Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011

thuộc tính Nghị quyết 02/NQ-CP

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:02/NQ-CP
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Nghị quyết
Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:09/01/2011
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng, Chính sách

TÓM TẮT VĂN BẢN

07 giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.
Nghị quyết nhấn mạnh, năm 2011 là năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 vì vậy việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.
Chính phủ đã cụ thể hóa các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được thông quan tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII thành một số chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu. Trong đó, phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7 - 7,5% so với năm 2010; chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng không quá 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách nhà nước ở mức khoảng 5,3% GDP…
Để thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có kết quả 07 giải pháp chủ yếu bao gồm:
Thứ nhất, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể là phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường; kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; duy trì bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; tăng cường kỷ luật tài chính, phấn đấu giảm bội chi ngân sách, bảo đảm dư nợ Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.
Thứ hai là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt chú ý phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng; đẩy mạnh cải cách nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thứ ba, triển khai quy hoạch, tiếp tục nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2011 - 2020... 
Đồng thời Chính phủ chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai chương trình hành động cụ thể của từng Bộ, cơ quan, địa phương; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và đơn vị thực hiện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 22/01/2011. 

Xem chi tiết Nghị quyết02/NQ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------------------

Số: 02/NQ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2011

 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2011

 

 

Trong năm 2010, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng về tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành về cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, nhất là trong việc kiềm chế lạm phát, kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, nâng cao chất lượng tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; do vậy trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng, đồng thuận và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị.

Năm 2011 là năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020. Việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020. Tình hình kinh tế thế giới năm 2011 dự báo còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, đòi hỏi phải nắm bắt kịp thời các diễn biến tình hình kinh tế, xã hội trong và ngoài nước, tăng cường chỉ đạo, điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII là: “Tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; tiếp tục củng cố quốc phòng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”. Mục tiêu này được cụ thể hóa thành một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu, bao gồm: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7 – 7,5% so với năm 2010; chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng không tăng quá 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách nhà nước ở mức khoảng 5,3% GDP; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP; tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 6,5%, trung cấp chuyên nghiệp tăng 10%, cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,5%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới, riêng 62 huyện nghèo giảm 4%; 4% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 69%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế được xử lý 82%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 83%; tỷ lệ che phủ rừng 40%.

Để thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội: số 51/2010/QH12 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; số 52/2010/QH12 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và số 53/2010/QH12 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có kết quả các giải pháp chủ yếu sau đây:

 

Phần thứ nhất.

NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2011

 

I . TĂNG CƯỜNG ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, BẢO ĐẢM CÁC CÂN ĐỐI LỚN CỦA NỀN KINH TẾ

1. Kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan trong việc kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng và bảo đảm lãi suất ở mức hợp lý; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường; tăng cường năng lực phân tích, dự báo, chủ động điều chỉnh lượng cung tiền để bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát.

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động ban hành hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quản lý giá, tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý cụ thể để thực hiện đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết bằng đồng Việt Nam. Có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hiện tượng đầu cơ nâng giá; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định kiểm soát giá đối với những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá ở các Bộ, cơ quan, địa phương. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý giá.

c) Bộ Y tế, Bộ Công Thương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương áp dụng các biện pháp đồng bộ, hiệu quả để kiểm soát và bảo đảm giá thuốc chữa bệnh, giá sữa ở mức hợp lý, bảo đảm hạn chế tối đa tình trạng tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

d) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các yếu tố ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa để kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung – cầu và bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, tăng cường kiểm soát cung – cầu các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.

- Triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý thị trường và thanh tra giá để kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, ngăn chặn đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, nhất là các thời điểm mùa vụ hoặc thời gian có khả năng sốt giá như các dịp lễ, Tết, đầu năm, cuối năm, …. Xử phạt nghiêm minh các vi phạm pháp luật về thương mại, thị trường.

- Đẩy mạnh phát triển thương mại cơ sở, nông thôn, hệ thống các chợ, hợp tác xã mua bán, cửa hàng và hộ bán lẻ. Xây dựng cơ chế, chính sách và áp dụng các biện pháp thích hợp tạo lập mối liên kết giữa nhà sản xuất với tổ chức phân phối và người tiêu dùng để hình thành những kênh lưu thông hàng hóa ổn định, gắn với quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có biện pháp phù hợp nhằm phát huy tốt vai trò của các hội, hiệp hội người tiêu dùng. Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng cơ chế phù hợp để khuyến khích phát triển thương mại điện tử.

- Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2011 Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam đến năm 2020.

đ) Các Bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá đối với những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý và các dịch vụ giáo dục, y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý như điện, than, nước sạch, …, bảo đảm khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; dự báo tác động do biến động giá của các mặt hàng này đối với chỉ số giá tiêu dùng để có giải pháp kiểm soát phù hợp.

- Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thích hợp để từng bước điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với các dịch vụ giáo dục, y tế kết hợp với chính sách hỗ trợ hợp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách; tăng cường xã hội hóa nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ này.

e) Các Bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống phân phối, lưu thông các mặt hàng này, đặc biệt là hệ thống phân phối các mặt hàng lương thực, xăng dầu, thép, phân bón, xi măng, …

g) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo xây dựng, phát triển hệ thống kho chứa lương thực phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu.

h) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các chương trình thông tin, truyền thông tuyên truyền về cơ chế, chính sách, tình hình thực tế giá cả, thị trường để thực hiện chủ trương minh bạch thị trường, đáp ứng mục tiêu cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ, rõ ràng thông tin thị trường, giá cả.

2. Kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán

a) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Xác định các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế và khả năng cạnh tranh để có biện pháp hỗ trợ phù hợp đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng công tác kiểm định chất lượng hàng xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, bến bãi vận tải, giao nhận, kho tập kết hàng hóa tại các cửa khẩu. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, giảm chi phí đầu vào, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2011 Chương trình hành động quốc gia về phát triển sản phẩm xuất khẩu.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, nhất là những thị trường và mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của nước ngoài; có các giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thương vụ; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại và củng cố, mở rộng hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại tại nước ngoài; tăng cường hoạt động quảng bá và bảo hộ thương hiệu xuất khẩu của Việt Nam tại nước ngoài; cảnh báo sớm nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để chủ động đối phó, ngăn chặn.

- Xây dựng Chiến lược đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA); phổ biến, hướng dẫn và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các thị trường đã có FTA; chủ động, tích cực trong đàm phán các FTA hiện đang tham gia trên cơ sở đánh giá đầy đủ, sát tình hình những thuận lợi, thách thức đối với Việt Nam nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao để tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

- Rà soát lại các thỏa thuận công nhận lẫn nhau của Việt Nam với các nước, thúc đẩy việc ký kết với các thị trường xuất khẩu lớn, tiềm năng để tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu Việt Nam, khắc phụ các rào cản kỹ thuật, giảm chi phí cho hàng hóa xuất khẩu, nhất là nông, lâm, thủy sản.

- Ban hành chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, … để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hàng tiêu dùng, có sức cạnh tranh, ưu tiên các dự án tạo năng lực sản xuất và xuất khẩu mới; khuyến khích liên kết các ngành sản xuất, chuẩn hóa sản phẩm để tạo điều kiện giảm chi phí tối đa. Hoàn thiện, trình Chính phủ trong quý I năm 2011 Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ.

- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2011 Chương trình hành động quốc gia về phát triển sản xuất hàng thay thế nhập khẩu. Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp, các dự án đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, bảo đảm chất lượng và khả năng cạnh tranh để sớm đi vào sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.

- Công bố danh mục các mặt hàng không thiết yếu, danh mục các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho sản xuất và đời sống. Xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập khẩu một cách đồng bộ và hiệu quả, nhất là đối với nhóm các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được và đáp ứng yêu cầu chất lượng.

- Tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản …

- Xây dựng cơ chế phù hợp, hiệu quả khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp xây dựng chỉ tiêu cụ thể và kế hoạch triển khai để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động này.

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Điều chỉnh chính sách thuế linh hoạt để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, giảm nhập siêu. Tiếp tục cải cách thủ tục thuế và thông quan để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa, vật tư, thiết bị của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước đã sản xuất được, bảo đảm chất lượng.

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

- Thực hiện các biện pháp phù hợp, hiệu quả để kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá của các doanh nghiệp, nhất là trong nhập khẩu hàng hóa, vật tư, máy móc, thiết bị.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2011 Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguốn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác.

d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan:

- Tăng cường kiểm tra và giám sát các luồng vốn vào – ra, đặc biệt là vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII); tạo điều kiện thuận lợi để thu hút kiều hối; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo các luồng vốn vào – ra để chủ động điều hành thị trường ngoại hối, ổn định cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối một cách hợp lý.

- Sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp để khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay sản xuất những mặt hàng có thị trường xuất khẩu lớn.

đ) Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu, trình Chính phủ trong quý I năm 2011.

e) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ quản lý sản xuất và quản lý ngành rà soát, xây dựng, ban hành các quy định về quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với từng nhóm hàng nhập khẩu, từng bước nâng cao bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế và phù hợp thực tế; hạn chế nhập khẩu những hàng hóa có tiêu chuẩn chất lượng lạc hậu, không bảo đảm vệ sinh an toàn cho sức khỏe con người, môi trường, nhất là đối với hàng hóa không khuyến khích, cần hạn chế nhập khẩu.

3. Duy trì bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Điều hành có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức hợp lý, có biện pháp điều tiết để giảm mặt bằng lãi suất kinh doanh của các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân; có biện pháp hỗ trợ để các ngân hàng thương mại ưu tiên cho vay phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ. Hạn chế tối đa sử dụng các biện pháp hành chính.

- Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý ngoại hối; điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình cung – cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và góp phần tăng dự trữ ngoại hối; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý cán cân thanh toán quốc tế.

- Thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả để kiểm soát thị trường ngoại tệ và thị trường vàng; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh vàng, thu đổi ngoại tệ trái pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch thông tin của thị trường ngoại tệ và thị trường vàng; có giải pháp phù hợp để quản lý, kiểm soát được luân chuyển vốn, tín dụng giữa các thị trường này. Xây dựng, hoàn thiện quy định quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng nâng cao vai trò quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ sản xuất và lưu thông vàng miếng. Đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm giảm tình trạng đô-la hóa, chuyển dần quan hệ huy động – cho vay trong nước bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sang quan hệ mua – bán ngoại tệ, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2011.

- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2011 Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015.

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định an toàn về tín dụng, ngân hàng theo lộ trình phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội nước ta; chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại tài sản và nguồn vốn theo hướng an toàn, bền vững. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm rủi ro hệ thống; hỗ trợ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trong phòng chống rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống.

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, công khai minh bạch thông tin của thị trường tài chính, nhất là các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường này và thúc đẩy huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Điều hành kế hoạch huy động vốn cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển sử dụng trái phiếu Chính phủ, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với khả năng của thị trường, tiến độ giải ngân, sử dụng vốn.

c) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tăng cường quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, bảo đảm minh bạch, công khai, đúng quy định, bảo đảm góp phần giữ vững an toàn hệ thống tín dụng.

4. Tăng cường kỷ luật tài chính, phấn đấu giảm bội chi ngân sách, bảo đảm dư nợ Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới mức Quốc hội thông qua và giảm dần trong những năm tiếp theo. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

- Chỉ đạo quyết liệt, tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, nợ đọng thuế, nhất là thất thu đối với các khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên và thất thu từ gian lận kê khai thuế thông qua chuyển giá; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đấu giá tài sản công; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước bình quân cả nước trên 5% so với dự toán đã được Quốc hội thông qua. Khẩn trương hoàn thiện thể chế và cơ sở pháp lý để bảo đảm kiểm soát của Nhà nước đối với các hoạt động đặt cược, trò chơi có thưởng.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán các khoản chi trong cân đối ngân sách nhà nước và các khoản chi được quản lý qua ngân sách nhà nước; vay về cho vay lại; bảo lãnh vay của Chính phủ; các khoản chi từ các quỹ tài chính Nhà nước; các khoản vay, tạm ứng của các Bộ, địa phương. Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các chế tài xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước.

- Bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí để thực hiện chuẩn nghèo quốc gia mới. Phối hợp cùng với các Bộ, cơ quan, địa phương quản lý chặt chẽ các chương trình, dự án cấp quốc gia và địa phương; kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn tài chính thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm đúng đối tượng và hiệu quả.

- Hoàn thiện thể chế, thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ nợ Chính phủ, nợ công, nợ quốc gia; bảo đảm nợ trong giới hạn an toàn; tăng cường quản lý, giám sát, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, an toàn tài chính quốc gia. Hoàn thiện, trình Chính phủ trong quý I năm 2010 Chiến lược nợ quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các công trình, dự án đầu tư sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về đầu tư, xây dựng và triển khai đúng tiến độ; tập trung vốn đầu tư cho các công trình, dự án hiệu quả, có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2011; hạn chế tối đa ứng vốn và việc mở thêm dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả; tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong sử dụng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước.

c) Các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước; rà soát, ưu tiên tập trung vốn đầu tư cho các công trình, dự án hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2011 và năm 2012. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư phải bảo đảm tuân thủ đúng quy trình, đúng chế độ quy định, hạn chế đến mức thấp nhất.

II. ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU KINH TẾ GẮN VỚI ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG, NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ VÀ SỨC CẠNH TRANH CỦA NỀN KINH TẾ

1. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phù hợp và tính liên kết giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với các quy hoạch phát triển ngành, vùng, lĩnh vực. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy hoạch ở các Bộ, ngành, địa phương, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch vùng với quy hoạch ngành. Kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý những tồn tại trong công tác quản lý và thực hiện quy hoạch.

- Xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp có lợi thế so sánh về địa kinh tế kết hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành, hình thành chuỗi giá trị và mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh chuyên môn hóa và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.

- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2020 đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội cấp quốc gia, ngành, địa phương. Hướng dẫn và giám sát việc triển khai quy hoạch phát triển nhân lực của các Bộ, cơ quan, địa phương.

- Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về đầu tư, nâng cao tính hợp lý, hiệu quả của cơ cấu đầu tư. Tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, vùng kinh tế có thế mạnh. Kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép và quản lý các dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên; không cấp phép mới hoặc rút giấy phép đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế phân cấp quản lý đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội của cả nước, của ngành, vùng, địa phương cả trong ngắn, trung và dài hạn. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan Trung ương theo hướng trực tiếp quản lý một số lĩnh vực khai thác tài nguyên, sử dụng đất, casino, trò chơi điện tử có thưởng, các dự án sử dụng nhiều điện, nước, ảnh hưởng lớn đến môi trường.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng của các vùng biển Việt Nam.

- Tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ trong quý I năm 2011 Đề án đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 – 2020.

b) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan, địa phương lựa chọn những các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển theo hướng từng bước nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, tiến tới giảm tỷ trọng của các hàng gia công, hàng sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên là đầu vào của sản xuất hiện đang phải nhập khẩu.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có nhu cầu, có tiềm năng thị trường trong và ngoài nước để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích thúc đẩy phát triển các mặt hàng này; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp; nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

- Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ một số hàng hóa nông sản chủ lực, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến.

- Rà soát, hoàn thiện và phối hợp đẩy mạnh thực hiện các quy định về hỗ trợ tín dụng, kỹ thuật, công nghệ, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đến các địa bàn hành chính cấp xã.

d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm sản xuất nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ hợp lý khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đối với những sản phẩm thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nông dân.

đ) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến và quảng bá du lịch; tăng cường chỉ đạo, phối hợp xây dựng quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch để từng bước đưa du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

e) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có biện pháp tích cực, cụ thể phù hợp để nâng cao năng lực vận chuyển hành khách công cộng ở các đô thị lớn; phát triển hình thức vận tải đa phương thức, cải thiện hệ thống phương tiện và dịch vụ vận tải để đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, đặc biệt ở các thành phố lớn.

g) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tập trung vốn Nhà nước để đầu tư đồng bộ các công trình, dự án trọng yếu, bảo đảm hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để huy động các nguồn lực, bảo đảm cân đối vốn, đất đai, nhân lực, năng lượng cho đầu tư phát triển, nhất là phát triển các trục giao thông chính đường bộ, đường sắt và các công trình điện.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công; tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, khó có khả năng thu hồi vốn. Rà soát, sắp xếp danh mục các dự án đầu tư của Nhà nước theo mục tiêu ưu tiên đầu tư; chú ý bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2011 và năm 2012. Rà soát, xem xét sửa đổi, điều chỉnh bổ sung quy định hiện hành về suất đầu tư đối với các công trình, dự án đầu tư, trước hết là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển, vốn trái phiếu Chính phủ. Không bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án, công trình không đúng đối tượng, không đủ thủ tục đầu tư, chưa cấp bách, không bảo đảm hiệu quả. Thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, công trình trong cùng một lĩnh vực phù hợp với tiến độ và khả năng hoàn thành; không chuyển nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chưa sử dụng hết sang năm sau.

- Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và có biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích các hình thức đầu tư đối tác công – tư (PPP), đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đầu tư. Thực hiện triệt để các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong đầu tư công.

b) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động vốn cho đầu tư phát triển thông qua thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu (trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp), bảo đảm tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính thông qua việc xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các tổ chức định chế tài chính trung gian, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin và hạ tầng giao dịch, đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin thị trường, chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ.

- Thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội; thực hiện đúng quy định về bảo lãnh của Chính phủ đối với các ngân hàng chính sách và các chương trình, dự án huy động vốn qua phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xổ số.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tổng kết, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và lợi ích hợp pháp của người dân khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xây dựng các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và phát huy vai trò của thị trường bất động sản để giá trị của đất trở thành một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng đất của các dự án đầu tư, doanh nghiệp; kiên quyết thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích, không theo quy hoạch được duyệt, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ làm giá, tăng giá, trục lợi, vi phạm quy định pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.

- Tập trung giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm quyền lợi của nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và đưa công trình vào sử dụng.

- Phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, tránh gây hậu quả xấu và bức xúc trong dư luận, nhất là ở các địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

d) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung củng cố, nâng cao năng lực tư vấn đầu tư và xây dựng, năng lực quản lý các công trình giao thông; tăng cường giám sát đầu tư xây dựng đối với các công trình, dự án giao thông, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

đ) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương xây dựng, trình Chính phủ trong quý II năm 2011 Đề án đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng.

3. Bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng

a) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để các nhà thầu xây dựng đẩy nhanh tiến độ thi công, bàn giao và đưa vào sử dụng những công trình, dự án điện, bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian theo kế hoạch.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sản xuất, cung ứng và tiêu dùng điện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ sử dụng điện của các doanh nghiệp, dự án đầu tư, bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về sản xuất, cung ứng và sử dụng điện.

- Chỉ đạo ngành điện xây dựng kế hoạch phấn đấu cung ứng điện đủ phục vụ sản xuất, trong năm 2011 hạn chế đến mức tối đa việc cắt điện. Xây dựng, trình Chính phủ trong quý I năm 2011 Chương trình tiết kiệm điện quốc gia với các biện pháp cụ thể, phù hợp để khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện với mục tiêu phấn đấu sử dụng tiết kiệm 10% điện cho sản xuất và 10% điện cho tiêu dùng.

- Xây dựng, trình Chính phủ trong quý I năm 2011 Đề án thành lập và hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia về điện để bảo đảm tính thống nhất và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành liên quan đến sản xuất, cung ứng và tiêu dùng điện trong phạm vi cả nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương.

b) Các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ thi công, bàn giao và đưa vào sử dụng những công trình, dự án điện; xây dựng Chương trình, kế hoạch cụ thể tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng trong phạm vi từng Bộ, cơ quan, địa phương.

c) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách đối với việc sản xuất, cung ứng và sử dụng điện; thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình với nội dung thiết thực để tăng cường vận động, khuyến khích các doanh nghiệp và nhân dân sử dụng tiết kiệm điện.

4. Đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, tách biệt chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, kiện toàn, củng cố các tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp nhà nước.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển mạnh các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước; tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội và mức độ tiếp cận của các doanh nghiệp đối với các nguồn lực, nhất là đất đai, vốn tín dụng đầu tư. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo sự phát triển có hiệu quả, bền vững các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức kinh tế tập thể.

- Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về quy hoạch ngành và quy hoạch vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật.

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước; củng cố, tăng cường năng lực, hiệu quả, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

- Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước có cổ phần nhà nước chi phối, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế mà khu vực ngoài nhà nước không tham gia; xóa bỏ tình trạng độc quyền kinh doanh ở một số ngành có ảnh hưởng đến nền kinh tế như dầu khí, điện, nước, …

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay nợ, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, phá sản do không trả được nợ. Kiên quyết thực hiện việc giải thể, phá sản các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả, mất vốn nhà nước.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh huy động vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện thí điểm các hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, tín dụng nông nghiệp, tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ với biện pháp hỗ trợ hoặc bảo đảm hợp lý từ phía Nhà nước để tạo điều kiện mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, nông thôn.

c) Các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nghiêm túc và có kết quả việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tại Thông báo số 174/TB-VPCP ngày 28 tháng 6 năm 2010 và Chỉ thị số 1568/CT-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận số 78-KL/TW ngày 26 tháng 7 năm 2010 của Bộ Chính trị.

5. Nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư hình thành mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị.

- Rà soát và sửa đổi, bổ sung quy chế phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài, bảo đảm tính chủ động của địa phương gắn với trách nhiệm, hệ thống chế tài và tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các Bộ, cơ quan Trung ương. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý đầu tư nước ngoài.

- Hoàn thiện chế độ thông tin, báo cáo, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

- Ban hành văn bản pháp quy điều chỉnh và quản lý thống nhất hoạt động xúc tiến đầu tư trên cả nước; xây dựng Chiến lược xúc tiến đầu tư đủ khả năng điều phối được tổng thể các hoạt động xúc tiến đầu tư quốc gia; xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2011-2015.

b) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định bắt buộc về tiêu chuẩn công nghệ, chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

c) Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định bắt buộc về sử dụng, đào tạo lao động và các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập, các chế độ đãi ngộ người lao động đối với các doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định bắt buộc về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Không cấp giấy phép hoặc thu hồi giấy phép đối với các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng lãng phí đất đai, năng lượng, tài nguyên, khoáng sản hoặc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

6. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả với lộ trình cụ thể Quyết định số 1914/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

- Khẩn trương xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chú trọng các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ.

- Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích sự hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

- Đẩy mạnh tiến độ triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng trên phạm vi toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh. Xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý và tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ, cung cấp thông tin thị trường, đối tác, luật pháp trong và ngoài nước.

III. TRIỂN KHAI QUY HOẠCH, TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NHÂN LỰC, ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1. Triển khai quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2020

a) Các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quý I năm 2011 phê duyệt và triển khai quy hoạch phát triển nhân lực thuộc phạm vi quản lý giai đoạn 2011 – 2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp, trình Chính phủ trong quý II năm 2011 Quy hoạch phát triển nhân lực cả nước giai đoạn 2011 – 2020.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu công nghệ cao chủ động làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng để đào tạo và cung ứng, đáp ứng nhu cầu nhân lực về số lượng, chất lượng theo ngành nghề của doanh nghiệp hoạt động tại các khu này; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong làm việc và sinh hoạt.

2. Nâng cao chất lượng nhân lực

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II năm 2011 Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 – 2020.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các bậc học trên cơ sở thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, Chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên; đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

- Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo giai đoạn 2010 – 2015, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012.

- Tổ chức tổng kết công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006 – 2010, đề xuất các giải pháp xã hội hóa giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 – 2015, trình Chính phủ trong quý II năm 2011.

b) Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II năm 2011 Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2002 và Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng dạy nghề nhằm tăng cường đội ngũ lao động qua đào tạo cả về số lượng và chất lượng; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích phát triển các hình thức liên kết giữa cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo; tăng cường đào tạo thông qua hợp đồng đào tạo; điều chỉnh cơ cấu đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội.

c) Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ xây dựng ký túc xá sinh viên theo Chương trình xây dựng ký túc xá cho sinh viên.

d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam bố trí đủ vốn để thực hiện các chương trình: cho vay đối với học sinh, sinh viên, kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ, xây dựng ký túc xá sinh viên.

đ) Các Bộ, cơ quan, địa phương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các chủ đầu tư căn cứ vào quy hoạch phát triển nhân lực được duyệt chủ động tổ chức đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

e) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III năm 2011 các Chương trình: nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam, phát triển gia đình Việt Nam bền vững, phát triển và phát huy văn hóa Việt Nam.

3. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II năm 2011 Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.

- Đẩy mạnh chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ nghiên cứu, làm chủ các công nghệ nhập ngoại, tiến tới sáng tạo công nghệ, ưu tiên công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

- Có biện pháp đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

- Phát triển và kiện toàn hệ thống các trung tâm thông tin khoa học và công nghệ, các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quỹ phát triển khoa học và công nghệ; thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, các loại hình chợ công nghệ và thiết bị, các sàn giao dịch điện tử; hình thành các trung tâm giao dịch công nghệ tại các vùng kinh tế lớn.

- Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, pháp lý, nhân lực, kỹ thuật, an toàn cho phát triển điện hạt nhân; triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.

IV. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI GẮN VỚI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE, BẢO ĐẢM ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN

1. Bảo đảm an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ nội dung và các tiêu chí phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia; tổng hợp trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội phương án phân bổ dự toán chi các Chương trình mục tiêu quốc gia để có căn cứ giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương trước ngày 31 tháng 01 năm 2011.

- Tích cực đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ, tổ chức nước ngoài để vay vốn ưu đãi với lãi suất hợp lý, thời hạn dài bổ sung nguồn vốn phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay hộ nghèo và các mục tiêu an sinh xã hội khác.

b) Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2020, trình Chính phủ trong quý I năm 2011.

- Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015, hỗ trợ các huyện nghèo xuất khẩu lao động.

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với người có công, chính sách đối với thanh niên xung phong, chính sách trợ cấp xã hội; đẩy nhanh việc giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia kháng chiến được hưởng chính sách ưu đãi. Đa dạng hóa các hình thức, các mô hình trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội. Tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt bình đẳng giới trong mọi hoạt động đời sống xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

- Quy hoạch, đầu tư các cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, nhất là các địa phương trọng điểm; các cơ sở phục hồi chức năng, nuôi dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc và tư vấn cho người có công, các đối tượng xã hội, người tâm thần mãn tính, trẻ mồ côi, người tàn tật không nơi nương tựa.

c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện có hiệu quả các biện pháp mở rộng tín dụng đối với người nghèo, khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng đối với người nghèo, cho vay đối với học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách, nhất là người dân tộc thiểu số, người nghèo, phù hợp với định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2020.

