Quy hoạch sông Hồng mới nhất đến năm 2030

Vùng đồng bằng sông Hồng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Quy hoạch sông Hồng chính là định hướng cho sự kết nối và phát triển bền vững của khu vực này.


1. Đôi nét về vùng đồng bằng sông Hồng

Vùng đồng bằng sông Hồng (Ảnh minh hoạ)

Vùng đồng bằng sông Hồng thuộc khu vực Bắc Bộ của Việt Nam, bao gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây là vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước với 1.091 người/km2 (năm 2021).

Đồng bằng sông Hồng có tầm quan trọng đặc biệt trong phân công lao động của cả nước. Đây là vùng có vị trí địa lý thuận lợi, điều kiện tự nhiên cũng như tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, dân cư đông đúc, nguồn lao động dồi dào và mặt bằng trình độ dân trí cao.

Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Vùng đồng bằng Sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc”.

Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Kinh tế vùng tăng trưởng bình quân đạt 7.94%/năm (giai đoạn 2005-2020); quy mô kinh tế tăng nhanh, riêng năm 2020 chiếm 29,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người gấp 1.3 lần bình quân của cả nước. Vùng này đóng vai trò là vùng kinh tế động lực hàng đầu; đi đầu và dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện đột phá các chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế như vậy là chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào vốn và lao động chứ chưa dựa vào sự tiến bộ của khoa học – công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Các địa phương trong vùng phát triển không đồng đều nhau. Công tác quy hoạch đặc biệt là quy hoạch đô thị còn có nhiều bất cập; vẫn còn nhiều quy hoạch, dự án treo.

Mục tiêu của Bộ Chính trị đặt ra cho vùng đồng bằng sông Hồng cho đến năm 2030 là phải trở thành “vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc dân tộc”. Và tầm nhìn cho đến năm 2045 là phải trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về giáo dục, văn hóa, khoa học – công nghệ, y tế; trở thành trung tâm kinh tế, tài chính ở tầm khu vực và thế giới.

2. Những nội dung chính liên quan đến quy hoạch sông Hồng đến 2023

Vào ngày 19/4/2022, Quyết định số 492/QĐ-TTg đã được ban hành, phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là khung định hướng cho sự kết nối và phát triển bền vững của vùng này.

2.1 Phạm vi, ranh giới và thời kỳ quy hoạch

Phạm vi của quy hoạch sông Hồng được xác định là bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính trên đất liền và không gian biển của 11 tỉnh, thành phố thuộc vùng này.

Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng về mặt không gian sẽ được mở rộng đến cả các khu vực có ảnh hưởng cũng như tác động đến vùng về kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường, quốc phòng – an ninh, liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Ranh giới quy hoạch là ranh giới vùng, cụ thể:

  • Phía Bắc, Đông Bắc và phía Tây, Tây Nam giáp với vùng trung du và miền núi phía Bắc;

  • Phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung;

  • Phía Đông giáp với Vịnh Bắc Bộ.

Thời kỳ quy hoạch là từ 2021 đến 2030, tầm nhìn cho đến năm 2050.

Phạm vi, ranh giới quy hoạch (Ảnh minh hoạ)

2.2 Quan điểm lập quy hoạch

Quan điểm lập quy hoạch theo Quyết định số 492/QĐ-TTg:

  • Việc lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

  • Lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng bảo đảm khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trên cơ sở kết nối các địa phương trong vùng;

  • Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội, môi trường với bảo đảm quốc phòng an ninh, củng cố vững chắc an ninh nội địa, bảo đảm công tác phòng thủ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển;

  • Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ vùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng;

  • Bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực do kinh tế - xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế của cộng đồng dân cư. Quá trình lập quy hoạch cần kết hợp với các chính sách khác để thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững của người dân.

2.3 Mục tiêu lập quy hoạch

Cùng với quan điểm lập quy hoạch, mục tiêu lập quy hoạch cũng được xác định rõ:

  • Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng là công cụ quản lý của nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững; là cơ sở để lập Quy hoạch các tỉnh trong vùng;

  • Xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển, các định hướng và giải pháp bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội hợp lý nhằm giải quyết các vấn đề xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trên địa bàn vùng khi hoạch định phương án phát triển của từng ngành, từng địa phương trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng. Xác định các ngành có lợi thế của vùng, mục tiêu, phương án và bố trí không gian phát triển các ngành, đảm bảo khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng;

  • Xây dựng không gian phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, địa phương trong vùng. Đồng thời, quy hoạch phải hướng tới phát triển vùng đồng bằng sông Hồng bền vững trên các trụ cột: phát triển kinh tế - bảo đảm an sinh xã hội - bảo vệ môi trường, di sản văn hóa; phát triển bền vững trong dài hạn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh;

  • Xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thống nhất giữa các địa phương trong vùng, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của các địa phương trong vùng và của quốc gia.

2.4 Nội dung chính của quy hoạch

Nội dung chính của quy hoạch sông Hồng (Ảnh minh hoạ)

Nội dung chính của quy hoạch được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạchNghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Bao gồm:

a) Phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng.

b) Dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển vùng các mặt kinh tế, xã hội và môi trường và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển.

c) Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển vùng

- Quan điểm về phát triển vùng;

- Quan điểm về tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch;

- Xây dựng mục tiêu tổng quát phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng cho thời kỳ đến năm 2030 và cho từng giai đoạn 5 năm.

d) Xây dựng phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng.

