Nghị định 93/2021/NĐ-CP tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo

thuộc tính Nghị định 93/2021/NĐ-CP

Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:93/2021/NĐ-CP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị định
Người ký:Lê Minh Khái
Ngày ban hành:27/10/2021
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng, Chính sách

TÓM TẮT VĂN BẢN

Từ 11/12/2021, cá nhân vận động từ thiện phải mở tài khoản riêng

Ngày 27/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Cụ thể, cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Đồng thời, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này.

Ngoài ra, cá nhân đứng ra vận động từ thiện tự chi trả chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không tổng hợp vào ngân sách nhà nước.

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 11/12/2021.

Xem chi tiết Nghị định93/2021/NĐ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

CHÍNH PHỦ

_________

Số: 93/2021/NĐ-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 09 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Hoạt động chữ thập đỏ ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020; 

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
2. Các khoản hỗ trợ từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, từ ngân sách của địa phương này ủng hộ cho địa phương khác để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng các khoản kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện:
a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi, vận động; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập – sau đây gọi là Ban Vận động) tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
b) Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
c) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền theo quy định của pháp luật;
d) Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vận động, tiếp nhận đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai;
đ) Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế vận động, tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
e) Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi là quỹ từ thiện) vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
g) Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
h) Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
2. Các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
3. Các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
4. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Dịch bệnh bao gồm: Các bệnh truyền nhiễm ở người quy định tại Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; dịch bệnh động vật quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật thú y năm 2015 và dịch hại thực vật được công bố dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013.
2. Sự cố là các tình huống do thiên tai hoặc con người gây ra được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
3. Bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo là bệnh nhân bị mắc bệnh thuộc danh mục bệnh hiểm nghèo do Bộ Y tế quy định.
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
1. Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo nhằm sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
2. Vận động đóng góp để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố được thực hiện khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân; vận động đóng góp để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo từng trường hợp cụ thể.
3. Vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện; các tổ chức, cá nhân không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp; các khoản đóng góp tự nguyện phải từ thu nhập, tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện đóng góp.
4. Tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.
5. Kinh phí phục vụ cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định tại Nghị định này.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
2. Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện.
3. Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1
QUY ĐỊNH CÁC TỔ CHỨC THAM GIA VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN ĐỂ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH, SỰ CỐ TRONG NƯỚC
Điều 6. Kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện
Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của Nhân dân, tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại, việc kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện của các tổ chức được thực hiện theo các phương thức như sau:
1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện để hỗ trợ Nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.
2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi, vận động tổ chức chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước ủng hộ theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động Chữ thập đỏ.
3. Các cơ quan thông tin đại chúng hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố theo quy định của pháp luật.
4. Các quỹ từ thiện kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trên địa bàn thuộc phạm vi hoạt động.
5. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Khi thực hiện vận động nguồn đóng góp tự nguyện, các tổ chức có thông báo trên trang thông tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin truyền thông cam kết về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, đối tượng hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt trụ sở chính theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
6. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kêu gọi, vận động nguồn đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Điều 7. Thành phần và nhiệm vụ của Ban Vận động
1. Thành phần của Ban Vận động các cấp (gồm Ban Vận động Trung ương và Ban Vận động các cấp tại địa phương):
a) Ban Vận động của từng cấp do lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp là Trưởng ban;
b) Căn cứ tình hình thực tế, Trưởng ban quyết định thành phần Ban Vận động gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan.
2. Nhiệm vụ của Ban Vận động:
a) Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến, thông tin rộng rãi ý nghĩa của cuộc vận động, thời gian, địa điểm tiếp nhận, tài khoản tiếp nhận tới các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp;
b) Chủ trì, phối hợp với chính quyền cùng cấp chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện đến địa phương, Nhân dân vùng bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố đảm bảo kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và minh bạch;
c) Thực hiện báo cáo tình hình và kết quả vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện theo chế độ quy định.
Điều 8. Thời gian vận động, tiếp nhận và phân phối
1. Cuộc vận động được phát động ngay sau khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của Nhân dân.
2. Tùy theo diễn biến, yêu cầu thực tế khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, các tổ chức, cơ quan, đơn vị vận động đóng góp tự nguyện quy định tại Điều 6 Nghị định này quyết định thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp). Trường hợp cần thiết, Ban Vận động từ cấp tỉnh trở lên có thể quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện. 
3. Thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp), kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận.
Điều 9. Tiếp nhận, quản lý nguồn đóng góp tự nguyện
1. Tiếp nhận, quản lý tiền đóng góp tự nguyện:
a) Các tổ chức, cơ quan, đơn vị quy định tại điểm a, b, c, d, e khoản 1 Điều 2 Nghị định này mở một tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong thời gian tiếp nhận. Trường hợp Ban Vận động cấp tỉnh trở lên không có quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận, thì các tổ chức, cơ quan, đơn vị không được tiếp nhận thêm tiền đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản (Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại) về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện;
Các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức là đầu mối tiếp nhận tiền đóng góp tự nguyện của các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị mình đóng góp để ủng hộ các địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì nộp toàn bộ số tiền huy động được vào tài khoản riêng của cơ quan vận động cùng cấp được mở để tiếp nhận, quản lý tiền đóng góp tự nguyện;
b) Đối với địa phương không bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố: Ban Vận động cấp xã chuyển tiền vào tài khoản của Ban Vận động cấp huyện hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Vận động cấp tỉnh; Ban Vận động cấp huyện chuyển tiền vào tài khoản của Ban Vận động cấp tỉnh; Ban Vận động cấp tỉnh chuyển tiền vào tài khoản của Ban Vận động Trung ương để tổng hợp, cân đối phân phối hỗ trợ địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc chuyển trực tiếp cho Ban Vận động địa phương nơi bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
c) Đối với địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố: Ban Vận động cấp xã, cấp huyện báo cáo Ban Vận động cấp trên về kết quả tiếp nhận, kế hoạch phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện và chuyển tiền vào tài khoản của Ban Vận động cấp trên hoặc giữ lại để phân phối, sử dụng trực tiếp hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố ngay trên địa bàn theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định này;
d) Trường hợp các tổ chức, cá nhân ủng hộ bằng ngoại tệ, Ban Vận động bán số ngoại tệ cho ngân hàng thương mại và nộp tiền thu được vào tài khoản của Ban Vận động cùng cấp.
2. Tiếp nhận, quản lý hiện vật đóng góp tự nguyện:
a) Ban Vận động các cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị cùng cấp hướng dẫn thành lập các điểm tiếp nhận hiện vật đóng góp tự nguyện. Toàn bộ hiện vật đóng góp tự nguyện phải được giao, nhận đầy đủ về số lượng, chủng loại; bảo quản, lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn quy định tại các điểm tiếp nhận hoặc kho tiếp nhận theo chỉ định của Ban Vận động. Căn cứ tình hình thực tế, các đơn vị tiếp nhận hiện vật đóng góp tự nguyện có thể sử dụng tạm thời kho chứa hàng hoá, trụ sở của cơ quan mình hoặc thuê kho tàng bến bãi làm nơi tập kết; 
b) Trường hợp cần phải hỗ trợ khẩn cấp, giải phóng nhanh hiện vật đóng góp tự nguyện tại điểm tiếp nhận, Ban Vận động quyết định phân phối ngay nhu yếu phẩm (quần áo, lương thực, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm khác) cho các đối tượng được hỗ trợ;
c) Trường hợp hiện vật đóng góp tự nguyện bằng vàng, bạc, kim khí quý, đá quý thì Ban Vận động tổ chức bán đấu giá theo quy định hiện hành của pháp luật về đấu giá tài sản và nộp tiền thu được vào tài khoản của Ban Vận động cùng cấp; trường hợp Ban Vận động cấp xã tiếp nhận hiện vật và tổ chức bán đấu giá thì nộp tiền thu được vào tài khoản của Ban Vận động cấp huyện.
