NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 14/CP NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 1996 VỀ VIỆC QUẢN LÝ GIỐNG VẬT NUÔI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về giống vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và nhân nhanh đàn giống tốt phục vụ sản xuất;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,
NGHỊ ĐỊNH
Điều 1.- Trong Nghị định này, những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giống vật nuôi là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc; ngoại hình và cấu trúc di truyền được hình thành, củng cố và phát triển do tác động của con người, giống vật nuôi phải có số lượng nhất định để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau.
2. Giống vật nuôi trong Nghị định này gồm các giống gia súc, gia cầm, thuỷ sản, ong, tằm và các sản phẩm giống của chúng như trứng giống, tinh dịch, phôi.
3. Giống gốc là giống vật nuôi thuần chủng được chọn lọc và nuôi dưỡng để nhân giống có năng suất, chất lượng ổn định.
4. Đàn giống ông bà là giống vật nuôi nhân từ đàn giống gốc và được chọn lọc có định hướng.
5. Đàn giống bố mẹ là sản phẩm của đàn giống của ông bà, sản xuất ra con giống thương phẩm.
6. Chọn lọc giống là sử dụng các biện pháp kỹ thuật, theo dõi cá thể vật nuôi và giữ lại làm giống những cá thể bảo tồn nguồn gen quý của giống nhằm đạt năng suất và chất lượng cao.
7. Kiểm tra năng suất cá thể, quần thể hoặc quần đàn thuỷ sản là đánh giá chọn những con giống hậu bị tốt, nuôi theo chế độ quy định, theo dõi một số chỉ tiêu quan trọng, đánh giá năng suất chất lượng và phân loại để sử dụng.
8. Kiểm tra năng suất qua đời sau để đánh giá năng suất và chất lượng thông qua đời con của bản thân con giống cần kiểm tra.
9. Hợp tử là tế bào lưỡng bội được tạo ra từ tinh trùng và trứng.
10. Phôi là hợp tử đã phát triển có các lá mầm và lá phôi.
11. Bảo tồn gen là giữ lâu dài những nguồn gen quý của giống vật nuôi mà vẫn bảo đảm được tính năng sản xuất của chúng.
12. Mở sổ giống là lập sổ ghi chép tập hợp những cá thể, quần thể giống có năng suất cao, chất lượng tốt theo các chỉ tiêu quy định.
Điều 2.- Nhà nước thống nhất quản lý giống vật nuôi bao gồm việc bảo hộ, bồi dục, phát triển tài nguyên giống, quản lý sản xuất kinh doanh giống và xuất nhập khẩu giống nhằm không ngừng nâng cao chất lượng con giống, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển .
Điều 3.- Nhà nước khuyến khích và bảo hộ quyền bình đẳng trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động về chọn giống, nhân giống tốt, nghiên cứu tạo giống mới, cải tạo, sản xuất, kinh doanh giống trên lãnh thổ Việt Nam .
Điều 4.- Nhà nước đầu tư vốn ngân sách vào việc:
1. Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm hoạt động của các cơ quan, đơn vị của Nhà nước làm nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi, chọn tạo và quản lý chất lượng giống vật nuôi.
2. Đào tạo cán bộ chuyên ngành làm nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi, chọn tạo, khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi.
Điều 5.- Nhà nước có chính sách ưu tiên trợ giá cho những cơ sở sản xuất giống gốc, giống ông bà, bảo quản phôi tinh dịch phục vụ cho công tác thụ tinh nhân tạo và cấy truyền giống theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Thuỷ sản và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 6.- Các tổ chức, cá nhân, sản xuất kinh doanh giống vật nuôi được vay vốn tín dụng với lãi suất phù hợp; thời gian vay theo chu kỳ sản xuất của con giống.
Các cơ sở nghiên cứu và sản xuất giống vật nuôi khi nhập giống gốc, giống ông bà, bố mẹ thì được miễn thuế nhập khẩu.
Điều 7.- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên doanh, hợp tác với nước ngoài hoặc người nước ngoài đầu tư vào việc sản xuất giống vật nuôi.