đ) Xây dựng phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng.

e) Phương hướng xây dựng, tổ chức không gian.

g) Xây dựng phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng vùng.

h) Xây dựng phương hướng bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng.

i) Xây dựng phương hướng khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông trên lãnh thổ vùng.

k) Xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư; luận chứng danh mục dự án quan trọng của vùng, thứ tự ưu tiên và phân kỳ thực hiện các dự án.

l) Xác định các giải pháp và dự kiến nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Bước đầu của quy hoạch là phải phân tích, đánh giá được thực trạng của các yếu tố vùng, nhằm nắm bắt được đầy đủ những đặc điểm cũng như lợi thế của vùng cũng như từng tỉnh, thành phố. Qua đó, dự báo được triển vọng và nhu cầu phát triển vùng trên mọi mặt, xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển cho phù hợp với đặc trưng và triển vọng của vùng.

Nội dung của quy hoạch cũng phải xác định rõ được quan điểm cũng như mục tiêu phát triển của vùng để đảm bảo cho việc phát triển được thực hiện một cách đồng bộ, có kế hoạch. Tiếp theo đó là phải xây dựng được các phương hướng, phương án phát triển; tiêu chí xác định liên quan đến các dự án ưu tiên, quan trọng; giải pháp và dự kiến nguồn lực thực hiện.

Như vậy, quy hoạch sông Hồng được định hướng thực hiện một cách toàn diện, theo trình tự hợp lý nhằm đảm bảo cho việc phát triển khu vực này được nhanh chóng và bền vững.

2.5 Chủ thể lập quy hoạch

Hội đồng quy hoạch quốc gia là chủ thể có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch cũng như các quy định khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, các cơ quan ngang bộ cũng như là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực thực hiện một số nhiệm vụ khác tại Điều 2 của Quyết định số 492/QĐ-TTg.

3. Ý nghĩa của quy hoạch sông Hồng

Ý nghĩa của quy hoạch sông Hồng (Ảnh minh hoạ)

Bởi vì vùng đồng bằng sông Hồng là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về mọi mặt từ kinh tế – xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế… nên quy hoạch sông Hồng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

  • Là khung định hướng cho sự kết nối các giá trị, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong khu vực, tạo động lực cho toàn bộ khu vực kết hợp lại thành một nguồn lực mạnh đảm bảo cho sự phát triển chung, đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả và bền vững;

  • Giữ vai trò định hướng cho sự phân bổ các hoạt động kinh tế - xã hội sao cho phù hợp với lợi thế, tiềm năng của mỗi tỉnh, thành phố;

  • Đây vừa là cơ sở khoa học vừa là cơ sở pháp lý để các địa phương trong khu vực lập Quy hoạch tỉnh một cách đồng bộ, tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo;

  • Là cơ hội để định vị, sắp xếp lại không gian phát triển;

  • Phân bổ, bố trí các nguồn lực cho sự phát triển các ngành, các lĩnh vực theo không gian phát triển một cách hợp lý, khoa học để tạo nên được động lực mới và không gian mới;

  • Tạo cơ hội giúp đánh thức được các tiềm lực, lợi thế của vùng đồng bằng sông Hồng, qua đó nhằm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng xứng đáng với vị thế là trung tâm lan tỏa phát triển và kết nối liên vùng.

4. Thực trạng triển khai quy hoạch sông Hồng

Tính đến đầu tháng 12/2023, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên và duy nhất của vùng đồng bằng sông Hồng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu phát triển của tỉnh Quảng Ninh cho đến năm 2030 là sẽ trở thành một tỉnh tiêu biểu cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân và là cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Hà Nội - nơi được xác định đóng vai trò đầu tàu, trung tâm hội tụ, là hạt nhân lan tỏa của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước, vào ngày 23/11/2023 cũng đã xin ý kiến đối với quy hoạch Thành phố Hà Nội.

Các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc cũng đã trình rà soát Quy hoạch tỉnh sau thẩm định. Trong khi đó, các tỉnh còn lại là Hưng Yên và Hà Nam chỉ mới trình thẩm định Quy hoạch.

5. Kết luận

Như vậy, trên đây là đôi nét về quy hoạch sông Hồng - khung định hướng toàn diện cho sự phát triển của khu vực này. Quy hoạch này được kỳ vọng sẽ thay đổi được căn bản diện mạo vùng, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện, bền vững khu vực và cả nước.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.

Làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1?

Để đảm bảo cho việc cung cấp và sử dụng các trò chơi điện tử trên mạng được an toàn cho người dùng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến hoạt động này. Vậy làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng?

Mẫu đơn đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã được ban hành ngày 09/11/2024. Trong đó, đáng chú ý là các quy định chi tiết về cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Vậy để đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, doanh nghiệp phải sử dụng mẫu đơn nào?

Điều kiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội là trang mạng điện tử rất phổ biến hiện nay. Vậy điều kiện để được cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì và những quy định nào doanh nghiệp cần biết khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội?