal Council shall appraise the project within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date of signing the consultant hiring contract.

7. Dossier submitted by the State Appraisal Council to the Prime Minister includes:

a) The documents prescribed in Clause 3 of this Article;

b) A report on appraisal of adjustments to the project prepared by the State Appraisal Council;

c) Other relevant documents (if any).

8. The Prime Minister shall consider and give opinions on the decision to adjust the project according to the Government’s working regulations.

Article 40. Contents of appraisal of adjustments to the project

All adjustments must be appraised as same as those prescribed in Article 36 of this Decree.

 

Section 4. DOSSIERS, PROCEDURES AND CONTENTS OF APPRAISAL OF ADJUSTMENTS TO PPP PROJECTS

 

Article 41. Dossiers and procedures for application for appraisal

1. Dossier submitted by a competent agency to apply for appraisal of adjustments to the project comprises:

a) An application for appraisal;

b) A draft application for approval for adjustments;

c) Adjusted feasibility study report;

d) Decision on investment policy;

dd) A report on supervision and evaluation of adjustments to the investment project;

e) Other relevant documents (if any).

2. The competent agency shall submit 01 set of dossiers as prescribed in Clause 1 of this Article as a report to the Prime Minister, and at the same time, submit 20 sets of dossiers to the Ministry of Planning and Investment.

3. Within 15 days after receiving the project dossiers, the Ministry of Planning and Investment shall request the Prime Minister to establish a Council as prescribed in Article 4 of this Decree.

4. The State Appraisal Council shall appraise the project dossiers within 90 days from the establishment date. In case of hiring an inspection consultant, the time limit for appraisal by the State Appraisal Council starts from the date of signing the consultant hiring contract.

5. Dossier submitted by the State Appraisal Council to the Prime Minister for consideration and decision on investment in the project shall comply with Clause 4 Article 24 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership.

6. The Prime Minister shall consider and give opinions on the decision to adjust the project according to the Government’s working regulations.

Article 42. Contents of appraisal of adjustments to the project

All adjustments must be appraised as same as those prescribed in Article 38 of this Decree.

 

Chapter VI

INVESTMENT SUPERVISION AND EVALUATION PROGRAMS OR PROJECTS

 

Section 1. SUPERVISION AND EVALUATION OF PUBLIC INVESTMENT PROGRAMS

 

Article 43. Responsibility to supervise public investment program

1. Owners of the program and component projects shall monitor and inspect the investment process of the public investment program according to the approved contents and criteria in order to ensure achievement of objectives and investment efficiency.

2. The managing agency and person competent to decide investment (hereinafter referred to as “the investment-deciding person”) in the program shall monitor and inspect the program within the ambit of management. Inspection shall be carried out as follows:

a) The program with the investment duration longer than 12 months shall undergo at least one inspection;

b) Inspection shall be carried out if the location, objective or scale of the project is changed or the total investment is increased.

3. The public investment agency shall monitor and inspect the program under its management.

4. The public investment agency, managing agency and person competent to decide the investment policy of the program shall decide to organize planned and ad hoc inspections of the program.

Article 44. Contents of supervision by program owner

The program owner shall monitor and inspect the entire process of execution of the program and make a report on the following issues:

1. Management of the program execution: formulation of an overall plan and detailed plan for launching the program; implementation and adjustment of plans;

2. Progress of program execution: progress of achievement of the program’s objectives; progress of component projects of the program; value of finished works.

3. Implementation of capital investment plan: raising capital for the program; disbursement; outstanding debts accruing from capital construction activities (if any).

4. Capacity for execution of component projects and adherence of owners of component projects to regulations on investment management.

5. Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the program owner’s competence.

Article 45. Contents of supervision by the managing agency and investment-deciding person in the program

1. Monitoring contents:

a) Compliance with reporting regulations by the program owner and owners of component projects of the program;

b) Formulation, appraisal and approval of projects of the program;

c) Progress of program execution: progress of achievement of the program’s objectives; progress of implementation of the capital investment and disbursement plan; primary difficulties affecting the program execution, and results of resolution;

d) Implementation of measures by the program owner and owners of component projects;

dd) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

2. Inspection contents:

a) Management of execution of the program by the owner and management of execution of component projects by the owners;

b) Implementation of measures for resolving issues adopted by relevant agencies and units.

Article 46. Contents of supervision by owners of component projects

1. Monitoring contents:

a) Execution of component projects of the program: setting up, appraisal and approval of investment projects; execution of investment projects; implementation of capital investment and disbursement plan; difficulties that arise, and results of resolution;

b) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

2. Inspection contents:

a) Execution and management of component projects;

b) Compliance with regulations on investment management and owner’ capacity of project management;

c) Implementation of measures for resolving discovered issues.

Article 47. Contents of supervision by public investment agencies

1. Monitoring contents:

a) Compliance with reporting regulations by the program owner and owners of component projects of the program;

b) Progress of program execution: progress of achievement of the program’s objectives; progress of implementation of the capital investment and disbursement plan; primary difficulties affecting the program execution and results of resolution;

c) Implementation of measures by the program owner and owners of component projects;

d) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

2. Inspection contents:

a) Compliance with regulations on formulation and appraisal of, and decision on investment in projects, and decision on adjustments to projects (if any) of the program;

b) Management and execution of the program by the managing agency, program owner and owners of component projects;

c) Implementation of measures for resolving issues adopted by relevant agencies and units.

Article 48. Supervision of investment projects of a public investment program

Supervision of investment projects of a public investment program shall comply with Sections 2, 3, 4 and 5 of this Chapter.

Article 49. Evaluation of public investment programs

1. A public investment program shall be assessed as follows:

a) Every public investment program must undergo an initial evaluation, mid-term or phase-based evaluation, final evaluation and impact evaluation;

b) The managing agency and investment-deciding person shall decide irregular evaluation of the program in case of necessity.

2. Responsibility for evaluation of public investment programs:

a) The program owner shall carry out the initial evaluation, mid-term or phase-based evaluation, and final evaluation;

b) The investment-deciding person shall carry out irregular evaluation and impact evaluation;

c) The public investment agency and managing agency shall carry out various types of planned and irregular evaluations of the programs within the ambit of management.

3. Evaluation contents shall comply with Article 73 of the Law on Public Investment.

4. Evaluation of investment efficiency of a public investment program:

a) Method for evaluation of investment efficiency of the public investment program: comparative method (comparison between results/data actually collected at the evaluation time and the expected objectives/planned data; or comparison between parameters of the project at the evaluation time and standard indicators; or combination).

b) Criteria for evaluation of investment efficiency of the public investment program: the conformity of the program with national and local socio-economic objectives, the conformity between the demand of beneficiaries and the sponsor’s development policies (if any); the level of achievement of investment objectives of the program according to the approved investment decision; actual operation indexes of the program compared with those of an approved program; socio-economic impacts, environmental impacts, and other specific development objectives (such as poverty reduction, gender equality, households benefiting social policies, and priority entities, etc.); adopted measures for minimizing negative social and environmental impacts.

 

Section 2. SUPERVISION AND EVALUATION OF PUBLIC INVESTMENT PROJECTS

Article 50. Responsibility to supervise public investment projects

1. Every project owner shall monitor and inspect the entire investment process of the project according to the approved contents and criteria to ensure achievement of objectives and investment efficiency.

2. Managing agencies and investment-deciding persons shall monitor and inspect projects within the ambit of management. Inspection shall be carried out as follows:

a) A project with the investment duration longer than 12 months shall undergo at least one inspection;

b) Inspection shall be carried out if the location, objective or scale of the project is changed or the total investment is increased.

3. Public investment agencies and specialized state management agencies shall monitor and inspect projects within the ambit of management.

4. Public investment agencies, specialized state management agencies, managing agencies and investment-deciding persons shall decide to organize planned and ad hoc inspections of projects.

Article 51. Contents of supervision by the project owner and project user

1. The project owner shall monitor and inspect the entire process of execution of the program and make a report on the following issues:

a) Management of the project execution: formulation of an overall plan and detailed plan for project execution; implementation and adjustment of such plans;

b) Execution of the project: progress, amount and value of finished works; work quality; fluctuation during the project execution;

c) Implementation of capital investment plan: raising capital for the project; disbursement (advance, advance withdrawal and payment); financial statement after completion of the project, outstanding debts accruing from capital construction activities (if any) and settlement;

d) Capacity for project execution and Compliance with regulations on investment management of the project management board and contractors;

dd) Difficulties arising in the course of execution of the project and resolution;

e) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

2. The project user shall monitor and inspect the entire process of execution of the project and make a report on the following issues:

a) Management and operation of the project;

b) Difficulties arising in the course of operation of the project and resolution;

c) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

Article 52. Contents of supervision by the investment-deciding person

1. Monitoring contents:

a) Compliance with reporting regulations by the project owner and project user;

b) Execution of the project: progress; implementation of capital investment plan; disbursement; financial statement after completion of the project; outstanding debts accruing from capital construction activities (if any) and settlement; difficulties affecting the project execution and results of resolution;

c) Operation of the project; primary difficulties affecting project operation and results of resolution;

d) Implementation of measures by the project owner and project user;

dd) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

2. Inspection contents:

a) Compliance with regulations on investment supervision and evaluation; bidding; compensation for land clearance and relocation; use of capital and other resources; distribution of capital, disbursement, payment, statement of investment capital; settlement of difficulties arising in the course of project execution; acceptance and inauguration of the project; management and operation of the project; environmental protection;

b) Project execution management by the project owner and project management board;

c) The project’s progress;

d) Project operation by the project user;

dd) Implementation of measures for resolving discovered issues by the agency assigned to prepare investment, project owner, project management board and project user.