Điều 8.- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản theo chức năng, quyền hạn của mình quy định danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn để chọn lọc, bồi dục, sản xuất giống và quyết định bổ sung hoặc loại bỏ các giống vật nuôi trong danh mục khi cần thiết.
Điều 9.- Tổ chức, cá nhân sản xuất giống gốc, giống ông bà, giống bố mẹ phải có đủ các điều kiện sau:
1. Sản xuất những giống vật nuôi có trong danh mục quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với giống vật nuôi ngành nông nghiệp của Bộ Thuỷ sản đối với giống vật nuôi ngành thuỷ sản;
2. Có số lượng giống nhất định bảo đảm cơ cấu đàn để nhân giống;
3. Có đủ điều kiện về diện tích mặt bằng, chuồng trại, mặt nước phù hợp với yêu cầu kỹ thuật nuôi con giống, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh chăn nuôi thú y và môi trường;
4. Các cơ sở nuôi đàn giống gốc, đàn giống ông bà phải có người quản lý và chuyên trách kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành chăn nuôi hoặc thuỷ sản trở lên và có giấy phép của Bộ cấp;
Các cơ sở nuôi đàn giống bố mẹ phải có người chuyên trách kỹ thuật có trình độ trung cấp chăn nuôi hoặc thuỷ sản trở lên và phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước ngành nông nghiệp, ngành thuỷ sản cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.
Điều 10.- Đàn giống gốc và đàn giống ông bà trong các cơ sở sản xuất giống phải được theo dõi năng suất cá thể, quần thể hoặc quần đàn thuỷ sản; có sổ sách ghi chép rõ ràng về huyết thống, sinh trưởng năng suất, sinh sản, thú y theo mẫu quy định thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản.
Điều 11.- Đàn giống vật nuôi dùng để sản xuất ra con hậu bị nhân giống hoặc trứng giống, phôi giống đều phải được theo dõi đánh giá qua kiểm tra năng suất cá thể hoặc quần đàn thuỷ sản. Những giống vật nuôi để sản xuất giống phải qua kiểm tra năng suất đời sau theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản.
Điều 12.- Tổ chức, cá nhân nuôi đực giống để sản xuất tinh dịch trâu, bò, lợn để thụ tinh nhân tạo phải đăng ký chất lượng và có giấy phép của cấp có thẩm quyền cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong trường hợp nuôi đực giống trâu, bò, lợn để kinh doanh phối giống trực tiếp phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước ngành Nông nghiệp cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Điều 13.- Tổ chức, cá nhân nuôi gia súc để sản xuất phôi, tế bào trứng và cấy truyền phôi phải có trang thiết bị đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có chuyên viên kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành chăn nuôi hoặc sinh học trở lên và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép sản xuất đối với các cơ sở thuộc Trung ương, cơ quan quản lý Nhà nước ngành Nông nghiệp cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép sản xuất đối với các cơ sở của địa phương.
Điều 14.- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh con giống gốc, giống ông bà, giống bố mẹ và sản phẩm trứng của chúng, tinh dịch, phôi phải thực hiện các quy định sau:
1. Con giống phải có chứng chỉ ghi rõ tên hoặc ký hiệu cá thể huyết thống, năng suất, chất lượng, tình trạng sức khoẻ và xử lý thú y;
2. Trứng giống phải có lý lịch huyết thống rõ ràng.
3. Đực giống khai thác tinh dịch phải giới thiệu công khai lý lịch. Tinh dịch phải ghi rõ tên đực giống hoặc ký hiệu, các chỉ số, chất lượng tinh, ngày sản xuất và thực hiện đúng quy dịnh về bao gói, bảo quản, vận chuyển.
4. Phôi phải có giấy chứng nhận nguồn gốc bố mẹ và được bao gói, bảo quản, vận chuyển đúng quy dịnh;
5. Có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định hiện hành.
Điều 15.- Việc nuôi giống gốc, giống ông bà, giống bố mẹ trong các cơ sở thuộc sở hữu Nhà nước được cấp vốn sự nghiệp để chọn lọc, nâng cao chất lượng giống, nhân nhanh giống tốt, khai thác giống mới, bảo vệ tài nguyên giống nhằm đáp ứng nhu cầu con giống cho sản xuất.