đ) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình: nhà ở sinh viên, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở tại khu vực nông thôn.

e) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức tốt việc theo dõi, đánh giá tác động và thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để chủ động sử dụng quỹ dự phòng thiên tai, dịch bệnh và tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội để khắc phục hậu quả, bảo đảm nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

g) Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc như chính sách đất sản xuất, nước sinh hoạt, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chính sách di dân, tái định cư cho đồng bào du canh, du cư, trung tâm cụm xã, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011 – 2015.

- Nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội đặc thù cho các vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2011 – 2015.

h) Các Bộ, cơ quan, địa phương tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia giai đoạn 2006 – 2010 thuộc lĩnh vực do Bộ, cơ quan, địa phương quản lý; đồng thời triển khai xây dựng ngay kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 theo hướng xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng để lồng ghép nội dung, tinh gọn đầu mối quản lý, điều hành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thẩm định, tổng hợp, trình Chính phủ trong quý I năm 2011.

2. Đẩy mạnh giải quyết việc làm

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dạy nghề, thực hiện tốt các đề án, chương trình về dạy nghề được phê duyệt; gắn dạy nghề với tạo việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

- Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo việc làm, giải quyết việc làm và đào tạo nghề, nhất là đối với người nghèo, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, các vùng đô thị hóa.

- Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động; thực hiện tốt các chính sách, chương trình, đề án về xuất khẩu lao động; tăng cường đào tạo nghề, trang bị kiến thức và các hỗ trợ cần thiết cho người đi lao động xuất khẩu.

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động; thực hiện tốt các quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách hỗ trợ khác cho người lao động bị mất việc làm; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh trong doanh nghiệp.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường công tác dự báo về cung – cầu lao động; phát triển các hoạt động giới thiệu việc làm, tư vấn, thông tin thị trường lao động.

- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện và môi trường lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa; lành mạnh, tiến bộ trong doanh nghiệp.

3. Nâng cao chất lượng công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân

a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các bệnh viện đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ tuyến cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện; có lộ trình và biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, nhất là các bệnh viện chuyên khoa chữa trị bệnh hiểm nghèo. Mở rộng việc áp dụng chế độ luân phiên cán bộ y tế giúp tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

- Tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, cung ứng thuốc chữa bệnh; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh; thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ chất lượng hoạt động khám chữa bệnh, nhất là khu vực tư nhân.

- Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua việc khuyến khích mở các cơ sở khám chữa bệnh bán công, tư nhân và cơ sở đầu tư bằng vốn nước ngoài với cơ chế, chính sách hợp lý về đất đai, giải phóng mặt bằng, nguồn nhân lực. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; khuyến khích phát triển dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống quản lý và xử lý chất thải y tế.

- Nghiên cứu, cải cách chế độ bảo hiểm y tế theo hướng bảo hiểm bắt buộc theo mức tối thiểu đối với tất cả các đối tượng; có cơ chế, chính sách để khu vực tư nhân tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ này.

b) Các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi hợp lý về đất đai, giải phóng mặt bằng, nguồn nhân lực, tín dụng … để đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

4. Bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

- Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn với hỗ trợ phát triển du lịch. Phối hợp với các địa phương quản lý tốt các lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao, bảo đảm tiết kiệm, an ninh trật tự xã hội; huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức các lễ hội, không sử dụng ngân sách để tổ chức lễ hội.

b) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan địa phương:

- Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản; tăng phủ sóng phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số tới các vùng sâu, vùng xa miền núi. Khuyến khích sáng tạo các tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật. Xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển khoa học, kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào hoạt động thông tin, truyền thông.

- Tổ chức giao ban, họp báo thường xuyên để thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường phát triển các dịch vụ viễn thông và internet; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

V. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1. Phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cho các cơ sở nghiên cứu, dự báo về thiên tai, biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất và đời sống.

- Tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, ưu tiên nguồn lực cho các vùng xung yếu, ven biển. Nghiên cứu, khảo sát và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu để đưa vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, vùng, địa phương và trên phạm vi cả nước. Xây dựng, báo cáo Chính phủ trong quý II năm 2011 Đề án về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm giảm thiểu hậu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình nâng cấp đê biển, đê sông, giải pháp chống ngập úng cho các thành phố lớn; chủ động chỉ đạo ứng phó có hiệu quả với thiên tai bão lũ; đồng thời có giải pháp kịp thời, hiệu quả chống hạn phục vụ sản xuất và đời sống; thực hiện tốt chương trình bố trí dân cư, di dân ra khỏi những vùng có nguy cơ cao về thiên tai.

c) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2011 phương án, mô hình, cơ chế xây dựng nhà ở để ứng phó với bão lũ, thiên tai, bảo đảm phù hợp với đặc điểm và điều kiện của các tỉnh, địa bàn, khu vực thường xảy ra bão lũ, thiên tai.

2. Tăng cường bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tập trung giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường ở các làng nghề, khu công nghiệp, khu đô thị.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường. Chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là việc quản lý, khai thác các dòng sông với các nước có liên quan.

- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường. Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế phân cấp quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, chú trọng các nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên nước và các lĩnh vực ảnh hưởng lớn đến môi trường.

- Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép và quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; không gia hạn, bổ sung hoặc cấp mới giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản cho các doanh nghiệp không bảo đảm đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

b) Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch, xử lý chất thải rắn; xây dựng quy hoạch hệ thống thoát nước, nước thải, trước hết là các khu dân cư, khu công nghiệp.

- Kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, kịp thời các quy định, cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển xi măng, quy hoạch vật liệu xây dựng, bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, năng lượng.

c) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, kịp thời các quy định, cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển ngành thép, bảo đảm sử dụng tiết kiệm khoáng sản, năng lượng, bảo vệ môi trường.

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng; tăng cường bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; khuyến khích phát triển nhanh rừng sản xuất. Có cơ chế, chính sách phù hợp để bảo đảm quyền lợi và khuyến khích nhân dân tham gia trồng, bảo vệ và khai thác rừng một cách hợp lý, hiệu quả. Phối hợp chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng.

đ) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về các chính sách thuế, phí, lệ phí liên quan đến bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản.

VI. TIẾP TỤC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ, TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

1. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước

a) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Hoàn thiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, trình Chính phủ trong quý I năm 2011.

- Rà soát, hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương và phát huy chủ động, sáng tạo, sát thực tế của địa phương và cơ sở; gắn phân cấp với tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp trên và chịu trách nhiệm của cấp dưới, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

- Tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm chính sách phát hiện, thu hút, bố trí và đãi ngộ người tài năng trong công vụ. Nâng cao chất lượng tham vấn người dân và doanh nghiệp trong các hoạt động cải cách thủ tục hành chính.

- Phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại các Bộ, cơ quan, địa phương.

- Phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, xây dựng, công bố tiêu chuẩn bắt buộc về trình độ pháp luật đối với cán bộ, công chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

- Triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra công vụ nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính và nâng cao đạo đức công vụ; cải tiến chế độ, phương thức tuyển dụng công chức để từng bước nâng cao chất lượng công chức.

- Hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ, việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao của từng Bộ, cơ quan, địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và phân cấp quản lý trong nhiệm kỳ mới, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện có kết quả Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2011 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2001 - 2010. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông qua.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; đơn giản hóa quy trình đăng ký thành lập và giải thể doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, kiểm tra các chủ đầu tư dự án tuân thủ và thực hiện các nội dung được cấp chứng nhận đầu tư để thu hồi hoặc chuyển những dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực cho chủ đầu tư khác có năng lực.

- Tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, phân tích, dự báo vĩ mô trong quá trình hoạch định và điều hành thực hiện chính sách.

d) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Xây dựng, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, năm 2012; bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2011 liên quan đến cải cách thủ tục hành chính theo các Nghị quyết của Chính phủ đã thông qua.

- Tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự để sớm báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến hoàn thiện, trình Quốc hội.

- Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để trình Quốc hội thông qua hình thức và nội dung văn bản quy phạm pháp luật về việc hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; bảo đảm hệ thống pháp luật đơn giản, dễ tiếp cận, thuận tiện cho việc áp dụng thi hành.

- Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước theo tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

đ) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng; giấy phép xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị phù hợp với yêu cầu và tình hình phát triển; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, quản lý đối với việc cấp phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình.

- Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về đô thị; nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền dự án Luật Đô thị.

- Triển khai quy hoạch nông thôn mới, chỉ đạo triển khai xây dựng nhà mẫu tại các điểm dân cư theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí xây dựng theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Xây dựng cơ sở dữ liệu giá xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng. Công bố tập suất vốn đầu tư xây dựng công trình cho tất cả các loại công trình và công nghệ xây dựng mới.

- Tiếp tục xác định các chỉ tiêu đánh giá thị trường bất động sản; định giá bất động sản; nghiên cứu, thiết lập hệ thống thông tin về thị trường bất động sản thống nhất từ trung ương đến địa phương.

e) Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2001 – 2010. Tập trung nguồn lực, bảo đảm thực thi hiệu quả đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tăng cường và nâng cao chất lượng tham vấn người dân và doanh nghiệp.

2. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.

a) Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các giải pháp phòng ngừa, tăng cường tính công khai, minh bạch.

b) Bộ Công an chỉ đạo tăng cường công tác phát hiện, điều tra và phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng; nghiên cứu đề xuất các biện pháp để nâng cao hiệu quả phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng; xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy chế bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng.

c) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án phòng, chống tham nhũng.

d) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương xây dựng chương trình tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng gắn với việc thực hiện “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

VII. TĂNG CƯỜNG QUỐC PHÒNG, AN NINH, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI

1. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

a) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Ưu tiên bảo đảm nguồn lực tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo của Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

- Chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sĩ; ưu tiên đầu tư cho các đơn vị tại các vùng trọng điểm, biên giới, hải đảo. Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

- Tăng cường huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh tại các địa bàn chiến lược, nhạy cảm. Hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án tổng thể các khu kinh tế quốc phòng trên biên giới đất liền và biển đảo, Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng CT229 (ATK).

b) Bộ Công an chủ  trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:

- Tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở pháp lý nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, bảo đảm an toàn các sự kiện quan trọng trong năm 2011, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và bầu cử Quốc hội khóa XIII. Xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

- Thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn; tăng cường phòng chống cháy nổ và các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

- Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân về thế trận an ninh nhân dân kết hợp với nền quốc phòng toàn dân, đấu tranh, phòng ngừa, phòng chống tội phạm.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2011 quy định các dự án trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài thuộc nhóm các dự án đầu tư có điều kiện. Chỉ đạo các địa phương thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư các dự án trồng rừng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh để giao đất trồng rừng tại các khu vực này cho nhân dân và các đơn vị vũ trang, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ quốc phòng, an ninh.

d) Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; tiếp tục tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của những người có thẩm quyền, có trách nhiệm; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, nhất là những vụ khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết tình trạng công dân tập trung đông người khiếu kiện về Trung ương.

2. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại

a) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan:

- Chủ động xây dựng các chương trình, đề án hợp tác thiết thực để nâng tầm và phát triển quan hệ theo chiều sâu, bảo đảm lợi ích các bên tham gia đối với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, các nước lớn và các nước bạn bè truyền thống; thúc đẩy hợp tác với các đối tác tiềm năng ở các khu vực.

- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế. Theo dõi, đôn đốc việc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế đạt được trong khuôn khổ các chuyến thăm cấp cao; chú ý tác động giải quyết giảm dần các rào cản thương mại, mở rộng các cơ hội thị trường đối với hàng xuất khẩu.

- Tiếp tục thúc đẩy giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ với các nước, xử lý tốt các vấn đề nảy sinh; tích cực trao đổi với các nước liên quan để thúc đẩy hợp tác trên biển; kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông.

- Tích cực triển khai ngoại giao văn hóa; vận động Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận mới các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam. Thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức các hoạt động tập hợp, vận động cộng đồng Việt kiều hướng về Tổ quốc.

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức tốt Hội nghị Thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2011 tại nước ta.

b) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận về kinh tế, thương mại đối với các đối tác. Tận dụng tốt những quyền lợi mà thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được hưởng; xử lý hài hòa, thống nhất việc thực hiện cam kết WTO. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO. Tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình thực hiện các cam kết cắt giảm thuế trong khuôn khổ các hiệp định đã ký kết, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

c) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Tương trợ tư pháp, các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết với các nước, đề xuất việc mở rộng hợp tác về tương trợ tư pháp với các nước, vùng lãnh thổ, góp phần tăng cường quan hệ đối tác hiệu quả, bền vững giữa nước ta và các nước, vùng lãnh thổ, nhất là về kinh tế, đầu tư, thương mại, phòng chống tội phạm.

 

Phần thứ hai.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

1. Căn cứ vào Nghị quyết này và Chương trình công tác năm 2011 của Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện ngay trong tháng 01 năm 2011 chương trình hành động cụ thể của từng Bộ, cơ quan, địa phương; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 22 tháng 01 năm 2011 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong Phiên họp thường kỳ tháng 01 năm 2011.

- Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp trong Nghị quyết, các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; phân công một đồng chí lãnh đạo chủ trì, chỉ đạo trực tiếp triển khai thực hiện Nghị quyết. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với việc bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình công tác đã đề ra; tổ chức giao ban hàng tháng để kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết. Tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết hàng tháng, hàng quý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 22 hàng tháng và tháng cuối quý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát, nắm tình hình thực hiện Nghị quyết để báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ hàng tháng.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp thi hành Luật; chú trọng nâng cao năng lực bộ máy và cán bộ, chỉ đạo đẩy nhanh việc soạn thảo và trình ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 để hoàn thành trong quý I năm 2011. Nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, hiệu quả của cơ chế, chính sách trước khi ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, chú ý đến khả năng và điều kiện triển khai thực hiện, nhất là đối với các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng các luật, pháp lệnh, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm tiến độ đã được quy định.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá kết quả việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển các ngành, vùng, địa phương; xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Quốc hội thông qua; đồng thời xây dựng khung theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 – 2015. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp báo cáo, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chú trọng tăng cường phối hợp triển khai thực hiện giữa các Bộ, cơ quan, địa phương; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết; nêu cao ý thức cộng đồng trách nhiệm đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai thực hiện.

- Tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm hoạt động công vụ; tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

- Chủ động thực hiện việc theo dõi, giám sát để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời và linh hoạt; tổ chức các nhóm chuyên trách để nghiên cứu, ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách hoặc liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả.

- Chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đề cao vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cán bộ và cơ quan nhà nước. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tập trung chỉ đạo giải quyết những kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp và nhân dân.

5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong lĩnh vực và chức năng, nhiệm vụ được giao cho từng Bộ, cơ quan, địa phương. Chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời, đồng thời tăng cường việc trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi từ nhân dân, doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ chế, chính sách gắn liền với cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Tăng cường chỉ đạo và phối hợp các phương tiện thông tin đại chúng tập trung làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2011.

6. Các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm điểm, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm tiếp theo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10 tháng 12 năm 2011. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của từng Bộ, cơ quan, địa phương, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 2011.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

 

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT
--------------------

No. 02/NQ-CP

SOCIALISTREPUBLICOF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
-------------------

Hanoi, January 09, 2011

 

 

RESOLUTION

ON MAJOR SOLUTIONS TO DIRECTING AND MANAGING THE IMPLEMENTATION OF THE 2011 SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT PLAN AND STATE BUDGET ESTIMATE

 

 

In 2010, our country encountered a lot of difficulties and challenges. However under the Party s leadership and the Government s resolute and effective management and thanks to concerted efforts and the unity of all sectors, local administrations, enterprises and the entire population, the national economy achieved important results in economic growth, macro-stability, poverty reduction, assurance of social security, environmental protection-administrative reform, socio-political stability, maintenance of national defense and security, foreign affairs and raising of Vietnam s stance in the world. Many socio-economic development objectives and targets were fully realized or even surpassed the 2010 plan, importantly contributing to the attainment of the major objectives and tasks of the 2006-2010 five-year socio-economic development plan. Still, besides achievements, the national economy also witnessed some limitations and weaknesses, especially in curbing inflation, controlling the trade deficit, bettering the payment balance, raising the quality of growth and settling burning social issues. In order to address these limitations and weaknesses, greater endeavors, efforts, unity and higher determination of the entire Party, population, army and political system will be required.

The year 2011 is the first year of the 2011-2015 five-year plan and the 2011-2020 ten-year strategy for socio-economic development. The successful implementation of the 2011 plan will be of great importance to laying premises for promoting socio-economic development, contributing to achieving the objectives and tasks of the 2011-201.5 five-year plan and the 2011-2020 ten-year socio-economic development strategy. The world economy in 2011 is forecast to continue developing in a complicated manner with many latent difficulties and challenges. In the context that our economy is integrating with the world economy more and more profoundly and extensively, we are required to promptly update ourselves with economic and social developments at home and abroad, enhance direction and management work to stabilize the macro-economy, promote production and develop business, assure social security and stabilize the people s life.

The objectives of the 2011 socio-economic development plan, which were adopted at the 8th session of the XIIthNational Assembly. include "To improve the stability of the macro-economy and lo control inflation in the process of renewing the growth model and restructuring the economy; to strive for a growth rate higher than that of 2010. higher quality, effectiveness and competitiveness of the economy; to assure social security and welfare and improve the people s life; to maintain political stability; to continue consolidating national defense; lo assure social security, order and safety; and to raise the effectiveness of foreign affairs and international integration work." These objectives have been concretized into major socio-economic targets, including: the gross domestic product (GDP) will rise 7-7.5% over that of 2010: the consumer price index will increase by 7% at most: the total export turnover will increase 10% over that of 2010, with the trade deficit not exceeding 18% of the export turnover; the stale budget deficit will be around 5.3% of the GDP; the total development investment capital source of the entire society will be equal to some 40% of the GDP; the number of newly enrolled students of universities and colleges, professional secondary schools, vocational colleges and secondary schools will increase 6.5%. 10% and 16.5% respectively; jobs will be created for 1.6 million laborers, including 87,000 laborers to be sent abroad as guest workers: the poor household percentage will be reduced 2% under the new poverty line, particularly A A for 62 poor districts; 4% of total number of communes will attain the new countryside standards; 69% of seriously polluting establishments will be handled; the percentages of treated hospital waste and collected urban solid waste will be 82% and 83% respectively; and the forest coverage rate will be 40%,

In order lo fruitfully implement the National Assembly s Resolutions No. 51/2010/QH12 on the 2011 socio-economic development plan; No. 52/2010/QH12 on the 2011 state budget estimate; and No. 53/2010/QH12 on the allocation of the 2011 central budget, the Government requests ministries, agencies and provincial-level People s Committees to concentrate efforts on directing, managing and organizing the fruitful performance of the following major solutions:

Part I

MAJOR SOLUTIONS TO DIRECTING AND MANAGING THE IMPLEMENTATION OF THE 2011 SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT PLAN AND STATE BUDGET ESTIMATE

 

I. FURTHER STABILIZING THE MACRO ECONOMY AND ENSURING THE ECONOMY S MAJOR BALANCES

1. Controlling inflation and assuring market stability

a/ The Slate Bank of Vietnam shall proactively, flexibly and prudently execute monetary policies, coordinate with the Ministry of Finance and concerned ministries in harmoniously combining monetary policies and fiscal year policies in order to control the growth rate of total payment instruments and credit and keep interest rates at rational levels; proactively and flexibly adjust exchange rates according to the market situation; build the analyzing and forecasting capacity and take the initiative in adjusting the volume of supplied money to assure the liquidity of the banking system, contributing to controlling inflation;

b/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Industry and Trade and concerned ministries, agencies and localities in, promulgating or proposing competent agencies lo amend, supplement and perfect regulations on price management, intensifying the application of specific management measures to price registration, declaration and posting and sale of goods and services at posted prices in Vietnam dong. It shall take measures to promptly and effectively prevent speculation for price hikes; enhance the inspection and supervision of the implementation of regulations on price control of goods items subject to valorization by ministries, agencies and localities; and promptly and strictly handle violations of the law on price control:

c/ The Ministry of Health and the Ministry of Industry and Trade shall, within the ambit of their assigned functions and tasks, assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Finance and concerned ministries, agencies and localities in, applying comprehensive and effective measures to control prices of medicines and milk at rational levels and prevent to the utmost unreasonable price hikes which affect consumers life;

d/ The Ministry of Industry and Trade shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance, other ministries, agencies and localities in:

- Enhancing and raising the effectiveness of analyzing and forecasting work, closely monitoring market developments at home and abroad as well as elements which influence goods prices in order to promptly apply measures to regulate supply and demand and stabilize the market, paying particular attention to goods items subject to price valorization and those essential to production and life, not to let goods scarcity and price hikes occur. Closely coordinating with other ministries, agencies and localities in boosting production, enhancing the control of the supply of and demand for essential goods items and those subject to price valorization:

- Implementing synchronously market management measures, closely coordinating the market management force and the price inspectorate in inspecting and controlling prices and the market, preventing speculation and unreasonable price hikes, especially at seasonal points of time or periods in a year when price hikes are likely to occur such as public holidays, the lunar new year festival, the beginning and the end of a year; and strictly sanctioning violations of the law on commerce and market;

- Promoting the development of grassroots and rural commerce, the system of marketplaces, trading cooperatives, and retail shops and households. Formulating mechanisms and policies and taking appropriate measures to establish connections between producers and distributors and consumers in order to form stable channels of goods circulation of subject to food quality, hygiene and safety management.

Adopting appropriate measures to bring into play the role of consumers societies and associations. Studying, developing and applying appropriate mechanisms to promote e-commerce development:

- Finalizing and submitting to the Prime Minister in the first quarter of 2011 the master plan on e-commerce development in Vietnam through 2020.

e/ Ministries and agencies assigned to manage prices of goods items subject to state management and educational and healthcare services shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Finance and other ministries, agencies and localities in:

- Further implementing the roadmaps for adjusting under the market mechanism prices of goods items currently managed by the State such as electricity, coal and clean water, while promoting investment in their production generation and conservation; forecasting impacts of the fluctuation of prices of these items on consumer price indexes so as to take appropriate controlling measures:

- Formulating and promulgating appropriate mechanisms and policies to step by step adjust prices of educational and healthcare services under the market mechanism, while implementing policies to provide rational supports for the poor and policy beneficiaries; intensifying the socialization of the provision of these services to raise their quality and efficiency.

f/ Ministries and agencies assigned to manage goods items essential to production and life shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Industry and Trade and other ministries, agencies and localities in. further developing and improving the systems of distribution and circulation of these goods items, especially food, petrol, oil, steel, fertilizers and cement;

g/ The Ministry of Agriculture and Rural Development shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in. directing the building and development of the system of warehouses of food for domestic production and trading and export:

h/ The Ministry of Information and Communications shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance, the Ministry of Industry and Trade and other ministries, agencies and localities in. implementing programs on public information and communication on mechanisms and policies, and actual prices and the market situation in realizing the guideline of making the market transparent and meeting the objective of providing timely, accurate, adequate and clear information on the market and prices.

2. Controlling the trade deficit and bettering the payment balance

a/ The Ministry of Industry and Trade shall assume the prime responsibility for. and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Identifying key products and goods items for export which have advantages and high competitiveness so as to provide appropriate supports for boosting export; paying attention to the inspection of export quality. Further stepping up the planning and development of the trade infrastructure system, ports and storing yards for transportation and forwarding activities and warehouses at border gales. Formulating, promulgating and implementing policies to encourage enterprises to conserve energy and supplies, reduce input costs and apply modern technologies to raise the quality and competitiveness of exports. Formulating and submitting to the Prime Minister in the first quarter of 2011 a national program of action for development of export products;

- Raising the effectiveness of market forecast work, regularly updating and promptly publicizing information on the world market, especially key export markets and items, policy-changes and the application of safeguard measures; taking specific measures to raise the operation effectiveness of the trade commissions system: stepping up and raising the effectiveness of trade promotion activities and consolidating and expanding operations of overseas trade promotion offices; intensifying the advertising and protection of Vietnamese export brands overseas; early warning about the danger of anti­dumping, anti-subsidy or safeguard lawsuits against Vietnamese exports in order to take the initiative in responding lo or preventing them:

- Formulating a strategy for negotiation on free trade area (FTA) agreements; disseminating information and guidance on markets already treated as FTAs and adopt measures lo help enterprises efficiently exploit these markets; conducting proactive and active negotiations on FTAs which Vietnam is currently wishing to participate in on the basis of fully and truthfully evaluating advantages and challenges for Vietnam in order to expand export markets and attract investment in allied industries and services of high quality and added value to create highly competitive products in order to join the global production network and value chain;

- Scrutinizing agreements on mutual recognition between Vietnam and foreign countries, accelerating the conclusion of agreements with potential large export markets to create conditions for Vietnamese exports, remove technical barriers and reduce costs of exports, especially agricultural, forestry and fishery products;

- Adopting preferential tax, credit and land policies to support the development of allied industries and industries producing competitive consumer goods, with priority given to projects that create new production and export capacities: encouraging the combination of production industries and standardization of products to facilitate the reduction of costs. Finalizing and submitting to the Government in the first quarter of 2011 a scheme on development of allied industries;

- Formulating and submitting to the Prime Minister in the first quarter of 20.11 a national program of action for development of the production of import substitutes. Promulgating or proposing competent, authorities to promulgate and implement appropriate mechanisms and policies to encourage enterprises and investment projects on production of import substitutes, ensuring their quality and competitiveness, so that these projects can be put into operation as soon as possible to produce and market products;

- Publicizing the list of essential goods, the list of domestically available goods and the list of import products and goods likely to be unsafe for production and life. Devising and implementing measures to control imports in a comprehensive and effective manner, especially groups of non-essential goods and domestically available goods meeting quality requirements:

Intensifying the prevention and combat of trade frauds, import price frauds and cross-border smuggling, especially of petrol, oil cigarettes and minerals:

- Formulating appropriate and effective mechanisms to encourage the use of Vietnamese goods, stepping up the campaign "Vietnamese prefer using Vietnamese goods"; guiding ministries, agencies, localities and enterprises in elaborating specific criteria and plans for effective organization of this campaign.

b/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Flexibly managing tax policies to boost export, limit imports and mitigate the trade deficit. Further reforming lax and customs clearance procedures in order to facilitate the export of goods;

- Intensifying tight inspection and supervision of the import of goods, supplies and equipment of state-funded projects, assuring the strict implementation of the Prime Minister s Directive on use of domestically available quality goods, supplies and equipment;

- Stepping up the pilot application of export credit insurance;

- Taking appropriate and effective measures to control and prevent price transfer by enterprises, especially in the import of goods, supplies, machinery and equipment.

c/ The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in, taking appropriate measures to attract more and accelerate the disbursement of official development assistance (ODA) and foreign direct investment (FDI) sources. Elaborating and submitting to the Prime Minister in the fourth quarter of 2011 a scheme on orientations for attracting, managing and using ODA sources and other preferential loans.

d/ The Stale Rank of Vietnam assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance and other concerned ministries and agencies in:

- Increasing the inspection and oversight of inbound and outbound capital flows, especially foreign indirect investment (FII) capital; creating favorable conditions for attracting overseas Vietnam s forex remittances to Vietnam: stepping up and raising the effectiveness of the analysis and forecast of inbound and outbound capital flows in order to proactively manage the forex market, stabilize the payment balance and increase the forex reserve in a rational manner:

- Using appropriate monetary policy tools to encourage commercial banks to provide loans for the production of goods items exportable to large markets.

e/ The Ministry of Health and the Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with oilier ministries, agencies and localities in. formulating food hygiene and safely control and environmental protection mechanisms and policies applicable to imports, then submitting them to the Government in the first quarter of 2011:

f/ The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Industry and Trade and other ministries managing production industries and sectors in. elaborating and promulgating technical and food quality, hygiene and safety regulations and standards and revising existing ones applicable to each group of imports, thereby step by step raising technical requirements, quality, hygiene and safely of foods according to international practice and actual conditions; limiting the import of goods which are obsolete in quality standards and unhygienic and unsafe for human health and the environment, especially goods import of which is not encouraged or needs to be limited.