Article 53. Contents of supervision by the managing agency and public investment agency

1. Monitoring contents:

a) Compliance with reporting regulations by the agency assigned to prepare investment, project owner, investment-deciding person and project user;

c) Progress of program execution: progress of implementation of the capital investment and disbursement plan; difficulties affecting the program execution, and results of resolution;

d) Operation of the project; primary difficulties affecting project operation and results of resolution;

dd) Implementation of measures by the project owner, investment-deciding person and project user;

e) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

2. Inspection contents:

a) Compliance with regulations on investment supervision and evaluation;

b) Project execution management by the investment-deciding person, project owner and project management board;

c) The project’s progress;

d) Project operation by the project user;

dd) Implementation of measures for resolving discovered issues by the agency assigned to prepare investment, investment-deciding person, project owner, project management board and project user.

Article 54. Contents of supervision by specialized state management agencies

Based on the assigned functions, tasks and management fields, specialized state management agencies shall supervise public investment projects in accordance with specialized laws.

Article 55. Evaluation of public investment projects

1. Evaluation shall be carried out as follows:

a) National important project and Group A projects must undergo an initial evaluation, mid-term or phase-based evaluation, final evaluation and impact evaluation;

b) Group B and Group C projects must undergo final evaluation and impact evaluation;

c) In addition to the regulations prescribed at Point a and Point b of this Clause, the investment-deciding persons and public investment agencies shall decide other types of evaluation prescribed in Clause 4 Article 3 of this Decree in case of necessity.

2. Responsibility to carry out project evaluations:

a) The project owner shall carry out the initial evaluation, mid-term or phase-based evaluation and final evaluation;

b) The investment-deciding person shall carry out irregular evaluation and impact evaluation.

The investment-deciding person may delegate the project user or a specialized agency to carry out the impact evaluation of the project;

c) Public investment agencies shall carry out various types of planned and irregular evaluations of projects within the ambit of management.

3. Contents of evaluation of public investment projects shall comply with Article 73 of the Law on Public Investment.

4. Evaluation of investment efficiency of the public investment project:

a) Method for evaluation of investment efficiency of a public investment project: depending on the scale and nature of the project, either comparative method (comparison between results/data actually collected at the evaluation time and the expected objectives/planned data; or comparison between parameters of the project at the evaluation time and standard indicators; or combination) or cost - benefit analysis method may be employed;

b) Criteria for evaluation of investment efficiency of a public investment project: the level of achievement of investment objectives of the project according to the approved investment decision; actual operation indexes of the project compared with those of approved projects; the economic internal rate of return (EIRR); socio-economic impacts, environmental impacts, and other specific development objectives (such as poverty reduction, gender equality, households benefiting social policies and priority entities); adopted measures for minimizing negative social and environmental impacts.

 

Section 3. SUPERVISION AND EVALUATION OF PPP PROJECTS

 

Article 56. Responsibility for project supervision

1. Agencies signing PPP contracts and investor shall monitor and inspect the investment process of projects according to the approved contents and project contract.

2. Persons competent to approve the project and competent agencies shall monitor and inspect projects within the ambit of management. Inspection shall be carried out as follows:

a) Every approved project shall undergo at least one inspection;

b) Inspection shall be carried out if the location, objective or scale of the project is changed or the total investment is increased.

3. The PPP investment agency and specialized state management agency shall monitor and inspect the project within the ambit of management.

4. The PPP investment agency, specialized state management agency, competent agency and person competent to approve projects shall decide to organize planned and ad hoc inspections.

Article 57. Contents of supervision by the investor, project enterprise and agency signing PPP contract

1. The investor and project enterprise shall monitor and inspect the execution of the project contract and make a report on the following issues:

a) Execution of the project contract by timeline;

b) Execution of the investment project: progress; amount and value of finished works; work quality;

c) Raising of the investment capital for project execution (state capital, equity and loans);

d) Actual revenue of the project; value of the increased revenue (if any) shared by the project enterprise with the State; value of the reduced revenue (if any) which the State has paid or is expected to pay to the project enterprise;

dd) Difficulties arising in the course of execution of the project and results of resolution;

e) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

2. The agency signing the PPP contract shall monitor, inspect and make a report on the following issues:

a) Selection of the investor; negotiation and signature of the project contract;

b) Performance of the tasks in Clause 1 of this Article;

c) Forecasting of costs for the State during the next 03- or 05-year period from the reporting year;

d) Difficulties arising in the course of execution of the project contract and results of resolution;

dd) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

Article 58. Contents of the competent agency and person competent to approve a project

1. Monitoring and inspection of the selection of the investor and signature of the project contract.

2. Monitoring and inspection of the execution of the project contract.

Article 59. Contents of supervision by the PPP investment agency

1. Monitoring and inspection of the project announcement.

2. Selection of investors, negotiation and signature of the project contract.

3. Execution of the project contract.

4. Inspection of the compliance with regulations on investment management by the parties while performing the project contract.

5. Monitoring and inspection of other contents prescribed in Articles 86 and 87 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership.

Article 60. Contents of supervision by specialized state management agencies

Based on the assigned functions, tasks and management fields, specialized state management agencies shall monitor and inspect PPP projects in accordance with specialized laws.

Article 61. Evaluation of PPP projects

1. Project evaluation shall be carried out as follows:

a) Projects with investment policies decided by the National Assembly and the Prime Minister must undergo a mid-term or phase-based evaluation, final evaluation and impact evaluation;

b) Projects subject to decision on their investment policy by Ministers, heads of central government agencies and other agencies in accordance with the law on PPP must undergo a final evaluation and impact evaluation;

c) In addition to the regulations prescribed at Point a and Point b of this Clause, competent agencies, persons competent to approve projects and PPP investment agencies shall decide other types of evaluation prescribed in Clause 4 Article 3 of this Decree in case of necessity.

2. Responsibility to carry out project evaluations:

a) Agencies signing PPP project contracts shall carry out mid-term or phase-based evaluation and final evaluation;

b) Persons competent to approve projects shall carry out irregular evaluation and impact evaluation;

c) PPP investment agencies shall carry out various types of planned and irregular evaluations of projects within the ambit of management.

3. Contents of evaluation of PPP projects shall comply with Article 73 of the Law on Public Investment.

 

Section 4. INVESTMENT SUPERVISION AND EVALUATION PROJECTS USING STATE CAPITAL OTHER THAN PUBLIC INVESTMENT FUNDS

 

Article 62. Responsibility for project supervision

1. Investors shall monitor and inspect the investment process of their projects according to the approved contents and criteria approved in the investment decisions.

2. Investment-deciding persons shall monitor and inspect projects within the ambit of management. Inspection shall be carried out as follows:

a) Group B or higher-level projects shall undergo at least one inspection;

b) Inspection shall be carried out if the location, objective or scale of the project is changed or total investment is increased.

3. State ownership representative agencies, agencies competent to decide use state capital for investment, investment agencies and specialized state management agencies shall monitor and inspect projects within the ambit of management.

4. Investment agencies, specialized state management agencies, managing agencies, state ownership representative agencies and agencies competent to decide to use state capital for investment shall decide to organize planned or ad hoc inspections of projects.

Article 63. Contents of supervision by investors

Every investor shall monitor and inspect the entire process of execution of their own project and make a report on the following issues:

1. Execution of the project: progress; amount and value of finished works; work quality; fluctuation during the project execution.

2. Implementation of the capital investment plan: raising capital for the project (state capital, equity, loans); disbursement (advance, advance withdrawal and payment); financial statement after completion of the project; outstanding debts accruing from capital construction activities (if any) and settlement;

3. Project operation: investment results, information about employment, payment to state budget, investment in research and development, financial status of the enterprise, and other professional indicators depending on the business lines.

4. Satisfaction of regulations on environmental protection, use of land and natural resources as prescribed.

5. Implementation of the regulations provided in the written approval for investment policy, investment registration certificate (if any) and decision on investment in the project.

6. Fulfillment of business investment conditions (if the business lines of the project are subject to certain conditions).

7. Investment incentives (if any).

8. Difficulties arising in the course of operation of the project and results of resolution.

Article 64. Contents of supervision by investment-deciding persons

1. Monitoring contents:

a) Compliance with reporting regulations by investors;

b) Execution of the project: progress; implementation of the capital investment plan; disbursement, financial statement after completion of the project; outstanding debts accruing from capital construction activities (if any) and settlement; difficulties affecting the project execution and results of resolution;

c) Operation of the project; primary difficulties affecting project operation and results of resolution;

d) Compliance with regulations on environmental protection, use of land and natural resources as prescribed;

dd) Performance of other tasks prescribed in decisions on investment in projects;

e) Implementation of measures by investors;

g) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence as prescribed.

2. Inspection contents:

a) Compliance with regulations on investment supervision and evaluation; bidding; compensation for land clearance and relocation; use of capital and other resources; distribution of capital, disbursement, payment, statement of investment capital; settlement of difficulties arising in the course of project execution; acceptance and inauguration of the project; management and operation of the project; environmental protection, use of land and natural resources (if any);

b) Project management;

c) Projects’ progress;

d) Management and operation of projects;

dd) Implementation of measures for resolving discovered issues.

Article 65. Contents of supervision by state ownership representative agencies and agencies competent to decide to use state capital for investment

1. State ownership representative agencies shall monitor the execution of projects and inspect the compliance with the law on execution of investment projects by investors.

2. Competent agencies competent to decide to use state capital for investment shall monitor the execution of projects and inspect the compliance with the law on use of state capital for of investment projects by investors.

Article 66. Contents of supervision by investment registration agencies and investment agencies

1. Monitoring contents:

a) Compliance with reporting regulations by investors;

b) Project execution.

c) Project operation;

d) Compliance with regulations on environmental protection, use of land and natural resources as prescribed;

dd) Performance of other tasks prescribed in decisions on investment in projects.

2. Inspection contents:

a) Implementation of the regulations provided in the written approval for investment policy and investment registration certificate (if any);

b) Projects’ progress;

c) Satisfaction of conditions for investment, incentives, investment assistance and investors’ compliance with their commitments (if any);

d) Compliance with regulations on investment supervision and evaluation and statistical reporting as prescribed;

dd) Implementation of measures for resolving discovered issues.