3. Những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể thì Ban Vận động có trách nhiệm thực hiện theo đúng cam kết.
4. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tiếp nhận để chuyển giao các khoản hỗ trợ khẩn cấp từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định hiện hành.
5. Căn cứ hướng dẫn của Ban Vận động Trung ương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và chuyển giao cho Ban Vận động Trung ương, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc giữ lại để sử dụng trực tiếp hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
6. Các quỹ từ thiện tiếp nhận, quản lý các khoản đóng góp tự nguyện vận động được và phân phối theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này. Trường hợp hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và kêu gọi, vận động để hỗ trợ ngoài phạm vi hoạt động, các quỹ từ thiện tiếp nhận, sau đó chuyển giao cho Ban Vận động cùng cấp để hỗ trợ Nhân dân và địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
7. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân mở một tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện vận động được theo nội dung đã cam kết, quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Các tổ chức không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản (Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại) về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
8. Ngoài các hình thức đóng góp bằng tiền, hiện vật, các tổ chức, cá nhân có thể đóng góp bằng hình thức cung cấp dịch vụ như miễn phí hoặc giảm giá một số dịch vụ để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ban Vận động các cấp thông báo việc cung cấp dịch vụ tới các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Điều 10. Phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
1. Căn cứ phân phối nguồn đóng góp tự nguyện:
a) Mức độ thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra; mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh;
b) Nguồn đóng góp tự nguyện chung cho cộng đồng và những khoản hỗ trợ có điều kiện, địa chỉ cụ thể;
c) Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân và hộ gia đình bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố (không qua Ban Vận động).
2. Ban Vận động Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho các địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố đối với nguồn đóng góp tự nguyện do Ban Vận động Trung ương tiếp nhận.
3. Căn cứ hướng dẫn của Ban Vận động Trung ương, Ban Vận động cấp tỉnh nơi địa phương không bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cho các địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
4. Ban Vận động các cấp ở địa phương bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố căn cứ hướng dẫn của Ban Vận động cấp trên, chủ trì, phối hợp với đại diện Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan có liên quan quyết định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phương thức vận động, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch và phân bổ, sử dụng hỗ trợ Nhân dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Các nội dung chi hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.
5. Các quỹ từ thiện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện vận động được theo mục đích, phạm vi hoạt động và thông báo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các tổ chức, cá nhân đóng góp.
6. Đối với nguồn đóng góp tự nguyện do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân vận động, tiếp nhận được thực hiện như sau:
a) Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện vận động được, khuyến khích chi theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này, trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định này. Những khoản vận động, tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể phải được thực hiện theo đúng cam kết và quy định tại Nghị định này;
b) Chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác có tư cách pháp nhân;
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng khoản tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Việc tiếp tục phân phối, sử dụng để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
7. Nguồn đóng góp tự nguyện tiếp nhận được của Ban Vận động các cấp chưa sử dụng hết được sử dụng cho các nhiệm vụ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố của đợt sau. Trường hợp cuối năm tiền đóng góp tự nguyện còn dư được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.
Điều 11. Nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện
1. Nguồn đóng góp tự nguyện không có điều kiện, địa chỉ cụ thể được chi theo các nội dung sau:
a) Hỗ trợ cho người bị thương nặng, gia đình có người mất tích do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; chi phí mai táng cho gia đình có người chết do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
b) Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân, hộ gia đình bị khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
c) Hỗ trợ hộ gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng; hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân;
d) Hỗ trợ di chuyển người dân ra khỏi vùng xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
đ) Dựng các lán trại tạm thời cho người dân do phải di dời hoặc bị mất nhà ở;
e) Vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm ở khu vực bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
g) Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết để phòng, chống dịch bệnh;
h) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu; công cụ, phương tiện sản xuất bị mất, hư hỏng nặng do thiên tai, sự cố gây ra để phục hồi sản xuất và hỗ trợ cải tạo diện tích đất sản xuất nông nông nghiệp bị xói mòn, bồi lấp;
i) Hỗ trợ sửa chữa, khôi phục công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại;
k) Hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ sinh hoạt cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố; các đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế; người dân gặp khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản hỗ trợ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
2. Sau khi đã ưu tiên sử dụng theo các nội dung chi quy định tại khoản 1 Điều này mà kinh phí vận động đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh còn dư, Ủy ban nhân dân thống nhất với Ban Vận động cùng cấp để quyết định thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại các địa phương vùng bị thiên tai, dịch bệnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu của cuộc vận động.
3. Trường hợp khoản đóng góp tự nguyện có địa chỉ cụ thể theo cam kết để sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu và các nội dung khác thì tổ chức, cá nhân đóng góp có trách nhiệm thống nhất với chính quyền địa phương về thiết kế, quy mô, chất lượng, tiến độ sửa chữa, xây dựng công trình và phù hợp với các quy hoạch liên quan theo quy định hiện hành.
Điều 12. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
1. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện từ nguồn kinh phí hoạt động hằng năm của cơ quan, đơn vị.
2. Trường hợp phát sinh chi phí ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Không sử dụng nguồn tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện tiếp nhận được để chi trả các khoản chi phát sinh của tổ chức, cơ quan, đơn vị trong quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
Riêng chi phí phát sinh của doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân trong quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy chế quản lý tài chính của tổ chức và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 13. Quản lý tài chính, xây dựng, chế độ báo cáo
1. Dự án đầu tư sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu từ nguồn đóng góp tự nguyện được quản lý theo quy định hiện hành của pháp luật về xây dựng và ngân sách nhà nước. Trường hợp dự án đầu tư sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu sử dụng một phần từ nguồn đóng góp tự nguyện, một phần từ nguồn vốn đầu tư công thì quản lý theo quy định hiện hành của pháp luật về xây dựng, đầu tư công và ngân sách nhà nước.
2. Chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc cuộc vận động, Ban Vận động cấp tỉnh báo cáo Ban Vận động Trung ương để tổng hợp, lập báo cáo về kết quả vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng tiền, hiện vật và số tiền, hiện vật còn dư (nếu có), gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan. Ban Vận động cấp xã, huyện, tỉnh báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
3. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, phân phối tiền đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm phản ánh việc tiếp nhận, phân phối vào báo cáo tài chính của tổ chức, cơ quan, đơn vị theo quy định hiện hành.
a) Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang trực tiếp sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho chính cơ quan, đơn vị đó thì báo cáo cấp có thẩm quyền để bổ sung dự toán và tổng hợp vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước;
b) Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân, thực hiện quản lý tài chính các khoản đóng góp tự nguyện vận động được theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
4. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức bộ máy độc lập đều phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch.
5. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện không tổ chức bộ máy độc lập (được giao kiêm nhiệm quản lý) thì được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị, nhưng vẫn phải theo dõi riêng các khoản thu, chi cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích; hằng năm phải lập báo cáo, công khai số liệu theo quy định của pháp luật, đồng thời thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính của đơn vị minh bạch và rõ ràng.
6. Các nguồn đóng góp tự nguyện bằng hiện vật để thực hiện dự án đầu tư sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu, căn cứ đơn giá hiện vật để hạch toán vào giá trị công trình, dự án hoàn thành bàn giao tài sản cho tổ chức, cơ quan, đơn vị quản lý để theo dõi, không tổng hợp vào ngân sách nhà nước.
7. Các khoản tài trợ, hỗ trợ tài sản cụ thể là công trình hạ tầng thiết yếu, trang thiết bị, việc tiếp nhận, xác định giá trị và quản lý tài sản thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Các tổ chức được giao quản lý tài sản hạch toán tăng giá trị tài sản tương ứng.
8. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
 Điều 14. Công khai đóng góp tự nguyện
1. Các tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện có trách nhiệm công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động có liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
2. Nội dung công khai:
a) Văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện;
b) Kết quả vận động (tổng số tiền, hiện vật tiếp nhận), phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân;