3. Maintaining the stability of the monetary, credit and banking system

a/ The State Bank of Vietnam shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in:

- Effectively implementing monetary policy tools; controlling the growth rate of the total, payment and credit instruments at a rational level, taking adjusting measures to reduce business loan interest rates applied by credit institutions in order to assure the stability of the macro economy, control inflation, contribute to developing production and business and stabilize the people s life; taking measures to support commercial banks in providing loans for development of agriculture, rural areas, small- and medium-sized enterprises, export enterprises, and enterprises in allied industries. Limiting to the utmost the use of administrative measures;

- Further perfecting the legal framework on forex management; proactively and flexibly managing the forex market and exchange rates to suit the foreign currency supply and demand, thereby raising the liquidity of the market, boosting export, reducing trade deficit, bettering the international payment balance and contributing to increasing the foreign currency reserve; studying, amending and supplementing regulations on management of the international payment balance;

- Taking synchronous and effective measures to control the foreign-currency market and gold market; preventing and strictly handling activities of illegally trading in gold and collecting and exchanging foreign currencies. Further perfecting the legal framework. enhancing the management, inspection, supervision, publicity and transparency of information of the foreign-currency market and the gold market; taking appropriate measures to manage and control the capital and credit flows between these markets. Elaborating and perfecting regulations on management of gold trading in the direction of heightening the state management role and strictly controlling the production and circulation of gold bullions. Proposing appropriate solutions to mitigating the dollarization and gradually shifting from the relationship of domestic foreign-currency mobilization-lending by credit institutions to the foreign-currency sale and purchase relationship, then submitting them to the Prime Minister in the first quarter of 2011;

- Elaborating and submitting to the Prime Minister in the second quarter of 2011 a scheme on promotion of non-cash payment during 2011-2015;

- Further revising regulations on credit and banking safety according to an appropriate roadmap conformable with international practice and Vietnam s socio-economic conditions; directing credit institutions in restructuring their assets and capital sources towards safety and sustainability. Concentrating on reviewing, amending and supplementing mechanisms and policies in order to raise the credit quality, enhancing inspection, supervision and early warning about system risks; assisting commercial banks and credit institutions in preventing risks und assuring the system safety.

b/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Perfecting the legal framework, enhancing the management, inspection, supervision, publicity and transparency of information on the financial market, especially bond, securities, insurance and real estate markets, in order to raise the effectiveness of their operation and step up the raising of capital for socio-economic development:

- Managing plans on raising capital for the slate budget and investing in the development and efficient use of government bonds in suitability with the market capacity, capital disbursement and use progress.

c/ The Ministry of Justice shall assume the prime responsibility for, and coordinate with local administrations at all levels in. enhancing the state management of notary public, authentication and registration of security transactions, assuring the transparency, publicity and compliance with regulations, and contributing to firmly preserving the credit system safely.

4. Heightening financial discipline and reducing budget expenditures, thereby assuring that the government debit balance, public debts and foreign debts of the country are kept within the safety limits

a/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Striving for an increase in revenues, reduction in expenditures for mitigating the state budget deficit in 2011 to below the level adopted by the National Assembly and gradually reducing it in subsequent years. Closely combining the fiscal policy with the monetary policy and other policies in order to realize the socio-economic development objective in 2011:

- Resolutely directing and enhancing the management of state budget revenues. combating revenue loss and tax arrears. especially taxes and levies on land and natural resources and loss of revenue caused by tax declaration frauds through price transfer: strictly observing regulations on auction of public assets; striving for an increase of over 5% in average slate budget revenues nationwide higher than the estimate approved by the National Assembly. Expeditiously perfecting legal institutions and grounds for assuring the state control of betting and prize-winning games:

- Intensifying the examination, supervision, inspection and audit of expenditures in the slate budget balance and expenditures managed via the state budget; borrowings for the on-lending purpose: guarantee for the Government s loans: expenditures from the slate financial funds: loans and advances of ministries and localities. Further adding and perfecting penalties and sanctions for strictly handling violations in the use of the state budget;

-Allocating funds for the implementation of preferential policies towards people with meritorious services to the nation and policies in support of people eligible for social relief, and funds for the implementation of the new-national poverty line. Coordinating with ministries, agencies and localities in strictly managing national and local programs and projects: inspecting and supervising the use of financial sources for the effective implementation of social security and welfare policies towards eligible beneficiaries;

- Perfecting legal institutions, strictly managing and supervising government debts, public debts and national debts: assuring that these debts are within the safety limits; enhancing the management and supervision and assuring the efficient use of loans and the national financial safely. Finalizing and submitting to the Government in the first quarter of 2011 the national debt strategy through 2020. with a view toward 2030.

b/ The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Finance and other ministries, agencies and localities in. intensifying the examination, inspection and supervision of state-funded works and investment projects, thereby assuring the proper observance of regulations on investment and construction and set schedules; concentrating investment capital on effective works and projects which can be completed and put into operation in 2011; limiting to the utmost the advance of capital and expansion of projects funded by government bond capital; resolutely transferring or recovering investment capital from delayed or inefficient works and projects; stepping up thrift practice and waste combat and strictly handling violations in the use of state budget funds.

c/ Ministries, agencies and localities shall strictly adhere to the financial and budgetary discipline, enhancing the inspection and supervision of the use of the state budget; reviewing and concentrating investment capital on effective works and projects which can be completed in 2011 and 2012. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for guiding ministries, agencies and localities in inspecting and strictly supervising the increase of total investments for state-funded works and projects. The increase of total investments must comply with prescribed procedures and regulations and should be limited.

II. STEPPING UP THE ECONOMIC RESTRUCTURING ASSOCIATED WITH THE RENEWAL OF THE GROWTH MODEL, AND RAISING PRODUCTIVITY QUALITY, EFFICIENCY AND COMPETITIVENESS OF THE ECONOMY

1. Stepping up the economic restructuring associated with the renewal of the growth model

a/ The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Further improving and raising the quality of socio-economic development planning work, ensuring compatibility and connectivity between socio-economic development master plans and development master plans of sectors, regions and areas. Enhancing the inspection and supervision of the observance of master plans by ministries, sectors and localities, especially in the integration of regional master plans and sector master plans. Promptly proposing competent authorities to solve problems in the plan management and implementation;

- Elaborating plans and roadmaps for development of economic zones and industrial zones with comparative advantages in geo- economic conditions in combination with the sector restructuring, forming the value chain and the production and business linking network, stepping up the specialization and raising the value and quality of products;

- Elaborating and submitting to the Prime Minister for approval the master plan on development of human resources during 2011-2020 to meet national sectoral and local socio­economic development objectives and targets. Guiding and supervising the implementation of human resource development master plans of ministries, agencies and localities;

- Perfecting regulations, mechanisms and policies on investment and raising the rationality and effectiveness of the investment structure. Concentrating efforts on attracting investment in sectors and economic regions with advantages. Strictly controlling the grant of licenses for and management of investment projects consuming large amounts of energy and natural resources; not granting new licenses or revoking licenses of projects which wastefully use energy and natural resources and pollute the environment;

- Revising the mechanism for decentrali­zation of investment management in the direction of concentrating investment on key sectors and areas and assuring the socio­economic efficiency of short-, medium- and long-term investments made by the whole country, sectors, regions and localities. Heightening the state management role of central agencies through direct management of natural resource exploitation, land use, casino, prize-winning electronic games and projects consuming large amounts of electricity and water or causing great environmental impacts;

- Further improving institutions and formulating new mechanisms and policies to optimally tap the potential and resources for socio-economic development combined with security and defense maintenance in Vietnam s sea areas;

- Further finalizing and submitting to the Government in the first quarter of 2011 a scheme on renewal and accelerated restructuring of the economy during 2011-2020.

b/ The Ministry of Industry and Trade shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Planning and Investment and other ministries, agencies and localities in, selecting products and services with a competitive edge before formulating appropriate mechanisms and policies to mobilize resources for development investment in the direction of step by step raising the ratio of added value and meeting environmental standards, proceeding to reduce the ratio of products processed for foreign parties and products consuming large amounts of energy and natural resources which are currently imported for use as production input materials;

c/ The Ministry of Agriculture and Rural Development shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in:

- Selecting agricultural products with a competitive edge or great market demand or potential at home or abroad and then formulating appropriate mechanisms and policies to boost the development thereof; developing new models of production organization in agriculture, ecological agriculture and organic agriculture, application of high technologies and development of agricultural products of high economic value;

- Further intensifying investment in building the system of warehouses for some key farm produce, and building commodity production areas and developing the processing industry;

- Revising, perfecting and stepping up in a coordinated manner the implementation of regulations on provision of credit supports and technical, technological and infrastructure assistance for agriculture and rural areas. Further improving institutions and stepping up the implementation of the national target program on building of a new countryside. Concentrating on directing the elaboration and implementation of agricultural and rural development plans by commune-level administrative units.

d/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development and other ministries, agencies and localities in. organizing the pilot implementation of insurance for agricultural production; adopting appropriate policies to provide supports for and encourage farmers to participate in this type of insurance and insurance businesses to insure essential products which may greatly impact production and farmers life;

e/ The Ministry of Culture. Sports and Tourism shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in. further improving mechanisms and policies to create resources for investment in the development of tourism, effectively implementing the program on tourism promotion and advertising; enhancing the direction and coordination in planning and investing in building infrastructure and training human resources for tourism in order to achieve the objective that Vietnam s tourism will become a spearhead industries and generate a driving force for socio-economic development;

f/ The Ministry of Transport shall assume the prime responsibility for. and coordinate with ministries, agencies and localities in. taking appropriate active and specific measures to raise the mass transit capacity in big cities; developing the multi-modal transportation and improving the system of transport vehicles and services to meet the requirement of passenger and cargo transport quantity and quality, contributing to mitigating traffic congestions, especially in big cities:

g/ The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for. and coordinate with ministries, agencies and localities in. stepping up the implementation of the Program on development of national products under the Prime Minister s Decision No. 2441/QD-TTg of December 21. 2010.

2. Developing infrastructure and intensifying the mobilization of resources for development investment

a/ The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in:

Concentrating state capital on synchronously investing in strategic works and projects and assuring their effective operation. Taking synchronous measures to mobilize resources and assure sufficient capital, land, human resources and energy for development investment, especially development of major road and railway routes and power works;

- Raising the quality and efficiency of public investment: concentrating investment capital on key works which are incapable of capital retrieval. Revising and classifying the list of state investment projects according to investment priority objectives: paying attention to allocating capital for key. urgent and effective projects and projects which can be completed in 2011 and 2012. Revising current regulationson investment ratios for investment works and projects, first of all investment projects to build infrastructure funded by the state budget;

- Intensifying the inspection and supervision of the efficiency of development investment capital and government bond capital use. Not allocating government bond capital to projects and works which are ineligible, non-urgent or inefficient or for which investment procedures have not been completed. Transferring capital between projects or works in the same field to suit their progress and expected dales of completion; not carrying forward government bond capital amounts not used up in a year to the next year;

- Further perfecting the legal framework and taking appropriate measures to attract more social resources for investment in infrastructure and encourage various forms of public-private partnership (PPP) investment, private investment and foreign investment in infrastructure;

- Enhancing the investment examination, inspection and supervision. Taking measures to thoroughly practice thrift, combat waste and corruption in public investment.

b/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Perfecting regulations, mechanisms and policies to raise capital for development investment through the financial market, securities market and bond market (government bonds, government-guaranteed bonds, municipal bonds and corporate bonds), thereby stepping up the raising and efficient use of capital sources for socio-economic development;

- Raising the efficiency of financial market operations through formulating a mechanism to develop intermediary financial institutions, diversifying and raising the quality of financial services, modernizing the information technology system and trading infrastructure, boosting the publicity and transparency of market information, and paying attention to personnel training and capacity building;

- Appraising and submitting to the Government for approval plans on issuance of government-guaranteed bonds of the Vietnam Development Bank and the Social Policy Bank; strictly observing regulations on governmental guarantees for policy banks and programs and projects to raise capital through issuing government-guaranteed bonds; and enhancing the inspection and supervision of capital use;

- Further perfecting regulations, mechanisms and policies, and enhancing the inspection and supervision of lottery business.

c/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for. and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Comprehensively reviewing and assessing the implementation of and proposing amendments and supplementations to the Land Law. Perfecting regulations, mechanisms and policies on land management and use. assuring revenues for the state budget and lawful benefits of people upon change of land use purposes; devising synchronous measures to raise the land use efficiency and promoting the role of the real estate market so that the land value will become an important resource for socio-economic development;

- Enhancing the inspection and supervision of land use by investment projects and enterprises: resolutely recovering land used for improper purposes or not under approved planning or in a wasteful and inefficient manner. Strictly handling speculation of land for hiking prices and self-seeking purposes and violations of regulations on land management and use;

Concentrating efforts on the settlement of compensation claims, ground clearance and resettlement and assurance of people s interests. contributing to accelerating the construction and putting of works into operation;

- Coordinating with the Government Inspectorate and ministries, agencies and localities in promptly and definitely settling land-related complaints and denunciations, thus avoiding adverse impacts and public objection, especially in localities. Strictly handling violations in land management and use.

d/ The Ministry of Transport shall assume the prime responsibility for. and coordinate with other ministries, agencies and localities in, concentrating efforts on raising the capacity of investment and construction consultancy and the capacity of management of traffic works; enhancing the supervision of investment in the construction of traffic works and projects, assuring their quality and efficiency:

e/ The Ministry of Construction shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in, elaborating and submitting to the Government in the second quarter of 2011 a scheme on renewal of construction investment management mechanisms.

3. Assuring sufficient supply of electricity for production and consumption

a/ The Ministry of Industry and Trade shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Concentrating efforts on directing the settlement of difficulties and problems, adopting synchronous and resolute measures for construction contractors to accelerate the construction, hand over and put into use electricity works and projects, assuring their quality and set implementation schedules.

- Revising regulations on electricity generation, supply and consumption: closely inspecting and supervising the consumption of electricity by enterprises and investment projects, thereby assuring the conservation of electricity; formulating mechanisms and policies to encourage the conservation of electricity in production and daily life; strictly handling violations of regulations on electricity, generation, supply and consumption;

- Directing the electricity sector in working out plans on sufficient supply of electricity for production and limiting power cuts in 2011. Elaborating and submitting to the Government for approval in the first quarter of 2011 a national program on electricity conservation with specific and appropriate measures to encourage the conservation of electricity so as to reduce the power used in production and people s daily life both by 10%;

- Elaborating and submitting to the Government in the first quarter of 2011 a scheme on establishment and operation of the National Steering Committee for Electricity to assure the consistency and raising the effectiveness of the direction and management concerning the generation, supply and consumption of electricity nationwide and in sectors, areas and localities;

b/ Ministries, agencies and localities shall concentrate efforts on synchronously and resolutely directing measures to facilitate the accelerated construction, handover and putting into operation of electricity works and projects; elaborating specific programs and plans on conservation of electricity in production and daily life within their ministries, agencies and localities;

c/ The Ministry of Information and Communications shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Industry and Trade and other ministries, agencies and localities in, stepping up public information and communication about mechanisms and policies on electricity generation, supply and use; producing radio and television broadcasts aimed at mobilizing and encouraging enterprises and people to conserve electricity.

4. Stepping up the reform and raising the-operation efficiency of enterprises

a/ The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for. and coordinate with ministries, agencies and localities in:

- Perfecting regulations, mechanisms and policies on performance of the state management and the owner s function of management of state enterprises, separating the function of state administration from that of representation of the state ownership at enterprises, thereby assuring the effective performance of the function of state ownership-over-enterprise representation: strengthening and consolidating legal organizations in state enterprises:

- Perfecting mechanisms and policies to promote and strongly develop non-state enterprises and economic organizations: creating an equal environment for enterprises of all economic sectors; assuring equality in opportunities and accessibility of enterprises to resources, especially land and investment credit capital. Fruitfully implementing the program on legal aid for enterprises. Formulating mechanisms and policies conducive to efficient and sustainable development of small- and medium-sized enterprises and collective economic organizations;

- Enhancing the management, inspection and supervision of the operation of enterprises, assuring strict observance of regulations on sector master plans and regional master plans, mobilization and efficient utilization of resources, environmental protection, and other relevant regulations.

b/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Perfecting the management mechanism, enhancing the examination, inspection and supervision by state management agencies of stale enterprises; consolidating and raising the capability, efficiency, autonomy and accountability of state economic groups, corporations and enterprises;

- Further stepping up the reorganization and equitization of state enterprises, and reducing the number of state enterprises with dominant state shares, concentrating on key branches and industries of the economy in which non-stale sectors do not participate: eliminating the business monopoly in a number of industries greatly impacting the economy such as oil and gas, electricity, water, etc.;

- Enhancing the inspection and supervision of the borrowing, use and repayment of loans by state enterprises, preventing the collapse or bankruptcy of state enterprises due to non-performing loans. Resolutely dissolving or bankrupting Slate enterprises which suffer from business losses, inefficiently operate or lose state capital:

- Studying and formulating mechanisms and policies to step up the raising of capital for production and business development of enterprises. Stepping up the pilot provision of insurance for export, agricultural and small- and medium-sized enterprise- credit loans with appropriate supports or guarantees provided by the State to facilitate the expansion and channeling of credit loans into production and business, especially those of export enterprises, small- and medium-sized enterprises, agricultural and rural! enterprises.

c/ Ministries, agencies and provincial-level People s Committees, boards of directors. members councils, directors general and directors of state economic groups, corporations and enterprises .shall seriously and effectively perform the reorganization, renewal, development and raising of the operation efficiency of state enterprises as requested in the Government Office s Notice Mo. 174/TB-VPCP of June 28, 2010, and the Prime Minister s Directive No. 1568/CT-TTg of August 19, 2010, on implementation of the Political Bureau s Conclusion No. 78-KL/TW of July 26, 2010.

5. Raising the quality and efficiency of the attraction and use of foreign direct investment capital

a/ The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in;

- Formulating appropriate mechanisms and policies to encourage and attract investment projects to form a network linking production, business and allied industries in a value chain;

- Revising the regulation on decentralization of powers to manage foreign investment, assuring the autonomy of localities associated with responsibilities and penalties for violations, and heightening the inspection and supervision role of ministries and central agencies. Strictly handling violations of the law on management of foreign investment;

- Perfecting the information disclosure and reporting regime, enhancing the management, supervision, inspection and assessment of foreign direct investment in Vietnam and Vietnam s offshore investment:

- Promulgating legal documents uniformly regulating and managing investment promotion activities nationwide; elaborating a strategy for investment promotion capable of harmoniously coordinating national investment promotion activities; drawing up and publicizing a list of projects calling for foreign direct investment during 2011-2015.

b/ The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Planning and Investment and other ministries, agencies and localities in, reviewing and revising regulations on compulsory technological standards and technology transfer applicable to foreign-invested enterprises and projects;

c/ The Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Planning and Investment and other ministries, agencies and localities in. reviewing and revising regulations on compulsory employment and training of laborers and mechanisms and policies on wages, incomes and entitlements for employees of foreign invested enterprises and projects;

d/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Planning and Investment and other ministries, agencies and localities in, reviewing and revising regulations on compulsory environmental protection by foreign-invested enterprises and projects. Not granting licenses for or revoking licenses of foreign investment projects which wastefully use land, energy, natural resources and minerals or violate the law on environmental protection.

6. Raising the productivity, quality, efficiency and competitiveness of the economy

The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Implementing in a synchronous and effective manner and with a specific roadmap the Prime Minister s Decision Mo. 1914/QD-TTg of October 19, 2010, approving the scheme on measures to raise the growth quality, efficiency and competitiveness of the economy:

- Expeditiously formulating and implemen­ting appropriate mechanisms and policies to raise the productivity, quality and efficiency of production and business of enterprises, paying attention to science and technology enterprises, small- and medium-sized enterprises, and enterprises in allied industries;

- Formulating appropriate mechanisms and policies to encourage the formation and development of strong economic groups with brands and competitiveness on the domestic and world markets:

- Accelerating the organization of online business registration nationwide, creating favorable conditions for people and enterprises to make business registration. Formulating appropriate mechanisms and policies and creating all favorable conditions for enterprises to train and develop their human resources, apply science and technology, provide market information, enter into partnerships and observe national and international laws.

III. IMPLEMENTING THE MASTER PLAN ON, AND FURTHER RAISING THE QUALITY OR HUMAN RESOURCES, STEPPING UP THE APPLICATION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY

1. Implementing the master plan on human resource development during 2011-2020

a/ Ministries, agencies and provincial-level People s Committees shall approve and implement in the first quarter of 2011 the master plan on development of human resources under their management during 2011-2020. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in. elaborating and submitting to the Government in the second quarter of 2011 a master plan on development of human resources throughout the country during 2011-2020.

b/ The People s Committees of provinces and centrally run cities in which exist key economic zones, industrial parks or hi-tech parks shall take the initiative in working with the Ministry of Education and Training, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and the Ministry of Construction to train and supply human resources to meet business line-based demands of enterprises operating in these zones and parks for human resources both qualitatively and quantitatively; and at the same time, paying attention and creating favorable conditions for laborers work and daily life.

2. Raising the quality of human resources

a/ The Ministry of Education and Training shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Finalizing and submitting to the Prime Minister for approval in the second quarter of 2011 a strategy for development of education and training during 2011-2020;

- Further raising the education and training quality of all school grades based on the implementation of the strategy for development of education and training, implementing national target programs on education and training, the program on universalization of preschool education for 5-year-old children, and the program on solidification of schools, classes and public-duty houses for teachers, and raising the effectiveness of ethic and lifestyle education of pupils and students;

 - Actively implementing the National Assembly s Resolution on renewal of financial mechanisms for education and training during 2010-2015, and the Prime Ministers Directive on renewal of the management of tertiary education during 2010-2012;

- Organizing the general review of the socialization of education and training during 2006-2010. and proposing to the Government in the second quarter of 2011 measures to socialize education and training during 2011-2015.

b/ The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall finalize and submit to the Prime Minister for approval in the second quarter of 2011 a strategy for development of jobs training during 2011-2020 and a program on job training for rural laborers. Expanding and raising the quality of job training with a view to developing the trained labor force both qualitatively and quantitatively; formulating appropriate mechanisms and policies to encourage the development of various forms of association between employers and labor-training establishments; intensifying training under training contracts; adjusting the training structure in line with the socio-economic development orientations;

c/ The Ministry of Construction shall coordinate with the Ministry of Education and Training and provincial-level People s Committees in accelerating the building of student dormitories under the program on building of student dormitories;

d/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Education and Training, the State Bank of Vietnam, the Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Planning and Investment, the Social Policy Bank and the Vietnam Development Bank in. allocating sufficient funds for the programs on provision of loans for pupils and students, building of permanent schools, classrooms and public-duty houses, and building, of student dormitories;

e/ Ministries, agencies and localities shall coordinate with the Ministry of Education and Training, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and investors in training high-quality human resources based on the approved master plan on development of human resources to promptly meet the demand of enterprises organizations and individuals;

f/ The Ministry of Culture. Sports and Tourism shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Health, the Ministry of Education and Training, the Vietnam Women s Union and concerned agencies in, submitting to the Prime Minister for approval in the third quarter of 2011 the programs on improvement of the stature and physical strength of Vietnamese people, sustainable development of Vietnamese families and development and promotion of Vietnamese cultural values.

3. Stepping up the application of science and technology

The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Finalizing and submitting to the Prime Minister for approval in the second quarter of 2011 a strategy for development and application of science and technology during 2011-2020. Stepping up the implementation of the program on development of national products.

- Stepping up the transfer of outcomes of scientific and technological researches for agricultural development.

- Formulating and promulgating appropriate support mechanisms and policies to promote the establishment of science and technology enterprises, encourage enterprises to invest in technological renewal and research and master imported technologies, proceeding to invent new technologies and prioritizing technologies conducive to conserving materials and energy and raising the value added and competitiveness of products.

- Taking measures to develop scientific and technological services, especially technological and intellectual property information, consultancy, brokerage, evaluation, appraisal and assessment, standards and technical regulations.

- Developing and strengthening the system of scientific and technological information centers, centers for application of scientific and technological advances, and scientific and technological development funds; promoting the development of various science and technology markets and online trading floors; forming technology trading centers in major economic regions.

- Further preparing necessary infrastructure facilities, legal grounds, manpower, technical and safely conditions for the development of nuclear power; implementing the master plan on peaceful utilization of atomic energy through 2020.