Điều 16.- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản theo chức năng, quyền hạn của mình quản lý những con giống vật nuôi cao sản đối với các cơ sở nuôi giống gốc, giống ông bà, thuộc quyền quản lý của Bộ.
Cơ quan quản lý Nhà nước ngành Nông nghiệp, ngành Thuỷ sản cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, quyến hạn của mình quản lý những con giống vật nuôi cao sản trong phạm vi quản lý của địa phương.
Điều 17.- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhập giống tốt, nguồn gen tốt vào Việt Nam. Việc nhập con giống, tinh dịch, phôi và trứng giống phải thực hiện đúng theo quy định nhập khẩu hàng hoá và pháp lệnh thú y, Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Mẫu hồ sơ nhập khẩu do liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thương mại hoặc Bộ Thuỷ sản và Bộ Thương mại quy định.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thương mại, hoặc Bộ Thuỷ sản và Bộ Thương mại phải giải quyết, nếu không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản.
Điều 18.- Các giống vật nuôi đưa vào Việt Nam dưới hình thức quà tặng, vịên trợ hoặc các hình thức khác phải thực hiện đúng Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Trong phạm vi 15 ngày kể từ ngày giống nhập vào Việt Nam người nhận nuôi hoặc sử dụng phải báo cáo giống vật nuôi đó với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoặc Bộ Thuỷ sản.
Điều 19.- Giống gốc, giống ông bà mới nhập vào Việt Nam phải qua khảo nghiệm hoặc thử nghiệm và phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép đối với giống vật nuôi ngành nông nghiệp, Bộ Thuỷ sản cho phép đối với giống vật nuôi ngành thuỷ sản mới được đưa vào sản xuất.
Điều 20.- Những giống vật nuôi nhập vào Việt Nam đã phát triển rộng rãi trong sản xuất, khi nhập thêm thì phải qua khảo nghiệm, hoặc thử nghiệm nhưng phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép đối với giống vật nuôi ngành nông nghiệp, Bộ Thuỷ sản cho phép đối với giống vật nuôi ngành thuỷ sản.
Điều 21.- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu hoặc nhập khẩu con giống, tinh dịch, phôi, trứng giống phải làm thủ tục theo quy định của pháp luật đối với xuất khẩu, nhập khẩu nông sản hàng hoá.
Điều 22.- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản theo chức năng, quyền hạn của mình quy định và công bố danh mục những giống vật nuôi quý hiếm, giống ông bà không được xuất ra nước ngoài. trong trường hợp đặc biệt muốn xuất khẩu thì phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận đối với giống vật nuôi ngành nông nghiệp, Bộ Thuỷ sản chấp thuận đối với giống vật nuôi ngành thuỷ sản, Bộ Thương mại mới cấp giấy phép xuất khẩu.
Điều 23.- Vật nuôi muốn được công nhận là giống mới phải qua khảo nghiệm và được xác định là có đặc tính di truyền, tính năng sản xuất tốt và ổn định.
Hồ sơ xin khảo nghiệm bao gồm:
1. Đơn xin khảo nghiệm: Đăng ký rõ tên giống, nguồn gốc giống, địa điểm khảo nghiệm;
2. Báo cáo khoa học về giống mới;
3. Quy trình kỹ thuật chăn nuôi con giống mới;
4. Nhận xét của những cơ sở đã nuôi thử.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định dơn vị khảo nghiệm giống vật nuôi ngành nông nghiệp, Bộ Thuỷ sản quyết định đơn vị khảo nghiệm giống vật nuôi ngành thuỷ sản. Đơn vị khảo nghiệm phải báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Thuỷ sản về kết quả khảo nghiệm.
Điều 24.- Sau khi có kết quả khảo nghiệm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản xem xét ra quyết định công nhận giống mới, đưa vào sản xuất và ghi vào danh mục giống vật nuôi thuộc ngành mình quản lý.