c) Đối tượng, chính sách và mức hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
d) Các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận đóng góp tự nguyện công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
3. Hình thức công khai:
a) Công khai trên Trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức, cơ quan, đơn vị;
b) Niêm yết tại trụ sở làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa điểm sinh hoạt cộng đồng (thôn, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố);
c) Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan có liên quan tham gia vào quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thực hiện ít nhất một trong ba hình thức công khai quy định tại khoản 3 Điều này; trong đó phải thực hiện hình thức bắt buộc là công khai trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức, cơ quan, đơn vị; trường hợp chưa có trang thông tin điện tử phải thực hiện niêm yết tại trụ sở làm việc.
4. Thời điểm công khai:
a) Công khai văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ngay sau khi ban hành;
b) Công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 01 đến 03 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện;
c) Công khai kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện: Công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận; công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng;
d) Công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
5. Thời gian công khai:
a) Niêm yết công khai tại trụ sở tổ chức, cơ quan, đơn vị, điểm sinh hoạt cộng đồng và công khai trên Trang thông tin điện tử trong 30 ngày;
b) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng: 03 số liên tiếp báo viết, 03 ngày liên tiếp trên chương trình của đài phát thanh, đài truyền hình.
Điều 15. Công tác tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân nước ngoài
1. Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng đối với các khoản viện trợ quốc tế của Chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức được Chính phủ nước ngoài ủy quyền, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức và cá nhân nước ngoài khác nhằm cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai thực hiện theo quy định tại Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.
2. Việc quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài nhằm mục đích hỗ trợ nhân đạo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
Điều 16. Công tác tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của hệ thống Hội Chữ thập đỏ
Việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng và công khai nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố của Hội Chữ thập đỏ từ Trung ương đến địa phương thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ và quy định của pháp luật có liên quan.
Mục 2
QUY ĐỊNH CÁ NHÂN THAM GIA VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN ĐỂ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH, SỰ CỐ TRONG NƯỚC
Điều 17. Vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện
1. Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
2. Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Điều 18. Phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
1. Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) chậm nhất để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1 Điều 17 và quy định tại Nghị định này, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
2. Chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.
3. Khuyến khích cá nhân chi từ nguồn đóng góp tự nguyện theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này, trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.
4. Cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Việc tiếp tục phân phối, sử dụng để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Điều 19. Quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện
1. Chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
2. Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không tổng hợp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp hỗ trợ sửa chữa, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, mua sắm trang thiết bị, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, phân phối, sử dụng thực hiện quản lý tài chính theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này; trường hợp hỗ trợ tài sản cụ thể là công trình hạ tầng thiết yếu, trang thiết bị từ nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để hỗ trợ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện tiếp nhận, xác định giá trị và quản lý tài sản theo quy định tại khoản 7 Điều 13 Nghị định này.
3. Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.
4. Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Mục 3
QUY ĐỊNH CÁC TỔ CHỨC THAM GIA VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN GIÚP ĐỠ CÁC QUỐC GIA KHÁC BỊ THIÊN TAI
Điều 20. Vận động đóng góp tự nguyện
 Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ ra lời kêu gọi ủng hộ Nhân dân các quốc gia khác khi bị thiên tai và là đầu mối của Việt Nam hỗ trợ các quốc gia khác theo chỉ đạo của Chính phủ.
Điều 21. Tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện
1. Hội Chữ thập đỏ các cấp mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận các khoản đóng góp ủng hộ đồng bào các quốc gia khác.
2. Toàn bộ số tiền tiếp nhận được nộp vào tài khoản của Hội Chữ thập đỏ các cấp và chuyển về tài khoản của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. 
3. Chậm nhất sau 30 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc vận động, căn cứ số tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện thu được, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp Bộ Ngoại giao thực hiện chuyển tiền, hiện vật cho quốc gia khác bị thiên tai. Trường hợp cuộc vận động để hỗ trợ nhiều quốc gia bị thiên tai, Bộ Ngoại giao phối hợp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng quốc gia bị thiên tai.
4. Số tiền hỗ trợ các quốc gia khác bị thiên tai không tổng hợp vào ngân sách nhà nước. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng theo chế độ tài chính hiện hành.
5. Hội Chữ thập đỏ các cấp thực hiện công khai tiếp nhận, phân phối và tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ủng hộ Nhân dân các quốc gia khác theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.
Mục 4
QUY ĐỊNH CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, SỬ DỤNG NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN HỖ TRỢ BỆNH NHÂN MẮC BỆNH HIỂM NGHÈO
Điều 22. Vận động đóng góp tự nguyện
Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế, quỹ từ thiện, tổ chức có tư cách pháp nhân và các cá nhân vận động, đóng góp để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo từng trường hợp cụ thể.
Điều 23. Tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền đóng góp tự nguyện
1. Cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế, quỹ từ thiện và tổ chức có tư cách pháp nhân mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận tiền đóng góp tự nguyện và hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; thực hiện công khai số tiền huy động được, số tiền đã hỗ trợ các bệnh nhân, số tiền còn lại chưa sử dụng (nếu có) trên các phương tiện truyền thông hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị và có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cư trú biết.
2. Cá nhân tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện và sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Cá nhân tổng hợp đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và thực hiện công khai trên các phương tiện truyền thông.
3. Các khoản đóng góp tự nguyện do tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận và sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không tổng hợp vào ngân sách nhà nước. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có trách nhiệm phản ánh việc tiếp nhận, sử dụng vào báo cáo tài chính của tổ chức, cơ quan, đơn vị theo quy định hiện hành.
Điều 24. Chi phí cho các hoạt động vận động đóng góp, tiếp nhận, phân phối
1. Chi phí phát sinh trong việc vận động đóng góp, tiếp nhận, phân phối hiện vật đóng góp tự nguyện, chuyển tiền hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sử dụng từ kinh phí hoạt động của tổ chức.
2. Chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương
1. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức giám sát việc thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện chính sách về trợ giúp xã hội, theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do sự cố đảm bảo đúng chế độ, chính sách.
3. Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành danh mục bệnh hiểm nghèo;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện, theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo đúng chế độ, chính sách.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện, theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh động vật, dịch hại thực vật đảm bảo đúng chế độ, chính sách.
5. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ các quốc gia khác bị thiên tai.
6. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan quản lý đối với nguồn đóng góp tự nguyện được chuyển vào ngân sách trung ương theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hướng dẫn xử lý vướng mắc phát sinh (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định này.
7. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề do thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra về ô nhiễm môi trường, cung cấp điện, nước sinh hoạt, cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường.
8. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cấp tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn; trong đó quy định rõ nguyên tắc phối hợp; hình thức, nội dung phối hợp; thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan liên quan theo quy định của Nghị định này; trường hợp nguồn đóng góp tự nguyện được chuyển vào ngân sách địa phương, thực hiện quản lý theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan;
b) Cung cấp, cập nhật các thông tin về diễn biến thiên tai, dịch bệnh, sự cố; tình hình thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan để phục vụ công tác hỗ trợ.
9. Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa tin chính xác, kịp thời trong quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Điều 26. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 12 năm 2021 và thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
2. Danh mục bệnh hiểm nghèo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được tiếp tục áp dụng để vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tới khi Danh mục bệnh hiểm nghèo theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 Nghị định này được Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực.
Điều 27. Trách nhiệm thi hành Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;                 

- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tốicao;                                            - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, QHĐP (03) S.Tùng.

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

Lê Minh Khái

 

Phụ lục

MẪU THÔNG BÁO CỦA TỔ CHỨC/CÁ NHÂN VỀ VIỆC TỔ CHỨC VẬN ĐỘNG VÀ TIẾP NHẬN NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN ĐỂ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH, SỰ CỐ

(Kèm theo Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_________________________

 

 

THÔNG BÁO VỀ VIỆC VẬN ĐỘNG VÀ TIẾP NHẬN NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN ĐỂ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH, SỰ CỐ

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn .............

 

Tên tổ chức/cá nhân: .........       Ngày sinh (đối với cá nhân):      .........

Số CCCD/Hộ chiếu/ĐKKD: ...............................................  Cấp tại, ngày: ...........................

Tên người đại diện pháp luật (đối với tổ chức): ....................................................................

Lĩnh vực hoạt động (đối với tổ chức): .................................................................................

Địa chỉ cư trú/Địa chỉ trụ sở chính: .......................................................................................

Số điện thoại: .....................................................................................................................

Xin thông báo với Ủy ban nhân dân .................................................  về việc vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố như sau:

1. Mục đích cuộc vận động: ............................................................................................ (1)

2. Phương thức tổ chức vận động: ................................................................................. (2)

3. Phạm vi vận động: ...................................................................................................... (3)

4. Đối tượng vận động: ................................................................................................... (4)

5. Thời gian vận động, tiếp nhận: ..................................................................................... (4)

6. Hình thức tiếp nhận: .................................................................................................... (5)

7. Tài khoản tiếp nhận (đối với tiền): ................................................................................ (x)

8. Địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật): ........................................................................... (x)

9. Thời gian cam kết phân phối: ....................................................................................... (6)

10. Sử dụng kinh phí vận động được để chi cho hoạt động vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện:        Có c             Không c

Tôi xin cam đoan sẽ tổ chức vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố theo đúng quy định của pháp luật.

 

.........., ngày .... tháng .... năm .....

Tổ chức/Cá nhân làm đơn

(Ký, ghi rõ họ tên; đóng dấu đối với tổ chức)

 

 

Ghi chú:

(1): Ghi rõ dự kiến phạm vi, đối tượng, thời gian hỗ trợ.

(2): Ghi rõ phương thức tổ chức vận động như: tổ chức vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các phương thức khác.

(3): Ghi rõ địa bàn vận động (gồm cả trong và ngoài nước).

(4): Ghi rõ thời gian bắt đầu, kết thúc vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện. Thời gian tiếp nhận không quá 90 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động.

(5): Ghi rõ tiền, những loại hiện vật cụ thể tiếp nhận.

(6): Thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận.

 

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT

__________________

No. 93/2021/ND-CP

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

Independent - Freedom - Happiness

_______________________

Hanoi, October 27, 2021

 

DECREE

On mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents, support patients with critical illnesses

____________

 

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on Organization of Local Administration dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Organization of the Government and the Law on Organization of Local Administration dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on the Vietnam Fatherland Front dated June 09, 2015;

Pursuant to the Law on Prevention and Control of Infectious Diseases dated November 21, 2007;

Pursuant to the Law on Red-Cross Activities dated June 03, 2008;

Pursuant to the Law on Plant Protection and Quarantine dated November 25, 2013;

Pursuant to the Law on Law on Animal Health dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on the State Budget dated June 25, 2015;

Pursuant to the Civil Code dated November 24, 2015;

Pursuant to the Law on Natural Disaster Prevention and Control dated June 19, 2013, and the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Natural Disaster Prevention and Control and the Law on Dikes dated June 17, 2020; 

At the proposal of the Minister of Finance;

The Government hereby promulgates the Decree on mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents, support patients with critical illnesses.

 

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

 

Article 1. Scope of regulation

1. This Decree provides regulations on mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions of foreign and domestic organizations and individuals for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics, or incidents; support patients with critical illnesses.

2. This Decree does not regulate the supports from superior-level budgets for lower-level budgets, from one locality to others’ budgets to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics, or incidents. The receipt, distribution and use of supports from state budget shall comply with current laws on state budget.

Article 2. Subjects of application

1. Organizations and individuals that mobilize, receive and distribute voluntary contributions, including:

a) The Vietnam Fatherland Front Committee that calls for, and mobilizes; Committees for mobilization, receipt and distribution of voluntary contributions (such Committees are organizations established by the Standing Boards of Vietnam Fatherland Front Committees at the same levels - hereinafter referred to as the Mobilization Committees) that receive and distribute voluntary contributions to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents;

b) The Vietnam Red Cross Society that mobilizes, receives and distributes voluntary contributions to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents;

c) Ministries, ministerial-level agencies, and government-attached agencies, provincial-level People's Committee, district-level People's Committee that mobilize, receive and distribute voluntary contributions to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents. Commune-level People’s Committee that receives and distributes voluntary contributions as authorized by the district-level People’s Committee according to law regulations;

d) The National Steering Committee for Natural Disaster Prevention and Control that mobilizes and receives international voluntary contributions in natural disaster-related emergency circumstances;

dd) Mass media agencies and health establishments that mobilize, receive and support patients with critical illnesses;

e) Charity funds prescribed in the Government’s Decree No. 93/2019/ND-CP dated November 25, 2019, on the organization and operation of social funds and charity funds (hereinafter referred to as charity funds) that mobilize, receive and distribute voluntary contributions to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents, and support patients with critical illnesses;

g) Enterprises, cooperatives and other organizations with legal status that participate in mobilizing, receiving and distributing voluntary contributions to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents; support patients with critical illnesses;

h) Individuals with full civil act capacity that participate in mobilizing, receiving and distributing voluntary contributions to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents; support patients with critical illnesses.

2. Organizations and individuals that make voluntary contributions in order to support people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents; support patients with critical illnesses.

3. Organizations and individuals facing difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents; patients with critical illnesses who use voluntary contributions.

4. Organizations and individuals involved in the mobilization, receipt and distribution and use of voluntary contributions.

Article 3. Interpretation of terms

1. Epidemic, including Infectious diseases in humans as prescribed in Article 3 of the 2007 Law on Prevention and Control of Infectious Diseases; animal epidemic as prescribed in Clause 8, Article 3 of the 2015 Law on Animal Health, and plant pests announced under Clause 1, Article 17 of the 2013 Law on Plant Protection and Quarantine.

2. Incidents mean circumstances caused by natural disaster or humans as prescribed in Clause 1, Article 3 of the Government’s Decree No. 30/2017/ND-CP dated March 21, 2017, on response to incidents, natural disasters, search and rescue.

3. Patients with critical illnesses mean patients who are suffering diseases in the list of critical illnesses prescribed by the Ministry of Health.

Article 4. Principles of organizing the mobilization, receipt and distribution and use of voluntary contributions

1. The State encourages, honors and creates favorable conditions for organizations and individuals to make voluntary contributions and organize to mobilize the voluntary contributions; promotes the spirit of solidarity, mutual love and timely support people affected by natural disasters, epidemics, incidents or patients with critical illnesses in order to stabilize their life, restore and develop the production and business as soon as possible.

2. Contributions for remediation of difficulties caused by natural disasters, epidemics and incidents shall be mobilized in case natural disasters, epidemics and incidents cause damages to human life, property or the citizens’ living conditions; contributions supporting patients with critical illnesses shall be mobilized depending on a case-by-case basis.

3. Contributions must be timely mobilized on the principle of voluntariness; organizations and individuals are not allowed to set the minimum contribution level; organizations and individuals must contribute their legal income or assets.

4. The receipt, distribution and use of cash contributions and in-kind contributions to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics, incidents, and support patients with critical illnesses must be carried out in a proper, timely, public, transparent, equal and effective manner for the right beneficiaries, with the close and synchronous coordination among involved agencies, ministries, sectors, localities, organizations and individuals.

5. Funding for the mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions shall comply with current law on state budget and this Decree.

Article 5. Prohibited acts

1. Obstructing or forcing organizations and individuals to participate in the mobilization, receipt and distribution and use of voluntary contributions.

2. Reporting or providing false information; appropriating; improperly distributing and using or failing to distribute or use according to the schedule or to the right beneficiaries.

3. Taking advantages of the mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions for self-seeking purposes, or performing activities to undermine the national security and social order.

 

Chapter II

SPECIFIC PROVISIONS

 

Section 1

ORGANIZATIONS INVOVLED IN MOBILIZATION, RECEIPT, DISTRIBUTION AND USE OF VOLUNTARY CONTRIBUTIONS TO OVERCOME DIFFICULTIES CAUSED BY NATURAL DISASTERS, EPIDEMICS AND INCIDENTS OCCURRED IN THE COUNTRY

 

Article 6. Calling for, and mobilizing voluntary contributions

In case there is a natural disaster, epidemic or incident causing damages to human life, property or the citizens’ living conditions, depending on the damage level and scope, organizations shall call for, and mobilize voluntary contributions as follows:

1. The Presidium of the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front or the Presidents of provincial-level Vietnam Fatherland Front Committees shall call for and mobilize organizations and individuals to make voluntary contributions to support the people and localities suffering from damages.

2. The Vietnam Red Cross Society shall call for and mobilize domestic and overseas red cross organizations to support in accordance with current law on red cross operations.

3. Mass media agencies shall respond to the calling of the Presidium of the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front and provincial-level Vietnam Fatherland Front Committees and mobilize organizations and individuals to make voluntary contributions for remediation of difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents as prescribed by law.

4. Charity funds shall call for and mobilize organizations and individuals to make voluntary contributions for remediation of difficulties caused by natural disasters, epidemics, or incidents in their areas.