Article 67. Contents of supervision by specialized state management agencies

Based on the assigned functions, tasks and management fields, specialized state management agencies shall supervise investment projects using state capital other than public investment funds as follows:

1. Monitoring contents:

a) Compliance with reporting regulations by investors in accordance with specialized laws;

b) Compliance with regulations on environmental protection, use of land and natural resources as prescribed;

c) Implementation of measures by investors.

2. Inspection contents:

a) Conformity of investment projects with sectoral planning, urban planning and land use planning;

b) Compliance with regulations on environmental protection, technology, use of land and natural resources (if any);

c) Compensation, land clearance and land appropriation;

d) Application of and compliance with specialized laws by projects.

Article 68. Evaluation of projects using state capital other than public investment funds

1. Project evaluation shall be carried out as follows:

a) National important project and Group A projects must undergo a mid-term or phase-based evaluation, final evaluation and impact evaluation;

b) Group B projects must undergo final evaluation and impact evaluation;

c) In addition to the regulations prescribed at Point a and Point b of this Clause, the investment-deciding persons, state ownership representative agencies and investment agencies shall decide other types of evaluation prescribed in Clause 4 Article 3 of this Decree in case of necessity.

2. Responsibility to carry out project evaluations:

a) Investors shall carry out the mid-term or phase-based evaluation and final evaluation;

b) Investment-deciding persons shall carry out irregular evaluation and impact evaluation;

c) Investment agencies and state ownership representative agencies shall carry out various types of planned and irregular evaluations of projects within the ambit of management.

3. Contents of evaluation of projects shall comply with Article 73 of the Law on Public Investment.

 

Section 5. SUPERVISION AND EVALUATION OF PROJECTS USING OTHER CAPITAL SOURCES

 

Article 69. Responsibility for project supervision

1. Investors and economic institutions shall monitor and inspect their own projects.

2. Investment registration agencies shall monitor and inspect projects within the ambit of management. Each project shall undergo at least one inspection.

3. Investment agencies and specialized state management agencies shall monitor and inspect projects within the ambit of management.

4. Investment agencies, specialized state management agencies, investment registration agencies shall decide to organize planned or ad hoc inspections of projects.

Article 70. Contents of supervision by investors

Each investor and business organization shall monitor and inspect their own projects and make a report on the following issues:

1. Progress of the project and achievement of its objectives.

2. Progress of contribution of capital, charter capital, and legal capital (if required).

3. Project operation: investment results, information about employment, payment to state budget, investment in research and development, financial status of the enterprise, and other professional indicators depending on the business lines.

4. Compliance with regulations on environmental protection, use of land and natural resources as prescribed.

5. Implementation of the regulations provided in the decision on or written approval for investment policy and investment registration certificate (if any).

6. Fulfillment of business investment conditions (if the business lines of the project are subject to certain conditions).

7. Investment incentives (if any).

Article 71. Contents of supervision by investment registration agencies

1. Monitoring contents:

a) Compliance with reporting regulations by investors;

b) Project execution;

c) Project operation;

d) Compliance with regulations on environmental protection, use of land and natural resources;

dd) Implementation of measures by investors and economic institutions;

e) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

2. Inspection contents:

a) Implementation of the regulations provided in the decision on or written approval for investment policy and investment registration certificate (if any).

b) Progress of projects, including investment progress which consists of loan capital and achievement of objectives of projects;

c) Satisfaction of conditions for investment, incentives, investment assistance and investors’ compliance with their commitments (if any);

d) Compliance with regulations on investment supervision and evaluation and statistical reporting as prescribed;

dd) Implementation of measures for resolving discovered issues.

Article 72. Contents of supervision by investment agencies

1. Monitoring contents:

a) Compliance with reporting regulations by investment registration agencies;

b) Implementation of measures by investment registration agencies;

c) The contents specified in Clause 1 Article 71 of this Decree.

2. Inspection contents:

a) Conformity of investment projects with relevant planning in accordance with the planning law;

b) Issuance, adjustment and revocation of investment registration certificates by investment registration agencies as prescribed by law;

c) Regulations on incentives for investment projects;

d) Supervision, evaluation of investment and investment assistance after issuance of investment registration certificates;

dd) Consolidation of reports on execution of investment projects;

e) The contents specified in Clause 2 Article 71 of this Decree.

Article 73. Contents of supervision by specialized state management agencies

Based on the assigned functions, tasks and management fields, specialized state management agencies shall supervise investment projects using other capital sources as prescribed in Article 67 of this Decree.

Article 74. Evaluation of projects using other capital sources

1. Responsibility to carry out project evaluations:

a) Investors and economic institutions shall carry out final evaluations of projects subject to approval for their investment policy;

b) Investment registration agencies and investment agencies shall carry out irregular evaluations and impact evaluations in case of necessity.

2. Contents of a final evaluation:

a) Achievement of objectives, mobilized resources, punctuality, and benefits of the project;

b) Proposals and recommendations.

3. Contents of an impact evaluation:

a) Operation of the project;

b) Socio-economic effects of the project;

c) Proposals and recommendations.

4. Contents of an irregular evaluation:

a) Conformity of the project execution result with investment objectives;

b) Completeness of works in comparison with those in the decision on or written approval for investment policy and investment registration certificate (if any);

c) Unexpected difficulties (if any) and causes;

d) Impact of unexpected difficulties to the project execution and ability to achieve objectives of the project;

dd) Proposals and recommendations.

 

Section 6. SUPERVISION AND EVALUATION OF OFFSHORE INVESTMENT PROJECTS

 

Article 75. Responsibility to supervise offshore investment projects

1. Investors, investment-deciding persons and state ownership representative agencies shall monitor and inspect the project execution according to the contents and criteria approved in the investment decisions.

2. Investment agencies and specialized state management agencies shall monitor and inspect projects within the ambit of management.

Article 76. Contents of supervision by investors

An investor shall monitor and inspect their own projects and make a report on the following issues:

1. Performance of procedures for making offshore investment.

2. Project execution: progress of the project and achievement of its objectives, capital raising and transfer of capital abroad, raising and use of state capital (if any) for offshore investment.

3. Project operation: investment results, financial status of the economic institution established overseas to execute the project; retention of profit for reinvestment, retention of profit for investment in new projects, transfer of profits to Vietnam; fulfillment of financial obligations to Vietnam; employment of Vietnamese workers.

4. Implementation of the Certificate of registration of offshore investment.

5. Fulfillment of conditions for offshore investment with regard to offshore investment projects in the fields of banking, insurance, securities, press, radio, television and real estate trading.

Article 77. Contents of supervision of offshore investment projects using state capital by investment-deciding persons and state ownership representative agencies

1. Monitoring contents:

a) Compliance with reporting regulations by investors;

b) Project execution: progress of the project and achievement of its objectives, progress of transferring investment capital abroad; management, use, preservation and development of state capital as prescribed;

c) Investment results, financial status of the business organization established overseas to execute the project; transfer of profit to Vietnam;

d) Implementation of measures by investors;

dd) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

2. Inspection contents:

a) Projects’ progress;

b) Compliance with the law on use of state capital for offshore investment;

c) Implementation of the Certificate of registration of offshore investment;

d) Compliance with the law on: transfer of capital abroad, sending Vietnamese workers abroad, transfer of profit to Vietnam, supervision and evaluation of offshore investment projects.

dd) Implementation of measures for resolving discovered issues.

Article 78. Contents of supervision by investment agencies

1. Monitoring contents:

a) Compliance with reporting regulations by investors;

b) Project execution: progress of the project and achievement of its objectives, progress of transferring investment capital abroad;

c) Consolidation of results of offshore investment;

d) Implementation of measures by investors;

dd) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

2. Inspection contents:

b) Projects’ progress;

b) Implementation of the decision or written approval for investment policy, certificate of registration of offshore investment and other the law on offshore investment;

c) Implementation of measures for resolving discovered issues.

Article 79. Contents of supervision by specialized state management agencies

Based on the assigned functions, tasks and management fields, specialized state management agencies shall supervise offshore investment projects as follows:

1. Monitoring contents:

a) Execution of projects within the ambit of management: progress of projects and achievement of their objectives, progress of transferring capital abroad, raising and use of state capital for offshore investment (if any);

b) Developments of offshore investment activities within the ambit of management;

c) Fulfillment of conditions for offshore investment with regard to offshore investment projects in the fields of banking, insurance, securities, press, radio, television and real estate trading;

d) Implementation of measures by investors;

dd) Proposed plans for resolving difficulties and issues beyond the competence.

2. Inspection contents:

a) Compliance with the law on: transfer of capital abroad, use of state capital for offshore investment, sending Vietnamese workers abroad, transfer of profit to Vietnam and other the law on offshore investment;

b) Implementation of measures for resolving discovered issues.

Article 80. Evaluation of offshore investment projects

1. Responsibility to carry out project evaluations:

a) Investors shall carry out final evaluations;

b) State ownership representative agencies, investment-deciding persons, specialized state management agencies and investment agencies shall carry out irregular evaluations and impact evaluations in case of necessity.

2. Contents of a final evaluation:

a) Evaluation of result of project execution compared to the Certificate of registration of offshore investment: achievement of the project objectives; mobilized resources; project execution progress; economic effects of the project;

b) Proposals and recommendations.

3. Contents of an irregular evaluation:

a) Conformity of the project execution result with investment objectives;

b) Completeness of works in comparison with those in the Certificate of registration of offshore investment;

c) Unexpected difficulties (if any) and causes;

d) Impact of unexpected difficulties to the project execution and ability to achieve objectives of the project;

dd) Proposals and recommendations.

 

Chapter VII

OVERALL INVESTMENT SUPERVISION AND EVALUATION

 

Article 81. Responsibility for overall investment supervision and evaluation

1. Investment agencies shall carry out overall evaluation, monitoring and inspection of investment within the scope of their management.

2. Specialized state management agencies shall carry out overall evaluation, monitoring and inspection of investment within the scope of their management.