Trong trường hợp không công nhận là giống mới thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản thuộc phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình phải thông báo bằng văn bản cho người tạo giống biết.
Điều 25.- Người tạo ra giống mới được đăng ký với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để giữ bản quyền tác giả và được bảo hộ bằng hình thức bằng tác giả theo Điều lệ về sáng chế.
Điều 26.- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ trưởng Bộ Thuỷ sản thực hiện quản lý Nhà nước về giống vật nuôi của ngành trong phạm vi cả nước, bao gồm các khâu: bảo tồn, nghiên cứu chọn lọc giống khảo nghiệm, công nhận giống mới sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu giống, quản lý chất lượng giống vật nuôi có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo các hoạt động về giống vật nuôi trong phạm vi quản lý của mình.
1. Trình Thủ tướng Chính phủ các văn bản pháp quy về chính sách đầu tư và chế độ quản lý giống vật nuôi; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, cơ sở và cá nhân thi hành quy định về giống vật nuôi; ban hành quy trình, quy phạm kỹ thuật thuộc thẩm quyền về giống vật nuôi;
2. Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về giống vật nuôi để cơ quan có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn Việt Nam;
3. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc có trách nhiệm xét cấp hoặc thu hồi chứng chỉ công nhận chất lượng giống và giấy tờ liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu giống theo Nghị định này;
4. Lập quy hoạch và kế hoạch xây dựng hệ thống giống vật nuôi trên địa bàn cả nước trình Thủ tướng Chính phủ;
5. Thực hiện đăng ký quản lý giống quốc gia;
6. Công bố danh mục giống vật nuôi và quyết định bổ sung hoặc loại bỏ giống vật nuôi trong danh mục khi cần thiết;
7. Tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý hành vi vi phạm quy định về quản lý giống vật nuôi;
8. Xây dựng và thẩm định các dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giống vật nuôi;
Điều 27.- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo các hoạt động quản lý giống vật nuôi trong phạm vi địa phương thông qua hệ thống quản lý Nhà nước của ngành Nông nghiệp, ngành thuỷ sản như sau:
1. Tổ chức quản lý giống vật nuôi trong phạm vi địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản;
2. Thực hiện chính sách đầu tư hỗ trợ vật nuôi trên địa bàn tỉnh, thành phố;
3. Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc quản lý Nhà nước về giống vật nuôi tại địa phương;
4. Quy định việc xét, cấp hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh giống vật nuôi tại địa phương theo quy định của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giống vật nuôi ngành nông nghiệp, của Bộ Thuỷ sản về giống vật nuôi ngành thuỷ sản;
5. Tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý giống vật nuôi ở địa phương;
6. Tổ chức hội chợ, thi tuyển các giống vật nuôi tốt tại địa phương.
Điều 28.- Các cấp quản lý ngành nông nghiệp và ngành thuỷ sản từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất về chất lượng đàn giống và nghiệp vụ quản lý giống của các cơ sở nuôi giống gốc, giống ông bà, giống bố mẹ, trạm thụ tinh nhân tạo, trạm kiểm tra năng suất và các cơ sở nuôi con giống mới nhập nội và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Nghị định này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản theo chức năng và quyền hạn của mình quy định chế độ kiểm tra, thanh tra giống vật nuôi và phân công, phân cấp việc tổ chức kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất.
Điều 29.- Tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có hoạt động liên quan đến giống vật nuôi trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo Nghị định này.
Điều 30.- Các tổ chức, cá nhân có thành tích về quản lý giống vật nuôi, chọn lọc, bảo vệ, bồi dục tài nguyên giống, tạo giống mới, nhân nhanh giống, chỉ đạo phát triển giống trong sản xuất sẽ được khen thưởng.
Người có hành vi vi phạm các quy định trong Nghị định này thì tuỳ theo mức độ gây thiệt hại cho Nhà nước và tổ chức cá nhân sẽ bị xử phạt và bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.
Điều 31.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản theo chức năng và quyền hạn của mình phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra thi hành Nghị định này.
Điều 32.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.