5. Enterprises, cooperatives and other organizations with legal status shall call for and mobilize organizations and individuals to make voluntary contributions for remediation of difficulties caused by natural disasters, epidemics. When mobilizing voluntary contributions, organizations shall post notices on websites or mass media, including a commitment on the mobilization purposes, scope, methods and forms, beneficiaries, support time, and send such in writing to the People’s Committees of communes where their head offices are located according to the form attached to this Decree. The commune-level People’s Committees shall archive such documents for monitoring and providing information at requests of supporting organizations and individuals or supported individuals and competent agencies in service of instruction, monitoring, inspection, examination, supervision, and handling of violations.

6. The National Steering Committee for Natural Disaster Prevention and Control shall call for and mobilize international voluntary contributions in natural disaster-related emergency circumstances. Ministries, ministerial-level agencies, and government-attached agencies, provincial-level People's Committees, district-level People's Committees shall call for, and mobilize organizations and individuals to make voluntary contributions to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents.

Article 7. Composition and tasks of the Mobilization Committees

1. Composition of Mobilization Committees at all levels (including the Central Mobilization Committee and local Mobilization Committees):

a) Leader of the Vietnam Fatherland Front Committee at each level shall act as the head of Mobilization Committee of the same level;

b) Depending on actual situations, the head of Committee shall decide on composition of the Mobilization Committee, including representatives of relevant agencies and organizations.

2. Tasks of Mobilization Committees:

a) Coordinate with mass media agencies in disseminating the mobilization’s meaning, time, receiving locations and accounts to contributing organizations and individuals;

b) Assume the prime responsibility for, and coordinate with authorities at the same level in, receiving, managing and distributing voluntary contributions to localities and citizens in areas affected by natural disasters, epidemics or incidents in a timely, proper, transparent and public manner;

c) Report the situation and results of the mobilization, receipt and distribution of voluntary contributions under the prescribed regime.

Article 8. Period of mobilization, receipt and distribution

1. The mobilization is raised immediately after the occurrence of the natural disasters, epidemics or incidents that cause damages to human life, property or the citizens’ living conditions.

2. Depending on the actual development and requirements for remediation of consequences of natural disasters, epidemics or incidents, organizations, agencies and units that mobilize voluntary contributions specified in Article 6 of this Decree shall decide on the period of receiving voluntary contributions for remediation of consequences of natural disasters, epidemics or incidents, but not later than 90 days from the date of raising the mobilization (except for the case of following the commitment with contributing organizations and individuals). In case of necessity, the Mobilization Committees at provincial level or higher levels may decide on extending the duration of receiving voluntary contributions.

3. The distribution shall be carried out immediately in the process of mobilization, receipt and end within 20 days after ending the duration of receiving contributions (except for the case of following the commitment with contributing organizations and individuals).

Article 9. Receipt and management of voluntary contributions

1. Receipt and management of voluntary contributions in cash:

a) Organizations, agencies and units specified at Points a, b, c, d and e, Clause 1, Article 2 of this Decree shall open a separate account in the State Treasury or commercial bank for each mobilization to receive and manage cash contributions from organizations and individuals in the receiving period. If the Mobilization Committee at provincial level or higher level does not extend the receiving duration, organizations, agencies and units are not allowed to receive cash contributed after the receiving period and must notify to the place where the account is opened (the State Treasury or commercial bank) on stopping receiving voluntary contributions.

Mass media agencies and organization acting as focal points in receiving voluntary contributions from collectives and individuals in their agencies and units to support localities affected by natural disasters, epidemics and incidents shall remit the mobilized cash contributions to the separate account of the mobilizing agency at the same level, which is opened to receive and manage voluntary contributions;

b) For localities not affected by natural disasters, epidemics or incidents:  The commune-level Mobilization Committee shall transfer money to the account of the district-level Mobilization Committee or directly to the account of the provincial-level Mobilization Committee; the district-level Mobilization Committee shall transfer money to the account of the provincial-level Mobilization Committee; the provincial-level Mobilization Committee shall transfer money to the account of the Central Mobilization Committee to synthesize, balance and distribute support to localities affected by natural disasters, epidemics, or incidents, or directly transfer to the Mobilization Committees of localities affected by natural disasters, epidemics and incidents;

b) For localities affected by natural disasters, epidemics or incidents:  The Mobilization Committee at commune and district levels shall report to the Mobilization Committee at higher level on the results of receipt, plans on distribution plan and use of voluntary donations, and transfer money to the account of the Mobilization Committee at higher level or keep it for distribution and use directly in support the remediation of consequences of natural disasters, epidemics and incidents in the locality as prescribed in Clause 4, Article 10 of this Decree;

d) If organizations and individuals donate in foreign currency, the Mobilization Committee shall sell the foreign currency to a commercial bank and pay the proceeds to the account of the Mobilization Committee at the same level.

2. Receipt and management of voluntary contributions in kind:

a) Mobilization Committees at all levels shall coordinate with agencies and units at the same levels in guiding the establishment of points for receipt of voluntary contributions in kind. All voluntary contributions in kind must be delivered and received in full quantity and type; preserved and stored according to the standards specified at the receiving points or the receiving warehouses as designated by the Mobilization Committees.  Based on the actual situation, units receiving voluntary contributions in kind may temporarily use goods warehouses, their head offices or rent warehouses and yards as gathering places;  

b) In case of urgent need for support, quick release of voluntary contributions in kind at the receiving points, the Mobilization Committees shall decide to immediately distribute necessities (clothes, food, medicines, other necessities) to the supported subjects;

c) In case the voluntary contributions are gold, silver, precious metals or gems, the Mobilization Committees shall organize an auction in accordance with current law regulations on asset auctions and transfer the proceeds to the account of the Mobilization Committees at the same levels. In case the commune-level Mobilization Committee receives the in-kind contributions and organizes the auction, the proceeds shall be deposited into the account of the district-level Mobilization Committee.

3. For the receipts with conditions and specific addresses, the Mobilization Committees shall be responsible for complying with commitments. 

4. The National Steering Committee for Natural Disaster Prevention and Control shall receive and transfer international emergency assistance in emergency situations of natural disasters according to current regulations.

5. Based on the guidance of the Central Mobilization Committee, ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies shall receive voluntary contributions to support overcoming difficulties caused by natural disasters, epidemics, incidents and transfer to the Central Mobilization Committee, Vietnam Red Cross Society, provincial-level People's Committee at the localities affected by natural disasters, epidemics and incidents or keep it for direct use to support the remediation of natural disasters, epidemics, incidents.

6. Charity funds shall receive and manage voluntary contributions that are mobilized and distributed according to Clause 5, Article 10 of this Decree.  In response to the call of the Presidium of the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front, the provincial-level Vietnam Fatherland Front Committee and calling and mobilizing for support outside the scope of activities, charity funds shall receive, then transfer to the Mobilization Committee at the same level to support people and localities affected by natural disasters, epidemics and incidents.

7. Enterprises, cooperatives and other organizations with legal status shall open a separate account at the State Treasury or commercial bank for each mobilization to receive and manage cash contributions mobilized according to commitments, this Decree and relevant laws; receipt of voluntary contributions in cash or in kind received upon request of the contributing organizations or individuals.  Organizations are not allowed to receive additional voluntary contributions after the end of the committed receiving period and shall be responsible for notifying the place of account opening (the State Treasury or commercial bank) of the cessation of receiving voluntary contributions.

8. In addition to contributions in cash or in kind, organizations and individuals can contribute by providing free-of charge services or discount some services to support overcoming difficulties caused by natural disasters, diseases, incidents. Mobilization Committees at all levels shall notify the provision of services to organizations and individuals facing difficulties caused by natural disasters, epidemics and incidents.

Article 10. Distribution and use of voluntary contributions

1. Grounds for distribution of voluntary contributions:  

a) The extent of damage caused by natural disasters or incidents; the extent of the impact of epidemics;

b) General voluntary contributions to the community and specific conditional and addressable supports;

c) Voluntary contributions from organizations and individuals that have directly supported individuals and households affected by natural disasters, epidemics and incidents (not through the Mobilization Committees).

2. The Central Mobilization Committee shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies in, distributing and using the received voluntary contributions for localities affected by natural disasters, epidemics and incidents.

3. Based on the guidance of the Central Mobilization Committee, the provincial-level Mobilization Committees in the localities not affected by natural disasters, epidemics or incidents shall distribute voluntary contributions to localities affected by natural disasters, epidemics and incidents.

4. Based on the guidance of the Mobilization Committees at higher levels, the Mobilization Committees at all levels in localities affected by natural disasters, epidemics and incidents shall assume the prime responsibility for, and coordinate with representatives of the People's Committees at the same level and relevant agencies in, deciding the content, extent, form and subject of supports according to their assigned functions, tasks and mobilization methods, ensuring suitability to the actual situation in the localities, right purposes, efficiency, publicity, transparency and allocation and use of support to people facing difficulties caused by natural disasters, epidemics and incidents.  The contents of support expenditures from voluntary contributions shall comply with Article 11 of this Decree.

5. Charity funds shall be responsible for coordinating with the People's Committee in the localities receiving the support to distribute voluntary contributions according to the purpose and scope of activities and notify the Vietnam Fatherland Front Committees at the same levels, contributing organizations and individuals.

6. For voluntary contributions mobilized and received by enterprises, cooperatives and other organizations with legal status, the following procedures shall be applied:

a) Enterprises, cooperatives and other organizations with legal status shall be responsible for notifying the People's Committee in the locality receiving the support (provincial, district and commune levels according to decentralization; in case of necessity, contact the provincial-level People's Committee for specific instructions) to coordinate in determining the scope, subjects, extent and duration of support, and distribute and use voluntary contributions mobilized and encouraged to spend according to the contents specified in Clause 1, Article 11 of this Decree, except for the case of compliance with commitments with contributing organizations and individuals specified in Clause 5, Article 6 of this Decree.  The mobilized, conditionally-received and addressable amounts must follow the commitments and provisions of this Decree;

b) Within 3 working days from the date of receipt of the notice, the People's Committee in the locality receiving the supports shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Mobilization Committee at the same level (if any) in guiding enterprises, cooperatives and other organizations with legal status on the scope, subjects and extent of supports, time to distribute voluntary contributions and create conditions and ensure safety for support activities; appoint a coordinated force to participate in the distribution of voluntary contributions when necessary or at the request of enterprises, cooperatives and other organizations with legal status;

c) Enterprises, cooperatives and other organizations with legal person status shall be responsible for reaching an agreement with contributing organizations and individuals to have a plan for distribution and use of the remaining cash contributions or in-kind contributions or transfer them to the Vietnam Fatherland Front Committees at all levels for implementation of social security policies to ensure compliance with the objectives committed with the contributing organizations and individuals.  The further distribution and use to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics and incidents occurred in the country shall comply with this Decree.

7. Unused voluntary contributions received by the Mobilization Committees at all levels shall be used for tasks of overcoming difficulties caused by natural disasters, epidemics, incidents of the following session.  At the end of the year, the remaining voluntary contributions shall be transferred to the next year for further implementation.

Article 11. Expenditures from voluntary contributions

1. Voluntary contributions without conditions, specific addresses shall be spent according to the following contents:

a) Supporting seriously injured people, families with people missing due to natural disasters, epidemics or incidents; funeral expenses for families whose people died due to natural disasters, epidemics or incidents;

b) Providing food, drinking water, medicine and other necessities for people and households facing difficulties caused by natural disasters, epidemics and incidents; 

c) Supporting households to repair and rebuild houses that have fallen, collapsed, drifted, burned completely, repaired severely damaged houses; households have their houses relocated urgently due to the risks from natural disasters and incidents in order to stabilize people's lives;

d) Supporting to move people out of areas hit by natural disasters, epidemics and incidents;

dd) Building up temporary camps for people due to relocation or loss of housing;

e) Conducting the environment hygiene and preventing infectious diseases in areas hit by natural disasters, epidemics and incidents;

g) Supporting the procurement of medical equipment, supplies and goods necessary for disease prevention and control;

h) Supporting plant, pet and aquatic varieties, supplies, equipment, essential fuels; production tools and means which are lost or severely damaged due to natural disasters or incidents in order to restore production and assist in renovating the eroded and accreted agricultural land;

i) Supporting to repair and restore works for natural disaster prevention and control, traffic, information, irrigation, daily-life water supply, electricity, schools, medical facilities and other essential infrastructure works that are damaged;

k) Supporting meals and living expenses for people facing difficulties due to the impact of natural disasters and incidents; people subject to medical isolation during the quarantine period; people facing difficulties due to having to take measures to prevent and control the epidemic at the request of competent state agencies and other supports as decided by the provincial-level People's Committee.

2. For remaining expenditures for mobilizing voluntary contributions to overcome difficulties caused by natural disasters and epidemics after being used according to spending contents specified in Clause 1 of this Article, the People’s Committee shall reach an agreement with the Mobilization Committee at the same level on deciding to implement social security policies in localities hit by natural disasters and epidemics according to the actual situation of localities and the mobilization's targets.

3. In case the voluntary contributions are contributed to a specific address for repairing, restoring, upgrading and building new essential infrastructure and other contents, contributing organizations and individuals shall reach an agreement with local authorities on design, scale, quality and progress of repairing and building such works in conformity with relevant plannings as prescribed by current laws.

Article 12. Expenses for implementation of tasks of mobilizing, receiving, distributing and using voluntary contributions

1. Expenses for implementation of tasks of mobilizing, receiving, distributing and using voluntary contributions are guaranteed from the annual expenses for operation of agencies and units.

2. In case of arising expenses affected to the performance of tasks, agencies and units assigned to mobilize, receive, distribute and use voluntary contributions in kind and cash shall report the financial agencies at the same levels for submission to the competent authorities to grant additional funds in accordance with current law on state budget.

3. It is not allowed to use received voluntary contributions in kind and cash to pay for the expenses of organizations, agencies or units that arise in the course of mobilization, receipt, distribution and use of such voluntary contributions. In case of obtaining approval from contributing organizations and individuals, organizations, agencies or units may use voluntary contributions for such expenses but must synthesize and publicize such expenditures.

Expenses of enterprises, cooperatives and other organizations with legal status that arise in the course of mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions in kind and cash shall comply with regulations on financial management applicable to organizations and relevant laws.

Article 13. Management of finance and construction, reporting regime

1. Investment projects on repairing, restoring, upgrading and building new essential infrastructure funded by voluntary contributions shall be managed in accordance with current law on construction and state budget. In case investment projects on repairing, restoring, upgrading and building new essential infrastructure are partially funded by the voluntary contributions and public investment capital, they shall be managed in accordance with current laws on construction, public investment and state budget.

2. Within 30 days after ending the mobilization, the provincial-level Mobilization Committee shall report the Central Mobilization Committee for summarization and making of reports on results of the mobilization, receipt, distribution and use of the cash contributions and in-kind contributions and the remaining contributions (if any), send them to the Prime Minister, the Ministry of Finance and relevant ministries and agencies. The Mobilization Committees at commune, district and provincial levels shall report the People’s Committees at the same levels and send such reports to the financial agencies at the same levels.

3. Agencies, organizations and units receiving and distributing voluntary contributions to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics and incidents shall be responsible for recording the receipt and distribution on the financial statements of agencies, organizations and units in accordance with current regulations.

a) State agencies, public non-business units and armed forces directly use the voluntary contributions for their own agencies and units shall report the competent authorities for supplementing estimates and synthesizing in the state budget in accordance with current laws on state budget;

b) Agencies, cooperative and other organizations with legal status shall perform the financial management of voluntary contributions mobilized under this Decree and relevant laws.

4. Organizations, agencies and units mobilizing, receiving and distributing contributions for social and charity activities that organize an independent apparatus must open an accounting book to record and account incurred economic operations, make financial statements in a sufficient and transparent manner.

5. Organizations, agencies and units mobilizing, receiving and distributing contributions for social and charity activities that do not organize an independent apparatus (assigned to concurrently manage such contributions) may account on the same accounting book system of them, but are required to separately monitor expenditures and revenues for such activities, ensure to manage and use such contributions properly. Annually, they are required to make reports, publicize data as prescribed by law, at the same time, explain separately data of social and charity activities on their financial statements on a transparent manner.

6. Voluntary contributions in kind used to perform investment projects on repairing, restoring, upgrading and building essential infrastructure shall be accounted in the value of the completed works and projects that are handed over to the managing organizations, agencies and units for monitoring based on their unit prices, without being included in the state budget.