3. Investment registration agencies shall carry out overall evaluation, monitoring and inspection of investment within the scope of their management.

4. State enterprises shall carry out overall evaluation, monitoring, and inspection of their own investment.

Article 82. Contents of overall investment monitoring

1. Issuance of documents on guidance for policies and law on investment.

2. Formulation, appraisal, approval and management of planning.

3. Formulation, appraisal and approval of investment policy.

4. Implementation of public investment plans as prescribed in Article 69 of the Law on Public Investment.

5. Formulation, appraisal, approval and execution of PPP projects.

6. Formulation, appraisal, approval and execution of investment projects using state capital other than public investment funds.

7. Management of investment projects using other sources of capital:

a) Attraction of investment, implementation of procedures for approving investment policy, issuance of investment registration certificates, management of execution of investment projects of foreign investors and foreign-invested economic institutions;

b) Implementation of procedures for approving investment policies and management of execution of investment projects using domestic private capital.

8. Investment supervision and evaluation.

Article 83. Contents of overall investment examination

1. Implementation of documents providing guidance for policies and law on investment.

2. Progress of and compliance with regulations on formulation, appraisal, approval and management of planning.

3. Progress of and compliance with regulations on formulation, appraisal and approval of investment policy.

4. Implementation of public investment plans as prescribed in Article 69 of the Law on Public Investment.

5. Progress of and compliance with regulations on formulation, appraisal, approval and execution of PPP projects.

6. Progress of and compliance with regulations on formulation, appraisal, approval and execution of investment projects using state capital other than public investment funds.

7. Progress of and compliance with regulations on management of projects using other sources of capital.

8. Investment supervision and evaluation.

Article 84. Contents of overall investment evaluation

1. Consolidation, analysis and evaluation of investment results of the economy in terms of scale, speed, structure, progress of and efficiency in investment.

2. Evaluation of completion of tasks in comparison with those in the approved planning or planning task or with those completed in the previous period.

3. Evaluation of public investment plans as prescribed in Article 70 of the Law on Public Investment.

4. Overall evaluation of investment management.

5. Determination of factors and causes that affect the developments and results of investment; proposal for solutions for improving efficiency in investment in the current or next period.

 

Chapter VIII

COMMUNITY-BASED INVESTMENT MONITORING

 

Article 85. The right to supervise investment of the public

1. Every citizen has the right to supervise investment projects through Public Investment Supervision Board; procedures for community-based investment monitoring shall comply with Article 75 of the Law on Public Investment and this Decree.

2. The Public Investment Supervision Board may:

a) Request competent agencies to provide information about national planning, regional planning, provincial planning, urban planning, rural planning and other relevant planning prescribed by the planning law and land use plans prescribed by the law on land;

b) Request relevant agencies to provide information about the issues within the ambit of management as prescribed by law;

c) Request program owners and project owners to provide information serving investment supervision: investment decision, information about the project owners and project management boards, address; investment progress and plan; land area used; detailed site plan and architectural plan; plan for land clearance, compensation and relocation; plan for waste treatment and environmental protection.

For programs or projects having contributions of the public, projects using commune budget or direct sponsorship for communes, in addition to the aforesaid contents, the program owner or project owner also has the responsibility to provide additional information about the procedures, technical regulations, types and norms of supplies; result of acceptance and financial statements of the program or project;

d) Competent agencies, program owners and project owners shall provide the documents prescribed at Point a, Point b and Point c of this Clause to Public Investment Supervision Board.

3. Suspension of investment or operation of a project shall be proposed to a competent agency in the following cases:

a) It is suspected that violations are committed during the execution of the project which seriously affect manufacture, security, cultural – social life, and living environment of the community.

b) The project owner fails to publish information about the program or project as prescribed by law.

4. Results of community-based investment monitoring and handling measures shall be submitted to competent agencies.

Article 86. Contents of community-based investment monitoring

1. Contents of community-based investment monitoring programs or projects using state capital, and PPP projects:

a) Monitoring and inspection of conformity of the decision on investment policy and investment decision with planning and investment plans within communes as prescribed by law;

b) Monitoring and inspecting the project owner’s Compliance with regulations on: land boundaries and land use; detailed site plan, architectural and construction plan; waste treatment and environmental protection; compensation, land clearance, compensation and relocation plan; investment plan and progress;

c) Execution and progress of programs and projects;

d) Discovery of acts infringing upon public interests; negative impacts of projects to the living environment of the community during the investment stage or operation of projects;

dd) Discovery of act of wastefulness causing loss of capital and property of projects;

e) Transparency during the investment process.

2. Contents of community-based investment monitoring in projects using other sources of capital shall comply with Point a, Point b, Point c, Point d and Point e Clause 1 of this Article.

3. Contents of community-based investment monitoring in programs or projects having contributions of the public, projects using commune budget or direct sponsorship for communes:

a) The contents specified in Clause 1 of this Article;

b) Monitoring, inspection of compliance with technical regulations and processes, norms and categories of supplies; monitoring and inspection of acceptance result and financial statement of projects.

Article 87. Organization of community-based investment monitoring

1. Vietnamese Fatherland Front Committees at commune level shall:

a) Assume the responsible for establishing a Public Investment Supervision Board for each program or project. The Board consists of at least 05 people, including representatives of Vietnamese Fatherland Front Committee at commune level, inspectors, and representatives of the local community;

b) Formulate a plan for community-based investment monitoring in local programs and projects; notify the program owners, project owners and management board of the plan and composition of the Public Investment Supervision Board at least 45 days before commencement;

c) Instruct Public Investment Supervision Board to formulate an investment supervision program or plan as prescribed by law and this Decree; assist the Public Investment Supervision Board in communication, making and sending investment supervision reports;

d) Instruct and encourage the community to exercise their right to supervise investment as prescribed by this Decree;

dd) Verify feedback and complaints of Public Investment Supervision Board before notifying competent agencies.

2. Chairpersons of commune-level People’s Committee shall, based on the local conditions, provide a place for Public Investment Supervision Board to hold meetings and store documents serving community-based investment monitoring; enable it to use communication devices of commune-level People’s Committee for the purpose of community-based investment monitoring.

3. Public Investment Supervision Board shall:

a) Carry out investment supervision in accordance with the formulated program or plan; receive and send feedback from the people to competent agencies as prescribed by this Decree; receive and provide responses of competent agencies to the people;

b) Submit regular or irregular reports on result of community-based investment monitoring to Vietnamese Fatherland Front Committee at commune-level.

 

Chapter IX

COSTS OF INVESTMENT SUPERVISION AND EVALUATION

 

Article 88. Costs of and fundings for investment supervision and evaluation

1. Investment supervision and evaluation costs are the costs necessary for agencies, organizations and individuals to supervise and assess investment as prescribed by this Decree.

2. Fundings for investment supervision and evaluation:

a) The investment supervision and evaluation costs carried out by competent agencies shall be covered by their budgets and regular funding sources for investment supervision and evaluation according to their annual plans;

b) The investment supervision and evaluation costs carried out by program owners, project owners and agencies signing PPP project contracts or organizations hired by such agencies shall be included in the total investment of the programs or projects;

c) The investment supervision and evaluation costs carried out by project users shall be included in the costs of project operation;

d) The costs of community-based investment monitoring covered by the state budget according to annual plans of Vietnamese Fatherland Front Committees at commune level shall be covered by the communes.

3. Maximum costs of investment supervision and evaluation:

a) The cost of investment supervision carried out by a program owner, project owner or agency signing the PPP project contract is 10% of the program or project management cost;

b) The cost of investment evaluation is expressed in percentage of the cost of management of a program or project in accordance with applicable regulations as follows: cost of initial evaluation: 2%; cost of mid-term or phase-based evaluation: 2%; cost of final evaluation: 3%; cost of irregular evaluation: 3%.

If the maximum cost is inappropriate or the program or project is on a large scale or it is necessary to hire a foreign consultant or domestic-foreign joint venture, a cost estimate shall be made to determine the cost.

4. The agencies, organizations, and individuals assigned to carry out investment supervision and evaluation in this Decree shall use the state budget or other fundings for intended purposes and in an economical and efficient manner according to applicable regulations on financial management of the State and this Decree.

Article 89. Specific investment supervision and evaluation costs

1. Costs of monitoring investment programs or projects:

a) Expenses for stationery, supplies and equipment directly serving the monitoring of investment programs or projects;

b) Costs of communication directly serving the monitoring of investment programs or projects;

c) Cost of photocopying, typing, sending documents and reports;

d) Administrative costs of meetings and conventions;

dd) Costs of making regular reports;

e) Costs of provision of training;

g) Cost of making and updating reports on investment supervision and evaluation, and operating the investment supervision and evaluation information system.

2. Costs of inspection of investment programs or projects:

a) Expenses for stationery, supplies and equipment directly serving the inspection of investment programs or projects;

b) Costs of communication directly serving the inspection of investment programs or projects;

c) Cost of photocopying, typing, sending documents and reports;

d) Administrative costs of meetings and conventions;

dd) Travel costs (including luggage charges); allowance for accommodations during business trips;

e) Costs of making inspection result reports.

3. Costs of evaluation of investment programs or projects:

a) Expenses for stationery, supplies and equipment directly serving the evaluation of investment programs or projects;

b) Costs of communication directly serving the evaluation of investment programs or projects;

c) Cost of photocopying, typing, sending documents and reports;

d) Administrative costs of meetings and conventions;

dd) Travel costs (including luggage charges); allowance for accommodations during business trips;

e) Costs of making evaluation result reports.

g) Costs of hiring experts and consultants.

4. Costs of overall investment supervision and evaluation:

a) Expenses for stationery, supplies and equipment directly serving the overall investment supervision and evaluation;

b) Costs of communication directly serving the overall investment supervision and evaluation;

c) Cost of photocopying, typing, sending documents and reports;

d) Administrative costs of meetings and conventions;

dd) Travel costs (including luggage charges); allowance for accommodations during business trips;

e) Costs of making reports on overall investment examination results;

g) Costs of making reports on overall investment supervision and evaluation results;

h) Costs of hiring experts and consultants.

5. The costs of operating the investment supervision and evaluation information system shall comply with Article 101 of this Decree.

6. Costs of community-based investment monitoring:

a) Costs of stationery and communication serving community-based investment monitoring;

b) Cost of photocopying, typing, sending documents and reports on community-based investment monitoring;

c) Administrative costs of meetings and conventions about community-based investment monitoring;

d) Costs of provision of training courses on community-based investment monitoring;

dd) Liability payment for members of Public Investment Supervision Boards.

Article 90. Management and use of funding for investment supervision and evaluation

1. Funding for investment supervision and evaluation by owners of public investment programs and owners of public investment projects shall comply with regulations on cost management of investment programs or projects.

2. Management and use of funding for investment supervision and evaluation by investment-deciding persons, investors in projects using state capital other than public investment funds and state management agencies competent to conclude and execute PPP contracts shall comply with Clause 1 of this Article.

3. Funding for investment supervision and evaluation by investors in projects using other sources of capital: investors shall manage and use the funding for investment supervision and evaluation on a case-by-case basis.

4. Management and use of funding for investment supervision and evaluation by competent agencies.

a) Agencies in charge of investment supervision and evaluation shall make annual plans and estimates of investment supervision and evaluation costs. The cost estimate shall be made according to the plan for investment supervision and evaluation, the specific costs mentioned in Article 89 of this Decree, and the limits prescribed by applicable regulations;

b) Funding for investment supervision and evaluation shall comply with regulations on management and use of sources of administrative and regular funding of competent agencies or the Law on the State Budget;

c) In case an agency hires a consultancy to assess the program or project, the cost management in which case is the same as management of cost of consultancy services. Advance and payment for hiring a consultancy to assess the program or project shall comply with current regulations on management of payments for investment and construction consultancy.

5. Management and use of funding for community-based investment monitoring

a) Funding for community-based investment monitoring in a commune is included in the cost estimate of Vietnamese Fatherland Front Committee of the commune, which is covered by the commune budget. The minimum funding for community-based investment monitoring is VND 10 million per year and varies according to the plan for community-based investment monitoring made by the People’s Council of the commune.

The estimation, provision and statement of funding shall be done by Public Investment Supervision Board according to regulations on management of commune budget and other financial activities of the commune;

b) Funding for propagation, provision of training courses, guidance and review of community-based investment monitoring of each district and province shall be included in the cost estimate of Vietnamese Fatherland Front Committee of the district/province and covered by the budget of the district/province.

6. The estimation and management of funding for investment supervision and evaluation shall comply with applicable regulations.

 

Chapter X

ORGANIZATION OF INVESTMENT SUPERVISION AND EVALUATION

 

Article 91. Responsibilities of the Ministry of Planning and Investment in investment supervision and evaluation

The Ministry of Planning and Investment, which is in charge of assisting the Prime Minister in organizing investment supervision and evaluation, shall:

1. Provide guidance, monitor and submit consolidated reports on nationwide investment supervision and evaluation to the Prime Minister.

2. Organize overall investment supervision and evaluation nationwide.

3. Organize and review supervision and evaluation of programs and projects of which investment policy are decided or approved by the Prime Minister, the Government or the National Assembly.

4. Carry out supervision and evaluation of projects within the ambit of management (including those assigned to inferior agencies).

5. Propose solutions for overcoming difficulties in investment of departments and local agencies or particular projects to the Prime Minister, relevant ministries and local agencies in order to ensure investment progress and efficiency.

6. Consider and offer opinions or resolve issues within the competence at the request of other ministries, local agencies and project owners.

7. Provide guidance for investment supervision and evaluation of foreign investment activities in Vietnam.

8. Perform other duties related to investment supervision and evaluation at the request of the Government or the Prime Minister.

Article 92. Responsibilities of other Ministries, ministerial-level agencies and Government-attached agencies in investment supervision and evaluation

1. To organize overall investment supervision and evaluation in the fields and sectors within the ambit of management.

2. To carry out supervision and evaluation of projects within their competence to make decisions (including those assigned to inferior agencies).

3. To carry out investment supervision and evaluation projects of State enterprises within the ambit of management.

4. To organize supervision and evaluation of PPP projects within the ambit of management.

5. To carry out specialized supervision and evaluation of fulfillment of investment conditions by the investment projects within the ambit of management.

6. To organize and review supervision and evaluation of programs and projects of which investment policy are decided or approved by the Prime Minister, the Government or the National Assembly in the fields within the ambit of management.

7. To resolve the issues reported by other ministries and local agencies if they are within the competence.

8. To offer opinions or resolve issues within the jurisdiction of ministries and departments at the request of other ministries, local agencies, investors and project owners.

9. To submit reports on overall investment supervision and evaluation in the fields and sectors within the ambit of management and reports on investment supervision and evaluation projects subject to their decision according to regulations.

10. To sufficiently, promptly and accurately update information on the investment supervision and evaluation information system as prescribed in Article 101 of this Decree.

Article 93. Responsibilities of provincial-level People’s Committees for investment supervision and evaluation

1. To organize overall investment supervision and evaluation within localities.

2. To carry out supervision and evaluation of projects within their competence to make decisions (including those assigned to inferior agencies).

3. To carry out investment supervision and evaluation projects of State enterprises within the ambit of management.

4. To carry out supervision and evaluation of projects of which investment registration certificates are issued by them.

5. To organize supervision and evaluation of PPP projects within localities.

6. To supervise the implementation of planning and plans for land use plan and environmental of projects in their provinces; offer opinions or promptly resolve issues related to land clearance and land use within the competence at the request of ministries and project owners.

7. To propose investment issues in their provinces related to the projects within the ambit of management to the Prime Minister, ministries and departments in order to promptly resolve difficulties and ensure investment progress and efficiency.

8. To submit reports on overall investment supervision and evaluation within localities and reports on investment supervision and evaluation projects subject to their decision according to regulations.

9. To sufficiently, promptly and accurately update information on the investment supervision and evaluation information system as prescribed in Article 101 of this Decree.

Article 94. Responsibilities of investment registration agencies for investment supervision and evaluation

1. To organize overall investment supervision and evaluation and investment supervision and evaluation projects within their management.

2. To submit reports on overall investment supervision and evaluation and reports on investment supervision and evaluation projects within the ambit of management.

3. To sufficiently, promptly and accurately update information on the investment supervision and evaluation information system as prescribed in Article 101 of this Decree.

Article 95. Responsibilities of State enterprises for investment supervision and evaluation

1. To organize overall investment supervision and evaluation within the enterprises.

2. To organize supervision and evaluation of PPP projects they decide or within the ambit of management.

3. To submit reports on overall investment supervision and evaluation and reports on investment supervision and evaluation projects within the ambit of management according to regulations.

4. To promptly and accurately update information on the investment supervision and evaluation information system as prescribed in Article 101 of this Decree.

Article 96. Responsibilities of program owners, project owners, project users and investors for investment supervision and evaluation programs and projects

1. Owners of public investment programs, owners and project users of public investment projects, investors in and owners of investment projects using state capital other than public investment funds and investors in PPP projects shall:

a) Carry out supervision and evaluation of programs and projects in accordance with this Decree;

b) Formulate a framework for project supervision and evaluation before commencement of the project;

c) Establish an internal communication system; collect and store sufficient information, data, documents of the project; reports of contractors, changes to state policies and laws, regulations of sponsors related to management of execution of projects (if using ODA);

d) Promptly report difficulties beyond the competence to superior agencies;

dd) Make reports on supervision and evaluation of projects as prescribed;

e) Sufficiently, promptly and accurately update information on the investment supervision and evaluation information system as prescribed in Article 101 of this Decree.

g) Take responsibility for contents reported and take legal responsibility for failure to report or provide accurate information about investment within the ambit of management.

2. Investors in projects using other sources of capital shall:

a) Carry out supervision and evaluation of projects in accordance with this Decree;

b) Establish an internal communication system; collect and store sufficient information, data and documents of the project; reports of contractors related to management of project execution;

c) Promptly report difficulties beyond the competence to the agencies;

d) Make reports on supervision and evaluation of projects as prescribed;

dd) Sufficiently, promptly and accurately update the reports on the investment supervision and evaluation information system as prescribed in Article 101 of this Decree;

e) Take responsibility for contents reported and take legal responsibility for failure to report or provide accurate information about investment within the ambit of management.

Article 97. Organization of investment supervision and evaluation

1. Each ministry shall appoint an affiliated unit (Department level) to take charge of its investment supervision and evaluation tasks; provide guidance on investment supervision and evaluation for other affiliated units and projects assigned to inferior agencies.

2. The Provincial-level Department of Planning and Investment shall take charge of investment supervision and evaluation tasks within the province or city, provide guidance on investment supervision and evaluation for affiliated units and projects assigned by the Provincial-level People’s Committee to inferior agencies.

3. Every State enterprise shall appoint a department to take charge of investment supervision and evaluation tasks of the enterprise, provide guidance on investment supervision and evaluation for affiliated units.

4. Every program owner, project owner and project user shall assign the project management board or a department to take charge of investment supervision and evaluation tasks of the projects within the ambit of management.

5. Every investor shall appoint the project management company or a department to take charge of investment supervision and evaluation tasks of the projects within the ambit of management.

6. Investment supervision and evaluation in case an agency takes the roles of two or more of the following entities: public investment agency, investment agency, specialized state management agency, managing agency, state ownership representative agency, investment registration agency, investment-deciding person, agency signing PPP contracts, program owner, project owner and project user:

a) The unit in charge shall perform all investment supervision and evaluation tasks of the agency. Supervision and evaluation tasks of the program owner, project owner or project user shall be performed by the representative unit of the program owner, project owner or project user;

b) Contents of investment supervision and evaluation shall integrate the supervision and evaluation contents of assigned entities.