IV. GUARANTEEING SOCIAL SECURITY IN ASSOCIATION WITH IMPLEMENTING THE- PROGRAM ON SUSTAINABLE POVERTY REDUCTION, RAISING THE QUALITY OF HEALTHCARE FOR AND ASSURING THE CULTURAL AND SPIRITUAL LIFE OF PEOPLE

1. Guaranteeing social security in association with implementing the program on sustainable poverty reduction

a/ The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Appraising and submitting to the Prime Minister items of and criteria for allocation of funds for national target programs; summarizing and submitting to the Government for reporting to the National Assembly Standing Committee optional plans on allocation of estimates of expenditures of national target programs in order to have grounds for allocation to ministries, central agencies and localities before January 31, 2011;

- Actively negotiating with international financial institutions, foreign governments and organizations on borrowing preferential loans at reasonable interest rates and with long terms for additionally funding the hunger eradication, poverty reduction, creation of jobs and provision of loans for pupils, students, poor households and other social security purposes.

b/ The Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Expeditiously finalizing a Government s draft resolution on orientations for sustainable poverty reduction during 2011-2020, and then submitting it to the Government in the first quarter of 2011.

- Intensifying measures to support the fast and sustainable poverty reduction for 62 poor districts, the program on supports for poverty reduction in communes, villages and hamlets meeting with exceptional difficulties, the national target program on sustainable poverty reduction during 2011-2015, and providing supports for the poor districts in sending overseas guest workers;

- Further improving policies towards people with meritorious services to the nation, and youth volunteers, and social relief policies; stepping up the settlement of problems in certification or recognition of people who participated in the resistance war and are eligible for preferential policies. Diversifying forms and models of social assistance and relief. Intensifying communication and education to raise public awareness and properly realizing gender equality in all social activities. Raising the quality and efficiency of child care and protection;

- Planning and investing in drug detoxification and post-detoxification management establishments, especially in key localities; establishments providing functional rehabilitation, nurturing, treatment, convalescence, care for and consultancy for people with meritorious services to the revolution, social policy beneficiaries, chronic mental patients, orphans and helpless people with disabilities.

c/ The State Bank of Vietnam shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in. effectively taking measures to extend credit for the poor, agricultural sector, rural areas and farmers.

d/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in, formulating and perfecting credit mechanisms and policies applicable to the poor, providing loans to pupils, students and policy beneficiaries, especially ethnic minority and poor people, in conformity with the orientation for sustainable poverty reduction during 2011-2020.

e/ The Ministry of Construction shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in. further effectively implementing the programs on housing for students, people with low incomes in urban centers and workers of industrial parks, elevation of grounds in response to Hoods in the Mekong River delta. and provision of housing supports for poor households in rural areas;

f/ The Ministry of Agriculture and Rural Development shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in. properly organizing the monitoring and assessment of impacts of and damage caused by natural disasters and epidemics for taking the initiative in using the reserve fund to combat natural disasters and epidemics, and intensifying the raising of social resources to remedy consequences, quickly restore production and stabilize the people s life;

g/ The Ethnic Minority Committee shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in:

- Continuing to direct the effective implementation of policies towards ethnic groups such as policies on production land daily-life water and residential land for poor ethnic minority people, policies on resettlement and relocation of people practicing nomadic fanning and living a nomadic life, commune cluster centers and the program on supports for poverty reduction in communes, villages and hamlets meeting with exceptional difficulties during 2011-2015.

- Studying and elaborating particular socio-economic development policies for areas inhabited by ethnic minority people and mountainous areas during 2011-2015.

h/ Ministries, agencies and localities shall generally review and assess the implementation of national target programs and national programs during 2006-2010 under their respective management: and the same time. promptly organizing the elaboration of plans for implementation of national target programs and national programs during 2011-2015 in the direction of clearly identifying the objectives, scope and beneficiaries of these programs for integration of similar contents, reduction of management units, then submitting them to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance for appraisal, summarization and submission to the Government in the first quarter of 2011.

2. Stepping up employment

The Ministry of Labor War Invalids and Social Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Scaling up and raising the quality of job training, properly implementing approved job training schemes and programs; combining job training with job creation, self-employment and increase of incomes for laborers.

- Synchronously implementing mechanisms and policies to create jobs for, employ and provide job training for the poor, rural laborers, demobilized army men and urbanized areas.

- Expanding the markets for guest workers, especially those in which laborers can earn high incomes and are assured of labor safely; properly implementing policies, programs and schemes on sending overseas guest workers: intensifying job (raining and providing knowledge and other necessary supports for Vietnamese guest workers.

- Continuing with measures lo encourage and support labor-intensive enterprises and production or business establishments; properly implementing regulations on wages, social insurance, unemployment insurance and other support policies for the unemployed; building harmonious and healthy industrial relationships in enterprises.

- Building databases and enhancing the work of labor supply and demand forecast; developing activities of job placement and conselling and labor market information.

- Directing the proper performance of labor safety and hygiene, improvement of labor conditions and environment; and building harmonious, healthy and progressive industrial relationships in enterprises.

3. Raising the quality of public healthcare

a/ The Ministry of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Accelerating the completion and putting into use of hospitals invested with government bond capital at the grassroots level, especially the district level: devising specific roadmaps and measures to reduce the patient overload at central- and provincial-level hospitals, especially specialized hospitals treating dangerous diseases. Extending the application of the regime of seconding medical workers from higher to lower levels in order to raise the quality of medical examination and treatment,

- Enhancing the state management of production, import, circulation and supply of medicines: adopting mechanisms to strictly control medicine prices; taking measures to strictly manage the quality of medical examination and treatment, especially in the private sector.

- Stepping up the socialization of medical and healthcare services by encouraging the founding of semi-public, private and foreign-invested healthcare establishments with appropriate mechanisms and policies on land, ground clearance and human resources. Diversifying medical services; developing hi-tech medical services. Intensifying the mobilization of resources for investment in building the system of hospital waste management and disposal.

- Studying and reforming the health insurance regime in the direction of making it mandatory with the minimum premium for all; adopting mechanisms and policies for the private sector to take part in the provision of these services.

b/ Ministries, agencies and localities shall take the initiative in applying appropriate preferential mechanisms and policies on land, ground clearance, human resources and credit to step up the socialization of medical and health care services, meeting the people s needs for medical examination and care.

4. Assuring the people s cultural and spiritual life

a/ The Ministry of Culture, Sports and Tourism shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Elaborating plans and programs on cultural development associated with developing tourism and economic activities. Effectively organizing the movement All the people unite to build a cultured life";

- Conserving, embellishing and promoting tangible and intangible cultural values of historical-cultural relics associated with providing supports for tourism development, Coordinating with local administrations in strictly managing festivals, cultural and sport activities, ensuring thrift and social security and order; mobilizing social resources instead of state budget funds for organizing festivals.

b/ The Ministry of Information and Communications shall assume the prime-responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Raising the quality of information, press and publication activities; increasing the coverage of radio and television broadcasting in ethnic minority languages in deep-lying, remote and mountainous areas. Encouraging the creation of cultural, literary and artistic works. Elaborating and effectively implementing plans on scientific and technical development and technological application to information and communications activities;

- Organizing regular briefings and press conferences to notify news and press agencies of the socio-economic development. Further developing telecommunications and internet services; stepping up the application of information technology in state agencies and the entire society, contributing to boosting the socio­economic development and international integration.

V. ENHANCING THE NATURAL DISASTER PREVENTION AND COMBAT ENVIRONMENTAL PROTECTION AND RESPONSE TO CLIMATE CHANGE

1. Natural disaster prevention and combat and response to climate change

a/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in;

- Paying attention to investment in physical foundations, equipment and training of establishments researching and forecasting natural disasters and climate change; raising the capability of weather and hydro-meteorological forecast in service of production and life;

- Concentrating efforts on implementing the national target program on response to climate change, especially sea level rise, prioritizing resources for strategic and coastal areas. Studying, surveying and assessing impacts of climate change before incorporating them in socio-economic development strategies, master plans, plans and programs of sectors, regions and localities and throughout the country. Elaborating and reporting to the Government in the second quarter of 2011 a scheme on biodiversity preservation in order to mitigate consequences of and suitably respond to the global climate change.

b/ The Ministry of Agriculture and Rural Development shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in effectively implementing the programs on upgrading sea and river dikes, solutions to fight inundation in major cities: taking the initiative in directing the effective response to natural disasters, typhoons and floods; and at the same time, taking timely and effective measures to prevent drought: and properly implementing the programs on redistribution or relocation of inhabitants from areas vulnerable to natural disasters;

c/ The Ministry of Construction shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in, studying and reporting to the Prime Minister in the second quarter of 2011 plans, models and mechanisms for building houses in response to typhoons, floods and natural disasters, which are suitable to the characteristics and conditions of provinces and geographical areas frequently hit by typhoons, floods and natural disasters.

2. Intensifying environmental protection and raising the efficiency of exploitation and use of natural resources

a/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Further studying, elaborating and submitting to competent authorities for promulgation or revision the legal system and system of standards and technical regulations on environmental protection;

- Enhancing examination, inspection, detection and strict handling of violations of the law on environmental protection. Concentrating efforts on settling environmental protection related problems in traditional craft villages, industrial parks and urban centers;

- Stepping up public information work to raise the awareness and responsibility of the entire population about environmental protection. Taking the initiative in promoting international cooperation, especially in the management and exploitation of rivers with concerned countries;

- Studying and revising mechanisms and policies to raise the effectiveness of the exploitation and use of natural resources and mitigate environmental impacts. Revising the mechanism for decentralization of powers to manage the exploitation and use of natural resources, paying attention to mineral resources, land, forest and water resources and other areas with great environmental impacts:

- Strictly controlling the licensing and management of the exploitation of natural resources and minerals; not extending, supplementing or re-granting mining licenses for enterprises which fail to satisfy environmental protection requirements under law. Strictly handling violations of the law on management and exploitation of natural resources and minerals.

b/ The Ministry of Construction shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Organizing the implementation of the program on fighting clean water wastage and loss of charge revenue, and disposal of solid waste; planning wastewater drainage systems, first of all in residential areas and industrial parks;

- Inspecting, revising or proposing appropriate and timely amendments to regulations, mechanisms, policies and master plans on development of cement and construction material industries, assuring the achievement of objectives of the environmental protection and economical use of minerals and energy.

c/ The Ministry of Industry and Trade shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in. revising or proposing appropriate and timely amendments to regulations, mechanisms, policies and master plans on development of steel industry, assuring the economical use of minerals and energy and environmental protection;

d/ The Ministry of Agriculture and Rural Development shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in. taking synchronous measures to protect and sustainably develop forest resources; enhancing the protection of special-use and protection forests; promoting the rapid development of production forests. Adopting appropriate mechanisms and policies to guarantee benefits of and encourage people to plant, protect and exploit forests in a rational and effective manner. Coordinating with one another in directing the forest management and protection and strictly handling violations of the law on forest management and protection;

e/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment and other ministries, agencies and localities in, studying and submitting to competent authorities for promulgation new regulations or proposing amendments to current regulations on taxes, charges and fees related to environmental protection and exploitation and use of mineral resources.

VI. FURTHER PERFECTING THE LEGAL SYSTEM, STEPPING UP THE ADMINISTRATIVE REFORM. RAISING THE EFFECTIVENESS OF THE STATE MANAGEMENT PRACTICING THRIFT AND COMBATING WASTE, AND INTENSIFYING THE CORRUFHON PREVENTION AND COMBAT

1. Stepping up the administrative reform and raising the effectiveness of the state management

a/ The Ministry of Home Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Finalizing the master program on state administrative reform during 2011-2020, then submitting it to the Government in the first quarter 2011;

- Revising and perfecting the mechanism for decentralization of management powers between central and local levels, assuring the uniform management by the central government and promoting the autonomy, creativity and practical spirit of local administrations; combining the decentralization of powers with increased inspection and supervision by superiors and accountability of subordinates, upholding the responsibility of leaders;

- Further organizing the pilot implementation of policies to find, attract, arrange and preferentially treat talented people in official duties. Raising the quality of consultation with people and enterprises on the administrative procedure reform;

- Coordinating with the Government Office in organizing the control of administrative procedures in ministries, agencies and localities;

- Coordinating with the Ministry of Justice and other ministries, agencies and localities in studying, elaborating and publicly notifying compulsory standards on legal knowledge of cadres and civil servants in the state administrative system;

- Organizing the performance of the task of public-duty inspection in order to ensure administrative discipline and improve public-duty ethics; reforming the regime and methods of recruitment in order to step by step raise the quality of civil servants;

- Guiding ministries, agencies and localities in generally reviewing and appraising results of their term-based operation and performance of functions and tasks. On that basis, proposing to competent authorities for approval the organizational apparatus, functions, tasks and decentralization of powers of management in the new term.

b/ The Government Office shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in. further fruitfully implementing the project on simplification of administrative procedures and enhanced control of administrative procedures. Elaborating and submitting to the Prime Minister in the first quarter of 2011 a prime ministerial decision to assign ministries, agencies and localities to implement the National Assembly s Resolution on results of supervision of the administrative reform during 2001-2010. Further supplementing and perfecting the national database on administrative procedures. Urging ministries, agencies and localities to seriously simplify administrative procedures approved by the Government;

c/ The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for. and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Further perfecting the system of legal institutions, mechanisms and policies in order lo create a favorable investment and business environment; simplifying the process of registration for establishment and dissolution of enterprises. Continuing to step up the review and inspection of the observance and implementation of investment certificates by project investors for revoking these certificates or transferring delayed projects or those with incapable investors to other capable investors;

- Raising the efficiency and effectiveness of the elaboration and implementation of strategies plans, master plans and policies. Raising the quality of the work of information, analysis and macro forecast in the process of policy making and implementation.