7. For supports and donations that are essential infrastructure, equipment, the receipt and determination of their value, and their management shall comply with current laws on management and use of public properties. Organizations assigned to manage such assets shall account for the corresponding increase in asset value.

8. Organizations, agencies and units mobilizing, receiving and distributing voluntary contributions to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics and incidents shall be responsible for providing information at request of competent agencies as prescribed by law.

 Article 14. Disclosure of voluntary contributions

1. Organizations mobilizing, receiving, distributing and using voluntary contributions shall be responsible for fully, promptly and accurately disclosing activities related to the mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions.

2. Contents to be disclosed:

a) Documents on the organization of calling for and mobilizing voluntary contributions;

b) Results of the mobilization (total amount of received cash and in-kind contributions), distribution of voluntary contributions in cash and in kind of organizations and individuals;

c) Subjects, policies and level of support for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents;

d) Organizations, agencies or units directly receiving voluntary contributions shall disclose the time, places and methods of receiving voluntary contributions in cash and in kind.

3. Forms of disclosure:

a) Disclosing the information on official websites of the organizations, agencies or units;

b) Publicly posting the information at headquarters of organizations, agencies, units and community gathering places (hamlets, villages, religious community, residential groups);

c) Notifying in writing relevant agencies involved in the process of mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents; announcing the information in the mass media.

At least one of the three forms of disclosure specified in Clause 3 of this Article is required; in which disclosing the information on official websites of the organizations, agencies or units is mandatory; In case there is no website, they must publicly post the information at their headquarters.

4. Time of disclosure:

a) Documents on the organization of calling for and mobilizing organizations and individuals to donate voluntary contributions in cash and in kind must be disclosed right after the promulgation of such documents;

b) The time, places, and methods of receiving voluntary contributions in cash and in kind must be publicized from 01 to 03 days before the implementation;

c) Publicizing the results of the mobilization, receipt and distribution of voluntary contributions: The total amount of cash and in-kind contributions that have been received must be publicized no later than 15 days after the end of the receiving period; the total amount of cash and in-kind contributions that have been distributed and used must be publicized within 30 days after the period during which the distribution and use of contributions are performed;

d) Beneficiaries, support policies and levels of support must be publicized right from the beginning of support, distribution of voluntary contributions in cash and in kind.

5. Duration of disclosure:

a) Publicly posting the information at headquarters of the organizations, agencies or units, community gathering places and on their official websites must be implemented within 30 days;

b) Announcing the information in the mass media as follows: The information must be announced on a printed newspaper in 03 consecutive issues, and on radio and television programs within 03 consecutive days.

Article 15. Receipt, distribution and use of voluntary contributions by foreign organizations and individuals

1. Receipt, management and use of international aid amounts by foreign governments, international organizations, organizations authorized by foreign governments, non-governmental organizations, other foreign organizations and individuals for relief and remediation of natural disaster consequences shall comply with the Government’s Decree No. 50/2020/ND-CP dated April 20, 2020 on receipt, management and use of international emergency aid for relief and remediation of natural disaster consequences.

2. Management and use of non-refundable aid not belonging to official development assistance provided by foreign agencies, organizations and individuals for the humanitarian assistance purpose shall comply with the Government’s Decree No. 80/2020/ND-CP dated July 08, 2020 on management and use of non-refundable aid not belonging to official development assistance provided by foreign agencies, organizations and individuals for Vietnam.

Article 16. Receipt, distribution and use of voluntary contributions by the Red Cross Society system

Receipt, distribution, use and publicity of voluntary contributions for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents by the Red Cross Society at central and local levels shall comply with current law regulations on red-cross activities and relevant law regulations.

 

Section 2

REGULATIONS APPLIED TO INDIVIDUALS PARTICIPATING IN MOBILIZATION, RECEIPT, DISTRIBUTION AND USE OF VOLUNTARY CONTRIBUTIONS FOR PEOPLE TO OVERCOME DIFFICULTIES CAUSED BY NATURAL DISASTERS, EPIDEMICS OR INCIDENTS OCCURRED IN THE COUNTRY

 

Article 17. Mobilization and receipt of voluntary contributions

1. When carrying out the mobilization, receipt and distribution of voluntary contributions for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents, an individual shall be responsible for notifying the purpose, scope, method, form of mobilization, accounts of receipt (of cash contributions), places of receipt (of in-kind contributions), time of commitment to distribute such contributions in the media and send the commune-level People's Committee where he/she resides a written notice, made according to the form of Notice issued together with this Decree. The commune-level People's Committee shall be responsible for storing the documents for the monitoring purpose and providing information at the request of organizations and individuals contributing or receiving the support and competent agencies for guidance, monitoring, inspection, examination, supervision and handling of violations.

2. The individual shall open a separate account at a commercial bank for each campaign to receive and manage all amount of voluntary contributions, arrange a suitable location to receive, manage and preserve voluntary contributions in kind during the period of receiving contributions; have receipts of voluntary contributions in cash or in kind received at the request by contributing organizations and individuals. The individual is not allowed to additionally receive voluntary contributions after the end of the committed period of receiving contributions and is responsible for notifying the cessation of receiving voluntary contributions to the place where the account is opened.

Article 18. Distribution and use of voluntary contributions

1. Based on the voluntary contribution of each campaign or reception, an individual shall be responsible for notifying People's Committees of the localities where the support is received (at provincial, district, commune levels as decentralized; in case of necessity, contacting provincial-level People's Committees for specific instructions) at the latest to coordinate in determining the scope, subjects, level and time of support, and distributing and using the contributions in accordance with the commitments defined in Clause 1, Article 17 and this Decree, including contributions with specific conditions, addresses (if any).

2. Within 03 working days from the date of receipt of the notice, a People's Committee of the locality where the support is received shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Mobilization Committee at the same level (if any) in, providing the individual with guidance on the scope, subjects, levels of support, time to distribute voluntary contributions; creating favorable conditions and ensuring safety for support activities; assigning a force that coordinates in participating in the distribution of voluntary contributions when necessary or at the request of the individual.

3. The individual is encouraged to distribute voluntary contributions to the contents specified in Clause 1, Article 11 of this Decree, except for cases in which he/she must comply with commitments required by contributing organizations or individuals.

4. The contribution-mobilizing individual shall be responsible for reaching an agreement with contributing organizations and individuals to formulate a plan to distribute and use the remaining voluntary contributions or transfer them to the Vietnam Fatherland Front Committees at all levels for the implementation of social security policies, ensuring the compliance with the goals to which the individual has committed the contributing organizations and individuals. The continuation in distribution and use of contributions for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents occurred in the country shall comply with this Decree.

Article 19. Financial management, disclosure of voluntary contributions

1. Expenses for activities of mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions shall be paid by the contribution-mobilizing individuals. In case of consent of contributing organizations and individuals, the individuals may spend voluntary contributions to pay for such expenses, but the latter must be synthesized and publicized.

2. Voluntary contributions mobilized, received, distributed and used by individuals for remediation of consequences of natural disasters, epidemics or incidents shall not be included into the state budget. In case of supporting the repair, construction of essential infrastructure works, procurement of equipment, organizations, agencies and units receiving, distributing and using the support shall perform the financial management in accordance with Clause 3, Article 13 of this Decree; In case of support of specific assets being essential infrastructure works, equipment from voluntary contributions mobilized, received, distributed and used by individuals to support administrative agencies and public non-business units, the receipt, determination of their value and management of the assets shall comply with Clause 7, Article 13 of this Decree.

3. The publicity, transparency of voluntary contribution amounts mobilized, received, distributed and used by individuals for remediation of consequences of natural disasters, epidemics or incidents must be ensured. An individual shall be responsible for making a book with full information on the results of receipt and distribution of voluntary contributions in cash and in kind by the supported subjects and localities, including voluntary contributions with specific conditions and addresses (if any), publicize the contents specified in Clause 2, Article 14 of this Decree on the media and send the results in writing to the commune-level People's Committee where he/she resides to publicly post it at the headquarters of the agency within 30 days. The time for publicity shall comply with Clause 4, Article 14 of this Decree.