7. The units specified in Clause 1 through 6 of this Article shall carry out investment supervision and evaluation in the following manner:

a) Internal supervision and evaluation of the investment program or project and overall investment supervision and evaluation;

b) Hiring experts or a consultancy to carry out evaluation of the program or project and overall investment evaluation.

8. The hiring of experts or a consultancy to carry out evaluation of the program or project and overall investment evaluation shall comply with regulations of Bidding Law.

Article 98. Duties and powers of agencies and units in charge of investment supervision and evaluation

1. The agencies and units assigned to carry out investment supervision and evaluation shall assist ministries, People’s Committees at all levels, enterprises, and investors in investment supervision and evaluation as follows:

a) Develop plans for monitoring, inspecting and assessing investment and organize investment monitoring, inspection and evaluation within the assigned duties;

b) Assign departments and officials responsible for monitoring, inspecting and assessing investment and overall monitoring, inspection and evaluation of investment;

c) Organize a system for provision and storage of information about investment within the ministry, local agency, enterprise or projects (for project owners) within the ambit of management;

d) Collect reports and relevant information in service of the investment monitoring, inspection and evaluation;

dd) Consider, analyze information and reports; make and submit reports on investment supervision and evaluation according to regulations to competent agencies.

2. Agencies and units in charge of investment supervision and evaluation may:

a) Request other agencies and units in charge of investment supervision and evaluation to report according to regulations, provide information and documents about the contents of investment supervision and evaluation in case of necessity;

b) Discuss through telephone or on the site with other agencies and units in charge of supervision and evaluation, investors and project owners to clarify the issues related to the monitoring, supervision and evaluation.  When working on the site, it is required to have a specific working plan and relevant agencies and units must be informed in advance;

c) Request competent agencies to adjust the project if necessary, cancel the investment decision, suspend or terminate the execution of the project if serious violations are found during the process of investment supervision and evaluation. Report violations against regulations on investment supervision and evaluation committed by investors, project owners, relevant agencies and units to competent agencies and propose appropriate punitive measures.

3. Agencies and units in charge of investment supervision and evaluation shall provide training to ensure the capacity for performing tasks and exercise entitlements at the agencies and units.

Article 99. Method and procedures for investment supervision and evaluation

1. The monitoring of investment programs and projects and overall investment monitoring shall be carried out by the following methods:

a) Regular monitoring on the site;

b) Monitoring through periodic and irregular reports;

c) Monitoring through both reports and on-site monitoring.

2. The program owner, project owner and investor shall regularly monitor the progress of the program or project and is responsible for the promptness and accuracy of the reports.

3. The investment-deciding person and competent agencies shall monitor the programs and projects and carry out overall investment monitoring by consolidating, analyzing and assessing reports made by the program owner, project owner, investor, relevant agencies and units.

A monitoring team responsible for working on the site may be established to clarify relevant information in case of necessity.

4. Inspection, evaluation of investment programs and projects and overall investment examination and evaluation shall be carried out by the following methods:

a) Through reports;

b) Through inspectorates and assessing delegations.

5. Procedures for monitoring an investment program or project:

a) Formulate and adjust the framework for supervision and evaluation of the program or project;

b) Determine demand for information and indicators to be monitored;

c) Make a monitoring plan;

d) Establish a mechanism for assisting the monitoring tasks;

dd) Prepare the tools and IT system to assist the monitoring of the program or project;

e) Collect and analyze data;

g) Report monitoring results according to regulations.

6. Procedures for inspecting an investment program or project:

a) Develop and submit the inspection plan;

b) Establish an inspectorate (if any);

c) Send notification on the inspection plan and request preparation of documents serving the inspection. The minimum time limit for document preparation is 20 days from the date of receiving the request;

d) Carry out the inspection. The maximum duration of an on-site inspection by an inspectorate is 20 days;

dd) Report the inspection result. The inspection result shall be reported within 20 days;

e) Send notification on the inspection result and conclude the inspection. The maximum duration is 10 days from the date of receiving the inspectorate’s report.

7. Procedures for assessing an investment program or project:

a) Develop and submit the evaluation plan;

b) Establish an assessing delegation (if any);

c) Send notification on the evaluation plan and request preparation of documents serving the evaluation;

d) Briefly describe the nature of the assessed program or project (make and adjust the evaluation framework);

dd) Prepare a detailed evaluation plan;

e) Collect and analyze data;

g) Report the evaluation result;

h) Send notification on the evaluation result.

8. Procedures for overall investment monitoring:

a) Determine demand for information and indicators to be monitored;

b) Make a monitoring plan;

c) Establish a mechanism for assisting the monitoring tasks;

d) Prepare the tools and IT system to assist the overall investment monitoring;

dd) Collect and analyze data;

e) Report the monitoring result according to regulations.

9. Procedures for overall investment examination:

a) Develop and submit the inspection plan;

b) Establish an inspectorate (if any);

c) Send notification on the inspection plan and request preparation of documents serving the inspection. The minimum time limit for document preparation is 30 days from the date of receiving the request;

d) Carry out the inspection. The maximum duration of an on-site inspection by an inspectorate is 30 days;

dd) Report the inspection result. The inspection result shall be reported within 30 days;

e) Send notification on the inspection result and conclude the inspection. The maximum duration is 10 days from the date of receiving the inspectorate’s report.

10. Procedures for overall investment evaluation:

a) Determine the objectives, scope and content of evaluation;

b) Make and submit the evaluation plan;

c) Establish an assessing delegation (if any);

d) Send notification on the evaluation plan and request preparation of documents serving the evaluation;

dd) Collect and analyze data;

e) Report the evaluation result;

g) Send notification on the evaluation result.

Article 100. Reporting of investment supervision and evaluation

1. The Ministry of Planning and Investment shall submit annual reports on overall investment supervision and evaluation to the Prime Minister, including overall supervision and evaluation reports, evaluation of national important project and class A projects nationwide.

2. Ministries, local agencies and state corporations shall make and submit the following reports to the Ministry of Planning and Investment:

b) Annual reports on overall supervision and evaluation;

b) Annual reports on overall supervision and evaluation of offshore investment.

3. Investment registration agencies shall make and send annual reports on investment supervision and evaluation to provincial-level People’s Committees.

4. Program owners, and owners of public investment programs and projects shall make and send the following reports to the investment-deciding persons, managing agencies, and units in charge of investment supervision and evaluation:

a) Regular supervision and evaluation reports: 6-month report and annual report;

b) Supervision and evaluation reports prior to adjustment of the program or project;

c) Supervision and evaluation reports prior to completion of the program or project;

dd) Report on evaluation of the program or project they execute;

d) Consolidated annual reports on supervision and evaluation of the program or project they execute.

5. Project users of public investment projects shall make and submit the following reports to the investment-deciding persons and agencies in charge of investment supervision and evaluation:

a) Annual reports on supervision and evaluation of the project’s operation from the time the project is put into operation to the availability of the report on evaluation of the project’s impact;

b) Report on evaluation of the project’s impact.

6. Investors of projects using state capital other than public investment funds shall make and send the following reports to managing agencies, investment-deciding persons, and agencies in charge of investment supervision and evaluation:

a) Regular supervision and evaluation reports: 6-month report and annual report;

b) Supervision and evaluation reports prior to adjustment of the project;

c) Report on evaluation of the project they execute;

d) Consolidated annual reports on supervision and evaluation of the program or project they execute.

7. Investors executing PPP projects shall make and send the following reports to agencies signing project contracts and PPP investment agencies:

a) Regular supervision and evaluation reports: 6-month report and annual report;

b) Supervision and evaluation reports prior to adjustment of the project;

c) Report on evaluation of the project they execute;

8. Investors of projects using other sources of capital shall make and send the following reports to investment registration agencies and agencies in charge of investment supervision and evaluation of the localities where such projects are executed:

a) Regular supervision and evaluation reports: 6-month report and annual report;

b) Supervision and evaluation reports prior to adjustment of the project;

c) Final report (if any);

9. Investors of offshore investment projects shall make and send the following reports to the Ministry of Planning and Investment, the State Bank of Vietnam, the Ministry of Finance, state ownership representative agencies, People’s Committees of provinces and Departments of Planning and Investment of provinces where their head offices are located and Vietnam’s representative agencies in the countries that receive investment:

a) Regular supervision and evaluation reports: 6-month report and annual report;

b) Supervision and evaluation reports prior to adjustment of the project (if the adjustment of the project results in adjustment of the investment registration certificate);

c) Final report.

10. Reports on community-based investment monitoring:

a) Public Investment Supervision Boards shall submit quarterly reports on community-based investment monitoring in local programs and projects to Vietnamese Fatherland Front Committees at commune level. Public Investment Supervision Boards shall report the violations or submit other proposals to Vietnamese Fatherland Front Committees at commune level during the process of supervision;

b) Vietnamese Fatherland Front Committees at commune level shall submit annual reports on result of community-based investment monitoring to People’s Councils and People’s Committees of communes, and Vietnamese Fatherland Front Committees of districts and provinces;

c) Vietnamese Fatherland Front Committee of each province shall make and send annual reports on result of community-based investment monitoring in the province to the Department of Planning and Investment, the People’s Council and the People’s Committee of the same province.

11. Deadline for reporting investment supervision and evaluation:

a) Every program owner, project owner and investor shall submit:

- A 6-month report before July 10 of the reporting year;

- An annual report before February 10 of the following year;

- A report before adjusting the program or project.

b) Every investment registration agency shall submit an annual report before February 20 of the following year.

c) Every ministry, local agency and State enterprise shall submit an annual report on overall supervision and evaluation before March 01 of the following year.

d) Deadlines for submitting reports on community-based investment monitoring:

- Public Investment Supervision Boards shall submit reports before the 10th of the first month of the next quarter;

- Vietnamese Fatherland Front Committees at commune level shall submit annual reports before February 10 of the following year;

- Vietnamese Fatherland Front Committees at provincial level shall submit annual reports before February 20 of the following year.

dd) The Ministry of Planning and Investment shall submit consolidated reports on investment supervision and evaluation to the Prime Minister before March 31 of the following year.