d/ The Ministry of Justice shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Elaborating and reporting to the Government for submission to the National Assembly Standing Committee and the National Assembly a law- and ordinance-making program of the XIIIthNational Assembly and in 2012; supplementing the National Assembly s 2011 law- and ordinance-making program related to the administrative procedure reform under the Government s resolutions;

- Concentrating on studying and revising the Civil Code for early reporting to the Government for consideration and commenting for its finalization and submission to the National Assembly;

- Studying and proposing to the Government for submission to the National Assembly for passage the format and contents of a legal document that consolidates the Law on Promulgation of Legal Documents and the Law on Promulgation of Legal Documents by People s Councils and People s Committees: assuring that the legal system is simple, easily accessible and convenient for application and implementation;

- Studying, advising and proposing to the Government amendments and supplementations to the Constitution and laws on organization of the slate apparatus in the spirit of the Resolution of the XIthNational Party Congress, for submission to the National Assembly Standing Committee and the National Assembly.

e/ The Ministry of Construction shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Revising mechanisms and policies for construction investment, construction licensing, management of investment in construction of urban centers to meet practical development requirements: enhancing the instruction, inspection and management of construction licensing and management of construction work quality;

- Studying and revising mechanisms and policies on urban centers; studying, drafting and submitting to competent authorities the Bill on Urban Centers:

- Implementing the master plan on a new countryside, directing the building of model homes in residential areas under the national target program on building new countryside during 2010-2020;

- Further revising and perfecting mechanisms and policies on econo-technical norms and construction cost norms to conform with the market mechanism and international practice. Developing a database on construction prices and publicizing the construction price index. Publicizing the set of work construction investment ratios for all types of works and new construction technologies;

- Continuing to determine criteria for assessing the real estate market and valuating real estate: studying and establishing a uniform system of information on the real estate market from the central to grassroots level.

f/ Ministries, agencies and localities shall, within the ambit of their functions and assigned tasks, organize the serious implementation of the Prime Minister s Decision assigning ministries, agencies and localities to implement the National Assembly s Resolution on results of supervision of the administrative procedure reform during 2001-2010. Concentrating resources and assuring the effective simplification of administrative procedures. Intensifying and raising the quality of consultation with people and enterprises.

2. Stepping up the thrift practice, waste combat and corruption prevention and combat

a/ The Government Inspectorate shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in, intensifying the communication, mobilization and heightening of the sense of thrift practice and waste combat. Taking resolute and synchronous measures to prevent and combat corruption, concentrating on preventive measures and measures to improve publicity and transparency;

b/ The Ministry of Public Security shall direct the detection of and investigation into corruption cases and coordinate with concerned agencies in strictly handling these cases; studying and proposing measures to raise the effectiveness of the detection of and investigation into corruption cases; elaborating and submitting to the Government for promulgation a regulation on protection of corruption detectors and denouncers;

c/ The Ministry of Justice shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in, effectively implementing the scheme on renewing and raising the effectiveness of judicial assessment. concentrating efforts on solving problems arising in criminal and civil procedures, contributing to making the handling of corruption prevention and combat cases more effective;

d/ The Ministry of Information and Communications shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in, elaborating a program on communication and mobilization to substantially improve the awareness about and practice of thrift, waste combat, corruption prevention and combat associated with the movement on learning and following the moral example of President Ho Chi Minh.

VII. CONSOLIDATING NATIONAL DEFENSE AND SECURITY, ASSURING SOCIAL ORDER AND SAFETY. AND RAISING THE EFFECTIVENESS OF EXTERNAL AIT-AIRS WORK

1. Consolidating national defense and security and assuring social order and safety

a/ The Ministry of National Defense shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Prioritizing the sufficient supply of resources for strengthening the national defense potential, firmly defending the independence, sovereignty and territorial integrity of Vietnam, especially on the sea and islands. Resolutely combating, stopping and frustrating all plots and sabotaging activities of hostile forces;

- Caring for the livelihood of officers and soldiers; prioritizing investment in units stationed in strategic areas, border areas and islands. Carrying otit communication and education to raise the awareness and sense of responsibility of the entire political system and every citizen for building the all-the-people national defense;

- Stepping up the mobilization of forces for socio-economic development concurrently with consolidation of national defense and security in strategic and sensitive geographical areas. Finalizing and implementing a general scheme on economic-defense zones in land borders, sea areas and islands, and a scheme on socio-economic development in CT229 zones (former safety zones).

b/ The Ministry of Public Security shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in:

- Further perfecting legal grounds for taking synchronous measures to prevent, detect, combat, stop and promptly and strictly handle crimes infringing upon the national security and social order and safety, especially in strategic geographical areas, and assuring safety for important national events in 2011. especially the XIthNational Party Congress and the election of deputies to the XlIIthNational Assembly. Working out plans for the effective implementation of the Political Bureau s Directive No. 48-CT/TW of October 22, 2010, on enhancing the direction of crime prevention and combat in the new situation:

- Taking synchronous measures to reduce traffic accidents and congestions in major cities: intensifying the prevention and fighting of fire and explosion, and violations of the law on food hygiene and safety;

- Carrying out public information and education to raise the awareness and responsibility of the entire political system and people for building the people s security disposition combined with the all-the-people national defense, and crime prevention and combat.

c/ The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development, the Ministry of National Defense, the Ministry of Public Security and other ministries, agencies and localities in. studying and submitting to the Prime Minister in the second quarter of 2011 regulations on foreign-invested forest plantation projects in the group of conditional investment projects. Directing localities in revoking investment certificates of foreign-invested forest plantation projects in national defense and security-sensitive areas and then allocating forestation land in these areas to local people and armed forces, and combining the socio-economic development with the maintenance of national defense and security;

d/ The Government Inspectorate shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in. properly organizing the reception of citizens and settlement of complaints and denunciations under the Law on Complaints and the Law on Denunciations; further enhancing the inspection of the responsibility for settling complaints and denunciations of competent and responsible persons; promptly and lawfully settling complaints and denunciations, especially in class-action cases related to land, natural resources and environmental protection; concentrating efforts on thoroughly settling complicated or prolonged cases; devising and taking synchronous measures to put an end to the situation that citizens gather in crowds to file their complaints and denunciations with central agencies.

2. Raising the effectiveness of external affairs work

a/ The Ministry of Foreign Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and agencies in.

- Taking the initiative in elaborating practical cooperation programs and schemes to elevate and develop more profoundly relationships with neighbor countries, strategic partners, big countries and traditionally friendly countries, assuring the interests of involved parties: boosting cooperation with potential partners in all regions;

- Stepping up economic foreign affairs work, organizing the effective implementation of the Party Secretariat s Directive No. 41-CT/TW of April 15, 2010, on economic foreign affairs work. Monitoring and urging the implementation of international agreements and commitments reached during high-ranking visits; paying attention to gradual reduction of trade barriers and expand market, opportunities for exports;

- Further pushing forward the settlement of territorial border issues with bordering countries, and well addressing arising problems: actively exchanging opinions with related countries for boosting on-the-sea cooperation: resolutely combating all acts violating the sovereignty, sovereign rights and national interests of Vietnam in the East Sea;

Actively carrying out cultural foreign affairs; lobbying for more Vietnamese cultural and natural heritages to be recognized as world heritages by the United Nations Educational. Scientific and Cultural Organization (UNESCO). Properly implementing the Party s and the State s policies towards overseas Vietnamese; organizing activities of rallying and mobilizing overseas Vietnam to contribute to their native country;

- Coordinating with the State Bank of Vietnam and concerned ministries and agencies in well organizing in Vietnam the 2011 annual meeting of the Asian Development Bank (ADB).

b/ The Ministry of Industry and Trade shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and agencies in. effectively implementing economic and trade treaties and agreements with Vietnam s partners. Properly utilizing benefits of a member of the World Trade Organization (WTO); harmoniously and uniformly realizing WTO commitments. Effectively implementing the program on provision of post-WTO accession technical assistance. Further revising and elaborating the roadmap for realization of tariff cut commitments within the framework of concluded agreements suitable to Vietnam s conditions.

c/ The Ministry of Justice shall assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Public Security, the Supreme People s Procuracy, the Supreme People s Court and the Ministry of Foreign Affairs in, organizing the effective implementation of the Law on Judicial Assistance and judicial assistance agreements with foreign countries, proposing the expansion of cooperation on judicial assistance with foreign countries and territories, contributing to amplifying efficient and sustainable partnerships between Vietnam and foreign countries and territories, especially in economic development, investment, commerce and crime prevention and combat.

Part II

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

 

1. Based on this Resolution and the Government s 2011 working program, the Government, ministers, heads of ministerial-level agencies and government-attached agencies and chairpersons of provincial-level People s Committees shall:

- Expeditiously elaborate, promulgate and implement in January 2011 specific action programs of each ministry, agency or locality, indicating the objectives, tasks, duration and units responsible for implementation, then send them to the Ministry of Planning and Investment before January 22, 2011, for summarization and reporting to the Government in its January 2011 regular meeting.

 Concentrate on directing and managing in a resolute, flexible and effective manner measures specified in the Resolution, and the Party s line and policies, the National Assembly and the Government s policies; and assign a leader from their leaderships to assume the prime responsibility for and personally direct the implementation of the Resolution. Provincial-level People s Committees shall direct the application of synchronous measures to concentrate resources for development investment, boost production and business, enhance the control of prices, market and food hygiene and safety combined with social security, cultural and social development and environmental protection in localities.

- Regularly inspect and supervise the progress and implementation results of their working programs; organize monthly briefings to review the implementation of the Resolution. Review, evaluate and report on the implementation of the Resolution on a monthly and quarterly basis to the Ministry of Planning and Investment before the 22ndevery month and the last month of every quarter. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, agencies and localities in, conducting the inspection, supervision and review of the implementation of the Resolution for reporting to the Government at its monthly regular meeting.

2. Ministers and heads of ministerial-level agencies and government-attached agencies shall firmly grasp and seriously implement the Law on Promulgation of Legal Documents and measures to enforce the Law; attaching importance to raising the capacity of the apparatus and personnel, accelerating the elaboration and submission for promulgation of legal documents detailing and guiding laws and ordinances currently in force and those which take effect on January 1, 2011, in order to complete them in the first quarter of 2011. They shall carefully study and assess the impacts and effectiveness of mechanisms and policies before promulgating them or submitting to competent authorities for promulgation, paying attention to capability and conditions for their implementation, especially in difficulty-hit localities, deep-lying and remote areas. The Ministry of Justice shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Government Office in, urging and inspecting the elaboration of laws, ordinances and guiding documents according to set schedule.

3. Ministers, heads of ministerial-level and government-attached agencies, and chairpersons of provincial-level People s Committees shall direct functional agencies in reviewing and assessing implementation results of the strategies, master plans and programs on development of sectors, regions and localities; elaborating development strategies, master plans, plans and programs for the coming period based on the 2011-2020 socio-economic development strategy and the 2011-2015 five-year socio-economic development plan adopted by the XlthNational Party Congress and the National Assembly; and concurrently developing a framework program for monitoring and evaluating the implementation of the 2011-2015 live-year plan. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, review and report on the implementation of the Resolution to promptly serve the Government s direction and management.

4. Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and provincial-level People s Committees shall:

- Enhance their coordination in the implementation of the Resolution: and at the same time closely coordinate with agencies of the Party, the State, the Fatherland Front and mass organizations in successfully fulfilling the set objectives and tasks; uphold the sense of community responsibility and clearly define the functions, tasks, responsibilities and powers of each agency, organization or individuals in the implementation.

- Strive for greater transparency and responsibility of public duties; intensify supervision, inspection and appraisal of the performance by each agency, organization or individual; implement the mechanism for prompt and fair commendation, rewarding and disciplining of tasked persons.

- Proactively carry out monitoring and supervision so as to make appropriate, timely and flexible policy response; organize specialized teams to study sectors or domains under their assigned charge or the socioeconomic development in their localities so as to propose timely and effective direction and management measures.

- Direct the proper implementation of the Regulation on grassroots democracy, heightening the people s role as supervisors of activities of cadres and state agencies. Intensify contact and dialogue between them and enterprises and people, and pay attention to directing the response to the kilter s reasonable proposals and petitions.

5. Ministers, heads of ministerial-level agencies and government-attached agencies, and chairpersons of provincial-level People s Committees shall lake full responsibility before the Prime Minister for implementing the Resolution in the fields, and for the functions and tasks, assigned to their ministries, agencies or localities. They shall actively provide adequate and timely information and intensify the exchange of information and receipt, of feedbacks from the people and enterprises on mechanisms and policies, especially those which directly affect the people s life and enterprises operation; and enhance the direction and coordination of the mass media in properly carrying out the work of public information and communication to create a high consensus and combined strength of the entire nation for the successful fulfillment of the 201.1 targets and tasks.

6. Ministries, agencies and provincial-level People s Committees shall review and assess their implementation of the Resolution within the ambit of their assigned functions and tasks, propose measures for the Government s direction and management for the subsequent year, and report, them to the Prime Minister and concurrently send reports thereon to the Ministry of Planning and Investment before December 10, 2011. The Ministry of Planning and Investment shall summarize and appraise results of implementation of the Resolution by each ministry, and report them to the Government at its December 2011 regular meeting.-

 

 

ON BEHAIF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch LuatVietnam
Resolution 02/NQ-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 02/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi khoản 1 Điều 4 Quyết định số 87/2010/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho doanh nghiệp, người lao động thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vay để chi trả nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tạo việc làm, học nghề

Tài chính-Ngân hàng, Lao động-Tiền lương

văn bản mới nhất