4. Individuals carrying out the mobilization, receipt and distribution of voluntary contributions for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents shall be responsible for providing information at the request of competent authorities according to law regulations.

 

Section 3

REGULATIONS APPLIED TO ORGANIZATIONS PARTICIPATING IN MOBILIZATION AND RECEIPT OF VOLUNTARY CONTRIBUTIONS TO SUPPORT TO OTHER COUNTRIES HIT BY NATURAL DISASTERS

 

Article 20. Mobilization of voluntary contributions

 The Ministry of Foreign Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Vietnam Red Cross Society in, reporting to the Prime Minister to issue appeals to people to render support to peoples of countries hit by natural disasters and act as the focal point of Vietnam to assist other countries under the Government’s direction.

Article 21. Receipt and distribution of voluntary contributions

1. The Red Cross Society at all levels shall open their account at the State Treasury or a commercial bank to receive contributions for the peoples of another country.

2. The entire received amount shall be paid into the accounts of the Red Cross Society at all levels and transferred to the Vietnam Red Cross Society’s account. 

3. No later than 30 days after the end of the campaign, the Vietnam Red Cross Society shall, based on the received voluntary contributions in cash and in kind, coordinate with the Ministry of Foreign Affairs in transferring the voluntary contributions in cash and in kind to the country hit by natural disasters. In case of the campaign to support many countries hit by natural disasters, the Ministry of Foreign Affairs shall coordinate with the Vietnam Red Cross Society and relevant agencies in reporting on it to the Prime Minister to decide on a specific level of support for each country hit by natural disasters.

4. The amount to support other countries hit by natural disasters shall not be included into the state budget. The Vietnam Red Cross Society shall be responsible for reporting on finalization of used funds in accordance with the current financial regime.

5. The Red Cross Society at all levels shall publish the receipt, distribution and voluntary contributions in cash and in kind to support the peoples of other countries in accordance with Article 16 of this Decree.

 

Section 4

REGULATIONS APPLIED TO ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS PARTICIPATING IN MOBILIZATION, RECEIPT AND USE OF VOLUNTARY CONTRIBUTIONS TO SUPPORT PATIENTS WITH CRITICAL ILLNESSES

 

Article 22. Mobilization of voluntary contributions

Mass media agencies, health establishments, charity funds, organizations with legal person status and individuals may mobilize contributions, participate in the contribution to support patients with critical illnesses on a case-by-case basis.

Article 23. Receipt, management and use of the voluntary contributions in cash

1. Mass media agencies, health establishments, charity funds and organizations with legal person status shall open their account at the State Treasury or a commercial bank to receive voluntary contributions in cash and directly provide the support to patients with critical illnesses; publicize the mobilized amount, the amount used for the patients, the remaining unused amount (if any) on the media or post such information at headquarters of the organizations, agencies, units and notify in writing the commune-level People's Committees where the patients with critical illnesses reside for information.

2. Individuals receiving voluntary contributions and using them to directly support patients with critical illnesses. The individuals shall fully synthesize the information on results of their receipt and use of voluntary contributions to support patients with critical illnesses and publicizing it in the media.

3. Voluntary contribution amounts mobilized, received and used by organizations and individuals to support patients with critical illnesses shall not be included into the state budget. Organizations, agencies and units mobilizing, receiving and using voluntary contributions to support patients with critical illnesses shall be responsible for recording such receipt and use of voluntary contributions in their financial statements in accordance with current regulations.

Article 24. Expenses for activities of mobilization, receipt and distribution of contributions

1. Expenses in an organization’s mobilization, receipt, distribution of voluntary contributions in kind, and transfer of voluntary contributions in cash to support patients with critical illnesses shall be paid by the organization's operating budget.

2. Expenses for an individual’s mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions shall be paid by such individual. In case of consent of contributing organizations and individuals, the individual may spend voluntary contributions to pay for such expenses, but the latter must be synthesized and publicized.

 

Chapter III

IMPLEMENTATION PROVISIONS

 

Article 25. Responsibilities of Vietnam Fatherland Front Committees, the Vietnam Red Cross Society, ministries, sectors and localities

1. The Standing Agency of Central Committee of the Vietnam Fatherland Front and the Vietnam Red Cross Society shall be responsible for organizing, directing and guiding the work of mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions in cash and in kind to support the People and localities hit by natural disasters, epidemics or incidents. Vietnam Fatherland Front Committees at all levels and socio-political organizations shall organize the supervision of the implementation in accordance with law regulations.

2. The Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and sectors in, organizing the implementation of social assistance policies, monitoring, inspecting and examining the receipt, distribution and use of voluntary contributions to support the people and localities hit by incidents, ensuring the compliance with regimes and policies.

3. The Ministry of Health shall:

a) Assume the prime responsibility for, and coordinate with relevant ministries and sectors in, promulgating the list of critical illnesses;

b) Assume the prime responsibility for, and coordinate with relevant ministries and sectors in, organizing the implementation of, monitoring, inspecting and examining the support for the prevention and control of infectious diseases in humans, and the support for patients with critical illnesses, ensuring the compliance with regimes and policies.

4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors in, organizing the implementation of, monitoring, inspecting and examining the receipt, distribution and use of voluntary contributions to support the people and localities hit by natural disasters, animal epidemics or plant pests, ensuring the compliance with regimes and policies.

5. The Ministry of Foreign Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Vietnam Red Cross Society in, organizing the mobilization, receipt, distribution of voluntary contributions to support other countries hit by natural disasters.

6. The Ministry of Finance shall be responsible for coordinating with the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front and relevant agencies in managing voluntary contributions to be transferred to the central budget in accordance with current law regulations on the state budget; organizing the inspection and examination of the receipt, distribution and use of voluntary contributions in cash and in kind for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents; guiding the handling of problems arising during the implementation of this Decree (if any).

7. The Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Construction, and the Ministry of Industry and Trade shall, within their assigned functions and tasks, organize the implementation, monitor, inspect, examine and handle problems related to environmental pollution, supply of electricity and domestic water, supply of materials, essential commodities and market stabilization that are caused by natural disasters, epidemics or incidents.

8. People’s Committees of provinces and centrally-run cities shall be responsible for:

 a) Coordinating with the Vietnam Fatherland Front Committees at the provincial level and the Red Cross Societies at the provincial level in promulgating the Regulation on coordination in the mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents in the localities; in which clearly specifying the principles of coordination; methods and contents of coordination; inspection, examination, monitoring and supervision of the implementation and responsibilities of relevant agencies in accordance with this Decree; in case voluntary contributions are transferred to local budgets, the management of such voluntary contributions shall be in accordance with current law regulations on state budget and relevant legal documents;

b) Providing and updating the information on development of natural disasters, epidemics or incidents; situation of damage caused by natural disasters, epidemics or incidents on the agency's website for the support work.

9. Mass media agencies shall coordinate with relevant agencies in providing accurate information in a timely manner during the mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions for people to overcome difficulties caused by natural disasters, epidemics or incidents; support patients with critical illnesses.

Article 26. Effect

1. This Decree takes effect on December 11, 2021 and replaces the Government’s Decree No. 64/2008/ND-CP dated May 14, 2008 on mobilization, receipt, distribution and use of voluntary contributions for people to overcome difficulties caused by natural disasters, fires or serious incidents; support patients with critical illnesses.

2. The list of critical illnesses specified in current legal documents shall continue to be applied in the mobilization, receipt and use of voluntary contributions to support patients with critical illnesses until the list of critical illnesses prescribed at Point a, Clause 3, Article 25 of this Decree is issued by the Ministry of Health and takes effect.

Article 27. Implementation responsibility

Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies and other central agencies, and chairpersons of People’s Committees of provinces, centrally-run cities shall be responsible for the implementation of this Decree./.

 

 

FOR THE GOVERNMENT

FOR THE PRIME MINISTER

THE DEPUTY PRIME MINISTER

 

 

Le Minh Khai

 

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch LuatVietnam
Decree 93/2021/ND-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Decree 93/2021/ND-CP PDF
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Thông tư 26/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư 132/2016/TT-BTC ngày 18/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chuẩn bị và tổ chức Hội nghị cấp cao Hợp tác chiến lược kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công lần thứ bảy, Hội nghị cấp cao Hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ tám và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mê Công tại Việt Nam

Tài chính-Ngân hàng, Chính sách

văn bản mới nhất