12. Report contents shall comply with regulations in Chapters VI, VII and VIII of this Decree.

13. The Ministry of Planning and Investment shall provide templates of reports on investment supervision and evaluation.

Article 101. Investment supervision and evaluation information system

1. “Investment supervision and evaluation information system” (System) means a system implemented nationwide and managed by the Ministry of Planning and Investment to update and store information, supervise, assess, analyze and disclose information according to regulations on investment programs and projects nationwide.

2. General use regulations:

a) The monitoring, investment supervision and evaluation projects shall be carried out on the System; reports on the System will replace physical reports;

b) Regarding annual reports on overall nationwide investment supervision and evaluation, the Ministry of Planning and Investment shall only aggregate data reported by agencies on the System;

c) The report data shall be updated sufficiently, accurately and timely. Organizations and individuals shall take responsibility for the accuracy of data reported and updated by them on the System.

d) Organizations and individuals using the System shall use the Government’s specialized digital signatures for signature and submission of reports on the System;

dd) Forms serving the reporting of investment supervision and evaluation shall be digitalized on the System and such forms shall be published on the national investment supervision and evaluation information portal;

e) Regulations provided in this Article shall not apply to projects subject to the state secret requirement.

3. Regulations on accounts used for logging in the System:

a) Accounts must be managed in a concentrated manner on the System developed by the Ministry of Planning and Investment.

b) Organizations and individuals participating in or involved in public investment, management and use of public investment funds shall may log in for access to the system. The Ministry of Planning and Investment shall grant accounts based on registration information, and functions or duties of organizations and individuals joining the System.

c) Application for registration for use of accounts to have access to the System shall be submitted online on the system at the website address https://taikhoan.mpi.gov.vn. Information must be updated to grant permission for registration of use of accounts shall include:

- Information of the authorized individual account user: full name, idorganization card/citizen idorganization card number; mobile number; email;

- Information about the institutional account user: Name of the institution; information about the institution’s head: full name, idorganization card/citizen idorganization card number, mobile number, email; photocopy of the decision on establishment of the institution.

d) Main accounts of Ministries, central and local government agencies shall be used for verifying account information of project state management agencies, owners and management boards under their control.

dd) Users must change their first passwords within 01 day of successful registration of their accounts. They shall be prohibited from disclosing their passwords to any person unauthorized for access to or input of updated information on the System. In case of changing the account user, the account recipient must change their password and information about the person authorized to manage and use the account on the System.

4. Regulations on information updating and reporting by investors, owners and owners of component projects:

a) When a program or a project is approved for investment: update information about the program and project in accordance with the decision on investment policy and decision on investment on the System within 07 business days from the approval date of such decision.

b) During project execution:

The following information must be updated at least 07 business days after any adjustment:

- Approval of project adjustment;

- Approval and adjustment of the technical design or shop drawing design and cost estimate;

- Approval and adjustment of the contractor selection plan and result;

- Contract, adjustments to the contract;

- Appropriated capital plan;

- Acceptance value, disbursement value;

- Information about evaluation and inspection;

- Reports on project supervision and evaluation.

Information shall be updated on a monthly basis (as the case may be):

- Images or videos about current construction on the site for projects with a construction constituent.

Documents shall be enclosed with scanned copies or e-documents bearing specialized digital signature on the System, including:

- Decision on/Approval for investment policy, Decision on adjustment of investment policy (if any);

- Decision on investment/Adjusted decision on investment (if any);

- Decision on approval for technical designs or shop drawing designs, cost estimate; Decision on adjustment of technical designs or shop drawing designs, cost estimate (if any);

- Decision on approval for contractor selection plan, Decision on approval for adjustment of contractor selection plan (if any);

- Report on evaluation result;

- Report on inspection result.

c) Information shall be updated on a monthly basis:

- Current execution and disbursement of investment capital;

- Images or videos about current construction on the site for projects with a construction constituent.

d) On a quarterly basis, consolidate information on the System and make reports on investment supervision and evaluation by project owners and owners of component projects and submit them to competent agencies through the System.

dd) Submit annual consolidated annual reports on investment supervision and evaluation programs and projects within the ambit of management through the System.

e) When a program or a project is ended: update information about the cost statement in accordance with the decision on approval for the statement within 07 business days from the approval date.

5. Regulations on reporting by state management agencies:

a) Implement, urge and instruct project owners and owners of component projects within the ambit of management to update information on the System as prescribed in Clause 4 of this Article,

b) Submit annual reports on overall supervision and evaluation on the System.

6. Costs of making and updating reports and operating the System:

a) The costs of making and updating reports and operating the System shall be included in the total investment of a project and in the costs of investment supervision and evaluation of the project, and vary according to established norms.

b) The Ministry of Finance shall provide guidance on making estimates and managing funding for making and updating reports and operating the System.

7. Regulations on building and implementation of the System:

a) The Ministry of Planning and Investment shall build and manage operation of the System nationwide in terms of investment supervision and evaluation;

b) Ministries, local agencies and State enterprises shall implement the System at the ministries, local agencies and State enterprises.

8. Regulation on integration and sharing of data:

a) The State Treasury has the following responsibility:

- Share and integrate report data and report the disbursement by each investment project for use as a basis for reporting the implementation of the public investment plan by agencies on the System;

- The sharing, integration and reporting on the System will replace physical documents.

b) The Ministry of Planning and Investment shall integrate and share data between systems to ensure the consistency of information and data between the investment supervision and evaluation information system and the systems: public investment information system, investment information system and national bidding network system.

Article 102. Processing results of investment supervision and evaluation

1. Ministries and local agencies must examine and resolve issues and complaints of investment supervision and evaluation agencies, program owners, project owners, project users and investors within 15 days from the date of receiving the request if such issues are within their competence, and report the issues that beyond the competence.

2. When adjusting a program or project, the competent agency must consider the result of inspection and evaluation of the program or project as prescribed in this Decree. If the project is subject to inspection and evaluation before the adjustment, the competent agency is only allowed to adjust the investment policy, investment program or project or investment registration certificate after inspecting and assessing the program or project as prescribed in this Decree.

3. Results of investment supervision and evaluation are the basis for competent agencies to select investors in the next years.

4. Results of final evaluation of a project are the basis for competent agencies to approve cost statement.

5. Results of evaluation of impacts of programs and projects are the basis for competent agencies to consider deciding investment in similar programs and projects.

Article 103. Actions against violations in terms of investment supervision and evaluation

1. Any organization that attempts to conceal violations or commits other violations shall, on a case by case basis, incur disciplinary or administrative penalties or criminal prosecution, and pay compensation for any damage caused.

2. Penalties for administrative violations in terms of investment supervision and evaluation shall comply with the law on penalties for administrative violations against regulations on planning and investment.

3. If investors of public investment programs and projects and projects using state capital other than public investment funds fail to comply with regulations on reporting, the head of the agency/unit in charge of the program or project, head of the project management board, and officials assigned to carry out investment supervision and evaluation must take the following actions:

a) Reprimand if reports are not submitted for 2 consecutive periods or for 3 intermittent periods;

b) Warning if reports are not submitted for 3 consecutive periods or for 4 intermittent periods.

4. In case of violations against regulations on reporting, capital shall only be disbursed after penalties are imposed as prescribed in Clause 2 and Clause 3 of this Article and reports shall be submitted completely.

5. Actions against violations against regulations on investment management during the process of investment supervision and evaluation:

a) The agencies carrying out investment supervision and evaluation shall promptly report violations committed by entities within the ambit of management to competent agencies;

b) Any agency that attempts to conceal the violations shall be jointly responsible for the violations and consequences.

6. On an annual basis, according to summary reports and proposals of investment supervision and evaluation agencies, ministries and local agencies shall consider imposing the following penalties upon program owners, project owners and investors that commit violations against regulations on investment supervision and evaluation:

a) Reprimand, warning;

b) Replacement of the program owner or project owner;

c) Refusal to appoint them as owners of other projects.

7. On an annual basis, the Ministry of Planning and Investment shall:

a) Propose penalties upon ministries and local agencies that fail to submit reports on overall investment supervision and evaluation or fail to submit them on schedule, or the reports submitted are not satisfactory;

b) Submit a report on actions against violations against regulations on investment supervision and evaluation to the Prime Minister.

 

Chapter XI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

 

Article 104. Transitional provisions in respect of projects which are under execution, or are faced with issues related to criteria of national important project

1. Projects under execution mean projects of which decisions on investment have been granted or those of which certificates of registration of investment have been granted.

2. Regarding projects which are under execution but meet criteria of a national important project under Article 7 of the Law on Public Investment, Article 12 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership and Article 30 of the Law on Investment, the following instructions shall be followed:

a) Execution of these projects shall be continued; investors and project owners shall send review reports to the person making investment decisions or the investment registration agency;

b) The person vested with agency to grant an investment decision or the investment registration agency shall report to the Prime Minister for his review and direction of reporting to the National Assembly at its year-end meeting on the process of execution of such projects;

c) Management of the projects stated in this Clause shall be consistent with regulations provided in decisions on investment, certificates of investment registration which have been issued; decisions on investment or certificates of investment registration (if any) which had been previously adjusted, and relevant laws.

3. Regarding projects under execution which are subject to any change and of which changes fall under criteria of national important project under Article 7 of the Law on Public Investment and Article 12 of the Law on Investment in the Form of Public-Private Partnership, follow the instructions below:

a) Execution of these projects shall be continued according to the contents approved by competent agencies (without resulting in any change); project owners and investors shall send reports on any issues that fall under criteria of national important project to the person making investment decisions;

b) Procedures for adjusting investment policy of projects and projects shall be consistent with applicable regulations at the time of adjustment as same as those applied to projects or groups of projects existing prior to adjustments;

c) The person making investment decisions shall report to the Prime Minister for his review and direction of reporting to the National Assembly at its year-end meeting on the process of execution of such projects, including the issues that fall under criteria of national important project;

d) Management of projects prescribed in this Clause shall be consistent with the law on national important project.

4. The reporting of execution of national important project as prescribed in Clauses 2 and 3 of this Clause and Clause 8 Article 79 of the Law on Public Investment shall comply with the form in the Appendix to this Decree.

Article 105. Transitional provisions on investment supervision and evaluation

1. Regular reports on investment supervision and evaluation of 2020 shall continue to be made as prescribed in the Government’s Decree No. 84/2015/ND-CP and Decree No. 01/2020/ND-CP.

2. Regarding programs and projects whose investment supervision and evaluation costs have been determined or approved by a competent agency as prescribed in the Government’s Decree No. 84/2015/ND-CP and Decree No. 01/2020/ND-CP, they shall continue to be executed or the investment supervision and evaluation costs shall be re-determined as prescribed in this Decree.

Article 106. Effect

1. This Decree takes from the date of its signing.

2. From the effective date of this Decree, previously-issued regulations in contravention of those prescribed in this Decree and the following regulations cease to be effective:

a) The Government’s Decree No. 131/2015/ND-CP dated December 25, 2015;

b) The Government’s Decree No. 02/2020/ND-CP dated January 01, 2020;

c) The Government’s Decree No. 84/2015/ND-CP dated September 30, 2015;

d) The Government’s Decree No. 01/2020/ND-CP dated January 01, 2020;

Article 107. Responsibility for implementation

1. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Government-attached agencies, Chairpersons of People’s Committees of provinces and centrally run cities, heads of political organizations, socio-political organizations and socio-political-professional organizations, and relevant organizations and individuals shall implement this Decree.

2. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with relevant ministries in, providing guidance for the implementation of this Decree.

 

 

FOR THE MINISTER
THE DEPUTY MINISTER


Nguyen Xuan Phuc

 

 

APPENDIX I

APPRAISAL PLAN FORM
(Attached to the Government’s Decree No. 29/2021/ND-CP dated March 26, 2021)

 

APPRAISAL PLAN

 

I. TASKS AND CONTENT OF APPRAISAL

1. Tasks of appraisal:

Appraising the prefeasibility study report [Name of the project] (hereinafter referred to as the project) to report to the Government for consideration and submission to the National Assembly for decision or approval of investment policy.

Or: Organization the appraisal of the prefeasibility study report [Name of the project] (hereinafter referred to as the project) to report to the Prime Minister for consideration and decision on investment.

2. The legal bases for appraisal

Laws, Decrees, Circulars and other relevant documents of competent authorities.

3. The content of project appraisal: Depending on the type of funding source and forms of investment, the content of project appraisal shall comply with this Decree.

In which, each task and expected assignment of tasks, forms of reviewing and assessing tasks for members of the State Appraisal Council/the interdisciplinary appraisal expert team shall be specified.

No.

Content of appraisal

Form of assessment

Members of the State Appraisal Council/the Interdisciplinary appraisal expert team taking the main responsibility for the assigned State management functions

1

…………………

...

…………………

2

…………………

...

…………………

...

…………………

...

…………………

II. APPRAISAL ORGANIZATION

1. Proposing to establish the interdisciplinary appraisal expert team.

(Clearly defining the composition and content of tasks for the Interdisciplinary appraisal expert team).

2. Proposing to hire the verification consultants (if any).

(Anticipating the number of experts needed to perform the verification task associated with each content in the appraisal report; identifying specific tasks of experts; estimating necessary costs and having cost estimate attached)

III. THE DURATION AND WORK PROGRAM OF THE COUNCIL

1. The work program of the Council

2. The plan establishing the interdisciplinary appraisal expert team.

3. The plan selecting the verification consultants (if any).

IV. WORKING CONDITIONS

1. Working site and means.

2. Project verification and appraisal costs (with attached cost estimates).

3. Other working conditions.

 

 

APPENDIX II

FORM OF REPORT ON PROJECT’S ARISING PROBLEMS UNDER THE CRITERIA OF NATIONAL IMPORTANT PROJECTS
(Attached to the Government’s Decree No. 29/2021/ND-CP dated March 26, 2021)

NAME OF REPORTING AGENCY
 

-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. /BCDAQTQG

............., date ….. month ….. year....

 

 

REPORT ON PROJECT’S ARISING PROBLEMS UNDER THE CRITERIA OF NATIONAL IMPORTANT PROJECTS

Name of the project: ……………………..

To: ………………………………………………….

 

I. INFORMATION OF THE PROJECT

1. Name of the project:

2. Project owner:

3. Project formulation consultancy organizations:

4. Objectives of the project:

5. Scope and capacity of the project:

6. Main investment content/main investment items:

7. Project site:

8. Land use area:

9. Project management forms:

10. Project timelines:

- Decision approving investment policy, investment decision, adjustment decisions (if any):

- Project implementation duration:

11. Total investment:

12. Investment capital sources:

13. Content of problems arising under the criteria of national important projects:

II. IMPLEMENTATION OF THE PROJECT

1. Actual implementation of the project

a) Project implementation schedule (the planning of technical design, the ground clearance and resettlement, the bidding work, the contract performance, etc.)

b) The value of volumes performed according to contract performance schedule.

c) Capital management situation and summary of disbursement results.

d) Quality of achieved work (describing the quality of achieved work corresponding to the accepted and paid value of work volumes in each stage).

dd) Other costs related to the project.

e) Changing related to the project implementation schedule.

2. Project management:

a) Implementation plan.

b) Results achieved compared to the proposed plan and the adjustment of the implementation plan to suit the requirements.

c) Quality assurance and project management effectiveness.

3. Processing and feedback of information:

a) Ensuring reported information in compliant with regulations (completeness, accuracy, truthfulness, and timeliness of reported information).

b) Processing reported information (processing reported information promptly from the time when the report is received to respond promptly, avoiding adverse consequences for the project).

c) Results of resolving problems, arisings (If results are achieved through the process of resolving problems and arisings during project implementation).

III. EXPLOITATION AND OPERATION OF THE PROJECT (if any)

1. The actual state of socio-economic and operation of the project (specifying the actual state of socio-economic and operation of the project and comparing it with approved indicators during the investment implementation stage).

2. Sustainability; current shortcomings, difficulties and problems of the project (if any).

3. Situation of production and business (for investment projects for the purpose of business).

- Labor employment (quantity, qualification structure) until the time of reporting.

- Situation of performance of obligations toward employees (wage, insurance, allowances, social benefits, etc.).

- Situation of performance of obligations toward the budget (amounts paid in the reporting period, accumulated amounts until the time of reporting, amounts payable, reasons of deferral of payments).

- Profit situation (amounts paid in the reporting period, accumulated amounts until the time of reporting).

IV. CONTENTS AND REASONS FOR ADJUSTMENT OF THE PROJECT (if any)

1. Clearly stating the main contents of adjustment of the project and the components of the project to be adjusted

2. Clearly stating reasons, causes and responsibilities of relevant parties leading to adjustment of the project (in the stages of project formulation, appraisal, approval and implementation).

3. Re-evaluating the effectiveness of the adjustment project.

V. RECOMENDATIONS

Recommendations to persons competent to decide on investment or competent authorities on support measures and handling difficulties of the project (if any).

 

 

REPORTING AGENCY
(Signature and stamp)

 

 

APPENDIX III

FORM OF REPORT TO NATIONAL ASSEMBLY ON NATIONAL IMPORTANT PROJECTS
(Attached to the Government’s Decree No. 29/2021/ND-CP dated March 26, 2021)

NAME OF REPORTING AGENCY
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. /NIPR

............., date ….. month ….. year....

 

 

REPORT ON NATIONAL IMPORTANT PROJECTS

Name of the project: ……………………..

To: ………………………………………………….

 

I. PROJECT INFORMATION

1. Name of the project:

2. Project owner:

3. Project formulation consultancy organizations:

4. Objectives of the project:

5. Scope and capacity of the project:

6. Main investment content/main investment items:

7. Project site:

8. Land use area:

9. Project management forms:

10. Project timelines:

- Decision approving investment policy, investment decision, adjustment decisions (if any):

- Project implementation duration:

11. Total investment:

12. Investment capital sources:

II. IMPLEMENTATION OF THE PROJECT

1. Project implementation: (summary of main results and disbursement status of the project implemented up to the time of reporting)

2. Project management: (summary of main contents of project management in accordance with the applicable law provisions; and results of processing and responding information to report to competent authorities)

III. ADJUSTMENTS TO THE PROJECT (if any):

1. Clearly stating the main contents of adjustment of the project and the components of the project to be adjusted

2. Clearly stating reasons, causes and responsibilities of relevant parties leading to adjustment of the project (in the stages of project formulation, appraisal, approval and implementation).

3. Re-evaluating the effectiveness of the adjustment project.

IV. EXPLOITATION AND OPERATION OF THE PROJECT (if any)

1. The actual state of socio-economic and operation of the project (specifying the actual state of socio-economic and operation of the project and comparing it with approved indicators during the investment implementation stage).

2. Sustainability; current shortcomings, difficulties and problems of the project (if any).

3. Situation of production and business (for investment projects for the purpose of business).

- Labor employment (quantity, qualification structure) until the time of reporting.

- Situation of performance of obligations toward employees (wage, insurance, allowances, social benefits, etc.).

- Situation of performance of obligations toward the budget (amounts paid in the reporting period, accumulated amounts until the time of reporting, amounts payable, reasons of deferral of payments).

- Profit situation (amounts paid in the reporting period, accumulated amounts until the time of reporting).

V. RECOMMENDATIONS

Recommendations to persons competent to decide on investment or competent authorities on support measures and handling difficulties of the project (if any).

  

REPORTING AGENCY
(Signature and stamp)

 

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Decree 29/2021/ND-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất